Trần Quốc Vượng và việc trích dẫn giới học thuật phương Tây*
Le Minh Khai
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Sau khi bị rối bời với một số vấn đề trong đoạn mở đầu của một bài tiểu luận của Trần Quốc Vượng về văn hóa Việt Nam (xem bài mới nhất dưới đây), hôm nay tôi tiếp tục đọc hết phần còn lại của tiểu luận này.
Lập luận của Trần Quốc Vượng trong tiểu luận
này là học giả Việt Nam trong quá khứ (trước thế kỷ 20) đã quá say
mê với văn hóa Trung Quốc đến
nỗi họ không nhận ra sự khác
biệt của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Trần Quốc Vượng trong nửa sau
của thế kỷ XX, các học giả Mác-xít Việt Nam
đã thành công trong việc làm sáng tỏ một thực tế là căn cội của văn hóa Việt Nam có thể được tìm thấy từ thiên niên thứ nhất trước Công nguyên (văn hóa Đông Sơn), trước khi khu vực Đồng bằng sông Hồng bị
nhà Hán
đô hộ, và nền
tảng văn hóa này tiếp tục tồn tại trong
những ngôi làng sau khi tầng lớp
tinh hoa đã chấp nhận các khía cạnh khác nhau của văn hóa
Trung Quốc.
Sau
đó Trần Quốc Vượng tiếp tục
đưa ra lập luận cho rằng nền
văn hóa gốc này có thể truy nguyên sớm hơn, đến
tận thời Đá mới (các nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn). Ông trích dẫn công trình của một số học giả phương Tây để
biện minh cho lập luận này: 1) thời đại Đá mới là giai đoạn rất quan trọng và 2)
văn hóa chịu ảnh hưởng của môi trường. Ông lập luận như vậy để đưa ra quan điểm cho rằng môi trường của Việt Nam chịu ảnh hưởng của loại văn hóa đã được tạo ra trong
thời đại Đá mới ở đó, và truyền thống văn hóa này tồn tại qua nhiều thời đại, chí
ít là cho đến thế kỷ 18 và 19.
Tuy nhiên, khi làm như vậy, Trần Quốc Vượng đã bóp méo những gì mà các học giả phương Tây thực sự đã viết.
Khi lập luận về tầm quan trọng của thời đại Đá mới, Trần Quốc Vượng đã trích dẫn một đoạn trong Tristes Tropiques, Nhiệt đới buồn, một tác phẩm nổi tiếng của nhà nhân học người Pháp Claude Lévi-Strauss, như sau:
“Một trong
những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất
của lịch sử nhân
loại xảy ra vào thời đại đá mới: với sự phát
minh ra trồng trọt, chăn nuôi … Muốn đạt đến
những thành quả vĩ đại này, không phải trong chốc lát là được, mà trái lại,
những tập thể loài người bé nhỏ lúc bấy giờ đã phải trải qua hàng mấy nghìn năm
quan sát, thí nghiệm và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Sự nghiệp vĩ đại này đã diễn ra
một cách tốt đẹp, liên tục, và thành công…” **, [nguyên văn
tiếng Việt của GS. Trần - HHN***] [vào thời điểm mà chữ
viết còn chưa hề được biết đến - LMK****].
Sau
đó Trần Quốc Vượng nhận
định, mà không hề cung cấp bất
kỳ một bằng chứng hoặc trích dẫn
bất kỳ nguồn nào để hỗ trợ cho tuyên bố của mình,
rằng: “Bất cứ nhà khảo cổ học, dân tộc học và
sử học nào cũng biết rằng nếp sống thời đại đá mới, trên
cơ bản, vẫn được
duy trì trong nếp sống nông thôn của nhân loại,
thậm chí cho mãi đến thế kỷ XVIII, XIX.” [nguyên văn tiếng Việt của GS. Trần - HHN].
Tôi đặt cụm từ [vào thời điểm
mà chữ viết còn
chưa hề được biết đến] ở phần cuối của đoạn trích ở trên từ Nhiệt
đới buồn Tristes Tropiques trong dấu móc [], vì Trần Quốc Vượng không đưa đoạn đó vào trích dẫn của
mình. Tuy nhiên điều quan trọng
là vì trong đoạn này Lévi-Strauss nói về lý
thuyết văn tự [chữ viết], chứ không phải là về thời đại Đá mới. Điều mà Lévi-Strauss lập luận là người ta sẽ nghĩ rằng việc
phát minh ra
chữ viết đã phải tạo ra những thay đổi lớn bởi vì người ta
có thể ghi chép
lại nhiều thông tin hơn là
họ có thể nhớ và điều này
có thể cho phép họ thực
hiện những điều mà họ không thể làm được
trước khi chữ
viết được phát minh, vậy mà một sự biến đổi quan trọng như cuộc Cách mạng Đá mới lại xảy ra trước cả khi chữ viết được phát minh.
Vì vậy, Lévi-Strauss bắt đầu xem
xét những cách thức khác, để chứng tỏ vai trò quan trọng
của văn tự.
Cuối cùng, ông lập luận rằng những gì thực sự quan trọng về văn tự là ở chỗ dường như nó đã xuất hiện trên khắp thế giới gắn liền với các đô thị và các đế quốc. Trong bối cảnh này, Lévi-Strauss lập luận, điều thực sự quan trọng về chữ viết là nó tạo điều kiện cho người ta bóc lột thường dân.
Xin
dẫn lời Lévi-Strauss: “Kiểu bóc lột này khiến
cho có thể tập trung cưỡng bức hàng ngàn người lao động làm lao dịch, càng giải thích rõ ràng hơn sự ra đời của các công trình kiến trúc
so với mối quan hệ trực tiếp được đề cập ở trên. Nếu giả thuyết của tôi là
chính xác, thì chức năng
chính của văn tự, với tư cách là một phương tiện truyền thông, là
để tạo thuận lợi cho việc
bắt người khác
làm nô lệ.” [Đoạn này tôi dịch từ nguyên văn tiếng Pháp trong tác phẩm Tristes Tropiques của
Lévi-Strauss***** - HHN]
Quan điểm của tôi ở đây là Lévi-Strauss
viết về văn tự, chứ
không phải là về thời Đá mới. Vì vậy, cuốn sách
của ông không phải là một nguồn để trích dẫn về thời Đá mới. Nếu bạn đang nghiên cứu các lý thuyết về sự xuất hiện của chữ
viết
thì đây mới là một công trình để trích dẫn.
Tuy nhiên, Trần Quốc Vượng lại
trích dẫn công trình này để lưu ý rằng thời Đá mới là một trong những thời kỳ sáng tạo nhất trong lịch sử nhân loại, và sau đó ông đưa ra một tuyên bố vô
căn cứ rằng lối sống của người
thời Đá mới được
tiếp tục trong các
làng mạc cho đến tận thế kỷ 19.
Sau
đó Trần Quốc Vượng tiếp tục
trích dẫn Marx và Engels cũng
theo cách thức ấy. Ông trích dẫn các tác phẩm của họ
trệch khỏi bối cảnh để đưa ra lý lẽ của mình trong khi lý lẽ đó lại không hề liên quan đến những gì Marx và
Engels đã thực sự
viết ra.
“K. Mác nói: “Cái toàn thể những liên hệ giữa những người sản
xuất với thiên nhiên và giữa họ với nhau, cái toàn thể những sự liên hệ như thế,
trong ấy người ta sản xuất, thì chính là xã hội, xét về cái cơ cấu kinh tế của
nó”2 [nguyên văn tiếng Việt của GS. Trần - HHN].
Đầu tiên Trần Quốc Vượng đã trích dẫn một đoạn từ tác
phẩm Tư bản của Marx trong đó Marx nói về “quá trình xã hội của sản xuất” diễn ra theo “quá trình tư bản của sản xuất.” Ở đây Marx
nói rằng “quá trình xã hội của sản xuất” diễn ra “theo các quan hệ sản xuất kinh
tế và lịch sử cụ thể”, và “tổng hợp của các mối quan hệ
này - trong đó các tác nhân của sự sản xuất đều liên quan đến tự nhiên và liên
quan với nhau, và người
ta sản xuất trong các mối quan hệ đó - chính là xã hội, xem xét từ quan
điểm cấu trúc kinh tế.” ******
Điều
này không phải
là dễ hiểu, nhưng (ở chừng mực tôi có thể nói) về cơ bản Marx đã cố gắng giải thích cái cách thức mà
xã hội là sản phẩm của các
quan hệ kinh tế giữa người với người.
Sau đó Trần Quốc Vượng trích dẫn một bức thư của Engels, trong đó ông nói rằng: “Bàn về những quan hệ kinh tế mà chúng tôi gọi là cơ sở quyết định của lịch sử xã hội, thì chúng tôi hiểu đấy là cái cách thức và phương thức theo đó người ta sản xuất những điều kiện sinh sống của mình và trao đổi sản phẩm với nhau. Tức là trong ấy có bao hàm toàn bộ kỹ thuật sản xuất và vận tải …trong khái niệm quan hệ kinh tế cũng có bao hàm cái nền tảng địa lý …và lẽ cố nhiên là cả cái môi trường bên ngoài bao bọc cái hình thái xã hội như thế” [nguyên văn tiếng Việt của GS. Trần - HHN].
Sau đó Trần Quốc Vượng trích dẫn một bức thư của Engels, trong đó ông nói rằng: “Bàn về những quan hệ kinh tế mà chúng tôi gọi là cơ sở quyết định của lịch sử xã hội, thì chúng tôi hiểu đấy là cái cách thức và phương thức theo đó người ta sản xuất những điều kiện sinh sống của mình và trao đổi sản phẩm với nhau. Tức là trong ấy có bao hàm toàn bộ kỹ thuật sản xuất và vận tải …trong khái niệm quan hệ kinh tế cũng có bao hàm cái nền tảng địa lý …và lẽ cố nhiên là cả cái môi trường bên ngoài bao bọc cái hình thái xã hội như thế” [nguyên văn tiếng Việt của GS. Trần - HHN].
Giống như Marx, ở đây Engels nói về các quan hệ kinh
tế, và ông đưa ra luận điểm cho rằng địa lý có vai trò trong quan hệ
kinh tế giữa người với người.
Sau khi trích dẫn ý tưởng của Marx và Engels về
quan hệ kinh tế, Trần Quốc
Vượng cho rằng: “Vậy thì khi bàn đến những
đặc điểm của văn hóa Việt Nam [!!!] - LMK], phải tìm cội
nguồn của nó từ thời đại đá mới, thời đại phát sinh nông nghiệp và làng xóm, phải
chú ý đến những điều kiện nền tảng địa lý và môi trường thiên nhiên đã sản sinh
ra những đặc điểm văn hóa ấy trước khi xét đến những điều kiện lịch sử của dân
tộc đã duy trì và củng cố những đặc điểm văn hóa ấy. Đừng tách rời văn hóa với
thiên nhiên” [nguyên văn tiếng Việt của GS. Trần - HHN].
Cái
kết luận mà Trần Quốc Vượng
đưa ra ấy không hề liên quan với những gì mà Lévi-Strauss, Marx và Engels nói đến trong các đoạn văn mà Trần Quốc Vượng đã trích dẫn. Thay vào đó, Trần Quốc Vượng
chỉ lấy cái sự kiện là Lévi-Strauss đề cập
đến “thời đại Đá mới,” Marx đề cập đến “xã hội” và Engels đề cập đến "cơ sở địa lý," để hỗ trợ cho cái ý tưởng phi-tư liệu của mình rằng, "văn hóa” Việt Nam (một chủ đề mà không có ai trong số các học giả được ông trích dẫn nói đến) được hình thành trong thời đại Đá mới và chịu ảnh hưởng bởi địa lý và môi trường.
Sau đó ông còn
thêm vào vấn đề này ý tưởng của riêng mình là “tất cả các nhà khảo cổ học,
dân tộc học và sử
học đều biết” (và tôi đoán đó là lý do tại sao lại
không cần thiết phải cung cấp bất kỳ bằng
chứng nào cho
ý tưởng này...) rằng nếp sống của thời
đại Đá mới vẫn được duy trì ở nông thôn cho đến
tận thế kỷ 19.
Nhìn
bề ngoài, tiểu luận này có vẻ rất ổn. Trần Quốc Vượng
trích dẫn công trình của các học giả nổi tiếng phương
Tây để đưa ra một luận
cứ.
Nhưng nếu bạn thực sự nhìn vào những gì mà các học giả đã viết, và sau đó so sánh với những gì Trần Quốc Vượng lập luận, thì luận cứ của ông sụp đổ. Nó không hề được hỗ trợ bởi công trình của các học giả mà ông trích dẫn. Đó chỉ là một lập luận do chính ông dựng lên, mà không có bất kỳ tài liệu hoặc bằng chứng nghiêm chỉnh nào.
Khi trích dẫn các công trình của các học giả, có nghĩa là bạn trích dẫn để minh chứng cho những ý tưởng mà các học giả đó đưa ra. Marx và Engels nói về các quan hệ kinh tế trong những đoạn mà Trần Quốc Vượng trích dẫn, chứ không phải nói về vai trò của điều kiện địa lý và môi trường có thể (hoặc không thể) có trong việc hình thành văn hóa. Lévi-Strauss viết về sự xuất hiện của văn tự trong đoạn văn mà Trần Quốc Vượng trích dẫn, các ý tưởng đó của Lévi-Strauss nảy sinh trong khi ông nghiên cứu nhân học ở Nam Mỹ. Thời đại Đá mới chỉ là một cái gì đó mà ông đã đề cập một cách ngẫu nhiên trong cuốn sách này. Ông không đưa ra những ý tưởng về thời đại Đá mới, và ông cũng không phải là một chuyên gia về thời đại Đá mới.
Khi trích dẫn các tác phẩm của các học giả
phương Tây để minh chứng cho những ý tưởng mà các học giả đó
không đưa ra, Trần Quốc
Vượng đã sản sinh một tiểu
luận có vẻ như nó phải có giá trị,
nhưng lại không phải
vậy.
[Tiểu luận tôi đề cập đến được post ở bài dưới đây.]
___________________________________________
Nguồn: Le Minh Khai 2014. Trần Quốc Vượng and the Citing of Western
Scholarship. http://leminhkhai.wordpress.com/,
18th,
Oct. 2014
Ghi chú:
*
Dù đây là một entry hữu ích, nhưng riêng tôi không đồng tình với vài nhận
định cứng [rắn/nhắc] của GS. Le Minh Khai về nội dung và cách thức trích dẫn của GS. Trần Quốc
Vượng trong entry này, vì vậy trong phần ghi chú dưới đây tôi xin dẫn nguyên
văn một số đoạn quan trọng của Claude
Lévi-Strauss và K. Marx mà GS. Trần Quốc Vượng trích dẫn, để bạn đọc cùng suy
ngẫm và thảo luận.
**
Nguyên văn: “Une des phases les plus créatrices de l’histoire de
l’humanité se place pendant l’avènement du néolithique: responsable de
l’agriculture, de la domestication des animaux et d’autres arts. Pour y
parvenir, il a fallu que, pendant des millénaires, de petites collectivités
humaines observent, expérimentent et transmettent le fruit de leurs réflexions.
Cette immense entreprise s’est déroulée avec une rigueur et une continuité
attestées par le succès, alors que l’écriture était encore inconnue. Si
celle-ci est apparue entre le 4e et le 3e millénaire avant notre ère, on doit
voir en elle un résultat déjà lointain (et sans doute indirect) de la
révolution néolithique, mais nullement sa condition”. [Claude Lévi-Strauss 1955.
Tristes Tropiques, Collection: Terre humaine, Éditeur:
Plon, Paris].
[Một trong
những giai đoạn sáng tạo nhất
của lịch sử nhân
loại là buổi đăng
quang của thời đại Đá mới với sự ra đời của nông nghiệp,
thuần hóa động vật và các kỹ nghệ khác. Để
đạt được các thành tựu
đó, trong nhiều thiên niên kỷ, nhiều cộng đồng nhỏ nhất định phải quan sát, thử
nghiệm và chuyển giao thành quả suy tư của họ. Công cuộc kỳ vĩ ấy đã được thực
hiện một cách ráo
riết và liên tục thể hiện bằng những thành công trên, trong khi đó chữ viết vẫn chưa được biết đến. Nếu chữ viết được tìm thấy
vào ba bốn
thiên niên kỷ trước Công nguyên, thì phải coi nó là một kết quả rất xa (và có lẽ
gián tiếp) của cuộc cách mạng Đá mới, chứ tuyệt nhiên không phải là
điều kiện của
cuộc cách mạng đó].
***
HHN = Hà Hữu Nga
****
LMK = Le Minh Khai
***** Nguyên văn: “Cette exploitation,
qui permettait de rassembler des milliers de travailleurs pour les astreindre à
des tâches exténuantes, rend mieux compte de la naissance de l’architecture que
la relation directe envisagée tout à l’heure. Si mon hypothèse est exacte, il
faut admettre que la fonction primaire de la communication écrite est de
faciliter l’asservissement”. [Claude Lévi-Strauss 1955. Tristes Tropiques, Collection:
Terre humaine, Éditeur: Plon, Paris].
****** Nguyên văn: "Für die Gesamtheit dieser Beziehungen, in denen die
Agenten dieser Produktion stehen
in Bezug auf Natur und miteinander, und in denen sie produzieren, ist genau der Gesellschaft, aus der Sicht der Wirtschaftsstruktur berücksichtigt“. [K. Marx,
Das Kapital, Band. III, Kap. 48].
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét