Victor Turner và Edith Turner
Người dịch: Hà Hữu Nga
Văn liệu nhân học chứa đầy những tường thuật về các tình tiết kịch tính thể hiện một cách sinh động các giá trị cốt lõi của các nền văn hóa cụ thể. Thông thường, đây là những trường hợp lịch sử xung đột giữa các dòng họ hoặc phe phái, bành trướng thành thù hận truyền kiếp, thành các cuộc giết chóc, săn lùng đầu người. Các tường trình ấy thường mô tả cách thức mà hành vi tội phạm được xác định và xử lý. Có những tài liệu lại mô tả cung cách gán bệnh tật và bất hạnh cho phù thủy hoặc tai ách do tổ tiên và bộc lộ những áp lực, căng thẳng trong cấu trúc xã hội. Các mô tả như vậy được xây dựng với vô vàn bối cảnh; chúng không phải là những tường thuật thuần túy phẳng phiu về các sự kiện nối tiếp nhau vì chúng chứa đầy ý nghĩa. Các vai diễn thường có chung một thế giới quan, một mạng quan hệ họ hàng, các lợi ích kinh tế, quá khứ địa phương và một hệ thống nghi lễ đầy ắp các sự vật và hành động mang tính biểu trưng là hiện thân vũ trụ luận của họ. Họ đã cùng nhau nếm trải những chuỗi ngày gian khó hoặc thời hoàng kim rực rỡ. Văn hóa, kinh nghiệm xã hội và tâm lý cá nhân kết hợp theo những cách phức tạp trong bất kỳ “mẩu” hoặc “dải” hành vi xã hội nào của con người. Các nhà nhân học luôn có thiên hướng nghiên cứu dài hạn, toàn diện về một xã hội tương đối nhỏ, xem xét các thể chế và các mối liên hệ của chúng một cách chi tiết, xác định những gắn kết giữa các hệ thống họ hàng, kinh tế, luật pháp, nghi lễ, chính trị, thẩm mỹ và các hệ thống văn hóa xã hội khác. Chẳng hạn khi nghiên cứu một màn trình diễn nghi lễ cụ thể là họ đang tìm kiếm những cách biểu đạt các hiểu biết chung về văn hóa thông qua hành vi, cũng như những biểu hiện của tính độc đáo cá nhân.
Tuy nhiên, trong khi một nhà nghiên cứu tài năng có thể chứng minh sự gắn kết giữa các “bộ phận” của một nền văn hóa, thì các mô hình mà anh ta xuất trình vẫn mang tính nhận thức. Khi nhận thức các mối liên hệ, chúng ta không thể hình thành được ấn tượng thỏa đáng về cách các thành viên của nền văn hóa khác “trải nghiệm” lẫn nhau. Vì cảm giác và ý chí, cũng như tư duy, tạo thành cấu trúc của văn hóa – mà trải nghiệm văn hóa, được coi vừa là trải nghiệm của các cá nhân lại vừa là trải nghiệm tập thể của các thành viên được hiện thân trong thần thoại, nghi lễ, biểu tượng và lễ lạt. Trong nhiều năm trời, với tư cách là giáo viên nhân học, chúng tôi đã thử nghiệm việc trình diễn dân tộc học để giúp cho sinh viên hiểu được cách thức mà mọi người ở các nền văn hóa khác trải nghiệm tính phong nhiêu của tồn tại xã hội, cùng những gì là các áp lực đạo đức đối với họ, họ được nếm trải những loại thú vui nào mà họ hằng mong đợi như một phần thưởng cho việc tuân thủ các mô thức hành động nhất định và cách họ thể hiện niềm vui, nỗi buồn, niềm tôn kính và tình cảm, phù hợp với những kỳ vọng về văn hóa của xã hội mình. Tại Đại học Virginia, với các sinh viên [tr.34] ngành nhân học, và tại Đại học New York, với các sinh viên kịch nghệ, chúng tôi đã lấy các mô tả về các dải hành vi từ “các nền văn hóa khác” và yêu cầu sinh viên dựa vào đó để xây dựng các “kịch bản”.
. Sau đó, chúng tôi tổ chức các buổi hội thảo - thực sự là “các xưởng kịch” - trong đó các sinh viên cố gắng có được những hiểu biết mang tính động lực về các nhóm văn hóa xã hội “khác”. Thường thì chúng tôi chọn hoặc là các vở kịch xã hội - từ các tác phẩm dân tộc học của chúng tôi và của các tác phẩm dân tộc học khác - hoặc các vở kịch nghi lễ (nghi thức dậy thì, hôn lễ, tiệc potlatches biếu tặng, v.v.), và yêu cầu sinh viên xây dựng một “khung chơi” - để liên hệ những gì họ đang làm với tri thức dân tộc học mà họ đang ngày càng cần đến, để làm cho các kịch bản mà họ sử dụng trở nên “có ý nghĩa”. Điều này thúc đẩy họ nghiên cứu các chuyên khảo nhân học - và phơi bày những khoảng trống trong các chuyên khảo đó trong chừng mực mà các chuyên khảo ấy dường như xa rời khỏi logic của hành động kịch tính và mối tương tác mà bản thân họ có ý định mô tả. “Cái nhìn trong cuộc” của các vai diễn, được tạo ra trong và thông qua màn trình diễn, trở thành lời phê phán mạnh mẽ về cách thức mà các cấu trúc nghi lễ và lễ thức được thể hiện theo cách nhận thức.
Ngày nay, các sinh viên khoa học xã hội đã quen thuộc với khái niệm “khung” của Bateson và các công phu của Goffman, Handelman và những người khác về nó, bao gồm các khái niệm của Goffman về “phá khung”, “trượt khung” và “tạo khung”. Dựng khung là phân biệt một lĩnh vực hành động văn hóa xã hội với quá trình chung đang diễn ra của cuộc sống cộng đồng. Nó thường mang tính phản ánh, trong đó, để “dựng khung”, một nhóm phải cắt ra một phần của chính mình để kiểm tra (và nhìn lại). Để làm được điều này, nó phải tạo ra - bằng các quy tắc loại trừ và bao gồm - một không gian có giới hạn và thời gian đặc quyền mà trong đó các hình ảnh và biểu tượng của những gì đã bị cắt bỏ có thể được “làm sống lại”, được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá, đánh giá lại và, nếu cần, tu sửa và sắp xếp lại. Có nhiều phương thức dựng khung văn hóa. Trong đó mỗi phương thức là một cách nhận xét trực tiếp hoặc gián tiếp về xu hướng chủ đạo của tồn tại xã hội. Một số sử dụng các từ vựng đặc biệt, những phương thức khác sử dụng lối nói phổ biến theo những cách không phổ biến. Một số mô tả các tình huống và nhân vật hư cấu tuy nhiên đề cập rõ ràng đến các nhân vật và các vấn đề của trải nghiệm hàng ngày. Một số khung tập trung vào các vấn đề “mối quan tâm cuối cùng” và đạo đức cơ bản; đây thường là những khung “nghi lễ”. Những khung khác mô tả các khía cạnh của đời sống xã hội bằng phép loại suy, bao gồm các trò chơi kỹ năng, sức mạnh và cơ hội. Các phương thức dựng khung “kịch” khác phức tạp hơn, bao gồm cả sân khấu và các thể loại trình diễn khác. Một số sự kiện xã hội được chứa trong nhiều khung, được sắp xếp theo thứ bậc, khung trong khung, với “ý nghĩa” cuối cùng của sự kiện được định hình bởi khung “trùm” thống trị. Nói cách khác, các khung thường tự “đóng khung”. Nhưng đừng nói về các “siêu khung”, ngoại trừ trong khung chơi! Tuy nhiên, tính thô tục có thể là thứ “siêu ngôn ngữ” thích hợp nhất cho các khung trò chơi ngày nay - như Bakhtin đã lập luận trong sự bảo vệ tuyệt vời của ông đối với Rabelais và “ngôn ngữ Rabelais” mà ông rút ra từ “thế giới thứ hai của nhân dân” - nhằm phục hồi lương tri của con người trong một nền văn học bị ám ảnh bởi chủ nghĩa sô vanh nhận thức của các cơ sở trí tuệ, dù là thiêng hay tục.
Việc dựng lên các khung có lẽ làm cho tính phản ánh được tăng cường. Năm 1981, một trong những sinh viên tốt nghiệp Virginia của chúng tôi, Pamela Frese, lúc ấy đang nghiên cứu hôn nhân (về mặt văn hóa, cấu trúc và về động lực xã hội) ở khu vực Charlottesville - thường đóng vai trò chính thức là nhiếp ảnh gia - được chọn để phân vai cho toàn bộ khoa nhân học với tư cách là những người tham dự một đám cưới miền Trung Virginia đương đại được mô phỏng hoặc dựng lên. Ví dụ, Edith và Victor Turner là cha mẹ của cô dâu, còn cô dâu và chú rể được xác định tối thiểu không phải là một “hạng mục lãng mạn”. Những người còn lại được phân vai họ hàng hoặc bạn bè bằng cách vẽ các dải giấy được gấp lại trong một chiếc mũ - mỗi mảnh giấy mô tả một vai trò: em gái của cô dâu, bạn gái cũ của chú rể, bố của chú rể, người chú say rượu của cô dâu, v.v. Một sinh viên tốt nghiệp Khoa Nghiên cứu Tôn giáo được chọn làm mục sư. Cả giảng viên và sinh viên đều tham gia. Một “phả hệ” của các gia đình đã được ghim trong văn phòng khoa vài tuần trước khi sự kiện diễn ra. Gần như ngay lập tức mọi người bắt đầu phóng tưởng về vai trò của họ. Một trong những giảng viên của khoa lên tuyên bố, với tư cách là cha của chú rể, rằng “phía” nhà trai tiêu tốn 23 triệu đô la “tiền cũ của New England”. Con số này, anh nhớ, là thứ mà cô gái thừa kế anh suýt đính hôn ở Yale được cho là có giá. Victor Turner là một người Scotland nhập cư già vô sản, đã kiếm được món tiền tầm thường bằng cách làm ra chiếc thùng rác bằng nhựa rẻ tiền nhưng có thể sử dụng được, và người đã trích dẫn Robbie Burns, thường không liên quan. Nguyên tắc “đối lập nhị phân” của Levi-Strauss rõ ràng đã được chứng minh.
“Đám cưới” diễn ra trong tầng hầm rộng ngôi nhà chúng tôi ở Charlottesville – mà một số người gọi nó là “kiva” [người Hopi gọi một căn phòng lớn dưới lòng đất hoặc một phần dưới lòng đất ở các làng là kiva, được sử dụng chủ yếu cho các nghi lễ tôn giáo. Hopi là một nhóm dân tộc người Mỹ bản địa chủ yếu sống ở Khu bảo tồn Hopi ở đông bắc Arizona, Hoa Kỳ, theo điều tra dân số năm 2010, có 19.338 người. Bộ lạc Hopi là một dân tộc có chủ quyền trong liên bang Hoa Kỳ. Các làng đặc biệt giữ quyền tự trị theo Hiến pháp và Quy định của người Hopi. Ngôn ngữ Hopi là một trong 30 ngôn ngữ trong ngữ hệ Uto-Aztecan. Người Hopi chạm trán với người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16, và trong lịch sử được gọi là người Pueblo, vì họ sống thành các pueblos làng trong tiếng Tây Ban Nha. Theo truyền thống, người Hopi được tổ chức thành các thị tộc mẫu hệ. Trẻ em được sinh ra trong thị tộc của mẹ chúng. Các thị tộc mở rộng trên tất cả các làng. Sau khi đứa trẻ được trình diện với Mặt trời, những người phụ nữ của thị tộc bên nội tập hợp lại và đặt tên cho đứa trẻ để vinh danh thị tộc của người cha. Trẻ em có thể được đặt hơn 40 tên. Các thành viên trong làng quyết định tên chung. Thông lệ hiện tại là sử dụng tên tiếng Anh hoặc không phải tiếng Hopi hoặc tên Hopi do cha mẹ chọn. Một người cũng có thể thay đổi tên khi bắt đầu tham gia các xã hội tôn giáo truyền thống hoặc một sự kiện lớn trong đời. HHN]
Sau đó, có một buổi “tiếp tân” ở tầng trên với các hàng khách được cô dâu chú rể chào đón, rượu sâm panh thật và các món dành cho tiệc tùng. Tại các buổi học tiếp theo, sinh viên được yêu cầu mô tả, hoặc nếu họ muốn, viết ra những ấn tượng của họ - một phần được nhìn từ quan điểm “thực” của chính họ. Dữ liệu vẫn liên tục được cập nhật. Một số người đã chụp ảnh các giai đoạn khác nhau của sự kiện. Những người khác đã ghi âm các cuộc trò chuyện và ghi lại các biến về mức ồn dB của nhóm trong tiệc cưới. [dB - decibel là đơn vị đo lường mang tính tương quan, tính theo thang logarit, thể hiện tỉ số tham chiếu giữa 2 đại lượng tỉ lệ theo công suất (năng lượng âm thanh, công suất điện/điện tử, cường độ âm thanh, ..v.v), hoặc giữa 2 đại lượng có bình phương của chúng tỉ lệ theo công suất (áp lực âm thanh, điện áp, cường độ dòng điện, biên độ, lực điện từ, ..v.v). Tầm nghe của con người khoảng từ 16 đến 130 dB. Dưới 20 dB thì nghe rất khó nghe, còn trên 120 dB thì tai sẽ bị đau, trên 130 dB trong khoảng thời gian dài sẽ bị điếc vĩnh viễn, và bộ não sẽ gần như chết. Có hai cách tính dB: một dựa trên sự so sánh về điện áp và một dựa trên sự so sánh về công suất, là các đo tiếng ồn. Công thức tính công suất: dB = 10 Log P1/P2, ví dụ: một ampli cung cấp cho một loa (8 ohm) một công suất là 50 watt, nếu đổi một loa khác và có được một công suất là 100 watt; vậy khác biệt là 10 Log 100/50 hay 3 dB, tức công suất tăng thêm 3 dB. - HHN]. Tất cả các tài liệu sẽ thêm vào một số bài báo đủ dài. Pan Frese, nhà nghiên cứu nguyên nghĩa, sẽ “viết ra” toàn bộ công trình. Ở đây, chúng ta hãy chỉ xem xét việc “lồng” các “khung” có liên quan mà thôi.
(1) Khung bao trùm là một khung quy phạm – “mọi thứ trong khung này là dữ liệu để phân tích nhân học.” Công thức là “chúng ta hãy tìm hiểu.”
(2) Trong khung (1) lồng một khung chơi, với các “siêu thông điệp” Batesonian. (a) Các thông điệp hoặc tín hiệu được trao đổi trong trò chơi theo một nghĩa nào đó là không thật hoặc không có nghĩa; và (b) cái được biểu thị bằng các tín hiệu này không tồn tại. Công thức là: “chúng ta hãy tin tưởng”.
(3) Trong các khung (1) và (2) lồng vào một kịch bản-nghi lễ: các công việc chuẩn bị cho đám cưới và hình thức tổ chức lễ cưới theo Cơ đốc giáo. Nếu bản thân cái khung này không tự tạo khung bằng cách ghi đè lên “tất cả những thứ này là trò chơi”, thì cái khung nghi lễ ấy sẽ có “chức năng đạo đức” văn hóa rộng lớn hơn của nó.
Thứ tự lồng khung là như sau: Khung (1) ngoài cùng - khung bao trùm; lồng tiếp vào trong là Khung (2), tiếp Khung (3) và trong cùng là Khung (4). Nội dung mỗi khung ghi như sau:
Khung (1). Mọi thứ bên trong khung này đều mang tính sư phạm và dữ liệu để phân tích nhân học
Khung (2). Mọi thứ bên trong khung hình này không có ý nghĩa, là trò chơi
Khung (3). Mọi thứ bên trong khung hình này đều mang tính nghi lễ; quá tải bởi (2)
Khung (4). Mọi thứ bên trong khung hình này là thực tế của khoa nhân học, được xem như một “hệ xạ ảnh” dưới sự bảo vệ của (2)
Nghi lễ nói “hãy để chúng tôi tin”, trong khi trò chơi nói, “đây là chỉ là trò giả vờ”. [Tạo niềm tin - còn được gọi là trò giả vờ, là một hình thức chơi có cấu trúc lỏng lẻo, thường bao gồm sắm vai, thay thế đồ vật và hành vi không theo nghĩa đen. Điều khác biệt giữa chơi với các hoạt động hàng ngày là khía cạnh thú vị và sáng tạo của nó chứ không phải là một hành động được thực hiện vì mục đích sinh tồn hoặc thiết yếu. Trẻ em tham gia vào các trò giả vờ vì một số lý do. Nó đem đến cho đứa trẻ một môi trường an toàn để bày tỏ nỗi sợ hãi và điều ước muốn. Khi trẻ em tham gia trò giả vờ, có nghĩa là chúng đang tích hợp và củng cố chút hiểu biết đã có được. Những đứa trẻ tài giả vờ và năng lực phóng tưởng tốt hơn cũng thể hiện năng lực xã hội, khả năng nhận thức và khả năng nhìn nhận quan điểm của người khác tốt hơn. Để vận hành được trò giả vờ, tay chơi đó phải chủ ý chuyển hướng khỏi thực tại, phải nhận thức được sự tương phản giữa tình huống thực tại và tình huống giả vờ. Nếu đứa trẻ tin rằng tình huống giả vờ là thực tại, thì chúng đang hiểu sai tình huống đó hơn là giả vờ. Giả vờ có thể bao gồm hoặc không bao gồm hành động, tùy thuộc vào việc trẻ có chọn thể hiện trí tưởng tượng của mình vào thực tế hay không. - HHN]
Nếu
không có khung chơi [tr.36], thì sẽ có một nguy cơ có thật, ít nhất là theo thần
học Công giáo, một cuộc hôn nhân thực sự sẽ diễn ra, vì ở đây, cặp đôi là ministers thừa tác viên của bí tích hôn
nhân, chứ không phải linh mục, người có vai trò cơ bản là ban phép lành của
Giáo hội cho cặp đôi. [Trong thần học Công giáo phương Tây, cô dâu và chú rể là
thừa tác viên của bí tích, bằng cách trao đổi sự đồng ý và cuộc sống vợ chồng của
họ với nhau. Linh mục hoặc phó tế là nhân chứng chính thức của Giáo hội và ban
phép lành. Chỉ những người Công giáo mới được giữ theo “hình thức giáo luật”,
nghĩa là để hôn nhân của họ được Giáo hội công nhận, họ phải kết hôn trong Nhà
thờ Công giáo, hoặc với sự miễn trừ đặc biệt, trong Giáo hội của một giáo phái
khác, nếu có lý do chính đáng cho việc này. Những người không theo Công giáo đã
được rửa tội không phải tuân theo bất kỳ nghĩa vụ nào như vậy: bất cứ khi nào
hai người không theo Công giáo đã được rửa tội kết hôn, ngay cả trong văn phòng
đăng ký, cuộc hôn nhân đó được Giáo hội Công giáo coi là bí tích và bất khả
phân ly. Vì vậy, nhân chứng có thể chỉ là cơ quan đăng ký dân sự. - HHN]. Vì nghi
lễ là “biến đổi”, nên cặp đôi sẽ biến mối quan hệ của họ thành mối quan hệ vợ
chồng bằng những lời nói mang tính biểu diễn của nghi lễ hôn nhân. Thực sự việc
“diễn chơi” một vở kịch nghi lễ, nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp, lại
chính là chơi với lửa. Nhưng rõ ràng là khung nghi lễ “nghiêm túc” đã bị loại bỏ
và giải thiêng bởi sự ngăn chặn của chính nó trong khung trò chơi rộng lớn hơn.
Một lời nhắc nhở về trò chơi là việc đọc một bài thơ - bài thơ mừng đám cưới của
Sappho, [Επιθαλάμια, Σαπφώ
[Translation from Greek by A. E. Housman,
1922].
Happy bridegroom, Hesper brings
All desired and timely things.
All whom morning sends to roam,
Hesper loves to lead them home.
Home return who him behold,
Child to mother, sheep to fold,
Bird to nest from wandering wide:
Happy bridegroom, seek your bride.
Chú rể hạnh phúc
Sappho
Bản dịch của A. E. Housman, 1922.
Ôi chàng trai hạnh phúc chưa kìa,
Nàng Dạ Tinh đã đem về hết thảy;
Kẻ sớm hôm ham muốn lang thang
Nàng hằng mong dẫn chúng trở về;
Nào về nhà ngắm nhìn lũ đó
Con về với mẹ, lũ chim hoang về tổ,
Cừu loăng quăng trở lại cùng bầy,
Và chàng trai cũng tìm thấy nàng rồi. - HHN],
thực tế - trước khi buổi lễ bắt đầu, mà một người xa lạ tặng cho nhóm, mặc dù kẻ đó là bạn thân của “cô dâu”. Tất nhiên, trong một cuộc hôn nhân thực sự, thì ý định của cặp đôi là quan trọng nhất. Họ phải nghiêm túc có ý định “đeo gông vào cổ” - kết hôn.
(4) Trong khuôn khổ hôn nhân giả này nghi lễ chính là khung cấu trúc giả vờ chính trị của Khoa Nhân chủng học của Đại học Virginia. Khung này được che đậy nhưng xác thực, được tạo dựng giống như những khung khác. Tại “tiệc cưới”, rõ ràng trong hành vi của những người họ hàng và bạn bè giả vờ của cô dâu và chú rể, điều mà mô thức hiện tồn của sự chia rẽ và liên minh, đối lập và gắn kết, giữa các giảng viên và sinh viên - một tình huống tế nhị mà ở đây chúng ta sẽ không đi sâu thêm nữa. Tuy nhiên, những xáo trộn giả tạo này thực sự là nhỏ, hầu như không gây phiền hà cho một nhóm học giả tốt bụng. Nhưng dưới sự bảo vệ của khung kịch và khung đám cưới mô phỏng, trong lời nói, cử chỉ, phong cách trò chuyện và cách ăn mặc, trong việc đảo ngược vai trò và cách cư xử “đời thực”, người ta coi các vấn đề chính trị hàng ngày của khoa như một “hệ thống xạ ảnh”.
Càng về tối, hiện tượng trượt khung xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và mọi người trở lại với “con người thật” bình thường của họ, mặc dù trong một số “thời khắc cao điểm” - chẳng hạn như khi nút sâm panh bật ra - có một loại “xuất thần” mà E. D'Aquili và C. Laughlin trong Phổ Nghi lễ - The Spectrum of Ritual (New York: Columbia University Press, 1979) viết - sự “khai hỏa” đồng thời của các hệ thần kinh não bộ và tự chủ, não phải và não trái, giao cảm và đối giao cảm. cũng rất thú vị khi quan sát xem những người nào "giữ vai trò" lâu nhất và ai có thể Hoặc không thể tạm dừng sự hoài nghi để thực hiện đúng vai trò của họ. Cũng thật thú vị khi quan sát xem những người nào “sắm vai” lâu nhất và ai có thể hoặc không thể tạm dừng sự hoài nghi để thực hiện đúng vai trò của họ. Rõ ràng là một số người nghĩ rằng có điều gì đó báng bổ, một xúc phạm nào đó đến các giá trị trân quý của chính họ, khi thực hành điều mà đối với họ là một bí tích tôn giáo. Những người khác, những người vô thần hoặc những người theo thuyết bất khả tri, đã đưa vào các tình tiết được đóng khung theo nghi thức một chút châm biếm hoặc mỉa mai. Chúng tôi rất ngạc nhiên về sự tận tâm mà một số sinh viên nhân học đóng vai trò thông thường của họ - chẳng hạn, “cô dâu”, mà trong cuộc sống thực đang dè dặt về cuộc hôn nhân của chính mình, đã may chiếc váy cô dâu cho chính mình. Chúng tôi cũng ngạc nhiên với mức độ hiểu biết của các sinh viên về cái mà các nhà xã hội học hiện tượng học gọi là “các điển hình hóa” của văn hóa Mỹ, họ “biết phải làm gì tiếp theo” một cách gần như “bản năng” và “tự động” và trên thực tế, làm thế nào để thực hiện điều đó “tự nhiên”, mà nhiều người thấy nó diễn ra “theo nghi thức” khi có những kích thích, động cơ và lý do thích hợp. Chúng tôi cũng rất thú vị khi quan sát cách một số người tham gia khá sốc vì chợt nhận ra những khía cạnh bị chôn vùi trong con người họ. Những người khác bị tiếp quản, bị “ám” bởi cái mà Grathoff và Handelman gọi là “các type biểu trưng - linh mục, cô dâu, chú rể, v.v., trong phạm vi ngưỡng nghi lễ; Ông chú Ma men, Xác ve Thê thảm và Tên hề Lê dép trong lĩnh vực kịch (ông cố cô dâu - một sinh viên đã thủ vai [tr.39] type lọm khọm này; giữa bữa tiệc, lão hét lên, “Thủy thủ đoàn Sẵn sàng đánh! Thủy thủ đoàn Sẵn sàng đánh!” hồi tưởng lại những cuộc chiến tranh cũ.)
Một vài nhận xét về cuộc trình diễn này: trong thực tế, việc lồng các khung sơ đồ theo thứ bậc bị lấn át bởi phản ứng chủ quan của các vai diễn rõ ràng đã chọn khung này hay khung khác làm ưu thế. Chẳng hạn sau lần trình diễn, “cô dâu” nhiều lần nói về “đám cưới” của mình như thể đó là sự thật vậy. Những người khác vẫn chìm đắm trong khung kịch; đưa ra những phóng tưởng sáng tạo xoay quanh vai diễn văn hóa đã chọn của họ. Một người phụ nữ trong suốt buổi trình diễn cứ “ngơ ngáo” lên án những ám chỉ tình dục trong Songs of Songs Hát lên của Solomon bằng âm lượng lớn, và vẫn câng câng như vậy trong buổi tiếp tân và “bữa sáng tân hôn” sau đó. Những người khác tiếp tục chuyển đổi khung, cả trong buổi trình diễn và trong vòng vài tuần sau đó; một số vẫn “ở khung” tới vài tháng và tiếp tục gọi nhau bằng các thuật ngữ họ hàng bắt nguồn từ gia phả dựng đặt. Hầu hết những người tham gia nói với chúng tôi rằng họ hiểu cấu trúc văn hóa và tâm lý hôn nhân chuẩn mực của Mỹ hơn nhiều vì đã tham gia vào một sự kiện kết hợp dòng chảy với tính phản ánh. Một số thậm chí còn nói rằng cuộc hôn nhân kịch đó đối với họ còn “thật” hơn là cuộc hôn nhân trong “thế giới thực” mà họ từng tham gia.
[Tr.40] Cuộc hôn nhân kịch không phải là nỗ lực đầu tiên của chúng tôi trong việc “diễn” dân tộc học. Tại Đại học Chicago, trong các cuộc hội thảo do Ủy ban Tư tưởng Xã hội điều hành, các sinh viên của chúng tôi đã trình diễn một số tiết mục. Một là mô phỏng nghi lễ giữa mùa đông của người da đỏ Mohawk ở Canada, do David Blanchard đạo diễn, liên quan đến việc sử dụng mặt nạ “Khuôn mặt giả”, “mơ mộng”, thôi miên và tiên tri. Một “nghi lễ” khác là một kiến tạo công phu của các sinh viên của chúng tôi, do Robert Abernathy đứng đầu, sử dụng Nghi lễ Chuyển qua của van Gennep, Quy trình Nghi thức và Khu rừng Biểu tượng của Victor Turner như là các “sách dạy nấu ăn” hoặc các hướng dẫn “cách làm”. “Nghi lễ” này được thể hiện dưới dạng hành động biểu trưng, không gian biểu tượng và hình ảnh, những lo lắng và thử thách của các nghiên cứu sinh Chicago. Trình diễn được chia thành ba sàn diễn, mỗi sàn chiếm một không gian khác nhau. Mỗi người tham gia mang theo một hộp bìa các-tông trong đó vai diễn phải ngồi xổm, tượng trưng cho địa vị xã hội thấp kém, bị bó buộc của mình. Có những tình tiết, về một nhân vật bạo dâm, thể hiện việc đăng ký, trong đó các vai diễn liên tục được chuyển đến các bàn khác nhau, được giám sát bởi các quan chức độc ác khắc nghiệt, liên tục tìm ra lỗi của những người trình diện. Một cảnh khác, sử dụng đa phương tiện, mô tả một sinh viên điển hình, đang bị một “giáo sư nhân học” thuyết giảng trên bục giảng bằng cách phun ra những câu cầu kỳ sặc mùi chuyên môn (thực ra là trích đoạn từ các văn bản đã xuất bản), trong khi anh ta đang đánh máy luận án của mình với phần đệm là một loạt ảnh đèn chiếu nhanh về các chi tiết kiến trúc quen thuộc của Đại học Chicago. Cuối cùng, anh ta “chết” và được một nhóm đồng nghiệp mặc trang phục báo đen mai táng trọng thể. Sau đó, khung cảnh chuyển từ một căn phòng trong sảnh sinh hoạt của sinh viên sang một cái sân trong khuôn viên Đại học, nơi các hộp kín được xếp đặt để thể hiện một loại kim tự tháp của người Maya rất giống với Thư viện Regenstein mới, nơi diễn ra nhiều nỗ lực khổ nhọc của nghiên cứu sinh. Cả nhóm nhảy múa xung quanh kim tự tháp đang bốc cháy. Tiếp theo “giai đoạn ngưỡng” này là một nghi thức cuối cùng trong một căn phòng khác của hội trường, nơi các bài báo của sinh viên đã bị giảng viên nhận xét không tốt sẽ được hỏa táng trong một lò đốt; sau đó tro than được trộn với rượu vang đỏ, và từng nhóm hai sinh viên xức hỗn hợp này lên trán nhau, tượng trưng cho “cái chết của những rung cảm xấu”. Cuối cùng, tất cả cùng nhau hô vang “Om, Padme, Om”, tượng trưng cho một “cộng đồng đau khổ”. Quá trình sản xuất này liên quan đến âm nhạc, khiêu vũ và kịch câm cũng như đối thoại. Nhiều người tham gia cho rằng buổi trình diễn đã giải tỏa các căng thẳng và làm cho cả nhóm hiểu nhau sâu sắc hơn, và đạt được “rất nhiều niềm vui”.
Có một sự phát triển “đời thực” gây tò mò hơn nữa. Victor Turner đã được một vị trưởng khoa khét tiếng phụ trách kỷ luật học sinh liên hệ để hỏi xem liệu một loạt đốm lửa nhỏ vô hại, bắt đầu ở các góc kỳ lạ của Thư viện Regenstein, có thể là do “nghi lễ” hay không. Thậm chí ông còn gợi ý rằng một số người tham gia nên được bác sĩ tâm thần của trường đại học thôi miên để thu thập thông tin về những người “có vẻ hoang dã” đã tham gia vũ điệu lửa xung quanh Thư viện Regenstein mang tính biểu tượng. Turner cho biết không chắc là một trong các diễn viên phải chịu trách nhiệm về các đốm lửa đó, vì lý thuyết nghi lễ cho rằng những “nghi lễ nổi loạn” như vậy (trong trường hợp này là một cuộc nổi loạn “kịch”) là chất xúc tác, giải phóng căng thẳng và cho phép hệ thống vận hành mà không có tranh chấp nghiêm trọng. Sau đó, ông mời vị trưởng khoa đến buổi hội thảo tiếp theo, đó là lời giải thích của một nữ tu dòng thánh Benedictine về một kịch bản mới mà cô ấy đã nghĩ ra cho buổi lễ mặc áo [Ý nghĩa của nghi thức mặc áo liên quan đến sự lựa chọn rõ ràng để chủng sinh đào sâu nhận thức ơn gọi của họ. Nói một cách tượng trưng, họ cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới mà họ đang tìm cách trở thành. Cũng như khi rửa tội, người mới được rửa tội mặc lấy Chúa Kitô, được tượng trưng bằng chiếc áo dài trắng mà họ được mặc, thì tập sinh cũng mặc lấy áo sám hối của người muốn đền tội và trở nên hoàn hảo hơn trong cam kết theo dấu chân người rửa tội của Chúa Giêsu – khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Bằng cách nhận thói quen, họ theo bước chân của Thánh Phanxicô, rũ bỏ những hấp dẫn trần tục này để nhìn, nghe và làm theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô rõ hơn. Trong năm tập viện, tập sinh sẽ học Luật sống Dòng Ba cũng như Hiến pháp của các anh em Phan Sinh Đền Tội. Trong khi họ sẽ chỉ tuyên các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời khi kết thúc quá trình đào tạo kéo dài một năm, họ bắt đầu sống ở đó. Khả năng cống hiến trọn vẹn cho việc đi theo Chúa Kitô của họ trong việc phục vụ dân Chúa theo đặc sủng mà các Anh em của Lễ Chuộc tội cống hiến cho Giáo hội đã được thử thách – cầu nguyện và phục vụ cho Hiệp nhất các Kitô hữu và của tất cả các tạo vật theo ý muốn của Chúa Cha. HHN] của một chủng sinh sẽ tuyên thệ lần cuối. Điều này rõ ràng đã chứng minh quá nhiều đối với vị trưởng khoa người Mỹ gốc Ailen, vốn chắc chắn không tán thành Vatican II và tất cả các hậu quả “giải phóng” của nó, bao gồm cả việc thực hiện các quyền tự do với kịch bản của các nghi lễ truyền thống. Turner không bao giờ nghe tin gì từ vị ấy nữa.
Chúng tôi đã mô tả phần nào chi tiết trong bài báo viết cho tạp chí Kenyon Review, “Nghi lễ Kịch/ Kịch Nghi lễ: Nhân học Trình diễn và Phản ánh”," (1, 3, 1980, trang, 80-93, in lại trong Vết rạn Trong gương A Crack in the Mirror, ed. Jay Ruby, Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1982, tr. 83-97), cách chúng tôi thử nghiệm với việc thực hiện một vở kịch xã hội được mô tả trong sách của Victor Turner, Schism and Continuity - Liên tục và Phân ly (Manchester University Press, 1957) và [tr.41 ] The Drums of Affliction – Nhịp trống Tai ương (Oxford: Clarendon, 1968), với một nhóm hỗn hợp gồm các sinh viên kịch nghệ và nhân học tại Đại học New York. Đây là đóng góp của chúng tôi cho một hội thảo chuyên sâu nhằm khám phá giao diện giữa nghi lễ và sân khấu, giữa kịch xã hội và thẩm mỹ. Trong các buổi học tiếp theo tại Đại học New York, chúng tôi đã thử nghiệm, chủ yếu với các sinh viên kịch nghệ, trong việc thực hiện các nghi lễ của người Trung Phi và người Brazil gốc Phi, với sự hỗ trợ của các tay trống đến từ các nền văn hóa phù hợp hoặc các nền văn hóa liên quan.
Những mạo hiểm này đã khuyến khích chúng tôi thử nghiệm thêm tại Đại học Virginia với việc thể hiện dân tộc học trong một loại nhà hát hướng dẫn. Mục đích của chúng tôi không phải là phát triển một nhóm diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo cho mục đích giải trí công cộng. Thành thật mà nói, đó là một nỗ lực để đưa sinh viên vào sâu hơn trong các nền văn hóa mà họ đang đọc trong các chuyên khảo nhân học. Việc đọc các văn bản viết quy phục ưu thế nhận thức của vật chất được viết ra và dựa vào tính võ đoán của mối liên hệ giữa dấu hiệu được viết hoặc in và ý nghĩa của nó. Những gì chúng tôi cố gắng làm là đắp phần da thịt kinh nghiệm cho những xương cốt nhận thức này. May mắn thay, chúng tôi đã có thể làm được nhiều hơn thế, vì chúng tôi có thể rút ra kinh nghiệm trực tiếp gần đây của những người đi thực địa trở về. Do đó, chúng tôi đảm nhận vai trò đạo diễn, còn các nhà nhân học kịch nghệ tộc người mới đắm mình trong các nghiên cứu thực địa ở New Ireland và Bờ biển Tây Bắc Hoa Kỳ. Sinh viên được khuyến khích đọc các tài liệu có sẵn về lĩnh vực này, và sau đó được giao vai trò trong các buổi trình diễn nghi lễ quan trọng của các nền văn hóa mà các đồng nghiệp vừa trở về của họ đã nghiên cứu gần đây.
Một trong những màn trình diễn mà chúng tôi cố gắng thực hiện là Vũ điệu ăn thịt người (Hamatsa) trong nghi lễ mùa đông thiêng liêng của người da đỏ Kwakiutl. Ở đây đạo diễn là Tiến sĩ Stanley Walens, [tr.42] một người có uy tín ở Bờ biển Tây Bắc, đã xuất bản cuốn sách Feasting with Cannibals: An Essay on Kwakiuti Cosmology - Yến tiệc cùng lũ ăn thịt người: Tiểu luận về Vũ trụ học Kwakiuti (Nhà xuất bản Đại học Princeton, 1981), được xuất bản không lâu sau cuộc trình diễn. Walens đã cô đọng chuỗi dài các nghi lễ tạo nên một kịch bản ngắn gọn về lễ Hamatsa (xem Phụ lục). Các sinh viên của tôi đã chuẩn bị không gian buổi lễ, một lần nữa, ở một phần của tầng hầm rộng rãi trong nhà tôi. Dưới sự hướng dẫn của Walen, họ đã tạo ra các đạo cụ, trang phục ngẫu hứng và trang trí cơ thể, bao gồm cả vẽ mặt. Đối với các bài phát biểu, lời kêu gọi, bài giảng, kể chuyện thần thoại, các bài hát chế giễu và thỉnh thoảng bùng nổ các cuộc tranh luận, Walens đã sử dụng bản dịch các văn bản Kwakiutl của Franz Boas. Walens đóng vai trò là người kể chuyện, dàn đồng ca và người điều phối xuyên suốt.
____________________________________
(Còn nữa….)
Nguồn: Victor Turner and Edith Turner (1982). Performing Ethnography. In The Drama Review: TDR, Vol. 26, No. 2, Intercultural Performance. (Summer, 1982), pp. 33-50.
Tác giả:
Victor Witter Turner (1920 –1983) là một nhà nhân học văn hóa người Anh nổi tiếng với công trình nghiên cứu về các biểu tượng, nghi lễ và nghi thức chuyển qua. Công trình của ông, cùng với công trình của Clifford Geertz và những người khác, thường được gọi là nhân học biểu tượng và diễn giải. Victor Turner sinh ra ở Glasgow, Scotland, con trai của Norman và Violet Turner. Cha anh là một kỹ sư điện và mẹ anh là một nữ diễn viên kịch. Ban đầu Turner học về thi ca và ngôn ngữ Hy La tại Đại học College London. Năm 1941, ông nhập ngũ, gặp và kết hôn với Edith Brocklesby Davis, đang phục vụ trong quân đội. Năm người con của họ bao gồm nhà khoa học Robert Turner, nhà thơ Frederick Turner và Rory Turner, giáo sư nhân học tại Cao đẳng Goucher. Turner trở lại University College vào năm 1946 với trọng tâm mới là nhân học. Sau đó, ông theo đuổi nghiên cứu sau đại học về nhân học tại Đại học Manchester. Ông làm việc tại Zambia (sau đó là Bắc Rhodesia) với tư cách là nhân viên nghiên cứu của Viện Rhodes-Livingstone. Chính nhờ vị trí đó mà Turner đã bắt đầu nghiên cứu suốt đời của mình về người Ndembu ở Zambia. Năm 1955, ông hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Manchester. Giống như nhiều nhà nhân chủng học Manchester cùng thời, ông cũng quan tâm đến xung đột. Ông đã phát triển khái niệm mới về kịch xã hội để giải thích tính biểu tượng của việc giải quyết xung đột và khủng hoảng giữa những người dân làng Ndembu. Turner đã dành sự nghiệp của mình để khám phá các nghi lễ. Là giáo sư tại Đại học Chicago vào cuối những năm 1950, Turner bắt đầu áp dụng nghiên cứu của mình về các nghi lễ và lễ thức chuyển qua trong các tôn giáo trên thế giới và cuộc đời của các nhân vật tôn giáo nổi tiếng. Ông và vợ chuyển sang Công giáo năm 1958. Turner đã khám phá cấu trúc ba phần của các nghi thức chuyển qua của Arnold van Gennep và mở rộng các lý thuyết về giai đoạn ngưỡng. Turner cũng là một nhà dân tộc học tận tâm và đã công bố các tác phẩm về nghi lễ. Ông và vợ là Edith L. B. Turner đồng tác giả Image and Pilgrimage in Christian Culture (1978). Turner qua đời vào ngày 18 tháng 12 năm 1983 tại Charlottesville, Virginia. Giải Victor Turner được Hiệp hội Nhân học Nhân văn (SHA) trao tặng hàng năm. Các tác phẩm đủ điều kiện là sách đã xuất bản thuộc nhiều thể loại khác nhau bao gồm chuyên khảo dân tộc học, truyện kể, tiểu luận, tiểu sử, hồi ký, thơ ca và kịch.
Edith Turner (1921 –2016) là một nhà nhân học, nhà thơ và nhà giáo dục người Mỹ gốc Anh. Ngoài việc hợp tác với chồng mình, Victor Witter Turner, trong một số dự án nghiên cứu văn hóa xã hội ban đầu liên quan đến chữa bệnh, nghi lễ và cộng đồng, bà tiếp tục phát triển những chủ đề này sau khi ông qua đời vào năm 1983, đặc biệt là cộng đồng. Edith Turner đã đóng góp cho việc nghiên cứu nhân học nhân văn và là một nhà hoạt động xã hội tận tụy trong suốt cuộc đời của bà. Edith Lucy Brocklesby Davis sinh ra ở Ely, Anh, vào ngày 17 tháng 6 năm 1921. Bà lấy bằng cử nhân năm 1938 tại Trường Cao đẳng Khoa học Nội địa Alde House. Davis gặp chồng mình là Victor Turner trong Thế chiến thứ hai. Vào những năm 1950, bà và gia đình chuyển đến Hoa Kỳ, nơi chồng bà làm việc tại Đại học Chicago, hoàn thành thạc sĩ văn học năm 1980 tại Đại học Virginia. Ngoài ra, bà còn học tại Đại học Cape Town, Đại học Princeton và Cao đẳng Smith. Năm 1984, Edith Turner được bổ nhiệm làm giảng viên nhân học tại Đại học Virginia. Cho đến ngày nay, bà đã có một số công trình nghiên cứu điền dã dân tộc học rộng rãi nhất trên toàn cầu. Edith Turner qua đời vào ngày 18 tháng 6 năm 2016. Giải thưởng Nhân học Nhân văn Edie Turner ghi nhận những sinh viên tại Đại học Virginia có hoạt động giảng dạy, hoạt động xã hội và viết lách công nhận sự phong phú trong trải nghiệm của con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét