Powered By Blogger

Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

Khái lược về Hiện tượng luận và Cấu trúc luận

Rossana de Angelis & Simone Aurora

Người dịch: Hà Hữu Nga

Mối quan hệ giữa hiện tượng luận và cấu trúc luận thường được hình dung như một mối quan hệ đối lập, thậm chí đối kháng. Ví dụ, Michel Foucault đã viết trong lời nói đầu bằng tiếng Anh của The Order of ThingsTrật tự của Sự vật: “Nếu có một cách tiếp cận mà tôi thực sự bác bỏ […] thì đó là (người ta có thể gọi nó, đại khái là cách tiếp cận hiện tượng luận) mang lại ưu tiên tuyệt đối cho chủ thể quan sát, gán vai trò cấu thành cho một hành động, chủ thể này đặt quan điểm riêng của mình vào nguồn gốc của mọi sử tính – nói tóm lại, điều này dẫn đến một ý thức siêu việt” (Foucault 2002, xv). Có lẽ do lập trường như vậy, nên các nhà cấu trúc luận và hiện tượng luận có xu hướng bỏ qua các khái niệm tương ứng và các giả định cơ bản của họ. Như Sémir Badir viết trong những trang này, “nhìn chung, các nhà hiện tượng luận hiếm khi đọc tác phẩm của các nhà ký hiệu học hoặc ngôn ngữ học; còn tri thức mà các nhà ký hiệu học có được về hiện tượng luận, thì phải thừa nhận rằng nó thường khá hời hợt” (Badir, infra).

Bất chấp sự thiếu hiểu biết lẫn nhau này (dường như trong mọi trường hợp vấn đề có vẻ đang lắng xuống, xem Bordron 2011, Denis 2011), có thể hiểu sự đối lập giữa hiện tượng luận và cấu trúc luận một cách tích cực hơn, trong khuôn khổ của tính bổ sung của chúng, hoặc – theo cách nói của Bernard Waldenfels (2005) – với tư cách là fratricide - huynh đệ tương tàn hoặc parricide - tội giết cha mẹ, nghĩa là có những yếu tố đối lập nhau nhưng dù sao vẫn có cùng cội rễ và phả hệ. Chẳng hạn, theo nghĩa này, Elmar Holenstein đã tuyên bố rằng “hiện tượng luận tạo nên điều kiện lịch sử và vật chất cho khả tính của cấu trúc luận” (Holenstein 1975). Dòng nghiên cứu mang tính tổng hợp hơn này do Holenstein đi tiên phong trong những năm 1970 gần đây đã lấy lại được sức sống của nó (xem Stawarska 2015, De Palo 2016, Aurora 2017, Flack 2018) và là khuynh hướng mà những bài viết trong tuyển tập này theo đuổi. Tiền đề chính của nó là hiện tượng luận và cấu trúc luận nổi lên như những truyền thống liên ngành, xuyên-Âu, không đại diện cho các trường phái xung đột hoặc thay thế, được phát triển trong một mạng lưới ảnh hưởng lẫn nhau rộng lớn và phức tạp vào đầu Thế kỷ 20.

Với tư cách là các ví dụ về mạng quan hệ này, ở đây người ta có thể đề cập đến những dấu vết về ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các bài viết của Husserl đối với nhiều lý thuyết khoa học khác nhau trong đó cách tiếp cận cấu trúc luận hoặc nguyên-cấu trúc luận lần đầu tiên được phát triển. Ví dụ, Husserl đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển các nguyên tắc lý thuyết của xu hướng cấu trúc luận trong tâm lý học, cụ thể là Gestaltpsychologie tâm lý học hình thái, đến mức cùng với Christian von Ehrenfels và Carl Stumpf, ông có thể được coi là một trong những cha đẻ của ngành học này (cf. Ash 1995). Tương tự như vậy, khái niệm về figurales Moment khoảnh khắc tượng hình của Husserl – được giới thiệu trong tác phẩm triết học đầu tiên của ông, Philosophie der Arithmetik Triết học Số học – hoàn toàn có thể được coi là tiền đề lý thuyết của khái niệm chủ chốt về Gestalt Hình thái (cf. Ierna 2009).

Trong truyền thống toán học của cấu trúc luận (ban đầu gắn liền với công trình của Bourbaki hoặc David Hilbert), đóng góp chính của Husserl nằm ở việc mở rộng khái niệm toán học về đa tạp. Sự so sánh giữa lý thuyết đa tạp thuần túy của Husserl và dự án cấu trúc luận của Bourbaki được đặc biệt quan tâm. Như Guillermo Rosado Haddock đã nhận xét, “quan niệm về toán học của Bourbaki rất giống với quan niệm của Husserl” (2006, 213). Trên thực tế, “đại số phổ dụng (universal algebra) và topo đại cương (general topology) rõ ràng là những hiện thực từng phần của lý tưởng Husserlian”. Như vậy, Husserl dự đoán “sự phát triển trong tương lai của toán học, cụ thể là khả năng kết hợp các cấu trúc toán học khác nhau nhưng tương thích để có được một đa tạp toán học phức hợp” (complex mathematical manifold) (Ibidem, 208).

Trong các khoa học ngôn ngữ, người ta có thể xác định mối quan hệ đáng kể giữa Husserl và các nhà ngôn ngữ học cấu trúc, đến mức thậm chí có thể coi Logischen Untersuchungen - Khảo sát Logic là một trong những nguồn cội cơ bản của ngôn ngữ học cấu trúc (cf. Aurora 2015). Mặc dù bản thân Saussure và Husserl không có những tiếp xúc trực tiếp, nhưng có nhiều điểm gặp gỡ giữa triết học của Husserl và Trường phái Copenhagen hay Trường phái Ngôn ngữ học Praha. Roman Jakobson rõ ràng coi hiện tượng luận của Husserl là một trong những nguồn chính của cấu trúc luận Praha và, cụ thể hơn, đã định nghĩa kiệt tác ban đầu của Husserl là một trong những ảnh hưởng lý thuyết mạnh mẽ nhất của ông (cf. Holenstein 1975).

Để củng cố thêm nền tảng chung này, rất cần xem xét hiện tượng luận và cấu trúc luận theo ba cách bổ sung cho nhau: với tư cách là truyền thống, phương pháplý thuyết. Việc hiểu hiện tượng luận và cấu trúc luận như là các truyền thống – tức là như các trào lưu có vị trí lịch sử liên quan đến một số tác nhân khác nhau ở cả trung tâm và ngoại vi – cung cấp cơ sở để làm nổi bật phả hệ chung của chúng. Do đó, ngoài các yếu tố đã được đề cập, người ta còn tìm thấy một số tác giả quan trọng, những người tự đặt mình ở điểm giao thoa giữa hiện tượng luận và cấu trúc luận – và những người thường bị gạt ra ngoài lề trong các loại hình sử ký của từng trào lưu này –, chẳng hạn như Hendrik Pos, Ernst Cassirer, Jacobus van Ginneken, Karl Bühler và nói chung là các nhà tâm lý học hình thái.

Khi coi hiện tượng luận và cấu trúc luận như những phương pháp, thì người ta có thể làm nổi bật tập hợp các giả định cơ bản chung được các thành viên của cả hai truyền thống chia sẻ. Ngoài ra, những giả định về phương pháp luận được chia sẻ này là quan điểm phân tích mang tính mô tảphổ quát, các tham chiếu đến chủ nghĩa hình thứcmô hình hóa, việc sử dụng các trình thức giao hoán hoặc biến thiên và cuối cùng là sử dụng các phân tích định tính. Ngoài ra, việc tập trung vào hiện tượng luận và cấu trúc luận với tư cách là các lý thuyết hệ thống hoặc các mô hình lý thuyết sẽ mở ra một không gian để kết hợp một cách hiệu quả các đặc điểm cơ bản của chúng. Đặc biệt, cách tiếp cận kết hợp này vạch ra ý tưởng song sinh cho rằng, một mặt, hiện tượng luận là cần thiết để giải quyết bế tắc của cấu trúc luận, cụ thể là xu hướng sử dụng một khái niệm cấu trúc quá cứng nhắc và dựa trên chủ nghĩa khách quan ngây thơ; mặt khác, cấu trúc luận cũng được bộc lộ là thiết yếu đối với tình trạng bế tắc của hiện tượng luận và xu hướng của nó đối với các hình thức chủ quan luận cực đoan.

Luận điểm trung tâm này được Simone Aurora và Patrick Flack thể hiện một cách rõ ràng trong nỗ lực của họ nhằm vạch ra những nguyên tắc chung của một “hiện tượng luận cấu trúc”. Nhưng nó cũng được tìm thấy, dưới nhiều vỏ bọc khác nhau và với những trọng tâm khác nhau, trong tất cả bài viết của tập sách này. Một tiêu điểm của mối quan hệ bổ sung giữa hiện tượng luận và cấu trúc luận là bản chất khó nắm bắt của ý nghĩa, khi chuyển dịch giữa quan điểm nhận thức và ngôn ngữ học.  Những yếu tố này hội tụ trong khái niệm về hình thái, liên tục chuyển đổi giữa chiều kích tri giác và chiều kích khả tri. Như Parret gợi ý trong bài viết của mình, “nhận thức được coi là nguồn gốc của sự khác biệt về định tính”. Thật vậy, lý thuyết giá trị nổi tiếng của Saussurian, tạo thành nền tảng của bất kỳ hệ thống ngôn ngữ hoặc ký hiệu học nào, phụ thuộc vào nguyên tắc nhận thức về sự phân biệt (Rastier 1991), đồng thời ủng hộ ý tưởng về một tri giác ngữ nghĩa và khái niệm về hình thái ngữ nghĩa. Quan điểm này là sự phản đối bài viết của Antonino Bondi, đề cập đến “lý thuyết về các hình thái ngữ nghĩa”, mà bản thân nó dựa trên luận đề sau: “nhận thức luôn luôn phác họa một ý nghĩa” (Cadiot-Visetti 2001, 50).

Giả thuyết này dựa trên đề xuất lý thuyết cấu trúc luận hình thái/[thức] (De Angelis 2014). Nó là kết quả của sự gặp gỡ giữa cấu trúc luậnGestalttheorie Lý thuyết hình thái, bám gót các lý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure và Louis Hjelmslev. Nó bao gồm một cách tiếp cận đối với ngôn ngữ, và đặc biệt là với ý nghĩa, tập trung vào khái niệm hình thái. Tập trung vào tính ổn định và sự biến đổi của các cấu trúc, René Thom (1972, 1974) phân tích các khả tính và các phương thức kế thừa các hình thức, một hiện tượng được gọi là morphogenesis phát sinh hình thái học, một thuật ngữ dùng để chỉ mọi quá trình sáng tạo hoặc phá hủy của các hình thức. Quan điểm này đã được Jean Petitot áp dụng vào phân tích ý nghĩa, được phát triển trong quá trình phát sinh hình thái học ý nghĩa (Petitot 1985), và bởi David Piotrowski, đã công phu xây dựng một cách tiếp cận động học hình thái đối với khái niệm dấu hiệu (Piotrowski 2017). Tuy nhiên, Gestalt Structuralism - Cấu trúc luận Hình thái cũng phát triển như một cách tiếp cận đặc biệt đối với các văn bản ở ngã ba đường giữa hai quan điểm khác nhau, tường giải học và ngôn ngữ học. Theo ngữ nghĩa học diễn giải do François Rastier đề xuất (cf. Rastier 2009), việc hiểu một chuỗi ngôn ngữ giả sử nhận ra các hình thái ngữ nghĩa, được xác định bằng cách đọc văn bản (Rastier 1989). Khái niệm về hình thái ngữ nghĩa ngay lập tức gợi lên khái niệm về perceptual form - hình thái tri giác: “ngôn ngữ là một đối tượng của năng lực tri giác: nó là hiển nhiên đối với cái biểu đạt cũng như đối với cái được biểu đạt, đó là lý do tại sao tôi phát triển chủ đề semantic perception - tri giác ngữ nghĩa” (Rastier 2009b, XIV).  

Khái niệm “tri giác ngữ nghĩa” mang theo nó một nghịch lý nhất định: thuật ngữ “tri giác” gợi lên chiều góc khả giác, trong khi tính từ “ngữ nghĩa” gợi lên chiều góc khả tri. Do đó, như Rastier (2010, 206-207) cho thấy, khái niệm “tri giác ngữ nghĩa” thể hiện sự tổng hợp các quan điểm khác nhau trong phân tích ý nghĩa: nó dựa trên hệ mẫu cấu trúc, ban đầu được liên kết với Gestaltpsychologie Tâm lý học Hình thái, giả định rằng việc xử lý ngữ nghĩa bao gồm một quá trình nhận ra các hình thái hơn là việc cân nhắc tính toán. Cách tiếp cận này đã được Regis Missire (2013) và Philippe Gréa (2017) đặc biệt phát triển. Thật vậy, mối quan hệ giữa các hình dạng, các nền cảnh và nền cảnh gợi lại cách mà Gestaltpsychologie Tâm lý học Hình thái giải thích các hiện tượng của tri giác, và đặc biệt là các hiện tượng của tri giác thị giác (cf. Köhler 2000). Khi một hình thức thị giác ở dưới mắt chúng ta, nó được tri giác là một hình thái, trong khi hình thức thứ hai - xuất hiện bằng cách trừ đi hình thức đầu tiên - bị nền cảnh hấp thụ, vì vậy hình thức thị giác của nó trở nên không tồn tại đối với mắt chúng ta. Tuy nhiên, khi hình thức thứ hai nổi lên từ nền cảnh, thì hình thức đầu tiên sẽ biến mất. Không thể nhìn thấy cái hình thức thị giác nổi bật lên và cái hình thức bị nền cảnh hấp thụ cùng một lúc: chúng ta chỉ có thể tri giác cái này hoặc cái kia. Do đó, sự tồn tại của một hình thức thị giác phụ thuộc vào một đơn vị thị giác tương ứng đảm bảo chính xác vẫn hình thức này sau khi bị cô lập khỏi nền cảnh.

Cùng song hành, việc phân tích khẩu ngữ, một hình thức ngữ nghĩa còn bao hàm sự tồn tại của một đơn vị ngữ nghĩa. Do đó, đơn vị ngữ nghĩa giả định hình thức sau khi bị cô lập khỏi nền cảnh. Vì vậy, nó dựa trên một nền cảnh ngữ nghĩa trong đó ít nhiều các đơn vị ngữ nghĩa mở rộng trở nên nổi bật. Khớp nối nền tảng/hình thức đóng một vai trò quan trọng bằng cách áp dụng, vượt ra ngoài ranh giới của câu, vươn tới chiều kích cao hơn của văn bản. Theo cách tiếp cận này, các hình thức tương ứng với “các phân tử đơn vị” (các biểu đồ ngữ nghĩa nhỏ không phụ thuộc vào việc tạo ra một từ vựng cụ thể), trong khi các nền cảnh bao gồm các “đồng vị”.

Trong bài viết của mình dành cho các khái niệm “tiềm năng ngữ nghĩa” và “ngữ pháp động hành” [enactive grammars], Francesco La Mantia phát triển các khả tính lý thuyết được cách tiếp cận mang tính Hình thái. Chẳng hạn, khái niệm “ngữ pháp động hành” giả định một quan niệm cụ thể về tính cấu thành – tính cấu thành mang tính hình thái và tính thực dụng – nới lỏng điều kiện của nguyên tử luận ngữ nghĩa mà không làm suy yếu mối liên kết giữa việc hiểu các đa hợp và việc hiểu các cấu phần. Cách tiếp cận này dành ưu tiên cho các phụ thuộc “bộ phận-toàn bộ” dựa trên đó các khẳng định về tính cấu thành, và theo cách này, nó cũng mở ra con đường cho cách tiếp cận tường giải đối với các văn bản. Như Hermann Parret viết, “thế giới có thể cấu trúc được, tức là được trí tuệ con người ‘nhận biết’” (Parret, infra). Tuyên bố này nhấn mạnh vai trò của hình thái học, như Cassirer đã chỉ ra trong nhận thức luận ngôn ngữ học của mình, và đặc biệt là trong văn bản cuối cùng của ông, “Cấu trúc luận trong Ngôn ngữ học hiện đại” (1945), trong đó khái niệm “cấu trúc” được trình bày từ quan điểm hình thái học. François Rastier cũng đề cập đến đóng góp của Cassirer, kêu gọi đánh giá lại sử lý của cấu trúc luận vượt khỏi sự tập trung độc quyền của nó vào “hình thức”. Như Rastier viết: “Các nhà cấu trúc luận đã quan niệm các cấu trúc hoặc với tư cách là các hệ thống vi mô hình thức (ví dụ, các cấu trúc cơ bản của quan hệ họ hàng theo Lévi-Strauss, hay hình vuông ký hiệu học theo Greimas và Rastier), hoặc với tư cách là các hình thái học – và Hình thái học Truyện dân gian của Vladimir Propp minh họa rất rõ lý thuyết về các hình thức phát triển từ Goethe [...] đến Waddington và ngày nay, từ Thom đến Petitot” (Rastier, Infra). Do đó, hai quan niệm về cấu trúc trở thành đối thủ cạnh tranh: quan niệm hình thức và quan niệm hình thái học.

Phóng chiếu qua một chân trời kép được đại diện bởi hiện tượng luận và hình thái học, Herman Parret đặt ký hiệu học nhận thức luận trong mối quan hệ với cấu trúc luận và hiện tượng luận, quay trở lại với khái niệm cấu trúc, với các nguồn nhận thức luận của nó và xác định hai hướng lý thuyết. Như trong bài viết của mình, ông khẳng định: “Jakobson và Hjelmslev, Hegel đối đầu với Kant, hai loại cấu trúc luận hoàn toàn không thể dung hòa được: Trường phái Prague nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa hiện thực duy tâm luận đối với đối tượng ký hiệu học, còn trường phái Geneva, từ tiên đề Saussurian qua Hjelmslev đến ký hiệu học Greimassian, một duy danh luận lược đồ” (Parret, infra). Cuộc đối thoại giữa cấu trúc luận và hiện tượng luận cũng có thể thực hiện được và đầy hứa hẹn nhờ vào sự trung gian của ký hiệu học. Như Sémir Badir gợi ý trong bài báo của mình, “khả tính đối thoại giữa hiện tượng luận và ký hiệu học mời gọi, đối với chúng ta, có vẻ như phải tính đến đặc tính lập trình vốn phổ biến đối với chúng” (Badir, infra). Ông nói thêm: “Chúng tôi ước rằng cuộc gặp gỡ giữa ký hiệu học và hiện tượng luận, thay vì được đánh dấu bằng những đối lập ít nhiều có cơ sở vững chắc, có thể là một cuộc tìm kiếm những điểm hội tụ và bổ sung cho nhau. Nhưng ai nói về những điểm hội tụ giả định một khuôn khổ trong đó những điểm hội tụ như vậy có thể được nhận ra. Một từ vựng phổ biến, nếu không phải là các định nghĩa tương đương, thì ít nhất cũng được quan tâm như nhau, có thể tạo thành một khuôn khổ như vậy” (Badir, infra).

Badir chỉ ra bốn lý do để khẳng định sự hội tụ giữa các cách tiếp cận hiện tượng luận và ký hiệu học: mô tả, quy giản, biến thể và phân tích định tính. Nhưng chúng ta cũng có thể đánh giá sự hội tụ của chúng thông qua một khái niệm duy nhất. Ví dụ, như Lorenzo Cigana cho thấy, khái niệm “tán thành”, lần đầu tiên được giới thiệu trong kiệt tác Principes de linguistique psychologique – Nguyên lý Tâm lý học Ngôn ngữ (1907) của van Ginneken, tái tạo cả khía cạnh tích cực và tiêu cực của sự giao thoa giữa ngôn ngữ học, tâm lý học và hiện tượng luận, những lĩnh vực mà từ đó nó nổi lên. Đi theo con đường của nó xuyên qua hệ mẫu cấu trúc cho đến các tác phẩm của Louis Hjelmslev, Cigana chỉ ra cách thức mà một khái niệm có thể được biến đổi hoặc chống lại bằng cách chuyển từ hệ mẫu này sang hệ mẫu khác. Nói tóm lại, sự hội tụ giữa các cách tiếp cận theo cấu trúc luận và hiện tượng luận mang lại hứa hẹn về các phương pháp diễn giải rất mạnh mẽ, chẳng hạn như có khả năng dung hòa các khái niệm về hình thức thị giác và ngữ nghĩa. Các đối tượng mới của kỹ thuật số đặc biệt cung cấp một lĩnh vực ứng dụng hấp dẫn trong đó sự kết hợp giữa các quan điểm cấu trúc luận và hiện tượng luận có thể dẫn đến sự phát triển của các phương pháp mới để khảo sát các đối tượng phức tạp.

____________________________

Nguồn: Angelis, Rossana de and Simone Aurora (2018). Phenomenology and Structuralism, In Acta Structuralica. International Journal for Structuralist Research, special issue 1.

Tác giả:

1. Rossana De Angelis là Tiến sĩ Triết học Ngôn ngữ (Ý) và Khoa học Ngôn ngữ (Pháp). Cô là tác giả sách Văn bản còn Tranh cãi. Ký hiệu học và tường giải học trong nửa sau của thế kỷ XX (ETS, Pisa, 2014), là mối quan tâm của cô, chủ yếu tập trung vào các lý thuyết và triết học đương đại về ngôn ngữ, văn bản và chữ viết. Cô còn là thành viên của nhóm nghiên cứu di truyền học biên tập (ITEM), tổ chức các hội thảo về lý thuyết và thực hành văn bản trong giới học thuật và chuyên nghiệp, cộng tác với Tạp chí Triết học Ngôn ngữ của Ý. Cô hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Calabria và tại Laboratoire de Langues, Textes, Traitements informatiques, Cognition (CNRS, ENS, Sorbonne Nouvelle).

2. Simone Aurora (Gardone V.T., 1986) học Triết học (2011) và nhận bằng Tiến sĩ Triết học (2015) tại Đại học Padua. Ông đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu tại kho lưu trữ Husserl và Waldenfels của Albert-Ludwig Universität Freiburg (2013-2016). Từ năm 2016, ông là trợ giảng môn Lịch sử Triết học tại Khoa Triết học, Xã hội học, Sư phạm và Tâm lý học Ứng dụng của Đại học Padua và từ năm 2019, ông là nghiên cứu viên của khoa. Ông chủ yếu nghiên cứu hiện tượng luận và triết học Pháp đương đại. Ông đã xuất bản một chuyên khảo và một số tiểu luận trong các tuyển tập và tạp chí chuyên ngành. Từ năm 2015, ông là trợ lý biên tập của tạp chí Method, Nghiên cứu Quốc tế về Hiện tượng luận và Triết học, từ năm 2016, ông là tổng biên tập của tạp chí quốc tế Acta Structureica, Tạp chí Quốc tế Nghiên cứu Cấu trúc luận.

References

Ash Mitchell G (1998). Gestalt Psychology in German Culture, 1890-1967, Cambridge, Cambridge University Press.

Aurora Simone (2015). “A forgotten source in the history of linguistics”, Bulletin d'Analyse Phénoménologique 11 (5), pp.1-19.

Aurora Simone (2017). Filosofia e scienze nel primo Husserl: Per una interpretazione strutturalista delle Ricerche logiche, Padova, Cleup.

Bordron Jean-François (2011). “Phénoménologie et sémiotique”, Actes sémiotiques 114.

Cadiot Pierre & Visetti Yves-Marie (2001). Pour une théorie des formes sémantiques: Motifs, profils, thèmes, Paris, Presses universitaires de France.

Cassirer Ernst (1945). “Structuralism in modern linguistics”, Word 1 (2), pp.99-120.

Coquet Jean-Claude (2003). “Logos et Phusis”, Littérature 132, pp.3-5.

De Angelis Rossana (2014). “Lo strutturalismo gestaltico”, Janus. Quaderni del circolo glossematico 13, pp.65-78.

De Palo Marina (2016). Saussure e gli strutturalismi: Il soggetto parlante nel pensiero linguistico del Novecento, Roma, Carocci.

Denis Bertrand (2011). “Présentation”, Littérature 163, pp.3-6.

Dosse François (1997). History of structuralism I: The rising sign, 1945-1966, Minneapolis, University of Minnesota Press.

Flack Patrick (2018). Idée, expression, vécu: La question du sens entre phénoménologie et structuralisme, Paris, Hermann.

Foucault Michel (2002). The order of things: An archaeology of the human sciences, London, Routledge.

Gréa Philippe (2017). “La Perception sémantique”, Texto! 22 (3).

Gurwitsch Aron (1957). Théorie du champ de la conscience, Paris, Desclée de Brouwer.

Gurwitsch Aron (2002). Esquisse de la phénoménologie constitutive, Paris, Vrin.

Holenstein Elmar (1975). Roman Jakobsons phänomenologischer Strukturalismus, Frankfurt am Main, Suhrkamp.

Holenstein Elmar (1976). Linguistik, Semiotik, Hermeneutik: Plädoyers für eine strukturale Phänomenologie, Frankfurt am Main, Suhrkamp.

Ierna Carlo (2009). “Husserl et Stumpf sur la Gestalt et la fusion”, Philosophiques 36 (2), pp.n/a.

Kohler Wolfgang (2000). Psychologie de la forme: Introduction à des nouveaux concepts en psychologie, Paris, Gallimard.

Missire Régis (2013). “Perception sémantique et perception sémiotique”, Texto! 18 (2), pp.n/a.

Petitot Jean (1985). Morphogenèse du sens, Paris, Presses universitaires de France.

Piotrowski David (2017). Morphogenesis of the sign: from morphodynamics to neurosciences, Dordrecht, Springer.

Rastier François (1989). Sens et textualité, Paris, Hachette.

Rastier François (1991). Sémantique et recherches cognitives, Paris, Presses universitaires de France.

Rastier François (2009). Sémantique interprétative, Paris, Presses universitaires de France.

Rosado Haddock Guillermo (2006). “Husserl's philosophy of mathematics: its origin and relevance”, Husserl Studies 22 (3), pp.193-222.

Stawarska Beata (2015). Saussure's philosophy of language as phenomenology: Undoing the doctrine of the course in general linguistics, Oxford-New York, Oxford University Press.

Thom René (1972). Stabilité structurelle et morphogenèse, Paris, InterÉditions.

Thom René (1974). Modèles mathématiques de la morphogenèse, Paris, Union Générale d'Éditions.

Van Ginneken Jacob (1907). Principes de linguistique psychologique: Essai de synthèse, Paris, Rivière.

Waldenfels Bernhard (2005a). “Normalité et normativité: Entre phénoménologie et structuralisme”, Revue de métaphysique et de morale 110 (1), pp.57-67.

 

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét