Emmanuel Anati
Người dịch: Hà Hữu Nga
1. Giới thiệu
Năm 1983, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã đặt viết một Báo cáo Thế giới về Tình trạng Nghiên cứu Nghệ thuật Trên đá: các bức tranh và bản khắc trong hang động và trên bề mặt đá. Đó là nỗ lực đầu tiên về thế giới quan của nghệ thuật cổ xưa nhất. Sau mười năm, vào năm 1993, Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) đặt hàng một công trình khác có tên là Hiện trạng Nghiên cứu về Nghệ thuật Trên đá. Năm 2008, UNESCO lại đặt viết một Báo cáo Thế giới về Nghệ thuật Trên đá nữa để cập nhật những báo cáo trước đó và tư vấn về các chiến lược đề cử các địa điểm mới của nghệ thuật trên đá vào Danh sách Di sản Thế giới. Là tác giả của ba báo cáo này, tôi đã có cơ hội đánh giá những tiến bộ to lớn mà các nghiên cứu nghệ thuật trên đá đạt được trong những thập kỷ qua. Từ những văn bản mô tả đầu tiên cố gắng kiểm kê và xác định niên đại cho đến những nghiên cứu công phu về nội dung và nền tảng khái niệm của nó, nghiên cứu về nghệ thuật trên đá đang trở thành một bộ môn có cấu trúc chặt chẽ.
Bài viết này trình bày những đánh giá chính từ ba báo cáo thế giới đó. Đây chỉ là một bản tóm tắt ngắn về một số chương của cuốn sách Nghệ thuật Trên đá Thế giới (E. Anati, 2015, Capodiponte, bản sửa đổi lần thứ 5, Atelier Edit), trình bày tổng hợp các báo cáo trên thế giới. Một bộ môn mới đang phát triển, khám phá ý nghĩa của các biểu tượng, xác định các loại cú pháp chính trong nghệ thuật trên đá và nhìn về tương lai, phân tích những gì có thể sử dụng nghiên cứu trong nghệ thuật trên đá và cách nghệ thuật trên đá đóng góp cho văn hóa thế giới và cho khoa học nhân văn. Thổ dân Australia ở Arnhem Land nói rằng nghệ thuật trên đá kể cho chúng ta tích truyện về ‘Thời mộng’. Điều này có lẽ đúng với nghệ thuật trên đá ở khắp mọi nơi. Thổ dân coi Thời mộng là thời gian nằm ngoài trí nhớ trực tiếp của chúng ta, thời đại sáng tạo mang tính thần thoại. Theo thổ dân, nó bao gồm lịch sử thực sự. Các sự kiện gần đây, chẳng hạn như sự xuất hiện của những người mới đến hoặc các sự kiện của vài thế hệ trước, được coi là biên niên sử hơn là lịch sử. Nghệ thuật trên đá là bản ghi chép về lịch sử ngoài trí nhớ trực tiếp, ghi lại bất cứ điều gì gây ấn tượng và quan tâm đến tổ tiên ban sơ.
Các hệ thống tượng hình (pictographic) và biểu ý (ideographic) được sử dụng trong nghệ thuật trên đá gợi nhớ đến những giấc mơ. Lịch sử được ghi lại muộn hơn nhiều và chỉ liên quan đến một thời gian ngắn và một bộ phận nhỏ của nhân loại, đó là bộ phận đã trở thành đô thị và có chữ viết. Các hệ thống chữ viết có tổ chức sớm cũng chỉ mới 5.000 năm tuổi, trong khi tác phẩm nghệ thuật tượng hình trên đá sớm nhất đã hơn 50.000 năm tuổi. Chỉ 500 năm trước, phần lớn nhân loại ở năm châu vẫn sử dụng nghệ thuật trên đá làm phương tiện ghi chép chính và mô thức này đã tồn tại trong vòng 50.000 năm.
Một số yếu tố định kỳ, hiện diện trong nghệ thuật trên đá của tất cả các châu lục, chỉ ra rằng ngữ pháp và cú pháp cơ bản đáp ứng các mô thức phổ quát về nhận thức, logic và giao tiếp. Nghệ thuật trên đá xuất hiện dưới dạng biểu hiện của ngôn ngữ giao tiếp nguyên thủy, với các phương ngữ khác nhau. Nó có thể được giải mã và đọc bất kể ngôn ngữ mà người ta dùng để suy nghĩ và giao tiếp. Về mặt lý thuyết, nguyên bản tượng hình (pictographic protoscript) có thể được đọc và hiểu bằng bất kỳ ngôn ngữ nói và viết nào. Tuy nhiên, việc đọc các nguyên bản đó đòi hỏi phải làm quen với các hệ thống liên tưởng và ẩn dụ cơ bản của nó. Việc tái kích hoạt sử dụng phương pháp ghi chép tượng hình và biểu ý có thể được đọc bằng bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới sẽ mở ra một chân trời mới cho năng lực giao tiếp của con người và có thể xuất hiện như một điều không tưởng. Tuy nhiên, di sản văn hóa của chúng ta đang cung cấp những ví dụ rất cổ xưa về những nỗ lực thành công trong việc truyền đạt thông điệp bằng những hình tượng và dấu hiệu có thể hiểu được bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Hệ thống được những người làm nghệ thuật trên đá áp dụng khá đơn giản và tuân theo một số nguyên tắc cơ bản. Cùng một loại logic phổ biến cả về mặt địa lý và niên đại, nhưng mỗi thời kỳ và mỗi nền văn hóa đều có những đặc thù riêng. Các tính năng địa phương như vậy cho phép chúng ta phát hiện ra các mẫu số chung. Vậy thì liệu chúng ta có thể tái kích hoạt cách ghi chép bằng hình ảnh nguyên thủy không? Bằng cách nào các nhà ngôn ngữ học và các nhà văn khắc học (epigrapher) có thể đóng góp vào sự tiến bộ của một khái niệm mang tính cách mạng như vậy?
Nghệ thuật trên đá bộc lộ năng lực trừu tượng, tổng hợp và lý tưởng hóa của con người. Nó mô tả các hoạt động kinh tế và xã hội, các ý tưởng, niềm tin và các thực tiễn, cung cấp cái nhìn sâu sắc độc đáo về đời sống trí tuệ và mô thức văn hóa của nhân loại. Rất lâu trước khi phát minh ra một hệ thống chữ viết nào đó, nghệ thuật trên đá đã ghi lại bằng chứng cổ xưa nhất về sức sáng tạo nghệ thuật và trí tưởng tượng của con người. Nó cấu thành một trong những khía cạnh di sản quan trọng nhất của nhân loại. Nghệ thuật trên đá có thể trở thành một nguồn phát triển kinh tế và du lịch có giá trị. Đối với các nhà quản lý, những kết quả kinh tế dự kiến này thường thuyết phục hơn giá trị văn hóa của các di chỉ. Nhưng đó lại là một di sản văn hóa bao la, một nguồn lịch sử, giáo dục và nghiên cứu khoa học vô cùng giá trị.
2. Định nghĩa Địa điểm và Khu vực
Nghệ thuật trên đá đã được sáng tạo ra và hiện được tìm thấy ở những vị trí đặc biệt. Vì vậy cần phải xác định rõ hai thuật ngữ sau: địa điểm nghệ thuật trên đá và khu vực nghệ thuật trên đá. Địa điểm: Một địa điểm nghệ thuật trên đá là bất kỳ nơi nào có nghệ thuật trên đá. Ranh giới của nó được vạch ra là 500 m ngoài tảng đá cuối cùng được chạm-khắc-vẽ theo mọi hướng. Hai cụm hiện vật, được ngăn cách bởi một khu vực không có hình chạm-khắc-vẽ dài hơn 500 m, được coi là hai địa điểm khác nhau. Trong năm 2008, 68.000 địa điểm đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Chỉ riêng ở Ý đã có hơn 3.000 địa điểm. Vào thời điểm đó, nhiều địa điểm nghệ thuật trên đá của Trung Quốc vẫn chưa được ghi vào Văn khố Nghệ thuật Trên đá Thế giới. Khu vực: Một khu vực nghệ thuật trên đá có thể bao gồm một số địa điểm. Nó được xác định chủ yếu bởi các đặc điểm văn hóa và địa hình của nó. Các khu vực nghệ thuật trên đá trùng khớp với các đặc điểm địa lý như thung lũng, cao nguyên và các rặng núi. Để phân biệt với nhau và tạo thành các khu vực khác nhau, thì hai quần thể nghệ thuật trên đá phải cách xa nhau ít nhất 20 km (khoảng một ngày đi bộ). Trong cuộc khảo sát năm 2008 đã có 820 khu vực chính được xác định tại 70 quốc gia trên toàn thế giới. Dữ liệu toàn cầu cho chúng ta biết rằng hơn 180 quốc gia trên thế giới có nghệ thuật trên đá, mà phần nhiều trong số đó chưa được phân loại. Con số thực sự của các khu vực nghệ thuật trên đá toàn thế giới có thể cao hơn nhiều.
Các khu vực nghệ thuật trên đá thường bao gồm các di vật khảo cổ khác. Chúng có liên quan đến việc nhận thức về vai trò của khu vực tại thời điểm thực hành nghệ thuật trên đá. Mỗi khu vực có một cảnh quan và đặc điểm địa hình riêng. Chúng cần được bảo tồn và bảo vệ như một phần của di sản, vì chúng là cảnh quan tự nhiên được các nghệ sĩ cổ đại lựa chọn để tạo ra tác phẩm nghệ thuật trên đá. Việc lựa chọn sáng tạo nghệ thuật trên đá ở một địa phương nhất định thường được thúc đẩy bởi bản chất của địa điểm. Việc sáng tạo loại hình nghệ thuật này trên thế giới được ghi lại vào thời điểm báo cáo thế giới gần đây nhất (2008) đã thống kê được hơn 75 triệu hình tượng, nhưng chúng tôi có thể ước tính một cách an toàn rằng tổng số hình tượng nghệ thuật trên đá được bảo tồn và có thể nhìn thấy trên toàn thế giới phải là hơn 100 triệu. Nguồn di sản này tạo thành một kho lưu trữ phi thường về những cuộc phiêu lưu trí tuệ của con người.
3. Loại hình Chủ đề
Toàn bộ nghệ thuật trên đá thế giới thể hiện năm chủ đề chính: hình người, hình động vật, các vật thể, các cấu trúc và các biểu tượng. Tần suất và kiểu liên kết của các chủ đề là phương tiện để tạo dựng một hệ thống phân cấp các giá trị của nghệ sĩ. Một trong năm chủ đề này thường là đề tài chủ yếu của một tập hợp nghệ thuật trên đá, có thể thay đổi từ thời kỳ này đến thời kỳ khác cũng như từ địa điểm này sang địa điểm khác. Phạm vi chủ đề luôn được xác định rõ ràng và nhất quán trong các khuôn mẫu văn hóa và bộ lạc cụ thể. Đã có những xung lực xác định để vẽ màu, vạch hoặc khắc theo những phương cách nhất định, và cả chủ đề lẫn phong cách đều phản ánh bản sắc của những người sáng tạo ra chúng. Nghệ thuật trên đá có thể giúp xác định các mô thức văn hóa. Khi các tập hợp có thể được xác định, thì mỗi tập hợp đại diện cho một giai đoạn cụ thể của chuỗi văn hóa. Do đó, thông qua chủ đề và sự liên tưởng, nghệ thuật trên đá có thể bộc lộ nhiều khía cạnh của đời sống con người. Hình ảnh về các loài động vật bị săn bắt và loại thức ăn được thu thập cho chúng ta biết nhiều điều về hệ sinh thái mà con người sinh sống. Việc mô tả vũ khí, công cụ và các đồ vật khác cho thấy khả năng kỹ thuật của thời kỳ đó. Minh họa về thần thoại và tín ngưỡng mang lại cho ý thức của chúng ta những khía cạnh thiết yếu của nguồn gốc trí tuệ của chúng ta và hiển thị mối quan hệ tồn tại giữa con người, thiên nhiên và công phu tạo dựng khái niệm của tâm trí con người.
Mỗi tập hợp minh họa bản sắc của những người sáng tạo ra chúng. Những người săn voi hoặc bò rừng và những người thu lượm ốc núi, những người chăn nuôi dê và ngư dân ven biển có thể có những chủ đề khác nhau trong tác phẩm nghệ thuật trên đá của họ, bộc lộ cung cách ăn uống và hoạt động kinh tế của họ. Một người thu lượm ốc khó có thể miêu tả sinh động con bò rừng và ngược lại, một thợ săn bò rừng không dễ vẽ lại loài ốc và việc thu lượm ốc sên. Các nghiên cứu so sánh giúp xác định các loại xã hội tương tự trên khắp thế giới. Ví dụ, một số loại xã hội săn bắt có xu hướng mô tả các loài động vật cụ thể theo một phong cách cụ thể và thường sử dụng một hệ thống liên kết các biểu tượng nhất quán. Các xã hội chăn nuôi từ các khu vực khác nhau có những đặc điểm chung về phong cách và tập trung vào các đại diện của họ về những loài vật mà họ chăn nuôi. Các sản phẩm nghệ thuật trên đá của ngư dân hoặc của dân du mục từ các khu vực xa xôi có thể cho thấy những đặc điểm phong cách tương tự. Các mối quan tâm hàng ngày và các mô thức hoạt động cụ thể có tác động song hành đối với những người có hoạt động và hoàn cảnh sống tương tự, dẫn đến các xu hướng sáng tạo tượng hình hoặc đồ họa tương tự nhau. Tính tương đồng về chủ đề giữa hai nhóm khác nhau có thể chỉ ra những mối quan tâm giống nhau, nguồn lực kinh tế giống nhau và thói quen ăn uống giống nhau, nhưng không nhất thiết là những mối quan hệ văn hóa hoặc tương đồng niên đại. Các mô thức phong cách và chủ đề trong nghệ thuật thị giác chỉ ra những bình diện tâm tính cụ thể, do đó cho phép chúng ta phát hiện ra loại hình kinh tế, văn hóa và các hoạt động hàng ngày của họ.
Các công trình nghiên cứu về nghệ thuật trên đá có thể có tác động phù hợp trong tương lai bằng cách đem đến một cái nhìn sâu sắc mới về các khía cạnh chưa được khám phá của lịch sử nhân loại và của các thực thể dân tộc hoặc văn hóa cụ thể. Phong cách, loại hình học (ngữ pháp) và hệ thống liên kết (cú pháp) cũng có thể làm bộc lộ bản sắc xã hội, kinh tế và trí tuệ của những người tạo ra chúng. Các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau, như các nhà tâm lý học, xã hội học, ký hiệu học và sử học ngày càng quan tâm đến kết quả nghiên cứu nghệ thuật trên đá, áp dụng các phương pháp nghiên cứu mới vào lĩnh vực của họ như một phương tiện để phân tích nền tảng kinh tế, xã hội và văn hóa của cả các nhóm đang sống lẫn các nhóm người đã không còn ở trên đời này nữa. Các nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật trên đá vẫn không ngừng đề xuất các hệ thống mới để xác định các mô thức quan tâm chi phối và loại hình xu hướng tâm lý của các hợp quần cụ thể từ những hình ảnh mà họ vẫn đang hoặc đã sáng tạo ra.
Các loại bối cảnh kinh tế và xã hội
Lối sống của những người thợ săn đã hình thành nên thói quen của con người trong hơn 2 triệu năm, để lại những dấu ấn sâu sắc về bản chất trí tuệ của loài người. Nhiều khía cạnh trong hành vi của con người ngày nay vẫn bộc lộ bản chất của một thợ săn. Cuộc sống vẫn đòi hỏi những cuộc săn lùng: săn lùng các vị trí kinh tế và xã hội, săn lùng bạn tình, săn lùng không gian và săn lùng lãnh địa. Các quá trình liên tưởng và logic cơ bản của con người được phát triển trong suốt các thời đại mà loài người có được các mô thức hành vi cơ bản (Định đề EA1). Đây là định đề đầu tiên trong một loạt các định đề sẽ xuất hiện trong bài viết này. Một số yếu tố về phong cách, chủ đề, cú pháp và nội dung đã được chứng minh là không đổi ở cấp độ thế giới. Chúng thường được chia thành năm phạm trù lối sống kinh tế, được phản ánh bởi nghệ thuật trên đá, mà mỗi loại đáp ứng các đặc trưng loại hình học phổ quát. Nghệ thuật thị giác là tấm gương phản chiếu hệ thống nhận thức của nghệ sĩ và nghệ thuật trên đá là nguồn gốc cơ bản để hiểu rõ bối cảnh khái niệm của các xã hội bộ lạc sơ khai. Nền tảng xã hội và kinh tế quyết định mạnh mẽ các quá trình tinh thần liên tưởng, điều kiện hóa nghệ thuật. Các kết quả đồ họa là hiệu ứng của các quá trình tinh thần. Năm phạm trù nghệ thuật thời tiền sử và bộ lạc là sản phẩm của: i) Thợ săn thời Ban sơ; ii) Người Hái lượm (hoặc Người Thu gom) Thực phẩm; iii) Thợ săn Muộn; iv) Người Du mục và Gây giống Động vật; v) Các Hợp quần có Kinh tế Hỗn hợp (hoặc Nông dân). Mỗi khu vực nghệ thuật trên đá là sản phẩm của một hoặc nhiều loại trong số này, nhưng mỗi hình tượng có thể chỉ thuộc về một trong các phạm trù này.
Nghệ thuật hình tượng sớm nhất được biết đến nay đã hơn 50.000 năm tuổi. Lúc đầu, nghệ thuật hình tượng thể hiện sự tương đồng lớn ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Cách cư xử đa dạng được phát triển từ những phong cách cơ bản này. Vào cuối thế Pleistocene, từ 30.000 đến 12.000 năm trước, các phong cách khu vực bắt đầu xuất hiện; chúng khác biệt rõ rệt với nhau, mặc dù tất cả vẫn nằm trong bối cảnh của người săn bắt - hái lượm, Người săn bắt sớm hoặc Người hái lượm sớm (Người thu lượm thực phẩm). Vào cuối thế Pleistocen và đầu thế Holocene, khoảng 14.000–12.000 năm trước, những nhóm Thợ săn Vãn kỳ đầu tiên (sử dụng cung tên) xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Các xu hướng biểu đạt mới về nghệ thuật xuất hiện trong thời kỳ sau đó, đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của những người du mục và những người chăn nuôi động vật cũng như của những nhóm dân cư có nền kinh tế phức hợp, thực hành nông nghiệp. Nghệ thuật thị giác là tấm gương phản chiếu sự đa dạng hóa dần dần về nhận thức và khái niệm trong văn hóa nhân loại.
Như đã đề cập ở trên, các mô thức loại hình học là sự thể hiện của các cấu trúc tinh thần khái niệm. Chúng không nhất thiết phải chỉ ra một thời đại cụ thể. Những người săn bắn hái lượm, những người du mục hoặc những người nông dân có thể trình bày những loại hình học tương tự ở những khu vực khác nhau và ở những thời đại khác nhau, nhưng điều này không có nghĩa là họ có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Các phong cách tương tự được tìm thấy ở Châu Phi và Châu Mỹ, thuộc các thời kỳ khác nhau và bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào cũng có thể bị loại trừ, nhưng chúng gợi ý việc điều kiện hóa khái niệm tương tự, cũng như các hoạt động và mối quan tâm cơ bản tương tự. Loại hình học ấy biểu thị các chân trời khái niệm, không nhất thiết phải là các thời đại cụ thể.
Nguyên-Hình tượng Người săn bắt - Hái lượm
Sự hiện diện của các dấu ấn phi-hình tượng liên quan đến các bối cảnh khảo cổ sớm hơn 50.000 năm trước hiện diện ở 4 châu lục: Châu Phi, Châu Á, Châu Úc và Châu Âu đều có những dấu hiệu như vậy, trong một số trường hợp có niên đại trên 70.000 năm trước. Các ví dụ sớm nhất thể hiện hình tượng có thể xác định niên đại đã được mô tả thuộc các giai đoạn muộn hơn, trong các tập hợp được định nghĩa là Nguyên-Hình tượng. Khi có được các trình tự địa tầng, thì các khuôn mẫu hình họa về công cụ và bàn tay con người được in lên chứ không phải được vẽ ra trên đá, là một trong những loại hình nghệ thuật hình tượng sớm nhất (hình 1, 2). Trong những trường hợp khác, các cổ nghệ nhân chọn những viên đá tự nhiên có hình dạng người hoặc động vật, sau đó bàn tay con người hoàn thiện chúng, bổ sung những chi tiết giải phẫu còn thiếu, chẳng hạn như mắt hoặc các bộ phận cơ thể khác. Các dấu in bàn tay cũng tiếp tục được tạo ra trong các thời kỳ sau đó, nhưng các tập hợp nghệ thuật nguyên-hình tượng như vậy trong một số trường hợp dường như lại có trước các giai đoạn hình tượng hoàn chỉnh.
Thợ săn Sơ kỳ
Nghệ thuật Thợ săn Sơ kỳ (EH - Early Hunters) là điển hình của các hợp quần săn bắt sử dụng công cụ cầm tay (như rìu tay) và vũ khí ném (như lao, giáo). Chưa phát hiện được hình tượng cung tên ở bất cứ nơi nào. Các hình khắc vẽ, các dấu hiệu có gợi liên tưởng nhưng không phải cảnh tả thực. Hình người rất hiếm hoặc không có, trong khi hình động vật chiếm ưu thế. Các liên tưởng rất đơn giản và dường như đề cập đến một hệ thống ngụ ngôn mang lại ý nghĩa bổ sung, bên cạnh nghĩa bóng, cho mối quan hệ giữa các hình tượng và dấu hiệu. Nhóm này bao gồm ba phạm trù sản xuất nghệ thuật chủ yếu. Chúng phổ biến trên năm châu lục: phạm trù đầu tiên có khả năng thuộc về nền kinh tế hỗn hợp của những người Săn bắt-Hái lượm, trong khi những phạm trù khác là loại hình nghệ thuật điển hình của các nhóm thợ săn thú lớn chuyên biệt. Họ thường săn bắt quần thể động vật hoang dã như voi, bò hoặc ngựa, với sự trợ giúp của lao, giáo và các dụng cụ ném khác. Không có bằng chứng về việc sử dụng cung tên. Nghệ thuật Thợ săn Sơ kỳ, xuất hiện như một phạm trù điển hình ban sơ, chủ yếu được tạo thành từ sự kết hợp của các dấu hiệu: dấu bàn tay, dấu hiệu âm hộ và dương vật, các hình tượng biểu ý cơ bản như các dấu chấm và đường kẻ, các hình tròn và những đường zig-zag. Phạm trù này cũng có thể bao gồm cả các bộ phận hình động vật, như đầu hoặc dấu chân động vật. Nó có mặt ở cả năm châu (hình 3a-b, 4, 5). Hình tượng Thợ săn Sơ kỳ, được định nghĩa là Thợ săn Sơ kỳ Kinh điển, tập trung nhiều hơn ở một số khu vực nhất định và thường có các đặc trưng khu vực cụ thể ở các lục địa khác nhau. Nó tập trung vào các hình động vật, thường đi kèm với các biểu tượng hoặc các dấu hiệu biểu ý (hình 6, 7).
Các hình tượng EH3, tạm thời được xác định là Thợ săn Sơ kỳ Cuối cùng, được đặc trưng bởi phương pháp lược đồ hóa. Các hình động vật thường được thể hiện bằng các đường viền đơn, rõ ràng. Sự hiện diện của các động vật nhân hình hóa hoặc con người mang hình dáng động vật đại diện cho một cách nhìn mang tính khái niệm vật linh cụ thể, vẫn tồn tại trong một số xã hội săn bắt hái lượm còn sót lại, liên quan đến thuyết vật tổ (hình 8). Trong quá khứ, các cách biểu hiện nghệ thuật về người Săn bắt-Hái lượm được coi là một thể loại. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những khác biệt nhất quán về phong cách và khái niệm trong cách thể hiện nghệ thuật người Hái lượm Thức ăn, Thợ săn Sơ kỳ các loài thú lớn và Thợ săn Vãn kỳ các loài thú cỡ trung bình. Họ đại diện cho những lối sống khác nhau, những mô hình khác nhau về cấu trúc xã hội cùng các mối tương tác lẫn nhau, và nghệ thuật của họ thể hiện những khác biệt về sản phẩm thị giác, phong cách, các mô thức cú pháp và chủ đề.
Những kẻ Thu lượm Thức ăn
Trái ngược hoàn toàn với nghệ thuật động vật của Thợ săn Sơ kỳ, đối tượng chính của Những kẻ Thu lượm Thức ăn là những sinh vật hình người, đôi khi liên quan đến chủ đề thực vật như trái cây, lá và củ rễ. Thực vật và củ rễ được nhân hình hóa phản ánh một lối nhìn mang tính khái niệm vật linh cụ thể. Phong cách thường được đặc trưng bởi sự lý tưởng hóa và ý thức thẩm mỹ cao. Đó là biểu hiện bằng hình ảnh của những tộc người có nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc hái lượm trái cây, lá, củ dại và các loại rau ăn được khác. Nghệ thuật này cũng được đặc trưng bởi một phong cách dị biệt, có thể là sự mô tả lối nhìn bị biến dạng do sử dụng thực vật gây ảo giác, mô tả các cảnh trí với ý nghĩa ẩn dụ (hình 9, 10, 11, 12).
Một số nhóm như vậy có thể đã thu nhặt ốc sên và các loại động vật nhỏ khác, và có thể có hoặc không có chế độ ăn chay thịnh hành. Các mô tả động vật không phải là đặc điểm phổ biến trong nghệ thuật của những kẻ Thu lượm Thức ăn. Trong một số trường hợp, các hình động vật xuất hiện để đại diện cho tên gọi hoặc biểu tượng vật tổ của các cá nhân, tộc người hoặc các địa phương. Trong khi Thợ săn Sơ kỳ có mô thức sống dựa trên các hoạt động săn bắt theo nhóm năng động, thì kẻ Thu lượm lại dựa vào các hoạt động cá nhân và điều này được phản ánh qua biểu hiện thị giác của họ. Cú pháp của các cách biểu hiện đó được đặc trưng bởi các chuỗi ẩn dụ, các liên tưởng đơn giản của các đồ vị (graphemes) hoặc các cảnh đơn giản mang tính chất ngụ ngôn, mô tả một thế giới siêu thực. Khuôn mặt con người thường được biến đổi. Chủ đề chủ yếu liên quan đến các sự kiện xã hội, sự kiện sử thi và tương tác với những gì có vẻ là những sinh vật hình người siêu tự nhiên. Xu hướng mô tả hình dạng con người kỳ quái và dị dạng được coi là phản ánh những thay đổi trong trạng thái ý thức. Một số tác phẩm nghệ thuật trên đá của kẻ Thu lượm thực phẩm dường như được tạo ra trong điều kiện ảo giác, có khả năng bắt nguồn từ việc sử dụng thực vật gây ảo giác.
Thợ săn Vãn kỳ
Nghệ thuật của các hợp quần săn bắt sử dụng cung tên được đặc trưng bởi các cảnh mô tả và giai thoại. Nó đại diện cho loại thú săn cỡ trung bình, chẳng hạn như dê hoang dã, linh dương, hươu hoặc nai sừng tấm, theo hệ động vật của khu vực. Các chủ đề chính là hình người và động vật trong sự tương tác lẫn nhau, thường được mô tả theo phong cách năng động hiện thực. Cảnh săn bắt và các mô tả khác về các hoạt động hàng ngày cho thấy cả những gã đàn ông và động vật đều di chuyển trong các tư thế năng động. Những biểu hiện sớm nhất của phong cách này, ở Châu Phi, có thể là 14.000 năm tuổi, trong khi ở các khu vực Bắc Cực, nó vẫn được thực hiện cách đây vài thế kỷ (hình 13, 14).
Mục dân (Người gây giống động vật)
Nghệ thuật trên đá ở đây là của những quần thể người có hoạt động kinh tế chính là chăn nuôi gia súc, tập trung vào vật nuôi và cảnh sinh hoạt gia đình. Bản sắc tộc người và sự thịnh vượng, dưới hình thức chăn nuôi, là những vấn đề chính. Đó là một mô thức điển hình phổ biến nhất trên khắp châu Á. Hình người được thể hiện bằng các hình dạng và thuộc tính cụ thể, bao gồm mũ, trang trí cơ thể và các biểu ý liên quan, có khả năng xác định vị thế xã hội và bản sắc tộc người của họ. Chủ đề chính liên quan đến vật nuôi trong nhà và cảnh con người chăm sóc động vật (hình 15).
Kinh tế Phức hợp (Nông dân và Chủ trại)
Nghệ thuật của các quần thể có nền kinh tế đa dạng, trong đó có làm nông, có tính đặc thù tập trung vào bản sắc tộc người. Các nhóm khác nhau về loại hình học biểu thị các phong cách cụ thể của riêng họ có thể thay đổi từ phong cách tự nhiên, có tính lược đồ, đến trừu tượng. Các nhóm lược đồ gồm các dấu hiệu được lặp đi lặp lại. Những khung cảnh thần thoại và lễ nghi mô tả những sinh vật và sự kiện đáng nhớ. Đây là nghệ thuật được thực hiện bởi các nhóm tộc không phải thành thị và thường không có chữ viết với nền kinh tế đa dạng, bao gồm cả làm nông. Hai xu hướng chính có thể được xác định: xu hướng thứ nhất được đặc trưng bởi sự hiện diện của các cảnh thần thoại và kỷ niệm, trong khi xu hướng thứ hai được đặc trưng bởi các bố cục mang tính biểu trưng được tạo thành từ các dấu hiệu và mô thức trang trí. Thường thể hiện các vị thần nhân hình và / hoặc các sinh vật siêu nhiên. Nhóm Kinh tế Phức hợp có nhiều phong cách khác nhau, từ bối cảnh tự sự đến bố cục lược đồ, với phạm vi chủ đề rộng hơn nhiều so với các thể loại khác. Giống như nền kinh tế của mình, nghệ thuật của họ được đặc trưng bởi tính đa dạng cao.
______________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Anati, Emmanuel (2019). The Typology of Rock Art. In EXPRESSION, N°23 MARCH 2019, pp. 7-23.
Tác giả: Emmanuel Anati sinh ra ở Florence vào năm 1930 trong một gia đình gốc Do Thái. Sau đó, ông chuyển đến Jerusalem, tốt nghiệp ngành khảo cổ học tại Đại học Do Thái năm 1952. Năm 1959, Anati theo học chuyên ngành nhân học và khoa học xã hội tại Đại học Harvard. Năm 1960, ông lấy bằng Tiến sĩ về Văn chương tại Sorbonne ở Paris. Anati đã thực hiện các cuộc khai quật và nghiên cứu khảo cổ học ở Israel (đặc biệt là ở sa mạc Negev), Tây Ban Nha, Pháp và các nước châu Âu khác. Dựa trên kết quả khám phá của mình ở Bán đảo Sinai, Anati đã trở thành người ủng hộ luận điểm cho rằng Núi Sinai trong Kinh thánh không được xác định là Gebel Katherina, mà thay vào đó là Har Karkom; ông cũng tin rằng Exodus nên được xác định vào giai đoạn thế kỷ 24 và 21 TCN, thay vì niên đại truyền thống giữa thế kỷ 17 và 13 TCN. Việc xác định này đã không được chấp nhận: Israel Finkelstein (người phủ nhận tính lịch sử của Exodus) đã mô tả các phương pháp của Anati là “một dấu tích lỗi thời từ thế kỷ 19”, trong khi James K. Hoffmeier (người ủng hộ tính lịch sử của Exodus, nhưng theo truyền thống thế kỷ 13) đã nhấn mạnh rằng “kiểu sắp đặt văn hóa thời kỳ đồ đồng sớm được phát hiện tại Har Karkom cũng đã được tìm thấy với số lượng đáng kể ở sa mạc phía nam, Negev và Sinai—vì vậy những phát hiện của Anati không phải là duy nhất”. Vào những năm 1950, Anati đã khám phá Val Camonica, nơi có các tác phẩm chạm khắc trên đá là một trong những địa điểm nghệ thuật trên đá lớn nhất ở châu Âu. Năm 1964, ông thành lập Centro Camuno di Studi Preistorici (CCSP) ở Capo di Ponte, để nghiên cứu nghệ thuật thời tiền sử và bộ lạc, đồng thời góp phần nâng cao di sản văn hóa này. Năm 1962, ông kết hôn với Ariela Fradkin.
References
Anati, E. 1979 L’art rupestre du Neguev et du Sinai, Paris (L’Equerre).
Anati, E. 1982 I camuni: alle radici della civiltà europea, Milano (Jaca Book).
Anati, E. 1989 Origini dell’arte e della concettualità, Milano (Jaca Book).
Anati, E. 1993 World Rock Art. The Primordial Language, SC, vol. 12, Capo di Ponte (Edizioni del Centro).
Anati, E. 1994 Valcamonica Rock Art, Capo di Ponte (Edizioni del Centro).
Anati, E. 1995 Il museo immaginario della Preistoria, Milano (Jaca Book).
Breuil, H. 1912 in Alcalde del Rio, H.; Breuil, H.; Sierra, L., Les Cavernes de la Région Cantabrique (Espagne), München (A. Chéne).
Breuil, H.; Obermaier, H.; Verner, W. 1915 La Pileta, München (Chêne).
Chen, Z.-F. 1988 Cina. L’arte rupestre preistorica, Milano (Jaca Book).
Goodall, E. 1959 The Rock Paintings of
Maashonaland, in Goodall, E.; Cooke, C.K.; Desmond Clark, J., Prehistoric Rock
Art of the Federation of Rhodesia and Nyasaland,
Glasgow (University Press).
Lewis, D. 1988 The Rock Painting of Arnhem Land, Australia, Oxford (BAR).
Samorini, G. 1989 Etnomicologia nell’arte rupestre sahariana (Periodo delle “Teste Rotonde”), BCN, vol VI/2, pp. 18-22.
Tongue, M. Helen, and Henry, B. 1909 Bushman paintings, Oxford (Clarendon Press).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét