Powered By Blogger

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Các điều kiện Phát triển Bền vững*



Các điều kiện Phát triển Bền vững*

Hà Hữu Nga

Phát triển bền vững là một khái niệm mà nội hàm của nó không ngừng được mở rộng cùng với nhận thức ngày càng tăng của nhân loại về ý nghĩa và tầm quan trọng của nó đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, các hoạt động kinh tế, văn hoá, thể chế, và con người, v.v...Xuất phát điểm của khái niệm này là quan niệm của phong trào môi trường về việc cân bằng giữa nhu cầu của con người với việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Lần đầu tiên mối liên hệ giữa môi trường và phát triển được đề cập đến một cách chính thức vào năm 1980 trong Chiến lược Bảo vệ Thế giới của Liên minh Quốc tế Bảo vệ Tự nhiên [UNEP (United Nations Environment Programme) 1980]. Và kể từ khi công bố Báo cáo của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới, còn gọi là Uỷ ban Brundtland, do cựu thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland phụ trách, khái niệm phát triển bền vững đã được sử dụng rộng rãi. Trong báo cáo này khái niệm phát triển bền vững đã được định nghĩa là “thoả mãn nhu cầu của hiện tại nhưng không gây hại cho các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ” [United Nations 1987]. Phát triển bền vững không chỉ là các vấn đề môi trường, mà nó còn bao gồm hàng loạt lĩnh vực liên quan, đó là các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, thể chế, con người, giới, v.v...

Trong lĩnh vực phát triển bền vững có thể coi tính bền vững là một khái niệm cốt lõi. Tính bền vững được định nghĩa là đặc trưng cho một quá trình hoặc một trạng thái tồn tại có thể được duy trì lâu dài. Tính bền vững đảm bảo những tác động tối ưu đối với môi trường tự nhiên và xã hội trong một tương lai vô tận.  Khái niệm đó không chỉ được các nhà khoa học sử dụng để lý giải tính liên tục và ổn định của các thuộc tính sinh thái mà còn bao gồm cả các thuộc tính kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, đạo lý, thể chế, v.v.... Một trong những thuộc tính đặc biệt quan trọng của tính bền vững là các điều kiện bền vững hệ thống [Bertalanffy, von Ludwig 1950, 1951, 1968, 1975, 1981]. Nhà nghiên cứu ung thư Karl-Henrik Robèrt, Chủ tịch và là người sáng lập mạng lưới Natural Step, đã có đóng góp lớn trong việc phát hiện ra phương pháp đánh giá tính bền vững một cách khoa học dựa trên nguyên lý nhiệt động học. Chính định nghĩa phát triển bền vững của Uỷ ban Brundtland đã dựa trên kết quả nghiên cứu của ông. Theo ông “tính bền vững là đặc trưng cho một quá trình hoặc một trạng thái được duy trì một cách ổn định lâu dài” [Robert, Karl-Henrik 2002]. Nguyên lý thứ nhất và thứ hai của nhiệt động học đã giới hạn các điều kiện sống trên trái đất, trong đó Nguyên lý thứ nhất khẳng định rằng: năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, có nghĩa là nó vĩnh viễn cân bằng. Căn cứ vào nguyên lý đó, Robert đã đề xuất các điều kiện đảm bảo tính bền vững, mà ông gọi là Khung cấp độ tự nhiên, bao gồm bốn điều kiện hệ thống, được coi là các nguyên lý khoa học đảm bảo cho một xã hội bền vững: i) các quá trình tập trung vật chất khai thác từ vỏ trái đất; ii) các quá trình tập trung vật chất do con người sản xuất ra; iii) quá trình suy thoái của một xã hội phụ thuộc vào vật chất; iv) con người không bị lệ thuộc vào các điều kiện làm sói mòn một cách hệ thống năng lực thoả mãn các điều kiện của chính nó [Robert, Karl-Henrik 2002; United Nations 2008].  

Điều kiện một: Một trật tự xã hội được coi là bền vững khi có sự cân bằng của các dòng sinh quyển (các cơ thể sống và các hệ thống vật chất với các dòng mà chúng tương tác) và thạch quyển (vỏ trái đất). Sự cân bằng đó phải đảm bảo sao cho các quá trình tập trung vật chất từ thạch quyển không tăng lên một cách hệ thống trong toàn bộ sinh quyển, hoặc trong những bộ phận của nó. Lý do là trải qua hàng tỷ năm các nhiên liệu hoá thạch, các kim loại nặng và các loại khoáng sản nằm yên ổn dưới lớp vỏ trái đất (thạch quyển) và tự nhiên đã thích nghi với các khối lượng của từng loại vật chất này rồi. Việc khai thác mỏ và đốt cháy các năng lượng hoá thạch đã thải ra rất nhiều loại vật chất không phân huỷ, chất đầy dần và trải rộng khắp trên các hệ sinh thái. Trong khi đó các hệ thống sống trên trái đất lại không hề được chuẩn bị để xử lý với hàng đống vật chất, vật liệu ngày càng lớn dần gồm những chì, thuỷ ngân, các chất phóng xạ và các loại chất thải độc hại khác. Hậu quả là khi con người ngày càng tiếp tay làm tăng thêm quá trình tích tụ vật chất từ hệ thạch quyển sang hệ sinh quyển như vậy thì có nghĩa là con người đã góp phần huỷ hoại các chức năng và tính đa dạng của hệ thống sinh thái, trong khi nhờ các nguyên lý khoa học chúng ta biết rằng: i) Không có gì mất đi: theo qui luật thứ nhất của nhiệt động học và nguyên lý bảo toàn vật chất thì vật chất và năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi; ii) Vạn vật đều khai triển: Theo qui luật thứ hai của nhiệt động học thì vật chất và năng lượng có khuynh hướng phát tán, vì vậy toàn bộ vật chất được đưa vào đời sống xã hội sẽ được phát tán trở lại các hệ thống sống trong tự nhiên và làm cho hệ thống này có thể biến đổi thành một hệ thống chết. Vậy là các dòng vật chất giữa thạch quyển và sinh thái quyển phải được duy trì cân bằng, có nghĩa là các loại vật chất từ thạch quyển không được tăng lên một cách hệ thống trong toàn bộ cũng như trong bộ phận của sinh thái quyển. Con người có thể làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên đó trong nhiều giai đoạn: từ việc tìm chọn các loại vật chất từ thạch quyển ban đầu, sau đó đến việc lựa chọn chất lượng, rồi đến số lượng các loại khoáng chất cho đến khả năng công nghệ của các xã hội nhằm đảm bảo sự cân bằng thông qua quá trình tái chế và tái sử dụng những loại vật chất nào đó. Những loại vật chất tích tụ cuối cùng buộc phải chấp nhận là tuỳ thuộc vào mức độ đầu độc hệ sinh thái đến mức nào. Mức độ nhiễm độc của hệ sinh thái cần phải được đo bằng mức độ tác động có hại đến con người cũng như mức độ tác động có hại đến môi trường tự nhiên rộng lớn. Tuy nhiên vì tính chất phức tạp và đa dạng của hệ sinh quyển nên đôi khi trong một thời gian khá dài mức độ nhiễm độc vẫn khó phát hiện, vì vậy mà không dễ dự báo khối lượng vật chất từ thạch quyển lớn đến mức nào thì không thể chấp nhận. Trong một số trường hợp khối lượng vật chất tích tụ lúc đầu có thể tác động dương, tai hoạ chỉ xuất hiện khi khối lượng tích tụ tiếp tục tăng đến mức báo động [Robert, Karl-Henrik 2002].  

Điều kiện 2: Các loại vật chất do con người sản xuất ra không được tăng lên một cách hệ thống trong sinh quyển. Điều đó có nghĩa là một xã hội chỉ có thể duy trì được tính bền vững của nó khi mức độ sản xuất và tích luỹ các loại vật chất do con người làm ra không được phép nhanh hơn quá trình tái tích hợp chúng trở lại với các chu trình của tự nhiên, chỉ có như vậy thì tự nhiên mới có khả năng đồng hoá được các loại chất thải. Trước hết, với điều kiện một, trái đất chỉ có một năng lực đồng hoá hạn chế chất thải, trong khi đó lượng vật chất do con người sản xuất ra ngày nay đã vượt xa khả năng đồng hoá và sức chứa của trái đất. Thứ hai, tự nhiên không hề có khả năng đồng hoá được các vật chất do con người sản xuất bằng phương pháp tổng hợp vì vậy các loại vật liệu tổng hợp không có cách gì tự phân huỷ để quay trở về với các chu trình của tự nhiên được. Kết quả là người ta không thể lường trước được hậu quả hoặc xác định chính xác mối quan hệ nhân quả giữa việc tạo ra các chất liệu tổng hợp với sức khoẻ của con người và môi trường. Chỉ có một cách duy nhất để tránh việc sử dụng các giải pháp chữa cháy, tránh xô đẩy hệ thống sống xuống bờ vực rủi ro, và tránh phải tiên đoán các tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng chất liệu tổng hợp là quay trở về nguồn và tìm hiểu các nguyên tắc của tính bền vững cơ bản. Có một ví dụ đầy sức thuyết phục là loại chất ô nhiễm hữu cơ khó đồng hoá (POPs - persistent organic pollutants), một hợp chất do con người tạo ra đã tác động lan truyền đến con người và các hệ thống sống. Khi đã được sản xuất ra, loại chất này lan truyền và tích trong các mô mỡ của người và động vật và vận động theo chuỗi thức ăn, kết hợp với các loại chất POPs khác tấn công vào các chức năng sinh học của các hệ thống sống [United Nations, Division for Sustainable Development 1995; Robert, Karl-Henrik 2002].

Điều kiện ba: Một trật tự xã hội duy trì được tính bền vững khi tính đa dạng và các chức năng tự nhiên không bị làm nghèo kiệt bằng thay thế, khai thác quá mức hoặc bằng các hình thức thao tác sinh thái khác một cách hệ thống. Điều kiện hệ thống này đề cập đến việc huỷ hoại vật chất và thao tác sinh quyển, và mọi dịch vụ nào khác mà tự nhiên cung cấp cho xã hội. Trong khi các vi phạm điều kiện hệ thống một và hai cũng tác động mạnh đến các dịch vụ hệ sinh thái thì điều kiện ba lại tập trung chú ý vào việc con người, kể từ cá nhân đến qui mô xã hội, tương tác trực tiếp với sinh quyển như thế nào. Điều đó bao gồm cả các hoạt động như xây dựng các công trình trong các vùng sinh học, khai thác quá mức các nguồn tự nhiên như lâm sản, các ngư trường, và phát triển theo hướng đô thị hoá vô tổ chức. Điều kiện này cũng bao gồm việc bao vệ các khu sinh cư (habitat) tự nhiên, duy trì phương thức và tốc độ tăng trưởng thông minh, và hỗ trợ cho các hoạt động đánh cá, làm nông, khai thác rừng một cách hợp lý. Đó chính là các dịch vụ hệ thống sinh thái với tư cách là các điều kiện và các quá trình mà các hệ thống sinh thái và các loài giúp cho con người tăng trưởng, duy trì và đảm bảo cuộc sống của mình. Chúng giúp giữ gìn tính đa dạng sinh học, sản xuất ra các dịch vụ và hàng hoá sinh thái chất lượng cao, chẳng hạn như đồ biển, các loại lâm thổ sản, gỗ, năng lượng quần xã sinh vật, sợi tự nhiên, các loại dược liệu, các sản phẩm công nghiệp [United Nations, Division for Sustainable Development 1995; Robert, Karl-Henrik 2002; United Nations 2008].

Điều kiện bốn: Để đảm bảo cho một xã hội có thể duy trì được tính bền vững thì các nguồn phải được sử dụng một cách công bằng và hiệu quả nhằm thoả mãn các nhu cầu cơ bản của con người trong xã hội đó cũng như trên toàn cầu. Đây được coi là một điều kiện thiết yếu vì chúng ta là con người và chúng ta sống trong xã hội loài người. Nếu không có con người thì các điều kiện một, hai và ba có lẽ không phải chịu thử thách. Con người chính là những tác nhân lựa chọn sao cho cấu trúc của cuộc sống có thể cân bằng. Vì vậy khi xây dựng một kế hoạch liên quan đến môi trường sinh thái và xã hội, con người cần tự hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu nhu cầu của con người không được đáp ứng?” Vấn đề đó đòi hỏi con người phải xem xét những bất bình đẳng tồn tại trong thế giới ngày nay và các hậu quả của các bất bình đẳng đó. Nó thách thức con người trong việc xác định các cách quan niệm thế nào là hiệu quả và thế nào là đủ. Nó buộc người ta phải chú ý đến việc sử dụng và chia sẻ các nguồn hữu hạn của trái đất này. Tuy nhiên có một vấn đề rất quan trọng là điều kiện bốn được coi là một vấn đề cần phải thảo luận vì con người hướng đến việc xây dựng không chỉ một trái đất bền vững mà còn hướng đến xây dựng từng xã hội bền vững, và đưa ra vô vàn cơ hội đổi mới. Theo Karl-Henrik Robert thì “Nhìn từ quan điểm hệ thống, điều kiện bốn có thể được chia thành hai phần chính là kỹ thuật và xã hội”. Phần kỹ thuật hướng tới khái niệm hiệu quả và có thể được diễn đạt là “giảm kỹ thuật khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn”. Nói cách khác là dùng ít nguyên vật liệu hơn để làm ra nhiều sản phẩm hơn bằng những phương pháp chẳng hạn như tái chế, giảm sử dụng, sử dụng lại, và thanh toán vật chất thải bất cứ khi nào có thể. Còn phần xã hội thì nhằm giải quyết vấn đề về tính công bằng liên quan đến “mọi khía cạnh của nhu cầu con người gắn liền với mỗi đơn vị nguồn được xã hội sử dụng”. Như vậy là hai phần của điều kiện bốn cho phép sử dụng hai phương pháp cải thiện. Chúng ta có thể giảm tiêu tốn các nguồn cho cùng một đơn vị sử dụng (thoả mãn nhu cầu của con người), hoặc chúng ta có thể tăng đơn vị sử dụng trên một khối lượng nguồn được tiêu tốn. Tất nhiên kết quả tốt nhất là chúng ta làm đồng thời cả hai [UNEP (United Nations Environment Programme) 1980; United Nations 1987; United Nations 1994; Robert, Karl-Henrik 2002].
_________________________________________   

* Ghi chú: Bài viết được hoàn thành năm 2008 cho đề tài cấp Bộ Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, do tác giả làm Chủ nhiệm.

Tài liệu Tham khảo

Bertalanffy, von Ludwig 1950. An Outline of General System Theory, British Journal for the Philosophy of Science 1, p.139-164

Bertalanffy, von Ludwig 1951. General system theory - A new approach to unity of science (Symposium), Human Biology, Dec 1951, Vol. 23, p. 303-361.

Bertalanffy, von Ludwig 1968. General System theory: Foundations, Development, Applications, New York: George Braziller, revised edition 1976.

Bertalanffy, von Ludwig 1975. Perspectives on General Systems Theory. Scientific-Philosophical Studies, E. Taschdjian (eds.), New York: George Braziller.

Bertalanffy, von Ludwig 1981. A Systems View of Man: Collected Essays, editor Paul A. LaViolette, Boulder: Westview Press.

Robèrt, Karl-Henrik 2002. The Natural Step Story: Seeding a Quiet Revolution. Gabriola Island, BC: New Society Publishers.

UNEP (United Nations Environment Programme) 1980: World Conservation Strategy: Living Resource Conservation for Sustainable Development. International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, Gland.

United Nations 1987. Report of the World Commission on Environment and Development. General Assembly Resolution 42/187, 11 December 1987.

United Nations 1994. World Investment Report: Transnational Corporations, Employment and the Workplace (NY: UN Division on Transnational Corporations and Investment).

United Nations, Division for Sustainable Development 1995. Indicators of Sustainable Development: Guidelines and Methodology (Approved by the Commission on Sustainable Development at its Third Session in 1995).

United Nations 2008. Indicators of Progress: Guidance on Measuring the Reduction of Disaster Risks and the Implementation of the Hyogo Framework for Action. Indicators of Progress Published by the United Nations secretariat of the International Strategy for Disaster Reduction (UN/ISDR), Geneva, Switzerland January 2008 © United Nations, 2008 © UN/ISDR.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét