Powered By Blogger

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

Công Tôn Khanh và Tích truyện Phong thiện của Hoàng Đế và Hán Vũ đế (I)

Quách Tân Tung

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt: Câu chuyện về Hoàng Đế do Công Tôn Khanh, một phương sĩ của nước Tề, kể cho Hán Vũ đế vào năm Nguyên Đỉnh thứ tư (113 TCN) có vẻ phức tạp, nhưng nó chứa đựng ý đồ chính trị rõ ràng và một khái niệm lịch sử-vũ trụ đặc biệt, đóng một vai trò quan trọng trong việc toan tính và thực hiện cuộc vận động cải cách thể chế Phong thiện của Hán Vũ đế. Cải cách lịch pháp của Hán Vũ đế ngay từ những ngày đầu tiên là sự lần lại và tái hiện mô thức “nghênh nhật thôi sách” [迎日推策 - chiêm ngắm nhật nguyệt tinh tú để soạn lịch pháp] của Hoàng Đế, với thể chế Phong thiện dựa trên luận thuyết “Nhà Hán phục hưng thời đại Hoàng Đế”, các thay đổi về thể chế vi hành và Tế giao theo những cách khác nhau đã được thúc đẩy bởi tích truyện Hoàng Đế giao tiếp với thần linh tại các danh sơn và “Minh đình” [明廷, chỉ núi Cam Tuyền ở tây bắc huyện Thuần Hóa, tỉnh Thiểm Tây; còn có nghĩa là triều đình thánh minh]. Việc Hán Vũ đế theo đuổi những hành vi hoang đản của Hoàng Đế không nên được giải thích đơn giản là sự ám ảnh và mù quáng của cá nhân ông, mà là kết quả của những nhằng nhịt vướng víu của chính trị, tín ngưỡng và ngôn luận ở đỉnh cao quyền lực.

 

Hán Vũ đế đã tiến hành cải cách thể chế Phong thiện [封禪] vào những năm Nguyên Phong (110-105 TCN) và Thái Sơ (104-101 TCN), đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử chính trị của Trung Quốc, và có ý nghĩa mẫu mực đối với hệ thống nghi lễ tế tự và biểu tượng chính trị cho các thế hệ sau. Mục đích của bài viết này là diễn giải câu chuyện về Hoàng Đế do Công Tôn Khanh nước Tề kể cho Hán Vũ đế vào năm Nguyên Đỉnh thứ tư (113 TCN), và dựa vào đó, cố gắng sắp xếp lại và xem xét ý định và cơ sở tư tưởng của cải cách Phong thiện. Câu chuyện về Hoàng Đế do Công Tôn Khanh mô tả được ghi lại trong “Sử ký – Phong thiện thư”, đây là một tư liệu lịch sử phổ biến, nhưng vì ngôn ngữ hoang đản, kỳ quái liên quan đến phép thuật của các vị thần tiên nên trước đây nó không được coi trọng. Trong những năm gần đây, một số học giả đã chú ý đến tầm quan trọng của tích truyện Hoàng Đế, nhưng những khó khăn về nội dung câu chuyện của Công Tôn Khanh vẫn chưa được giải quyết rõ ràng và mối quan hệ của nó với việc cải cách thể chế Phong thiện của Hán Vũ đế vẫn chưa được phân tích đầy đủ. Lời lẽ của Công Tôn Khanh có vẻ bác tạp, nhưng chúng được sắp xếp cẩn mật, liên quan chặt chẽ đến các vấn đề mà Hán Vũ đế quan tâm, chứa đựng ý đồ chính trị rõ ràng và các quan niệm lịch sử-vũ trụ đặc sắc, đồng thời có tác động quan trọng đến kế sách chính trị và mục tiêu tôn giáo của Hán Vũ đế. Tích truyện Hoàng Đế “nghênh nhật thôi sách” [迎日推策] mà ông kể đã trở thành đối tượng mô phỏng cải cách lịch pháp của Hán Vũ đế niên hiệu Thái Sơ; luận thuyết “Nhà Hán phục hưng thời đại Hoàng Đế” đã tạo dựng nền tảng cho Hán Vũ đế thiết lập thể chế Phong thiện; tích truyện Hoàng Đế giao tiếp với thần linh ở các danh sơn và việc kiến tạo “Minh đình” đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách các thể chế hoạt động tuần du và Tế giao của Hán Vũ đế. Phân tích ý nghĩa của tích truyện Hoàng Đế do Công Tôn Khanh mô tả và ảnh hưởng của nó đối với Hán Vũ đế có thể cung cấp chìa khóa cho việc thấu hiểu cuộc vận động cải cách thể chế Phong thiện, đồng thời đem lại manh mối mới cho việc nghiên cứu kiến ​​thức, tư tưởng và các tác động của giới phương sĩ Tần Hán đối với lĩnh vực chính trị.

 

1. Công Tôn Khanh nhập Chính trường

 

Công Tôn Khanh là một trong nhiều phương sĩ hoạt động trong triều đại Hán Vũ đế. Ông không phải là vị phương sĩ đầu tiên được Hán Vũ đế sủng ái, cũng không phải là vị phương sĩ đầu tiên mưu cầu quan lộ bằng tích truyện Hoàng Đế. Theo “Sử ký – Phong thiện thư”, vào khoảng năm Nguyên Quang thứ hai (133 TCN), vị phương sĩ danh tiếng Lý Thiếu Quân từng bẩm với Hán Vũ đế: 祠灶則致物,致物而丹沙可化為黃金,黃金成以為飲食器則益壽,益壽而海中蓬萊仙者可見,見之以封禪則不死,黃帝是也。臣嘗游海上,見安期生,食臣棗,大如瓜。安期生仙者,通蓬萊中,合則見人,不合則隱” Phiên: Từ táo tắc trí vật, trí vật nhi đan sa khả hóa vi hoàng kim, hoàng kim thành dĩ vi ẩm thực khí tắc ích thọ, ích thọ nhi hải trung bồng lai tiên giả khả kiến, kiến chi dĩ phong thiện tắc bất tử, Hoàng Đế thị dã. Thần thường du hải thượng, kiến An Kì Sinh, thực thần táo, đại như qua. An Kì Sinh tiên giả, thông bồng lai trung, hợp tắc kiến nhân, bất hợp tắc ẩn.” Dịch: Việc cúng tế Táo quân tất phải tạo ra vật dụng, khi có vật dụng thì có thể luyện đan sa thành vàng, vàng dùng làm vật dụng ẩm thực tất là trường sinh mà quần Tiên trên hải đảo Bồng Lai vẫn chứng kiến, giống hệt Phong thiện tất sẽ bất tử, như Hoàng Đế vậy. Thần thường rong chơi trên biển, tiếp kiến An Kì Sinh được ngài đãi loại táo to tày dưa hấu. Vị tiên An Kì Sinh qua lại Bồng Lai, nếu hợp duyên tất hiện nguyên hình, không hợp duyên sẽ ẩn tàng khó thấy.” [HHN] Về vấn đề này, Văn Đình Thức thời nhà Thanh đã lập luận, “Trước Lý Thiếu Quân, người nói về trường sinh bất tử không chỉ dựa vào Lão Tử, mà còn dựa vào Hoàng Đế nữa vậy.” Lục Diệu Đông cũng tin rằng Lý Thiếu Quân là người đã “Đưa Hoàng Đế vào hệ thống phương sĩ”. Tuyên bố này có vẻ không chính xác.

 

Học phái Hoàng Lão thịnh hành vào đầu đời nhà Hán, vốn bao gồm phương thuật thần tiên. Hoàng Đế thư “Thập lục kinh” và “Thập vấn” khai quật được ở di chỉ Mã Vương Đôi chứa nội dung về âm dương, hình đức, phòng trung thuật và các nội dung phương thuật khác. Hoàng Đế thư được liệt kê trong “Hán thư – Nghệ văn chí” bao gồm một số tác phẩm “Thần tiên gia”, cũng có thể được truy nguyên đến sơ k nhà Hán và thậm chí cả các truyền thống tri thức trước đó. Đối với học thuyết liên kết điển lễ Phong thiện với phương thuật, đại khái đã có tiền lệ. Chuyến tuần du Phong thiện về phía Đông của Tần Thủy Hoàng có liên quan mật thiết đến các hoạt động tìm kiếm trường sinh bất tử, và các phương sĩ hai nước Yên, Tề đã khua chiêng gõ trống suốt chuyến đi đó. Cái gọi là Lý Thiếu Quân gặp tiên để rồi thực hành Phong thiện tất trường sinh bất tử là cách nói giống nhau, phải xuất phát từ những thuyết cũ của các phương sĩ Yên Tề. Nhưng thời gian của sự tái xuất hiện này là đáng chú ý.

 

Ngay khi mới lên ngôi, Hán Vũ đế đã sử dụng môn đệ của Thân Công [Bồi] là bọn Triệu Oản [Nho sinh thời Tây Hán, môn đệ của Thân Bồi, được Hán Vũ đế sủng ái, trao chức Ngự sử Đại phu thuộc hàng Tam công, ngang với Thừa tướng và Thái úy - HHN], Vương Tang [Nho sinh thời Tây Hán, môn đệ của Thân Bồi, được Hán Vũ đế sủng ái, trao chức Lang trung lệnh, đại thần thân cận của Hoàng đế, phụ trách nghị sự, nội vụ, quan khách, thị vệ - HHN] và những kẻ khác, để [草巡狩,封禪,改歷服色事thảo tuần thú, phong thiện, cải lịch phục sắc sự] chuẩn bị việc tuần thú, tế giao, thay đổi lịch pháp, sắc phục cho Hoàng đế, nhưng đã thất bại vì sự phản đối của Đậu Thái hậu [竇太后 Đậu Thái hậu (Hiếu văn Đậu Hoàng hậu (?—135 TCN), tên là 猗房 Y Phòng. Theo 史記索隱 “Sử ký Tác ẩn” [Chú dẫn Sử ký Tư Mã Thiên của Tư Mã Trinh (Tư Mã Trinh 679-732, tự Tử Chính, quê ở Hà Nội, nay là Tần Dương, tỉnh Hà Nam, là một vị quan, sử gia đời Đường, đã biên soạn ba mươi tập Sử ký Tác ẩn - HHN]. Bà sinh ra ở Thanh Hà, Quan Tân (nay là quận Vũ Ấp, thành phố Hành Thủy, tỉnh Hà Bắc), vào thời Hán Huệ đế được chọn làm hầu thiếp phục dịch Lữ Hoàng hậu, gọi là Đậu Cơ. Sau đó, được ban cho Đại vương Lưu Hằng, theo về nước Đại, cùng Hằng đồng cam cộng khổ. Hán Văn Đế Lưu Hằng lên ngôi, bà được phong làm hoàng hậu, có một con gái và hai con trai: trưởng nữ Quán Đào Trưởng Công chúa Lưu Phiêu, trưởng nam Hán Cảnh đế Lưu Kỳ, và thiếu nam Lương Hiếu vương Lưu Vũ. Sau khi Hán Cảnh đế lên ngôi, bà được tôn làm Thái hậu. Năm Kiến Nguyên thứ nhất (141 TCN), khi Hán Vũ đế lên ngôi, bà được tôn làm Thái hoàng Thái hậu. Bà qua đời vào năm Kiến Nguyên thứ sáu (135 TCN), và được an táng tại Bá Lăng cùng Hán Văn đế - HHN]. Sử ký ghi:於是天子始親祠灶,遣方士入海求蓬萊安期生之屬,而事化丹沙諸藥齊為黃金矣”. Ư thị thiên tử thủy thân từ táo, khiển phương sĩ nhập hải cầu bồng lai An Kì Sinh chi chúc, nhi sự hóa đan sa chư dược tề vi hoàng kim hĩ. Nghe vậy [bẩm tấu của Lý Thiếu Quân], “Thiên tử bèn tự thân cúng tế Táo quân, và sai các phương sĩ ra biển cầu tìm quần tiên Bồng Lai An Kì Sinh, mong biến tất cả các loại thuốc có đan sa thành vàng vậy.” Sau đó, Hán Vũ đế lo rằng “黄金不就 hoàng kim bất tựu” - vàng sẽ không đủ, nên lại bổ nhiệm thêm bọn Loan Đại cùng bắt tay vào việc. [Loan Đại (? - 112 TCN), là 尚方 Thượng phương (Sở quan chuyên tạo tác, quản lý vật dụng, thực phẩm cho gia đình Hoàng gia Trung Quốc cổ đại) trong cung Giao Đông vương Lưu Cơ thời Hán Vũ Đế, phương phi tuấn tú, học phương thuật với thầy là tướng quân Văn Thành Lý Thiếu Ông. Được Nhạc Thành hầu Kinh Nghĩa tiến cử cho Hán Vũ đế, Vũ đế nghĩ rằng Loan Đại có thể giao tiếp với thần linh và trao cho ông những trách nhiệm nặng nề, ông được phong là Ngũ lợi Tướng quân, lại thêm các danh hiệu Thiên sĩ Tướng quân, Đại sĩ Tướng quân, Đại thông Tướng quân và Thiên đạo Tướng quân. Sau đó được phong tước Nhạc Thông hầu, và khi cùng lúc đeo sáu chiếc ấn, thì cái tên Loan Đại đã trở nên kinh thiên động địa. Vì Loan Đại được Hán Vũ đế tin tưởng, lại nức tiếng với tước hầu, nên ông ta đã được kết hôn với Vệ Trưởng Công chúa ở góa. Hán Vũ đế đã ban cho con gái mười vạn cân vàng làm của hồi môn, đổi tên Thang mộc ấp (Ấp Tắm gội) thành Đương Lợi, và tổ chức một đám cưới cực kỳ long trọng gả con gái góa cho Loan Đại. Sau đó, Hán Vũ đế phát hiện ra hầu hết giả kim thuật của Loan Đại đều không hiệu quả, và Loan Đại không có khả năng thần thông. Người tiến cử Loan Đại, Nhạc Thành hầu Kinh Nghĩa cũng vì việc này mà bị kết tội “bất đức”, bị hành hình, bêu xác ngoài chợ, phế bỏ tước hầu. Ở phía nam của thành phố Đương Lợi, thuộc cổ thành Thành Nam của Vệ trưởng Công chúa, có một ngôi mộ lớn hình cái đấu úp, được cho là ngôi mộ của Loan Đại] [HHN]. Nhưng Lý Thiểu Quân mất sớm, do ảnh hưởng hạn chế, nên Loan Đại thất sủng và bị giết. Vị phương sĩ thực sự đóng vai trò then chốt trong việc lập kế hoạch và phát triển cải cách thể chế Phong thiện là Công Tôn Khanh xuất hiện sau đó.

 

Công Tôn Khánh ra nhập chính trường vào mùa thu năm Nguyên Đỉnh thứ tư, sau Lý Thiếu Quân 20 năm. Năm Nguyên Đỉnh thứ tư là một trong những năm có ý nghĩa quan trọng đối với Hán Vũ đế trước khi thực hành thể chế Phong thiện. Một số sự kiện xảy ra trong năm này đã tạo nên nền tảng cơ bản cho việc trình tấu Phong thiện của Công Tôn Khanh. Trước hết, vào tháng 10 Hán Vũ đế đã 行幸雍祠五畤 hành hạnh Ung từ ngũ chỉ đi Ung thành tế Ngũ đế sau khi tuần du Quan Đông vào tháng 11, xây dựng ngôi đền Hậu thổ ở gò Phần Âm, sau đó đến Huỳnh Dương, rồi theo nẻo Lạc Dương mà quay về.  Tư Mã Thiên đặc biệt chỉ ra: “Đó là thời kỳ mà Thiên tử bắt đầu tuần xét các quận huyện và tìm đến Thái Sơn vậy.” Đây thực sự là chuyến tuần du đại quy mô về phía đông, tiên báo về một thời kỳ mà nghi lễ Phong thiện ở Thái Sơn dường như 呼之欲出 hô chi dục xuất đang lồ lộ hiện ra trước mắt vậy. Theo đó, Thường Sơn quốc, nơi tọa lạc của núi Bắc Nhạc [Sách “Nhĩ nhã” ghi chú: “Hằng Sơn là Bắc Nhạc”. Trước thời Thuận Trị nhà Thanh, Bắc Nhạc - Hằng Sơn luôn được gọi là Đại Mao Sơn ở huyện Khúc Dương, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Trong thời cổ, Đại Mao Sơn có tên Hằng Sơn được đổi thành Thường Sơn trong các triều đại Hán và Tống vì kỵ húy tên của Hán Văn đế và Tống Chân tông. Hán thư” thiên “Giao tự chí” viết Bắc Nhạc – Thường SơnKhúc Dương, và sử sách của các triều đại cũng ghi rõ ràng rằng Hằng Sơn nằm ở phía tây bắc của huyện Khúc Dương, và đỉnh cao nhất chính là Đại Mao Sơn. Vào năm 98 TCN, tức là năm Thiên Hán thứ ba, triều Hán Vũ Đế, đền Bắc Nhạc lần đầu tiên được xây dựng ở huyện Khúc Dương. Đến thời Tuyên Vũ đế, nhà Bắc Ngụy, đền Bắc Nhạc được đổi thành miếu Bắc Nhạc. HHN], cũng được chuyển đổi thành Chân Định [Theo Hán thư, quyển 53  (漢書·53) và Sử ký, quyển 59 (史記·59), thời Hán Vũ đế, năm Nguyên Đnh thứ ba (114 TCN), Lưu Bột thừa kế cha Lưu Thuấn làm Thường Sơn vương. Lưu Thuấn sủng ái nhiều thê thiếp, nhưng trong số đó lại không có vương mẫu của Lưu Bột. Vì vậy khi Lưu Thuấn bị bệnh chết, Lưu Bột và thân mẫu không chịu phục thị linh cữu. Hơn nữa, khi còn đang để tang cha, Lưu Bột vẫn lén lút ăn chơi trác táng, bị anh trai thứ là Lưu Chuyết tố cáo, nên dù mới kế vị vài tháng đã bị Hán Vũ Đế phế truất, gia quyến đày đến Phòng Lăng, và Thường Sơn quốc bị loại bỏ. Hơn một tháng sau sự vụ ấy, Hán Vũ đế tiếc là đã hủy bỏ một nước, nên đã tái phục 3 vạn hộ làm Chân Định quốc, phong cho em trai Lưu Bột là Lưu Bình làm Chân Định vương. HHN] vào giữa năm này và Thường Sơn được đổi thành một quận [Cái tên Thường Sơn lần đầu tiên được đề cập trong Chiến Quốc sách và thuộc về nước Triệu. Nguồn gốc của cái tên Thường Sơn là như sau: Hệ thống Ngũ Linh Sơn được chính thức thành lập dưới thời Hán Vũ đế. Theo Hán thư – Giao tự chí”, Hán Tuyên đế đã ban hành một sắc lệnh vào năm Thần Tước Nguyên niên (61 TCN), xác nhận rằng Thái Sơn là Đông Nhạc, Hoa Sơn là Tây Nhạc, Hoắc Sơn là Nam Nhạc, Hằng Sơn (Hằng Sơn cổ, tức Đại Mậu Sơn) là Bắc Nhạc, Tung Sơn là Trung Nhạc. Vì kị tên húy của Hán Văn đế Lưu Hằng, nên Hằng Sơn (cổ đại) đã được đổi tên thành Thường Sơn, và khu vực phía nam huyện Khúc Dương và Đường Huyện chính quận Thường Sơn vào thời nhà Hán (thực tế bao gồm cả Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, và vùng biên Chính Định, Nguyên Thị và những nơi khác là trị sở cổ của quận Thường Sơn, sau đó, trị sở đã di chuyển nhiều lần, và cuối cùng chuyển đến huyện Chính Định ngày nay.HHN] 然后五岳皆在天子之邦 Nhiên hậu ngũ nhạc giai tại thiên tử chi bang vậy Ngũ Nhạc đều thuộc nước của Thiên tử”, điều kiện để cúng tế Ngũ nhạc, năm ngọn núi nổi tiếng, đã chín muồi.

 

Mùa hè, tháng 6 tìm thấy một chiếc Bảo đỉnh [Bảo đỉnh, một cái tên để gọi chung cho những chiếc đỉnh đúc bằng kim loại, chủ yếu là đồng, có ba chân hai quai, vốn là vật báu lưu truyền ở các triều đại cổ xưa tại Trung Quốc, đặc biệt là Hạ, Thương, Chu; cho nên ai lấy được thiên hạ thì gọi là “định đỉnh”. HHN], đỉnh quý, ngay bên cạnh đền Hậu Thổ ở Phần Âm, nơi vừa được Hán Vũ đế cho xây dựng, và được các cận thần giải thích là điềm lành mang ý nghĩa “thụ mệnh” - vâng mệnh Trời, và “hợp đức” – hợp với Đức lớn. Có lẽ để đáp lại 天賜 thiên tứ ân huệ Trời ban là chiếc Bảo đỉnh, nên vào mùa thu Hán Vũ đế lại tái tuần du Úng Châu để chuẩn bị tế Ngũ đế (黃帝,顓頊,帝嚳,, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn), nhân cơ hội này, chúng triều thần đã đề xuất thiết lập nghi lễ tế giao khác cho Thái Nhất. [Sách “Phong Thiện thư” của Tư Mã Thiên viết: 其秋,上幸雍,且郊。或曰「五帝,太一之佐也,宜立太一而上親郊之」。上疑未定。齊人公孫卿曰:「今年得寶鼎,其冬辛巳朔旦冬至,與黃帝時等。」卿有札書曰:「黃帝得寶鼎宛,問於鬼臾區。鬼臾區對曰:『[黃]帝得寶鼎神策,己酉朔旦冬至,得天之紀,終而復始。』於是黃帝迎日推策,後率二十復朔旦冬至,凡二十推,三百八十年,黃帝僊登於天。」卿因所忠欲奏之。所忠視其書不經,疑其妄書,謝曰:「寶鼎事已決矣,尚何以為!」卿因嬖人奏之。上大,乃召問卿。對曰:「受此書申公,申公已死。」上曰:「申公何人也?」卿曰:「申公,齊人。與安期生通,受黃帝言,無書,獨有此鼎書。曰『漢興復當黃帝之時』。曰『漢之聖者在高祖之孫且曾孫也。寶鼎出而與神通,封禪。封禪七十二王,唯黃帝得上泰山封』。申公曰:『漢主亦當上封,上封能僊登天矣。黃帝時萬諸侯,而神靈之封居七千。天下名山八,而三在蠻夷,五在中國。中國華山、首山、太室、泰山、東萊,此五山黃帝之所常遊,與神會。黃帝且戰且學僊。患百姓非其道者,乃斷斬非鬼神者。百餘然後得與神通。黃帝郊雍上帝,宿三月。鬼臾區號大鴻,死葬雍,故鴻塚是也。其後黃帝接萬靈明廷。明廷者,甘泉也。所謂寒門者,谷口也。黃帝採首山銅,鑄鼎於荊山下。鼎既成,有龍垂胡髯下迎黃帝。黃帝上騎,群臣後宮從上者七十餘人,龍乃上去。餘小臣不得上,乃悉持龍髯,龍髯拔,,墮黃帝之弓。百姓仰望黃帝既上天,乃抱其弓與胡髯號,故後世因名其處曰鼎湖,其弓曰烏號。』」於是天子曰:「嗟乎!吾誠得如黃帝,吾視去妻子如屣耳。」乃拜卿為郎,東使候神於太室。

 

Phiên: Kì thu, thượng hạnh ung, thả giao. Hoặc viết “Ngũ đế, thái nhất chi tá dã, nghi lập thái nhất nhi thượng thân giao chi”. Thượng nghi vị định. Tề nhân Công Tôn Khanh viết: “Kim niên đắc bảo đỉnh, kì đông tân tị sóc đán đông chí, dữ Hoàng Đế thì đẳng.” Khanh hữu trát thư viết: “Hoàng Đế đắc bảo đỉnh Uyển Cù, vấn ư Quỷ Du Khu. Quỷ Du Khu đối viết: “Hoàng Đế đắc bảo đỉnh thần sách, thị tuế kỉ dậu sóc đán đông chí, đắc thiên chi kỉ, chung nhi phục thủy.” Ư thị Hoàng Đế nghênh nhật thôi sách, hậu suất nhị thập tuế phục sóc đán đông chí, phàm nhị thập thôi, tam bách bát thập niên, Hoàng Đế tiên đăng vu thiên.” Khanh nhân Sở Trung dục tấu chi. Sở Trung thị kì thư bất kinh, nghi kì vọng thư, tạ viết: “Bảo đỉnh sự dĩ quyết hĩ, thượng hà dĩ vi!” Khanh nhân bế nhân tấu chi. Thượng đại thuyết, nãi triệu vấn Khanh. Đối viết: “Thụ thử thư Thân Công, Thân Công dĩ tử.” Thượng viết: “Thân Công hà nhân dã?” Khanh viết: “Thân Công, Tề nhân. Dữ An Kì Sinh thông, thụ Hoàng Đế ngôn, vô thư, độc hữu thử đỉnh thư. Viết: “Hán hưng phục đương Hoàng Đế chi thì”. Viết: “Hán chi thánh giả tại Cao tổ chi tôn thả tằng tôn dã. Bảo đỉnh xuất nhi dữ thần thông, phong thiện. Phong thiện thất thập nhị vương, duy Hoàng Đế đắc thượng Thái Sơn phong”. Thân Công viết: “Hán chủ diệc đương thượng phong, thượng phong năng tiên đăng thiên hĩ. Hoàng Đế thì vạn chư hầu, nhi thần linh chi phong cư thất thiên. Thiên hạ danh sơn bát, nhi tam tại man di, ngũ tại Trung Quốc. Trung Quốc Hoa Sơn, Thủ Sơn, Thái Thất. Thái Sơn, Đông Lai, thử ngũ sơn Hoàng Đế chi sở thường du, dữ thần hội. Hoàng Đế thả chiến thả học tiên. Hoạn bách tính phi kì đạo giả, nãi đoạn trảm phi quỷ thần giả. Bách dư tuế nhiên hậu đắc dữ thần thông. Hoàng Đế giao Ung thượng đế, túc tam nguyệt. Quỷ Du Khu hiệu Đại Hồng, tử táng Ung, cố hồng trủng thị dã. Kì hậu Hoàng Đế tiếp vạn linh Minh đình. Minh đình giả, Cam Tuyền dã. Sở vị hàn môn giả, Cốc Khẩu dã. Hoàng Đế thải thủ Sơn Đồng, chú đỉnh ư kinh sơn hạ. Đỉnh kí thành, hữu long thùy hồ nhiêm hạ nghênh Hoàng Đế. Hoàng Đế thượng kị, quần thần hậu cung tòng thượng giả thất thập dư nhân, long nãi thượng khứ. Dư tiểu thần bất đắc thượng, nãi tất trì long nhiêm (Râu Rồng, Râu Hoàng đế), long nhiêm bạt, đọa, đọa Hoàng Đế chi cung. Bách tính ngưỡng vọng Hoàng Đế kí thượng thiên, nãi bão kì cung dữ hồ nhiêm hiệu, cố hậu thế nhân danh kì xứ viết đỉnh hồ, kì cung viết ô hiệu.” Ư thị thiên tử viết: “Ta hồ! Ngô thành đắc như Hoàng Đế, ngô thị khứ thê tử như thoát tỉ nhĩ.” Nãi bái Khanh vi lang, đông sử hậu thần ư Thái Thất.

Dịch: Mùa thu, Hán Vũ đế [Lưu Triệt, 156-87 TCN, là chắt của Hán Cao tổ Lưu Bang - HHN] đến Ung Thành, để cử hành lễ tế ở thành ngoại. Có kẻ nói: “Ngũ Đế là phụ tá cho Thái Nhất vậy, nên xây đàn Thái Nhất, hoàng thượng đích thân hành lễ.” Vũ đế do dự. Công Tôn Khanh, người Tề, nói: “Năm nay được chiếc đỉnh quý, vả đông chí nhằm ngày Sóc, Tân Tị, trùng hợp với ngày của Hoàng Đế vậy.” Khanh còn dâng trát, nói: “Hoàng Đế có được Bảo đỉnh ở thành Uyển Cù, bèn hỏi ý Quỷ Du Khu.” [Quỷ Du Khu, hay Quỷ Dung Khu, hiệu Đại Hồng, là Đại Dược sư thời Thượng cổ, thần thuộc của Hoàng Đế, từng giúp Hoàng Đế phát minh ra ngũ hành, diễn giải cặn kẽ kinh mạch làm thành kinh điển-HHN] Quỷ Du Khu đáp: “Hoàng Đế đã có được Bảo đỉnh và Thần sách [Sách bói mai rùa, cỏ thi], nhằm ngày Sóc, tiết Đông chí, năm Kỉ dậu, lại được ngày Kỉ. Kết cục mà hóa khởi đầu vậy”. Thời đó Hoàng Đế chiêm ngắm nhật nguyệt tính được cứ sau hai mươi năm thì tiết Đông chí quay trở lại vào đúng ngày Sóc. Cập đến chu kỳ 20, năm thứ 380, Hoàng Đế thành tiên bay về Trời.” Khanh dựa vào Sở Trung [sủng thần của Hán Vũ đế] để dâng trát (sách viết trên thẻ tre, gỗ). Sở Trung xem kỹ sách trát bất thường đó, ngờ là bất chính, tạ từ nói: “Sự vụ Bảo đỉnh đã quyết rồi, còn làm gì được nữa đây!” Khanh dựa vào kẻ sủng thần mà dâng sách trát vậy. Hoàng thượng rất nhã hứng, bèn vời Khanh đến. Khanh nói:  “Sách trát đó thần được Thân Công đem cho, Thân Công đã mất. Hoàng thượng hỏi: “Thân Công là ai vậy?” Khanh đáp: “Thân Công là người nước Tề, thường qua lại với An Kỳ Sinh, thụ lĩnh lời dạy của Hoàng Đế mà không có sách, duy chỉ có Đỉnh thư (văn bản khắc trên đỉnh đồng) đó. Đỉnh thư viết: “Nhà Hán phục hưng thời đại Hoàng Đế”. Lại viết: “Có các bậc hiền thánh nhà Hán ở thời cháu và cả thời chắt của Hán Cao tổ (Lưu Bang 256-195 TCN-HHN) vậy. Bảo đỉnh xuất thì có thể giao tiếp với thần linh và thực hiện lễ Phong thiện [Là tế Trời đất; vào thời cổ đại, lúc thái bình thịnh trị, hoặc điềm trời có những đám mây tuyệt đẹp hoặc những tia sáng rực rỡ trên bầu trời, các bậc Đế vương đích thân đến núi Thái Sơn hành lễ tế Trời đất. Vào thời cổ đại và trong các triều Hạ, Thương, Chu, có một truyền thuyết về Phong thiện. Đã có bảy mươi hai vị Đế vương làm lễ Phong thiện, chỉ duy nhất Hoàng Đế là lên được đỉnh núi Thái Sơn hành lễ.”HHN].   

 

桓公既霸,會諸侯於葵丘,而欲封禪。管仲曰:古者封泰山禪梁父者七十二家,而夷吾所記者十有二焉。昔無懷氏,封泰山。禪云云,虙羲封泰山,禪云云。神農封泰山,禪云云。炎帝封泰山,禪云云。黃帝封泰山,禪亭亭。顓頊封泰山,禪云云。帝嚳封泰山,禪云云。堯封泰山,禪云云。舜封泰山,禪云云。禹封泰山,禪會稽。湯封泰山,禪云云。周成王封泰山,禪社首。皆受命然後得封禪。桓公曰:寡人北伐山戎,過孤竹,西伐大夏,涉流沙,束馬懸車,上卑耳之山。南伐至召陵,登熊耳山,以望江漢。兵車之會三,而乘車之會六,九合諸侯,一匡天下,諸侯莫違我。昔三代受命,亦何以異乎?於是管仲睹桓公不可窮以辭,因設之以事曰:古之封禪,鄗上之黍,北里之禾,所以為盛,江淮之間,一茅三脊,所以為藉也。東海致比目之魚,西海致比翼之鳥。然後物有不召而自至者十有五焉。今鳳凰麒麟不來,嘉穀不生,而蓬蒿藜莠茂,鴟梟數至,而欲封禪,毋乃不可乎,於是桓公乃止。

 

Phiên: Hoàn Công kí bá, hội chư hầu ư Quỳ Khâu, nhi dục Phong thiện. Quản Trọng viết: “Cổ giả phong Thái Sơn thiện Lương Phụ giả thất thập nhị gia, nhi Di Ngô sở kí giả thập hữu nhị yên. Tích Vô Hoài thị, phong Thái Sơn, thiện vân vân, Phục Hi phong Thái Sơn, thiện vân vân. Thần Nông phong Thái Sơn, thiện vân vân. Viêm Đế phong Thái Sơn, thiện vân vân. Hoàng Đế phong Thái Sơn, thiện đình đình. Chuyên húc phong Thái Sơn, thiện vân vân. Đế Khốc phong Thái Sơn, thiện vân vân. Nghiêu phong Thái Sơn, thiện vân vân. Thuấn phong Thái Sơn, thiện vân vân. Vũ phong Thái Sơn, thiện Hội Kê. Thang phong Thái Sơn, thiện vân vân. Chu Thành vương phong Thái Sơn, thiện Xã Thủ. Giai thụ mệnh nhiên hậu đắc Phong thiện”. Hoàn Công viết: “Quả nhân bắc phạt Sơn Nhung, quá Cô Trúc, tây phạt Đại Hạ, thiệp lưu sa, thúc mã huyền xa, thượng ti nhĩ chi sơn. Nam phạt chí Triệu Lăng, đăng Hùng Nhĩ Sơn, dĩ vọng Giang, Hán. Binh xa chi hội tam, nhi thừa xa chi hội lục, cửu hợp chư hầu, nhất khuông thiên hạ, chư hầu mạc vi ngã. Tích Tam đại thụ mệnh, diệc hà dĩ dị hồ?” Ư thị Quản Trọng đổ Hoàn Công bất khả cùng dĩ từ, nhân thiết chi dĩ sự viết: Cổ chi Phong thiện, Hạo Thượng chi thử, Bắc Lí chi hòa, sở dĩ vi thịnh, Giang Hoài chi gian, nhất mao tam tích, sở dĩ vi tạ dã. Đông Hải trí bỉ mục chi ngư, Tây Hải trí bỉ dực chi điểu. Nhiên hậu vật hữu bất triệu nhi tự chí giả thập hữu ngũ yên. Kim Phụng hoàng Kì lân bất lai, gia cốc bất sinh, nhi bồng hao lê dửu mậu, si kiêu sổ chí, nhi dục Phong thiện, vô nãi bất khả hồ, ư thị Hoàn Công nãi chỉ.

 

Dịch: Thiên Quản Tử - sách Phong Thiện thư viết: Tề Hoàn Công thành bá chủ, hội chư hầuQuỳ Khâu, ý muốn Phong thiện. Quản Trọng nói: “Thời xưa, bảy mươi hai nhà lập đàn mà tế Trời ở Thái Sơn, quét núi mà tế Đất ở Lương Phụ, Di Ngô đã ghi được mười hai nhà vậy. Xưa Vô Hoài tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Phục Hi tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Thần Nông tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Viêm Đế tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Hoàng Đế tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất những nơi uy nghiêm chót vót. Chuyên Húc tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Đế Khốc tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Nghiêu tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Thuấn tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Vũ tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất ở Hội Kê. Thang tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất nơi này nơi kia. Chu Thành vương tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất ở Xã Thủ Sơn [núi thiêng thuộc Thái Sơn, thời cổ các bậc Đế vương du tuần Phong thiện ở Thái Sơn, thì lập đàn tế Trời (Hạo thiên Thượng đế) trên đỉnh Thái Sơn, và lập đàn tế Đất (Hậu thổ) trên núi Xã Thủ Sơn. Sau giải phóng, vào năm 1951, Xã Thủ Sơn linh thiêng, đã bị đục phá để lấy đá xây dựng, và cõi linh sơn này đã vĩnh viễn biến mất kể từ đó.HHN]. Các bậc Đế vương đều thụ mệnh Trời rồi mới được thực hành Phong thiện. Tề Hoàn Công viết: “Quả nhân lên bắc đánh Sơn Nhung tới quá Cô Trúc [Là một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc, xuất hiện vào thời nhà Thương, hoàng tộc mang họ [mẹ] Tử, đồng tông với Vương thất nhà Thương. Vào thời Xuân Thu, nó được coi là rợ Sơn Nhung, vương thành buổi đầu nằm gần thành phố Đường Sơn ngày nay. Cô Trúc được phong Hầu quốc lần đầu tiên vào thời nhà Thương, trong giáp cốt văn Ân Khư gọi là “Trúc hầu”, tồn tại từ đầu triều đại nhà Thương đến giữa thời Xuân Thu. Tích truyện Bá Di và Thúc Tề của Hầu quốc Cô Trúc vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Nước này đã bị Tề và Yên diệt vào năm 660 trước Công nguyên. HHN] sang tây phạt Đại Hạ, băng qua cát lún, bó ngựa cẩu xe mà leo lên Tịch Nhĩ Sơn (cổ danh sơn tại tây bắc huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây ngày nay). [國語・齊語》: “懸車束馬,逾太行與闢耳之溪拘夏.“Quốc ngữ - Tề ngữ”: “Huyền xa thúc mã, du Thái Hành dữ Tịch Nhĩ chi khê câu Hạ”: Vì đường núi ghập ghềnh đá sắc nên phải lấy vải cuốn móng chân ngựa, cẩu xe đưa lên, vượt Thái Hành [còn có tên là Thiên Đỉnh Quan, Hùng Định Quan, là biên giới của Dự và Tấn thời cổ đại, nằm ở Tấn Thành, huyện Trạch Châu, phía nam núi Thái Hành, hình thế cheo leo hiểm trở đến mức được gọi là thiên hiểm.HHN] băng núi Thái Hành vượt khe Tịch Nhĩ mà bắt Hạ.” Phía nam, đánh tới Triệu Lăng [Tương truyền là đất phong của con cháu Cao Đào thời nhà Hạ, tức là Yển Tử quốc. Thời Tây Chu, Triệu Lăng thuộc nước Hồ, cuối thời Xuân Thu là đất Sở. Thời Chiến Quốc, nước Ngụy lập Triệu Lăng Ấp ở đây, đến thời nhà Tần, đổi Triệu Lăng Ấp thành huyện Triệu Lăng, thuộc Trần Quận. Đời nhà Hán đổi thuộc quận Nhữ Nam, vào năm Kiến Vũ thứ ba thời Đông Hán (năm 27 sau Công nguyên), tách huyện Triệu Lăng, lập huyện Trưng Khương, vẫn thuộc quận Nhữ Nam. HHN], lên Hùng Nhĩ Sơn [một trong những rặng núi lớn hơn ở phần phía đông của dãy núi Tần Lĩnh, nằm ở ranh giới giữa lưu vực sông Hoàng HàDương Tử. Hùng Nhĩ Sơn bắt đầu từ huyện Lô Thị ở phía tây, kéo dài về phía đông bắc đến huyện Y Xuyên, quay về phía đông, giáp sơn hệ Ngưu Phục ở phía nam và tiếp liền núi Hào Sơn ở phía bắc, đỉnh chính là Toàn Bảo Sơn, huyện Lạc Ninh với độ cao 2103,2m; Hoa Quả Sơn huyện Nghi Dương, với độ cao 1831,8 m và Ưng Chủy Sơn, Tung Huyện với độ cao 1859,6 m so với mực nước biển. Hùng Nhĩ Sơn nằm ở phía nam của vùng ôn đới ấm áp, đồng thời chịu ảnh hưởng của khí hậu cận nhiệt đới phía bắc, có nhiều loại động vật và thực vật, môi trường sinh thái phong phú. Sách Thủy Kinh chú ghi: Hùng Nhĩ Sơn 雙峰競秀,望井銘耳 Song Phong cạnh tú, vọng tỉnh minh nhĩ – Song Phong [Hai đỉnh] đua tranh vẻ đẹp, nhìn lên như giếng, như tai gấu”, và sách Thượng thư, thiên Vũ cống chép: 導洛自熊耳 Đạo Lạc tự Hùng nhĩ – Sông Lạc khởi nguồn tự Hùng Nhĩ Sơn, thánh địa của Đạo giáo, danh sơn của vùng Trung Nguyên. HHN] “mà vọng nhìn Giang (Trường Giang), Hán (Hán Giang). Ba lần hội binh xa (xe quân binh), sáu lần hội thừa xa (xe quan tướng); chín lần hội chư hầu, làm cho thiên hạ thái bình, chư hầu tuyệt chẳng lìa ta. Xưa tam đại (Hạ, Thương, Chu) thụ mệnh, nào có khác chi?”.

 

桓公曰:天子之養不足,號令賦於天下,則不信諸侯,為此有道乎?管子對曰:江淮之閒,有一茅而三脊,母至其本,名之曰菁茅,請使天子之吏環封而守之。夫天子則封於太山,禪於梁父。號令天下諸侯曰:諸從天子封於太山禪於梁父者,必抱菁茅一束以為禪籍,不如令者,不得從天子’,天下諸侯載其黃金爭秩而走,江淮之菁茅,坐長而十倍其賈,一束而百金。故天子三日即位,天下之金四流而歸周若流水,故週天子七年不求賀獻者,菁茅之謀也。

 

Phiên: Hoàn Công viết, “Thiên tử chi dưỡng bất túc, hiệu lệnh phú vu thiên hạ, tắc bất tín chư hầu, vi thử hữu đạo hồ?” Quản Tử đối viết: “Giang Hoài chi gian, hữu nhất mao nhi tam tích, vô chí kì bản, danh chi viết tinh mao, thỉnh sử Thiên tử chi lại hoàn phong nhi thủ chi. Phù Thiên tử tắc phong vu Thái Sơn, thiện vu Lương Phụ. Hiệu lệnh thiên hạ chư hầu viết: “Chư tòng Thiên tử phong vu Thái Sơn thiện vu Lương Phụ giả, tất bão tinh mao nhất thúc dĩ vi thiện tịch, bất như lệnh giả, bất đắc tòng Thiên tử”, thiên hạ chư hầu tái kì hoàng kim tranh trật nhi tẩu, Giang Hoài chi tinh mao, tọa trường nhi thập bội kì cổ, nhất thúc nhi bách kim. Cố Thiên tử tam nhật tức vị. Thiên hạ chi kim tứ lưu nhi quy Chu nhược lưu thủy, cố Chu Thiên tử thất niên bất cầu hạ hiến giả, tinh mao chi mưu dã.”

 

Dịch: Hoàn Công lại nói, “Lễ lạt dâng Thiên tử không đủ, hiệu lệnh ban bố cho thiên hạ làm cho chư hầu bất tín, vậy còn kế sách nào chăng?” Quản Tử thưa: Ở vùng Giang, Hoài có loại cỏ tranh có ba sống lá, chẳng cần đến gốc rễ của nó, tên gọi tinh mao, xin hãy để các thuộc lại của Thiên tử đắp bồi mà giữ lấy. Ôi, Thiên tử tất sẽ tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất ở Lương Phụ. Hiệu lệnh cho chư hầu trong thiên hạ viết: “Chư khanh theo hầu Thiên tử tế Trời ở Thái Sơn, tế Đất ở Lương Phụ, tất phải đem theo một bó tinh mao làm đệm lễ, nếu không tuân lệnh sẽ không được theo hầu.” Chư hầu trong thiên hạ chở vàng theo để tranh ngôi thứ mà đi, giá cỏ tinh mao Giang, Hoài bỗng dưng tăng gấp mười lần, một bó bán cả trăm lượng vàng. Cho nên, Thiên tử lên ngôi mới có ba ngày, vàng trong thiên hạ muôn hướng đều đổ về Chu như nước chảy, vì vậy trong vòng bảy năm Thiên tử nhà Chu không đòi hỏi lễ cầu hạ chúc mừng, đó chính là mưu kế cỏ tinh mao vậy.

_____________________________________

 

(Còn nữa…)

 

Nguồn: 郭津嵩 (2021). 卿述黄帝故事与武帝封禅改制”. 来源:史研究》2021年第2. (Quách Tân Tung (2021). Công Tôn Khanh thuật Hoàng Đế cố sự dữ Hán Vũ đế phong thiện cải chế. Lai nguyên: “Lịch sử Nghiên cứu” 2021 niên đệ II kì.)

 

Tác giả: Quách Tân Tung, Trợ lý Giáo sư, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Cổ đại Trung Quốc. Từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 7 năm 2009, nhận bằng cử nhân khoa Thiên văn, Đại học Nam Kinh. Từ tháng 9 năm 2009 đến tháng 7 năm 2012, nhận bằng thạc sĩ tại Khoa Lịch sử của Đại học Bắc Kinh. Từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 3 năm 2019, theo học chuyên ngành Khoa Đông Á và Lịch sử Khoa học tại Đại học Princeton và nhận bằng Tiến sĩ. Tháng 5 năm 2019 đến tháng 9 năm 2021 Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Lịch sử, Đại học Bắc Kinh. Hướng nghiên cứu: Lịch sử khoa học kỹ thuật cổ đại Trung Quốc, lịch sử trí thức và lịch sử văn hóa chính trị.

 

Tài liệu dẫn (HHN)

 

《本草經集注》               Bản thảo kinh Tập chú

《綱目》                            Cương mục

《漢書•郊祀志》             Hán thư • Giao tự chí

《漢書•禮樂志》             Hán thư • Lễ nhạc chí

《漢書,藝文志》              Hán thư, Nghệ văn chí

《漢書•卷53                 Hán thư• quyển53

《禮記•王制》                 Lễ kí• Vương chế

《五帝本紀》                   Ngũ đế Bản kỉ 

《爾雅》                            Nhĩ nhã

《國語・齊語》               Quốc ngữTề ngữ

《史記•孝武本紀》         Sử kí • Hiếu Vũ bản kỉ

《史記•封禪書》              Sử kí • Phong thiện thư

《史記•卷59                  Sử kí• quyển 59

《史記索隱》                    Sử kí Tác ẩn 

《史記, 齊太公世家》     Sử kí • Tề Thái công thế gia

《鐵嶺縣志》                    Thiết lĩnh Huyện chí

《述異記》                        Thuật dị kí 

《續漢書•律曆志下》     Tục Hán thư • Luật lịch chí hạ

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét