Powered By Blogger

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Khai quật Óc Eo (I)



Khai quật Óc Eo (I)

Louis Malleret

Người dịch: Hà Hữu Nga

Di chỉ Óc Eo nằm ở ven biển châu thổ Mê Kông trên bờ vịnh Thái Lan (PI.V), và là một phần trong tập hợp di chỉ là thuộc Phù Nam, chủ yếu được phát hiện tại vùng Transbassac năm 1944 [1]. Di chỉ phân bố ở làng Mỹ Lâm, tổng Kiên Hảo, thuộc ranh giới hai tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá, ở tọa độ 10012’32’’ Bắc và 10509’17’’ [2] Đông (tọa độ các gò đất ở giữa khu di chỉ). Tôi đã đến đây lần đầu tiên vào ngày 1 tháng Tư năm 1942 và đã thông báo về một dãy gò đống nổi bật trên vùng đồng bằng lầy lội trải từ Phnom Ba Thê đến biển. Việc phát hiện tình cờ về một đồ trang sức bằng vàng đã thu hút vô số kẻ săn vàng kéo đến. Hoàn cảnh chiến tranh không cho phép tổ chức ngay một cuộc khai quật, và một phần phụ thuộc vào các chu cấp hành chính, các phương tiện bảo vệ, nên tôi đã kết hợp mua lại được một số lượng lớn các đồ vật mà những người săn cổ vật thu được.

Đầu năm 1944, ông George Coedès, sau đó là Giám đốc trường Viễn đông Bác cổ đã tin tưởng chính thức giao cho tôi nhiệm vụ tiến hành một chiến dịch khai quật với sự cộng tác của ông Manikus, phụ trách nhiếp ảnh và ông Trần Huy Bá, phụ trách phần đo vẽ. Trong chiến dịch khai quật còn có một vị thư ký của Bảo tàng Blanchard de la Brosse, ông Đặng Văn Minh và một người đổ khuôn thạch cao của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Yên. Hai mươi thanh niên trợ giúp khai quật trong tháng đầu. Mười cảnh sát được cử ra canh giữ đảm bảo an ninh cho di chỉ và vùng xung quanh. Một y tá được tỉnh Long Xuyên và Rạch Giá bố trí chăm sóc sức khỏe cho đoàn trong toàn bộ đợt khai quật, còn các bác sỹ của hai tỉnh có trách nhiệm thường xuyên đến chăm sóc y tế. Trước đó, bác sỹ Delbove thuộc Viện Pasteur cũng đã tiến hành một đợt nghiên cứu về bệnh sốt rét trong vùng, và bác sỹ-nhà bào chế thuốc Vialard-Goudou, cán bộ Viện Pasteur đã phân tích các mẫu nước giếng ăn tại đây. Nước ăn hàng ngày được lấy từ Núi Sập, Long Xuyên cách Óc Eo 15 km. Đoàn khai quật dựng trại với trạm lọc nước giếng được thiết kế ngay tại sân đình làng Vọng Thê để rửa ráy, không sử dụng cho ăn uống. Các nguyên tắc kỷ luật về y tế và sức khỏe được thiết lập một cách nghiêm nhặt. Các hoạt động phòng ngừa sốt rét đã rất có hiệu quả. Tuy nhiên vẫn có sáu ca bị mắc bệnh lỵ, nhưng đã được điều trị tại địa phương, hoặc đưa bệnh nhân về trung tâm y tế Long Xuyên cách đó 40 km bằng thuyền hoặc xuồng máy. Thời gian dự kiến tiến hành khai quật là vào mùa khô, từ tháng Hai đến tháng Tư, khi vùng đất quanh năm ngập nước trong khu châu thổ Bassac trở nên khá chắc, và địa tầng không bị xáo trộn hoặc bị ngập trong nước gần như suốt cả năm. 

Di  chỉ cách biển 25km và cách sườn dốc tây nam núi Phnom Bat Sâmner hoặc Núi Ba Thê 2,5km (Pl. VI,a), ở đó đã phát hiện được một số công trình điêu khắc Khmer thuộc nghệ thuật tiền Angkor. Các bức không ảnh trước đó chụp ở độ cao lớn trong điều kiện không thuận lợi vẫn cho thấy con đường mòn bao quanh có hình vuông hoặc chữ nhật, rõ ràng trên ba cạnh thuộc hướng tây nam và hướng đông, có vẻ như một cạnh dài hơn hai cạnh kia. Trong giả thuyết đầu tiên, di chỉ chiếm một diện tích là 225 ha, trong giả thuyết thứ hai là hơn 400 ha. Không phải đợi đến cuối cuộc Thế chiến II thì vấn đề mới được giải quyết. Năm 1946, việc phục hồi các bức không ảnh đã giúp tôi có được một cái nhìn rõ ràng hơn về cái hình chữ nhật một cạnh 1500m, và cạnh kia 3000m theo hướng bắc-bắc- đông & nam-nam-tây, bao gồm diện tích 450 ha, bằng khoảng một nửa Angkor Thom. Nhưng các gò đống và các di tích trên bề mặt phân bố dày đặc trên diện tích 330 ha, chủ yếu ở phía bắc, vì vậy có thể tiến hành nghiên cứu trên một dải đất rộng, phù hợp với một diện tích đô thị tương đối chắc chắn ở đó. 
    
Đối với người quan sát trên mặt đất, thì đường nét của phạm vi đó không còn được thể hiện bởi một chuỗi các bờ dốc và các hố trũng khó nhận ra vì những đám cỏ và lau sậy mọc rậm um tùm nữa. Di chỉ hiện ra nhờ hàng loạt di động nhẹ của đất pha cát cùng các môm đống  mà dân cư địa phương gọi là Tuôl hoặc , bằng tiếng Khmer và tiếng Việt. Di chỉ bị phân cắt bởi các hố trũng, đôi khi là đầm lầy trải dài theo các bậc cấp, đôi khi lại cắt nhau thành tuyến. Đây là các lung, có vẻ như là từ tiếng Việt bị biến đổi từ mlóng trong tiếng Khmer. Số lượng gò đống lên tới 35 cái, nhìn chung không dễ nhận thấy. Hầu hết chỉ cao khoảng vài décimètres (dm) so với bề mặt ruộng xung quanh. Người dân địa phương gọi đó là các gò đá hoặc gò đất, tùy thuộc vào việc các mô đất đó có hay không có các tảng đá granite phủ bên trên thành một hình gần như tròn (Pl. VI, b). Sau đó tôi tiếp tục công việc, và phát hiện được hai hiện vật trong đó có một mukhaliṅga bằng đá cát và một nửa bức tượng đàn ông Ấn còn đến háng, trong khi liṅga dáng vẻ rất tự nhiên được phát hiện trong một hố trũng. Gò đất đôi khi có nguồn gốc hiện đại, một số cư dân sống ở đây không còn cách nào khác để tránh được ngập lụt hàng năm nên họ đã vượt đất làm nền xây dựng nhà ở trên chính vùng đồng bằng này; nhưng các bờ dốc do con người tạo ra thường được xác định dễ hơn, vì bên cạnh đó vẫn còn để lại một cái hố đào lấy đất vượt nền. Các gò đất khác xa hơn nhiều về phía nam di chỉ thì rất ít thay đổi, nhưng thường thấp hơn và ở chỗ lầy lội hơn. Có vẻ như các gò đó thuộc về nhóm cư trú sớm hơn.

Trong số các hố trũng, khía cạnh quan trọng nhất là theo trục thẳng đông bắc – tây nam mà hình chữ nhật trước đó đã xác định tuyến đường. Tiếp giáp về phía đông có một dải cát trải từ làng Giồng Cát ở gò Óc Eo lớn nhất, nhưng không phải là cao nhất và tên gò được dùng để gọi tên toàn bộ di chỉ. Di chỉ trải từ phía nam có tên gọi Lung Lớn trở thành Lung Giếng Đá trên các bản đồ, trong đó ông Pierre Paris đặc biệt chú ý đến cơ hội nghiên cứu tiếp theo [3]. Một di chỉ mới có tên gọi là Tà Kèo được phát hiện ở chỗ con kênh cổ giờ đã bị lấp, hình như đã có thông ra biển.

Một nhân viên địa bạ tỉnh Long Xuyên đã xây dựng sơ đồ tổng thể di chỉ Óc Eo theo các tuyến khảo sát của tôi. Chúng tôi cũng đã thực sự nghiên cứu các dữ liệu địa lý từ các tấm không ảnh. Để thuận tiện cho việc xác định vị trí trong khu vực đồng bằng không có các mốc thị giác, chúng tôi đã phân chia toàn bộ vùng đô thị như đã giả định thành các khu vực, ba khu vực đã được phân chia dọc theo hướng chính: khu phía bắc, khu trung tâm và khu phía nam, mỗi khu vực được chia ô theo hướng vuông góc với hai khu đầu tiên: khu tây và khu đông. Cách phân chia này không phải hoàn toàn võ đoán, mà dựa trên một nhận định cho rằng di tích Tuôl Dơm Tonleap hay còn gọi là Gò Cây Thị, là nơi để lại những di vật có ý nghĩa to lớn nhất, có thể cho thấy một khoảng cách tương đương từ hai cạnh ngắn của khu di chỉ, nếu người ta thừa nhận rằng đó là một hình chữ nhật, thực sự được thấy sau đây. Đó cũng chính là ranh giới lý thuyết của các khu bắc và khu trung tâm trùng với một lung đi ngang qua, vẫn còn để lại một đoạn. Chúng tôi cũng sử dụng cách chia khái quát này để nghiên cứu vô số mảnh gốm bị bọn đào trộm của để lại; các kết quả được liệt kê ở phần dưới.

Mức độ rộng lớn đã biết của di chỉ và mùa khô ngắn ngủi cho phép đến được tất cả các hố trũng với chương trình mà tôi đã thiết kế chỉ có thể đáng ứng được một phần rất khiêm tốn của tham vọng nghiên cứu. Đó có thể là sân chơi cho bọn săn của trái phép, nhưng bằng một nghiên cứu hệ thống về địa hình và địa tầng vẫn có thể xác định được các cấp độ cư trú ở đây. Vì vậy trước tiên chúng tôi đề xuất tiến hành một loạt mặt cắt địa tầng để quan sát chính xác một tập hợp các suy luận về mức độ đảm bảo an toàn. Sau đó cần phải khảo sát số lượng các gò đống được lựa chọn trên toàn bộ di chỉ để có được những hiểu biết nhất định về các di vật và xác định các mốc chuẩn cho bình đồ của khu đô thị. Phương pháp này về sau đã chứng tỏ là vô giá vì nó là bất khả thể kể từ các sự kiện người Nhật trở lại gần Óc Eo vào ngày 9 tháng Ba năm 1945. Sau đó di chỉ đã bị bỏ lại không hề có bất cứ sự kiểm soát nào đối với hành động hỗn loạn của bọn săn của và phương pháp khảo sát không ảnh mà chúng tôi đã thực hiện trên cánh đồng khô nẻ vào tháng Tư năm 1946, là bức ảnh về một cảnh quan mờ nhạt thách đố người ta bằng những cái hố hoặc những hình phễu dày đặc gợi nhớ về vùng Champagne hoang tàn trong Thế chiến I, sau trận pháo kích kinh hoàng.

Các nghiên cứu đặc trưng địa tầng tập trung vào 8 điểm phân bố ở khu phía bắc và khu trung tâm, khu vực phía nam vẫn lầy lội trong suốt thời gian chúng tôi ở đó (Pl. VII, a và b). Bắt đầu từ ngày 10 tháng Hai, các cuộc khai quật của chúng tôi đã phải chạm trán với nước ở độ sâu khoảng 1m và cho đến độ sâu 2 m vẫn không giảm vào đầu tháng Tư, tại bất cứ một điểm nào. Tình trạng thiếu thốn phương tiện đã cản trở đáng kể đến công việc nghiên cứu. Tuy nhiên điều đó lại giúp chúng tôi nhận thấy rất rõ sự tồn tại của hai lớp cư chiếm của con người nơi đây. Một lớp chồng lên nền cát đã được phát hiện lác đác ở độ sâu trung bình từ 0.50m – 0.80m. Lớp thứ hai phân bố ở độ sâu 1.80m – 2.20m. Có thể khẳng định rằng trong bất cứ trường hợp nào thì chúng ta cũng không thể xác lập được một mặt cắt địa tầng có cả hai, đặc biệt là trật tự niên đại, có thể có giai đoạn cư trú liên tục hoặc đứt quãng tại di chỉ. Nhưng vì các hiện vật giống hệt nhau ở cả hai mức, và mức thứ hai xuất hiện ở rìa Kênh Lớn, nên có thể được coi là một mô thức cư trú đồng đại được thiết lập lúc thì trên nền đất chắc, đôi khi lại ở rìa của hố trũng.

Trong mỗi mức chúng tôi đều gặp các cụm di vật. Đó là các mảnh gạch ngói, gốm và các di vật thường có ở cả hai lớp. Lớp thứ hai bao gồm vô số mảnh vỡ, dấu vỏ sò, xương động vật nói chung, có chỗ độ dày đạt tới 0.80m. Mức thứ nhất tương ứng với lớp cát có chứa những miếng vàng nhỏ. Nhiều di vật có dạng hình sợi với các dải nhỏ, hoặc một loại hợp chất nung chay hình giọt nước, tất cả đều có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Đôi khi chúng lẫn lộn với các mảnh đồng đỏ hoặc đồng thiếc. Những mẫu vật khác là bụi mịn có kích thước hạt lớn nhất chỉ là 1 hoặc 2/10 mm. Quan sát bằng kính hiển vi, các mảnh vỡ được phân chia thành một trong các loại trên. Nhìn chung, chúng đều có các vết rạn do gõ búa hoặc những đường rạch do một loại công cụ để lại. Mặt khác, chúng tôi phân biệt các loại hiện vật bằng sự khác nhau về màu sắc để xác định những tên gọi khác nhau. Trong mọi trường hợp, chúng tôi đều nghiên cứu cấu trúc tinh thể của các hiện vật. Có vẻ như chúng ta phải xem xét các mạt rũa của các xưởng làm đồ kim hoàn, hoặc các phế phẩm của quá trình mạ vàng sản phẩm kim hoàn. Trong di chỉ còn phát hiện được một tượng Phật nhỏ bằng đồng thiếc có lẽ được tráng bằng thủy ngân.

Ngoài ra chúng tôi còn bắt gặp các hạt chuỗi bằng vàng giống hệt các hạt chuỗi mà M.I.H.N.Evans đã phát hiện được ở Kuala Selingsing, Malaysia mà ông gọi là hạt chuỗi mạ vàng. Có một hạt chuỗi để lộ một phần cấu trúc bên trong cho thấy có một dải vàng mỏng giữa hai lớp thủy tinh. Có thể những hạt chuỗi này cũng cùng một loại như vậy. Về phương diện khác, chúng tôi cũng phát hiện được vài chiếc búa nhỏ, và những con trai hai mảnh vỏ làm đồ trang sức bằng đá phiến sét. Có vẻ như đô thị này đã lưu giữ nhiều xưởng kim hoàn, điều đó có lẽ giải thích cho sự tồn tại nhiều nén vàng nhỏ và đồ kim hoàn phát hiện trong khu di chỉ. Các mẫu cát mà chúng tôi lấy từ các độ sâu khác nhau đã được Marcel Aubert, Kỹ sư Nha khoáng sản Sài Gòn xét nghiệm. Các mẫu cát này đều không chứa mảnh vụn vỏ nhuyễn thể, điều đó giúp loại trừ giả định về nguồn gốc biển của chúng. Ở chỗ khác chúng tôi thấy rằng nền cát không hề xuất hiện thành một mạng liên tục. Độ dày của các lớp nền này giao động từ vài cm đến vài dm. Nó vẫn luôn luôn được nâng đỡ bởi một lớp sét mà mỗi năm được chồng lên một vỉa phù sa do lũ. Trừ khi có thêm thông tin mới, còn đến bây giờ thì có vẻ không phải nơi đây đã từng là một bãi biển cổ. Các mẫu vỏ nhuyễn thể và dấu vết vỏ nhuyễn thể được ông Edmond Saurin thuộc Sở địa chất Đông Dương xét nghiệm cho thấy trạng thái ưu trội của các loài nhuyễn thể nước ngọt (Paludina sp.) hoặc các loài sống ở cả nước ngọt lẫn nước lợ (Cyrena sp.). Một vài loài nhuyễn thể biển (Arca sp.), nhưng sự dồn đống của chúng với các loài nhuyễn thể nước ngọt và một số lượng lớn xương động vật, chủ yếu là xương bò và xương lợn non thì rõ ràng đó là vật thải của quá trình xử lý thực phẩm, chứ không phải là sản phẩm của quần động vật tự nhiên bên bờ biển.

Có ba chiếc cột gỗ được phát hiện tập trung ở một điểm, trong phạm vi khoảng một mét. Một chiếc cột được trang trí sơ qua, nhưng vẫn còn thấy rõ. Nó gồm có hai vết lõm hình vòng tròn tạo thành một đường uốn khúc, trong khi đó vết lõm tổ ong để lại dấu vết rất rõ trên nền sống nổi của một bề mặt tám cạnh. Trên những di chỉ mới được phát hiện ở toàn bộ vùng Transbassac, đôi khi vẫn còn thấy nhiều nhiều đầu cột mấp mé trên mặt đất. Những chiếc cột ấy ở Óc Eo thể hiện mối quan hệ mật thiết với các di vật tương tự được phát hiện năm 1936 ở Đồng Cây Sậy cùng với một tượng Phật bằng gỗ [4]. Dường như trong thời cổ, việc sinh sống ở nhà sàn là duy nhất khả thể đối với môi trường sống của người Óc Eo trên toàn bộ vùng Transbassac và Đồng Cây Sậy.

Đặc biệt liên quan đến Óc Eo, có thể hình dung được rằng, các ngôi nhà sàn đều được xây dựng trên hệ thống cột cao hoặc thấp, tùy thuộc vào tình trạng không đồng mức của mặt bằng khu đô thị, bởi tác động của sự bồi lấp cho đến ngày nay đã giảm đi rất nhiều. Những chiếc cột mà chúng ta còn nhận ra được chủ yếu là ở rìa của hố trũng. Dường như chúng ta đang được chứng kiến sự hiện diện của các khu cư trú tương tự như các khu cư trú nhà sàn hướng đến thiết lập mối quan hệ giữa hai lớp khảo cổ học đồng đại bị tách ra bởi sự khác biệt của một lớp đất dày một mét. Trong thực tế thì có thể cho rằng trong suốt một giai đoạn cư trú lâu dài, các rác thải của quá trình nấu nướng và thực phẩm thải loại đã được tích tụ lại trong nhà, đặc biệt là khi chúng lấp đầy một hố trũng, một đoạn kênh mương hoặc một bàu nước. Sự tương đồng của đồ gốm giữa lớp này và lớp khác có khuynh hướng khẳng định cho giả thuyết này, mặc dù công nghệ gốm rõ ràng là một loại kỹ thuật tiến triển ít nhất. Chúng tôi phát hiện được dưới  hố cột một chiếc bàn đập gốm bằng gỗ hoàn toàn giống với những chiếc bàn đập mà những người thợ gốm Khmer vùng Ba Thê và ngày nay chúng tôi cũng thu thập được các bàn miết láng gốm tương tự như vậy. Dẫu sao thì chúng ta cũng có thể xem xét một thực tế chung là phương thức cư trú trong nhà sàn. Nhưng nếu chúng ta nhớ rằng các mặt cắt địa tầng chỉ bắt gặp riêng rẽ, ngoại trừ các trường hợp đáng ngờ là hai lớp khảo cổ, thì trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về sự khác biệt hoặc đồng đại của chúng, cần phải có các nghiên cứu thêm, cho dù theo nghĩa rộng thì có thể coi đó là cách diễn đạt thứ hai.
______________________________________

Nguồn: Louis Malleret 1951. Les fouilles d'Oc-èo (1944). Rapport préliminaire, Bulletin de l'Ecole française d'Extrême-Orient. Tome 45 N°1, 1951. pp. 75-88, par Louis Malleret, Directeur de l'École Française d'Extrême-Orient.

Chú thích

1. Về các trường hợp nảy sinh từ các sự kiện hậu chiến, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa công bố được toàn bộ các nghiên cứu của mình về các di chỉ tiền Angkor thuộc Phù Nam ở vùng châu thổ Mê Kông, bao gồm cả vùng Transbassac là nơi có niên đại cổ hơn cả. Chúng tôi hy vọng trong những năm tới sẽ tiến hành công bố toàn bộ các công trình này và nó sẽ giúp khôi phục lại tầm quan trọng cao của khảo cổ học đối với các vùng đất phù sa nam Đông Dương. Cho đến nay đặc biệt có bài viết của ông G. Coedès, đầu đề là Fouilles en Cochinchine. Le site de Gb Oc-èo, ancien port du royaume de Fou-Nan dans Artibus Asiae, X-3, 1947, p. 19З-199 và hai bài viết của chúng tôi, một có đầu đề là The buried town of Óc Eo and the Funanese sites of Transbassac in Cochin-China, trong Annual Bibl. of Indian Archeaology của Institut Kern, Leyde, 1 9 5 о , XV, p. Li-LVi, và bài khác là L'Art et la métallurgie de l'étain dans la culture d'Oc-èo trong Artibus Asiae, XI-4, 1948, pp. a 74-284. Trong báo cáo sơ bộ này chúng tôi giới hạn minh họa vào việc tổng quan các khía cạnh của di chỉ và công việc nghiên cứu vào hai giai đoạn khác nhau trong tiến trình. Trong các bài viết đã đề cập ở trên có trình bày một số hiện vật đặc trưng cho Óc Eo.

2. Các tọa độ được hiệu chỉnh và báo cáo cho la Carte Internationale du Monde [Bản đồ Quốc tế Toàn thế giới]. Theo đó di chỉ Óc Eo ở 1 i g. 36 2 lat. N. et 1 14 g. з4з long. E. trên các bản đồ của Sở Địa lý Đông Dương được dùng cho Kinh tuyến Paris – Cái tên Óc Eo được chúng tôi sử dụng mở rộng cho toàn bộ di chỉ là một cái tên địa danh địa phương, là Cồn giữa.    

3. Các kênh cổ được phát hiện trên không ảnh, thuộc tỉnh Tà Keo, Châu Đốc, Long Xuyên, và Rạch Giá, BEFEO, XLI, p. З65-З72.

4. (Xem M BEFEO, XXXVII, 6o5, và Catalogue của Musée Blanchard de la Brosse, vol. I, p. 79-80.



2 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đọc Quang Toàn thường xuyên ghé thăm và động viên K.E. Đó thực sự là một món quà lớn.

      Thân

      Hà Hữu Nga

      Xóa