Powered By Blogger

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Mạng và Nhóm ở Đông Nam Á: Một số Quan sát về Lý thuyết Nhóm Chính trị (I)

Carl H. Lande

Người dịch: Hà Hữu Nga

Mười lăm năm trước, Ủy ban Chính trị học So sánh, trong quá trình xây dựng thiết kế lớn cho công cuộc nghiên cứu xuyên quốc gia về chính trị học theo đường hướng được nêu trong tiểu luận nhập môn kinh điển của Gabriel Almond trong cuốn The Politics of the Developing Areas - Chính trị học các Khu vực Đang phát triển, đã thực hiện hàng loạt cuộc khảo sát về Interest Groups and the Political Process - Các nhóm Lợi ích và Tiến trình Chính trị. Tôi là một trong những người nhận tài trợ của Ủy ban. Một trong những nhiệm vụ chính của chúng tôi là thực hiện điều tra dân số của các nhóm lợi ích và mô tả công việc của họ. Nhìn chung, kết quả thật đáng thất vọng. Kết luận của hầu hết những người đã xem xét các chính thể đang phát triển là “các nhóm lợi ích” không đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chính trị như vẫn hằng nghĩ. Kết luận này được phản ánh trong thực tế là loạt bài Studies in Political Development - Nghiên cứu Phát triển Chính trị của Princeton, tuyển tập chủ yếu về sản phẩm của Ủy ban và những người được tài trợ, bao gồm vấn đề nhóm lợi ích và chính trị, nhưng lại chưa có tập nào về Interest Groups and Political Development - Các nhóm Lợi ích và Phát triển Chính trị. Và dường như chưa chắc trong tương lai gần sẽ có được tập sách như vậy.

Nhưng nếu danh sách các chức năng chuyển đổi của Almond vẫn còn nguyên vẹn, và tôi nghĩ là có, thì việc “khớp nối lợi ích” phải diễn ra trong bất kỳ hệ thống chính trị nào mà việc ra quyết định chính trị là một nhiệm vụ chuyên biệt và phải có các cấu trúc để thực hiện nó. Almond và Powell, trong công trình nghiên cứu năm 1966 của họ, đã cải thiện lý thuyết để tính đến hiệu suất đáng thất vọng của bốn loại nhóm được liệt kê trong bài luận năm 1960 của Almond, tức là: i) các nhóm lợi ích thể chế; ii) các nhóm lợi ích không liên kết; iii) các nhóm lợi ích bất thường (anomic interest groups);  và iv) các nhóm lợi ích liên kết, bằng cách thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của các cá nhân với tư cách là “những người tuyên ngôn cho lợi ích của chính họ”.1 Nhưng họ nói thêm rằng tình trạng tự-đại diện của cá nhân “thường được tạo ra dưới chiêu bài thể hiện các lợi ích nhóm hoặc xã hội tổng thể”. Tuyên bố này đã bỏ sót một điểm quan trọng: Đó là ở nhiều chính thể đang phát triển, phần lớn tình trạng tự-đại diện của cá nhân là tự đại diện thuần túy và đơn giản, không có bất kỳ sự giả vờ quan tâm nào đến các lợi ích xác thực của bất kỳ tập thể nào, có thể là xã hội tổng thể hay một nhóm nhỏ bên trong nó. Mục đích của bài viết này là khám phá cơ sở cấu trúc và các hệ quả của tình trạng tự-đại diện thuần túy và tự-đại diện bất-thuần túy trong một số hệ thống chính trị Đông Nam Á, từ đó đề xuất một số định đề và mô hình, hy vọng giải thích được một số tính năng đặc biệt của chúng. Ngay từ đầu, có thể cần phải xem lại những điểm cơ bản của “lý thuyết nhóm” về chính trị, cũng như một số chỉ trích đối với lý thuyết đó. Nói theo nghĩa rộng nhất, lý thuyết này giả định rằng các cá nhân hoạt động chính trị phần lớn với tư cách là thành viên của các nhóm. Nhóm là một tập hợp các cá nhân có chung một thái độ. Họ hành động cùng nhau bởi vì họ nhận thức rằng bằng cách làm như vậy, họ có nhiều khả năng đạt được các mục tiêu phù hợp với thái độ mà họ chia sẻ và do đó đạt được những phần thưởng cá nhân tương tự. Các nhóm thường, mặc dù không phải lúc nào cũng thế, bao gồm những người có thái độ chung bắt nguồn từ thực tế là họ có một số đặc điểm “nền tảng” giống nhau như giới tính, tuổi tác, tôn giáo, nghề nghiệp hoặc tầng lớp xã hội.

Vì lý do này, nhiều lý thuyết và nghiên cứu của các nhà khoa học chính trị ở các nước phương Tây hiện đại đã tập trung vào mối quan hệ tương hỗ giả định giữa các thuộc tính nền tảng kinh tế xã hội của các tác nhân chính trị, thái độ chính trị và hành vi chính trị của họ. Phiên bản Mỹ của lý thuyết nhóm mà chúng ta có được là từ Arthur Bentley theo cách của David Truman và Earl Latham.2 Lý thuyết Marxist đưa ra một giả định tương tự, cho rằng những người có điểm chung nào đó, trong trường hợp này là giai cấp xã hội, sẽ và nên hành động cùng nhau vì lợi ích tập thể của họ. Các lý thuyết gia về nhà nước phát xít hợp nhất hiện đã bị lãng quên cũng khẳng định rằng các cá nhân giống nhau đều hành động và nên hành động đồng lòng, mặc dù theo quan điểm của họ, các “tập đoàn” khác nhau được cấu thành trong mỗi trường hợp của một lĩnh vực chức năng chuyên biệt của nền kinh tế không nên xung đột, nhưng, giống như các cơ quan của một cơ thể sống, luôn hoạt động hài hòa vì các mục đích cao hơn của nhà nước hợp nhất.3

Trong tất cả các phiên bản của lý thuyết này, những cá nhân nhận thức được thái độ và / hoặc nền tảng giống nhau của họ được cho là thấy được lợi thế của họ để tạo ra một số loại tổ chức chính thức, tốt nhất là để thúc đẩy các mục tiêu cũng như lợi ích chung của họ hoặc để thực hiện các chức năng hữu cơ của các tổ chức đó.  Nhưng tổ chức chính thức không phải là điều thiết yếu đối với lý thuyết ở dạng thức rộng nhất của nó. Đặc điểm thiết yếu là những cá nhân giống nhau về một mặt nào đó đều có nhiều khả năng hành động cùng nhau hơn những cá nhân không giống nhau. Với tư cách là một phương thuốc cho hành động tư lợi, lý thuyết nhóm có những thiếu sót nghiêm trọng. Mancur Olson, một nhà kinh tế, đã chỉ ra rằng nếu mục đích của hành động nhóm chỉ đơn thuần là đạt được những mục tiêu vô điều kiện mà qua đó tất cả các thành viên trong một nhóm đều thu được lợi ích, thì một thành viên cá nhân không có động cơ lớn để đóng góp vào nỗ lực chung. Vì ngay cả khi không hành động, thì anh ta vân có thể mong đợi được chia sẻ thành quả của nỗ lực chung chỉ đơn giản là bằng cách trở thành thành viên của nhóm đó.4

Lý thuyết có một điểm yếu nghiêm trọng khác: Nó giả định rằng hành động của chính phủ phải có hình thức vô điều kiện: chính phủ đó, hoặc ít nhất là chính phủ hiện đại, tiến hành theo pháp quyền (rule of law), nghĩa là các bộ luật sẽ được thực thi một cách cứng rắn và công tâm bất kể nội dung của chúng, và các cá nhân chỉ có thể hưởng lợi thông qua việc vận hành các bộ luật mang lại lợi ích tương tự cho tất cả những người khác tương tự như cho chính họ. Chỉ khi điều này được giả định - và ở nhiều nước đang phát triển, đó là một giả định rất đáng ngờ - thì các cá nhân mới cần viện đến phương pháp rườm rà để thúc đẩy lợi ích riêng tư của họ bằng cách làm việc vì các lợi ích tương tự của vô số người khác. Những chỉ trích đối với lý thuyết nhóm dẫn đến một số khái niệm thay thế  cấu trúc chính trị, bao gồm cả cấu trúc khớp nối lợi ích: các khái niệm về hệ thống cấu trúc cặp (nhóm hai) và cấu trúc mang tính cặp.5

Bản chất của các Cặp (Nhóm hai)

Một từ điển nhân học tiêu chuẩn định nghĩa “nhóm hai” là “một cặp con người trong một mối quan hệ xã hội”.6 Định nghĩa đơn giản này phù hợp với hầu hết mọi nhóm hai người. Tuy nhiên, đối với mục đích của thảo luận này, cần phải phân biệt giữa các loại nhóm hai khác nhau. Trước hết, sẽ rất hữu ích khi phân biệt giữa cặp hợp nhất (corporate dyad) và cặp trao đổi (exchange dyads). Các cặp hợp nhất bao gồm hai người, trong những vấn đề mà nhà phân tích quan tâm, thì các cặp này hành xử như một người. Còn các cặp trao đổi bao gồm hai người duy trì bản sắc riêng biệt của họ, nhưng lại cam kết bằng các mối quan hệ trao đổi. Điển hình trong cặp trao đổi, hai thành viên cho hoặc cho mượn tài sản lẫn nhau. Nhưng quyền sở hữu của nó tại bất kỳ thời điểm nào, cũng thuộc về một cá nhân, chứ không phải là của chung. Đến lượt mình, các cặp trao đổi có thể được chia nhỏ thành các cặp hỗ trợ và các cặp đối kháng. Ở cặp hỗ trợ, hai thành viên trao đổi những thứ có giá trị. Ở cặp đối nghịch, họ đánh đổi bằng cách làm tổn hại lẫn nhau. Tất nhiên, trong các mối quan hệ cặp thực tế, các dạng phân biệt về mặt phân tích này có thể được trộn lẫn với nhau. Ví dụ, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh bao gồm cả trao đổi hỗ trợ và đối kháng. Và mỗi cuộc hôn nhân đều bao gồm cả việc góp vốn chung lẫn trao đổi các nguồn lực. Đối với các nhà khoa học chính trị, các cặp trao đổi, đặc biệt là các cặp hỗ trợ, là mối quan tâm hàng đầu. Trong phần còn lại của bài viết này, khi sử dụng thuật ngữ “dyad”, tôi muốn đề cập đến các cặp trao đổi hỗ trợ là chính. Một số đặc điểm của các cặp, ngoài những đặc điểm đã đề cập ở trên, còn có các đặc trưng sau: Các cặp có thể ràng buộc những cá nhân giống nhau hoặc không giống nhau. Người ta cũng thấy có các cặp xuyên qua các ranh giới nghề nghiệp và giai cấp khiến chúng có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà khoa học chính trị quan tâm đến các quá trình hội nhập nhóm, vùng, quốc gia và giải quyết xung đột. Lợi ích thu được thông qua các trao đổi theo cặp có xu hướng cụ thể hơn là mang tính phân loại. Mỗi đối tác đều phải trả ơn cho bên kia, nhưng không nhất thiết phải hỗ trợ mọi mục tiêu của mọi danh mục phân loại thuộc về người kia.

Trao đổi theo cặp có xu hướng liên quan đến một mức độ có đi có lại nào đó, nhưng không nhất thiết phải đạt được nguyên tắc có đi có lại một cách xít xao. Có đi có lại rất có thể chỉ mang tính chất gần đúng khi mối quan hệ là tự nguyện của cả hai đối tác, khi cả hai phải cạnh tranh tự do với các nhà cung cấp khác có cùng một mối lợi, khi cả hai kiểm soát các nguồn lực có giá trị gần như nhau và khi mối quan hệ ấy liên quan đến một đối kháng tối thiểu. Tuy nhiên, viết duy trì nguyên tắc có đi có lại là xít xao tại bất kỳ thời điểm nào, lại dễ tạo điều kiện cho việc chấm dứt liên kết cặp, và do đó có thể cần phải tránh tình trạng này. Cắc cặp thường được liên kết với các cặp khác trong các cấu trúc lớn hơn. Tất cả các mối quan hệ mang tính chất cặp trong một xã hội lớn hoặc các nhóm xã hội nhỏ đều tạo thành mạng lưới các cặp liên kết. Mỗi thành viên của một hệ thống có cấu trúc cặp liên kết như vậy đều có một tổ hợp cá nhân của các đối tác cặp là duy nhất của riêng anh ta.

Các hệ thống liên minh cá nhân của các cá nhân khác nhau có thể chồng chéo và giao nhau, nhưng hiếm khi giống hệt nhau. Tập hợp riêng của mỗi cá nhân có các mối quan hệ cặp tạo thành mạng quan hệ cặp của ông ta. Hệt như trong một tấm mạng nhện, các cấu phần cấu trúc quan trọng nhất là những cấu phần mở rộng ra bên ngoài từ cá nhân trung tâm do người đó hoặc những người thay mặt cho nhiều đồng minh của ông ta, cộng với một số đồng minh của họ, thực hiện. Như trong mạng nhện, các vòng tròn đồng tâm của các liên kết kết nối lại không quan trọng bằng. Các vòng tròn đó đại diện cho sự hợp tác giữa các đồng minh của cá nhân trung tâm diễn ra bằng nỗ lực chung của họ nhằm hỗ trợ ông ta. Trong phạm vi một hệ thống cấu trúc theo cặp, tức là với tư cách một mạng lưới, thì hành động có tổ chức liên quan đến nhiều cá nhân có xu hướng bắt đầu bằng nỗ lực của một cá nhân để huy động các thành viên trên mạng lưới của ông ta và sau đó là các mạng lưới chung của họ, để ủng hộ cho những gì mà ông ta coi là mục tiêu đáng mong muốn.

Các mạng cá nhân, giống như các cặp liên kết riêng lẻ, có thể được phân tích chia nhỏ thành các mạng có cấu trúc theo chiều dọc và chiều ngang. Các mạng dọc là những mạng mà cá nhân trung tâm có địa vị, nguồn lực hoặc quyền lực lớn hơn các đối tác của ông ta. Với tư cách là một dấu hiệu chỉ định chung cho hầu hết các mạng dọc trong quan hệ mang tính chính trị, tôi đề xuất thuật ngữ “tùng phục cá nhân”. Một tiểu loại cụ thể của loại hình chung này là các hệ thống người bảo trợ-khách hàng. Đặc điểm phân biệt của các mối quan hệ người bảo trợ-khách hàng nguyên mẫu là một phạm vi rộng nhưng không quá xít xao với các nghĩa vụ lẫn nhau, nhất quán với niềm tin rằng người bảo trợ phải thể hiện sự quan tâm gần như của cha mẹ đối với con cái và đáp ứng nhu cầu của khách hàng của mình, còn khách hàng phải thể hiện sự trung thành mang tính hiếu thảo đối với người bảo trợ của mình - điều đó được phản ánh qua xu hướng sử dụng phổ biến cách xưng hô theo hệ thống quan hệ gia tộc. Hoạt động của các hệ thống người bảo trợ-khách hàng trong chính trị đã là chủ đề của ba bài viết gần đây trên Tạp chí Khoa học Chính trị Hoa Kỳ (The American Political Science Review). Chúng là đặc trưng của các xã hội truyền thống, và dường như đang trên đà suy thoái. Tuy nhiên, các loại hình tùng phục cá nhân khác có thể sẽ xuất hiện trong phân tích của chúng ta vào một lúc nào đó. Các mạng theo chiều ngang là những mạng mà cá nhân trung tâm có địa vị, nguồn lực hoặc quyền lực gần như tương đương với các cá nhân trung tâm của các đối tác khác nhau của ông ta. Đối với các mạng này, khi chúng mang tính chính trị, thì thuật ngữ “hệ thống liên minh cá nhân” có vẻ thích hợp. Một ví dụ là những cách thức thông đồng  của cá nhân một nghị sĩ với nhiều kẻ tùng phục của ông ta. Tất cả các cách thức thông đồng trong Quốc hội tạo thành một mạng lưới. Các mối quan hệ cặp khác nhau trong mạng lưới quan hệ của một cá nhân có thể khác nhau về chất lượng và số lượng trao đổi của họ. Trong trường hợp này, sự thiên vị có phân cấp trong cách đối xử với các đối tác khác nhau thường được thể hiện rõ ràng. Các mạng quan hệ cặp của các cá nhân có thể khác nhau về kích cỡ. Số lượng liên minh của một người có xu hướng bị giới hạn bởi nguồn lực vật chất của  người đó và có liên quan rõ ràng đến địa vị và quyền lực của người đó. Các cấu trúc cặp có xu hướng quan trọng nhất, hoặc đáng chú ý nhất, nơi mà các cấu trúc rời rạc bị cung cấp thiếu hụt. Có nghĩa là, tình trạng đó chủ yếu thuộc về các hệ thống nhỏ và tiền hiện đại. Do đó, các nhà nhân học đã quan tâm đến chúng trong một thời gian dài. Nhưng các nhà khoa học chính trị, quen với các mô hình chủ yếu có nguồn gốc từ phương Tây hiện đại, cho đến gần đây vẫn ít chú ý đến các quan hệ đó.7

Với mục tiêu khám phá các hình thức khác nhau mà cấu trúc cặp có thể có và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, tôi sẽ mô tả một số yếu tố nhất định của bốn hệ thống chính trị Đông Nam Á, mỗi yếu tố ở một điểm khác nhau theo quy mô hiện đại hóa thô sơ, và mỗi yếu tố lại thấm đẫm các truyền thống tôn giáo khác nhau. Những hệ thống này là: Kalinga ngoại giáo của Bắc Luzon ở Philippines; Tausug, một xã hội Hồi giáo ở miền Nam Philippines; chế độ quân chủ Phật giáo Nguyên thủy của Thái Lan trong thời kỳ Ayudhya và Bangkok; và Cộng hòa Philippines chủ yếu là Công giáo.

Người Kalinga

Ví dụ đầu tiên và “nguyên thủy” nhất về một chính thể Đông Nam Á là của người Kalinga, một trong số các dân tộc hoang dã sống ở vùng núi phía Bắc Luzon. Trong thời kỳ thuộc địa Mỹ, người Kalinga, hoặc ít nhất là những người sống gần một số con đường được chính quyền thuộc địa xây dựng xuyên núi, ngày càng chịu ảnh hưởng của thế giới bên ngoài. Nhưng nhiều tổ chức truyền thống của họ tồn tại, hoặc tồn tại đủ lâu và được các nhà nhân học nghiên cứu. Mô tả sau đây về cấu trúc chính trị Kalinga dựa trên các nghiên cứu của Roy Franklin Barton và Edward P. Dozier.8 Cấu trúc quan hệ họ hàng Kalinga, giống như cấu trúc của các xã hội Đông Nam Á khác được mô tả ở đây, cũng như của các xã hội ở Bắc Âu, là một kiểu mà các nhà nhân học gọi là “cognatic – huyết tộc” hoặc “song phương”. Theo quan điểm của bài viết này, đặc điểm thú vị của quan hệ họ hàng kiểu song hệ là bên ngoài giới hạn của gia đình trực hệ hoặc gia đình “vợ chồng”, thì cấu trúc của nó về cơ bản là cấu trúc quan hệ cặp đôi. Trong các hệ thống huyết tộc, mỗi cá nhân, khi nhìn ra ngoài gia đình vợ chồng của mình, thấy mình được bao quanh bởi một vòng tròn những người họ hàng, một tập hợp những cá nhân mà các nhà nhân học gọi là “họ hàng cá nhân”. Nó được tạo thành từ con cháu của tất cả tổ tiên của anh ta ở một thế hệ trước đó mà không phân biệt giới tính hoặc gia phả một nhất hệ (mẫu hệ hoặc phụ hệ) của anh ta. Ở Kalinga, họ hàng cá nhân bao gồm cho mỗi cá nhân, của tất cả con cháu của tám cặp ông bà cố của anh ta.

Các đặc điểm chính của các loại họ hàng huyết tộc ở Kalinga và các nơi khác như sau: những người họ hàng này lấy cá nhân làm trung tâm. Điều đó có nghĩa là, mỗi người họ hàng của mỗi cá nhân được xác định liên quan đến chính mình, và tồn tại chủ yếu để phục vụ nhu cầu của anh ta. Sau khi anh ta chết, nó biến mất như một thực thể đặc biệt. Các quan hệ họ hàng huyết tộc thiếu ranh giới riêng biệt bên ngoài. Giống như những gợn sóng của một viên đá rơi xuống ao, sức mạnh của các mối quan hệ họ hàng giảm dần khi khoảng cách gia phả và tình cảm của những người họ hàng với ego (tôi) tăng lên. Quy mô và thành viên chính xác của mỗi loại quan hệ họ hàng huyết tộc phụ thuộc phần lớn vào nhất vật cốt lõi của nó. Sở dĩ như vậy là vì một mình ông ta có thể quyết định mức độ rộng lớn của những người họ hàng mà ông ta sẽ cố gắng vun đắp, và những người họ hàng cụ thể nào mà ông ta muốn đưa vào số các thành viên đang hoạt động (khi phân biệt với những thành viên hoàn toàn trên danh nghĩa) của những người họ hàng huyết tộc với ông ta. Tuy nhiên, điều đó không phụ thuộc hoàn toàn vào mong muốn của ông ta, vì đối với mỗi người trong số những người họ hàng mà ông ta muốn duy trì mối quan hệ tích cực đến lượt mình phải sẵn sàng duy trì mối quan hệ với ông ta, tức là phải muốn coi ông ta như một thành viên của quan hệ họ hàng riêng cá nhân ông ta. Không có hai cá nhân nào khác ngoài anh chị em ruột có quan hệ huyết thống giống hệt nhau. Những mối quan hệ ruột thịt của họ hàng khác với anh chị em ruột chồng lên nhau, nhưng không trùng hợp. Hơn nữa, vì những người họ hàng mà một cá nhân duy trì mối quan hệ hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào sự lựa chọn của ông ta, nên những mối quan hệ họ hàng huyết tộc hữu hiệu thậm chí của anh chị em ruột cũng không nhất thiết phải giống hệt nhau. Vì vậy, mối quan hệ huyết tộc của một người là một tập hợp bức xạ các quan hệ cặp đôi tỏa ra bên ngoài với một cá thể ở cốt lõi của mối quan hệ đó. Một cộng đồng có cấu trúc như vậy - và đây là trường hợp của các cộng đồng Kalinga - có thể được hình dung như một mạng lưới quan hệ cặp đôi mà George Peter Murdock mô tả là quan hệ họ hàng huyết tộc “đan xen và chồng chéo”.9

Văn hóa chính trị Kalinga thuộc loại phù hợp với một xã hội vô chính phủ về cơ bản được đặc trưng bởi mối thù truyền kiếp. Kỹ năng chiến đấu và tính hiếu chiến được đánh giá cao ở nam giới, là yếu tố cần thiết để sống còn. Tính gây gổ trong tranh tụng, một mối bận tâm lớn của người Kalinga, tạo cơ hội ít nguy hiểm hơn cho việc thể hiện tính hung hăng. Cái tôi trung tâm và chủ nghĩa gia đình trung tâm là đặc trưng của xã hội này, chỉ bị biến đổi bởi lòng trung thành của cá nhân đối với những người họ hàng xa hơn cần thiết cho sự tồn tại của cá nhân trong một môi trường nguy hiểm. Những đặc điểm văn hóa tương tự sẽ được ghi nhận liên quan đến một số xã hội Đông Nam Á khác. Bởi vì ở vùng Kalinga cho đến thời Mỹ, không có cơ quan chức năng “công cộng” nào chịu trách nhiệm trừng phạt những kẻ giết người hoặc phạm tội khác, nên chức năng quan trọng nhất của quan hệ huyết tộc, và ở một mức độ lớn, vẫn là hỗ trợ cá nhân trong các cuộc xung đột về tài sản hoặc những mối quan hệ cá nhân có thể dẫn đến việc giết người, hoặc trong trường hợp giết người thực sự để trả thù thông qua việc giết người-chống lại kẻ giết người hoặc một trong những người thân của hắn.10

Trong khi tập hợp để ủng hộ hoặc báo thù cho cái chết của anh ta, loại quan hệ huyết tộc cá nhân của một cá nhân, theo một nghĩa nào đó, là một “nhóm”. Nhưng đó là một nhóm phù du và sự sẵn lòng tham gia của một người bà con cá nhân phụ thuộc phần lớn vào cách trong quá khứ anh ta đã được đối xử bởi chính cá nhân đó. Trong ngắn hạn, nó phụ thuộc vào sự có đi có lại mang tính chất cặp đôi. Người ta có thể hỏi liệu xã hội Kalinga truyền thống có chứa bất kỳ nhóm rời rạc nào của một loại hình cặp hợp nhất hay không. Có một vài loại hình như vậy. Một trong những nhóm như vậy, được tìm thấy ở người Kalinga cũng như các dân tộc khác, là gia đình vợ chồng (conjugal family) bao gồm một nhóm cha mẹ và những đứa con chưa lập gia đình của họ. Nhưng gia đình kiểu này là một nhóm nhất thời, nó sẽ biến mất sau cái chết của cha mẹ và được thay thế bằng những gia đình vợ chồng mới hình thành của những người con. Hơn nữa, gia đình Kalinga bắt đầu như một liên minh không mấy chắc chắn, bị phân rã dưới áp lực của những tuyên bố kình địch về lòng trung thành từ các gia đình cha mẹ của mỗi đối tác hôn nhân. Chỉ với sự ra đời của đứa con đầu lòng - tức là có sự xuất hiện của một cá nhân có quan hệ huyết thống với cả cha lẫn mẹ, thì cuộc hôn nhân mới thực sự ổn định.

Trong số một số bộ lạc lân cận và các bộ lạc tương tự khác, người dân Sagada và Ifugao, cũng thấy ngoài các gia đình vợ chồng và các quan hệ huyết tộc cá nhân với một số nhóm dòng dõi huyết tộc. Những nhóm này bao gồm tất cả các hậu duệ, thông qua các kết nối cả nam và nữ, của một số tổ tiên sáng lập nổi bật.11 Các nhóm như vậy, đôi khi được gọi là “các thị tộc hình nón”, thường rời rạc. Tuy nhiên, tính hữu ích của chúng đối với tổ chức xã hội là hạn chế, bởi thực tế là, không giống như các nhóm huyết hệ đơn hệ, chúng chồng chéo lên nhau sao cho một cá nhân, thông qua các dòng tổ tiên khác nhau, có thể là thành viên của nhiều nhóm như vậy. Ở Sagada, các thị tộc hình nón kể từ khi áp dụng chính trị bầu cử vào thời Mỹ, đã hình thành nên cơ sở của các phe phái chính trị. Ngoài ra, ở Sagada còn có các “phân khu” được phân định rõ ràng trong đó các hội đồng của những người đàn ông già cả giải quyết các tranh chấp và tổ chức các nghi lễ. Nhưng cả hai loại cấu trúc rời rạc này không xuất hiện phổ biến ở Kalinga. Các loại hình này được đề cập ở đây bởi vì chúng gợi nhớ đến một trong những lợi thế nằm trong các nhóm rời rạc và cho thấy các nhóm rời rạc có thể được tạo ra như thế nào trong các xã hội tổ chức theo huyết tộc đơn giản.

Bản chất của địa hình mà người Kalinga sinh sống đã chia tách họ về mặt địa lý thành một số khu vực định cư riêng biệt. Tuy nhiên, những khu vực này trước đây rất khó có thể được gọi là chính quyền địa phương, một cách gọi mang tính áp đặt của cách tổ chức nhà nước ở vùng đồng bằng. Không nơi nào ở Kalinga, ngay cả trong những khu cư trú rất nhỏ, nơi mà tất cả đều coi nhau là bà con, lại có một “thủ lĩnh” có thể được xác định duy nhất. Không ở đâu có một loại thực thể mà các thành viên riêng biệt hoặc tập thể lại có thẩm quyền đối với tất cả mọi người của khu dân cư. Những gì vốn có đều không phải là quyền hành mà là sự dẫn dắt mang tính cá nhân. Ở mỗi khu dân cư Kalinga đều có một số cá nhân có năng lực loại biệt trong chiến đấu hoặc sự giàu có hay trí tuệ vượt trội đã mang lại cho họ sức mạnh ảnh hưởng không chỉ đối với các thành viên trong gia đình trực hệ mà còn đối với nhiều bà con xa hơn của họ. Khi một trong số các thủ lĩnh-tự lập ấy quyết định một đường hướng hành động nhất định, thì một nhóm người gồm gia đình ông ta và những người tùy tùng họ hàng xa hơn này có thể sẽ ủng hộ ông ta. Và khi tất cả những người đứng đầu của bầu đoàn tùy tùng cá nhân trọng yếu có thể đồng ý về một đường hướng hành động nào đó - điều hiếm khi xảy ra trong mọi trường hợp - thì phần lớn dân cư có thể được huy động tham gia hành động - mà không phải toàn bộ dân cư. Mặc dù không phải ai cũng có thể là thủ lĩnh, nhưng không ai bị bắt buộc phải đi theo. Người ta luôn có quyền lựa chọn trở thành một cá nhân độc lập, không lãnh đạo ai, cũng chẳng đi theo bất kỳ người nào, và chính sự hiện diện của những cá nhân như vậy, cũng như sự bất đồng thường xuyên giữa các thủ lĩnh, đã khiến cho hành động trong toàn cộng đồng trở nên cực kỳ khó đạt được.

Hơn nữa, hành động của cộng đồng thuộc loại cực kỳ hạn chế, chủ yếu liên quan đến các vấn đề như phòng thủ chống lại các bên đột kích từ các khu dân cư khác. Nó còn cách rất xa với phương thức tổ chức “chính quyền”. Không có việc làm luật, không thu thuế, không có cảnh sát bắt người bị buộc tội, không có tòa án và không có đao phủ công khai. Giết người và những điều sai trái khác là tội lỗi chống lại cá nhân và đồng tộc của họ, không phải tội ác chống lại cộng đồng, và các tội lỗi đó được xử lý bởi các cá nhân có sự hỗ trợ của bà con họ hàng và sự giúp đỡ của những người hòa giải trung lập. Trong những điều kiện như vậy, công lý được phân biệt, tùy thuộc vào mức độ hung ác tương đối của hai kẻ đối địch và quy mô của đồng tộc mà mỗi kẻ có thể huy động để hỗ trợ mình. Trong khi người Kalinga thiếu thẩm quyền về lãnh thổ, ngay cả ở cấp địa phương, thì ít nhất họ cũng nhận ra sự tồn tại của các ranh giới địa lý riêng biệt giữa các khu định cư lân cận. Người Ifugao, một bộ tộc hoang dã khác sống gần đó lại không như vậy. Trong số các báo cáo về người Ifugao của Barton thì ranh giới địa lý của họ rất mơ hồ và vẫn còn thay đổi.

Mỗi “vùng” hoặc khu định cư được cư dân của nó xem như trung tâm của một loạt các vòng đồng tâm mà Barton gọi là “vùng quê nhà”, “vùng ban phong” và “vùng chiến trận”, các thuật ngữ gợi ý tình trạng suy giảm mức độ kiềm chế bạo lực đối với những người sống cách quê nhà ngày càng xa. Người Ifugao không có quan niệm chung về một lãnh thổ lớn hơn được chia nhỏ thành các quận hoặc các đơn vị tương tự. Lãnh thổ được cấu trúc thành các vùng cũng giống như con người được cấu trúc thành các thân tộc: khuôn khổ khoảng cách được tính từ ego hoặc nơi cư trú của ego. Barton, trích dẫn Henry Sumner Maine, cho rằng việc không có ranh giới lãnh thổ riêng biệt là một đặc điểm khá nguyên thủy. Nhưng chúng ta sẽ lưu ý một số trường hợp sau, sự thiếu hụt các ranh giới riêng biệt hoặc thiếu tổ chức dựa trên các ranh giới như vậy, là đặc điểm của một số chính thể đôi chút tiến bộ hơn và dường như phù hợp với sở thích của họ đối với các cấu trúc cặp. Bởi vì người Kalinga, trái ngược với người Ifugao, thừa nhận các ranh giới lãnh thổ riêng biệt, họ có thể tạo ra một mạng lưới “hiệp ước hòa bình” liên vùng, mặc dù về cơ bản vẫn mang tính cặp đôi, nhưng đã có một mối quan hệ nào đó với lãnh thổ.

Cho đến thời gian gần đây, việc vắng bóng đường xá, tình trạng hạn chế ảo đối với hôn nhân giữa các thành viên cùng địa phương và nguy cơ bị giết nếu một người mạo hiểm rời xa vùng quê của mình đã trở thành một yếu tố chặn đứng việc đi lại liên vùng. Với việc xây dựng những con đường xuyên núi của chính quyền thuộc địa miền xuôi trong thế kỷ 19 và 20, việc đi lại giữa các vùng trở nên dễ dàng hơn trong khi khả năng tạo ra lợi nhuận thông qua thương mại liên vùng đã tăng thêm động lực cho việc đi lại như vậy. Để đảm bảo sự an toàn của họ khi đến thăm các vùng của nhau, các cặp thương nhân bản địa đã thiết lập quan hệ đối tác thương mại, qua đó mỗi đối tác cung cấp thức ăn và chỗ ở cho đối tác, và quan trọng hơn, đó là hứa sẽ trả thù cho anh ta khi anh ta trả thù cho bà con của mình nếu người bà con của anh ta bị một người nào đó trong vùng giết chết. Trong suốt phần sau của thế kỷ 19, thể chế này ban đầu chỉ dành sự bảo vệ cho hai đối tác, đã được chuyển đổi thành một hệ thống phức tạp hơn, theo đó “hai chủ hiệp ước” sống ở các vùng khác nhau đảm nhận việc trả thù cho bất kỳ vị khách nào từ vùng khác đến, khi họ gặp phải bạo lực. Do đó, bảo vệ cá nhân đã trở thành bảo vệ toàn diện, nhưng vẫn được neo vào các cá nhân. Đó là người chủ hiệp ước hòa bình được người thân của anh ta hỗ trợ, chứ không phải toàn vùng có nghĩa vụ phải bảo vệ.

Chính chủ hiệp ước phải là người trả bồi thường nếu anh ta không trả thù được, đến lượt mình, anh ta là người được bồi thường nếu đối tác hiệp ước của anh ta cũng không trả thù được cho anh ta. Và nếu chủ hiệp ước qua đời và không có ai khác đứng ra thay thế vị trí của anh ta, thì hiệp ước sẽ mất hiệu lực và kéo theo đó, khả năng đi lại an toàn giữa hai khu vực cũng biến mất. Hơn nữa, từng cặp vùng trong số nhiều nhiều của người Kalinga đều có - hoặc không có - các hiệp ước riêng biệt của họ với nhau, và vì mỗi hiệp ước đều ảnh hưởng đến một vùng, nên chủ hiệp ước có thể là một cá nhân khác nhau. Do đó, phức hợp các hiệp ước là một mạng lưới, chứ không phải là một liên kết. Cuối cùng, bất cứ khi nào một hiệp ước mới được thương lượng, thì bất kỳ cá nhân nào ở một trong hai khu vực của chủ hiệp ước có nợ máu chưa giải quyết được để trả thù ở khu vực kia đều có thể khẳng định quyền được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của hiệp ước. Vì vậy, người Kalinga không bao giờ có thể nghĩ ra được một giải pháp nào hợp lý, hiệu quả và minh bạch hơn cho vấn đề an ninh cá nhân đối với người bên ngoài: việc thành lập một liên minh trên toàn lãnh thổ Kalinga đảm bảo sự bảo vệ cho mọi người ở bất kỳ nơi nào. Hệ thống này vẫn còn sơ khai và có cấu trúc cặp đôi, cũng hệt như cộng đồng của các cường quốc quốc tế trước khi thành lập Hội Quốc Liên vậy.

____________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Lande, Carl H. (1973). Networks and Groups in Southeast Asia: Some Observations on the Group Theory of Politics, In The American Political Science Review, Vol. LXVII, No. 1, March, 1973.

Tác giả: Carl Herman Landé (1924 - 2005) là một nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Do Thái Đức. Năm tuổi, ông cùng cha mẹ chuyển từ Đức sang Mỹ, nơi cha ông nổi tiếng là một nhà vật lý lượng tử có trình độ cao. Carl Landé đã nghiên cứu tại chính trường đại học mà cha ông đã giảng dạy và nghiên cứu, và chuyên về khoa học chính trị với bằng Cử nhân Văn học của Đại học Bang Ohio và bằng tiến sĩ của Đại học Harvard. Từ năm 1960 đến năm 1962 và từ năm 1968 đến năm 2000 Landé là giáo sư chính thức về khoa học chính trị và nghiên cứu Đông Á tại Đại học Kansas. Ông cũng đã từng giảng dạy tại Đại học Yale, Đại học Ateneo de Manila ở thủ đô Philippines, Đại học Monash ở Melbourne, Úc và Đại học Bách khoa Thành phố Sheffield ở Vương quốc Anh, ông nghỉ hưu năm 2000.

Ghi chú

1. Gabriel A. Almond and G. Bingham Powell, Jr., Comparative Politics: A Developmental Approach (Boston: Little, Brown & Co., 1966), p. 75. For Almond's earlier formulation, see The Politics of the Developing Areas, ed. Gabriel A. Almond and James S. Coleman (Princeton: Princeton University Press, 1960), pp. 3-64. For the paper which guided the research of the Committee's grantees, see Gabriel A. Almond, "A Comparative Study of Interest Groups and the Political Process," American Political Science Review, 52 (March, 1958), 270-82.

2.  Arthur F. Bentley, The Process of Government (Chicago: University of Chicago Press, 1908); David B. Truman, The Governmental Process (New York: Knopf, 1951); Earl Latham, The Group Basis of Politics (Ithaca: Cornell University Press, 1952).

3. See Giovanni Gentile, "The Philosophical Basis of Fascism," and Alfredo Rocco, "The Political Doctrine of Fascism," in Readings on Fascism and National Socialism, Department of Philosophy, University of Chicago (Denver: Allan Swallow, n.d.). For a discussion of the corporate state in practice, see Michael T. Florinsky, Fascism and National Socialism: A Study of Economic and Social Policies of the Totalitarian State (New York: Macmillan, 1938), pp. 86-100.

4. Mancur Olson, Jr., The Logic of Collective Action (Cambridge: Harvard University Press, 1965).

5. A more rudimentary version of the dyadic model, developed here, may be found in Carl H. LandS, Leaders, Factions, and Parties: The Structure of Philippine Politics, Yale Southeast Asia Studies Monograph Series, No. 6 (New Haven: Yale University Southeast Asia Studies, 1965), Appendix II, “Group Politics and Dyadic Politics: Notes for a Theory”. An earlier statement is found in “Politics in the Philippines”, Diss. Harvard University, 1958. The relationship between dyadic political structure and cognatic kinship is discussed at greater length in a paper, “Kinship and Politics in Pre-Modern and Non-Western Societies”, which was submitted to the American Political Science Review in 1961. While not published at the time, it now appears in Southeast Asia: The Politics of National Integration, ed. John T. McAlister, Jr. (New York: Random House, 1973), pp. 219-233. These writings owe a heavy debt to the late Robert N. Pehrson, whose classic study, The Bilateral Network of Social Relationships in Kdnkdmd Lapp District, Indiana University Publications, Slavic and East European Series, Vol. 5 (Bloomington: Indiana University Research Center in Anthropology, Folklore, and Linguistics. 1957) introduced me to the peculiarities of dyadic structure.

6. Charles Winick. Dictionary of Anthropology (New York: Philosophical Library, 1956), p. 242.

7. There is a growing body of literature dealing with dyadic structures and in particular with patron-client relationships. Some seminal studies which are not mentioned elsewhere in this paper include the following: For Southeast Asia: James C. Scott, “Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia”, American Political Science Review, 66 (March, 1972), 81-113. For South Asia see Frederik Barth, Political Leadership among Swat Pathans, London School of Economics Monographs on Social Anthropology No. 19 (London: The Athlone Press, 1965), pp. 71-126. For Northern Europe see Otto Blehr, “Action Groups in a Society with Bilateral Kinship: A Case Study of the Faroe Islands”, Ethnology, 3 (July, 1963), 269-275. For the Mediterranean area see Jeremy Boissevain, “Factions, Parties and Politics in a Maltese Village”, American Anthropologist, 66 (December, 1964), 1275-1287; and by the same author, “Patronage in Sicily”, Man, New Series 1 (March, 1966), 18-33. For Latin America see George M. Foster, “The Dyadic Contract: A Model for the Social Structure of a Mexican Peasant Village”, American Anthropologist 63 (December, 1961), 1142- 1173; and by the same author “The Dyadic Contract in Tzintzuntzan, II: Patron-Client Relationship”, American Anthropologist 65 (December, 1963), 1280-1294. For Africa see C. W. Gutkind, “Network Analysis and Urbanism in Africa: The Use of Micro and Macro Analysis”, Canadian Review of Sociology and Anthropology, 2 (May, 1965), 123-131. For theoretical works which are not limited to specific countries or regions see John W. Thibaut and Harold H. Kelley, The Social Psychology of Groups (New York: Wiley, 1959), especially Part I, “Dyadic Relationships”, pp. 9-187; John A. Barnes, “Networks and Political Process”, in Social Networks in Urban Situations, ed. J. Clyde Mitchell (Manchester: Manchester University Press, 1969); John Duncan Powell, “Peasant Society and Clientist Politics”, American Political Science Review, 64 (June, 1970), 411-425; Rene Lemarchand, and Keith Legg, “Political Clientelism and Development”, Comparative Politics, 4 (January, 1972), 149-178; and Norman E. Whitten, Jr. and Alvin W. Wolfe, “Network Analysis”, prepared for Chap. 3, The Handbook of Social and Cultural Anthropology, ed. John J. Honigmann (Chicago: Rand-McNally, in press) which includes an extensive bibliography.

8. Roy Franklin Barton, The Kalingas: Their Institutions and Custom Law (Chicago: University of Chicago Press, 1949); and Edward P. Dozier, Mountain Arbiters: The Changing Life of a Philippine Hill People (Tucson: University of Arizona Press, 1966).

9. “George Peter Murdock, Social Structure (New York: Macmillan, 1949), p. 60. For an excellent discussion of the nature of groups resulting from cognatic descent, see Robin Fox, Chap. 6, “Cognatic Descent and Ego-centered Groups”, Kinship and Marriage (Baltimore: Penguin Books, 1967), pp. 146-174.

10. The personal kindred performed very similar tasks in early Europe. For an exploration of this subject see Bertha Surtees Phillpotts, Kindred and Clan in the Middle Ages and After: A Study in the Sociology of the Teutonic Races (Cambridge: Cambridge University Press, 1913).

11. Fred Eggan, “The Sagada Igorots of Northern Luzon”, in Social Structure in Southeast Asia, ed. George Peter Murdock (Chicago: Quadrangle Books, 1960), pp. 27-30. Similar groups are found among the Muslim Maranao of the Southern Philippines, but not among the Christian peoples of the islands. See Melvin Mednick, Encampment of the Lake: The Social Organization of a Moslem-Philippine (Moro) People, Philippine Studies Program, Department of Anthropology, University of Chicago, Research Series, No. 5 (Chicago: University of Chicago Philippine Studies Program, 1965).

 

 

 


 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét