Các chuyến đi của Marco Polo
Marco Polo
Rustichello de Pisa
Người dịch: Hà Hữu Nga
Về quốc gia rộng lớn có tên gọi Chamba
Bạn
cần biết rằng khi rời cảng Zayton* bạn phải bơi theo hướng tây – nam – tây
khoảng 1500 hải lý, sau đó bạn đến một quốc gia gọi là Chamba [1], một vương
quốc thịnh vượng, có vương triều của riêng mình. Người dân Chamba là những
người thờ tượng thần và hàng năm đều
triều cống Đại Hãn bằng voi, ngoài ra không còn gì khác. Và tôi sẽ kể về cách
thức họ dâng cống vật.
Việc
này diễn ra vào năm 1278, khi Đại Hãn cử viên tướng Nam tước Sa Tô (Sagatu) với
rất đông kỵ binh và bộ binh tấn công Chamba, và viên tướng này đã biến cuộc tấn
công thành một cuộc chiến trên quy mô lớn.
Nhà
vua Chamba lúc ấy có tên gọi là Accambale đã già cả, và đội quân của ông không
thể đương đầu được với quân Sagatu. Khi thấy viên tướng này gây chiến với vương
quốc của mình, ông đã rất đau buồn. Sau đó ông quyết định cử phái bộ tới triều
đình Đại Hãn. Phái bộ thưa với Đại Hãn: “Chúa công của chúng thần là Vua Chamba
coi Đại Hãn là chúa tể của người, và mong Đại Hãn thấu hiểu tình cảnh khổ đau
lâu nay của chúa chúng thần, và chỉ mong cho vương quốc được yên bình. Vì thế,
người cử chúng thần chuyển đến Đại Hãn ước nguyện được trở thành kẻ chư hầu của
Đại Hãn, và kính cẩn mong Đại Hãn khiến cho Nam tước Sagatu rút quân về, để cho
vương quốc của chúng thần được bình yên. Và từ nay, xứ sở chúng thần là thuộc
về Đại Hãn, và chúa của chúng thần sẽ giữ gìn nó cho Đại Hãn”.
Sau
khi nghe lời thỉnh cầu của sứ thần vua Chamba, Đại Hãn đã động lòng thương xót,
và truyền cho Nam tước Sagatu rút quân khỏi vương quốc ấy đi chinh phục một
vương quốc khác; và ý chỉ của Đại Hãn đã nhanh chóng được tuân theo. Vì vậy mà
sau đó vua Chamba đã trở thành chư hầu của Đại Hãn, và hàng năm đều triều cống
20 con voi lớn nhất và đẹp nhất có ở vương quốc của ông.
Nhưng
tôi muốn tạm gác chủ đề này để kể với các bạn về những điều đặc biệt khác của
vua Chamba.
Bạn
cần biết rằng, trong vương quốc này phụ nữ không được phép cưới chồng trước khi
nhà vua nhìn thấy mặt họ; nếu ưng ai thì ông ta sẽ lấy người đó làm vợ; nếu
không ưng thì ông ta cho cô ta cho một món của hồi môn để đi lấy chồng. Năm
1285, Marco Polo đã đến thăm quốc gia đó, và trong thời gian đó nhà vua nước
này có tới 326 người con cả trai lẫn gái, trong đó có tới 150 người có khả năng
cầm vũ khí chiến đấu [2].
Vương quốc này có rất nhiều voi và họ cũng có rất nhiều trầm
hương. Họ cũng có các cánh rừng gỗ mun mênh mông, màu gỗ đen nhánh, dùng làm
cán bút, quân cờ. Ngoài ra chẳng còn gì đáng kể, vậy thì chúng ta sẽ chuyển
sang truyện khác [3].
___________________________________
Nguồn: Polo Marco and Rustichello of Pisa. The Travels of Marco Polo — Volume 1, The Complete Yule – Cordier Edition, [Illustration: H. Yule] Including the unabridged third edition (1903) of Henry Yule's annotated translation, as revised by Henri Cordier; together with Cordier's later volume of notes and addenda (1920).
Nguồn: Polo Marco and Rustichello of Pisa. The Travels of Marco Polo — Volume 1, The Complete Yule – Cordier Edition, [Illustration: H. Yule] Including the unabridged third edition (1903) of Henry Yule's annotated translation, as revised by Henri Cordier; together with Cordier's later volume of notes and addenda (1920).
Ghi
chú của người dịch tiếng Việt
*Zayton vẫn được coi là Sơn Tứ Thôn ngày nay:山咀村,同名地名,在广东省有: 广东省江门市台山市川岛镇下辖的一个行政村.见“山咀村(川岛镇)”. Sơn Tứ thôn là địa danh:
tại tỉnh Quảng Đông có thành phố Giang Môn, thị xã Đài Sơn, ở Xuyên Đảo trấn có
một đơn vị hành chính gọi là Sơn Tứ Thôn.
** HC = Henri Cordier
Chú
thích
1. Cái tên Champa
có nguồn gốc Ấn Độ giống như tên gọi nước láng giềng Kamboja cũng như nhiều tên
gọi khác ở Đông Dương, và có lẽ lấy từ tên gọi của một nhà nước và đô thị cổ Ấn
Độ nằm bên bờ sông Hằng, gần Bhagalpur ngày nay. Vào thế kỷ thứ VII, Huyền
Trang đã đề cập đến nhà nước Ấn – Hoa là Mahachampa (Pel. Boudd, III.
83).
Cái tên
Champa còn đến thế kỷ XV hình như đã được người Tây Á dùng để gọi vương quốc trải
dài giữa Bắc Kỳ và Kamboja, gồm toàn bộ vùng đất ngày nay gọi là Đàng Trong,
bên ngoài Bắc Kỳ. Nó được người Trung Quốc gọi là 占城 Chiêm Thành. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông của Bắc Kỳ
đã chinh phục vương quốc này, và người gốc Champa chỉ còn lại một số nhỏ cư trú
tại các vùng núi tỉnh Bình Thuận ở cực Đông Nam của Đàng Trong. Tên gọi Champa
vẫn được sử dụng cho các bản đồ vẽ về vùng này. (See J.A. ser. II. tom.
xi. p. 31, and J. des Savans, 1822, p. 71).
Vị trí nổi bật
của Champa trên tuyến hàng hải đến Trung Quốc là các vị trí cảng biển được gọi
tên trong nhiều thời đại, và trong những ghi chép sớm nhất của các nhà hàng hải
Arab đến Trung Quốc, chúng tôi thấy nước này được ghi với một cái tên thống nhất
(cần chiếu cố sự thiếu hụt chữ cái trong tiếng Arab) là Sanf hoặc Chanf. Trong thực
tế thì rất có thể là cái tên tiếng Hy Lạp Zaba/Zabai
thuộc tuyến hải hành trong công trình Địa lý của Ptolemy đến Sinae chính là tên gọi này.
Năm 1882, Henry Yule đã viết: “Thực sự thì Champa, như đã biết về
sau này, nằm ở phía đông của tam giác châu Mekong, trong khi Zabai của người Hy
Lạp lại nằm ở phía tây của tam giác châu đó và ở phía tây của [tiếng Hy Lạp:
mega akrotaerion] Mũi Lớn, hoặc Cambodia trên các bản đồ của chúng ta. Hình như
Crawford (Desc. Ind. Arch. p. 80) đã nói rằng người Malay coi toàn bộ
vùng chúng ta gọi là Kambodia cũng chính là Champa. Có thể đây là một lầm lẫn.
Nhưng như chúng ta sẽ thấy, chắc chắn là cái tên Sanf trong tiếng Arab không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là Champa
– cũng nằm ở phía tây của Mũi Lớn, tức là trong vịnh Thái Lan. Sự thật thì các
vương quốc Đông Dương đã liên tục trải qua rất nhiều thăng trầm to lớn, và vào
buổi đầu, Champa phải là một quốc gia rất rộng lớn và cường thịnh, vì vậy Huyền
Trang (khoảng năm 629) mới gọi đó là Đại Champa (Maha-Champa). Và người bạn đã quá cố của tôi là Trung úy Garnier,
từng rất chú ý đến các vấn đề này, đã suy luận từ các dự liệu cuả Biên niên sử
Trung Quốc cùng các nguồn khác rằng cái kinh đô cổ được người Trung Quốc gọi là
Phù Nam đã trải rộng trên toàn bộ phía đông của bán đảo thuộc vình Thái Lan,
chính là một vương quốc của người Tsiam hoặc thuộc chủng Champa. Vị trí
của cảng cổ Zabai hoặc Champa có lẽ cần phải được tìm kiếm tại phía tây
Kamboja, gần Campot, hoặc Kang Kao trên bản đồ của chúng ta. Trên dải bờ biển
này còn có các tên gọi Komar và Kamarah của Ibn Batuta và các tác
giả Arab khác, cũng có rất nhiều trầm hương, đó là vùng đất về sau thuộc về
người Khmer hoặc người Kambojan”. [Yule, Henry 1882. Notes on the
Oldest Records of the Sea-Route to China from Western Asia, Proc.R.G.S.
1882, pp. 656-657].
Ông Barth cho rằng sự xác định trên rất nhất quán với bằng chứng
trong minh văn XVIII.B. của ông được phát hiện ở Angkor và đối với minh văn ấy
thì Campa là một bộ phận của Dakshinapatha, vùng đất phương nam.
Nhưng vì vậy mà kinh đô của Nhà nước kình địch của Kamboja có lẽ lại rất gần
với tỉnh Treang nơi phát hiện được các minh văn có những cái tên Bhavavarman
và Icanavarman. Sự thật thì vào năm 627, nhà vua Kamboja, theo Biên niên sử
Trung Quốc [Nouv. Mel. As. I. p. 84],
đã chinh phục được vương quốc Phù Nam được Yule và Garnier đồng nhất với
Campa. Abel Remusat (Nouv. Mel. As. I. pp. 75 and 77) đồng nhất nó
với Bắc Kỳ, còn Stan Julien (J. As. 4 deg. Ser. X. p. 97) lại đồng nhất
với Siam [Thái Lan] (Inscrip. Sanscrites du Cambodge, 1885, pp. 69-70,
note.).
Henry Yule viết (l.c. p. 657): “Chúng tôi đã cho rằng địa điểm Sanf trong tiếng Arab, cũng như Zabai trong tiếng Hy Lạp nằm ở phía tây
của Mũi Cambodia. Điều đó được chứng minh bằng nhận định rằng người Arab, trong
chuyến hải hành đến Trung Quốc đã đi mất mười ngày từ Sanf tới Pulo
Condor (Côn Đảo)”. Nhưng Abulfeda (bản dịch của Guyard, II. ii. p. 127)
lại dứt khoát cho rằng Bán đảo Komar (Khmer) nằm ở phía tây của Bán đảo Sanf;
khoảng cách giữa Sanf và Komar không đến một này đi biển.
Ngoài ra, còn một khó khăn nữa cần phải vượt qua.
Tôi đồng ý với Henry Yule và Marsden rằng ở chương vii, infra, tr.
276, của văn bản cần phải hiểu là “Khi bạn rời khỏi Chamba” thay cho “Khi bạn
rời khỏi Java”. Đi từ Zayton, qua 1500 hải lý, Polo đã đến Chamba; từ Chamba
bơi 700 hải lý ông đến các đảo Sondur và Condur, được Yule xác định là Sundar
Fulat (Pulo Condore – Côn Đảo); từ Sundar Fulat, bơi 500 hải lý nữa ông đến
nước Locac; sau đó đi tiếp 500 hải lý thì đến Pentam (Bintang), Malaiur, và
Java Nhỏ (Sumatra). Hải trình của Ibn Khordadhbeh cũng khá đồng nhất với hành
trình của Marco Polo, như GS. De Goeje đã lưu ý: “Khởi hành từ Mait (Bintang),
và đi về phía trái Tiyuma (Timoan), mất 5 ngày thì đến Kimer (Kmer, Cambodia),
đi tiếp ba ngày nữa theo ven biển thì đến Sanf; sau đó mất 100 parasangs (đơn
vị đo khoảng ách của Ba Tư, 1 parasang = 6km) đường bộ hoặc đường biển đến
Lukyn, điểm đầu tiên trong cuộc viếng thăm Trung Quốc, từ Lukyn mất 4 ngày bằng
đường biển và 20 ngày bằng đường bộ thì đến Kanfu” [Quảng Đông , xem ghi chủ
tr.199] (Xem De Goeje's Ibn Khordadhbeh, p. 48 et seq.). Nhưng ở đây
chúng ta vấp phải vấn đề. GS. De Goeje viết cho tôi: “Rất lạ là trong Relation
des Voyages của Reinaud, tr. 20, được Ibn al Fakih sao lại, tr. 12 seq.,
thì Sundar Fulat (Pulo Condore) lại nằm giữa Sanf và biển Trung Hoa (Sandjy); phải mất 10 ngày đi từ Sanf đến Sundar Fulat, và sau đó mất một
tháng (trong đó mất 7 ngày đi giữa các núi được gọi là Các cửa vào Trung Quốc).
Chúng tôi đọc thấy Livre des Merveilles de l'Inde (tr. 85, 86) viết như
sau: “Khi đến giữa Sanf và bở biển Trung Quốc, ở lân cận Sundar Fulat, có một
hòn đảo nằm ở lối vào biển Sandjy, thuộc biển Trung Quốc...” Có vẻ như từ hai
đoạn này thì cần phải tìm kiếm Sanf ở Bán đảo Malay. Sanf này khác với Sanf của
Ibn Khordadhbeh và của Abulfeda." (Guyard's transl. II. ii.
127).
Qua các đoạn trên, tôi cho rằng không thể tìm kiếm Sanf ở Bán đảo
Malay. Trong thực tế thì GS. G.Schlegel, trong một bài viết công bố trên T'oung
Pao, vol. x., đã chứng minh rằng Shay-po (Djava), được viết bằng chữ Hán
chính là dịch âm của cái tên Phạn ngữ của Hoa hồng Trung Quốc (Hibiscus rosa
sinensis), Djava hoặc Djapa, chứ không phải là Đảo Java Lớn, mà theo các
văn bản chữ Hán thì là một quốc gai trên Bán đảo Malay; nhưng theo tôi thì ông
lại không chứng minh được rằng Shay-po là Champa, như chính ông tin là đã làm
được điều đó.
Tuy nhiên GS. De Goeje đã thêm vào trong bức thư, và tôi hoàn toàn
đồng ý với vị học giả Arab học lừng danh của Leyden là ông cho rằng cái giả
thuyết có hai Sanf là không ổn, mà ông nghiêng về phía cho rằng vị thuyền
trưởng viết Marvels of India đã đặt Sundar Fulat hơi quá xa về phía bắc,
và câu truyện của Relation des Voyages là không chính xác.
Tóm lại, lịch sử các mối quan hệ giữa An Nam (Bắc Kỳ) và người
hàng xóm phương nam, vương quốc Champa, mà các cuộc hải hành của Marco Polo và
Ibn Khordadhbeh đã cho thấy, cũng như vị trí của Sanf được Abulfeda xác định
thực sự làm cho tôi tin rằng việc đặt Champa vào phần bờ biển trung và nam của
Đông Dương mà ngày nay người Pháp gọi là An Nam (Trung Bộ và Nam Bộ), ở tỉnh
Bình Thuận đã chỉ ra một cách chính xác phần còn lại của cái vương quốc cổ đó.
Như
đã viết ở trên, tôi đã nhận được Số 1 của tập ii của bộ BFFEO (Bul. de l'Ecole Francaise d'Extreme-Orient) trong
đó có ghi chủ về Canf et Campa của M.A. Barth. Các chứng lý của GS. De
Goeje và công trình của Ibn Khordadhbeh đã đưa Barth đến kết luận của tôi cho
rằng bờ biển Champa đã được xác định ở chính nơi mà các bi ký đã được tìm thấy
tại bờ biển miền trung An Nam ngày nay – H.C**].
Người mà Marco Polo gọi là Sagatu trong các sử liệu Trung Quốc
chính là Sotu, [Toa Đô còn viết là 唆都, Sogetu, Suodu,
Söghetei; (? – 1285) là một viên tướng Mông Cổ thời nhà Nguyên, thế kỷ 13].
Năm 1278, Sotu cử sứ bộ đến Chiêm Thành đòi Chiêm vương quy phục,
Chiêm Thành đầu hàng, và trong nhiều năm ông ta đã triều cống Hốt Tất Liệt
[Kublai]. Nhưng khi Đại Hãn can thiệp sâu vào công việc nội bộ của vương quốc
bằng cách bổ một viên Thái thú và đội ngũ quan lại nhà Nguyên, thì con trai
Chiêm vương (1282) đã cương quyết phản đối các hành động đó, và đã bỏ tù các
quan chức nhà Nguyên. Đại Hãn phẫn nộ tột bậc với sự xúc phạm đó (xảy ra ngay
sau thất bại của ông tại Nhật Bản), đã lệnh cho Sotu và những người khác nữa
đến Chiêm Thành để trả thù. Năm sau, vị công tử của Chiêm vương đã phải trá
hàng và đội quân của Sotu (nếu trong thực tế đội quân này đã được cử đến) đã
rút lui. Tuy nhiên vị công tử Chiêm vương đã tiếp tục tấn công các cơ sở của
quân Nguyên, và đã giết chết 100 quan quân nhà Nguyên. Sau đó Sotu đã cử một
đội quân mới đến Chiêm Thành, nhưng đã không thành công, và ông ta phải bị bãi
chức. Năm 1284 Chiêm vương đã cử một sứ bộ trong đó có cháu trai của ông đến
Nguyên triều xin lỗi và hòa giải. Tuy nhiên, Hốt Tất Liệt đã từ chối và lệnh
cho con trai ông là Thoát Hoan (Tughan) tiến đánh Đại Việt, một cuộc phiêu lưu
đã đưa đến một thất bại thảm hại với quốc gia này.
Ở đây chúng ta gặp phải một vài vấn đề với các giai thoại lịch sử
của Marco Polo. Một số tên gọi và các hoàn cảnh lịch sử có thể nhận biết được
trong các biên niên sử Trung Quốc; nhưng một số vấn đề thì lại không ăn khớp
với các sự kiện và tên gọi trong biên niên sử. Sứ bộ năm 1284 có vẻ giống với
sứ bộ mà Marco Polo nói đến, cho dù lịch sử Trung Quốc không cho thấy cái kết
cục ưng ý mà ông đã gán cho nó như vậy. Niên đại trong văn bản cũng không chính
xác, và khác với niên đại ghi trong sách của Marco Polo. Tôi nghi ngờ sách đó
có niên đại gốc MCCLXXXIII.
Có một ghi chú cho cái tên chữ Hán của vị vua Sinhopala, và
rõ ràng đó chính là cái tên Accambale (Acambale) của Ramusio; một dấu
hiệu cho thấy ngay đó chính là sự tự ý thêm bớt từ ngữ vào một văn bản gốc, và
sự đồng nhất Champa và Chen Chinh (Chiêm Thành).
[Chúng ta được biết từ một minh văn nói rằng năm 1265 Chiêm vương là Jaya-Sinhavarman II., là người mà năm 1277 có tên là Indravarman và người Trung Quốc gọi là Che li Tseya Sinho phala Maha thiwa (Cri Jaya Sinha varmma maha deva). Ông chính là vị Chiêm vương trong thời gian Marco Polo viễn du phương Đông (A. Bergaigne, Ancien royaume de Campa, pp. 39-40; E. Aymonier, les Tchames et leurs religious, p. 14.) - H.C. **]
Có các ghi chú về những sự kiện trong De Mailla (IX. 420-422) và
Gaubil (194), nhưng các đoạn trích của Pauthier mà chúng tôi sử dụng thì lại
đầy đủ hơn.
Voi là loại cống vật chủ yếu được các nhà nước Đông Dương định kỳ
đem sang triều đình Trung Quốc.
[Trong một công trình bằng chữ Hán của một người An Nam vào thế kỷ
XIV, có tên gọi An Nam chí lược đã
được ông Sainson (1896) dịch ra tiếng Pháp, chúng ta đọc được: Voi chỉ có ở Lâm
Ấp; quốc gia này đã trở thành Champa. Họ thường dùng voi để chuyên chở đồ vật;
đất nước này ngày nay là tỉnh Pu Cheng”. Ông Sainson ghi chú Pu Cheng trong
tiếng An Nam là Bố Chánh quan, bây giờ là Quảng Bình, và kinh đô đầu tiên là
Đồng Hới, thời Champa chuyển về phía nam H.C. **].
[Người Chăm, theo truyền thống của họ thì có ba kinh đô: cổ nhất
là Shri-Banoeuy, có lẽ thực sự là Quảng Bình; Bal-Hangov, gần
Huế; và Bal-Angoue, thuộc tỉnh Bình Định. Vào thế kỷ thứ 4, vương quốc Lin-y
hoặc Lâm Ấp đã được nói đến trong Biên niên sử Trung Quốc – H.C. **]
2. Thời điểm Marco thăm Champa, theo Pauthier và Ramusio là năm 1280; G.T. là 1285; Geographic Latin là 1288. Tôi thiên về niên đại 1288. Vì chúng ta biết rằng khoảng năm 1290, Marco trở lại triều đình sau một sứ mệnh đến vùng biển Ấn Độ, có thể ông đã đến Champa thời gian này.
2. Thời điểm Marco thăm Champa, theo Pauthier và Ramusio là năm 1280; G.T. là 1285; Geographic Latin là 1288. Tôi thiên về niên đại 1288. Vì chúng ta biết rằng khoảng năm 1290, Marco trở lại triều đình sau một sứ mệnh đến vùng biển Ấn Độ, có thể ông đã đến Champa thời gian này.
Gia tộc nhà vua là thuộc dòng dõi khác thường. Odoric nói: “Zampa
là một đất nước rất tươi đẹp, có những kho hàng lớn với đủ loại hàng hóa. Nhà
vua lúc tôi ở đó [khoảng 1323] có tới 200 đứa con, cả trai lẫn gái; vì ông có
nhiều vợ và thê thiếp. Nhà vua còn có tới 14.000 con voi thuần...và voi được
nuôi nhốt như ta nuôi bò vậy” [tr. 95-96]. Điều đó đã minh chứng cho những gì
mà Marco đã viết về voi ở đây và chắc chắn là không có sự cường điệu liên quan
đến toàn bộ các quốc gia Nam Đông Dương (Xem ghi chú của Odoric).
3.
Bản thân Champa và các lãnh thổ liền kề là những vùng sản xuất trầm hương chủ
chốt. Cả hai tên gọi tiếng Anh lign-aloes
hoặc eagle-wood đều
nhầm lẫn, vì thứ gỗ đó không hề liên quan gì đến cây lô hội hoặc chim đại bàng
cả; dù sao thì cái tên Bishop
Pallegoix xuất phát từ
tên gọi sau cũng là loại gỗ có những chấm nhỏ giống như bộ lông chim đại bàng. Thực
ra thì nó có tên gọi Aquila, Agila, từ cái tên tiếng Phạn Aguru, trong khi đó
nó lại có thể là từ tiếng Malay Kayu-gahru, dù quá trình diễn biến của từ
nguyên có thể theo cách khác; và [tiếng Hy Lạp Aloae] có lẽ là một sự sửa đổi
sai lạc của một từ Arabs dùng cho nó, Al-'Ud, là “gỗ”.
[Có lẽ người Bồ Đào Nha đầu tiên liên quan đến loại cây này và gọi
nó bằng cái tên Arab là aghaluhy, hoặc tiếng Malay agila; từ đó
sinh ra pao de' aguila, có nghĩa là gỗ aguila. Nó đã được dịch ra tiếng
Latin là lignum aquilae, và từ đó chuyển thành ngôn ngữ hiện đại là bois
d'aigle, eagle-wood, adlerholz, ...v.v. (A. Cabaton, les
Chams, tr. 50.) Ông Groeneveldt (Ghi chú, tr. 141-142) viếtd: Lignum
aloes chính là gỗ Aquilaria agallocha, và chủ yếu được biết là trầm
hương. Sách Cương mục mô tả: Trầm hương
còn được gọi là mật hương. Nó tiết ra từ lõi và từ mắt gỗ và chìm trong nước,
vì tính chất khác thường đó mà nó được gọi là trầm hương. Trong sách Nam phương Thảo mộc trạng, loại gỗ này
được gọi là mật hương, vì nó thơm vị mật. Cuốn sách còn cho chúng ta biết thêm
rằng loại trầm này được sản xuất ở tất cả các quốc gia vùng phía nam Trung Quốc
bằng cách đốn ngã cây gỗ già rồi để cho chúng mục nát ra, sau đó chỉ còn lại
lõi gỗ, mắt gỗ và những phần rất cứng chắc khác. Loại sản phẩm này có nhiều tên
gọi khác nhau căn cứ vào chất lượng và hình dáng của chúng, ngoài các tên gọi
trên còn có các tên gọi khác như mã đề, kê cốt, thanh quế, tuy nhiên các tên
này hiếm được sử dụng H.C. **].
Loại trầm tốt của Champa được sản sinh ra nhờ loại cây họ đậu Aloexylon
Agallochum bị bệnh, trong khi loại kém hơn, mặc dù có hương liệu tương tự
được sản sinh từ một loài hoàn toàn khác, Aquilaria Agallocha, và thấy ở
vĩ độ cao về phía bắn, đến tận Silhet.
Phần bổ sung của GT ở đây là một ví dụ khác về việc sử dụng vô
thức một từ phương Đông của Marco. Đó là từ gốc Ba Tư Abnus, gỗ mun, từ này hầu
như đã được đưa nguyên vẹn vào từ Abenuz của Tây Ban Nha. Chúng tôi cũng thấy
từ Ibenus trong bảng kê hàng hóa tiếng Pháp (Douet d'Arcq, p.
134), nhưng phần bổ sung dường như đã cho thấy từ này theo cách dùng của nhà du
hành lại rất xa lạ đối với Rusticiano. Từ
Calamanz mà ông cũng dùng để chỉ cái hộp bút, thì lại giống với từ Kalamdan
của Ba Tư hơn là từ Calamajo trong tiếng Ý.
“Gỗ mun rất thông dụng ở đất nước này (Champa), nhưng loại gỗ quý
nhất và rất sẵn lại được gọi là “Gỗ đại bàng”, loại có chất lượng tốt nhất phải
mua bằng vàng; người địa phương gọi là Kỳ
nam” (Bishop Louis in J.A.S.B. VI. 742; Dr. Birdwood, in the Bible
Educator, I. 243; Crawford's Dict.).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét