Powered By Blogger

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Nghi thức Thiết kế và Dân tộc học Trình diễn (I)

Joachim Halse and Brendon Clark

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tóm tắt: Bài viết này đề xuất một diễn trình dân tộc học trong thiết kế đặt vấn đề về tính xác thực ngụ ý của “con người ngoài kia”, và thay vào đó ủng hộ một thế giới quan mang tính trình diễn nơi con người, sự vật và cơ hội kinh doanh được tạo ra liên tục và tương hỗ, mà ở đó phân tích nhân học chỉ là một năng lực trong số những năng lực khác có liên quan để hiểu rõ cách thức diễn ra điều đó. Trái ngược với việc duy trì diễn ngôn “con người thực tại” thường che đậy công việc phân tích của nhà nhân học, gán vai trò của nhà dân tộc học cho người thu thập dữ liệu (Nafus và Anderson 2006), bài viết này chủ trương một dân tộc học trình diễn chuyển các khía cạnh sáng tạo không thể tránh khỏi của phân tích từ văn phòng làm việc đơn độc của nhà nhân học thành một không gian dự án hợp tác. Các tác giả đã khám phá việc sử dụng các video clip, các mô tả và trích dẫn tách rời khỏi bối cảnh “thực” của chúng, không phải để khẳng định ở ngoài đó nó hiện thực như thế nào, mà buộc họ phải tiếp cận với hàng loạt năng lực khác nhau, mỗi người đều có sở thích khác nhau trong việc tạo ra ý nghĩa của chúng. Do đó, tính hiện thực của các phân mảnh dân tộc học nằm ở khả năng thúc đẩy các tái diễn giải có ý nghĩa ở đây và bây giờ cũng như ở việc chúng tương ứng chính xác đến mức nào với thế giới thực được tưởng tượng ra ở ngoài kia. Chúng tôi đề xuất rằng chính sự đầu tư của bản thân cùng mong muốn cũng như chương trình nghị sự của chính mình sẽ nhấc khảo sát thực địa dân tộc học ra khỏi tính thường nhật của nó và chuyển sang một thứ gì đó có giá trị cho các quá trình thay đổi và phát triển sâu rộng hơn của các lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Giới thiệu

Trong một bài viết gần đây, Nafus và Anderson (2006) đã khám phá diễn ngôn về “con người hiện thực” như một đặc điểm quan trọng của văn hóa nhận thức về dân tộc học trong công nghiệp. Họ thảo luận về việc sử dụng kinh điển các bức ảnh dân tộc học và trích dẫn từ thực địa như những phương tiện mạnh mẽ để vượt qua cả những lập luận sâu sắc, bởi vì họ khẳng định nêu rõ thực tính của lập luận dân tộc học được trình bày bằng các thuật ngữ không thể tranh cãi; về khuôn khổ cái hiện thực: những con người này thực sự ở ngoài kia. Thuộc số các kỹ sư, nhà chiến lược kinh doanh và chuyên gia quản lý, Nafus và Anderson thừa nhận tầm quan trọng của diễn ngôn “con người hiện thực” đại diện cho việc định vị chiến lược dân tộc học như một năng lực liên quan trong công nghiệp (2006:3). Nó định vị nhà dân tộc học được đào tạo chuyên nghiệp như một người có thể cung cấp quyền tiếp cận vào các lãnh địa riêng của những con người hiện thực, nơi các sản phẩm thực sự được sử dụng trong cuộc sống xác thực hàng ngày, theo những cách mà khách hàng sẽ không bao giờ tưởng tượng được. [tr.129] Vấn đề với diễn ngôn này (ngoài ra nó không tương ứng với các giả định nhận thức luận của nhiều nhà dân tộc học, thường miễn cưỡng đề cập đến “cái hiện thực” mà không có dấu ngoặc kép, và những người thường tự coi họ và khách hàng của họ là thực với tư cách là những người cung cấp thông tin cho họ) là nó làm cho công việc phân tích của nhà dân tộc học trở nên vô hình, và do đó làm cho dân tộc học chẳng khác nào việc thu thập dữ liệu đơn thuần. 

Ngay từ năm 1994, Robert Anderson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Rank Xerox ở Cambridge đã trả lời các thảo luận đang diễn ra về giá trị của dân tộc học trong thiết kế hệ thống. Ông lập luận rằng nhiều người trong thế giới hệ thống đã xem dân tộc học chỉ là “việc thu thập thông tin và đã bỏ qua tầm quan trọng thiết yếu của biểu thị” (Anderson 1994: 160). Mặc dù việc tìm hiểu người dùng cũng như tri thức và thực hành của họ là những nhiệm vụ quan trọng đối với thiết kế, “người ta không cần dân tộc học phải làm điều đó; năng lực tối thiểu trong các kỹ năng tương tác, sẵn sàng dành thời gian và đức tính kiên trì” (Anderson 1994:155). Hai bài này, được viết cách nhau mười năm, đặt ra câu hỏi liệu cái điệp khúc “con người hiện thực”, và các thực hành tri thức theo chủ thuyết biểu thị mà nó định hình trước, sẽ tiếp tục đặc trưng cho dân tộc học trong ngành. Giống như cả ba tác giả này, chúng tôi tin rằng có nhiều giá trị được rút ra từ nhân học hơn là thu thập dữ liệu. Do đó, trong bài viết này, chúng tôi nhận lời mời vạch ra một con đường khác với việc phóng đại cái điệp khúc về con người hiện thực. Chúng tôi đề xuất một tiến trình về dân tộc học trong thiết kế đặt vấn đề về tính xác thực ngụ ý của “con người ngoài kia” và thay vào đó chủ trương một thế giới quan mang tính trình diễn trong đó con người, sự vật và cơ hội kinh doanh được tạo ra liên tục và tương hỗ, trong đó phân tích nhân học chỉ là một trong số những năng lực có liên quan để hiểu cách thức mở ra thực hành này.

Kinh nghiệm của chúng tôi được rút ra từ các dự án nghiên cứu và thiết kế với sự cộng tác của các đối tác trong ngành công nghiệp và các tổ chức công cộng. Chúng bao gồm các cam kết dân tộc học với các lĩnh vực thiết kế tương tác, phát triển hệ thống, kiến trúc, giáo dục và chính sách công, và thường thuộc về các lĩnh vực định hướng thiết kế công nghiệp. Các dự án đã được thực hiện theo truyền thống Scandinavian về Thiết kế Tham gia và do đó, cam kết dân tộc học của chúng tôi với người dùng nhằm mục đích khơi gợi sự tham gia tích cực của họ vào các dự án hơn là tạo ra tri thức về chúng, với tư cách là đối tượng nghiên cứu. Chúng ta hãy bắt đầu với đôi chút mang tính hệ mẫu: chúng tôi tin rằng thế giới đang trong một quá trình liên tục trở thành thông qua cam kết của chúng ta với thế giới và người dùng thực sự không “ở ngoài đó” để được khám phá một cách độc lập với sở thích khám phá của chúng ta. Người dùng xuất hiện ở đâu đó trong cuộc gặp gỡ giữa tìm kiếm dân tộc học của chúng ta về “con người hiện thực”, thực tiễn của những người tham gia cụ thể trong nghiên cứu của chúng ta và dự phóng mối quan tâm ​​đối với họ do các bên liên quan của dự án đặt ra như các lĩnh vực sử dụng khả thể mới.

Khi Nafus và Anderson tuyên bố rằng “...đoạn trích dẫn trơ trọi trên thực tế là sự thật che giấu cái không có gì cả. Nó chỉ ra một bối cảnh dường như bên ngoài đang được tạo dựng bên trong phòng họp của công ty,” (2006:11) chúng tôi không thể nào đồng ý thêm nữa. Tuy nhiên, công việc sáng tạo của trí tưởng tượng và tạo dựng này diễn ra trong phòng họp [tr.130] của công ty khi khách hàng đối mặt với các phân mảnh về cách thức đáng ngạc nhiên và kỳ lạ của người dùng không cần phải được coi là một ảo tưởng đáng tiếc. Thực hành tạo dựng-thế giới có thể được thúc đẩy bởi một trích dẫn trơ trọi về dân tộc học, còn hình ảnh hoặc video clip hướng ra bên ngoài phòng họp chính xác là những gì chúng ta đang theo đuổi. Nó đã không khiến chúng ta giảm bớt việc sử dụng các thiết bị tu từ này nhằm mục đích kết nối chúng ta với “thế giới hiện thực”. Trên thực tế, chúng ta làm việc dựa trên truyền thống nghiên cứu vượt trội về các trích dẫn-trơ trọi và các video clip phi-ngữ cảnh (ví dụ: Buur và Søndergaard 2000). Chúng tôi sẽ giải thích và chứng minh cách thức sử dụng rộng rãi các kỹ thuật để thiết lập thẩm quyền của nhà dân tộc học trong việc biết những gì “thực sự ở ngoài kia”, có thể được sử dụng trong các trình diễn vui tươi hơn về các thực tại [số nhiều].

Thay vì than thở rằng phân tích nhân học được bỏ dấu ngoặc trong sự phấn khích đối với các trích dẫn và hình ảnh, chúng tôi đề xuất một dân tộc học trình diễn trong thiết kế nhằm chuyển các khía cạnh sáng tạo không thể tránh khỏi của phân tích từ văn phòng làm việc đơn độc của nhà nhân học sang một không gian dự án hợp tác. Chúng ta đã sử dụng các video clip, mô tả và trích dẫn tách rời khỏi ngữ cảnh “thực” của chúng, không phải để khẳng định ở ngoài kia nó thực đến mức nào, mà lại làm cho chúng phụ thuộc vào một loạt các năng lực đa dạng, mà mỗi năng lực lại có sở thích khác nhau trong việc tạo nghĩa cho chúng. Do đó, tính xác thực của các phân mảnh dân tộc học nằm ở khả năng thúc đẩy các tái diễn giải có ý nghĩa ở đây và bây giờ cũng như ở việc chúng tương ứng chính xác đến mức nào với thế giới thực được tưởng tượng ra ở ngoài kia. Động lực cho bài viết này và cái công trình mà đằng sau nó là một phản ứng chống lại những ý tưởng quá hiện thực luận về những gì mà dân tộc học có thể làm trong công nghiệp. Để khám phá cách thức mà tính trình diễn có thể cung cấp cho chúng ta một con đường thay thế từ điệp khúc “con người hiện thực”, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc làm rõ loại tính trình diễn nào mà chúng ta quan tâm, sau đó tiếp tục trình bày hai ví dụ cụ thể về thực hành dân tộc học trình diễn trong thiết kế.

Hai tuyến trình diễn

Khi tránh xa việc thực hành dân tộc học của chúng ta khỏi việc cấp các sự kiện hoặc đóng vai trò là nhân chứng về sự thật, chẳng hạn như trong các cuộc thương thảo thiết kế cho dù một đặc tính sản phẩm cụ thể có phù hợp với người dùng hiện thực hay không, chúng tôi sẽ đi theo hai chuỗi của tính trình diễn: thứ nhất, một bản thể luận mang tính trình diễn rộng để khái niệm hóa cái thực tiễn mà chúng ta với tư cách là các nhà dân tộc học khảo sát như một sự trở thành không ngừng tiến hóa và không ổn định, chống lại tình trạng vật hóa, chẳng hạn trong các cá thể hoặc các phân khúc; và thứ hai, lý thuyết trình diễn từ nghệ thuật trình diễn để hiểu rõ hơn về các tương tác xã hội có liên quan đến những cuộc khám phá vui chơi về những cách thức mà thế giới có thể được hình dung khi tài liệu dân tộc học được trình bày cho các khán giả công nghiệp với nhiều mối quan tâm khác nhau.

Tính trình diễn hữu thể luận

Việc nhìn vào tính trình diễn theo nghĩa rộng nhất của từ này ngụ ý rằng mọi thứ liên tục ra đời thông qua trình diễn mang tính vật chất và xã hội của nó. Một quan điểm như vậy được sử dụng để nắm bắt quá trình theo đó các hiện tượng được tạo ra hoặc tái tạo thông qua hoạt động cụ thể của chúng. Trong How To Do Things with Words (1962) John Austin [tr.131] đã trình bày khái niệm về phát ngôn trình diễn. Đó là một phản ứng đối với sự tập trung thực chứng luận logic vào tính trung thực và khả tính kiểm chứng của các tuyên bố. Là một phạm trù phát ngôn không có giá trị-chân lý, tính trình diễn không mô tả mà hành động trên thế giới, do đó cuốn sách có tên gọi như vậy. Nói cách khác, bằng lời nói, hành động được trình diễn. Austin cũng đưa ra ý tưởng bao quát hơn cho rằng tất cả các phát ngôn trên thực tế đều mang tính trình diễn: chúng thực hiện một điều gì đó.

Kể từ công trình tiên phong của Austin với các phát ngôn mang tính trình diễn, hậu cấu trúc luận đã đặt ra những câu hỏi cơ bản về sự phân biệt các phạm trù, vượt ra ngoài ngôn ngữ học. Các phong trào trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, lý thuyết mạng-tác nhân, lý thuyết nữ quyền, nghiên cứu văn hóa, nhân học văn hóa và xã hội đã phát triển một cách hiểu phân tích tổng quát cho rằng các khác biệt không được đưa ra theo thứ tự của sự vật, mà được coi là các kết quả hoặc tác động. Với khái niệm về các hữu thể luận quan hệ, cái nhìn sâu sắc về ký hiệu học cơ bản mà các thực thể có hình thức của chúng và có được các thuộc tính của chúng do các mối quan hệ của chúng với các thực thể khác được áp dụng cho bất kỳ thứ gì. Dưới ánh sáng của khái niệm về tính trình diễn, việc thảo luận về những gì thực sự tồn tại ở ngoài đó bị bỏ rơi để ủng hộ cho việc thảo luận về cách thức mà vạn vật liên tục trở thành những gì mà chúng đang có và thông qua các mối quan hệ trình diễn của chúng với những thứ khác. Vì các thực thể không có phẩm chất cố hữu, nên câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mọi thứ trở thành như chúng đang có?

Hữu thể luận trình diễn, tức là, mọi thứ trở thành như hiện tại thông qua sự trình diễn của chúng, đã được phát triển đặc biệt trong Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ. Ví dụ, Pickering đã đề xuất một “thành ngữ diễn đạt” cho việc nghiên cứu thực hành khoa học (1995) và do đó khớp nối một chú ý mới với việc tạo ra các sự kiện khoa học. Tương tự như những gì thành ngữ trình diễn đã làm để hiểu việc tạo ra các sự kiện khoa học, chúng tôi đề xuất có thể được thực hiện để hiểu việc tạo ra các sự kiện thiết kế, chẳng hạn như “người dùng và việc thực hành của họ” hoặc “khách hàng và tài nguyên của họ”. Đây là những thực thể có vẻ rất thật, nhưng chúng ra đời thông qua các quá trình trình diễn tỉ mỉ. Từ bên trong lý thuyết nữ quyền, Butler đã chỉ ra cách thức vận hành của giới với tư cách là một kiến tạo-trình diễn cái hành động mà nó mô tả một cách có mục đích (1997). Trong khi Butler tập trung vào bản chất lặp đi lặp lại của các trình diễn giới, thì ở đây chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến khả tính tạo ra sự thay đổi một cách tích cực như một sự xuất hiện ở các vai diễn.

Mối bận tâm của các nhà hậu cấu trúc luận về cách thức mà vạn vật liên tục trở thành như hiện tại cho thấy sức mạnh biến đổi của trình diễn. Một hệ quả quan trọng của tính trình diễn là “mọi thứ đều không chắc chắn và có thể đảo ngược, ít nhất là về nguyên tắc” (Law 1999:4). Mặc dù người ta đã chứng minh nhiều lần rằng cách thức mà vạn vật trở thành như chúng được trình diễn mới là điều quan trọng, nhưng vẫn còn là một câu hỏi mở về cách thấu hiểu này có thể ảnh hưởng đến hiểu biết và thực hành của chúng ta về dân tộc học trong thiết kế. Liệu chúng ta có thể cải thiện hiệu quả của quá trình thiết kế bằng cách xem nó như một trình diễn không? Chúng ta với tư cách là các nhà dân tộc học có sẵn những nguồn lực nào để trình diễn các tương tác xã hội và công nghệ tương lai? Với những câu hỏi này, chúng tôi coi tính trình diễn hữu thể luận có giá trị không chỉ như một phương tiện để hiểu theo cách phân tích việc thực hành kinh nghiệm dân tộc học, mà còn quan trọng như một đóng góp có liên quan đến việc thực hành nhân học thiết kế phản ánh. Việc chủ động [tr.132] chấp nhận ý tưởng cho rằng mọi thứ về nguyên tắc là không chắc chắn và có thể đảo ngược, thuộc khuôn khổ dân tộc học trong thiết kế, ngụ ý khuyến khích coi quá trình thiết kế là một nỗ lực có ý thức để thực hành các phương thức cụ thể của hiện thực và mối quan tâm của mọi người về chúng .

Các hữu thể luận quan hệ của việc sử dụng và thiết kế ngụ ý rằng cái này không có trước cái kia; đúng hơn, chúng nhất thiết cấu thành lẫn nhau. Không có gì nghịch lý trong việc khám phá các khả tính sử dụng thông qua thực hành thiết kế. Không thể nghĩ về thiết kế mà không ngụ ý một số loại sử dụng và ngược lại. Điều này thúc giục chúng tôi, với tư cách là các nhà nhân học định hướng thiết kế, tạo ra các cơ hội trong đó các thực tiễn sử dụng có thể được thực hiện theo cách khác; mà ở đó chúng có thể được khám phá về các khả tính thiết kế và ngược lại.

Giới hạn tính trình diễn kịch nghệ

Nhân học trình diễn ở một mức độ lớn đã phát triển từ việc nghiên cứu các nghi lễ và biểu tượng. Chúng ta hãy bắt đầu với nghi lễ như nó đã được nhận thức về phương diện nhân học. Ngay từ năm 1909, Van Gennep đã xuất bản nghiên cứu kinh điển của ông về Nghi lễ Chuyển qua (Gennep 1960), tức là những thay đổi mang tính nghi lễ hóa của trạng thái xã hội hoặc văn hóa, chẳng hạn như trở thành con người, trở thành người trưởng thành hoặc bắt đầu kết hôn. Van Gennep đã mô tả cấu trúc chung của các nghi thức nhập môn như ba giai đoạn nghi lễ sau: giai đoạn tách biệt (người được nhập môn tách rời khỏi xã hội), giai đoạn chuyển tiếp hoặc ngưỡng (trạng thái của người đó là mơ hồ trong khi tiếp cận với trạng thái mới và đã rời bỏ cái cũ) và trạng thái tái hợp (người đó được tái hợp với xã hội ở trạng thái mới). Sau đó Victor Turner đã mở rộng những ý tưởng này, đặc biệt tập trung vào giai đoạn ngưỡng, mà ông cũng xác định trong các loại nghi lễ khác ngoài nghi lễ chuyển qua. Ông quan tâm đến trạng thái thay đổi như một quá trình, như một sự trở thành và biến đổi. Một trong những điểm chính của Turner là việc đình lại trật tự thông thường theo nghi thức là một bước cần thiết để đạt được những thay đổi trạng thái mong muốn. Turner đã mô tả trạng thái ngưỡng tạm thời của hiện hữu chuyển tiếp không xác định là “trung gian và giữa,” theo nghĩa kẻ đó ngay lập tức không còn được coi [ví dụ là một cậu bé] và vẫn chưa được coi [như một người đàn ông] (Turner 1996).        

Kể từ đó, ranh giới giữa nhân học nghi lễ và lý thuyết trình diễn đã được Richard Schechner dịch chuyển và khái niệm hóa một cách nổi tiếng, một phần được thúc đẩy bởi Turner. Schechner đã sử dụng những hiểu biết sâu sắc từ việc phân tích nghi lễ để thử nghiệm các trình diễn kịch nghệ thực sự và do đó thách thức và phát triển các quan niệm đã thành về sân khấu, vai diễn, kịch bản và khán giả. Điều đặc biệt thú vị là những quan sát của Schechner về cách hành động trình diễn có thể biến đổi cả diễn viên và khán giả. Hành động không chỉ đơn giản đại diện cho một phương thức khác của thực tại; nó còn làm thay đổi với các phương thức của thực tại. Thông qua các kỹ thuật khác nhau để dựng bối cảnh, gợi ý ứng biến và mời khán giả tham gia, Schechner đã có ảnh hưởng lớn đến cả lý thuyết và thực hành của nghệ thuật trình diễn.

Sử dụng hai tuyến của tính trình diễn trong thiết kế

[Tr.133] Hai cách sử dụng tính “trình diễn” nêu trên bắt nguồn từ các chuỗi thực hành diễn ngôn khác nhau. Một trong những điểm khác biệt giữa ý nghĩa kịch nghệ bị giới hạn (ví dụ Schechner 1988) và ý nghĩa hữu thể luận bao trùm tất cả (ví dụ Barad 2003) nằm ở chỗ liệu biến đổi và sáng tạo thông qua trình diễn có nhất thiết phải xảy ra mọi lúc hay chủ yếu trong những dịp đặc biệt được sắp xếp để phô bày xã hội hay không . Một trong những ưu điểm của tính trình diễn hữu thể luận là nó buộc chúng ta phải mở rộng phân tích từ các hoạt động thiết kế được tuyên bố rõ ràng để bao gồm cả các mối quan hệ rộng hơn được ngụ ý bằng cách tạo dựng ví dụ như một hình ảnh của “người dùng sáng tạo”. Trong các xưởng thiết kế, tác vật được thiết kế không phải là thứ duy nhất được trình diễn. Những người đã chấp nhận tham gia vào dự án như là “bản thân họ”, với tư cách là người dùng cuối khả thể, liên tục trở thành con người của họ thông qua các hoạt động, quyết định và mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp của họ. Theo hướng này, việc tham gia vào một dự án nghiên cứu và thiết kế còn là một cơ hội khác để những người tham gia tái tạo lại bản thân và thực hành nghề nghiệp hoặc cá nhân họ. Hơn nữa, các công nghệ không thể được xác định theo bất kỳ cách thức đơn giản nào bởi các thuộc tính chức năng đơn thuần của chúng; các công nghệ trở thành bản thân chúng thông qua những cách thức cụ thể mà chúng được bối cảnh hóa theo các mô thức sử dụng và lạm dụng đang thay đổi khác nhau. Nói chung, tính trình diễn hữu thể luận đã được chứng minh là hữu ích đối với việc thách thức và đặt câu hỏi về các bản sắc rõ ràng, các yêu sách về tính xác thực và các hành vi bản chất hóa. Tuy nhiên, giả định hoặc niềm tin siêu hình chung cho rằng tất cả vạn vật bắt đầu thông qua và chỉ thông qua trình diễn dẫn đến nguy cơ tầm thường hóa thay đổi có ý thức với các khả tính thông qua trình diễn.

Nếu mọi thứ đều mang tính trình diễn, thì không có gì đặc biệt khi nói rằng các sự kiện thiết kế hợp tác cụ thể vận hành bằng cách trình diễn những gì họ muốn tạo ra. Hiểu biết của chúng ta về thiết kế hợp tác phù hợp với quan niệm của Binder về tính năng động của thiết kế có sự tham gia: nó vận hành bằng cách trình diễn những gì nó muốn tạo ra (1995). Nhưng dưới ánh sáng của tính trình diễn hữu thể luận, quan niệm này có vẻ tầm thường, bởi vì vạn vật theo định nghĩa đều được tạo ra thông qua sự trình diễn của nó. Nếu mọi thứ được ban hành, thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc ban hành một kịch bản trong tương lai của một người dùng cụ thể chỉ nói lên điều hiển nhiên mà thôi. Hãy xem xét một nhà dân tộc học định hướng thiết kế đã thực hiện các chuyến thực địa, chuẩn bị tài liệu thiết kế và tổ chức hội thảo thiết kế với các đối tác có liên quan. Kẻ ấy có thể rất muốn những kịch bản nhỏ trong tương lai trở thành một thứ gì đó được hiện thực hóa một cách chắc chắn hơn: một công nghệ hoạt động mà mọi người sẽ thực sự sử dụng. Kẻ ấy đôi khi không thể di chuyển các thực thể khác và khiến mọi thứ xảy ra, mặc dù có sự hiện diện của tất cả các thành phần tạo nên chuỗi dịch chuyển mạng-tác nhân thông thường: một căn phòng đặc biệt, đồ đạc được sắp xếp để hành động, những con người có các tổ chức phát triển đầy năng lực đằng sau họ, việc thực hành được kiểm soát một phần thông qua các dòng chữ trong văn bản và hình ảnh, v.v… sẽ gần như là một sự xúc phạm đối với những nỗ lực của kẻ ấy khi đặt câu hỏi phân tích nguyên mẫu về tính trình diễn hữu thể luận “mọi thứ sẽ được trình diễn như thế nào?” bởi vì vấn đề thực nghiệm hoàn toàn ngược lại: “tại sao thứ này lại không được trình diễn?”

[Tr.134] Để tiếp cận với những điều rắc rối của việc khám phá tư liệu điền dã dân tộc học, đồng thời tìm kiếm những khả tính để nó trở thành một thứ gì đó khác, chúng tôi chuyển sang lý thuyết trình diễn theo nghĩa hạn chế hơn, trong đó trình diễn cấu thành một lớp sự kiện đặc biệt được sắp xếp một cách có ý thức để đạt được những mục đích cụ thể. Một đặc điểm trung tâm của lý thuyết trình diễn sân khấu trái ngược với cách hiểu hậu-cấu trúc luận về trình diễn với tư cách một điều kiện hữu thể luận chính là mối quan tâm của nó với cái giả định: cách giả định thông dụng điều gì sẽ xảy ra nếu.

Sự kiện Thiết kế như một Trình diễn Nghi lễ

Chúng tôi sẽ đưa ra cách hiểu về các sự kiện hợp tác thiết kế như một loại trình diễn kịch nghệ. Để đủ điều kiện cho đề xuất này, trước tiên chúng tôi sẽ chỉ ra mối liên hệ kinh điển giữa rạp hát và cuộc sống hàng ngày.

Kịch tính hàng ngày

Đặc biệt, nhân học đã xử lý các thực hành sống trải thực tế của con người thông qua quan điểm trình diễn, cho thấy con người luôn tham gia vào việc kiến tạo và dàn dựng bản sắc của chúng ta như thế nào. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là các thực tiễn là giả mạo theo bất kỳ cách nào, mà là tất cả chúng ta đều thực hiện các hiện thực cá nhân và xã hội của mình trên cơ sở cái hàng ngày. Từ bên trong ngành nhân học, Turner đã chỉ ra một cách xuất sắc cách thức những trình diễn hàng ngày này dưới hình thức các nghi lễ và các màn kịch xã hội. Trong khi tính trình diễn theo nghĩa hậu-cấu trúc luận cấu thành toàn bộ hữu thể luận, hay chính xác hơn là các loại hữu thể luận, thì Erving Goffman lại sử dụng kịch và trình diễn như một phép ẩn dụ cho đời sống xã hội. Kể từ tác phẩm Trình bày Bản thân trong Cuộc sống Hàng ngày - The Presentation of Self in Everyday Life (1958) của Goffman, những cách trình diễn vốn có trong cuộc sống hàng ngày đã trở thành trọng tâm phổ biến của các ngành khoa học xã hội nói chung. Goffman quan tâm đến việc kịch tính hóa của cá nhân và chứng minh cách mọi người trong các tương tác hàng ngày duy trì hoặc thiết lập một định nghĩa nhất định về tình huống. Việc đạt được định nghĩa tập thể về một tình huống nhất định phụ thuộc vào việc những người tham gia đưa hình ảnh của họ về chính họ - bộ mặt của họ - vào tình huống được trình diễn. Hành động hợp tác này để duy trì hình ảnh của bản thân, ví dụ: để không bị mất mặt, Goffman gọi là facework giữ thể diện. Trong bối cảnh dân tộc học và thiết kế hợp tác hiện nay, việc đầu tư vào hình ảnh bản thân nên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm kỹ năng chuyên môn, năng lực công nghệ và các sở thích, nguồn lực tổ chức, giá trị cá nhân, các mối quan tâm và mục tiêu nghề nghiệp; nói cách khác, nó không chỉ bị hạn chế vào các bản sắc cá nhân. Theo quan điểm của Goffman, loại tương tác này diễn ra trong nhiều tình huống khác nhau; mọi thứ ít nhiều được dàn dựng một cách ngẫu hứng để đáp lại một kịch bản xã hội và với ý thức của khán giả cung cấp phản hồi dưới hình thức này hay hình thức khác. Có một tiềm năng biến đổi trong sự gặp gỡ giữa kịch bản và hành động, trong chừng mực mà các tình huống có thể được thiết lập một cách chủ động khi các định nghĩa thay thế về tình huống được tạo ra theo cách hợp tác. Ít nhất về nguyên tắc, khả tính đạt được độ bền giúp mở rộng các định nghĩa thay thế về một tình huống vượt ra ngoài sự trình diễn tức thời của nó.

Nghi thức thiết kế

[Tr.135] Các hội thảo thiết kế hợp tác thường vận hành bằng cách trình diễn một cách kịch tính những thứ vẫn còn nằm ngoài điểm mà chúng có thể được khớp nối đầy đủ. Chúng ta hãy xem xét điều này trong khuôn khổ kịch nghệ. Thông qua các buổi diễn tập, ứng biến và ghi các ý nghĩa tưởng tượng vào các đạo cụ, sự kiện thiết kế, như nhà hát, thể chế hóa không gian ngưỡng. Ở đây, phương thức chiếm ưu thế là giả định, điều gì xảy ra nếu. Quá trình tạo ra một kịch bản trong tương lai được hướng dẫn bởi logic tương tự như quy trình diễn tập sân khấu: thử các loại tương tác khác nhau của người dùng với công nghệ để xem liệu chúng có phải là những trình diễn hấp dẫn về thế giới hay không. Đề cập đến nhà hát, Schechner cũng tuyên bố tương tự: “Chính trong các buổi diễn tập hội thảo, từ “nếu” được sử dụng như một cách để nghiên cứu môi trường vật chất, các tác động, các mối quan hệ - mọi thứ sớm hay muộn đều sẽ được cố định trong văn bản trình diễn.” (Schechner 1985: 102). Toàn bộ hội thảo thiết kế được thực hiện theo những cách tương tự như nghi thức chuyển qua: như một sự đình chỉ tạm thời trật tự hàng ngày, như “trung gian và giữa”, để chuẩn bị cho chủ thể chuyển đổi. Trong hội thảo thiết kế, không phải là một cá nhân xã hội sẽ trải qua quá trình biến đổi - mà là thực hành khi nó đáp ứng các tác vật công nghệ. Do đó, thực tiễn và công nghệ được tách biệt khỏi môi trường xung quanh thông thường của chúng, được đưa vào một không gian và thời gian ngưỡng nơi chúng có thể được “chia nhỏ” một cách tượng trưng như Turner đã diễn đạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi của chúng sang một trạng thái mới.

Một thách thức trọng tâm đối với dân tộc học trình diễn trong các quy trình thiết kế hợp tác là tránh góp phần vào việc vật hóa tài liệu dân tộc học được trình bày. Chúng tôi đã tìm cách duy trì tính mở đối với các đột biến của tài liệu dân tộc học và để nó trở thành một phần của quá trình thực hành diễn ra liên tục, thay vì những bằng chứng của quá khứ. Do đó, mục tiêu chúng tôi đặt ra cho những nỗ lực của mình giữa dân tộc học và thiết kế là tạo ra một không gian thiết kế đồng thời mở ra để khám phá thực tiễn hàng ngày của một bối cảnh hoặc một nhóm người nhất định, đồng thời mang lại cảm giác sống động về những gì nó có thể trở thành dưới ánh sáng của các nguồn lực nhất định. Chúng ta hãy coi hội thảo thiết kế là một sự kiện trình diễn. Mặc dù chúng tôi khá chắc chắn rằng những người tham gia trong các dự án thiết kế thực tế của chúng tôi không coi họ là người trình diễn theo bất kỳ cách thức mang tính sân khấu hay nghi lễ nào, nhưng chúng tôi muốn đẩy mạnh sự so sánh. Cái nhìn nhân học về việc thực hành thiết kế hợp tác cho thấy đặc trưng nghi lễ-ma thuật trong sản xuất Cái Mới. Có sự phù hợp giữa những gì hội thảo thiết kế và việc ban hành các kịch bản trong tương lai mã hóa, thành những gì mà các lý thuyết về trình diễn và nghi thức đang cố gắng phân tích. Mặc dù chúng tôi coi các sự kiện thiết kế là các trình diễn và áp dụng khái niệm của Schechner về chúng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng mang tính chất giải trí. Ngược lại, rõ ràng là chúng thúc đẩy quá trình thiết kế tiến lên bằng cách tạo ra các ý tưởng mới và tạo ra các khái niệm hữu ích cho các tác vật mới. Với tư cách trình diễn, các sự kiện thiết kế tìm cách thay đổi con người và vạn vật, công nghệ và thực tiễn thông qua việc thực hiện được chứng kiến về ​​những gì có thể xảy ra.

[Tr.136] Lý thuyết và thực hành trình diễn đã chuyển dần từ mối quan tâm đến sân khấu cổ điển sang việc sử dụng trình diễn như một phương pháp phản ánh và thay đổi văn hóa. Ví dụ, phong trào này được thấy trong phân ngành dân tộc học trình diễn, mà ở đó trình diễn được xây dựng thành khung với tư cách là “một thấu kính phản xạ và khúc xạ phê phán để xem tình trạng con người và một dạng thức tác tố phản ánh khởi đầu hành động” (Alexander 2005: 412). Những gì chúng tôi đang theo đuổi ở đây là ý định cho phép những người tham gia và khán giả của một cuộc trình diễn cụ thể có được cơ hội để hiểu biết về văn hóa một cách khác biệt và tìm kiếm những khởi đầu mới cho sự thay đổi đôi khi xuất hiện từ đây. Mặc dù dân tộc học trình diễn thường gắn liền với các phong trào xã hội hơn là với các khám phá thiết kế, nhưng mô tả của Alexander về các ưu điểm của nó lại phù hợp với thực tiễn nhân học thiết kế được phác thảo ở đây: “Sức mạnh và tiềm năng của dân tộc học trình diễn nằm ở sự tham gia đồng cảm và hiện thân của những hiểu nâng cao khả tính hành động theo xung lực nhân văn để biến đổi thế giới” (Alexander 2005:412). Dưới ánh sáng của lý thuyết trình diễn, vấn đề về cách thức mà các hội thảo thiết kế có vẻ gói gọn một phần nhỏ của tương lai giờ đây dường như trở nên ít tính nghịch lý hoặc gây tranh cãi. Trong một số nghi lễ, hiện thực hóa là làm cho một thời gian hoặc sự kiện đã qua hiện diện trở lại . Nghi thức làm cho huyền thoại hiện diện bằng cách chứng minh nó đang xảy ra, ở đây và bây giờ. Các xưởng thiết kế đa dạng phụ thuộc vào những biến đổi mang tính trình diễn của thời gian và không gian. Tuy nhiên, các biến đổi có thể không đầy đủ hoặc tạm thời, chúng tạo ra một cái “ở đó và sau đó” cụ thể trong cái “ở đây và bây giờ” cụ thể này. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là một thực tại tương lai đang ở đây, nhưng nó gợi ý một cách kịch tính rằng nếu nó có vẻ hấp dẫn và khả thi đối với khán giả hiện tại, thì tương lai có thể được đặc trưng bởi chính mô thức thực tại này.

_____________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Joachim Halse and Brendon Clark (2008). Design Rituals and Performative Ethnography, In EPIC 2008 proceedings of Ethnographic Praxis in Industry Conference, 15-18 October 2008, Copenhagen, Denmark, edited by Cefkin, Melissa; Cotton, Martha, 2008, p. 128-145.

Tác giả:

Joachim Halse: Theo Halse, khi con người chúng ta thể hiện ước mơ, giá trị và khát vọng từ những vị trí cụ thể của mình trên thế giới, chúng ta thể hiện những tiềm năng mới cho thiết kế. Điều này đúng với bất kỳ người gác cổng, giáo viên hay bà ngoại nào cũng như đối với các kỹ sư, nhà thiết kế hoặc nhà chiến lược kinh doanh. Tiềm năng đổi mới của cuộc sống hàng ngày là một trong những lĩnh vực mà Joachim Halse khám phá trong nghiên cứu của mình. Với nền tảng kết hợp nhân học và thiết kế tương tác, Joachim thử nghiệm xây dựng các thực hành kết hợp giữa các nghiên cứu nhân học về cuộc sống hàng ngày và các khớp nối định hướng thiết kế về các khả năng mới. Joachim đang nghiên cứu cách các ý tưởng thiết kế có thể được thực hiện ngay từ đầu trong quá trình thiết kế, như thể các tác vật tưởng tượng đã có sẵn trong bối cảnh mà chúng dự định hoạt động và với những người dự định sẽ hưởng lợi từ chúng. Nghiên cứu mới nhất của Halse về chủ đề này trong lĩnh vực xử lý chất thải được xuất bản trong cuốn sách “Diễn tập tương lai” (2010) đồng biên tập với Brandt, Clark và Binder. Joachim là Trợ lý Giáo sư tại Trường Thiết kế Đan Mạch, nhưng cộng tác chặt chẽ với các công ty và tư vấn thiết kế để phát triển và thúc đẩy việc sử dụng các phương pháp thiết kế khám phá. Ông có bằng Cử nhân Nhân học của Đại học Copenhagen và bằng Thạc sĩ Công nghệ Thông tin của Đại học CNTT Copenhagen. Năm 2008, Halse lấy bằng Tiến sĩ về Nhân học Thiết kế, Đại học CNTT Copenhagen.

Brendon Clark: Chuyên giảng dạy và nghiên cứu về cách thức các nhà thiết kế thu hút những con người và vật liệu khác nhau để mang lại những cách tổ chức mới cho cuộc sống hàng ngày. Cho dù đó là cuộc sống hàng ngày và tài liệu của một nghề nghiệp chuyên biệt như thiết bị y tế để tiến hành phẫu thuật trong bệnh viện hay cơ cấu tổ chức hỗ trợ những người mới đến sử dụng ngôn ngữ địa phương trong khi mua hàng tạp hóa, các nhà thiết kế thu hút nhiều người khác nhau để tạo ra những khả năng mới thông qua thiết kế. Ông tập trung vào các phương pháp ngẫu hứng và mới nổi trong đấu sức thiết kế. Công việc của ông dựa trên truyền thống thiết kế có sự tham gia, phương pháp quan sát người tham gia từ nhân học, cũng như lý thuyết và thực tiễn về trình diễn. Trước khi làm việc toàn thời gian cho UID (Unitedworld Institute of Design) vào năm 2017, ông đã làm việc 8 năm tại Viện Tương tác (nay là RISE) với tư cách là nhà nghiên cứu cấp cao thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng với trọng tâm đặc biệt là khám phá các phương pháp sư phạm mới cho việc học ngôn ngữ trong tự nhiên. Tại viện, ông đã lãnh đạo nhóm các nhà thiết kế và nhà nghiên cứu tại studio Stockholm với nền tảng kiến thức về khoa học xã hội (BA 1995, Đại học bang San Jose, Hoa Kỳ), phát triển cộng đồng quốc tế và thực hành cứu trợ thiên tai ở Bolivia (1996-1999) và nhân học (MA 2002 Đại học Bắc Arizona, Hoa Kỳ). Ông đã thực hiện Luận án Tiến sĩ về Thiết kế Lấy người dùng làm Trung tâm nhấn mạnh vào nhân học thiết kế tại Đại học Nam Đan Mạch (2007).

Tài liệu dẫn

Alexander, B. K. (2005). Performance Ethnography: The reenacting and Inciting of Culture. The Sage Handbook of Qualitative Research. N. K. Denzin and Y. S. Lincoln. London, Sage Publications.

Anderson, R. (1994). "Representations and Requirements: The Value of Ethnography in System Design." Human-Computer Interaction 9: 151-182.

Austin, J. L. (1962). How to Do Things with Words. Oxford, Clarendon Press.

Barad, K. (2003). "Posthumanist Performativity: Toward an Understanding of How Matter comes to Matter." Signs: Journal of Women in Culture and Society 28(3): 801-831.

Binder, T. (1995). "Designing for work place learning." AI & Society 9(2-3): 218-243.

Blackwell, L. (1998). "Image Acts." American Anthropologist 100(1): 22-32.

Butler, J. (1997). Excitable Speech: A Politics of the Performative. London, Routledge.

Buur, J. and A. Søndergaard (2000). Video Card Game: An augmented environment for User Centred Design discussions. DARE 2000 on Designing augmented reality environments.

Clark, B. (2007). Design as Sociopolitical Navigation: a performative Framework for Action-Oriented Design. Mads Clausen Institute. Sønderborg, University of Southern Denmark. Ph.D. dissertation.

Gennep, A. v. (1960). The Rites of Passage. Chicago, University of Chicago Press.

Goffman, E. 1958 The presentation of self in everyday life. Edinburgh, University of Edinburgh Social Sciences Research Centre.

Law, J. (1999). After ANT: complexity, naming and topology. Actor network theory and after. J. Law and J. Hassard, eds. Oxford, Blackwell Publishers: 256 s.

Nafus, D. and K. Anderson (2006). The Real Problem: Rhetorics of Knowing in Corporate Ethnographic Research. Ethnographic Praxis in Industry Conference, American Anthropological Association.

Pickering, A. (1995). The Mangle of Practice: Time, Agency, and Science. Chicago, University of Chicago Press.

Schechner, R. (1985). Between Theater and Anthropology. Philadelphia, University of Pennsylvania Press.

Schechner, R. (1988). Performance Theory. New York, Routledge.

Turner, V. (1996). Betwixt and Between: The Liminal Period in Rites de Passage. Sosialantropologiske Grunntekster. T. H. Eriksen. Oslo, Norway, Ad Notam Gyldendal: 509-523.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét