Powered By Blogger

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Vấn đề Thực tại: Nghiên cứu Dân tộc học Doanh nghiệp (I)

Dawn Nafus và Ken Andersom

Người dịch: Hà Hữu Nga

[Tr.244] Bài viết này khảo sát các diễn ngôn về cái “hiện thực” trong nghiên cứu dân tộc học thương mại, cùng những chuyển đổi và biến đổi mà các diễn ngôn đó làm thành khả thể và không thể. Một chiến lược phổ biến để hợp thức hóa dân tộc học công nghiệp là khẳng định mối quan hệ đặc biệt với “con người hiện thực”, hoặc lập luận rằng người ta đang nắm bắt những gì “thực sự” đang xảy ra trong quan sát “tự nhiên”. Ngôn ngữ tạo ra khoảng cách mô tả những “thấu hiểu” về một tình huống bằng cách nào đó tách biệt với chúng ta, những “phát hiện” và “trích dẫn” mà chúng ta dường như trích xuất khỏi bối cảnh này và đưa vào bối cảnh khác. Cho dù đó là tinh tinh (trong trường hợp của Jane Goodall) hay người tiêu thụ (trong trường hợp chúng ta); giờ đây chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra hoặc không xảy ra. Mô hình tri thức dân tộc học này đã áp dụng diễn ngôn khoa học tự nhiên luận của nhà hành vi học - những người quan sát trung lập trong một môi trường nhất định. Ở đây chúng ta khám phá cách thức mà nền văn hóa tri thức này đã được tạo ra và những hệ quả “hiện thực” của nó. Điều mà chúng ta không cố làm là khẳng định công lao của một loại hình dân tộc học này so với một loại hình dân tộc học khác, hoặc lặp lại những cuộc tranh cãi mệt mỏi về dân tộc học như là phương pháp so với dân tộc học như là nhận thức. Trên thực tế, bản thân các tác giả đã hoàn toàn đồng lõa trong việc tạo ra các diễn ngôn về “con người hiện thực” trong khi vẫn một mực trung thành mang tính nhận thức. Thay vào đó, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc khảo sát các điều kiện, cả trong các công ty và các chương trình nghiên cứu, mà cách nói chuyện này có tác động. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngôn ngữ này từ bỏ trách nhiệm của tác giả, quy giản dân tộc học một cách thái quá thành “sưu tập bướm” chẳng lợi lộc gì cho các cơ hội kinh doanh khác.

Giới thiệu: Thực tại và Bây giờ?

Hội nghị EPIC [Ethnographic Praxis in Industry Conference - Thực hành Dân tộc học trong Hội nghị Công nghiệp] năm ngoái có hương vị cần thiết của việc sản xuất tuyên ngôn: “chúng ta” trong công nghiệp nằm ngoài “họ” trong các đại học (một chủ đề dễ hiểu trong công trình của Babba (2005), “chúng ta” phải bơm thêm tính phản ánh vào công trình “của chúng ta”, cấu hình “vai trò” của dân tộc học trong công nghiệp như thể nó là một thực thể duy nhất có thể biết được, hoặc sử dụng kỹ thuật xyz để tiếp tục công trình của “chúng ta”. Đó là thời điểm của sự chuyên nghiệp hóa, thậm chí là thể chế hóa - bằng cách nói về “chúng ta” thì sẽ có một “chúng ta”. Chúng tôi (các tác giả của bài viết này) phần nào vẫn không tin vào tình trạng bấp bênh này nhưng giờ đây có thể dễ dàng viện dẫn từ “chúng ta”, vì có những khác biệt nghiêm trọng về mặt nhận thức luận, thể chế và vật chất khiến cho bất kỳ sự thống nhất nào cũng có thể bị đặt vấn đề. Tuy nhiên, có lẽ một điều duy trì cái “chúng ta” này là một cam kết nhất định đối với dân tộc học như một thương hiệu. Nghĩa là, trong cuộc sống nghề nghiệp của “chúng ta”, có một thời điểm mà chúng ta mô tả cho kẻ khác bất cứ điều gì “chúng ta” nghĩ là dân tộc học, khẳng định nó như một cột mốc của một lãnh thổ và khuynh hướng nghiên cứu nhất định, và tràn ngập từ ngữ với những kỳ vọng về những gì kế tiếp. Chúng tôi khá cân nhắc khi gọi nó là một thương hiệu; nó thực sự hoạt động như một tập hợp các dấu hiệu diễn ngôn và ngụ ý những cách hiểu mà tự thân “chúng ta” đã tạo ra để thuyết phục kẻ khác trao cho chúng ta [tr.245] những vị trí dường như bất hợp lý về phương diện lịch sử. Cũng giống như một thương hiệu, nó mang lại rất ít: nói một cách đơn giản, người ta làm “dân tộc học” bộc lộ rất ít nội dung. Trong bài viết này, chúng tôi khảo sát bản chất và các hệ quả một khía cạnh của thương hiệu kia.

Yếu tố trung tâm của định vị này là một loại cam kết đối với một thực tại đã được tuyên bố: rằng “chúng ta” có thể giúp các doanh nghiệp tìm ra “con người hiện thực” muốn gì, hay nói cách khác là những gì họ làm với các sản phẩm. Những “con người hiện thực” ấy luôn ở một khoảng cách nào đó, một chân trời chuyển dịch mà nhà dân tộc học ra đi rồi trở về. Cái điệp khúc “con người hiện thực” coi những thay đổi này là một loại lãnh thổ; một lĩnh vực tri ​​thức mà chỉ một số người có quyền tiếp cận. Cái quyền lực mà khía cạnh này của thương hiệu dân tộc học có được trên thực tế đã duy trì một loại “chúng ta”. Các công ty thường có khái niệm về dân tộc học là gì và có kỳ vọng về ý nghĩa của việc thuê được một ai đó trong số “chúng ta”. Thương hiệu con người hiện thực nay đã chín muồi, khiến mọi người ở các mảng “chúng ta” khác nhau kia đặt câu hỏi về ý nghĩa của sự trưởng thành này đối với tương lai là gì. Phải chăng dân tộc học đành chịu kiếp trở thành lỗi mốt, hay, như trong một bài báo gần đây của Business Week (2006), nó sẽ trở thành một năng lực cốt lõi bền vững hơn nhiều trong đời sống có tổ chức? Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu cái điệp khúc “con người hiện thực” và tri thức thực hành mà nó định hình trước, có tiếp tục gây ấn tượng trong kịch bản nào không.

Bài viết này truy vấn cấu trúc “con người hiện thực” bằng cách xem xét văn hóa tri thức (Knorr-Cetina 1999) mà cuộc nói chuyện về “con người hiện thực” như vậy đã tạo ra, và (e hèm!) các hệ quả thực sự của nó. Knorr-Cetina (1999) mô tả các nền văn hóa tri thức là “hỗn hợp của các sắp xếp và cơ chế - liên kết với nhau thông qua mối quan hệ, tính tất yếu và sự trùng hợp lịch sử - mà trong một lĩnh vực nhất định, tạo nên cách chúng ta biết về những gì chúng ta biết.”(1). Đối với cô, ngành học và chuyên môn là một dấu hiệu nghèo nàn về “kiến trúc - và tính đa dạng - của các hệ thống sản xuất [tri thức] mà từ đó nảy sinh các hiệu ứng chân lý” (12). Cụm từ này rất bắt mắt - giống như Cộng đồng Tưởng tượng của Anderson (1991), người ta nghĩ rằng có thể biết nó ngay từ tiêu đề. Tuy nhiên, trong tay Knorr-Cetina, các nền văn hóa tri thức là một thuật ngữ nhấn mạnh số nhiều. Đối với cô ấy, có nghĩa là “khoa học” không phải là một thực thể thống nhất, và việc định vị các loại nhận thức luận trong các sắp xếp xã hội là vạch trần tính hư cấu của một phương pháp khoa học đơn lẻ. Ví dụ, các cấu trúc sản xuất tri thức tạo ra các lời đáp thuyết phục trong sinh học phân tử khác biệt sâu sắc so với các cấu trúc trong vật lý năng lượng cao, vốn bao gồm nhiều yếu tố thực sự nằm ngoài vật lý học. Tính định vị như vậy khêu gợi bọn đồng sàng dị mộng; đọc tác phẩm của cô khiến chúng tôi tự hỏi liệu loại hình dân tộc học mà chúng ta theo đuổi trên thực tế có giống với vật lý năng lượng cao hơn là công việc quan sát trong các ngành khoa học xã hội khác hay không. Các lĩnh vực như vật lý năng lượng cao có thể tiếp tục thành công trong việc tạo ra các hiệu ứng chân lý, tức là các lời đáp cho những câu hỏi nghiên cứu mà khán giả tưởng tượng của nó thấy thuyết phục, nhưng lại không hề nhận được bất kỳ sự đồng thuận rộng rãi nào về “phương pháp khoa học” là gì cả. Giống như dân tộc học, phương pháp khoa học chỉ ra một điểm chung được giả định, trong tính phi-cụ thể của nó, cho phép thông tin sai lệch. Điều này khiến chúng tôi đặt câu hỏi, liệu các “nhà dân tộc học” có nhất thiết phải tự phụ về cái “phương pháp dân tộc học” để hợp thức hóa bản thân?

Chúng tôi không cố xác quyết giá trị của một loại hình dân tộc học này so với một loại hình dân tộc học khác, hoặc lặp lại những cuộc tranh cãi mệt mỏi về dân tộc học như một phương pháp so với dân tộc học như một nhận thức. Cái điều mà “dân tộc học” không còn là một khẳng định độc nhất của các nhà nhân học [tr.246] giờ đã trở thành đương nhiên. Không có cách nào cứu vãn nó khỏi điều mà nhiều người coi là sự lạm dụng ngoài bộ môn của nó (Strathern 2005). Trên thực tế, bản thân các tác giả đã hoàn toàn đồng lõa trong việc tạo ra các diễn ngôn về “con người hiện thực” trong khi vẫn trung thành về mặt nhận thức. Thay vào đó, chúng tôi quan tâm hơn đến việc khảo sát các điều kiện, cả trong các công ty và các chương trình nghiên cứu, cách nói về các hiệu ứng mà chúng ta tạo ra, cách thức chúng ta tạo ra và cách thức tiếp nhận nó.

Có một số địa điểm cho cuộc thám hiểm của chúng tôi. Một phần chúng tôi phản ánh về thực tiễn của chính mình - đó là điều được mong đợi trong thể loại của nhóm công việc mới nổi từ các nhà nghiên cứu thương mại. Theo tuyến này, chúng tôi thảo luận về cách thức các mô tả về nghiên cứu riêng của chúng tôi (và đôi khi là “của chúng ta”, vì “chúng ta” ở đây nhất thiết phải thay đổi theo sự thay đổi của tổ chức) và các tuyên bố về giá trị của nó, đã góp phần tạo nên một nền văn hóa tri thức giữa những “chúng ta” trong đối thoại. Nhưng tất nhiên, “chúng ta” xây dựng thành công các cấu trúc nhận thức luận như vậy chỉ khi chúng phù hợp hoặc thách thức một cách thuyết phục các cấu trúc nhận thức luận khác hiện đang lưu hành. Các nền kinh tế tư bản muộn đầy rẫy các nhà sản xuất tri thức. Trong một xã hội được điều hành bởi các hệ thống chuyên gia (Giddens 1990) và những người lao động tri thức, thì các mưu toan của ngành công nghiệp là một khối tạp âm của các chuyên gia, các nhà chuyên môn và các kỹ thuật viên. Các nhà dân tộc học được định vị cùng các kỹ sư, chuyên gia quản lý, các bậc thầy tiếp thị, nhà khoa học và chuyên gia chính sách công mà “chúng ta” giao dịch hàng ngày, những người chào hàng tri ​​thức tương tự như một khẳng định đại lý. Đây là những địa điểm khác nhau mà thương hiệu “con người hiện thực” đã tự xác quyết một cách thành công. Thật vậy, điều đáng chú ý là “con người hiện thực” xuất hiện một cách bất ngờ trong rất nhiều mảng. Tuyên bố về “con người hiện thực” là loại hấp lực nào đối với tri thức chuyên môn, nếu khách hàng, công ty và những kẻ khờ khạo khác sống cuộc sống bình thường với những con người thực dưới hình thức vợ chồng, đồng nghiệp, v.v.?

Do đó, nhận thức của ai là một câu hỏi đầy thách thức. Ở đây phương pháp nội quan không mấy hữu ích; thay vào đó, chúng tôi xác định các địa điểm đối thoại mà “chúng ta” đã tạo ra và cố gắng hiểu các loại cam kết nhận thức luận mà những kẻ khác kia thực sự chia sẻ đã khiến cho tuyên bố về “con người hiện thực” trở nên hấp dẫn. Do đó, các địa điểm phần nhiều được gợi ra từ các lập luận của học giả khác về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vãn kỳ cũng như công việc của chúng tôi bị khúc xạ qua con mắt của những khán giả trực tiếp của chúng ta. Trên thực tế, một công việc nào đó định vị câu truyện “con người hiện thực” không chỉ diễn ra trong cuộc đối thoại với khách hàng và công ty, mà còn giữa các nhà nghiên cứu, chẳng hạn như tại hội nghị EPIC vừa qua. Trong đó một số được thuyết trình bằng phóng sự truyền thông. Một số lại được cấu hình bởi các khẳng định văn hóa do các tổ chức kinh tế hùng mạnh đưa ra. Vẫn còn thêm nữa được cấu thành thông qua các hệ thống chuyên gia rộng lớn hơn mà chúng ta tìm thấy chính mình trong đó. Vấn đề là xác định - và bằng cách đó đặt vấn đề - các đặc điểm nổi bật của thương hiệu này đang nhanh chóng trở thành kỳ vọng định chuẩn trong tính đa dạng ngày một mở rộng của mọi người. Một thời gian trước đây, người ta có thể gọi đó là “theo phép ẩn dụ” (Marcus 1995).

Phát minh về Con người Hiện thực

Có rất nhiều tích truyện về nguồn gốc của dân tộc học-dựa trên công nghiệp và chúng ta không xuất phát từ điểm khởi đầu của mọi người. Trong tổ chức của chúng ta - không phải mọi tổ chức, nhưng cũng không khác nhiều tổ chức - một phần của tích truyện “con người hiện thực” diễn ra vào cuối [tr.247] những năm 90, khi có sự bất hòa ngày càng tăng giữa các thị trường duy trì được ấn tượng của thương hiệu trong tâm trí khách hàng [share of mind] trong nội bộ Intel, và dòng doanh thu ngày càng tăng từ những nơi khác. Vào thời điểm đó, công ty đã chia thị trường thành Hoa Kỳ và “Thế giới Còn lại”. Để thay đổi thế giới-còn lại khỏi hạng mục dư ra cần có sự can thiệp dân tộc học. Các động thái phải được thực hiện để thuyết phục công ty về tính đặc thù của thứ Vô loại này và để hoạt động thành công ở các thị trường này, công ty phải nhận ra rằng không có một kích cỡ duy nhất nào lại phù hợp với tất cả.

Ở đây, dân tộc học đã hoàn thành vai trò khá truyền thống được nhà nhân học sử dụng để giải thiêng Kẻ khác, nhưng theo cách riêng. Các thực hành của Kẻ khác không cần giải thích; đúng hơn là chính sự tồn tại của Kẻ khác cần phải được khẳng định. Tuyên bố sứ mệnh của chúng ta vào thời điểm đó và quá trình tự-khái niệm hóa, đã thực hiện động thái này: “Khám phá những cách sử dụng mới cho sức mạnh tính toán, xác định các hoạt động quan trọng không được công nghệ hỗ trợ hiệu quả, và hiểu các rào cản đối với việc áp dụng công nghệ bằng cách nghiên cứu con người hiện thực trong môi trường sống tự nhiên của họ” (nhấn mạnh thêm). Chính sự tồn tại của chúng ta theo một nghĩa nào đó là sự khẳng định rằng Kẻ khác cũng tồn tại.

Công cụ được lựa chọn để trình diễn khẳng định này là ảnh. Ngôn ngữ thị giác của các bức ảnh được sử dụng có phần khác nhau giữa nhà dân tộc học này với nhà dân tộc học khác và trải từ bức ảnh người cung cấp thông tin bán-dàn dựng gợi nhớ “đây là N, cô ấy là một phụ nữ trung niên người Rio, cô ấy sống ở đây, và cô ấy làm công việc X”, cho đến ảnh chụp “máy tính đặt trong khung cảnh lạ nào đó”. Trong những trường hợp này bức ảnh có thể đã hoặc không được sử dụng như một loại ghi chú trực quan cho một phân tích nào đó rộng hơn, và người ta có thể đưa ra đủ loại đánh giá về việc liệu cách lựa chọn bức ảnh có mang tính đại diện hay ngoại lai/trong hoặc ngoài ngữ cảnh1 hay không. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, có một cảm giác rằng chính bức ảnh đã vượt qua tất cả. Nó đã thực hiện một động thái mà không một lập luận sâu sắc nào có thể làm được: nó nói với phần còn lại của thế giới rằng “chúng tôi ở đây, chúng tôi là có thật.” Hình ảnh thậm chí còn nói to hơn những đồng đô la trong các tình huống này2.

Việc sử dụng hình ảnh đã được bắt đầu như là một phần của phép tam giác đạc dữ liệu. Hình  ảnh, kết hợp với các cuộc phỏng vấn, quan sát, nhật ký, bản kiểm kê, câu hỏi dự tính, hiệu ứng màn chắn, v.v. đều giúp cho việc phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, những bức ảnh đã trở thành đầu ra được mong đợi. Các hình ảnh, không giống như các mô hình và khung, có thể được hiển thị và hiển thị được cho là rõ ràng. Như vậy, điều trở nên ẩn giấu là việc phân tích mà nhóm dân tộc học đã thực hiện. Sau đó, một văn bản phụ của bài trình bày là những bức ảnh vì chúng thể hiện cái hiện thực, không cần diễn giải hay phân tích. Theo cách không lường trước này, tác phẩm đã trở thành thứ mà bất kỳ ai có máy ảnh đều có thể làm được. Rốt cuộc, đó là sự quan sát và “thọc” sâu vào. Đó là “tự nhiên”. Mọi người đều nhìn và mọi người có thể nói chuyện và thọc vào câu chuyện. Ngôn ngữ của việc tuyên bố sứ mệnh lặp lại điều tự nhiên này, đó là phân tích được cung cấp thông tin phi-lý thuyết, bằng cách nói về điều này là “tự nhiên”. Cái còn thiếu là quan điểm cho rằng hành vi văn hóa và xã hội cần phải là cái mà Geertz gọi là “đọc”, tức là, được diễn giải một cách tích cực. Ở đây người ta có thể dễ dàng nhớ lại [tr. 248] cái ví dụ về sự khác biệt giữa chớp mắt và nháy mắt – cùng một hành vi cần được phân tích và diễn giải hoặc “đọc”. Di sản lịch sử có nghĩa là hình thức (bức ảnh) hiện đang được chấp nhận mà không có chức năng (tác phẩm diễn giải tích cực).  

Việc sử dụng các bức ảnh này, ban đầu là một thực hành có hiểu biết đã thành công với những hiệu quả mong muốn, giờ đây đã được thể chế hóa. Phần lớn vẫn không thể thuyết trình mà không có các tấm ảnh, mặc dù một số người trong nhóm của chúng tôi đã thử nghiệm thuyết trình chỉ dựa vào ảnh mà không có văn bản. Chỉ văn bản sẽ không nênbuổi thuyết trình. Tuy nhiên, nếu không có văn bản sẽ không thể thuyết trình. Cái đã từng là con đường dẫn đến tổ chức thì giờ đây là một kỳ vọng khó có thể bị đánh bật.3 Thật vậy, tiêu chuẩn đang được nâng lên để có nhiều bức ảnh đời thực hơn và “chuyên nghiệp hơn” như một phần của bài thuyết trình để làm cho nó trở nên thuyết phục và “thật” đối với khán giả. Đã thành công trong cuộc tranh đấu để đưa dân tộc học vào chương trình nghị sự như một cách hợp thức để hiểu các thị trường công nghệ, thì cái thông điệp cho rằng “con người là thực tại” không nhất thiết là thông điệp chủ đạo mà chúng tôi muốn đưa ra, nhưng mọi thứ về thương hiệu dân tộc học đều tạo ra loại tiếng ồn mà đối với nó cần phải thực hiện các điểm thực chất hơn.

Các trích dẫn có câu chuyện tương tự như các bức ảnh. Tất nhiên, trong bối cảnh học thuật, người ta trích dẫn cả đồng nghiệp và người tham gia nghiên cứu. Trong công nghiệp, việc sử dụng trích dẫn có xu hướng là chuyện phiến diện, khi chỉ dựa vào việc trích dẫn những người tham gia nghiên cứu. Một lần nữa, cả hai chúng tôi đều thấy mình sử dụng các câu trích dẫn theo cách xử lý có tính chiến lược cao, để đưa ra những luận điểm cần thiết mà chúng tôi hy vọng là vừa chính xác về mặt dân tộc học lại vừa có ý nghĩa thương mại. Đằng sau kỹ năng dàn cảnh liên quan đến việc thực hiện điều này một cách có ý nghĩa đối với dân tộc học sẽ khác nhau giữa các nhà nghiên cứu; tuy nhiên, kỹ năng như vậy gần như không phải là vấn đề, vì nó vẫn được trình diễn rộng rãi như một sự vụ ngoài sân khấu. Thông điệp được gửi đến khán giả là nhà nghiên cứu có một đường dẫn có thể xác định trực tiếp đến một khách hàng tiềm năng. Thật vậy, các loại trích dẫn thường được trình bày nhiều nhất không phải được trình bày để giải cấu trúc cho khán giả, mà được coi là sự thật từ miệng của khách hàng. Loại trích dẫn này tạm thời vắng mặt người diễn dịch, và nếu quá phụ thuộc vào các trích dẫn, thì thương hiệu dân tộc học phải chịu một sự hạ thấp hệ thống hơn của việc diễn giải.  Nếu những người thực có khả năng tự nói cho bản thân mình (và việc sử dụng các trích dẫn dường như nhắc nhở người nghe về điều này), thì không khó hiểu chút nào, công việc của nhà dân tộc học chỉ đơn giản là nắm bắt các trích dẫn thực và mang nó trở lại. Dù chỉ ngoắng lưỡi trong miệng, nhưng chúng ta vẫn sử dụng một câu trích dẫn để nhấn mạnh thực tế của hiệu ứng này. Trong một cuộc họp gần đây, một kỹ sư cao cấp đã mô tả công việc của một nhà nhân học là “đã thực sự đào sâu và có các nguyên văn.” Khái niệm thu thập “các nguyên văn” đã kiếm được nhiều tiền đến mức giờ đây các nhà nghiên cứu phi-dân tộc học từ các bộ phận khác của công ty hiện đang nhờ chúng tôi tư vấn về cách khơi gợi và lựa chọn “các nguyên văn”. Thật vậy, chúng tôi đã tham gia một số nghiên cứu tại chỗ khi máy quay video bị tắt hoặc chỉ về một hướng cụ thể khi những người tham gia được yêu cầu “lặp lại những gì bạn đã nói” để ghi lại câu dẫn thực này vào video. Ngôn ngữ [tr. 249] nguyên văn là một phần của tập đoàn, không phải của chúng tôi - nhưng chúng tôi lập luận rằng hiệu quả một phần có thể truy nguyên đến các hành động của chúng ta, vốn ưu tiên lời nói có vẻ trực tiếp như một cách để biết khách hàng.

Chúng tôi chỉ nhấn mạnh hai ví dụ, ảnh chụp và trích dẫn, trong số rất nhiều ví dụ khả thể mà chúng ta thường sử dụng. Chúng tôi đã sử dụng chúng để minh họa cái cách mà dữ liệu và cách biểu diễn dữ liệu của chúng tôi tạo ra tuyến tính của các hiệu ứng chân thật, đặc biệt theo cách mà “thực tại” đã được tái-diễn giải bởi nhiều khán giả khác nhau của công trình dân tộc học. Khi đó, một vấn đề đối với các nhà nghiên cứu dân tộc học “chúng ta” là bằng cách sử dụng những con người “hiện thực” thông qua những bức ảnh thực và những câu trích dẫn thực, thông qua việc “tìm kiếm” hoặc “khám phá” những viên ngọc quý này trong “đời thực” theo chủ nghĩa tự nhiên, chúng ta đã coi nhẹ phần lớn công trình “hiện thực” đi vào việc tạo ra một đại diện dân tộc học. Chúng ta không làm nổi bật được các phân tích về công việc của mình và giá trị mà những phân tích đó mang lại để đưa ra lập luận chặt chẽ về dữ liệu, điều mà trong mô hình tuyến tính về hiệu ứng chân thật này khiến nhà nghiên cứu vẫn còn ở một khoảng cách xa vời. Bằng cách thực hiện hầu hết công việc “hiện thực” của mình, đó là những gì diễn ra bên ngoài lĩnh vực này, đằng sau việc dàn cảnh, chúng ta khắc ghi tính “tự nhiên” vào những gì mình làm với tư cách là nghiên cứu, hệt như thể đó là hoạt động sưu tập bướm hoặc sưu tập các con số đầu máy tàu hỏa vậy. Chúng ta, và phần lớn dân tộc học công nghiệp, thực sự đã làm việc chăm chỉ để che giấu tính phức tạp trong công việc của mình.

Tất nhiên, có những khẳng định đang được lưu hành cố gắng chống lại việc bị coi là các nhà sưu tập bướm. Trong các tài liệu tiếp thị và khi trả lời các câu hỏi của nhà báo, “chúng ta” thường chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa những gì mọi người nói họ làm và những gì họ thực sự làm để chứng tỏ rằng dân tộc học, chứ không phải các mô hình nghiên cứu khác, có các năng lực độc đáo để nhận ra được những gì là “hiện thực”. Một lần nữa, trong các cuộc trò chuyện ngoài hành lang giữa các đồng nghiệp trong phân ngành hoặc danh sách gửi thư đăng trên Anthrodesign (một nhóm Internet và phương tiện truyền thông thiết yếu trong cộng đồng này), khẳng định ấy vừa được xác quyết, vừa được tranh luận và được giải cấu trúc. Các tác giả không ngây thơ về những tuyên bố này; đối với chúng tôi, nó đã được dùng làm một phương tiện quan trọng để phân biệt bản thân chúng ta với thế giới nhóm trọng tâm và các cuộc khảo sát nghiên cứu thị trường. Với nó, chúng ta đã có thể trình diễn một cuộc đối thoại giữa nghiên cứu thị trường của công ty và công việc của mình: khi x phần trăm số người nói rằng họ mua máy tính xách tay cho mục đích giáo dục, thay vì có sẵn diễn ngôn nói/làm sẽ đặt chúng ta vào một lập trường để nói rằng có lẽ dân tộc học có thể cho thấy “giáo dục” được người trả lời xem nhẹ hơn một chút so với câu hỏi gợi ý, và nó “thực sự” liên quan đến, chẳng hạn như quan hệ họ hàng. Những gì họ đã “nói” trên thực tế có thể không phải là những gì (những người kinh doanh nghĩ) họ “thực sự” làm, đến lượt mình điều đó định vị dân tộc học như một doanh nghiệp hợp thức để thực hiện vậy.

Thành công của phép tu từ con người hiện thực là đáng chú ý. Nó đã đặc biệt phục vụ tốt với tư cách là động cơ thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Ví dụ, một bài báo gần đây trên Business Week (2006), mặc dù nhạy cảm với các tình huống ngẫu nhiên, các cảnh báo và việc sử dụng dân tộc học để trả lời các câu hỏi lớn hơn là xác định các yêu cầu tức thời, nhưng vẫn bắt đầu câu chuyện bằng hình ảnh của những người thuộc tầng lớp trung lưu, trung niên những kẻ mang kính mặc áo choàng trong phòng thí nghiệm chăm chú vào một ngôi nhà búp bê giả, đầy những người sử dụng máy tính và điện thoại di động. Đối với một tác phẩm truyền thông không phải viện đến việc thảo luận về người bản địa và chủ nghĩa ngoại lai một cách thích thú, và theo một nghĩa nào đó, “có được” sự phóng khoáng mà nhiều người trong chúng ta thực sự có, thì điều đó tạo ra ấn tượng là họ nghĩ rằng một lượng độc giả kinh doanh nói chung cần một hình ảnh như vậy để giải-tự nhiên hóa việc quan sát. Mặc dù cực kỳ không chính xác theo nhiều cách (người mặc áo khoác phòng thí nghiệm như được đăng trong bài báo của Business Week), người ta cũng [tr. 250] có thể nhận ra ngay và thật đáng ngại đối với các loại khẳng định mang tính nhận thức luận mà “chúng ta” vẫn đưa ra. Nó đặc biệt ngụ ý kiểu kiểm tra mọi người gợi ra trong tuyên bố “sự khác biệt giữa những gì họ nói họ làm và những gì họ thực sự làm”.

Một mặt, diễn ngôn nói/làm ám chỉ đến cái viễn cảnh – cho rằng con người không tin cậy vào cách thức họ giải thích về bản thân và do đó, ngày càng phải thu thập nhiều dữ liệu hơn. Ví dụ, một nhà nghiên cứu thị trường nản chí, đã nội tại hóa khái niệm về sự khác biệt giữa nói và làm ấy, đưa ra nhận xét rằng ông biết những người trả lời của mình “chỉ nói những điều cũ rích khi họ nói về những gì họ làm. Giống hệt như tôi không thể hiểu được sự thật cho dù tôi có hỏi gì đi chăng nữa.” Yếu tố “làm” ám chỉ đến hành vi mua thực tế, trong ngữ cảnh này là sự xác thực cuối cùng của tri thức. Đồng thời, khía cạnh này của nhãn hiệu dân tộc học đưa ra khả tính về một mối quan hệ: đó là hành vi này cuối cùng được con người đánh dấu là có tính “xã hội”, đó là những gì họ nói họ đang làm có một tập quy chiếu đặc biệt trở lại hành vi, nó có trước về mặt hữu thể luận và là một đối tượng của việc nhớ lại có thể sai. Biết được “con người hiện thực” là khả thể một cách toàn cảnh – ngày càng nhiều nhà nghiên cứu, càng nhiều áo khoác phòng thí nghiệm, càng nhiều bảng kẹp hồ sơ - nhưng vẫn luôn khó nắm bắt ý nghĩa. Sự khác biệt này triệu tập cả việc xây dựng-quan hệ của sự vướng víu và sự xa cách liên quan đến việc tạo ra tác động, mà không buộc nhãn hiệu dân tộc học phải di chuyển.

Lời dẫn, bức ảnh và sự khác biệt giữa nói và làm phục vụ nhiều lợi ích: trong bối cảnh mà công việc dân tộc học đang phải vật lộn để giành được chỗ đứng, nó khẳng định một “hiện thực” thực chất - trong trường hợp của chúng ta, đó là có những khách hàng “hiện thực” ở ngoài kia mà doanh nghiệp đang phớt lờ - nhưng còn là một khẳng định nhận thức luận cho rằng “chúng ta” cũng có thể tạo ra các hiệu ứng chân lý. Như chúng tôi sẽ thảo luận ở phần sau, lời khẳng định về “thực tại” được sử dụng để lấn át các loại kiến thức cạnh tranh khác, sau đó có thể được định vị lại chỉ là “kỹ xảo”. Tuy nhiên, thông qua cách nó được thực hiện, người ta có thể thấy tuyên bố này xoay quanh hiệu ứng nhân đôi như thế nào. Các tác vật như trích dẫn và hình ảnh tăng gấp đôi kể cả dữ liệu và việc trình diễn tri thức. Cả hai đều là điểm trung gian dẫn đến kết luận, và do đó đánh dấu một khẳng định đã thực hiện nghiên cứu, đồng thời là những xác quyết của kết luận đó; tức là, đây là những gì chúng ta đã phát hiện ra.4 Lời xác quyết được cấu trúc liên tục bởi một siêu thoại nhất định, cho rằng mọi người trên thực tế là “hiện thực”, điều đó được tái tạo như một bất ngờ.

Tuy nhiên, việc nhân đôi có tác dụng với một cái giá nhất định. Vấn đề không phải là kỹ năng, tính nhạy cảm hay phản ánh mà những thứ này được huy động với nó; điều chúng tôi đang đặt vấn đề là thứ ảnh hưởng mà chính ưu thế của chúng đối với những gì khán giả “của chúng ta” có thể nghe thấy. Nếu giờ đây khán giả của chúng ta cảm thấy có thể chấp nhận được các tác vật nhận thức luận “của chúng ta” như là những thực hành tri thức của riêng họ, thậm chí không nhận ra những con đường trí tuệ đã được rèn giũa để tạo ra một phần của hiệu ứng kép, thì điều này chắc chắn do người ta vẫn hiểu chúng ta đang sưu tập những gì là ở “ngoài kia” một cách tự nhiên. Mặc dù việc hợp thức hóa các tác động của trình độ khoa học xã hội mang lại cho chúng ta một thẩm quyền nào đó, nhưng cái thông điệp [tr. 251] cho rằng “chúng ta” làm nhiều hơn việc sưu tập bướm (Leach 1961) lại có vẻ bị bỏ rớt ở phía sau. Mặc dù có nhiều khác biệt chia rẽ cộng đồng dân tộc học công nghiệp, từ những người uyên bác nhất trong số chúng ta cho đến những người chỉ nhận thức một cách hời hợt về nguồn gốc nhân học của dân tộc học, từ mạng tác nhân thiên về phương pháp luận dân tộc học, thì những khác biệt này vẫn bị xóa bỏ bởi một tập hợp chung của các thực tiễn hiện đã được thể chế hóa mà thông qua đó chúng ta được để ý đến. Trong phần tiếp theo, chúng tôi thảo luận về cách thức thương hiệu này đã được định hình không chỉ bởi các hoạt động có chủ ý của riêng chúng ta, mà còn được tạo ra bởi các hoạt động tri thức khác trong công nghiệp. Chúng tôi nhắm đến cả cách thức mà ngành công nghiệp đã đoạt được các văn hóa nhận thức từ môi trường nghiên cứu đại học và cách thức mà đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ đã tạo ra một cái nhìn về thế giới khiến sự hiện diện của con người trở thành một sự ngạc nhiên không hồi kết. Chúng tôi hy vọng một ngành khảo cổ học như vậy sẽ giúp truyền cảm hứng cho những khả tính mới và những cam kết mới trong một thế giới hậu-“con người hiện thực”.

______________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Nafus, Dawn  and Ken Andersom (2006). The Real Problem: Rhetoric of Knowing in Corporate Ethnographic Research? . In Ethnographic Praxis in Industry Conference Proceedings by the American Anthropological Association, 2006(1), pp. 244 – 258.

Tác giả:

Dawn Nafus là nhà nhân học và nhà khoa học nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Intel, nơi cô lãnh đạo việc nghiên cứu cho phép Intel đưa ra quyết định dựa trên cơ sở thông tin xã hội về các sản phẩm của mình. Dawn Nafus còn là một chuyên gia về sức khỏe và cảm biến môi trường, về các thức dữ liệu và phép đo đã thay đổi các xã hội như thế nào cũng như các phương pháp nghiên cứu kỹ thuật số. Cô cũng là người biên tập của công trình Định lượng: Công nghệ cảm biến sinh học trong cuộc sống hàng ngày (MIT Press, 2016), đồng tác giả của Tự theo dõi (MIT Press 2016) và đồng biên tập của Dân tộc học cho một thế giới bão hòa dữ liệu (Nhà xuất bản Đại học Manchester, 2018). Tạp chí New York Review of Books đã gọi Tự theo dõi của cô là “cuốn sách hay nhất từng đọc về chủ đề này” trong khi Tạp chí Khoa học cho rằng nó “phát triển [các] quan điểm đầy sắc thái thừa nhận cả cơ hội và thách thức do việc tự theo dõi đưa ra.” Cô nói về những chủ đề này tại nhiều địa điểm công nghệ, chính sách và học thuật khác nhau, bao gồm SXSW, OECD và Học viện Khoa học Quốc gia. Cô từng là Đồng Chủ tịch Chương trình cho Hội nghị Thực hành Dân tộc học trong Công nghiệp (EPIC) 2018 và có bằng Tiến sĩ tại Đại học Cambridge.

Ken Andersom là nhà nhân học thực hiện nghiên cứu khai mở về sự giao thoa giữa công nghệ, chiến lược và trải nghiệm của con người để thúc đẩy sự đổi mới nhằm hỗ trợ sự hưng thịnh của loài người. Ông đã làm được rất nhiều việc liên quan đến sự giao thoa giữa con người và công nghệ: tạo ra các thử nghiệm kinh doanh (Người dơi AR & VR của 5GI2 với Warner Bros.), phát triển các phương pháp mới (khai thác sắc tộc), thiết lập các thực tiễn mới làm tiêu chuẩn (nghiên cứu đa địa điểm), đã giúp mở ra không gian nghiên cứu (quyền riêng tư và nền kinh tế dữ liệu cá nhân), đặt nền móng cho các sản phẩm mới (Apple dock), làm cầu nối giữa học viện và ngành công nghiệp (khoản tài trợ chung Intel-NSF đầu tiên (bảo mật vật lý mạng) và chủ trương cộng đồng thực hành (đồng sáng lập EPIC). Ông đã viết và nói nhiều về dân tộc học, kinh doanh, đổi mới và công nghệ. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên nhiều ấn phẩm bao gồm khoa học máy tính, y tế công cộng, nhân học và các tạp chí kinh doanh, cũng như, được nhiều phương tiện truyền thông như NYT, FT và MIT Tech Review đưa tin.

Notes

1 There are quacks in every profession and in the end we choose to take it on trust that our colleagues performed proper analytic work to make points about the pictures

2 By this we mean the revenues from these areas in no way matched the corporate interest in them.

3 We use photography as our example here because it is an older practice within our group, however, video has the same trajectory and effect. Indeed, in some ways it has become the new “real” medium.

4 An analogous doubling process, is of course a part of interpretive work. The data is dually constituted as ‘data’, once in the field and once again in a second ‘fieldwork’ of disciplinary knowledge (see Strathern 1999). The point is that the other doubling short circuits the plausibility of these interpretive processes as either unknown, or unknowable—a kind of shamanism that relies on secrecy for its effect.

5 Of course a bioscience boom has also taken place; still one could argue that it was the fantasies of the dot com era that captured imagination and steered financial markets.

6 However, in another sense technology companies know quite well that they survive on the basis of social entanglements. For example, Neff and Stark (2003) have written about software firms as in a state of permanently beta, entangled in a network of customer expectations, user de-bugging, and technology coproduction. Indeed, in the software firm that Nafus (2004) studied, these entanglements were so deep, and customer relationships were so close, that they were actively working to hold back on releases and updates in order to be able to ‘launch’ something that appeared to be new. Constructing the software in this way enabled it to have a life of its own; that the product launch was launched only on those who already had a pre-release version was neither here nor there. Novelty had been successfully produced.

7 See also the debate in Economy and Society (introduced by Barry and Slater 2002).

References

Anderson, Benedict 1991. Imagined Communities. London: Verso.

Baba, Marietta 2005. To the E nd of Theory-Practice ‘A partheid’: E ncountering The World. EPIC Proceedings, 175-186.

Barry, Andrew and Don Slater 2002. Introduction: The Technological Economy. E conomy and Society, 31, 2.

Barry, Andrew 2001. Political Machines: Governing a Technological Society. London and New York: Athlone Press.

Baudrillard, Jean (Sheila Faria Glaser Trans.) 1994. Simulacra and Simulations. Ann Arbor: University of Michigan Press.

Business Week 2006. The Science of Desire. Business Week , June 5.

Christensen, Clayton 1997. The Innovator’s Dilemma. Harvard Business School Press.

Gerritzen, Meike 2001. Everyone is a Designer! Manifest for the Design E conomy. Amsterdam: Netherlands Design Institute.

Giddens, Anthony 1990. The Consequences of Modernity. Cambridge: Polity Press.

Knorr-Cetina, Karin 1999. Epistemic Cultures. Cambridge: Harvard University Press.

Kotamraju, Nalini 2003. Art versus Code: The Gendered Evolution of Web Design Skills in Society Online: The Internet in Context, eds. Howard, P. and S. Jones. London: Sage.

Leach, Edmund 1961. Rethink ing A nthropology. London: Athlone Press.

Marcus, George 1995. Ethnography in/of the World System: The Emergence of Multi-Sited Ethnography. A nnual Review of A nthropology, 24.

Nafus, Dawn 2003. The Aesthetics of the Internet in St. Petersburg: Why Metaphor Matters. The Communication Review, 6:185-212.

Nafus, Dawn 2004. Entrepreneurial Lunch Ladies, Liberated Bytes and Other Hybrid Interventions: Purifying the ‘Social’ and the ‘Technical’ in Small Businesses. Paper presented at the American Anthropological Asssociation Annual Meeting.

Neff, Gina and David Stark 2003. Permanently Beta in Society Online: The Internet in Context, eds. Howard, P. and S. Jones. London: Sage.

Strathern, Marilyn 2005. Experiments in Interdisciplinarity. Social A nthropology. 13.

Strathern, Marilyn 2002. Abstraction and Decontextualisation: An Anthropological Comment. In Woolgar (ed) Virtual Society? Oxford: Oxford University Press.

Strathern, Marilyn 1999. Property, Substance, and E ffect. London: Althone.

Wajcman, Judy 1991. Feminism Confronts Technology. Sydney: Allen & Unwin.

Woolgar, Steve 2002. Five Rules of Virtuality in Woolgar (ed) Virtual Society? Oxford: Oxford University Press.

 

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét