Powered By Blogger

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Chung cục của lịch sử và con người cuối cùng (I)



Chung cục của lịch sử và con người cuối cùng (I)

Francis Fukuyama

Người dịch: Hà Hữu Nga

Thay lời tựa

Khởi nguồn của tập sách này là bài báo có nhan đề Chung cục của lịch sử? tôi viết cho Tạp chí The National Interest – Lợi ích Quốc gia vào mùa hè năm 1989 [1]. Trong đó tôi cho rằng thời gian qua đã xuất hiện sự đồng thuận lớn liên quan đến tính chính thống của chủ nghĩa tự do với tư cách là một hệ thống nhà nước trên toàn thế giới, vì nó đã chinh phục được các hệ tư tưởng đối địch như chế độ quân chủ cha truyền con nối, chủ nghĩa Phát xít, và gần đây nhất là chủ nghĩa cộng sản. Không những thế, tôi còn cho rằng nền dân chủ tự do có thể kiến tạo nên “chung cục tiến hóa của ý thức hệ nhân loại” và cái “hình thái cuối cùng của nhà nước nhân văn” và “kiến tạo nên một chung cục lịch sử”. Thế có nghĩa là khi các loại hình nhà nước trước đây được đặc trưng bởi những bất hợp lý và khuyết tật trầm trọng, dẫn tới sự sụp đổ cuối cùng thì nền dân chủ tự do hiển nhiên đã tránh được những mâu thuẫn nội tại cơ bản. Như vậy không có nghĩa là các nền dân chủ bền vững ngày nay như Mỹ, Pháp, hoặc Thụy Sỹ không phải đã hết bất công hoặc những vấn đề xã hội trầm trọng. Nhưng những vấn đề này chỉ là sự thực hiện chưa hoàn hảo cặp nguyên tắc tự do và bình đẳng, với tư cách là nền tảng của một nền dân chủ hiện đại mà thôi, chứ đó không phải là những khuyết tật của bản thân các nguyên tắc ấy. Trong khi hiện nay một vài quốc gia có thể thành công trên con đường xây dựng một nền dân chủ tự do và một số quốc gia khác có thể quay trở về với những loại hình cai trị nguyên thủy hơn, chẳng hạn như chế độ độc tài quân sự hoặc một thể chế thần quyền thì lý tưởng dân chủ tự do cũng có thể không được tiếp tục tiến triển.   

Bài báo ban đầu đã gây nên một loạt bình luận, và bàn cãi, trước hết là ở Mỹ và sau đó lan ra một loạt quốc gia khác như Anh, Pháp, Italia, Liên Xô, Brazil, Nam Phi, Nhật Bản, và Nam Triều Tiên. Có đủ các kiểu phê bình chỉ trích, trong đó một số chỉ đơn giản là sự hiểu nhầm ý tôi, còn một số khác thì thấu hiểu hơn căn nguyên luận chứng của tôi [2]. Nhiều người bối rối, trước hết bởi vì tôi sử dụng từ “lịch sử”. Khi hiểu lịch sử theo nghĩa truyền thống, với tư cách là một loạt các biến cố, người ta đã nhắm tới sự sụp đổ của Bức tường Berlin, đến cuộc đàn áp của cộng sản Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn, và việc Iraq xâm lăng Kuwait như là những bằng chứng nói rằng “lịch sử vẫn đang tiếp diễn”, và ipso facto chắc chắn là tôi sai lầm.

Nhưng điều mà tôi gợi ra về một chung cục lại không phải là các sự kiện, thậm chí đó là những sự kiện có quy mô lớn và nghiêm trọng, mà Lịch sử ở đây, có nghĩa là lịch sử được hiểu như là một quá trình tiến hóa liên tục, đơn nhất, khi xem xét kinh nghiệm của toàn bộ nhân loại trong mọi thời đại. Cách hiểu lịch sử như vậy gắn chặt với cách hiểu của nhà triết học vĩ đại người Đức G.W.F. Hegel. Nó đã tạo nên một phần trí quyển hàng ngày của chúng ta bởi Karl Marx, người đã mượn khái niệm Lịch sử của Hegel và tiềm ẩn trong các từ mà chúng ta vẫn dùng như “nguyên thủy”, “tiên tiến”, “truyền thống” hoặc “hiện đại” khi quy chiếu vào các kiểu loại xã hội khác nhau của con người. Đối với cả hai nhà tư tưởng này, đã có một sự phát triển liên tục của xã hội loài người, từ các xã hội bộ lạc đơn giản dựa trên nền nông nghiệp sinh nhai và nô lệ qua các chế độ thần quyền, quân chủ và phong kiến quý tộc đến chế độ dân chủ tự do hiện đại và chủ nghĩa tư bản được điều khiển bằng công nghệ. Quá trình tiến hóa này không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải không thể nhận thức được, cho dù nó không phát triển theo một đường thẳng, và cho dù nó có thể đặt thành vấn đề liệu con người có hạnh phúc hơn và có một cuộc sống khá giả hơn nhờ “tiến bộ” lịch sử không.

Cả Hegel và Marx đều tin tưởng rằng sự tiến hóa của xã hội loài người không phải là vô hạn, mà sẽ kết thúc khi nhân loại đạt tới một loại hình xã hội thỏa mãn những khát khao cơ bản và sâu xa nhất của nó. Vì vậy cả hai nhà tư tưởng đều thừa nhận một “chung cục lịch sử”: đối với Hegel thì chung cục ấy là nhà nước tự do, trong khi đối với Marx thì đó là xã hội cộng sản. Điều đó không có nghĩa là các quy trình tự nhiên như sinh ra, hoạt động sống, và cái chết sẽ kết thúc; các biến cố quan trọng sẽ không còn nữa; hoặc các tờ báo sẽ ngừng xuất bản. Mà nó chỉ có nghĩa là sẽ không còn có tiến bộ hơn nữa trong việc phát triển các nguyên lý và các thể chế cơ bản, bởi vì tất cả những vấn đề thực sự hệ trọng đã được giải quyết rồi.

Cuốn sách này không phải là một tái tuyên ngôn bài báo trước đây của tôi, cũng không phải là tôi cố thảo luận tiếp với những bình trích về bài báo. Ở mức độ cực hạn, nó chỉ là sự xem xét chung cục của cuộc Chiến tranh lạnh hoặc bất kỳ một đề tài nóng hổi nào khác trong nền chính trị hiện thời. Trong khi cuốn sách này được cung cấp thông tin bởi những sự cố thế giới nóng hổi thì chủ đề của nó lại là một câu hỏi rất xưa cũ: Liệu vào cuối thế kỷ XX, việc chúng ta lại nói về Lịch sử liên tục và có hướng của nhân loại để dẫn dắt phần lớn nhân loại tới nền dân chủ tự do có còn ý nghĩa nữa không? Đối với tôi câu trả lời là có, vì hai lý do riêng biệt sau đây. Lý do thứ nhất liên quan tới phương diện kinh tế và lý do thứ hai liên quan tới cái được xác định là “cuộc đấu tranh để được thừa nhận”.

Tất nhiên người ta không thể viện tới quyền uy của Hegel, Marx hay bất cứ môn đệ hiện đại nào của họ để khẳng định giá trị của một Lịch sử định hướng. Trong vòng một thế kỷ rưỡi, kể từ khi họ viết các tác phẩm của mình thì di sản tri thức của họ đã bị công kích tàn nhẫn từ mọi phía. Những nhà tư tưởng sâu sắc nhất của thế kỷ XX đã tấn công trực diện vào tư tưởng cho rằng lịch sử là một quá trình liên tục hoặc có thể nhận thức được; trên thực tế, họ đã từ chối khả năng nhận thức được bất kỳ khía cạnh nào của đời sống con người về phương diện triết học. Ở phương Tây, chúng ta đã bắt đầu triệt để bi quan với khả năng tiến bộ toàn diện trong các thể chế dân chủ. Tình trạng bi quan sâu xa này không phải là ngẫu nhiên, mà nó phát sinh từ những sự kiện chính trị thực sự kinh khủng của nửa đầu thế kỷ XX – hai cuộc chiến tranh có tính chất hủy diệt thế giới, sự trỗi dậy của các tư tưởng cực quyền và khoa học trở thành lực lượng chống lại con người dưới dạng vũ khí hạt nhân và sự hủy hoại môi trường. Các trải nghiệm của những nạn nhân của bạo lực chính trị của thế kỷ này – từ những người sống sót sau thảm họa của chủ nghĩa Hitler và chủ nghĩa Stalin đến các nạn nhân của Pol Pot – có lẽ đã bác bỏ một cái gì đó được gọi là tiến bộ lịch sử. Thực sự cho đến bây giờ chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với ý nghĩ rằng tương lai sẽ bao gồm cả những điều xấu liên quan đến sức khỏe và sự an toàn của các thực tiễn chính trị, dân chủ, tự do, tốt lành mà chúng ta vẫn tự hỏi khi đón nhận những tin tức tốt đẹp.

Vâng, những tin tức tốt đẹp đã đến. Sự phát triển tốt đẹp nhất của phần tư thế kỷ qua là thiên khải về sự suy yếu đến tận gốc rễ của các nền độc tài có vẻ mạnh trên thế giới, dù đó là độc tài quân sự Cánh hữu, hay độc tài cộng sản Cánh tả. Từ châu Mỹ Latin đến Đông Âu, từ Liên Xô và Trung Đông đến châu Á, các nhà nước mạnh đang suy yếu đi trong suốt hai thập kỷ qua. Và trong khi chúng đang chịu thua trên mọi phương diện đối với các nền dân chủ tự do bền vững thì dân chủ tự do lại là khát vọng chính trị duy nhất, rõ ràng nối liền những khu vực, những văn hóa khác nhau trên địa cầu này. Hơn nữa các nguyên tắc tự do trong kinh tế - “thị trường tự do” – đã vươn ra và đã thành công chưa từng thấy trong việc sản xuất ra sự thịnh vượng vật chất cả ở những nước công nghiệp đã phát triển lẫn những nước còn nghèo khó thời Đại Thế chiến II. Một cuộc cách mạng tự do trong tư duy kinh tế thỉnh thoảng cũng đã đi trước hoặc theo sau sự vận động hướng về tự do chính trị trên toàn cầu.

Tất cả những phát triển đó khác xa với cái lịch sử khủng khiếp nửa đầu thế kỷ, khi các nhà nước độc tài cả Cánh tả lẫn Cánh hữu đang diễu hành giữa nhân loại, khiến cho người ta phải xét lại câu hỏi phải chăng có một sợi chỉ nào đó xuyên suốt qua chúng, hay đó chỉ là những may mắn ngẫu nhiên. Bằng cách đặt lại các câu hỏi phải chăng có một Lịch sử Phổ quát toàn nhân loại, tôi cố tóm tắt một thảo luận được bắt đầu từ đầu thế kỷ XIX, nhưng ít nhiều đã bị lãng quên trong thời đại chúng ta vì tính chất tàn khốc của các sự kiện mà con người đã trải qua kể từ ngày ấy. Khi viện tới các tư tưởng triết học Kant, Hegel về vấn đề này, tôi hy vọng rằng những luận giải trình ra ở đây vẫn giữ nguyên được ý tưởng của nó.

Tập sách này trình bày một cách khiếm nhã không phải một, mà là hai cố gắng riêng rẽ nhằm phác thảo một Lịch sử Phổ quát như vậy. Sau khi khẳng định ở phần I, tại sao chúng tôi một lần nữa phải đề xuất khả năng về một Lịch sử Phổ quát, tôi đưa ra một lời đáp đầu tiên ở phần II bằng cách cố gắng sử dụng khoa học tự nhiên hiện đại như là một bộ điều chỉnh hoặc một cơ chế để giải thích tính chất định hướng và sự cố kết của Lịch sử. Khoa học tự nhiên hiện đại là một xuất phát điểm hữu dụng bởi vì nó là hành vi xã hội duy nhất bằng sự đồng thuận chung bao gồm cả tính tích lũy lẫn tính định hướng cho dù ảnh hưởng tối hậu của nó đối với hạnh phúc của con người là khá mơ hồ. Công cuộc chinh phục mang tính tiến bộ đối với tự nhiên tạo bởi sự phát triển của phương pháp khoa học trong các thế kỷ XVI – XVII đã được tiến hành theo những quy luật nhất định rõ ràng được sắp xếp không phải bởi con người, mà bởi tự nhiên và các quy luật tự nhiên.

Sự khai mở của khoa học tự nhiên hiện đại đã mang lại một hiệu quả đồng dạng đối với tất cả các xã hội nào đã từng kinh qua tác động của nó vì hai lý do. Trước hết, công nghệ đã ban tặng những ưu thế quân sự quyết định cho những nước sở hữu nó và khả năng tiếp tục chiến tranh trong hệ thống quốc tế của các quốc gia, không có quốc gia nào coi trọng nền độc lập của nó lại bỏ qua nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng. Thứ hai, khoa học tự nhiên hiện đại xác lập một bình diện đồng dạng về các khả năng sản xuất kinh tế. Công nghệ tạo ra khả năng tích lũy vô hạn của cải, vì vậy việc thỏa mãn một loạt khát vọng ngày càng tăng của con người. Quá trình này đảm bảo sự đồng tính hóa ngày càng tăng của xã hội loài người, bất chấp nguồn gốc lịch sử hoặc các kế thừa di sản văn hóa của họ. Tất cả các quốc gia đang tiến hành hiện địa hóa kinh tế phải không ngừng giống nhau; họ phải thống nhất về phương diện quốc gia dựa trên cơ sở một nhà nước tập trung, phải đô thị hóa, thay thế các hình thái tổ chức truyền thống như bộ lạc, giáo phái, gia đình bằng những hình thái hợp lý về phương diện kinh tế dựa trên chức năng và hiệu quả, và phải tiến hành thể thức giáo dục phổ thông cho các công dân của mình. Những xã hội như vậy ngày càng gắn liền với nhau thông qua các thị trường toàn cầu và sự phát triển của nền văn hóa tiêu thụ phổ biến. Hơn nữa logic của khoa học tự nhiên hiện đại dường như sẽ điều khiển một quá trình tiến hóa phổ quát theo định hướng chủ nghĩa tư bản. Các kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã cho thấy rằng, trong khi nền kinh tế tập trung cao không có khả năng đạt tới mức độ công nghiệp hóa như các nước châu Âu vào những năm 1950 thì họ lại không thể nào tạo ra được cái gọi là những nền kinh tế phức hợp “hậu công nghiệp” mà trong đó thông tin và đổi mới công nghệ đóng vai trò rất to lớn.

Nhưng trong khi cơ chế lịch sử được đại diện bởi khoa học tự nhiên hiện đại không thể lý giải được một khối lượng lớn đặc trưng biến đổi lịch sử và sự phát triển ngày càng tăng của tính đồng dạng xã hội hiện đại thì nó lại không có khả năng để lý giải hiện tượng dân chủ. Không có vấn đề gì ngoại trừ những nước phát triển nhất thế giới lại cũng là những nền dân chủ thành công nhất. Nhưng trong khi khoa học tự nhiên hiện đại đưa chúng ta đến những cánh cổng của Miền Đất hứa của nền dân chủ tự do thì nó lại không giao cho chúng ta chính Miền Đất hứa đó, vì không có lý do cần thiết về phương diện kinh tế là tại sao nền công nghiệp hóa tiên tiến lại sản sinh ra được tự do chính trị. Nền dân chủ bền vững đôi khi cũng xuất hiện trong các xã hội tiền công nghiệp như đã xảy ra ở Mỹ năm 1776. Mặt khác cũng có nhiều ví dụ trong lịch sử và hiện tại về chủ nghĩa tư bản tiên tiến về phương diện công nghệ cùng tồn tại với một nền độc tài về chính trị, từ Nhật Bản thời Minh Trị và nước Đức thời Bismarck đến Singapore và Thái Lan ngày nay. Trong nhiều trường hợp, các quốc gia độc tài cũng có thể tạo ra một sự tăng trưởng kinh tế không có được trong các xã hội dân chủ.   

Vì vậy, cố gắng đầu tiên của chúng tôi để xác định cơ sở cho một lịch sử định hướng chỉ mới thành công phần nào. Cái mà chúng tôi gọi là “logic của khoa học tự nhiên hiện đại” chính là sự lý giải phương kinh tế của sự thay đổi lịch sử, nhưng là sự thay đổi cuối cùng dẫn tới chủ nghĩa tư bản chứ không phải là tới chủ nghĩa xã hội. Logic của khoa học hiện đại có thể giải thích một khối lượng lớn về thế giới của chúng ta: tại sao chúng ta – những cư dân của các nền dân chủ phát triển lại là những nhân viên văn phòng, chứ không phải là những thành viên của các nghiệp đoàn, các tổ chức nghề nghiệp, chứ không phải là các thị tộc hay các bộ lạc, tại sao chúng ta tuân theo quyền lực của một thượng cấp quan liêu chứ không phải là một thầy tu, tại sao chúng ta lại viết và nói một ngôn ngữ quốc gia chung.

Nhưng những lý giải kinh tế về lịch sử thường không hoàn thiện và không thỏa đáng, bởi vì con người không đơn giản là một động vật kinh tế. Đặc biệt những lý giải như vậy không thực sự giải thích được tại sao chúng ta lại là những người dân chủ, có nghĩa là những người đề xướng ra những nguyên tắc tối hậu thuộc về nhân dân và sự đảm bảo những quyền cơ bản dưới sự thống trị của luật pháp. Vì lý do này mà cuốn sách quay lại với sự giải thích song hành thứ hai về quá trình lịch sử ở Phần III, nhằm tìm cách lý giải tính tổng thể của con người chứ không chỉ về phương diện kinh tế mà thôi. Để thực hiện điều đó, chúng tôi trở lại với Hegel và sự diễn giải phi duy vật của Hegel về Lịch sử dựa trên cuộc “tranh đấu để được thừa nhận”.  
____________________________________

Nguồn: Francis Fukuyama 1992. The End of History and the Last Man, First published in United States of America by the Free Press 1992, tr. xi-xvi.

Tác giả: Francis Fukuyama sinh ngày 27/10/1952 tại Hyde Park, gần Chicago, lớn lên tại Manhattan, New York. Ông nội của ông chạy trốn cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, và bị bắt giam trong Thế chiến II. Cha ông, Yoshio Fukuyama là mục sư của Nhà thờ Giáo đoàn, nhận học vị tiến sỹ sinh học Đại học Chicago, và nghiên cứu tôn giáo. Mẹ ông, Toshiko Kawata Fukuyama, là người Kyoto, là con gái của Shiro Kawata, người sáng lập Khoa Kinh tế Đại học Kyoto, và là Chủ tịch đầu tiên của Đại học Thành phố Osaka. Francis Fukuyama lớn lên ở Manhattan như một trẻ em người Mỹ, không học tiếng Nhật, năm 1967, gia đình ông chuyển đến State College, Pennsynvania.

Ông nghiên cứu triết học chính trị tại Đại học Cornell với GS. Allan Bloom, nghiên cứu văn học so sánh tại Đại học Yale, sau đó đi Paris nghiên cứu văn học với Roland Barthes và Jacques Derrida, nhưng trở nên vỡ mộng với văn học, rồi quay trở lại nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Harvard với Samuel Huntington, Harvey Mansfield và các giáo sư khác. Ông nhận học vị Tiến sỹ Khoa học Chính trị tại Harvard với đề tài về Liên Xô đe dọa can thiệp vào Trung Đông. Năm 1979, ông bắt đầu làm việc cho RAND Corporation, Bộ não Chính sách Toàn cầu của Mỹ. Ông trở thành giáo sư về Chính sách công cho Trường Chính sách công, Đại học George Mason từ 1996 – 2000. Năm 2010 ông là giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế và là Giám đốc Chương trình Phát triển Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Tiên tiến Quốc tế Paul H. Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins tại Washington D.C.

Ghi chú

1. “The End of History?” The National Interest 16 (Summer 1989): 3-18.

2. For an early effort to respond to some of these criticisms, see my :Reply to My Critics” , The National Interest 18 (Winter 1989-90): 21-28.

Ghi chú của người dịch: Trong suốt những năm 1980 - 1990, tôi may mắn được nhà văn Trần Dần, GS. Nguyễn Hồng Phong, và học giả Nguyễn Kiến Giang hướng dẫn đọc một số tác phẩm nổi tiếng thuộc Trường phái Frankfurter Schule về lý thuyết xã hội của Herbert Marcuse, Max Horkheimer, Theodor W. Adorno, Fridrich Pollock, Otto Kirchheimer, Alfred Schmidt, và Jugen Habermas. Tuy nhiên để hiểu hơn về Frankfurter Schule, GS. Nguyễn Hồng Phong và nhà văn Trần Dần khuyến khích tôi phải đánh vật với các tư tưởng của hai học giả vĩ đại khác xuất thân từ/hoặc có liên quan tới Wiener Kreis, Trường phái Viên là Karl Popper và Friedrich August von Hayek. Vì vậy, khi được học giả Kiến Giang tặng cho một bản copy cuốn The End of History and the Last Man ngay vào cuối năm 1992, tôi lại gần như dành cả năm 1993 để đọc và suy ngẫm về các tư tưởng của Fukuyama, mà học giả Kiên Giang cho là rất gần với các tư tưởng của Frankfurter Schule. Và từ đó, hễ có dịp đi công tác xa là tôi luôn cố tìm mua cho được các tác phẩm của Fukuyama, trong đó có cuốn nổi tiếng thứ hai của ông Trust The Social Virtues and the Creation of Prosperty (Pinguin Books, 1995) mà tôi mong có dịp bàn đến. Thật tiếc là vì nhiều lý do, cho đến tận bây giờ tôi mới có thể quay trở lại với Fukuyama. Và đây cũng là dịp để tôi trầm tư về các bậc thầy đáng kính đã dìu dắt tôi đến với những chân trời thăm thẳm của tri thức.  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét