Le Minh Khai
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Đôi khi tôi
nghĩ mình chắc hẳn phải mắc một sai lầm nào đó, vì nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á mà lại thậm ghét các công trình của cố học giả O.W. Wolters.
O. W. Wolters
là một trong những “người cha khai sáng” Đông Nam Á học tại Mỹ. Một số tư tưởng
mà ông theo đuổi, như khái niệm mandala*
và kỳ nhân** đã có ảnh hưởng không
thể tưởng tượng nổi, nhưng tôi lại không hề tán thưởng các ý tưởng đó.
Một trong
những khúc mắc của tôi đối với các công trình của ông chỉ đơn giản là tôi không
tìm được bất cứ thứ gì mà ông nói về Đông Nam Á lại thực sự riêng biệt cho Đông
Nam Á, và vì vậy bằng việc thúc đẩy những khái niệm “Đông Nam Á” được cho là
khác nhau, rốt cục lại, tôi cho rằng điều mà Wolters thực sự đã làm là khu
biệt hóa việc nghiên cứu Đông Nam Á.
Ý tưởng của
ông về kỳ nhân chẳng hạn, thì hệt như
ý tưởng của Weber về ân uy*** của thủ lĩnh. Vậy thì tại sao lại còn phải tạo ra
một thuật ngữ mới để nói về một điều gì đó không phải là duy nhất? Nếu bạn sử
dụng chính thuật ngữ đó thì bạn có thể giao tiếp với các học giả nghiên cứu về
những bộ phận khác của thế giới, và chúng ta có thể được hưởng các thành quả
nghiên cứu của nhau. Việc tạo ra một thuật ngữ mới cho cùng một khái niệm đã
cắt đứt mối liên hệ học thuật và khu biệt hóa các kết quả nghiên cứu của nhau.
Đó chính là điều mà tôi nghĩ là Wolters đã làm.
Hôm nay tôi
nhìn vào tác phẩm ông viết có tên gọi “Southeast Asia as a Southeast Asian
Field of Study” (Đông Nam Á với tư cách là một Lĩnh vực Nghiên cứu về Đông Nam
Á). Trong tiểu luận này Wolters nói về các đặc điểm văn hóa khác nhau mà ông
cho là có thể được phát hiện trong giới tinh hoa của toàn bộ vùng Đông Nam Á
trong quá khứ.
Trong tiểu
luận này cũng như trong các tiểu luận khác, Wolters đã trình bày thông tin theo
cách cực kỳ tối tăm. Ông nhận rằng các đặc điểm văn hóa này không phải là duy
nhất đối với Đông Nam Á, tuy nhiên ông vẫn trình bày các đặc điểm đó cứ như là
các đặc điểm cơ bản cho sự hiểu biết về Đông Nam Á vậy...
Vậy thì các
đặc điểm văn hóa ấy là gì? Wolters kê ra được tám đặc điểm. Dưới đây là ba đặc
điểm đầu tiên (tôi dẫn):
1. Thời gian
duy nhất có ý nghĩa quan trọng là “bây giờ”.
2. Vì “bây
giờ” là thời gian có ý nghĩa quan trọng, tầm quan trọng gắn liền với việc cập
nhật hóa hoặc “đương đại”.
3. Khả năng
“cập nhật hóa” thường được gắn với và duy trì bởi ý nghĩa về việc trở thành một
bộ phận tích hợp của tổng thể “thế giới” đã biết hơn là chỉ thuộc về cái mảnh
lãnh thổ riêng của một ai đó.
Được thôi, vì
vậy nếu các đặc điểm văn hóa đủ quan trọng để phân biệt bộ phận này với những
bộ phận khác của thế giới thì chúng phải vắng mặt ở một mức độ nào đó trong bộ
phận khác của thế giới. Vậy thì chúng ta có thể tìm được ở đâu trên đời này một
vùng mà con người không sống trong thời “bây giờ” và không cố để “cập nhật
hóa”?
Ở chừng mực
tôi còn có thể phân biệt được, thì rõ ràng là không có một nơi như vậy, và cho đến
nay không hề có một nơi nào như vậy. Vì vậy những khái niệm này không thực sự
nói với tôi bất cứ điều gì về Đông Nam Á cả.
Trong khi tôi
không đồng ý với những ý tưởng này (và nhiều ý tưởng khác của Wolters) thì hôm
nay tôi lại đọc được một bài điểm sách đầy cảm thông (nhưng có tính phê phán)
của Justin McDaniel về một tập sách mới được công bố về cuộc đời và sự nghiệp
của Wolters [Early Southeast Asia: Selected Essays by O. W. Wolters, ed.
Craig Reynolds (Ithaca: Southeast Asia Program Publications, Cornell
University, 2008)] khiến tôi nhận thấy một cái gì đó có phần tích cực trong các
công trình của Wolters.
Wolters đã bỏ
ra nhiều năm làm việc với tư cách là một quan chức thực dân tại Malaya thuộc
Anh, và đã bị người Nhật bỏ tù trong Thế chiến II. Những trải nghiệm ấy tại
Đông Nam Á phải có ảnh hưởng lớn lao đến cái nhìn của Wolters về vùng này, tuy
nhiên ông đã không hề thể hiện rõ ràng điều đó.
Dù sao thì McDaniel cũng đã đưa ra được vấn đề quan trọng
sau đây: “...Tôi suy nghĩ đến một vấn đề rộng lớn hơn về cách thức đào tạo sinh
viên ngày nay có thể được rút ra từ cuộc đời của Wolters. Thông thường các sinh
viên tốt nghiệp ở Bắc Mỹ, Châu Âu, và Úc bắt đầu việc đào tạo của họ sau một
vài tháng ở Đông Nam Á với tư cách là một người tình nguyện, một khách du lịch,
hoặc người tham gia chương trình mùa hè; sau đó học bổ sung thêm một năm với tư
cách là một nghiên cứu viên của quỹ Fulbright, Knox, Luce, hoặc Mellon. Trong
khi kinh nghiệm đó có thể đủ để viết một luận văn được hình dung một cách hạn
hẹp, nhưng lại không đủ để phát triển các mối quan hệ dài hạn với các học giả
địa phương hoặc để trải nghiệm vùng này như một “toàn thể” theo bất cứ cách
nào”. [Bài điểm sách được công bố trong Journal of the American Oriental
Society 128.4 (2008), 805-808].
Tôi đồng ý
một phần với quan điểm này. Tôi không nghĩ rằng thời gian của Wolters ở Malaya
nhất thiết phải được chuẩn bị để ông viết về Cambodia hoặc Việt Nam thời trung
đại (thực ra tôi thấy các bài viết của ông về Việt Nam quá hỏng), nhưng tôi
thực sự nghĩ rằng trải nghiệm phi học thuật của ông đã thực sự làm phong phú
cho cách thức ông nhìn nhận thế giới, và đem đến cho ông nguồn cảm hứng và năng
lực để suy nghĩ về “các tư tưởng lớn” và tôi đồng ý rằng nghề học thuật đã ngày
càng trở nên tiêu chuẩn hóa, nên giờ đây có ít, và ngày càng ít người tham gia
vào cộng đồng học thuật với cùng loại sức mạnh tri thức và ngôn ngữ mà Wolters
đã có khi ông bắt đầu cuộc đời học giả của mình.
Các ý tưởng
lớn (thậm chí cả các ý tưởng hỏng) là điều thiết yếu. Chúng là động lực thúc
đẩy tri thức tiến lên. O. W. Wolters có các ý tưởng lớn.
___________________________________________
Nguồn: Le Minh Khai 2013, O. W. Wolters, Life Experience, and Thinking Big in Academia http://leminhkhai.wordpress.com/ 11Jan13
Ghi
chú của người dịch:
* Mandala मण्डल tiếng Phạn có nghĩa gốc là cái
đĩa, vòng tròn, về sau được Wolter sử dụng để chỉ mô hình quyền lực chính trị
trong lịch sử Đông Nam Á.
** Kỳ nhân - man of prowess: từ prowess có nguồn gốc
tiếng Pháp cổ giai đoạn 1250-1300 là proece
thiện tính, can trường; tiếng Pháp hiện đại là prouesse, kỳ công, kỳ tích.
*** Ân uy - Chárísma tiếng Đức, khái niệm đặc hữu của Max Weber, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ χάρισμα là ơn huệ, thiên bẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét