Powered By Blogger

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn xuôi Nga (I)



Chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn xuôi Nga (I)

Tatiana Gennadieva Prokhorova

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chủ nghĩa Hậu hiện đại “Nga” và “Không phải Nga”

Hiện tượng Hậu hiện đại: Nguồn gốc, Đặc trưng và Dấu hiệu Thẩm mỹ: Trước khi đề cập đến các đặc trưng của cái gọi là “chủ nghĩa hậu hiện đại Nga”, đề cập đến việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nổi tiếng: “Liệu đó có phải cậu ta ở đó?...”, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xác định các hiện tượng khởi nguồn đang có, để rồi nói “đang có”. Dựa vào các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và các học giả phương Tây, chúng tôi xác định những yếu tố xuất phát điểm cơ bản để tiếp tục xem xét.    

Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời ở phương Tây vào nửa sau của thế kỷ XX. Quê hương của nó là nước Mỹ, nhưng sự phát triển về phương diện lý thuyết của hiện tượng này lại được khởi nguồn từ Châu Âu. Theo Malakhov [В.С.Малахов, 1991: 238] thì thuật ngữ này được lác đác sử dụng ngay từ năm 1917, nhưng nó chỉ được chấp nhận rộng rãi vào những năm 1960, và vị thế của khái niệm này được khẳng định vào những năm 1980. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn tin rằng chủ nghĩa hậu hiện đại vẫn luôn tồn tại, nhưng chỉ có tính ủy nhiệm cho những giai đoạn nhất định mà thôi. Về phương diện này, không có gì đáng ngạc nhiên là đôi khi người ta thấy cả các dấu hiệu hậu hiện đại trong kịch Shakespeare, trong tiểu thuyết thơ Evgenii Onegin của Pushkin mà các nhà nghiên cứu và phê bình văn học đã nửa đùa nửa thật gọi là cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại đầu tiên, các cuộc thử nghiệm tiên phong vào đầu thế kỷ XX.

Trước hết, chủ nghĩa hậu hiện đại là một cách nhận thức đặc biệt về thế giới dựa vào sự hiểu biết về tính tương đối của chân lý, sự cạn kiệt các nguồn tri thức, chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa đa nguyên tuyệt đối, cách thức dàn cảnh chủ yếu về tính mở, sự xói mòn về những giới hạn nghiêm nhặt về biên giới, quá trình thủ tiêu mọi cấm kỵ. Phải thừa nhận rằng chủ nghĩa hậu hiện đại đã tự thể hiện là một hiện tượng đa văn hóa. Như Skoropanova đã lưu ý: “Về chính trị học, điều đó đã được thể hiện bằng việc tái định hướng tới chủ thuyết hậu-không tưởng; trong triết học thì nó hướng đến xác quyết các tư tưởng và các khái niệm hậu-phi cổ điển; trong đạo đức học nó hướng đến phủ định chủ thuyết phổ quát đạo đức; còn về mỹ học thì nó khước từ tính chuẩn mực của đời sống nghệ thuật – một khuynh hướng vượt mọi ranh giới bằng cách kết hợp tất cả những gì xung khắc với nhau [Скоропанова 2001: 11].

Đồng thời, chủ nghĩa hậu hiện đại còn có thể được coi là một giai đoạn xác định cho sự phát triển văn hóa thế giới. Đó là sản phẩm của cuộc khủng hoảng văn minh toàn thế giới thuộc nửa sau thế kỷ XX. Có thể xác định hai tiền đề tiên quyết của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Trước hết, đó là các thảm họa lịch sử thuộc nửa đầu thế kỷ XX: hai cuộc chiến tranh thế giới, các vụ nổ bom hạt nhân. Chúng gây ra quá trình giải giá trị nhân văn, tình trạng khủng hoảng niềm tin vào bất cứ uy quyền nào trong tiến trình lịch sử. Thế giới cũ dường như mới đây vẫn được coi là hợp lý, có thể cải thiện cho tốt đẹp hơn, còn cái thế giới xây dựng trên nền tảng văn hóa và đạo đức bền vững thì đã bị sụp đổ. Con người đã dánh mất định hướng đạo lý, niềm tin vào lý tưởng, khả năng phân biệt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cao cả và thấp hèn. Cuộc sống dường như đã mất hết ý nghĩa, thế giới hoàn toàn bị phân mảnh. Trong tình trạng thảm họa đó, người ta không thể luận lý bằng các lập trường “chân lý vĩnh cửu, cái đẹp và tâm linh được nữa” [Ж.Ф.Лиотар ˝Постмодернистский узел˝ - J.F. Lyotard, La Condition Post-Moderne].

Thứ hai, tình trạng ấy được coi là kết quả của một cấp độ phát triển nhất định của nền văn minh, là “con đẻ” của xã hội hậu công nghiệp, của sự thay đổi quan niệm về con người và vị thế của nó, về ranh giới khả tri của thế giới. Đương nhiên đó là diễn ngôn về phương diện kinh tế của các quốc gia đã phát triển ở châu Âu, châu Á, và châu Mỹ. Thuật ngữ “xã hội hậu công nghiệp” do nhà xã hội học Mỹ, giáo sư Daniel Bell, thuộc Đại học Harvard, đại diện của triết học xã hội đề xuất. Xã hội đó có những đặc trưng sau: sự sáng tạo của nền kinh tế dịch vụ, sự thống trị của tầng lớp chuyên gia khoa học – công nghệ, vai trò trung tâm của tri thức lý thuyết như là một nguồn đổi mới và ra quyết định chính sách trong xã hội, sự sáng tạo của kỹ thuật học “trí tuệ” ...v.v. Kết quả là xuất hiện một khuynh hướng biến đổi xung đột với các mối quan hệ giai cấp-xã hội thuộc phạm vi tương tác của các khu vực kinh tế, văn hóa, và đời sống xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp. Tất cả những cái đó đều góp phần hình thành các giá trị sống mới dựa trên quá trình giải ý thức hệ, sự khoan dung, tình trạng thiếu vắng gam màu đen – trắng trong định lượng giá trị, nhận thức về mức độ phức tạp của thế giới, về tình trạng đối đầu cứng rắn không thể hiểu được: bạn - thù, tốt – xấu, có thể - không thể, nguyên tắc – ngoại lệ, ...v.v.

Ngoài ra, trong xã hội hậu công nghiệp, nhờ có sự phát triển cao của các phương tiện truyền thông đại chúng – phát thanh, truyền hình, mạng máy tính, mà nền văn minh máy tính và truyền thống đại chúng đã ra đời; xuất hiện sự hợp nhất của công nghệ, các hoạt động nghệ thuật (điện ảnh, nghệ thuật nhiếp ảnh, băng âm thanh và băng hình). Các tri thức khoa học nhân văn – triết học, ngữ văn, ký hiệu học, văn hóa học – tất cả đều tương tác trực tiếp với tính sáng tạo nghệ thuật dẫn đến việc sáng tạo ra quá trình cộng sinh của khoa học và công nghệ. Tri thức ngữ văn bao gồm kinh nghiệm cá nhân của nhiều tác giả. Hiện tượng nghệ thuật đánh mất tính thuần khiết chính là kết quả của sự thay đổi của vị thế văn hóa trong xã hội hậu công nghiệp. Từ giờ trở đi, thật khó mà nói về qui trình nghệ thuật như là một hành vi sáng tạo nguyên mẫu, độc nhất tạo ra ý nghĩa nữa. Năng lực vô biên của quá trình phát triển khoa học, sáng tạo công nghệ dẫn đến một thực tế là sự tồn tại của nghệ thuật dưới dạng phiên bản “cổ điển” của nó đã trở nên có vấn đề. Trong một xã hội mà người ta đã có thể nhân bản con người thì các sản phẩm nhân bản khác hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên.

Khi đề cập đến các đặc trưng của văn hóa hậu hiện đại, Skoropanova đã chú ý đến sự bất ổn trong cách lượng giá của các học giả phương Tây về hiện tượng này [Скоропанова 2002: 34-38]. Vì vậy mà nhà xã hội học người Pháp Jean Baudrillard luôn không khoan nhượng với văn hóa hậu hiện đại. Ông không thể chấp nhận được việc định hướng bản thân văn hóa vào mô phỏng biểu tượng thay vì định hướng vào phản ánh trực tiếp cuộc sống, đó chỉ là một loại đám rước giả trang mà thôi. Ông coi việc  thay thế hiện thực kiểu ấy chỉ là phản ánh sự trống rỗng những mong muốn hữu thức hay vô thức của các thành viên xã hội công nghiệp đại chúng mà thôi. Hơn nữa, theo ông, việc mô phỏng tương tự bao gồm tất cả mọi khía canh của cuộc sống là điều đặc biệt nguy hiểm. Một nhà xã hội học khác của Pháp, giáo sư triết học Gilles Lipovetsky thì lại tập trung vào những khía cạnh tích cực của văn hóa hậu hiện đại [Липовецки 2001: 39]. “Hệ tư tưởng thời đại – trong tính đa dạng, trí tưởng tượng, thiếu kiềm chế; không còn là de rigueur bắt buộc nữa” [Липовецки 2001: 39]. Thay vì quá trình xã hội hóa thì lại diễn ra các quá trình giải phóng cá nhân, cá nhân hóa mang tính hưởng thụ, liên quan đến quá trình trung hòa không gian xã hội và quá trình phục hồi của lĩnh vực đời sống tư nhân, với sự tàn phá của chủ nghĩa hiện đại đông cứng, chứng bệnh khổng lồ, chủ nghĩa trung tâm, ý thức hệ tiền phong cứng ngắc”. Người ta đề xuất một cuộc sống không còn các mệnh lệnh đạo đức bắt buộc; nó tự “sắp xếp lại các giá trị hiện đại”, giá trị ưu tiên buổi đầu tập trung hóa bị xóa bỏ, các tiêu chí chân lý và nghệ thuật bị sói mòn, quá trình tự quyết cá nhân phù hợp với các giá trị xã hội cá nhân hóa trong đó, điều cốt yếu là tự khẳng định...đang trở thành dòng chính” [Липовецки 2001: 25].

Hậu cấu trúc luận và giải cấu trúc, phản ánh cuộc khủng hoảng niềm tin vào chính quyền, buộc bất kỳ tuyên bố sự thật khách quan phổ quát nào cũng phải chịu phê phán chính là nguồn trực tiếp xác định khuôn khổ triết học và đạo đức của chủ nghĩa hậu hiện đại. Kết quả là, quan điểm hậu hiện đại về thế giới mất đi những đặc điểm như tính nguyên vẹn, sự hiện diện của một loại cốt lõi, trung tâm, cơ sở nào đó. Loại trung tâm này giờ đây có thể tồn tại ở bất cứ đâu, trong thực tế chính là sự tồn tại của nhiều trung tâm bình đẳng. Yên bình và hệ thống hóa là không thể, vì các tiêu chí hệ thống hóa hoặc không tồn tại, hoặc nhiều đến vô tận, và tất cả đều có quyền tồn tại. Umberto Eco, nhà ký hiệu học, phê bình gia, sử gia văn học thời trung cổ và là tác giả của một trong những cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại nổi tiếng nhất - Tên của Hoa hồng˝, đã so sánh chân lý với một phụ nữ đồng bóng, không ngừng từ chối những kẻ hâm mộ mình. Vì vậy ông đã xếp cái chủ nghĩa hậu hiện đại đã được tuyên bố ấy dựa trên tính đa trị chủ chốt của chân lý, mà không có bất cứ chân lý nào lại không thể được coi là chân lý tối hậu. 

thế giới không được khái niệm hóa một cách rõ ràng bằng nhận thức lý thuyết, nên đã hình thành loại tư duy không được vận hành dựa trên các khái niệm bền vững: một bộ phận toàn vẹn, nam – nữ, đông – tây, chủ nghĩa tư bản – chủ nghĩa xã hội. Trong khuôn khổ văn hóa và thẩm mỹ, chủ nghĩa hậu hiện đại đã xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực độc lập đầu tiên của văn hóa tinh thần và các cấp độ ý thức: giữa nghệ thuật cao cấp và văn học đại chúng. Đã xuất hiện khái niệm hiện thực, sự trống rỗng của logic và nghĩa, tiêu biểu cho sự tập hợp của các trạng huống ngẫu nhiên. Tập trung vào học thuyết vật lý về các hệ thống hỗn độn tự điều chỉnh của Prigorin, các nhà hậu hiện đại luận đã đề xuất khái niệm haosmos [хаосмос] gồm hai từ kết hợp thành một từ ngược nghĩa – chaos [hỗn độn] và cosmos [trật tự].

Chủ nghĩa hiện thực toàn trị và chủ nghĩa đa nguyên không bờ bến đã được áp dụng vào việc định giá. Quá trình giải tiêu chuẩn hóa liên quan đến tất cả các quy tắc và giá trị đã hiện diện. Vì vậy mà Roland Barthes - một trong những đại diện hàng đầu của cấu trúc luận Pháp, mà nhiều tư tưởng của ông đã trở thành cơ sở cho lý thuyết hậu hiện đại, đã nói: “Không hề có danh sách ưu tiên nào. Cần phải biết rằng phê bình luôn luôn ngụ ý một loại mục tiêu chiến thuật, một nhiệm vụ xã hội, hiếm khi là những động cơ hư cấu giả định”. Nguyên tắc của tính bất cân bằng tuyệt đối được dành cho bất cứ điều gì, vì vậy mà không loại trừ đó có thể là bất cứ điều gì (tính phổ quát, tính khuôn mẫu, vốn từ vựng, ngôn ngữ thống nhất [Барт 1994: 471].

Vì vậy mà đặc điểm quan trọng ấy của việc nhận thức thế giới thịnh hành trong thời hậu hiện đại như là một sự tuyệt đối trớ trêu đã xuất hiện. Người ta giễu nhại về bất cứ điều gì, bất cứ đền miếu nào, giễu nhại không biết tôn trọng bất cứ cái gì. Điều đó đặt tiếng cười ngang hàng với cái linh thiêng, cái ác, cái đẹp, và cái xấu, Shakespeare và bất cứ một giai thoại tầm thường nào. Cái cười không còn tạo ra ý nghĩa mới nữa, nó không còn được cập nhật nữa, nó hủy hoại, làm tiêu tan mọi thứ mạnh mẽ, rõ ràng vừa mới xuất hiện. Cùng với nó thì sự giễu nhại hậu hiện đại không chỉ còn giễu nhại: nếu chúng ta sử dụng cách thể hiện của A. Genis, đó là “đồng thời chúng ta thừa nhận hai hiện tượng trái ngược nhau, và đồng thời thừa nhận “phân loại chúng thành hai tuyến ngữ nghĩa” [Иностранная литература 1994: 245].      
________________________________

Nguồn: Т. Г. Прохорова 2005. Постмодернизм в русской прозе, Учебное пособие, Филологический факультет Казанского государственного университета, Казань 2005.

Tác giả: TS. Tatiana Gennadieva Prokhorova, Phó Giáo sư Đại học Quốc gia Kazan, chuyên về văn học Nga thế kỷ XX, các mối quan hệ giữa văn học và các loại hình ý thức xã hội, chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Nga.

Tài liệu dẫn

Васюшкин A. 1995. Петушки как Второй Рим? А. Васюшкин, Звезда. 1995, №12.

Верховцева-Друбек Н. 1991. “Москва-Петушки˝ как parodia sacra, Н.Верховцева-Друбек, Соло. 1991. №8.

Генис А.1999. Благая весть, Генис А. Иван Петрович умер. М.: Новое лит. обозрение., 1999.

Живолупова Н.В.1992. Паломничество в Петушки, или Проблема метафизического бунта в исповеди Венички Ерофеева, Н.В.Живолупова, Человек. 1992. №1.

Зорин А. 1989. Пригородный поезд дальнего следования, А.Зорин, Новый мир. 1989, №5.

Липовецкий М. 1992. Апофеоз частиц, или Диалоги с хаосом, М.Липовецкий, Знамя. 1992, №8.

Липовецкий М. 1997. Русский постмодернизм (очерки исторической поэтики), М.Липовецкий, Екатеринбург: Урал. гос. пед. ун-т., 1997, С.156-176.

Малахов В.С., Филатов В.П.1991. Современная западная философия, Словарь/Сост.: Малахов В.С., Филатов В.П. 1991.

Седакова О. 1991. Несказанная речь на вечере Венедикта Ерофеева, О.Седакова, Дружба Народов, 1991, №12.

Скоропанова И.С.  2001. Русская постмодернистская литература, Учеб. Пособие, 3-е изд., изд., и доп., М.: Флинта: Наука, 2001, 608 с. ISBN 5-89349-180-7 (Флинта) ISBN 5-02-011617-3 (Наука).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét