Powered By Blogger

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Sự xuất hiện đô thị (I)



Sự xuất hiện đô thị (I)

Hà Hữu Nga


Khái quát về đô thị cổ

Dựa trên các công trình của Louis Wirth, Gideon Sjoberg và các học giả khác, các nhà khảo cổ học đã tái dựng cuộc sống và các điều kiện trong các đô thị sớm nhất, và thấy chúng có một số đặc điểm chung với các đô thị hiện đại. Phần lớn thời gian tồn tại trên trái đất, tổ tiên của loài người sống trong các trại tạm hoặc các cộng động quần cư là các làng xóm. Các cộng đồng này thích hợp với các xã hội đơn giản, có quy mô nhỏ bé thời cổ, và họ không thể hình dung thế nào là một đô thị. Tuy nhiên cách ngày nay khoảng 5-6000 năm đã xuất hiện các đô thị đầu tiên. Đó là các cộng đồng có cuộc sống phong phú và phức hợp phát triển tại một số vùng có các điều kiện thuận lợi hơn những vùng khác trên trái đất. Sự xuất hiện của các xã hội làm nông định cư cùng với quá trình hình thành các xã hội có nhà nước chính là cơ sở cho sự ra đời của đô thị [Louis Wirth 1938; SjobergG. 1960; Johnson, Allen W., and Timothy K. Earle. 1987].

Các nhà nước cổ đại ra đời dựa trên các quan hệ xã hội phức tạp hơn rất nhiều so với cuộc sống giản đơn của các bộ lạc hoặc các lãnh địa do thủ lĩnh vùng cai quản. Về quy mô dân số, nếu như các bộ lạc hoặc các lãnh địa chỉ có dân số từ vài chục đến một nghìn người thì một đô thị cổ đại phải tập trung hàng nhiều nghìn người. Và thay vì các mối quan hệ của cùng một thị tộc, bộ lạc thì giờ đây đô thị đã là nơi tập hợp của những con người có thể hoàn toàn xa lạ với nhau. Phân công lao động và sự xuất hiện của các nghề nghiệp khác nhau đã dẫn đến xuất hiện một xã hội có những loại người khác nhau, làm những công việc, vai trò, chức năng khác nhau trong một xã hội phức hợp. Khi đã có một xã hội phức hợp thì xã hội đó được chia thành các nhóm người khác nhau, được gọi là các giai cấp xã hội, trong đó bao giờ cũng có một nhóm nhỏ thuộc giai cấp thống trị, hoặc thành phần “tinh hoa” đứng ra kiểm soát xã hội và nhóm người đông đảo còn lại hầu hết là làm nông, làm thủ công hoặc các nghề lao động bình thường khác [Andrews, Anthony 1995].

Quá trình hình thành đô thị gắn liền với quá trình phân cấp xã hội: ở trên đỉnh của hình tháp xã hội phức hợp đó là một kẻ cai trị, có thể được gọi là vua hoặc các tên gọi khác có ý nghĩa tương tự, nhưng họ đều giống nhau là ở trên đỉnh quyền lực kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự. Cùng với quá trình phân cấp xã hội, con người cũng mất dần quyền tự do của xã hội thị tộc, bộ lạc bình quân chủ nghĩa. Trong xã hội phức hợp, những người thường dân phải bị cai quản chặt chẽ, họ phải làm việc nhiều hơn để phục dịch và đóng thuế, binh dịch, lao dịch cho tầng lớp cai trị. Quá trình chuyển đổi từ xã hội bộ lạc giản đơn sang xã hội có nhà nước phức hợp đã thực sự diễn ra một cách tương đối độc lập vào khoảng 3000 năm trước công nguyên tại một số khu vực trên thế giới. Một trong những khía cạnh rõ ràng nhất của quá trình này, đó là sự xuất hiện của các đô thị trong mỗi vùng. Đô thị chỉ ra đời trong các xã hội đã xuất hiện nhà nước, và các đô thị chỉ ra đời ở những nơi thuận tiện cho việc tập trung quyền lực kinh tế, chính trị, quân sự, tôn giáo của các xã hội phức hợp. Trong khi đó, các xã hội thị tộc, bộ lạc đơn giản không đủ mức độ phức tạp để đỏi hỏi phải có đô thị, và con người trong các xã hội đó ưa sống theo cộng đồng, gắn bó với lối truyền thống trong các thôn xóm, làng mạc [Blanton, Richard E. 1982].

Đô thị có một bản chất chung là cuộc sống gắn liền với bối cảnh xã hội, văn hóa rộng lớn hơn. Chẳng hạn các đô thị sớm nhất tại vùng Lưỡng Hà đều là những khu cư trú rất dày đặc dân cư, bao quanh các hệ thống tường. Có hai lý do để giải thích cho thực tế đó: i) các đô thị luôn ở trong tình trạng chiến tranh với các cư dân xung quanh, vì vậy phòng thủ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong việc thiết kế đô thị; và ii) các đô thị thường được xây dựng tại các khu vực nông nghiệp có các hệ thống thủy lợi trong môi trường khô hạn xung quanh, vì đất giành cho canh tác rất giá trị, và hiếm hoi, nên các đô thị thường có quy mô nhỏ để tránh làm mất nhiều diện tích đất canh tác. Trong khi đó, các đô thị sớm nhất của người Maya ở Trung Mỹ lại có khuynh hướng trải dài và các khu nhà đan xen với rừng nhiệt đới. Trong vùng này lại không cần có hệ thống tường phòng thủ, và người ta canh tác trên những khoảng vườn rộng trong ranh giới đô thị [Andrews, Anthony 1995].  

Tuy nhiên các đô thị cổ không chỉ đa dạng và khác nhau bởi văn hóa mà trong chính một nền văn hóa cũng vẫn có những loại hình đô thị khác nhau. Hầu hết mỗi nhà nước cổ đại đều có một vài loại đô thị tùy thuộc vào thực chất hoạt động của mỗi đô thị và vai trò của chúng trong vùng. Chẳng hạn người Aztecs ở miền Trung Mexico có ít nhất là ba loại cư trú kiểu đô thị: i) loại đô thị lớn với số dân đông thì là thủ đô, nơi tập trung các hoạt động kinh tế và hành chính của quốc gia; ii) loại đô thị nhỏ hơn thường là thủ phủ của các thành bang, chủ yếu có chức năng tôn giáo và hành chính; iii) có một số đô thị có mục đích đặc biệt là nơi sản xuất một số loại sản phẩm thủ công hoặc dành cho hệ thống đền thờ. Những khác biệt ấy chính là một đặc điểm rất có ý nghĩa của các đô thị sớm. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là các đô thị sớm không có những điểm tương đồng [Blanton, Richard E. 1982].  

Các định nghĩa đô thị

Các nhà khảo cổ học và sử học nghiên cứu đô thị cổ đại đều có một số cách tiếp cận để định nghĩa đô thị. Đây là một vấn đề rất quan trọng, vì nó thể hiện cách thức chúng ta lý giải các trung tâm đô thị và ý nghĩa của chúng. Có thể đề cập đến hai cách tiếp cận thông dụng nhất để định nghĩa đô thị là dân số đô thị và chức năng đô thị. Định nghĩa đô thị về phương diện dân số gắn liền với quan niệm về đô thị của người phương Tây, và được Louis Wirth thể hiện rất rõ trong bài viết kinh điển: Đô thị là lối sống: “Vì các mục đích xã hội học, đô thị có thể được định nghĩa là một khu cư trú ổn định, tương đối rộng, mật độ dân số cao của các cá nhân không đồng nhất về phương diện xã hội” [Wirth, Louis 1938]. Nói cách khác, đô thị là nơi có dân số đông sống trong một vùng đông đúc, và họ có những thể chế và mô thức xã hội phức hợp đa dạng, chẳng hạn như giai cấp xã hội, các chuyên gia kinh tế, các nhóm tộc người, các tôn giáo khác nhau. Từ quan điểm ấy, các khu cư trú thuộc các nền văn minh Maya và Ai Cập không thể được gọi là các thành phố, vì các cư dân ở đó quá nhỏ và quá phân tán. Định nghĩa chức năng về đô thị tập trung vào vai trò kích cỡ dân số trong việc xác định một đô thị thay vì tập trung vào vai trò cư trú trong bối cảnh vùng. Một khu cư trú đô thị là một nơi trở thành môi trường cho các thể chế hoặc các hoạt động quan trọng cho một vùng nội địa rộng lớn hơn. Theo quan điểm này, người ta cần phải nhìn nhận vấn đề vượt khỏi bản thân nơi cư trú và đánh giá vai trò của nó trong bối cảnh xã hội rộng lớn hơn để quyết định xem liệu nó có phải là một khu đô thị hay không. Có hàng loạt chức năng đô thị khác nhau mà một đô thị phải thực hiện, đó là các chức năng chính trị: chẳng hạn vị trí của cung điện, hoặc của trụ sở hành chính; các chức năng kinh tế: vị trí của các xưởng thủ công, chợ búa, bến bãi, kho hàng, hoặc các cơ sở kinh tế khác; chức năng tôn giáo: vị trí, môi trường xây dựng các đền miếu hoặc các trung tâm nghi lễ; các chức năng văn hóa: trung tâm sản xuất, biểu diễn nghệ thuật, giáo dục, giải trí, v.v…[Adams, Robert Mc C. 1981]

Trong các xã hội có nhà nước thì các thiết chế và hoạt động chủ chốt có khuynh hướng tập trung ở một số ít vị trí, là những khu vực được phân loại là đô thị về phương diện chức năng. Mặc dù các khu dân cư có nhiều chức năng đô thị thu hút mọi người, và có mật độ dân số lớn, nhưng không phải trường hợp nào cũng như vậy, vì vậy mà kích cỡ dân số và mật độ dân cư không phải là một bộ phận của định nghĩa chức năng đô thị. Nhiều khu dân cư Maya rải rác trong rừng cũng là các đô thị về phương diện chức năng, cho dù chúng không có vẻ là đô thị về phương diện dân số. Một lợi thế của cách tiếp cận chức năng là nó chấp nhận các loại đô thị khác nhau, chẳng hạn như các trung tâm kinh tế, các trung tâm chính trị, v.v…và các cấp độ cư trú đô thị khác nhau. Các khu cư trú đô thị có một tập hợp các chức năng đô thị to lớn và phong phú thì thường được gọi là các thành phố, trong khi các khu dân cư đô thị nhỏ hơn với ít chức năng đô thị hơn thì được gọi là các thị trấn. Cách tiếp cận dân số có thể mang tính dân tộc trung tâm, trong đó giả định rằng các thành phố trong tất cả mọi nền văn hóa đều tương hợp với các thành phố có mật độ dân cư dày đặc của các đô thị hiện đại ở châu Âu và châu Mỹ. Trong khi đó có thể theo cách tiếp cận chức năng đối với các đô thị cổ, như vừa nêu ở trên, và sử dụng nó để nhấn mạnh vào tính đa dạng của các đô thị cổ [Andrews, Anthony 1995]. 

Các đô thị cổ điển hình

Mặc dù sự thật là các hệ thống chữ viết sớm nhất đã được phát triển cùng với các đô thị cổ nhất ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng các cuộc khai quật khảo cố học vẫn là những nguồn thông tin tốt nhất để xem xét về các đô thị cổ nhất. Những văn bản viết hầu hết đều tập trung vào một số chủ đề hạn chế, chẳng hạn như vinh danh triều đại, các sổ sách ghi chép thuế, hoặc các nghi lễ tôn giáo, còn các mô tả về các khu dân cư đô thị thì lại không nằm trong các hạng mục đó. Ngược lại, việc nghiên cứu các đô thị cổ lại là mối quan tâm chính của các nhà khảo cổ học trong hơn một thế kỷ nay. Các nhà khảo cổ học đầu tiên rất say mê với các di chỉ rộng nhất và ấn tượng nhất, và đó thường là các khu dân cư đô thị. Từ những năm 40 của thế kỷ XIX mục tiêu và phương pháp khảo cổ học đã thay đổi nhiều khi Henry Layard khai quật thủ đô Nineveh của người Assynan và trước hết John Lloyd Stevens mô tả những khu phế tích Mayan, chẳng hạn Copan và Palenque. Trước kia các nhà khảo cổ học thường quan tâm đến việc khai quật những kiến trúc hoành tráng nhất và rộng lớn nhất để thu thập những bộ sưu tập cố vật đẹp nhất cho các bảo tàng nước mình tại châu Âu. Ngày nay các nhà khảo cổ học đã mở rộng các quan tâm của họ sang lĩnh vực cư trú ít hoành tráng hơn của các đô thị và cả các vùng nông thôn xa xôi, với mục đích khôi phục lại các điều kiện sống và các hoạt động đô thị cổ. Cuộc sống của các cư dân đô thị cổ giờ đây trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà khảo cổ học. Các dấu tích của những công trình xây dựng quan trọng thường được phục hồi để phục vụ cho khác tham quan, còn hiện vật thì thường được trưng bày tại các bảo tàng địa phương, mà không đem đi khỏi các quốc gia bản địa như trước đây nữa [Andrews, Anthony 1995; Blanton, Richard E. 1982; Fox, Richard G. 1977].

Đô thị ngày nay cũng có nhiều nét gần gũi với các xã hội phức hợp cổ đại. Các đô thị cổ thường rất khác nhau về truyền thống đô thị của riêng từng vùng cho nên có thể mô tả một số trường hợp tiêu biểu như dưới đây để giúp hình dung những tương đồng và khác biệt giữa các vùng đó:

Đô thị cổ Lưỡng Hà

Không có gì đáng phải ngạc nhiên là những thành phố đầu tiên trên thế giới lại do người Sumer tạo dựng lên xã hội có nhà nước sớm nhất tại vùng đất nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, nên được gọi là Lưỡng Hà. Trong giai đoạn Uruk (3600 – 3100 năm TCN), các thể chế của xã hội phức hợp như vậy, chẳng hạn chữ viết, việc kiểm soát chính trị cấp trung ương, một nền kinh tế chuyên môn hóa, và sự phân hóa xã hội đang diễn ra. Dân số tăng lên, và nhiều khu dân cư đã được xây dựng. Hầu hết các vùng này vốn đều là các làng làm nông. Uruk là một khu dân cư rộng lớn nhất và vào cuối giai đoạn này nó trải rộng trên ba khu vực với diện tích lên đến 1km2 và có số dân tới vài nghìn người. Quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn Tân Triều đại (2900 – 2300) cho thấy có sự tăng trưởng khổng lồ tại Uruk, phát triển lên tới 4 1km2 với số dân khoảng 50.000 người. Sự bùng nổ của quá trình đô thị hóa ấy gắn liền với việc từ bỏ các vùng nông thôn xung quanh [Frangipane, M. 2001]. Người dân từ bỏ nhà cửa của họ tại các làng xóm biệt lập để chuyển đến đô thị, đây chính là những ví dụ sớm nhất về quá trình di cư từ nông thôn ra đô thị. Có hai cách giải thích cho sự thay đổi này, và cả hai đều liên quan đến bối cảnh chính trị xã hội của xã hội người Sumer. Đây là giai đoạn mà các vị vua đầu tiên xuất hiện trong xã hội Sumer. Lịch sử giai đoạn sau cho thấy khi một xã hội đã phát triển tới trình độ có nhà nước bắt đầu tiếp quản và kiểm soát các cộng đồng người khác nhau vốn trước đó không tuân phục các vị vua và các nhà cai trị ở cấp bộ lạc hoặc thị tộc, thì cách tốt nhất là buộc các cộng đồng đó sống trong các khu đô thị. Trong bối cảnh đó các nhà cai trị dễ bề trông nom, kiểm soát hơn rất nhiều so với tình trạng các cộng đồng đó sống rải rác, biệt lập. Các vị vua đầu tiên của Uruk có thể đã nhận thấy họ cần có các thần dân ngay bên cạnh mình, sống trong các đô thị gần hoàng cung [Andrews, Anthony 1995; Frangipane, M. 2001; Ur, Jason A. 2007].

Cách giải thích thứ hai cho tình trạng di cư nhanh chóng của người nông dân vào các đô thị là chiến tranh. Uruk không chỉ nơi duy nhất có một xã hội phức hợp phát triển đến cấp độ có nhà nước và có một vị vua. Toàn bộ vùng Sumeria xuất hiện nhiều thành bang nhỏ, trong mỗi thành bang đó đều có một vị vua cai trị tại đô thị trung tâm và các vùng nông thôn bao quanh. Các vị vua này đều xây dựng quân đội và gây chiến với các láng giềng. Các trận chiến được mô tả trong các văn bản sớm và người ta mô tả tác động của chiến tranh thường xuyên buộc các thành bang phải xây dựng hệ thống tường phòng thủ xung quanh các đô thị. Cuộc sống trong các làng thôn biệt lập không được bảo vệ đã trở nên nguy hiểm, vì vậy mà người dân phải chuyển đến Uruk và các đô thị khác để được bảo vệ và tránh các cuộc tấn công. Uruk cho thấy rất rõ hai vấn đề về sự phát triển đô thị sớm. Trước hết bối cảnh xã hội rộng lớn hơn đã giúp lý giải cả sự xuất hiện của các đô thị lẫn thực chất và loại hình các đô thị trong các xã hội đó. Đối với trường hợp Sumer chúng ta thấy có sự thể hiện việc kiểm soát chính trị của các vị vua sớm và tình trạng thịnh hành của chiến tranh như là các nhân tố dẫn đến sự xuất hiện của đô thị Uruk. Các trung tâm đô thị nhỏ khác cũng nhanh chóng phát triển và trở thành thủ phủ của mỗi thành bang. Các đô thị này phát triển nhanh chóng và không hề thấy có dấu tích quy hoạch tập trung. Bởi vì có nhiều thành bang nhỏ mà không thành bang nào cố để bành trướng thành một đế quốc rộng lớn hơn, cho nên các đô thị của người Sumer nói chung vẫn còn là các khu dân cư tương đối nhỏ. Thứ hai, quá trình phát triển đô thị là một hiện tượng vùng, và khó mà hiểu được về các đô thị một cách rõ ràng nếu như không đặt chúng trong mối quan hệ với các vùng nông thôn mênh mông xung quanh. Tuy nhiên Uruk và các đô thị khác của người Sumer không chỉ thực hiện các chức năng chính trị và quân sự, mà nó còn thực hiện các chức năng kinh tế và tôn giáo nữa. Các đô thị nhỏ này đều là các trung tâm sản xuất thủ công nghiệp cho cả thành bang và chúng còn phục vụ cho hệ thống đền miếu mà toàn bộ các cư dân trong thành bang đều có nhu cầu thờ phụng hệ thống thần linh của mình [Algaze, G. 2001; Frangipane, M. 2001; Ur, Jason A. 2007].  

Đô thị cổ Sông Ấn

Các đô thị thuộc nền văn minh sông Ấn phát triển thịnh vượng tại Pakistan và Tây Ấn Độ ngày nay đã cho thấy những đặc điểm trái ngược với Uruk và các đô thị khác của người Sumer thuộc vùng Lưỡng Hà. Tại vùng Sông Ấn, các đô thị Harappa và Mohenjo-Daro là những trung tâm đô thị phát triển nhất trong thế giới cổ đại. Các đô thị sớm nhất thuộc giai đoạn Tảo kỳ Văn minh Sông Ấn (2800 – 2300 năm TCN) cho thấy sự phát triển của một số thị trấn có hệ thống tường bao xung quanh. Các khu cư trú này thường có diện tích dưới 1km2 là nơi sinh sống của các thợ thủ công và thương nhân. Hệ thống tường cho thấy tình trạng chiến tranh, xung đột là rất phổ biến. Giai đoạn Trưởng thành của nền Văn minh Sông Ấn (2300 – 1750 năm TCN) là thời gian phát triển của các đô thị rất lớn. Mohenjo – Daro trải trên một diện tích từ 1,5 - 2 km2, với số dân khoảng 40.000 người, còn Harappa thì nhỏ hơn đôi chút, với diện tích từ 1 – 1,5 km2, với khoảng 25.000 dân. Các đô thị này không chỉ khác với các đô thị sớm của người Sumer không chỉ ở quy mô, mà còn ở tầm mức quy hoạch đô thị và sự hiện diện của các công trình công cộng. Mohenjo – Daro có hệ thống nền và tường bao được xây bằng gạch nung và đã trở thành một loại thành trì vững chắc, với nhiều công trình công cộng có trình độ kiến trúc cao và có vật liệu kiến trúc chất lượng tốt. Ở đây có các hội phòng lớn và có cả một chiếc hồ rộng, được gọi là Bể tắm Lớn có thể dùng cho một loại nghi lễ thanh tẩy nào đó. Bên ngoài thành lũy là nhà cửa của người dân được xây bằng gạch. Hệ thống vệ sinh cũng được bố trí ở trình độ cao, và hầu hết các nhà ở đều có giếng nước và nhà tắm có rãnh thoát; đường phố cũng xây dựng hệ thống rãnh thoát nước [Kenoyer, Jonathan M. 1998].

Hệ thống đô thị thung lũng Sông Ấn được quy hoạch cẩn thận và tất cả các công trình đều được định hướng một cách chặt chẽ theo hướng bắc - nam và đông – tây. Các đô thị đều được phân chia thành các khu riêng biệt có tường bao quanh và có cổng ra vào rất quy chỉnh. Các tri thức lịch sử giai đoạn sau cho thấy các vị vua đã xây dựng các thủ phủ một cách rất cẩn thận với các mục đích rõ ràng: Trước hết phải có sự tương thích giữa các tầng trời theo trật tự ở bên trên với đô thành của họ ở dưới mặt đất. Các đô thành cổ này cho dù là ở vùng Sông Ấn, Mexico hay Trung Quốc thì đều là các đô thị có tính linh thiêng được thiết kế để mô phỏng một trật tự vũ trụ hài hòa và để khắc ghi dấu ấn thần linh. Thứ hai người trị vì quy hoạch đô thị theo mô thức có các đường phố đăng đối, quy chỉnh để cho các thần dân của họ biết rằng trên mặt đất này ngự trị sức mạnh và quyền uy của vị vua và thủ đô của mình [Fox, Richard G. 1977; Kenoyer, Jonathan M. 1998].

Mặc dù không có nhiều thông tin về thực chất hệ thống trị vì ở nền văn minh Sông Ấn, nhưng quy mô kiến trúc và thiết kế của Mohenjo-Daro Harappa đã cho thấy các đầu mối về các mục đích của các vị vua thời cổ đại. Trong nền văn minh đó, kẻ trị vì đã thống trị toàn bộ lao động và các nguyên vật liệu cần thiết để xây dựng các đô thị với các công trình công cộng khổng lồ. Kẻ trị vì đã xây dựng được thành đô của mình bằng một bản quy hoạch chất lượng cao với các hệ thống nhà cửa, đền đài, đường xá, cống rãnh, các khu vực, tường bao, theo một mạng quy hoạch thống nhất. Đáng tiếc là cho đến nay các nhà ngôn ngữ vẫn chưa giải mã được hệ thống chữ viết ở đây, vì vậy cho đến bây giờ vẫn chưa thể biết được gì về triều đại cũng như tên gọi của các vị vua cai trị vùng này, trong khi đó thì các cuộc khai quật khảo cổ học đã cung cấp nhiều hình vẽ minh họa về công nghiệp của các vị vua này [Fox, Richard G. 1977; Kenoyer, Jonathan M. 1998].

Đô thị cổ sông Nile

Triều đại Cổ vương quốc (2680 – 2134 năm TCN) là một thời kỳ của nhà nước tập quyền cao độ tại Ai Cập. Các Pharaohs kiểm soát một lãnh địa mênh mông dọc sông Nile, với một chế độ cai trị quan liêu tăng cường của giới thư lại tôn giáo. Họ ghi chép toàn bộ các thông tin kinh tế, xã hội cho nhà vua. Pharaoh là một vị vua thần thánh, tin rằng mình là con của thần Ra con cùa Mặt trời. Các Pharaohs được chôn trong các lăng mộ khổng lồ dần dần trở thành các kim tự tháp, trong đó kim tự tháp của Cổ vương quốc là nổi tiếng nhất. Các kim tự tháp của các Pharaohs Đệ tứ Triều đại được xây dựng trong khoảng 2650 – 2500 năm TCN chính là những công trình tưởng niệm to lớn nhất của thế giới cổ đại và trở thành biểu tượng cho sự vĩnh cửu của vương quyền và thần quyền trong thế giới Ai Cập. So với các nền văn minh cổ đại khác thì Ai Cập thiếu vắng các trung tâm đô thị nổi bật. Điều đó là không bình thường so với mức độ kiểm soát chính trị cao độ của các Pharaohs; các nhà nước trung ương tập quyền hùng mạnh thời cổ đại như vậy thường có các đô thị thủ phủ rộng lớn. Thực sự thì Ai Cập vẫn được gọi là “nền văn minh không đô thị”. Nhưng tên gọi đó chỉ có ý nghĩa khi định nghĩa đô thị bằng quan điểm dân số. Trước giai đoạn Tân Vương quốc (1550 – 1070 năm TCN) không tồn tại các khu dân cư đô thị rộng lớn với hàng chục nghìn dân, khi Pharaoh dị giáo Akhenaton xây dựng thủ đô của đế chế tại Amarna. Mặt khác, cách tiếp cận chức năng về đô thị lại cho thấy Ai Cập thời Cổ Vương quốc đã thực sự có các khu đô thị. Đó chính là các thị trấn có các chức năng đô thị quan trọng cho dù nó không có một số lượng dân cư đủ lớn [Bard, Kathryn, ed. 1999].

Khi nhà nước Ai Cập phát triển hùng mạnh vào giai đoạn khởi đầu của Cổ Vương quốc, người ta đã xây dựng hệ thống tường bao xung quanh nhiều khu cư trú tại thung lũng sông Nile. Các thị trấn này trở thành các trung tâm hành chính của nhà nước Pharaoh. Mỗi thị trấn gồm có một đền thờ chính, một số nhà xưởng, các khu vực nhà ở cho giới tăng lữ, bọn thư lại và những người khác phục dịch đền thờ nhà nước. Tất cả đều được xây tường bao bằng gạch mộc. Khác với các trung tâm đo thị của nhiều nền văn hóa cổ đại khác, nông dân không sinh sống tại các đô thị này. Hệ thống tường không phải để phòng chống kẻ thù như ở Uruk thuộc Sumeria, vì chiến tranh không phải là vấn đề nan giải đối với một thế giới được tổ chức rất chặt chẽ tại Ai Cập cổ đại thời Cổ Vương quốc. Thay vào đó, hệ thống tường trở thành biểu tượng cho việc phân chia ranh giới của thị trấn. Các thị trấn có tường bao thời Cổ Vương quốc chỉ có diện tích dưới 1km2, với dân số chỉ khoảng nghìn người. Chức năng đô thị chủ yếu của các thị trấn này là chức năng hành chính và tôn giáo, hệt như trong các đô thị nghi lễ - vương giả, nhưng có vai trò thấp hơn. Các Pharaohs không sống trong các thị trấn hành chính có tường bao đó, mà chỉ có đội ngũ thư lại và các nhân viên khác. Đền đài là nơi giành cho các vị thần linh quan trọng, nhưng đó lại không phải là trung tâm thờ cúng của nhà nước Ai Cập. Kinh đô của Cổ Vương quốc Ai Cập là Memphis, nhưng không may là không còn lại gì nhiều cho đến ngày nay, hầu hết các thông tin về nơi này chủ yếu là từ các văn bản và bi ký [Kemp, Barry J. 1991].

Mặc dù có thể Memphis là một trung tâm đô thị rộng lớn, nhưng nó lại có vẻ là một phiên bản mở rộng của các thị trấn hành chính có tường bao mà thôi. Có các kiến trúc tưởng niệm ở hoàng cung và các đền thờ cấp nhà nước, và phải có các khu sinh sống của vô số tăng lữ, thư lại, đội ngũ hầu hạ và người là công khác. Tuy nhiên hầu hết nông dân và thợ thủ công lại sống trong các làng chứ không phải là ở thị trấn. Cổ Vương quốc Ai Cập cho thấy có thể có một vương quốc mạnh mẽ mà không có các đô thị rộng lớn, đông dân. Vì phòng vệ không phải là vấn đề cần đặt ra đối với Vương quốc cho nên người dân không phải sống trong các khu vực có những nức tường bọc kín. Một lý do khác là Ai Cập không cần các đô thị lớn vì đó là thực chất của các chính thể quan liêu trong mọi thời đại. Nhà nước được vận hành bởi một đội ngũ thư lại hung hậu, họ ghi chép mọi thứ từ các cộng đồng người, hàng hóa, lương thực đến các hoạt động. Bọn thư lại đi đến mọi ngóc ngách của Vương quốc, và nhờ có những ghi chép của họ mà Pharaoh và các quan chức của ông ta có thể kiểm soát được tất cả thần dân của mình [Kemp, Barry J. 1991].

Đô thị cổ Trung Mỹ

Trung Mỹ là một khu vực văn hóa trải rộng ở Trung và Nam Mexico và phần bắc của Trung Mỹ. Đây là quê hương của nhiều tộc người và văn hóa khác nhau, trong đó người Maya và người Aztecs là nổi tiếng nhất. Truyền thống đo thị Trung Mỹ bắt đầu bắt đầu bằng những thị trấn và thành phố sớm nhất thuộc thời kỳ trước sau công nguyên. Đến giai đoạn Cổ điển tiếp theo (100-800 năm SCN), các nền văn minh đô thị phức hợp phát triển tại các vùng đất thấp thuộc vùng rừng núi nhiệt đới thuộc phần nam của Trung Mỹ, chủ yếu là vùng đất của người Maya và tại các cao nguyên ôn đới, chẳng hạn như Teotihuacan gần Mexico City và Monte Albin thuộc bang Oaxaca. Vào giai đoạn Hậu cổ điển (800 – 1500 năm SCN) là thời kỳ thay đổi và tăng trưởng trên khắp Trung Mỹ, với khuynh hướng chung là các nhóm nhà nước nhỏ hơn và mối tương tác rộng rãi hơn giữa các tôn giáo, gồm có trao đổi thương mại và giao lưu trao đổi văn hóa. Các đô thị cổ đại Trung Mỹ rất khác nhau về kích cỡ, cấu trúc xã hội, thể chế kinh tế, vai trò hành chính và các thể chế tôn giáo. Tuy nhiên, mô thức quy hoạch đô thị cơ bản chỉ thấy có trong các đô thị lớn [Postgate, Nicholas 1992; Marcus, Joyce 1983; Smith, Michael E. 1996; Harrison, Peter D. 1999].

 

Về kích cỡ, trong hầu hết các vùng thuộc Trung Mỹ đều có một thành phố nổi bật vì kích cỡ lớn hơn hẳn so với các đô thị xung quanh; đó chính là mô thức kích cỡ đô thị chính. Chẳng hạn trong giai đoạn Maya Cổ điển, thủ đô hùng mạnh Tikal có số dân khoảng 40.000 đến 60.000 người, trong khi đó hầu hết các trung tâm đô thị khác đều chỉ dưới 8000 người. Hiện trạng đó rất điển hình đối với hệ thống đô thị Trung Mỹ, bao gồm Chich Itzi, Monte Albin, Xochicalco, Teotihuacan, and Tenochtitlan. Các đô thị này không hề điển hình cho các kích cỡ đô thị trung tâm trong vùng, mà hầu hết đều nhỏ hơn. Xã hội Aztec thuộc Trung Mexico là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Tenochtitlan là một đại đô thị, thủ đô của đế quốc Aztec với dân số 200.000 người, trong khi đó dân số trung bình tại các thủ phủ thành bang chỉ khoảng 9000 người. Hệt như vậy, các đô thị Trung Mỹ khác biệt nhau về dân số, chúng còn rất khác nhau về mật độ dân số nữa. Tenochtitlan có mật độ dân số cao nhất là 15.000 người/1km2. Hầu hết các đô thị Trung Mỹ, kể cả các đô thị không bề thế như Teotihuacan, Tula, Aztec đều có mật độ thấp hơn, ở khoảng 5000 – 7500 người/1km2. Ngược lại dân cư thuộc các đô thị Maya giai đoạn Cổ điển ở Pet thì lại thưa thớt hơn; mật độ dân số ở Tikal chỉ khoảng 500 người/1km2 [Harrison, Peter D. 1999; Marcus, Joyce. 1983].
________________________________


Tài liệu Tham khảo

Adams Robert Mc C. 1981. Heartland of Cities: Surveys of Ancient Settlement and Land Use on the Central Floodplain of the Euphrates. Chicago: University of Chicago Press.

Algaze G. 2001. Initial Social Complexity in Southwestern Asia: The Mesopotamian Advantage. Current Anthropology 42: 199 - 215.

Allchin Bridget, and Raymond Allchin. 1982. 7he Rise of Civilization in India and Pakistan. New York: Cambridge University Press.

Andrews, Anthony 1995. First Cities. Washington, DC: Smithsonian Institution Press.

Bard Kathryn, ed. 1999. Encyclopedia of the Archaeology of Ancient Egypt. London: Routledge.

Blanton Richard E. 1982. Urban Beginnings: A View from Anthropological Archaeology. Journal of Urban History, 427 - 446.

Fox, Richard G. 1977. Urban Anthropology: Cities in their Cultural Settings. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.

Frangipane, M. 2001. Centralization Processes in Greater Mesopotamia: Uruk ‘Expansion’ as the Climax of Systemic Interactions among Areas of the Greater Mesopotamian Region, in M. Rothman (ed.) Uruk Mesopotamia and its Neighbors: 307-47.

Harrison, Peter D. 1999. The Lords of Tikal: Rulers of an Ancient Maya City. New York: Thames and Hudson.

Johnson, Allen W., and Timothy K. Earle. 1987. The Evolution of Human Societies: From Foraging Group to Agrarian State. Stanford, CA: Stanford University Press.

Kemp, Barry J. 1991. Ancient Egypt: Anatomy of a Civilization. New York: Routledge.

Kenoyer, Jonathan M. 1998. Ancient Cities of the Indus Valley Civilization. Karachi and New York: Oxford University Press.

Marcus, Joyce. 1983. On the Nature of the Mesoamerican City. In Prehistoric Settlement Pattern: Essays in Honor of Gordon R. Willey, eds. Evon Z. Vogt and Richard

Postgate, Nicholas. 1992. Early Mesopotamia: Society and Economy at the Dawn of History. New York: Routledge.

Sabloff, Jeremy A. 1997. The Cities of Ancient Merico: Reconstructing a Lost World. Rev. ed. New York: Thames and Hudson.

Sanders, William T, and David Webster 1988. The Mesoamerican Urban lladition. In American Anthropologist, 90521-546.

Smith, Michael E. 1996. The Aztecs. Oxford: Blackwell Publishers.

Smith, Michael E. 2007. Form and Meaning in the Earliest Cities: A New Approach to Ancient Urban Planning, Journal of Planning History 6: 3–47.

Sjoberg, G. 1960. The Preindustrial City, Past and Present, Glencoe, IL: Free Press.

Ur, Jason A. 2007. Early Mesopotamian urbanism: a new view from the North. Antiquity 81(313): 585-600.

Wirth, Louis 1938. Urbanism as a Way of Life, The American Journal of Sociology, Vol. 44, No. 1, (Jul., 1938), the University of Chicago Press, Pp. 1-24.  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét