Đánh giá lại các cuộc đi biển của Trịnh Hòa (III)
Geoff Wade
Người dịch: Hà Hữu Nga
Đánh
giá chung về các cuộc hải hành do hoạn quan chỉ huy
Các
ví dụ ở trên cho thấy rằng các lực lượng hải đội được cử đi nước ngoài trong
khoảng 30 năm đầu của thế kỷ 15 có mục đích tìm kiếm sự công nhận quyền thống
trị của nhà Minh về (hoặc có lẽ là quyền bá chủ) toàn bộ các chính thể của thế
giới biển đã được biết đến. Để đạt được mục đích này, họ đã sử dụng sức mạnh hoặc
sự đe dọa. Số quốc chủ Đông Nam Á đến Trung Quốc với sứ bộ Trịnh Hòa cho thấy
sự cưỡng bức chắc hẳn phải là một yếu tố của các cuộc hải hành. Dường như đối với
các quốc chủ Đông Nam Á, không thấy nói về các chuyến thăm viếng các chính thể
khác. Thực tế nhiều quốc chủ đến với triều đình nhà Minh trong giai đoạn này như
vậy đã cho thấy có sự cưỡng bức nào đó. “Ngoại giao tàu chiến” không phải là từ
thường được sử dụng cho các chuyến hải hành của Trịnh Hòa. Tuy nhiên rõ ràng là
các sứ bộ này trên danh nghĩa đã tham gia vào công việc ngoại giao và điều đó
cho thấy các hải đội của Trịnh Hòa thực sự là các tàu chiến, có lẽ với 26.000
trong số 28.000 thành viên của các cuộc hải hành là binh lính, và “ngoại giao
tàu chiến” có vẻ là từ thích hợp đối với nhiệm vụ của các hải đội này.
Thông
qua cưỡng bách, mục đích của các chuyến hải hành này còn là để kiểm soát các cảng
và các tuyến hàng hải. Nhiệm vụ của các chuyến hải hành này không phải là kiểm
soát lãnh thổ - đó là sứ mệnh của việc khai hóa. Đúng ra đó chính là việc kiểm
soát chính trị và kinh tế theo không gian – kiểm soát các tuyến giao thông huyết
mạch, các điểm nút và các mạng lưới kinh tế. Bằng việc kiểm soát hệ thống cảng
và các tuyến thương mại, người ta có thể dễ dàng kiểm soát được công việc
thương mại, một yếu tố quan thiết của các chuyến hải hành chính là nhiệm vụ vơ
vét vàng bạc, báu vật. Các hải đội thực dân này chính là các công cụ cần thiết
để đảm bảo cho việc kiểm soát này có hiệu lực thường xuyên và lâu dài. Bằng
cách thức của mình, nhà Minh thông qua các chuyến hải hành này đã dấn sâu vào nguyên
chủ nghĩa thực dân biển. Có nghĩa là họ đã dấn sâu vào hình thức thực
dân biển sơ khai thông qua việc sử dụng các hải đội thống trị để kiểm soát (và
cả để răn đe) các chính thể cảng biển chủ yếu dọc theo mạng thương mại biển
Đông – Tây, cũng như giữa các vùng biển với nhau để thâu tóm các lợi ích kinh tế
và chính trị.
Nguyên
chủ nghĩa thực dân biển của nhà Minh, như đã đề cập liên quan đến các cuộc hải
hành của Trịnh Hòa, khá tương đồng với chủ nghĩa thực dân biển sau này của Bồ
Đào Nha trong thế kỷ XV – XVI. Ở một mức độ nào đó, Pearson [61] đã mô tả đế quốc
Bồ Đào Nha như là sự tiếp nối của các thành bang Ý. Ông cho rằng ở mức độ chính
thống, đã có sự gắn kết rất chặt chẽ giữa triều đình và thương mại. Không nghi
ngờ gì nữa, đây rõ ràng là một thực tế của nhà Minh. Hơn nữa, dựa trên cơ sở các
công trình của Rothermund [Asian Trade and European Expansion] và của Steensgard
[Asian Trade Revolution], Pearson cho rằng “đây là một đế quốc sử dụng
cưỡng bức quân sự để mong đạt được các lợi thế về kinh tế. Về cơ bản thương mại
châu Á là cống nạp; Bồ Đào Nha đã tạo ra một loại răn đe mới về bạo lực đối với
hàng hải châu Á và sau đó bán lấy quyền bảo hộ bằng sự răn đe này, như đã thấy
trong chính sách thuế quan và thông quan. Trong thực tế nó không hề cung cấp dịch
vụ nào cho người cống nạp; nói theo cách hiện đại thì đó chính xác là một mánh
bảo kê. Vì vậy kiểu gì thì nó cũng bị thất bại”. [62] Chỉ việc thay từ “Bồ Đào
Nha” bằng từ “Trung Quốc” thì chúng ta sẽ có được một mô tả tuyệt vời về các
hành động của nhà Minh tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương trong vòng 30 năm đầu của
thế kỷ XV. Sức mạnh quân sự mà các hải đội Trịnh Hòa sử dụng có nhiệm vụ duy
trì loại thái bình nhà Minh, là loại thái bình tối thiểu cũng đem lại cho nhà
Minh lợi thế về kinh tế và chính trị. Việc kết thúc các cuộc hải hành của nhà
Minh là một trong những lý do về việc tại sao nguyên chủ nghĩa thực dân biển
Trung Quốc đã không bao giờ phát triển được thành một thứ chủ nghĩa thực dân
chính thức theo kiểu mà người phương Tây theo đuổi. Các nhân tố góp phần vào việc
kết thúc của các cuộc hải hành ấy thì rất nhiều. Cái chết của Hoàng đế Vĩnh Lạc
là một nhân tố, các khoản chi phí khổng lồ cho các cuộc hải hành cũng vậy. Các vị đại thần trong nhiều thập kỷ cũng phản đối các chuyến hải hành vì đó
là các cuộc phiêu lưu tốn kém và về cơ bản lại do hoạn quan lèo lái. Sau cái chết
của người bảo trợ cho các chuyến hải hành thì rồi cuối cùng các sứ mệnh của nó
cũng bị cuốn đi.
Tuy
nhiên một tài liệu trong Biên niên sử thời Minh năm 1445 cho biết rằng việc kiểm
soát (hoặc cố gắng kiểm soát) hàng hải đã được duy trì tối thiểu cho đến giữa
những năm 1440. Tài liệu tham khảo cho biết rằng ba người Java đi thuyền từ
Java đến buôn bán với nước Xiêm đã bị nhà Minh bắt và đưa đến kinh đô Trung Quốc.
[63] Việc nhà Minh xây dựng chính sách thương mại riêng giữa Java và Xiêm trong
giai đoạn này cho thấy rằng các cố gắng trong việc kiểm soát thương mại biển
trong vùng nhìn chung vẫn tiếp tục tối thiểu là một nửa thế kỷ nữa.
“Chủ
nghĩa thực dân” và nhà Minh
Việc
kiểm tra ba lĩnh vực trong hoạt động của nhà Minh vào thế kỷ XV tại Đông Nam Á,
và gắn liền với mỗi loại nhãn “thực dân”, đó là nhờ tác giả đưa ra một loại biện
hộ nhất định cho các nhãn đó.
Vậy
thì “chủ nghĩa thực dân” có phải là một thuật ngữ thích hợp cho các hành động ấy
của nhà Minh? Herold Wiens đã đưa ra một phản ứng tích cực, khi trong công
trình China’s March Toward the Tropics xuất bản năm 1954, ông viết về
“những khu tự trị dân tộc” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau năm 1949 đã
được sử dụng để “che đậy một chủ nghĩa thực dân cũ”. [64] Tuy nhiên, công trình
nghiên cứu của ông được công bố trong những năm tháng căng thẳng nhất của
cuộc Chiến tranh Lạnh, và cuốn sách ấy, về một số phương diện đã được coi
là một phản ứng đối với tình trạng phân đôi chính trị tồn tại trong thời gian
đó. Liệu các quan điểm của ông có quá cường điệu? Hay là lịch sử bành trướng của
Trung Quốc vào đầu thời nhà Minh đã thực sự cho thấy một “chủ nghĩa thực dân”?
Thuật
ngữ “chủ nghĩa thực dân” tự thân nó có một lịch sử rất đa sắc, được sử dụng để
nói về quá trình định cư của người La Mã tại các vùng mà đế quốc La Mã chinh phục
được; để nói về quá trình mở rộng của đế quốc Nga sang phía đông; về sự bành
trướng của đến quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ; và về các hoạt động trên biển
của các cường quốc châu Âu sau thế kỷ XV. Tuy nhiên cuộc luận chiến về chủ
nghĩa thực dân giờ đây đã gắn liền với sự bành trướng của các đế quốc hàng hải
châu Âu đến mức việc áp dụng thuật ngữ đó cho Trung Quốc như là một tác nhân chứ
hơn là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, ở một mức độ nào đó, hầu như lại có vẻ
không dễ định nghĩa.
Những
quan điểm khác thì lựa chọn phương án phân biệt “chủ nghĩa đế quốc” châu Âu, được
nuôi dưỡng bởi các nguồn lực của cuộc cách mạng công nghiệp, và dẫn đến quá
trình giải-công nghiệp hóa và sản xuất nông nghiệp phi-thực phẩm tại các thực
dân địa, từ quá trình bành trướng thực dân châu Âu sớm hơn vào thế kỷ XVI và
XVII. Nhưng liệu chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa đế quốc” để nói về
sự bành trướng của nhà Minh? Phải chăng sự bành trướng của Trung Quốc trong thế
kỷ XIV – XV phù hợp với định nghĩa chủ nghĩa đế quốc của Schumpeter là khi “một
nhà nước chứng tỏ một xu hướng không mục đích đối với việc mở rộng bằng sức mạnh
vượt khỏi tất cả các giới hạn có thể xác định”, đến mức là các hành động chinh
phục của nó xảy ra “không phải thực sự là phương tiện để đạt đến một mục đích
nào đó ngoại trừ cái ẩn chứa trong chính sự thực thi hành động của nó”. [65] Vậy
thì liệu có thể nói rằng các hành động bành trướng của nhà Minh chỉ bị thúc đẩy
bởi một “ý chí thống trị” hoặc bởi một cái gì đó đã được tính toán, và có thể
phân loại là “chủ nghĩa thực dân”?
Liệu
có phải sự bành trướng sớm và quá trình xâm lược của nhà Minh đối với các chính
thể khác là một sản phẩm của nhu cầu kinh tế? Liệu quan niệm của J.A. Hobson
dùng để nói về chủ nghĩa đế quốc Anh có thể được ứng dụng cho nhà Minh? Hobson
cho rằng: “Từ lập trường này, khoản chi cho quân sự và hải quân ngày càng tăng
của chúng ta trong những năm gần đây có thể chủ yếu được coi là các chi phí bảo
hiểm để bảo hộ các thị trường thuộc địa hiện có và các khoản phí tổn hiện hành
cho các thị trường mới”. [66]
Hoặc
phải chăng kích thích tố cho quá trình bành trướng trong thời Hồng Vũ (1368-98)
và Vĩnh Lạc (1403-24) cũng giống như các tình trạng khẩn cấp khiến cho hoàng
thân thủ tướng Nga Gorchakov đã mô tả cuộc đông tiến của Nga năm 1864 là “Tình
hình của nước Nga, chính là trạng huống mà tất cả các nhà nước văn minh bắt đầu
tiếp xúc với bọn du mục không có tổ chức nhà nước...Để chống lại các cuộc tấn
công cướp phá của họ, chúng ta cần phải chinh phục họ và kiểm soát họ thật chặt.
Nhưng cũng còn có những cách khác nữa... cuối cùng chúng ta cũng vẫn phải dấn tới...Chúng
ta hành binh bởi nhu cầu bắt buộc cũng như bởi tham vọng thúc dục”. [67]
Một
số định nghĩa đã được đề xuất cho thuật ngữ “chủ nghĩa thực dân”, mà tính đa dạng
của nó cho thấy đó chính là một khái niệm không dễ nắm bắt trọn nghĩa. Trong
công trình Modern Colonialism: institutions and policies của mình, T.R.
Adam định nghĩa chủ nghĩa thực dân là “sự kiểm soát chính trị của một dân tộc
kém phát triển có đời sống kinh tế và xã hội do quyền lực thống trị dẫn dắt”. [68]
Hans Kohn thì cho rằng “chủ nghĩa thực dân là sự thống trị ngoại bang áp đặt
vào một dân tộc”. [69] Michael Doyle quan niệm chủ nghĩa thực dân là sản phẩm
khả dĩ của chủ nghĩa đế quốc, đến lượt mình, nó là một quá trình thiết lập “một
mối quan hệ, chính thức hoặc phi chính thức, trong đó một nhà nước kiểm soát chủ
quyền thực thi chính trị của một xã hội chính trị khác”. [70] Đối với R.J.
Horvath thì sự khác biệt quan trọng giữa chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc
là ở chỗ chủ nghĩa thực dân can dự vào sự hiện diện của một số lớn cư dân từ cường
quốc thực dân trong một quốc gia bị thực dân hóa. Ferro cũng đồng ý với quan điểm
này khi cho rằng quá trình thực dân hóa “gắn liền với quá trình chiếm đất ở nước
ngoài, còn bọn thực dân thì dùng đất đó để canh tác và để ở”. [71]
Học
thuyết “nước mặn” quy định chặt chẽ cách viết về chủ nghĩa thực dân, giải thực
dân và cho rằng thuật ngữ chủ nhĩa thực dân đặc biệt được áp dụng vào mối quan
hệ giữa các cường quốc thực dân châu Âu và các “lãnh thổ nước ngoài” của họ tỏ
ra là một cách phân chia võ đoán, dựa trên cơ sở “sự trải rộng mặc dù là một giả
định không có cơ sở, có nguồn gốc từ các cuộc thám hiểm thế kỷ XV, khi các đế
quốc thực dân được thành lập bằng các sức mạnh trên biển, ngược lại việc bành
trướng đến nhiều vùng đất liền kề thì lại không sản sinh ra...chủ nghĩa thực
dân”. [72] Đối với học thuyết này thì các lãnh thổ cần phải tách biệt khỏi mẫu
quốc bằng biển cả thì mới được coi là các thực dân địa. Học thuyết này dựa trên
thứ được một số tác giả coi là “nguyên lý khoảng cách” như một yếu tố không thể
thiếu được của chủ nghĩa thực dân. Vậy thì liệu khoảng cách có tạo ra sự khác biệt
về chất trong hiện tượng không?
Các
lý lẽ của David Armitage dường như đã đem đến một ý tưởng bao quát và thuyết phục
hơn về chủ nghĩa thực dân. Ông thừa nhận câu chuyện của chủ nghĩa thực dân Anh vận
hành theo một đường thẳng từ nước Anh, qua Ireland đến vùng Carribbe và sau đó
đến bờ đông châu Mỹ. [73] Khoảng cách và sự chia tách bởi biển cả không phải là
những đặc trưng quyết định. Đó là các hệ tư tưởng, các chính sách và các thực
tiễn của quyền lực thực dân quyết định bản chất của hiện tượng. Ông cũng coi
Scotland, giống như nước Anh, là “tên thực dân”, trong đó nó sử dụng sự định
cư, tích hợp văn hóa và tình trạng phụ thuộc về kinh tế là phương tiện để “khai
hóa” các vùng biên lãnh thổ và các cư dân của nó. [74]
Các
định nghĩa khái quát do Osterhammel và Emerson cung cấp có lẽ gần với cách thức
mà tôi sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa thực dân trong bài viết này. Osterhammel và
Frisch nói về nó như là “một mối quan hệ thống trị giữa một nhóm bản địa đa số
(hoặc nhập cư cưỡng bách) và một thiểu số xâm lược nước ngoài. Các quyết định
cơ bản tác động đến sinh mạng của người dân bản địa là do bọn thực dân đưa ra
và thực hiện”. [75] Emerson định nghĩa “chủ nghĩa thực dân” là “việc thiết lập
và duy trì, trong một khoảng thời gian dài, quyền thống trị đối với một dân tộc
khác bị tách biệt, nhưng lại phụ thuộc vào cường quốc thống trị”. [76]
Quay
trở lại với ba nhóm chính sách và thực thi chính sách của nhà Minh đã được đề cập
chi tiết ở trên, và dưới ánh sáng của các ý tưởng và các định nghĩa của Armitage,
Osterhammel và Emerson, thì có vẻ như hoàn toàn có đủ cơ sở để phân loại các
hành động đó là của một nhà nước thực dân.
1.
Các cuộc hải hành do hoạn quan lãnh đạo vào đầu thế kỷ XV chỉ tạo ra một nguyên
chủ nghĩa thực dân biển vì không có sự thống trị thực sự đối với các dân tộc hoặc
lãnh thổ khác. Nhưng lại có sự thống trị tại các điểm nút và các mạng lưới đường
biển. Quân sự tạo ra sức mạnh mà các hải đội nhà Minh sử dụng và vai trò của nó
là duy trì kiểu thái bình nhà Minh, tạo cho nhà Minh năng lực tác động ảnh hưởng
đến các chính thể, và chí ít thì ở một mức độ nào đó, họ cũng đạt được những lợi
thế kinh tế ngắn hạn.
2.
Cuộc xâm lược của nhà Minh đối với Đại Việt có lẽ là một ví dụ rõ ràng nhất về
một hành động phiêu lưu thực dân. Có xâm lấn, xâm chiếm đất, áp đặt quân sự,
hành chính, bóc lột kinh tế và thống trị của triều đình đó lên kinh đô của nước
bị thống trị. Chính quá trình giải thực dân hóa rõ ràng đã diễn ra sau thất bại
của hành động phiêu lưu này đã nhấn mạnh đến bản chất thực dân của nó.
3.
Sự xâm lược và chiếm đóng của nhà Minh đối với các chính thể Thái Vân Nam trong
thế kỷ XV là một hành động phiêu lưu thực dân thành công nhất đã được xem xét,
khi nhiều vùng đã bị thực dân hóa trong thời nhà Minh vẫn tạo thành một bộ phận
của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay. Vẫn còn đôi chút nghi ngờ về việc liệu
các hành động này của vua quan nhà Minh có phải bản chất là thực dân không. Họ
đã can dự vào việc sử dụng một lực lượng quân đội hùng hậu để xâm lược các dân
tộc khác biệt về tộc thuộc với người Trung Quốc; để chiếm lãnh thổ, xé lẻ lãnh
thổ của họ thành các đơn vị hành chính nhỏ hơn; để bổ nhiệm đội ngũ tay chân dễ
bề sai bảo và bọn “quan bảo hộ”; để bóc lột kinh tế đối với các vùng mà họ chiếm
được. Quân đội thực dân nhà Minh, gồm cả người địa phương và người Hán, đã sử dụng bạo
lực hoặc đe dọa sử dụng bạo lực nhằm duy trì sự thống trị của họ tại các vùng
người Thái ở Vân Nam.
Việc
xem xét kinh nghiệm thực dân tại Đông Nam Á của bài viết chỉ giới hạn vào giai
đoạn trước khi người châu Âu đặt chân đến vùng này. Các ý kiến đưa ra ở trên cho
dù vẫn chưa đủ để tác động quyết định đến bạn đọc, nhưng tối thiểu thì nó cũng
mở ra một đường hướng cho việc thừa nhận rằng khi nghiên cứu chủ nghĩa thực dân
tại Đông Nam Á chúng ta cần mở rộng các giới hạn thời gian đã có để bao gồm cả việc
xem xét các hành động của các chính thể mà chúng ta biết là nằm dưới cái nhãn “Trung
Quốc”. [77]
___________________________________
Nguồn:
Geoff Wade
2004. The
Zheng He Voyages: A Reassessment, In The ARI Working Paper Series is published electronically by the
Asia Research Institute of the National University of Singapore, October 2004.
Tác giả: Geoff Wade (韋傑夫 Vi Kiệt
Phu) là một sử gia chuyên về các diễn
giải lịch sử Trung Quốc – Đông Nam Á và biên niên sử so sánh, đặc biệt là công
trình cơ sở dữ liệu Southeast Asia in the Ming Shi-lu [Minh Thực Lục*]: An Open Access Resource,
cung cấp cho người đọc hơn 3000 tài liệu tham khảo về Đông Nam Á được dẫn từ
biên niên sử đời nhà Minh; ông cũng vừa chủ biên bộ sách đồ sộ China and
Southeast Asia (Routledge, 2009), gồm 6 tập khảo sát các công trình nghiên
cứu có ảnh hưởng lâu dài về các mối quan hệ Đông Nam Á – Trung Quốc.
Tài liệu
dẫn
61.
M.N. Pearson, “Merchants and States” in James D. Tracy (ed.), The Political
Economy of Merchant Empires: State Power and World Trade 1350-1750 (Cambridge:
Cambridge University Press, 1991), pp. 41-116. See p. 77.
62. Ibid. p. 79. Để biết thêm về nghiên cứu phân đoạn sự bành trướng thương mại biển, xem Sanjay Subramanyam and Lúis Filipe F.R. Thomaz, “Evolution of empire: The Portuguese in the Indian Ocean during the sixteenth century” in James D. Tracy (ed.), The Political Economy of Merchant Empires: State Power and World Trade 1350-1750 (Cambridge: Cambridge University Press, 1991), pp. 298-331. Các tác giả đã mô tả chi tiết ba mô hình tổ chức đế quốc (một mạng lưới pháo đài ven biển trong tình trạng đặc hữu của chiến tranh ở bắc Phi; nhà nông và quá trình thực dân hóa lãnh thổ và định cư tại các đảo Đại Tây Dương; một mạng lưới ven biển ít bạo lực, nhiều thương mại trên vùng bờ biển Guinea), và gợi ý rằng giai đoạn đầu tiên trong “cuộc phiêu lưu châu Á” liên quan đến các phụ loại của cả ba mô hình. Kinh nghiệm hàng hải của nhà Minh có cái gì đó rất gần gũi với mô hình Guinea.
63. Ming Ying-zong shi-lu, juan 132.8a.
62. Ibid. p. 79. Để biết thêm về nghiên cứu phân đoạn sự bành trướng thương mại biển, xem Sanjay Subramanyam and Lúis Filipe F.R. Thomaz, “Evolution of empire: The Portuguese in the Indian Ocean during the sixteenth century” in James D. Tracy (ed.), The Political Economy of Merchant Empires: State Power and World Trade 1350-1750 (Cambridge: Cambridge University Press, 1991), pp. 298-331. Các tác giả đã mô tả chi tiết ba mô hình tổ chức đế quốc (một mạng lưới pháo đài ven biển trong tình trạng đặc hữu của chiến tranh ở bắc Phi; nhà nông và quá trình thực dân hóa lãnh thổ và định cư tại các đảo Đại Tây Dương; một mạng lưới ven biển ít bạo lực, nhiều thương mại trên vùng bờ biển Guinea), và gợi ý rằng giai đoạn đầu tiên trong “cuộc phiêu lưu châu Á” liên quan đến các phụ loại của cả ba mô hình. Kinh nghiệm hàng hải của nhà Minh có cái gì đó rất gần gũi với mô hình Guinea.
63. Ming Ying-zong shi-lu, juan 132.8a.
64.
Herold J. Wiens, China's March toward the Tropics. Hamden-Connecticut:
Shoe String Press 1954.
65.
Quoted in Marc Ferro, Colonization: A Global History (London: Routledge,
1997), p. 13.
66.
J.A. Hobson, Imperialism: A Study, London, Unwin Hyman, 1988 (original
edition 1903), p. 64.
67.
Quoted in Ferro, Colonization, p. 14.
68.
T.R. Adam, Modern Colonialism: institutions and policies, New York,
Doubleday and Company, 1955,
p. 3.
69.
In R. Strausz-Hupe and H. W. Hazard (eds.), The Idea of Colonialism (Foreign
Policy Research Institute, University of Pennsylvania, 1958), p. 11.
70.
M. Doyle, Empires (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1986).
71.
Ferro, Colonization, p. 1.
72.
L. C. Buchheit, Secession, the `Legitimacy of Self-determination (New
Haven, Conn.: Yale University
Press, 1978), p.18.
73.
David Armitage, The Ideological Origins of the British Empire, (Cambridge:
Cambridge University Press, 2000), p. 45.
74.
Ibid., p. 26.
75.
Jürgen Osterhammel and Shelly L. Frisch, Colonialism: A Theoretical Overview,
Princeton: Markus Weiner, 1997), pp. 16-17.
76.
R. Emerson, “Colonialism: Political Aspects” in D.L. Sills (ed.), International
Encyclopedia of the Social Sciences, vol. 3, pp.1-6. (New York: Macmillan
and Free Press, 1968).
77.
Anthony Reid cho rằng chúng ta cần phải mở rộng các mối quan tâm vượt khỏi tình
trạng phản đạo đức hóa về chủ nghĩa thực dân Trung Quốc để xem xét những gì đã
làm cho các đến chế Trung Quốc thành công trên bộ, còn về cơ bản lại không
thành công trong quá trình bành trướng bằng đường biển. Rõ ràng là sự thất bại
trong việc tạo ra một cơ sở kinh tế bền vững cho các cuộc phiêu lưu hải hành là
một nhân tố chủ chốt.