Powered By Blogger

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Tri thức bản địa và phát triển* (II)



Tri thức bản địa và phát triển* (II)

Hà Hữu Nga


8. Sử dụng một số công cụ nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa

Dưới đây sẽ mô tả một số kỹ thuật nghiên cứu tri thức bản địa được sử dụng nhiều nhất [Mascarenhas et al. 1991, dẫn theo Wickham 1993]. Các kỹ thuật này có thể được thích ứng với các hoàn cảnh nghiên cứu đặc biệt. Tập hợp kỹ thuật mà người ta chọn sử dụng cho hoạt động nghiên cứu cần phải đáp ứng được hai câu hỏi chủ chốt: - Con người thế nào? Hệ sinh thái ra sao? từ viễn cảnh quá khứ, hiện tại tới tương lai. Sự kết hợp các kỹ thuật thành nhóm được sử dụng để vượt qua được những hạn chế của phương pháp PRA (Participatory Rural Appraisal – Đánh giá nông thôn có sự tham gia). Hiện trạng thực địa sẽ giúp tạo hình và kiểm nghiệm các phương pháp và các công cụ nghiên cứu. Danh mục các kỹ thuật nghiên cứu còn rất phong phú và khi nhiều bộ môn khoa học tham gia thì sẽ góp phần phát triển thêm các kỹ thuật nghiên cứu mới. IIED [1994], IIRR [1996], Narayan [1996] đã mô tả tương đối kỹ từng kỹ thuật một. Dưới đây là một số kỹ thuật PRA thường được sử dụng:

8.1. Kỹ thuật xây dựng sơ đồ tham gia

 

Kỹ thuật xây dựng sơ đồ tham gia được sử dụng trong hoạt động PRA không chỉ cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin về các đặc trưng vật chất của cộng đồng mà còn giúp khám phá ra nhiều điều kiện kinh tế xã hội và cách thức hiểu biết về cộng đồng của chính những người tham gia. Các sơ đồ thường được một nhóm dân làng tham gia cùng vẽ bằng phấn lên bảng hoặc bằng bút nét đậm lên giấy khổ rộng. Các sơ đồ thể hiện nhiều chủ đề khác nhau dưới đây: i) Sơ đồ lịch sử: thể hiện những thay đổi xảy ra trong cộng đồng và có thể được sử dụng để giúp thúc đẩy việc thảo luận về các nguyên nhân và tác động của việc suy thoái môi trường địa phương; ii) Sơ đồ xã hội: minh hoạ các hộ cá thể làm thành các biểu tượng khác nhau của cộng đồng có thể được sử dụng để thể hiện các đặc trưng cấp hộ cụ thể về mức độ thịnh vượng, các cấp độ sử dụng các nguồn, số trẻ em ở độ tuổi đến trường đang đi học hoặc bỏ học, các thành viên của các nhóm cộng đồng khác nhau, v.v..; và iii) Sơ đồ cá nhân: do các cá nhân tự vẽ nhằm thể hiện các quan điểm về các bộ phận khác nhau của cộng đồng, chẳng hạn như nam khác với nữ, giàu khác với nghèo, trong khuôn khổ ranh giới cộng đồng, các vị trí quan trọng nhất đối với họ, hoặc quan điểm của họ về cách thức cải thiện đời sống cộng đồng.

Một số lưu ý khi vẽ sơ đồ tham gia: i) cùng người dân địa phương quyết định nên vẽ loại sơ đồ nào (lịch sử, xã hội, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, v.v…); ii) vẽ cùng với những người am hiểu về địa phương, am hiểu về các chủ đề cần vẽ, và vẽ với những người sẵn sàng chia sẻ hiểu biết với bạn; iii) để cho những người tham gia tự lựa chọn các vị trí và đồ vật thích hợp (bảng, nền đất, giấy khổ rộng, que nhọn, hòn sỏi, các hạt ngũ cốc, bút vẽ) để vẽ sơ đồ; iii) giúp mọi người bắt đầu bằng cách để cho họ tự vẽ; cần phải kiên nhẫn và không nên ngắt quãng người vẽ, vì đó chính là sơ đồ của họ; iv) nên ngồi đó và xem mọi người vẽ về cái gì trước tiên, vẽ cái gì to nhất, những bộ phận nào của sơ đồ có thể gây ra tranh luận giữa người vẽ với nhau, và người vẽ với người quan sát; v) khi mọi người đã vẽ xong, nên hỏi xem họ vẽ về cái gì, và ghi chú các vấn đề cần cho các cuộc phỏng vấn tiếp theo; vi) cần ghi chép các phát hiện, các quan sát được, không được quên ghi tên những người đã tham gia vẽ sơ đồ. [DRCC 2008].

8.2. Cách thức tái hiện lược sử thôn buôn


Mục đích chính của hoạt động này là để làm quen, giới thiệu qua về mục tiêu của PRA cũng như về dự án, cũng như người dân có cơ hội để giới thiệu về thôn buôn của mình. Việc thu thập các thông tin chính xác về lược sử bản chỉ đóng vai trò phụ. Lúc này chúng ta chưa phân nhóm làm việc, toàn bộ đội cán bộ PRA (khoảng 6 người) và nông dân (khoảng 15 người) cùng tham gia hoạt động này. Quy trình: i) các cán bộ PRA và toàn bộ nhóm nông dân có thể ngồi quanh bàn hoặc trên sàn nhà. Không phân biệt vị trí và chỗ ngồi của cán bộ, trưởng thôn buôn hoặc bất kỳ một cá nhân nào; ii) trưởng thôn buôn có thể giới thiệu ngắn về nhóm công tác; iii) lần lượt mỗi cá nhân trong đoàn PRA và dân bản tự giới thiệu về mình theo vòng tay trái hoặc phải, không nên ưu tiên cán bộ dự án tự giới thiệu trước rồi mới đến dân bản hoặc ngược lại để tạo ra không khí bình đẳng. Mọi người giới thiệu có thể tự ghi tên mình lên một tờ giấy khổ lớn treo trên tường; nhóm cán bộ giới thiệụ mục đích của hoạt động. Cần nhớ các nguyên tắc và kỹ năng của các phương pháp PRA như tạo không khí vui vẻ hoà đồng như một cuộc trò truyện giữa những người bạn, tạo tính sở hữu của người dân cho hoạt động này v.v..    

Thu thập thông tin về lịch sử thôn buôn: Nói với nhóm dân bản tự thảo luận và đưa ra các sự kiện chính trong lịch sử thôn bản, bao gồm các thông tin chủ yếu sau: Thôn buôn được thành lập khi nào, khi đó có bao nhiêu hộ? thành lập Hợp tác xã khi nào? Thôn buôn có bao giờ bị thiên tai nghiêm trọng như ngập lụt, hạn hán, sâu bệnh, ảnh hưởng của thiên tai đó đến sản xuất nông nghiệp và kinh tế của bản như thế nào? Thôn buôn phải di chuyển mấy lần, vào thời gian nào ..vv. Khi người dân trả lời, cần hỏi một nông dân nào đó xem trong thời gian đó gia đình họ như thế nào? Số hộ trong bản qua các thời kỳ/các thời điểm mà người dân nêu ra? Trường học có từ khi nào? Trạm xá có từ khi nào? Ảnh hưởng của nó lên các hộ nghèo như thế nào? Đối với mỗi sự kiện như vậy, có thể hỏi người dân xem họ đối phó như thế nào? Người nghèo vào các nhóm dễ bị tổn thương (ví dụ người không nơi nương tựa) phản ứng như thế nào? Tác động của nó đối với người dân, đặc biệt là người nghèo. Toàn bộ các thông tin do người dân cung cấp cần được ghi chép lại đầy đủ ngay tại hiện trường [DRCC, 2008].

8.3. Sử dụng công cụ sa bàn thôn buôn


Sa bàn là một công cụ rất hữu dụng trong phương pháp PRA, nó cho phép người dân thảo luận toàn cảnh trên địa bàn nghiên cứu và các hoạt động canh tác liên quan. Mục đích là thảo luận và thu thập thông tin về thành phần, hiện trạng, tiềm năng, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp của các nguồn tài nguyên rừng, đất, nước và tác động của nó đến con người và các hoạt động sản xuất. Chọn một đám đất phẳng diện tích khoảng 3-4 m2, nếu trong nhà được thì càng tốt để tránh mưa nắng. Tiến hành đắp sa bàn, ghi lại các thông tin phù hợp mà người dân thảo luận trong khi đắp sa bàn. Trên sa bàn cần lưu ý thể hiện đầy đủ: Các loại rừng, đất trống đồi trọc, đất canh tác trên nương rẫy, các sông, suối (cả suối cạn và suối có nước). Sau khi đắp sa bàn xong, tiến hành thảo luận trên sa bàn. Thảo luận trên sa bàn sẽ do hai cán bộ PRA, nhóm lãnh đạo bản và ½ nhóm nữ, ½ nhóm hộ nghèo tiến hành. Khi thảo luận trên sa bàn cần hỏi người dân xem thôn buôn được hỏi tiếp giáp với những thôn buôn nào. Sau đó đi từng phần trên sa bàn, hỏi và khuyến khích người dân thảo luận xem: Có gì thiếu trên phần đó không (nhà cửa, rừng, suối, trường học, trạm xá...), nếu thiếu, nên làm bổ sung ngay thêm cho đủ? Hỏi các thông tin xem hiện có các tài nguyên lưu vực nào trên phần đó (rừng, đất, nước), trình trạng trước đây và hiện nay? Tiềm năng phát triển nâng cao thu nhập từ những tài nguyên này theo ý kiến dân bản? Hiện nay, liệu có thể có những khó khăn/vấn đề nào liên quan đến các tài nguyên này? Tác động của các khó khăn này lên các hoạt động sản xuất và đời sống của dân bản? Nguyên nhân của những khó khăn này? Đề xuất giải pháp? Sau khi kết thúc thảo luận, một nông dân sẽ vẽ lại sa bàn vào giấy khổ lớn. Đặc biệt lưu ý các phần đường đi, nơi có rừng, các loại đất. Cần hướng dẫn cho nông dân trước khi vẽ một số điểm như tên thôn buôn; ghi chú bằng các ký hiệu vào góc bản đồ (nhà, đường, suối, rừng...); ghi lại toàn bộ các thông tin của cuộc thảo luận.

8.4. Xây dựng được sơ đồ thể chế


Các sơ đồ thể chế còn được gọi là sơ đồ Venn hoặc biểu đồ Chapati là các biểu hiện thị giác của các nhóm và các tổ chức khác nhau trong một cộng đồng và các mối quan hệ và tầm quan trọng của họ trong việc ra các quyết định. Mục đích là tìm hiểu hoạt động của các cơ quan tổ chức và tác động của các cơ quan này đối với sản xuất và đời sống của người dân từ đó có thể hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ của các cơ quan này tốt hơn. Cách tiếp cận: i) Hỏi người dân xem các tổ chức mà họ biết có liên quan đến bản (kể cả tổ chức bên ngoài và bên trong bản), ví dụ như Ngân hàng, Trạm khuyến nông huyện, Trạm thuỷ nông huyện, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, các nhóm tự quản, nhóm phụ nữ, các câu lạc bộ...). Liệt kê các tổ chức này trên 1 giấy khổ lớn khác; ii) Đề nghị người dân cho biết tổ chức nào có ảnh hưởng quyết định nhất đến các hoạt động trong thôn bản; ghi tên tổ chức có ảnh hưởng quyết định nhất lên các tờ giấy màu (đã cắt theo hình tròn) lớn nhât; tổ chức nào có vai trò quyết định ít nhất thì ghi lên vòng tròn nhỏ; iii) Hỏi người dân xem tổ chức nào thường xuyên đến bản nhất; sau đó dán tên tổ chức đó lên gần vòng tròn có tên bản nhất; làm tương tự đối với tất cả các tổ chức còn lại. Khi sơ đồ đã được hoàn thành thì dùng nó để hỏi người tham gia về các vấn đề chẳng hạn như các thay đổi đã diễn ra như thế nào trong vòng 10 hoặc 20 năm trước; họ mong muốn có những cải thiện gì liên quan đến các thể chế và các cá nhân được thể hiện; và quy mô thành viên của các nhóm khác nhau. Ghi chép đầy đủ sơ đồ ấy cùng với tên của những người tham gia để giúp họ tiếp cận được với các nguồn như tín dụng chẳng hạn. [DRCC, 2008]

8.5. Sử dụng kỹ thuật xếp hạng vấn đề



Có thể sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để khêu gợi nhận thức của người dân về những vấn đề quan trọng nhất mà họ gặp phải. Để thực hiện được mục đích đó, có thể sử dụng một phương pháp đơn giản là đề nghị những người tham gia liệt kê danh sách khoảng 6-7 vấn đề chủ yếu mà cộng đồng gặp phải, và sau đó đề nghị họ xếp hạng các vấn đề đó theo trật tự tầm quan trọng. Một kỹ thuật mang tính hệ thống được gọi là xếp hạng theo cặp sử dụng những tấm bìa để biểu hiện các vấn đề khác nhau. Người hướng dẫn đưa ra hai tấm bìa “vấn đề” một lúc và hỏi: “Vấn đề nào quan trọng hơn?”. Khi những người tham gia tiến hành so sánh thì cần phải ghi các kết quả vào một khung ma trận. Các kết quả cuối cùng được rút ra bằng cách đếm số lần mà mỗi vấn đề được đánh giá là quan trọng hơn các vấn đề khác và xếp chúng theo trật tự thích hợp.

Một số lưu ý khi vẽ sơ đồ thể chế: Chọn chủ đề để xếp hạng tuỳ thuộc vào chủ đề đánh giá PRA. Đề nghị những người tham gia (các cá nhân được phỏng vấn hoặc các thành viên tham gia thảo luận nhóm) lựa chọn khoảng 6-7 vấn đề quan trọng nhất có liên quan. Ghi từng vấn đề lên mỗi tấm bìa – nên sử dụng hình vẽ hoặc biểu tượng thay cho đoạn văn khi có thể. Đặt hai tấm bìa trước mặt người được phỏng vấn và yêu cầu người đó chọn vấn đề lớn hơn và đưa ra lý do cho sự lựa chọn đó. Đánh dấu câu trả lời vào ô thích hợp trong ma trận xếp hạng ưu tiên. Đưa ra từng cặp khác nhau và lặp lại việc so sánh. Lặp đi lặp lại cho đến khi đã kết hợp xong tất cả các cặp có thể (khi nào toàn bộ các ô đã được đánh dấu hết). Liệt kê các vấn đề theo trật tự mà người được phỏng vấn đã xếp hạng theo trật tự ưu tiên. Hỏi lại người được phỏng vấn xem có còn vấn đề quan trọng nào còn bị bỏ sót không. Nếu còn thì hãy đánh dấu vấn đề đó vào vị trí thích hợp trong bảng xếp hạng. Lặp lại cách đánh giá này cùng với các cá nhân khác và lập bảng kê các đánh giá của họ. Nếu thích hợp thì nên sử dụng phương pháp này để bắt đầu thảo luận về các giải pháp tiềm tàng đối với các vấn đề ưu tiên. [DRCC, 2008].
___________________________________


PS. Hơn 20 năm tham gia các dự án giảm nghèo và các dự án phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với vị trí chuyên gia dân tộc thiểu số tại các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của Việt Nam đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều từ những người Bahnar, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chăm, Chăm Hroi, Châu, Chu Ru, Cor, Êđê, Giáy, Giẻ, Ha Lăng, H’mông, Hrê, Jarai, Khmer, Khmu, Kơ Tu, Mạ, M’nông, Mường, Nùng, Pa Hy, Pa Kô, Raglay, Rơ Măm, Sán Chay, Sê Đăng, Tà Ôi, Tày, Thái, Thổ, Triêng, v.v...Những năm tháng sống với rừng, lại được trở thành một đứa con của rừng là quãng đời không thể nào quên.

* Ghi chú: Bài tham gia Hội thảo khoa học Nghiên cứu một số giá trị tri thức bản địa, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy để góp phần phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ngãi 30/12/2009.

Tài liệu tham khảo

Agrawal, A. 1993. Removing ropes, attaching strings: institutional arrangement to provide water. Indigenous Knowledge and Develoment Monitor.

Berkes, F. 1993. Traditional ecological knowledge in perspective. In Inglis, J., ed., Traditional Ecological Knowledge: Concepts and Cases. International Program on Traditional Ecological Knowledge; International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.

Benthall, Jonathan 2002. The Best of Anthropology Today. London, New York: Routledge, 2002.

Brookfield, M. 1996. Indigenous Knowledge: a long history and an uncertain future: a sequel to   the debate. Indigenous Knowledge and Develoment Monitor.

de Vreede M. 1996. Identification of land degradation levels at the grassroots. In Hambly, H.; Onweng Angura, T., ed., Grassroots indicators for desertification: experience and perspective from eastern and southern Africa. International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.   

Doubleday, N.C. 1993. Finding common ground: natural law and collective wisdom. In Inglis, J., ed., Traditional Ecological Knowledge: Concepts and Cases. International Program on Traditional Ecological Knowledge; International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.

DRCC (Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển) 2008. Đánh giá xã hội dự án thuỷ điện Trung Sơn. Báo cáo cho Ngân hàng Thế giới, Hà Nội.

Emery A.R. 1997. Guidelines for environmental assessments and traditional knowledge. Canadian International Development Agency; Environment Canada; Alan R. Emery & Associates, Ottawa, ON, Canada. A report from the Centre for Traditional Knowledge to the World Council of Indigenous People. Prototype document.   

 Gadgil M., Berkes, F., Folke C. 1993. Indigenous knowledge for biodiversity conservation,  Ambio, 22 (2-3), 151 – 156.

Grenier, Louise 1997. Working with Indigenous Knowledge – A Guide for Researchers. IDRC BOOKS. Ottawas – Cairo – Dakar – Johannesburg – Montevideo – Nairobi - New Delhi – Singapore.

Hempel Carl G. 1950. Problems and Changes in the Empiricist Criterion of Meaning. In Revue International de Philosophie 41 (1950), pages 41-63.

IIED (International Institute for Environment and Development) 1994. RRA notes. No.21: Special issue on participatory tools and methods in urban areas. Sustainable Agriculture Programme and Human Settlements Programme, IIED, London, UK.100p.

IIRR (International Institute of Rural Reconstruction) 1996. Recording and using indigenous knowledge: a manual, IRR, Cavite, Philippines, 211pp.  

Johannes R.E. 1993. Integrating traditional ecological knowledge and management with environment impact assessment. In Inglis, J., ed., Traditional Ecological Knowledge: Concepts and Cases. International Program on Traditional Ecological Knowledge; International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.

 Johnson M. 1992. Research on traditional environmental knowledge: its development and its role. In Johnson, M., ed., Lore: Capturing traditional environmental knowledge. Dene Cultural Institute; International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada. Pp.33-39.

Krugmann H. 1996. Toward improved indicators to measure desertification and monitor the implementation of the Desertification Conservation. In Hambly, H.; Onweng Angura, T., ed., Grassroots indicators for desertification: experience and perspective from eastern and southern Africa. International Development Research Centre, Ottawa, ON, Canada.  

Loevinsohn M. and L. Sperling 1995. Joining on-farm conservation to development. Using Diversity Workshop, New Delhi, India, 19-21 Jun 1995. Report.   

Matowanyika J.Z. 1991. Indigenous resource management and sustainability in rural Zimbabwe: an exploration of practices and concepts in commonlands. Development of Geography, University of Waterloo, Waterloo, ON, Canada. PH.D thesis.

Narayan D. 1996. Toward participatory research. World Bank, Washington, DC, USA. Technical Paper No.307., 265 pp.

Sallevave J. 1994. Giving traditional ecological knowledge its rightful place in environmental impact assessment. CARC – Northern Perspectives, 22 (1).

Shankar D. 1996. The epistemology of the indigenous medical knowledge systems of India. Indigenous Knowledge and Develoment Monitor.

Thrupp L.A. 1989. Legitimizing local knowledge: from displacement to empowerment for Third World people. Agriculture and Human Values, 6(3), 13-24.

Titilola T. 1995. IKS and sustainable agricultural development in Africa: essential linkages. Indigenous Knowledge and Develoment Monitor.

WCED (World Commission on Environment and Development) 1987. Our common future. Oxford University Press, New York, NY, USA., p. 43

Wickham T.W. 1993. Farmers ain’t no fools: exploring the role of participatory rural appraisal to access indigenous knowledge and enhance sustainable development research and planning. A case study of Dusun Pausan, Bali, Indonesia, Faculty of Environmental Studies, University of Waterloo, ON, Canada. Master’s thesis, 211 pp.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét