Powered By Blogger

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Bột Nê trong sử liệu Trung Quốc: các đoạn dịch văn bản liên quan từ đời Tống đến đời Thanh (I)



     Bột Nê trong sử liệu Trung Quốc: các đoạn dịch văn bản liên quan
     từ đời Tống đến đời Thanh (I)

              Johannes L. Kurz

        Người dịch: Hà Hữu Nga

1. Giới thiệu

Đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á thì các nguồn sử liệu Trung Quốc được cho là đã thể hiện bằng chứng lịch sử sự tồn tại của mình. [1] Trường hợp 渤泥 Bột Nê [Boni] là rất đặc biệt, vì nó không chỉ được dùng để minh họa cho các vấn đề diễn giải các nguồn sử liệu, mà nó còn là một quá trình liên tục dành riêng việc viết về 渤泥 Bột Nê cho lịch sử dân tộc Brunei.  

Kể từ các công trình nghiên cứu của Robert Nicholl đặc biệt là trong những năm thuộc thập niên 1980, việc lý giải lịch sử sau đây đã được các thể chế lịch sử ở Brunei chấp nhận rộng rãi, trong đó có Trung tâm Lịch sử Brunei, và Viện Hàn lâm Nghiên cứu Brunei.  

Nicholl đặt Brunei cổ dọc theo ven biển tây bắc Borneo, ngày nay bao gồm hai quốc gia Liên bang Malaysia, đó là Sarawak và Sabah, và Vương quốc Hồi giáo Brunei. Cách đọc các nguồn sử liệu của ông chỉ dựa vào các bản dịch đã đưa ông đến kết luận rằng nước 婆利 [Bà Lợi] Poli được đề cập đến trong sử liệu Trung Quốc đời nhà Đường (618 – 907) là tiền thân của nước Bột Nê [2] được mô tả trong 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký của thế kỷ X. Vì vậy mà ông đã có thể tái dựng lịch sử định cư của Brunei từ đầu thiên niên kỷ I trở đi. Tuy nhiên Nicholl đã lờ đi một sự thật là Bà Lợi cũng được mô tả trong 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký, và không hề liên quan gì đến 渤泥 Bột Nê. [4]

Hơn nữa các nguồn sử liệu ấy không hề hoàn toàn chính xác trong việc xác định vị trí của 渤泥 Bột Nê, vì vậy trong bài viết tiếp theo, giả thiết công tác được đưa ra là ở bất kỳ thời nào thì các nguồn sử liệu cũng có thể liên quan đến những quốc gia nào đó đã tồn tại ở đâu đó trên đảo Borneo, và cũng không ngoại trừ khả năng nó tồn tại ở vùng ven biển tây bắc của đảo này.

Roderich Ptak trong một bài viết về các tuyến thương mại từ Trung Quốc đến Đông Nam Á đã mô tả việc định vị 渤泥 Bột Nê là rất khó, khi dựa vào bằng chứng khảo cổ học về các loại hình gốm sứ. Ông cũng đã đề xuất các câu hỏi quan trọng liên quan đến việc xác định 渤泥 Bột Nê trong các triều đại Tống, Nguyên và Minh. [5]

Cho đến thế kỷ XV, việc người Trung Quốc không quan tâm lắm đến vị trí 渤泥 Bột Nê có thể được coi là một dấu hiệu không quan trọng của nó. Điều đó đặc biệt đúng khi chúng ta thấy rõ một thực tế là sau khi xác lập các mối quan hệ chính thức thì các nguồn sử liệu sẵn có vẫn còn rất mơ hồ trong việc xác định vị trí của Bột Nê. Tuy nhiên việc lẫn lộn ấy đã khiến tôi nghĩ rằng mỗi quốc gia trong số các quốc gia tồn tại trên đảo Borneo đều được đưa vào danh tính Bột Nê. Đối với trường hợp Brunei, bằng chứng vững chắc cho sự tồn tại của nó chỉ xuất hiện khi người châu Âu đặt chân đến vùng này vào các thế kỷ XVI – XVII. Trong đoạn tiếp theo tôi sẽ trình bày một số đoạn dịch từ các nguồn sử liệu Trung Quốc để cung cấp thêm thông tin về Bột Nê theo trật tự niên đại xuất hiện của chúng. Vì vậy tôi hy vọng sẽ làm rõ một số vấn đề mà Ptak đã đưa ra.  

2. Bột Nê trong các văn bản thời Tống (960-1279)

2.1. Bột Nê trong Thái Bình hoàn vũ ký, 978

Có lẽ giải thích sớm nhất về Bột Nê được thấy trong 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký của 樂史 Nhạc Sử (930-1007), [6], một bộ địa chí tổng hợp trong 200 quyển, niên hiệu 太平 (976-983) nhà Tống, được viết trong khoảng thời gian từ năm 979 đến năm 987. Trong khi phần chính của công trình liên quan đến địa lý lãnh thổ Trung Quốc thì các chương cuối, 172-200 lại mô tả các quốc gia xung quanh đế chế Trung Quốc. Phần này có tiêu đề 四裔 Tứ Di, có nghĩa là các cộng đồng người sống ở vùng biên của nền văn mình Trung Quốc. Những mô tả về các vùng đất này bắt đầu từ phía đông, sau đó đến phía nam, rồi phía tây, và cuối cùng là những cộng đồng người ở phía bắc. Đoạn nói về Bột Nê là những diễn giải về các sắc dân gọi là 南蠻 nam man; trong tất cả các tập về sau người ta đều viết về Bột Nê theo cách phân loại đó. man là các sắc dân rìa phía nam của đế chế Trung Quốc thuộc các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, vì vậy 南蠻 nam man là các sắc dân sống ở xa hơn cả các vị trí đó. [7]

Văn bản của 樂史 Nhạc Sử là nguồn sử liệu cho toàn bộ các cuốn sách khác đề cập đến Bột Nê trong thời nhà Tống, kể cả 諸蕃志 Chư Phiền chí (1225), 文獻通考 Văn hiến Thông khảo (1308), và bộ sử chính thống của nhà Tống, bộ 宋史 Tống sử (1343-1345). Vì vậy có lẽ là “nguồn sử liệu cổ” mà Robert Nicholl xác định là nguồn thông tin cho hai công trình sau; tuy nhiên ông nghĩ rằng nguồn sử liệu này đã bị mất. [8] Các đoạn sử liệu về 占城 Chiêm Thành [9] và Bột Nê được ghi chú rất thú vị là 新入 “tân nhập”, có nghĩa là các nước này bắt đầu tiếp xúc với triều đình Trung Quốc chỉ một thời gian ngắn trước khi bộ 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký được soạn thảo. Theo đó Chiêm Thành đã tiếp xúc với Trung Quốc chỉ vào thời gian nhà 後周 Hậu Chu (951 – 960) vào năm 958 [10], mặc dù Bột Nê chỉ được biết tại triều đình Trung Quốc vào năm 977.

“Nước 渤泥 Bột Nê không được ghi trong các bộ sử của chúng ta, vì các địa danh ở nước ngoài thường thay đổi các tên cổ của họ. Vào tháng Tám, năm thứ hai đời 太平興國 Thái bình Hưng quốc, 向打 Hướng Đả là vua của nước đó, đã cử 施努 Thi Nỗ, người phó của ông là 蒲亞利 Bồ Á Lợi, người trợ tá 哥心 Ca Tâm, và những người khác nữa đến triều đình Trung Quốc. Bức thư của ông không phải được viết trên giấy [mà viết trên một loại chất liệu] giống như vỏ cây, nhưng rất mỏng, óng ánh và mịn màng. Loại chất liệu này màu lam nhạt, và dài vài xích (0.33cm*), rộng hơn một thốn [tấc = 10cm*]. [12] Nó được cuộn lại và dễ dàng cầm trên tay. Thư này được bọc trong mấy cái bao nhỏ. Chữ không nhận ra được, nhưng rất mềm mại, được viết theo hàng ngang”. 
  
Về chiếu chỉ của nhà vua 蒙骨 Mông Cốt [13] được dịch sang 華言 chữ Hán: “Tôi, quốc vương Bột Nê, 向打 Hướng Đả”, ...v.v. Vì con thuyền của 番人 phiên nhân [người Ả Rập] 蒲盧歇 Bồ Lô Hiết đến đón, nên giờ đây người ta đã phát hiện được cách thức đi lại và biết được số quà mang theo là 60 lạng [14] 龍腦 long não tấm, 20 lạng 米龍腦* mễ long não (long não đã bỏ vỏ, long não khô), 20 lạng 蒼龍腦 thương long não (long não xanh) [15], năm tấm 龍腦板 long não bản, ba mai 玳瑂 đồi mồi, ba miếng 白檀香 bạch đàn hương, 2000 lạng mai rùa, 6 chiếc ngà voi. [16]

“Khi được hỏi lại, các viên sứ bộ của nước này đều nói:

"[Nước chúng tôi] nằm ở tây nam của kinh đô Khai Phong, trên biển lớn. Cách 蛇婆 Sà Bà 45 ngày đường, cách 三佛齊 Srivijaya [Tam Phật Tề] 40 ngày đường, và cách 摩逸 [Ma Dật] (Mindanao?) 30 ngày đường. Số ngày đi thuyền đến 占城 Chiêm Thành cũng bằng số ngày đến 摩逸 Ma Dật. Các tính toán này đều dựa vào gió mùa để đi thuyền, nếu không thì khó mà xác định được số ngày. Trong nước, chúng tôi dùng ván để làm tường thành. Trong thành có hơn 10.000 dân. Tất cả có 14 quận huyện có các ngọn núi nhỏ. Nhà của đức vua được lợp bằng lá dừa, còn nhà dân thường  lợp bằng cỏ. Các quần thần xung quanh nhà vua là các 大人 đại nhân. [Nhà vua] ngồi trên một chiếc cáng tết bằng các sợi dây. Khi đi ra ngoài ông ngồi trong một chiếc 阮囊 nguyễn nang (nhận xét: một chiếc bao bố), và được khiêng đi. 

Khi ra trận họ sử dụng những cây cung dài và áo giáp được làm bằng đồng. Áo giáp hình chiếc ống, giúp che kín lưng và bụng.

Vùng đất này sản xuất ra long não, mai rùa, 蘇木 gỗ tô mộc, cau, đinh hương, và gỗ mun. [17] Người dân ăn thịt gà, dê và cá. Họ dùng trâu và 黃牛 hoàng ngưu bò để cày ruộng. Hoa màu chủ yếu là cây gai và lúa. Không có tơ tằm, người dân dùng 古貝 [kapas, kapeh**] cổ bối [18] để xe sợi dệt thành vải”.

Khi có đám cưới họ uống 椰子酒 da tử tửu rượu dừa, ăn 檳榔 tân lang trầu và trao nhẫn. Cuối cùng trao tặng lễ vật là vải 古貝 cổ bối hoặc một con dao sáng loáng [19] cùng với vàng để kết thúc các nghi lễ. Về lễ tang thì họ cũng chôn người trong quan tài. Trẻ em chết thì hỏa táng. Còn người lớn chết thì có mái vòm làm bằng tre. Người ta đem xác chết lên núi và bỏ lại đó. Trong tháng thứ hai (theo lịch âm) họ bắt đầu làm đất và sau đó thì cúng tế người chết. Sau bảy năm thì họ không cúng lễ gì nữa.

Niên lịch của họ kết thúc vào tháng thứ 12 và họ làm lễ ngày thứ bảy [tháng đó] như là một ngày thiêng liêng. Nơi này khí nóng, có nhiều gió và mưa. Trò chơi cực kỳ ưa thích của cư dân ở đây là đánh trống, thổi sáo, đánh chũm chọe, vỗ tay, và người ta cũng hát, múa để giải trí. Đồ nấu ăn không dùng gốm sứ, mà dùng những chiếc rổ tre và lá cọ làm nồi niêu bát đĩa. Sau khi ăn xong, họ vứt tất cả các vật dụng ấy đi. [20]

Có một vài mẩu thông tin liên quan được phát hiện trong sách太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký rất đáng được tiếp cận gần hơn. Thông tin đầu tiên là người Trung Quốc không có kiến thức về xứ sở của họ trước năm 977. Đối với Nicoll việc giới thiệu về Nhạc Sử mở ra khả năng là Bột Nê thực sự là một các tên khác của đất nước mà ông đã xác định là ở tây bắc Borneo. Bằng chứng về tính chất đáng tin cậy trong giả định của Nicoll mà ông đã phát hiện được trong công trình của Pelliot là người xác quyết rằng 勃泥 Bột Nê được đề cập trong 蠻書 Man thư của 樊綽 Phàn Xước (vào cuối thế kỷ IX) là sự xuất hiện đầu tiên của cái tên nói về Borneo. [21] Thật ra vẫn còn đôi chút khó khăn trong việc đồng nhất Bột Nê với Borneo trong văn bản này, vì không có các định hướng cũng như không có bất cứ thông tin chi tiết nào thêm nữa để xác định vị trí đó một cách chính xác hơn. Vấn đề đang được nói đến thể hiện trong đoạn chứ Hán như sau: 又南有婆羅門,波斯,闍婆,勃泥,昆侖 數種外道***”Hơn nữa phương nam còn có một vài chủng ngoại đạo là Bà La Môn, Ba Tư, Đồ Bà, Bột Nê, và Côn Lôn”.

Liên quan đến việc mô tả đất nước này trong 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký, nó xuất phát từ miệng của các viên sứ bộ. Nếu nơi này đã có buôn bán với Trung Quốc trước năm 977 thì có lẽ các sứ bộ đã không có các hồi ức về nó?. Cuối cùng chỉ một trăm năm – hoặc ba thế hệ - đã trôi qua kể từ khi có cái xứ được cho là Bột Nê/Borneo đó trong Man Thư. Hơn nữa, rõ ràng là vị thương nhân nước ngoài đã thuyết phục quốc vương Bột Nê rằng nếu gửi sứ bộ ngoại giao đến triều đình Trung Quốc thì chắc chắn sẽ chỉ có lợi. Khi mối quan hệ đã được thiết lập thì 蒲盧歇 Bồ Lô Hiết chắc chắn cũng sẽ được tưởng thưởng hào phóng của Bột Nê cũng như của triều đình Trung Quốc.

Vì vậy việc không có thông tin về Bột Nê trong các ghi chép trước thời Bắc Tống sớm không hề đem đến bằng chứng đầy đủ cho sự tồn tại của một đất nước có một cái tên khác trong cùng một vị trí không được xác định chắc chắn trong thời nhà Đường. Một điều cũng rất rõ ràng là những cái tên được ghi trong Man Thư cũng được cho là thuộc về các nhóm sắc tộc hơn là những địa danh, vì có hạn định từ 國, đất nước sau cái tên bị mất. Ngược lại, 太平環宇記 Thái Bình hoàn vũ ký, coi Bột Nê là một nước.

Nhận định của các sứ bộ dễ làm cho người ta bối rối, vì họ không thể nói được làm thế nào để đến được các nước láng giềng chẳng hạn như 蛇婆 Sà Bà, 三佛齊 Tam Phật Tề, 摩逸 Ma Dật, và 占城 Chiêm Thành. Nếu họ thực sự biết cách làm thế nào để đến được đó thì khó mà tin được rằng họ lại bỏ qua tuyến đường đến Trung Quốc. Hơn nữa, có khả năng là trong thực tế họ đã biết rõ về các khoảng cách để đến các quốc gia đó là từ 蒲盧歇 Bồ Lô Hiết, là người đã nói với họ, hoặc thậm chí đã hướng dẫn cho họ đường đến Trung Quốc.  

Các sản vật địa phương mà các sứ bộ dùng là đồ cống là rất điển hình cho vùng Đông Nam Á. Nicoll lại đưa long não ra làm bằng chứng cho nguồn gốc của người dân vùng tây bắc Borneo hoặc Brunei. Tuy nhiên tôi cho rằng mặc dù long nào có thể được phát hiện tại Borneo, nhưng sự thật là nó là một phần của cống vật, thì điều đó vẫn chưa đủ để khẳng định Bột Nê chắc chắn là nằm trong hoặc nằm xung quanh vịnh Brunei. Người dân Bột Nê có thể có được long nào thông qua thương mại. Việc đồng nhất cư dân có liên quan là người Hồi giáo là một suy diễn hợp thức bắt đầu bằng việc đồng nhất Pulyali với Abu Ali của Hirth và Rockhill. [23] Shinu đã được Jamil al-Sufri khôi phục là Sheikh Noh còn Gexin là Qadhi Kassim, dựa vào cách đọc bản dịch đoạn nói về Bột Nê trong Tống sử [24] của Groeneveldt. Tuy nhiên với cách biện minh như vậy, chúng ta cũng có thể giữ lại các phiên âm nguyên bản tiếng Hán để nói về những cái tên bản địa không phải là Hồi giáo. Bồ Lô Hiết, là người đã nói với họ, hoặc thậm chí đã hướng dẫn cho họ đường đến Trung Quốc. 

蒲盧歇 Bồ Lô Hiết chắc chắn không phải là một cái tên Trung Quốc [25] vì được xác định là một Phiên nhân, gợi ý về người Ba Tư, người Ả Rập hoặc thậm chí là một thương nhân Ấn Độ. Việc xác định người phiên dịch 蒙骨 Mông Cốt cũng vẫn còn là một điều bí ẩn, và không thể nói được ông ta đã sử dụng ngôn ngữ nào để nói chuyện với các sứ bộ. Thật là cám dỗ khi liên hệ 蒙骨 Mông Cốt với các bộ lạc nam Trung Quốc có tên là Man dân, và để xây dựng một giả thuyết về mối quan hệ ngôn ngữ của các sắc dân này với các vị khách ngoại quốc. Tuy nhiên, với rất ít thông tin thì chúng ta chỉ có thể đưa ra được giả thuyết mà thôi. Thật thú vị là các sứ bộ không hề nói gì về Bột Nê nằm trên một hòn đảo, cho dù các tuyến hải hành nhất định đã cho thấy đất nước này nằm trên đảo.
____________________________________

Nguồn: Johannes L. Kurz,  Boni in Chinese Sources: Translations of Relevant Texts from the Song to the Qing Dynasties, Universiti Brunei Darussalam.

Tác giả: GS.TS. Johannes L. Kurz chuyên nghiên cứu về Hán văn cổ, Trung Quốc học hiện đại, và lịch sử nghệ thuật Đông Á tại Viện Trung Quốc học, Đại học Heidelberg, GS. Trung Quốc học, Đại học Kiel, Cộng hòa Liên bang Đức.

Ghi chú của người dịch:

** 古貝 cổ bối, ở chú thích [18] Johannes L. Kurz có ghi một cách đúng đắn là 吉貝 cát bối, nhưng không giải thích gì thêm về mẩu thông tin quan trọng này. Như chúng ta đều biết, 吉貝 cát bối có nguồn gốc trực tiếp từ tiếng Malayo-Polynesian là kapas, kapeh và có nghĩa là cây bông, vải bông, sợi bông (tiếng Việt gọi là vải cát bá). Tuy nhiên, kapas có thể được vay mượn từ tiếng Phạn कार्पास* karpāsa, với các nghĩa chính sau đây: cây bông, vải vóc, quần áo. Ngoài ra các cổ thư Trung Quốc đề cập đến nghề dệt của các nước thuộc vùng Đông Nam Á cũng xác nhận cát bối có nguồn gốc Ấn Độ: 海南諸國,大抵在交州南及西南大海洲上,相去近者三五千里,遠者二三萬裡,其西與西域諸國接。吉貝者,樹名也,其華成時如鵝毳,抽其緒紡之以作布,潔白與紵布不殊,亦染成五色,織爲斑...衣吉貝布,著長身小袖袍、小口袴。[梁書/54].

“Các nước ở Nam Hải, đại để là từ Giao Châu đến tây nam Đại hải châu [Thượng Đông Dương], đi đến đó gần thì cũng 3-5000 dặm, xa thì 2-3 vạn dặm, phía tây của châu đó tiếp giáp với các nước Tây Vực. Ở đó có loài cây tên gọi cát bối, hoa nở giống như búi lông tơ thiên nga, rút tơ đó ra, xe thành sợi, dệt vải óng muốt không khác nào vải sợi gai, cũng nhuộn được thành ngũ sắc, dệt thành văn ... May áo khoác ngắn tay, quần hẹp ống”. [Lương thư/ Quyển54]

*** Không hiểu tại sao câu chữ Hán này 又南有婆羅門,波斯,闍婆,勃泥,昆侖 數種外道 lại được dịch một cách ngô nghê sang tiếng Anh là: “And then there are several peoples living in the foreign regions to the south, such as the Poluomen, Bosi, Shepo, Boni, and Kunlun”?.

Tài liệu dẫn

1. For a general discussion of the problematic use of Chinese sources for the identification of places in Southeast Asia see Tjan Tjoe Som, "Chinese Historical Sources and Historiography", in Soedjatmoko. Mohammad Ali, G.J. Resink and G. McT. Kahin (eds), An Introduction to Indonesian Historiography (Ithaca/London: Cornell University Press, 1965), 194-205.

2. Throughout his writings (1975-1990) Nicholl transcribes the characters 渤泥, 渤尼 and 勃泥 with P'o-ni following an older Western transcription system. However, his transcription of the characters is incorrect, because the characters should be represented correctly by Po-ni, or Boni, according to the Chinese Hanyu pinyin transcription system. and
  
3. Yue Shi 樂史, Taiping huanyuji 太平環宇記 (Taibei: Wenhai chubanshe, 1993), 276.11b-12b (513).

4. A very insightful treatment of Poli and its presumed locations is found in Roderich Ptak, "Possible Chinese References to the Barus Area (Tang to Ming)", in Claude Guillot (ed.), Histoire de Barus, Sumatra: Le site de Lobu Tua, vol. I: Études et documents (Paris: Association Archipel, 1998), 120-125. On the basis of Ptak's research I tend to believe that Poli was in Sumatra or Java, and not necessarily in Borneo.

5. Roderich Ptak, "From Quanzhou to the Sulu Zone and Beyond: Questions Related to the Early Fourteenth Century", in Journal of Southeast Asian Studies 29.2 (1998): 269-294.  

6. On Yue Shi, his TPHYJi, and other writings see A Sung Bibliography, 128, and Johannes L. Kurz, Das Kompilationsprojekt Song Taizongs (reg. 976-997) (Bern: Lang, 2003), 152-154.

7. For an impression of the horrors the uncivilized south of China where people frequently were exiled held for educated people see James M. Hargett, "Clearing the Apertures and Getting in Tune: The Hainan Exile of Su Shi (1037-1101)," in Journal of Sung-Yuan Studies 30 (2000): 141-167.

8. See Robert Nicholl, "Sources for the Early History of Brunei", unpublished, 54, 8.

9. For a recent treatment of the history of Champa, see Michael Vickery, "Champa Revised", ARI Working Paper, No. 37, March 2005, www.ari.nus.edu.sg/. Zhancheng is the only Southeast Asian country, that is dealt with in the Wudai huiyao 五代會要 (961) by Wang Pu 王溥 (922-982). See Wudai huiyao (Shanghai: Shanghai guji chubanshe, 1978), 30.479-480.
10. TPHYJ 279.16b-17a (539-540).

11. All official titles have been translated according to Charles O. Hucker, A Dictionary of Official Titles in Imperial China (Stanford: Stanford University Press, 1985).

12. A chi in Song times was equal to 31.2 cm, a cun to 3.12 cm.

13. I have not been able to trace any more information on Menggu.

14. A liang in Song times corresponded to 40 grams. See "Zhongguo lidai hengzhi yanbian cesuan jianbiao 中國歷代衡制演變測算簡表", in Hanyu dacidian fulu suoyin 漢語大詞典附錄索引, ed. by Luo Zhufeng 羅竹風 et al. (Shanghai: Hanyu dacidian chubanshe, 1994), 18.

15. I have replaced the original cang with the character used by Zhao Rugua. See Chau Ju-kua, 156.

16.  On the significance of camphor in traditional China see Han Wai Toon, "Notes on Borneon Camphor Imported into China", in BMJ 6.1 (1985):1-31. For a more recent treatment of camphor, its uses and its role in Asian trade, see Roderich Ptak, "Camphor in East And Southeast Asian Trade, c. 1500: A Synthesis of Portuguese and Asian Sources", in Anthony Disney and Emily Booth (eds), Vasco da Gama and the Linking of Europe and Asia (New Delhi: Oxford University Press, 2000), 142-166.  

17.  For more information on ebony and its trade in China see Roderich Ptak, "Ebenholz in China: Termini, Verwendung, Einfuhr (ca. 1200-1600)", in Münchner Beiträge zur Völkerkunde 3:17-40 (1990).

18. This certainly should read jibei 吉貝 as in all other texts treated here.

19. The commentary to jingdao in TPHYJ is indecisive. It says that the term may refer to money, but that this meaning cannot be established. I therefore have chosen the present literal translation.  

20. TPHYJ 179.17a-18b (540). Cf. also the partial translation of this text in Sei Wada, "The Philippine Islands as Known to the Chinese Before the Ming Period", in Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko 4 (1929): 127, note 2.

21. Paul Pelliot, "Deux itinéraires de Chinese en Inde à la fin du huitième siècle", in BEFEO 4 (1904):277-287, note 2.

22. Fan Chuo, Manshu jiaozhu 蠻書校注, revised and annotated by Xiang Da 向達 (Beijing: Zhonghua shuju, 1962), 6.164.  

23. Chau Ju-kua, 157.

24. Jamil Al-Sufri, Tarsilah Brunei: The Early History of Brunei up to 1432 AD (Bandar Seri Begawan: Brunei History Centre, 2000), 9. Chen Dasheng suggests Sina for Shinu, Abu Ali for what he refers to as Buyali (Puyali), and Kasim for Gexin. See Chen Dasheng, "A Brunei Sultan in the Early 14th Century: Study of an Arabic Tombstone", in Journal of Southeast Asian Studies 23.1 (1992): 11. 

25. Jamil Al-Sufri addresses him as a 'Chinese trader'. See Tarsilah Brunei, 9. Note that Chen addresses Puluxie as a 'Chinese merchant' as well, and renders his name as Abu Ali. See Chen, "Brunei Sultan", 11.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét