Powered By Blogger

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Nước Shabbat ở đâu? (I)



Nước Shabbat ở đâu? (I)

Nicolai Listopadov

Người dịch: Hà Hữu Nga

Hai ngàn năm trước, thậm chí có thể còn xưa hơn thế nữa, trên bờ biển phía đông Vịnh Bengal nổi lên một đô thị phồn thịnh, có tên gọi là Dvaravati. Các bộ biên niên sử được viết trên lá bối cho rằng quyền lực thống trị ở đó là thuộc về triều đại của bản thân Đức Phật. Nata là thần bảo hộ thành phố, vì thế mà thành phố có một khả năng siêu phàm là có thể trở nên vô hình. Còn khi bị kẻ thù tấn công thì nó bay vút lên trời và thay vì các điện đài tráng lệ, kẻ thù chỉ còn thấy các cánh đồng và các khu rừng trúc bạt ngàn. Hiểu ra điều đó, đội quân xâm lược cực kỳ tức giận. Một trong số họ là vị vua Vasudeva quỷ quyệt, đã cùng với 9 người anh em của ông tấn công vị thần bảo hộ bằng cách nhử chim thần vào bẫy rồi giết chết. Gần nơi xảy ra sự kiện vẫn còn có một dòng sông được gọi là “Máu chim”.  Nata chết, thành phố không còn khả năng vô hình hóa nữa. Để củng cố thắng lợi này, Vasudeva đã hạ lệnh xích thành phố bằng cùm sắt vì vậy mà nó không thể vô hình hóa được nữa. Và từ đó thành phố mang tên là Thandwe, viết bằng tiếng Anh là Sandoway, có nghĩa là xích bằng cùm sắt.

Thành phố vô hình

Tôi nhớ lại tích truyện này trên chuyến bay từ Rangoon, thủ đô Myanmar ở phía tây bắc đến Bang Arakan giáp với Bangladesh. Sau khoảng 40-45 phút gì đó thì hạ cánh ở Sandoway. Cái thành phố truyền thuyết mà tôi đã định đến ấy chính là cố đô của Arakan vào cuối thế kỷ X. Qua ô cửa sổ máy bay, bồng bềnh những cánh rừng Arakan vùn vụt trôi qua. Sau đó lấp lánh hiện lên trên đường chân trời mặt vịnh Bengal. Máy bay dừng hẳn. Dường như nó đậu chớm ngay trên mép nước. Và những cặp bánh lóc cóc lăn trên nền đường băng trải tới tận bờ vịnh. Những thành phố có độ cao như vậy tôi chưa từng thấy. Tôi cũng không băn khoăn xem liệu Sandoway đã thoát khỏi xiềng xích hoặc có biến khỏi mặt đất hay không.

Ngay lập tức mọi nỗi sợ của tôi tiêu tan. Con đường chạy giữa một hành lang đồi gò và những lùm tán dừa dẫn chúng tôi vào thành phố, hay nói chính xác hơn là thị trấn. Chao ôi, thế là Sandoway – một trung tâm vùng quá khiêm tốn. Những vinh quang xưa cùng với năng lực biến hình siêu phàm hoặc bay vút lên trời đã mãi mãi trở thành quá khứ.

Tuy nhiên, một vài dấu ấn thời gian vẫn còn đoán được. Nhờ vậy mà theo truyền thống, Sandoway được coi là thành phố ba quả đồi và ba ngôi chùa. Nhìn gần, tôi thực sự chú ý đến ba vị chúa tể núi đồi trên thành phố. Trên đỉnh đồi là ba tòa chùa tháp nhỏ lấp lánh ánh vàng. Các chùa tháp Phật giáo này rất linh thiêng, và bất kỳ ai đến thăm Sandoway cũng đều đến viếng các chùa tháp ấy. Mỗi ngôi chùa cách nhau vài km. Ở đây không có phương tiện giao thông công cộng. Tại khu vực chợ dưới bóng của tán đa xum xuê có những chiếc xe xích lô. Tuy nhiên, đây không phải là những chiếc xích lô thông dụng – một người dạo phố đường bệ ngồi trên ghế thùng xe. Những chiếc xích lô ở đây có lẽ được làm từ thời Insura cổ xưa. Tôi gọi một chiếc xe đạp thông thường với một chiếc yên thô kệch, được làm cho hai người ngồi đấu lưng nhau. Chủ xe là một người Arakan ở độ tuổi trung niên gầy gò, thân quấn sà rông và mặc áo phông, đạp xe một cách nặng nhọc, và lập tức chúng tôi rời thị trấn rồi đi dọc theo những cánh đồng lúa vàng được chia ra thành những khoảnh nhỏ. Khi leo lên đồi, tôi phải nhảy khỏi yên xe để đi bộ, đôi khi còn giúp người chủ đẩy chiếc xe qua một mô cát. Toàn bộ các quả đồi bên trên thành phố đều trồng cọ. Tuy nhiên, ngoại trừ những ngôi chùa trên đồi với các ngọn bảo tháp lặng thinh giữa thị trấn, cảnh sắc còn lại không có gì đáng để ý.  

Tôi chăm chú nhìn ngắm ngôi chùa thanh nhã có chóp đỉnh mạ vàng. Nó được gọi là Shwe Sandaw, Đại Kim tháp. Phật tử Arakan tin rằng trong đó thực sự có lưu giữ Phật phát – tóc Phật. Không thể không nói đến hai ngôi chùa chị em ở các quả đồi bên cạnh, Nandaw lưu giữ Phật lặc cốt [xương sườn Phật]; còn Andaw thì lưu giữ Phật nha [răng Phật]. Trong đám cỏ, bên cạnh ngôi bảo tháp có một tấm bia đá với các hình khắc đã bị mòn. Người chủ xe đọc câu gì đó, nhưng không dễ gì hiểu được, cho dù tiếng Arakan và tiếng Myanmar rất tương đồng, hệt như tiếng Nga và tiếng Ukraina vậy. Tuy nhiên cách phát âm và từ vựng thì có những khác biệt đáng kể. Trong tiếng Myanmar không có âm |r| còn âm |ts| thì được thay bằng âm |ch| mềm. Ít sử dụng biệt ngữ âm Arakan, tôi chịu chết với những tượng hình chạm trên các phiến đá granat – các vị hộ pháp ở Sandoway. Nhìn kỹ thì thấy các vị hộ pháp tay cầm đoản đao. Sau đó tôi thăm tiếp hai ngôi chùa tháp còn lại trước khi kết thúc cuộc hành hương. Chao ôi! Tôi chợt nhận ra rằng đối với tôi các dấu vết của thời cổ đại đã không còn có thể được biết thêm nữa. Ai biết được, có thể thành phố vẫn bảo lưu được quyền năng vô hình hóa, nhưng lại không khai mở trước bất cứ ai, mà chỉ dành riêng cho kẻ truyền thừa? Cảm ơn ông đã nhận ra những tấm bi ký, các vị hộ pháp vẫn đứng đó hằm hằm canh giữ các bí mật của quá khứ.

Bến thuyền Shabbat

Từ trên đồi, tôi vội vã lao xuống Vịnh, nơi có những cơn gió mát lạnh tỏa khắp Ngapali. Đó là tên gọi của một ngôi làng ven biển với nhà cửa và một Hotel bằng gỗ dựng trên mặt nước. Bãi biển Ngapali đúng là một thiên đường nguyên vẹn còn sót lại trên trái đất này. Nước trong veo. Cát trắng bong. Một vạt cỏ cây nhiệt đới hỗn độn. Bình an và thanh thản. Đám du khách náo nhiệt vừa mới đến đây, tiếp tục tour du lịch Pattaya và Phuket. Đơn giản là đeo cặp kính bảo hộ để bơi, lặn xuống rạn san hô và nhìn ngắm thế giới thủy cung: những đám san hô khổng lồ, những đàn cá màu sắc phong phú tới mức bạn không thể nào hình dung nổi – từ đỏ tươi đến sặc sỡ - từ các loài da lấm chấm như hoa đến các loài với những đốm màu đầy gợi cảm.

Tôi nghĩ rằng mình say mê nhiều thứ khác nữa mà có lẽ người dân Arakan cũng vậy: biển dập giờn, ấm áp, cảnh hoàng hôn mê hồn, những sự vật hoàn toàn mới lạ của vùng nhiệt đới. Nhưng thật bất ngờ là tôi lại không giới hạn mình vào các ý tưởng chung nhất về vùng đất hiếu khách này, mà lại hoàn toàn đắm chìm vào lịch sử và văn hóa của nó.

Điều đó xảy ra một cách tình cờ khi tôi quay trở lại với cuốn Hành trình vượt ba biển của Athanasius Nikitin. Tôi biết rằng mình đã đến Myanmar, nơi mà ông chưa đến được, mặc  dù chỉ được nghe các thương nhân kể lại khi “đang làm một điều gì đó” thì vẫn gợi về nơi ấy, thành phố ở đó, Pevgu hoặc Pegu. Ở đó, tất cả đều trùng hợp với các hiện thực lịch sử, nhưng đó lại là một nơi khác để “làm một điều gì đó” mà tôi đã truy tìm: “Một bến thuyền thật lớn có tên Shabbat trên biển Ấn Độ Dương. Một khoản công nhật trả cho người Horasan bằng đồng tenga lớn thì rất lớn, mà nhỏ thì lại rất nhỏ. Một người Horasan, mà ông hoàng Shabbat đã trả công mỗi tháng một ngàn đồng tenga. Ở Shabbat người ta sản xuất tơ lụa, đàn hương, ngọc trai – nên mọi thứ đều rẻ”.

Vậy thì Shabbat đó là gì vậy? Nó đã tồn tại ở đâu? Dường như đó không phải là một đất nước, cũng không phải là một thành phố với cái tên ấy đã từng tồn tại trên đời này. Tôi xem phần tài liệu dẫn. Tôi đọc phần ghi chú về từ “Shabbat”: “Không rõ đó là nước nào”. Tôi nghĩ, điều đó thật tuyệt với. Trong một vài trang “làm một điều gì đó” của tập nghiên cứu có các nhận xét và những lời giải thích. Có lẽ bản thân Athanasius Nikitin khi đề cập đến bến thuyền Shabbat cũng không rõ nó là gi? Thật lạ...

Rất tò mò, tôi cẩn thận tìm kiếm mọi nguồn thông tin văn bản về một bến tàu bí ẩn. “Từ Sri Lanka đi mất một tháng thì tới Shabbat, và từ Shabbat đến Pegu mất hai mươi ngày. Từ Bidar đi mất ba tháng thì đến Shabbat, còn từ Dbhol đến Shabbat mất hai tháng đường biển. Ở Shabbat người ta sản xuất tơ, huyền ngọc, đàn hương, ngà voi. Còn người Do Thái thì nói rằng tín ngưỡng của người Shabbat chính là tín ngưỡng Do Thái, điều đó không đúng; họ không phải là dân Do Thái, không phải người Besermen, không phải người Thiên chúa, còn tín ngưỡng của họ thì là Ấn giáo, chứ không phải Do Thái giáo, không phải dân chinh phục Besermenami, họ không uống, không ăn bất cứ loại thịt nào. Mọi thứ ở Shabbat đều rất rẻ. Trong rừng voi, khỉ tự do đi hàng đàn, xông ra đường tấn công người, vì vậy tôi không dám tự mình đi đêm ra đường. Từ Shabbat đi theo đường bộ mất mười tháng, còn đường biển mất bốn tháng. Họ nuôi hươu xạ, khi hươu đẻ, họ cắt dây rốn và bỏ ra ngoài đồng để mất mùi xạ, vì mùi đó không sạch”.

Khi đọc những đoạn này trong đầu tôi chợt lóe lên một linh cảm. Tôi cho rằng tôi đã hình dung ra cần phải lần tìm dấu vết Shabbat ở đâu. Nhưng không được hấp tấp. Trước hết chúng ta hãy xem giả thuyết này liên quan đến cái gì đã khiến cho các nhà nghiên cứu trước hết phải “làm một điều gì đó”.    
______________________________

Nguồn: Николай Листопадов 1996. Где она страна Шабат?  Журнал «Вокруг Света», Версия для печати, №2 (2665),| Февраль 1996, Рубрика «Исторический розыск».

Tác giả: Nikolai Listopadov, sinh năm 1956, Nhà Ngoại giao, Tiến sỹ Khoa học Lịch sử, nhà Đông Phương học, chuyên về Myanmar, cũng có thể gọi là nhà Myanmar học. Ông đã làm việc tại Myanmar từ 1982- 1986 và từ 1990-1994. Năm 2003 ông lại sang thăm quốc gia này. Hiện ông là Tổng lãnh sự quán của Cộng hòa Liên bang Nga tại Chennai, Cộng hòa Ấn Độ. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét