Powered By Blogger

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Nhịp cầu Hiện tượng luận

François Dosse

Người dịch: Hà Hữu Nga

[Tr.37] Triết học Pháp vào những năm 1950 bị chi phối bởi các mối quan tâm về hiện tượng luận. Phù hợp với, và theo truyền thống nghiên cứu của Husserl, vấn đề là sự trở lại với “bản thân các sự vật”, với hệ quả là ý thức có chủ ý luôn hướng về các sự vật. Do đó, hiện tượng luận rất chú ý đến kinh nghiệm, mô tả và cái cụ thể, còn chủ thể tính thì rõ ràng được ưu tiên. Tham vọng của Husserl là chứng kiến triết học diễn tiến từ một hệ tư tưởng thành một khoa học. Tuy nhiên, cam kết hiện tượng luận không dựa trên các sự kiện, mà dựa trên các bản chất cấu thành cơ sở ban đầu về ý nghĩa của các khả tính của ý thức, tương quan với đối tượng của nó. Vào thời kỳ Giải phóng, hiện tượng luận Pháp vượt lên trên cả hiện sinh Sartrean, và nó nhấn mạnh đến một loại ý thức có khả năng biết được bản thân nó. Về phần mình, Maurice Merleau-Ponty tiếp tục dự án của Husserl nhưng định hướng nhiều hơn tới phép biện chứng sát ván giữa ý nghĩa được đề xuất và ý nghĩa được bộc lộ trong sự vật. Điều này dẫn ông đến một cuộc đối thoại ngày càng gần với khoa học xã hội, vốn đang nhanh chóng mở rộng vào thời điểm đó. Merleau-Ponty tiếp thu ý tưởng của Husserl về việc loại bỏ những kinh nghiệm đã có sẵn đối với nhà hiện tượng luận khỏi tất cả những yếu tố kế thừa từ tư duy khoa học, mà triết học đã đầu hàng. Từ đó mới có cái công thức, “Hiện tượng luận trước hết là chối từ khoa học.”

[Il s'agit de décrire, et non pas d'expliquer ni d'analyser. Cette première consigne que Husserl donnait à la phénoménologie commençante d'être une “psychologie descriptive” ou de revenir “aux choses mêmes”, c'est d'abord le désaveu de la science. Je ne suis pas le résultat ou l'entrecroisement des multiples causalités qui déterminent mon corps ou mon “psychisme”, je ne puis pas me penser comme une partit, du monde, comme le simple objet de la biologie, de la psychologie et de la sociologie, ni fermer sur moi l'univers de la science. Tout ce que je sais du monde, même par science, je le sais à partir, d'une vue mienne ou d'une expérience du monde sans laquelle les symboles de la science ne voudraient rien dire. Tout l'univers de la science est construit [iii] sur le monde vécu et si nous voulons penser la science elle-même avec rigueur, en apprécier exactement le sens et la portée, il nous faut réveiller d'abord cette expérience du monde dont elle est l'expression seconde. La science n'a pas et n'aura jamais le même sens d'être que le monde perçu pour la simple raison qu'elle en est une détermination ou une explication. Je suis non pas un “être vivant” ou même un “homme” ou même “une conscience”, avec tous les caractères que la zoologie, l'anatomie sociale ou la psychologie inductive reconnaissent à ces produits de la nature ou de l'histoire, - je suis la source absolue, mon existence ne vient pas de mes antécédents, de mon entourage physique et social, elle va vers eux et les soutient, car c'est moi qui fais être pour moi (et donc être au seul sens que le mot puisse avoir pour moi) cette tradition que je choisis de reprendre ou cet horizon dont la distance à moi s'effondrerait, puisqu'elle ne lui appartient pas comme une propriété, si je n'étais là pour la parcourir du regard. Les vues scientifiques selon lesquelles je suis un montant du monde sont toujours naïves et hypocrites, parce qu'elles sous-entendent, sans la mentionner, cette autre vue, celle de la conscience, par laquelle d'abord un monde se dispose autour de moi et commence à exister pour moi. Revenir aux choses mêmes, c'est revenir à ce monde avant la connaissance dont la connaissance parle toujours, et à l'égard duquel toute détermination scientifique est abstraite, signitive et dépendante, comme la géographie à l'égard du paysage où nous avons d'abord appris ce que c'est qu'une forêt, une prairie ou une rivière. Maurice Merleau-Ponty, Phénoménologie de la perception, Gallimard, Éditions Gallimard, 1945, Avant-Propos, ii, iii. - HHN]

[ii] “Đó là về mô tả, chứ không phải giải thích hoặc phân tích. Hướng dẫn đầu tiên mà Husserl đưa ra cho hiện tượng luận sơ khai là một “tâm lý học mô tả” hoặc quay về “với bản thân sự vật”, trước hết là từ chối khoa học. Tôi không phải là kết quả hay giao điểm của vô vàn mối quan hệ nhân quả quyết định cơ thể tôi hay “tâm lý” tôi, tôi không thể tự coi mình là một phần của thế giới, như một đối tượng đơn giản của sinh học, tâm lý học và xã hội học, cũng như tôi không thể khép kín cửa với thế giới khoa học. Tất cả những gì tôi biết về thế giới, kể cả bằng khoa học, tôi biết nó từ quan điểm của tôi hoặc từ kinh nghiệm về thế giới mà nếu không có nó thì các biểu tượng của khoa học sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Toàn bộ vũ trụ của khoa học được xây dựng [iii] trên thế giới sống trải và nếu chúng ta muốn suy nghĩ về bản thân khoa học một cách chặt chẽ, để đánh giá đúng ý nghĩa và phạm vi của nó, thì trước tiên chúng ta phải đánh thức trải nghiệm này về thế giới vốn là biểu hiện thứ hai. Khoa học không có và sẽ không bao giờ có cùng cảm giác hiện hữu như thế giới được tri giác vì lý do đơn giản, đó là sự xác định hoặc giải thích về nó. Tôi không phải là một “hiện hữu sống”, thậm chí là một “người” hay là một “ý thức”, với tất cả các đặc điểm mà động vật học, giải phẫu xã hội hay tâm lý học quy nạp nhận ra trong các sản phẩm này của tự nhiên hoặc lịch sử, - tôi là nguồn gốc tuyệt đối, tồn tại của tôi không sinh ra từ tiền kiện của tôi, từ hoàn cảnh vật chất và xã hội của tôi, nó hướng tới chúng và hỗ trợ chúng, bởi vì chính tôi mới là kẻ tạo ra hiện hữu cho tôi (và do đó, hiện hữu theo nghĩa duy nhất mà từ này có thể có đối với tôi) thì cái truyền thống mà tôi chọn để tiếp tục này hoặc cái chân trời này cách xa tôi phải sụp đổ, vì nó không thuộc về nó như một thuộc tính, nếu tôi không ở đó để bao quát nó bằng cái nhìn của mình. Các quan điểm khoa học, theo đó tôi là một phần của thế giới, luôn ngây thơ và đạo đức giả, bởi vì chúng ngụ ý, mà không đề cập đến, cái quan điểm khác này, quan điểm về ý thức, theo đó, trước hết một thế giới tự sắp xếp xung quanh tôi và bắt đầu tồn tại cho tôi. Trở về với bản thân sự vật là trở về với thế giới này trước tri thức mà về nó bản thân tri thức luôn nói đến, và đối với thứ tri thức mà mọi quyết định khoa học đều trừu tượng, có ý nghĩa và phụ thuộc, giống như địa lý học đối với cảnh quan nơi chúng ta lần đầu tiên biết thế nào là một khu rừng, một đồng cỏ hoặc một dòng sông.” Maurice Merleau-Ponty, Hiện tượng luận nhận thức, Gallimard, Éditions Gallimard, 1945, Lời nói đầu, ii, iii. - HHN]

Nhưng ông không bác bỏ khoa học, và rõ ràng hy vọng sẽ áp dụng nó vào tư duy triết học. Ngay từ đầu chiến tranh, Merleau-Ponty đã bắt đầu thực hiện công việc này [tr.38] đối với sinh học, và trên hết là đối với tâm lý học, bằng cách chỉ trích đặc tính vật chất hóa và máy móc của chúng.1 Ông cũng phê phán không kém về một ý thức thuần túy của chủ nghĩa duy tâm và do đó ngày càng quan tâm đến các cấu trúc của biểu đạt ý nghĩa mà khoa học xã hội mới đã mang lại cho ông. Đây là rất nhiều trung tâm của các bản thể luận khu vực mà nhà triết học có thể tái sử dụng bằng cách lắp ráp các quan điểm chồng chéo của chúng và đổi mới ý nghĩa của chúng. Khả năng làm được như vậy của ông là kết quả của lập trường triết gia với tư cách là một chủ thể được hình dung là siêu việt hướng tới thế giới trong tính toàn vẹn của nó. “Merleau-Ponty đã có một dự án đầy tham vọng nhằm tạo ra một loại tính bổ sung cho nhau giữa triết học và khoa học xã hội. Do đó, ông đã cố gắng nắm bắt kịp tất cả các ngành học.”2

Chương trình Hiện tượng luận

Công trình Dấu hiệu đã được Gallimard xuất bản vào năm 1960. Trong một văn bản làm nền tảng cho cả một thế hệ, Merleau-Ponty đã giới thiệu cho các nhà triết học về ngôn ngữ học hiện đại và sự tiến bộ của nhân học, trở lại với một bài giảng mà ông đã thuyết trình vào năm 1951, trong đó ông đã chỉ ra tầm quan trọng công trình của Saussure đối với việc mở đầu ngành ngôn ngữ học hiện đại.3 “Saussure đã dạy chúng ta rằng khi tách riêng ra, các dấu hiệu không biểu thị bất cứ điều gì; không phải ở đâu mỗi dấu hiệu cũng biểu đạt một ý nghĩa, mà là mỗi dấu hiệu đánh dấu sự khác biệt về ý nghĩa giữa bản thân nó và các dấu hiệu khác.”4 Trong cùng tác phẩm đó, ông cũng đề cập đến mối quan hệ giữa triết học và xã hội học, lấy làm tiếc về những rào cản ngăn cách chúng, và kêu gọi vì một sự nghiệp chung. “Sự tách biệt mà chúng ta đang đấu tranh chống lại có hại cho triết học không kém gì có hại cho sự phát triển của tri thức.”5 Merleau-Ponty coi trách nhiệm của triết gia là xác định phạm vi các khả tính và diễn giải công việc thực nghiệm do khoa học xã hội thực hiện; thông qua những nỗ lực tường giải của mình, câu hỏi về ý nghĩa được đưa vào tác phẩm của mỗi người. Hơn nữa, nhà triết học cần các khoa học thực chứng bởi vì suy nghĩ của anh ta phải dựa trên những gì đã biết và được xác nhận bởi các quy trình khoa học.

Mối liên kết khác mà Merleau-Ponty xây dựng trong lĩnh vực này là nhằm vào nhân học của Lévi-Strauss. Merleau-Ponty đã say mê Lévi-Strauss sau khi chia tay với Sartre. Được bầu làm giáo sư Collège de France [Trước đây gọi là Cao đẳng Hoàng gia, là một cơ sở giảng dạy và nghiên cứu lớn được François Đệ nhất thành lập vào năm 1530. Trường tọa lạc ở Quảng trường Marcelin-Berthelot, Quận 5, Paris, thuộc trung tâm Khu phố Latinh. Mọi nghiên cứu và giảng dạy đều được liên kết chặt chẽ với Collège de France, nhằm mục đích giảng dạy “tri thức trong quá trình hình thành thuộc tất cả các lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật”. Nó cung cấp các khóa học cấp cao miễn phí, không phải thi tuyển và dành cho tất cả mọi người mà không cần điều kiện hoặc đăng ký. Điều này làm cho nó trở thành một nơi khác biệt trong bối cảnh trí tuệ của Pháp. Được bầu làm giáo sư tại Collège de France, giữ một chiếc ghế là một trong những vinh dự cao nhất trong nền giáo dục đại học của Pháp. Trường có khoảng năm mươi chiếc ghế giáo sư, mục đích của những vị trí này thay đổi theo những phát triển mới nhất của khoa học, ví dụ một chiếc ghế có thể được dành cho văn học sau khi đã được dành cho toán học, và chủ sở hữu của nó được các đồng nghiệp bầu chọn dựa trên công trình của anh ta chứ không phải trên học hàm của kẻ ấy. Họ trao cho người nắm giữ chiếc ghế đó một ảnh hưởng đặc biệt trong ngành học của anh ta, kể cả ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Collège de France là một thành viên liên kết của l'Univesité Paris Sciences et Lettres Đại học Khoa học và Văn chương Paris. - HHN] năm 1952, hai năm sau, Merleau-Ponty đề nghị với Lévi-Strauss rằng ông nên tranh cử, điều đó có nghĩa là hy sinh “ba tháng của kẻ mà sợi chỉ cuộc đời đã sắp đứt”. 6  Bản thân ông đã dành [tr.39] chương thứ tư trong cuốn sách của mình cho nhân học - De Marcel Mauss à Claude Lévi-Strauss – Từ Marcel Mauss đến Claude Lévi-Strauss - và nhiệt thành bảo vệ chương trình do Lévi-Strauss thiết lập năm 1950 trong công trình Introduction à l'oeuvre de Marcel Mauss - Giới thiệu về tác phẩm của Marcel Mauss. “Sự kiện xã hội không phải là sự vật cũng không phải là ý tưởng; chúng là những cấu trúc… Cấu trúc không làm mất đi chiều sâu hay bề rộng của một xã hội. Bản thân nó là cấu trúc của các cấu trúc.”7 Một tình bạn thực sự đã nảy sinh từ mối quan hệ trí thức này và bức ảnh của Merleau-Ponty luôn nằm trên bàn của Lévi-Strauss.

Nhưng Merleau-Ponty tìm kiếm điều gì trong nhiều cuộc đối thoại kia? Ông có nghĩ rằng mình phải đầu hàng khoa học xã hội trong vòng tay của triết gia không? Chắc chắn là không, nhưng ông tin rằng nhà triết học hiện tượng luận nên khai thác các tác phẩm của Mauss, Lévi-Strauss, Saussure và Freud, không quá nhiều để cung cấp cơ sở nhận thức luận cho mỗi ngành này bằng cách đặt chúng phụ thuộc vào một cuộc đổi mới hiện tượng luận triệt để, sẽ xác định lại chúng về phương diện triết học, tất nhiên với giả định rằng nhà triết học chấp nhận tính hợp lệ của thông tin của các chuyên gia, mà ông không thể xác minh. Nhà hiện tượng luận giống như một người chỉ huy dàn nhạc tập hợp tất cả các kết quả khách quan do khoa học xã hội tạo ra và gán cho chúng một ý nghĩa, một giá trị theo khuôn khổ kinh nghiệm chủ quan và ý nghĩa tổng thể. “Tôi nhớ lớp học của ông về Lévi-Strauss, nơi ông thể hiện bản thân mình như một thứ đại số về quan hệ thân tộc cần được hoàn thiện bởi ý nghĩa của tình gia đình đối với con người: thân làm cha mẹ, phận làm con cái.”8

Đảo ngược Hệ mẫu

Việc gắn kết với nhau mà vào những năm 50 Merleau-Ponty đã cố gắng tạo ra giữa triết học và các khoa học xã hội là tiền thân của sự đảo ngược hệ mẫu sau này. Ngành nhân học Không còn cố gắng tự định vị mình trong mối quan hệ với triết học, như khi Marcel Mauss mượn khái niệm về một sự kiện xã hội tổng thể từ giáo sư triết học của ông, Alfred Espinas. Ngược lại, chính triết học, và Merleau-Ponty trong trường hợp này, đã định vị bản thân nó trong mối quan hệ với nhân học, ngôn ngữ học và phân tâm học trong khi tác phẩm của Michel Leiris và Claude Lévi-Strauss được xuất bản trên tờ Les Temps modernes. Do đó, Merleau-Ponty đã mở ra một số chân trời rất hứa hẹn khi ông viết, “Vì vậy, nhiệm vụ là mở rộng lý tính của chúng ta để làm cho nó có khả năng hiểu được những gì bên trong chúng ta và ở những kẻ khác đi trước và vượt quá lý tính.”9 Ông đã khai mở triết học vào cái phi lý qua hình tượng song sinh của kẻ điên và kẻ man rợ. [Tr.40] Vì vậy nhân học và phân tâm học sẽ giữ những vị trí quan trọng hàng đầu, và thực sự chúng đã như vậy trong những năm sáu mươi. Nhưng tại sao triết học lại mất chỗ đứng ở đây? Tại sao dự án hiện tượng luận lại xuất hiện quá nhanh? Câu trả lời đầu tiên sẽ mang tính tiểu sử: sự thất bại của hiện tượng luận có lẽ là kết quả cái chết sớm của Merleau-Ponty vào ngày 4 tháng 5 năm 1961, ở tuổi 54. Con người hiện thân của sự nghiệp hiện tượng luận ấy đã để lại phía sau ông một công trường, nơi công việc hầu như không được bắt đầu, cũng như vô số đứa trẻ mồ côi vậy. Nhưng vẫn còn có một lý do cơ bản hơn, và câu trả lời của Vincent Descombes đang góp phần làm sáng tỏ: “Dự án triết học này nhất định thất bại vì một lý do rất đơn giản. Các chuyên ngành học thuật đã chủ động trong quá trình phát triển khái niệm của riêng chúng và không cần Merleau-Ponty hay bất kỳ triết gia nào khác diễn giải những khám phá của họ. Tất cả chúng đều đã hoạt động ở cả hai cấp độ.”10 Việc phục hồi các ngành khoa học xã hội đã trở thành một cái bẫy đối với triết học trong gọng kìm nghi ngờ của chính nó, và nhanh chóng bị bỏ lại phía sau để ủng hộ các ngành khoa học xã hội non trẻ đầy triển vọng.

Merleau-Ponty đã đóng một vai trò quan trọng đối với cả một thế hệ triết gia mà ông đã đánh thức những vấn đề mới, và họ đã từ bỏ triết học được trang bị đầy đủ để trở thành nhà nhân học, nhà ngôn ngữ học hoặc nhà phân tâm học. Sự đảo ngược hệ mẫu này đã thống trị toàn bộ thời kỳ cấu trúc luận của những năm sáu mươi. Cảnh quan nhân học đã thay đổi đáng kể, và với một vài ngoại lệ, chẳng hạn như Lucien Lévy-Bruhl, Marcel Mauss, Jacques Soustelle và Claude Lévi-Strauss, những người xuất thân từ triết học, còn lại các nhà dân tộc học xuất thân từ những nền tảng rất khác nhau, một tác động của sự dung hợp hơn là của quan hệ phân nhánh:11 Paul Rivet xuất thân từ ngành y, cũng như hầu hết các nhà nghiên cứu khác; Marcel Griaule, người đầu tiên là một phi công, xuất thân từ ngành Ngôn ngữ phương Đông;12 Michel Leiris xuất thân từ thơ ca và chủ nghĩa siêu thực, Alfred Métraux từ École des Chartes [chuyên đào tạo các ngành khoa học bổ trợ lịch sử],13 nơi ông là học trò của Georges Bataille. Đó không phải là một môi trường đồng nhất; các nhà dân tộc học “không khư khư ôm chặt logic bộ lạc.”14

Trên hết là nhờ Merleau-Ponty mà cả một thế hệ các nhà triết học trẻ đổ xô đến với các ngành khoa học hiện đại này. Khi đang nghiên cứu triết học tại Sorbonne năm 1952-1953, Alfred Adler khám phá ra công trình của Merleau-Ponty. “Thông qua Merleau-Ponty, chúng tôi bắt đầu quan tâm đến phân tâm học, tâm lý học trẻ em và các vấn đề lý thuyết về ngôn ngữ.” Sự thức tỉnh này và diễn biến của tình hình chính trị đã bổ sung cho nhau và đến đầu [tr.41] những năm sáu mươi, Adler đã trở thành một nhà dân tộc học. Trong ngôn ngữ học, Michel Comervé đã tái khẳng định vai trò quan trọng của Merleau-Ponty. Merleau-Ponty là một nhà hòa giải lỗi lạc; chắc chắn là nhờ ông ấy mà Lacan đã đọc Saussure.”16 Việc Jacques Lacan phát hiện ra Saussure nhờ Merleau-Ponty là một giả thuyết hoàn toàn hợp lý, bởi vì họ thường gặp riêng nhau vào đầu những năm 50 cùng với Michel Leiris và Claude Lévi -Strauss. Văn bản của Merleau-Ponty về Saussure có từ năm 1951 và Báo cáo Rome của Lacan từ năm 1953. Aigirdas Julien Greimas cũng đồng ý với ông về tầm quan trọng như vậy. “Cuộc tống tiễn thực sự đến từ bài giảng khai mạc của Merleau-Ponty tại Collège de France (1952) khi ông nói, chúng ta sẽ thấy rằng Saussure chứ không phải Marx đã phát minh ra triết học lịch sử. Đó là một nghịch lý khiến tôi nghĩ đến một thực tế là, trước khi nghiên cứu lịch sử của các sự kiện, cần phải tạo dựng lịch sử của các hệ thống tư tưởng và hệ thống kinh tế và chỉ sau đó mới thử và hiểu chúng phát triển như thế nào.”17 Nhà triết học Jean-Marie Benoist, bạn thân của Lévi-Strauss và là tác giả của cuốn La révolution structurale - Cách mạng Cấu trúc (1975), cũng xác nhận rằng ông đã đọc Lévi-Strauss thông qua Merleau-Ponty, người mà ông đã đọc trong thời gian khâgne, [âm tiếng Pháp kaɲ, tên chính thức là classes préparatoires littéraires, các lớp dự bị văn chương và nhân văn, là một chương trình học hai năm  trong hệ thống “post-bac” sau đại học của Pháp. Đây là một trong ba loại chính của Classe préparatoire aux grandes écoles CPGE, để thi vào các Đại học Danh tiếng] vào năm 1962.” Merleau-Ponty đóng vai trò như một giai đoạn tiền thân quy định việc tiếp nhận sự phong phú của lao động cấu trúc luận.”18

Những chuyển đổi này đã gây ra tình trạng xuất huyết thực sự mà từ đó triết học sẽ khó phục hồi và đó mới chỉ là bước khởi đầu. Một trong những đứa con hoang đàng của triết học, Michel Foucault, đã giáng một đòn cuối cùng vào dự án hiện tượng luận và vào những kỳ vọng của một loại triết học đâu đó tọa lạc trên cuộc ẩu đả của các khoa học thực nghiệm. Phê phán của Foucault chỉ xuất hiện trong những năm 60, nhưng nó phát triển trên hết từ sự bất mãn của ông đối với chương trình hiện tượng luận thống trị triết học trong khi ông viết cuốn sách Histoire de la folie à l'âge classique - Lịch sử Chứng điên thời Cổ điển trong khoảng thời gian từ 1955 đến 1960. Ông đổ lỗi cho triết học là quá nghiêm ngặt hàn lâm, và để né tránh một cách hệ thống câu hỏi của Kant về việc biết rõ thực tại hiện hành của chúng ta là gì. Foucault đã mở rộng khảo sát của mình tới các đối tượng mới và thay thế quan điểm hiện tượng luận mô tả được nội tâm hóa về nghiệm sống, mà với nó ông thích đưa các thực tiễn và thể chế xã hội có vấn đề ra ánh sáng. “Mọi thứ xảy ra vào khoảng những năm 60 rõ ràng bắt nguồn từ sự bất mãn này đối với lý thuyết hiện tượng luận về chủ thể.”19 Foucault đã thay đổi định hướng đối với vấn đề hiện tượng luận cũng như đối với chủ nghĩa Marx. [Tr.42] Tuy nhiên, đối với cuộc khảo sát triết học bằng cách nhấn mạnh rằng con người là bất khả tri, trừ kẻ khả tri, và do đó, kẻ khả tri không thể tham gia vào tự tri mà không có một trò chơi phản ánh làm cho sự chia tách vô hình giữa khuôn mặt và biểu hiện của nó trở nên minh nhiên. 

Jacques Lacan đã mở rộng quan điểm này trước chiến tranh trong tác phẩm Le stade du miroir – Giai đoạn Phản chiếu, tìm cách bỏ qua quy giản luận sinh học, và hy vọng các nhà hiện tượng luận sẽ giúp đỡ ông. Bản thân Foucault bắt đầu Les mots et les choses: Une archéologie des sciences humaines – Ngôn từ và Sự vật: Khảo cổ học về Khoa học Nhân văn bằng việc thảo luận về bức tranh nổi tiếng Las Meninas [Tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Các quý bà chờ đợi” là một bức tranh được vẽ năm 1656 của Diego Velázquez, họa sĩ hàng đầu Thời kỳ Hoàng kim Tây Ban Nha. Nó đã trở thành một trong những tác phẩm được phân tích rộng rãi nhất trong hội họa phương Tây, do cách bố cục phức tạp và bí ẩn, đặt ra câu hỏi về thực tại và ảo ảnh, cũng như mối quan hệ không chắc chắn mà nó tạo ra giữa người xem và các nhân vật được miêu tả. - HHN], trong đó đức vua-chủ thể hiện diện trong bức tranh chỉ nhờ vào hình ảnh phản chiếu của ông ta trong gương.20 Nhưng hiện tượng luận không thể, hoặc không có khả năng, tự tách mình ra khỏi giới nhân học và Michel Foucault, để đi xa hơn, do đó đã đề xuất một sự thay đổi cơ bản: “Có lẽ không thể trao cho các nội dung thực nghiệm giá trị siêu việt hoặc thay thế chúng theo hướng của một chủ thể tính cấu thành mà không làm nảy sinh, ít nhất là một cách thầm lặng, một loại nhân học - nghĩa là, nảy sinh một phương thức tư duy trong đó các giới hạn hợp lý của tri thức thu được (và do đó là của mọi tri thức thực nghiệm) đồng thời là các hình thức tồn tại cụ thể, chính xác như chúng được đưa ra trong cùng tri thức thực nghiệm đó.”21

Cuộc khảo sát hiện tượng luận, với sự căng thẳng nội tại của nó giữa cái thực nghiệm và cái siêu việt, tách biệt nhưng đều nhắm vào khái niệm kinh nghiệm, đã phải thay đổi để đặt câu hỏi liệu con người có thực sự tồn tại hay không hay có phải hắn không phải là chốn thiếu vắng hiện hữu mà chủ nghĩa nhân văn phương Tây đã ngó lơ mà không hề bị trừng phạt. Bất chấp tham vọng dám tự cho mình có thể đứng ở bên trong và cả bên ngoài lĩnh vực nhận thức và văn hóa của chính nó, hiện tượng luận cuối cùng vẫn kết thúc bằng cái chết vì ý chí của nó là tìm ra cái vô tư trong chính con người, trong khi đối với Foucault, nó nằm trong cái bóng của hắn, trong kẻ Khác, trong một tha tính và nhị nguyên luận bất khả hủy. Lớp vải lót phải được xé toạc để lấy lối cho thứ thoát khỏi tính ưu việt của “Bản ngã” trong chủ thể sống, nói, hành động và, vượt ra ngoài chủ nghĩa kinh nghiệm sống trải, thứ cho phép các khoa học về ngôn ngữ và phân tâm học bừng nở. Mục tiêu của Foucault là khám phá tính nhất quán có thể sờ thấy được của thứ nói lên ở con người, hơn là những gì hắn muốn nói. Chủ thể hiện tượng luận bị loại bỏ khá chân tình như vậy khỏi cái dự án mà ngay sau đó sẽ trở thành một trong những phương diện quan trọng nhất và được tranh luận nhiều nhất của triết học cấu trúc luận.      

_____________________________________________

Nguồn: François Dosse (1997). The Phenomenological Bridge, In History of Structuralism, Volume I: The Rising Sign, I945-I966. University of Minnesota Press (Translated by Deborah Glassman).

Tác giả: François Dosse sinh ngày 22 tháng 9 năm 1950, là một nhà sử học và triết gia người Pháp chuyên về lịch sử trí tuệ. Sau khi làm luận án tiến sĩ (1983) về Trường phái Biên niên sử, Dosse chuyển hướng nghiên cứu sang cấu trúc luận, nhà triết học Paul Ricœur và nhà sử học Michel de Certeau. François Dosse là một trong những người sáng lập tạp chí Espaces Temps. Năm 2007, ông xuất bản Gilles Deleuze et Félix Guattari, giao điểm đường đời (bản dịch tiếng Anh Gilles Deleuze and Félix Guattari: Intersecting Lives [2010]), trong đó ông chủ trương việc phục hồi Guattari trong một lịch sử tri thức chỉ dành cho Deleuze. Năm 2011, ông xuất bản tiểu sử về nhà sử học người Pháp Pierre Nora và vào năm 2014 về nhà triết học người Pháp gốc Hy Lạp Cornelius Castoriadis. Dosse là Giáo sư Lịch sử Đương đại tại Institut Universitaire de Formation des MaîtresViện Đại học Bồi dưỡng Giảng sư ở Créteil.

Ghi chú

1. Maurice Merleau-Ponty, La Structure du comportement; Phénoménologie de la perception. Notes to Chapter Seven 4°5

2. Vincent Descombes, interview with the author.

3. Maurice Merleau-Ponty, “Sur la phénoménologie du langage,” lecture delivered to the Fifst International Phenomenology Colloquium in Brussels, 195I; reprinted in Signs.

4. Ibid., p. 49.

5. Maurice Merleau-Ponty, Cahiers internationaux de sociologie, 10, pp. 55-69; reprinted in Signs, p. 98.

6. Claude Lévi-Strauss, De près et de loin, p. 88.

7. Merleau-Ponty, Signs, pp. u6, u8.

8. Vincent Descombes, interview with the author.

9. Merleau-Ponty, Signs, p. I22.

10. Vincent Descombes, interview with the author.

11. George W Stocking, Histoires de l'anthropologie: XVI' -XIXe siècles, pp. 421-31.

12. Langues Orientales trains students in Eastern (Arabic) and Oriental (Asian) languages.-Trans.

13. Established by royal decree on February 22,1821, the École des Chartes trained specialists in reading medieval documents (chartes). The school depends on the Ministry of National Education, and prepares paleographic archivists during the three years and nine months of studies. - Trans.

14. Jean Jamin, Les Enjeux philosophiques des années cinquante, p. 103.

15. Alfred Adler, Séminaire de Michel Izard, Laboratoire d'Anthropologie Sociale, November 17, 1988.

16. Michel Arrivé, interview with the author.

17. Algirdas Julien Greimas, interview with the author.

18. Jean-Marie Benoist, interview with the author.

19. Michel Foucault, "Structuralism and Post-Structuralism," Telos, vol. 16 (1983): pp. 195-21 1; interview with Georges Raulet.

20. Michel Foucault, Les Mots et les choses; translated as The Order of Things: An Archaeology of the Human Sciences.

21. Foucault, The Order of Things, p. 248

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét