Powered By Blogger

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Sự phát triển của thế lực thương nhân người Hoa dưới thời Công ty Đông Ấn (I)



Sự phát triển của thế lực thương nhân người Hoa dưới thời Công ty Đông Ấn (I)

Trương Bân Thôn

Người dịch: Hà Hữu Nga

Giới thiệu [1]

Công ty Đông Ấn [VOC] Verenigde Oost-Indische Compagnie của Hà Lan được thành lập năm 1062, bị bãi bỏ và quốc hữu hóa năm 1795. Vì đặc quyền hiến chương của công ty vẫn còn hiệu lực đến 31/12/1799 nên VOC chính thức kết thúc vào đầu thế kỷ XIX. Từ năm 1800 đến 1949, khi nước Cộng hòa Indonesia chính thức thành lập, trong một thế kỷ rưỡi, các đảo ở Indonesia đã bị người Hà Lan cai trị như một thuộc địa, và tạo thành giai đoạn thuộc địa tại vùng này. Người Hà Lan bắt đầu đưa tàu đến giao thương với châu Á vào năm 1595, kể từ đó đến năm 1602, nhiều đội tàu đã được các công ty của Hà Lan cử tới châu Á. Năm 1602, VOC đã được thành lập và đã được Nghị viện trao cho một bản hiến chương ủy quyền cho công ty độc quyền toàn bộ thương mại Hà Lan – Châu Á. Năm 1619, VOC chiếm lĩnh thành phố cảng Jakarta từ tay vua Hồi giáo Banten và đổi tên thành Batavia [2]. Công ty đã thành lập hệ thống trụ sở châu Á ở đó để giám sát toàn bộ các hoạt động thương mại tại châu Á. Trong giai đoạn từ 1602 đến 1799, lịch sử vùng đất Đông Ấn về cơ bản được tạo hình dưới ảnh hưởng hoặc sự thống trị của  VOC. Bài viết này sẽ tìm hiểu về sự phát triển của thế lực thương nhân người Hoa tại Đông Ấn trong hai thập kỷ đó.

Rất lâu trước khi các tàu Hà Lan đến châu Á thì thương nhân người Hoa đã trở thành một thế lực thống trị trong ngành hàng hải Đông Á. Với việc xâm nhập của VOC vào thương mại châu Á, thế lực thương nhân người Hoa càng được tăng cường thêm. Khác với người Hà Lan, Hoa tộc trở thành nhóm kinh tế hùng mạnh nhất không chỉ trong thương mại Đông Nam Á, mà đặc biệt là ở khu vực Đông Ấn nữa. Môi trường nhân văn vùng Đông Ấn dưới thời VOC rõ ràng được định hướng đến tạo thuận lợi cho quá trình tăng trưởng lợi ích của thương nhân người Hoa. Thế lực thương nhân người Hoa vẫn tiếp tục phát triển trong giai đoạn thực dân, và vẫn là một nhân tố được coi là quan trọng trong nền kinh tế Indonesia ngày nay. Cùng với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong các thập kỷ đó, vai trò kinh tế của Hoa tộc ngày càng trở nên to lớn trong quần đảo này. Vì nền tảng sự nổi trội về kinh tế Hoa tộc tại Indonesia về cơ bản được kiến tạo trong thời VOC nên cần phải có một nghiên cứu về sự phát triển của thế lực thương nhân người Hoa để góp phần làm sáng tỏ các sự kiện người Hoa đương đại và tương lai. Cả người Hoa và người Hà Lan đều là khách tại vùng Đông Ấn. Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, trong gần ba trăm năm mươi năm, họ là hai nhóm tộc người cố cựu với các lợi ích kinh tế lớn nhất ở đó. Các lợi ích kinh tế của họ không phải là không chứa đựng cạnh tranh và cả xung đột nữa, nhưng nói chung cần phải thừa nhận rằng tính chất bổ sung kinh tế giữa hai tộc người này dường như là còn tác động ảnh hưởng đến nhau nhiều hơn bất kỳ mâu thuẫn nào. Mặc dù trong thực tế thì VOC, theo các tính toán về lợi ích riêng của họ hoặc do lợi ích, mà họ đã thực hiện nhiều chính sách hạn chế khác nhau đối với các hoạt động của người Hoa, thì tính bổ sung giữa người Hoa và người Hà Lan có thể thấy rất rõ trong suốt thời gian tồn tại của VOC, cũng như trong giai đoạn thuộc địa. Bài viết này tập trung vào tính bổ sung của các mạng lưới kinh doanh người Hoa và VOC để diễn giải sự phát triển của thế lực thương nhân Hoa.

Mạng lưới và Công ty

Tại khu vực Đông Ấn thế kỷ XVII và XVIII, các lợi ích kinh tế của Hà Lan gần như đều do VOC độc quyền toàn bộ, trong khi đó các lợi ích kinh tế Trung Quốc trải ra trong vô số tác nhân cá thể ngoài thị trường. VOC là một công ty thương mại được nhiều nhà đầu tư Hà Lan thành lập; trong khuôn khổ tham gia kinh tế, các cá nhân người Hoa đã bắt đầu cùng nhau xây dựng một mạng lưới thương mại. Để tiện phân tích, chúng tôi sẽ đơn giản hóa các hoạt động kinh tế của người Hà Lan và người Hoa thành hoạt động của một công ty thương mại và mạng lưới kinh doanh tương ứng. Ấn định trước sự đơn giản hóa này cần phải có một thảo luận vắn tắt về sự phân biệt các đặc trưng kinh tế của công ty và của mạng lưới.

Các tổ chức kinh tế thường được phân chia thành ba loại đơn giản: thị trường, mạng lưới, à công ty. Một mạng lưới được đặc trưng bằng một cái gì đó tham dự vào một số đặc tính của thị trường và công ty, và vì vậy mà được coi là một vật lai của hai tổ chức khác nhau. Trong mỗi công ty, như một nguyên tắc, đều tồn tại một thứ tôn ty trong mối quan hệ con người với nhau, ngược lại với tình trạng vắng mặt hệ thống tôn ty đó ở ngoài thị trường và ở mạng lưới. Liên quan đến việc phân bổ các nguồn lực thì một thị trường lý tưởng phải được giải tập trung hóa, phi ngôi thứ và mang tính ngẫu nhiên và chủ yếu được đặc trưng bởi các giao dịch kinh tế diễn ra giữa các cá nhân đang tìm mọi cách để tối đa hóa lợi nhuận. Đặc trưng kinh tế nổi bật nhất của một công ty là hoạt động điều phối nội tại. Để đạt được mục tiêu của việc điều phối thì tổ chức của công ty phải hoạt động bằng phương tiện quyền lực tập trung, bằng mệnh lệnh theo thứ bậc và bằng các quy ước nội tại. (Với khái niệm quy ước, chúng tôi muốn nói đến một thứ văn hóa công ty được hình thành một cách chủ ý hoặc không chủ ý để phần nào giúp giải quyết các vấn đề xuất hiện trong một hợp đồng không hoàn hảo) [3]. Các lý thuyết tổ chức thường coi công ty và thị trường là hai phương pháp đối lập nhau trong việc quản lý hoạt động phân phối các nguồn lực trong một nền kinh tế tư bản. Ở khoảng giữa vẫn tồn tại nhiều loại hình quản lý đôi khi gộp lại thành một loại được gọi là “thể lai”. Toàn bộ các tổ chức lai tạp này có chung đặc tính quan hệ gần gũi về phương diện cá nhân, với hầu hết các giao dịch kinh tế đều diễn ra trong khuôn khổ đó. Chúng thuộc về phương pháp quản trị đệ tam cấp mà chúng tôi gọi là “mạng lưới”. Chuẩn mực, sự giao hảo, sự tin tưởng lẫn nhau thay thế cho các điều khoản hợp đồng, các hình thức thưởng phạt thay thế cho các quy định của luật pháp, tất cả chính là các yếu tố làm cho một mạng lưới công ty vận hành [4].

Các giao dịch mang tính tôn ty diễn ra trong một cấu trúc ra lệnh của một công ty; mặt khác, các giao dịch thị trường được tiến hành trực tiếp giữa các cá nhân vô danh. Sự vận hành của một nền kinh tế mạng được đặc trưng bởi sự vắng mặt của hai phương thức giao dịch. Ở vị thế của họ, một giao dịch mạng được thực hiện hoàn hảo dưới sự giám sát về phương diện xã hội. Được mô tả bằng cách nhìn chi phí giao dịch, Oliver Williamson kết luận rằng việc lựa chọn của ba tổ chức kinh tế tư bản ấy chủ yếu được thực hiện dựa vào việc xem xét chi phí quản trị kinh tế hóa [5]. Khi các thay đổi về quyền tài sản, luật hợp đồng và các chuẩn mực cũng như các quy ước đưa đến các thay đổi chi phí so sánh của hoạt động quản trị thì các tổ chức kinh tế cũng sẽ thay đổi theo để đáp ứng được các đòi hỏi thay đổi chi phí. Việc giao dịch giữa công ty này với công ty khác liên quan đến sự đánh đổi hiệu quả thể hiện trong sự khác nhau về chi phí giao dịch. Một tổ chức tương đối giải tập trung quyền lực, chẳng hạn như một thị trường thì có thể tạo ra được những động cơ mạnh mẽ cho các cá nhân tham gia và có thể thích ứng một cách năng động với các tình trạng rối loạn tự trị. Tuy nhiên điều đó lại không phù hợp với việc điều phối thích ứng tập thể. Ngược lại, mặc dù sự thật thì một tổ chức phân cấp theo thứ bậc thì bị bất lợi vì cấu trúc động cơ yếu đối với các cá nhân, và tương đối không thể thích nghi một cách tự trị, thì lại vận hành tốt hơn bằng sự điều phối thích nghi tập thể. Vì vậy các tổ chức khác nhau có điểm mạnh, điểm yếu khác nhau trong sự thích ứng. Khi nhu cầu về sự phụ thuộc và thích nghi tập thể tăng lên thì sẽ nảy sinh rắc rối với thị trường. Vì vậy, nếu nhu cầu thích nghi tập thể tăng thì một thị trường sẽ nhường chỗ cho tổ chức mạng lưới thể lai, và mạng lưới này sẽ lại nhường chỗ cho loại tổ chức công ty theo mô hình thứ bậc. Ở đây, công ty là cách thức tổ chức cuối cùng, và không thể còn giải pháp nào khác nữa.  Bằng cách thay thế trao đổi thị trường điểm giản đơn bằng việc trao đổi theo hợp đồng nội hãng, chúng ta đang đối mặt với một sự đánh đổi hiệu quả giữa thị trường và cách tổ chức thứ bậc. Nói cách khác, một loại không hiệu quả (quản trị quan liêu) được thay thế bằng một cách quản trị khác (điều chỉnh sai mang tính tập thể).

Trong thời VOC, các lợi ích kinh tế của các vùng Đông Ấn, đặc biệt là lợi ích thuộc khu vực phân phối hầu như đã được chia sẻ giữa VOC và người Hoa. Nếu VOC quá bị câu thúc bởi cạnh tranh và những tính toán chi phí – lợi ích vì không thể thực hiện được triệt để các chính sách độc quyền của nó tại các vùng Đông Ấn, dù sao mục tiêu của các chính sách này cuối cùng, nói chung vẫn đạt được, sau khi Batavia được xây dựng thành thủ phủ ngoại quốc của VOC, thì nó vẫn năng động tìm được đối tác người Hoa của mình. Từ đó hai bên bắt đầu độc quyền các lợi ích thương mại tại vùng quần đảo này. Họ sẽ không thể nào độc quyền được, trong trường hợp không có những tương tác bổ sung giữa cách tổ chức phân cấp thứ bậc của VOC và các mạng lưới kinh doanh của người Hoa.

Công ty vàmạng lưới đều có các điểm mạnh và điểm yếu thích nghi tương ứng. Công ty hoạt động hiệu quả bằng cách điều phối hợp tác, nhưng nó lại phải gánh chịu thua thiệt về động cơ và phải tăng thêm các chi phí quan liêu. Vì lợi ích của cá nhân và của công ty không phải lúc nào cũng nhất quán với nhau nên việc xuất hiện chủ nghĩa cơ hội là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy vấn đề đại lý và việc giám sát đã gây trở ngại rất nhiều cho VOC trong toàn bộ thời gian tồn tại của nó. Mạng là một thể lai giữa công ty và thị trường. Đối với mạng thương mại của người Hoa  thì động cơ dù ít hơn ở thị trường, nhưng vẫn không thành vấn đề. Trong thực tế thì rất khó mà huy động được sự tham gia của thành phần kinh tế cá thể. Điểm yếu của mạng lưới thương mại người Hoa là khả năng thích nghi kém trong điều phối tập thể. Điều này lại càng thể hiện rõ ràng trong buổi ban đầu khi cần có sự điều phối tập thể ở quy mô lớn.Vì vậy cho dù có cạnh tranh lợi ích kinh tế giữa người HàLan vàngười Hoa, thì vẫn có sự bổ sung kinh tế giữa hai bên, vì các phương pháp quản trị khác biệt nhau của họ, như VOC và mạng lưới thương mại của người Hoa đã cho thấy. Và với sự củng cố kiểm soát ngày càng tăng về phương diện chính trị đối với quần đảo, thì sự cạnh tranh kinh tế giữa người Hoa và người Hà Lan cũng yếu dần khi tính bổ sung về phương diện kinh tế ngày càng tăng lên. Chính quá trình tăng cường tính bổ sung ấy đã lý giải cho sự tăng trưởng của thế lực thương nhân người Hoa.

Chiến lược thương mại của VOC tại vùng Đông Ấn

Năm 1603, VOC bắt đầu đưa tàu tới châu Á vàtham gia vào quá trình cạnh tranh thương mại với ngành hàng hải châu Á. Những đối thủ cạnh tranh bao gồm nhiều nhóm thương nhân truyền thống châu Á, cũng như những người Âu mới đến, bao gồm các thương nhân Anh, Pháp, Đan Mạch, và Bồ Đào Nha. Năm 1609, nhóm ra quyết định cao nhất của VOC, ban giám đốc gồm 17 người được gọi là “Mười bảy Quý ông” đã đề xuất một loạt chính sách cho các hoạt động thương mại của Công ty tại châu Á. Các sự kiện tiếp theo rất đáng lưu ý: trước hết việc bổ nhiệm một ủy viên Hội đồng Quản trị hải ngoại cho toàn bộ hoạt động thương mại châu Á là do có sự trợ giúp của một Hội đồng Đông Ấn; thứ hai là phải tìm cho được một điểm cố định thích hợp được coi là một điểm tập kết cho các tàu của VOC, đó phải là nơi kiểm soát được toàn bộ các trụ sở của Công ty ở Châu Á, và phải xây dựng được một thành phố cảng làm trung tâm phân phối hàng hóa; và thứ ba là để độc quyền toàn bộ việc buôn bán gia vị. Vấn đề mấu chốt của chính sách này đã được Cornelis Matelieff thiết kế, và năm 1605 ông đã chỉ huy một đội tàu của Công ty đến châu Á. Sau khi quay trở về Hà Lan vào năm 1607, ông là chủ tịch hội đồng quản trị thay mặt cho Phòng thương mại Rotterdam, một trong sau phòng thương mại có đại diện trong hội đồng quản trị được cử đứng ra thành lập Hội đồng Mười bảy Quý ông. Vào năm 1608 – 1609 Matelieff đã viết một loạt bốn tiểu luận trong đó ông nhiệt tình tán thành cho VOC mô phỏng hệ thống Bồ Đào Nha tại châu Á. Hai vấn đề tiếp theo có tính quyết định nhất: giải tập trung hóa quyền lực, và thúc đẩy thương mại nội Á [6]. Đề xuất của ông đã được Hội đồng Mười bảy Quý ông chấp nhận; năm 1609 Hội đồng đã cử một ủy viên Hội đồng Quản trị đến châu Á, đặt trụ sở tại Banten, sau này trở thành trung tâm thương mại quốc tế lớn nhất của hàng hải Đông Nam Á [7].

Vì chính sách thương mại mở của vua Hồi giáo Banten không có lợi cho chính sách thương mại của VOC ở châu Á, nên ngay từ đầu các ủy viên Hội đồng Quản trị châu Á đã nhiệt tình tìm kiếm một cảng thay thế cho các trụ sở của Công ty. Chỉ sau một loạt cuộc thương thảo kiên trì và các chiến dịch quân sự mà vị Thống đốc thứ tư, Jan Pietersz Coen, cuối cùng đã dành được thành phố cảng Jakarta bằng sức mạnh từ tay vua Hồi giáo Banten và đặt tên khác cho nó là Batavia. Tại đây, Coen đã lập ra một chính phủ vận hành cho đến khi giải thể VOC vào năm 1799, để Công ty điều hành và quản lý mọi hoạt động thương mại ở châu Á. Đặt trụ sở tại Batavia, từ Coen trở đi, mỗi vị Toàn quyền đều cố gắng thiết lập hệ thống thương mại của VOC tại châu Á, để thực hiện các chính sách thương mại nội Á của VOC và độc quyền buôn bán gia vị. Ngay từ năm 1619, trong một lá thư Coen viết cho Hội đồng, ông đã đề xuất cách thức cho việc thực thi chính sách thương mại nội Á [8]:   

“Vải dệt Gujerat phải được đổi lấy hồ tiêu và vàng trên các bãi biển Sumatra; hồ tiêu Banten phải được đổi lấy bạc và vải vóc của vùng ven biển [Coromandel]; hàng Trung Quốc và vàng phải được đổi lấy gỗ đàn hương, hồ tiêu và những đồng bạc; có thể lấy bạc từ Nhật Bản để đổi lấy hàng hóa Trung Quốc; vải vóc vùng ven biển Coromandel phải được đổi lấy gia vị, các loại hàng hóa và những đồng bạc Arabia [peso de ocho], và bạc Arabia phải được đổi lấy gia vị và các loại hàng hóa khác, bằng cách đảm bảo rằng thứ này được bù lại bằng thứ khác, và tất cả đều được thực hiện trên các chuyến tàu mà không cần đến tiền từ Hà Lan”.      

Tóm lại, Coen cho rằng bằng hệ thống thương mại rộng khắp và lợi thế tàu biển, VOC có thể thu lợi rất lớn từ thương mại nội Á, và sau đó có thể được sử dụng để hỗ trợ cho thương mại liên Âu – Á của VOC. Ông cũng chỉ rõ rằng bằng cách này, Hà Lan thậm chí còn có thể thừa sức xuất khẩu các kim loại quý cho thương mại châu Á, vì đã được thử thách bằng toàn bộ các thế lực hàng hải châu Âu khác. Điều mà Hà Lan cần làm là cung cấp tàu biển, thiết bị và dịch vụ. Mặc dù thư của Coen đã cường điệu lợi nhuận mong đợi từ thương mại nội Á, nhưng từ năm 1630, thành công của phương thức thương mại này về cơ bản đã giảm mức phụ thuộc vào xuất khẩu kim loại quý từ mẫu quốc. Không phải là cho đến tận những năm 1680 khi Hà Lan xuất khẩu các kim loại quý thì nó mới lại bắt đầu hồi phục lại được, vì mức độ cạnh tranh tăng lên trong thương mại nội Á và sự mở rộng của thương mại Âu – Á của Hà Lan [9]. Sự độc quyền về buôn bán gia vị là một chính sách quan trọng khác của VOC. Có hai loại gia vị: loại thông thường và loại tốt. Loại thông thường là hồ tiêu, trong khi đó loại tốt lại gồm có đinh hương, nhục đậu khấu, và quế. Việc sản xuất đinh hương, nhục đậu khấu theo truyền thống thường tập trung ở quần đảo nhỏ Moluccas, trong khi loại quế tốt nhất lại được sản xuất ở đảo Sri Lanca. Việc sản xuất hồ tiêu trải rộng ở nhiều vùng, từ vùng ven biển Malabar thuộc tiểu lục địa Ấn Độ đến Sumatra và Java thuộc Đông Ấn [10].  
______________________________________

Nguồn: Chang Pin-tsun 2009. The Rise of Chinese Mercantile Power in VOC Dutch East Indies, Published in Chinese Southern Diaspora Studies 南方华裔研究杂志, 第三卷, 2009, Volume 3, 2009. (荷蘭東印度公司時代華人的商業勢力發展 Hà Lan Đông Ấn Độ Công ti thì đại Hoa nhân đích thương nghiệp thế lực phát triển)

Tác giả: 張彬村 Trương Bân Thôn là cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Lịch sử Hàng hải - 中央研究院人文社會科學研究中心 Viện Hàn lâm Academia Sinica, Đài Bắc, Đài Loan.

Tài liệu dẫn

*Thanks are due to Dr. Tana Li, who encouraged me to publish this English version, and to Dr. Nola Cooke, who helped edit and polish my English translation.

1. Pin-tsung Chang is a research fellow at the Centre for Maritime History, RCHSS, Academia Sinica, Taipei, Taiwan. This article was translated by the author, with slight revisions, from a Mandarin original “荷蘭東印度公司時代華人的商業勢力發展,” published in Tang Xiyong 湯熙勇, ed., 中國海洋發展史論文集 (Essays on Chinese Maritime History) (Taipei: Academia Sinica, 2008), vol. 10, pp. 329-360. A slightly amended version of the original essay also appears in this issue of Chinese Southern Diaspora Studies (pp. 247-65), by kind permission of the publisher.

2. The Batavians were a German tribe and ancestors of the Dutch.

3. Paul Milgrom and John Roberts, Economic Organization and Management (Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall, Inc., 1992), pp. 129-40 and 265.

4. Joel M. Podolny and Karen. L. Page, “Network Forms of Organization,” Annual Review of Sociology, 24 (1998): 57-75; Steve Lovett, Lee Simmons and Raja Kali, “Guanxi versus Market: Ethics and Efficiency,” Journal of International Business Studies, 30:2 (1999): 231-47.

5. Oliver E. Williamson, “Transaction Cost Economics and Economic Organization Theory,” in The Handbook of Economic Sociology, ed. Niel J. Smelser and Richard Swedberg (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1994), pp. 77-107. Also see by the same author, “The Economics of Governance,” American Economic Review, 95: 2 (2005): 1-17.

6 Femme S. Gaastra, The Dutch East India Company (Zutphen, the Netherlands: Walburg Pers, 2003), pp. 39-40.

7. Zhang Xie 張燮,東西洋考 (On the East and West Oceans) (Beijing: Zhonghua BookCo., 1981[1618]), pp. 41 and 179. On the rise and fall of Banten, and Chinese economic activities over there, see Ts’ao Yung-ho 曹永和,”明末華人在爪哇萬丹的活動 (Chinese Activities at Java’s Banten in the Late Ming)”, in his book 中國海洋史論集 (Collected Writings on Chinese Maritime History) (Taipei: Lianjing Publishing Co., 2000), pp. 233-72. Iwao Seiichi 岩生成一, “下港の支那町につぃて (A Historical Study of Chinese Town in Bantam)”, 東洋學報 (Tōyō Gakuho), 31:4 (1948), pp. 441-71.

8. Gaastra, Dutch East India Company, p. 121.

9. Ibid, pp, 132 and 139; Kristof Glamann, Dutch-Asiatic Trade 1620-1740 (The Hague: Martinus Nijhoff, 1958), pp. 50-71 and 290, Appendix D, Table IX.

10. Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680 (New Haven: YaleUniversity Press, 1993), vol. II, pp. 23-24.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét