Powered By Blogger

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Chính trị Làng xã (II)

(HHN-Tổng quan Tài liệu cho BCN CTKHCN NTM 2016-2020, vì vậy Tài liệu này thuộc quyền của BCN, và mọi cách trích dẫn, sử dụng đều không hợp thức nếu chưa được sự đồng ý của BCN CTKHCN NTM) 

1.3.3. Nông dân – Chủ thể các Quyền và Giới 

 Một số chuẩn mực quốc tế hiện hành có thể liên quan đến bất kỳ xem xét nào về việc xác định chủ thể quyền/ người có quyền (rights holders) và Giới. Ví dụ, Điều 14 §1 và 2 của Công ước về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Đối xử chống lại Phụ nữ (CEDAW - Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women) nêu rõ: 1) Các quốc gia thành viên sẽ xem xét các vấn đề cụ thể mà phụ nữ nông thôn phải đối mặt và vai trò quan trọng của phụ nữ nông thôn đối với sự sinh tồn về kinh tế của gia đình họ, bao gồm cả công việc của họ trong các lĩnh vực không-làm ra tiền của nền kinh tế, và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo việc áp dụng các quy định của Công ước này cho phụ nữ ở khu vực nông thôn; 2) Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ ở khu vực nông thôn nhằm đảm bảo nam và nữ bình đẳng trên cơ sở họ tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển nông thôn và đặc biệt phải đảm bảo các quyền của phụ nữ nông thôn như sau: i) Tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển các cấp; ii) Được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khỏe đầy đủ, bao gồm thông tin, tư vấn và các dịch vụ về kế hoạch hóa gia đình; iii) Được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình an sinh xã hội; iv) Có được tất cả các loại hình đào tạo và giáo dục, chính thức và phi chính thức, bao gồm cả những loại hình liên quan đến hiểu biết chức năng, đặc biệt là, lợi ích của tất cả cộng đồng và các dịch vụ khuyến nông/công/thương…vv , để nâng cao trình độ kỹ thuật của họ; v) Tổ chức các nhóm tự lực và hợp tác xã để tiếp cận bình đẳng với các cơ hội kinh tế thông qua việc làm hoặc tự tạo ra việc làm; vi) Tham gia vào mọi hoạt động cộng đồng; vii) Được tiếp cận với các khoản vay và tín dụng nông nghiệp, các phương tiện tiếp thị, công nghệ thích hợp và đối xử bình đẳng trong cải cách ruộng đất và nông nghiệp, cũng như trong các chương trình tái định cư liên quan đến đất đai; viii) Được hưởng các điều kiện sống đầy đủ, đặc biệt là về nhà ở, vệ sinh, cung cấp điện, nước, giao thông và thông tin liên lạc. (CEDAW, 1979)

2. Cấu trúc Xã hội Nông dân

2.1. Làng - một loại Nhóm Xã hội trong Chính trị Nông dân

2.1.1. Nhóm xã hội: Tổ chức xã hội được hình thành từ các nhóm xã hội tồn tại trên cơ sở kích cỡ, các liên kết tình cảm, và các đặc trưng khác. Một trong những loại nhóm quan trọng nhất  các tổ chức xã hội chính thức, là một nhóm lớn tuân theo các quy tắc và thủ tục rõ ràng để đạt được các mục đích và nhiệm vụ chung. Nhóm xã hội bao gồm hai hoặc nhiều người thường xuyên tương tác trên cơ sở kỳ vọng lẫn nhau và những người có chung một tính đồng nhất vẫn thường được gọi là “bản sắc”. Hầu hết mọi người đều là thành viên của nhiều nhóm, bao gồm gia đình, nhóm bạn bè và nhóm đồng nghiệp. Người ta phân thành nhóm chính và nhóm phụ, phản ánh tầm quan trọng của quy mô nhóm đối với tính chất, hoạt động, sự ổn định của nhóm. Có lẽ Simmel là một trong những người tiên phong nghiên cứu và làm rõ cấu trúc nhóm xã hội. Đối với ông, điều quan trọng không phải là việc chuyển từ tư cách thành viên đơn lẻ, dựa trên gia đình sang một tập hợp nhiều thành viên, mà là mối quan hệ phát triển giữa các tư cách thành viên khác nhau. Nhiều thành viên đã xuất hiện từ thời Trung cổ, nhưng chúng vẫn khép kín: một thành viên chiếm ưu thế trong một nhóm chủ chốt sẽ quyết định tất cả những thành viên khác và rất khó để thực hiện quyền tự do lựa chọn trên mặt đất này. “Các thức này [liên kết nhóm] có đặc điểm là xem cá nhân như là thành viên của một nhóm chứ không phải với tư cách một cá nhân, mà còn kết hợp anh ta lại với cả các nhóm khác nữa” (Simmel G., 1955: 139). Cái mà ông gọi là các vòng tròn đồng tâm không phân bổ bất kỳ vị trí đặc biệt nào cho người tham gia, bởi vì tham gia vào nhóm nhỏ nhất trong số này đã ngụ ý tham gia vào các nhóm lớn hơn (Simmel G., 1955: 147). Mối quan hệ đồng tâm là đặc trưng của xã hội thời trung cổ. Ngược lại, việc chuyển sang thời hiện đại, mà Simmel liên tưởng với chủ nghĩa nhân văn (Simmel G., 1955: 135–6), cho thấy sự xuất hiện của ý tưởng liên kết tự nguyện, nơi mà tư cách thành viên bắt nguồn từ sự lựa chọn. Theo đó, các vòng tròn giao nhau, chứ không phải các vòng tròn đồng tâm, chiếm ưu thế (Simmel G., 1955: 132), nơi các tư cách thành viên kết hợp theo những cách khác nhau ở các cá nhân khác nhau. Điều này kéo theo những tính cách phong phú và đa dạng hơn, và mức độ cá nhân hóa lớn hơn: Số lượng nhóm mà một cá nhân thuộc về càng lớn, thì càng ít có khả năng những người khác thể hiện sự kết hợp các liên kết-nhóm giống nhau (Simmel G., 1955: 140). Tuy nhiên, đồng thời, điều này cũng tạo ra căng thẳng trong nhân cách của một nhân khi họ bị chia sẻ giữa các nhóm cạnh tranh và lòng trung thành: Sự an toàn và không còn tính nhập nhằng trong vị trí cũ của [cá nhân] nhường chỗ cho tình trạng bất chắc trong các điều kiện sống của anh ta (Simmel G., 1955: 141) ; Các khía cạnh khác nhau của cá nhân có thể được gộp chung dưới các quy tắc danh dự khác nhau, phản ánh các nhóm khác nhau mà người đó đồng thời thuộc về (Simmel G., 1955: 164).

Tuy nhiên vẫn có quan điểm cho rằng khi các nhóm trở nên lớn hơn, cường độ tương tác và liên kết của chúng sẽ giảm, nhưng tính ổn định lại tăng lên, bởi vì nó đủ lớn để tồn tại khi một số thành viên rời khỏi nhóm (Quarantelli, E.L. 1984). Nhóm chính thường nhỏ, được đặc trưng bởi sự tương tác rộng rãi và mối quan hệ tình cảm mạnh mẽ, và tồn tại theo thời gian. Các thành viên của các nhóm như vậy rất quan tâm đến nhau, và tính đồng nhất với nhóm rất mạnh. Gia đình là nhóm chính dễ thấy nhất, nhưng các nhóm bạn bè thân thiết cũng là những nhóm chính (Cooley C. H., 1909: 25-31; Elsesser, K. Peplau L.A., 2006: 1077–1100). Nhóm chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với hạnh phúc và tinh thần của các thành viên (Marks S. R., 1994: 843–858). Những người tham gia vào các mạng lưới hỗ trợ xã hội như gia đình và bạn bè ít có tâm lý cùng quẫn so với những người chỉ sống một mình (Maimon & Kuhl, 2008:  921-943). Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa các nhóm chính đôi khi cũng rất ​​tiêu cực, và có thể gây ra nhiều căng thẳng về tinh thần và tình cảm, cho dù đó là các thành viên trong cùng một gia đình (Gosselin, 2010).

2.1.2. Cộng đồng nông thôn

Cộng đồng nông thôn là các xã hội mật độ dân số thấp, trong đó các hoạt động kinh tế quan trọng nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, bông sợi và các loại nguyên liệu thô liên quan đến ruộng đồng, đất, nước, rừng núi, đồng cỏ, ao hồ. Trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, các khu vực nông thôn ngày càng trở nên khó xác định một cách chính xác, mặc dù ở các quốc gia chưa công nghiệp hóa, thì sự chuyển đổi khu vực đô thị đến vùng nông thôn thường thấy rất rõ, nhưng trong các xã hội công nghiệp, thì rất khó xác định ranh giới giữa đô thị và các vùng nông thôn. Vấn đề thứ hai là nhiều quốc gia sử dụng các tiêu chuẩn thống kê khác nhau để tính dân số nông thôn và thành thị; Ví dụ như ở Nhật Bản, bất kỳ cụm dân cư nào dưới 30.000 người đều được coi là nông thôn, trong khi ở Albania một nhóm hơn 400 người được coi là một khu dân cư đô thị. Các cộng đồng nông thôn được đánh giá cao bởi sự thân mật và giá trị truyền thống thường được quy định bởi các phong tục tập quán và các nghi thức dòng tộc, và đặc biệt là quyền sở hữu và chăm sóc đất sản xuất được truyền thống thừa nhận suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác (Lauermann M., 2006: 111-158). Nhà xã hội học người Đức Ferdinand Tönnies mô tả bản chất trái ngược của cuộc sống đô thị so với nông thôn bằng thuật ngữ Gesellschaft (xã hội), một trạng thái được đặc trưng bởi bộ máy quan liêu phi cá nhân, chuyên môn hoá theo phương thức duy hóa và cơ giới hóa (Lauermann M., 2006: 111-158). Gesellschaft thường gắn với công nghiệp hiện đại, mà ở đó mọi người đều những người làm công, thực hiện các chức năng cụ thể, định hướng mục tiêu một cách hợp lý và hiệu quả, trái ngược với cách thức truyền thống và hữu cơ. dân nông thôn làm việc với những người mà họ quen biết và quen với những mối quan hệ thân tình và quy mô nhỏ, trong khi những người dân đô thị quen biết nhau theo những cách thước hạn hẹp, phân đoạn và ít liên quan đến gia đình hoặc tình bạn. Theo Tönnies và các nhà xã hội học đi theo quan niệm của ông thì tất cả các xã hội đều được đặc trưng bởi sự pha trộn của Gemeinschaft (cộng đồng) Gesellschaft. (Tönnies F., 1963: 35-45) Hoa Kỳ, là quốc gia mà nền nông nghiệp gần như hoàn toàn cơ giới hoá, thì gần với chung cục của phổ Gesellschaft hơn, trong khi nông thôn Ấn Độ, vẫn còn được truyền thống dẫn dắt, lại là một ví dụ điển hình về phổ cộng đồng Gemeinschaft (Ruben P., 1995: 116-118; Osterkamp F., 2001, 2006). Ở các quốc gia công nghiệp, nông thôn đôi khi hầu như không có hiện tượng suy giảm dân số, ví dụ như năm 1970 ở Hoa Kỳ chỉ có 6,7% người làm việc trong các khu vực nông, ngư và lâm nghiệp (Osterkamp F., 2001, 2006).  

2.1.3. Khái niệm cộng đồng làng

Trong tiếng Pháp cổ từ “comuneté có nguồn gốc Latin “communitas” có nghĩa là “cộng đồng thôn làng - là tinh thần chung, có chung một cái gì, một điều gì đó, chẳng hạn như các chuẩn mực, tôn giáo, các giá trị hoặc bản sắc (Turner, Victor W., 1977: 96-97). Thông thường các cộng đồng có chung ý thức về một khu vực địa lý nhất định, ví dụ một quốc gia, vùng, thị trấn, khu phố, làng thôn, hàng xóm. Các cộng đồng người có thể có chung ý hướng, niềm tin, nguồn lực, sở thích, nhu cầu ảnh hưởng đến tính đồng nhất vẫn được gọi là bản sắc, và mức độ gắn kết của các thành viên (James P., 2006: 17). Việc sử dụng thuật ngữ cộng đồng ở một mức độ nào đó liên quan đến niềm hy vọng và mong muốn khôi phục lại một cách gần gũi hơn, ấm áp hơn, hài hòa hơn giữa những người gắn bó mơ hồ với các thế hệ trong quá khứ” (Hoggett P. 1997: 5). Định nghĩa cộng đồng đầu tiên được xây dựng liên quan đến việc mô tả các cộng đồng nông thôn trong khuôn khổ các khu thương mại và dịch vụ xung quanh một làng trung tâm (Galpin C. J. 2015; Harper và Dunham 1959: 19). Một số định nghĩa khác coi cộng đồng như là một khu vực địa lý, với một nhóm người sống ở một nơi cụ thể, một khu vực cùng chung sống. Trước hết cần lưu ý rằng cộng đồng có thể được tiếp cận như một giá trị (Frazer 1999: 76). Theo cách đó, cộng đồng có thể được sử dụng để nhóm lại một số yếu tố, ví dụ như sự đoàn kết, cam kết, sự phụ thuộc lẫn nhau, tin tưởng nhau. Cộng đồng cũng có thể được tiếp cận như là một loại mô tả hoặc tập hợp các biến, hai phạm trù này xoắn xuýt lấy nhau và thường khó tách rời (Frazer 1999: 76).

Có thể nói, phổ biến nhất đối với một cộng đồng làng thôn vẫn là ba biến sau: tình hàng xóm, thân tộc, bạn bè (Crow and Allen 1994: 1) và ba biến khác: (Willmott 1989): Địa điểm: là nơi mọi người có những điểm chung, và yếu tố chung này được hiểu về phương diện địa lý, còn có một cách gọi khác “tính địa phương. Sở thích: còn gọi là cộng đồng tự chọn, mọi người có chung một đặc điểm không phải là đặc điểm địa phương. Người ta gắn bó với nhau bằng các yếu tố như niềm tin tôn giáo, khuynh hướng tình dục, nghề nghiệp hoặc nguồn gốc tộc thuộc. Sự phát triển của xã hội học về bản sắcbản ngã đã đóng một vai trò quan trọng để có thể hiểu được các hình thức cộng đồng phi địa phương tính này. Các cộng đồng tự chọn và cộng đồng có chủ đích là một đặc điểm chính của cuộc sống đương đại(Hoggett 1997: 7). Cộng cảm: hình thức yếu ớt nhất là cảm giác gắn bó với một địa điểm, nhóm hay ý tưởng; hình thức mạnh mẽ nhất là “cộng cảm” không chỉ với người khác mà còn với các ý niệm như Thiên Chúa, thượng đến, sáng tạo. Willmott (1989) cho rằng cần phải bổ sung thêm một cách hiểu biết thứ ba về cộng đồng – là cộng đồng gắn bó - vì các cộng đồng địa phương hoặc cộng đồng sở thích có thể không có ý thức về bản sắc chung. Công trình của Cohen, Anthony P.  (1982, 1985: 58) đề cập đến sự gắn bó hay “tính thuộc về”. Nói cách khác, cộng đồng đóng một vai trò tượng trưng quan trọng trong việc tạo ra cảm giác thuộc về ai, cái gì hoặc ý niệm nào đó (Crow and Allan 1994: 6), một yếu tố quan trọng mà Putnam gọi là vốn xã hội (Cohen 1985: 118; Punam 2000: 19).

2.2. Cấu trúc Nhóm trong Chính trị Nông dân

Hai học giả chính trị học nổi tiếng Gabriel Almond và James S. Coleman phân thành 4 loại nhóm lợi ích chính trị là: i) Các nhóm lợi ích thể chế; ii) Các nhóm lợi ích không liên kết; iii) Các nhóm lợi ích bất thường (anomic interest groups); và iv) Các nhóm lợi ích liên kết, bằng cách thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của các cá nhân với tư cách là “những người tuyên ngôn cho lợi ích của chính họ”. (Almond, Gabriel A., 1958: 270-282; Almond, Gabriel A. and James S. Coleman, 1966: 75). Tuy nhiên những điểm cơ bản của “lý thuyết nhóm” về chính trị, cũng như một số chỉ trích đối với lý thuyết đó với giả định rằng các cá nhân hoạt động chính trị phần lớn với tư cách là thành viên của các nhóm, đã có nhiều thay đổi. Theo Lande: “Nhóm là một tập hợp các cá nhân có chung một thái độ. Họ hành động cùng nhau bởi vì họ nhận thức rằng bằng cách làm như vậy, họ có nhiều khả năng đạt được các mục tiêu phù hợp với thái độ mà họ chia sẻ và do đó đạt được những phần thưởng cá nhân tương tự. Các nhóm thường, mặc dù không phải lúc nào cũng thế, bao gồm những người có thái độ chung bắt nguồn từ thực tế là họ có một số đặc điểm ‘nền tảng’ giống nhau như giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nghề nghiệp hoặc tầng lớp xã hội. (Lande, Carl H., 1973: 103) “Các phê phán đối với lý thuyết nhóm dẫn đến một số khái niệm thay thế  cấu trúc chính trị, bao gồm cả cấu trúc khớp nối lợi ích: các khái niệm về hệ thống cấu trúc cặp (dyad - nhóm hai) và cấu trúc mang tính cặp (dyadic structure)”. (Lande, Carl H., 1973: 104)

2.2.1. Cấu trúc Nhóm hai (Loại hình Cặp dyad)

Loại nhóm xã hội cơ bản nhất chỉ bao gồm hai người được gọi là nhóm hai - dyad. Mối quan hệ giữa hai người/ hai bên có thể được gắn kết thông qua sự quan tâm về tình cảm, lợi ích thể hiện trong mọi mối quan hệ gia đình và xã hội. Từ kinh nghiệm cá nhân, những mối quan hệ này có thể rất mạnh mẽ nhưng không phải lúc nào cũng ổn định và đôi khi chỉ là tạm thời. Mỗi nhóm hai đòi hỏi cả hai thành viên của nhóm phải hợp tác để làm cho nó tồn tại và hoạt động. Chỉ cần một người/ bên không hợp tác, cả nhóm sẽ tan rã. Một từ điển nhân học tiêu chuẩn định nghĩa rất đơn giản: “nhóm hai” (dyadic group) là “một cặp con người trong một mối quan hệ xã hội”. (Winick Charles, 1956: 242). Định nghĩa đơn giản này phù hợp với hầu hết mọi nhóm hai người, tuy nhiên, trong chính trị nông dân, cần phải phân biệt giữa các loại nhóm hai khác nhau, mà điển hình là phân biệt giữa cặp hợp nhất (corporate dyad) và cặp trao đổi (exchange dyads). Các cặp Hợp nhất bao gồm hai người, trong những vấn đề mà nhà phân tích quan tâm, thì các cặp này hành xử hợp nhất như một người. Các cặp Trao đổi bao gồm hai người duy trì bản sắc riêng biệt của họ, nhưng lại cam kết bằng các mối quan hệ trao đổi. Điển hình trong cặp trao đổi, hai thành viên cho hoặc cho mượn tài sản lẫn nhau. Nhưng quyền sở hữu của nó tại bất kỳ thời điểm nào, cũng thuộc về một cá nhân, chứ không phải là của chung. Đến lượt mình, các cặp trao đổi có thể được chia nhỏ thành: i) Các cặp hỗ trợ, ở đó hai thành viên trao đổi những thứ có giá trị. và ii) Các cặp đối nghịch, nơi mà cặp đối nghịch đánh đổi bằng cách làm tổn hại lẫn nhau. Tất nhiên, trong các mối quan hệ cặp thực tế, các dạng phân biệt về mặt phân tích này có thể hòa trộn với nhau. Đối với các nhà khoa học chính trị, mối quan tâm đến các cặp trao đổi, đặc biệt là các cặp hỗ trợ, luôn được đặt lên hàng đầu. (Lande, Carl H., 1973: 104)

2.2.2. Đặc trưng của Nhóm hai

a. Đặc trưng Lợi ích Cá nhân: i) Các cặp có thể ràng buộc những cá nhân giống nhau hoặc không giống nhau; ii) Cũng có các cặp xuyên qua các ranh giới nghề nghiệp và giai cấp khiến chúng có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà khoa học chính trị quan tâm đến các quá trình hội nhập nhóm, vùng, quốc gia và giải quyết xung đột; iii) Lợi ích thu được thông qua các trao đổi theo cặp có xu hướng cụ thể; mỗi đối tác đều phải trả ơn cho bên kia, nhưng không nhất thiết phải hỗ trợ mọi mục tiêu của mọi danh mục thuộc về người kia; iv) Trao đổi theo cặp liên quan đến nguyên tắc có đi có lại; có đi có lại rất có thể chỉ mang tính gần đúng khi mối quan hệ là tự nguyện giữa hai đối tác, khi cả hai phải cạnh tranh tự do với các nhà cung cấp khác có cùng mối lợi, khi cả hai kiểm soát các nguồn lực có giá trị gần như nhau và khi mối quan hệ ấy liên quan đến một đối kháng tối thiểu. (Lande C. H., 1973: 104 - 105)

b. Đặc trưng Tính Xã hội của Các cặp: i) Các cặp thường được liên kết với các cặp khác trong các cấu trúc lớn hơn; tất cả các mối quan hệ mang tính chất cặp trong một xã hội lớn hoặc các nhóm xã hội nhỏ đều tạo thành mạng lưới các cặp liên kết; ii) Mỗi thành viên của một hệ thống có cấu trúc cặp liên kết như vậy đều có một tổ hợp cá nhân của các đối tác cặp là duy nhất của riêng anh ta; iii) Các hệ thống liên minh của các cá nhân khác nhau có thể chồng chéo và giao nhau, nhưng hiếm khi giống hệt nhau; tập hợp riêng của mỗi cá nhân có các mối quan hệ cặp tạo thành mạng quan hệ cặp của ông ta; iv) Các hợp phần cấu trúc quan trọng nhất là những hợp phần mở rộng ra bên ngoài từ cá nhân trung tâm do người đó hoặc những người thay mặt cho nhiều đồng minh của ông ta, cộng với một số đồng minh của họ, thực hiện; v) Trong phạm vi một hệ thống cấu trúc theo cặp, tức là với tư cách một mạng lưới, thì hành động có tổ chức liên quan đến nhiều cá nhân có xu hướng bắt đầu bằng nỗ lực của một cá nhân để huy động các thành viên trên mạng lưới của ông ta và sau đó là các mạng lưới chung, để ủng hộ cho những gì mà ông coi là mục tiêu đáng mong muốn. (Lande, Carl H., 1973: 105)

c. Đặc trưng Cấu trúc của Các cặp: i) Các mạng cá nhân, giống như các cặp liên kết riêng lẻ, có thể được phân tích chia nhỏ thành các mạng có cấu trúc theo chiều dọc và chiều ngang; các mạng cấu trúc dọc là những mạng mà cá nhân trung tâm có địa vị, nguồn lực hoặc quyền lực lớn hơn các đối tác của ông ta; ii) Điển hình cho hầu hết các mạng dọc trong quan hệ mang tính chính trị là “tùng phục cá nhân”, đặc biệt là các hệ thống Người bảo trợ-Khách hàng; đặc điểm phân biệt của các mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng nguyên mẫu là người bảo trợ phải thể hiện sự quan tâm gần như của cha mẹ đối với con cái và đáp ứng nhu cầu của khách hàng của mình, còn khách hàng phải thể hiện sự trung thành mang tính hiếu thảo đối với người bảo trợ của mình; iii) Cấu trúc mạng theo chiều ngang là những mạng mà cá nhân trung tâm có địa vị, nguồn lực hoặc quyền lực gần như tương đương với các cá nhân trung tâm của các đối tác khác nhau của ông ta, trong chính trị, đó là “hệ thống liên minh cá nhân”; vi) Các mối quan hệ cặp khác nhau trong mạng lưới quan hệ của một cá nhân có thể khác nhau về chất lượng và số lượng trao đổi của họ; v) Các mạng quan hệ cặp của các cá nhân có thể khác nhau về kích cỡ; số lượng liên minh của một người có xu hướng bị giới hạn bởi nguồn lực vật chất của  người đó và có liên quan rõ ràng đến địa vị và quyền lực của người đó; các cấu trúc cặp có xu hướng quan trọng nhất, hoặc đáng chú ý nhất, nơi mà các cấu trúc rời rạc bị cung cấp thiếu hụt, chủ yếu thuộc về các hệ thống nhỏ và tiền hiện đại. (Lande, Carl H., 1973: 105)

3. Quan hệ Bảo trợ - Khách hàng trong Chính trị Nông dân

“Các nhà khoa học chính trị phương Tây cố gắng nắm bắt kinh nghiệm chính trị trong Thế giới Thứ ba, phần lớn đã dựa vào một trong hai, hoặc cả hai mô hình xung đột và liên kết. Loại mô hình xung đột giai cấp, tiêu biểu nhất là tư tưởng của Marx, có một số giá trị giúp giải thích xung đột trong khu vực hiện đại hơn của các quốc gia thuộc địa. Tuy nhiên, giá trị tổng thể của nó là không rõ ràng trong hoàn cảnh phi công nghiệp, mà ở đó hầu hết các nhóm chính trị cắt dọc theo các tuyến giai cấp…. Vì vậy, việc sử dụng mô hình liên kết người bảo trợ - khách hàng đặc biệt hữu ích trong việc thâm nhập vào những thể chế chính thức và phi chính thức trong các cộng đồng làng xã, nơi các mối quan hệ quyền lực liên-cá nhân là nổi bật.” (Scott, James C., 1972: 91)

3.1. Bản chất của Mối quan hệ Người bảo trợ-Khách hàng

3.1.1. Định nghĩa Mối quan hệ Người bảo trợ-Khách hàng

Trong khi việc sử dụng thực tế các thuật ngữ “người bảo trợ” và “khách hàng” phần lớn chỉ giới hạn ở các khu vực Địa Trung Hải và Châu Mỹ Latinh, thì các mối quan hệ có thể so sánh được lại có thể thấy ở hầu hết các nền văn hóa và nổi bật nhất là ở các quốc gia tiền công nghiệp. Có thể coi định nghĩa dưới đây của James Scott là một trong những định nghĩa kinh điển về lĩnh vực này: Mối quan hệ người bảo trợ - khách hàng - mối quan hệ trao đổi giữa các vai trò - có thể được định nghĩa là một trường hợp đặc biệt của mối quan hệ theo cặp (hai người) liên quan đến tình bạn chủ yếu mang tính công cụ, trong đó một cá nhân có địa vị kinh tế xã hội cao hơn (người bảo trợ) sử dụng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để bảo vệ hoặc đem lại lợi ích, hoặc cả hai, cho một người có địa vị thấp hơn (khách hàng), mà về phần mình khách hàng đáp lại bằng cách ủng hộ và trợ giúp chung, bao gồm cả các dịch vụ cá nhân, cho người bảo trợ. (Scott, James C., 1972: 92)

3.1.2. Cơ sở Quyền lực và Địa vị của Người bảo trợ & Khách hàng

Ba đặc điểm khác nữa phân biệt mối liên kết người bảo trợ - khách hàng, được bao hàm trong định nghĩa: i) cơ sở của chúng là ở tình trạng bất bình đẳng, ii) tính cách trực diện; và iii) tính linh hoạt lan tỏa của chúng. Cả ba yếu tố này đều thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ giữa một chủ đất có địa vị cao và mỗi tá điền hoặc người lĩnh canh của ông ta trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống - một mối quan hệ, theo một nghĩa nào đó, thể hiện như là nguyên mẫu của mối quan hệ người bảo trợ - khách hàng. (Scott J.C., 1972: 93)

Thứ nhất: Tình trạng bất cân bằng trong trao đổi giữa hai đối tác thể hiện và phản ánh sự chênh lệch về của cải, quyền lực và địa vị tương đối của họ. Khách hàng, theo nghĩa này, là một người đã tham gia vào một mối quan hệ trao đổi không bình đẳng mà ông ta không thể tuân thủ một cách đầy đủ nguyên tắc có đi có lại. Món nợ nghĩa vụ ràng buộc ông ta với người bảo trợ. (Scott, James C., 1972: 93) Làm thế nào để tình trạng bất cân bằng theo nguyên tắc có đi có lại này nảy sinh? Blau đã đề cập đến sự trao đổi bất cân bằng và những chênh lệch về quyền lực cũng như sự tôn kính đã thúc đẩy tình trạng mất cân bằng như vậy liên quan trực tiếp đến cơ sở của mối quan hệ người bảo trợ - khách hàng (Blau P.M., 1964: 21-22). Tình trạng bất cân bằng đó dựa trên thực tế là người bảo trợ thường ở vị trí đơn phương cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà khách hàng tiềm năng và gia đình ông ta cần để tồn tại và thịnh vượng hơn. (Scott, James C., 1972: 93) Ví dụ, một chủ đất thống trị địa phương thường là nguồn lực chính đảm bảo phòng vệ, an ninh, việc làm, tiếp cận đất canh tác hoặc giáo dục, và cả lương thực trong những thời kỳ khó khăn. Những dịch vụ như vậy không còn gì có thể quan trọng hơn, và do đó nhu cầu đối với chúng không có xu hướng co giãn; nghĩa là, sự gia tăng chi phí hiệu quả của họ sẽ không làm giảm nhu cầu một cách tương ứng. Là một nhà độc quyền, hoặc ít nhất là một quả đầu có khả năng lũng đoạn thị trường địa phương, đối với các nhu cầu thiết yếu, người bảo trợ ở một vị trí lý tưởng để yêu cầu những người muốn chia sẻ những mặt hàng khan hiếm này phải tuân thủ. (Scott, James C., 1972: 93)

Thứ hai: Đặc điểm khác biệt của cặp người bảo trợ-khách hàng là tính trực diện, phẩm chất cá nhân của mối quan hệ. Mô thức liên tục có đi có lại thiết lập và củng cố mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng thường tạo ra sự tin tưởng và tình cảm giữa các đối tác. Khi một khách  hàng cần một khoản vay nhỏ hoặc cần một người nào đó để xin giùm nhà chức trách cho anh ta, anh ta biết rằng anh ta có thể dựa vào người bảo trợ của mình; đến lượt mình, người bảo trợ biết rằng “người của anh ta” sẽ hỗ trợ anh ta trong các thiết kế của anh ta khi anh ta cần họ. Mauss đã thực hiện các phân tích kinh điển về chức năng của hành động biếu tặng trong việc tạo liên minh, thể hiện tính ưu việt và đổi mới nghĩa vụ giữa các đối tác trong quan hệ chính trị ở các nhóm xã hội còn rất sơ khai. (Mauss M., 1925) Hơn nữa, kỳ vọng chung của các đối tác lại được hỗ trợ bởi các giá trị và nghi lễ cộng đồng. Trong hầu hết các bối cảnh, tình cảm và nghĩa vụ được đầu tư vào mối ràng buộc này giữa những người không có quan hệ họ hàng được thể hiện bằng việc sử dụng các thuật ngữ xưng hô giữa các đối tác thường được dành cho những người ruột thịt. Truyền thống lựa chọn cha mẹ đỡ đầu ở các quốc gia Công giáo thường được một gia đình sử dụng để tạo ra mối ràng buộc quan hệ họ hàng giả tưởng với người bảo trợ-cha đỡ đầu, từ đó trở thành anh em với cha mẹ đẻ. (Mintz S. and Eric Wolf, 1948: 425-437)

Cho dù mô hình bổn phận được thiết lập là cha-con, chú-cháu, hoặc anh trai-em trai, ý định cũng tương tự: thiết lập một mối dây tình cảm và lòng trung thành bền chặt như giữa những người thân ruột thịt. Do đó, mặc dù một người bảo trợ và khách hàng rất chắc chắn sống vì lợi ích cụ thể tích cực của hiệp hội của họ, nhưng nó không chỉ đơn giản là một liên kết trung lập có lợi cho cả hai bên. Ngược lại, nó thường là mối liên kết bền chặt, tận tâm thực sự lẫn nhau có thể tồn tại lâu hơn cả thử nghiệm khắc nghiệt. Phẩm chất trực diện của cặp người bảo trợ-khách hàng, cũng như quy mô cơ sở nguồn lực của người bảo trợ, giới hạn số lượng mối quan hệ năng động trực tiếp mà mỗi người bảo trợ có thể có. (Lande C., 1970: 6) “Ngay cả khi có nguồn lực to lớn, thì mối liên hệ cá nhân và tình bạn vẫn được gắn chặt vào liên kết làm cho nó rất khó có khả năng là một nhóm khách hàng năng động có thể vượt quá một trăm người. Tổng số người đi theo một người bảo trợ nhất định có thể lớn hơn nhiều so với con số này, nhưng thông thường toàn bộ, ngoại trừ 20-30 khách hàng sẽ được liên kết với người bảo trợ thông qua các trung gian. Vì chúng ta đang đề cập đến các mối quan hệ tình cảm tích cực (tỷ lệ “tính toán” liên quan đến tình cảm tất nhiên có thể khác nhau), nhưng một nhà lãnh đạo và các tùy tùng trực tiếp của ông ta sẽ tương đối nhỏ.” (Scott, James C., 1972: 94)

Thứ baPhẩm chất đặc biệt của mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng, phản ánh tình cảm gắn bó, đó là các mối quan hệ lan tỏa, các quan hệ “hoàn toàn-cá nhân” chứ không phải là mối các quan hệ hợp đồng dứt khoát, phi cá nhân. Ví dụ, một chủ đất có thể có một khách hàng gắn kết với anh ta qua việc thuê đất, tình bạn, các trao đổi dịch vụ trong quá khứ, mối ràng buộc trong quá khứ của cha mẹ khách hàng với cha mẹ anh ta, và quan hệ cha mẹ đỡ đầu theo nghi thức.” (Scott, James C., 1972: 95) Mối quan hệ “đa hợp” mạnh mẽ ấy bao gồm một loạt các giao dịch tiềm năng, trong đó một tương tác giao kèo, ngắn hạn được giới hạn trong phạm vi một ràng buộc đơn hình (simplex tie). (Mayer A. C., 1967: 97-112). Người bảo trợ rất có thể nhờ khách hàng giúp đỡ trong việc chuẩn bị cưới cheo, giành chiến thắng trong một chiến dịch bầu cử, hoặc tìm kiếm những gì mà các đối thủ địa phương của họ phải phụ thuộc vào; khách hàng có thể tiếp cận người bảo trợ để được giúp đỡ trong việc thanh toán các phí tổn học hành cho con cái mình, hoàn thành các loại biểu mẫu, đơn từ liên quan đến chính quyền, hoặc để có được thực phẩm, thuốc men trong những thời điểm khó khăn. Do vậy, đó là kiểu liên kết rất linh hoạt mà các nhu cầu và nguồn lực của các đối tác, và do đó bản chất của việc trao đổi, có thể thay đổi đáng kể theo thời gian. Không giống như các quan hệ hợp đồng dứt khoát, tính lan tỏa của mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng góp phần vào sự sống còn của nó ngay cả trong thời kỳ chuyển đổi xã hội nhanh chóng - nó có xu hướng tồn tại dai dẳng miễn là hai đối tác vẫn có những cái gì đó để cung cấp cho nhau. Với một khách hàng, việc phê phán sản phẩm trao đổi sẽ là một vấn đề tế nhị. Cũng như trong tình bạn, “tính lan tỏa của nghĩa vụ người bảo trợ - khách hàng đặt ra yêu cầu tương ứng về sự tự kiềm chế đối với các bên nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ.” (Gamson W. A., 1968: 167) “Giống hệt hai anh em có thể hỗ trợ nhau theo nhiều cách, các đối tác người bảo trợ-khách hàng có mối quan hệ cũng có thể được viện dẫn cho hầu hết mục đích; những khác biệt chính yếu là sự tính toán kỹ càng hơn về các lợi ích và tính bất bình đẳng đặc trưng cho việc trao đổi giữa người bảo trợ và khách hàng.” (Scott, James C., 1972: 95)

3.1.3. Vận hành Trao đổi giữa Người bảo trợ và Khách hàng

a. Vận hành theo nguyên tắc có đi có lại: Trong mối quan hệ có đi có lại giữa người bảo trợ và khách hàng, đòi hỏi mỗi đối tác cung cấp một dịch vụ được bên kia đánh giá cao. Mặc dù sự cân bằng lợi ích có thể có lợi cho người bảo trợ, nhưng một số yếu tố có đi có lại cũng có liên quan và chính phẩm chất này, “phân biệt các cặp người bảo trợ - khách hàng với các mối quan hệ cưỡng bức thuần túy hoặc thẩm quyền chính thức cũng có thể liên kết các cá nhân có địa vị khác nhau.” (Powell J.D., 1970: 412) Người bảo trợ có thể có một số quyền lực cưỡng chế và ông ta cũng có thể giữ địa vị quyền lực chính thức. Nhưng nếu chỉ riêng sức mạnh hoặc thẩm quyền theo lệnh của ông ta đủ để đảm bảo sự tuân thủ của người khác, thì ông ta không cần đến mối quan hệ người bảo trợ - khách hàng đòi hỏi nguyên tắc có đi có lại. Vì vậy, thông thường, người bảo trợ hoạt động trong bối cảnh mà các chuẩn mực và chế tài của cộng đồng và nhu cầu của khách hàng đòi hỏi ít nhất phải tuân thủ nguyên tắc thương lượng, có đi có lại; tình trạng bất cân bằng quyền lực không quá lớn để cho phép phải thực thi một mối quan hệ mệnh lệnh thuần túy. (Scott, James C., 1972: 93)

b. Vận hành với các lựa chọn: Đối mặt với một người có thể cung cấp hoặc tước đoạt các nhu cầu cơ bản của mình, về lý thuyết, khách hàng tiềm năng chỉ có bốn lựa chọn thay thế để trở thành đối tượng của kẻ bảo trợ. (Blau P.M., 1964: 118.) i) Trước hết, ông ta có thể thuân thủ nguyên tắc có đi có lại bằng một dịch vụ mà người bảo trợ cần đại khái là đủ để khôi phục tình trạng cân bằng trong trao đổi. Trong những trường hợp đặc biệt về kỹ năng tôn giáo, y tế hoặc chiến tranh, năng lực có đi có lại như vậy có thể thực hiện được, nhưng các nguồn lực của khách hàng, với vị trí của ông ta trong hệ thống phân tầng, thường không đủ để thiết lập lại trạng thái cân bằng; ii) Một khách hàng tiềm năng cũng có thể cố gắng đảm bảo các dịch vụ cần thiết ở nơi khác. Nếu nhu cầu của khách hàng là đặc biệt lớn và nếu có sự cạnh tranh gay gắt giữa người bảo trợ và các nhà cung cấp, thì chi phí cho các dịch vụ do nhà bảo trợ-kiểm soát sẽ thấp hơn. (Scott, James C., 1972: 93) Trong hầu hết các cơ sở nông nghiệp, quyền tự chủ đáng kể của địa phương có xu hướng tạo điều kiện cho sự phát triển của các tổ chức độc quyền quyền lực địa phương của các quan chức hoặc tầng lớp chủ đất; iii) Khả năng thứ ba là khách hàng có thể ép buộc người bảo trợ cung cấp dịch vụ. Mặc dù tình huống mà các khách hàng của ông ta có khả năng chống lại ông ta có thể khiến người bảo trợ đáp ứng ít nhất các tiêu chuẩn quy chuẩn tối thiểu về trao đổi, (xem: Engels F., 1966; Cohn N., 1961; Hobsbawm E. B., 1959) nhưng quyền lực địa phương của người bảo trợ và tình trạng thiếu vắng tổ chức tự trị của các khách hàng của ông ta vẫn khiến cho điều này khó xảy ra; iv) Cuối cùng, về mặt lý thuyết, khách hàng có thể tự cung cấp đầy đủ các nhu cầu cho mình mà không cần đến dịch vụ của người bảo trợ. Với sự kiểm soát các dịch vụ sống còn của người bảo trợ chẳng hạn như bảo hộ, đất đai và việc làm thì phương án này là quá xa vời. (Scott, James C., 1972: 93)

c. Vận hành bằng cách nương tựa vào một người bảo trợ: không phải là một quyết định hoàn toàn ép buộc và cũng không phải là kết quả của sự lựa chọn không hạn chế. Chính xác vị trí mà một cặp người bảo trợ - khách hàng cụ thể rơi vào trạng thái môi trường liên tục lại phụ thuộc vào bốn yếu tố được đề cập. Nếu khách hàng có các dịch vụ được đánh giá cao để đáp lại, nếu ông ta có thể lựa chọn trong số những người bảo trợ cạnh tranh, nếu ông ta có sẵn sức lực hoặc nếu anh ta có thể xoay sở mà không cần sự giúp đỡ của người bảo trợ - thì sự cân bằng sẽ gần như tương đương. Nhưng nếu, như thường lệ, khách hàng ít tài nguyên bắt buộc hoặc tài nguyên trao đổi để chống lại một nhà bảo trợ độc quyền có dịch vụ mà ông ta rất cần, thì đó gần như là một cặp ép buộc. (Blau P.M., 1964: 119-120; 137; Godfrey and M. Wilson, 1945: 28-30)

d. Vận hành bằng cách tuân thủ người bảo trợ: Mức độ tuân thủ của mình khách hàng là một chức năng trực tiếp về mức độ mất cân bằng trong mối quan hệ trao đổi – chức năng về mức độ phụ thuộc của khách hàng vào các dịch vụ của người bảo trợ. Do đó, sự mất cân bằng ấy tạo ra cảm giác nợ nần hoặc nghĩa vụ từ phía khách hàng miễn là nó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản của họ và những đại diện, cho người bảo trợ, một “‘kho giá trị ’- tín dụng xã hội…. (người bảo trợ) có thể tiếp tục để có được những lợi thế vào thời gian sau đó’”. (Blau P.M., 1964: 269) Người bảo trợ nắm chắc trong tay các dịch vụ thiết yếu, cho phép ông ta tích cóp sự tôn trọng và tuân thủ để nâng cao địa vị của mình và thể hiện khả năng huy động một nhóm người ủng hộ khi ông ta cần đến. Nhóm khách hàng của người bảo trợ càng lớn và họ càng phụ thuộc vào ông ta thì năng lực tiềm ẩn của ông ta trong việc tổ chức hành động nhóm càng lớn. Trong môi trường bảo trợ - khách hàng nông nghiệp điển hình, thì năng lực huy động những người đi theo là rất quan trọng trong sự cạnh tranh về tính ưu thắng giữa những người bảo trợ trong một khu vực nhất định. Như Blau mô tả tình hình chung: “Các thành viên có địa vị cao cung cấp công cụ hỗ trợ cho những người có địa vị thấp để đổi lấy sự tôn trọng và tuân thủ của họ, giúp các thành viên có địa vị cao cạnh tranh giành vị trí thống trị trong nhóm”. (Blau P.M., 1964: 127)

3.1.4. Tính khác biệt của Người bảo trợ 

Vai trò của người bảo trợ phải được phân biệt với các vai trò như “người môi giới”, “người trung gian” hoặc “ông chủ” mà đôi khi người ta vẫn nhầm lẫn. Hoạt động như một “nhà môi giới” hoặc “người trung gian” - các thuật ngữ mà James Scott sử dụng thay thế cho nhau - có nghĩa là đóng vai trò trung gian để thu xếp trao đổi hoặc chuyển giao giữa hai bên không có liên hệ trực tiếp. “Khi đó, vai trò của người trung gian liên quan đến trao đổi ba bên, trong đó người trung gian có chức năng như một đại lý và không tự mình kiểm soát thứ được chuyển giao. Ngược lại, người bảo trợ là một phần của cuộc trao đổi giữa hai cá nhân và hoạt động bằng các nguồn lực mà ông ta tự sở hữu hoặc trực tiếp kiểm soát… Theo nghĩa thực tế, một người môi giới cũng có nguồn lực, đó chính là các kết nối. Đó là quyền lực của nhà môi giới, khả năng giúp đỡ mọi người của anh ta, phụ thuộc vào mối quan hệ của anh ta với các bên thứ ba.” Cuối cùng, các thuật ngữ “người trung gian” và “người môi giới” không chỉ rõ vị thế tương đối của tác nhân đối với những người khác trong giao dịch, trong khi người bảo trợ theo định nghĩa, có cấp bậc cao hơn khách hàng của ông ta. (Scott, James C., 1972: 95)

Điều quan trọng là sự phân biệt này dễ dàng bị mất dấu vì hai lý do. Đầu tiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định xem ai đó có kiểm soát cá nhân các nguồn lực mà ông ta sử dụng để thăng tiến bản thân hay không. Trường hợp một công chức bổ bán các chức vụ cấp dưới trong quyền hạn của mình để tạo ra một nhóm tùy tùng thì sao? Ở đây, có vẻ như ông ta đang đóng vai trò như một người bảo trợ, vì những công việc ông ta làm chỉ có ý nghĩa như một món quà cá nhân từ cái kho chứa những giá trị khan hiếm mà ông ta kiểm soát và nhằm tạo ra cảm giác nợ nần và bổn phận cá nhân ở những kẻ được ông ta ban phát. Vì vậy, việc đánh giá xã hội về bản chất của món quà là rất quan trọng. Mặt khác, nếu chúng ta phát hiện ra rằng một công chức được xem như một người đóng vai trò là người đại diện cho những người tìm việc và giúp họ tiếp cận được với một cán bộ kiểm soát việc làm, thì ông ta sẽ hoạt động như một người môi giới. Đương nhiên là nhiều quan chức nhà nước đầy tham vọng sẽ tìm cách xuyên tạc các hành vi môi giới hoặc việc đơn giản tuân thủ các quy tắc với tư cách là hành vi bảo trợ cá nhân, nhờ đó mà tập hợp được những kẻ đi theo mình. “Các dân biểu Hoa Kỳ dành phần lớn thời gian để cố gắng giành lấy tín dụng cá nhân cho các quyết định có lợi cho cử tri của họ cho dù họ có liên quan gì đến người môi giới hoặc người bảo trợ quyết định hay không. Vì những lý do tương tự, các bộ trưởng nội các ở Malaysia và các nơi khác đã đi khắp đất nước với sự kiểm tra của chính phủ, tài trợ cho các nhà thờ Hồi giáo, đền thờ và các nhóm từ thiện theo cách sẽ kịch tính hóa sự hào phóng như một hành động bảo trợ cá nhân. Mọi quyết định của chính phủ có lợi cho ai đó đều thể hiện cơ hội cho ai đó sử dụng hành động từ thiện để mở rộng vòng kết nối của những người có nghĩa vụ cá nhân đối với anh ta.” (Scott, James C., 1972: 96) Đến mức độ mà ông ta thành công trong việc thể hiện hành vi này như một hành động hào phóng cá nhân, thì ông ta sẽ nêu ra ý thức về bổn phận cá nhân là thứ ràng buộc cấp dưới của ông ta với ông ta với tư cách là các khách hàng. Và điều đó đương nhiên xảy ra trong các quốc gia kém phát triển, nơi mà quan điểm gia trưởng về chức vụ đặc biệt mạnh mẽ, một chức vụ công cũng có thể là một nguồn lực tạo ra một tập hợp khách hàng. (Scott, James C., 1972: 96)

Nguồn gốc thứ hai tiềm tàng gây nhầm lẫn trong sự phân biệt này là các thuật ngữ ấn định các vai trò chứ không phải các cá nhân con người, và do đó, rất có thể một cá nhân đơn giản vừa đóng vai trò là người môi giới vừa là người bảo trợ. Một tổ hợp vai trò như vậy không chỉ khả thi mà còn phổ biến về mặt kinh nghiệm. Chẳng hạn, khi một người bảo trợ sở hữu đất ở địa phương trở thành người đứng đầu đảng chính trị của làng mình, ông ta có khả năng trở thành người trung gian giữa nhiều dân làng và các nguồn lực do các quan chức cấp cao hơn kiểm soát. Trong trường hợp này, ông ta có thể có những khách hàng mà ông ta cũng là người môi giới cho họ. Những khẳng định phổ biến của mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng thực sự khiến người bảo trợ đóng vai trò là người môi giới cho khách hàng của mình trở nên rất bình thường khi họ phải giao dịch với các bên thứ ba có quyền lực - giống như vị thánh bảo trợ trong Công giáo dân gian, vừa là đấng trực tiếp giúp đỡ những người sùng đạo của mình đồng thời lại đóng vai trò là người môi giới giữa họ với Chúa. (Foster, G. M., 1963: 1280-94) Mặt khác, nếu đảng chính trị chỉ cần trao cho người bảo trợ địa phương quyền kiểm soát trực tiếp các chương trình và các khoản tài trợ của mình trong khu vực, thì bản thân đảng đó sẽ tăng cường các nguồn lực của họ để trở thành người bảo trợ trên quy mô lớn hơn và loại bỏ nhu cầu môi giới. (Scott, James C., 1972: 96)

Cuối cùng những người bảo trợ cần phải được phân biệt với các thuật ngữ có đôi chút liên quan dành cho thủ lĩnh như “sếp”, “caudillo” hoặc “cacique”. “Ông chủ” là một từ ấn định ngay lập tức tính mơ hồ và giàu hàm ý. Mặc dù ông chủ có thể thường hoạt động như một người bảo trợ, nhưng thuật ngữ đó tự nó ngụ ý (a) rằng ông ta là người đàn ông quyền lực nhất trong vũ đài, và (b) ngụ ý là quyền lực của ông ta phụ thuộc nhiều hơn vào những lời dụ dỗ và các loại trừng phạt theo ý của ông ta hơn là tình cảm hoặc vị thế. Khác biệt với một người bảo trợ, kẻ có thể là lãnh đạo địa phương tối cao hoặc có thể không và quyền lãnh đạo của người này ít nhất phụ thuộc một phần vào cấp bậc và tình cảm, thì ông chủ lại là một người lãnh đạo thế tục xuất sắc, là kẻ phụ thuộc gần như hoàn toàn vào những lời dụ dỗ và đe dọa mà mọi người có thể sờ thấy được một cách cụ thể. Như chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau, một môi trường nông nghiệp ổn định với hệ thống phân cấp vị thế được công nhận rõ ràng là một bối cảnh điển hình cho sự lãnh đạo của những người bảo trợ, trong khi một môi trường bình đẳng, di động hơn lại là một bối cảnh điển hình cho sự nổi lên của các ông chủ. Hai thuật ngữ cuối cùng, “caudillo” và “cacique” được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ Latinh để chỉ các ông chủ một khu vực - thường là nông thôn. Một lần nữa, ngụ ý rằng sự ép buộc là trụ cột chính của quyền lực, và trong trường hợp của caudillo, phổ biến là những kẻ tùng phục cá nhân. (Wolf, Eric R., and E. C. Hansen, 1967: 168-179; Friedrich P., 1968: 243-269)  Một “cacique” hoặc “caudillo” có thể đóng vai trò là người bảo trợ cho một số khách hàng nhưng ông ta cũng thường chủ yếu dựa vào sức mạnh và thiếu tính hợp pháp truyền thống để hoạt động chủ yếu như một người bảo trợ. Thông thường nhất, một “caciqe” hoặc “caudillo”, giống như một ông chủ, có thể là một trường hợp đặc biệt ngoài lề của một người bảo trợ, với điều kiện là một phần những người đi theo ông ta ở dưới ông ta về mặt xã hội và ràng buộc với ông ta một phần bởi những mối quan hệ giả tạo. Tuy nhiên, theo thời gian, có thể xảy ra biến hóa. Cũng giống như ông chủ nhà máy bia thành công của nước Anh vào cuối thế kỷ 18 có thể dự liệu trước cho con trai mình vào hàng quý phái, người “caciqe” ngày nay áp đặt quyền cai trị của mình bằng sức mạnh có thể đủ tốt để tạo lập cho con trai mình thành một chủ sở hữu đất đai, mà vị thế cao và tính hợp pháp của kẻ đó củng cố vai trò của mình với tư cách người bảo trợ. (Scott, James C., 1972: 96)

3.1.5. Người Bảo trợ và Khách hàng như là các Nhóm riêng biệt 

Cho đến thời điểm này, cuộc thảo luận tập trung vào bản chất của mối liên kết duy nhất giữa người bảo trợ và khách hàng. Nếu chúng ta mở rộng phân tích để bao gồm các cấu trúc lớn hơn có liên quan bằng sự kết hợp của nhiều liên kết như vậy, thì cần phải có một số thuật ngữ mới. Trước hết, khi chúng ta nói về những người tùng phục trực tiếp – những khách hàng trực tiếp gắn bó với ông ta – thì đó là chúng ta đề cập đến một cụm người bảo trợ-khách hàng. Thuật ngữ thứ hai, đề cập đến nhóm đó, nhưng vẫn tập trung vào một cá nhân và các liên kết dọc của ông ta, đó là kim tự tháp người bảo trợ-khách hàng. Đây chỉ đơn giản là một phần mở rộng dọc xuống phía dưới của cụm trong đó các liên kết được đưa ra ngoài trật tự-đầu tiên. (Barnes, J. A., 1968: 107 - 130) Dưới đây là các biểu hiện điển hình của các liên kết như vậy. Mặc dù các chiều dọc là mối quan tâm chính của chúng tôi, nhưng đôi khi chúng tôi cũng muốn phân tích các mối quan hệ cặp theo chiều ngang, chẳng hạn, giữa hai người bảo trợ có vị thế có thể so sánh được, những người đã có một liên minh. Những liên minh như vậy thường tạo thành cơ sở của các hệ thống bè phái trong chính trị địa phương. Cuối cùng, các mạng lưới người bảo trợ-khách hàng không phải mang tính cái tôi-tiêu điểm mà đề cập đến mô thức tổng thể của các mối liên kết người bảo trợ-khách hàng (cộng với các liên minh người bảo trợ theo chiều ngang) tham gia cùng các tác nhân trong một khu vực hoặc cộng đồng nhất định. (Scott, James C., 1972: 96)

Các cụm người bảo trợ-khách hàng là một trong số những cách thức mà những người không phải là họ hàng thân thiết có thể được liên kết với nhau. Hầu hết các hình thức liên kết thay thế liên quan đến việc tổ chức xung quanh các mối quan hệ mang tính phạm trù, cả truyền thống - chẳng hạn như sắc tộc, tôn giáo, cũng như đẳng cấp – lẫn hiện đại - chẳng hạn như nghề nghiệp hoặc giai cấp – tạo ra các nhóm cơ bản khác nhau về cấu trúc và động lực. Tôi tin rằng đặc trưng đặc biệt của các cụm người bảo trợ-khách hàng bắt nguồn từ thực tế là, không giống như các tổ chức dựa trên các phạm trù phân loại, các cụm như vậy a) có cơ sở thành viên cụ thể cho từng liên kết, (Mayer A.C., 1967: 109), và b) dựa trên các mối quan hệ cá nhân với một nhà lãnh đạo hơn là dựa trên các đặc điểm chung hoặc mối quan hệ ngang giữa những người đi theo. Một số khác biệt quan trọng khác giữa nhóm phân loại và nhóm khách hàng quen tuân theo các nguyên tắc tổ chức cụ thể này. Dưới đây, chủ yếu dựa vào những so sánh tỉ mỉ hơn của Carl Lande (Lande C., 1970: 6-12) về những cặp bảo trợ-khách hàng và các nhóm phân loại:

1). Mục tiêu của các thành viên: Các khách hàng có các mục tiêu cụ thể phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân của họ với người lãnh đạo, trong khi các thành viên nhóm phân loại có các mục tiêu chung xuất phát từ các đặc điểm chung giúp phân biệt họ với các thành viên của các nhóm khác kia.

2). Quyền tự chủ của lãnh đạo: Người bảo trợ có quyền tự chủ rộng rãi trong việc xây dựng các liên minh và đưa ra các quyết định chính sách miễn là ông ta đem lại phúc lợi vật chất cơ bản cho khách hàng của mình, trong khi người lãnh đạo của một nhóm phân loại thường phải tôn trọng lợi ích tập thể của nhóm mà ông ta lãnh đạo.

3). Tính ổn định của nhóm: Một cụm người bảo trợ-khách hàng, dựa trên các liên kết dọc cụ thể, phụ thuộc nhiều vào kỹ năng của người lãnh đạo và có xu hướng phát triển mạnh mẽ hoặc tan rã tùy thuộc vào nguồn lực của người lãnh đạo và mức độ thỏa mãn nhu cầu của từng khách hàng. Ngược lại, một nhóm phân loại có nguồn gốc vững chắc hơn từ những phẩm chất chung theo chiều ngang và do đó ít phụ thuộc hơn vào sự tồn tại của nó dựa trên phẩm chất lãnh đạo và mức độ bền vững hơn của nó trong việc theo đuổi các lợi ích tập thể (thường là chính sách) rộng lớn hơn.

4). Nhóm tổng hợp: Các cụm người bảo trợ-khách hàng, do cách chúng được tạo ra, có khả năng không đồng nhất về thành phần giai cấp hơn là các nhóm phân loại dựa trên một số phẩm chất đặc biệt mà các thành viên đều có chung. Theo định nghĩa, mô hình các kim tự tháp người bảo trợ-khách hàng kết hợp những người có thứ hạng địa vị khác nhau trong khi các nhóm phân loại có thể có sự đồng nhất hoặc không đồng nhất về địa vị.

5). Tính tập đoàn của Nhóm: Theo nghĩa thực tế, một cụm người bảo trợ-khách hàng hoàn toàn không phải là một nhóm mà là một “tập hợp-hành động” tồn tại nhờ các liên kết dọc với một lãnh đạo – các liên kết mà người lãnh đạo có thể kích hoạt toàn bộ hoặc một phần. (Mayer A. C., 1967: 110) Những người tham gia thường không được liên kết trực tiếp với nhau và trên thực tế, có thể không biết nhau. Ngược lại, một nhóm phân loại được tổ chức lại, thường có các liên kết ngang gắn bó các thành viên với nhau để có thể có được sự tồn tại của một nhóm độc lập với người lãnh đạo. (Lande C., 1970: 6-12).

____________________________________

Tài liệu dẫn

Almond, Gabriel A. (1958). A Comparative Study of Interest Groups and the Political Process, In American Political Science Review, 52 (March, 1958).

Almond, Gabriel A. and G. Bingham Powell, Jr., (1966). Comparative Politics: A Developmental Approach (Boston: Little, Brown & Co., 1966).

Blau P.M., (1964). Exchange and Power in Social Life, New York: Wiley.

CEDAW (1979). Text of the Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination Against Women, http://www.un.org/womenwatch/daw/cedaw/cedaw.htm.

Cohen, A. P. (1982) Belonging: identity and social organization in British rural cultures, Manchester: Manchester University Press.

Cohen, A. P. (1985) The Symbolic Construction of Community, London: Tavistock.

Cohen, Yehudi (1961). Patterns of Friendship, In Social Structure and Personality: A Casebook. New York.

Cohn, Norman (1961). The Pursuit of the Millennium (New York: Harper, 1961).

Cooley, Charles Horton (1909). Social Organization: A Study of the Larger Mind. New York: Charles Scribner's Sons.

Crow, G. and Allan, G. (1994) Community Life. An introduction to local social relations, Hemel Hempstead: Harvester Wheatsheaf.

Elsesser, K.; Peplau L.A. (2006). The glass partition: Obstacles to cross-sex friendships at work. In Human Relations, 59.

Engels, Friedrich (1966). The Peasant War in Germany (New York: International Publishers, 1966);

Foster, G. M., (1963). The dyadic contract in Tzintzuntzan, II: patron-client relationships, In American Anthropologist, LXV, 1280-94.

Frazer, E. (1999) The Problem of Communitarian Politics. Unity and conflict, Oxford: Oxford University Press.

Friedrich, Paul (1968). The Iegitimacy of a Cacique, in Marc J. Swartz, ed., Local Level Politics: Social and Cultural Perspective (Chcago: Aldine 1968), pp. 243-269.

Galpin, C.J., (1915). The Social A natomy of an Agricultural Community. Research Bulletin 34, Madison: University of Wisconsin Agricultural Experiment Station. 

Gamson William A., (1968). Power and Discontent, Homewood, Illinois: Dorsey. 

Godfrey and Monica Wilson (1945). The Analysis of Social Change; Based on Observations in Central Africa (Cambridge: The University Press, 1945), pp. 28, 40.

Gosselin, D. K. (2010). Heavy hands: An introduction to the crimes of family violence (4th ed.). Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall. 

Harper, E. H. and Dunham, A. (1959). Community Organization in Action. Basic literature and critical comments, New York: Association Press.

Hobsbawm E. B. (1959). Primitive Rebels (New York: Norton, 1959).

Hobsbawm E. J. (1973). Peasants and politics, In The Journal of Peasant Studies, 1:1, pp. 3-22.

Hoggett, P. (1997). Contested communities, in P. Hoggett (ed.) Contested Communities. Experiences, struggles, policies, Bristol: Policy Press.

Lande, Carl (1970). Networks and Groups in Southeast Asia: Some Observations on the Group Theory of Politics, Unpublished manuscript (March, 1970).

Lande, Carl (1973). Networks and Groups in Southeast Asia: Some Observations on the Group Theory of Politics. In American Political Science Review 67: 103–127.

Lauermann, Manfred (2006). Das Schwanken des Sozialstaats zwischen Gemeinschaft und Gesellschaft. In: Uwe Carstens u. a.: Neuordnung der sozialen Leistungen. Ferdinand-Tönnies-Gesellschaft, Kiel 2006.

Maimon, D., & Kuhl, D. C. (2008). Social control and youth suicidality: Situating Durkheim’s ideas in a multilevel framework. In American Sociological Review, 73.

Mauss, Marcel (1925). Essai sur le don. Forme et raison de l'échange dans les sociétés archaïques. L'Année sociologique (1925).

Mayer, Adrian C. (1967). The Significance of Quasi-Groups in the Study of Complex Societies, In, The Social Anthropology of Complex Societies, Michael Banton ed., American Anthropologist.

Mintz, Sidney W. (1973) A note on the definition of peasantries, The Journal of Peasant Studies, 1:1.

Mintz, Sidney and Eric Wolf (1948). An Analysis of Ritual Co-Parenthood (Compadrazgo), In Southwestern Journal of Anthropology, 6 (Winter, 1948).

Osterkamp, Frank (2001, 2006). Gemeinschaft und Gesellschaft. Über die Schwierigkeit einen Unterschied zu machen. Zur Rekonstruktion des primären Theorieentwurfs von Ferdinand Tönnies. Duncker & Humblot, Berlin 2006, (Beiträge zur Sozialforschung 10), (Zugleich: Kiel, Univ., Diss., 2001). 

Powell J.D., (1970). Peasant Society and Clientelist Politics, In American Political Science Review, vol. 64 (June, 1970).

Putnam, Robert (2000). Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. Simon and Schuster.

Quarantelli, E.L. (1984). Organizational behavior in disasters and implications for disaster planning. Emmitsburg MD: Federal Emergency Management Agency National Emergency Training Center.

Ruben, Peter (1995). Gemeinschaft und Gesellschaft – erneut betrachtet. In: Ethnohistorische Wege und Lehrjahre eines Philosophen: Festschrift für Lawrence Krader zum 75. Geburtstag. Hg. v. Dittmar Schorkowitz. Frankfurt a. M. 1995

Scott, James C. (1972). Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia, In American Political Science Review, 1972, vol. 66, issue 1.      

Simmel, Georg (1955[1908]). ‘The Web of Group Affiliations’, in Conflict and the Web of
Group Affiliations
, trans. R. Bendix. New York: Free Press.

Tönnies, F. (1887). Gemeinschaft und Gesellschaft; Springer: Berlin, Germany, 1887

Tönnies, F. (1963). Community and society. New York, NY: Harper and Row. (Original work published 1887). 

Turner, Victor W., (1977). The Ritual Process: Structure and Anti-Structure. Cornell University Press, Ithaca, New York. 

Willmott, P. (1989). Community Initiatives. Patterns and prospects, London: Policy Studies Institute.

Winick, Charles (1956). Dictionary of Anthropology (New York: Philosophical Library, 1956), p. 242.

Wolf, Eric R., and E. C. Hansen (1967). Caudillo Politics: A Structural Analysis, In Comparative Studies in Society and History, 9, 2 (January, 1967), 168-179

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét