Powered By Blogger

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Tường giải học, Phép biện chứng và Khảo cổ học (I)

Michael Shanks và Christopher Tilley

Người dịch: Hà Hữu Nga

Khảo cổ học với tư cách Diễn giải

Trong chương này, chúng tôi cố gắng cung cấp một số cơ sở ban đầu cho một triết học hồi sinh khảo cổ học, vượt ra khỏi những quan niệm truyền thống về sự chia tách nhà khảo cổ và dữ liệu, chủ thể và khách thể, chủ quan và khách quan. Những thuật ngữ đối lập và phân đôi này và những thuật ngữ khác liên quan đến chúng (ví dụ: trực quan-diễn dịch; lý thuyết-dữ liệu; ý tưởng-thực tế; trừu tượng-cụ thể; lý thuyết-thực hành; hiện tại-quá khứ) dựng đặt một trở ngại nhận thức luận chính đối với việc hiểu quá khứ và hiện tại cũng như sự kết nối cả hai. Bất cứ loại triết học nào thiết lập và duy trì sự tách biệt triệt để giữa các thuật ngữ phân cực như vậy đều là KHÔNG triết (Bachelard 1975), loại triết học hạn chế, dựng đặt giới hạn, cố gắng hợp thức hóa khái niệm về các nền tảng cơ bản cho tư tưởng vượt khỏi những gì chúng ta không được lạc lối. Đó là một khuôn khổ cứng nhắc mà nếu nó được các nhà khoa học thực sự ứng dụng vào thực hành của họ sẽ khiến cho suy tư trở nên lố bịch. Hầu như tất cả các loại nhận thức luận hiện có hoặc các lý thuyết về cơ sở để đưa ra các khẳng định-tri ​​thức đều là các loại KHÔNG triết. Mối tương liên của chúng là khảo cổ học hoặc KHÔNG khảo cổ học nhằm hạn chế nghiên cứu và bày đặt các khuôn khổ tiên nghiệm về cái có thể hoặc không thể được nói một cách hợp thức. Đó là những loại khảo cổ học đã được thảo luận và bị phê phán trong bốn chương trước của cuốn sách này, những loại khảo cổ học bắt nguồn từ những loại triết học đóng. Diễn ngôn thực chứng luận / kinh nghiệm luận là một loại triết học đóng. Bằng cách đó nó giả định rằng chỉ có một cách tiếp cận, mô tả và giải thích hiện thực duy nhất đúng đắn và phù hợp - bằng cách trao ưu quyền cho đối tượng nghiên cứu thực nghiệm thông qua tri giác-cảm quan, nâng cái khái quát lên trên cái cụ thể và đặt niềm tin vào các chiến lược kiểm nghiệm dẫn đến chứng thật [verification] hoặc chứng giả [falsification] (xem Chương 2). Chúng tôi đã thách thức những giả thuyết này và thay vào đó, chúng tôi biện hộ cho một triết học khảo cổ học mở - một triết học không bày đặt giới hạn, tạo ra những lĩnh vực mà nghiên cứu không nên lạc lối.

Khảo cổ học, chúng tôi dám chắc, là một loại thực hành diễn giải, một can thiệp tích cực tham gia vào một quá trình lao động lý thuyết trọng yếu liên quan đến quá khứ và hiện tại. Hoàn toàn sai lầm khi đặt ra vấn đề hiểu và giải thích quá khứ theo cách thể hiện sự kiện thuần túy gắn liền với quá khứ và tẩy sạch “thiên kiến” chủ quan, hoặc lối truy sát thực tại luận tìm cách giải phóng khỏi gánh nặng giáo điều của hồ sơ khảo cổ học thông qua việc hư cấu và thần thoại hóa vô độ. Diễn giải là một hành động không thể bị quy giản thành thuần túy chủ quan. Bất kỳ tường trình khảo cổ học nào cũng liên quan đến việc tạo ra một quá khứ trong một hiện tại và việc hiểu nó. Khảo cổ học theo nghĩa này là một nỗ lực trình diễn và biến đổi, một sự biến đổi của quá khứ trong khuôn khổ hiện tại. Quá trình này không hề lỏng lẻo theo nghĩa hư cấu mà liên quan đến việc chuyển dịch quá khứ một cách mạch lạc và cụ thể. Các sự kiện  cụ thể chỉ trở thành sự kiện liên quan đến các xác tín, ý tưởng và giá trị. Tuy nhiên, khảo cổ học sẽ trở thành một loại thực hành trong cuồng si tự ái nếu nó chỉ dựa vào sự phóng chiếu có chủ ý những mối quan tâm hiện tại vào quá khứ mà bản thân hồ sơ khảo cổ học có thể thách thức những gì chúng ta nói là không đầy đủ theo một kiểu nào đó. Nói cách khác, dữ liệu đại diện cho một mạng kháng cự đối với việc dành riêng cho lý thuyết. Chúng ta đang tham gia vào một diễn ngôn trung gian giữa quá khứ và hiện tại và đây là một sự kiện hai chiều.

Vòng tường giải

Vòng tường giải có thể được mô tả là bao gồm “một công trình gian khó của tổng thể cuộc sống, đồng thời chưa được biết đến và không có sẵn để thấu hiểu trực tiếp, ngoài những điều kỳ quặc và những mảnh vụn của cuộc sống có thể tiếp cận bằng tri giác, nhưng không thể hiểu được. Vòng tường giải bắt đầu từ linh cảm về cái tổng thể mà phần tử đối đầu thuộc về nó, nếu đoán đúng, thì phần tử được đề cập sẽ khải lộ ý nghĩa của nó, từ đó đưa chúng ta đến việc tái tạo tổng thể tốt hơn, đầy đủ hơn, cụ thể hơn. Quá trình đó tiếp tục, trong những vòng rộng lớn hơn bao giờ hết, cho đến khi chúng ta hài lòng rằng phần dư của độ mờ vẫn còn sót lại trong đối tượng của chúng ta không ngăn cản chúng ta chiếm dụng được ý nghĩa của nó” (Bauman 1978, tr. 31; xem Heidegger 1962, tr. 150ff). Chúng tôi muốn gợi ý rằng bất kỳ cách tường trình mang tính diễn giải nào về quá khứ cũng đều vận động trong một vòng, có lẽ chính xác hơn, một vòng xoắn ngày càng mở rộng, và liên quan đến việc thay đổi hoặc vận hành về phương diện lý thuyết mà nó cần phải được diễn giải. Không thể hiểu bất cứ điều gì về ý nghĩa của mô hình văn hóa vật chất trong quá khứ (hoặc hiện tại) trừ khi người ta sẵn sàng thực hiện các can thiệp được khái niệm hóa bằng cách sử dụng các xuất phát điểm xã hội, dân tộc học hoặc các xuất phát điểm khác về cách thức mà tổng thể xã hội trong quá khứ được hình thành. Nếu những can thiệp được khái niệm hóa này ít nhiều chính xác, thì chúng ta sẽ có được cái nhìn sâu sắc và hiểu biết. Nếu không, sẽ còn lại một khối lượng lớn các quan sát không thể giải thích được. Ngoài ra, sẽ không thể nắm bắt được cái tổng thể mà chúng ta tìm cách khảo sát cho đến khi có được một hiểu biết nào đó về các ma trận của đời sống xã hội được ngữ cảnh hóa, trong đó mô hình văn hóa vật chất được thích ứng và vận hành.

Do đó, việc diễn giải nhằm tìm hiểu cái đặc thù dưới ánh sáng của cái tổng thể và cái tổng thể dưới ánh sáng của cái đặc thù để hiểu được mối tương kết giữa các lĩnh vực đa dạng của mô thức văn hóa vật chất - mộ táng, sử dụng và thải bỏ hiện vật, thiết kế gốm sứ, di tích quần động vật, sắp đặt định hướng kiến ​​trúc, v.v. - đòi hỏi một số hiểu biết trước hoặc dự kiến ​​về tổng thể xã hội trong đó văn hóa vật chất đóng vai trò với tư cách các biểu tượng, mã hoặc cấu trúc. Điều khiến cho dữ liệu khảo cổ học mách bảo chúng ta, khi chúng ta có thể giải thích nó, khi nó có ý nghĩa, chính là việc đặt nó vào một ngữ cảnh cụ thể hoặc một tập ngữ cảnh, và dự án khai thác ý nghĩa dữ liệu liên quan đến tính biến đổi nội tại rõ ràng, và việc sử dụng đầy đủ tính biến đổi này trong việc xem xét các cấu trúc ý nghĩa có thể có. Các khái niệm về sự hiểu biết đúng hay sai không dựa trên một tập hợp các phương pháp luận hiểu biết trước (tường giải học không phải là một phương pháp luận thay thế) mà chỉ có ý nghĩa trong khuôn khổ bối cảnh quá khứ đang được khảo sát. Sự hiểu biết đầy đủ nhất là tùy thuộc vào ngữ cảnh và giới hạn-ngữ cảnh không thể thay đổi được. Điều đó có nghĩa là bản chất của sự hiểu biết khảo cổ học liên quan đến bối cảnh đang được khảo sát và liên quan đến sự vận động biện chứng qua lại giữa các bộ phận và tổng thể. Nghĩa là bản chất của hiểu biết khảo cổ học gắn bó chặt chẽ với bối cảnh xác định đang được khảo sát và hoàn toàn trái ngược với sự thúc đẩy kiểm soát kỹ thuật quá khứ bằng cách sử dụng các quy luật hoặc các khái quát không phụ thuộc vào ngữ cảnh.

Quan niệm cho rằng một tường trình mang tính diễn giải về quá khứ vận động trong một vòng phụ thuộc ngữ cảnh, hoặc vòng xoắn ốc, loại bỏ chính khả tính, huyền thoại, mà các cách tiếp cận thử nghiệm chứng thật luận (verificationist) hoặc chứng giả luận (falsificationist) đơn giản có thể được áp dụng để phá vỡ vòng tường giải và xác định xem liệu các diễn giải ở một giai đoạn nào đó của công việc khảo sát có chính xác không. Việc sửa sai diễn ra theo một quá trình biện chứng trong bản thân vòng tường giải đó. Dữ liệu không có bản chất bác bỏ “thuần túy”, như-nền đá, nhưng bản thân nó lại là một phần không thể tẩy xóa của vòng tường giải (xem Chương 2, tr. 36-43 và thảo luận thêm về vấn đề này bên dưới). Tuy nhiên, không nên kết luận quá đơn giản rằng vòng tường giải theo một cách nào đó là tự-quy chiếu và điều đó đưa chúng ta đến việc xem xét vai trò của kẻ tường giải.

Vai trò của kẻ diễn giải

Chương 3 cho rằng loại khảo cổ học không-giá trị là một công việc bất khả thi và chúng tôi đã cố gắng chứng minh rằng khảo cổ học đương đại khó có thể được khẳng định là trống vắng các giá trị xã hội và chính trị. Ở đây chúng tôi muốn liên kết thảo luận đó với vai trò của chủ thể diễn giải, thảo luận về tường giải học của Gadamer. Gadamer (1975, tr. 235-6) trích dẫn đoạn văn sau đây từ Hữu thể và Thời gian của Heidegger (1962, tr. 153), trong đó ông đề cập đến vòng tường giải: “Không được quy giản nó thành cấp độ của một vòng tội lỗi, hoặc thậm chí một vòng chỉ việc chịu đựng. Trong vòng đó ẩn chứa một khả tính thực chứng của loại hiểu biết sơ khai nhất. Để chắc chắn, chúng ta thực sự nắm giữ được khả tính này chỉ khi, theo cách diễn giải của chúng ta, chúng ta đã hiểu rằng nhiệm vụ đầu tiên, cuối cùng và liên tục của chúng ta là không bao giờ cho phép những có-trước, thấy-trước và quan niệm-trước của chúng ta được trình hiện trước chúng ta bằng những tưởng tượng và những quan niệm phổ biến, mà là để làm cho chủ đề khoa học được an toàn bằng cách thực hiện những cấu trúc-trước này theo khuôn khổ của bản thân sự vật.”

Một số hàm ý quan trọng có thể được rút ra từ đoạn văn này {xem Gadamer 1975, tr. 236ff., 1979, tr. 148ff; Bernstein 1983, tr. 136ff.): “(1) Diễn giải không phải là một lựa chọn tùy chọn sao cho ‘phương pháp khách quan’ có thể được coi là sự thay thế cho nó theo cách, chẳng hạn như, các diễn ngôn kinh nghiệm luận có thể khẳng định. Diễn giải cư ngụ trong Hữu thể hoặc sự tồn tại của chúng ta trên thế giới. Không có cách nào chúng ta có thể thoát khỏi diễn giải. Đây là vấn đề hữu thể luận chứ không phải là vấn đề phương pháp luận. Vòng hay vòng xoắn diễn giải không phải là điều gì đó đáng phải hối tiếc và cư ngụ ở đó một thực tính, tức là các khả tính được mở ra cho chúng ta. (2) Việc có-trước, thấy-trước và quan niệm-trước hoặc các tiền giả định cung cấp nền tảng cho bất kỳ sự hiểu biết, chân lý hoặc khẳng định-tri ​​thức nào. Trong bối cảnh này, điều đáng chú ý với Sellars (1963, trang 169) là “khi mô tả đặc điểm của một tình tiết hoặc trạng thái như những gì thuộc về biết, chúng ta không đưa ra mô tả thực nghiệm về tình tiết hoặc trạng thái đó; chúng ta đang đặt nó trong không gian hợp lý của các lý tính, của việc biện minh và có thể biện minh cho những gì người ta nói”. (3) “Bản thân sự vật” (tức là dữ liệu mà chúng ta làm việc) chỉ tồn tại chừng nào chúng được khái niệm hóa. Cần quay trở lại với một khẳng định trước đó được đưa ra trong chương này, thực tại là con người, còn các vật thể thì không phải. (4) Trong nỗ lực tìm hiểu quá khứ, chúng ta phải cởi mở với nó và những khẳng định về chân lý cư ngụ trong thứ mà chúng ta nghiên cứu, chân lý khẳng định cái mà chỉ chúng ta, những kẻ diễn giải, mới có thể đưa ra và nhấn mạnh. Đây không phải là thứ “chân lý” của kinh nghiệm luận, cũng như không ngụ ý một hành động đồng cảm (xem phần phê phán về sự đồng cảm ở Chương 1). Điều đó có nghĩa là chúng ta định vị các quan điểm, ý tưởng, tiền giả định, tri thức-có trước, hiện tại luận của chúng ta, trong mối quan hệ với quá khứ. Chúng ta không thể tẩy xóa các giá trị của bản thân mình nhưng những giá trị này có thể được trung hòa một cách hiệu quả nhờ những gì mà chúng ta nghiên cứu. Không thể hoàn toàn bỏ tự ngã ra khỏi phạm vi này. Hơn nữa, cái được nghiên cứu đó không phải là một sáng tạo chủ quan. Diễn giải là những gì Gadamer đề cập đến như là “sự dung hợp của các chân trời” (1975, tr. 273) liên quan đến sự kết hợp tích cực của quá khứ và hiện tại, đối tượng và chủ thể.”

Sự kết hợp giữa chủ thể và đối tượng hoặc kẻ diễn giải và dữ liệu ấy đòi hỏi phải được khuếch đại thêm. Như chúng ta đã thấy, trong vòng tường giải, kẻ diễn giải tiếp cận một tập tư liệu với đầy đủ ngữ cảnh của chúng, và các tiền giả định tạo ra hiểu ban đầu về ý nghĩa của các tư liệu ấy. Theo một nghĩa nào đó, họ dự đoán được hình thức và bản chất của chúng. Dưới góc độ tiếp xúc với điều đã được nghiên cứu, những quan niệm trước ​​này chắc chắn sẽ được sửa đổi theo cách tiến bộ để cuối cùng cho phép có được một sự hiểu biết thỏa đáng. Gadamer (sđd, tr. 238) cho rằng: “ý nghĩa không thể được hiểu một cách võ đoán. Cũng giống như chúng ta không thể liên tục hiểu sai việc sử dụng một từ mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa của tổng thể, vì vậy chúng ta không thể mù quáng giữ ý nghĩa-trước của chúng ta về sự vật nếu chúng ta hiểu ý nghĩa của sự vật khác… Tất cả những gì được yêu cầu là chúng ta vẫn để mở với ý nghĩa của sự vật khác… tính mở này luôn bao gồm việc chúng ta đặt nghĩa khác trong mối quan hệ với tổng thể ý nghĩa của chính chúng ta hoặc bản thân chúng ta trong mối quan hệ với nó. Giờ đây vấn đề là ở chỗ các ý nghĩa đại diện cho sự đa dạng linh động của các khả tính khác nhau ... nhưng vấn đề vẫn không phải là trong phạm vi đa dạng của những gì có thể suy nghĩ ấy, tức là của những gì người đọc có thể thấy có ý nghĩa và mong đợi tìm thấy, thì mọi thứ đều có thể ... Nhiệm vụ tường giải tự động trở thành việc đặt vấn đề về sự vật và luôn được xác định một phần bởi điều này.”

Vậy là, khái niệm “đặt vấn đề về sự vật” này có tầm quan trọng thiết yếu. Chúng ta không cố phản chiếu quá khứ mà là thăm dò nó, vượt khỏi các dáng vẻ bề ngoài để đến với những cấu trúc cơ bản bên dưới dữ liệu mà chúng ta “thấy” theo kinh nghiệm. Một sự hiểu biết thỏa đáng, như những lời gợi ý, không bao giờ là một sự hiểu biết hoàn toàn mà chính nó đã được khắc ghi vào thói quen của chúng ta với tư cách là những kẻ diễn giải. Nó liên quan đến sự can thiệp của chúng ta vào dữ liệu. Nó không khẳng định phải là sự phản ánh của quá khứ. Hiểu biết thực hiện cả tái sản xuấtsản xuất. Nó không phải là một phục hồi bị giới hạn vào ý nghĩa gốc. Ý nghĩa hình thành thông qua sự hiểu biết. Hệ quả đối với phép tường giải triết học này là tri ​​thức là thực tế và một phần phụ thuộc vào những gì chúng ta làm và những gì chúng ta muốn làm, một hệ quả sẽ được thảo luận bên dưới. Trước khi bắt đầu thảo luận về vấn đề đó, có lẽ cần nhấn mạnh sự khó khăn của khảo cổ học với tư cách là một sự nghiệp tường giải học bởi vì điều này giúp chúng ta hiểu đầy đủ về tầm quan trọng của việc kiến tạo lý thuyết như là chìa khóa để phát triển ngành học.

Khảo cổ học như là Tường giải học Gấp bốn

Giddens (1982, 1984, trang 374) đã viết về một phép tường giải kép khi tham gia vào khoa học xã hội, thông qua sự đối sánh với khoa học tự nhiên: “Tường giải học của khoa học tự nhiên chỉ liên quan đến các lý thuyết và diễn ngôn của các nhà khoa học, bằng cách phân tích một thế giới đối tượng không phản bác lại, cũng như không kiến tạo và diễn giải ý nghĩa của các hoạt động của nó… Nhưng lý thuyết xã hội không thể tách rời khỏi “thế giới đối tượng” của nó, vốn là một thế giới chủ thể.” (Giddens 1982, tr. 12-13) “Nhà khoa học xã hội nghiên cứu một loại thế giới, thế giới xã hội, được cấu thành như là có ý nghĩa bởi những kẻ sản xuất và tái sản xuất nó trong các hoạt động của họ - những chủ thể người. Việc mô tả hành vi người một cách xác đáng về nguyên tắc là có thể tham gia vào các dạng sống cấu thành và được cấu thành bởi hành vi đó. Đây đã là một nhiệm vụ tường giải rồi. Nhưng khoa học xã hội tự nó là một “dạng cuộc sống”, với các khái niệm kỹ thuật riêng của nó. Do đó, tường giải học gia nhập khoa học xã hội ở hai cấp độ liên quan.” (sđd, tr. 7)

Người ta đã lập luận rằng diễn giải trong khảo cổ học là một quá trình vượt qua khoảng cách giữa hệ quy chiếu này (hiện tại) và hệ quy chiếu khác (quá khứ); và khoảng cách này là năng suất của diễn ngôn (về khái niệm khoảng cách, xem Chương 1, đặc biệt là các tr. 17-18). Quá trình hiểu được quá khứ là một quá trình cực kỳ phức tạp và không dễ rút gọn thành một quy trình hoặc tập hợp các quy trình duy nhất có thể được kẻ khác sao chép lại theo kiểu một công thức hoặc cung cách học vẹt. Khảo cổ học và lịch sử, chúng tôi muốn gợi ý, là những ngành khó nhất trong tất cả các ngành học vì quá trình đạt được sự hiểu biết về lịch sử bao gồm một nỗ lực diễn giải gấp bốn lần. Các nhà khoa học tự nhiên chỉ tham gia vào một phép tường giải học duy nhất, vì họ xử lý các đối tượng và các quá trình vô tri vô giác, chẳng hạn như các phản ứng hóa học mà bản thân nó không có ý nghĩa nhân văn, nhưng lại có thể quy gán  ý nghĩa cho nó. Bất kỳ lược đồ lý thuyết nào mang lại ý nghĩa cho các đối tượng và quy trình đó, bản thân nó đều là một dạng sống liên quan đến các tập khái niệm, quy trình và việc thử nghiệm phải được nắm vững, và một phương thức hoạt động thực tế tạo ra các loại mô tả cụ thể. Các nhà xã hội học cam kết với phép tường giải kép trong đó họ vừa sống vừa làm việc trong một dạng sống, một tập thực hành đương đại mà từ đó họ không thể thoát ra, và một thế giới của các ý nghĩa được giải thích trước. Nhà xã hội học vừa chia sẻ một dạng sống vừa thông qua việc xây dựng lý thuyết cũng như sử dụng hoặc mở rộng ngôn ngữ, nỗ lực làm sáng tỏ người tham gia có nghĩa là các khung ý nghĩa mà họ nối tiếp nhau. Công trình nhân học liên quan đến một phép tường giải gấp ba trong đó nhà nhân học sống trong một vũ trụ đã được giải thích-trước mà dưới ánh sáng của nó thì vấn đề và triển vọng của họ được khuôn lại và kẻ khảo sát cố gắng hiểu các văn hóa xa lạ vận hành trong các khuôn khổ ý nghĩa khác. Nhà khảo cổ học và nhà sử học cũng tham gia vào diễn giải nhân học ba lần này, với sự giao thoa bổ sung của quá khứ, một dạng sống không thể tiếp cận trực tiếp, nhưng phải được tái tạo lại. Vì vậy, hoạt động khảo cổ học bao gồm: i) phép tường giải về hoạt động trong lĩnh vực khảo cổ học đương đại; ii) phép tường giải về việc sống trong xã hội đương đại với tư cách là một kẻ tham gia tích cực, nói một cách rộng rãi, trò chơi tri ​​thức về việc làm người, tương tác và tham gia với những kẻ khác và dấn thân vào các cuộc tranh đấu về niềm tin và các giá trị xã hội và chính trị; iii) phép tường giải về việc cố gắng hiểu một văn hóa xa lạ liên quan đến các khuôn khổ ý nghĩa khác hoàn toàn với khuôn khổ ý nghĩa của riêng mình; iv) phép tường giải liên quan đến việc siêu vượt quá khứ và hiện tại.

Khó khăn liên quan đến khảo cổ học như một phép tường giải gấp bốn là điều khiến cho ngành học này có tiềm năng thú vị và đáng giá. Không nghi ngờ gì nữa, nó đi theo một cách nào đó để giải thích sự say mê của công chúng đối với khảo cổ học. Tuy nhiên, điều đáng nhấn mạnh một lần nữa là những khó khăn liên quan không nên dẫn đến bất kỳ chủ nghĩa lãng mạn hoặc hoài niệm nào về quá khứ để suy nghĩ bằng một nỗ lực siêu việt người nào đó mà chúng ta có thể quay trở lại bên trong nó. Đây là sự thất bại lớn của phép tường giải cuối thế kỷ XIX, đặc biệt được thể hiện trong công trình của Dilthey và gần đây hơn của Collingwood (1946). Tương tự, sự dễ dãi hiển nhiên mà khảo cổ học khoa học luận đương đại tuyên bố về tính khách quan nghiêm ngặt, thông qua một tập phương pháp luận đơn giản hạn chế, phải bị bác bỏ. Trên thực tế, chỉ có thể tuyên bố thực hiện được điều này bằng một tập các quy giản đáng kể trong đó con người thì hầu như bị loại bỏ khỏi cái dự án này. Tường giải học gấp bốn liên quan đến bất kỳ loại hình nào và toàn bộ các loại hình khảo cổ học làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào để ổn định một lần nữa, và toàn bộ cách thức mà quá khứ cần được hiểu theo các khuôn khổ quy tắc phương pháp luận cho quy trình. Tốt hơn hết là cần phải sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận. Đồng thời với khó khăn trí tuệ liên quan đến việc hiểu quá khứ nên khảo cổ học phải có một cấu trúc lý thuyết phát triển cao. Có thể cho rằng, nó phải là ngành khoa học xã hội có bộ lý thuyết phức tạp nhất và được phát triển cao nhất. Trên thực tế, khảo cổ học mới chỉ phát triển về mặt lý thuyết một cách yếu ớt nhất trong tất cả các ngành khoa học xã hội. Một sự đảo ngược đáng tò mò dường như đã xảy ra - ngành học nói chung cần đến lý thuyết nhiều nhất dường như lại nghĩ rằng nó vẫn có thể sống khá ổn mà không cần lý thuyết.

Tư tưởng Thấm đẫm Quá trình Lịch sử

Các diễn giải khảo cổ học về quá khứ không phải là thứ yếu đối với hiện thực vật chất của quá khứ, các hiện vật trong hồ sơ khảo cổ. Tìm hiểu về quá khứ là một quá trình biện chứng được thực hiện bởi những điều chỉnh liên tục các ý tưởng, khái niệm, cách thể hiện và không phải là một cái gì đó có thể được cố định bởi một phương pháp duy nhất như phương pháp giả thuyết-diễn dịch. Về bản chất, đây là một phương pháp được thiết kế khiến cho chúng ta, những kẻ diễn giải quá khứ, tắt tiếng và bất lực vì nó cố gắng loại bỏ trách nhiệm đối với việc lựa chọn giữa các ý tưởng và khái niệm cạnh tranh một cách thuần túy máy móc. Nó là hiện thân của một niềm hy vọng rằng gánh nặng của sự lựa chọn, đánh giá, sẽ biến mất khỏi chúng ta. Khái niệm về vòng tường giải cho phép chúng ta nhận ra rằng chúng ta không bao giờ có thể trút bỏ gánh nặng lựa chọn này. Bất kỳ cách diễn giải nào về quá khứ cũng đều đa dạng và liên tục mở ra để thay đổi, để tái định giá. Về bản chất, nỗ lực nhằm đặc quyền cách quy giản tất cả các mô tả khả thể về quá khứ thành một phương pháp luận là một nỗ lực thoát khỏi nhân loại, thoát khỏi cái thực tế là quá khứ được tạo ra ở đây và bây giờ, trong hiện tại, bởi mọi con người. Việc đề xuất các trình thức có thể được phát triển dẫn đến một cái nhìn hoàn toàn khách quan về quá khứ (chẳng hạn Binford 1982), như Sartre gợi ý (1982, trang 37), chính là tự đặt mình vào hình ảnh của Chúa. Rorty đã tinh khéo đưa ra quan điểm sau: “Một hiện hữu như vậy không đối đầu với thứ gì đó xa lạ khiến hắn cần phải lựa chọn thái độ đối với nó hoặc mô tả về nó. Hắn sẽ không có nhu cầu và không có khả năng lựa chọn hành động hoặc mô tả. Kẻ ấy có thể được gọi là “Chúa” nếu chúng ta nghĩ đến những lợi thế của tình huống này, hoặc là một “cỗ máy đơn thuần” nếu chúng ta nghĩ về những bất lợi thế” (Rorty 1980, tr. 376). Ngày nay, như tất cả các nhà khảo cổ học đều biết, hoặc nên biết, có vô số các mô tả cạnh tranh khả thể về một hiện vật, một tập hợp hoặc bất kỳ tập hợp di vật nào gặp phải trong hồ sơ khảo cổ. Sự lựa chọn liên quan đến việc mô tả những di vật này đều liên quan đến các lý thuyết được sử dụng để hiểu rõ chúng.

Kết quả của dự án khảo cổ học là một tầm nhìn về quá khứ được tạo ra và trình bày thông qua việc công bố. Công trình khảo cổ học có tính lịch sử ít nhất theo ba cách mà nhà khảo cổ quan tâm đến quá khứ, nhà khảo cổ tạo ra quá khứ, đến lượt quá khứ đã từng được tạo ra, tự nó trở nên có tính lịch sử. Hàm ý của thứ “chủ nghĩa lịch sử” này (vì chẳng có được thuật ngữ nào khá hơn) là phải duy trì một thái độ phê phán liên quan đến thực hành khảo cổ học. Như chúng tôi đã lập luận trong Chương 3, thực hành khảo cổ học, một phần, là thực hành chính trị. Việc từ chối coi các tác nhân xã hội trong quá khứ thuần túy là các “đối tượng” sinh ra từ việc phân tích để gọi tên chỉ một lĩnh vực, gây ra những tác động chính trị và xã hội đối với hiện tại. Cách thức mà quá khứ được khái niệm hóa, dữ liệu được diễn giải và các phân tích được thực hiện đều cung cấp ý nghĩa cho hiện tại. Các loại giải thích của nhà khảo cổ học này đưa đến thông điệp cho các nhà khảo cổ học khác và công chúng về bản chất của khảo cổ học gì trong hoạt động biến đổi thực tiễn của nó thành quá khứ. Khảo cổ học không chỉ cung cấp một quan niệm hay quan điểm về quá khứ. Nó còn là một ngành học cần thông báo cho chúng ta về bản chất của cảnh huống con người và khả tính chuyển đổi xã hội. Theo nghĩa này, chúng ta có thể đồng ý một cách chắc chắn với Bernstein rằng điều bắt buộc là “học cách suy nghĩ và hành động giống như con cáo hơn là con nhím - để nắm bắt những kinh nghiệm và các cuộc vật lộn mà ở đó vẫn le lói những tia sáng của gắn kết và sự hứa hẹn của các cộng đồng thực sự chuyện trò với nhau” (Bernstein 1983, trang 228). Đối với nhà khảo cổ học suy nghĩ giống như con cáo hơn là con nhím (có lẽ con sên nhớt sẽ là một chỉ vật kịch tính hơn) chính là nhận ra rằng công việc của họ thực sự có ý nghĩa chính trị xã hội và hành động phù hợp với điều đó tức là phải suy nghĩ thấu đáo về bản chất của xã hội đương đại mà họ chắc chắn bị cuốn vào và để hỏi xem liệu những tiền đề mà mình sử dụng khi cố gắng đối mặt với một quá khứ xa lạ về cơ bản sẽ thách thức hay giúp họ duy trì trật tự xã hội đương đại. Không có lập trường chính trị nào là trung lập về vấn đề này và không thể có khảo cổ học trung lập. Chúng ta không thể và không được chỉ mô tả quyền lực thống trị, hệ thống phân cấp, bất bình đẳng, bóc lột và áp bức mà phải cam kết với một quan điểm phê phán về quá khứ. Vậy thì, khảo cổ học không phải chỉ là một kiểu hồi sinh quá khứ trong hiện tại, mà phải cam kết với việc phê phán về cái quá khứ cụ thể dẫn đến hiện tại cụ thể của chúng ta. Để phê phán này thành công và có sức thuyết phục, chúng ta không thể chấp nhận được tính phi lý cơ bản của chủ thể luận hoặc tương đối luận vì điều này sẽ phá vỡ chính nền tảng ngay dưới chân chúng ta. Cái cần thiết là sự siêu việt của những điều này thông qua công việc thực hành của chúng ta với tư cách là các nhà khảo cổ học, thông qua lịch sử của chính chúng ta. Nguồn sáng dẫn đường mà việc tái tạo tường giải học của Gadamer soi rọi chính là thứ mà chừng nào khảo cổ học hoặc bất kỳ khoa học xã hội nào khác còn quan tâm, thì không thể thực hiện bất cứ lựa chọn đơn giản nào giữa cách tường trình chủ quan hay khách quan về hiện thực, trừ khi người ta từ bỏ hoàn toàn khoa học để viết tiểu thuyết thế vào. Triết học khoa học hậu-kinh nghiệm luận dường như cũng đưa ra một kết luận tương tự (xem, Hesse 1978, Bhaskar 1978, Harre 1979, Putnam 1978, Harre và Madden 1975, Papineau 1979).

____________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Shanks M., and Christopher Tilley (1987). Hermeneutics, dialectics and archaeology, In Re-Constructing Archaeology - Theory and Practice. Second Edition, London and New York.

References

Althusser, L (1977). On the materialist dialectic, In L Althusser For Marx, Verso.

Bachelard, G (1975). La Philosophie du non Essai d' une philosophie du nouvel esprit scientifique, Presses Universitaires de France (7th edn ), Pans.

Bauman, Z (1978). Hermeneutics and Social Science, Hutchinson.

Bhaskar, R (1978). A Realist Theory of Science, Harvester, Hassocks.

Bhaskar, R (1979). The Possibility of Naturalism, Harvester, Hassocks.

Bauman, Z (1978). Hermeneutics and Social Science, Hutchinson.

Bernstein, R (1983) Beyond Objectivism and Relativism, Blackwell, Oxford.

Binford, L (1982). Objectivity - explanation archaeology 1981, In Theory and Explanation in Archaeology The Southampton Conference, ed C Renfrew, M Rowlands and B Segraves, Academie Press.

Collingwood, R (1946). The Idea of History, Oxford University Press.

Gadamer, H-G. (1975). Truth and Method, Sheed and Ward

Giddens, A. (1979). Central Problems in Social Theory: Action, Structure and Contradiction in Social Analysis, Macmillan

Giddens, A. (1982). Profiles and Critiques in Social Theory, Macmillan

Giddens A. (1984). The Constitution of Society: Outline of the Theory of Structuration, Polity Press, Cambridge.

Harre,R (1979). Social Being, Blackwell, Oxford.

Harre,R and Madden, P (1975). Causal Powers, Blackwell, Oxford.

Heidegger,  M. (1962). Being and Time (trans J MacQuarrie and L- Robinson), Basil Blackwell

Hesse, M (1978). Theory and value in the social sciences, In Action and Interpretation, ed C Hookway and P Pettit, Cambridge University Press.

Keat, R., and Urry, J. (1975). Social Theory as Science, London, Routledge & Kegan Paul.

Papineau, D (1979). Theory and Meaning, Blackwell, Oxford.

Putnam, H. (1978). Meaning and the Moral Sciences, Henley.

Rorty, R (1980) Philosophy and the Mirror of Nature, Blackwell, Oxford.

Sartre, J-P. (1982). Critique of Dialectical Reason, Verso.

Sellars, W. (1963). Science, Perception and Reality, Humanities Press, New York.

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét