Powered By Blogger

Thứ Tư, 22 tháng 10, 2014

Đạo đức học Khảo cổ Viễn cảnh triết học về thực hành Khảo cổ học



Đạo đức học Khảo cổ
Viễn cảnh triết học về thực hành Khảo cổ học

Chris Scarre and Geoffrey Scarre (chủ biên)

Người dịch: Hà Hữu Nga


Giới thiệu

Cuốn sách này nhằm mục đích thúc đẩy đối thoại giữa các nhà khảo cổ học, nhân chủng học và triết học về các vấn đề đạo đức học đáng suy ngẫm nổi bật trong thực hành khảo cổ học đương đại. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là nỗ lực đầu tiên nhằm trao đổi tri thức giữa các nhà khảo cổ và nhân chủng học suy tư về triết học, và các nhà triết học quan tâm đến khảo cổ học. Nhưng trong bối cảnh ý thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của đạo đức khảo cổ học và nhiều nan đề khác, chắc chắn đây chưa phải cuộc trao đổi cuối cùng.

Hai mươi mốt tác giả của cuốn sách gồm mười nhà khảo cổ học, bốn nhà nhân học và bảy nhà triết học. Hai chủ biên thì một là khảo cổ học và một là triết học. Kể từ những năm 1980 đã có nhiều công trình hay và sáng tạo đề cập đến đạo đức học khảo cổ của chính các nhà khảo cổ và một số tuyển tập về chủ đề này đã được xuất bản. Chắc chắn điều đó là tất yếu, vì vấn đề đạo đức trong khảo cổ học chính là những vấn đề của các nhà khảo cổ. Đó là các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này gặp phải những vấn đề đầu tiên, và các mối suy tư của họ lại chứa đựng thẩm quyền của kinh nghiệm. Việc phải giải quyết nan đề đạo đức là một điều rất khác so với việc lý thuyết hóa một cách trừu tượng về nó trong công việc nghiên cứu, và có thể liên quan đến một đường cong trong biểu đồ tri thức dốc hơn rất nhiều.

Nhưng trong khi các nhà khảo cổ có thể có lợi thế về kinh nghiệm liên quan, thì một số ít cũng được đào tạo thành nhà triết học đạo đức, với các công cụ khái niệm và kỹ năng phân tích đã được phát triển theo truyền thống đó qua nhiều thế kỷ. Các nhà tư tưởng đạo đức phương tây đã vật lộn trong hơn hai thiên niên kỷ với những vấn đề sâu sắc và hóc búa về những loại người mà chúng ta muốn trở thành, những loại hành vi chúng ta nên thực hiện hoặc cần phải tránh, và chúng ta nên đối xử với đồng loại của mình như thế nào. Trong những năm gần đây, cộng đồng triết học rất chú ý đến các vấn đề đạo đức nảy sinh trong các bối cảnh đặc biệt như pháp luật, điều trị y tế, nghiên cứu, công nghệ di truyền, kinh doanh, lĩnh vực thương mại, và quản lý môi trường. Việc hợp tác giữa các triết gia và các nhà chuyên môn thuộc các lĩnh vực này và các lĩnh vực khác nữa đã đưa lại những tri thức mới và nhiều hiểu biết vốn không dễ nắm bắt. Vì vậy chúng tôi tin rằng các kết quả hạnh phúc tương tự sẽ được khơi dòng từ một suối nguồn nỗ lực chung của các nhà khảo cổ, nhân học và triết học.

Trong khi đó, cuốn sách này không nhằm mục đích để bao quát mọi vấn đề đạo đức quan trọng về mặt lý thuyết hay thực tế các nhà khảo cổ học hoặc những người có quan tâm đến chủ đề này phải đối mặt, phạm vi của vấn đề rất rộng lớn. Trong số đó, các chủ đề cần giải quyết là: các mối liên hệ của các nhà khảo cổ học với các tộc người bản địa; các hành vi đạo đức, các tiêu chuẩn chuyên môn và trách nhiệm của các nhà nghiên cứu; vai trò của các luật tắc đạo đức; quan niệm về giá trị của khảo cổ học; các khái niệm về cương vị quản lý trông coi; ý nghĩa các dính líu đến phương diện đạo lý của di sản, vấn đề địa phương và toàn cầu; câu hỏi ai sở hữu quá khứ hoặc có quyền diễn giải nó; vấn đề của “trộm cắp” buôn bán cổ vật; việc trả lại cho chủ nhân các vật liệu xương cốt các hiện vật có ý nghĩa văn hóa; vấn đề xử lý với người đã chết của các nhà khảo cổ học.

Mục đích chính của cuốn sách chỉ rõ tầm quan trọng của các vấn đề đạo đức cũng như các vấn đề có thể được tiếp cận bằng cách phân tích phù hợp hơn với những cách phân tích đã được thực hiện. Do đó, các nhà biên tập không chia sẻ quan điểm của Karen Vitelli, trong phần giới thiệu tập hợp “Đạo đức học Khảo cổ” năm 1996 của , cho rằng “Người ta không cần phải được đào tạo về triết học, không cần đào tạo thành một chuyên gia về pháp luật tài sản văn hóa, hoặc thậm chí đã theo dõi chặt chẽ bộ văn liệu ngày càng nhiều về đề tài này, mới có đủ điều kiện để dạy một khóa học về đạo đức khảo cổ”. Nhưng Vitelli đã nhận xét một cách đúng đắn rằng Bất kỳ nhà khảo cổ học nghiêm túc và có lương tâm nào cũng sẽ nhận ra rằng ông/bà ấy vẫn nuôi dưỡng một gia tài kinh nghiệm liên quan (Vitelli1996b: 21).

Nhưng sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng chỉ có kinh nghiệm không thôi, cũng có thể trả lời được tất cả các vấn đề về đạo đức. Ai đó có thể vừa là một nhà nghiên cứu nghiêm túc và tận tâm, vừa là một con người tử tế trong hành động, mà không nhất thiết phải tìm cách dễ dàng thẩm định yêu cầu về đạo đức, cân nhắc quyết định giữa các lợi ích xung đột, hoặc xác định đúng bổn phận hoặc hợp đạo để làm - lại càng không mở một khóa học về đạo đức khảo cổ học. Theo quan điểm của chúng tôi, ý định tốt chưa đủ bất kỳ công trình có giá trị nào trong lĩnh vực này cũng đều cần phải được cung cấp thông tin đầy đủ nghiêm cẩm về phương diện triết học. Các chuyên gia, chúng tôi đã mời đóng góp cho tập sách này tiếp cận chủ đề của họ từ nhiều quan điểm khác nhau nhưng chúng tôi tin rằng tất cả đều đủ năng lực đ đáp ứng được những tiêu chuẩn chính xác ấy.

Đạo đức học liên quan đến việc thẩm định quan trọng về hành vi và tính cách của con người. Những phán xử về đạo đức rất khác biệt về mặt kiểu loại so với những phán xử mang tính sự kiện. Theo lời của J.H. Muirhead, tất cả mọi thứ đều có thể được xem xét từ hai quan điểm: Chúng ta có thể coi nó chỉ đơn giản như chính bản nó, khi tìm cách khám phá làm thế nào mà bắt đầu trở thành chính bản thân sự vật đó, và làm thế nào nó có liên quan đến những sự vật khác; hoặc chúng ta có thể so sánh nó với một lý tưởng nào đó của những gì phải trở thành” (Muirhead 1912: 414). Chúng ta có thể nói những gì một người đang làm (mô tả) hoặc chúng ta có thể phán xét xem liệu ta phải làm việc đó hay không hoặc việc cô ta làm (đánh giá) đáng tin đến mức độ nào. Đôi khi đạo đức học được trình bày như thể nó chủ yếu liên quan đến việc giảm chấn về hành động: những gì nên và không nên, các quy tắc, giới hạn những rào cản. Nhưng đó lại là một ảnh tượng méo mó.

Đạo đức học cũng còn thuộc về các nguồn mạch tích cực và hấp dẫn của hành động: giá trị, mục tiêu và lý tưởng, nguyện vọng và sự hoàn thiện cá nhân và xã hội. Chủ đề có lẽ của những chuyên luận lớn nhất trong số tất cả các chuyên luận đạo đức học - đạo đức học Nicomachean của Aristotle - lại chính sinh kế của một đời người dưới hình thức trọn vẹn nhất có thể của nó. Đối với Aristotle, đạo đức học chính nói về sự định vị và sẵn có những loại hàng hóa chất lượng nhất cho ta (được ông xác định bằng những phẩm chất tuyệt hảo của tư duy tính cách). Những con người giữ cho bàn tay đạo đức của mình sạch sẽ thỏa mãn các yêu cầu trần trụi của hành vi chấp nhận được thì có thể được mô tả như các tác nhân tối thiểu về đạo đức. Ngược lại, những người theo quan điểm nhiều cảm hứng hơn trong đời sống đạo đức thì không chỉ tránh cái xấu, mà còn hăng hái theo đuổi cái tốt.

Những ý tưởng này bao trùm toàn bộ đạo đức nghề nghiệp, mặc dù có được một dự báo quan trọng. Các nhà khảo cổ nên tìm cách có được các loại hàng hóa cao cấp nhất trong nghề nghiệp của họ, bất cứ đó có thể là gì. Việc quyết định đó là những gì thì lại chính là một phần quan trọng của đạo đức khảo cổ học; việc xác định làm thế nào họ có thể đạt được một cách hợp pháp lại chuyện khác. Mệnh đề thứ hai này là một mệnh đề truyn tải điều được báo trước. Vấn đề là những loại hàng hóa cao cấp nhất đối với nghề khảo cổ học có thể không phải lúc nào cũng tương thích với những loại hàng hóa cao cấp nhất đối với các nhóm người khác. Vì vậy, có thể lấy một ví dụ rõ ràng, một nghĩa địa cổ xưa cuộc khai quật khảo cổ học sẽ mang lại nguồn dữ liệu phong phú có thể là một địa điểm linh thiêng đối với một cộng đồng bản địa. Mục đích tri thức của các nhà khảo cổ lại mâu thuẫn với mục đích của người dân địa phương trong việc bảo vệ và tôn trọng những gì còn lại của tổ tiên họ. Từ xưa nay cho đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn thường cho rằng lợi ích của khoa học đánh bạt tất cả các lợi ích khác.

Một ví dụ điển hình một loạt cuộc khai quật được nhà nhân học văn hóa Ales Hrdlicka* thực hiện tại vùng vịnh Larsen, Alaska, vào đầu những năm 1930, trong đó hàng trăm bộ xương và hàng ngàn hạng mục đồ tùy táng cùng vô số hiện vật khác đã được đưa về cho Viện Smithsonian trong khi phải đương đầu với sự phản đối kịch liệt kiên trì của người dân địa phương. Như Randall McGuire đã nhận xét, vì các nhà nhân học và khảo cổ học được gán nhãn Hrdlicka, nên các hiện vật mà họ phát hiện được giờ đã “dữ liệu, chứ không phải là mẹ, cha, cô dì, chú bác nữa” (Mc Guire 1994b: 182). Một điều ngạc nhiên sau đó, theo lời của một học giả gần đây, Hrdlicka đã bày tỏ “một thái độ thô lỗ hiếu chiến đối với người dân bản địa đã xuất hiện tại địa điểm khai quật để phản đối việc làm xáo trộn các bậc tổ tiên của họ (Fitz Hugh1994: viii).

Đạo đức học của bất kỳ ngành nghề nào cũng không thể được hình thành trong sự biệt lập khỏi đạo đức học nói chung. Hơn nữa chúng ta cần phải là người tốt trước khi nhà khảo cổ học, triết học, chính trị gia hoặc người lái xe buýt tốt. Không còn nghi ngờ gì nữa, một nhà nghiên cứu như Hrdlicka có một cái nhìn rõ ràng về những gì mà ông hằng tìm kiếm. Ông đã đúng khi nghĩ rằng những kiến ​​thức và sự hiểu biết ông tìm được đều là những hàng hóa có giá trị. Nhưng Hrdlicka cũng là một trường hợp nổi bật của tầm nhìn cuối đường hầm về phương diện đạo đức. Cách xử sự cộc cằn, nếu không nói tàn bạo với những người biểu tình địa phương không chỉ phản ánh một trọng lượng không cân xứng trong số các mục tiêu của mình, người ta còn ngờ rằng, niềm tin mù quáng của ông vào ưu thế chủng tộc của người da trắng so với người Anh Điêng loại quyền tất yếu của loại người có ưu thế đó trong việc bóc lột người yếu thế. Đầu óc phân biệt chủng tộc trắng trợn như vậy các nhà khảo cổ học và nhân học giờ đây, hạnh phúc thay, đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên chúng ta vẫn nên cảnh giác mà đừng thỏa thê với vòng nguyệt quế khai sáng bình đẳng mà chúng ta hằng tin tưởng. Như một số tác giả trong cuốn sách này nhắc nhở chúng ta, rất dễ mắc, ngay cả đối với các nhà nghiên cứu có thiện ý, nhưng vì thiếu hiểu biết hoặc vô ý, vẫn có thể biểu hiện sự thiếu tôn trọng đối với người dân bản địa và truyền thống của họ.

Những nỗ lực của các nhà khảo cổ học trong việc xây dựng các nguyên tắc đạo đức để hướng dẫn thực hành của họ đã thừa nhận tầm quan trọng của việc điều chỉnh các mục tiêu nghề nghiệp cho tương xứng với các yêu cầu đạo đức rộng lớn hơn. Trong khi đôi khi chúng ta không khỏi  ngờ rằng liệu đạo đức khảo cổ học có thể được tinh giản một cách thỏa đáng thành một hệ thống nguyên tắc chung rành mạch (xem, ví dụ như, Hamilton năm 1995; Tarlow 2001b), các bộ luật như đã được đề xuất bởi Hiệp hội Khảo cổ học Mỹ vào năm 1994 chí ít cũng gợi lên tư tưởng về các mối quan hệ giữa mục tiêu của các nhà khảo cổ và các lợi ích đạo đức to lớn của những người bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khảo cổ học. Họ cũng phải có cơ hội để thể hiện những lợi ích giao cắt hoặc hội tụ giữa các nhà khảo cổ học và những người khác. Ví dụ, nguyên tắc thứ tư trong bộ luật của SAA [Hội Khảo cổ học Mỹ] có đầu đề là “Giáo dục công cộng và tiếp cận cộng đồng và khuyến khích các nhà khảo cổ học phổ biến kết quả nghiên cứu của họ cho tất cả những ai quan tâm đến việc bảo tồn và diễn giải quá khứ, bao gồm sinh viên, giáo viên, các nhà lập pháp, người Mỹ bản địa, quan chức chính phủ, các nhà môi trường, các tổ chức dịch vụ, người về hưu, các phóng viên và nhà báo (Lynott và Wylie 1995: 23). Mục đích đáng mừng đằng sau điều luật này là để giảm bớt cảm giác của cái chúng ta và họchia tách các nhà khảo cổ và các nhóm cộng đồng khác, và nhấn mạnh rằng thứ hàng hóa của các nhà khảo cổ không hề là độc quyền cho riêng họ.

Chúng tôi đã chia các chương trong cuốn sách này thành bốn phần, mặc dù nhiều chủ đề giao nhau, chồng lên nhau cách chia như vậy, ở một mức độ nhất định, là mang tính áp đặt. Chắc chắn cách chia đó cũng không làm cho tất cả các tác giả thấy thỏa đáng về các vấn đề chủ chốt. Xuyên suốt cuốn sách, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các nhà khảo cổ học với thư cách là các chuyên gia thực hành, trong khi đó một số chương là giành cho việc cân bằng giữa các quyền lợi và nghĩa vụ của các nhóm lợi ích khác. Chúng ta bắt đầu với một nhóm các bài viết tập trung vào quyền sở hữu của các đối tượng văn hóa. Chính thuật ngữ văn hóa có nghĩa là các đối tượng này có một vị thế đặc biệt tách chúng ra khỏi cái bình thường hàng ngày, và đặt ra câu hỏi phải xác định và hiểu “sở hữu” các đối tượng ấy như thế nào cho rõ. James Young xác định bốn loại chủ sở hữu tiềm năng cho các phát hiện khảo cổ (không bao gồm di tích của người chết). Đó có thể là các nhân (một mặt bao gồm cả người sưu tập các bảo tàng, mặt khác là những người phát hiện hoặc các nhà khảo cổ học); hoặc một cách phân nhóm lớn hơn như một nền văn hóa, một quốc gia, hoặc nhân loại nói chung. Ông ủng hộ khẳng định về “các văn hóa nhưng không phải trên cơ sở bất kỳ nhóm nào cũng có thể kế thừa các quyền đối với các hiện vật có thể có niên đại hang thế kỷ hay thiên niên kỷ; sự biến đổi về văn hóa, dân tộc, xã hội và tôn giáo làm cho bất kỳ tuyên bố nào như vậy cũng trở nên khó chấp nhận như là một phổ quát. Thay vào đó, ông đưa ra quan điểm cho rằng không ai được đòi quyền thừa hưởng đối với nhiều phát hiện khảo cổ, nhưng vấn đề quyền sở hữu thì nên tập trung vào giá trị hiện tại của những phát hiện ấy đối với các cộng đồng sống. Trong trường hợp các hiện vật đặc biệt quan trọng điều này có thể có nghĩa các nhóm lợi ích đặc biệt hoặc các nhóm bản địa khác, mặc dù ông cho rằng chính xác hơn thì nhiều phát hiện vẫn còn do người phát hiện nắm giữ. Hơn nữa, cũng cần phải viện dẫn các nguyên tắc khác, trong nhiều trường hợp cần phải đảm bảo việc bảo quản hoặc bảo tồn một hiện vật nào đó, mong muốn tiếp cận của công chúng, nguyên tắc về các bộ phận riêng rẽ của di sản văn hoá phải được thống nhất lại. Điều khác biệt của Young so với một số tác giả khác trong tập sách này ở chỗ ông phủ nhận công dụng của khái niệm cho rằng các phát hiện khảo cổ di sản chung của toàn nhân loại. Như ông nhận xét, mặc dù chúng ta có thể tự hỏi liệu phát hiện khảo cổ nên được sở hữu theo cùng một cách như tài sản cá nhân bình thường, thì cuối cùng vẫn phải quyết định là ai phải có trách nhiệm giữ các hiện vật ấy. Vấn đề “di sản chung không hề là một nguyên tắc ít quan trọng, và chúng ta sẽ quay trở lại với nó trong phần cuối cùng của tập sách này.

Oliver Leaman đối lập quyền sở hữu hợp pháp các hiện vật văn hóa với các tiêu chuẩn đạo đức hoặc chính trị có thể được dẫn ra để biện minh cho quyền sở hữu như vậy. Nếu các hiện vật văn hóa, bằng cách nào đó, thuộc về cộng đồng rộng lớn hơn, thì quyền sở hữu hợp pháp có thể không bao giờ là tuyệt đối. Đồng thời, Leaman đặt vấn đề nghi ngờ quan điểm cho rằng quyền sở hữu cần được quyết định đơn giản hoặc phần lớn dựa trên các tiêu chí đạo đức trống rỗng. Ông biện hộ cho sự tương đồng giữa chăm sóc các hiện vật và chăm sóc trẻ em; cha mẹ được phép tự do nuôi dạy con theo vô số cách khác nhau, và các cơ quan chỉ can thiệp trong trường hợp bỏ bê hay lạm dụng. Trong trường hợp của các hiện vật, điều này đòi hỏi một số định nghĩa về lợi ích công cộng để dựa vào đó có thể đo lường xem sự chăm sóc đó có thích hợp không.

Cái khó trong việc xác định một loại hàng hóa “công cộng như vậy đã dẫn Leaman đến lập luận cho rằng nếu chúng ta suy ngẫm chuyển rời một hiện vật khỏi chủ nhân của nó thì chúng ta cần phải chứng tỏ không chỉ có việc là sẽ được chăm sóc tốt hơn ở những nơi khác so với chủ sở hữu hiện tại của nó, còn ở chỗ chủ sở hữu hiện tại thể hiện là một mối nguy hiểm cho tương lai của hiện vật. Ông trích dẫn nhiều cách khác nhau, trong đó các loại quyền sở hữu khác nhau có thể có lợi (ví dụ trong việc truyền bá các sản phẩm của nền văn hóa khác nhau trên thế giới và đặt giá trị tiền tệ vào sự tồn tại của các sản phẩm đó) và kết luận rằng cuối cùng sự đa dạng về quyền sở hữu các hiện vật vẫn trạng thái tốt nhất của vấn đề.
__________________________________________


Nguồn: Chris Scarre and Geoffrey Scarre (Ed.) 2006. The Ethics of Archaeology - Philosophical Perspectives on Archaeological Practice, Cambridge University Press 2006

Tác giả 1: Chris Scarre Giáo sư Tiền sử tại khoa Khảo cổ học, Đại học Durham, chuyên về tiền sử Tây Âu, ông đặc biệt quan tâm đến khảo cổ học ven Đại Tây Dương (Bồ Đào Nha, Pháp, Anh Ai-len). Ông đã nhận học vị thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Cambridge, từ công trình nghiên cứu về sự thay đổi cảnh quan và địa điểm khảo cổ học ở miền tây nước Pháp. Từ 1990-2005, ông trợ lý (sau này là Phó) Giám đốc Viện Nghiên cứu khảo cổ học McDonald, Đại học Cambridge, từ tháng 1 năm 2013 ông biên tập viên của tạp chí quốc tế hàng đầu “Antiquity”.

Tác giả 2: Geoffrey Scarre: Là giáo sư Triết học, Khoa Triết, Đại học Durham, chuyên về triết học đạo đức, thuyết vị lợi và triết học của John Stuart Mill, cũng đã viết về chủ đề cái chết từ quan điểm lịch sử và tầm nhìn của các nhà tư tưởng khác nhau. Gần đây ông tập trung vào khái niệm đạo đức của khảo cổ học. Ông còn là người sáng lập và là đồng Giám đốc của Trung tâm Đạo đức học Di sản văn hóa, Đại học Durham. Đây là một cơ quan liên ngành của các học giả Durham - chủ yếu Triết học và Khảo cổ học - nhằm phát triển phép phân tích chặt chẽ và có hệ thống về tính phức hợp đạo đức và vấn đề bổn phận chính trị của di sản văn hóa .

* Người dịch chú: Aleš Hrdlička hoặc Ales Hrdlicka (ngày 29 Tháng Ba năm 1869 - ngày 05 tháng 9 1943) là một nhà nhân học gốc Séc sống tại Hoa Kỳ. Ông sinh ra ở Humpolec, Bohemia (nay tại Cộng hòa Séc). Gia đình di cư đến Mỹ vào năm 1881, khi ông mới 13 tuổi. Hồi nhỏ, Hrdlička tham dự các khóa học buổi tối để cải thiện tiếng Anh, và khi 18 tuổi ông quyết định nghiên cứu y học kể từ khi ông bị bệnh lao. Năm 1889, Hrdlička bắt đầu nghiên cứu tại Cao đẳng Y tế và sau đó tiếp tục học Đại học tại New York. Năm 1986 ông đến Paris nghiên cứu nhân học với các chuyên gia tại đây. Trong khoảng 1898 đến 1903, chu du nghiên cứu trên khắp nước Mỹ, Hrdlička đã trở thành nhà khoa học đầu tiên phát hiện và xây dựng tư liệu chưng minh cho lý thuyết về con người cư chiếm châu Mỹ từ Đông Nam Á chỉ khoảng 3.000 năm trước đây. Ông cho rằng người Anh Điêng từ châu Á di cư qua eo biển Bering, và đã chứng minh cho lý thuyết này bằng các nghiên cứu thực địa chi tiết về các di tích xương cũng như các nghiên cứu về các cư dân ở Mông Cổ, Tây Tạng, Siberia, Alaska và quần đảo Aleutian. Những phát hiện này đóng góp vào lý thuyết về nguồn gốc toàn cầu của loài người, và ông đã được trao giải thưởng Henry Thomas Huxley vào năm 1927.  Aleš Hrdlička thành lập và trở thành người quản thủ đầu tiên về nhân học thể chất của Bảo tàng Quốc gia Hoa Kỳ (nay là Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên) vào năm 1903. Ông cũng là người sáng lập tạp chí Journal of Physical Anthropology của Mỹ.

Tài liệu dẫn

FitzHugh, W. W.1994. ‘Foreword’, in T. L. Bray and T. W. Killion (eds.), Reckoning with the Dead: The Larsen Bay Repatriation and the Smithsonian Institution, pp. v–x. Washington and London: The Smithsonian Institution.

Hamilton, C. E.1995. ‘A Cautionary Perspective’, in M. J. Lynott and A. Wylie (eds.), Ethics in American Archaeology: Challenges for the1990’s, pp. 57–63. Washington, DC: Society for American Archaeology.

Hamilton, C. E. 2000. ‘A Cautionary Perspective’, in M. J. Lynott and A. Wylie (eds.), Ethics in American Archaeology: Challenges for the 1990’s, pp. 64–70. 2nd rev. edn. Washington, DC: Society for American Archaeology.

Lynott, M. J.1997. ‘Ethical Principles and Archaeological Practice: Development of an Ethics Policy’.American Antiquity62(4): 589–99.

Lynott, M. J. and A. Wylie 1995. ‘Stewardship: The Central Principle of Archaeological Ethics’, in M. J. Lynott and A. Wylie (eds.),Ethics in American Archaeology: Challenges for the1990’s, pp.28–32. Washington, DC: Society for American Archaeology.

Lynott, M. J. and A. Wylie 2000a. ‘Stewardship: The Central Principle of Archaeological Ethics’, in M. J. Lynott and A. Wylie (eds.),Ethics in American Archaeology: Challenges for the1990’s, pp.28–32.2nd rev. edn. Washington, DC: Society for American Archaeology.

Lynott, M. J. and A. Wylie, (eds.)2000b.Ethics in American Archaeology.2nd rev edn. Washington, DC: Society for American Archaeology.

McGuire, R. H. 1994a. ‘Do the Right Thing’, in T. L. Bray and T. W. Killion (eds.), Reckoning with the Dead: The Larson Bay Repatriation and the Smithsonian Institution, pp. 180–3. Washington, DC: The Smithsonian Institution.

McGuire, R. H. 1994b. ‘The Sanctity of the Grave: White Concepts and American Indian Burials’, in R. Layton (ed.),Conflict in the Archaeology of Living Traditions, pp.167–84. London: Routledge.

McGuire, R. H. 1997. ‘Why Have Archaeologists Thought the Real Indians Were Dead and What Can We Do About It?’, in T. Biolsi and L. J. Zimmerman (eds.), Indians and Anthropologists: Vine Deloria, Jr. and the Critique of Anthropology, pp. 63–91. Tucson: University of Arizona Press.

McGuire, R. H. 2003. ‘Foreword’, in L. J. Zimmerman, K. D. Vitelli and J. HollowellZimmer (eds.),Ethical Issues in Archaeology, pp. vii–ix. Walnut Creek, CA: AltaMira Press.

Muirhead, J. H. 1912. ‘Ethics’, in J. Hastings (ed.), Encyclopedia of Religion and Ethics, vol. 5, pp. 414–25. Edinburgh: T. and T. Clark.

Vitelli, K. D. 1996a. ‘Introduction’, in K. D. Vitelli (ed.),Archaeological Ethics, pp.17–28. Walnut Creek, CA: AltaMira Press.

Vitelli, K. D. 1996a. 2000. ‘Looting and Theft of Cultural Property: Are We Making Progress?’ Conservation (The GCI Newsletter) 15 (1): 21–4.

Vitelli, K. D. (ed.) 1996b. Archaeological Ethics. Walnut Creek, CA: AltaMira Press.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét