Powered By Blogger

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Lược sử Nghiên cứu Hội An (I)



Lược sử Nghiên cứu Hội An (I)

Hà Hữu Nga

Những ghi chép sớm nhất liên quan đến Champa, Lâm Ấp, phần nào giúp ta hình dung về các hoạt động liên quan đến thương mại biển vùng này, trong đó có Chiêm cảng (Hội An ngày nay) thuộc về các sử liệu của Hy Lạp. Các bộ óc lớn nhất của thế giới Hy Lạp – La Mã cổ đại như Erathostenes (276-194 TCN), Hipparchus (190-120 TCN), Strabo (63 TCN - 24 SCN), Marinus (70-130 SCN), và nhất là Ptolemy đã kế tiếp nhau xây dựng bản đồ thế giới, xác định vị trí của các đất nước, các đô thị chính yếu trên trái đất, trong đó có các hải cảng quan trọng mà các nhà hàng hải và các thương nhân Hy Lạp cổ đại đã đi qua để đến cực đông của thế giới thuộc Đông Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc [Ptolemy K. 1885, 1915; Strabo 1917-1932], và đặc biệt là cái tên cảng thị Zaba trong tác phẩm Địa lý nổi tiếng của Ptolemy đã được cho là thuộc Champa [Yule H. 1882: 658-9].

Tuy nhiên các ghi chép chi tiết, sớm nhất về mối quan hệ giao thương giữa Phù Nam, Champa, Lâm Ấp theo đường biển với thế giới bên ngoài lại là các sử liệu Trung Quốc từ thời nhà Hán, thời Tam quốc Ngụy Thục Ngô, khởi từ Hậu Hán thư, Ngô thư, Tam quốc chí. Sau đó tiếp đến Tấn thư, Lương thư, Nam Tề thư, Tùy thư, Nam sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Ngũ Đại sử, Tống sử, Minh sử, Nguyên sử, Lĩnh Ngoại đại đáp, Chư Phiên chí, Văn Hiến thông khảo v.v...[列傳,樑書,南史,南朝四史,晉書,宋書,嶺外代答,諸蕃志, 文獻通考...]. Các nguồn sử liệu Trung Quốc viết về nội tình Champa, việc giao thương với Champa qua đường biển. Mới đây Geoff Wade đã dịch một số phần của Tống Hội yếu viết về Champa, không được Maspéro [1928] sử dụng trong công trình nổi tiếng Vương quốc Champa [Royaume de Champa] của ông; văn bản này về nhiều tình tiết quan trọng lại khác hẳn với Tống sử. Đối với một số giai đoạn của lịch sử Champa thì các sử sách này được biên soạn muộn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra các sự kiện, và rõ ràng là các nguồn tài liệu gián tiếp [Vickery, Michael  2005; Wade, Geoff 2005].

Đối với thế giới phương Tây thời Trung Đại, thì con đường biển đến phương Đông đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên sử liệu liên quan đến Champa thời kỳ này lại không phong phú, trong số sử liệu hiếm hoi đó có các ghi chép khá cụ thể của Marco Polo, cho thấy ông đã thực sự đến thăm kinh đô Champa qua hệ thống Chiêm cảng ở đây vào khoảng năm 1285 [Polo, Marco 1903]. Người ta cho rằng đây là một trong số ghi chép sớm nhất của người phương Tây về những gì được thấy trên phần đất Việt Nam ngày nay.

Sau thời Trung đại, bước vào kỷ nguyên Phục hưng, với sự phát triển đến mức bùng nổ của nghề hàng hải, châu Âu nô nức tìm đường chinh phục các miền đất mới, trong đó có con đường quay trở lại với phương Đông. Nhà thám hiểm vĩ đại, người đã tìm ra châu Mỹ là Amerigo Vespucci, thực hiện chuyến đi năm 1499 đã viết: Ông hy vọng đến được vương quốc “Melaccha ở Ấn Độ”, thực tế thì đó là Malacca hoặc Melaka thuộc bán đảo Malay, bằng chuyến hải hành từ Tây Ban Nha, bơi về phía tây, qua Đại Tây Dương, đến Vịnh Lớn Trung Hoa (Sinus Magnus – Vịnh Bắc Bộ?) [Vespucci A. 1500-1944-1999]. Trong chuyến thám hiểm lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng của mình vào năm 1502-1503, Columbus đã xây dựng kế hoạch đi dọc bờ biển Champa để tới Sinus Magnus. Đây chính là tuyến đường mà ông cho rằng Marco Polo đã trở về từ Trung Quốc qua Ấn Độ vào năm 1292 [Nunn, George E. 1992; Wallis, Helen 1992]. Khi đến Cariay, ngày nay là Puerto Limon thuộc bờ biển Costa Rica, Columbus nghĩ rằng ông đã đến được các mỏ vàng thuộc vương quốc Champa mà Marco Polo đã nói tới. Chính vì vậy từ Jamaica ông đã viết thư về cho Quốc vương và Hoàng hậu như sau: “Thần đã tới Cariay…Ở đây thần đã biết được về các mỏ vàng của người Champa mà thần tìm kiếm” [Varela, Consuelo (ed) 1992].niềm tin của Columbus đã được thể hiện rõ trên tấm bản đồ thế giới của Giovanni Contarini xuất bản tại Venise năm 1506, trên đó có một hình xoáy trôn ốc gắn liền với Champa, được ghi là: “Cristophorus Columbus …bơi về phía tây, đã đến vùng đất có tên gọi Champa…có một kho vàng lớn” [National Library of Australia 2010].

Theo các nguồn tư liệu được biết cho đến bây giờ thì có lẽ Tome Pires [1465 – 1540?] là người Châu Âu đầu tiên ghi chép khá chi tiết về Champa và Vương quốc Đàng Trong của nhà Nguyễn. Ông vốn là một nhà bào chế thuốc người Lisbon, Bồ Đào Nha, và đã có mặt tại Malacca ngay sau khi người Bồ Đào Nha chinh phục được vùng đất này, rồi sống ở đó từ 1512 – 1515. Ông cũng là một vị đại sứ chính thức đầu tiên của một quốc gia châu Âu tại Trung Quốc (thời Hoàng đế Chính Đức 1491 – 1521). Ông đến thăm Đàng Trong vào những năm sống tại Malacca, và đã viết cuốn Suma Oriental Phương đông Khái lược trước năm 1516. Trong cuốn sách của mình, ông mô tả Champa “sản xuất nhiều lúa gạo, thịt và các loại thực phẩm khác. Đất nước này không có hải cảng đủ đón các thuyền lớn. Có một vài đô thị dọc bờ  các con sông. Những con tàu có đáy sâu 1 sải rưỡi (khoảng 2,73m) chỉ vào cảng được khi nước triều lên, còn khi triều rút thì bị cạn” [Pires, Tome 1990, 110 - 113]. Còn Vương quốc Đàng trong được ông mô tả là: “Vua  Cochin China  trị vì một đất nước giàu có và rộng lớn hơn Champa...Ông ta là một chiến binh giỏi trên đất liền. Ông có nhiều thuyền lớn và khoảng 30 – 40 thuyền mành. Đất nước này có nhiều sông ngòi thuận lợi cho hàng hải. Không có nhiều người cư trú ở ven sông, mà chủ yếu cư trú dọc theo ven biển...Người Malacca gọi nước này là Cochin China (Cauchy Chyna)...Người nước này không đến Malacca mà đến Trung Quốc và Champa. Họ rất kém nghề đi biển, mọi thành tựu đều đạt được trên đất liền” [Pires, Tome 1990, 114 - 115].     

Tiếp theo Tome Pires, một người Bồ Đào Nha khác cũng đi thuyền từ Malacca đến Hội An “Và Fernaõ Peres dong buồn lên đường từ Malacca...tháng Tám năm 1516, và đến vịnh Concam China vào ban đêm, sau khi suýt đắm tàu vì những dải cát ngầm” [Yule Henry, Arthur Coke Burnell  1903, 226]. Rồi đến năm 1524 cũng được Albuquerque dâng tấu lên nhà vua là: “Thần đã phái Duarte Coelho đi tìm hiểu Canchim China” [Yule Henry, Arthur Coke Burnell  1903, 226].

Vào quãng 1535 – 1537, một người Bồ Đào Nha phiêu lưu là Antonio de Faria đã viết về cuộc thám hiểm xứ Đàng Trong của ông ta như sau: Sau khi đi qua đảo Pulo Campello [Cù Lao Chàm] họ tới đảo Pulo Capas, nơi có 40 chiếc thuyền mành lớn, mỗi chiếc hai hoặc ba tầng sàn đã thấy ở sông Boralho; Faria đã cử người đi khám phá đảo đó. Và sau đó một đoàn thuyền khác, có lẽ đến 2000 thuyền lớn nhỏ, và một thành phố có tường bao với khoảng chục nghìn nóc nhà [Barrow J. 2008: 123-124].              

Cho đến thế kỷ XVII thì người phương Tây đã biết rõ Hội An và hầu hết phần phía nam của trung bộ Việt Nam đã trở thành “vương quốc Đàng Trong” của người Việt. Một giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristoforo Borri đã sống ở Đàng Trong từ 1618 đến 1622 cũng đã viết khá rõ về Hội An như sau: “Hải cảng đẹp nhất, tất cả người ngoại quốc đều tới đó và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng…Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Hoa chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán…Thành phố này gọi là Faifo, thành phố này khá lớn và chia làm hai khu vực, một dành cho người Hoa và một dành cho người Nhật, mỗi bên có quan cai trị riêng, người Hoa theo tục lệ Trung Quốc, người Nhật theo tục lệ Nhật Bản” và “Người Trung Quốc và người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên này, năm nào cũng mở và kéo dài trong vòng 4 tháng. Người Nhật thường đem lại 4,5 vạn nén bạc, người Trung Quốc thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ. Do chợ này, quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích” [Borri, Christoforo 1631].

Nói “hai thành phố”, nhưng thực ra chỉ là hai khu kiều dân. Khu kiều dân Nhật đông hơn, có ảnh hưởng lớn hơn. Nhưng từ năm 1614, sau khi Nhật hoàng Daifusama ra lệnh trục xuất các giáo sĩ ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản thì những người Nhật theo đạo Thiên Chúa bắt đầu đến Đàng Trong ngày càng đông. Để ngăn chặn làn sóng người Nhật di cư đó, Nhật hoàng công bố lệnh sẽ xử tử những người trốn ra nước ngoài. Sau vụ giết đạo ở Nagasaki (1640), nước Nhật hoàn toàn đóng cửa với bên ngoài. Từ đó, khu kiều dân Nhật ở Hội An bị cắt đứt với nước mẹ, cứ tàn lụi dần, trong khi đó, khu kiều dân Trung Quốc thì vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại ở Hội An. Do đó, những hoạt động buôn bán của Hoa thương ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế ở khu vực này. Họ đã tiến về phía Đông cầu Nhật Bản, mua 14,5 mẫu đất của các làng Hội An, Cẩm Phô, Cổ Trai, lập nên làng Minh Hương và mở rộng khu phố để kinh doanh.

“Hải cảng chính ở vùng Cacciam [Kẻ Chiêm, Cổ Chiêm], có hai cửa biển đi vào hải cảng này, một cửa được gọi là Pulluciampello [Cù Lao Chàm], một cửa khác là Turan [Đà Nẵng]; hai cửa cách nhau ba bốn dặm, được chia tách bởi hai con sông, sau đó nhập làm một...Thành phố này khá lớn, có tên gọi Faifo, với một phần là người Trung Quốc, còn phần kia là Nhật Bản; họ đều có quan trấn riêng, và sống theo luật pháp của mỗi nước...Vua An Nam miễn phí nhập cảnh cho tất cả người ngoại quốc nên người Hà Lan cũng đưa tàu hàng đến đây buôn bán, vì vậy người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã phái người đến gặp vua An Nam yêu cầu đuổi kẻ thù của họ là người Hà Lan đi” [Borri, Christoforo 1631, 90-94].

Vào năm 1695, một người Anh là Bowyear đến Hội An, đã ghi lại: Hải cảng chỉ có một phố lớn nằm bên bờ sông. Hai bên có hai dãy nhà chừng một trăm nóc, toàn là người Trung Hoa ở” [Dalrymple, Alexander 1793]. Theo Pierre Poivre, một lái buôn phương Tây nhiều lần đến Hội An, thì vào thời phồn thịnh nhất của thương cảng này, khoảng giữa thế kỉ XVII, số người Hoa ở đây đạt con số kỉ lục là 6000 người “Ở Cochinchine (Đàng Trong) có nhiều cảng. Quan trọng nhất là hải cảng nà người Bồ Đào Nha gọi là Faifo và người Cochinchine gọi là Loja…Cảng sâu và an toàn, đặc biệt thuận lợi cho thương nhân, vì tàu có thể cập bến ngay trước sở thương chính. Faifo là hải cảng năng động nhất của xứ Cochinchine. Ở đấy có khoảng 6000 người Trung Hoa và là những thương nhân cỡ lớn. Họ lấy vợ bản xứ và nộp thuế cho nhà vua…” [Poivre, Pierre 1769].

Đặc biệt, vào cuối thế kỷ XVII, một tác giả Trung Quốc là Thích Đại Sán đã để lại cuốn Hải ngoại kỷ sự, giúp ta hình dung rất rõ cảnh buôn bán phồn thịnh giữa Hội An và Quảng Châu: trước khi khởi hành từ Quảng Đông, đêm treo đèn thượng nguyên tháng giêng năm ất hợi (Khang Hy năm 34 tức 27-2-1695), Đại Sán đem tăng chúng hơn 20 người lên thuyền ở Hoằng Phố, nhưng “Tăng chúng đi theo hơn 50 người, hành lý cũng nhiều, thuyền chủ nhìn nhau chẳng biết cách sắp đặt thế nào, phải đem khách hàng chuyển lui Dương Thành (Quảng Đông), còn phải chia một nửa tăng chúng, hành lý cho tháp tùng hai thuyền đi sau. Qua giữa trưa ngày 16-1 kéo buồm, trên đường đi ngang qua Đồng Quảng, Hỗ Môn, Lỗ Mán Sơn, ngày 27 tháng giêng thuyền đến cù lao Tiêm Bích la (Poulo Cham) ngoài cửa Hội An, bình yên vô sự” [Thích Đại Sán 1963].

Cảnh Đại Sán về nước phải từ Huế và Hội An rồi mới đi Quảng Châu cũng cho thấy vai trò đặc biệt của Hội An trong xuất nhập cảnh vào vương quốc Đàng Trong: Ngày mồng 3 tháng 6, từ giã Minh Vương xin đi, và quyết định ngày rằm tháng sáu sẽ dời khỏi Thuận Hóa đi Hội An để sắp sửa ngày về nước cho kịp mùa thu gió thuận. Quốc vương lưu lại đãi chay, mỗi lúc nói đến chuyện chia phôi, nghẹn ngào bảo rằng: Từ ngày lão Hòa Thượng đến đây, tiểu bang đã được nhờ ơn tám chữ “Phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”. Mấy năm trước tầu ngoại quốc đến buôn bán, một năm chừng 6,7 chiếc, năm nay tăng lên 16, 17 chiếc, trong nước tiêu dùng nhân đó được dư dũ, ấy cũng nhờ phước đức Hòa Thượng che chở vậy [Thích Đại Sán 1963].

Đại Sán trong Hải ngoại Kỷ sự còn đề cập đến tình tạng Hoa kiều tại Quảng Nam lúc bấy giờ. Đầu tiên tả tình hình Đường nhân nhai (đường người Tàu) ở Hội An và công việc buôn bán ở đó như sau: “Hội An là nơi bến tàu tập họp hàng hóa ngoại quốc, một con đường lớn thẳng bờ sông dài chừng 3-4 dặm, hai bên đường phố xá ở khít nịt liền nhau, cuối đường là Nhật Bản kiều và Cẩm Phố; hai bên sông là Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các thương thuyền ngoại quốc. Nhân dân trù mật, cá tôm rau quả bán tấp nập tối ngày. Hóa vật thuốc men, những món hàng ở Thuận Hóa mua không ra, người ta đều mua ở đây cả. Đại ước Hội An đông nam bắc 3 mặt gần bể, chỉ có mặt tây một con đường núi non liên tiếp giao thông với Tây Việt và Đông Kinh. Bởi thế, cách phia tây chừng 10 dặm có đặt nha Trấn Thổ giống như Vương phủ, để phòng ngự biên cương” [Thích Đại Sán 1963].

Theo ghi chép của Đại Sán, phía hữu chùa Di Đà có miếu thờ Quan công rất nguy nga, và quán chỉ Hội quán Phúc Kiến cũng ở đó. Đại Sán nhận thấy ở đây khách trú ngày càng đông đảo, đến lúc mãn phần quá cố, bơ vơ lữ thấn, nắm xương đành gửi quê người, bèn viết một bài khuyến cáo, dặn Quả Hoằng Quốc sư cùng với thương khách Phúc Kiến đề xướng mở một vùng nghĩa địa để làm nơi chôn cất di cốt những kiều bào bất hạnh, an giấc nơi tha hương. Ông lại hưởng ứng lời Quốc sư, làm một bài sớ văn khuyến quyên để tu bổ chùa Di Đà. Ngoài ra Đại Sán cũng có ghi chép sự tích của một vài Hoa kiều như sau:

Trong thời gian lưu trú ở Hội An lần thứ hai, Đại Sán thấy trong bọn Hoa kiều có hai người kế nhau tạ thế. Hải ngoại kỷ sự (K.4.28a) chép rằng: “Bẩm chất người phương Bắc đến đây hay sinh bịnh, vả lại, điều dưỡng không biết cách, bệnh trở nên nặng nhanh hơn. Trước đây vài ngày một người lính hầu Hữu Giai, người Giang Bắc, chết ở Thuận Hóa; nay chủ Điềm Ba Đường người Sơn Tả lại qua đời ở Hội An. Tuy sống chết do mạng trời, nhưng người cũng có quyền di chuyển, chẳng qua Bắc nam bất phục thủy thổ mà ra cả” [Hải ngoại Kỷ sự 1963]. Tăng Văn Lão người Phúc Kiến phạm tội nặng, bị án xử tử, đương gia, trong ngục để chờ ngày hành hình. Bỗng ngày nọ chết đói, sau 5 ngày lại hồi sinh. Ngày 24 tháng 4 người vợ đón đường Đại Sán lúc đi vào Vương phủ, cầu xin trần thuyết giùm khổ tình với nhà vua. Đại Sán nhận lời và tỏ bày việc ấy cho vua rõ. Minh vương tức thì hạ lệnh phóng thích Tăng Lão, đồng thời phóng thích những tù nhân nhẹ tội, và giảm án cho những người trọng tội đương bị giam [Hải ngoại Kỷ sự 1963]. Trương Tiết Phụ, nguyên quán ông bà người Chiết Giang, sinh trưởng ở Quảng Nam, lấy chồng tên Từ Phụ. Lúc Quảng Nam giao chiến với Chiêm Thành, Từ Phụ tòng chinh chết giữa biển. Bà Trương ngày đêm than khóc, khô héo ruột gan, sau tìm thấy chồng trên bãi cát đêm về chôn cất, từ đó trọn đời giữ tiết, thờ mẹ chồng, nuôi con, thực đúng trang liệt đáng kính. Đại Sán vốn thương tâm về phong tục dâm ô ở bản xứ, bèn cảm động viết một bài tứ ngôn cổ thư và bài tự sự để biểu dương tiết phụ họ Trương [Thích Đại Sán 1963].

Có một người Trung Quốc tên là Lưu Thanh có lẽ là dư đảng của Trịnh thị (Trịnh Thành Công) đời nhà Minh, đương lúc nhà Thanh đánh dẹp trên mặt bể, (tướng nhà Thanh là Thi Lương, năm Khang Hy 22, đem quân đánh Đài Loan) Lưu Thanh về nương tựa Lam Tổng binh, sau lại trôi dạt đến Quảng Nam. Lúc ấy Đại Sán đau nằm ở Hội An, Quả Hoằng Quốc sư mấy lần thôi cử Lưu Thanh lên Minh Vương cho sung chức Cai phủ, quản lý hàng hóa ngoại quốc. Đại Sán chưa kịp xét rõ, tiến cử Thanh lên Quốc Vương, liền được Quốc vương phê chuẩn và khiến chiếu theo lệ cũ, trong 10 ngày trình nạp đủ 10 vạn bạc. Lưu Thanh nhân việc đó ra các nơi bức sách, làm người ta bị thiệt hại rất nhiều. Đến khi Đại Sán trở ra Thuận Hóa các Kiều khách và thuyền chủ đều trình bày việc bất chính và cách hành động ngang tàng của Lưu Thanh. Đại Sán nghĩ, nếu dùng người ấy làm việc, kẻ buôn bán sẽ bị bóc lột và sẽ làm hại cho dân, bèn viết giấy trình lên Minh vương xin lập tức bãi chức Lưu Thanh [Thích Đại Sán 1963]. Trong thời gian Đại Sán lưu trú tại Đất Việt, thường được vương mẫu và công chúa (tức chị gái của Minh vương) thiết tiệc chay, lại thường hay giao du với bọn Vương huynh Lệ Tuyền hầu, Thiều Dương hầu, Nguyên lão Đông Triều hầu, Đại học sĩ Ký lục Hào Đức hầu, cùng nhau tố tặng văn thơ, giảng bàn đạo học [Thích Đại Sán 1963].

Trong hai thập kỷ gần đây, những thành tựu quan trọng nhất của giới nghiên cứu nước ngoài về lịch sử - văn hóa Hội An, đặc biệt là di sản quan hệ thương mại đường dài giữa Hội An và các quốc gia khác trước hết thuộc về các học giả Nhật Bản. Các nghiên cứu đó chủ yếu đề cập đến việc cấm đạo và chính sách đối ngoại từ thời Mạc phủ Edo, là nguyên nhân của chính sách mậu dịch Châu ấn thuyền (thuyền buôn được cấp phép bằng triện son). Cùng với Châu ấn thuyền là các thương điếm ngoại quốc và các Nihon-machi (phố người Nhật) ở các quốc gia có quan hệ thương mại. Tính từ thời Hideyoshi cho đến buổi đầu thời Tokugawa phương thức mậu dịch này đã mở rộng khắp vùng Đông Nam Á. Riêng ở ngoại ô Manila, Philippines, số dân Nhật Bản đã có đến 3.000 người, còn ở Ayutaya thuộc đất Thái Lan cũng đã có khoảng 1.500 người Nhật trú ngụ. Mạng lưới mậu dịch Châu ấn thuyền cũng vươn khắp đến tận Malacca, Malaysia, Brunei và Batavia thuộc Indonesia ngày nay. Người Nhật lúc ấy xuất khẩu quí kim như bạc, đồng, đồ thủ công, nhập vào tơ sống (kiito), đồ lụa đồ dệt, các loại da và dược liệu. Da hươu dùng để bọc cán kiếm và may áo xống, có năm được mua về đến 30 vạn tấm. Đương thời, Nhật có tiếng sản xuất nhiều bạc [Hasebe Gakuji 1991; Kawamoto Kuniye 1991].

Đối với vương quốc Đàng Trong của các Chúa Nguyễn thì mối liên hệ với Nhật Bản đã có ngay từ thời kỳ đầu, với hình thức trao đổi quốc thư và quà tặng giữa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Tokugawa Ieyasu khoảng giữa năm 1601. Các tư liệu này được tìm thấy trong Gaiban Tsuusho (Ngoại phiên thông thư, gồm các quốc thư qua lại từ 1599 đến 1764), do mạc thần Kondo Juzo (Cận Đằng Trọng Tàng, 1771-1829) thu thập từ văn khố trong giai đoạn ông làm việc, nghĩa là 1808-1819). Người kế vị Chúa Tiên là Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cũng đã thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt với Nhật Bản. Việc thành lập khu phố người Nhật ở cảng thị Hội An đã thể hiện kết quả tốt đẹp đó, mà Lai Viễn Kiều, Cầu Nhật Bản là một bằng chứng [Kawamoto Kuniye 1991; Ogura Sadao 1991].

Trong giai đoạn 1601-1635, số châu ấn thuyền đến Đàng Trong là 86 chuyến, trong khi chỉ có 36 ra Đàng Ngoài và 5 vào Chiêm Thành. Mỗi thuyền đều chở theo một số bạc rất lớn. Thuyền châu ấn có vốn từ 400 quan (1 kan = 1000 tiền đồng) đến 1.620 quan. Họ thu mua tơ, lụa, vải thô, lụa đa mát, lô hội, gỗ trầm hương, da cá mập, đường phổi, mật ong, tiêu, vàng, song mây...Hàng đem xuất của họ là đồng, lưu huỳnh, gươm giáo, áo giáp sơn. Dần dần khi lúc mậu dịch với nước ngoài và thể chế mạc phiên đặt xong cơ sở vững vàng thì lại xảy ra việc cấm đoán người trong nước xuất ngoại và hạn chế cả hoạt động mậu dịch vốn đang phồn thịnh. Nguyên nhân thứ nhất của sự bế quan tỏa cảng này đến từ chính sách cấm đạo Thiên Chúa, nguyên nhân thứ hai là vì Mạc phủ muốn độc chiếm mọi lợi ích đến từ mậu dịch [Shigeru Ikuta 1991; Kikuchi Seiichi 2010].

Trước tiên, vào năm 1616, Mạc phủ ban hành chính sách hạn chế số tàu bè các nước Âu châu được ghé hải cảng Hirado và Nagasaki. Đến năm 1624 thì họ cấm hẳn tàu buôn Tây Ban Nha. Lúc đó, người Anh vì không cạnh tranh nổi với Hà Lan, đã đóng cửa thương quán vào năm 1623 và rời khỏi Nhật Bản. Mạc phủ cùng lúc cũng kiểm soát gắt gao hơn các thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài.Không những bắt buộc có Shuinjo Châu ấn trạng, để trở thành Shuinsen Châu ấn thuyền, các thuyền buôn phải được chức Roju (lão trung) cấp cho Lão trung phụng thư, một loại giấy phép thứ hai. Đó là chế độ Hoshobune Phụng thư thuyền. Đến năm 1635, Mạc phủ không cho phép người Nhật Bản ra nước ngoài cư trú được trở về nước, lại giới hạn thuyền nhà Minh chỉ được cập bến một cảng là Nagasaki mà thôi. Đó là hình mẫu tượng trưng cho thể chế đối ngoại của chính quyền Mạc phủ mà viên y sĩ người Đức Engelbert Kaempfer (1651-1716) đến Nhật năm 1690 đã viết trong tập hồi ký “Nhật Bản chí” của ông. Sách ấy đã được viên thông ngôn ở Nagasaki là Shizuki Tadao dịch ra tiếng Nhật với nhan đề Sakoku - Tỏa quốc vào năm 1801. Ngay tên của tập chí ấy đã nói đến chính sách “hải cấm” kaikin seisaku, Hải cấm, hay Cấm biển của Mạc phủ [Shigeru Ikuta 1991; Kikuchi Seiichi 2010].

Ngoại phiên thông thư, Văn thư trao đổi giữa Nhật Bản với 11 nước và hai khu vực, gồm 27 quyển : từ quyển 11 đến 14 nhan đề An Nam quốc thư gồm 56 bức thư trao đổi giữa chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên với các chúa Trịnh, chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng...) liên quan đến hoạt động các Châu ấn thuyền của Nhật Bản và quan hệ buôn bán Việt-Nhật ở Đàng Trong, Đàng Ngoài, qua đó người ta thấy chúa Trịnh, chúa Nguyễn tuy chống nhau nhưng đều mưu cầu thông giao với Nhật Bản và đều xưng mình là "An Nam quốc vương" với chính quyền Nhật [Kunie Kawamoto 1991]. Một điều rất có ý nghĩa đối với lịch sử văn hóa Việt Nam được các nhà nghiên cứu Nhật Bản làm rõ là hiện nay trong các viện bảo tàng cũng như trong các bộ sưu tập của tư nhân Nhật Bản có nhiều đồ gốm sứ của Đại Việt được đưa vào Nhật Bản từ giữa nửa đầu thế kỉ XIV, từ những năm 1330 thời Trần. Đến thế kỉ XVII các tàu buôn đến [Đại Việt] mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một khối lượng lớn đồ gốm sứ Đại Việt. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản. Loại đồ sứ Đại Việt tiêu biểu là lọ hoa xanh có hình rồng, vật sở hữu của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại sứ nổi tiếng thứ hai là loại chén trà An Nam hồng hoa xanh lam có điểm thêm màu đỏ và xanh lục rất lộng lẫy, bên trong chén có vẽ chữ "thọ". Vào khoảng thế kỉ XVII các gia đình thương nhân giàu có, các gia đình phái Trà đạo đều sở hữu các đồ sứ Đại Việt [Hasebe Gakuji 1991].

Nhưng đến những năm 1635-1639, sau một thời kỳ hoạt động nhộn nhịp, do tác động của chính sách toả quốc (sakoku, 1639-1853) phương thức thương mại Châu ấn thuyền đã từng bước thoái trào. Nhân cơ hội ấy các thương nhân Hoa kiều đã chiếm lĩnh thị trường khu vực. Từ sau năm 1672, do không còn chịu sức ép mạnh mẽ từ phía Bắc, chúa Nguyễn đã ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động của thương nhân phương Tây. Do có những hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị cũng như môi trường kinh tế Đàng Trong và từ lâu đã có quan hệ mật thiết với nhiều lớp người, thiết lập được mạng lưới kinh tế đa chiều nên thương nhân Hoa kiều đã trở thành những mãi biện lớn. Nhận thấy cơ hội thuận lợi đó, giới doanh thương vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam... đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế với khu vực. Ở Quảng Đông, một tổ chức thương mại lớn là “Thập tam hãng” đã được thành lập với mục tiêu “cung cấp cho tàu châu Âu các sản phẩm của Việt Nam và đồng thời cung cấp cho Việt Nam hàng Trung Hoa và sản phẩm của châu Âu mà Việt Nam cần”[ Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) 1963].

Mặt khác, từ năm 1715, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế ngoại thương, khuyến khích sản xuất trong nước, chính quyền Edo đã đặt ra quy định số thuyền Trung Hoa hằng năm đến Nhật là 30 chiếc với tổng giá trị hàng hoá là 6.000 kan (600.000 lạng bạc). Chính sách đó đã khiến cho một số tập đoàn Hoa thương phải chuyển hướng hoạt động xuống Đông Nam á. Nhưng, thuyền của Hoa kiều đến Đàng Trong không chỉ từ Trung Quốc mà còn từ nhiều thương cảng khu vực Đông Nam Á như Xiêm La, Cao Miên, Manila, Patani, v.v.. Theo quan sát của Thomas Bowyear vào năm 1695 thì trong khoảng thời gian đó, hằng năm có từ 10 đến 12 thuyền buôn của Hoa kiều đến Hội An buôn bán. Nhưng kể từ khi chính quyền Edo chủ trương hạn chế thuyền Trung Hoa đến Nhật, trong khoảng 10 năm (1740-1750), số thuyền của Hoa thương đến Đàng Trong đã tăng lên mỗi năm chừng 80 chiếc [Lamb, Alastair 1970].

Trong một lá thư gửi cho Toàn quyền Hà Lan ở Bâtavia vào ngày 2 tháng 11 năm 1637, Abraham Duijcker, người phụ trách thương điếm Hà Lan ở Faifo - Hội An đã giải thích lý do buôn bán với Đàng Trong thu được ít lợi nhuận, vì năm đó nơi này bị ngập lụt; hơn nữa, vì lý do quốc phòng, chúa Trịnh xuất tơ sống sang Nhật; nhưng khó nhất là không thể cạnh tranh được với thuyền buôn Trung Quốc: “Vào ngày 6 tháng 9, các thuyền được cử đến An Nam [Đàng Trong] chịu trách nhiệm mua 45 – 50.000 taels bạc nén, 2 triệu tấm vải, 600 tạ sắt, 200 chai rượu Nhật và một số mặt hàng khác nữa. Nguyên do hấp dẫn nhiều thương nhân Trung Quốc đến Đàng Trong là vì đó là một trung tâm mậu dịch dễ dàng buôn bán với các nước và các đô thị gần kề khác. Palembang, Pahang và các quốc gia láng giềng đem đến đây hạt tiêu; Borneo đen đến long não, những nơi khác thì có tô mộc (huyết mộc Ấn Độ), ngà voi, nhựa cánh kiến, trầm hương; các mặt hàng Trung Quốc thì có vải Nam Kinh, các sản phẩm đồ sứ dân dụng; thuyền buôn Trung Quốc quay về nước với đầy ắp hàng hóa như hạt tiêu, ngà voi, bạch đậu khấu, ...v.v” [Buch W.J. M. 1936, p. 159].

Việc Abraham Duijcker thừa nhận về vai trò của thương nhân người Hoa và tình trạng khó khăn mà người Hà Lan gặp phải trong cuộc cạnh tranh thị phần với người Hoa tại Hội An là hoàn toàn chính xác, vì các nguyên do sau: năm 1567, Minh Mục Tông xuống lệnh cho phép thường dân được xuất dương buôn bán sau gần 200 năm duy trì lệnh cấm “Thốn bản bất hạ hải” của Minh Thái Tổ ban hành năm 1370; sự kiện thứ hai là năm 1600, Nguyễn Hoàng về lại Thuận - Quảng, bắt đầu thực hiện ý đồ ly khai, cát cứ. Cửa đã mở từ Trung Quốc để người Hoa có thể ra đi hợp pháp. Các cảng biển ở Thuận Quảng cũng mở cửa đón người Hoa đến vì chúa Nguyễn đang cố gắng phát triển ngoại thương để thoả mãn các nhu cầu của Đàng Trong. Nhiều thương thuyền Trung Hoa đã đến buôn bán với Thuận Quảng, nhiều người trong số họ đã ở lại Đàng Trong làm ăn lâu dài, nhất là ở hai trung tâm Hội An và Thuận Hoá [Cheng Ching Ho 1960, 1961; Nguyễn Thiện Lâu 1941; Trịnh Hoài Đức 1998; Huỳnh Ngọc Đáng 1999, 2005].

Từ 1645, khi Mãn Thanh chiếm được Trung Hoa và thiết lập chế độ cai trị đến năm 1678, khi nhà Thanh hạ lệnh “Thiên giới”, buộc dân duyên hải phải dời vào nội địa và cấm giao thông hải ngoại. Sự kiện đáng lưu ý trong thời gian này là tháng 8 năm 1645, triều đình Mãnh Thanh ra lệnh “chi phát nghiêm chỉnh”, bắt dân cắt tóc và theo tục người Thanh bím tóc đuôi sam, đồng thời thi hành các chính sách cai trị độc đoán, hà khắc. Nhiều người Hoa xem lệnh cắt tóc là xúc phạm văn hoá, đồng thời bất mãn với chế độ cai trị Mãn Thanh đã dời bỏ đất nước ra đi, tìm đất sống ở các nơi khác, trong đó có Đàng Trong. Từ 1678 đến trước năm 1685, cuộc kháng chiến “Phản Thanh phục Minh” của Trịnh Thành Công ở Đài Loan và “Loạn Tam Phiên” bùng nổ. Do Mãn Thanh cấm dân duyên hải ra biển nhằm cô lập, cấm vận quân kháng chiến Đài Loan nên Trịnh Thành Công phải đưa các thương thuyền đến nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong để mua lương thực, khí tài. Một số người Hoa trong họ đã ở lại Đàng Trong. Đến khi phong trào kháng chiến ở Đài Loan tan vỡ (1683), các di thần nhà Minh đã kéo nhau ra đi, đến Đàng Trong định cư lâu dài. Tiêu biểu là đoàn người 3000 binh lính với trên 50 chiến thuyền của Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch. Năm 1685, Thanh Thánh Tổ đã ban hành “Triển hải lệnh” cho phép nhân dân được vượt biển đi các nước buôn bán. Đông đảo người Hoa đã đến định cư ở Đàng Trong trong giai đoạn này. Họ chủ yếu là dân thường, di cưu vì sinh kế và các lý do khác. Nhân vật chính của di dân Trung Hoa đến Đàng Trong trong giai đoạn này không phải là nạn dân hay di thần nhà Minh nữa [Cheng Ching Ho 1960, 1961; Huỳnh Ngọc Đáng 1999, 2005].

Đầu tiên ở Thuận Hóa và một số vùng khác của Đàng Trong, người Hoa ngụ cư ở các điểm có tên là Đại Minh Khách Phố. Tên gọi này chắc chắn xuất hiện và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian trước năm 1645, khi nhà Minh còn vững vàng ở Trung Hoa. Những thương khách Trung Hoa sang Đàng Trong trong thời kỳ này đã ngụ cư trong những Đại Minh Khách Phố đó. Các Đại Minh Khách Phố là tên gọi các điểm tập trung cư trú của người Hoa ở Đàng Trong trong khoảng thời gian trước năm 1645. Lúc này hoàn toàn chưa hề xuất hiện hai tên gọi Minh Hương và Thanh Hà [Cheng Ching Ho 1960, 1961]. Từ sau năm 1645, khi Mãn Thanh cơ bản thiết lập sự cai trị ở Trung Hoa, nhữntg người Hoa ở các Đại Minh Khách Phố đón nhận thêm những đồng bào của mình là nạn dân đến Đàng Trong để tỵ nạn Mãn Thanh. Những người Hoa mới đến đã cùng các đồng bào đến trước của họ đặt ra tên gọi mới của cộng đồng. Tên Minh Hương xuất hiện dần dần thay thế cho từ Đại Minh Khách Phố. Đầu tiên, Minh Hương có nghĩa là ''những người gìn giữ hương hỏa nhà Minh'', Minh Hương có nghĩa là những người trung thành với triều Minh chạy trốn sang Việt Nam tránh sự chiếm đóng của nhà Thanh. Từ Minh Hương thường được dùng như tên gọi của một cộng đồng, một đơn vị hành chính, thường đi kèm với từ Xã (đơn vị hành chính lớn hơn Thôn, Lân... và khác về nghĩa với Phố). Minh Hương Xã là đơn vị hành chánh cấp Xã, chỉ cộng đồng của những di dân Trung Hoa trung thành với nhà Minh ở Đàng Trong, phản ánh lập trường chính trị ủng hộ nhà Minh, phản kháng Mãn Thanh trong tư tưởng của cư dân người Hoa trong cộng đồng [Nguyễn Thiện Lâu 1941].

Tên gọi Minh Hương với ý nghĩa đầu tiên như trên chỉ có thể hình thành và xuất hiện trong khoảng thời gian từ sau 1645 đến 1683. Minh Hương xã ở Hội An là Minh Hương xã đầu tiên của Đàng Trong. Cheng Ching Ho (Trần Kinh Hòa) đã khảo sát nhiều tư liệu, đưa ra nhiều luận cứ để đi đến kết luận: Minh Hương xã Hội An, đơn vị hành chính đầu tiên mang tên này ở Đàng Trong có niên đại thành lập chính thức khoảng giữa năm 1645 đến 1653, có thể là mấy năm sau 1645. Người Hoa ở Minh Hương xã Hội An, Thuận Hóa theo chân người Việt vào làm ăn ở Sài Gòn đã đón tiếp đám quân binh của Trần Thượng Xuyên đến Đàng Trong. Họ đã họp lại, xây dựng phố, chợ, đền, chùa...và thành lập một cộng đồng mới, tự lấy tên là Minh Hương theo tên cũ ở Hội An, Thuận Hóa. Kịp đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất Giản Phố, phân chia làng, xã, thôn, xóm, Minh Hương xã ở Sài Gòn thuộc Phiên trấn đã được chính quyền Đàng Trong chính thức công nhận [Trịnh Hoài Đức 1998].

Những người Hoa mới đến từ sau năm 1685, khi chính quyền Mãn Thanh ban hành ''Triển hải lệnh'', cho phép dân chúng tự do giao thông hải ngoại, đã họp thành các khu phố chợ sầm uất ở Thuận Hóa, Hội An, Trấn Biên được chính quyền hợp thức bằng tên Thanh Hà. Tên gọi này thường đi kèm với từ Phố. Thanh Hà Phố là phố của người nước Thanh. Nội dung ý nghĩa này có sự phân biệt rõ giữa những người Hoa mới đến từ thời Mãn Thanh với những người Hoa đến từ các giai đoạn trước, đã định cư yên ổn làm ăn trong các cộng đồng làng xã tên Minh Hương. Trong tên gọi Thanh Hà không còn bao hàm nội dung chính trị ''phản Thanh''. Mức độ tự ý thức dân tộc được thể hiện khá rõ bằng sự tự khẳng định là người dân đến từ nước Trung Hoa Mãn Thanh nhưng cấp độ tự hào của ý thức dân tộc giữa ''Thanh'' trong Thanh Hà với ''Đại Minh'' trong Đại Minh Khách Phố trước đây có khoảng cách khá rõ [Huỳnh Ngọc Đáng 1999, 2005].

Đến thời điểm này tên gọi Minh Hương lại có nghĩa phái sinh mới. Minh Hương là những thế hệ người lai giữa Hoa và Việt, thường là cha Hoa mẹ Việt [Nguyễn Thiệu Lâu 1941]. Từ Minh Hương lúc này vừa chỉ đơn vị hành chính (Minh Hương xã), vừa được dùng như tên gọi một nhóm người của xã hội: người Minh Hương ( phân biệt với người Khách, người nước Thanh, người Cao Miên, người Chà Và, người Tây Dương...). Nội dung ý nghĩa này được dùng khá phổ biến. Triều Nguyễn sau này đã sử dụng nó để thiết lâp các nguyên tắc về nhập cư và quốc tịch cho người Hoa và gốc Hoa. Dưới thời triều Nguyễn, từ Minh Hương có thêm nghĩa biến đổi, để giữ gìn quan hệ hoà hiếu với nhà Thanh, trong các văn bản ngoại giao chính thức, nhà Nguyễn đã thay chữ Hương (bộ hương) nghĩa ''hương hỏa'' bằng chữ Hương (bộ ấp), nghĩa ''quê hương, làng xóm''. Từ Minh Hương bây giờ chuyển nghĩa từ ''những người gìn giữ hương hỏa nhà Minh'', những người trung thành với triều Minh sang nghĩa mới là ''những làng xóm cũ người Hoa đến Việt Nam từ thời Minh''; tương ứng với từ Thanh Hà theo nghĩa ''phố của những người Hoa đến Việt nam từ thời nhà Thanh'' [Huỳnh Ngọc Đáng 1999, 2005].

Ngoài ra, trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, các học giả phương Tây đa xây dựng một số mô hình tương tác giữa miền núi – trung du – duyên hải – và đại dương, trong đó tiêu biểu có mô hình của Bronson, được sử dụng để diễn giải lịch Đàng Trong (Cochinchina). Mô hình đó cho rằng, dòng chủ lưu của lịch sử và đời sống cư dân vùng này xoay quanh một hải cảng trung tâm ở vùng hạ lưu.  Mỗi khu vực bị phân ranh bởi các con sông, hoặc con đèo để hình thành một vùng, một tỉnh trong quốc gia của chúa Nguyễn. Các con đường ven biển kết nối các miền với nhau, tạo thành hành lang duyên hải để liên kết các vùng miền này. Các tuyến đường thủy trên biển kết nối các hải cảng với thị trường nước ngoài. Giống như các thủ lĩnh Champa, các chúa Nguyễn cũng xây dựng các trung tâm hành chính cấp miền của họ lui về phía trong, giáp giới các ngọn núi chia cắt hệ thống sông, và có nhiều vùng hợp lưu, trước khi hệ thống đó lan tỏa khắp vùng đồng bằng ven biển [Bronson B. 1977, 39-52]. Hệ thống chợ trung tâm của miền cũng được xây dựng tại các trung tâm này, điển hình là trường hợp của Hội An.  

Theo mô hình của Bronson thì vùng thượng du thung lũng sông Thu Bồn với Hội An là trung tâm bị chia cắt bằng núi đồi, lại được kết nối bằng hệ thống sông ngòi chằng chịt. Dưới thời vương quốc Champa, đây là vùng vẫn được coi là thuộc về các cộng đồng nói tiếng Malayo-Polynesian, Nam Đảo. Họ đã xây dựng các chính thể chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ hơn một nghìn năm trước khi Hội An trở nên thịnh vượng dưới thời các chúa Nguyễn. Càng ngày các học giá càng chú ý đến vai trò của các cộng đồng nói ngôn ngữ Malayo-Polynesian, là những cư dân thông thạo sông nước và biển cả nhất. Một trong số học giả tiên phong kết nối vai trò của mậu dịch sông nước và đại dương với quá trình hình thành các thể chế chính trị của cư dân Nam Đảo là Bennet Bronson. Các nhà nghiên cứu về di sản văn hóa Champa đã sử dụng mô hình của Bronson để diễn giải và xây dựng các mô hình lý thuyết bao quát nhiều lĩnh vực, trong đó có đề cập đến tác động sâu xa của môi trường sinh thái đối với các mô thức chính trị, văn hóa, xã hội đã định hình nền thương mại và các hoạt động trao đổi, buon bán của khu vực. Thậm chí người ta còn sử dụng tác động của môi trường để diễn giải thích tính gây hấn, hoặc các hoạt động hải tặc của người Champa.  Các trường hợp như Hội An, đã được lấy làm hình mẫu so sánh một cách hữu dụng với các môi trường tương tự như ở Sumatra, Bán đảo Mã Lai, Borneo hay Philippnes [Wheeler Ch. 2003, 2006].

Có thể nói các nghiên cứu của nước ngoài trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 đã đưa ra những cái nhìn hoàn toàn mới về vai trò của Hội An đối với toàn bộ lịch sử Việt Nam bằng cái nhìn gắn liền với biển. Một trong những học giả tiên phong trong lĩnh vực này là Wheeler. Theo ông, các thương nhân Hội An đã khai thác vị trí chiến lược của hải cảng trong trong mạng lưới vận tải biển để cạnh tranh và cạnh tranh thành công với hệ thống cảng biển Châu Á, trong đó có các cảng tầm cỡ thế giới là Macau, trong việc thâu tóm các lợi ích buôn bán giữa Trung Hoa, Nhật Bản với thế giới phương Tây. Hệ thống kho của Hội An luôn chất đầy hàng hóa của toàn bộ Đông Nam Á lục địa và hải đảo để đưa đến nhiều nơi trên thế giới. Các thương nhân của thị trấn, hầu hết là người Hoa gốc Phúc Kiến, và trước 1639 là người Nhật, thu gom các hàng hóa địa phương được phu khuân vác, súc vật và thuyền đưa tới từ vùng núi, các đồng bằng phù sa, và vùng duyên hải, để xuất ra nước ngoài [Wheeler Ch. 2003, 2006].

Hội An với tư cách là đầu mối của một mạng lưới thương mại và mậu dịch đã tạo thành chất gắn kết hỗ hợp bao gồm người bản địa Champa, các cộng đồng người đến sau, các nhà buôn, các nhà hàng hải vãng lai dưới quyền của các chúa Nguyễn đang năng động mở rộng không gian quốc gia Đại Việt, và đóng một vai trò then chốt trong tiến trình thành lập quốc gia trong buổi đầu của kỷ nguyên hiện đại. Chính vai trò của cảng biển và hệ thống thương mại của Hội An đã cho thấy vai trò của các cư dân duyên hải với tư cách là các nhà đầu tư theo chiều sâu vào mọi hoạt động thương mại biển của Hội An, đã thể hiện rõ nét đặc trưng của một nền văn hóa ven biển. Các hoạt động của họ thể hiện rất rõ định hướng biển, giao lưu với mọi cộng đồng cư dân biển của Việt Nam, và thực ra thì với Hội An, Việt Nam cận đại và hiện đại đã được định hình bằng đặc trưng biển [Wheeler Ch. 2003, 2006].

Bằng lối tiếp cận vi mô, các nhà nghiên cứu phương Tây đã nhìn thấy rất rõ vai trò của yếu tố cận duyên trong các vùng miền trung. Họ thấy các sản phẩm vùng thượng du được chuyên chở trên những con thuyền đảm bảo vận tải đường sông nối liền hệ thống sông, lạch, đầm phá, tỏa khắp các thung lũng sông màu mỡ. Trong đó hệ thống chợ quê nằm dọc các con sông rất thuận tiện để các thương thuyền tiếp nhận các sản phẩm nông nghiệp và các thành phẩm của các cư dân vùng đồng bằng ven biển. Một số các sản phẩm này được dành cho các thị trường địa phương, một số được chở xuống các hải cảng ven biển. Từ đó, các đoàn thuyền vận tải cận duyên có thể tiếp tục đưa hàng hóa đến Hội An để xuất đi các vùng khác hoặc ra nước ngoài. Hệ thống ấy cho thấy các thức hoạt động thương mại dọc ven biển, theo các con sông, các đầm phá, hệ thống kênh rạch len lỏi giữa mọi địa hình và kết nối hệ thống chợ các khu vực dân cư và khu canh tác của ba miền: thượng du, trung du và hạ du lại với nhau để tạo thành một khối liên kết kinh tế chặt chẽ. Điều đó thể hiện rất rõ qua số lượng và các loại thuyền có kỹ thuật và hình thức đặc biệt thích nghi nhằm tối đa hóa với môi trường cận duyên. Các nguồn tài liệu thời cực thịnh của Hội An đều đề cập đến hệ thống lưu thông ven biển này [Wheeler Ch. 2003, 2006].
____________________________________

Tài liệu dẫn

Barrow, John 1806. A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793. London: T. Cadell and W. Davies, 1806.

Borri, Christoforo 1631. Relation de la Nouvelle Mission des Péres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine, Lille: Pierre de Rache, 1631. Bort, Balthasar.

Bronson B. 1977. Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia, in Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia - Perspectives from Prehistory, History, and Ethnography, edited by Karl L. Hutterer, Michigan Papers on South and Southeast Asia Center for South and Southeast Asian Studies, The University of Michigan, Number 13.

Buch W.J. M. 1936. La Compagnie des Indes néerlandaises et l'Indochine, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 36, 1936. pp. 97-196.

Cheng Ching Ho (Trần Kinh Hòa) 1960. Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích ở Hội An, VNKC tập san, số 6, Sài Gòn 1960.

Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) 1961. Làng Minh hương và phố Thanh hà thuộc tỉnh Thừa Thiên, Đại học số 3, Sài Gòn 1961.

Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa) 1963. Khảo cứu về Hải Ngoại kỷ sự, của Thích Đại Sán, in trong: Hải Ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, Bản dịch của Viện Đại học Huế, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963.

Dalrymple, Alexander 1793. Voyage to Cochinchina of M. Bowyear, T. I, pp. 65, 94,104,110.

Gaspardone, Emile 1929. W. J. M. Buch : De Oost-indische Compagnie en Quinam. De betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVIIe eeuw, In: Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 29, 1929. pp. 364-370.

Hasebe Gakuji 1991. Tìm hiểu mối quan hệ Nhật-Việt qua đồ gốm, sứ, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Huỳnh Ngọc Đáng 1999. Chính sách của chính quyền Đàng Trong đối với người Hoa (từ năm 1600 đến năm 1777), Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Huỳnh Ngọc Đáng 2005. Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa, Luận văn Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Kato Ejichi 1991. Mậu dịch với Đông Dương của các thương điếm thuộc Công ty Đông  Ấn Hà Lan tại Nhật Bản, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Kawamoto Kuniye 1991. Nhận thức Quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Kazimien Kwiatkowski 1991. Các liên hệ kinh nghiệm của Ba Lan cho chương trình tu bổ-bảo vệ phố cổ Hội An, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Kikuchi Seiichi 2010. Nghiên cứu Đô thị cổ Hội An từ quan điểm Khảo cổ học lịch sử. Nxb. Thế giới, Hà Nội.

Li Tana 1999. Xứ Đàng Trong – Lịch sử Kinh tế - Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Nghị, Nhà xuất bản Trẻ.

Li Tana 2006.  A View From The Sea: Perspectives On The Northern And Central Vietnamese Coast, In the Journal Southeast Asian Studies, 37.1 (Feb. 2006), pp. 83-102  

Maspero G. 1928. Le Royaume des Champa, G. Van Oest, Paris 1928.

National Library of Australia 2010. Digital Collections – Maps – A Map of the World 1506.. http//:nla.gov.au/nla.map-f887.

Nguyễn Thiện Lâu 1941. La Formation et L' Evolution du village de Minh Huong ( Faifo), BAVH. 4. 1941.

Nunn, George E. 1927. The Lost Globe Gores of Johann SchOner, 1523-1524. The Geographical Review, vol.17, no.3, July 1927, pp.476-480.

Nunn, George E. 1932. The Columbus and Magellan Concepts of South American Geography. Glenside, the author, 1932, pp.12-13 & 49-51.

Nunn, George E. 1992. The Three Maplets attributed to Bartholomew Columbus. Imago Mundi, vol.9, 1952, 12-22, p.15

Ogura Sadao 1991. Về bức tranh “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” và “Thác kiến Quan Thế Âm”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Pires, Tome 1990. The Suma Oriental of Tome Pires: an account of the East, from the Red Sea to China, written in Malacca and India in 1512-1515. Published by J. Jetley, New Delhi 1990.

Poivre, Pierre 1769. Voyages d'un philosophe ou observations sur les moeurs et les arts des peuples de l'Afrique, de l'Asie et de l'Amérique, Fortuné-Barthélemy de Félice, 1769.

Polo, Marco 1903. The book of Ser Marco Polo the Venetian, concerning the kingdoms and marvels of the East (1903). Author: Polo, Marco, 1254-1323?; English Translation by Henry Yule (London: John Murray, 1903), Vol. II.

Ptolemy K. 1885. Ancient India as described by Ptolemy. Translated by J.W. McCrindle, Publisher: Trübner.

Ptolemy K. 1915. Note II. Extracts from the Geography of PtolemyVol. I. Second Series No. XXXVII. Issued for 1915 by Society Cathay and the Way thither 1915. Liberary of Wellesley College Presented by Institute on the Far East Works, (Ptolemy K. 1915), Institute on the Far East Works 1915. 

Reid, Anthony, 1988.  Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680.  Vol. 1: The Lands Below the Winds, New Haven: Yale University Press.

Reid, Anthony, 1993.  Southeast Asia in the Age of Commerce, Vol. II: Expansion and Crisis.  New Haven: Yale University Press.

Reid, Anthony, 1996.  Flows and Seepages in the Long-term Chinese Interaction with Southeast Asia, In Sojourners and Settlers: Histories of Southeast Asia and the Chinese.  Ed. Reid.  Sydney: Allen & Unwin for ASAA.

Roders , Ana Pereira and Sophia Labadi 2012. A critical analysis on the values conveyed on the UNESCO World Heritage Convention. P080 Eindhoven University of Technology, Paper for the Conference of the Association of Critical Heritage Studies, University of Gothenburg, Sweden, in June 2012.

Schwartz S.H. 1992. Universal in the contents and structure of values: theoretical advances and empirical tests in 20-centuries. In M. Zana (ed.) Advances in Experimental social psychology (Vol.25, pp.1-65). Orlando FL: Academic Press.

Schwartz S.H. & Sagiv L. 1995. Identifying Culture-specifics in the content and structure of values. Journal of Cross-Cultural Psychology, 26, 92-116. 
 
Shigeru Ikuta 1991. Vai trò của các cảng thị vùng ven biển Đông Nam Á từ thế kỷ 2 tr.CN đến đầu thế kỷ 19, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã  hội, Hà Nội, 1991.

Strabo 1917-1932. The Geography of Strabo. Loeb Classical Library, 8 volumes, Greek texts with facing English translation by H. L. Jones: Harvard University Press, 1917 thru 1932.

Thích Đại Sán 1963. Hải Ngoại kỷ sự, Bản dịch của Viện Đại học Huế, Viện Đại Học Huế xuất bản, 1963.

Trịnh Hoài Đức 1998. Gia Định Thành Thông Chí, Bản dịch tiếng Việt của Cao Tự Thanh, Trung tâm KHXH và NV quốc gia, Viện Sử học, NXB Giáo dục 1998.

Varela, Consuelo (ed) 1992. Lettera Rarissima, Jamaica, 7 July 1503, in Cristobal Colon: Textosy Documentos Completos, Madrid, Alianza Editorial, 1992, p.48.

Vespucci A. 1500-1944-1999. Amerigo Vespucci to Lorenzo de'Medici, Seville, 18 July 1500; quoted in Frederick J. Pohl, Amerigo Vespucci: Pilot Major, New York, Columbia U.P., 1944, p.77; Early Modern Literary Studies, vol.5, no.2, September 1999.

Vickery, Michael  2005. Champa revised, Asia Research Institute Working Paper Series No. 37, 2005. The ARI Working Paper Series is published electronically by the Asia Research Institute of the National University of Singapore.

Wade, Geoff 2005. Champa in the Song hui-yao: A draft translation, Asia Research Institute, Working Paper Series, No. 53. Asia Research Institute, National University of Singapore, Dec. 2005.  

Wallis, Helen 1992. What Columbus Knew. History Today, vol.42, May 1992.

Wheeler, Charles 2003. A Maritime Logic in Vietnamese History? Littoral Society in Hội An‘s Trading World c. 1550-1830, Paper presented at Seascapes, Littoral Cultures, and Trans-Oceanic Exchanges, Library of Congress, Washington D.C., February 12-15, 2003.

Wheeler, Charles 2006. Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Integration of Thuận-Quảng, Seventeenth-Eighteenth Centuries, In the Journal Southeast Asian Studies, 37.1 (Feb. 2006): từ trang 123 đến trang 154.

Yoshiaki Ishizawa 1991. Hội An và cư dân Nhật trước đây, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.

Yule, H. 1882. Notes on the oldest records of the sea route to China from Western Asia. Proceedings of the Royal Geographical Society IV: 658-9. London. 

Yule, Henry 1903. The Book of Ser Marco Polo, the Venetian Concerning the Kingdoms and Marvels of the East (Volum 1, 2) (3rd ed.), London: John Murray. 

Yule Henry, Arthur Coke Burnell  1903. Hobson-Jobson: A glossary of colloquial Anglo-Indian words and phrases, and of Kindred Terms, Etymological, Historical, Geographical and Discoursive, London 1903.

列傳第四十八,诸夷,海南诸国 Liệt truyện đệ tứ thập bát, chư di, hải nam chư quốc

樑書, 扶南國 Lương Thư – Phù Nam quốc

南史,卷七十八,列傳第六十八,夷貊上,海南諸國 Nam sử quyển thất thập bát, liệt truyện đệ lục thập bát, di mạch thượng, hải nam chư quốc.  

南朝四史,四夷傳,纂修原因之探討, 陳金城 Nam triều Tứ sử, Tứ di truyện toản tu nguyên nhân chi tham thảo, Trần Kim Thành.  

晉書,四夷傳,扶南國 Tấn thư, Tứ di truyện, Phù Nam quốc

宋書/97,南夷,西南夷 Tống thư/ quyển97, nam di, tây nam di


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét