Powered By Blogger

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Phương pháp địa lý-Lịch sử và Cấu trúc luận trong Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Thách đố Thư dây chuyền






Phương pháp Địa lý-Lịch sử Cấu trúc luận trong Nghiên cứu
Văn hóa Dân gian: Thách đố Thư dây chuyền

Elo-Hanna Seljamaa

Người dịch: Hà Hữu Nga

Bài viết này kết nối loại hình thư dây chuyền và lịch sử của nghiên cứu văn hóa dân gian - một sự kết hợp có cái gì đó bất thường, tuy nhiên dường như lại đem đến một số vấn đề rất đáng thảo luận. Hầu hết độc giả có lẽ đều đã từng trải qua trò chơi thư dây chuyền từ thời thơ ấu, hoặc trong những năm gần đây, bằng việc sử dụng e-mail. Mặc dù vậy, việc xem xét loại hình thư dây chuyền, về nhiều phương diện, có lẽ vẫn rất hữu ích. Một thư dây chuyền bảo cho người nhận bản sao thư đó phải nhân lên một số lượng nhất định để chuyển tiếp các bản sao đó cho cùng một số lượng người nhận tiếp theo; sự tiếp tục của chuỗi thư dây chuyền theo cách đó, như đã được ấn định bởi bức thư, yêu cầu phải có được một kết quả tích cực, ngược lại, việc làm đứt dây chuyền bị buộc cho là gây ra rắc rối. Để thuyết phục người đọc, thư dây chuyền thường bao gồm những câu chuyện được cho là đúng vận may khiến cho người ta ngoan ngoãn tuân thủ việc tiếp nối dây chuyền, cũng như việc viện dẫn những bất hạnh khiến cho những người không tuân thủ các chỉ dẫn của bức thư phải lo lắng. Ngoài ra, một số thư dây chuyền có thể kết thúc với một danh sách người gửi trước đó của nó mà người ta kỳ vọng là người nhận mới ​​sẽ bổ sung với cái tên và nơi cư trú của mình.

Bằng một sự trùng hợp thú vị mặc dù có lẽ ngẫu nhiên, thư dây chuyền đã thu hút sự chú ý của hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian quan trọng của thế kỷ 20 - Walter Anderson (1885- 1962) và Alan Dundes (1932-2005). Trong khi Anderson là một thành viên tận tâm và trung thành của phương pháp lịch sử-địa lý, "luật sư bảo vệ cuối cùng" của nó (Kuusi 1980: 25), thì mặt khác, Dundes, từ những năm 1960 trở đi đã lập chương trình giới thiệu cấu trúc luận và phân tâm học vào nghiên cứu văn hóa dân gian. Anderson đã bắt đầu quan tâm đến loại hình thư dây chuyền trong những năm 1930 với tư cách là một giáo sư về văn hóa dân gian và văn hóa dân gian so sánh tại Đại học Tartu, Estonia. Năm 1937, ông đã trình bày một bài viết về thư dây chuyền tại Đại hội lần thứ 3 của Hiệp hội Quốc tế về Dân tộc học và Văn hóa Dân gian châu Âu được tổ chức tại Edinburgh (Tuneld 1978: 68) và trong cùng năm đó, ông đã công bố một bài viết giới thiệu các loại hình thư dây chuyền mà ông đã tìm thấy ở Estonia ( Anderson 1937). Alan Dundes lần đầu tiên bàn về thư dây chuyền vào năm 1966 trong một bài viết có tựa đề "Thư dây chuyền: Một cấp số nhân Dân gian" và sau đó ông đã quay trở lại với vấn đề liên quan đến văn hóa dân gian văn phòng và sao chép (Dundes, Pagter 1975; Dundes 1983).

Cách xử lý lịch sử-địa lý của Anderson và cấu trúc luận của Dundes về thư dây chuyền đã tạo thành một cặp thú vị cho phép theo dõi và thảo luận về những thay đổi phương pháp luận trong nghiên cứu văn hóa dân gian từ những năm 1930 đến những năm 1970. Dựa vào Thomas Kuhn (1970), phương pháp lịch sử-địa lý và cấu trúc luận có thể được coi là các hệ mẫu [paradigm] nghiên cứu liên tục thể hiện một cách "nhìn" cụ thể vào văn hóa dân gian và công việc nghiên cứu lĩnh vực này. Kuhn khởi xướng khái niệm hệ mẫu trong cuốn sách Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học của ông năm 1962, trong đó ông lập luận chống lại định nghĩa thực chứng về khoa học có cội rễ sâu xa với tư cách là một quá trình tích lũy các sự kiện, lý thuyết, phương pháp và tiến tới một chân lý khách quan và xác định. Dựa vào các ví dụ chủ yếu rút ra từ lịch sử vật lý học, để thay thế, Kuhn đã khái niệm hóa khoa học bằng khuôn khổ cấu trúc hồi quy của mô thức phát triển của nó: các quá trình chuyển tiếp liên tục từ một hệ mẫu này đến một hệ mẫu khác thông qua khủng hoảng và cách mạng khoa học. Các cuộc cách mạng khoa học với tư cách là các gián đoạn và thay đổi triệt để về các cách thức nghiên cứu luôn giới thiệu các lý thuyết, khái niệm, và các câu hỏi mới, trong khi đó lại đồng thời đặt các lý thuyết, khái niệm, và các câu hỏi cũ vào một bối cảnh mới. Bằng các thuật ngữ của Kuhn, các kết quả này trong tính vô ước của các hệ mẫu kế tiếp nhau, trong sự truyền đạt sai lệch giữa các môn đệ của các hệ mẫu khác nhau, và ở chính tình thế cách mạng - các học giả làm việc bang các hệ mẫu khác nhau "nhận thấy những sự vật khác nhau khi họ cùng một điểm nhìn, theo cùng một hướng" (ibid .: 150), vì họ nhìn những sự vật ấy "bằng các mối quan hệ khác nhau" (ibid).

Cấu trúc luận theo cách truyền bá của Dundes lại có nghĩa là một cách nhìn nhận và nghiên cứu khác nhau về văn hóa dân gian, như một phản ứng quyết định đối với các phương pháp trước đó và đặc biệt là phương pháp lịch sử-địa lý. Sau đây, tôi sẽ phân tích cách xử lý lịch sử-địa lý của Anderson cấu trúc luận của Dundes về loại hình thư dây chuyền để so sánh quan niệm của họ về văn hóa dân gian và nghiên cứu văn hóa dân gian. Mặc dù Kuhn nhằm vào việc phê phán sự cách nhận thức thực chứng về sự phát triển của khoa học, nhưng tôi lại cho rằng khái niệm hệ mẫu của ông vẫn tiếp tục hữu ích để suy về những phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian đã được mô hình hóa theo những lý tưởng khoa học về tính khách quan, tính có thể kiểm chứng, và tính có thể nghiên cứu đến thấu triệt được. Ngoài ra, điều mà các hệ mẫu với tư cách là "các cách nhìn nhận thế giới" có thể được tách ra khỏi các giai đoạn đặc biệt trong lịch sử nghiên cứu và được sử dụng để thảo luận về các tiền đề cơ sở được chia sẻ bằng các cách tiếp cận khác nhau, trong trường hợp này phương pháp lịch sử-địa lý và cấu trúc luận. Việc đánh giá lại đối với trường hợp cấu trúc luận mới được Perti Antonen -  người kêu gọi coi các hệ mẫu không phải là "các xu hướng nghiên cứu hoặc phát triển của họ, mà là các tiền đề cơ bản trong quá trình lý thuyết hóa và trong phương pháp luận - đề xuất gần đây" (Antonen 2007: 17-18).

Lịch sử và địa lý học của thư dây chuyền

Nghiên cứu Văn hóa Dân gian như một khoa học gốc

Phương pháp lịch sử-địa lý được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Bắc Âu vào những thập niên 1870-80 của thế kỷ 19, với vai trò hàng đầu của hai cha con học giả Phần Lan, Julius và đặc biệt là Kaarle Krohn. Vì vậy phương pháp này còn được gọi là phương pháp Phần Lan cũng có thể gọi cách khác, phương pháp địa lý - lịch sử hoặc, nói bằng một khuôn khổ khái quát hơn, phương pháp so sánh. Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 nó đã được hưởng thụ một thành công gần như chưa từng có, như Bengt Holbek đã xác định (Holbek 1992: 4), có thể giải thích được, trong số những sự vật  khác, bằng cách nhất quán nội tại của mình và một sự kết hợp hiệu quả của cả những ý tưởng và các lĩnh vực đã thành hay còn mới mẻ. Theo Mati Kuusi (1980: 25), phương pháp tổng hợp các tiền đềcác thực hành phê phán văn bản ngữ văn và ngôn ngữ học so sánh với các xung lượng rút ra từ lý thuyết tiến hóa và với những quan sát về sự phân bố địa lý của văn hóa dân gian. Do các thành phần này, phương pháp lịch sử-địa lý đã thành công trong việc thực hiện các tiêu chí thực chứng phổ biến trong khoa học hiện đại (Hautala 1954: 174), trong khi đồng thời còn cung cấp sự trợ giúp cho việc thiết lập các nền văn hóa quốc gia riêng biệt, một dự án mà quá nhiều khu vực châu Âu đã cùng tham gia.

Như đã được chỉ định bằng tên gọi của nó, phương pháp lịch sử- địa lý tiếp cận văn hóa dân gian từ quan điểm lịch sử và phân bố địa lý của nó, tức là nguồn gốc không gian và thời gian của văn hóa dân gian. Phù hợp với quan điểm lịch sử của thế kỷ thứ 19, trọng tâm của phương pháp lịch sử-địa lý là trong quá khứ. Văn hóa dân gian đã được gắn liền với truyền thống, với một nền văn hóa truyền khẩu được coi tĩnh tại đang biến mất, và do đó tương phản với nền văn minh và văn học, với nền văn hóa đô thị hiện đại. Việc sáng tạo ra văn hóa dân gian đã được giải thích bởi duy nhất một căn nguyên sự phân bố của bằng phương pháp truyền bá. Điều đó có nghĩa mỗi câu chuyện thần kỳ hay bài hát dân gian đã được tuyên bố được tạo ra tại một thời điểm nhất định và ở một địa điểm nhất định với tư cách là một tổng thể nghệ thuật độc đáo mà trong diễn trình thời gian đã lan rộng ra bằng phương tiện vay mượn, bằng cách là tại mỗi điểm khớp nối địa lý liên tiếp đều có một biến thể mới của hình thái nguyên gốc được tạo ra trên cơ sở của các biến thể trước đây. Vì vậy tất cả các biến thể của cùng một bài hát gốc hay câu chuyện thần kỳ đều được xem là có liên quan và đại diện cho cùng một loại đã được thể hiện trong nội dung phổ biến của chúng (xem ví dụ Aarne 1913; Krohn 1926; Kuusi 1980; Holbek 1992; Antonen 1997; Virtanen 1997).

Xuất phát từ các tiền đề này, nhiệm vụ và mục tiêu của nghiên cứu văn hóa dân gian là theo dõi nguồn gốc của mỗi hạng mục văn hóa dân gian nhất định - bằng cách so sánh chi tiết các biến thể để lập bản đồ quỹ đạo của nó, xác định thời gian và địa điểm tạo ra cũng như hình thái ban đầu gần đúng hoặc nguyên mẫu, Urform, của nó. Chất lượng của các kết luận được rút ra, tính chính xác, khách quan và khả năng kiểm nghiệm của chúng, đều liên quan tương ứng đến số lượng dữ liệu thực nghiệm, đến lượng văn bản văn học dân gian được nhà nghiên cứu sử dụng. Theo những lý tưởng thực chứng của thời đại, "tính khoa học" phụ thuộc vào tính khách quan và tính không ổn định trong kiểm soát, bằng việc phân tích tiến hành chặt chẽ từ việc xem xét các dữ liệu thực nghiệm. Bằng cách thực hiện các tiêu chí này, phương pháp lịch sử-địa lý cung cấp một khuôn khổ để xử lý với văn hóa dân gian và với các vấn đề chuyên đề về nguồn gốc và tính độc đáo của các văn hóa trong khuôn khổ khoa học thuần túy. Niềm tin của những những người theo phương pháp về tính đúng đắn của nó được thể hiện một cách sinh động trong tuyên bố táo bạo sau của Walter Anderson vào năm 1923: "Ở những nơi mà ảnh hưởng của “trường phái” phương pháp Phần Lan chưa được thâm nhập, thì việc nghiên cứu về văn hóa dân gian vẫn quay theo vòng tròn luẩn quẩn và không sản sinh được bất cứ điều gì ngoài các giả thuyết nông nổi kỳ quái" (Anderson 1923b: 197).

Cách tiếp cận của Anderson đối với thư dây chuyền Estonia là theo đúng với các tiền đề và quy định bắt buộc của phương pháp lịch sử-địa lý. Tuy nhiên, ông áp dụng phương pháp này với một sự hiển nhiên im lặng cứ như thể là không cần thiết phải giới thiệu về các nguyên tắc của nó. Với những động cơ ẩn dấu, bài viết đã để lại sự tiềm ẩn, độc giả "tự nhiên" khám phá ra bản thân mình trong số các loại hình, các biến thể, và các khái niệm quan trọng khác của phương pháp lịch sử-địa lý. Việc phân tích dựa trên các văn bản thư dây chuyền được chính Anderson thu thập và các văn bản được tìm thấy trong các bộ sưu tập của các hồ sơ lưu trữ Văn hóa Dân gian Estonia, nhưng ông còn dựa trên nguồn tư liệu đã được công bố bằng cả báo chí và các ấn phẩm văn hóa dân gian Estonia quốc tế. Phấn đấu để có được một bộ sưu tập dữ liệu được khai thác triệt để, Anderson đã đưa vào đó cả các văn bản bằng tiếng Estonia và tiếng Đức cũng như bằng cả tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Pháp. Trong khi dữ liệu đa ngôn ngữ này thể hiện rất rõ sự tinh thông các ngôn ngữ khác nhau của Anderson, nó còn là một ví dụ rất ấn tượng về tầm quốc tế của phương pháp lịch sử-địa lý: các ranh giới không gian phân tích đã được xác định bởi chính các nguồn dữ liệu thực nghiệm.

Anderson có thừa độc giả của mình từ giai đoạn phân loại loại hình học nguồn tư liệu của mình, và đi thẳng vào "các loại hình thư dây chuyền đã được biết đến tại Estonia cho đến nay" (Anderson 1937: 23). Cách trình bày đó làm cho các loại hình thư dây chuyền có vẻ những hiện tượng tự nhiên, là những thực thể tự độc lập, một điều kiện tiên quyết tiềm ẩn để phát hiện mục tiêu của chúng. Nếu có thể, Anderson cố gắng chọn ra những bản khởi thảo, tức là những độ lệch khỏi hình thức ban đầu trong một lãnh thổ hoặc khoảng thời gian nhất định đã phát triển thành những tiêu chuẩn mới. Xem xét từng loại hình một, Anderson so sánh các biến thể với nhau, các dấu vết quan hệ di truyền của chúngxây dựng bản đồ truyền bá để đưa ra kết luận và gợi ý về thời gian và địa điểm của sự sáng tạo và hình thức ban đầu ước tính của các thư đó. Vì mỗi bức thư tạo thành một sự vật cụ thể, thậm chí hữu hình, nên dường như có thể thu thập và phân tích chúng với "sự can thiệp của con người" một cách tối thiểu, chí ít là khi so sánh với các văn bản văn hóa dân gian được viết ra từ loại hình truyền miệng. Hơn nữa, vì độ chính xác trong việc sao chép các lá thư dây chuyền ấy là một trong những điều kiện tiên quyết của sức mạnh ma thuật của loại hình thư này, nên các bức thư, từ trong bản chất của chúng, đều đóng góp cho công việc học thuật nhằm tái dựng hình thức nguyên gốc của chúng. Tương tự như vậy, danh sách người gửi trước đó đôi khi được thêm vào ở cuối thư dường như đã đưa lại bằng chứng thành văn của các tuyến lịch sử và địa lý của mối bức thư. Mặc dù Anderson nghi ngờ về sự tham gia của Bernard Shaw, Walter Scot và Henry Ford vào loại hình thư dây chuyền này (1937: 16), tuy nhiên, ông vẫn dựa trên tên tuổi của các nhân vật và những vị trí địa lý được dẫn ra trong các danh mục này.

Nhìn từ viễn cảnh này, loại hình thư dây chuyền ở đây dường như phù hợp hoàn toàn về các tiền đề các thực tiễn của phương pháp lịch sử-địa lý, và theo các đặc trưng của chúng để khiến cho các thực hành ấy chính là sự biện minh mang tính thực nghiệm. Mặc dù các thảo luận và kết luận của Anderson đã được cẩn thận đúc rút từ các dữ liệu thực nghiệm tùy ý sử dụng của mình, nhưng đôi khi ông vẫn chuyển sang một mức độ trừu tượng vượt ra ngoài các đặc trưng về thời gian, ngôn ngữ và địa điểm. Vượt qua ngôn ngữ và các biên giới quốc gia, thư dây chuyền, đối với Anderson đã đại diện cho một hiện tượng thực sự mang tính quốc tế: các loại hình thư dây chuyền được tìm thấy ở Estonia thuộc về nguồn vốn chung của loại hình thư dây chuyền quốc tế, do đó thể hiện các quan hệ quốc tế của người Estonia, sự tham gia của họ vào việc trao đổi văn hóa dân gian quốc tế.

Tính liên tục về thể loại

Anderson xử
lý thư dây chuyền như là một lớp con hoặc một hiện tượng sót của Himmelsbriefe. Himmelsbrief hoặc "thư từ thiên đường" - đó là một loại thư được cho cho là do Thiên Chúa hay Chúa Giêsu viết ra vì vậy mà có đủ quyền năng che chở cho chủ nhân của nó tránh được lửa, đạn, bệnh tật, cái chết, và các bất hạnh khác (Stube 1931 / 1932b). Mặc dù Himmelsbriefe đã được đề niên đại sớm đến thế kỷ thứ 6, ở vùng Baltic chẳng hạn, sự phổ biến của loại hình thư này đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 19, đặc biệt liên quan đến Giáo hội Moravian (Poldmäe 1938: 530). Bao gồm cả việc khai trí và những điều răn Kitô giáo, Himmelsbriefe thường nhấn mạnh đến bổn phận tuân thủ ngày nghỉ lễ Sa-bát; cam kết cứu rỗi vì lòng mộ đạo và rang đe những kẻ sống trong tội lỗi. Theo định nghĩa của Anderson, thư dây chuyền khác với "Himmelsbriefe thông thường trước hết là ở tính súc tích và thứ hai là ở mức độ hấp dẫn trong việc phát tán thư việc viết lại đã được biến đổi thành một chỉ dẫn nghiêm ngặt trong việc sao chép các bức thư đến chín lần (ba lần, bốn lần) trong một khoảng thời gian ngắn và phải gửi nó đến cùng một số người quen biết; nếu người nhận thư làm như vậy, thì vận may sẽ đến với họ, nếu không - bất hạnh sẽ theo về" (Anderson 1937: 1).

Cách mô tả của Anderson về các thư dây chuyền thông qua những bức thư từ thiên đường đã chỉ ra rằng vào thời điểm ông viết bài nghiên cứu của mình, trong những năm 1930, các học giả nghiên cứu văn học dân gian có thể được cho là quen thuộc với thể loại Himmelsbriefe đến nỗi không cần phải giải thích thêm: Himmelsbriefe là một tiêu chuẩn và các bức thư dây chuyền là một ngoại lệ mới đối với nó. Phương pháp xác định thư dây chuyền của Anderson có thể được cho là phù hợp và có thể lý giải bởi quan điểm lịch sử của cách tiếp cận lịch sử-địa lý: trong khi phương pháp đó hướng đến xây dựng lại lịch sử văn bản và phát hiện nguồn gốc của văn hóa dân gian, thì Anderson lại khái niệm hóa loại hình thư dây chuyền như hậu duệ trực tiếp của Himmelsbriefe, do đó đề cập đến nguồn gốc của chúng. Việc mô tả một thể loại có nghĩa là định vị nó trong lĩnh vực các thể loại đã tồn tại thông qua việc cuộc thảo luận về sự phát triển lịch sử nội thể loại. Từ thể loại này, một thể loại khác có thể được khơi nguồn và nó sẽ được xác định thông qua các đặc tính phân biệt nó với hiện tượng nguyên gốc. Tuy nhiên Anderson đã không truy tìm nguyên do dẫn đến sự phát triển của thư dây chuyền, và ông cũng không quan tâm đến những biến đổi mà thư dây chuyền có thể gây ra trong truyền thống Himmelsbrief. Đối với ông, cái có vẻ có tầm quan trọng quyết định chính là thực tế của tự thân tính liên tục, mức độ liên quan của thể loại thư dây chuyền với thể loại thư thiên đường. Đó là, nếu như các thể loại và các phụ loại hình thành một hệ thống trật tự niên đại của  các mối quan hệ di truyền, thì một loại cây phả hệ của những thể loại phát triển một cách độc lập của các thực hành thực tế của các vật mang truyền thống.

Động cơ ẩn sau mối quan tâm đến loại hình thư dây chuyền

Anderson hy vọng độc giả của mình
phải quen thuộc với "bản chất và tính cách" (Anderson 1937: 1) của Himmelsbriefe. Tuy nhiên, còn đáng ngờ hơn nữa là mối liên quan giữa Himmelsbriefethư dây chuyền có ý nghĩa quan trọng hơn hết đối với người gửi và người nhận của chính những bức thư mà ông phân tích. Động lực cho việc phát tán thư dây chuyền vẫn nằm ngoài phạm vi quan tâm của Anderson và dường như ông đã tránh việc phán xét những người tham gia vào quá trình chuyển tiếp thư dây chuyền. Tuy nhiên người ta vẫn có thể tìm thấy một ghi chú đáng chú ý trong bài viết của ông, trong đó ông khẳng định tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng trong danh sách người gửi thư dây chuyền có thể được thêm vào mà không cần kiến ​​thức của họ. Theo Anderson, vì vậy mà các nhân vật nổi tiếng này "là hiện thân cực kỳ ngây thơ của những người tham gia vào chuỗi thư dây chuyền đó. Tuy nhiên những người nhận “lừng danh” khác cũng có thể thực sự chơi cùng, mặc dù không hề mê tín, chỉ để cho vui! "(Ibid .: 6). Nhận xét của Anderson phản ánh một thái độ kẻ cả đối với việc phát tán thư dây chuyền. Về cơ bản ông loại trừ khả năng các chính trị gia, nhà văn, diễn viên nổi tiếng và những người nổi tiếng khác - thành viên của tầng lớp công chúng tinh hoa - có thể tha thiết truyền đi các bức thư dây chuyền đó hoặc hành động một cách thực sự mê tín. Liên quan đến một ghi chú, các phán đoán này hầu như không mang bất kỳ ý nghĩa phân tích nào, mà chỉ phản ánh một cách sinh động mối quan hệ được chấp nhận giữa các tầng lớp, học vấn và tính duy lý.

Phác thảo cùng bài viết của mình, Anderson đề cập đến khả năng các loại hình thư dây chuyền khác lưu hành ở Estonia và yêu cầu độc giả của mình gửi các tư liệu bổ sung cho Cục lưu trữ Văn hóa Dân gian Estonia. Những kêu gọi hỗ trợ tương tự có thể được tìm thấy trong những nhận xét kết luận của các nghiên cứu khác của Anderson (ví dụ như Anderson 1925-1926), nhấn mạnh tính chất luôn luôn có thể điều chỉnh của chân lý khoa học và vì sự tiến bộ không ngững của công cuộc nghiên cứu (ví dụ như Anderson 1935: 10-11; Kuusi 1980 : 66). Vì các dữ liệu kinh nghiệm mới có thể chứng minh các kết luận trước đó sai, nên kết quả của chính các nghiên cứu chi tiết nhất cũng vẫn cần phải duy trì ở tình trạng có thể điều chỉnh. Lý tưởng của việc ngày càng đi sâu hơn vào các câu hỏi luôn hẹp hơn là theo quan điểm điển hình của Kuhn về khoa học chuẩn thường, cho phép tăng mức độ chính xác của nó và làm cho các dữ liệu thực nghiệm phù hợp hơn với các tiền đề lý thuyết. Những thách đố dựa trên hệ mẫu [paradigm] đều hướng tới củng cố vị trí của chính hệ mẫu đó, trong khi đó đồng thời kiểm nghiệm các ranh giới và khả năng của . Trong phạm vi và thực chất khác nhau, những thách đố này đặt ra các mục đích khác nhau: mục đích của Kaiser und Abt - Hoàng đế và Cha xứ của Anderson, chẳng hạn, cũng như các chuyên khảo khác của ông xử lý những mảng văn bản khổng lồ, có thể được cho là để bất tử hóa phương pháp lịch sử-địa lý và cung cấp cho bằng chứng cơ bản độ tin cậy của nó, trong khi các bài viết ngắn về các chủ đề khác nhau, mặt khác, lại góp phần vào việc mở rộng lãnh thổ của chính cái hệ mẫu [paradigm] đó và do đó cũng chính ngành học này. Bài viết về thư dây chuyền ấy có thể được chính xác xem như một nỗ lực quy mô nhỏ, nhằm mở rộng phạm vi của cả hai phương pháp lịch sử-địa lý và ngành nghiên cứu văn hóa dân gian.

Các ranh giới cứng mềm của văn hóa dân gian

Như đã đề cập ở trên, một trong những
cấu phần của phương pháp lịch sử-địa lý là ý tưởng tiến hóa-văn hóa của tất cả các nền văn hóa đều đi tới trải nghiệm cùng một quá trình phổ quát. Tính truyền khẩumức độ biết chữ được coi là hai giai đoạn phát triển khác nhau và loại trừ lẫn nhau; truyền thống, cùng với văn hóa dân gian, đã được gắn liền với văn hóa truyền khẩu, và đi đến biến mất với sự tiến bộ của nền văn minh (ví dụ như Antonen 2005: 48-51). Cùng với những ý tưởng này, Anderson khẳng định, chẳng hạn, các tuyến truyền bá văn hóa dân gian trùng với "các tuyến đường chung của văn hóa" (Anderson 1923a: 408), có nghĩa là các tuyến thuộc địa: văn học dân gian, giống như toàn bộ nền văn hóa, chỉ có thể lan truyền từ các nền văn hóa phát triển cao đến các văn hóa vẫn còn ở mức độ phát triển thấp hơn, từ những người thực dân đến những kẻ thuộc địa (ibid .: 408-410).

Đồng thời Anderson tự coi mình là một trong số ít các thành viên của cộng đồng lịch sử-địa lý nhấn mạnh tính tương đối của các ranh giới giữa viết truyền khẩu. Khi thu hút sự quan tâm đến thực tế những câu chuyện văn chương tác động ảnh hưởng đến những câu chuyện truyền khẩu, và ngược lại, Anderson đã yêu cầu mỗi trường hợp phải được xử lý riêng và theo đúng với nguồn dữ liệu thực nghiệm (Anderson 1923a: 4, 11; 1930/1933; 1935: 45-46) . Ông biết quan điểm của mình về phương diện này là một một ngoại lệ, và thậm chí còn tự coi mình là nhà văn hóa dân gian đầu tiên đã thu hút sự chú ý đến ranh giới mềm này (Anderson 1923a: 411). Đánh giá từ các tuyên bố này, người ta có thể kết luận rằng đối với Anderson, tính truyền khẩu và mức độ phát triển của văn bản viết thực sự tồn tại bên cạnh nhau trong một mối quan hệ hằng xuyên, chứ không phải là đánh dấu các giai đoạn riêng biệt của sự tiến hóa văn hóa. Đến lượt mình, điều này cho phép gợi ý thêm rằng Anderson đã không nhất thiết đánh đồng tính truyền khẩu với tình trạng mù chữ và trình độ phát triển văn hóa thấp hơn. Hơn nữa, mối quan tâm của ông đối với loại hình thư dây chuyền cũng như đối với tin đồn (Anderson 1925-1926) dường như chỉ ra rằng ông không coi truyền thống cũng như văn hóa dân gian độc quyền liên quan với quá khứ, với tất cả mọi thứ phải đi đến biến mất trong sự tiến bộ của nền văn minh. Khi xử lý các hiện tượng văn hóa dân gian được tìm thấy ở các thành phố và trong giới biết chữ và giáo dục trong môi trường đô thị hiện đại, Anderson quy về sự hiện diện sống động và sự thực hiện chức năng của văn hóa dân gian trong cuộc sống hiện đại hàng ngày (xem thêm Seljamaa 2005, esp. 162-163). Trong khi sẽ được phóng đại để đọc ý định đề xuất một khái niệm văn hóa dân gian rộng lớn hơn theo các quy chiếu này, nó vẫn cho thấy cách tiếp cận sáng tạo của Anderson đối với văn học dân gian, cũng như tính khả thi của việc nghiên cứu các hiện tượng như vậy trong khuôn khổ của phương pháp lịch sử-địa lý.
__________________________________

Nguồn: Elo-Hanna Seljamaa 2008. Remarks on the Historic - Geographic Method and Structuralism in Folklore Studies: the Puzzle of Chain Letters. Estonian Literary Museum, Estonian National Museum, University of Tartu, Vol. 1(2): 83–98.

Tác giả: Elo-Hanna Seljamaa, Khoa Văn học Dân gian Estonia và So sánh Văn học Dân gian, Đại học Tartu. Trọng tâm nghiên cứu hiện tại của cô là về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc dân tộc trong thời hậu Xô Viết Estonia. Luận án tiến sĩ của cô tại Đại học bang Ohio tập trung khảo sát các mối tương tác giữa các tộc thuộc láng giềng và trang trí đô thị ở Tallinn, bằng cách tiếp cận kết hợp các phương pháp dân tộc học và nghiên cứu văn học dân gian với khoa học chính trị và xã hội học. Trong những năm gần đây, cô cũng đã nghiên cứu những bản ballad giết trẻ sơ sinh thu thập được Estonia trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và các tác phẩm nghệ thuật, cũng như các công trình của Kristjan Raud, một trong những nghệ sĩ chuyên nghiệp đầu tiên của Estonia. Trong cả hai trường hợp, cô đều quan tâm đến mối tương quan giữa việc nghiên cứu văn hóa dân gian và hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Lĩnh vực quan trọng khác mà cô theo đuổi là lịch sử nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là phân tích phê phán phương pháp lịch sử-địa lý và tác động của nó đến sự hình thành của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian - Folkloristics với tư cách là một bộ môn nghiên cứu ở Estonia. Cô đã công bố nhiều bài viết về Walter Anderson, một trong những nhà phương pháp lịch sử-địa lý ưu việt và giáo sư đầu tiên về Văn hóa Dân gian So sánh Estonia tại Đại học Tartu. Quan tâm của cô về lịch sử của ngành học khởi đầu từ nghiên cứu lịch sử thể loại thư dây chuyền và tác động của Internet và thông tin điện tử đối với loại hình thư dây chuyền. Hoạt động gần đây: Vào mùa hè năm 2009, cô bắt đầu nghiên cứu thực địa tại Tallinn, cô còn là đồng biên tập viên của mạng thảo luận H-Folk quốc tế. Trong khoảng thời gian 2005-2009, cô là thư ký của Hiệp hội Quốc tế Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Tự sự.

REFERENCES

Aarne, Anti 1913. Leitfaden der vergleichenden Märchenforschung. FF Communications 13. Hamina: Suomalaisen Tiedeakatemian kustantama.
Anderson, Walter 1923a. Kaiser und Abt. Die Geschichte eines Schwanks. FF Communications 42. Helsinki: Academia Scientiarium Fennica.
Anderson, Walter 1923b. Prof. Kaarle Krohn ja tema uurimismeetod. – Eesti Kirjandus, 5–6, 193–197.
Anderson, Walter 1925–1926. Die Marspanik in Estland 1921. – Zeitschrift des Vereins für Volkskunde (Berlin) 35/36, 229–252.
Anderson, Walter 1930/1933. Buchvariante. – Lutz Mackensen (Hrsg.). Handwörterbuch des Deutschen Märchens. I Band. Berlin und Lepzig: Walter de Gruyter & Co, 347–349.
Anderson, Walter 1935. Zu Albert Wesselski’s Angriffen auf die finnische folkloristische Arbeitsmethode. – Acta et commentationes Universitatis Tartuensis (Dorpatensis). B. Humaniora. XXXVIII: 3.
Anderson, Walter 1937. Kettenbriefe in Estland. Eesti Rahvaluule Arhiivi toimetused 7. Tartu: K. Mattieseni trükikoda.
Antonen, Perti 1997. Philological Approach. – Thomas A. Green (ed.). Folklore. An Encylopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art. Volume II. Santa Barbara, California; Denver, Colorado; Oxford, England: ABC-Clio, 641–647.
Antonen, Perti 2005. Tradition through Modernity: Postmodernism and the Nation-State in Folklore Scholarship. Studia Fennica Folkloristica 15. Helsinki: Finnish Literature Society.
Antonen, Perti 2007. Notes on Lauri Honko’s Discussion on Paradigms in the History of Folklore Studies. – FF Network for the Folklore Fellows. No. 33, December 2007, 12–13, 16–20.
Dégh, Linda 2001. Legend and Belief. Dialectica of a Folklore Genre. Bloomington and Indianapolis: Indiana University Press.
Dundes, Alan 1964. The Morphology of North American Indian Folktales. FF Communications 195. Helsinki: Academia Scientiarum Fennica.
Dundes, Alan 1975a (1966) The American Concept of Folklore. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 3–16.
Dundes, Alan 1975b (1963). Toward a Structural Study of the Riddle. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 95–102.
Dundes, Alan 1975c (1970). On the Structure of the Proverb. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 103–118
Dundes, Alan 1975d (1964). On Game Morphology: A Study of the Structure of Non-Verbal Folklore. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 80–87.
Dundes, Alan 1975e (1961). The Structure of Superstition. – Analytic Essays in Folklore. The Hague/Paris/New York: Mouton Publishers, 88–94.
Dundes, Alan 1976. Structuralism and Folklore. – Juha Pentikäinen, Tuula Juurikka (eds.). Folk Narrative Research: Some Papers Presented at the VI Congress of the International Society for Folk Narrative Research. Studia Fennica 20. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura, 75–93.
Dundes, Alan 1980 (1964). Texture, Text, and Context. – Interpreting Folklore. Indiana Univeristy Press, 20–32.
Dundes, Alan 1983. Offi ce Folklore. – Richard M. Dorson (ed.). Handbook of American Folklore. Bloomington: Indiana University Press, 115–120.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1975. Work Hard and You Shall Be Rewarded. Urban Folklore from the Paperwork Empire. Bloomington, London: Indiana University Press.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1987. When You’re Up To Your Ass in Alligators: More Urban Folklore from the Paperwork Empire. Detroit: Wayne State University Press.
Dundes, Alan, Carl R. Pagter 1991. Never Try to Teach A Pig To Sing: Still More Urban Folklore from the Paperwork Empire. Detroit: Wayne State University Press.
Hautala, Jouko 1954. Suomalainen kansanrunoudentutkimus. Suomalaisen Kirjallisuuden Seuran Toimituksia 244. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura.
Holbek, Bengt 1992. On the Comparative Method in Folklore Research. With contributions from Hermann Bausinger, Lauri Honko, and Roger D. Abrahams. – NIF Papers No. 3. Turku: Nordic Institute of Folklore.
Hoppál, Mihály 1986. Chain Leter: Contemporary Folklore and the Chain of Tradition. – Irma-Riita Järvinen (ed.). Contemporary Folklore and Culture Change. Finnish Literature Society Editions 431. Helsinki: Suomalaisen Kirjallisuuden Seura, 62–80.
Krohn, Kaarle 1926. Die folkloristische Arbeitsmethode begründet von Julius Krohn und weitergeführt von nordischen Forschern. Insitutet for sammenlignende kulturforskning. Ser.B. Skrifter 5. Oslo:Aschehoug.
Kuhn, Thomas S. 1970. The Structure of Scientific Revolutions. Second Edition, Enlarged. International Encyclopedia of Unified Science. The University of Chicago Press.
Kuusi, Mati 1980. Suomalainen tutkimusmenetelmä. – Mati Kuusi, Lauri Honko, Leea Virtanen, Juha Pentikäinen. Perinteentutkimuksen perusteita. Porvoo-Helsinki-Juva: Werner Söderströmosakeyhtiö, 21–73.
Preston, Michael J. 1976. Chain Leters. – Tennessee Folklore Society Bulletin Volume XLII, Number 1, March, 1–11.
Propp, Vladimir 1968. Morphology of the Folktale. Austin: University of Texas Press.
Põldmäe, Rudolf 1938. Üks haruldane tüüp eestikeelseist taevakirjadest. Äratrükk Õpetatud Eesti Seltsi Toimetustest XXX. Tartu: [K. Matieseni trükikoda].
Seljamaa, Elo-Hanna 2005. Walter Anderson: A Scientist beyond Historic and Geographic Borders. – Kristin Kuutma, Tiiu Jaago (eds.). Studies in Estonian Folkloristics and Ethnology. A Reader and Reflexive History. Tartu: Tartu University Press, 153–168.
Seljamaa, Elo-Hanna 2007. Täiustatud tõde ehk Walter Andersoni rahvajutude enesekontrolli seadus. – Keel ja Kirjandus, 11, 888–906.
Stübe, Rudolf 1931/1932a. Himmelsbrief. – Hanns Bächtold-Stäubli, Eduard Hoffmann-Krayer (Hrsg.). Handwörterbuch des deutschen Aberglaubens. Band IV. Berlin und Leipzig, 21–27.
Stübe, Rudolf 1931/1932b. Ketenbrief, -gebet. – Hanns Bächtold-Stäubli, Eduard Hoffmann-Krayer (Hrsg.). Handwörterbuch des deutschen Aberglaubens. Band IV. Berlin und Leipzig, 1286–1287.
Tuneld, John 1978. Walter Anderson. – Kungl. Gustav Adolfs Akademiens MINNESBOK 1957–1972 I. Uppsala : Gustav Adolfs akad., 57–79.
Virtanen, Leea 1997. Historic-geographic Method. – Thomas A. Green (ed.). Folklore. An Encylopedia of Beliefs, Customs, Tales, Music, and Art. Volume II. Santa Barbara, California; Denver, Colorado; Oxford, England: ABC-Clio, 442–447.



2 nhận xét:

  1. Phương pháp lịch sử-địa lý, nghiên cứu văn hóa theo cả chiều không gian và thời gian. Hay. Thanks anh

    Trả lờiXóa
  2. Rất vui là Thu quan tâm đến Trường phái lịch sử - địa lý, còn gọi là trường phái Phần Lan do Julius Leopold Fredrik Krohn (1835 - 1888) sáng lập. J. Krohn là một nhà nghiên cứu thơ ca dân gian của Phần Lan, giảng viên văn học Phần Lan, nhà thơ, nhà văn, dịch giả và nhà báo. Ông sinh ra ở Viipuri và có nguồn gốc Baltic của Đức. J. Krohn là giáo sư ngôn ngữ Phần Lan tại Đại học Helsinki. Ông là một trong những nhà nghiên cứu đáng chú ý nhất về thơ ca dân gian Phần Lan trong thế kỷ 19. Ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Đức. Krohn cũng là người đầu tiên phát triển phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian, phương pháp lịch sử-địa lý. Con trai ông, Kaarle Krohn (1863 - 1933) nối nghiệp cha, là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng của Phần Lan, giáo sư và người tiếp tục phát triển phương pháp địa lý-lịch sử của cha mình trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Nhà Krohn nổi tiếng cả ở ngoài Phần Lan vì những đóng góp của họ cho trường phái lịch sử - địa lý trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông dành phần lớn cuộc đời mình cho việc nghiên cứu các sử thi, tạo lập cơ sở cho nghiên cứu sử thi quốc gia Phần Lan - Kalevala.

    Trả lờiXóa