Người dịch: Hà Hữu Nga
4. Hình thức và Chức năng: Trường phái Ngôn ngữ học Praha
Ngôn ngữ học của Chomsky liên quan chặt chẽ đến khía cạnh thực chứng trong cách tiếp cận ngôn ngữ của Saussure, theo đó các thuộc tính của ngôn ngữ bắt nguồn từ các cấu trúc tinh thần vô thức được áp đặt lên âm thanh và chất liệu suy nghĩ. Trong các phần trước tôi đã cho rằng cách tiếp cận này đối với ngôn ngữ là không thể chấp nhận được vì các cấu trúc được phát hiện là võ đoán: không có cách nào để phân biệt các quan hệ cấu trúc có ý nghĩa về mặt ngôn ngữ học với các quan hệ ngẫu nhiên mà nhà phân tích áp đặt.
Bất kỳ lý thuyết ngôn ngữ học nào, kể cả lý thuyết do một nhà thực chứng luận đề xướng, thì đều thể hiện những ý tưởng nhất định về bản chất của ngôn ngữ, và do đó dựa trên sự hiểu biết trực quan về những gì liên quan đến việc nói và hiểu một ngôn ngữ. Nói cách khác, thực tế không có trường hợp nhà ngôn ngữ học có thể coi ngôn ngữ như một vật thể trơ, như một tập hợp các câu tách khỏi ngữ cảnh sử dụng, bởi vì nhà ngôn ngữ học chỉ có thể hình thành một lý thuyết ngôn ngữ phù hợp với những ý tưởng nhất định về bản chất của ngôn ngữ.
Một khi vấn đề được mở ra, thì đặc điểm nhân tạo và phản trực giác trong quan niệm ngôn ngữ của Chomsky trở nên rõ ràng. Khi xem xét bản chất của ngôn ngữ, chúng ta không thể tránh khỏi việc coi nó như một phương tiện giao tiếp, và điều này dẫn đến một cách tiếp cận khá khác đối với ngôn ngữ, cố gắng khám phá hệ thống của ngôn ngữ bằng cách liên hệ nó với các chức năng của ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp. Chính cách tiếp cận này đã được Trường phái Ngôn ngữ học Praha phát triển.
Trường phái Praha tìm cảm hứng từ một số nguồn và nổi lên, một phần, từ mối quan tâm đến ngôn ngữ của các nhà Hình thức luận Nga, mà Jakobson từng là nhà lý thuyết hàng đầu. Từ Saussure, họ bắt đầu quan tâm đến đặc tính hệ thống của ngôn ngữ và các cơ chế mà nhờ có chúng ngôn ngữ đạt được mục đích biểu đạt và giao tiếp, nhưng họ bác bỏ thứ tâm lý luận còn sót lại của Saussure mà phép nội quan có thể làm bộc lộ các cơ chế này. Từ tân thực chứng luận, họ bắt đầu cam kết phân tích “khoa học” về các cơ chế này, phản ứng mạnh mẽ với tất cả các hình thức của chủ nghĩa lãng mạn, và điều này cho thấy mối quan tâm của họ với cấu trúc như là nguồn gốc của ý nghĩa nội tại trong đối tượng, sao cho họ không coi mối quan hệ giữa chủ thể tạo-nghĩa và ngôn ngữ với tư cách là một đối tượng thuần túy, mà là các quan hệ bên trong ngôn ngữ khiến ngôn ngữ có thể cung cấp nghĩa cho một tồn tại liên chủ thể. Tuy nhiên, nguồn quan trọng nhất đối với Trường phái Praha có lẽ là nguồn hiện tượng luận của Edmund Husserl.
Từ Husserl, các nhà Hình thức luận Nga, và sau đó là Trường phải Praha, đã phản đối tâm lý luận cũng như tự nhiên luận, và điều này đã bóp méo phản ứng của họ với Saussure.
Đối với Trường phái Praha, ngôn ngữ phải được coi như một thực tại tự trị, chứ không phải là một hiện tượng tâm lý, vì vậy các thuộc tính của ngôn ngữ không thể được giải thích đơn giản là sự áp đặt của một hình thái tâm lý lên một chất âm học hoặc khái niệm được. Ngôn ngữ là một đối tượng có chủ ý mà cấu trúc của nó là sự thể hiện chức năng của nó như một công cụ giao tiếp của con người. Do đó, ngôn ngữ học phải là một ngành học mang tính mục đích luận, tìm kiếm cấu trúc của ngôn ngữ không phải thông qua tâm lý học nội quan, như Saussure tiếp tục tin tưởng, cũng không phải thông qua việc tìm kiếm các kết nối hình thức thuần túy, như Chomsky sau này đã nghĩ, mà bằng cách liên hệ hình thức ngôn ngữ học với chức năng ngôn ngữ học.
Trường phái Praha đã không đưa cách tiếp cận hiện tượng luận này đối với ngôn ngữ đến giới hạn của nó. Đặc biệt họ không tin rằng chỉ riêng các phương pháp hiện tượng luận có thể cung cấp cơ sở vững chắc cho ngôn ngữ học. Do đó, việc đề cập đến tính chủ đích của người sử dụng ngôn ngữ sẽ cung cấp phương tiện để khám phá các quan hệ cấu trúc của ngôn ngữ và để bộc lộ ý nghĩa ngôn ngữ học của các quan hệ này, nhưng các phương pháp thực chứng luận vẫn có thể được sử dụng để xác minh (hoặc chứng ngụy) giả thuyết kết quả. Do đó, Trường phái Praha đã kết hợp cách tiếp cận lý thuyết mục đích luận với một phương pháp luận “khoa học” chặt chẽ.
Cần lưu ý rằng quan sát và thử nghiệm chỉ có một vai trò hạn chế trong kinh điển Trường phái Praha. Quan sát có thể cho chúng ta biết liệu các mối quan hệ được mặc định có tồn tại hay không, nhưng nó lại không thể cho chúng ta biết liệu các mối quan hệ được quan sát có ý nghĩa ngôn ngữ hay không trừ khi chúng ta đề cập đến chức năng ngôn ngữ học của mối quan hệ đó, và vì vậy mà đề cập đến cái ý định mà nó phục vụ cho mục đích khớp nối.
Sự kiên định về đặc tính mục đích luận của ngôn ngữ học có tầm quan trọng cơ bản đối với ngôn ngữ học của Trường phái Praha và chính điều này đã chia tách nó khỏi thực chứng luận đã thống trị các trường phái ngôn ngữ học khác trong thế kỷ này. Đối với Trường phái Praha thì ngôn ngữ được coi như một công cụ chứ không phải là một đối tượng, do đó, cách tiếp cận khách quan đối với đặc trưng ngôn ngữ của thời điểm quan sát và thử nghiệm chỉ là tạm thời, là sản phẩm của một quyết định phương pháp luận chứ không phải là một quyết định hữu thể luận. Mục đích luận của ngôn ngữ học thuộc Trường phái Praha có nghĩa là ngôn ngữ không thể nhận thức được nếu không tham chiếu đến các chủ thể con người, những kẻ giao tiếp bằng phương tiện ngôn ngữ và do đó các phẩm chất hệ thống của ngôn ngữ không thể được phân tích mà không tham chiếu đến ý nghĩa.
Hơn nữa, nó ngụ ý rằng quyền tự chủ của ngôn ngữ học cũng chỉ là quyền tự chủ tạm thời, vì ngôn ngữ chỉ là một khía cạnh của tồn tại xã hội và văn hóa của con người và không thể được phân tích tách biệt khỏi tồn tại đó. Kết quả là ngôn ngữ chỉ được coi là một hệ thống trong một “hệ thống của các hệ thống” nhìn vào cùng một thực tế từ các quan điểm khác nhau. Do đó, không thể rút ra các kết luận tâm lý học trực tiếp từ các dữ kiện ngôn ngữ, vì ngôn ngữ học và tâm lý học nhìn ngôn ngữ từ các quan điểm khác nhau. Cuối cùng, nó ngụ ý rằng ngôn ngữ là một hiện thực cực kỳ phức tạp có thể được nghiên cứu từ nhiều quan điểm ngôn ngữ khác nhau tương ứng với các chức năng khác nhau mà ngôn ngữ có thể phục vụ, vì vậy mô hình cấu trúc ngôn ngữ đơn nhất và tĩnh tại của Saussure bị suy yếu trầm trọng. Jakobson gần đây đã nhấn mạnh rằng sự đa dạng của ngôn ngữ là “mục tiêu chính của tư tưởng ngôn ngữ học quốc tế trong nỗ lực vượt qua mô hình ngôn ngữ Saussurean như một hệ thống đồng nhất tĩnh tại về các quy tắc bắt buộc và thay thế cấu trúc đơn giản hóa quá mức và nhân tạo này bằng quan điểm động của một mã đa dạng, có thể chuyển đổi liên quan đến các chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Chừng nào quan niệm này còn phát hiện đi phát hiện lại những kẻ lão luyện của nó, thì chúng ta phải nhắc lại rằng bất kỳ sự quy giản thực nghiệm nào của hiện thực ngôn ngữ đều có thể dẫn đến những kết luận khoa học có giá trị, miễn là chúng ta không cố tình thu hẹp khuôn khổ của thực nghiệm cho cái hiện thực ngôn ngữ học không bị giới hạn”.11
Đối với ngôn ngữ học thuộc Trường phái Praha, các khía cạnh của ngôn ngữ mà nhà ngôn ngữ học quan tâm là những khía cạnh có liên quan đến các chức năng của ngôn ngữ. Do đó, ngôn ngữ là một tập các quy tắc được xã hội xây dựng phù hợp với một nhóm các chức năng. Chính các chức năng này cung cấp cho ngôn ngữ học tính tiên nghiệm mà dựa vào đó người ta mới có thể tạo dựng được các hệ thống của nó. Các chức năng đó không bắt nguồn từ các thuộc tính của tâm trí, nhưng từ các nhu cầu giao tiếp mà bản thân chúng phụ thuộc vào bối cảnh xã hội.
Ngôn ngữ được giải thích về mặt lý thuyết bằng cách cho thấy nó là một phương tiện giao tiếp thích ứng với các chức năng của nó như thế nào, chịu sự ràng buộc của sinh lý học (ví dụ khả năng phân biệt của thính giác), tâm lý học (ví dụ khả năng của trí nhớ), và xã hội học (ví dụ các kênh giao tiếp, mức độ thông tin được chia sẻ, định hướng giao tiếp). Do đó, ngôn ngữ không phải là một vật thể trơ, mà là một hệ thống mục đích luận, mà thứ mục đích luận đó chính là một mục đích luận xã hội.
Cách tiếp cận chức năng đối với ngôn ngữ, đi tiên phong trong phân tích của Trường phái Praha về chức năng đặc biệt của âm thanh, phá vỡ thực chứng luận của Saussure khi coi ngôn ngữ như một công cụ chứ không phải một vật thể. Khái niệm chức năng vừa hình thành tính tự chủ của hệ thống vừa liên kết nó với môi trường mà nó hoạt động. Khái niệm chức năng cho phép xác định hệ thống bằng cách cung cấp nguyên tắc theo đó hệ thống được tạo dựng. Bằng cách này, có thể xác định đồng thời các yếu tố của hệ thống, các yếu tố được xác định liên quan đến vai trò chức năng của chúng trong hệ thống và xác định các mối quan hệ hệ thống giữa các yếu tố đó.
Chỉ có khái niệm chức năng có thể phân biệt được giữa các quan hệ thích hợp và không thích hợp về phương diện ngôn ngữ học, và do đó có thể phân biệt giữa các đặc điểm thích hợp và không thích hợp về phương diện ngôn ngữ của các yếu tố thuộc hệ thống. Mounin đặc biệt thẳng thừng khi nhấn mạnh vào tính trung tâm của khái niệm chức năng trong ngôn ngữ học cấu trúc: “Có cấu trúc bởi vì có sự lựa chọn trong việc sắp xếp các đơn vị. Tiêu chí của sự lựa chọn này là gì? Nó là chức năng, một khái niệm cơ bản của ngôn ngữ học cấu trúc. Mỗi khi bất kỳ ai đề cập đến cấu trúc luận trong khoa học nhân văn mà không đồng thời đề cập đến chức năng luận, trong khi tuyên bố sử dụng các mô hình do ngôn ngữ học cấu trúc mang lại, thì có lý do để tin rằng người ta đang được nghe những lời lảm nhảm thuần túy, hoặc thậm chí là một chứng vẹt ngôn hoàn toàn trống rỗng”.12
Sự can thiệp của khái niệm chức năng ngụ ý bước đột phá quyết định với tâm lý luận vốn vẫn là đặc trưng trong công trình của Saussure. Trubetzkoj, bất chấp những gợi ý ban đầu về tâm lý luận, đã dứt khoát: “Phải tránh sử dụng tâm lý học trong việc xác định âm vị vì âm vị là một khái niệm ngôn ngữ học chứ không phải một khái niệm tâm lý học. Bất kỳ tham chiếu nào đến “ý thức ngôn ngữ” cũng phải bị bỏ qua trong việc xác định âm vị”.13
Để làm rõ cơ sở chức năng của ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học của Trường phái Praha đã loại bỏ ngôn ngữ học của bất kỳ loại diễn giải nào về ngôn ngữ theo khuôn khổ hiện thực tâm lý, dù là cá nhân hay tập thể, ý thức hay vô thức. Các quan hệ cấu thành hệ thống đang được đề cập rõ ràng là quan hệ chức năng chứ không phải quan hệ tâm lý. Việc khảo sát các hàm ý tâm lý trong các phát hiện của ngôn ngữ học phải được để lại cho tâm lý học, nhưng không có hàm ý nhất thiết rằng hệ thống được xác định bởi chức năng có bất kỳ hiện thực tâm lý nào.
Một mặt, khi công phá thực chứng luận Saussurean, các nhà ngôn ngữ học của Trường phái Praha cũng đã phá vỡ sự đối lập cứng nhắc Saussurean giữa langue ngôn ngữ và parole lời nói, mặt khác là giữa đồng đại và lịch đại. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ và lời nói, mặc dù có giá trị phương pháp luận, nhưng lại tạo thành một rào cản nếu được nâng lên cấp độ hữu thể luận.
Sự phản đối với tính cứng nhắc của việc phân chia giữa langue ngôn ngữ và parole lời nói đã được đưa ra ngay cả trước khi xuất hiện Trường phái Praha trong công trình của các Nhà hình thức luận Nga. Những người Hình thức luận xem lời nói không chỉ đơn giản là sự nhận biết ngôn ngữ, mà còn là hành động sáng tạo mang ngôn ngữ vào cuộc sống, trong đó ý nghĩa có thể được tạo ra bằng cách phá vỡ các quy tắc cũng như bằng cách đơn thuần áp dụng chúng, và trong các hình thức diễn ngôn thi ca mà các phương tiện như vậy của việc khai thác đầy đủ các nguồn tài nguyên của ngôn ngữ là phổ biến.
Điều này tự nhiên dẫn đến ý tưởng về parole lời nói như là đổi mới vĩnh viễn, dẫn đến một phép biện chứng trong đó mọi hành động nói đều có xu hướng kéo căng các nguồn lực của ngôn ngữ và bằng việc kéo căng ra để thay đổi chúng. Do đó, langue ngôn ngữ được xem như một tập hợp các quy ước ngôn ngữ học (hay các chuẩn mực xã hội) được khai thác thay vì ứng dụng, và việc khai thác chúng làm cơ sở cho tính lâu dài không thuộc các phạm trù và hình thức ngôn ngữ học mà là sự thay đổi ngôn ngữ học. Do đó, quan niệm sửa đổi về mối quan hệ giữa langue ngôn ngữ và parole lời nói hay “mã” và “thông điệp”, tự nhiên dẫn đến sự thay đổi quan niệm về mối quan hệ giữa tính đồng đại và tính lịch đại.
Trong nhiều nghiên cứu của mình, Jakobson đã rất quan tâm đến mối quan hệ giữa mã và thông điệp, không chỉ trong thi pháp học mà còn, chẳng hạn, trong phân tích của ông về những “bộ chuyển dịch” tích hợp mã và thông điệp. Gần đây hơn, ông đã đề cập đến “tính thống nhất biện chứng không thể hòa tan langue ngôn ngữ/ parole lời nói” khi tố cáo việc chia tách biệt cả nhân tố đó, bằng cách kết luận rằng “nếu không có sự đối đầu của mã với các thông điệp, thì không thể có được cái nhìn sâu sắc về sức mạnh sáng tạo của ngôn ngữ”.14
Jakobson thậm chí còn nhấn mạnh hơn về sự cần thiết phải dung hòa giữa tính đồng đại và tính lịch đại. Các luận đề năm 1928 của ông rất rõ ràng: “Sự đối lập giữa phân tích đồng đại và lịch đại đã đối lập quan niệm hệ thống với quan niệm tiến hóa. Giờ đây, tầm quan trọng cơ bản đã mất đi khi chúng ta nhận ra rằng mọi hệ thống nhất thiết phải hiện diện trước chúng ta như một bước tiến hóa, và mọi tiến hóa chắc chắn phải có đặc tính hệ thống”.15
Việc từ bỏ quan điểm thực chứng luận về ngôn ngữ để có một quan niệm biện chứng hơn coi khách quan luận là một thời điểm được cấu thành về mặt phương pháp luận của một quá trình khoa học, xem xét cả các yếu tố chủ quan và khách quan làm cho sự phát triển của quan điểm về ngôn ngữ có thể vượt khỏi tính một chiều của viễn kiến thực chứng luận.
gôn ngữ không còn được xem như là một khuôn khổ tinh thần tĩnh tại mà như một mã xác định về mặt xã hội dành cho các thành viên của xã hội. Mã này cấu thành một hệ thống, nhưng là một hệ thống không ngừng tiễn hóa. Do đó, không có sự đối lập giữa cách giải thích hệ thống và cách giải thích lịch sử, vì cả hai đều xử lý cùng một sự vật. Lối giải thích hệ thống tìm cách để hiểu một hệ thống đang tiến hóa, trong khi lối giải thích lịch sử cũng tìm cách hiểu một hệ thống đang tiến hóa. Cả hai được hòa giải ngay khi người ta nhận ra rằng hiện thực duy nhất của ngôn ngữ là được các chủ thể người sử dụng như một công cụ.
Các nhà Hình thức luận Nga lần đầu tiên phát triển cách tiếp cận cấu trúc đối với ngôn ngữ trong việc phân tích chức năng thi ca, được định nghĩa bằng sự tập trung vào thông điệp vì lợi ích của chính nó.
Lý do lý thuyết cho việc nhấn mạnh đến chức năng thi ca là rất quan trọng, bởi vì chỉ sự định hướng đến đặc tính thông điệp của chức năng thi ca mới có thể phân tích được ngôn ngữ thi ca mà không cần tham chiếu đến bất kỳ nghĩa bên ngoài nào: nghĩa được tạo ra bởi sự hình thành của các mối quan hệ bên trong ngôn ngữ và do đó việc phân tích chức năng thi ca cho thấy cách thức tạo ra các mối quan hệ cấu trúc bên trong thông điệp tạo ra ý nghĩa thi ca của một công trình.
Jakobson nhấn mạnh rằng thi ca không thể bị quy giản thành chức năng thi ca hoặc ngược lại. Trong bất kỳ diễn ngôn nào, chúng ta đang gặp phải một hệ thống phân cấp các chức năng. Trong thi ca, chức năng thi ca là chủ đạo, nhưng các thể loại thi ca khác nhau bao hàm một thứ hạng khác nhau của các chức năng khác nhau, vì vậy, chẳng hạn, trong thơ sử thi, chức năng quy chiếu được bao hàm mạnh mẽ, trong thơ trữ tình, là chức năng cảm xúc, v.v.
Hình thức luận cực đoan đã mắc sai lầm khi đồng nhất thi ca với chức năng thi ca và vì vậy tin rằng thi ca có thể được quy giản thành các quan hệ cấu trúc được thiết lập trong một bài thơ, mà không có bất kỳ quy chiếu nào vượt ra ngoài các yếu tố khác của hệ thống giao tiếp. Điều này bỏ qua cả thực tế là thi ca chỉ là một trong vài chức năng và bỏ qua thực tế là chức năng thi ca chỉ được xác định trong khuôn khổ giao tiếp, do đó ý nghĩa của các quan hệ cấu trúc được thiết lập trong bài thơ không thể được xác định một cách độc lập với nhà thơ là người tạo ra bài thơ hoặc người nghe mà nhờ kẻ đó mà thơ có ý nghĩa. Các quan hệ cấu trúc trong bài thơ là phương tiện mà ý nghĩa thi ca được truyền đạt từ nhà thơ sang người nghe bài thơ và không tồn tại bên ngoài bối cảnh chức năng đó.
Trong ngôn ngữ học, Trường phái Praha tập trung vào hệ thống âm thanh của ngôn ngữ bởi vì, như trong nghiên cứu về chức năng thi ca của ngôn ngữ, ở đây có thể nghiên cứu một khía cạnh của các thuộc tính cấu trúc của ngôn ngữ mà không cần quy chiếu đến ý nghĩa bên ngoài. Điều này là do ngôn ngữ là cái mà Martinet gọi là “hệ thống khớp nối kép”, được cấu thành trên bình diện biểu hiện bởi sự kết hợp của các yếu tố (âm vị) tự chúng không có nghĩa.
Trubetzkoj là người đi tiên phong trong việc ứng dụng các nguyên tắc chức năng của ngôn ngữ học của Trường phái Praha vào âm vị học. Ông giới hạn âm vị học trong việc nghiên cứu âm thanh trong chức năng tham chiếu của nó, để lại việc nghiên cứu các chức năng khác của nó cho phong cách ngữ âm học. Ở cấp độ này, các tính năng âm thanh có ba chức năng: xác định cực điểm, phân định và phân biệt. Đặc điểm phân biệt là dựa trên sự đối lập giữa các âm thanh giúp phân biệt các đơn vị ngôn ngữ với nhau.
Nếu chúng ta tập trung chú ý vào chức năng đặc biệt của hệ thống âm thanh, thì rõ ràng là các đặc trưng nội tại của âm thanh ngôn ngữ lại không liên quan. Vấn đề quan trọng là các âm thanh có ý nghĩa khác nhau phải được phân biệt với nhau. Do đó, hệ thống âm thanh của ngôn ngữ có thể được phân tích, từ quan điểm của chức năng phân biệt, chỉ trong khuôn khổ các mối quan hệ giữa các âm thanh: hệ thống âm thanh của một ngôn ngữ nhất định có thể được quy giản thành một loạt phân biệt chức năng, một cấu trúc quan hệ phân biệt. Tương ứng với việc học nói và hiểu một ngôn ngữ bao gồm việc học cách nhận biết và tái tạo những khác biệt đáng kể này.
Đây là tầm quan trọng của âm vị học thuộc Trường phái Praha đối với Lévi-Strauss, vì nó giúp quy giản hệ thống âm thanh thành một cấu trúc thuần túy hình thức, trong đó tầm quan trọng của các âm thanh khác nhau được quy giản thành các mối quan hệ của chúng với các âm thanh khác trong hệ thống. Do đó, hệ thống có thể được quy giản thành cấu trúc hình thức.
Tuy nhiên, cấu trúc này không phải là thứ vốn có trong hệ thống âm thanh như một vật thể trơ, chứ đừng nói là thứ do tâm trí áp đặt, mặc dù nó phải được tâm trí đồng hóa nếu muốn học và hiểu một ngôn ngữ. Cấu trúc là sản phẩm của trừu tượng hóa, một sự trừu tượng bỏ qua tất cả, trừ chức năng phân biệt của hệ thống âm thanh, sao cho cấu trúc được phân lập trên cơ sở của một lập luận chức năng, và không thể được hiểu tách rời khỏi chức năng đó. Điều này được thấy rõ nhất bằng cách nhận ra rằng không phải tất cả mọi đối lập giữa các âm thanh đều mang tính biểu đạt về mặt ngôn ngữ học. Nói cách khác, không phải tất cả các mặt đối lập đều có tính phân biệt, và nó chỉ liên quan đến chức năng ngôn ngữ học là phân biệt ý nghĩa, và liên quan đến ngữ cảnh ngôn ngữ học mà âm thanh xuất hiện, điều đó có thể xác định những đối lập nào xác định các đặc điểm phân biệt của hệ thống âm thanh.
Trong bất kỳ ngữ cảnh cụ thể nào, thì một âm vị cũng sẽ đối lập với những âm vị khác không phải như một toàn bộ, mà chỉ bởi những đặc điểm ngữ âm đó xác định tính phân biệt chức năng của nó. Ý tưởng cho rằng chức năng phân biệt của âm thanh không được sử dụng bởi âm vị mà bởi sự đối lập phân biệt giữa các đặc điểm nhất định của âm vị dẫn Jakobson đến kết luận rằng âm vị nên được phân tách thành các đặc điểm cấu thành của nó, những đặc điểm đó chỉ được nhận dạng như một phần của hệ thống các đặc điểm phân biệt. Nếu điều này có thể được thực hiện, thì hệ thống âm vị có thể được quy giản thành một hệ thống đơn giản hơn và cơ bản hơn của các đặc điểm phân biệt, khi đó mỗi âm vị được đặc trưng như một nhóm các đặc điểm phân biệt.
Nếu các đặc điểm phân biệt đã được phân lập có thể được khẳng định là phổ quát thì một tập đơn các đặc điểm phân biệt có thể được sử dụng để đặc trưng hóa và tạo ra hệ thống âm thanh của mọi ngôn ngữ tự nhiên. Khi Lévi-Strauss gặp Jakobson ở New York vào đầu những năm 1940, Jakobson đang nghiên cứu vấn đề phân lập các đặc điểm phân biệt như vậy và thể hiện chúng dưới dạng nhị phân. Chính sự phân tích cấu trúc này mà Lévi-Strauss cảm thấy đồng quy với công trình của ông.
Có thể bị cho là nghịch lý khi Trường phái Praha, vốn nhấn mạnh vào đặc tính mục đích luận của ngôn ngữ như một hệ thống biện chứng và năng động liên quan đến nhu cầu giao tiếp của cộng đồng người nói, lẽ ra phải đi tiên phong trong phân tích âm thanh mang tính nội tại, mang tính cấu trúc, như một hệ thống đồng đại. Nghịch lý được giải quyết khi chúng ta đánh giá cao cấu trúc đồng đại này thể hiện sự trừu tượng hóa từ hệ thống ngôn ngữ năng động, một trừu tượng hóa được hợp thức trên cơ sở phương pháp luận chứ không dựa trên cơ sở hữu thể luận hay nhận thức luận.
Trừu tượng hóa này là hợp thức bởi vì sự khớp nối kép của ngôn ngữ và đặc tính võ đoán tương ứng của dấu hiệu ngôn ngữ, làm cho nó có thể phân tích chức năng phân biệt của hệ thống âm thanh ngôn ngữ mà không cần tham chiếu đến ý nghĩa bên ngoài, và do đó, để tập trung sự chú ý, đối với mục đích hạn chế của việc khảo sát chức năng đó, vào các quan hệ nội bộ với mã ngôn ngữ học. Trong chừng mực mà dấu hiệu ngôn ngữ là võ đoán, thì những phẩm chất vốn có của cái biểu đạt không đóng bất kỳ vai trò gì trong chức năng ngôn ngữ học của nó và vì vậy dấu hiệu có thể được phân tích một cách trừu tượng khi xem xét nghĩa.
Việc đề cập đến khái niệm chức năng ngôn ngữ học chỉ cho phép chúng ta hợp thức hóa phương pháp phân tích cấu trúc phù hợp với việc nghiên cứu các đặc điểm phân biệt của hệ thống âm thanh ngôn ngữ. Khái niệm chức năng cho chúng ta thấy rằng ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp: không có bất cứ cái gì trong sự tồn tại của ngôn ngữ với tư cách là một đối tượng cho chúng ta biết về thực tế này, nó chỉ có thể được bộc lộ bằng cách tham chiếu đến một chủ ý giao tiếp nằm sau các lời nói mang tính ngôn ngữ học.
Chỉ có khái niệm chức năng cho thấy những phẩm chất thực chứng của âm thanh mới không thực hiện chức năng ngôn ngữ thiết yếu, mà ở chỗ chức năng chính của các âm thanh cơ bản của ngôn ngữ mới là chức năng phân biệt. Đồng thời, nó chỉ đề cập đến khái niệm chức năng ngôn ngữ học thứ cho phép chúng ta đặt ra các giới hạn đối với việc áp dụng phương pháp cấu trúc, đặc biệt là bộc lộ rằng chỉ ở những nơi có tính hợp thức để trừu tượng hóa từ việc xem xét ý nghĩa bên ngoài mà nó là hợp thức để giới hạn sự chú ý của chúng ta vào các kết nối cấu trúc bên trong.
Chính khái niệm chức năng, và sự tích hợp của hình thức và chức năng trong phân tích ngôn ngữ, tạo nền tảng cho tất cả những gì hữu ích trong Hình thức luận Nga và trong ngôn ngữ học thuộc Trường phái Praha. Hình thức luận Nga đã phân lập chức năng thi ca của ngôn ngữ khi phân tích cái mà tất cả các tham chiếu đến hiện thực ngoài-ngôn ngữ học đều có thể bị loại trừ vì chức năng thi ca được sử dụng bởi việc ngôn ngữ coi chính nó như là cái được biểu đạt của nó: nó đại diện cho việc sử dụng siêu ngôn ngữ học trong đó các ý nghĩa mới được tạo ra bằng cách vận dụng các ý nghĩa ngôn ngữ học đã được thiết lập, có thể được coi là đương nhiên cho mục đích phân tích.
Ngôn ngữ học thuộc Trường phái Praha được phân lập cho một nghiên cứu đặc biệt mà chức năng phân biệt của âm thanh trong ngôn ngữ trong nghiên cứu mà một lần nữa, các cân nhắc ngoài ngôn ngữ có thể bị loại trừ một cách hợp thức (mặc dù việc phân tích hệ thống âm thanh trên thực tế không thể được thực hiện bằng cách trừu tượng hóa hoàn toàn từ ý nghĩa: vì âm vị là một khái niệm chức năng mà không phải là một hiện thực âm học vật chất, cho nên việc đồng nhất của một âm vị và sự khác biệt của nó với những âm vị khác chỉ có thể được xác định về mặt chức năng, bằng cách tham chiếu đến sự đồng nhất và sự khác biệt về ý nghĩa).
Trong mỗi trường hợp, phương pháp phân tích nội tại mang tính “cấu trúc”, trong đó các thuộc tính của ngôn ngữ đang xem xét được coi là bao gồm các mối quan hệ bên trong ngôn ngữ (hoặc, trong trường hợp thi ca, siêu ngôn ngữ), chỉ được hợp thức hóa bằng cách tham chiếu đến khái niệm chức năng. Do đó, không phải ngôn ngữ theo nghĩa đen, cũng không phải tâm trí của người sử dụng ngôn ngữ, là có tính cấu trúc. Thay vào đó các thuộc tính nhất định của ngôn ngữ có thể được giải thích bằng khuôn khổ nội tại.
Khi chúng ta vượt ra ngoài việc xem xét chức năng phân biệt của hệ thống âm thanh của ngôn ngữ, thì việc phân tích cấu trúc nội tại không còn hợp thức nữa, vì nó không còn hợp thức để phân lập ngôn ngữ khỏi ngữ cảnh của nó, và đặc biệt là khỏi việc xem xét ý nghĩa. Ví dụ, trong hệ thống âm thanh, việc nghiên cứu các đặc điểm ngôn điệu không thể loại trừ việc tham chiếu đến ý nghĩa và không thể tự giới hạn bản thân nó vào phân tích cấu trúc, đặc biệt là vì một số đặc điểm như vậy (ngữ điệu chẳng hạn) không rời rạc và do đó không thể xác định ngược lại. Việc loại trừ xem xét ý nghĩa càng trở nên kém hợp thức khi chúng ta chuyển từ nghiên cứu hệ thống âm thanh sang nghiên cứu cú pháp của ngôn ngữ.
Ví dụ, trọng tâm trong sự nghiệp của Chomsky là niềm tin rằng có thể phân biệt giữa tính đúng ngữ pháp và tính có nghĩa như là các tiêu chí để đánh giá khả năng chấp nhận của các câu. Nếu “đúng ngữ pháp” cũng giống với “hợp logic” thì không có vấn đề gì trong việc phân biệt các tiêu chí: một tuyên bố có thể được chấp nhận về mặt logic nhưng vô nghĩa hoặc sai. Tuy nhiên, cấu trúc ngữ pháp của các ngôn ngữ tự nhiên không tương ứng với cấu trúc logic của chúng, do đó tính đúng ngữ pháp chỉ có thể đề cập đến việc tuân thủ các quy tắc ngữ pháp chi phối ngôn ngữ đó, điều này dẫn Chomsky đi thẳng vào tính tuần hoàn mà tôi đã thảo luận trong phần trước.
Trên thực tế, Chomsky đã nhiều lần thay đổi suy nghĩ của mình về bản chất của ranh giới phân chia giữa các tiêu chí về khả năng chấp nhận đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa, làm rõ ràng đặc tính võ đoán của sự phân chia trong ngôn ngữ học của ông. Kết luận có vẻ rõ ràng. Nếu chúng ta muốn hiểu tại sao cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ không tương ứng với cấu trúc logic của nó, thì chúng ta phải nói đến chức năng của ngôn ngữ.
Chức năng của một siêu ngôn ngữ khoa học nhân tạo là cung cấp một hình thức rõ ràng để diễn đạt và khảo sát tính nhất quán của một loạt các câu lệnh, và vì vậy cú pháp của nó là logic. Một ngôn ngữ tự nhiên có hàng loạt nhu cầu đa dạng hơn được đặt ra như phương tiện biểu đạt và giao tiếp.
Cú pháp của nó phải chịu một áp lực lớn hơn nhiều, vì vậy chúng ta không mong đợi cú pháp đó tương ứng với cú pháp logic của một ngôn ngữ nhân tạo. Chỉ bằng cách nghiên cứu các chức năng của ngôn ngữ, và do đó, những ràng buộc mà nó phải đối mặt trong việc sử dụng hàng ngày, thì ngôn ngữ học mới có thể thiết lập được các mối quan hệ cú pháp thích hợp trong ngôn ngữ. Do đó, cú pháp của một ngôn ngữ tự nhiên không thể được khám phá bằng cách trừu tượng hóa khỏi ngữ cảnh mà ngôn ngữ đó vận hành như một ngôn ngữ tự nhiên. Chỉ bởi vì thực chứng luận tách rời ngôn ngữ khỏi ngữ cảnh này, và cxem xét nó tách biệt khỏi những áp lực đã tạo ra nó như một ngôn ngữ, dó đó người ta mới có thể quy giản ngôn ngữ thành một cấu trúc hình thức, suy cho cùng, là võ đoán về mặt ngôn ngữ.
_____________________________________________
Còn nữa…
Nguồn: Clarke, Simon (1981). The Foundations of Structuralism – a Critique of Lévi-Strauss and the Structuralist Movement, Lecturer in Sociology, University of Warwick, First published in Great Britain in 1981 by The Harvester Press Limited Publisher.
Tác giả: Simon Clarke (sinh ngày 26 tháng 3 năm 1946) là một nhà xã hội học người Anh chuyên về lý thuyết xã hội, kinh tế chính trị, quan hệ lao động và lịch sử xã hội học. Ông đặc biệt quan tâm đến quan hệ việc làm ở Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Ông là Giáo sư danh dự về xã hội học tại Đại học Warwick. Simon Clarke sinh ra ở London, là con trai của nhà văn Tom Clarke. Ông tốt nghiệp Đại học Cambridge năm 1967 với bằng kinh tế hạng nhất. Sau một năm giảng dạy kinh tế tại Khoa Kinh tế Chính trị của Đại học College London, Clarke bắt đầu học tiến sĩ tại Đại học Essex, luận án của ông có tựa đề “Cấu trúc luận của Claude Lévy-Strauss”. Năm 1972, Simon Clarke gia nhập Khoa Xã hội học tại Đại học Warwick, nơi ông vẫn làm việc cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2009. Trong những năm 1970 và 1980, Simon Clarke được biết đến nhiều nhất với các công trình của ông trong lĩnh vực lý thuyết xã hội và kinh tế chính trị. Công việc ban đầu của ông tập trung vào gốc rễ của xã hội học hiện đại, phê phán cấu trúc luận và xem xét lịch sử của ngành này từ nguồn gốc của nền kinh tế chính trị cổ điển đến hình thức hiện đại của nó. Năm 1990, Simon Clarke đã có một loạt bài giảng cho một nhóm các nhà xã hội học trẻ tuổi của Liên Xô tại Viện Thanh niên ở Moscow. Năm 1998, chương trình nghiên cứu đã được mở rộng để bao gồm các tổ chức công đoàn hậu xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc và Việt Nam.
Ghi chú
1. F. de Saussure, Course of General Linguistics, Fontana, London, 1974, pp. 15, 66.
2. Ibid., p. 122.
3. Ibid., pp. 112-3.
4. TT, p. 55.
5. Saussure, op. cit., pp. 81, 90, 99-100.
6. Ibid., pp. 74, 79.
7. R. Jakobson, Word and Language, Mouton, The Hague, 1971, p. 711.
8. N. Chomsky, 'Review of B. F. Skinner, Verbal Behaviour,' Language, 35,1,1959, pp. 26-58.
9. N. Chomsky and M. Halle, The Sound Pattern of English, Harper & Row, New York, 1968, p. 4.
10. P. Peters and R. Ritchie, 'A Note on the Universal Base Hypothesis'.Journal of Linguistics, 5, 1969, p. 150.
11. R. Jakobson, 'Linguistics' in International Study on the Main Trends of Research in the Social and Human Sciences, Mouton, The Hague, 1970, p. 430.
12. G. Mounin, Clefs pour la Linguistique, Seghers, Paris, 1968, p. 96.
13. N. Trubetzkoj, Principles of Phonology, University of California Press, Berkeley, 1969, p. 38. 14. Jakobson, 1970, op. cit., p. 458.
15. R. Jakobson and J. Tyanyanov, 'Problems of Literary and Linguistic Studies', New Left Review, 37, 1966, p. 60.
Các tác giả được đề cập
Achinstein P. and S. Barker (eds): The Legacy of Logical Positivism, Johns Hopkins University Press, 1969.
Bloomfield M.: Language, Allen & Unwin, 1957.
Cassirer E. : 'Structuralism in Modern Linguistics', Word, 1945.
Chomsky N.: Syntactic Structures, Mouton, 1957.
----------: 'Review of B. F. Skinner: Verbal Behaviour', Language, 1959.
----------: Aspects of the Theory of Syntax, M I T Press, 1965.
----------: Topics in the Theory of Generative Grammar, Mouton, 1966.
----------: Cartesian Linguistics, Harper & Row, 1966.
----------: Current Issues in Linguistic Theory, Mouton, 1967.
----------: Studies on Semantics in Generative Grammar, Mouton, 1972.
Chomsky N. and M. Halle: The Sound Pattern of English, Harper & Row, 1968.
M. Cohen: 'Quelques notations historiques et critiques autour du structuralisme en linguistique', Pensée, 1967.
Derwing B.: Transformational Grammar as a Theory of Language Acquisition, CUP, 1973.
Dubois J.: 'Structuralisme et linguistique', Pensée, 1967.
Erlich V.: Russian Formalism, Mouton, 1955.
Fodor J. and J. Katz (eds): The Structure of Language, Prentice Hall, 1964.
Garvin P. : On Linguistic Method, Mouton, 1964.
Harman G. (ed.): On Noam Chomsky, Doubleday, 1974.
Harris Z.: Methods in Structural Linguistics, University of Chicago Press, 1951.
Hjelmslev L. : Prolegomena to a Theory of Language, Waverly Press, 1953.
Hockett C.: The State of the Art, Mouton, 1968.
Hook S. (ed.): Language and Philosophy, New York University Press, 1969.
Holenstein E.: Roman Jakobson's Approach to Language, Indiana University Press, 1976.
Jakobson R.: 'The Notion of Grammatical Meaning According to Boas', American Anthropologist, memoir 89, 1959.
-------- (ed.): The Structure of Language and its Mathematical Aspects, Proceedings of the 12th Symposium in Applied Mathematics, American Mathematical Society, 1961.
--------: 'Linguistics and Poetics', in T. Sebeok (ed.): Style in Language, MIT Press, 1966.
--------: Selected Writings, Mouton, 1966.
--------: 'Linguistics', in International Study on the Main Trends of Research in the Social and Human Sciences, Mouton, 1970.
--------: Word and Language, Mouton, 1971.
--------: Six Lectures on Sound and Meaning, Harvester, 1978.
Jakobson R. and J. Tynyanov: 'Problems of Literary and Linguistic Studies', New Left Review, 37, 1966.
Katz J. : 'Mentalism in Linguistics', Language, 1964.
Katz J. : The Philosophy of Language, Harper & Row, 1966.
Kolakowski L. : Edmund Husserl and the Search for Certitude, Yale University Press, 1975.
Krige J.: Science, Revolution, Discontinuity, Harvester, 1979.
Lepschy G. : A Survey of Structural Linguistics, Faber, 1970.
Lyons J. : Introduction to Theoretical Linguistics, CUP, 1968.
---------: Chomsky, Fontana, 1977.
Martinet A. : A Functional View of Language, OUP, 1962.
Mounin G. : Clefs pour la Linguistique, Seghers, 1968.
----------: Saussure, Seghers, 1968.
Peters P. and R. Ritchie: 'A Note on the Universal Base Hypothesis', Journal of Linguistics, 1969.
Quine W.: Word and Object, M I T Press, 1960.
de Saussure F. : Course of General Linguistics, Fontana, 1974.
Searle J. : 'Review of N. Chomsky: Reflections on Language', Times Literary Supplement, 10 September, 1976.
Stegmüller E. : Main Currents in Contemporary German, British and American Philosophy, Reidel, 1969.
Trubetskoi N. : Principles of Phonology, University of California Press, 1969.
Vachek (ed.) J. : A Prague School Reader in Linguistics, Indiana University Press, 1964.
Volosinov V. (M. Baxtin): Marxism and the Philosophy of Language, Seminar, 1973.
Wilks Y.: 'Review of N. Chomsky: Current Issues', Linguistics, 1967.
----------: Grammar, Meaning and the Machine Analysis of Language, Routledge & Kegan Paul, 1972.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét