Champa
Nhìn lại (VI)
Michael Vickery
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Vấn đề Vijaya
Trước khi tiếp tục câu chuyện lịch
sử, rất cần phải mở ra một thảo luận về Vijaya, dường như, hoặc đã được
giải thích là có từ tương ứng – trong các Biên niên sử Trung Quốc và Việt Nam sau
này và trong các bi ký thế kỷ XI-XII. Ở đây cần phải khẳng định rằng Vijaya
đã bị hiểu nhầm cả về tên gọi lẫn vị trí, đã dẫn đến những diễn giải sai lầm trong
các bộ sử. Cái tên Vijaya trong tất cả các văn liệu hiện đại về Champa đều được
hiểu một cách thông thường là trung tâm Champa tại Bình Định, gần thành phố Quy
Nhơn hiện nay. Các thế hệ sử gia xưa, bắt đầu với Finot và tiếp tục nổi bật với
Maspéro, đã cho rằng đây là kinh đô Champa, trong một thời gian ngắn từ năm
1000 đến 1044 SCN. Như Southworth đã lưu ý, đối với Finot thì Vijaya là một trong
“một loạt tỉnh” thuộc vương quốc Champa “về cơ bản vẫn không thay đổi, nếu kể đến
toàn bộ các giai đoạn từ thế kỷ II đến thế kỷ XV”. [89] Ngay cả một thế hệ sử
gia mới Pierre-Bernard Lafont, cũng vẫn coi “Champa, với kinh đô Vijaya”; “miền
bắc của đất nước này [rõ ràng trong bối cảnh đó thì tất cả đều là bắc Phan
Rang], có kinh đô là Vijaya”; và “Vijaya, trung tâm quyền lực và nền văn minh
Champa cho đến khi bị người Việt thôn tính vào năm 1471”. [90]
Tuy nhiên tình huống ấy của Vijaya không phải là cách giải thích
trực tiếp của các nhà Chăm học đầu tiên. Aymonier trước hết tin rằng Vijaya “chắc
chắn phải là một tiểu quốc vùng đệm nằm ở vùng đồng bằng Phan Thiết ngày nay;
vào năm 1903 Finot nói rằng “Vijaya không nằm” trong diện liên quan đến bi ký
C17 có niên đại từ năm 1147 đến năm 1160, trong đó Jaya Harivarman, “đã bị quân
đội Cambodia tấn công cùng với Vijaya, đã đánh bại họ ở Caklyang”. [91] Tuy
nhiên một năm sau, Finot đã so sánh các bi ký C101, C17, C30 và C92 (tất cả đều
liên quan đến các cuộc chiến thế kỷ XII với Cambodia) và thấy rằng Nagara
Campā sau đó là Vijaya; “trong thời gian đó”, ông nói, “kinh đô đóng
ở Bình Định”. Từ đó xuất hiện một niềm tin chắc mới: Vijaya/Nagara Campa là ở
Bình Ðịnh, một niềm tin chắc ít tuyệt đối hóa hơn mà một số trang sách đã bổ
sung thêm trong chính bài viết đó: “Vijaya có lẽ tương hợp với tỉnh Bình
Định, và cái tên của thành này có lẽ là
Chà Bàn”. [92]
Finot không giải thích việc thay đổi
quan điểm, nhưng về phương diện Chà Bàn, đó có thể bị ảnh hưởng bởi sự thảo luận
trong các công trình của Pelliot và Aymonier về những huyền sử của
người Chăm. [93] Pelliot đã thực sự chỉ ra một cách thuyết phục dựa trên cơ sở
các sử liệu Trung Quốc rằng vào thế kỷ XII và XIII đã có một “kinh đô” Chăm
tại Bình Định, nhưng ông không thừa nhận tên gọi “Vijaya”, và nghĩ rằng tên gọi
của nó là Chà Bàn, một cái tên mà ông nói là lần đầu tiên xuất hiện trong các bộ
sử Việt Nam vào năm 1312. Ông cũng nghĩ rằng kinh đô 佛逝* Phật Thệ của
người Chăm bị người Việt tấn công năm 1044 và 1069 là ở hoặc nằm gần Chà Bàn.
Tuy nhiên, ông đã phục hồi cái tên 佛逝* Phật Thệ
không phải là विजय*
vijaya mà là भोज*
bhoja**.[94]
Tôi tin rằng William Southworth đã
kiên định một cách mạnh mẽ và chính xác nhất rằng Champa không phải là một
chính thể thống nhất, cũng không phải là một liên thể, mà đúng ra là nó bao gồm
một vài thực thể riêng rẽ, có các mối quan hệ thay đổi theo thời gian (lúc thì
hoàn toàn riêng rẽ, lúc lại liên minh, hòa bình có, gây hấn có, thương mại cũng
có). Ông đã xác quyết rằng “những dẫn chiếu sớm nhất còn lại về Vijaya” có
trong một bi ký (C101), có lẽ có niên đại khoảng các năm 1153 – 1184, và “vì vậy
việc ứng dụng nó vào các giai đoạn sớm hơn trong các tài liệu nghiên cứu có thể
được coi là một sai lệch niên đại lịch sử”. [95] Nói thế là đúng – nhưng còn
các tài liệu tham khảo sớm hơn về các địa điểm được giải thích là ở Bình Định,
mà sau này có tên là Vijaya và đôi khi được cho là như vậy trong các tài liệu
nghiên cứu thì sao? Southworth đã không đi vào vấn đề này.
Trước khi tiếp tục, tôi muốn nhấn
mạnh rằng mặc dù việc chấp nhận chung cho rằng Bình Định là nơi được gọi là Vijaya
trong các bi ký thế kỷ XII và XIII rõ ràng là hợp lý, nhưng lại không có tài liệu
nào chỉ ra một cách dứt khoát điều đó là đúng. Các bi ký Champa và Cambodia cho
thấy quyền bá chủ tại “Vijaya” (được viết như vậy bằng chữ Phạn, chữ Khmer và
chữ Chăm) vào cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Bảy tháp gạch và các quần thể
tháp vẫn đứng đó, như một bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tầm quan trọng của
Bình Định – Quy Nhơn trong thời gian đó, đã được mô tả là thể hiện ảnh hưởng kiến
trúc Angkor (mặc dù tôi thấy thật khó mà thừa nhận điều đó), nhưng với tư cách
là một tổng thể kiến trúc thì chúng hoàn toàn khác với bất cứ kiến trúc nào ở
Cambodia.
Đối với Maspéro và những người tin
theo ông thì tham chiếu đầu tiên đối với Vijaya-Bình Ðịnh là vào năm 988, khi
sau chiến thắng của người Việt, vua Chăm đã rút lui về Phật Thành hoặc Phật Thế
Thành, mà Maspéro tin rằng đó là Vijaya ở Bình Ðịnh. Vào năm 1044, người Việt lại
tấn công và “vào đến tận Vijaya”. Ở đây, Maspéro dựa vào Việt Sử lược là cuốn sử
đầu tiên ghi chép về việc người Việt tấn công Chiêm Thành, và cuối cùng họ đã đến
được thành Phật Thệ. [96] Một lần nữa, vào năm 1069, người Việt lại tấn công.
Các bộ sử Việt như Toàn thư và Cương mục đều ghi rất vắn tắt là vua của họ đã
thân chinh đi đánh Chiêm Thành, không nói rõ là đánh đến đâu, và đã bắt được
vua Chăm là Chế Củ, đưa về làm con tin cho đến khi ông chịu cắt ba châu Địa Lý,
Ma Linh và Bố Chính xa về mạn bắc thuộc Quảng Trị và Quảng Bình ngày nay để chuộc
mình. Lý giải về hành động đó, Maspéro dựa vào Việt Sử lược có nhiều chi tiết
nói về việc quân Việt đánh “vào cảng “Śrī Banöy” mà Maspéro cho là cảng Vijaya-Bình
Ðịnh, được Việt Sử lược gọi là Thị-Lợi-Bì-Nại. Sau đó họ tiếp tục đuổi theo vua
Chăm đến thành Phật Thệ. [97]
Mặc dù Maspéro không tham khảo nguồn
nào, nhưng cái tên “Śrī Banöy” là từ các “huyền thoại lịch sử” Chăm do Aymonier
công bố, trong đó các chi tiết địa lý theo nhĩa đen của những gì chưa hề được
chấp nhận và những chi tiết giờ đây được diễn giải theo cách mới. Theo nghiên cứu
của Po Dharma, được Lafont ủng hộ, thì thủ đô huyền thoại đầu tiên - “Bal Sri Banay”, có thể là Śrī Banöy – nằm ở Pāõóuraïga.
Trong năm kinh đô huyền thoại, không có cái nào ở Bình Định. Tuy niên, trong một
ngữ cảnh khác thì vị trí “Binnai” – một cái tên dường như được phiên âm khá
chính xác những cái tên trong các bộ sử Việt và Trung Quốc cùng thời, và là cái
tên mà Pelliot và Maspéro gọi là Śrī Banöy – ở Quảng Ngãi. [98] Tôi sẽ trở lại
thảo luận về vấn đề này trong câu chuyện dưới đây.
Sau cuộc chiến năm 1069, theo Maspéro,
thì các thủ lĩnh Chăm quay trở về Indrapura/Đồng Dương và không có tài liệu
tham khảo gì thêm về Vijaya-Bình Ðịnh cho đến khi nó thực sự xuất hiện trong bi
ký nói về các cuộc chiến tranh với Cambodia vào thế kỷ XII – XIII, sẽ được thảo
luận sau. Tuy nhiên chữ vijaya xuất hiện trong các bối cảnh khác – không
phải riêng chỉ một cái tên địa danh, mà trong các bối cảnh có thể đã làm cho Finot,
Maspéro và những người khác lầm lạc, kể cả Coedès trong công trình nghiên cứu về
Śrī Vijaya ở Sumatra của mình đã cho rằng “người ta biết chắc chắn nhờ bi ký trong
thời đó [cuối thế kỷ X và trong thế kỷ X] kinh đô Chăm là ở Bình Định và được gọi là Vijaya”. [99] Coedès,
như tôi sẽ chỉ rõ, đã nhầm lẫn về bi ký, vì vijaya với tư cách là tên gọi
của một kinh đô không hề xuất hiện trước thế kỷ XII. Hai vị vua Chăm (đều có
tên là Harivarmadeva) trong hai bi ký chữ Chăm ở Mỹ Sơn (C75 có niên đại 991,
và C94 niên đại 978 – 1078) đều lấy tước vị là yāï po ku vijaya śrī. Điều
đó có thể đã khiến cho Maspéro và những người khác lầm lạc khi đề cập đến “vijaya”,
dẫn đến các diễn giải sai về các sự kiện lịch sử như sẽ thảo luận dưới đây. Trong
các tước vị này thì từ vijaya có thể không có mối liên hệ nào với một vị
trí, mà để chỉ “người chiến thắng, bất bại”, như Bergaigne đã phân tích cho một
ngữ cảnh. [100]
Hơn nữa việc sử dụng nó như một cái tên địa danh cho một vị trí cụ
thể (không hề thấy trong các bi ký trước giai đoạn trung – hậu thế kỷ XII), chữ
vijaya (nghĩa đen là “chiến thắng”) được sử dụng trong các thế kỷ XI –
XII để chỉ một vùng địa lý-hành chính, mà người ta nghĩ là chữ विषय*
Viṣaya***. Finot đã chú ý đến điều này và đã kê được những cái tên của 12 vijaya,
thường gắn liền với một nhân vật tinh hoa bằng cách nào đó có liên quan đến vijaya
ấy. Aymonier đầu tiên cho rằng nó có nghĩa là ông ta là người chiến thắng
trong vùng được đặt cái tên ấy. Việc sử dụng chữ vijaya kiểu ấy thấy rất
muộn trong các bi ký Chăm, trường hợp đầu tiên là ở bi ký C89/1088, và trường hợp
cuối cùng là bi ký C83C/1263, với 6 lần trong chỉ một bi ký C92/1170; tất cả đều ở Mỹ Sơn. Thêm vào 12 vijaya đó
(có thể có nghĩa là viṣaya) do Finot kê ra, còn hai trường hợp nữa - śilāvandhavijaya
(C29B) và manāḥvijaya (C31) – trong các bi ký Pô Nagar cùng thời và
một ïauk glauï vijaya ở một bi ký rất muộn thuộc Biên Hòa, C1/1421. Sự
xuất hiện cuối cùng này đã được phân tích sai lầm là tên tước vị của một hoàng
tử. Tuy nhiên văn bản này coi vua ((yāï po ku śrī) Jaya Siïhavarmadeva, một
“người (uraï) [của] ïok gloï vijaya” – thì rõ ràng là tên địa
danh, nhưng đã được Aymonier dịch là “nhân vật (uraï) trong một trận thắng
(vijaya) lớn” (ïok gloï). [101]
Từ viṣaya, đáng mong ước trong “Caum viṣayaü”, xuất hiện bằng
tiếng Phạn trong bi ký C96 thế kỷ VII. [102] Sự lẫn lộn rõ ràng này giữa vijaya
và viṣaya xuất hiện một lần trong bi ký Khmer Cổ, trong phần chữ Khmer của
bi ký Sdok Kak Thom (K.235); trong đó nó được coi là thuộc vijaya Indrapura,
được Coedès và Dupont công nhận là một sự lẫn lộn với viṣaya xuất hiện
trong phần chữ Phạn tương ứng. [103] Một số bi ký phát hiện được ở Bình Định không
giúp gì nhiều cho hiểu biết này. Không bi ký nào sử dụng cái tên “Vijaya”, và
khi nó xuất hiện trong bi ký thế kỷ XII và có thể chắc chắn là được đặt gần Quy
Nhơn, thì trong các nguồn sử liệu Việt và sử liệu Trung Quốc, nó không bao giờ
được coi là 佛逝* “Phật Thệ”. Việc đồng nhất 佛逝*
Phật Thệ với Vijaya đã được chấp nhận từ công trình nghiên cứu của Coedès
về Śrīvijaya ở Sumatra, trong đó chữ vijaya lại không thấy trong các bi
ký địa phương; một số tác giả Trung Quốc, bắt đầu với Nghĩa Tịnh đã gọi nó là 佛逝* Phật Thệ. Vì vậy chúng ta có thể có một
cái nhìn mới vào công trình nghiên cứu về vấn đề này của Coedès.
Khi đọc lại Pelliot và sau đó là Coedès về vấn đề này, đối với
tôi, dường như có một cái vòng tròn lập luận: bằng chứng Sumatra đã được sử dụng
để ủng hộ cho cách giải thích cho Sumatra. Bên cạnh đó, lý lẽ của Coedès lại có
đôi chút láu lỉnh. Lý lẽ của ông thể hiện trong bài viết năm 1918, Le royaume de Çrīvijaya, và vấn đề là
làm sao cho cái tên Srīvjaya - được biết từ các bi ký và được phát hiện
trong các ghi chép Cola về các địa điểm mà họ đã tấn công – tương thích với cái
tên 室利佛逝 Shilifoshi [Thất Lợi Phật Thệ] Cái tên này lần
đầu tiên được thấy trong ghi chép của Nghĩa Tịnh, và được cho là viết về một
thành phố cảng đã phát triển cao tại Sumatra, có lẽ là ở Palembang, mà các nhà
tu hành Trung Quốc cho là một trung tâm quan trọng cho việc nghiên cứu chữ Phạn
và Phật giáo, và được họ coi là một giai đoạn quan trọng cho việc nghiên cứu bước
đầu trước khi đến Ấn Độ. Giải pháp của Coedès là 室利佛逝 Shilifoshi trong
chữ Hán là cách phiên âm của Srī vijaya. Cách phiên âm đó không phải là
trực tiếp và có liên quan đến việc thảo luận về ngữ âm học của cả vijaya và
佛逝 Foshi.
Chữ Hán 室利
Shili phiên âm cho śrī là không đúng, và vì vậy mà không có
gì phải bàn cãi. [104]
Diễn giải đầu tiên của người châu
Âu về chữ 佛逝* Phật Thệ được thấy
trong công trình của Pelliot là bhoja, gặp phải rắc rối vì nó không có
nghĩa liên quan, nhưng người ta đồng ý rằng chữ fo 佛 (Buddha), có thể thể hiện các âm tiết với
các nguyên âm /o/ hoặc /u/. Cũng còn có
một vấn đề đối với chữ che trong 佛逝* là
chữ mà người ta cho là chỉ có thể thể hiện các âm tiết với /i/ hoặc /e/, mà
không thể với âm tiết /a/. Vì vậy Coedès trước hết khước từ chữ ‘bhoja’ nhưng
lại đặt câu hỏi “liệu 佛逝* = vijaya có
ổn không?” Trước hết có thể thấy rằng Nghĩa Tịnh, người đầu tiên viết về 室利佛逝 Shilifoshi, trong
các bài viết khác có sử dụng chính chữ 逝* shi ấy
để thể hiện chữ /je/, /ji/, và cả /jai/ lẫn /jaya/ trong các chữ Phạn khác, dường
như để giải quyết một vấn đề. Tuy nhiên, ông tiếp tục, “sự tương hợp giữa fo
= vi là thiếu thỏa đáng. Dẫu sao thì tôi cũng cho rằng điều đó là có
thể”. Theo ông thì cách phát âm cổ của chữ 佛* fo
là *pw’iδ.
(Ngày nay, theo Geoff Wade thì dường như là /but/)****. “Vì việc biến đổi từ vi, hoặc chính xác hơn bi [vì trong các ngôn ngữ Đông Nam Á
đang được đề cập thì việc thay thế các chữ đầu v/b là rất thông
thường] thành bu thông qua quá trình
môi hóa là ...có thể, và thực sự có các ví dụ đủ để biện minh cho việc sử dụng fo. Trong thực tế thì fo-che (foshi)
fo-ts’i có thể sử dụng cho một dạng bujai, một lối “nói trại” vijaya.
Chúng ta không nên quên rằng bujai, là một dạng hoàn toàn suy đoán,
không hề thấy trong bất kỳ văn bản nào. [105]
Các ví dụ được Coedès đưa ra để hỗ
trợ cho sự biến đổi bi > bu được lấy từ các từ tương đương có
nguồn gốc tiếng Phạn trong tiếng Khmer hiện đại, và đó không phải là những bằng
chứng chắc chắn. Ba ví dụ của Coedès là các từ tiếng Phạn बीज*
vīja “hạt giống” > tiếng Khmer būj (puč); बिम्ब*
bimba “bức tranh” > bum (pŭm); và भीमसेन*
bhīmasena, một loại long não > bumsen (pŭmsèn). Xin được
nhắc lại, đây là những loại hình tiếng Khmer hiện đại, và không chắc có nguồn gốc
trực tiếp từ tiếng Phạn. Tuy nhiên trong các bi ký chữ Khmer Angkor, chúng ta vẫn
thấy từ vija (hạt giống) vào thế kỷ XIV và bhimasena trong thế kỷ
XI, có nghĩa là cách phát âm tiếng Phạn vẫn được lưu giữ chỉ bằng cách cắt ngắn
nguyên âm và sự biến âm ī/i > ŭ/u trong tiếng
Khmer là sự phát triển muộn sau này, và vì vậy mà nó không phù hợp với lập luận
về sự biến đổi từ vijaya > bujai giả định tại Śrī Vijaya thế kỷ
VII. Cả bimba lẫn bum đều không thấy có trong các bi ký Khmer đã
được công bố. Hơn nữa Coedès cũng thừa nhận rằng từ tiếng Phạn vijaya vẫn
còn giữ lại tự dạng bijai trong tiếng Khmer và tiếng Thái hiện đại. [106]
Hơn nữa, cho dù sự phát triển của tiếng Khmer như Coedès đã đề xuất có lẽ không
có ý nghĩa đối với sự biến đổi vijaya > bujai = foshi ở
Sumatra thuộc nhóm ngôn ngữ Malay, mà sự phát triển của ngữ âm học đã không thể
được giả định dựa trên cơ sở tiếng Khmer.
Nếu vậy thì việc đề xuất cho sự biến
đổi vijaya/bijaya > bujai như là “một lối nói trại” là
hoàn toàn yếu, trong thực tế lập luận chủ yếu của Coedès về sự biến đổi Foshi
= vijaya sẽ bị sụp đổ. Vậy thì với hai chữ 佛逝* Phật Thệ Nghĩa Tịnh muốn nói về cái gì,
nhất là khi chúng ta biết rằng người Trung Quốc đã chuyển âm hoàn toàn rõ ràng
đối với vijaya (bì-sà-xà) trong các báo cáo của họ về Champa và
có một vị vua Harivarma với tước vị trong các bi ký là yāï po ku vijaya śrī,
với vijaya được viết chính xác như trong các bi ký được coi là các địa
phương có tên gọi vijaya?
Người Trung Quốc không chỉ dịch âm
vijaya một cách chính xác trong các tước vị hoàng gia Chăm, mà trong các
văn bản khác với văn bản của Nghĩa Tịnh họ cũng đã chuyển âm chính xác đối với các chữ Śrī Vijaya ở Sumatra. Năm
1918, Coedès đã lưu ý rằng một người Trung Quốc khác đã chuyển dịch âm cho tên
của một địa danh tại Sumatra là Jin-li-pu-shi, với chữ jin có
cùng một lỗi chép như chính đối với trường hơpk chữ shi, mà trong cách chuyển âm chữ Hán đầy đủ “tương ứng một cách
chính xác Çrībijaya = Çrīvijaya”. Wade đã có cùng quan điểm khi dẫn các
văn bản chữ Hán thế kỷ X để nói về ‘Jin-li-pi-jia’ và ‘Jin-li-pi-shi’, được chấp
nhận là cùng một vị trí tại Sumatra và với chữ jin chép sai chữ shi.
[107] Vậy thì dường như chữ 佛逝* Phật Thệ của Nghĩa Tịnh dùng cho v(b)ijaya chính là cách lựa
chọn của riêng ông. Tại sao lại như vậy? Nghĩa Tịnh là một nhà Phạn học giỏi,
và có lẽ ông cũng biết rõ rằng tên chính thức của nước ấy là Śrī Vijaya, được
viết theo cách viết trong các bi ký của họ, và giới tinh hoa Phật giáo mà ông
thuộc số họ có lẽ đã phát âm cái tên ấy theo cách đó, hoặc tối thiểu là /bijaya/.
Tại sao ông lại chấp nhận “cách nói trại”, nếu tồn tại cách nói đó (bằng chứng
còn mơ hồ), phải chăng đó là cách nói của dân đường phố? Cho dù ông có đồng hóa
cách nói đó, nhưng tại sao ông lại phiên âm nó bằng một chữ chính xác có nghĩa
là “Đức Phật”? Nghĩa Tịnh không chỉ là một nhà Phạn học, hiểu rõ vijaya,
ông còn là một Phật tử thuần thành ở Śrī Vijaya vì nơi đây nổi danh là một trung
tâm nghiên cứu chữ Phạn và Phật giáo. Tôi cho rằng cách lựa chọn của ông là có
chủ ý, không phải để thể hiện một lối phát âm bình dân cái tên địa phương đó,
mà để thể hiện cái mà ông cho là một đặc trưng quan trọng của địa phương này,
đó chính là Phật giáo. Vì vậy 佛逝* Phật Thệ = bụt (Buddha) jay(a), “Đức Phật chiến thắng”*****.
Để bổ sung cho lý lẽ của ông, mà ở
trên tôi đã coi là một vòng tròn, Coedès trở về với Champa, nơi mà “vào cuối thế
kỷ X và trong toàn bộ thế kỷ XI, người Việt và người Trung Quốc đã nói đến 佛逝城* Phật
Thệ thành (Michael
Vickery cẩn thận mở đóng [] ghi là [“được viết hệt như chữ Foshi
ở Sumatra”], có nghĩa là hệt như hai chữ này: 佛逝*) là
kinh đô của Champa...Dựa vào bi ký chúng ta biết một cách chắc chắn rằng vào thời
kỳ này, kinh đô Champa là ở Bình Định và được
gọi là Vijaya”. [108] Ở đây, vì là bằng chứng liên quan đến “bi >
bu”, nên Coedès chỉ
lướt qua một vài chi tiết. Bằng chứng bi ký mà ông trích dẫn để nói Vijaya là
kinh đô, được cho là ở Bình Định, lại không phải là từ thế kỷ X đến thế kỷ XI,
mà là từ thế kỷ XII; và vào thời gian này, biên niên sử Việt không viết về 佛逝* Phật Thệ, mà về Chiêm Thành, thành của
người Chăm. Họ cũng không nói gì nhiều về cuộc chiến Champa-Cambodia giải thích
về việc thường xuyên nhắc đến Vijaya trong bi ký. Ngay cả khi biên niên sử Việt
đề cập đến trung tâm thực sự của người Chăm tại Bình Định (có thể là Vijaya),
vào thế kỷ XV trước và trong thời gian cuộc chinh phạt năm 1471, họ cũng chỉ viết
về Chiêm Thành, Chà/Đồ Bàn, hoặc Thị Nại. Có nghĩa là Vijaya thực sự của
Champa, trong các ngữ cảnh mà ở đó bi ký đương đại cho thấy rằng đó chắc chắn
là vị trí được nói đến, và người Trung Quốc và người Việt Nam lại không bao giờ
gọi là 佛逝* Phật Thệ, hệt như tước
vị hoàng gia Chăm vijaya không bao giờ được dịch âm là foshi, mà
bằng các chữ thực sự tương ứng vi(bi)jaya.
Tôi cho rằng điều này sẽ gây ra một
điều đáng ngờ nào đó về 佛逝* Phật Thệ tương ứng với vijaya ở Champa. Các dẫn liệu đầu
tiên về 佛逝* Phật Thệ, có thêm chữ
thành城* là vào những năm 980 – thời gian nổ ra cuộc chiến đầu tiên giữa một nước
Việt Nam mới độc lập và một thực thể Champa có kinh đô được xây dựng vào năm
875 tại इन्द्रपुर* Indrapura (di tích này được gọi là Đồng Dương), trong đó Phật
giáo Đại thừa chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lần
đầu tiên sử liệu Việt nói đến chiến thắng của họ lại không gọi địa danh đó là Phật Thệ thành, mà là Phật thành, một tên gọi theo nghĩa có thể
hiểu được cho Đồng Dương. [109]
Trong thời Pelliot, Coedès and
Maspéro người ta không biết nguyên do của việc đồng nhất Phật thành/Phật
thệ thành = Đồng Dương /Indrapura là vì người Trung Quốc đã viết rằng giới
tinh hoa Chăm đã rút lui 700 dặm sau khi bị quân Việt tấn công, và Đồng Dương
được coi là thành phố quan trọng nhất ở cực bắc Champa trong các thế kỷ IX và
X, trong khi đó từ nơi ấy đến Vijaya ở Bình Định chính xác là 700 dặm. Sự mở rộng
lãnh thổ Champa thời gian đó, được thể hiện bởi các kiến trúc có quy mô lớn và
các bi ký ở khắp Quảng Trị và Quảng Bình, cho đến nay vẫn chưa được rõ. Tuy
nhiên hiện nay rất dễ hiểu là cái Chiêm Thành mà quân Việt tấn công vào năm 982
là ở đâu đó tại vùng phía bắc, cũng cách Phật thành Đồng Dương/Indrapura khoảng
700 dặm. Điều này có thể lý giải cho ghi chú của người Trung Quốc trong Tống sử
về 佛逝國* Phật thệ quốc “mới được thành lập” chỉ đơn giản có nghĩa là một thủ
lĩnh mới của Champa đã tái lập kinh đô của ông ở Phật thành Đồng Dương, nơi nó
đã từng được lập nên – ngoại trừ những vùng mở rộng về phía bắc – tối thiểu là
từ năm 875. Một sử liệu của Trung Quốc sau này (cũng từ Tống sử), vào năm
1007, một viên sứ bộ Chăm nói rằng “trước đây đất nước tôi đã từng là thần
thuộc của Giao Châu, sau đó chúng tôi đã chạy về Phật thành, cách nơi cũ 700 dặm
về phía nam”, hoàn toàn khớp với cuộc tấn công của quân Việt vào năm 982 tại Quảng
Bình và quân Chăm rút về Đồng Dương. Đối với trường hợp sách Cương mục thì Phật
thệ lại là Huế, nếu không hoàn toàn chính xác thì nó cũng không đến nỗi lẫn lộn
như Pelliot nghĩ rằng Huế gần với vùng Đồng Dương. [110]
Bản thân Maspéro cũng bị buộc phải
thừa nhận, sau một tích truyện không đáng tin về cuộc rút lui về phía nam xa đến
tận Phan Rang, mà các thủ lĩnh Chăm lại lập tức quay trở lại Indrapura, là nơi
có phức hợp đền tháp Đồng Dương. Có nghĩa là khi câu truyện huyễn tưởng của ông
về hai thập kỷ hoặc gần như vậy sau năm 982 được gỡ ra khỏi ngoặc kép thì rất dễ
thấy là các vua chúa hoặc kinh đô Chăm không hề dời về phía nam của vùng Indrapura
- Huế. [111] Tuy nhiên, vào thời gian xảy ra cuộc chiến Champa – Việt Nam đầu
tiên đã có một ông vua Harivarman thật, có ghi trong bi ký cuối thế kỷ X (C75/991
và có lẽ cả C78) là yān po ku vijaya śrī, rõ ràng đã ảnh hưởng đến niềm
tin của Maspéro cho rằng ông vua ấy đã lui về Vijaya. Tuy nhiên các bi ký đó đều
được phát hiện ở Mỹ Sơn và vì vậy mà không thể biện minh được cho một lập luận rằng
ông đã chuyển về Vijaya ở Bình Ðịnh. Ông là một trong hai vị vua mà các bi ký
ghi các tước vị trên – còn người khác xuất hiện sau đó gần một thế kỷ và cả hai
đều không có bất kỳ mối liên hệ nào với thành Vijaya – và có lẽ đối với ông thì
người Việt chỉ nhắc đến trong niên biểu của họ khoảng năm 1000.
Tuy nhiên thêm vào sự lẫn lộn ấy,
Maspéro nói rằng vào năm 990, có nghĩa là sau khi Harivarman được cho là đã
chuyển về Vijaya – thì quân Việt lại tấn công và “tàn phá” “thành” Địa Lý.
Thành Địa Lý, như Maspéro đã tự ghi chủ là ở Quảng Bình, cách lãnh thổ được cho
là đã bị mất trong cuộc rút lui từ Indrapura đến Vijaya 700 dặm, và vì vậy mà
không phù hợp với một trung tâm Champa được cho là nằm ở Vijaya. Tuy nhiên Maspéro
nói rằng “Harivarman” – trong văn bản chữ Hán chính là vị vua mới có tước vị được
dịch âm bằng chữ Hán, đối với ông có vẻ là इन्द्रवर्मन्* “Indravarman” của 佛逝* Phật
Thệ, mà ông tin là Vijaya – đã than phiền với người Trung Quốc. Một vị
vua Chăm mà phàn nàn như vậy thì nhiều khả năng là ở Indrapura hoặc một nơi nào
đó tại phía Bắc, chứ không phải là ở Vijaya-Bình Ðịnh, và có lẽ chính là Harivarman
vào năm 991 đã để lại bi ký Mỹ Sơn. Hai năm sau, người Việt đã phóng thích 360
tù nhân đã bị bắt trong trận chiến đó và Toàn thư coi Địa Lý là cựu thành
– có lẽ trong ngữ cảnh này, thậm chí “cựu đô” vẫn gọi là “Chiêm Thành” là cách
gọi quen thuộc của người Việt đối với kinh đô Champa. Các bi ký Chăm, cùng với
các sử liệu Việt và Trung Quốc đều được Maspéro sử dụng, vẫn hàm ý là vùng tiếp
xúc Chăm – Việt là từ Quảng Nam về phía bắc đến Quảng Bình. [112]
Có một số chi tiết hơi khác trong
cách dịch mới bộ 宋會要* Tống Hội yếu của Geoff Wade. Trước hết vào năm 990 một vị vua
Chăm mới mà sử liệu Trung Quốc ghi là 楊陀排*
Dương Đà Bài “tuyên rằng ông đã được sinh ra ở Vijaya 佛逝國 Phật Thệ quốc;
vì vậy mà Vijaya được xác định là một 國 nước, thay vì một 城 thành thông
thường. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề là 宋會要* Tống Hội yếu ghi
rằng vào năm 990
vị vua mới chỉ nói rằng ông đã được sinh ra ở 佛逝國 Phật Thệ quốc, chứ không phải là
ông mới tái lập nước này, như trong 宋史 Tống sử đã ghi. Rõ ràng là một trong hai
hoặc cả hai văn bản kia đã sai lạc. Sau đó vào năm 1006, vua Chăm đã cử một sứ
bộ đến Trung Quốc, và ông “đã thổ lộ rằng đất nước ông trước đây đã là thần thuộc
của Giao Châu ...nhưng sau đó đã phải từ bỏ bổn phận mà lui về 佛逝 Phật Thệ (Vijaya)”.
Cách xử lý của Wade về vấn đề này thật kỳ lạ, bằng cách viết vào bản dịch chính
của mình là Champa “đã từ bỏ bổn phận đối với 佛逝 Phật Thệ”, nhưng trong một ghi
chú thì lại viết “theo nghĩa đen: “chạy về”, có vẻ giống với 宋史 Tống
sử. Rõ ràng “từ bỏ bổn phận” và “chạy về” ẩn ý những hoàn cảnh lịch sử hoàn
toàn khác nhau. Đây là trường hợp mà người Trung Quốc chép
sử bằng cách viết dài dòng theo sự kiện và đến người thứ hai thì không thể hiểu
được hoàn cảnh của sự kiện nữa. Trong đoạn sử thứ hai ấy, vào năm 1006, viên sứ
bộ Champa đã nói rằng “về phía bắc, họ mất 700 dặm lãnh thổ cũ”; như đã lưu ý ở
trên, điều này có thể phù hợp với vùng lãnh thổ phía bắc Indrapura cho đến tận Quảng Bình, đã
bị chiếm mất cùng với các quần thể đền tháp vào thời “triều đại” Indrapura/Đồng Dương, và vùng đó
có “cựu thành” Địa Lý.
Để kết luận về
vấn đề Vijaya, thì việc đồng nhất 佛逝 Phật Thệ ở Champa với विजय*
vijaya phải bị khước từ.
__________________________________________
Nguồn: Michael Vickery 2005. Champa
revised, Asia Research
Institute Working Paper Series No. 37, 2005. The ARI Working Paper Series is
published electronically by the Asia Research Institute of the National
University of Singapore.
Tác giả: Chân thành cảm ơn Bruce Lockhart
đã giúp chuẩn bị bản thảo để công bố trong ARI Working Papers Series.
Ghi chú của người dịch: Các từ có đánh dấu sao [*] là do tôi, Hà Hữu Nga, trộm tìm, dịch sang tiếng Phạn, tiếng Hán và tiếng Việt để tiện cho bản thân trong việc nghiên cứu, so sánh và xác định nghĩa của từ mà thôi.
** Tôi đã đăng trên Tiếng vọng
Kattigara (ngày 30/12/2012 và ngày 20/1/2013) hai đoạn dịch từ Deux itinéraires của Pelliot (chưa đến đoạn Pelliot phục hồi 佛逝* Phật Thệ), tuy nhiên với hiểu biết hạn hẹp của
mình, tôi vẫn tin rằng Pelliot đã nhầm trong việc coi 佛逝* Phật Thệ là भोज*
bhoja. Tôi sẽ nói rõ lý do khi
dịch Deux itinéraires đến đoạn đó.
*** विषय viṣaya trong tiếng Phạn, như mọi người đều
biết là có rất nhiều nghĩa: vấn đề, chủ đề, trường hợp, nội dung, đề tài, chân
trời, tài năng, giai đoạn, phạm vi, lĩnh vực, loại hạng, đối tượng, chi tiết,
người chồng, vùng, tỉnh, xứ, đất nước, vương quốc, lãnh thổ, ...v.v.
**** Không nghi ngờ gì rằng kiến
thức ngữ âm học cổ của Michael
Vickery và cả Geoff Wade (韋傑夫 Vi Kiệt
Phu) về lĩnh vực này là quá nghèo nàn.
Trong khi đó ai cũng biết Geoff Wade là một sử gia chuyên về
các diễn giải lịch sử Trung Quốc – Đông Nam Á và biên niên sử so sánh, đặc biệt
là công trình cơ sở dữ liệu Southeast Asia in the Ming Shi-lu [Minh Thực Lục*]: An Open Access Resource,
cung cấp cho người đọc hơn 3000 tài liệu tham khảo về Đông Nam Á được dẫn từ
biên niên sử đời nhà Minh; ông cũng vừa chủ biên bộ sách đồ sộ China and
Southeast Asia (Routledge, 2009), gồm 6 tập khảo sát các công trình
nghiên cứu có ảnh hưởng lâu dài về các mối quan hệ Đông Nam Á – Trung Quốc.
***** Không biết trình độ Hán học
của Michael
Vickery uyên thâm đến mức nào, nhưng nếu căn cứ vào cách diễn giải 佛逝* Phật Thệ là Đức Phật Chiến thắng thì nghe
có vẻ là một suy diễn thảm hại – thảm hại chẳng kém gì cách suy diễn của Pelliot,
Maspéro, Aymonier, Coedès, Pierre-Bernard Lafont và những người khác đang bị
ông phê phán, - vì chữ 逝 thệ
có nghĩa là đã trôi qua, đã chết. Lẽ nào Nghĩa Tịnh lại “thể hiện cái
mà ông cho là một đặc trưng quan trọng của địa phương này, đó chính là Phật
giáo” đã chết, ngay khi mà Michael
Vickery cho rằng Nghĩa Tịnh “còn là một Phật tử thuần thành ở Śrī Vijaya vì nơi
đây nổi danh là một trung tâm nghiên cứu chữ Phạn và Phật giáo”???. Lẽ nào
Nghĩa Tịnh lại dốt Hán học đến độ
đặt tên cho cái trung tâm Phật giáo đang nổi danh ấy là “Phật chết”, mà vẫn
được cắt nghĩa là Đức Phật Chiến thắng?
Chú thích
89. Maspéro, Royaume de Champa,
p. 25; Finot, ‘Notes d’épigraphie XI’, p. 915 (Jacques ed., Études
épigraphiques, p. 97); quotation from Southworth, ‘Notes on the political
geograhy’, p. 237.
90. Pierre-Bernard Lafont, ‘Études
Cam III. Pour une réhabilitation des chroniques rédigées en Caü moderne’, BEFEO,
66 (1979): 107, 109, n. 1, 111.
91. Finot, ‘Stèle de
Śambhuvarman’, p. 639 and n. 1. Aymonier’s opinion is in Étienne Aymonier, Le
Cambodge III, Le Groupe d’Angkor et l’histoire (Paris: Ernest Leroux, 1904,
p. 514), cited in Finot, ‘Notes d’épigraphie XI’, p. 906, n. 1. This
inscription in Cham has not been published in its entirety; its contents were
summarized in Aymonier, ‘Première étude’, pp. 39-41.
92. Finot, ‘Notes d’épigraphie
XI’, p. 906, n. 1 and p. 915, n. 4 (emphasis added).
93. Étienne Aymonier, ‘Chronique
des anciens rois du Cambodge’, Excursions et Reconnaissances, 4, 2
(1880): 149-8.
94. Pelliot, ‘Deux itinéraires’,
pp. 202-7. He observed that ‘this name Foshi is identical to that of the
country of Foshi…which existed at the time of the Tang and which shows up in
Jiadan’s second itinerary. There is more or less general agreement that the
name Foshi from the Tang era should be reconstructed as Bhoja; the same
solution should probably be adopted for the Cham capital at the end of the
tenth century’ (p. 202 note 2).
95. Southworth, ‘Notes on the
political geography’, p. 238; see Finot, ‘Notes d’épigraphie XI’, pp. 963-5 for
the inscription. Since the inscription contains no dates, it is uncertain how
Southworth found those he proposed; C17 may in fact be earlier, but this is of
no consequence, for they are both from the same reign.
96. Maspéro, Royaume de Champa,
p. 136; Cm, Chính biên, 3: 7-9, p. 326; VSL, 2: 7b-8a, pp.
86-7.
97. Maspéro, Royaume de Champa,
pp. 141-2; Vsl, 2: 13b, p. 104.
98. I have not seen Po Dharma’s thesis in which he discusses the
five legendary capitals, and rely for its details on Lafont, ‘Études Cam III’,
p. 109, which apparently follows Po Dharma. For the location of Binnai see Po
Dharma, Le Pāõóuraïga (Campā) 1802-1835 (Paris: École Française
d’Extrême-Orient, 1987), vol. II, first map in ‘Annexe 4’ (following p. 227),
entitled ‘Le Campā et les étapes de l’expansion vietnamienne vers le sud’; and
the map in Actes du séminaire, p. 1.
99. George Coedès, ‘Le royaume de Çrī
Vijaya’, BEFEO 18, 6 (1918): 24 (emphasis added).
100. Bergaigne, ‘Ancien royaume’,
pp. 282-5, construed ‘vijaya’ in the title ratnabhūmivijaya as
‘victory’.
101. Schweyer, ‘Chronologie des inscriptions’, p. 343; Finot,
‘Inscriptions du Musée’, p. 14 (‘prince ðauk Glauï Vijaya’); Aymonier,
‘Première étude’, pp. 84-5.
102. Ibid., p.42; Finot, ‘Notes
d’épigraphie XI’, pp. 915-6, 921.
103. George Coedès and Pierre
Dupont, ‘Les stèles de Sdòk Kăk Tho.m, Phno.m Sandak et Prá.h Vihãr’, BEFEO,
43 (1943-46): 104-5 and note 9. The opposite confusion – ‘viùaya’ for ‘vijaya’
– occurred in the Tamil inscriptions concerning Śrīvijaya in Sumatra,
apparently because of a peculiarity in Tamil script (Coedès, ‘Royaume de Çrī
Vijaya’, pp. 4-5).
104. Ibid., p. 23 insisted that it was the name Foshi ‘appeared
for the first time’ in Yijing’s text’.
105. Ibid., pp. 23 (‘Is…any
better?’) and 24 (phonetic discussion). Information on the reconstruction of
the earlier form is from Geoff Wade, personal communication.
106. Ibid., p. 24, notes 4 and 3 respectively. The Khmer examples
are respectively in inscriptions K.470 and K.455. K.470 is in George Coedès, Inscriptions
du Cambodge, Vol. 2 (Hanoi: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1942), p. 188 and
K.455 is in Coedès, Inscriptions du Cambodge, Vol. 7 (Paris: École
Française d’Extrême-Orient, 1964), p. 80.
107. Coedès, ‘Royaume de Çrī
Vijaya’, p. 24; Geoff Wade, personal communication, 3 Dec. 2004.
108. Coedès, ‘Royaume de Çrī Vijaya’, p. 24; emphasis added.
109. Pelliot, ‘Deux itinéraires’, p. 204, n. 2, insisted that this
was an error, and should be corrected to Phật thệ thành, the
Sino-Vietnamese equivalent of Foshicheng found in the Chinese
chronicles, as though the Vietnamese did not know the name of their conquest.
110. Maspéro, Royaume de Champa,
p. 132, has the quotation from the Song Shi; Pelliot, ‘Deux
itinéraires’, p. 203, for the Cm citation locating Foshi at Hué. The Cm
(Chính biên, 3:9, v. 1, p. 327), citing the Chinese gazetteer Qing
yitongzhi, places it in what was then Hương Thủy district of Thừa Thiên
province.
111. Maspéro, Royaume de Champa, pp. 126-30.
112. Ibid.; TT, Bản kỷ, 1:20a, v. 1, p. 227.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét