Powered By Blogger

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Chủ nghĩa Lịch sử: Quá trình và Ý nghĩa (II)

Georg G. Iggers

Người dịch: Hà Hữu Nga

Chủ nghĩa Lịch sử như một Trào lưu Sử ký

Kể từ Entstehung des Historismus – Xuất hiện Chủ nghĩa lịch sử của Meinecke thì chủ nghĩa lịch sử ít được đồng nhất với các vấn đề của tương đối luận lịch sử hơn là với ngành học lịch sử khi nó phát triển vào thế kỷ XIX ở Đức và với việc chuyên nghiệp hóa các nghiên cứu lịch sử cũng đã trở thành một mô hình ở bên ngoài nước Đức. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng không có sử gia nào trước Meinecke mô tả những gì họ đang làm là chủ nghĩa lịch sử. Từ đó, thuật ngữ này được áp dụng cho truyền thống học thuật của Đức là viết lịch sử. Lịch sử khi trở thành một bộ môn chuyên nghiệp ở Đức đã tiếp nhận rất nhiều cách thức và lối nhìn của các bộ môn khoa học khác, bao gồm cả những bộ môn trong các khoa học tự nhiên, các phương pháp khảo sát “khách quan” cần thiết để nâng nó lên cấp bậc của một khoa học nghiêm ngặt (Droysen ).77 Cam kết với khách tính này là trọng tâm của nghề lịch sử mới cũng như đối với các phân khúc khác của cộng đồng khoa học. Nhiệm vụ của nhà sử học, như Ranke đã đúc kết là cho thấy “nó đã xảy ra như thế nào” (wie es eigentlich gewesen.)78 Nó thừa nhận sự khác biệt cơ bản giữa các khoa học tự nhiên vốn tìm cách giải thích “cái chung hồi quy” và các khoa học lịch sử hoặc văn hóa vốn đòi hỏi các phương pháp tường giải để hiểu (Verstehen) những gì được coi là hành vi và thể chế của con người phản ánh các chùm ý nghĩa độc đáo (Sinnhaftigkeit).79 Chủ nghĩa lịch sử do đó đã được đồng nhất với truyền thống nghiên cứu lịch sử ở Đức từ Ranke đến phần ba thứ hai của thế kỷ XX, một truyền thống gắn chặt với sự khẳng định của nhà nước dân tộc Đức khi nó xuất hiện dưới sự lãnh đạo của Bismarck. Mặc dù nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và văn hóa, kinh tế, tôn giáo, luật pháp, nghệ thuật và những khía cạnh khác đã được tiếp cận về phương diện lịch sử trong truyền thống này, nhưng nhà nước được xem là thể chế trung tâm cung cấp một sợi dây xuyên suốt cho một câu chuyện lịch sử. 

Hai vấn đề đã chiếm một vai trò trung tâm trong các văn liệu gần đây về hình thức của chủ nghĩa lịch sử mà chúng ta vừa xem xét. Vấn đề thứ nhất liên quan đến mối quan hệ giữa lý thuyết, thực hành học thuật và chính trị, cụ thể là mức độ mà chủ nghĩa lịch sử với tư cách là một truyền thống kinh viện có thể tách khỏi mối liên hệ của nó với một truyền thống chính trị cụ thể. Vấn đề thứ hai  liên quan đến vị trí của chủ nghĩa lịch sử trong sự xuất hiện của các hình thức hiện đại của khoa học lịch sử. Chức năng chính trị của chủ nghĩa lịch sử đã được cả những người bảo vệ và những người chỉ trích nó thừa nhận. Meinecke, khi đối mặt với sự thất vọng về sự phát triển chính trị của thế giới hiện đại theo sau Thế chiến I,80 đã tạo ra một sự phân chia rõ ràng giữa văn hóa và chính trị, điều mà trong tác phẩm trước đó của ông có liên quan mật thiết,81 và giờ đây coi chủ nghĩa lịch sử như một hiện tượng văn hóa thuần túy. Nhưng có một chiều hướng rõ ràng là các tác giả đã thừa nhận mối liên hệ giữa các giả định triết học của truyền thống lịch sử Đức đã được thiết lập và nền chính trị Đức. Các tác giả ấy cũng đồng nhất cách tiếp cận này với lịch sử và các khoa học văn hóa với tư cách là một quan điểm cụ thể của Đức, ưu trội hơn quan điểm của phương Tây, vốn được cho là đã gắn bó với các khái niệm về quy luật tự nhiên và các hình thức phân tích của khoa học xã hội. Trong Thế chiến I, đây là một khái niệm trung tâm của tuyên truyền chuyên nghiệp, mà Meinecke và Troeltsch đã đóng góp, bằng cách đối sánh các “Tư tưởng năm 1914” của Đức, trong đó quan điểm về lịch sử này là một phần, với các “Tư tưởng năm 1789” của phương Tây.82

Quan niệm về lịch sử này ít liên quan đến quan điểm bi quan cho rằng nghiên cứu lịch sử đã đóng góp cho quá trình tương đối hóa và phá hủy các giá trị của văn hóa phương Tây và Đức. Không sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa lịch sử, Georg von Below đã truy tìm sự phát triển của truyền thống này trong văn bản lịch sử của Đức, mà ông gắn nhãn là lãng mạn. Meinecke vào năm 1936 đã khẳng định lại niềm tin này.83 Nếu chúng ta đánh giá các tác phẩm sau năm 1945 của von Srbik và Gerhard Ritter, thì kinh nghiệm của Đức Quốc xã cũng thực sự không phá hủy sự gắn kết này với truyền thống trí thức cũng như chính trị của Đức.84 Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1960, chủ nghĩa lịch sử đã được xem xét bởi một thế hệ các nhà sử học nhìn nhận quá khứ của nước Đức một cách phê phán như một bộ phận hệ tư tưởng đã góp phần hình thành con đường thảm khốc mà nước Đức đã đi trong thế kỷ XX. Eckart Kehr đã giới thiệu ghi chú quan trọng này trong bài tiểu luận năm 1933 của ông về lịch sử Đức.85 Một thế hệ sử gia mới trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, Hans-Ulrich Wehler, Wolfgang Mommsen, Jürgen Kocka, Georg Iggers, và những người khác, đã chỉ trích hình thức chủ nghĩa lịch sử này không chỉ trên cơ sở chính trị mà còn cả cơ sở phương pháp luận. Một lịch sử chính trị tự sự không thể đưa ra lời giải thích đầy đủ về các lực lượng dẫn đến thảm họa nước Đức. Các sử gia ấy đòi hỏi một “khoa học xã hội lịch sử” (historische Sozialwissenschaft)86 phân tích khuôn khổ cấu trúc mà chính trị Đức vận hành. Vào giữa những năm 1980, cách tiếp cận khoa học xã hội này đã bị đặt vấn đề bởi cả các nhà sử học muốn rũ bỏ gánh nặng tội lỗi Đức và “bình thường hóa” hoặc “lịch sử hóa” (historisieren) 87 quá khứ của người Đức, và bởi các sử gia dân túy đời thường (Alltagshistoriker) 88 muốn lưu lại kinh nghiệm lịch sử của những con người bình thường đã bị bỏ qua trong tự sự chính trị cũ cũng như tập trung vào các cấu trúc và quy trình phi nhân cách của các nhà sử học định hướng khoa học xã hội.

Khối văn liệu trong mười năm qua đề cập đến chủ nghĩa lịch sử với tư cách là khoa học lịch sử (Geschichtswissenschaft), khi nó nổi lên như một ngành chuyên môn tại đại học Đức thế kỷ 19, đã đi theo ba hướng khác nhau. Khuynh hướng thứ nhất (Muhlack, Nipperdey) tiếp tục duy trì chủ nghĩa lịch sử có sẵn trong đầu nên tiếp tục là một hình mẫu hợp lệ cho học thuật; khuynh hướng thứ hai (Rüsen, Blanke, Jäger) thừa nhận những đóng góp của chủ nghĩa lịch sử đối với khoa học lịch sử hiện đại nhưng cũng thừa nhận cả những hạn chế của nó; khuynh hướng thứ ba (Hardtwig, Oexle, Iggers) thăm dò các tiền giả định chính trị và triết học siêu-khoa học (trên thực tế là thần học) thỏa hiệp với diễn ngôn khoa học của các nhà sử học chuyên nghiệp.

Ví dụ đầy tham vọng nhất về hướng đi đầu tiên là Geschichtswissenschaft im Humanismus und in der Aufklärung: Die Vorgeschichte des HistorismusKhoa học Lịch sử trong Chủ nghĩa Nhân văn và trong Kỷ nguyên Ánh sáng: Tiền sử của Chủ nghĩa Lịch sử (1991) của Ulrich Muhlack. Đối với Muhlack cũng như đối với Meinecke, chủ nghĩa lịch sử vẫn cấu thành hình thức cao nhất của việc thấu hiểu lịch sử đạt được cho đến thời điểm này; và giống như Meinecke, Muhlack coi chủ nghĩa lịch sử là một thành tựu của văn hóa Đức.89 Ông giải thích sự xuất hiện của chủ nghĩa lịch sử là một sự phát triển trong tư tưởng và thực tiễn sử ký ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị hoặc xã hội bên ngoài, mặc dù ông thừa nhận tác động của Cuộc Cách mạng Pháp về tư tưởng lịch sử.90 Đối với ông, “sự xuất hiện của một khoa học lịch sử hiện đại [Geschichtswissenschaft] đồng thời với sự xuất hiện của chủ nghĩa lịch sử ở giai đoạn chuyển tiếp từ thế kỷ 18 sang thế kỷ 19.”91 Xuất phát từ Đức và là sản phẩm của một phong trào tư tưởng cụ thể của Đức, chủ nghĩa lịch sử đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc “hiện đại hóa ngành học”92 trên toàn thế giới. Trước chủ nghĩa lịch sử, không có khoa học về lịch sử theo bất kỳ ý nghĩa nghiêm túc nào. Chủ nghĩa lịch sử đã đặt nền móng cho việc xử lý khoa học về lịch sử bằng cách làm sạch nó khỏi những phán xét giá trị và chấm dứt chức năng của nó với tư cách magistra vitae - thầy đời, nhân cách hóa lịch sử như một vị sư phụ của cuộc sống, do đó có thể tái tạo quá khứ như vốn có. Muhlack chấp nhận giả định của chủ nghĩa lịch sử cổ điển cho rằng “cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng”, việc đắm mình vào cái cá nhân thiết lập nên các liên kết với cái toàn thể, và chỉ có duy nhất “một lịch sử” (eine einzige Geschichte), mà thông qua khảo sát lịch sử mới “có thể giải thích được, hiểu được và nó cũng chứa đầy ý nghĩa.”93 Bằng việc né tránh chức năng mẫu mực của lịch sử cũ, vốn chỉ cho phép có được “tri ​​thức khả thể” (wahrscheinliche Erkenntnis), chủ nghĩa lịch sử đã cho phép có được cả “tri ​​thức thực sự” (wahre Erkenntnis).94 Muhlack tái xác nhận quan niệm chủ nghĩa lịch sử Đức về tính trung tâm của quốc gia trong lịch sử như là “hình thức tồn tại người” (Daseinsform der Menschheit), ưu quyền của nhà nước và vai trò quyết định của các cá nhân vĩ đại.95

Trong một bài viết năm 1975, Nipperdey đã tìm cách bảo vệ chủ nghĩa lịch sử chống lại trường phái khoa học xã hội phê phán ở Cộng hòa Liên bang, theo cách nói của ông, đã cáo buộc nó là “không hiện đại, phi khoa học, mang tính ý thức hệ và phản động”,96 đồng thời kiên định rằng một khi chủ nghĩa lịch sử đã tự giải phóng khỏi những giả định triết học và chính trị đầu thế kỷ XIX, thì nó có thể đóng vai trò là cơ sở của một khoa học lịch sử hiện đại. Trong bộ ba tập lịch sử Đức đồ sộ của mình về giai đoạn từ năm 1800 đến năm 1918, Nipperdey đã thành công trong việc chuyển dịch các nguyên tắc lịch sử thành thực tiễn nhưng đồng thời, đặc biệt là trong tập cuối, vận hành với chính các giả định chính trị và triết học mà ông muốn giải phóng chủ nghĩa lịch sử.97 Nhiều tác phẩm đã xuất hiện trong vài năm qua từ nhóm người tập hợp quanh Jörn Rüsen, bao gồm Friedrich Jaeger và công trình Geschichte des Historismus - Lịch sử Chủ nghĩa Lịch sử của Jörn Rüsen (1992)98, tuyển tập các bài luận của Rüsen, Konfigurationen des Historismus – Cấu hình của Chủ nghĩa Lịch sử (1993),99Historiographiegeschichte als Historik- Lịch sử Sử ký với tư cách Lịch sử quy mô của Horst-Walter Blanke (1991),100 chia sẻ niềm tin của Muhlack về chủ nghĩa lịch sử có vai trò trung tâm trong việc thiết lập cái gọi là “hệ mẫu” cho khoa học lịch sử hiện đại, dù họ đặt chủ nghĩa lịch sử vào một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn mà trong đó các giới hạn của nó trở nên rõ ràng. Họ lưu ý rằng chủ nghĩa lịch sử “là một phần của quá trình hiện đại hóa toàn diện” và một quá trình khoa học hóa (Verwissenschaftlichung). Chủ nghĩa lịch sử, thừa nhận rằng toàn bộ thực tại người, thực chất đều có tính lịch sử, tạo thành “hình thức hiện đại cụ thể của tư duy lịch sử.”101 Nó thừa nhận “tính duy nhất của quá khứ khác biệt với hiện tại”, và “tính liên kết bao trùm của các kỷ nguyên khác nhau.”102 Giống như Muhlack, họ tin vào một tự sự lịch sử mạch lạc mở ra cho việc nghiên cứu lịch sử.

Nhóm học giả này nhìn nhận các đặc trưng của lịch sử khoa học theo những khuôn khổ tương tự. Chủ nghĩa lịch sử không còn coi lịch sử là magistra vitae- thầy đời và giải phóng lịch sử khỏi lối khoa trương. Tư duy lịch sử trở thành “khoa học khi nó tuân theo các quy tắc xác định đảm bảo khả tính kiểm nghiệm các tuyên bố của mình về quá khứ, do đó đảm bảo tính khách quan của nó, và đảm bảo sự tăng trưởng liên tục tri ​​thức về quá khứ, hay nói cách khác là một tiến bộ của tri thức.”103 Do đó Rüsen và Jaeger ít lo lắng về tính bất chắc của tri ​​thức khoa học và tình trạng phân mảnh của lịch sử vốn ám ảnh tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, họ tin rằng chủ nghĩa lịch sử phải được hiểu theo đúng tinh thần lịch sử chủ nghĩa, tức là theo đúng thời đại của nó, như một “hệ mẫu” kiểm soát khoa học lịch sử trong thế kỷ 19 và cả thế kỷ 20 không chỉ ở Đức mà còn trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, đối với họ, nó cũng phản ánh những hạn chế của thời đại của nó. Blanke phân biệt ba hệ mẫu kế tục nhau, đó là hệ mẫu của sử ký Kỷ nguyên Ánh sáng, hệ mẫu chủ nghĩa lịch sử, và cuối cùng là hệ mẫu Khoa học Xã hội Lịch sử mà chúng ta đã nói ở trên. Chủ nghĩa lịch sử đại diện cho một tiến bộ khoa học so với Kỷ nguyên Ánh sáng vì nó giới thiệu một cái nhìn lịch sử triệt để hơn về thực tại người và trong quá trình chuyên nghiệp hóa đã phát triển các phương pháp khảo sát lịch sử chặt chẽ hơn. Đồng thời, dưới tác động của chủ nghĩa dân tộc, nó đã từ bỏ quan điểm chủ nghĩa thế giới rộng lớn của Kỷ nguyên Ánh sáng và sự quan tâm của quan điểm chủ nghĩa thế giới đối với văn hóa và xã hội. Tầm nhìn của nó bị thu hẹp do dính líu đến hiện trạng chính trị của Đức vào thời đó. Khoa học Xã hội Lịch sử làm sống lại những mối quan tâm của sử ký Kỷ nguyên Ánh sáng, nhưng mang lại cho chúng một hình thức khoa học xã hội chặt chẽ hơn.

Quan niệm về chuỗi kế tiếp của ba hệ mẫu, mà mỗi hệ mẫu xác định phần chính của việc khảo sát lịch sử trong một giai đoạn lịch sử nhất định, gần đây đã bị Oexle công kích mạnh mẽ trong một bài tiểu luận đánh giá cuốn sách của Blanke.104 Blanke chắc chắn đúng khi cho rằng, ít nhất là trong khu vực hàn lâm, có một sự đồng nhất đáng kể về các quan niệm lịch sử, phương pháp luận và chính trị từ khi xuất hiện chủ nghĩa lịch sử ở các đại học cho đến khi những quan niệm này bị phê phán ồ ạt vào những năm 1960. Hơn nữa, như Wolfgang Weber đã tìm cách chứng minh bằng việc xem xét thực tiễn tuyển dụng từ đầu thế kỷ XIX đến 1970, các cơ chế của ngành học và ảnh hưởng học thuật đã đảm bảo mức độ tuân thủ ý thức hệ đáng kể trong các đại học Đức suốt thời kỳ này. Cuốn sách của Blanke là bộ lịch sử toàn diện và đầy đủ thông tin nhất về sử ký Đức cho đến nay. Nhưng Oexle chắc chắn đúng khi cho rằng chuỗi hệ mẫu của Blanke đã bỏ qua tính đa dạng dù đã tồn tại và nhìn nhận quá trình viết sử quá hạn hẹp từ quan điểm của đại học Đức.

Muhlack, Rüsen và Blanke vẫn còn ấn tượng sâu sắc về đặc tính khoa học của sử ký mà họ đồng nhất với chủ nghĩa lịch sử. Những đóng góp khác gần đây của Hardtwig,105 Oexle,106 và Iggers107 khiến các nhà sử học Đức nghi ngờ về các tự-xác quyết tính khách quan khoa học của họ. Đối với Rüsen, Droysen đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi lịch sử thành một khoa học nghiêm ngặt.108 Droysen xây dựng các hướng dẫn phương pháp luận cho phép chuyển đổi lịch sử từ dữ liệu thực nghiệm, được tái tạo thông qua việc kiểm tra mang tính phê phán các nguồn, đến cái nhìn sâu sắc vào các bối cảnh lịch sử lớn hơn. Cái nhìn sâu sắc này đòi hỏi một cách tiếp cận tường giải học, nhà sử học đắm mình vào thế giới tinh thần của các tác nhân lịch sử. Khả tính tái tạo quá khứ bằng phương tiện tường giải - bằng cách “diễn giải” như lời Droysen - giả định rằng có một sự gắn kết tinh thần thực sự (Zusammenhang) có thể nắm bắt được. Ranke nhận xét rằng trong lịch sử có “các lực lượng tinh thần, tiếp sinh lực, sức sáng tạo” hay “năng lượng đạo đức.” “Chúng không thể được định nghĩa hoặc nói ra được bằng các thuật ngữ trừu tượng, nhưng người ta có thể chứng kiến và quan sát chúng.”109 

Droysen nhận thức rõ hơn Ranke về các giới hạn của tri thức khách quan, khi viết rằng “nghiên cứu lịch sử giả định trước cái nhìn sâu sắc rằng nội dung của bản thân chúng ta [Ich] theo nhiều cách là sản phẩm trung gian của lịch sử.” Nhưng ông cũng giữ vững niềm tin vào tính khách quan của mình: “Tất nhiên, tôi sẽ không muốn giải quyết những nhiệm vụ lớn lao của việc trình bày lịch sử từ tính chủ quan võ đoán hoặc nhân cách nhỏ nhoi và chật hẹp của tôi. Nhưng khi nhìn về quá khứ từ quan điểm của người dân, nhà nước hoặc tôn giáo, tôi đã đứng cao hơn cái tôi của chính mình. Tôi nghĩ, cứ như thể từ một cái Tôi cao hơn, trong đó những thứ ngu xuẩn của chính con người nhỏ bé của tôi đã tan biến đi.110 Do đó, Hardtwig mới có thể luận rằng chủ nghĩa lịch sử ở hình thái Đức của nó đã rời xa cách tiếp cận tỉnh táo, không-suy lý như nó tự khẳng định, và đã thấm nhuần sâu sắc tôn giáo cùng thần học.”111

Khẳng định của Nipperdey, mà Muhlack có lẽ đồng ý, cho rằng chủ nghĩa lịch sử đã hủy bỏ toàn bộ siêu việt tính và chỉ biết đến “những quá trình lịch sử nội tại”,112 rõ ràng không phù hợp với truyền thống lịch sử chủ nghĩa của sử ký Đức từ Ranke đến Meinecke và Ritter. Đối với Humboldt, Ranke và Droysen, lịch sử được gắn kết bởi các “tư tưởng” và các “sức mạnh đạo đức” (sittliche Mächte) phản ánh ý chí thần thánh. Ý chí này có thể vận hành một cách bí ẩn và vẫn bất khả thăm dò, tuy nhiên, lại làm cho nhận thức lịch sử trở nên khả thể.” Chàng trai trẻ Droysen viết cho nhà xuất bản Friedrich Perthes: “Tôi rất thấm nhuần uy linh toàn năng của Đức Chúa Trời, là đấng mà tôi tin rằng không một sợi tóc nào có thể rơi khỏi đầu mà không có thiện ý của Ngài”.113 Iggers đã chỉ ra những ẩn ý chính trị của thứ tôn giáo lịch sử này đối với việc biện minh cho các mối quan hệ hiện tồn của quyền lực chính trị và xã hội.”114 Hardtwig và Oexle cũng đã lưu ý rằng bất chấp chủ nghĩa duy tâm triết học của họ, các nhà sử học trong truyền thống chủ nghĩa lịch sử đã có một quan niệm khách quan luận cơ bản về khoa học của họ. Một mặt họ bác bỏ nỗ lực của triết học Hegelian và của khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX nhằm hình thành các quy luật và nhấn mạnh vai trò tính tự phát và tự do trong lịch sử. Mặt khác, họ chấp nhận nhiều thói quen của các nhà khoa học tự nhiên viện dẫn thẩm quyền của nhà sử học chuyên nghiệp đã thành để nói về lịch sử. Ranke, như chúng ta biết, tin rằng có thể dựa trên cơ sở xem xét cẩn thận, đầy đủ các nguồn để thể hiện “wie es eigentlich gewesen - nó đã xảy ra như thế nào.”

Như chúng ta đã thấy, Droysen, mặc dù nhận thức được vai trò của tính chủ quan trong nhận thức lịch sử, nhưng vẫn tin chắc rằng việc nghiên cứu lịch sử đúng phương pháp sẽ làm bộc lộ sự thật lịch sử. Bất chấp chủ nghĩa duy tâm triết học của họ, các nhà sử học đã gần gũi với thế giới quan của Thực chứng luận và Chủ nghĩa Marxism hơn là họ thừa nhận. Droysen chỉ trích Buckle không phải vì tin rằng có sự tiến bộ trong lịch sử mà bởi vì cách tiếp cận theo chủ nghĩa tự nhiên của Buckle đối với lịch sử thì không thể dung hòa với sự tiến bộ có ý nghĩa.115 Tương tự, Dilthey và những người theo chủ nghĩa Tân-Kantian đã tìm kiếm một logic khảo sát thừa nhận vai trò của ý nghĩa trong đời sống văn hóa nhưng cũng giới thiệu một khoa học chặt chẽ tương tự như các khoa học tự nhiên. Đối với Blanke, một trong những khiếm khuyết lớn của chủ nghĩa lịch sử là việc bỏ qua các mối quan tâm về xã hội và văn hóa liên quan vốn đã ăn sâu trong tâm trí nhiều nhà sử học trong Kỷ nguyên Ánh sáng; đối với Hardtwig và Oexle, đó là sự mất đi cái nhìn viễn cảnh luận về tri ​​thức của Chladenius, Gatterer, và các nhà tư tưởng Kỷ nguyên Ánh sáng khác và sự thay thế của nó bằng những quan niệm khách quan luận về khoa học.

Điều này dẫn đến hai câu hỏi khác trong các tài liệu gần đây về chủ nghĩa lịch sử, đó là lịch sử trở thành một khoa học (Wissenschaft) vào lúc nào, và nó trở thành một bộ môn chuyên nghiệp hóa khi nào. Đối với Muhlack, câu trả lời là rất rõ ràng: vào đầu thế kỷ 19 với sự xuất hiện của chủ nghĩa lịch sử như một thế giới quan và một thực tiễn học thuật. Ông tin rằng nếu không có chủ nghĩa lịch sử thì không thể có khoa học lịch sử theo nghĩa hiện đại. Kỷ nguyên Ánh sáng đối với Muhlack có quan điểm đạo đức luận tĩnh tại về quá khứ, còn chủ nghĩa lịch sử là quan điểm di truyền. Kỷ nguyên Ánh sáng đã phóng rọi tập giá trị của nó vào quá khứ trong khi môn sử ký theo truyền thống chủ nghĩa lịch sử lại xa lánh nó. Tuy nhiên, thực tế có ít khuynh hướng viết sử cam kết tư tưởng và chính trị như Trường phái Phổ, gồm cả Droysen, khiến cho năng lực quan sát của Muhlack không mấy tin cậy. Đến nay, đã có được khối văn liệu đáng kể, từ Das achtzehnte Jahrhundert - Triết học Ánh sáng (1932)117 của Dilthey đến Kỷ nguyên Ánh sáng ĐứcSự trỗi dậy của Chủ nghĩa Lịch sử (1975), 118 của Peter Reill cho thấy Kỷ nguyên Ánh sáng giờ đây có nghĩa là phi lịch sử. Reill đã nhấn mạnh tính liên tục trong quá trình chuyển đổi từ Kỷ nguyên Ánh sáng thành chủ nghĩa lịch sử.

Những người đóng góp cho tập Geschichte und Aufklärung – Lịch sử và Khai sáng (1986) hầu hết đều đưa ra kết luận tương tự.119 Blanke120 và Iggers121 đã chỉ ra sự chiếm đóng của các nhà sử học thế kỷ mười tám, đặc biệt là trường phái Göttingen, với lịch sử xã hội và văn hóa, việc sử dụng họ các khái niệm nhân học, ngôn ngữ, kinh tế, nhân khẩu học và thống kê. Konrad Jarausch đã xem xét các cơ sở chuyên nghiệp hóa sớm, chưa hoàn thiện.122 Tuy nhiên, họ cảnh báo không nên hiện đại hóa công trình lịch sử thế kỷ mười tám. Jeremy Telman đưa ra quan điểm này một cách thuyết phục trong luận văn gần đây của ông về việc chuyên nghiệp hóa các nghiên cứu lịch sử. Sử dụng khái niệm chuyên nghiệp hóa thường được sử dụng trong tài liệu xã hội học123 và sử dụng bằng chứng thống kê, ông kết luận rằng Vormärz [HHN Chen ngang: Vormärz là một giai đoạn trong lịch sử nước Đức trước Cách mạng tháng Ba năm 1848 tại các bang thuộc Liên bang Đức. Khởi đầu của giai đoạn này không mấy rõ ràng, một thời điểm bắt đầu ngay sau sự sụp đổ của Napoléon và sự thành lập Liên bang Đức vào năm 1815. Những nhân tố khác, điển hình là những người nhấn mạnh Vormärz như một giai đoạn nổi dậy chính trị, giúp xác định thời điểm bắt đầu vào Cách mạng tháng Bảy của Pháp năm 1830. Vormärz được gọi là Thời đại Metternich, được đặc trưng bởi địa vị thống trị của Áo và Phổ đối với Liên bang Đức. Cả Áo và Phổ đều thành lập các nhà nước cảnh sát chuyên chế đàn áp trong nước và gây áp lực buộc các bang khác của Đức phải làm như vậy. Các chế độ độc tài này thực hành kiểm duyệt và giám sát hàng loạt trên quy mô chưa từng có để đáp lại những lời kêu gọi ngay cả những người theo chủ nghĩa cải cách ôn hòa đối với chủ nghĩa tự do, chế độ quân chủ lập hiến và thống nhất nước Đức, cũng như những lời kêu gọi mang tính cách mạng, cấp tiến hơn đối với chủ nghĩa cộng hòa và phổ thông đầu phiếu. Về mặt văn hóa, thời kỳ này được gọi là kỷ nguyên Biedermeier. Thời kỳ Biedermeier ở Trung Âu từ năm 1815 đến năm 1848, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng đông và nghệ thuật viện vào các thụ cảm phổ thông. Nó bắt đầu với Đại hội Vienna vào cuối cuộc Chiến tranh Napoléon năm 1815 và kết thúc bằng sự khởi đầu của các cuộc Cách mạng năm 1848. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một tham chiếu văn học từ thời kỳ đó, được sử dụng chủ yếu để biểu thị các phong cách nghệ thuật bừng nở trong các lĩnh vực văn chương, âm nhạc, nghệ thuật thị giác và thiết kế nội thất, và ảnh hưởng mạnh đến các phong cách sau này, đặc biệt là những phong cách bắt nguồn từ Vienna.  Vì vậy, nó được coi là kết cục của kỷ nguyên Chủ nghĩa lãng mạn] ở Phổ “là thời kỳ và là nơi mà các nhà sử học thành lập các thể chế chuyên nghiệp cũng như phương pháp luận khoa học [wissenschaftliche) của họ,” 124 một giai đoạn trùng hợp với sự xác lập chủ nghĩa lịch sử “như là một hệ mẫu thống trị cho học thuật lịch sử ở Đức thế kỷ XIX.”125

Tuy nhiên, không nên đồng nhất chuyên nghiệp hóa với khoa học  hóa (Verwissenschaftlichung) như của Rüsen và Blanke. Ngôn ngữ Anh, do thích nói đến học thuật lịch sử hơn là khoa học lịch sử, nên thể hiện nhiều sắc thái hơn thuật ngữ GeschichtswissenschaftKhoa học lịch sử của Đức. Có thể có nhiều chiến lược khoa học hoặc học thuật khác nhau cam kết hiểu biết lịch sử một cách trung thực, trong đó sự đa dạng mang tính lịch sử chủ nghĩa Đức chỉ là một. Vì vậy, các nhà sử học ở Pháp, Scotland, Anh, Göttingen [Göttingen là một thành phố đại học ở Hạ Saxony, miền trung nước Đức, thủ phủ của quận Göttingen có sông Leine chảy qua, vào cuối năm 2019, dân số là 118.911 người] và những nơi khác không đáp ứng tiêu chí chuyên môn hóa của Telman, tuy nhiên lại viết được những công trình lịch sử quan trọng với một nền tảng học thuật vững chắc. Tương tự, có một nguy cơ trong việc đồng nhất sự phát triển của “khoa học” lịch sử trong thế kỷ 19 gần gũi với hệ mẫu chủ nghĩa lịch sử của người Đức như Rüsen và Muhlack đã làm. Các công trình rất đa dạng của de Tocqueville, Burckhardt, Fustel de Coulanges, Marx, Lorenz von Stein, và Max Weber cho thấy rằng các nghiên cứu lịch sử có thể đi theo những hướng rất khác nhau. Một thiếu sót của phần lớn văn liệu mà chúng tôi đã đề cập trong tiểu luận này là nó quá định hướng Đức. Cuộc “Khải hoàn Thế giới” (Universalale Siegeszug) 126 của khoa học lịch sử Đức mà Muhlack tổ chức lễ kỷ niệm có thể đã được chứng minh là rỗng tuyếch hơn những gì ông nhận ra. Ít nhất là trong ngành học hàn lâm lịch sử ở nước Đức thế kỷ 19 và phần lớn thế kỷ 20, các nhà sử học đã tự cô lập mình khỏi nhiều trào lưu tư tưởng đương thời. Không nghi ngờ gì nữa, điều này có liên quan đến bối cảnh chính trị và xã hội học mà đời sống trí thức đã vận hành ở Đức.127

Chủ nghĩa lịch sử ngày nay

Tóm lại, vẫn còn rất nhiều công việc cần phải được thực hiện về vai trò của chủ nghĩa lịch sử trong lịch sử tư tưởng và sử ký trong thế kỷ 19 và 20. Các nghiên cứu về chủ nghĩa lịch sử phần lớn chỉ viết về nước Đức và phản ánh quan điểm của người Đức. Nhưng chủ nghĩa lịch sử, như Carlo Antoni đã chứng minh nhiều năm trước,128 là một trào lưu và một cách nhìn vượt ra khỏi lãnh địa ngôn ngữ Đức. Trong hai lĩnh vực ấy cần có những nghiên cứu sâu hơn. Trước hết, cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ hơn về vai trò của các ý tưởng và tiền giả định lịch sử chủ nghĩa trong nghề viết sử của các nước không nói tiếng Đức. Những nghiên cứu như vậy hầu như chỉ tồn tại ở Ý.129 Thứ hai, cần có thêm các công trình nghiên cứu về sự tiếp tục liên quan của cách nhìn lịch sử chủ nghĩa đối với tư tưởng đương đại. Phần lớn văn liệu gần đây của Đức về sự liên quan của chủ nghĩa lịch sử đã gây thất vọng về phương diện này khi không xem xét một cách nghiêm túc những thách thức mà tư tưởng lịch sử gần đây đã đưa ra đối với các quan niệm truyền thống về lịch sử.130 Sự sụp đổ không chỉ của những giả định duy tâm luận về ý nghĩa của lịch sử mà chủ nghĩa lịch sử kinh điển dựa vào mà còn cả ý nghĩa của BildungsweltThế giới văn hóa nơi nó neo đậu đã làm cho các hình thức của tư tưởng “hậu hiện đại” trở nên đáng tin cậy đặt vấn đề không chỉ về tính chặt chẽ của lịch sử mà còn về khả tính nhận thức gần chân lý về quá khứ này.131 Đối với những người không muốn chấp nhận sự đầu hàng này của trí tuệ, thì những nỗ lực của các nhà tư tưởng theo truyền thống tư tưởng chủ nghĩa lịch sử từ Ranke và Droysen đến Weber và Gadamer nhằm hình thành một logic khảo sát cho các khoa học văn hóa có thể cung cấp một cốt lõi hợp lý cho các nhà sử học tiếp tục tin tưởng vào Weber cho rằng Wirklichkeitswissenschaft – lịch sử là khoa học hiện thực với tất cả những phức tạp về phương pháp luận mà Wissenschaft - khoa học đòi hỏi.

____________________________________________

Nguồn: Iggers, Georg G. (1995). Historicism: The History and Meaning of the Term, In Journal of the History of Ideas, Vol. 56, No. 1 (Jan., 1995), pp. 129-152, Published by: University of Pennsylvania Press.

Tác giả: Georg Gerson Iggers (7 tháng 12 năm 1926 - 26 tháng 11 năm 2017) là một nhà sử học người Mỹ về châu Âu hiện đại, sử học và lịch sử trí thức châu Âu. Iggers sinh ra ở Hamburg, Đức, vào năm 1926. Là một người Do Thái gốc Đức, ông cùng gia đình trốn khỏi Đức đến Mỹ vào năm 1938, chỉ vài tuần trước lễ hội Kristallnacht. Iggers thuộc về những người trẻ tuổi từ Đệ Tam Đế chế, những người sau này khi còn sống, với tư cách là học giả hàn lâm ở Hoa Kỳ, đã có tác động quyết định đến việc xem xét lại lịch sử của Đức theo cách phê phán. Năm 1957, Iggers trở thành người anh em Da trắng đầu tiên khởi xướng Phi Beta Sigma, Inc, Hội Huynh đệ Da đen trong lịch sử. Ông là giáo sư thỉnh giảng tại Technische Universität Darmstadt vào năm 1991, là Giáo sư Danh dự xuất sắc tại Đại học Buffalo và năm 2007 nhận Huân chương Thập tự giá Hạng Nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Iggers đã nhận được Giải thưởng Humboldt, các bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Richmond, Technische Universität Darmstadt, và Cao đẳng Philander Smith, và học bổng từ Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ, Quỹ Fulbright, Quỹ Guggenheim, Quỹ Quốc gia về Nhân văn và Quỹ Rockefeller. Ông đặc biệt được chú ý nhờ các bài viết về sử học. Ông mất ngày 26 tháng 11 năm 2017, do biến chứng xuất huyết não.

Chú dẫn

77. Johann Gustav Droysen, “Erhebung der Geschichte zum Rang einer Wissenschaft” in Historik (above, n. 17), 451-69.

78. See Ranke's preface to his Histories of the Latin and Germanic Nations.

79. Thomas Nipperdey, Deutsche Geschichte, 636-37.

80. “Die Idee der Staatsrason,” (first published in 1924) in Werke, I (Munich, 1957), 1. Translated as Machiavellism: The Doctrine of Raison d'Etat and Its Place in Modern History, intro. W. Stark, tr. Douglas Scott (New Haven, 1957).

81. Preface to second edition (1911) of Weltbiirgertum und Nationalstaat. Studien zur Genesis des deutschen Nationalstaates, as V, Werke, V(Munich, 1962).

82. See Otto Hintze et al. (eds.), Deutschland und der Weltkrieg (Leipzig, 1915), mit Beitragen von Friedrich Meinecke, Hans Delbriuck, Hermann Oncken, Erich Marcks, Gustav von Schmoller, Wilhelm Solf, Emst Troeltsch, et al.

83. Von Below, Die deutsche Geschichtsschreibung von den Befreiungskriegen bis zu unseren Tagen. Geschichte und Kulturgeschichte (Leipzig, 1916).

84. E.g., Heinrich Ritter von Srbik, Geist und Geschichte vom deutschen Humanismus bis zur Gegenwart (2 vols.; Munich, 1950-51); Gerhard Ritter, Die Ddmonieder Macht, (Munich, 1948).

85. See Eckart Kehr, “Neuere deutsche Geschichtsschreibung,” in Der Primat der Innenpolitik (Berlin, 1970), 254-68.

86. Hans Ulrich Wehler, Modernisierungstheorie und Geschichte (Göttingen, 1975).

87. Martin Broszat, “Was heisst Historisierung des Nationalsozialismus,” Historische Zeitschrift, 247 (1988), 1-14.

88. See Alf Ludtke (ed.), Alltagsgeschichte. Zur Rekonstruktion historischer Erfahrungen und Lebensweisen (Frankfurt, 1989); Winfried Schultze (ed.), Sozialgeschichte, Alltagsgeschichte, Mikro-Historie (Göttingen, 1994).

89. See, e.g., Ulrich Muhlack, Geschichtswissenschaft im Humanismus und in der Aufklärung. Die Vorgeschichte des Historismus (Munich, 1991), 10. 90. Ibid., 415.

91. Ibid., 7.

92. Ibid., 10; see also Jaeger and Rusen, Geschichte des Historismus, 3.

93. Ibid., 424.

94. Ibid., 421.

95. Ibid., 428.

96. Thomas Nipperdey, Gesellschaft, Kultur, Theorie: Gesammelte Aufsdtze zur neuren Geschichte, vol. 18, in Kritische Studien zur Geschichtswissenschaft (Göttingen, 1976).

97. Thomas Nipperdey, Deutsche Geschichte 1800-1866 (Munich, 1983) and Deutsche Geschichte 1866-1918 (2 vols.; Munich, 1990-92).

98. (Munich, 1992).

99. (Frankfurt a/M, 1993).

100. Horst-Walter Blanke, Historiographiegeschichte als Historik (Stuttgart, 1991).

101. Jaeger and Rüsen, Geschichte des Historismus, 7.

102. Ibid., 1.

103. Ibid., 41.

104. Otto Gerhard Oexle, “Göttingen-Bielefeld einfach,” Rechtshistorisches Journal, 11 (1992), 54-66; Blanke's reply, “‘Historismus’ im Streit. Oder: Wie schreibt man heute eine Geschichte der Geschichtswissenschaft,” Rechtshistorisches Journal, 12 (1993), 585- 97.

105. See above, n. 53.

106. See above, n. 51.

107. Iggers, “Ist es in Deutschland in der Tat friiher zur Verwissenschaftlichung der Geschichte gekommen als in anderen Landern,” to appear in J. Rüsen (ed.), Geschichts-diskurs, II (Frankfurt, 1964), 73-86.

108. Throughout Rüsen's writings, beginning with Begriffene Geschichte. Genesis und Begründung der Geschichtstheorie J. G. Droysens (Paderborn, 1969); see also Droysen (above, n. 68).

109. “The Great Powers,” 100.

110. Vorlesungen uber die Freiheitskriege, I (Kiel, 1846), 287.

111. Wolfgang Hardtwig, “Geschichtsreligion.”

112. Thomas Nipperdey, Deutsche Geschichte 1866-1918, I, 637.

113. Droysen to Perthes, 1836, quoted in Iggers, German Conception of History, 105.

114. The German Conception of History.

115. Grundriss der Historik (Leipzig, 1868), 59-60.

116. Gesammelte Schriften (Leipzig, 1927), III, 209-68.

117. (Boston, 1951).

118. (Berkeley).

119. Hans Erich Bödeker, et al. (eds.), Aufklärung und Geschichte. Studien deutschen Geschichtswissenschaft (Göttingen, 1986).

120. Blanke, Historiographiegeschichte als Historik.

121. Iggers, “Die Göttinger Historiker und die Geschichtswissenschaft des 18. Jahr- hunderts” in Siegfried Bahne et al. (eds.), Mentalitdten und Lebensverhdltnisse. Beispiele aus der Sozialgeschichte der Neuzeit. (Rudolf Vierhaus zum 60. Geburtstag) (Göttingen, 1982); “The University of Göttingen 1760-1800 and the Transformation of Historical Scholarship,” Storia della Storiografia, 2 (1982), 11-37.

122. Konrad H. Jarausch, “The Institutionalization of History in 18th-Century Germany,” in Bodeker et al., Aufklärung und Geschichte, 25-49.

123.. Telman, “Clio Ascendant,” 79.

124. Ibid., 2.

125. Ibid., 22.

126. Muhlack, 10.

127. See Otto Gerhard Oexle, “Ein politischer Historiker: Georg von Below” in Notker Hammerstein (ed.), Deutsche Geschichtswissenschaft um 1900 (Stuttgart, 1988), 283-312, in which he raises the question of why Germany was replaced in the twentieth century by France as the leader in medieval studies.

128. Antoni, Dallo storicismo alla sociologia and Lo storicismo.

129. On Italy, see above, notes 43 to 46. On Great Britain, see Klaus Dockhom, Deutscher Historismus in England. Ein Beitrag zur englischen Geistesgeschichte (Göttingen, 1950); on America, see Jürgen Herbst, The German Historical School in American Scholarship: A Study in the Transfer of Culture (Ithaca, 1965); on China, Qingjia Wang, "Chinese Historians and the West: The Origins of Modem Chinese Historiography" (Ph.D. dissertation, University of Syracuse, 1992).

130. Jörn Rüsen, in his theoretical approach to narrativity, less so in his historical account of the history of historicism, has come closest to dealing with this challenge. See Allan Megill, “Jörn Rüsen's Theory of Historiography Between Modernism and Rhetorical Inquiry,” History and Theory, 33 (1994), 39-60; see the Dutch philosopher of history, F. R. Ankersmit, “Historism: An Attempt at Synthesis,” History and Theory (forthcoming, 1995), with a reply by Georg G. Iggers and a response by Ankersmit to Iggers's reply.

131. See F. R. Ankersmit, “Historiography and Postmodernism,” History and Theory, 28 (1989), 137-53; also “Historism: An Attempt at Synthesis.”

 

 

 

 

 


Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Chủ nghĩa Lịch sử: Quá trình và Ý nghĩa (I)

 Georg G. Iggers

Người dịch: Hà Hữu Nga

Trong vài năm gần đây, một số lượng đáng kể sách và bài báo đã xuất hiện ở Đức, Hoa Kỳ và Ý về đề tài chủ nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trong khối văn liệu này không có sự nhất trí về ý nghĩa của thuật ngữ.1 Vì vậy, đã có ba cuộc thảo luận rất khác nhau được tiến hành đồng thời, theo đuổi các chủ đề khác nhau và chỉ tình cờ có chút giao thoa. Một số công trình đã đề cập đến cái gọi là “cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa lịch sử” trong bối cảnh cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ở đây, chủ nghĩa lịch sử đã bị đồng nhất với tương đối luận và sự mất niềm tin vào các giá trị của văn hóa phương Tây hiện đại. Tương đối luận này đã được coi là một khía cạnh thường trực của đời sống trí tuệ trong các cảnh huống của thế giới hiện đại. Một khối văn liệu rất khác đã đồng nhất chủ nghĩa lịch sử một cách hẹp hơn với quan điểm và thực hành sử ký của thế kỷ 19 - và ở một mức độ nào đó là học thuật của thế kỷ 20 trong các khoa học nhân văn. Cuối cùng, thuật ngữ “Chủ nghĩa Lịch sử Mới” đã được các nhà phê bình văn chương và văn hóa ở Mỹ sử dụng gần đây trong một bối cảnh vẫn còn khác. Trong bài tiểu luận này, tôi sẽ giới hạn vào việc xem xét văn liệu về hai cách sử dụng đầu tiên của thuật ngữ này.

Việc sử dụng thuật ngữ Historismus Chủ nghĩa lịch sử đầu tiên mà tôi có thể tìm được xuất hiện trong một tập ghi chú rời rạc về ngữ văn mà Friedrich Schlegel đã ghi lại vào năm 1797. Ở đây thuật ngữ này đã có chút gì đó ý nghĩa sau này của nó. Đối với Schlegel, “Chủ nghĩa lịch sử [sic] của Winkelmann” đã giới thiệu một “kỷ nguyên mới” trong triết học khi công nhận “tính khác biệt vô hạn” (den unermeßlichen Unterschied) và “bản chất hoàn toàn độc đáo của Thời cổ đại”. Trái ngược với Winckelmann, các “triết gia nổi tiếng” của thế kỷ mười tám đã bóp méo đặc tính của thời cổ đại bằng cách lồng các quan niệm triết học vào nó. Schlegel cảnh báo chống lại một “quan điểm lý thuyết, nhưng phi lịch sử [Ansicht] ... [kh]ông có bất kỳ chỉ dẫn nào đến những cá nhân cụ thể [Ohne alle personliche Indikationen].”2 Tuy nhiên, vào năm sau, Novalis (1772-1801) sử dụng thuật ngữ Chủ nghĩa lịch sử trong một quá trình liệt kê các phương pháp rất hỗn tạp (của Fichte, Kant, hóa học, toán học, nghệ thuật, v.v.), nhưng không gán cho nó một ý nghĩa rõ ràng.3

Thuật ngữ Historismus Chủ nghĩa lịch sử thỉnh thoảng được sử dụng ở Đức trong hai phần ba đầu thế kỷ XIX, ví dụ, bởi Ludwig Feuerbach, 4 Christoph J. Braniss, 5 I.H. Fichte6 (con trai của J.G. Fichte), và Carl Prantl,7 với một ý nghĩa không khác với ý nghĩa mà Schlegel đã sử dụng. Historismus Chủ nghĩa lịch sử biểu thị một định hướng lịch sử thừa nhận tính cá nhân trong “không-thời gian tính cụ thể” của nó (Prantl), như Trường phái Lịch sử Luật pháp (Savigny và Eichhorn) theo đuổi, khác biệt với chủ nghĩa kinh nghiệm định hướng-thực tế cũng như triết học xây dựng-hệ thống về lịch sử theo cách thức Hegelian (Haym)8 mà bỏ qua thực tính. Karl Werner, trong cuốn sách năm 1879 về Giambattista Vico,9 đã nhìn thấy cốt lõi của quan điểm chủ nghĩa lịch sử trong quan niệm của Vico cho rằng tâm trí con người không biết thực tại nào khác ngoài lịch sử: lịch sử được tạo ra bởi con người và do đó phản ánh ý định của con người, nghĩa là, ý nghĩa. Tự nhiên, vì không phải do con người tạo ra, nên không phản ánh ý nghĩa nào có thể hiểu theo cách này. Do đó, chủ nghĩa lịch sử bị ràng buộc chặt chẽ với một hình thức nhất định của chủ nghĩa duy tâm nhận thức luận, tiên báo lập trường sau này của Benedetto Croce10 và R. G. Collingwood11 cho rằng lịch sử luôn liên quan đến tư tưởng, nghĩa là với ý nghĩa, mà con người buộc phải nhận thức thấu đáo.

Từ những giả định này, một lý thuyết về tri ​​thức lịch sử được các nhà tư tưởng theo khuynh hướng lịch sử vào thế kỷ 19 xây dựng, cho dù họ không thực sự sử dụng thuật ngữ này. Trường phái Lịch sử Đức, phát triển tại các Đại học của thế kỷ 19, được thành lập dựa trên những giả định này.12 Từ rất sớm, Leopold Ranke đã phân biệt giữa cái mà ông gọi là cách tiếp cận lịch sử với cách tiếp cận triết học. Lập luận của ông là trong khi triết học tìm cách quy giản hiện thực thành một hệ thống, hy sinh những phẩm chất độc đáo của thế giới lịch sử, thì lịch sử lại chọn cách đạt được sự hiểu biết về của cái chung thông qua việc đắm mình trong cái riêng.13 Tuy nhiên, có một mối quan hệ họ hàng giữa thế giới như Hegel đã nhìn thấy nó và Ranke cũng nhìn thấy nó. Cả hai đều giả định một sự gắn kết ẩn sau thế giới hiện tượng. Trong khi Ranke nhấn mạnh cần thiết phải tiến hành từ việc tái thiết phê phán các sự kiện tạo thành lịch sử, ông cũng tin rằng từ việc tái thiết quá khứ này, cách thức thực sự làwie es eigentlich gewesen”, các thế lực vĩ ​​đại đã định hình lịch sử sẽ trở nên rõ ràng.14 Đối với ông, mọi cá nhân cũng như từng thể chế siêu cá nhân vĩ đại, dù là nhà nước, các quốc gia, nhà thờ hay các văn hóa, đều tạo thành một tổng thể có ý nghĩa cụ thể phù hợp với nền kinh tế rộng lớn hơn của ý chí thần thánh15. Do đó, mục đích của nghiên cứu lịch sử không bị cạn kiệt bởi sự tái hiện có tính tường thuật về một quá khứ có thật, bao gồm việc nắm bắt được sự gắn kết bao trùm mà quá khứ kia phù hợp với nó.16

Những ý tưởng ngẫu nhiên này trong các bài luận và bài giảng của Ranke đã được trình bày chặt chẽ hơn trong các phiên bản công trình Historik Lịch sử khác nhau của Droysen sau năm 1857 và trong bài phê bình về tập đầu tiên Lịch sử nước Anh của Henry Thomas Buckle năm 1861. Giả định mối gắn kết giữa các cá nhân là những tổng thể có ý nghĩa cấu thành thế giới lịch sử và lịch sử theo nghĩa rộng hơn, Droysen đã tìm cách xây dựng các nguyên tắc cho khoa học lịch sử, đặc trưng khoa học của nó bao gồm việc vượt ra ngoài bằng chứng được thiết lập bởi sự xem xét mang tính phê phán các nguồn lịch sử để hiểu biết về tính cố kết của lịch sử. Tuy nhiên, tính cố kết này cần đạt được không phải thông qua logic quy nạp hoặc diễn dịch của các khoa học tự nhiên mà thông qua cái Droysen gọi là “diễn giải”.17 Điều này giả định rằng nhà sử học đã nghiên cứu các thực thể có khả năng được hiểu rõ bởi vì chúng là hiện thân của các tập ý nghĩa. Vì vậy, đối với Droysen cũng như đối với Wilhelm von Humboldt, Savigny, hay Ranke, lịch sử là một khoa tường giải.18 Tuy nhiên, nó là một khoa học.

Wilhelm Dilthey và sau ông là các triết gia Kantian-Mới của trường Freiburg, Wilhelm Windelband và Heinrich Rickert, tự đặt ra cho họ nhiệm vụ thiết lập lịch sử và các khoa học nhân văn hoặc văn hóa (Geisteswissenschaften hay Kulturwissenschaften) là những khoa học khắt khe trong cách tiếp cận như các khoa học tự nhiên nhưng với logic điều tra thừa nhận rằng chúng đòi hỏi các phương pháp có năng lực diễn giải ý nghĩa được thể hiện trong lịch sử và văn hóa.19 Sự phân biệt rạch ròi mà Dilthey và những người Kantian – Mới thực hiện giữa các khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên hơn là giữa lịch sử và triết học phản ánh sự thay đổi mà khoa học tự nhiên đã trải qua kể từ nửa đầu thế kỷ 19, khi chúng vẫn hoạt động mang tính ẩn dụ và lịch sử với các phép loại suy sinh học và hữu cơ.20

Nếu chủ nghĩa lịch sử được hiểu như vậy sở hữu một ý nghĩa về cơ bản là thực chứng, như một triển vọng đặc biệt thích hợp với việc nghiên cứu thế giới xã hội và văn hóa, thì nó đã để mất điều đó một khi giả định cơ bản về tính cố kết nền tảng của lịch sử bị đặt vấn đề. Điều này xảy ra rất sớm trong kinh tế học khi một số nhà lý thuyết kinh tế, Eugen Duhring (1866), Carl Menger (1884), và Adolf Wagner (1892), 21 tấn công cách tiếp cận lịch sử đối với kinh tế học của Trường phái Lịch sử Kinh tế học (Wilhelm Roscher, Karl Knies và Gustav Schmoller). Giờ đây, họ đã sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa phủ định để chỉ trích việc từ bỏ lý thuyết trong kinh tế học và sự nhầm lẫn giữa lý thuyết kinh tế với lịch sử kinh tế.

Một thách thức cơ bản hơn đối với tư tưởng chủ nghĩa lịch sử lạc quan đã xảy ra giữa các nhà tư tưởng chấp nhận các tiền đề nhận thức luận cơ bản của chủ nghĩa lịch sử - và ngày càng sử dụng thuật ngữ này - nhưng từ bỏ niềm tin vào tính cố kết của quá trình lịch sử và cùng với nó là niềm tin của họ vào phẩm chất của văn hóa phương Tây hiện đại. Tư tưởng chủ nghĩa lịch sử từ Ranke vào những năm 1830 đến Friedrich Meinecke trong những năm 1930 có mối quan hệ nước đôi với ý tưởng về sự tiến bộ. Một mặt, ý tưởng về sự tiến bộ là không thể chấp nhận được từ quan điểm của những người nhấn mạnh rằng mọi thời đại phải được nhìn nhận theo khuôn khổ riêng của nó, “trực tiếp với Chúa,” 22 nhưng mặt khác, những người như Ranke và Droysen, cũng tin tưởng sâu xa như Hegel về sự vững chắc của văn hóa phương Tây hiện đại, hoặc như Meinecke, về phẩm chất độc đáo của văn hóa Đức.

Ernst Troeltsch giờ đã nói về “Khủng hoảng của Chủ nghĩa Lịch sử” (Krisis des Historismus).23 Troeltsch chấp nhận chủ nghĩa lịch sử như một cách tiếp cận học thuật hợp lệ đối với hiện thực văn hóa, nhưng vẫn tin rằng nghiên cứu lịch sử, không phải là chìa khóa để tiếp thu văn hóa, dần dần cho thấy tính tương đối và do đó không hợp lệ của các giá trị và niềm tin của Văn hóa phương Tây. Nhưng chủ nghĩa lịch sử, mà sự thừa nhận rằng tất cả các ý tưởng và giá trị của con người đều chịu quy định về phương diện lịch sử và đều phải thay đổi, đã trở thành thái độ thống trị, không thể tránh khỏi của thế giới phương Tây trong thế kỷ 19 và 20. Đối với Karl Mannheim, nó đã trở thành chính điều kiện của sự tồn tại hiện đại.24 Chủ nghĩa lịch sử giờ đây là một phần của quá trình trí thức hóa và sự tan vỡ ảo mộng mà Max Weber đã nói tới.25 Tuy nhiên, Mannheim coi đó không phải là kết quả của sự nghiên cứu khoa học mà là kết quả của sự biến đổi xã hội của thế giới hiện đại với sự phá hủy các chuẩn mực truyền thống.

Cuộc thảo luận về tính tương đối của các giá trị lịch sử đã được Friedrich Nietzsche khởi xướng - mặc dù ông không sử dụng thuật ngữ này - trong tiểu luận Vom Nutzen und Nachteil der Historie für das Leben – Luận về Lợi ích và Bất lợi của Lịch sử đối với Cuộc sống (1874), 26 trong đó ông nghiêm khắc đả phá lối nghiên cứu lịch sử mang tính kinh viện như đã được phát triển trong giới hàn lâm Đức vì tính không liên quan và tác động làm tê liệt hành động con người của nó. Đối với phần lớn nền văn hóa tư sản thế kỷ 19, lịch sử đã tạo thành chiếc chìa khóa để hiểu vạn vật của con người, nhưng đối với Nietzsche, một mặt dường như không có lối thoát từ lịch sử và mặt khác lịch sử không có ý nghĩa khách quan. Troeltsch, là một nhà thần học, đã phải đối mặt với song đề này trong Die Absolutheit des Christentums und die ReligionsgeschichteTuyệt đối tính của Cơ đốc giáo và Lịch sử Tôn giáo (1902),27 trong đó ông thừa nhận rằng việc nghiên cứu lịch sử Cơ đốc giáo đã phá hủy tuyên bố của Cơ đốc giáo là một tôn giáo chân chính, và chỉ ra thực chất đa nguyên luận của niềm tin. Nhưng Troeltsch không muốn từ bỏ đức tin Cơ đốc giáo cũng như niềm quyến luyến văn hóa phương Tây. Đối với ông, có hai cách thoát khỏi song đề này, nhưng cả hai cách đều không thuyết phục về mặt trí tuệ: Trước hết, điều mà Troeltsch bác bỏ, là từ bỏ cách tiếp cận lịch sử kinh viện đối với việc nghiên cứu tôn giáo và văn hóa. Các nhà thần học Tin lành, trong đó có Albrecht Ritschl,28 đã chọn cách nhấn mạnh tôn giáo chỉ dựa vào đức tin. Karl Barth và các nhà thần học về khủng hoảng, Rudolf Bultmann, Friedrich Gogarten, và Reinhold Niebuhr ở Mỹ, đã đi xa hơn. Kết hợp nhấn mạnh vào tha tính tổng thể của Thiên Chúa với một cái nhìn hoàn toàn bi quan về bản chất con người và của quá trình lịch sử, họ phủ nhận các giá trị của văn hóa tư sản hiện đại đã làm nên một thành phần chủ chốt trong thuyết Kulturprotestantismus – Tin lành Văn hóa của Troeltsch.29

Troeltsch đã chọn cách giải quyết “Khủng hoảng của Chủ nghĩa lịch sử” bằng cách đạt đến sự tổng hợp các giá trị phương Tây thông qua nghiên cứu lịch sử về văn hóa phương Tây.30 Tuy nhiên, thứ niềm tin vào phẩm giá đặc biệt của thế giới phương Tây hiện đại mà Troeltsch đã bám víu ngay sau Thế chiến Thứ nhất kia, ngày càng không thể đứng vững được không chỉ đối với các nhà thần học về khủng hoảng, sẵn sàng hy sinh trí tuệ của mình cho đức tin, mà còn đối với cả các nhà tư tưởng khác như Max Weber và Martin Heidegger, là những người đã nhấn mạnh tính lịch sử tổng thể của tồn tại người với các hàm ý tương đối luận của nó. Đối với Heidegger, có một lối thoát trong chốn nương náu an toàn của Hữu thể siêu vượt tư duy logic,31 một tàn dư của chính cái truyền thống siêu hình mà Heidegger tìm cách phủ nhận; nhưng đối với Weber, cam kết tuân theo logic khảo sát khoa học, tư duy hợp lý và khoa học, lịch sử cũng không đưa ra được lời đáp cho các câu hỏi về giá trị nhưng lại bộc lộ một thế giới phi lý về phương diện đạo đức.32

Đối với Weber, cũng như Rickert,33 những câu hỏi mà các học giả và nhà khoa học đặt ra luôn xuất phát từ quan điểm giá trị của họ; còn đối với Mannheim thì toàn bộ tri ​​thức đều phản ánh bối cảnh văn hóa và xã hội cụ thể gắn liền với lịch sử. Sự hiểu biết của chúng ta về hiện thực lại không phản ánh nó thực sự là gì, mà chỉ trả lời những câu hỏi được các học giả và nhà khoa học đặt ra về nó.34 Điều còn tồn tại không thể lay chuyển đối với Weber không phải là những kết luận của việc khảo sát khoa học, được liên tục xem lại bởi các nghiên cứu sâu hơn, mà lại là thứ logic của sự khảo sát khoa học, vừa là sản phẩm cụ thể của nền văn minh phương Tây, lại vừa có giá trị phổ quát.35 Từ một quan điểm phần nào tương tự, Hintze khi chỉ trích nỗ lực của Troeltsch nhằm vượt qua tương đối luận lịch sử thông qua lịch sử, đã phân biệt chủ nghĩa lịch sử như một Weltanschauungthế giới quan theo nghĩa của Troeltsch và chủ nghĩa lịch sử như một cấu trúc phạm trù logic (einer logischen Kategorialstruktur).36 Thế giới quan là một trong nhiều loại hình triết học, còn cấu trúc phạm trù logic thì có giá trị khoa học.

Karl Heussi trong Die Krisis des HistorismusKhủng hoảng của Chủ nghĩa Lịch sử (1932) một lần nữa lại kiểm kê các cuộc thảo luận.37 Bốn năm sau, F. Meinecke trong Die Entstehung des Historismus – Sự xuất hiện của Chủ nghĩa Lịch sử (1936) đã đặt cho thuật ngữ này một hàm ý rất khác, lạc quan, tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa lịch sử bằng cách nhấn mạnh các khía cạnh tích cực của cách tiếp cận lịch sử triệt để. Meinecke đã xác định cách tiếp cận này bằng một truyền thống trí tuệ đặc biệt của Đức đã thay thế các quan niệm cổ điển của phương Tây về quy luật tự nhiên bằng một quan điểm di truyền tập trung vào vai trò của tính duy nhất và “tính cá nhân” trong lịch sử. Mặc dù chắc chắn không ủng hộ Chủ nghĩa xã hội quốc gia, nhưng một lần nữa vào năm 1936, ba năm sau khi Hitler cầm quyền và ngay sau khi ban hành luật chủng tộc Nuremberg, Meinecke tuyên bố tính ưu việt của truyền thống văn hóa Đức và thấy trong truyền thống chủ nghĩa lịch sử Đức “Giai đoạn đạt được sự hiểu biết cao nhất về mọi thứ thuộc con người,” sự phát triển trí tuệ quan trọng nhất ở châu Âu kể từ sau cuộc Cải cách Tin lành (thế kỷ XVI).38 Trở lại với chủ nghĩa tân Platonism của thời kỳ cổ điển Đức, đặc biệt là với Goethe, Meinecke đã tìm cách vượt qua tương đối luận của chủ nghĩa lịch sử trong một thế giới văn hóa thanh tao, trong đó chính trị, vốn đã chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử tư tưởng trước đó của ông, giờ dường như không còn quan trọng nữa sau khi ông thất vọng về tiến trình lịch sử thế kỷ XX. Cốt lõi của chủ nghĩa lịch sử là thừa nhận các khía cạnh phi lý và tự phát của cuộc sống mà truyền thống tư tưởng duy lý phương Tây không thể giải quyết được.

Bên ngoài thế giới nói tiếng Đức, chủ nghĩa lịch sử đóng một vai trò quan trọng trong tư tưởng Ý thế kỷ 20 với Benedetto Croce đại diện quan trọng nhất của nó.39 Các lập trường tương tự với storicismo assoluto – chủ nghĩa lịch sử tuyệt đối của Croce đã được Jose Ortega y Gasset40 ở Tây Ban Nha và R. G. Collingwood41 ở Anh trình bày chi tiết. Giống như Meinecke, họ cho rằng một thế giới quan tự nhiên luận hoàn toàn không đủ để hiểu được thực tại của con người vì tính duy nhất và tính cá nhân của thế giới lịch sử. Họ đồng ý rằng “lịch sử về cơ bản là một hành động của tư duy” (Croce); nhưng không giống Meinecke tin rằng cái cá nhân là “khó nói ra được”, do đó không dễ nghiên cứu một cách duy lý, Croce và Collingwood tin rằng bản thân tư tưởng đã có một cấu trúc duy lý, do đó tránh được chủ quan luận cấp tiến tiềm ẩn trong khái niệm Verstehen - hiểu rõ của chủ nghĩa lịch sử Đức. Khi công nhận lịch sử là “câu chuyện về tự do”42, chủ nghĩa lịch sử của Croce gần với chủ nghĩa lịch sử của Hegel hơn là của Ranke hay Meinecke.

Tính gần gũi ấy với Hegel đã được duy trì trong các cuộc thảo luận sau đó của Ý về chủ nghĩa lịch sử. Cùng thời với Croce, Giovanni Gentile nhấn mạnh tính trung tâm trong quan niệm của Hegel về nhà nước và do đó đã tạo cho chủ nghĩa lịch sử một định hướng chuyên chế về bản chất tương thích với học thuyết Fascist. Antonio Gramsci trong những năm 1920 và 1930 đã diễn giải chủ nghĩa lịch sử theo khuôn khổ chủ nghĩa Marxist như là một triết học về sự can dự chính trị. Trong những thập kỷ gần đây, cuộc thảo luận đã đi theo ba hướng rất khác nhau. Việc duy trì tính liên tục với Croce, Giuseppe Galasso đã coi storicismo assoluto - chủ nghĩa lịch sử tuyệt đối của Croce là “câu chuyện về quyền tự do”, một ý nghĩa tự do và dân chủ được ưa thích hơn như một cách tiếp cận chính trị và trí tuệ đối với các khoa học xã hội phân tích hiện đại, chủ nghĩa Mác và Chủ nghĩa lịch sử.43 Khi từ bỏ Croce, Fulvio Tessitore đã đồng nhất bản thân với Historismus - chủ nghĩa lịch sử của Meinecke và nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống Đức đối với tư tưởng và văn hóa Ý.44 Pietro Rossi cũng nhấn mạnh đến sự đóng góp của truyền thống Đức đối với tư tưởng xã hội hiện đại, nhưng lại chọn Max Weber là nhà tư tưởng quan trọng nhất.45 Mới đây, Giuseppe Cacciatore, xuất thân từ lập trường Marxist, đã xem xét lại một cách nghiêm túc các cuộc thảo luận của người Đức từ Wilhelm von Humboldt đến Ernst Cassirer.46

Cũng cần nhắc đến hai cách sử dụng khác đối với thuật ngữ này. Karl Popper trong Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa Lịch sử đã đồng nhất thuật ngữ này với những nỗ lực của Hegel và Marx nhằm hình thành các quy luật phát triển lịch sử vốn được các nhà Marxist sử dụng để hợp thức sự kiểm soát độc đoán của họ cho các mục đích tối hậu.47 Việc sử dụng thuật ngữ này của Popper đã bị chỉ trích nặng nề là mang tính đặc ứng, nhưng trên thực tế, ông đã phân biệt giữa “duy sử luận” (Historizismus) và “chủ nghĩa lịch sử” (Historismus) theo nghĩa tiếng Đức vào thời điểm mà “duy sử luận” vẫn là thuật ngữ chủ nghĩa lịch sử hiện nay trong thế giới nói tiếng Anh. Chỉ trong những năm 1940, dưới tác động của storicismo - chủ nghĩa lịch sử của Croce, thì “chủ nghĩa lịch sử” thường thay thế “duy sử luận” trong tiếng Anh.48 Bài luận về “chủ nghĩa lịch sử” trong Đại bách khoa Toàn thư Liên Xô,49 nhấn mạnh “sự phát triển hợp quy luật”, chứng tỏ rằng chủ nghĩa Marxist-Leninist, đối tượng chỉ trích của Popper, hiểu thuật ngữ “chủ nghĩa lịch sử” như Popper đã định nghĩa nó.

Gần đây nhất, thuật ngữ “Chủ nghĩa lịch sử Mới” đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận văn chương Mỹ. Các cuộc thảo luận này ít có tài liệu tham khảo về các cuộc thảo luận ở lục địa trước đây. Họ tìm cách vượt qua sự đàn áp của chủ thể và của lịch sử trong tư tưởng cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận. Họ chia sẻ sự bác bỏ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với chủ nghĩa lạc quan lịch sử vì nó được chứa đựng trong cả tư tưởng của chủ nghĩa lịch sử Đức và chủ nghĩa Mác, nhưng lại thúc giục thừa nhận “tính đặc thù lịch sử và văn hóa của các ý tưởng” phần lớn đã bị bỏ mất trong tư tưởng hậu hiện đại.

Khủng hoảng của Chủ nghĩa lịch sử

Otto Gerhard Oexle nhằm cố định nghĩa chủ nghĩa lịch sử đã phân biệt giữa Chủ nghĩa lịch sử IChủ nghĩa lịch sử II.51 Chủ nghĩa lịch sử I đề cập đến các cuộc luận chiến triết học vào cuối thế kỷ XIX và phần ba đầu tiên của thế kỷ XX, đánh đồng tri ​​thức lịch sử với tương đối luận và nhận thấy trong tương đối luận một vấn đề tồn tại cần phải giải quyết nếu cuộc sống văn minh tiếp tục. Một số tác phẩm gần đây, Historismus: Zur Geschichte des Begriffs und des Problems - Chủ nghĩa lịch sử: Lịch sử Khái niệm và Vấn đề của Annette Wittkau (1992), Modernity and Crisis: German Philosophy and the Problems of Historicism 1880-1930  - Hiện đại và Khủng hoảng: Triết học Đức và những vấn đề của chủ nghĩa lịch sử 1880-1930 (bản thảo hoàn thành năm 1993, chưa được xuất bản) của Charles R. Bambach, và một số bài viết của Otto Gerhardt Oexle52 và Wolfgang Hardtwig53 đã xem xét chủ nghĩa lịch sử từ góc độ này. Các nghiên cứu dành cho cái mà Oexle gọi là Chủ nghĩa lịch sử II đề cập đến một loạt các hiện tượng rất khác, với nghề lịch sử của Đức khi nó xuất hiện vào thế kỷ XIX. Khi sử dụng thuật ngữ Kuhnian,54 Jörn Rüsen và các học trò của ông, Horst-Walter Blanke Schweers, Friedrich Jaeger, Dirk Fleischer, và Hans-Jürgen Pandel trong một loạt công trình nghiên cứu55 đã coi chủ nghĩa lịch sử như một “hệ mẫu” - mà thuật ngữ của Rüsen dùng là “ma trận bộ môn”56- dành cho các nghiên cứu lịch sử. Ulrich Muhlack trong Geschichtswissenschaft im Humanismus und in der Aufklärung: Die Vorgeschichte des Historismus - Lịch sử trong chủ nghĩa nhân văn và Kỷ nguyên Ánh sáng: Tiền sử của Chủ nghĩa lịch sử (1991), tiếp theo là một tập về chủ nghĩa lịch sử thích hợp, tương tự coi chủ nghĩa lịch sử là khoa học lịch sử (Geschichtswissenschaft).57 Jeremy Telman, một người Mỹ, đã hoàn thành một luận văn đặt nhiều giả định cơ bản khác nhau của văn liệu này vào sự xuất hiện của nghề lịch sử.58

Sức mạnh công trình của Wittkau nằm ở chỗ bà đã xem xét vấn đề của chủ nghĩa lịch sử vì nó phải đương đầu không chỉ giữa các triết gia mà còn trong các lĩnh vực khác: thần học, luật, kinh tế học, xã hội học và lịch sử. Tuy nhiên, người ta thấy rõ một điều trong cuốn sách của Wittkau cũng như trong phần lớn văn liệu Đức mà chúng tôi đã dẫn, đó là sự lãng quên gần như hoàn toàn đối với khối văn liệu không phải tiếng Đức. Rốt cuộc, các vấn đề của chủ nghĩa lịch sử là một phần của cuộc khủng hoảng ý thức rộng lớn hơn trong thế giới phương Tây hiện đại. Trong trường hợp của Wittkau, không một chú thích cuối trang hoặc một mục thư mục nào đề cập đến các nhà tư tưởng không phải người Đức-Croce, Collingwood, và Ortega y Gasset không xuất hiện và cũng không trích dẫn bất kỳ tài liệu quan trọng nào bằng tiếng Anh hoặc tiếng Ý. Đối với bà cũng như đối với Oexle và ở mức độ thấp hơn là Hardtwig, nguồn gốc khủng hoảng của chủ nghĩa lịch sử nằm ở việc áp dụng ngày càng tăng các phương pháp khoa học vào nghiên cứu lịch sử. Mục đích cuốn sách của bà là cho thấy, “hiện tượng chủ nghĩa lịch sử được kết nối chặt chẽ trong tất cả các ngành khoa học văn hóa với việc thực hiện phương pháp khoa học-thực nghiệm tri thức và trong cuộc đối đầu (Auseinandersetzung) với chủ nghĩa lịch sử, mà mối quan tâm cơ bản là tương đối hóa các giá trị là kết quả của những tiến bộ trong tri ​​thức lịch sử [geschichtswissenschaftliche Erkenntnis].”59

Wittkau đã đúng khi khẳng định rằng những nhân vật chính mà bà đề cập trong cuốn sách của mình, ví dụ, Troeltsch và thậm chí cả Weber, đã thấy vấn đề theo các khuôn khổ này. Nhưng liệu cuộc khủng hoảng có thực sự chủ yếu là kết quả của những tiến bộ của “tri thức khoa học” như Wittkau vẫn duy trì? Phê phán của Nietzsche đối với học thuật lịch sử đã bị Wittkau xem xét quá nghiêm khắc và quá thiếu óc phê phán - và tương tự như vậy bởi Oexle. Wittkau cho rằng quá dễ dàng khi cho rằng nghiên cứu lịch sử đã phá hủy các giá trị đã được xác lập. Nhưng trên thực tế, các nghiên cứu lịch sử đã được chuyên nghiệp hóa nói chung vào thế kỷ XIX đã dẫn đến hợp thức hóa các giá trị đã được xác lập, hoặc trong trường hợp của các tác giả xã hội chủ nghĩa, dân tộc chủ nghĩa hoặc phân biệt chủng tộc đối với tính hợp thức của các giá trị mới. Khẳng định của Nietzsche cho rằng nghiên cứu lịch sử được thực hành trong thời ông đã làm tê liệt hành động của con người đơn giản là không đúng. Người ta có thể hy vọng rằng nghiên cứu lịch sử phê phán sẽ gỡ bỏ mặt nạ những huyền thoại đã làm công cụ cho lịch sử phục vụ các hệ tư tưởng chính trị và xã hội, nhưng nhìn chung thì lại trái ngược. Nghiên cứu lịch sử củng cố các huyền thoại lịch sử. Tương đối luận văn hóa phát triển vào thời đó với việc đặt vấn đề về các chuẩn mực tôn giáo, xã hội và đạo đức cũ hơn là kết quả của sự biến đổi của xã hội hiện đại hơn là nguyên nhân của nó. Như Karl Mannheim đã diễn đạt về điều đó, “Việc viết sử không mang lại cho chúng ta chủ nghĩa lịch sử, đúng hơn là quá trình lịch sử đã biến chúng ta trở thành những kẻ theo chủ nghĩa lịch sử.”60

Đối với Wittkau, Weber, thực ra không sử dụng thuật ngữ này, nhưng lại giải quyết vấn đề mà chủ nghĩa lịch sử đã đặt ra về sự hòa hợp giữa khoa học và các giá trị một lần và mãi mãi, cho thấy rằng “tri thức trong các khoa học văn hóa [kulturwissenschaftliche Erkenntnis] không đưa ra lời đáp cho những câu hỏi về các chuẩn mực, nhưng chỉ bao gồm tri ​​thức về các sự kiện.”61 Bà lưu ý, từ nay “tri ​​thức giá trị trở thành một vấn đề của niềm tin cá nhân.”62 Tuy nhiên theo tôi, điều đó khiến Weber trở thành kẻ quá thực chứng luận. Verstehende Soziologie - Xã hội học Thấu hiểu của Weber đã giả định rằng các khoa học văn hóa hoặc, sử dụng thuật ngữ của Weber, các khoa học xã hội, không xử lý các “sự kiện” (Tatsachen) mà là các hệ thống ý nghĩa đòi hỏi các phương pháp định tính “thấu hiểu”. Vì vậy, đối với Weber khoa học xã hội đã vượt khỏi các sự kiện thực nghiệm để đến với các thực thể ý nghĩa. Như chúng ta đã biết, đối với Weber các thực thể này có thể hiểu được không phải thông qua quan sát trực tiếp mà bằng các “loại hình lý tưởng” mà nhà khoa học xã hội đã xây dựng để áp đặt một cấu trúc lên sự hỗn loạn của dữ liệu thực nghiệm. Không bao giờ chấm dứt suy đoán, như Wittkau tin Weber đã làm, trên thực tế, ông đã trình bày một hệ thống suy lý cao độ mà ông tìm cách làm cho các quá trình xã hội trở nên dễ hiểu. Weber cũng không phân biệt giữa sự kiện và giá trị với tư cách tuyệt đối như nó xuất hiện; chúng ta phải cẩn thận để không nhìn nhận tuyên bố của Weber một cách thiếu phê phán theo bề mặt của nó. Đối với ông, giá trị phụ thuộc vào các quyết định, nhưng phải trong chừng mực các quyết định được đưa ra đối mặt với thực tại khắc nghiệt, đối với Weber, chúng được xác định bởi một thế giới xung đột khách quan mang một giá trị Darwinist Xã hội và màu sắc nam tính cởi mở, khiến cho Weber tán thành nước Đức phấn đấu để đạt được quyền lực thế giới không chỉ dựa trên các quyết định cá nhân mà còn dựa trên sự phán quyết khoa học63.

Oexle và Hardtwig đã tiếp nối những dòng mạch tương tự như của Wittakau khi nhấn mạnh rằng thành tựu vĩ đại của Weber nằm ở việc hiểu rằng đó là phương pháp luận chứ không phải là những phát hiện mang lại cho khoa học - bao gồm cả khoa học xã hội – đặc trưng khoa học của nó. Do đó, khoa học trùng khớp với “nghiên cứu” (Forschung). Với cái nhìn sâu sắc này, Hardtwig lưu ý, khoa học được hiểu như vậy trở nên đối lập không thể thay đổi đối với các quan niệm mang tính chủ nghĩa lịch sử cũ hơn về lịch sử, coi lịch sử là nguồn gốc của văn hóa (Bildung) và giao cho khoa học lịch sử nhiệm vụ xác lập các chuẩn mực.64 Việc chuyển từ lịch sử là văn hóa Bildung sang lịch sử là nghiên cứu Forschung, mà cả Hardtwig và Oexle đều kiên trì, bắt đầu trong tiến trình thế kỷ XIX khi lịch sử tự coi mình là một ngành học nghiêm ngặt. Không chỉ Oexle và Hardtwig mà cả Rüsen và các sinh viên65 của ông cũng chấp nhận vinh quang của Droysen khi nhận ra đặc trưng nghiên cứu của khoa học lịch sử trong công thức nổi tiếng của ông: “Bản chất của phương pháp lịch sử bao gồm sự thấu hiểu thông qua nghiên cứu” (Das Wesen der historischen Methode ist forschend zu verstehen). Vì vậy, đối với Droysen, mục đích của nghiên cứu khoa học không phải là tri ​​thức thực nghiệm mà, nói theo ngôn ngữ của ông là “diễn giải” (Interpretation). Nhưng việc diễn giải ý nghĩa chỉ có thể xảy ra đối với Droysen bởi vì ông, cũng như Ranke, cho rằng có những sức mạnh cơ bản tạo nên sự mạch lạc cho lịch sử. Như Hardtwig quan sát, Droysen một mặt nhận ra rằng nhà sử học không chỉ đối đầu với đối tượng của mình mà là một phần của nó,66 theo cách nói của Droysen, ở chỗ “nội dung của bản thân chúng ta [Ich] theo nhiều cách là một kết quả [Resultat] của lịch sử.”67 Nhưng mặt khác, Droysen cũng tin rằng có sự hài hòa cơ bản giữa chủ thể và khách thể giúp nhà sử học có được tri ​​thức vững chắc. Do đó, người ta khó có thể kiên trì, như Wittkau đã làm, rằng Droysen đã tự giải phóng mình khỏi một triết học suy lý về lịch sử.68

Oexle và Hardtwig khẳng định một cách đúng đắn rằng chủ nghĩa lịch sử cũ có tính khách quan luận, mặc dù, hoặc có lẽ vì những tiền giả định duy tâm luận của nó. Weber dứt khoát bác bỏ khách quan luận này bắt nguồn từ tiền đề Kantian cho rằng thực tại chỉ có thể được biết đến bằng các phạm trù lý trí của chúng ta, không hề là một vật tự nó. Không có giá trị hợp lệ phổ quát nào; mặt khác “nếu không có các nhà nghiên cứu định giá các ý tưởng [Wertideen], thì sẽ không có nguyên tắc lựa chọn chủ đề, không có tri ​​thức có ý nghĩa về thực tại cá nhân cụ thể”. Do đó, khi Weber coi khoa học xã hội là “khoa học về thực tại” (Wirklichkeitswissenschaft), thì ông cũng thừa nhận rằng không có “phân tích khoa học ‘khách quan’ nào về đời sống văn hóa… độc lập với những quan điểm đặc biệt và ‘một chiều’] [Gesichtspunkte].”69

Nhưng câu hỏi vẫn còn là liệu Weber có thực sự giải phóng bản thân khỏi những giả định mang tính suy lý về khách tính và sự gắn kết lịch sử là trung tâm của quan điểm lịch sử chủ nghĩa ở mức độ mà Oexle và Hardtwig vẫn kiên trì hay không. Theo Weber, một mặt, không ai có thể tin rằng thế giới có một ý nghĩa nào nữa (Sinn),70 nhưng mặt khác, ông lại tin chắc theo kiểu Tân-Kantian rằng tri ​​thức hợp lý và khách quan là có thể. Vì vậy, đối với ông, chính đặc trưng của khoa học và nghiên cứu khoa học loại trừ bất kỳ nguyên tắc cứu cánh nào, nhưng đồng thời lại đảm bảo cho sự tiến bộ. Mặc dù một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời không bao giờ lỗi thời, nhưng chắc chắn các phát hiện khoa học thì có. “Công trình khoa học gắn buộc với quá trình tiến bộ [nhấn mạnh của Weber].”71 Đối với Weber, cái khiến cho tiến bộ khả thể chính là niềm tin Kantian vững chắc của ông vào tính hiệu lực của phương pháp khoa học. Ông thừa nhận rằng về mặt lịch sử, phương pháp này gắn liền với một văn hóa cụ thể, văn hóa của phương Tây, nhưng đồng thời ông cũng tin chắc rằng “thực tế đang và sẽ vẫn chân xác là ở chỗ bằng chứng đúng đắn về phương pháp luận trong các khoa học xã hội, nếu nó đạt được mục đích, phải được ngay cả một người Trung Quốc thừa nhận là đúng, mặt khác, người đó có thể điếc đặc với quan niệm của chúng ta về mệnh lệnh đạo đức.”72 Tuy nhiên, người ta có thể đặt câu hỏi, liệu hình thức suy luận này có dễ hiểu đối với một nhà thần bí thời trung cổ hoặc một thợ săn du mục hay không. Như công trình của Thomas Kuhn73 cho thấy, lịch sử khoa học trong những năm gần đây đã đặt vấn đề về những giả định cơ bản của Weber triệt để hơn nhiều cách xử lý của Wittkau, Oexle và Hardwig đối với ông gợi ý. Hơn nữa, bất chấp việc ông kiên định rằng thế giới không có ý nghĩa (Sinn) theo nghĩa khách quan, quan niệm của Weber về sự thống nhất của phương pháp khoa học và “quá trình trí tuệ hóa mà chúng ta đã trải qua hàng ngàn năm”74 vẫn đem lại cho lịch sử một đại tự sự. Vì vậy, lịch sử vẫn có tính mạch lạc, ngay cả khi không phải là một ý nghĩa.

Charles R. Bambach gần đây đã xem xét một khuynh hướng trong tư tưởng của người Đức, triệt để đặt vấn đề về những tàn dư của sự gắn kết này như chúng chứa đựng trong tư tưởng Tân-Kantian.75 Nửa đầu của bản thảo nói về nguyên cớ quen thuộc, các nhà triết học Tân-Kantian, Dilthey, Windelband, và Rickert, đối với họ các vấn đề được đưa ra bởi các nghiên cứu lịch sử thuộc  thực chất nhận thức luận và đòi hỏi một giải pháp nhận thức luận. Nửa sau của bản thảo đề cập đến một cuộc thảo luận được giới thiệu bởi hiện tượng học (Husserl) và thần học khủng hoảng (Barth), trong đó những câu hỏi cơ bản không còn liên quan đến tính chắc chắn của tri thức mà là việc tìm kiếm ý nghĩa. Barth, dựa vào Kierkegaard và Nietzsche, đã chỉ ra sự rỗng tuếch của thứ lý tưởng Bildung - văn hóa, đối với Troeltsch vẫn còn thiêng liêng và đáng được bảo tồn; Husserl hiểu nguyên nhân thực sự của biến động văn hóa là sự khủng hoảng của bản thân khoa học, tính bất tương thích giữa các khẳng định khách quan của khoa học và yếu tố chủ quan của thế giới-sống.

Đối với Bambach, nhân vật chủ chốt trong cuộc thảo luận này không còn là Weber, ông thậm chí còn không được nhắc đến, mà là Heidegger. Bằng cách lặp lại câu hỏi nhận thức luận của nhà lịch sử chủ nghĩa về khách tính của tri thức lịch sử như một câu hỏi hữu thể luận về ý nghĩa của hiện hữu lịch sử, Heidegger - Bambach lập luận - bắt đầu giải cấu trúc toàn bộ diễn ngôn truyền thống của triết học phương Tây kể từ thời Socrates. Quan niệm về thứ cogito tự-ý thức, tự chủ, cốt lõi của siêu hình học hiện đại, đã bị tuyên bố phá sản. Thứ đại tự sự về nhất tính, ý nghĩa và tổng thể tính trong một thực tại được coi là lịch sử giờ đây đã được thay thế  bằng nhận thức về sự phân mảnh, khủng hoảng và tan vỡ. Bambach cân nhắc xem ở mức độ nào Heidegger, khi “rũ b[ỏ] siêu hình học khủng hoảng-tư duy, đã khởi xướng một loại khủng hoảng mới, về phạm vi chính trị,”76 dẫn ông đến Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia. Đối với tôi, dường như cả Husserl và Heidegger đều không rũ bỏ siêu hình học phương Tây một cách triệt để như Bambach gợi ý. Husserl, trong quá trình tìm kiếm một khoa học nghiêm ngặt có thể vượt qua sự phân mảnh của thực tại mà khoa học thực nghiệm tạo ra, đã nương thân trong kiếm tìm bản chất (Wesensschau), trong khi Heidegger giải khuây trong một Sein- Hữu thể, đem lại Geborgenheit - sự chở che khỏi những rắc rối chính trị và trí thức khó ưa của thế giới hiện đại. Do đó, hiện tượng luận của Heidegger không phải là một cuộc đối đầu quả cảm với những phi lý của tồn tại hiện đại mà chỉ là một cuộc đào tẩu chẳng chút dũng khí.

______________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Iggers, Georg G. (1995). Historicism: The History and Meaning of the Term, In Journal of the History of Ideas, Vol. 56, No. 1 (Jan., 1995), pp. 129-152, Published by: University of Pennsylvania Press.

Tác giả: Georg Gerson Iggers (7 tháng 12 năm 1926 - 26 tháng 11 năm 2017) là một nhà sử học người Mỹ về châu Âu hiện đại, sử học và lịch sử trí thức châu Âu. Iggers sinh ra ở Hamburg, Đức, vào năm 1926. Là một người Do Thái gốc Đức, ông cùng gia đình trốn khỏi Đức đến Mỹ vào năm 1938, chỉ vài tuần trước lễ hội Kristallnacht. Iggers thuộc về những người trẻ tuổi từ Đệ Tam Đế chế, những người sau này khi còn sống, với tư cách là học giả hàn lâm ở Hoa Kỳ, đã có tác động quyết định đến việc xem xét lại lịch sử của Đức theo cách phê phán. Năm 1957, Iggers trở thành người anh em Da trắng đầu tiên khởi xướng Phi Beta Sigma, Inc, Hội Huynh đệ Da đen trong lịch sử. Ông là giáo sư thỉnh giảng tại Technische Universität Darmstadt vào năm 1991, là Giáo sư Danh dự xuất sắc tại Đại học Buffalo và năm 2007 nhận Huân chương Thập tự giá Hạng Nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Iggers đã nhận được Giải thưởng Humboldt, các bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Richmond, Technische Universität Darmstadt, và Cao đẳng Philander Smith, và học bổng từ Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ, Quỹ Fulbright, Quỹ Guggenheim, Quỹ Quốc gia về Nhân văn và Quỹ Rockefeller. Ông đặc biệt được chú ý nhờ các bài viết về sử học. Ông mất ngày 26 tháng 11 năm 2017, do biến chứng xuất huyết não.

Chú dẫn

I should like to dedicate this article to Ernst Schulin in honor of his sixty-fifth birthday.

1. On the history of the term, see Dwight E. Lee and Robert N. Beck, “The Meaning of

‘Historicism,’” American Historical Review, 59 (1953-54), 568-77; Ernst Rothacker, “Das Wort ‘Historismus,’” Zeitschrift fur deutsche Wortforschung, 16 (1960), 3-6; Antoni, Dallo storicismo alla sociologia (Florence, 1940) and Lo storicismo (Torino, 19682); B. A. Grushin, “Historicism” in Great Soviet Encyclopedia, a translation of the third edition (New York, 1970), X, 88-89; Donald R. Kelley, Foundations of Modern Historical Scholarship: Language, Law, and History in the French Renaissance (New York, 1970), 1-15; Maurice Mandelbaum, History, Man, & Reason: A Study in Nineteenth-Century Thought (Baltimore, 1971), particularly 41-140; Georg G. Iggers, “Historicism” in Dictionary of the History of Ideas (New York, 1973), II, 456-64; Otto Gerhard Oexle, “‘Historismus.’ Uberlegungen zur Geschichte des Phanomens und des Begriffs,” Jahrbuch, Braunschweigische wissenschaftliche Gesellschaft (1986), 119-55.

2. Friedrich Schlegel, “Zur Philologie I,” in Kritische Friedrich-Schlegel-Ausgabe (Paderborn, 1981), XVI, 35-41.

3. Friedrich Freiherr von Hardenberg (Novalis, pseud.), Schriften, ed. Paul Kluckhohn (Jena, 1923), III, 173.

4. Feuerbach, review of “Kritik des Idealismus von F. Dorguth” (1838) in Sämtliche Werke (Leipzig, 1846-66), II, 143-44.

5. Braniss, Die wissenschaftliche Aufgabe der Gegenwart (Breslau, 1848), 113-38, 195, 200, 248.

6. Fichte, Die philosophischen Lehren von Recht, Staat und Sitte in Deutschland, Frankreich und England von der Mitte des achtzehnten Jahrhunderts bis zur Gegenwart (Leipzig, 1850), 469-70.

7. Prantl, Die gegenwärtige Aufgabe der Philosophie (Munich, 1852).

8. Rudolf Haym, Hegel und seine Zeit (Berlin, 1857).

9. Karl Werner, Giambattista Vico als Philosoph und gelehrter Forscher (Vienna, 1879).

10. Benedetto Croce, History as the Story of Liberty (London, 1941) and History, Its Theory and Practice (New York, 1921).

11. R. G. Collingwood, The Idea of History (Oxford, 1994).

12. See Georg G. Iggers, The German Conception of History: The National Tradition of Historical Thought from Herder to the Present (Middletown, 19832).

13. See “On the Relations of History and Philosophy (A Manuscript of the 1830s),” in Georg G. Iggers and Konrad Von Moltke (eds.), The Theory and Practice of History (Indianapolis, 1973), 29-32, and “On the Character of Historical Science (A Manuscript of the 1830s),” ibid., 33-46.

14. See Ranke's preface to his Histories of the Latin and Germanic Nations, ibid., 135- 38.

15. See his “The Great Powers,” ibid., 65-101 and “A Dialogue on Politics,” ibid., 102-30. On the role of the divine, see Wolfgang Hardtwig, “Geschichtsreligion-Wissenschaft als Arbeit-Objektivität,” Historische Zeitschrift, 252 (1991), 1-32. On the “finger of God” (Gottes Finger), see Sämtliche Werke, LIII-LIV, 665-66.  

16. See e.g., “The Great Powers,” ibid., 100.

17. Johann Gustav Droysen, Historik. Historisch-kritische Ausgabe, ed. Peter Leyh (Stuttgart, 1977), I, 221.

18. Hans Georg Gadamer, Truth and Method, tr. G. Barden and J. Cumming (New York, 1989), and Joachim Wach, Das Verstehen (3 vols; Hildesheim, 1966).

19. Wilhelm Dilthey, Der Aufbau der geschichtlichen Welt in den Geistes- wissenschaften, Gesammelte Schriften (Leipzig, 1924), VII, Wilhelm Windelband, “Geschichte und Naturwissenschaft (1894),” in Präludien (Tübingen, 1921), II; and Heinrich Rickert, Kulturwissenschaft und Naturwissenschaft (Tübingen, 1921).  

20. Peter Reill in Georg G. Iggers and James Powell (eds.), Leopold von Ranke and the Shaping of the Historical Discipline (Syracuse, 1990), 21-35. 21. See Annette Wittkau, Historismus. Zur Geschichte des Begriffs und des Problems (Göttingen, 1992), 61-80.

22. See “On the Epochs of Modem History,” The Theory and Practice of History,

23. Ernst Troeltsch, “Die Krisis des Historismus,” in Die Neue Rundschau, 33. Jahrgang der freien Bühne (Berlin, 1922), I, 572-90, and “Der Historismus und seine Probleme (1922),” Gesammelte Schriften (Aalen, 1961), IV.

24. Karl Mannheim, “Historismus,” in Kurt H. Wolf (ed.), Wissenssoziologie. Auswahl aus dem Werk (Neuwied, 1970).

25. Max Weber, “Science as a Vocation,” in From Max Weber: Essays in Sociology, ed. H. H. Gerth and C. Wright Mills (New York, 1946), 138-39.

26. Friedrich Nietzsche, Werke. Kritische Gesamtausgabe, ed. Giorgio Colli and Mazzino Montinari (Berlin, 1972) “Unzeitgemäße Betrachtungen,” I-III (1872-74), III, section 3.

27. Die Absolutheit des Christentums und die Religionsgeschichte (Tübingen, 1902).

28. Albrecht B. Ritschl, A Critical History of the Christian Doctrine of Justification and Reconciliation (Edinburgh, 1872).  

29. See, e.g., “Die theologische und religiöse Lage der Gegenwart,” in Gesammelte Schriften (Tübingen, 1913), II, 1-21.

30. Der Historismus und seine Überwindung (Berlin, 1924).

31. Sein und Zeit (Halle, 1929); Being and Time, tr. John MacQuarrie and Edward Robinson (New York, 1962).

32. Max Weber, “Politics as a Vocation,” H. H. Gerth and C. Wright (eds.), From Max Weber: Essays in Sociology (New York, 1946), 121.

33. Heinrich Rickert, Kulturwissenschaft und Naturwissenschaft (Tübingen, 1921).

34. Max Weber, “Objectivity in Social Science and Social Policy,” in Max Weber on the Methodology of the Social Sciences, ed. and tr. Edward A. Shils and Henry A. Finch (Glencoe, Ill., 1949), 170.

35. Max Weber, “Objektivität,” Wissenschaftslehre, 155.

36. Otto Hintze, “Troeltsch und die Probleme des Historismus,” in Soziologie und Geschichte (Gesammelte Abhandlungen), II, sect. 2, (Göttingen, 1964), 366.

37. Karl Heussi, Die Krisis des Historismus (Tübingen, 1932).

38. Die Entstehung des Historismus, in Werke (Munich, 1959), III, 4.

39. On the role of historicism in Italy and elsewhere, see Carlo Antoni, Lo Storicismo; Pietro Rossi, Storia e storicismo nelle filosofia contemporanea (rev. ed., Milan, 1991); and Giuseppe Cacciatore, Storicismo problematico e metodo critico (Naples, 1993) and his La lancia di Odino. Teorie e metodi della scienza storica tra Ottocento e Novecento, preface by Giuseppe Galasso (Milan, 1994); see also David Roberts, Benedetto Croce and the Uses of Historicism (Berkely, 1987).  

40. Jose Ortega y Gasset, Historical Reason (New York, 1984).

41. Collingwood, The Idea of History.

42. Benedetto Croce, History as the Story of Liberty (London, 1941).

43. See Giuseppe Galasso, Croce, Gramsci e altri storici (Milan, 1978) and Croce e lo spirito del suo tempo (Milan, 1991). On Croce, see also David D. Roberts, Benedetto Croce and the Uses of Historicism (Berkeley, 1987).

44. Fulvio Tessitore, I Fondamenti della filosofia politica di Humboldt (Naples, 1965); Meinecke, storico delle idee (Florence, 1969); Dimensioni dello storicismo (Naples, 1971); Filosofia e storiografia (Naples, 1985); Introduzione allo storicismo (Bari, 1991); Storiografia e storia della cultura (Bologna, 1991).

45. Pietro Rossi, Lo storicismo tedesco contemporaneo (Turin, 1956); also Storia e storicismo nella filosofia contemporaneo (1960; expanded ed. Milano, 1991).

46. Cacciatore, Storicismo problematico e metodo critico; also his Ragione e speranze nel marxismo. L'ereditd di Ernst Bloch (Bari, 1979), and La lancia di Odino: Teorie e metodi della storia in Italia e Germania tra '800 e '900 (Milan, 1994). The Italian discussions deserve more extensive treatment than I have been able to present here. I am thankful to Edoardo Tortarolo of Turin for introducing me to the recent Italian literature.

47. Karl R. Popper, The Poverty of Historicism (New York, 1961).

48. See Lee and Beck, “The Meaning of ‘Historicism’” (above, n. 1).

49 See B. A. Grushin, “Historicism” (above, n. 1).

50. See H. A. Veeser (ed.), The New Historicism (New York, 1989); Paul Michael Lützeler, “Der postmoderne Historismus in den amerikanischen Humanities,” Hartmut Eggert et al. (eds.), Geschichte als Literatur. Formen und Grenzen der Repräsentation von Vergangenheit (Stuttgart, 1990), 67-76; Brook Thomas, The New Historicism and Other Old-Fashioned Topics (Princeton, 1991); Richard Wilson and Richard Dutton (eds.), New Historicism and Renaissance Drama (London, 1992); John H. Zammito, “Are We Being Theoretical Yet? The New Historicism, the New Philosophy of History, and ‘Practicing Historians,’” Journal of Modern History, 65 (1993), 783-814.

51. See Otto Gerhard Oexle, “Historismus” (above, n. 1) and “Die Geschichts- wissenschaft im Zeichen des Historismus. Bemerkungen zum Standort der Geschichts- forschung,” Historische Zeitschrift, 238 (1984), 17-55; also Herbert Schnädelbach, Geschichtsphilosophie nach Hegel. Die Probleme des Historismus (Freiburg, 1974), making a similar distinction between two types of historicism.

52. See above, n. 41.

53. Wolfgang Hardtwig, “Geschichtsreligion-Wissenschaft als Arbeit-Objektivität,” Historische Zeitschrift, 252 (1991), 1-32.

54. T. S. Kuhn, The Structure of Scientific Revolutions (Chicago, 19702).

55. Including Jörn Rüsen, Grundzüge einer Historik (3 vols.; Göttingen, 1983-89) and Konfigurationen des Historismus (Frankfurt, 1993); Horst-Walter Blanke, Historio- graphiegeschichte als Historik (Stuttgart, 1991); Friedrich Jaeger and Jörn Rüsen, Geschichte des Historismus (Munich, 1992); Hans-Jürgen Pandel, Historik und Didaktik (Stuttgart, 1990).

56. See Grundziuge einer Historik (3 vols; Göttingen, 1983-89).

57. Munich.   

58. David Aaron Jeremy Telman, “Clio Ascendant: The Historical Profession in Nineteenth-Century Germany” (Ph.D. diss., Cornell University, 1993).

59. Annette Wittkau, Historismus (Göttingen, 1992), 22.

60. Karl Mannheim, “Historismus” (1924), Wissenssoziologie (Soziologische Texte, Band 28), Auswahl aus dem Werk, 2. Ausg. (Neuwied, 1970), 247f, and Das Problem einer Soziologie des Wissens (1925), ibid., 308ff.

61. Wittkau, Historismus, 132.

62. Ibid., 145.

63. Wolfgang J. Mommsen, Max Weber and German Politics (Chicago, 1984); Guenther Roth, “Between Cosmopolitanism and Ethnocentrism: Max Weber in the Nineties,” to appear in Telos, 96 (1993), 148-62.

64. Hardtwig, “Geschichtsreligion-Wissenschaft als Arbeit-Objektivität,” 24.

65. See above, n. 45; also Jörn Rüsen, Begriffene Geschichte. Genesis und Begründung der Geschichtstheorie J. G. Droysens (Paderborn, 1969). 66. Hardtwig, “Geschichtsreligion-Wissenschaft als Arbeit-Objektivität,” 21.

67. Zitiert in Oexle, Die Geschichtswissenschaft, 43.

68. Wittkau, Historismus, 59.

69. Max Weber, “Objectivity in Social Science,” 170.

70. Max Weber, “Science as a Vocation,” ibid. 137.

71. Ibid., 137.

72. “Objectivity in Social Science,” 58.

73. The Structure of Scientific Revolutions.

74. Weber, “Science as a Vocation,” 138.

75. “Modernity and Crisis: German Philosophy and the Problems of Historicism 1880- 1930,” unpublished manuscript.

76 Ibid., 236.