Powered By Blogger

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

Phép tường giải

Phép tường giải

Lawn, Chris and Niall Keane*

Người dịch: Hà Hữu Nga

Từ nguyên của từhermeneutics’ - phép tường giải - thể hiện một hợp nghĩa có nguồn gốc t các quan niệm khác nhau về bản thân khái niệm này. Nguyên gốc của thuật ngữ hermeneutics từ hermeneia (ἑρμηνεία) trong tiếng Hy lạp (từ động từ hermeneuein (ἑρμηνεύειν), có nghĩa là giải thích hay phiên dịch), theo đó tương ứng với từ interpretari giải thích trong tiếng Latin, và là từ căn của các từ phái sinh khác như hermeneus (ἑρμηνεύς) – người giải thích, người dịch, hermeneutikos (ἑρμηνευτῐκός) – thuộc về việc diễn giải, việc dịch. Các học giả đã xác nhận mối liên hệ mật thiết giữa các từ 'phép tường giải', 'từ' và 'ngôn ngữ' không chỉ liên quan với từ verbum tiếng La-tinh, hay Wort trong tiếng Đức, mà còn nhấn mạnh sự khác biệt giữa nghĩa truyền thống của hermeneia dùng để chỉ bất cứ hoạt động diễn giải nào.

Nói chung, thuật ngữ này được cho là đa nghĩa, từ nghệ thuật tu từ như một ý nghĩ không được lẩy ra từ cõi mơ hồ đến sự hiển minh của cách thể hiện ngôn ngữ; việc dịch từ một ngôn ngữ này qua một ngôn ngữ khác; việc bình luận; một cách diễn giải về những vướng mắc nghĩa và việc giải thích các văn bản, bất kể đó có thể là tôn giáo hay luật pháp. Khái niệm phép tường giải được phát triển trong triết học đương đại, bao quát không chỉ các vấn đề liên quan đến việc diễn giải các văn bản - văn học, triết học hay tôn giáo - mà còn xem xét cẩn thận cả các điều kiện văn hóa và lịch sử tạo thành tầm nhận thức của văn bản, cấu thành tầm nhận thức của người diễn giải về ‘tiền-nhận thức’. Sự phân nhánh phức tạp của thuật ngữ 'phép tường giải' bắt nguồn từ sự kết nối của tất cả các ý nghĩa đó bao gồm cả các kỹ năng diễn giải văn bản (triết học, ngôn ngữ hoặc tôn giáo).

Cội nguồn ý nghĩa của phép tường giải còn được gắn kết với hermeneus (ἑρμηνεύς), một danh từ có thể liên hệ đến vị thần Hy Lạp Hermes (Ἑρμῆς). Hermes là sứ giả của các vị thần và mang thông điệp về số phận như một chỉ dẫn ở cõi âm. Các tham khảo về Hermes, và bản chất của vị thần với tư cách là sứ giả của các thần, được thấy trong việc sử dụng các nhân vật trung gian của Plato, là  các vịquyền năng giàn xếpdiễn giải. Ví dụ, trong sách Symposium của Plato thì Eros có nhiệm vụ diễn giải ‘giữa các vị thần và con người, truyền đạt và chuyển giao đến các thần những lời cầu nguyện và lễ hiến sinh của con người, và chuyển giao cho con người các sứ điệp và lời đáp của các vị thần. Thần chính là người hòa giải nối liền hố ngăn cách giữa các thần và người, và do đó nhờ có thần mà thế giới linh thánh và thế giới trần tục gắn bó với nhau ' (Symposium, 202d).

Chẳng hạn, bằng việc kết nối từ nguyên giữa Hermeshermeneutics, Heidegger nhấn mạnh rằng phép tường giải là việc lắng nghe ý nghĩa ẩn giấu hoặc ngập chìm trong ngôn ngữ, và vượt thoát khỏi việc phân tích cần thiết về các điều kiện của nhận thức của con người: chính những ý nghĩa này mang thông điệp của từ và đòi hỏi tiếp nhận và diễn giải thông điệp. Vì vậy thần thoại về Hermes tượng trưng cho bất kỳ giao tiếp qua trung gian nào: trước hết, đó là kẻ hòa giải giữa các vị thần và con người, nhưng đó còn là sự dàn xếp giữa suy tư của con người qua lời nói và chữ viết, hòa giải giữa lặng thinh và diễn ngôn, và thậm chí sâu sắc hơn, đó còn là sự hòa giải giữa chân và giả, giữa sáng và tối, giữa ẩn và hiện. Nhưng bất kể mối gắn kết hiện thực nào giữa phép tường giải về phương diện từ nguyên với Hermes, thì ngôn ngữ tượng trưng của nó vẫn giúp chúng ta hiểu được một loạt các ý nghĩa hoạt tác trong phép tường giải đương đại mà nếu không sẽ bị mất đi, đặc biệt là những ý nghĩa liên quan đến ngôn ngữ khi ta lắng nghe một từ. Quan  niệm truyền thống về phép tường giải, bằng cách tự giới hạn trong lĩnh vực diễn giải văn bản thuần túy, thực tế đã trở thành phép diễn giải kỹ thuật, tức là một diễn giải mang tính triết học, mà quên rằng diễn giải chủ yếu là một quá trình sống còn của việc tìm ra chân lý thông qua việc lắng nghe chứ không chỉ là một phương pháp luận hình thức để giải mã các ý nghĩa và các cụm nghĩa của các từ.

Về phương diện cội nguồn lịch sử, thì các cội nguồn này phải được tìm kiếm trong quá trình dài, vì nhiều lý do đã dẫn các học giả đầu thế kỷ thứ mười chín đến sự thừa nhận quyền tự trị của phép tường giải trong bối cảnh triết học. Các học giả nhấn mạnh một cội nguồn lịch sử kép: một mặt, cội nguồn này cần phải được tìm ra bằng các suy tư xung quanh việc nhận thức của người Hy Lạp và cách biểu hiện chân lý bằng phương tiện logos (λόγος), và mặt khác, bằng việc diễn giải Kinh Thánh theo truyền thống Cơ đốc giáo-Do thái (Judeo-Christian). Đặc biệt, phép tường giải đương đại thường phát triển và đáp ứng các nguyên tắc và vấn đề cội nguồn nảy sinh trong bối cảnh diễn giải các kinh thánh lối truyền thừa lịch sử về nhận thức của họ. Thật vậy, chính các quan niệm về phép tường giải triết học ngày nay - như vòng tường giải, chiều kích tồn tại của nhận thức lịch sử, truyền thống, tính ưu việt của điều không được nói ra, việc ứng dụng, chiều kích đối thoại của kinh nghiệm chân lý - là tất cả các vấn đề có cội nguồn tnhiều con đường mà phép tường giải được cấu hình về phương diện lịch sử trong mối quan hệ với lời kinh thánh.

Ngoài ra, trong cái gọi là các cuộc đối thoại Socratic, Plato trình bày qua nhân vật Socrates một trong những ví dụ quan trọng nhất về cách tường giải đó và đó là bằng chứng hiển nhiên nhất về vai trò thiết yếu của câu hỏi và lời đáp trong cuộc đối thoại. Socrates cho thấy rằng việc biết cách đặt câu hỏi đúng là chìa khóa để biết cách diễn giải và hiểu được bản chất của vấn đề đang thảo luận. Trong quan niệm Socratic về câu hỏi và lời đáp, thì lời đáp đã hàm chứa trong các câu hỏi mà bạn muốn được trả lời, và khi đạt đến trung tâm của vấn đề, thì điều cốt lõi là truy vấn bằng cách hồi tưởng lại chính xác những gì đã biết. Chính quá trình đặt câu hỏi được sử dụng để đưa người nghe hướng đến chân lý, và để cho chân lý được người khác thể hiện và chia sẻ trong cuộc đối thoại. Vì lý do này, Gadamer cho rằng kinh nghiệm tường giải ngụ ý tính ưu việt của đối thoại và cấu trúc của câu hỏi và lời đáp.

Quan niệm về tính ưu việt trong đặt câu hỏi bắt nguồn từ việc Gadamer đọc Plato, ngay cả trong diễn giải thích các văn bản thể hin phiên bản tường giải hiện đại nhất. Chẳng hạn, như được thể hiện trong cuốn Phaedrus của Plato, trong tính ưu trội của từ được nói ra so với từ được viết, thì văn bản viết, bằng cách nào đó, phải trở thành diễn ngôn nói, bằng cách kết nối nó với một cuộc trò chuyện sống động (Phaedrus, 275–276b). Do đó, văn bản không chỉ là một thực tại trơ ì, nhận được các câu hỏi từ người đọc, mà còn là một thực tại sống động, khơi dậy và đưa ra những câu hỏi của riêng nó. Vì vậy, việc diễn giải mang tính tường giải về văn bản có nghĩa là khả năng lắng nghe văn bản, đặt câu hỏi cho văn bản và được các câu hỏi đặt ra cho bạn từ chính nó.

Với nhân vật Socrates mà Plato cố gắng tái xác nhận sự tương phản kịch tính giữa sophia (σοφία), tri thức triết học hoặc khoa học tách rời cuộc sống hàng ngày của con người, và phronesis (φρόνησις) như một tri thức thực tế dẫn đến một cái nhìn sâu sắc về cơ bản là quan trọng đối với cuộc sống con người. Việc tìm kiếm bản chất con người của nhà triết học, con người là gì và con người nên là gì, cần được dẫn dắt bởi trí tuệ thực tế có thể chăm sóc các lợi ích của linh hồn và vận mệnh của con người. Tri thức hoàn toàn mang tính hình thức và trừu tượng, loại tri thức siêu hình, thì không đủ cho cuộc sống tốt đẹp, mà đối với nó thì chỉ có đạo đức học của phronesis mới cho phép tiếp cận. Do đó, triết học có cái tên philosophy của nó không chỉ đơn giản là từ sophia, mà là từ nỗi khao khát của một tình thế hoặc niềm thiết tha đối với nó. Plato tạo ra sức căng, sau đó được nhấn mạnh trong phép tường giải đương đại: diễn giải là kỹ thuật hay nhận thức về chân lý. Việc sử dụng đương đại thuật ngữ 'phép tường giải' bổ sung cho sự xác tín Platonic vốn đã thấy trong đó một chỉ báo về một loại diễn giải hoặc phiên dịch thuần túy kỹ thuật, là thứ không thể nắm bắt được chân lý. Theo Heidegger và Gadamer sau này, việc Plato nhấn rất mạnh vào sự khác biệt giữa phép tường giải được hiểu như một phương tiện kỹ thuật và một triết lý diễn giải và nhận thức điều đó về cơ bản là một sự tán đồng với chân lý đã xuất sinh trong chính từ đó. Plato cũng đề cập đến vấn đề cơ bản cho rằng chân lý không thể tồn tại mà không được kết nối với cái toàn thể: chỉ có việc kiểm nghiệm mang tính biện chứng và phê phán đối với các quan điểm khác nhau mới làm rõ con đường nào là con đường dẫn tới chân lý, và con đường đó chính là mục tiêu của phép tường giải triết học và biện chứng của Gadamer.

Công trình Peri Hermeneias (Bàn về Diễn giải) của Aristotle đưa ra một các giải thích khác về các công thức đầu tiên của vấn đề diễn giải mang tính tường giải trong bối cảnh triết học logos và hiện hữu. Theo các công trình Organon, thì Peri Hermeneias chứa đựng những lập luận chính liên quan đến bản chất của mộtđịnh đề’ hoặc ‘phán đoán’, tức là logos apophantikos (ἀποφαντικὸς λόγος) như một cách thể hiện trong đó có cả chân hoặc giả. Do đó một cách thể hiện hoặc một phán đoán có chứa chân hoặc giả với ý nghĩa, theo logic Aristotle, thì các danh từ và động từ, khi được tách riêng, đều không phải là chân hoặc giả, nhưng lại có thể biểu thị chân hoặc giả khi chúng được kết hợp trong một mệnh đề logic. Do đó, theo Aristotle, không phải tất cả các mệnh đề đều chứa chân hay giả, chỉ những mệnh đề thể hiện một phán đoán về chân lý, và sau đó kết nối các từ để thể hiện ý nghĩa trong việc đưa ra một tham chiếu có chủ ý với thực tại. Do đó những từ cơ bản tạo thành một câu vừa không chứa cả chân lẫn giả, và do đó nằm ngoài vấn đề của phép tường giải, là vấn đề liên quan đến các mệnh đề vừa là các cách thể hiện ngôn ngữ vừa là những cách thể hiện logic của phán đoán.

Không như Plato, phép tường giải của Aristotle cũng là một phép tường giải định đề chứ không phải là phép tường giải của diễn ngôn và ngôn ngữ nói chung, là thứ trái ngược với quan niệm về phép tường giải ngôn ngữ như một tổng thể tính làm sáng tỏ ý nghĩa cho từng từ và câu. Mặt khác, một định đề logic đối với Aristotle chính là một cách thể hiện một hành động trí tuệ. Do đó tính ưu trội của ngôn ngữ với tư cách tầm nhận thức chân lý, trở thành đề tài của triết học tường giải, đã dẫn đến sự đảo ngược luận đề Aristotle được chấp nhận theo truyền thống về tính ưu trội của sự phán đoán hợp lý và mối quan hệ bản chất của nó với chân lý.

Tuy nhiên, có phần quá đơn giản hóa trong việc quy giản Aristotle vào ngữ cảnh của một nghiên cứu phân tích các mệnh đề ngữ pháp-ngôn ngữ. Aristotle cũng đóng góp đáng kể cho một phép tường giải về chân lý, bắt đầu với sự phân biệt quan trọng giữa 'từ diễn đạt' và 'nội từ', làm nổi bật sự khác biệt giữa ‘nói’ và ‘diễn đạt’.

Thứ hai, Peri Hermeneias của Aristotle đã lần đầu tiên khẳng định là trong bất kỳ diễn ngôn nghĩa nào, bất kể bản chất của nó, thì không thể tách rời việc 'sử dụng' chúng ta làm nên các từ từ các cấu trúc ngữ pháp hỗ trợ cho việc sử dụng này, là thứ tối hậu hỗ trợ cho cấu trúc logic của tư duy. Ngữ pháp và logic làm cho việc sử dụng các từ trở nên dễ hiểu trong ngôn ngữ mà nếu không sẽ chỉ là những từ ngữ dùng để chỉ các sự vật hoặc khái niệm. Ngoài ra từ việc thảo luận của Plato trong cuộc đối thoại của linh hồn với chính nó, sự tham gia của linh hồn vào cuộc đối thoại, trong Phaedrus, thì phép tường giải Aristotle khẳng định rằng diễn giảibản thân diễn ngôn và 'âm thanh được khớp nối bằng giọng nói là các biểu tượng của các trạng thái của linh hồn, còn các từ được viết ra chính là biểu tượng của các từ được thốt ra bằng lời nói' (Peri Hermeneias, §l). Do đó, đối với Aristotle, các từ được nói là biểu tượng hoặc dấu hiệu của tình cảm của linh hồn; các từ được viết ra là dấu hiệu của các từ được nói.

Khi coi phép tường giải triết học của Heidegger và cách đọc ban đầu của ông đối với các công trình Đạo đức học Nicomachean (Ἠθικὰ Νικομάχεια), Vật lý học (Φυσικὴ ἀκρόασις) Tu từ học (Ῥητορική) của Aristotle là nền tảng cho sự phản ánh về ý nghĩa nhận thức của con người, Gadamer cho rằng nhận thức không chỉ là một sự kiện tồn tại mà còn là một sự kiện lịch sử, ngôn ngữ và biện chứng. Do đó, phép tường giải triết học của Gadamer được đặc trưng bởi một vận động biện chứng và năng động, không đơn giản chỉ là phân tích và mô tả khi nó phát triển nhận thức về phép tường giải của Heidegger, nhưng lại phục hồi khía cạnh biện chứng hoặc đối thoại của triết học mà Heidegger muốn vượt qua bằng phương tiện bằng cách phê phán nội tại. Yếu tố biện chứng quan trọng này, được thể hiện trong cuốn sách Đạo đức học Biện chứng của Plato từ năm 1931, có được đặc trưng kinh nghiệm và sự dung hợp các tầm nhận thức (Horizontverschmelzung), và vận động đối thoại mang tính biện chứng này được tích nhập và hòa hợp với các cấu trúc của nhận thức tồn tại do Heidegger phát triển.  

Mối quan hệ giữa 'tồn tại lịch sử' và 'nhận thức tường giải' được Gadamer đánh giá dựa trên nhận thức trước đó, không chỉ tồn tại mà thay vào đó, còn là nền tảng tri thức tiền khái niệm, hướng dẫn sự tồn tại lịch sử cụ thể của chúng ta. Quan trọng hơn, tri thức tiền khái niệm này không thể bị giam cầm vì lợi ích của tính thuần khiết khái niệm và sự xác quyết hoàn toàn duy lý. Vượt khỏi, và có lẽ thách thức Heidegger, Gadamer khám phá vấn đề 'ý thức lịch sử' với tư cách là ý thức không chỉ về các điều kiện nhận thức tồn tại, mà còn về tất cả các yếu tố và thành phần liên quan đến 'nhận thức lịch sử' của chúng ta, các yếu tố thiết lập mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ lịch sử của chúng ta.

Khác với Heidegger, Gadamer thành công trong việc xác quyết rằng nhận thức trước đây của chúng ta không chỉ mang tính tồn tại hay là hữu thể luận, mà nó được chèn đầy vào một truyền thống cấu thành tầm nhận thức lịch sử thực sự của hiện hữu ý thức của chúng ta trên thế giới. Định kiến của chúng ta không phải là một cái gì đó trừu tượng hay thuần túy hữu thể luận mà là các sản phẩm của một lịch sử, nói chính xác là truyền thống. Và vì lý do này mà chúng ta phải cam kết với truyền thống lịch sử, điều đó không đơn giản có nghĩa là cuốn vào quá khứ như là nguồn gốc chủ thể tính của chúng ta, mà là thừa nhận trong lịch sử những yếu tố truyền thống hiện diện và khiến tự cảm nhận.

Vì vậy vòng tường giải đối với Gadamer, trở thành một vận động dẫn dắt người tường giải tập hợp toàn bộ truyền thống nhận thức, văn bản và phi văn bản, đi qua các đối tác riêng lẻ trong truyền thống lịch sử về cách diễn giải, khảo sát tính trung thực, bằng cách tìm kiếm một sự thống nhất nghĩa trong văn bản và công nhận những tương đồng giữa các truyền thống nhận thức khác nhau. Vòng tường giải chủ yếu dựa trên mối quan hệ không thể tách rời của ngôn ngữ, nhận thức, lịch sử và thế giới-sống. Sở dĩ như vậy bởi vì mọi nhận thức về thực tại đều được sắp xếp về phương diện ngôn ngữ, còn ngôn ngữ thì lại luôn được điều chỉnh bởi tiền nhận thức mang tính lịch sử và tồn tại của nó. Do đó, mọi nhận thức lịch sử, có thể là thẩm mỹ, văn hóa hay triết học, đều thuộc về lịch sử, hoặc thuộc một truyền thống văn hóa và ngôn ngữ tạo nên tầm nhận thức (horizont).

Do đó, phép tường giải triết học Gadamer liên quan đến tri thức lịch sử của các hiệu ứng hoặc ý thức lịch sử gây tác động (wirkungsgeschichtliche Bewustsein), có nghĩa là ý thức tác động trong nhận thức tường giải bắt nguồn từ nhận thức lịch sử với tư cách là một nhận thức về các hiệu ứng được tạo ra bởi lịch sử diễn giải văn bản. Có hai khái niệm cơ bản hình thành nên xương sống của phép tường giải Gadamer: 1) sự tiếp nhận mang tính diễn giải các bản văn trong suốt lịch sử được xác định bởi những mối quan tâm đặc biệt về phương diện văn hóa và tôn giáo mà người đọc văn bản đang trải nghiệm; và 2) từ đó phát sinh khái niệm diễn giải như là việc ứng dụng trong một bối cảnh văn hóa-xã hội hoặc lịch sử-tồn tại nhất định. Đây là thời điểm đặc quyền mà Gadamer gọi là 'dung hợp các tầm nhận thức' (Horizontverschmelzung), bằng cách người diễn giải, vượt qua khoảng cách thời gian chia tách mình khỏi một văn bản và tác giả của nó, bắt đầu mở rộng tầm diễn giải của riêng mình, bằng cách cho phép các giả định của quá khứ trở thành các yếu tố cần thiết làm giàu cho nhận thức của mình.
____________________________________

* Lawn, Chris and Niall Keane (2011). The Gadamer Dictionary, Continuum International Publishing Group, New York., Pp. 72-78.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét