Powered By Blogger

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Đứt gãy Saussurean

François Dosse

Người dịch: Hà Hữu Nga

[Tr.43] Thuật ngữ “cấu trúc luận” áp dụng cho một hiện tượng rất đa dạng, nó nằm giữa một phương pháp và một triết học. Nhưng cốt lõi trung tâm của nó, trung tâm thống nhất của nó, là mô hình của ngôn ngữ học hiện đại và nhân vật Ferdinand de Saussure, được coi là người sáng lập ra nó. Do đó, chủ đề thịnh hành của giai đoạn này là trở về với Saussure như một phần của phong trào “trở về” tổng quát hơn, bao gồm cả Marx và Freud. Chương trình ấy tìm cách hiện thân hóa tính hiện đại và tính hợp lý cuối cùng đã được khám phá trong các khoa học nhân văn cần huy động quá khứ. Giữa hai thời điểm của đứt gãy ban đầu và cuộc tái khám phá, dường như có điều gì đó đã bị mất đi.

Saussure xuất hiện với tư cách là người cha sáng lập, ngay cả khi nhiều nhà nghiên cứu biết tác phẩm của ông chỉ qua người khác. Saussure đã đưa ra giải pháp của mình cho câu hỏi cổ xưa được đặt ra trong tác phẩm Cratylus của Plato, trong đó Hermogenes và Cratylus tranh luận về hai quan điểm đối lập về mối quan hệ tự nhiên-văn hóa. Hermogenes lập luận rằng văn hóa gán từ ngữ cho sự vật một cách võ đoán, trong khi Cratylus cho rằng từ ngữ sao chép tự nhiên trong mối quan hệ về cơ bản mang tính tự nhiên. Quan điểm của Saussure trong cuộc tranh luận cổ xưa và lặp đi lặp lại này là đồng ý với quan điểm của Hermogenes về bản chất võ đoán của dấu hiệu. Vincent Descombes khơi gợi một cách hài hước tính chất “cách mạng” của khám phá này và trích dẫn bậc thầy triết học Molière trong Le Bourgeois gentilhomme – Quý ông Tư sản (hồi 2, cảnh 5) là người khởi xướng phương pháp cấu trúc luận.1 Cốt truyện quen thuộc: Ngài Jourdan viết văn xuôi mà không nhận ra, và muốn [tr.44] viết thư cho một nữ Hầu tước để nói với cô ấy “Nữ Hầu tước thân thương, tôi đến chết vì yêu cặp mắt đẹp của nàng”. Tuyên bố đơn giản này làm dấy lên năm phương án thay thế liên tiếp được chia thành 120 hoán vị khả thể và cho phép tạo ra nhiều nội hàm (connotations) của cùng một biểu nghĩa (denotation).

Nhưng sự ra đời của ngôn ngữ học hiện đại phải đợi đến khi xuất bản Giáo trình Ngôn ngữ học Đại cương (CLG Cours de linguistique générale),2 như chúng ta biết, là bản ghi chép của sinh viên về các bài giảng của Saussure từ năm 1907 đến năm 1922, được thu thập, phân tích và sắp xếp cùng với những tài liệu viết hiếm hoi mà bậc thầy để lại. Charles Bally và Albert Séchehaye, hai giáo sư từ Geneva, đã xuất bản CLG sau khi Saussure mất vào năm 1915. Trọng tâm thuyết trình của ông là xác lập tính võ đoán của ký hiệu, cho thấy rằng ngôn ngữ là một hệ thống các giá trị được xác lập không phải bởi nội dung cũng như bởi kinh nghiệm, mà bởi sự khác biệt thuần túy. Cách diễn giải của Saussure về ngôn ngữ đặt nó một cách chắc chắn bằng các thuật ngữ trừu tượng để đưa nó ra khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm và tâm lý học một cách dễ dàng hơn. Saussure đã xác lập ngôn ngữ học như một bộ môn mới khẳng định quyền tự chủ đối với các ngành khoa học nhân văn khác. Một khi các quy tắc riêng của nó được thiết lập, ngôn ngữ học phải tập hợp tất cả các ngành học khác nhờ tính chặt chẽ và mức độ hình thức hóa cao, đồng thời khiến các ngành học đó áp dụng chương trình và phương pháp của nó.

Số phận của CLG khá nghịch lý. Françoise Gadet lần theo lịch sử của nó, cho thấy rằng khi lần đầu tiên xuất hiện, CLG có tương đối ít tác động so với tác động của 30 năm vừa qua.3 Số lượng bản dịch và bản in lại tăng lên do làn sóng đang lên của cấu trúc luận khái quát: năm bản dịch trong giai đoạn 1916 - 1960 so với 12 bản trong suốt 20 năm từ 1960 đến 1980. Hai sự kiện mang tính quyết định đối với thành công này khiến CLG trở thành cuốn sách nhỏ màu đỏ dành cho các nhà cấu trúc luận nòng cốt. Sau Thế chiến I, người Nga và người Thụy Sĩ đã thống trị ngôn ngữ học, giành lấy ngành học này từ người Đức, vốn đã thống trị ngành này cho đến lúc đó, nhưng về cơ bản đã xác định nó là ngành ngữ văn học so sánh. Kể từ Đại hội Quốc tế Ngôn ngữ học Thứ nhất tại Den Haag [La Hay] năm 1928, một liên minh quan trọng đã được thành lập để có một tương lai rực rỡ. “Một mặt, các đề xuất do người Nga (Jakobson, Karcevski, Trubetzkoy), và mặt khác, do người Geneva (Bally và Séchehaye) khởi xướng, đều đưa ra tham chiếu chung đến Saussure trong mô tả của họ về ngôn ngữ như một hệ thống.”4 Do đó, Geneva và Moscow là những nơi khởi đầu về việc xác định chương trình [tr.45] cấu trúc luận. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên thuật ngữ “cấu trúc luận” đã thực sự được sử dụng. Và chính Jakobson đã sử dụng nó, trong khi Saussure chỉ sử dụng thuật ngữ “hệ thống”, mà ông đã lặp lại 138 lần trong ba trăm trang CLG.  

Sự kiện thứ hai quyết định tương lai CLG diễn ra ở Pháp. Đó là ấn bản năm 1956 bài báo của Greimas [Algirdas Julien Greimas 1917 – 1992, là một nhà khoa học văn chương Pháp gốc Lithuania, viết hầu hết các tác phẩm của mình bằng tiếng Pháp. Ông cùng với Roland Barthes, được coi là những nhà ký hiệu học lỗi lạc nhất của Pháp. Được đào tạo về ngôn ngữ học cấu trúc, ông đã bổ sung thêm lý thuyết biểu nghĩa, ký hiệu học tạo hình, và đặt nền móng cho trường phái ký hiệu học Paris. Những đóng góp lớn của Greimas cho ký hiệu học là các khái niệm về đồng vị, mô hình hành động, chương trình tự sự và ký hiệu học của thế giới tự nhiên. Ông còn nghiên cứu thần thoại Litva và tôn giáo Nguyên-Ấn Âu, và có ảnh hưởng lớn trong phê bình văn chương ký hiệu học.- HHN], L'actualité du Saussurisme – Thực tính của Luận thuyết Saussurisme trong Le Français moderne (Số 3, 1956). “Với bài báo này, tôi đã chỉ ra rằng trong khi ngôn ngữ học được viện dẫn ở khắp mọi nơi - Merleau-Ponty trong triết học, Lévi-Strauss trong nhân học, Barthes trong văn học, Lacan trong phân tâm học – thì lại chẳng hề thấy gì trong bản thân ngôn ngữ học, và hơn lúc nào hết, đã đến lúc - Ferdinand de Saussure phải được đặt đúng vào đúng vị trí của ông.”5 [Il serait inexact de dire que le nom de Ferdinand de Saussure est inconnu dans les milieux des linguistes français. Il n'est pas moins vrai cependant que la théorie saussurienne reste presque ignorée de la “philologie française” fidèlement attachée, du moins dans ses principales contributions, à l'esprit de la grammaire historique du XIXe siècle. Reflétant la conviction à peu près unanime de ses maîtres, un jeune linguiste de 1935 avait encore tendance à considérer avec dédain les travaux des écoles de Genève et de Prague, dont l'ésotérisme, disait-on, cachait mal les spéculations purement théoriques, contraires aux faits linguistiques positifs et au bon sens le plus élémentaire. Et cependant, quand ce même linguiste est amené à lire, une vingtaine d'années plus tard, la confession d'un sociologue qui reproche à ses maîtres de l'entre-deux guerres d'avoir été “plus occupés sans doute à méditer l'Essai sur les données immédiates de la conscience que le Cours de linguistique générale de F. de Saussure” (Claude Lévi-Strauss, Tristes Tropiques, Paris, Pion, 1955,p. 47.), ou cette affirmation d'un philosophe que “Saussure pourrait bien avoir esquissé une nouvelle philosophie de l'Histoire” (Maurice Merleau-Ponty, Leçon inaugurale au Collège de France, 1953, p. 45.); quand il se voit obligé de réviser son attitude à l'égard du saussurisme grâce, en partie du moins, à cette “redécouverte” de Saussure par des sciences de l'homme autres que la linguistique, il se trouve devant la situation pour le moins paradoxale de l'héritage saussurien en France. Algirdas-Julien Greimas “L'actualité du saussurisme.” Le français moderne, 1956, n°24, p. 191.-HHN

“Sẽ không chính xác nếu nói rằng tên tuổi của Ferdinand de Saussure không được biết đến trong giới ngôn ngữ học Pháp. Tuy nhiên, còn một điều cũng chẳng hề sai là luận thuyết Saussurean hầu như vẫn bị “ngữ văn Pháp” gắn buộc một cách trung thành, ít nhất là trong những đóng góp chính của nó, với tinh thần của quy tắc lịch sử thế kỷ XIX. Phản ánh niềm tin gần như đồng lòng của các bậc thầy của mình, một nhà ngôn ngữ học trẻ vào năm 1935 vẫn có xu hướng coi thường công trình của các trường phái Geneva và Praha, mà người ta cho rằng chủ nghĩa bí truyền của họ đã che giấu một cách tồi tệ những suy đoán thuần túy lý thuyết, trái ngược với các sự kiện ngôn ngữ học thực chứng và lý lẽ thường tình cơ bản nhất. Nào đã hết, khi vẫn nhà ngôn ngữ học này, khoảng hai mươi năm sau, tình cờ đọc được lời thú nhận của một nhà xã hội học đã trách móc các bậc thầy của mình trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến vì “có lẽ đã mải suy ngẫm về “Bài luận về dữ liệu trực tiếp của ý thức” (Claude Lévi-Strauss, Tristes Tropiques, Paris, Pion, 1955, p. 47.) mà Giáo trình của F. de Saussure về Ngôn ngữ học Đại cương, hay khẳng định này của một triết gia cho rằng “Saussure có thể đã phác thảo một triết học mới về Lịch sử” (Maurice Merleau-Ponty, Leçon inaugurale au Collège de France, 1953, p. 45.); khi ông thấy mình buộc phải xem xét lại thái độ của mình đối với chủ nghĩa Saussurisme, ít nhất một phần, nhờ vào sự “tái khám phá” luận thuyết Saussurisme của các ngành khoa học nhân văn ngoài ngôn ngữ học, ông thấy mình phải đối mặt với tình huống ít nhất là nghịch lý của di sản Saussure ở Pháp.” Algirdas-Julien Greimas “L'actualité du saussurisme.” Le français moderne, 1956, n°24, p. 191.-HHN] Bài viết của Greimas không phải là bài duy nhất về Saussure, và rõ ràng là trong suốt những năm 50 và 60, cái định nghĩa vẫn đang diễn tiến về một chương trình ký hiệu học tổng thể đã vượt ra ngoài ngôn ngữ học và bao gồm tất cả khoa học nhân văn trong một dự án chung, vốn là tham vọng lớn của thời kỳ đó, được biện minh và khích lệ bởi định nghĩa của Saussure về ký hiệu học là “khoa học nghiên cứu đời sống của các ký hiệu ở trung tâm của đời sống xã hội”.

Chủ đề Đứt gãy

Do đó, để hiểu được hệ mẫu cấu trúc luận, chúng ta phải bắt đầu với đứt gãy Saussurean, vì cả một thế hệ đã đọc và coi CLG là thời điểm sáng lập. Chỉ riêng điều này đã làm cho giả thuyết về một đứt gãy trở nên hợp lý, ngay cả khi theo một số người, về cơ bản nó chỉ là một huyền thoại. Tuy nhiên, và để hiểu rõ hơn ảnh hưởng của nó, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu có thực sự có một đứt gãy giữa ngôn ngữ học tiền- và hậu-Saussurean hay không. Các câu trả lời khác nhau tùy theo nhà ngôn ngữ học, và không ai ngây thơ đến mức tin rằng tư duy ngôn ngữ có thể nảy nở hoàn toàn từ tâm trí của một cá nhân, nhưng một số người lại nhấn mạnh hơn vào tính gián đoạn trong tư duy của Saussure, trong khi những người khác nhấn mạnh một thay đổi tiến bộ hơn.

Françoise Gadet lập luận ủng hộ một đứt gãy rất rõ ràng giữa “những ý tưởng của thời kỳ tiền-Saussurean” và những ý tưởng của thời kỳ mở ra với Saussure.6 Cách tiếp cận mô tả, sự thịnh hành của ý tưởng về hệ thống, mối quan tâm đến việc đi từ các thủ tục được tạo dựng và rõ ràng trở lại các đơn vị cơ bản, định hướng mới của Saussure cung cấp tất cả những điều này và sẽ trở thành mẫu số chung thấp nhất cho toàn bộ trào lưu cấu trúc luận. Saussure cũng đại diện cho sự ra đời thực sự của ngôn ngữ học hiện đại đối với Roland Barthes. “Có [tr.46] một sự thay đổi nhận thức luận với Saussure: phép loại suy thay thế tiến hóa luận, mô phỏng thay thế cho nguồn gốc.”7 Barthes, với sự nhiệt tình của mình, thậm chí còn trình bày Saussure như là tiên báo của một chế độ dân chủ! nhờ vào tính tương đồng giữa khế ước xã hội và khế ước ngôn ngữ. Toàn bộ dòng dõi ở đây đề cập đến gốc rễ lâu dài của cấu trúc luận. Theo anh em nhà Schlegel, thơ được cho là một nền Cộng hòa, một diễn ngôn,8 và thực sự có một món nợ đối với Chủ nghĩa Lãng mạn Đức, đã biện hộ cho một quan niệm về nghệ thuật như một cấu trúc không có mô phỏng.

Claudine Normand, một giáo sư ngôn ngữ học tại Paris X, đến với ngôn ngữ học bắt đầu từ ý tưởng về đứt gãy Saussurean, đã nhìn thấy một sự đứt gãy, nhưng không phải là nơi nó thường được định vị. “Thật khó để xác định: diễn ngôn của Saussure rất không rõ ràng vì nó là một phần của diễn ngôn thực chứng của thời kỳ đó”.9 Đóng góp thiết yếu của Saussure không phải là phát hiện ra bản chất võ đoán của dấu hiệu; vào cuối thế kỷ XIX tất cả các nhà ngôn ngữ học đã bị thuyết phục về điều này, và tất cả các công trình nghiên cứu so sánh đã chấp nhận lập luận quy ước luận và bác bỏ mô hình tự nhiên luận. Tuy nhiên, “ông đã làm một việc khác với nó; ông gắn nó với nguyên tắc ký hiệu học, nghĩa là, với lý thuyết về giá trị, cho phép ông nói rằng trong ngôn ngữ chỉ có những khác biệt mà không có bất kỳ dấu hiệu đối lập nào”10. Do đó, đứt gãy về cơ bản sẽ nằm ở ranh giới của định nghĩa về lý thuyết giá trị, trong các nguyên tắc cho phép khái quát hóa mô tả và trong sự trừu tượng hóa của dự án. Ý tưởng về hệ thống của Saussure thể hiện việc xây dựng một thủ tục trừu tượng, mang tính khái niệm bởi vì một hệ thống không thể quan sát được, mặc dù mỗi yếu tố ngôn ngữ đều phụ thuộc vào nó. Đối với Claudine Normand, sự phân biệt về tính đồng đại/lịch đại đã được tạo ra trước Saussure, đặc biệt là trong các công trình đang được thực hiện trong phương ngữ học, nơi mà tính đồng đại sẽ được ưu tiên một cách hoàn toàn tự nhiên trong việc tập hợp các phương ngữ, vì thiếu dấu vết bằng văn bản viết. Về vấn đề này, Saussure có lẽ chỉ “hệ thống hóa những điều đã được nói và làm”.11

Mặt khác, Jean-Claude Coquet đưa vấn đề trở lại thế kỷ XIX và thậm chí đến cuối thế kỷ XVIII, với những phong trào quan trọng đã hình thành ngôn ngữ học đương đại. Ý tưởng về hệ thống đã có trước Saussure. “Đây trước hết là một ý tưởng phân loại học và do đó chúng ta thấy những nỗ lực thành công đầu tiên của các nhà sinh học. Đây là thời kỳ của Goethe và Geoffroy Saint-Hilaire”.12 Saussure chỉ củng cố ý tưởng về hệ thống, do đó quy giản lĩnh vực nghiên cứu về nó [tr.47] thành hệ thống để mang lại cho nó tác động lớn nhất có thể, nhưng lại từ bỏ các khía cạnh lịch sử panchronic phiếm thời của âm vị học. [Âm vị học phiếm thời là một cách tiếp cận âm vị học lịch sử. Mục đích của nó là hình thành những khái quát về các biến đổi âm thanh độc lập với bất kỳ ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ cụ thể nào; thuật ngữ panchronic chí ít cũng được Saussure áp dụng cho ngôn ngữ học để chỉ các nguyên tắc chung nhất, độc lập với các sự kiện cụ thể. HHN] Giống như Michel Foucault, Jean-Claude Milner nhận thấy trong công trình của Bopp nền tảng cơ bản cho một ngữ pháp bỏ lại phía sau thế giới của thời đại cổ điển và của sự đại diện. Saussure có lẽ chỉ đơn giản làm sạch những nguyên tắc cơ bản mà ngôn ngữ học thời ông cần, tức là ngôn ngữ học lịch sử. Nhưng các nhà ngôn ngữ học lịch sử đã cần đến ngôn ngữ học đại cương từ cuối thế kỷ XIX, và cần làm mới mối liên hệ của nó với thời điểm mà ngôn ngữ học đại cương tồn tại trước khi bị chủ nghĩa lịch sử của nghiên cứu ngữ văn học áp chế. “Do đó, không có lý do gì để thích thú hơn với lập luận về tính đứt đoạn”, vì ngôn ngữ học đại cương là một thuật ngữ mà chúng ta bắt đầu tìm thấy từ những năm 1880.13 André Martinet, người đã đóng góp đáng kể vào việc Saussure được đọc và biết đến, tuy nhiên vẫn cho rằng Saussure đã nhường chỗ cho áp lực từ xã hội học bằng cách phân biệt giữa ngôn ngữ và lời nói, và “đã thất bại trong kế hoạch nghiên cứu hiện tượng ngôn ngữ trong tự thân nó và cho chính nó”.14 Đối với Martinet, một chương trình thực sự thiết lập cấu trúc luận chỉ được xác định với sự ra đời của Trường phái Prague và âm vị học. “Tôi là một người Saussurean, và tôi nói điều này với sự ngưỡng mộ lớn nhất đối với Saussure: ông ấy không phải là người sáng lập ra cấu trúc luận”.15

Đồng đại Thắng thế

Trên hết André Martinet chỉ trích cái thực tế là vấn đề quan trọng về tính quy tắc của các biến đổi ngữ âm học, được nêu ra vào thời Saussure, đã không được giải đáp trong CLG. Để tính đến hiện tượng này, cấu trúc cần phải duy trì tính lịch đại hơn là bị giới hạn trong tính đồng đại, tĩnh tại: “Cấu trúc là cái gì đó chuyển động”.16 Tuy nhiên, các phạm trù của Saussure được sử dụng như những công cụ nhận thức luận cho cấu trúc luận tổng quát ngay cả khi các tác phẩm khác nhau cũng có quyền tự do nào đó với văn bản của Saussure để điều chỉnh nó cho phù hợp với tính đặc thù lĩnh vực của chúng. Biến tố chính ưu tiên cho tính đồng đại và Saussure đã minh họa điều này cùng hệ quả tất yếu của nó, mức độ tầm thường của sử tính, bằng phép ẩn dụ về một ván cờ được chơi hay khi có thể nhìn thấy tình huống và sự kết hợp khả thể của các quân cờ trên bàn cờ. “Việc đến đích bằng con đường này hay con đường khác hoàn toàn không quan trọng”.17 Nghiên cứu sự kết hợp qua lại của các đơn vị rời rạc cho thấy các quy luật nội tại điều chỉnh một ngôn ngữ. Vấn đề là việc khảo sát đồng đại có tính độc lập để tiếp cận hệ thống đã phá vỡ mối liên hệ với phương pháp của cả các chuyên gia so sánh [tr.48] và các nhà triết học cổ điển, tìm kiếm những vay mượn liên tiếp trong các lớp ngôn ngữ khác nhau khi chúng đang hình thành. Trong sự thay đổi triệt để quan điểm này, tính lịch đại trở thành một phái sinh đơn giản và sự tiến hóa ngôn ngữ được coi là sự chuyển đổi từ loại đồng đại này sang loại đồng đại khác. Các nhận thức của Foucault xuất hiện trong tâm trí ngay cả khi việc quy chiếu đến Saussure không thực sự rõ ràng. Ngôn ngữ học đã được giải phóng khỏi sự giám hộ của nhà sử học thông qua trò chơi quyền lực này, vốn khuyến khích sự tự chủ khoa học của nó, nhưng với cái giá đắt là phi sử tính, dẫn đến thủ thuật cắt cụt có thể cần thiết để cắt đứt mối quan hệ với tiến hóa luận thời bấy giờ, nhưng điều đó đã dẫn đến aporias các bế tắc bởi vì mối liên hệ giữa đồng đại và lịch đại không được đặt trong bất kỳ mối quan hệ biện chứng nào. Saussure đã giúp để có thể chỉ ra rằng các quy luật biến đổi của một ngôn ngữ và một xã hội là khác nhau, và do đó ngôn ngữ không phải là biểu hiện đơn giản của một đặc thù chủng tộc, như các nhà ngôn ngữ học thế kỷ XIX đã tin khi họ tái cấu trúc lịch sử của các xã hội Ấn-Âu thông qua các ngôn ngữ đã biết và được công nhận.

Tính Khép kín Ngôn ngữ học

Khía cạnh cơ bản khác của cách tiếp cận Saussurean là coi ngôn ngữ là khép kín. Dấu hiệu ngôn ngữ không liên kết một sự vật với tên gọi của nó, mà là một khái niệm với một hình ảnh âm học có môi liên hệ võ đoán; do đó thực tại, hay vật quy chiếu được đặt bên ngoài lĩnh vực nghiên cứu để xác định quan điểm của nhà ngôn ngữ học, vốn bị hạn chế, theo định nghĩa. Dấu hiệu Saussurean chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa cái được biểu đạt (khái niệm) và cái biểu đạt (hình ảnh âm thanh), và loại trừ chiếu vật. Các dấu hiệu khác với các biểu tượng, chúng giữ lại một liên kết tự nhiên trong mối quan hệ của cái biểu đạt và cái được biểu đạt. “Ngôn ngữ là một hệ thống chỉ biết trật tự của chính nó”. “Ngôn ngữ là hình thức chứ không phải bản chất”.18 Vì vậy, đơn vị ngôn ngữ, nhờ đặc điểm ngữ âm và ngữ nghĩa của nó, luôn chỉ tới tất cả các đơn vị khác trong một hoạt động tổ hợp thuần túy nội sinh.

Chức năng tham chiếu, còn được gọi là denotation biểu nghĩa, bị loại bỏ. Tính quy chiếu nằm trong mối quan hệ giữa ký hiệu và vật quy chiếu. Saussure không dành ưu tiên cho cái biểu đạt so với cái được biểu đạt, vì đối với ông, cả hai đều là hai mặt không thể tách rời của một tờ giấy, nhưng ông định nghĩa cái biểu đạt bằng sự hiện diện vật chất của nó, trong khi cái được biểu đạt lại đặc trưng bởi sự vắng mặt của nó: “Dấu hiệu vừa là một dấu vết vừa là một thiếu vắng: nó có tính lưỡng thế ngay từ đầu”.19 Jacques Lacan, đặc biệt, đã đề cập đến mối quan hệ bất bình đẳng này trong sự biểu nghĩa, và đã quy giản cái được biểu đạt [tr.49] để ủng hộ cho cái được biểu đạt theo hướng làm nổi bật thêm chất lượng nội tại của cách tiếp cận ngôn ngữ này. Bằng định hướng nội tại, Saussure đã giới hạn dự án của mình và thoát khỏi bất kỳ mối tương quan nào giữa hai trong số các mệnh đề của ông, “cái mệnh đề theo đó ngôn ngữ là một hệ thống các dấu hiệu và mệnh đề khác theo đó ngôn ngữ là một thực tế xã hội”.20 Ông đã khép kín ngôn ngữ học của mình trong một nghiên cứu hạn chế về mã và do đó cắt bỏ ngôn ngữ khỏi các điều kiện xuất hiện và biểu nghĩa của nó.

Saussure đã chọn dấu hiệu hơn là ý nghĩa, thứ mà ông đã loại bỏ vào quá khứ siêu hình học, một sự lựa chọn đã trở thành đặc điểm của hệ mẫu cấu trúc luận. Cách hình thức hóa như vậy giúp cho việc mô tả các ngôn ngữ có thể đi khá xa, nhưng thay vì là một phương tiện, thì hình thức hóa lại trở thành mục đích; như vậy, nó thường được sử dụng để che khuất, nếu không muốn nói là thần bí hóa. Hai cách phân chia tổ hợp bên trong của ngôn ngữ làm cho nó trở nên dễ hiểu: các mối quan hệ tuyến tính của tính tiếp giáp, được gọi là có tính ngữ đoạn, và các mối quan hệ vắng mặt, mà Saussure gọi là có tính liên tưởng và sau này được bao hàm trong khái niệm hệ mẫu. Theo định nghĩa, Saussure bị hạn chế, nhưng dự án xây dựng một ký hiệu học tổng quát của ông tích hợp tất cả các bộ môn liên quan đến đời sống của các dấu hiệu ở cốt lõi của đời sống xã hội là rất tham vọng: “Ngôn ngữ học chỉ là một phần của khoa học tổng quát này”.21 [La langue est un système de signes exprimant des idées, et par là, comparable à l’écriture, à l’alphabet des sourds-muets, aux rites symboliques, aux formes de politesse, aux signaux militaires, etc., etc. Elle est seulement le plus important de ces systèmes. On peut donc concevoir une science qui étudie la vie des signes au sein de la vie sociale; elle formerait une partie de la psychologie sociale, et par conséquent de la psychologie générale; nous la nommerons sémiologie (du grec sēmeîon, “signe”). Elle nous apprendrait en quoi consistent les signes, quelles lois les régissent. Puisqu’elle n’existe pas encore, on ne peut dire ce qu’elle sera; mais elle a droit à l’existence, sa place est déterminée d’avance. La linguistique n’est qu’une partie de cette science générale, les lois que découvrira la sémiologie seront applicables à la linguistique, et celle-ci se trouvera ainsi rattachée à un domaine bien défini dans l’ensemble des faits humains. F. Saussure, Cours de linguistique générale, éd. Bally et Sechehaye, 1971, P.33.- HHN] [Ngôn ngữ là một hệ thống các dấu hiệu diễn đạt ý tưởng, và do đó có thể so sánh với chữ viết, với bảng chữ cái câm điếc, với các nghi thức tượng trưng, ​​với các hình thức lịch sự, với các tín hiệu quân sự, v.v., v.v. Nó chỉ quan trọng nhất đối với các hệ thống này. Do đó, người ta có thể quan niệm về một khoa học nghiên cứu đời sống của các ký hiệu trong đời sống xã hội; nó sẽ tạo thành một bộ phận của tâm lý học xã hội, và do đó của tâm lý học chung; chúng ta sẽ gọi nó là ký hiệu học (từ tiếng Hy Lạp sēmeîon, “dấu hiệu”). Nó sẽ dạy cho chúng ta các dấu hiệu bao gồm những gì, những quy luật nào chi phối chúng. Vì nó chưa tồn tại nên chúng ta không thể nói nó sẽ là gì; nhưng nó có quyền tồn tại, vị trí của nó đã được xác định trước. Ngôn ngữ học chỉ là một bộ phận của thứ khoa học tổng quát này, các quy luật mà ký hiệu học khám phá sẽ được áp dụng cho ngôn ngữ học, và do đó ngôn ngữ học sẽ thấy mình gắn liền với một lĩnh vực được xác định rõ ràng trong tập hợp các sự kiện thuộc về con người. F. Saussure, Giáo trình Ngôn ngữ học Đại cương, Bally và Sechehaye biên tập, 1971, P.33.- HHN]. Nhưng bằng sự thúc đẩy của nó, ngôn ngữ học đã trở thành khoa học trình diễn ở trung tâm của cái dự án cấu trúc luận, rõ ràng tham gia vào việc thực hiện chương trình đầy tham vọng này, trong đó tất cả các ngành khoa học về ký hiệu đều hội tụ xung quanh cùng một hệ mẫu. Được hỗ trợ bởi một phương pháp đã mang lại kết quả, nó chính là lò đúc tất cả các ngành khoa học nhân văn.

Đặc điểm ngoại lệ và sáng tạo của cấu hình này trong bối cảnh trí tuệ của Pháp trở nên có sắc thái khi so sánh với một tình huống tương tự đang thịnh hành ở Đức vào thế kỷ XIX, vào thời điểm mà ngữ văn học và ngữ pháp so sánh là những bộ môn đầu tiên được thể chế hóa thành các khoa học hiện đại. Số lượng ghế giáo sư đại học, tiền nghiên cứu và các tạp chí khẳng định tính tiên phong của họ. “Tôi nghĩ rằng ngữ pháp so sánh có ngân sách lớn hơn vật lý học ở Đức thế kỷ XIX”.22 Do đó các hậu duệ của Saussure về cơ bản đã đánh đồng Saussure với CLG, nhưng đó chỉ là một khía cạnh trong nhân cách của ông; theo các sinh viên của ông, tính hệ thống và chủ nghĩa hình thức của ông đã được phát triển giống như một chương trình ngay cả khi ông giảng bài bằng những ngẫu hứng không hề được viết ra, hoặc chỉ là văn bản ghi trên một phần tư tờ giấy.

[Tr.50] Hai Saussure?

Nhị phân luận của Saussure thể hiện rõ ràng trong sở thích cá nhân và thậm chí cả trong tính cách của ông. Ông thường xuyên từ quê hương Geneva của mình đến Marseilles, mang theo những cuốn sổ ghi chú nhỏ mà ông chất đầy những suy ngẫm về các văn bản Vệ Đà và Saturnine của những áng thi ca linh thiêng Ấn Độ và La Mã. Hai trăm cuốn sổ tay như vậy đã được lấp đầy bằng cách đảo chữ cái và trong một cuộc tìm kiếm thần bí cho những tên riêng ẩn giấu sẽ tiết lộ cả đối với những người mà các văn bản dành để nói đến và ý nghĩa tối hậu của chúng. Băn khoăn với những khám phá của mình, Saussure thậm chí còn quan tâm đến các buổi gọi hồn của nhà tâm linh từ năm 1895 đến năm 1898. Năm 1898, ông được Fleury, một giáo sư tâm lý học ở Geneva, mời đến để tư vấn về một trường hợp glossolalia nói tiếng lạ. Cô Smith, bị thôi miên, tuyên bố rằng cô ấy nói tiếng Phạn, và Saussure, giáo sư tiếng Phạn, nói rõ rằng “đó không phải là tiếng Phạn, nhưng cũng không hại gì cho tiếng Phạn”.23 Không phải Saussure là nhà khoa học duy nhất có chiều kích tâm linh. Chúng ta chỉ cần nhớ lại Newton, người đã viết hàng nghìn trang về thuật giả kim trong khi viết Philosophiæ Naturalis Principia Mathematica – Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên, người sáng lập ra cơ học cổ điển và lý tính phương Tây cũng đang tìm kiếm hòn đá của triết gia. Saussure thứ hai, như Louis-Jean Calvet gọi ông,24 nghĩ rằng một ngôn ngữ tồn tại bên dưới ngôn ngữ, một sự mã hóa có ý thức hoặc vô thức của các từ tồn tại bên dưới các từ. Tuy nhiên, không có dấu vết nào về việc ông tìm kiếm các cấu trúc tiềm ẩn xuất hiện trong Saussure chính thức của CLG. Các cuốn sổ ghi chép của Saussure đều được gia đình ông giữ bí mật cẩn thận và chỉ đến năm 1964, Jean Starobinski mới có thể xuất bản một phần các đảo chữ.25 Phát hiện này đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới và khác biệt, vào giữa những năm 60, đặc biệt là với các công trình của Julia Kristeva. Cùng với Jakobson, chúng ta có thể nói về một “cuộc cách mạng Saussurean thứ hai” bị kìm nén từ lâu.

Chủ thể Vắng mặt

Mối quan hệ thứ hai này sẽ cho phép chủ thể quay trở lại, vốn rõ ràng đã bị quy giản xuống mức tầm thường, nếu không muốn nói là vào im lặng, trong CLG với sự phân biệt quan trọng giữa ngôn ngữ và lời nói. Đối lập này bao gồm sự phân biệt giữa xã hội và cá nhân, giữa cụ thể và trừu tượng, giữa ngẫu nhiên và tất yếu, còn khoa học ngôn ngữ theo đúng nghĩa phải tự giới hạn mình vào ngôn ngữ, đối tượng duy nhất có thể được giải thích một cách khoa học. Do đó, chủ thể nói, con người của ngôn từ, đã bị loại bỏ: [tr.51] “Ngôn ngữ không phải là chức năng của chủ thể nói, mà là sản phẩm được cá nhân ghi lại một cách thụ động…Ngôn ngữ, khác với lời nói, là một đối tượng có thể được nghiên cứu riêng rẽ”.26 Đối với Saussure, ngôn ngữ học chỉ có được vị thế là một khoa học với điều kiện là đối tượng cụ thể của nó - ngôn ngữ - phải được xác định rõ ràng. Cần phải loại bỏ những thứ cặn bã của lời nói, của chủ đề và của tâm lý học. Bị trục xuất khỏi quan điểm khoa học của Saussure, cá nhân trở thành nạn nhân của sự quy giản theo chủ nghĩa hình thức mà ở đó hắn ta không còn chỗ đứng của mình nữa. Sự phủ định này, vốn đã là một điểm mù trong chân trời Saussure, cũng sẽ trở thành một yếu tố thiết yếu của hệ mẫu cấu trúc luận ở bất cứ nơi nào khác ngoài ngôn ngữ học. Tôi đẩy một chủ nghĩa hình thức vào kịch phát, sau khi đã loại bỏ ý nghĩa, loại trừ người nói sao cho “mọi thứ diễn ra như thể không có ai nói”.27  Với những phủ định ban đầu cũng như hệ quả của chúng, chúng ta có thể thấy rằng ngôn ngữ học hiện đại đã phải trả giá đắt để tự khẳng định mình. Nhưng một lần nữa, điểm kỳ dị của Saussure phải được nhìn nhận trong mối quan hệ với các nhà so sánh ở Đức thế kỷ XIX, những người đã tìm kiếm các cấu trúc ngôn ngữ đích thực, mà họ coi là bị phá hủy bởi hành động nói. Theo dòng suy nghĩ này, cấu trúc của ngôn ngữ độc lập với những gì đã được thực hiện với nó và cần được khôi phục. Vì vậy, một lần nữa, Saussure chỉ hệ thống hóa một điều gì đó đã có trước ông.

Đằng sau sự đối lập ngôn ngữ/lời nói này, Oswald Ducrot coi Saussure như là sự pha trộn hai cấp độ, “và sẽ rất thú vị nếu phân biệt chúng một cách rõ ràng, đó là điều mà tôi đã cố gắng làm”.28 Sự đối lập giữa ngôn ngữ và lời nói trước hết có thể được coi như sự phân biệt giữa cái được đưa ra (lời nói) và cái được tạo dựng (ngôn ngữ). Sự khác biệt về phương pháp luận hoặc nhận thức luận không thể thiếu này vẫn còn giá trị; thật vậy, nó thậm chí còn chính là điều kiện của sự nghiệp khoa học, mặc dù nó không giả định trước sự đối lập thứ hai và có thể tranh cãi của Saussure giữa một hệ thống ngôn ngữ trừu tượng trong đó chủ thể đã bị loại khỏi hành vi lời nói, giữa một mã khách quan và việc sử dụng nó của các chủ thể. Nhưng toàn bộ trào lưu Saussurean của những năm sáu mươi đã xem xét lại sự nhầm lẫn giữa hai cấp độ này, tạo ra các chủ đề về cái chết của con người và của chủ nghĩa phản nhân văn về mặt lý thuyết. Các hy vọng khoa học đã được thổi bùng lên đến những tầm cao ghê gớm khi chủ thể nói cuối cùng đã bị loại bỏ.      

_____________________________________

Nguồn: François Dosse (1997). The Saussurean Break, In History of Structuralism, Volume I: The Rising Sign, 1945-1966. University of Minnesota Press (Translated by Deborah Glassman).

Tác giả: François Dosse sinh ngày 22 tháng 9 năm 1950, là một nhà sử học và triết gia người Pháp chuyên về lịch sử trí tuệ. Sau khi làm luận án tiến sĩ (1983) về Trường phái Biên niên sử, Dosse chuyển hướng nghiên cứu sang cấu trúc luận, nhà triết học Paul Ricœur và nhà sử học Michel de Certeau. François Dosse là một trong những người sáng lập tạp chí Espaces Temps. Năm 2007, ông xuất bản Gilles Deleuze et Félix Guattari, giao điểm đường đời (bản dịch tiếng Anh Gilles Deleuze and Félix Guattari: Intersecting Lives [2010]), trong đó ông chủ trương việc phục hồi Guattari trong một lịch sử tri thức chỉ dành cho Deleuze. Năm 2011, ông xuất bản tiểu sử về nhà sử học người Pháp Pierre Nora và vào năm 2014 về nhà triết học người Pháp gốc Hy Lạp Cornelius Castoriadis. Dosse là Giáo sư Lịch sử Đương đại tại Institut Universitaire de Formation des MaîtresViện Đại học Bồi dưỡng Giảng sư ở Créteil.

Ghi chú

1. Vincent Descombes, Le Même et l'autre, p. 100.

2. Ferdinand de Saussure, Cours de linguistique générale.

3. Françoise Gadet, “Le signe et le sens”, DRLAV, Revue de linguistique, no. 40 (19 89).

4. Ibid., p. 4.

5. Algirdas Julien Greimas, interview with the author.

6. Gadet, “Le signe et le sens”, p. 18.

7. Roland Barthes, “Saussure, le signe, la démocratie”, Le Discours social, nos. 3-4 (April 1973); reprinted in Roland Barthes, L'Aventure sémiologique, p. 221.

8. See Tzvetan Todorov, Théories du symbole.

9. Claudine Normand, interview with the author.

10. Ibid.

11. Ibid.

12. Jean-Claude Coquet, interview with the author.

13. Sylvain Auroux, interview with the author.

14. André Martinet, interview with the author.

15. Ibid.

16. Ibid.

17. Saussure, Cours de linguistique générale, p. u6.

18. Ibid.

19. Oswald Ducrot and Tzvetan Todorov, Dictionnaire encyclopédique du langage, p. 133·
20. Louis-Jean Calvet, Pour et contre Saussure, pp. 82-83.

21. Saussure, Cours de linguistique générale, p. 33.

22. Sylvain Auroux, interview with the author.

23. Louis-Jean Calvet, interview with the author.

24. Calvet, Pour et contre Saussure.

25. Jean Starobinski, Mercure de France, February 1964; then Les Mots sous les mots, 1971.
26. Saussure, Cours de linguistique générale, p. 30.

27. Claude Hagège, I.:homme de parole, p. 3°5.

28. Oswald Ducrot, interview with the author.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét