Powered By Blogger

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2022

Quan hệ Họ hàng, Bạn bè và Quan hệ Bảo trợ - Khách hàng trong các Xã hội Phức tạp (I)

 Eric R. Wolf

Người dịch: Hà Hữu Nga

Vào đầu những năm 1960, tôi đã bắt đầu phân biệt một cách thận trọng các mối quan hệ liên cá nhân theo đúng nghĩa, và các nhóm có tổ chức cũng như sự sắp xếp có cấu trúc của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị, là những nhóm vẫn tiếp tục hướng về phía trước. Vào tháng 6 năm 1963, tôi cùng với một số học giả Mỹ khác được mời tham gia cuộc họp của Hiệp hội Nhân học Xã hội Anh ở Cambridge nước Anh, sự kiện đầu tiên cho phép người bên ngoài tham gia vào cuộc họp của tổ chức những người mang danh chức năng luận cấu trúc. Sự kiện đó đã cho tôi cơ hội khám phá chi tiết hơn về tác động biện chứng của các cấu trúc chính thức và các loại liên kết không chính thức khác giữa những người hoạt động trong các cấu trúc đó. Bài viết đã bị Ngài Edmund Leach (1910-1989) gạt bỏ kèm một tiếng chửi thề, nhưng thật vui khi nghe Max Gluckman (1911-1975) (đứng đái bên cạnh) nói về gã trâng tráo người nước ngoài kia là ông ta thực sự thích bài viết đó.

Nghiên cứu của nhà nhân học về các xã hội phức tạp được biện minh chính từ thực tế là các xã hội như vậy không được tổ chức tốt và chặt chẽ như những người phát ngôn của các xã hội đó đôi khi muốn làm cho người ta tin tưởng. Khi phân tích các hệ thống kinh tế của họ, chúng ta sẽ phát hiện ra ở bất kỳ một nguồn lực xã hội nào có tính chiến lược đối với hệ thống - và các tổ chức được thiết lập để sử dụng các nguồn lực chiến lược này - nhưng chúng ta còn tìm thấy các nguồn lực và các tổ chức, trong điều kiện tốt nhất, cũng mang tính bổ sung hoặc hoàn toàn là ngoại vi. Nếu chúng ta vẽ các mối quan hệ này thành sơ đồ, thì một số khu vực sẽ cho thấy những tập trung mạnh mẽ của các nguồn lực chiến lược và các tổ chức cốt lõi đi kèm; các khu vực khác sẽ xuất hiện với màu xám hoặc trắng, lĩnh vực kinh tế chưa được biết đến theo quan điểm hệ thống lớn hơn.

Điểm tương tự có thể được thực hiện đối với việc kiểm soát chính trị. Có những nguồn lực chính trị cần thiết cho sự vận hành của hệ thống và hệ thống sẽ cố gắng duy trì quyền kiểm soát những nguồn lực này. Nhưng cũng có những nguồn lực và tổ chức quá tốn kém hoặc quá khó để kiểm soát trực tiếp, và trong những trường hợp này, hệ thống buộc phải nhường chủ quyền của mình cho các nhóm cạnh tranh được phép hoạt động từ bên trong nó. Tôi cho rằng chúng ta không được nhầm lẫn lý thuyết về chủ quyền của nhà nước với các thực tế của đời sống chính trị. Nhiều tổ chức bên trong nhà nước tạo ra, phân phối và kiểm soát quyền lực, trong thế cạnh tranh với nhau và với quyền lực chủ quyền của nhà nước. Ví dụ, người ta có thể dẫn Liên đoàn Lao động Tư nhân Gaio thông Vận tải - Teamsters’ Union - của Hoa Kỳ, tổ chức Mafia hoặc Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi cũng có thể vẽ một sơ đồ quyền lực chính trị cho bất kỳ xã hội phức tạp nào trong đó các trung tâm kiểm soát chủ chốt - tầm cao chiến lược của Lenin - xuất hiện bằng màu đỏ - thể hiện sự tập trung mạnh mẽ của quyền lực chủ quyền - trong khi các khu vực chính trị khác có màu xám hoặc trắng.

Do đó, chúng tôi lưu ý rằng khuôn khổ chính thức của quyền lực kinh tế và chính trị tồn tại song song hoặc đan xen với nhiều loại cấu trúc phi chính thức khác có tính xen kẽ, bổ sung hoặc song hành với nó. Ngay cả việc nghiên cứu về các thể chế lớn, chẳng hạn như quân đội Mỹ và Đức trong Thế chiến Thứ hai, về các nhà máy ở Anh và Hoa Kỳ, hoặc về các tổ chức quan liêu, cũng đã đưa ra những tuyên bố về tầm quan trọng mang tính chức năng của các nhóm phi chính thức. Đôi khi những nhóm phi chính thức như vậy bám vào cấu trúc chính thức giống như những chiếc xe ngựa trên một con tàu han gỉ. Vào những lúc khác, các mối quan hệ xã hội phi chính thức chịu trách nhiệm về các quá trình chuyển hóa cần thiết để giữ cho thể chế chính thức vận hành, như trong trường hợp quân đội được tung vào chiến trận vậy. Trong một số trường hợp khác, chúng tôi phát hiện ra danh mục tổ chức chính thức thực sự rất trang nhã nhưng lại không có hiệu lực trừ khi các cơ chế phi chính thức được phát hiện vì vi phạm trực tiếp của nó, như trong mạng lưới các mối quan hệ ảnh hưởng (сеть блата) giữa các nhà quản lý công nghiệp của Liên Xô.

Về phương diện chuyên môn, nhà nhân học được phép nghiên cứu các cấu trúc phi chính thức xen kẽ, bổ sung và song hành như vậy trong xã hội phức tạp và để xác định mối quan hệ của chúng với các thể chế chiến lược, bao trùm. Trong bài viết này, tôi muốn tập trung vào ba nhóm cấu trúc không chính thức như vậy trong các xã hội phức tạp: i) quan hệ họ hàng; ii) quan hệ tình bạn; và iii) quan hệ người bảo trợ - khách hàng. Vì kinh nghiệm nghiên cứu thực địa của tôi chỉ giới hạn ở Châu Mỹ Latinh và Châu Âu Địa Trung Hải, nên các ví dụ của tôi sẽ chủ yếu được rút ra từ những khu vực này và suy nghĩ của tôi phần lớn dựa trên những ví dụ này. Tôi sẽ chỉ ra những lĩnh vực nào có thể được mở rộng cho công việc nghiên cứu, nhưng tôi cũng mong đợi rằng nó không thể được áp dụng đại trà.

Tất nhiên, chúng ta không được hình dung các cấu trúc của xã hội phức tạp như một tình trạng vô chính phủ có trật tự. Các cấu trúc phi chính thức mà tôi đã nói mang tính bổ sung cho hệ thống: chúng vận hành và tồn tại nhờ sự tồn tại của hệ thống, về mặt logic, nếu không muốn nói là về mặt thời gian, hệ thống có trước chúng. Cho phép tôi sử dụng sự phân đôi của Lewis Henry Morgan (1963 [1877]) về societas xã hội và civitas công dân để làm rõ ý nghĩa của tôi. Trong phạm vi xã hội, nguyên tắc quan hệ họ hàng là hiện thân của tất cả hoặc hầu hết các quan hệ chiến lược; trong phạm vi công dân, các quan hệ kinh tế chính trị và hệ tư tưởng hướng dẫn và cắt giảm các chức năng của quan hệ họ hàng. Xin lưu ý rằng điều này đúng với các chức năng họ hàng hơn là với hình thức quan hệ họ hàng. Thật vậy, chúng ta đang học được rất nhiều điều về việc các cơ chế quan hệ họ hàng có thể được kéo dài và uốn cong ở mức độ nào hoặc như thế nào để phù hợp với các lợi ích khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận ra tính phân cực trong chức năng. Các mối quan hệ có thể vẫn còn mang hình thức quan hệ họ hàng, nhưng không còn các chức năng chủ yếu là họ hàng nữa. Lấy ví dụ, các tập đoàn dòng dõi phụ hệ ở đông nam Trung Quốc thời tiền-Cộng sản, được Maurice Freedman (1958) nghiên cứu. Các đơn vị này đã kết hợp một giáo điều thân tộc về tổ chức với các chức năng của các tổ chức doanh nghiệp thương mại.

Các nhóm Họ hàng Hợp nhất

Ngay từ đầu cuộc thảo luận về mối quan hệ họ hàng trong các xã hội phức tạp, chúng ta có thể hỏi khi nào chúng ta có thể mong đợi tìm thấy các đơn vị quan hệ họ hàng hợp nhất. Có hai đơn vị như vậy. Một là nhóm dòng dõi chủ đất địa phương, không lâu đời, thường được kết hợp với chế độ thừa kế theo dòng con trai trưởng, mà gần đây tôi đã chú ý đến trong công trình nghiên cứu của mình về Nam Tyrolese (Wolf 1962). Sử dụng một giả thuyết do Marshall Sahlins đưa ra về sự xuất hiện của các nhóm tương tự ở Polynesia (1957: 294–95), tôi cho rằng những đơn vị như vậy có khả năng tồn tại ở những nơi mà hoạt động thành công của doanh nghiệp đòi hỏi sự kiểm soát - trong một đơn vị kinh tế - đối với một số tài nguyên sinh thái. Trong trường hợp của Nam Tyrolese, những tài nguyên này có lẽ là đất nông nghiệp, đồng cỏ đủ gần với nhà dân để nhận thêm nguồn phân bón bổ sung, đồng cỏ trên vùng đất cao hơn và rừng. Trong những trường hợp như vậy, việc phân chia tài sản khi thừa kế sẽ có xu hướng chia nhỏ đơn vị kinh tế khả thi thành những mảnh nhỏ, không một đơn vị nào trong số đó có thể được khai thác một cách hiệu quả. Hai là loại đơn vị họ hàng hợp nhất mà chúng ta phải tính đến là sự hợp nhất họ hàng đơn hệ (unilineal kinship) vượt lên khỏi nhóm huyết thống địa phương, ba hoặc bốn thế hệ. 

Chủ yếu đề cập đến Trung Quốc thời tiền Cộng sản và Cận Đông, tôi cho rằng các tổ chức thân tộc siêu địa phương như vậy xuất hiện dưới hai tập điều kiện. i) Tập điều kiện đầu tiên liên quan đến cơ chế điều chỉnh khả năng tiếp cận đất đai. Tôi cho rằng nếu một người có được quyền tiếp cận đất đai thông qua việc trả tiền thuê đất, thì tư cách thành viên trong một loại liên minh họ hàng như được mô tả sẽ mang lại lợi thế làm tăng khả năng có được và giữ được đất đai của mình cũng như tác động ảnh hưởng đến các điều khoản thuê đất. ii) Tập điều kiện thứ hai, và cũng quan trọng không kém, là việc trở thành thành viên trong liên minh họ hàng sẽ có lợi trong các tình huống mà nhà nước giao quyền đánh thuế và quyền thực thi các yêu cầu khác đối với các thực thể ở cấp địa phương. Do đó, việc nộp thuế thông qua các dòng họ hoặc các chi họ tạo cơ hội để phân chia gánh nặng thuế khóa trong cộng đồng theo các điều khoản của địa phương, cùng với khả năng kêu gọi bảo vệ và trợ giúp của các dòng họ này. Vậy là, hai tập điều kiện này, và có lẽ cả những tập điều kiện khác mà tôi chưa biết rõ - sự ủy quyền quyền lực tài chính nhà nước cho các thực thể thấp hơn trong hệ thống phân cấp chính trị, cùng với hệ thống mà Hans Bobek (1962: 233–40) gọi là “chủ nghĩa tư bản cho thuê” - sẽ ủng hộ sự xuất hiện của các liên minh thân thuộc quy mô lớn mà các nhà nhân học gọi là các nhóm dòng tộc hợp nhất đơn hệ theo thứ bậc.

Các Cộng đồng Hợp nhất

Tôi sẽ viện dẫn những yếu tố tương tự vẫn liên tục tồn tại, ở một số nơi trên thế giới, thuộc những thứ mà tôi đã gắn nhãn là cộng đồng nông dân hợp nhất đóng (closed corporate peasant community) (Wolf 1955b, 1957). Những cộng đồng như vậy - đối với tôi chủ yếu là Trung Mỹ, Trung Java, thế giới người Nga và có lẽ cả người Hồi giáo Cận Đông - xuất hiện ở những khu vực mà quyền lực trung ương không hoặc không thể can thiệp vào hệ thống quản trị trực tiếp, nhưng ở những nơi mà một số nhiệm vụ tập thể nhất định về thuế khóa và nghĩa vụ bắt buộc được áp đặt cho cả làng, và ở đó làng theo truyền thống địa phương vẫn lưu giữ hoặc xây dựng các biện pháp hành chính đối với các nguồn lực tự nhiên và xã hội của riêng mình. Cả các nhóm thân tộc hợp nhất và các làng nông dân hợp nhất đang ngày càng ít phát triển trong thế giới hiện đại. Về mặt lịch sử, sự thay đổi thiết yếu trong các hình thức tổ chức bắt nguồn từ cái gọi là xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại nằm ở sự tạo dựng - trong thế giới Địa Trung Hải - các đơn vị hợp nhất phi nông nghiệp - mặc dù ban đầu là các tổ chức thân tộc về thương mại hoặc thủ công - đã phát triển tiềm năng tổ chức của cơ cấu kinh doanh hợp nhất.

Do đó, tổ chức quan hệ họ hàng hợp nhất xuất hiện ở những nơi mà các nhóm liên quan có tài sản kế thừa theo hệ thống gia trưởng cần phải được bảo vệ, và ở đó lợi ích liên quan đến sự bảo vệ này có thể được thực hiện tốt nhất bằng việc duy trì loại liên kết như vậy. Các nhóm đó cũng phải điều chỉnh mối quan hệ huyết thống, để hạn chế số người có thể tiếp cận quyền thừa kế gia trưởng thông qua thể chế thừa kế. Một chức năng khác được thực hiện bằng sự hạn chế và quy định thừa kế thông qua các ràng buộc huyết thống là để giới hạn số lượng các liên kết mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể thiết lập với các cá nhân khác. Do đó, liên kết họ hàng hoặc liên kết làng xã được tạo ra để áp đảo bất kỳ liên kết nào mà cá nhân mong muốn thiết lập, bằng cách loại bỏ các mối quan hệ huyết thống và quan hệ dựa vào họ hàng.

Liên kết lấy Cá nhân làm Trung tâm

Trong các tình huống mà đất đai và lao động trở thành hàng hóa tự do, các liên minh thân thuộc như vậy có xu hướng đánh mất độc quyền về các nguồn lực và nhân sự. Thay vào đó, mọi người được “tự do” tham gia vào các liên minh riêng lẻ, để tối đa hóa các nguồn lực của họ cả trong lĩnh vực kinh tế và thị trường hôn nhân. Hơn nữa, tính di động lớn hơn mang lại sự gia tăng số lượng các tổ hợp nguồn lực có thể có, bao gồm các tổ hợp khác nhau về tri ​​thức và ảnh hưởng kết hợp với khả năng tiếp cận hàng hóa hoặc nhân sự. Do đó, về mặt lý thuyết, thị trường hôn nhân không hạn chế có thể được coi là đem lại nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết về kết cặp bạn tình, tạo ra các cơ chế cho sự kết hợp ngày càng nhiều các nguồn lực tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, năng lực lựa chọn bạn đời không bình đẳng bằng năng lực kết hợp các nguồn lực với tư cách là các loại hàng hóa trên thị trường. Về mặt lý thuyết, nhà cự phú và kẻ ăn mày cũng có thể có quyền tự do như nhau trong việc kết hôn với con gái của nhà vua, giống như cả hai đều được tự do ngủ dưới gầm cầu ở thành phố Paris hoa lệ. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy rằng cả khả năng tiếp cận các nguồn lực và năng lực tối đa hóa các tổ hợp thông qua các mối quan hệ hôn nhân đều được phân bổ không đồng đều trong toàn bộ cấu trúc xã hội.

Các tiềm năng khác nhau trong việc kết hợp các nguồn lực sẽ dẫn đến mức độ tải trọng chức năng khác nhau cho mối ràng buộc hôn nhân và cho việc huy động các quan hệ thân thuộc, và do đó cũng dẫn đến các mô thức hôn nhân khác nhau. Ở các khu người lai của Mỹ Latinh, cũng như những cư dân của các khu ổ chuột ở đô thị, chúng ta có thể nhận thấy khả năng tối thiểu để thực hiện các hình thức tổ hợp nguồn lực thấy trong mô thức sắp xếp gia đình theo thể chế mẫu hệ-trung tâm hoặc nổi trội. Trong số những nhân sự có vị trí cao nhất trong xã hội và có tiềm năng lớn trong việc kết hợp các nguồn lực, chúng ta dễ thấy những hạn chế giống như-công ty đối với các liên minh hôn nhân để giảm thiểu hoặc thất thoát nguồn lực. Tiếp theo, chúng ta sẽ gặp phải một loạt các mô thức, thể hiện những điều chỉnh ít nhiều ổn định hơn đối với sự kết hợp khả thể của các loại hàng hóa, ảnh hưởng, tri ​​thức và quyền lực. Do đó, khả năng và phương thức tiếp cận khác nhau đối với các nguồn lực cũng dẫn đến sự khác biệt về năng lực điều động xã hội, được phản ánh trong các mô thức lựa chọn hôn nhân khác nhau.

Nhìn từ góc độ phân phối nguồn lực, sự phân bổ chênh lệch các nguồn lực của một nhóm dân cư được gọi là hệ thống giai cấp trong một xã hội. Nhìn từ góc độ của nhà nhân học quan tâm đến quan hệ họ hàng, thì các vòng tròn trùng lặp của họ hàng có xu hướng tụ lại trong cái mà người ta có thể gọi là các vùng quan hệ họ hàng. Ở mức độ mà các mối quan hệ họ hàng tạo thành một tập hợp các nguồn lực cho một cá nhân hoặc một gia đình, thì việc phân bổ các liên minh họ hàng tạo thành một tiêu chí quan trọng để phân định các giai cấp trong xã hội. Như Joseph Schumpeter đã nói, “Gia đình, chứ không phải con người thể chất, mới là đơn vị thực sự của giai cấp và lý thuyết giai cấp” (1955: 113).

Về phương diện này, các nhà nhân học cần phải quan tâm nhiều hơn đến sự thăng trầm của các gia đình so với những gì họ đã làm trong quá khứ. Tài liệu tốt nhất cho đến nay có được từ Trung Quốc, mà một số nghiên cứu cho thấy sự thăng tiến của các gia đình lên địa vị quý tộc, cũng như sự suy thoái sau đó của họ (ví dụ, xem Yang 1945; Hsu 1948; Fei 1953). Cũng có những ví dụ từ Châu Mỹ Latinh. Oriol Pi-Sunyer gần đây đã mô tả cách thức một tầng lớp doanh nhân mới ở thị trấn Zamora thuộc Mexico, đã vươn lên bằng chiến lợi phẩm của họ trong cuộc cách mạng để thay thế một tầng lớp quý tộc lớn tuổi, đã sinh ra một nhóm con trai - trong hoàn cảnh thay đổi của cuộc sống của họ - mô phỏng theo tầng lớp quý tộc lớn tuổi đó, trước sự tổn hại của các công việc kinh doanh của cha mẹ do những người cha tự học và thiếu tao nhã của họ. Tương tự, tôi đã mô tả cách thức mà những người nhập cư nghèo từ Tây Ban Nha đến Puerto Rico đã vươn lên từ rách rưới trở thành giàu có trong quá trình lăn lộn, và cách thức mà những đứa con trai của những người nhập cư này đã không tiếp quản công việc của cha mẹ họ. Thay vào đó, người cha sẽ tống lũ con trai về Tây Ban Nha và thay bằng một gã trai họ hàng hoặc một thanh niên nghèo từ cộng đồng quê hương, rèn rũa anh ta một cách khắc nghiệt trong các nhiệm vụ kinh doanh, cho anh ta làm con rể, và giao việc kinh doanh cho anh ta, thay vì cho những đứa con trai bất hảo (Wolf 1956). Ở đây, các nhà nhân học có thể theo sự hướng đạo của Schumpeter và tự hỏi tại sao và làm thế nào một số gia đình nổi lên trong khi những gia đình khác lại sụp đổ, “hoàn toàn không phải tai ương tình cờ”, như ông nói, “điều mà chúng tôi cho là có tầm quan trọng nhất định nhưng không phải vai trò cốt yếu” (1955: 118).

Chức năng Bền vững của Gia đình và Thân tộc

Không hiểu hoàn toàn nguyên do tại sao gia đình - chứ không phải một loại đơn vị nào khác - phải là các thực thể chức năng trong các nhóm thân tộc và trong các nhóm kết nối nói chung. Nếu chúng ta không coi gia đình là một nhóm tự nhiên, thì ít nhất chúng ta phải xem xét năng lực và phạm vi chức năng, để giải thích cho sự tồn tại bền bỉ của nó. Một trong những đặc điểm tiếp tục được đề xuất xem xét nó là khả năng hợp nhất hiệu quả một số chức năng. Tất nhiên, có các chức năng thông thường như đảm bảo các nguồn cung kinh tế, xã hội hóa, trao đổi các nhu cầu và dịch vụ tình dục, giúp gây dựng ảnh hưởng. Mặc dù mỗi chức năng này có thể được một tổ chức riêng xử lý theo kiểu phân đoạn và được thể chế hóa, nhưng gia đình vẫn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ loại này bằng những đơn vị sản lượng nhỏ và liên tục, với chi phí và phí tổn tương đối thấp. Tại bất kỳ thời điểm nào, nhu cầu của một gia đình ở quy mô nhỏ - luôn cần phải có một vài lít sữa hơn là cần một toa xe lửa, cần một bài hát hơn là cả một cỗ máy hát, cần một viên thuốc cảm cúm hơn là cả lô sản phẩm của công ty Lever Brothers. Hơn nữa, những nhu cầu quy mô nhỏ này xuất hiện liên tục và đòi hỏi sự thay đổi lao động nhanh chóng để đáp ứng: đến cửa hàng để lấy bình sữa cho em bé khi bình sữa cũ bị hỏng, rồi là chuẩn bị món bơ đậu phộng, món bánh mì kẹp, tiếp theo là bố trí một bàn cờ vua cho mấy thành viên trong gia đình. Do đó, để có hiệu quả tối đa với chi phí thấp nhất, gia đình cũng cần phải thích ứng tối đa với những thay đổi của các điều kiện xác định và giới hạn những nhu cầu tồn tại của nó. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với những gia đình có nguồn lực ít ỏi, mà ở đó cần phải tăng thêm công sức lao động để đáp ứng các nhu cầu khác nhau - như đi làm thêm để trả tiền mua tủ lạnh hoặc chăm nom con cái đau ốm suốt đêm - mà không phát sinh các chi phí khác ngoài việc khai thác bản thân. Cũng cần nhấn mạnh thực tế là trong việc theo đuổi nhiều mục đích, gia đình vẫn là tổ chức đa mục đích tuyệt hảo trong các xã hội ngày càng phân chia thành các thể chế với các mục đích riêng biệt. Vì vậy, nó có thể có các chức năng bù trừ, trong việc khôi phục cho mọi người ý thức nhận diện bản thân rộng lớn hơn ngoài những gì được xác định bởi các yêu cầu đơn nhất của công việc, có thể là cắt mía trên một đồn điền ở Puerto Rico hoặc thao tác vặn chặt các đinh ốc trên bu lông trong một dây chuyền lắp ráp ở một nhà máy sản xuất ô tô.

Đáng chú ý là mối quan hệ vẫn tiếp tục tồn tại giữa cách thức mà một gia đình thực hiện các nhiệm vụ đa mục đích này và cách thức mà nó được đánh giá dưới con mắt của một cộng đồng rộng lớn hơn. Gia đình không chỉ thực hiện tất cả các nhiệm vụ mà chúng ta đã mô tả; nó còn luôn tồn tại, ngay cả khi các mối quan hệ họ hàng có tính lan tỏa cao, là vật mang đức tính sự phản ánh công khai, và danh tiếng của nó. Bởi vì gia đình liên quan đến “toàn thể” các cá nhân, nên những đánh giá của công chúng về một cá nhân cuối cùng được đưa trở lại những xét đoán về gia đình của kẻ đó. Hơn nữa, bất kỳ hành vi vi phạm đức hạnh nào của một trong các thành viên của nó đều phản ánh thực chất đức hạnh của những thành viên liên quan khác.

Đức tính này có hai khía cạnh, một khía cạnh theo chiều ngang liên quan đến bình đẳng giai cấp, khía cạnh khác theo chiều dọc hoặc mang tính thứ bậc, liên quan đến các nhóm có địa vị cao hơn hoặc thấp hơn của một ai đó. Chiều ngang của đức tính liên quan đến việc bảo vệ danh tiếng của một gia đình với danh tiếng của những gia đình tương đương về mặt xã hội. Về phương diện văn hóa, các tiêu chuẩn để đánh giá danh tiếng là rất khác nhau; tuy nhiên trong mỗi xã hội đều tồn tại các chỉ số quan trọng để xếp hạng tương đối về danh tiếng. Những thứ hạng này xác định ai có thể đáng tin cậy, ai có thể kết hôn, chúng luôn luôn gắn liền với những cách thức giải quyết các công việc nội bộ của những người có liên quan. Thông thường, như ở Địa Trung Hải thuộc Châu Âu hoặc ở cộng đồng những người lai Châu Mỹ Latinh, danh tiếng gắn liền với mối liên hệ tiềm ẩn yếu nhất của nó, hành vi tình dục của nữ giới trong một gia đình. Khái niệm danh dự, theo chiều ngang của nó, ngụ ý thực chất danh tiếng cố định cho mỗi thí sinh trong cuộc ganh đua trò chơi danh dự, một ý nghĩa nào đó có thể giảm đi hoặc tăng lên khi tương tác cạnh tranh với những kẻ khác. Các tương tác như vậy thiết lập việc xếp hạng tín dụng xã hội của một con người, một loại xếp hạng trong đó hành vi trong gia đình là chỉ vật tham khảo cuối cùng. Hơn nữa, hành vi gia đình trong quá khứ có ảnh hưởng quan trọng đến việc đánh giá hiện tại và tương lai. Yếu tố này đôi khi bị bỏ sót trong các cuộc thảo luận về các xã hội được đặc trưng bởi các dàn xếp quan hệ họ hàng song phương. Việc duy trì “họ”, tầm quan trọng của các “họ” trong gia đình, ngay cả trong những trường hợp mà việc lần tìm gia phả còn thiếu sót hoặc không đủ chiều sâu các đời, sẽ trở nên ít ý nghĩa khi đề cập về mặt dòng dõi mẫu hệ hoặc phụ hệ hơn là về việc giữ gìn và khuyếch trương đức hạnh đối với mỗi gia đình. Điều đã được nói ở đây về đức tính theo chiều ngang được duy trì với cường độ cao hơn đối với các thành viên của các nhóm giai cấp phân cấp.

Không chỉ có gia đình mới xác định xếp hạng tín dụng xã hội của một con người. Nó cũng cấu trúc bản chất của các nguồn lực xã hội theo lệnh của một ai đó trong các hoạt động ở lĩnh vực không thuộc quan hệ thân tộc. Quan hệ thân tộc trong các thao tác như vậy có hai ưu điểm so với quan hệ phi thân tộc. Thứ nhất, chúng là sản phẩm của sự đồng bộ xã hội đạt được trong quá trình xã hội hóa. Do đó, mối quan hệ tin cậy riêng tư có thể được chuyển thành hợp tác trong lĩnh vực công cộng. Ví dụ, tôi sẽ chỉ ra ở đây mối quan hệ giữa các chú bác và cháu trai trong nền văn hóa Âu-Mỹ đã làm nảy sinh khái niệm thói thiên vị. Thật thú vị là, mối quan hệ này được mô tả rất chi tiết trong các nguồn như chansons de geste Sử thi của Pháp, bao gồm tất cả các thuộc tính tâm lý được George Homans và David Schneider (1955) quy về mối quan hệ của anh em trai của mẹ (các ông cậu) và con trai của em gái, trái ngược với mối quan hệ giữa con trai và cha, khi vắng mặt các mô thức đã biết về hôn nhân bổ sung và hôn nhân anh chị em họ-chéo mẫu hệ. Thứ hai, mối quan hệ giữa họ hàng như vậy có thể dựa vào sự thừa nhận của mạng quan hệ họ hàng, cũng như vào sự thừa nhận của khu vực công cộng. Nếu một bên đối tác quan hệ thất bại trong việc thực hành các mối quan hệ của mình, thì bên kia có thể huy động không chỉ các thừa nhận trực tiếp của mối quan hệ giữa ego và kẻ khác mà còn tất cả các mối ràng buộc khác liên kết ego và kẻ khác với mối quan hệ thân tộc khác.

Tất nhiên, rõ ràng là sự nhờ cậy vào thân tộc như vậy cũng có thể dẫn đến khó khăn, trách nhiệm đối với thành viên này hoặc thành viên khác của quan hệ đối tác. Quan hệ thân tộc có thể ký sinh vào nhau, do đó hạn chế năng lực thăng tiến của cải hoặc quyền lực của một thành viên nào đó. Do đó, lợi ích rõ ràng nhất từ ​​mối quan hệ như vậy sẽ xuất hiện trong các tình huống mà luật công không thể đảm bảo bảo vệ đầy đủ chống lại việc vi phạm các giao kèo phi-thân tộc. Điều này có thể xảy ra khi luật công còn yếu hoặc nơi không tồn tại các mô thức văn hóa hợp tác giữa những người không phải họ hàng để định hướng mối quan hệ cần thiết. Nó cũng có thể xảy ra trong các giao dịch nằm trên đường biên bất hợp pháp hoặc bên ngoài quá trình quan hệ. Ví dụ, hợp tác giữa những người thân là điều quan trọng trong các tổ chức xã hội đen, ngay cả khi các mối quan hệ không phải họ hàng đôi khi có thể bị ép buộc bằng súng ống, hoặc trong các cuộc chiến chính trị, trong đó các mối quan hệ họ hàng được sử dụng riêng tư để chặt tỉa các cây bụi chính trị. Cuối cùng, sẽ hữu ích cho hợp tác họ hàng khi việc tiếp cận luật pháp sẽ đòi hỏi các khoản chi phí và các sự vụ phức tạp như khiến cho các đối tác tranh chấp bị tước đoạt về kinh tế hoặc các nguồn lực khác sau khi dàn xếp. Do đó, mối quan hệ họ hàng trong các hoạt động không phải họ hàng ngụ ý sự cân bằng rõ ràng giữa lợi nhuận và chi phí, trong đó lợi nhuận thu được lớn hơn chi phí chỉ khi hợp tác với người không phải họ hàng rõ ràng là nguy hiểm và bất lợi hơn.

____________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Wolf, Eric R. (1966). Kinship, Friendship, and Patron-Client Relations in Complex Societies, in Michael Banton, ed., The Social Anthropology of Complex Societies, 1–22 (Association of Social Anthropologists, Monograph 4; London: Routledge, 1966).

Tác giả: Eric Wolf (1923-1999) là Giáo sư Danh dự về Nhân học tại Học viện Lehman và Trường Nghiên cứu sinh của Đại học Thành phố New York. Từng nhận Học bổng Guggenheim (1960) và Học bổng Quốc gia về Nhân văn Cao cấp (1973), ông cũng là thành viên của Học viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ và của Học viện Khoa học Quốc gia. Wolf đã nhận được bằng B.A. (1946) từ Cao đẳng Queens và có bằng Tiến sĩ (1951) từ Đại học Columbia. Phần lớn công trình của ông tập trung vào các chủng tộc, dân tộc và văn hóa đã phát triển như thế nào trong suốt thế kỷ 19 và 20. Wolf cũng nghiên cứu các tác động của sự mở rộng của châu Âu và châu Mỹ liên quan đến lý thuyết nhân học. Các nghiên cứu và bài viết của ông có ảnh hưởng lớn trong giới học giả quan tâm đến nghiên cứu so sánh về biến đổi xã hội. Các công trình chủ yếu gồm Những đứa con Rung chuyển Trái đất (1959), Cuộc chiến nông dân thế kỷ XX (1969), Tình trạng con người ở Mỹ Latinh (1972) Châu Âu và Những người không có lịch sử (1982), Hình dung Quyền lực (1999) và Con đường Quyền lực (2001). Ông cũng đóng góp cho một số ấn phẩm, bao gồm Nhà Nhân học Hoa Kỳ, Nghiên cứu So sánh Lịch sử và Xã hội, và Tạp chí Nhân học Mexico.

Tài liệu dẫn

Benedict, Ruth (1934). Patterns of Culture. Boston and New York: Houghton Mifflin.

——— (1946). The Chrysanthemum and the Sword. Boston: Houghton Mifflin.

Berliner, Joseph (1957). Factory and Manager in the U.S.S.R. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.

Bobek, Hans (1962). “The Main Stages in Socioeconomic Evolution from a Geographic Point of View.” In Philip L. Wagner and Marvin W. Mikesell, eds., Readings in Cultural Geography, 218–47. Chicago: University of Chicago Press.

Cohen, Yehudi (1961). “Patterns of Friendship.” In Yehudi Cohen, ed., Social Structure and Personality: A Casebook, 351–86. New York: Holt, Rinehart and Winston.

Elias, Norbert (1939). Uber den Prozess der Zivilisation: Soziogenetische und Psychogenetische Untersuchungen. 2 vols. Basel: Verlag Haus zum Falken.

Fei, Hsiao-Tung (1953). China’s Gentry. Chicago: University of Chicago Press.

Foster, George M (1961). “The Dyadic Contract: A Model for the Social Structure of a Mexican Peasant Village.” American Anthropologist 63: 1173–92.

Freedman, Maurice (1958). Lineage Organization in Southeastern China. London School of Economics Monographs on Social Anthropology, 18. London: Athlone Press.

Friedl, Ernestine (1959). “The Role of Kinship in the Transmission of National Culture to Rural Villages in Mainland Greece.” American Anthropologist 61: 30–38.

Gorer, Geoffrey (1948). The American People. New York: Norton.

Homans, George C., and David M. Schneider (1955). Marriage, Authority and Final Causes: A Study of Unilateral Cross-Cousin Marriage. New York: Free Press.

Hsu, Francis L. K. (1948). Under the Ancestors’ Shadow: Chinese Culture and Personality. New York: Columbia University Press.

Kenny, Michael (1962). A Spanish Tapestry: Town and Country in Castile. Bloomington: University of Indiana Press.

Métraux, Rhoda (1954). “Themes in French Culture.” In Rhoda Mé ́traux and Margaret Mead, eds., Themes in French Culture: A Preface to a Study of French Community, 1–65. Hoover Institution Series D: Communities, 1.Stanford, Calif.: Stanford University Press.

Morgan, Lewis Henry (1877). Ancient Society. Chicago: Charles H. Kerr.

———. (1963 [1877]). Ancient Society. Edited by Eleanor Leacock. New York: Meridian Books, World Publishing.

Nash, Manning (1960). “Witchcraft as Social Process in a Tzeltal Community.” América Indígena 20: 121–26.

Pitt-Rivers, Julian A (1954). The People of the Sierra. New York: Criterion Books.

Reina, Ruben (1959). “Two Patterns of Friendship in a Guatemalan Community.” American Anthropologist 61: 44–50.

Sahlins, Marshall D. (1957). “Differentiation by Adaptation in Polynesian Societies.” Journal of the Polynesian Society 66: 291–300.

———. (1965). “On the Sociology of Primitive Exchange.” In Michael Banton, ed., The Relevance of Models for Social Anthropology, 139–236. A.S.A. Monograph 1. London: Tavistock; New York: Praeger.

Schumpeter, Joseph (1955). Imperialism [and] Social Classes: Two Essays. Translated by Heinz Norden. New York: Meridian Books.

Wolf, Eric R. (1955b). “Types of Latin American Peasantry: A Preliminary Discussion.” American Anthropologist 58: 452–71.

———. (1956). “San José: Subcultures of a Traditional Coffee Municipality.” In Julian H. Steward, Robert A. Manners, Eric R. Wolf, Elena Padilla Seda, Sidney W. Mintz, and Raymond L. Scheele, The People of Puerto Rico: A Study in Social Anthropology, 171–264. Urbana: University of Illinois Press.

———. (1957). “Closed Corporate Peasant Communities in Mesoamerica and Central Java.” Southwestern Journal of Anthropology 13: 1–18.

———. (1959a). Sons of the Shaking Earth. Chicago: University of Chicago Press.

———. (1962). “Cultural Dissonance in the Italian Alps.” Comparative Studies in Society and History 5: 1–14.

Yang, Martin C. (1945). A Chinese Village: Taitou, Shantung Province. New York: Columbia University Press.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét