Powered By Blogger

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Chính trị Làng xã (I)

(HHN-Tổng quan Tài liệu cho BCN CTKHCN NTM 2016-2020, vì vậy Tài liệu này thuộc quyền của BCN, và mọi cách trích dẫn, sử dụng đều không hợp thức nếu chưa được sự đồng ý của BCN CTKHCN NTM)

1. Khái niệm Nông dân

Việc định nghĩa “nông dân” và “giai cấp nông dân” trải qua một lịch sử lâu dài, phức tạp và gây tranh cãi, được đưa ra vì các mục đích khác nhau, bao gồm kiểm soát xã hội, bảo vệ pháp lý, phân tích khoa học xã hội, hành động chính trị hoặc thuần túy mô tả. Hơn nữa, các thuật ngữ có cùng nguồn gốc, nói về cùng nhóm đối tượng trong các ngôn ngữ khác nhau hầu như lại không bao giờ hoàn toàn đồng nghĩa, ví dụ: “peasant” trong tiếng Anh, “paysan” trong tiếng Pháp, “campesino” trong tiếng Tây Ban Nha, “payan” trong tiếng Hindi, “крестьянин [krest’ianin]” trong tiếng Nga, v.v.). Mặc dù các định nghĩa chuẩn mực dường như cố định đối tượng theo cách phi thời gian, nhưng trong thực tế, các định nghĩa về nông dân lại luôn thay đổi theo thời gian và thể hiện các mức độ chặt chẽ khác nhau (Edelman M. 2013: 2).

1.1. Định nghĩa Lịch sử về Nông dân

Từ “nông dân” (peasant) xuất hiện trong tiếng Anh vào cuối thời trung cổ, đầu thời hiện đại, được dùng để chỉ những người nghèo ở nông thôn, cư dân nông thôn, những người nông nô, lao động nông nghiệp và những người “bình dân” hoặc “thô phác” và được sử dụng là một động từ trong thời kỳ đó, “to peasant” có nghĩa là để nô dịch một kẻ nào đó, vì một người nông dân có nghĩa là một kẻ bị khuất phục. Các dạng Latin và Latin hóa trước đó trong tiếng Pháp, tiếng Castilian, tiếng Catalan, tiếng Occitan, v.v. có từ thế kỷ thứ sáu và biểu thị một cư dân nông thôn, có hoặc không tham gia vào nông nghiệp. Từ rất sớm, cả từ tiếng Anh “peasant”, lẫn từ tiếng Pháp “paysan” và các thuật ngữ tương tự, mang tính miệt thị với các nghĩa: “quê mùa, mộc mạc”, “dốt nát”, “ngu ngốc”, “dần độn” và “thô lỗ” (Oxford English Dictionary 2005, “Peasant, N. and Adj.”). Ở Đức thế kỷ mười ba, từ “Bauer„ - nông dân, có nghĩa là Bösewicht kẻ độc ác, Teufel ma quỷ, Räuber kẻ cướp, Plünderer kẻ cướp. (Le Goff, Jacques and Edmund King, 1972: 71) Những ý nghĩa xúc phạm này vừa biểu thị sự phục tùng cực độ của nông dân vừa thể hiện một thực hành phổ biến của giới tinh hoa là đổ lỗi cho nông dân về nhiều tệ nạn kinh tế và xã hội. Trong đó bao gồm việc miễn cưỡng phải làm việc chăm chỉ, vì kỳ vọng tiêu dùng của họ có vẻ dễ dàng thỏa mãn; việc sử dụng đất “không hiệu quả” và do đó cản trở “tiến bộ”; sinh quá nhiều con; và cấu thành một tầng lớp “nguy hiểm” không phù hợp hoặc không có khả năng trở thành công dân đầy đủ. Những tưởng tượng ấy của giới tinh hoa thường được tán thưởng để thúc đẩy các chính sách nhằm đẩy nông dân ra khỏi ruộng đất và biến họ thành những người lao động. (Handy J., 2009: 325-344). Đối với nhà nhân học George Dalton, “Nông dân là những kẻ thấp kém về luật pháp, chính trị, xã hội và kinh tế ở châu Âu thời Trung cổ. Sự phục tùng có cấu trúc của nông dân đối với những người không phải là nông dân được thể hiện theo nhiều cách, de jure rõ ràngde facto thực tế , từ những hạn chế về vận động thể chất của họ đến những hạn chế về chi tiêu cho các loại vũ khí, trang phục và trang sức mà họ có thể mặc và sử dụng, và thực phẩm mà họ có thể tiêu thụ một cách hợp pháp.” (Dalton G., 1972: 391) Vào cuối thế kỷ thứ mười tám ở Ireland do Anh cai trị, nông dân Công giáo bị cấm thuê đất trị giá hơn ba mươi shilling một năm và kiếm lợi nhuận từ ruộng đất hơn một phần ba số tiền thuê phải trả. (Ignatiev N., 1996: 34) Ở Nga cho đến năm 1861, nông dân đã tạo thành một thứ “bất động sản xã hội”, ràng buộc với tài sản của chủ đất, không có quyền di chuyển về địa lý (và những con người thuộc chế độ nông nô trực tiếp với nhà nước mãi cho đến năm 1867 mới được giải phóng. (Shanin T., 1972: 19) Các hình thức nô lệ tương tự cũng tồn tại lâu dài ở Nhật Bản và Trung Quốc. (Moore B. 1966) Ở phần lớn châu Mỹ Latinh, các hệ thống nợ nần và lao động không được trả công vẫn tồn tại mãi cho đến giữa thế kỷ XX (được gọi là “huasipungo” ở Ecuador, “colonato” ở Bolivia và Trung Mỹ, “yanaconaje” ở Peru, “inquilinaje” ở Chile, và “cambão” ở Brazil. (Barraclough Solon L., and Arthur L. Domike, 1966: 399) Trong một số trường hợp, có một cách thể hiện đặc biệt kỳ cục của quyền lực gia trưởng gợi lại tập quán jus primae noctis của châu Âu thời Trung cổ, nông dân Mỹ Latinh phải cung cấp cho con gái của họ để thỏa mãn khoái lạc tình dục cho các chủ đất. (Huizer G., 1973: 9)

1.2. Định nghĩa Nhân học về Nông dân

Trong những năm 1960 và 1970, nông dân đã kích thích sự quan tâm mới của các nhà khoa học xã hội. Trong nửa thế kỷ trước, các cuộc cách mạng và chiến tranh nông dân — ở Mexico, Trung Quốc, Algeria và Việt Nam, cùng những nơi khác — cho thấy rằng nông dân đã trở thành những nhân vật chính quan trọng. (Wolf, Eric R., 1969). Yêu cầu phát triển trong cái mà sau đó được gọi rộng rãi là “Thế giới Thứ ba” thúc đẩy hiểu biết sâu sắc về dân cư nông thôn. Cạnh tranh địa chính trị Đông-Tây và các cuộc đấu tranh chống thực dân lan rộng cũng làm dấy lên mối lo ngại về tầng lớp nông dân, vào thời điểm đó và theo mọi định nghĩa tầng lớp này đều chiếm đa số nhân loại (Edelman M., 2013: 5). Những nỗ lực ban đầu của các nhà nhân học trong việc định nghĩa nông dân đều nhấn mạnh rằng tầng lớp nông dân xuất hiện là để cung ứng cho các thành phố và các đô thị thị trường hàng đầu. Vì vậy, phạm trù “nông dân” chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ với một xã hội lớn hơn bao gồm những người không phải là nông dân. Các định nghĩa như vậy có xu hướng phổ biến hơn, thường bao gồm các nghệ nhân nông thôn, các quần thể ngư dân, người chăn nuôi và thợ mỏ quy mô nhỏ cùng với những người sản xuất nông nghiệp (Edelman M., 2013: 5). Một số học giả nhấn mạnh các đặc điểm chung về văn hóa hoặc “dân gian” của nông dân, (Silverman S., 1979: 49-69) trong khi những người khác, đặc biệt là Eric R. Wolf, tìm cách phân định các “loại hình” cấu trúc xã hội, dựa trên thực tế là họ có được bảo đảm quyền đất đai không, hay là người thuê đất, người lĩnh canh hoặc cư dân lao động trên các điền sản của chủ đất. (Wolf, Eric R. 1969).

“Nông dân tự cấp” (peasants) có xu hướng được phân biệt với “nông dân sản xuất hàng hóa” (farmers), vì “nông dân tự cấp” sản xuất cây trồng vật nuôi chủ yếu nhằm mục đích để tồn tại và duy trì địa vị xã hội của họ thay vì đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của họ, như của trường hợp “nông dân sản xuất hàng hóa”. (Wolf, Eric R., 1955: 452-471) Ở một số khu vực tách biệt hẳn trên thế giới, chẳng hạn như ở phần lớn châu Mỹ Latinh và Indonesia, nông dân sống trong các “cộng đồng hợp nhất” lãnh thổ, cấm là thành viên của bất kỳ cộng đồng bên ngoài nào, có độc quyền đối với đất đai và tái phân phối của cải thặng dư một cách có hệ thống thông qua các khoản chi tiêu theo nghi thức bắt buộc. (Edelman M., 2013: 5) Đúng như David Mosse đã chỉ ra, “hầu hết mọi khu vực trên thế giới từng trải qua chế độ thuộc địa đều có một số hình thức “chính quyền thông qua cộng đồng”. (Mosse D., (2008: 83) Những cộng đồng “đóng cửa” này tương phản với những cộng đồng khác ở những nơi khác có chế độ cư trú mở hơn, các mối quan hệ tài sản và thị trường trôi chảy hơn, và sản xuất hoa màu có quy mô lớn hơn. (Wolf, Eric R., 1957: 1-18; Wolf, Eric R., 1986: 325-329). Wolf lập luận thêm rằng nông dân luôn có đặc trưng phải tạo ra một “quỹ thay thế” cung cấp một lượng calo tối thiểu và đảm bảo tái sản xuất sinh học; một “quỹ nghi lễ” để hỗ trợ việc cưới cheo, lễ hội cộng đồng và các trách nhiệm xã hội khác; và “quỹ địa tô” bao gồm tài sản lao động, sản phẩm hoặc tiền được chuyển cho người bảo trợ hoặc các giới chức cao hơn, chẳng hạn như chủ đất, người cho vay tiền, người môi giới, chức sắc tôn giáo và người thu thuế. (Wolf, Eric R., 1966)

Teodor Shanin, một trong những học giả hàng đầu nghiên cứu nông dân, đã định nghĩa giai cấp nông dân có “bốn khía cạnh thiết yếu và liên kết với nhau”: i) Trang trại gia đình là đơn vị đa chức năng cơ bản về tổ chức xã hội; ii) chăn nuôi trên đất đai và thường là chăn nuôi gia súc là phương tiện sinh kế chính; iii) một nền văn hóa truyền thống cụ thể gắn liền với lối sống của các cộng đồng nông thôn nhỏ; và iv) sự phục tùng đa hướng vào những kẻ có quyền lực bên ngoài. Bên cạnh đó, ông còn nhận ra sự tồn tại của “một số nhóm bên lề về mặt phân tích chia sẻ hầu hết với phần “cốt lõi cứng” của tầng lớp nông dân nhưng không phải tất cả các đặc điểm chính của nó”. (Shanin T., 1973: 63-64) Các nhóm này bao gồm “người lao động nông nghiệp không có trang trại theo đúng nghĩa, thợ thủ công nông thôn có ít đất hoặc không có đất đai, người chiếm đất bất hợp pháp vùng hẻo lánh, hoặc nông dân có vũ trang, những người đôi khi thoát khỏi sự khuất phục chính trị hàng thế kỷ ở các vùng biên giới hoặc các vùng núi,” cũng như những người chăn gia súc và “nông dân-làm công” trong các cộng đồng công nghiệp hiện đại.” (Shanin T., 1971: 16) Đồng tình với hướng tiếp cận tổng thể trong các định nghĩa của Wolf và của Shanin, Mintz cho rằng “không ở đâu các tầng lớp nông dân tạo thành một khối đồng nhất, mà ở mọi nơi, mọi lúc đều là điển hình của sự phân hóa bên trong theo nhiều tuyến.” (Mintz S. W., 1973: 91-106) Ông cũng chỉ ra “cần phải có các định nghĩa tầm trung về các tầng lớp nông dân và các xã hội nông dân: các định nghĩa nằm ở giữa các xã hội nông dân thực sự trên cơ sở, và cấp độ khẳng định mang tính định nghĩa rộng nhất, đủ để mô tả tất cả các tầng lớp và các xã hội đó”. (Mintz S. W., 1973: 92) “Các định nghĩa hoặc các loại hình nông dân, sẽ phải liên quan đến những ‘hỗn hợp’ khác nhau của các giai tầng nông dân, hoặc các nhóm sắc tộc, trong các xã hội khác nhau”. (Mintz S. W., 1973: 94) Mặc dù thừa nhận tính không đồng nhất của các tầng lớp nông dân, nhưng Mintz vẫn miễn cưỡng định nghĩa “công nhân nông nghiệp không có đất, làm công ăn lương” là nông dân, vì họ bị chèn vào các loại quan hệ kinh tế rất khác nhau. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện rõ sự hoài nghi về định nghĩa này khi thừa nhận: sự tham gia đồng thời của các nhóm người khá lớn vào các hoạt động liên quan đến cả lao động làm công ăn lương ở nông thôn và sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. (Mintz S. W., 1973: 95) Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học xã hội tìm cách kết hợp khía cạnh giới vào cách hiểu về “người nông dân” và “tầng lớp nông dân”. Chẳng hạn, họ chỉ ra rằng hộ nông dân hoặc trang trại gia đình, mà Shanin coi là yếu tố tinh túy của nền kinh tế nông dân, thường được đặc trưng bởi sự phân công lao động theo giới và các mối quan hệ quyền lực nội bộ theo giới, mà ở nhiều khu vực trên thế giới, phụ nữ là các nhà nông nghiệp chủ yếu, và sự tham gia của phụ nữ vào nông nghiệp quy mô nhỏ và các hoạt động nông nghiệp phi-trang trại ở nông thôn dường như đang gia tăng, một phần là kết quả của sự gia tăng di cư của nam giới. (Appendini K. and M. De Luca, 2005: 913-930; Deere C. D., 1995: 52-53; Razavi S., 2009: 197-226) Những phân tích này đã điều chỉnh cơ bản định kiến ​​nam giới tiềm ẩn trong nhiều nỗ lực trước đó nhằm định nghĩa “nông dân” bất chấp hiện diện cả sự tham gia đáng kể của phụ nữ trong các hộ gia đình nông nghiệp nông thôn và việc họ thường xuyên bị biến mất trong các cuộc thảo luận về “giai cấp nông dân” và các vấn đề liên quan, chẳng hạn như cải cách nông nghiệp (Edelman M., 2013: 7).

Một số trào lưu tư tưởng học thuật, đặc biệt là những trào lưu chịu ảnh hưởng của nhân học văn hóa truyền thống, chủ nghĩa Marxism chính thống hoặc chủ nghĩa hậu hiện đại, đã bác bỏ khả năng định nghĩa “nông dân”. Một số nhà nhân chủng học văn hóa trong những năm 1960 nhấn mạnh rằng hầu hết những người canh tác ở nông thôn châu Phi là những “người bộ lạc” chứ không phải là “nông dân”, mặc dù vào những năm 1970, khoa học xã hội đều đồng thuận cho rằng những nhóm này phù hợp với các tiêu chí dành cho nông dân do Shanin và những người khác định nghĩa. (Fallers L. A., 1961: 108-110; Isaacman A. F., 1993: 206; Saul J. S., and R. Woods, 1971: 103-114 ). Henry Bernstein , theo quan điểm của chủ nghĩa Marxism, khẳng định rằng các thuật ngữ “nông dân” và “giai cấp nông dân” chỉ hữu ích khi xem xét “các xã hội tiền tư bản, hầu hết là nông dân quy mô nhỏ… và các quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản”. Theo ông, dưới chủ nghĩa tư bản, nông dân phân biệt thành các giai cấp “nông dân tư bản quy mô nhỏ, những người sản xuất hàng hóa nhỏ tương đối thành công và tầng lớp lao động làm công ăn lương”. (Bernstein H., 2010: 3-4) Nhà nhân học Anthony Leeds chê bai các học giả sử dụng thuật ngữ “nông dân”, cho rằng đó là “một thuật ngữ dân gian được áp dụng vào khoa học xã hội ”và “không hề có bất kỳ chút chính xác nào”. Ông khẳng định rằng khái niệm này đã nhầm lẫn giữa “các cá nhân”và “các vai trò”, đồng thời lưu ý rằng những người canh tác nông thôn liên tục chuyển sang và rời khỏi các vai trò khác nhau, bao gồm cả người làm công ăn lương, kẻ chiếm hữu bất hợp pháp, người thầu khoán công việc, công nhân dịch vụ đô thị (Leeds A., 1977: 228). Các học giả khác, trong khi không bác bỏ từ ngữ “nông dân”, nhưng vẫn lưu ý rằng người nghèo nông thôn tham gia vào “tính đa dạng nghề nghiệp”, một hiện tượng sau này được thảo luận rộng rãi là “tính hoạt động đa nguyên” (pluriactivity) hay “tân nông thôn tính” (new rurality). (Comitas L., 1973: 157-173; Kay C., 2008: 915-943)

Các nhà lý thuyết hậu hiện đại, chẳng hạn như Michael Kearney, cũng nhận xét về sự đa dạng của các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp mà người nghèo ở nông thôn thực hiện và coi đây là bằng chứng cho thấy khái niệm “nông dân” đã lỗi thời, đặc biệt trong thời đại gia tăng di cư và các chiến lược hộ gia đình xuyên quốc gia ở Mexico, là mẫu thực nghiệm chính của ông. (Kearney M. 1996) Ông đề xuất một tân dụng ngữ, “polybian”, để biểu thị những bản sắc đa phương diện và các thực hành sinh kế đặc trưng cho người nghèo nông thôn đương đại. Thật không may cho Kearney, cuốn sách của ông được phát hành ngay khi một cuộc nổi dậy lớn của nông dân và người bản địa diễn ra ở bang Chiapas, miền nam Mexico, được dẫn đầu bởi một phong trào nông dân rõ ràng đã tuyên bố khẳng định vai trò của nhà cách mạng đầu thế kỷ XX Emiliano Zapata. Trong khi cuộc nổi dậy của những người nông dân Zapatista, môn đồ của Zapata có xu hướng làm mất hiệu lực lập luận của Kearney về sự lỗi thời của thuật ngữ “nông dân”, thì nó đã chỉ ra sự thiếu sót đáng kể trong nhiều định nghĩa về “nông dân” mà các nhà khoa học xã hội đã tranh luận từ những năm 1960 (Edelman M., 2013: 8). Như Shanin đã lưu ý, nông dân “không chỉ là một kiến tạo mang tính phân tích… mà còn là một nhóm xã hội tồn tại trong ý thức tập thể và hành vi chính trị của các thành viên của nó.” (Shanin T., 1990: 69). Tương tự như vậy, “nông dân” không chỉ là một vai trò hay một vị trí cấu trúc xã hội, mà còn là một dạng thức bản sắc và tự-quy gán (và không nhất thiết phải là một dạng nguyên thủy hoặc tổng thể, vì nó có thể cùng tồn tại trong bản thân một con người cùng với nhiều bản sắc khác, từ “bản địa” đến “kẻ buôn bán vặt”, “di dân”, “giáo viên” hoặc “thợ điện”. (Edelman M., 2008: 251-252) Vì vậy, một số nhà khoa học xã hội cho rằng cái bộc lộ nhiều nhất về phạm trù “nông dân” là xem khi nào và tại sao nó được gọi như vậy, và ai gọi học như vậy. Tất nhiên, điều này thường liên quan đến các phong trào nông dân nghèo khổ, nhưng đôi khi nó cũng liên quan đến giới tinh hoa nông thôn, bao gồm cả các chủ đất lớn, những người tìm cách nâng cao vị thế của họ và tự nhận là “nông dân” vì các mục đích chính trị hoặc những mục đích khác. (Edelman M., 1999: 190-191)

Có lẽ là nỗ lực khoa học xã hội quan trọng nhất gần đây để lý thuyết hóa khái niệm “nông dân” và “giai cấp nông dân” là cuốn sách của Jan Douwe Van der Ploeg - The New Peasantries  - Tầng lớp Nông dân Mới. (Van der Ploeg, J. D., 2008)  Ông định vị “nông dân làm nông” theo một quy trình liên tục - chứ không phải là một phạm trù tương phản - với “nông nghiệp kinh doanh”. Các đặc điểm chính của “điều kiện nông dân” bao gồm giảm thiểu chi phí tiền tệ, đa dạng hóa hoa màu để giảm rủi ro kinh tế và môi trường, các mối quan hệ hợp tác cung cấp giải pháp thay thế cho các quan hệ tiền tệ và trao đổi thị trường, và đấu tranh giành quyền tự chủ, bao gồm các hình thức đạt được đầu vào-phi tiền tệ và lao động. (Van der Ploeg, J. D., 2008) Điều quan trọng là, Van de Ploeg coi những yếu tố này không chỉ là trung tâm đối với nông dân ở các nước đang phát triển mà còn đối với nhiều trang trại đa chức năng ở châu Âu và Bắc Mỹ dựa trên các nguyên tắc tương tự để đảm bảo sự tồn tại trong môi trường kinh tế đầy thách thức (Edelman M., 2013: 9). Cuối cùng, ông đối sánh “khả năng vô hình được tạo ra” của nông dân với “tính toàn năng” nổi bật của họ - hiện tại, ông cho rằng có nhiều nông dân hơn bao giờ hết trong lịch sử và họ vẫn chiếm khoảng hai phần năm nhân loại. (Van der Ploeg, J. D., 2008: xiv; Weis T., 2007: 25)

1.3. Định nghĩa Chính trị học về Nông dân

1.3.1. Thuật ngữ Nông dân trong Lĩnh vực Chính trị

Các thuật ngữ “peasant, campesino”, paysan” và các thuật ngữ để gọi nông dân trong các ngôn ngữ khác nhau là những dấu hiệu bản sắc lâu đời đã góp phần truyền cảm hứng cho hành động chính trị tập thể thuộc các phong trào nông thôn đa dạng. Trong những năm 1990, với sự gia tăng của các tổ chức nông nghiệp xuyên quốc gia như Vía Campesina, “là phong trào xã hội lớn nhất thế giới hiện nay”, (Provost C., 2013) nông dân đã có một hồ sơ chính trị toàn cầu nổi bật và nhãn hiệu “nông dân” đã tạo nên tiếng vang đương đại mới. (Saturnino M. Borras Jr., M. Edelman, and C. Kay, 2008: 169-204).

Khi định nghĩa “nông dân, thì những điều cần phải chú ý của các phong trào xã hội - đặc biệt là các phong trào xuyên quốc gia - khác với những điều cần phải chú ý của các nhà khoa học xã hội. Các nhà hoạt động chính trị thường tìm cách thu hút số lượng tối đa những người ủng hộ và đồng minh bằng cách tạo ra một mạng lưới rộng khắp, đồng thời giới hạn phong trào của họ để loại trừ những lĩnh vực không gây được thiện cảm hoặc trái ngược với mục tiêu của họ. Trong trường hợp “nông dân”, phong trào nông dân xuyên quốc gia La Via Campesina bao gồm các tổ chức quốc gia đại diện cho các thành phần cử tri khá đa dạng, từ công nhân nông thôn, người trồng trọt quy mô vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển đến nông dân thương mại quy mô vừa và nhỏ ở các nước phát triển thuộc Bắc Bán cầu. Quá trình nhóm các lĩnh vực đa dạng này lại trong một khuôn khổ duy nhất bao gồm việc nêu bật những mối quan tâm chung, như tính dễ bị tổn thương về kinh tế trong quá trình toàn cầu hóa các thị trường hàng hóa, rủi ro gia tăng do biến đổi khí hậu, và nhấn mạnh các lĩnh vực có thể xảy ra bất hòa hoặc lợi ích khác nhau, chẳng hạn việc trợ cấp nông trại của các nước đã phát triển gây bất lợi cho nông dân ở các nước đang phát triển. Duy trì ranh giới cho phong trào có nghĩa là hạn chế sự liên kết với các tổ chức có chung các nguyên tắc tối thiểu nhất định. Trên thực tế, nhiều tổ chức nông dân lớn bị loại khỏi Vía Campesina, không phải vì quy mô tài sản của các thành viên mà là vì sự ủng hộ của họ đối với tự do hóa thương mại, nông nghiệp thâm dụng hóa chất công nghiệp và cây trồng biến đổi gen. (Edelman M., 2013: 9)

Khái niệm bao trùm làm trung tâm cho định nghĩa của Vía Campesina về “nông dân” là “người của đất đai”. Điều này gần với nghĩa gốc của các thuật ngữ trong các ngôn ngữ Latin hóa, chẳng hạn như “campesino” và “payan”, theo nghĩa đen chỉ những người gốc gác nông thôn, cho dù họ có phải là người làm nông nghiệp hay không. Các nhà hoạt động chính trị nông nghiệp đương thời nhấn mạnh vào những điểm chung của “nông dân peasants” và “nông dân farmers”, thêm vào những lập luận giống như suy nghĩ của Jan Douwe Van de Ploeg (đã trích dẫn ở trên) về “tình trạng nông dân” dễ bị tổn thương về kinh tế kết hợp với nhiệm vụ giành quyền tự chủ. Các nhà hoạt động hoạt động chính trị nông nghiệp ngày nay thường sử dụng “nông dân peasants” và “nông dân farmers” thay thế cho nhau - trong trò chuyện, trong các phân tích bằng văn bản và cả trong tên gọi các phong trào của họ. Nếu thực sự nhìn vào nghĩa của từ "peasant", thì nó có nghĩa là “người của đất đai” (Edelman M., 2013: 10).

Vía Campesina với các tổ chức thành viên ở hơn 70 quốc gia, đã là lực lượng chính ủng hộ cho một công cụ quốc tế mới về quyền của nông dân. Trọng tâm “người của đất đai” được thể hiện rõ trong Điều 1 của Dự thảo Tuyên bố về Quyền của Nông dân năm 2009: Nông dân là đàn ông hay đàn bà của đất đai, có mối quan hệ trực tiếp và đặc biệt với đất đai và thiên nhiên thông qua sản xuất thực phẩm và / hoặc các sản phẩm nông nghiệp khác. Nông dân tự làm đất, trước hết dựa vào lao động gia đình và các hình thức tổ chức lao động quy mô nhỏ khác. Theo truyền thống, nông dân sống trong cộng đồng địa phương của họ và họ chăm sóc cảnh quan địa phương và các hệ thống sinh thái nông nghiệp. Thuật ngữ peasant nông dân có thể áp dụng cho bất kỳ người nào làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, du mục, thủ công mỹ nghệ liên quan đến nông nghiệp hoặc nghề nghiệp liên quan ở khu vực nông thôn. Thuật ngữ này bao gồm những người bản địa làm việc trên đất đai. Thuật ngữ peasant nông dân cũng áp dụng cho người không có đất. (Vía Campesina, 2009) Những nhóm nông dân sau được coi là không có đất và có khả năng gặp khó khăn trong việc đảm bảo sinh kế: i) Hộ gia đình lao động nông nghiệp có ít hoặc không có đất; ii) Hộ gia đình phi nông nghiệp ở nông thôn, ít hoặc không có đất, có các thành viên tham gia vào các hoạt động khác nhau như đánh cá, làm hàng thủ công cho thị trường địa phương hoặc cung cấp dịch vụ; iii) Các hộ gia đình nông thôn khác gồm những người chăn gia súc, du mục, nông dân du canh, săn bắn hái lượm và những người có sinh kế tương tự. (Via Campesina, 2009)

1.3.2. Khái niệm Chính trị Nông dân

Chính trị nông dân được quan niệm đơn giản là mọi hoạt động, mọi lực lượng và tổ chức chính trị của những người nông dân để đạt được các quyền và các mục tiêu của họ (Wolf, Eric.R., and J. G. Jorgensen. 1971: 26-35; Walton, 1984). Cho đến những năm 1960, giới khoa học xã hội vẫn có quan niệm phổ biến là nông dân ít có, hoặc không có tổ chức chính trị độc lập và ít ảnh hưởng đến chính trị nhà nước, nhưng sau đó quan điểm này đã cơ bản được sửa đổi. Ngày nay, người ta đều công nhận rằng trong thế kỷ 20, giai cấp nông dân đóng vai trò quyết định trong các cuộc Cách mạng Nga năm 1905 và 1917, cuộc cách mạng Mexico trong thập kỷ thứ hai và trong hàng loạt phong trào chống thực dân và phong trào dân tộc ở Thế giới Thứ ba (Wolf, Eric.R., and J. G. Jorgensen. 1971: 26-35; Walton, 1984).

Tuy nhiên nhiều học giả chính trị học có cái nhìn khá tiêu cực về sự tham gia chính trị của nông dân, trong đó điển hình là James Scott, theo ông: “có một thực tế đơn giản là hầu hết các giai cấp có địa vị thấp nhất trong hầu hết quá trình lịch sử hiếm khi có đủ điều kiện xa xỉ cho hoạt động chính trị công khai, có tổ chức. Hoặc, nói rõ hơn, hoạt động như vậy rất nguy hiểm, nếu không muốn nói là tự sát. Ngay cả khi đã có lựa chọn, thì cũng không có gì chắc chắn là các mục tiêu chính trị công khai, có tổ chức kia lại không bị theo đuổi bởi các mưu kế khác. Rốt cuộc, hầu hết các giai cấp thấp đều ít quan tâm đến việc thay đổi các cấu trúc lớn hơn của nhà nước và luật pháp… Hoạt động chính trị chính thức, có tổ chức, ngay cả khi giấu giếm và có tính cách mạng đi nữa, thì thường là lĩnh vực riêng biệt của tầng lớp trung lưu và giới trí thức; việc tìm kiếm các hoạt động chính trị nông dân trong lĩnh vực này thì thật là vô ích. Không phải ngẫu nhiên mà đó cũng là bước đầu tiên để đi đến kết luận rằng tầng lớp nông dân là vô giá trị về chính trị, trừ khi được các tầng lớp khác tổ chức và lãnh đạo” (Scott J. C., 1985: Preface, xv). 

“…các cuộc nổi dậy của nông dân - chưa nói đến các cuộc cách mạng - còn quá hiếm hoi và thưa thớt. Phần lớn bị nghiền nát một cách tàn bạo. Ít khi họ thành công, có một thực tế đáng buồn là hệ quả hiếm khi được như những gì giai cấp nông dân nghĩ đến. Bất cứ điều gì khác mà các cuộc cách mạng có thể đạt được - và tôi chẳng mong muốn đạt được những thành tựu này - thì chúng cũng thường trở thành một bộ máy nhà nước rất cồng kềnh và độc đoán hơn, có khả năng ăn bám các đối tượng nông dân thậm chí còn ghê gớm hơn so với các bộ máy tiền nhiệm. Vì những lý do này, đối với tôi, điều quan trọng hơn là phải hiểu những gì chúng ta có thể gọi là các hình thức phản kháng hàng ngày của nông dân - cuộc đấu tranh buồn tẻ, nhưng không ngừng giữa tầng lớp nông dân và những kẻ tìm cách bòn rút sức lao động, thực phẩm, thuế khóa, tiền thuê và lợi tức từ họ. Hầu hết các hình thức của cuộc đấu tranh này đều không có sự thách thức tập thể hoàn toàn. Ở đây tôi gợi nhớ đến những vũ khí thông thường của các nhóm tương đối bất lực: lết chân, vờ vĩnh, ruồng rẫy, tuân thủ bề mặt, ăn cắp vặt, giả ngu dốt, vu khống, đốt phá, hủy hoại tài sản, v.v.” (Scott J. C., 1985: Preface, xvi)

Khác với James Scott, E. J. Hobsbawm, một học giả Marxist, giáo sư Lịch sử Kinh tế và Xã hội Đại học London lại quan tâm đến những khía cạnh khác trong hoạt động chính trị của nông dân: “Các hoạt động chính trị mà chúng tôi quan tâm trong bài viết này là những hoạt động trong đó nông dân tham gia vào các xã hội lớn hơn mà bản thân họ là một bộ phận của nó. Đó là các mối quan hệ của nông dân với các nhóm xã hội khác, cả những kẻ có địa vị ‘cấp trên’ về kinh tế, xã hội và chính trị hoặc những kẻ bóc lột và cả những người không thuộc các giới đó, chẳng hạn như công nhân, hoặc các bộ phận khác của giai cấp nông dân, và với các thể chế hoặc đơn vị xã hội bao hàm toàn diện hơn, như chính phủ, nhà nước dân tộc. Trong thực tế, sự phân biệt giữa chính trị vi mô và chính trị vĩ mô trong các cộng đồng nông dân không dễ thực hiện, vì hai lĩnh vực này vô cùng chồng chéo nhau, nhưng vẫn có thể được thực hiện một cách thích hợp. Đối với nông dân, tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai điểm: Thứ nhất, có sự khác biệt sâu sắc giữa các hình thức sản xuất nông nghiệp dựa trên gia đình mà bất kỳ khái quát nào cũng có nguy cơ bị đánh giá thấp - ví dụ giữa kinh tế chăn nuôi và canh tác hoa màu; Thứ hai, vượt khỏi một điểm nào đó trong sự phân hóa kinh tế-xã hội của các tầng lớp nông dân thuật ngữ ‘giai cấp nông dân’ không còn thích hợp nữa. Bản thân điểm đó thường khó xác định, nhưng rõ ràng là, chẳng hạn, cả những nông dân thương mại ở Anh thế kỷ 19 cũng như những người vô sản nông thôn của một số nền kinh tế đồn điền quy mô lớn ở vùng nhiệt đới đều thuộc về vấn đề ‘nông dân’, mặc dù họ cấu thành một phần của ‘vấn đề nông nghiệp’”. (Hobsbawm E. J., 1973: 3-4)

“Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh vào một sự phân biệt áp dụng theo những cách khác nhau cho cả nông dân và chính trị, cũng như phân chia cuộc sống trước và sau ‘Đại Biến đổi’, ở châu Âu, xảy ra với sự thành công của xã hội tư sản và chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Tôi muốn làm rõ rằng điều này không ngụ ý chấp nhận sự phân đôi thô thiển và phi lịch sử giữa xã hội ‘truyền thống’ và xã hội ‘hiện đại’. Lịch sử không bao gồm một bước duy nhất. Các xã hội ‘truyền thống’ không tĩnh và bất biến, không hề thay đổi và tiến hóa trong lịch sử, cũng như không có một mô hình ‘hiện đại hóa’ nào quyết định sự biến đổi của chúng. Nhưng để bác bỏ sự thô thiển của một số ngành khoa học xã hội không nên khiến chúng ta lượng giá quá thấp mức độ sâu sắc và sự khác biệt về chất so với những phát triển trước đó, của sự chuyển đổi mà đối với hầu hết các quốc gia, là kết quả của sự thành công của chủ nghĩa tư bản công nghiệp. Thực tế đơn thuần là giai cấp nông dân đã không còn chiếm phần lớn dân số thực tế ở nhiều nơi trên thế giới, mà nó đã biến mất vì các mục đích thực tế ở một số nước, bắt đầu từ nước Anh tư bản chủ nghĩa, và sự biến mất của nó với tư cách một giai cấp ngày nay là điều hoàn toàn có thể tưởng tượng được ở nhiều quốc gia phát triển, tách biệt giai đoạn kể từ thế kỷ 18 khỏi toàn bộ lịch sử trước đó kể từ khi phát triển nông nghiệp.” (Hobsbawm E. J., 1973: 4) “Chúng ta có thể đặt nông dân ở một nơi nào đó trong sự liên tục giữa hai kiểu lý tưởng cực đoan, kiểu đầu tiên được đại diện bởi một thứ gì đó giống như tầng lớp nông dân công xã giữa thế kỷ 19 ở miền Trung nước Nga, dẫn đầu kiểu sống được Dobrowolski mô tả chi tiết cho Ba Lan [Dobrowolski, 1958], kiểu thứ hai đại diện bởi một cái gì đó giống như mô hình của giai cấp nông dân Pháp giữa thế kỷ 19 trong ‘Ngày mười tám tháng Sương mù’ của Marx [Marx, 1852], những con người hoạt động trong khuôn khổ của các thể chế và luật pháp tư sản, đặc biệt là luật tài sản, rất có thể là những người sản xuất hàng hóa riêng lẻ, có thể che lấp các nông dân thương mại, do đó hình thành một tập hợp các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không có bất kỳ mối gắn bó nào với nhau - chính là 'bao khoai tây' của Marx.” (Hobsbawm E. J., 1973: 4)

“Nói rộng ra, cuộc ‘Đại Chuyển đổi’ cũng biến các hoạt động chính trị, bao gồm cả các hoạt động chính trị của quần chúng bình dân, dù là ‘quốc gia-dân tộc’ có chủ quyền lãnh thổ, với các thể chế cụ thể, với tần suất ngày càng tăng, bao gồm cả các cuộc bầu cử trên toàn quốc, trở thành khuôn khổ tiêu chuẩn cho hành động chính trị, trong chừng mực các hình thức tổ chức và phong trào chính trị mới với các hệ tư tưởng cụ thể, thế tục, ngày càng phát triển, v.v ... Cần nhấn mạnh rằng sự khác biệt không phải là giữa các xã hội ‘truyền thống’ không có chính trị và các xã hội ‘hiện đại’ có chính trị. Trong cả hai loại hình xã hội đó đều có các hoạt động chính trị. Đó cũng không phải là sự khác biệt giữa thời đại mà chính trị là sự bảo toàn của các giai cấp thượng lưu và thời đại mà những người dân thường, bao gồm cả giai cấp nông dân, trở thành những nhân tố tích cực lâu dài trong chính trị. Tuy nhiên, ở châu Âu, nền chính trị của thời kỳ trước và sau Cách mạng Pháp có sự khác biệt về các quy trình và bối cảnh của chúng. Phần lớn lịch sử là lịch sử của người nông dân truyền thống trong chính trị truyền thống, nhưng bài viết này chủ yếu quan tâm đến những gì xảy ra khi nông dân truyền thống tham gia vào hoạt động chính trị hiện đại: một tình huống quá độ, nhưng là thực tế và không chỉ đơn thuần là quan tâm đến lịch sử. (Hobsbawm E. J. (1973: 5)

“Chúng ta có thể nói về nông dân như thế nào với tư cách là một giai cấp? Tất nhiên về mặt khách quan nó có thể được định nghĩa là một giai cấp theo nghĩa cổ điển, cụ thể là một tập thể những người có quan hệ giống nhau về tư liệu sản xuất cũng như các đặc điểm kinh tế và xã hội chung khác. Nhưng như Shanin đã nhận xét đúng, trong số những giai cấp như vậy, nông dân là ‘một giai cấp có tính giai cấp thấp’ [Shanin, 1966] so sánh với giai cấp công nhân công nghiệp, một giai cấp có ‘tính giai cấp’ rất cao, theo nghĩa vô số hoạt động chính trị của nó có thể bắt nguồn trực tiếp từ những quan hệ cụ thể của nó đối với tư liệu sản xuất.” (Hobsbawm E. J., 1973: 5)

“Phẩm chất chính của địa vị của nông dân trong xã hội bao gồm sự tồn tại (being) của họ, một mặt, một giai cấp xã hội (một giai cấp có ‘tính giai cấp thấp’ (low classness) và bị các giai cấp khác thống trị toàn bộ) và mặt khác, ‘một thế giới khác’ - một xã hội tự thân tự túc cao độ, mang các yếu tố của một mô thức quan hệ xã hội khép kín và đặc biệt riêng biệt. Tầng lớp nông dân là một hiện tượng xã hội trong đó cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác để phân tích giai cấp đáp ứng những phân đôi khái niệm chính của tư duy xã hội học phi Marxist; Tình anh em của Maine so với cạnh tranh kinh tế; chủ nghĩa gia đình của de Coulange so với chủ nghĩa cá nhân; Gemeinschaft Tính cộng đồng của Tonnies so với Gesellschaft Tính xã hội hoặc tính cơ giới (phân đoạn) của Durkheim so với các xã hội hữu cơ…” (Hobsbawm E. J., 1973: 5)

Nhưng nó còn bao xa nữa nó mới trở thành một ‘giai cấp cho mình’ - một ý thức tự giác giai cấp theo đúng nghĩa? Do đó, trong các xã hội truyền thống, đối với phần lớn lịch sử, nông dân tự coi mình, và thực sự là giai cấp cơ bản của nhân loại. Theo một nghĩa nào đó, con người hoặc loài người lúc đó điển hình là nông dân, phần còn lại là các nhóm thiểu số không điển hình. Thứ hai, nông dân nhận thức rõ ràng về sự khác biệt của họ khỏi nhóm thiểu số những người không phải là nông dân và hầu như luôn luôn nhận thức rõ thân phận lệ thuộc của họ đối với sự áp bức của nhóm thiểu số những người không phải là nông dân, mà họ không thích hoặc không tin tưởng. Điều này không chỉ áp dụng đối với giới quý tộc hoặc lãnh chúa, mà còn đối với cả thương nhân và thị dân, có lẽ chỉ ngoại trừ những người họ hàng nông dân đến các đô thị một thời gian ngắn mà không thực sự trở thành thị dân. Tất nhiên trong thế kỷ 20, tình hình này đã thay đổi, và sự phân biệt rõ ràng giữa thành thị và nông thôn không còn có thể được duy trì như trước, do số lượng lớn Landflucht các cuộc di dân khỏi nông thôn. Tuy nhiên, theo truyền thống nông dân có xu hướng không tin tưởng và không thích tất cả những người không phải là nông dân, bởi vì hầu hết những người khác dường như đều có âm mưu cướp bóc và áp bức họ, và đứng trên họ trong bất kỳ hệ thống phân cấp xã hội nào được thiết lập. (Hobsbawm E. J., 1973: 5-6)

“Cảm giác về sự xa cách phổ biến với những người không phải là nông dân có thể đã tạo ra một ‘ý thức nông dân’ mơ hồ cho phép ngay cả những người nông dân từ các vùng khác nhau, với phương ngữ, trang phục và phong tục khác nhau, thừa nhận nhau là ‘nông dân’ ít nhất là trong quan hệ cá nhân. Cũng như ở những người ‘lao động nghèo’ nói chung, ở những người nông dân truyền thống cũng có cảm giác ‘họ là những người khốn khổ nghèo khó như chúng tôi’, hay ‘người nghèo giúp đỡ người nghèo’”. (Hobsbawm E. J., 1973: 7)

_______________________________________________

Tài liệu dẫn

Appendini, Kirsten and Marcelo De Luca (2005). Cambios Agrarios, Estrategias de Sobrevivencia y Género En Zonas Rurales Del Centro de México: Notas Metodologicas,” Estudios Sociológicos 23, no. 69 (2005): 913–930.

Barraclough, Solon L., and Arthur L. Domike (1966). Agrarian Structure in Seven Latin American Countries." Land Economics 42(4): 391-424.

Bernstein, Henry (2010). Class Dynamics of Agrarian Change (Halifax: Fernwood Publishing, 2010).

Comitas, Lambros (1973). Occupational Multiplicity in Rural Jamaica, in Work and Family Life: West Indian Perspectives, ed. Lambros Comitas and David Lowenthal (Garden City, N.Y: Anchor Press, 1973).

Dalton, George (1972). Peasantries in Anthropology and History, In Current Anthropology 13, no. 3–4 (October 1972).

Deere, Carmen Diana (1995). What Difference Does Gender Make? Rethinking Peasant Studies, In Feminist Economics 1, no. 1 (1995).

Dobrowolski, Kazimierz (1971). Peasant Traditional Culture in Shanin [1971].

Edelman, Marc  (1999). Peasants Against Globalization: Rural Social Movements in Costa Rica (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1999).

Edelman, Marc  (2008). Transnational Organizing in Agrarian Central America: Histories, Challenges, Prospects, In Journal of Agrarian Change 8, no. 2/3 (April 2008). 

Edelman, Marc (2013). What is a peasant? What are peasantries? A briefing paper on issues of definition, prepared for the first session of the Intergovernmental Working Group on a United Nations Declaration on the Rights of Peasants and Other People Working in Rural Areas, Geneva, 15-19 July 2013.

Fallers, Lloyd A. (1961). Are African Cultivators to Be Called ‘Peasants’?, In Current Anthropology 2, no. 2 (April 1961). 

Handy, Jim (2009). ‘Almost Idiotic Wretchedness’: A Long History of Blaming Peasants, Journal of Peasant Studies 36, no. 2 (2009): 325–344.

Hobsbawm E. J. (1973). Peasants and politics, In The Journal of Peasant Studies, 1:1, pp. 3-22.

Huizer, Gerrit (1973). Peasant Rebellion in Latin America: The Origins, Forms of Expression, and Potential of Latin American Peasant Unrest (Hammondsworth, England: Penguin, 1973). 

Ignatiev, Noel (1996). How the Irish Became White (New York: Routledge, 1996).

Isaacman, Allen F. (1993). Peasants and Rural Social Protest in Africa, in Confronting Historical Paradigms: Peasants, Labor, and the Capitalist World System in Africa and Latin America, ed. Frederick Cooper et al. (Madison: University of Wisconsin Press, 1993).

Kay, Cristobal (2008). Reflections on Latin American Rural Studies in the Neoliberal Globalization Period: A New Rurality?, In Development & Change 39, no. 6 (November 2008).

Kearney, Michael (1996). Reconceptualizing the Peasantry: Anthropology in Global Perspective (Boulder, CO: Westview Press, 1996). 

Le Goff, Jacques and Edmund King (1972). The Town as an Agent of Civilisation, C. 1200-c.1500, in The Fontana Economic History of Europe: The Middle Ages, ed. Carlo M. Cipolla (London: Collins/ Fontana, 1972).

Leeds, Anthony (1977). Mythos and Pathos: Some Unpleasantries on Peasantries, in Peasant Livelihood: Studies in Economic Anthropology and Cultural Ecology, ed. Rhoda Halperin and James Dow (New York: St. Martin’s Press, 1977).

Mintz, Sidney W. (1973) A note on the definition of peasantries, The Journal of Peasant Studies, 1:1.

Moore, Barrington (1966). Social Origins of Dictatorship and Democracy: Lord and Peasant in the Making of the Modern World (Boston: Beacon Press, 1966).

Mosse, David (2008). Collective Action, Common Property, and Social Capital in South India: An Anthropological Commentary, in The Contested Commons: Conversations Between Economists and Anthropologists, ed. Pranab K. Bardhan and Isha Ray (Malden, MA: Blackwell Pub, 2008).

Oxford English Dictionary (2005). “Peasant, N. and Adj.,” Oxford English Dictionary.

Provost, Claire (2013). La Via Campesina Celebrates 20 Years of Standing up for Food Sovereignty, In The Guardian, June 17, 2013.

Razavi, Shahra (2009). Engendering the Political Economy of Agrarian Change, In Journal of Peasant Studies 36, no. 1 (January 2009).

Saturnino M. Borras Jr., Marc Edelman, and Cristobal Kay (2008). Transnational Agrarian Movements: Origins and Politics, Campaigns and Impact, In Journal of Agrarian Change 8, no. 2/3 (April 2008): 169–204.  

Saul, John S. and Roger Woods (1971). African Peasantries, in Peasants and Peasant Societies, ed. Teodor Shanin (Harmondsworth, England: Penguin, 1971). 

Scott, James C. (1985). Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance, Yale University Press. 

Shanin, Teodor (1971). Introduction, in Peasants and Peasant Societies, ed. Teodor Shanin, Penguin Modern Sociology Readings (Harmondsworth, England: Penguin, 1971).  

Shanin, Teodor (1972). The Awkward Class; Political Sociology of Peasantry in a Developing Society: Russia 1910-1925, (Oxford: Clarendon Press, 1972).

Shanin, Teodor (1973). The Nature and Logic of the Peasant Economy 1: A Generalisation, In Journal of Peasant Studies 1, no. 1 (October 1973).

Shanin, Teodor (1990). Defining Peasants: Essays Concerning Rural Societies, Expolary Economies, and Learning from Them in the Contemporary World (Oxford, UK: Blackwell, 1990).

Van der Ploeg, Jan Douwe (2008). The New Peasantries: Struggles for Autonomy and Sustainability in an Era of Empire and Globalization (London: Earthscan, 2008).

Via Campesina (2009). Declaration of Rights of Peasants - Women and Men,” http://viacampesina.net/ downloads/PDF/EN-3.pdf.

Walton, J. (1984). Reluctant Rebels: Comparative Studies of Revolution and Underdevelopment. New York: Columbia University Press.

Weis, Tony (2007). The Global Food Economy: The Battle for the Future of Farming (London: Zed Books, 2007), 25

Wolf, Eric R. (1955). Types of Latin American Peasantry: A Preliminary Discussion, American Anthropologist 57, no.3 (June 1955): 452–471. 

Wolf, Eric R. (1957). Closed Corporate Peasant Communities in Mesoamerica and Central Java, In Southwestern Journal of Anthropology 13, no. 1 (Spring 1957): 1–18; 

Wolf, Eric R. (1966). Kinship, Friendship, and Patron-Client Relations in Complex Societies, in Michael Banton, ed., The Social Anthropology of Complex Societies, 1–22 (Association of Social Anthropologists, Monograph 4; London: Routledge, 1966).

Wolf, Eric R. (1969). Peasant Wars of the Twentieth Century (New York: Harper & Row, 1969). 

Wolf, Eric R. (1986). The Vicissitudes of the Closed Corporate Peasant Community,” American Ethnologist 13, no. 2 (May 1986).

Wolf, Eric.R.,  and J. G. Jorgensen (1971). Anthropology on the warpath in Thailand. The New York Review of Books, Nov. 19.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét