Powered By Blogger

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Phát triển vùng ở Trung Quốc



Phát triển vùng ở Trung Quốc

Hà Hữu Nga

Kinh nghiệm phát triển vùng ở Trung Quốc

 

Trung Quốc có một dân số khổng lồ (khoảng 1.3 tỷ) với nhiều dân tộc trên một lãnh thổ mênh mông có cấu trúc địa lý và địa hình phức tạp. Riêng 55 dân tộc thiểu số Trung Quốc đã chiếm tới 104.5 triệu người vào năm 2000 và lớn hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Bằng cách xem xét lịch sử, các đặc trưng địa kinh tế và hiện trạng phát triển vùng người ta cho rằng trong thực tế Trung Quốc đại lục có 10 vùng kinh tế đô thị (khu vực Trung Quốc lục địa, Hồng Kông và Ma Cao, cộng thêm Đài Loan). Đó là Sáu vùng ven biển: 1) Liêu Ninh (với Đại Liên và Thẩm Dương là những vùng đô thị trung tâm), 2) Thủ đô (Bắc Kinh, Thiên Tân, Đường Sơn), 3) Bán đảo Sơn Đông (Dư Nam và Thanh Đảo), 4) Đại Thượng Hải (Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu và Ninh Ba), 5) Đài Loan-Phúc Kiến (Đài Bắc, Cao Hùng, Hạ Môn và Phúc Châu), 6) Lưu vực sông Châu Giang (Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Châu, Thẩm Quyến và Chu Hải); Bốn vùng lục địa: 1) Cát Lâm – Hắc Long Giang (Trường Xuân và Cáp Nhĩ Tân), 2) Vùng dọc sông Dương Tử (Nam Kinh, Dương Châu, và Hợp Phì), 3) Nam - Trung (Vũ Hán, Trường Sa và Nam Xương), và 4) Tứ Xuyên (Trùng Khánh và Thành Đô) [Fan C.C. 1996; 許春梅,黃智聰 2007].

Liêu Ninh, Thủ đô và bán đảo Sơn Đông dọc vịnh Bột Hải thuộc về khu vực ven biển Bắc TQ. Thượng Hải lớn bao gồm một vùng rộng mênh mông thuộc lưu vực sông Dương Tử và sông Tiền Đường và chiếm gần như 1/4 tuyến ven biển TQ. Phúc Kiến - Đài Loan chiếm cả hai bờ Eo Đài Loan. Lưu vực sông Châu Giang thuộc vùng biển Nam TQ. Bốn vùng đô thị khác là toàn bộ các khu vực kinh tế lục địa (không thuộc ven biển). Tuy nhiên dọc theo sông Dương Tử gồm có Tây Bắc Giang Tô và An Huy là một khu vực gần ven biển nơi các tàu hàng lớn có thể cập các cảng dọc sông Dương Tử. Ba vùng lục địa còn lại: Cát Lâm-Hắc Long Giang nằm ở phía Bắc Trung Quốc có chung biên giới với Bắc Triều Tiên và Nga, khu vực Trung Nam bao gồm ba tỉnh đông dân cư là Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, còn Tứ Xuyên nằm ở Trung Trung Quốc có tới 115 triệu dân. Mười vùng kinh tế đô thị này chiếm xấp xỉ 65% dân số TQ, 75% vùng bình nguyên Trung Hoa và tạo ra 80% GDP của Trung Quốc. Hiện nay toàn bộ các vùng kinh tế này đã gần như xây dựng xong hệ thống đường cao tốc liên vùng hiện đại và tất cả đều đã phát triển thị trường vùng riêng với các cấu trúc công nghiệp tương đối độc lập hoặc đang trong quá trình thực hiện điều đó. Phương thức giao thông liên vùng cơ bản là các tuyến đường sắt dày đặc [Fan C.C. 1996; Keng 2004; 許春梅,黃智聰 2007]. 

Các khuynh hướng chênh lệch vùng tổng thể của Trung Quốc

Sự bất bình đẳng thu nhập quốc gia của một nước được xác định là số trung bình của sự khác bịêt thu nhập giữa mỗi cặp cá nhân trong nước đó. Trong các thống kê hạng mục này nó được gọi là sự khác biệt thu nhập trung bình đối với quốc gia đó. Một nửa tỷ số thu nhập khác biệt trung bình được gọi  là hệ số Gini (Gini-Coefficient) – cách đo bất bình đẳng thu nhập phổ biến nhất trong toàn bộ dân số quốc gia. Năm 2000, Trung Quốc có hệ số Gini là 43.8%, GDP/đầu người là 856USD và khác biệt thu nhập trung bình là 750USD. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có sự bất bình đẳng thu nhập  là 87.6% lớn bằng thu nhập trung bình của nó (tính theo đầu người). Gần đây Ngân hàng Thế giới đã dự báo rằng vào năm 2020 Hệ số Gini của Trung Quốc tăng ở mức 47.4%. Điều đó có nghĩa là bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc sẽ tăng tới 94.4% mức thu nhập trung bình của nó vào năm 2020. Đã có các nghiên cứu so sánh mức bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc với 7 nước công nghiệp lớn (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Canada và Italia) cũng như 16 nước Châu Á kề cận. Điều đó có nghĩa là trong khi hệ số Gini của Trung Quốc lớn hơn mức trung bình của 7 quốc gia công nghiệp thì nó lại không khác biệt đáng kể với mức trung bình của 16 quốc gia láng giềng. Những so sánh kinh nghiệm chủ nghĩa này cho thấy rằng mặc dù bất bình đẳng thu nhập của Trung Quốc đã tăng lên nhưng nó không khác biệt đáng kể (theo nghĩa thống kê) so với mức trung bình của một số lớn các quốc gia gần kề hoặc các quốc gia có thể so sánh. Hệ số Gini Vùng, đo bằng bất bình đẳng vùng tổng thể có thể được ước tính bằng một nửa tỷ số chênh lệch kinh tế vùng tổng thể (ORD) so với GDP quốc gia/đầu người. Bằng cách tương tự chúng ta có thể tính được các Hệ số Gini vùng của 47 tỉnh của Nhật Bản và 51 bang của Mỹ (50 bang cộng với Washington DC). Các bất bình đẳng vùng của Trung Quốc về phương diện lịch sử lớn hơn đáng kể so với Nhật hoặc Mỹ. Trung bình mức chênh lệch tỉnh ở Trung Quốc lớn hơn 1.5 lần so với 47 quận Nhật Bản và 3.0 lần so với 51 bang của Mỹ [周振华 1995; Fan C.C. 1996; Keng 2005].

Theo truyền thống có hai cách tiếp cận phổ biến đối với việc xác định các vùng ở Trung Quốc, đó là: nhị phân Ven biển – Nội địa và tam phân: Đông – Trung – Tây. Vùng ven biển (còn gọi là Miền đông) gồm có 9 tỉnh ven biển: Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam, cũng như ba vùng đô thị là: Bắc Kinh, Thiên Tân, và Thượng Hải. Trung Quốc hiện thời sử dụng hệ thống quản lý 4 cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố, và quận - huyện. 31 vùng hành chính cấp tỉnh gồm có 4 khu đô thị, 6 vùng tự trị và 21 tỉnh. Sử dụng cách phân đôi Duyên hải – Nội địa thì sự khác biệt vùng tổng thể của Trung Quốc bao gồm ba phần: hai sự khác biệt nội vùng: sự khác biệt Nội vùng Duyên hải và sự khác biệt Nội vùng Lục địa. Vào năm 2000 sự khác biệt Duyên hải – Nội địa là 71% khác biệt tổng thể vùng, trong khi đó sự khác biệt Nội vùng Duyên hải và sự khác biệt Nội vùng Nội địa là 18% và 11% [許春梅,黃智聰, 2007].

Việc chia ba nền kinh tế Trung Quốc đã sản sinh ra 6 khác biệt vùng: 3 khác biệt nội vùng Duyên hải, Miền Trung và Miền Tây cũng như ba khác biệt liên vùng Trung – Duyên, Tây – Duyên, và Trung – Tây. Vậy là sự khác biệt vùng tổng thể của TQ có thể được chia thành 6 loại vùng ấy. Năm 2000 những khác biệt nội vùng của các vùng Duyên hải, miền Trung, và miền Tây thể hiện là 18%, 4%, và 1% sự khác biệt vùng tổng thể tương ứng của Trung Quốc, trong khi đó các khác biệt liên vùng Trung - Duyên, Tây – Duyên và Trung – Tây là 39%, 32%, và 6% tương ứng với 3 liên vùng trên. Có một sự thật hiển nhiên nhưng vẫn thường bị bỏ qua, đó là sự khác biệt nội vùng của vùng Duyên hải lớn hơn ba lần so với sự khác biệt nội vùng giữa hai vùng miền Trung và miền Tây. Điều này chỉ rõ rằng việc phân chia Nội địa – Duyên hải, hoặc Duyên hải – Miền Trung – Miền Tây có lẽ là quá mức thô sơ, vì nó bỏ qua một thực tế là chỉ riêng 12 vùng kinh tế ven biển Trung Quốc đã quá đa dạng, không thể coi là một vùng được. Ngoài ra người ta còn đề xuất cách tiếp cận phân thành 10 vùng. Sự khác biệt vùng của Trung Quốc khiến có thể chia 31 tỉnh của Trung Quốc thành mười vùng riêng biệt nhau. Theo vị trí địa lý của chúng 10 vùng này có thể được phân loại hoặc “vẽ bản đồ” thành Nội Trung - chủ yếu bao gồm các tỉnh nội địa, và Ngoại vi - bao gồm các tỉnh duyên hải và/hoặc biên giới xung quanh vùng Nội Trung. Ngoại vi gồm có 6 vùng cũng là các vùng duyên hải và biên giới, hoặc cả vùng Đông Bắc, Duyên hải Bắc, Duyên hải Đông, Duyên hải Nam, Tây Nam và Tây Bắc. 6 vùng ngoại vi này bao gồm 12 tỉnh duyên hải và 6 tỉnh biên giới cộng thêm ba tỉnh nội địa (Ninh Hạ, Thanh Hải, và Quí Châu). Bốn vùng trong khu vực Nội Trung là Nội Đông, Nội Nam, Nội Tây, và Nội Bắc. Chúng bao gồm 9 tỉnh nội địa cộng thêm vùng Nội Mông có chung biên giới với Mông Cổ và Nga. Ngoại trừ Nội Bắc và hai vùng phía Tây (Tây Bắc và Tây Nam) còn toàn bộ 7 vùng khác đều có dân số vượt quá 100 triệu vào năm 2000 [陆大道,薛凤旋,金凤君 1997].

Việc chia Trung Quốc thành 10 vùng tiếp giáp nhau đã tạo ra 55 khác biệt vùng: 10 khác biệt nội vùng và 45 khác biệt liên vùng. Vào năm 2000, 45 khác biệt liên vùng đó đã thể hiện chung gần như 95% bất bình đẳng vùng tổng thể của Trung Quốc và 10 khác biệt liên vùng còn lại chỉ là 5%. Điều đó có nghĩa là 95% khác biệt vùng của Trung Quốc có lẽ được “lý giải” bởi việc chia thành 10 vùng. Trong số 55 khác biệt vùng thì 5 khác biệt liên vùng lớn nhất cùng thể hiện 25% khác biệt vùng tổng thể của Trung Quốc. Đó là những khác biệt giữa Duyên hải Đông và Nội Nam, Nội Đông, Nội Tây (Tứ Xuyên và Trùng Khánh), và Duyên hải Bắc (Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và Sơn Đông) tương ứng, cũng như giữa Duyên hải Bắc và Nội Đông. Các khác biệt liên vùng lớn nhất từ thứ 6 đến thứ 10 và thứ 11 đến thứ 15 đều cùng thể hiện 19% và 17% khác biệt vùng tổng thể tương ứng của Trung Quốc. Điều này thể hiện rằng việc phân bố 55 khác biệt vùng ấy lệch hẳn: 15 khác biệt liên vùng lớn hơn chiếm 61% tổng thể các khác biệt vùng; 30 khác biệt liên vùng nhỏ hơn chỉ chiếm 34% và 10 khác biệt nội vùng chiếm 5% khác biệt vùng tổng thể. Hơn nữa các khác biệt nội vùng thuộc ba vùng ven biển lớn: Duyên hải Bắc, Duyên hải Nam (Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, và Hải Nam) và Duyên hải Đông đã vượt xa hơn 1/3 (16) trong số 45 khác biệt liên vùng đó [Fan C.C. 1996; Keng 2001; 陆大道,薛凤旋,金凤君 1997].

Khác biệt Biên của Vùng (MRD – Marginal Regional Disparity) thể hiện mức độ đóng góp của mỗi tỉnh vào sự khác biệt vùng tổng thể. MRD của mỗi tỉnh là tổng của toàn thể các khác biệt liên vùng liên quan đến tỉnh đó. Tỷ lệ của MRD một vùng so với khác biệt vùng tổng thể được gọi là Khác biệt Hiệu quả Vùng (ERD – Effective Regional Disparity) thể hiện phần biên trong khác biệt tổng thể vùng. Bằng cách đặt toàn bộ các tỉnh vào trật tự đi xuống của ERD của nó chúng ta có được một bảng xếp hạng tổng thể các tỉnh của một nước theo các phần của chúng trong sự khác biệt tổng thể vùng. Từ một định hướng chính sách, có thể xếp loại thêm toàn bộ các vùng vào các loại giàu nghèo và sau đó tiếp tục xếp loại chúng. Cách làm đó sẽ cung cấp cho ta một danh mục ưu tiên xem tỉnh nào cần được trợ giúp trước tiên để giảm đi những khác biệt vùng tổng thể một cách hiệu quả. Góp phần lớn nhất vào khác biệt vùng tổng thể của Trung Quốc năm 2000 là tỉnh Quảng Đông với mức GDP/đầu người là 11.181 nhân dân tệ (1.352 USD) với số dân là 86,42 triệu người. Quảng Đông đóng góp 7,77% vào sự khác biệt vùng tổng thể của Trung Quốc. Tỉnh đóng góp ít nhất là Tây Tạng với GDP/đầu người là 4.483 nhân dân tệ (542USD) với số dân là 2,62 triệu người. Tây Tạng đóng góp 0.1821% vào khác biệt vùng tổng thể của Trung Quốc [周振华1995; 陆大道,薛凤旋,金凤君 1997]. 

Chiến lược phát triển vùng bất cân đối

Chủ nghĩa thực dụng, việc tìm kiếm các qui luật khách quan và việc nhấn mạnh vào hiệu quả đã đem đến cho các nhà hoạch định kế hoạch Trung Quốc cơ sở hợp lý để chấp nhận những “lợi thế so sánh” như một nguyên tắc dẫn đạo cho chính sách vùng. Các văn liệu thường xuyên trích dẫn các nhà kinh tế cổ điển và tân cổ điển như Adam Smith, David Ricardo, Eli Heckscher và Bertil Ohlin để ủng hộ cho các chính sách nhấn vào các lợi thế so sánh vùng. Các chính sách này nuôi dưỡng phân công lao động dựa trên những khác biệt về ưu thế tài nguyên thiên phú cho vùng. Kế hoạch 5 năm Thứ sáu (1981-1985) phát triển tư tưởng về phân chia vùng thành hai nửa Đông-Tây; và Kế hoạch 5 năm Thứ bảy (1986-1990) đã chính thức thừa nhận việc chia thành “ba vành đai kinh tế” bao gồm các vùng phía đông (duyên hải), trung tâm và miền Tây. Tăng trưởng xuất khẩu dẫn đạo ở vùng miền Đông đã được tạo thuận lợi lớn lao bằng việc xác định các khu vực mở cửa [陆大道,薛凤旋,金凤君 1997].  Việc mở cửa các khu vực này có nghĩa là tạo ra một môi trường thuận tiện nhằm thúc đẩy ngoại thương phát triển bao gồm cả việc nhà nước cấp vốn phát triển hạ tầng cơ sở và nhiều chính sách khuyến khích về luật pháp và tài chính nhằm thu hút các khoản đầu tư nước ngoài. Đó là các đặc khu kinh tế (SEZs) Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn (1979) và Hải Nam (1988); 14 thành phố ven biển mở cửa (OCCs – Open Coastal Cities) (1984); các khu thương mại tự do ở các thành phố ven biển (1993); các khu kinh tế mở chẳng hạn như Châu Giang, Mân Nam và Tam giác châu Dương Tử cùng các quận và các thành phố mở cửa khác. Những khu vực mở cửa này đã tạo ra cái gọi là “Tuyến duyên hải vàng” ở vùng phía đông [Feng L. 1989; 陆大道,薛凤旋,金凤君 1997].

Lý thuyết cấp độ còn tinh vi về trật tự phát triển vùng hơn so với lý thuyết lan toả tăng trưởng vùng. Thay vào đó các nhà nghiên cứu sử dụng các lý thuyết phương Tây để biện minh cho cái dự phóng cho rằng lan toả vùng sẽ diễn ra trong tương lai. Trong số những người được trích dẫn nhiều nhất có Myrdal (1957), Hirschman [1958], Friedman [1966] và Richardson [1976], cùng những lập luận  của họ về các hiệu ứng phân cực hoặc xoáy ngược và hiệu ứng lan toả giữa trung tâm và các vùng ngoại vi, giữa các cực tăng trưởng và vùng sâu trong nội địa [郭腾云 2003]. Mặc dù các lý thuyết này đều có những mức độ thành công khác nhau khi áp dụng vào các nước phương Tây, chúng vẫn được những người ủng hộ cho lý thuyết cấp độ sử dụng để lập luận rằng trong tương lai lao động và tư bản sẽ chảy từ vùng trung tâm ra vùng ngoại vi, và tăng trưởng kinh tế sẽ róc rách khơi dòng từ vùng phát triển hơn tới vùng ít phát triển hơn. Người ta ít thảo luận xem có thể so sánh được giữa các lý thuyết phương Tây và thực tiễn Trung Quốc không, và các cơ chế dành cho khả năng diễn ra sự lan toả chưa hề được soạn thảo nhưng lại được coi là một vấn đề phải được xác định cho tương lai. Tuyên bố của Đặng về việc xác định khoảng cách vùng vào cuối thế kỷ 20 rõ ràng là có ảnh hưởng và thường được nhắc đi nhắc lại trong các văn liệu Trung Quốc [吳志生主編 1987; Yang et al., 1988].

Chấp nhận lý thuyết cấp độ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thiết kế và thi hành các chính sách chẳng hạn như “chiến lược phát triển ven biển” [Yang D. 1991] là chiến lược tập trung phát triển miền đông. Nhưng không ở đâu khuynh hướng thiên vị miền đông lại rõ ràng hơn một loạt “chính sách ưu tiên” quá thiên về vùng phía đông không hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc lục địa. Chí ít có thể xác định được 6 loại chính sách ưu tiên [吳志生主編 1987]. Trước hết vùng ven biển nhận được các khoản đầu tư của nhà nước lớn hơn dưới hình thức các khoản vay, các loại bao cấp thông qua các dự án của trung ương và địa phương. Thứ hai các vùng duyên hải mở cửa thành các đặc khu kinh tế (SEZs) được hưởng các tỷ giá hối đoái cao hơn. Thứ ba, một số tỉnh duyên hải, đặc biệt là Quảng Đông đã bố trí hoàn lại một khoản tiền mặt cho nhà nước là kẻ đã cho nó quyền tự trị tài chính lớn hơn khi lợi nhuận của nó tăng. Thứ tư, công nhân vùng ven biển được hưởng lương cao hơn. Thứ năm các hàng hoá sơ cấp và các sản phẩm nông nghiệp được định giá cơ bản thấp hơn các thành phẩm và các sản phẩm công nghiệp [CIEM & UNDP 2004]. Bằng chứng và nhận thức về khoảng cách vùng ngày càng mở rộng đã thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu đặt vấn đề về cách tiếp cận phát triển bất cân đối [Fan L. 1992; 周振华1995]. Họ đã xem xét kỹ lưỡng và thách thức những tiền đề cơ bản của sự phát triển vùng bất cân đối. Đặc biệt các nhà nghiên cứu đã phê phán mô hình ba vành đai kinh tế vì nó quá rộng và quá đơn giản và còn vì nó đã bỏ qua sự phát triển của các vùng nội địa và miền tây. Họ cho rằng các cơ sở công nghiệp “tuyến ba” đã hoàn toàn bị coi nhẹ. Một dự báo của lý thuyết cấp độ cho rằng Trung Quốc sẽ đi theo các bước đi của những nước lớn khác đã trải qua lan toả phát triển vùng, đặc biệt là Mỹ. Các nhà phê bình lý thuyết cho rằng việc so sánh Trung Quốc với Mỹ là có vấn đề, và việc dự phóng phát triển vùng của Trung Quốc dựa trên kinh nghiệm của các nước khác chính là việc bỏ qua các bối cảnh địa lý và lịch sử của quá trình phát triển. Nói chung, các nhà phê bình chính sách phát triển vùng đều hoài nghi khả năng ứng dụng lý thuyết phương tây vào bối cảnh Trung Quốc [杨开忠 1994; 周振华1995].

Nhưng hầu hết các phê phán mạnh mẽ nhất đều chống lại chính sách ưu tiên giá cả. Các tỉnh nội địa phụ thuộc vào đầu ra của các sản phẩm sơ cấp bán chúng với giá thấp nhưng lại phải mua các hàng hoá thành phẩm từ các tỉnh ven biển với giá cao. Cấu trúc giá cả này đã được mô tả là “trao đổi bất bình đẳng”, cạnh tranh không công bằng (bupingdeng jingzheng), và lỗ kép (shuanchong lirun liushi) đối với các tỉnh nội địa [Keng C.W. Kenneth 2002 – 2004; Peng Q. 1991. 胡鞍钢, 王绍光, 康晓光 1995]. Không chỉ có loại “giá cánh kéo” này làm lợi cho các tỉnh ven biển vốn là những địa phương đã có một cơ sở công nghiệp mạnh hơn, mà nó còn dẫn đến tình trạng làm thui chột các sáng kiến trong sản xuất lương thực thực phẩm và các sản phẩm sơ cấp. Vì vậy một số nhà nghiên cứu đã cho rằng cấu trúc giá bị xuyên tạc ấy chính là nguyên do chủ chốt cho sự phát triển bất bình đẳng vùng [Peng 1991; 田君美 1996]. Vấn đề quan trọng nhất là vì cấu trúc giá cả này đã xuyên tạc việc đo lường sản lượng và hiệu quả nên các nhà nghiên cứu đã bắt đầu đặt vấn đề về trí tuệ truyền thống là thứ mà các tỉnh ven biển hiệu quả hơn các tỉnh nội địa, và chính bản thân cơ sở của chính sách phát triển bất bình đẳng vùng [李小建,乔家君 2001]. Để tự bảo vệ tránh khỏi thiệt hại và các trao đổi bất bình đẳng vì cấu trúc giá cánh kéo, các tỉnh nội địa đã tìm cách thúc đẩy “tự phát triển” có nghĩa là các nguyên vật liệu và các nguồn địa phương phải được giữ lại để “tự sản xuất, sử dụng và đem bán”. Về phương diện này, các nhà chức trách tỉnh và địa phương đã dựng lên các rào cản hành chính (guanka) để hạn chế các luồng thất thoát nguyên vật liệu và các sản phẩm sơ cấp [周振华1995]. Kết quả là có những làn sóng cạnh tranh đối với các nguyên vật liệu có cầu cao chẳng hạn như len, gai, và tơ được mô tả là “các cuộc đại chiến nguyên vật liệu” và “các cuộc đại chiến hàng hoá” [Feng 1989; Li 1991; 田君美 1996]. Các cuộc cạnh tranh này đã làm tăng các loại giá cả, làm trầm trọng thêm nạn lạm phát, cản trở các mối liên hệ vùng và làm căng thẳng thêm tình trạng xung đột vùng. Chính sách phát triển vùng bất bình đẳng đã làm nảy sinh sự đối lập với mong muốn đạt tới: nhân rộng các phát triển khu vực qua các vùng chứ không phải là phân công lao động theo vùng; cả chủ nghĩa bảo hộ khu vực lẫn các căng thẳng vùng chứ không phải là việc điều phối giữa các vùng [顾朝林,吴娅莉 2008].
______________________________________________

Ghi chú: Bài viết được hoàn thành năm 2008, Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý thuyết cho việc xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững vùng kinh tế, Viện Phát triển Bền vững vùng Bắc Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, do tác giả làm Chủ nhiệm.


Tài liệu dẫn

吳志生主編 1987, “東南亞國家經濟發展戰略研究,北京:北京大學出版社,1987. Ngô Chí Sinh chủ biên, “Đông Nam Á quốc gia kinh tế phát triển chiến lược nghiên cứu”, Bắc Kinh: Bắc Kinh Đại học Xuất bản xã, năm 1987.

杨开忠 1994. 中国区域经济差异变动研究. 经济研究,1994, (12): 28 – 33. Dương Khai Trung 1994. Trung Quốc khu vực kinh tế sai dị biến động nghiên cứu. Kinh tế Nghiên cứu, 1994, (12): 28 - 33

胡鞍钢, 王绍光, 康晓光 1995. 中国地区差异报告. 沈阳:辽宁出版社,1995. Hồ An Cương, Vương Thiệu Quang, Khang Hiểu Quang 1995. Trung Quốc địa khu sai dị báo cáo. Trầm Dương: Liêu Trữ xuất bản xã, 1995

周振华1995, 枟增长轴心转移:中国进入城市化推动型经济增长阶段枠, 枟经济研究枠 1995 年第 1 期, 第 310 页. Chu Chấn Hoa: vận tăng trưởng trục tâm chuyển di: trung quốc tiến nhập thành thị hóa thôi động hình kinh tế tăng trưởng giai đoạn khung, vận kinh tế nghiên cứu hoa 1995 niên đệ 1 kì, đệ 310 hiệt.  

田君美 1996. 中國大陸農村經濟發展區域差異之比較研究; 行政院國家科學委員會.  中華經濟研究院. Điền Quân Mỹ 1996. Trung Quốc đại lục nông thôn kinh tế phát triển khu vực sai dị chi bỉ giác nghiên cứu; Hành chính viện Quốc gia Khoa học Ủy viên hội. Trung Hoa Nghiên cứu viện.

陆大道,薛凤旋,金凤君 1997. 中国区域发展报告.北京:商务印书馆, Lục Đại Đạo, Tiết Phượng Toàn, Kim Phượng Quân 1997. Trung Quốc khu vực phát triển báo cáo. Bắc Kinh: Thương vụ Ấn thư quán, 1997.
 
陈国阶 1997. 我国东中西部发展差异原因分析. 地理科学,1997, 17 (1): 1-6. Trần Quốc Giai 1997. Ngã quốc đông trung tây bộ phát triển sai dị nguyên nhân phân tích. Địa lí khoa học, 1997, 17 (1): 1-6.

李小建,乔家君 2001. 20 世纪 90 年代中国县际经济差异的空间分析. 地理学报, 2001, 56 (2): 136 -145 Lí Tiểu Kiến, Kiều Gia Quân 2001. 20 thế kỉ 90 niên đại Trung Quốc huyện Tế kinh tế sai dị đích không gian phân tích. Địa lí học báo, 2001, 56 (2): 136 -145
 
郭腾云 2003. 中国区域经济发展的空间变化研究: [博士学位论文]. 北京: 中国科学院, 2003; Quách Đằng Vân 2003. Trung Quốc khu vực kinh tế phát triển đích không gian biến hóa nghiên cứu: [Bác sĩ  Học vị Luận văn]. Bắc Kinh: Trung Quốc Khoa học viện, 2003.
  
許春梅,黃智聰 2007, 中國大陸區域差異;中國區域間的不平衡經濟發展 以 1997 年 至 2006 Hứa Xuân Mai, Hoàng Trí Thông, Trung Quốc đại lục khu vực sai dị. Trong Trung Quốc khu vực gian đích bất bình hành kinh tế phát triểndĩ 1997 chí 2006 niên kì gian phân tích.

Fan C. C. 1996. Economic opportunities and internal migration: a case study of Guangdong province, China. Professional Geographer 48.1, 28 – 45.

Fan L. 1992. Inter-regional migration and economic development in China in the late 1980s. Renkou yanjiu [Population Research] 5, 1 – 6.

Feng L. 1989. On the wars over purchase of farm and subsidiary product. Shangye jingli luntan [Commercial Economics Forum]. 2, 18 – 20.

Friedmann, JR. 1966. Regional Development Policy – A Case Study of Venezuela. MIT Press, Cambridge;

Hirschman A.O. 1958. The strategy of economic development. Yale University Press. New Haven.

Keng C.W. Kenneth 2002 - 2004. China’s Unbalanced Economic Growth. Taipei: Himalaya Foundation, 2004 and Beijing: Social Sciences Academic Press (China), forthcoming. 

Keng C.W. Kenneth 2005. China’s Unbalanced Economic Growth. Rotman School of Management. University of Toronto.

Myrdal G. 1957. Rich lands and poor: the road to world prosperity (economic theory and under-developed regions). Harper and Brothers, New York. 

Myrdal G. 1957. Economic Theory and Under-Developed Regions (London: Duckworth, 1957).

Peng Q. 1991. Regional development study – new trends of Chinese geography. Jingji dili [Economic Geography] 11.4, 1-6. 

Richardson H.W. 1976. Growth pole spillovers: the dynamics of backwash and spread. Regional Studies 10, 1-9. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét