Powered By Blogger

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

Chính trị Bảo trợ - Khách hàng và Thay đổi Chính trị ở Đông Nam Á (II)

James C. Scott

Người dịch: Hà Hữu Nga

II. Biến đổi trong Quan hệ Người bảo trợ-Khách hàng

Người ta có thể tạo ra những khác biệt gần như vô hạn giữa các mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Các chiều góc của sự biến đổi xem xét ở đây được lựa chọn bởi vì chúng có vẻ đặc biệt phù hợp với mục tiêu phân tích của chúng tôi là đánh giá những thay đổi trọng tâm trong các mối quan hệ như vậy ở Đông Nam Á. Những khác biệt tương tự cũng cần được phân tích đối với trường hợp các quốc gia tiền công nghiệp khác.

Cơ sở Nguồn lực của Bảo trợ

Một người bảo trợ tiềm năng tập hợp khách hàng trên cơ sở khả năng bảo trợ cho họ. Đối với việc đầu tư tài sản của mình, người bảo trợ kỳ vọng sẽ thu lợi được các nguồn nhân lực - dưới dạng sức mạnh của bổn phận và số lượng khách hàng có nghĩa vụ đối với ông ta. Cơ sở nguồn lực hoặc bản chất của tài sản mà người bảo trợ có thể sử dụng thường rất khác nhau. Cơ sở hữu ích để phân biệt giữa các nguồn lực là tính trực tiếp mà chúng được kiểm soát. Theo nghĩa này, những người bảo trợ có thể dựa vào a) tri ​​thức và kỹ năng của riêng họ, b) quyền kiểm soát trực tiếp tài sản bất động sản cá nhân, hoặc c) quyền kiểm soát gián tiếp đối với tài sản hoặc quyền hạn của những người khác (thường là của công chúng). Các nguồn lực về kỹ năng và tri ​​thức dễ nhận thấy nhất trong các vai trò của luật sư, bác sĩ, người biết chữ, chỉ huy quân sự địa phương, các thầy – có đạo hoặc thế tục. Những người được trang bị những kỹ năng này kiểm soát các nguồn lực khan hiếm hơn là có thể nâng cao địa vị xã hội, sức khỏe hoặc phúc lợi vật chất của những kẻ khác. Vì những nguồn tài nguyên đó dựa vào tri ​​thức nên chúng ít bị hư hỏng hơn những nguồn tài nguyên khác - mặc dù vòng đời của chuyên gia là hữu hạn - nhưng có thể được sử dụng lại nhiều lần mà không bị suy giảm.

Những nguồn lực đó là tương đối, chứ không tuyệt đối, an toàn. Ví dụ, trong trường hợp luật sư và người có học, giá trao đổi của các dịch vụ của họ phụ thuộc vào sự tồn tại liên tục của hệ thống tòa án và sự tôn sùng một truyền thống hiếu học cụ thể, mà cả hai đều phụ thuộc vào những thay đổi. Tương tự như vậy, giá trị của sự bảo vệ của một thủ lĩnh quân sự địa phương cũng dễ bị mất giá khi nhà nước dân tộc đã thiết lập luật pháp và trật tự cho cả địa phương của ông ta. Phụ thuộc vào quyền kiểm soát trực tiếp bất động sản là phương tiện phổ biến thứ hai để tạo dựng được những tập hợp khách hàng. Theo truyền thống, người bảo trợ chủ chốt kiểm soát nguồn đất đai khan hiếm. Những người mà ông ta cho phép canh tác khoảng đất đó với tư cách là người chia sẻ-hoa lợi hoặc người thuê đất trở nên có nghĩa vụ vĩnh viễn đối với ông ta trong việc cung cấp các phương tiện sinh sống của họ. Bất kỳ kẻ kinh doanh nào cũng ở vào lập trường tương tự; với tư cách là chủ của một nhà máy sản xuất thuốc lá, một nhà máy xay xát gạo hoặc một cửa hàng nhỏ, ông ta có thể bắt buộc nhiều người trong số những người có địa vị thấp hơn mà ông ta thuê, người mà ông ta cung cấp tín dụng cho hoặc người mà ông ta cung cấp việc làm phải có nghĩa vụ với ông ta. Nói chung, loại nguồn lực này dễ hỏng hơn các kỹ năng cá nhân. Chỉ những chủ đất có quá nhiều diện tích đất canh tác, một doanh nhân có nhiều việc làm, một chủ cửa hàng có rất nhiều tiền mặt, thì họ đều phải đầu tư cẩn thận những nguồn lực đó để mang lại lợi nhuận tối đa. Hơn nữa, giống như bất kỳ tài sản bất động sản nào, bất động sản tư nhân cũng có thể bị trưng thu hoặc bị hạn chế sử dụng.

Cơ sở tài nguyên thứ ba có sẵn cho khách hàng tiềm năng là thứ có thể được gọi là tài sản gián tiếp, dựa trên-chức vụ. Ở đây, chúng tôi đề cập đến những người bảo trợ tạo dựng tập hợp khách hàng dựa trên sức mạnh của quyền tự do phân phối phần thưởng do một bên thứ ba (các bên) nào đó đặt cho sự tin tưởng của họ. Một trưởng làng sử dụng quyền hạn của mình trong việc phân chia đất đai của công xã cho người nghèo hoặc phân bổ lao động bắt buộc và gánh nặng thuế má để mở rộng tập hợp khách hàng cá nhân của mình có lẽ là một ví dụ điển hình của quan hệ gia trưởng dựa trên-chức vụ truyền thống. Người ta có thể phân loại những người nắm giữ chức vụ tương tự ở các môi trường thuộc địa hoặc đương đại, những người có các loại quyền lực tùy ý đối với việc làm, thăng chức, hỗ trợ, phúc lợi, cấp phép, cho phép và đối với các giá trị khan hiếm khác có thể đóng vai trò là cơ sở của một mạng lưới những người tùng phục theo bổn phận cá nhân. Các chính trị gia và các nhà cai trị sử dụng chức vụ của họ theo cách này để tưởng thưởng cho khách hàng trong khi vi phạm các chuẩn mực chính thức về ứng xử nơi công cộng, tất nhiên đang hành động theo các nhũng lạm.

Cuối cùng, chúng ta nên bổ sung thêm những người nắm giữ các chức vụ thuộc khu vực tư nhân trong khu vực tư như quản lý đồn điền, đại lý thu mua và các ông chủ được thuê theo hợp đồng, những người cũng có thể sử dụng quyền hạn tùy ý của mình để nuôi dưỡng một tập hợp khách hàng. Tài sản gián tiếp dựa trên-chức vụ kém an toàn nhất ở nhiều khía cạnh, vì tính khả dụng của nó phụ thuộc vào tính liên tục vào cái địa vị dẫu sao cũng chỉ là được các bên thứ ba trao cho hoặc thu hồi lại bất kỳ lúc nào. Một chủ đất thường vẫn giữ lại được cơ sở địa phương của mình trong khi một người có chức vụ nào đó có khả năng bị một kẻ khác đánh bại tại các cuộc bầu bán, hoặc chỉ đơn giản là bởi một cuộc tranh giành quyền lực trong nhóm cầm quyền. Bất chấp các rủi ro liên quan, những vị trí này vẫn hấp dẫn bởi vì các nguồn lực được kết nối với nhiều người trong số họ lớn hơn nhiều so với những nguồn lực mà một cá nhân có thể tích lũy trực tiếp. Các loại nguồn lực vừa thảo luận không loại trừ lẫn nhau. Ví dụ, một người bảo trợ thường có một khách hàng có bổn phận đối với ông ta bằng cách trở thành người thuê đất của ông ta và còn bằng cách đảm bảo một khoản vốn vay nông nghiệp thông qua quyền lực của địa vị chủ tịch đảng cầm quyền địa phương của người bảo trợ. Do đó, các nguồn lực củng cố mối quan hệ mang tính chất cặp đôi có thể là vô số - mà vấn đề thường là quyết định những gì là các nguồn lực chiếm ưu thế. Phần lớn có thể áp dụng phân tích tương tự với cụm hoặc mạng khách hàng, vì một người bảo trợ có thể có các khách hàng bị ràng buộc với ông ta bởi các nguồn lực khá khác nhau, và điều quan trọng là phải xác định xem nguồn lực chính là gì để sử dụng làm công cụ kết nối cụm khách hàng lại với nhau.

Cơ sở Tài nguyên của Khách hàng

Với tư cách là thành viên khác của một cặp quan hệ có đi có lại, khách hàng có nghĩa vụ phải cung cấp hỗ trợ và dịch vụ khi người bảo trợ yêu cầu. Sự khác biệt về bản chất của sự hỗ trợ như vậy là một phương tiện khác để phân biệt một cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng với một cặp khác. Ở đây vấn đề cần phải phân biệt là: (1) dịch vụ lao động và hỗ trợ kinh tế do người thuê đất hoặc người làm mướn cung cấp; (2) nhiệm vụ quân sự hoặc các vụ chém giết, chẳng hạn như những vụ việc do các thành viên của một băng nhóm thực hiện cho thủ lĩnh của họ; và (3) các nhiệm vụ chính trị như vận động bầu cử hoặc hoạt động như một người đại diện cho một chính trị gia. Trong phạm vi “nhiệm vụ chính trị”, cần phải tách các nhiệm vụ bầu cử ra khỏi sự trợ giúp chính trị không liên quan đến bầu cử. Cần phải nhấn mạnh thêm là thuật ngữ “khách hàng” có thể bao gồm cả những người ở giữa kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng - là khách hàng của ai đó có địa vị cao hơn, và là người bảo trợ cho những ai đó có dịa vị thấp hơn. Trong trường hợp này, người bảo trợ cao hơn sẽ quan tâm đến các dịch vụ tiềm năng của khách hàng, mà các dịch vụ đó sẽ bao gồm quy mô, kỹ năng, tài sản và vị thế của chính nhóm tùng phục của riêng người khách hàng cấp dưới. Cũng giống như cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng có thể được phân biệt bằng cơ sở nguồn lực chính của tập hợp khách hàng, do đó, có thể phân loại một cụm người bảo trợ-khách hàng theo mô thức hình thái các dịch vụ khách hàng cho toàn bộ cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng.

Cân bằng các Quan hệ Tình cảm và Công cụ

Theo định nghĩa, các mối quan hệ công cụ đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Tuy nhiên, có thể phân loại các cặp quan hệ như vậy theo mức độ mà các ràng buộc tình cảm cũng tham gia vào mối quan hệ đó. Ở một đầu của chuỗi liên tục này, người ta có thể đặt các ràng buộc người bảo trợ-khách hàng, ngoài đặc tính công cụ của chúng, còn được củng cố bởi các gắn kết tình cảm ngày càng phát triển, chẳng hạn, từ người bảo trợ và khách hàng từng là bạn học, là đồng hương, là họ hàng xa, hay chỉ đơn giản là yêu thương quý mến nhau. Một mặt, phần thưởng tình cảm khả dĩ so sánh cũng có thể bắt nguồn từ việc trao đổi sự tôn quý, và mặt khác, càng cao sang thì trách nhiệm càng lớn trong một mạng vị thế của xã hội nông dân ổn định - phần thưởng có giá trị vượt ra ngoài sự trao đổi vật chất mà chúng thường bao hàm.29 Ở đầu khác của chuỗi, có một mối ràng buộc mang tính cặp đôi gần hơn nhiều với sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ gần như trung tính. Mối quan hệ càng thuần túy mang tính cưỡng chế và càng ít tính hợp thức truyền thống, thì khả năng ràng buộc tình cảm sẽ càng ít. Sự phân biệt này có giá trị phân tích rõ ràng. 

Nếu xem xét toàn bộ những quan hệ tùng phục của một người bảo trợ, chúng ta sẽ có thể phân loại từng loại ràng buộc chiều dọc theo tỷ lệ tình cảm so với phần thưởng công cụ có liên quan. (Tất nhiên, người ta có thể làm điều tương tự đối với các liên minh ngang. Sử dụng tiêu chí này, chúng ta có thể xác định một tập hợp những người đi theo, trong đó tỷ lệ quan hệ tình cảm so với các mối quan hệ công cụ là tương đối cao, có thể phản ánh quan hệ họ hàng xa, mối quan hệ làng xã hoặc hàng xóm cũ hoặc các ràng buộc có thể so sánh được. Lòng trung thành của nhóm người tùng phục này có lẽ ít phụ thuộc vào dòng lợi ích vật chất liên tục, đơn giản bởi vì lòng trung thành của họ một phần dựa trên những trao đổi phi vật chất. Khi vượt ra ngoài quan hệ tùng phục về phần tình cảm đối với những người ủng hộ khác của một người bảo trợ, thì trọng lượng của các quan hệ dụng cụ, thường là vật chất, trở nên tương đối quan trọng hơn. Bản chất của việc đi theo một người - sự cân bằng giữa các mối quan hệ tình cảm với các ràng buộc công cụ buộc khách hàng của ông ta phải có nghĩa vụ với ông ta - có thể cho chúng ta biết điều gì đó về sự ổn định của nó trong các điều kiện khác nhau. Khi một người bảo trợ gia tăng cơ sở nguồn lực vật chất của mình, thì lượng tùng phục mang tính công cụ của ông ta sẽ có xu hướng phát triển nhanh chóng, còn khi ông ta suy giảm nguồn lực vật chất, thì lượng tùng phục kia cũng sẽ giảm đi nhanh chóng, vì lúc đó khách hàng sẽ tìm kiếm một nhà lãnh đạo có triển vọng hơn. Về nguyên tắc, mức độ phụ thuộc vào các khuyến khích vật chất trong phạm vi tùng phục chính là một phẩm chất có thể đo lường bằng cách thiết lập mức độ lớn hơn mức phần thưởng vật chất hiện tại mà một người bảo trợ đối địch phải cung cấp để loại bỏ một số lượng nhất định khách hàng của người bảo trợ khác.

Sự phân biệt tình cảm - công cụ vừa được thực hiện dẫn đến sự phân biệt tương tự, nhưng không giống hệt nhau, giữa nhóm tùng phục hạt nhân và nhóm tùng phục ngoại vi của một người bảo trợ. Những hạng mục này thực sự được phân phối dọc theo một chuỗi liên tục; ở nhóm ngoại vi của một người bảo trợ là những khách hàng tương đối dễ tách rời trong khi nhóm hạt nhân lại là những người có mối gắn bó chặt chẽ hơn với ông ta. Nhóm ngoại vi bao gồm các khách hàng bị ràng buộc phần lớn bởi các phần thưởng công cụ, trong khi nhóm hạt nhân lại bao gồm các khách hàng gắn kết bởi các mối quan hệ tình cảm bền chặt, cũng như các khách hàng bị thu hút bởi một người bảo trợ nhờ vào các mối ràng buộc công cụ mạnh mẽ đến mức các ràng buộc đó dường như không thể phá vỡ.30 Điều đó, thực tế, rốt cuộc là để phân biệt giữa sự tùng phục hầu như không thể cưỡng lại đối với một người bảo trợ và sự sự tùng phục ít ​​nhiều dao động, tùng phục theo kiểu “phù thịnh” (fair-weather) đối với một người bảo trợ. Theo đó, những người bảo trợ có thể được phân biệt bằng kích cỡ nhóm hạt nhân - so với kích cỡ nhóm ngoại vi của họ. Một chủ đất hoặc một doanh nhân nói chung sẽ có một nhóm nhóm hạt nhân khá lớn bao gồm cả bạn bè, người thân của anh ta, v.v. và những người thuê đất hoặc người làm của ông ta. Nhóm hạt nhân này là nhóm theo ông ta ngay từ đầu; tập hợp khách hàng của ông ta có thể phát triển lớn hơn, nhưng lại không có khả năng gắn kết hơn so với nhóm hạt nhân bền chặt này.

Mặt khác, một chính trị gia hoặc quan chức, trừ khi anh ta giàu có một cách kín đáo, còn có khả năng có một nhóm hạt nhân tương đối nhỏ hơn bao gồm chủ yếu là những người mà anh ta có mối ràng buộc tình cảm mạnh mẽ và do đó, còn lại một tỷ lệ tương đối lớn là loại khách hàng “phù thịnh”. Những tai họa may rủi mà một chính trị gia hoặc kẻ cai trị như vậy phải gánh chịu nhiều khả năng được bộc lộ ngay lập tức và bộc lộ hết qua thực trạng suy giảm quy mô khách hàng của ông ta, mà phần lớn là một sự suy giảm có tính toán. Các chính trị gia và quan chức, bởi vì họ có lượng khách hàng thuộc nhóm hạt nhân nhỏ hơn, và bởi vì họ có thể, thông qua chức vụ của mình, thường khai thác các nguồn lực to lớn, có xu hướng có những phẩm chất hoạnh phát (meteoric qualities) với tư cách là những người bảo trợ; ngược lại, chủ đất nếu có lu mờ đi thì vẫn có khả năng tạo ra thứ ánh sáng ổn định hơn.

Cân bằng giữa Tự nguyện và Ép buộc

Có sự khác biệt rõ ràng và quan trọng về mức độ ép buộc liên quan đến mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Ở một đầu, các khách hàng hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo người bảo trợ, là người trực tiếp kiểm soát các phương tiện sinh tồn của họ. Ở đây, người ta có thể đặt một tá điền mà chủ đất của ông ta đảm bảo cung cấp an ninh vật chất, đất đai, nông cụ và hạt giống cho ông ta, trong một bối cảnh xã hội mà đất đai khan hiếm và đầy rẫy bất an. Gần gũi nhất với trung tâm của chuỗi liên tục này có lẽ là các mối ràng buộc giữa các tiểu nông độc lập, những người phụ thuộc vào chủ đất để thu hoạch mùa màng và bán được hoa màu của họ, để thanh toán cho các khoản vay nhỏ và để có được sự hỗ trợ của cảnh sát và chính quyền địa phương. Những ràng buộc như vậy vẫn dựa trên sự bất bình đẳng, nhưng khách hàng cũng có một số năng lực để thương lượng, chứ không chỉ đơn giản là lọt thỏm trong tay người bảo trợ của mình. Cuối cùng, có lẽ là hệ thống bầu cử đã cung cấp cho khách hàng một nguồn lực mới và đã thúc đẩy sự cạnh tranh giữa những người bảo trợ để thu hút được những người đi theo vốn có thể xoay chuyển được kết quả cuộc bầu cử có lợi cho họ. Trong trường hợp này, sự bất bình đẳng về sức mạnh thương lượng càng bị giảm đi và khách hàng gần như trở thành một tác nhân chính trị độc lập mà những yêu cầu của họ sẽ phải được lắng nghê và xem xét đầy đủ từ người bảo trợ của mình. Nói chung, mức độ áp lực của khách hàng trở nên lớn hơn khi các dịch vụ của người bảo trợ mang tính sống còn, khi ông ta thực hiện độc quyền phân phối hàng hóa và nguồn lực của mình và khi ông ta có ít nhu cầu đối với bản thân khách hàng. Quyền tự do của khách hàng được nâng cao nhất khi có nhiều nhà bảo trợ mà dịch vụ của họ không quan trọng và bản thân họ phải cạnh tranh với nhau để tập hợp được một nhóm khách hàng lớn - chẳng hạn như vì mục đích bầu cử. Quyền lực cưỡng chế của người bảo trợ đối với khách hàng của mình càng lớn, thì số phần thưởng mà người bảo trợ phải cung cấp để giữ chân khách hàng càng ít.

Người bảo trợ ở vào vị thế mạnh mẽ sẽ có nhiều khả năng sử dụng các biện pháp khống chế -đe dọa để trừng phạt khách hàng hoặc rút lại các lợi ích mà khách hàng đang hưởng – trong trường hợp người bảo trợ tương đối yếu hơn thì có nhiều khả năng ông ta sẽ đưa ra những lời dụ dỗ - hứa hẹn tưởng thưởng cho khách hàng những lợi ích mà khách hàng hiện không được hưởng. Trong mỗi trường hợp, quyền kiểm soát tối thượng đối với các nguồn lực được sử dụng để đạt được sự tuân thủ của những khách hàng tòng phục, nhưng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt cho thấy một trật tự quyền lực cao hơn so với việc sử dụng thủ pháp dụ dỗ. Việc đánh giá về sự cân bằng mang tính cưỡng chế và về tỷ lệ giữa thủ pháp trừng phạt so với thủ pháp dụ dỗ có thể được thực hiện không chỉ đối với một cặp quan hệ mà còn đối với một cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Cụm của một thủ lĩnh hùng mạnh địa phương với một lực lượng quân đội tư nhân có thể được giữ nguyên vẹn bằng sự kết hợp giữa lòng tôn kính và các biện pháp trừng phạt, trong khi một chính trị gia vận động tranh cử có thể xây dựng một cụm khách hàng đi theo chỉ đơn giản với sự ủng hộ nếu ông ta không có quyền lực cưỡng bức hoặc tính hợp thức truyền thống. Mỗi cụm hoặc kim tự tháp quan hệ người bảo trợ-khách hàng đều có tính đặc biệt dễ bị tổn thương của nó. Cụm ép buộc sẽ bị hủy hoại bởi sự vi phạm độc quyền quyền lực địa phương của người bảo trợ, còn cụm dựa vào dụ dỗ sẽ gặp rủi ro nếu thu nhập hoặc quyền tiếp cận công quỹ của người lãnh đạo bị cắt mất.

Độ bền theo Thời gian

Các cặp quan hệ người bảo trợ-khách hàng có thể là phù du sớm nở tối tàn, hoặc cũng có thể tồn tại trong thời gian dài.32 [“Mỗi cá nhân tiếp xúc với một số người, một số người trong số họ trực tiếp tiếp xúc với nhau, còn một số người thì không… Tôi thấy thật thuận tiện khi nói về một lĩnh vực xã hội kiểu này như một mạng. Hình ảnh tôi có là một tập hợp các điểm, một số điểm được nối bằng các đường. Các điểm của hình ảnh đó là những cá nhân hoặc đôi khi là các nhóm, còn các đường biểu thị các cá nhân tương tác với nhau. Tất nhiên, chúng ta có thể nghĩ đến toàn bộ đời sống xã hội đang tạo ra một mạng lưới kiểu này”. [(Barnes, J. A. 1954 “Class and committees in a Norwegian island parrish.”, p.43, in Human Relations 7, pp. 39-58.) HHN] Khái niệm mạng xã hội nằm giữa sự nhấn mạnh của xã hội học vào nhóm, còn nhân học xã hội thì nhấn mạnh vào cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hình ảnh phức tạp về các chuỗi cá nhân mà một cá nhân nào đó tương tác với họ có các đặc điểm cấu trúc có thể đo lường được. Phân tích mạng tuân theo các tương tác này sao cho đơn vị phân tích trong nghiên cứu mạng không phải là hành vi cá nhân hay thậm chí là các liên kết cặp đôi, mà là bối cảnh xã hội, trong đó xuất hiện các hành vi cá nhân và các liên kết cặp đôi. Mô hình ấy có thể ứng dụng cho các lĩnh vực chính trị, quan hệ họ hàng và các nhóm chính thức để xem xét cụ thể hàng loạt chuỗi liên kết có thể tạo cơ sở cho việc huy động mọi người vào các mục đích cụ thể trong một số tình huống nhất định (Whitten và Wolf, 1973: Network analysis, pp. 717-746 in John J. Honigman (ed.), Handbook of Social and Cultural Anthropology. Chicago: Rand McNally Publishing Co.) HHN]. Trong môi trường truyền thống, chúng có khả năng tồn tại cho đến khi một trong các đối tác chết đi. Việc biết rõ về độ bền của những mối quan hệ như vậy cũng có thể cho chúng ta biết điều gì đó về cấu trúc của sự cạnh tranh theo thời gian. Ở những nơi các quan hệ cặp tồn tại dai dẳng, chúng có xu hướng tạo ra các cấu trúc bè phái bền chặt, liên tục về nhân sự theo thời gian, ít nhất là các cụm hoặc kim tự tháp quan hệ ổn định có thể tái hợp theo nhiều cách khác nhau nhưng được xây dựng từ các thành phần giống nhau. Ở những nơi mà các quan hệ cặp đôi mong manh, thì các liên kết cá nhân có thể trải qua một quá trình sắp xếp lại gần như hoàn toàn trong vòng một thập kỷ. Vì các cụm quan hệ người bảo trợ-khách hàng suy cho cùng đều dựa trên các mối quan hệ quyền lực, nên chúng sẽ tồn tại ổn định nhất trong một bối cảnh ổn định nhằm duy trì các vị trí quyền lực hiện có. Do đó, một người bảo trợ cụ thể sẽ giữ chân khách hàng của mình chừng nào ông ta vẫn tiếp tục thống trị việc cung cấp các dịch vụ mà khách hàng cần. Một người bảo trợ cũng có khả năng giữ những người tòng phục mình nếu phạm vi mối quan hệ có đi có lại ràng buộc họ lớn hơn. Nghĩa là, người bảo trợ càng đáp ứng được nhiều nhu cầu sống còn của khách hàng (tức là, nếu ông ta có thể không chỉ cung cấp đất đai và an ninh mà còn có ảnh hưởng đến hệ thống quản lý, giúp thu xếp thế chấp hoặc việc học hành của con cái họ, v.v.), thì mối gắn kết thường xuyên và bền chặt càng có xu hướng phát triển lâu dài. So với những người bảo trợ chỉ có thể cung cấp các dịch vụ pháp lý, chỉ hỗ trợ tài chính, hoặc chỉ đem lại các lợi thế về giáo dục, thì mối liên kết đa dạng giữa người bảo trợ và khách hàng là một liên kết vững chắc phục vụ nhiều nhu cầu; vì nó mang tính chất gắn kết cá nhân-tổng thể hơn, nó sẽ tạo thành hành động thường xuyên.

Tính Đồng nhất của Nhóm tùng phục. Một người bảo trợ có thể có một nhóm người tùng phục (đi theo) không đồng nhất thu hút từ mọi tầng lớp xã hội, hoặc ông ta có thể có một nhóm tùng phục, bao gồm, chẳng hạn, chỉ những người lĩnh canh nghèo (share-croppers) của ông ta hoặc chỉ những thuộc hạ giúp việc trong văn phòng của ông ta.33 Tỷ lệ những người ủng hộ một người bảo trợ có chung các đặc điểm xã hội và nét nổi bật của những đặc điểm xã hội đó đối với họ tạo thành thước đo mức độ đồng nhất của một nhóm người tùng phục. Theo định nghĩa, vì một người bảo trợ có địa vị xã hội cao hơn so với các khách hàng của ông ta, nên tính đồng nhất của nhóm tùng phục càng lớn, thì lợi ích tiềm ẩn được chia sẻ giữa những người tùng phục có thể càng đe dọa mối quan hệ đó. Ví dụ, khi một người bảo trợ là chủ đất, có các khách hàng là thuê đất của ông ta, bán tháo những khoảng đất đồng cỏ chung, thì tất cả những người thuê đất của ông ta đều bị ảnh hưởng như nhau. Tình huống và những trải nghiệm chung của họ trong bối cảnh đó tạo ra tiềm năng cho các mối quan hệ theo chiều ngang, trong khi một nhóm khách hàng không đồng nhất lại thiếu tiềm năng này.

Biến số Thực địa

Đôi khi, chúng tôi sẽ muốn mô tả và đối chiếu cấu hình của các cụm người bảo trợ-khách hàng trong một lĩnh vực chính trị hơn là xử lý một cụm hoặc cặp quan hệ đơn lẻ. Bốn khác biệt đặc biệt hữu ích về phương diện này là a) mức độ độc quyền của một người bảo trợ đối với các nguồn lực địa phương; b) mức độ độc quyền của một người bảo trợ đối với các liên kết với những cấu trúc khác; c) mật độ các liên kết người bảo trợ-khách hàng trong dân số34; và d) mức độ phân biệt giữa các kim tự tháp và các cụm quan hệ người bảo trợ-khách hàng khác nhau. Hai biến số đầu tiên là rất rõ ràng và đo lường mức độ thống trị của người bảo trợ đối với các nguồn lực địa phương và vượt khỏi địa phương. “Mật độ” đề cập đến tỷ lệ dân số nhất định là một phần của mạng quan hệ người bảo trợ-khách hàng. Trong một số tình huống, ví dụ, một phần lớn các tầng lớp thấp hơn có thể không thực sự có bất kỳ mối liên kết dọc nào của khách hàng với người bảo trợ. Để đánh giá một cách chính xác sức mạnh giải thích của chính trị người bảo trợ-khách hàng trong một lĩnh vực chính trị, đòi hỏi chúng ta phải biết mối quan hệ như vậy có hiệu quả ở mức độ dân số như thế nào. Cuối cùng, mức độ khác biệt giữa các cụm là một phương tiện để nhận biết liệu một cụm trông khá giống cụm tiếp theo hay liệu nhiều cụm có khác biệt về kinh tế - xã hội hay không. Trong bối cảnh phong kiến ​​ cổ điển, cấu trúc kim tự tháp của một lãnh địa nhỏ thuộc một lãnh chúa tương tự như cấu trúc kim tự tháp của người láng giềng - cấu trúc xã hội của cảnh quan giống như một mô thức giấy dán tường, lặp lại - do đó, tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị gần như giống nhau. Trong trường hợp khác, các kim tự tháp có thể được phân biệt bởi nghề nghiệp chiếm ưu thế, bởi liên hệ thể chế, v.v. để những hạt giống của một lợi ích đặc biệt và lâu bền được gieo trồng.

______________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: (Scott, James C. 1972). Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia, In American Political Science Review, 1972, vol. 66, issue 1, pp. 91-113.      

Tác giả: James C. Scott (sinh ngày 2 tháng 12 năm 1936) là một nhà khoa học chính trị và nhân học người Mỹ chuyên về chính trị so sánh. Ông là một học giả chuyên nghiên cứu so sánh về các xã hội nông nghiệp và xã hội phi nhà nước, chính trị tập quyền và chủ nghĩa vô chính phủ. Nghiên cứu chính của ông tập trung vào nông dân Đông Nam Á và các chiến lược chống lại các hình thức thống trị khác nhau của họ. Scott nhận bằng cử nhân của trường Cao đẳng Williams và bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về khoa học chính trị từ Yale. Ông giảng dạy tại Đại học Wisconsin – Madison cho đến năm 1976 và sau đó tại Yale, nơi ông là Giáo sư Khoa học Chính trị Sterling. Từ năm 1991, ông đã chỉ đạo Chương trình Nghiên cứu Nông nghiệp của Yale. Ông là một học giả có ảnh hưởng lớn về lĩnh vực dân tộc học.

Ghi chú

29. There is no contradiction, I believe, in holding that a patron-client link originates in a power relationship and also holding that genuine affective ties reinforce that link. Affective ties often help legitimate a relationship that is rooted in inequality. For an argument that, in contrast, begins with the assumption that some cultures engender a psychological need for dependence, see Dominique 0. Mannoni, Prospero and Caliban: The Psychology of Colonization (New York: Praeger, 1964).

30. F. G. Bailey uses the terms "core" and "support" in much the same fashion: see his "Parapolitical Systems," in Swartz, ed., Local-Level Politics, pp. 281- 294.

31.  Here I follow the distinctions made in Blau, Exchange and Power in Social Life, pp. 115-118. Other power theorists have made the same distinction.

32. Both J. A. Barnes, "Networks and Political Process," in Swartz, pp. 107-130, and Powell, Peasant Society . p. 413, discuss this variable.

33. This variable thus relates not to a dyad but to the following in a cluster or pyramid.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét