David Woodruff Smith
Người
dịch: Hà Hữu Nga
Hiện tượng luận là nghiên cứu về các cấu trúc của ý thức như được trải nghiệm từ quan điểm của ngôi thứ nhất. [Quan điểm của ngôi thứ nhất là góc nhìn được sử dụng để chuyển tiếp suy nghĩ và cảm xúc của một nhân vật hoặc thực thể trong một câu chuyện. Ngôi thứ nhất được xác định bằng cách sử dụng Tôi, Ta, Chúng tôi, Chúng ta v.v…-HHN] Cấu trúc trung tâm của một trải nghiệm là ý hướng tính [intentionality] của nó, được hướng tới một cái gì đó, vì đó là một trải nghiệm của hoặc về một đối tượng nào đó. Một trải nghiệm được hướng tới một đối tượng nhờ vào nội dung hoặc ý nghĩa của nó (đại diện cho đối tượng) cùng với các điều kiện hỗ trợ phù hợp. Hiện tượng luận với tư cách là một bộ môn khác biệt nhưng liên quan đến các bộ môn quan trọng khác trong triết học, chẳng hạn như hữu thể luận, nhận thức luận, logic và đạo đức học. Hiện tượng luận đã được thực hành dưới nhiều vỏ bọc khác nhau trong nhiều thế kỷ, nhưng nó đã hiển lộ vào đầu thế kỷ 20 trong các tác phẩm của Husserl, Heidegger, Sartre, Merleau-Ponty và nhiều tác giả khác. Gần đây, các vấn đề hiện tượng luận về ý hướng tính, ý thức, phẩm chất và quan điểm của ngôi thứ nhất ngày càng nổi bật trong triết học tư duy.
1. Hiện tượng luận là gì?
Hiện tượng luận thường được hiểu theo một trong hai cách: như một lĩnh vực bộ môn trong triết học, hoặc như một trào lưu trong lịch sử triết học. Ngành học hiện tượng luận ban đầu có thể được định nghĩa là nghiên cứu về cấu trúc của kinh nghiệm, hoặc ý thức. Theo nghĩa đen, hiện tượng luận là nghiên cứu về các “hiện tượng”: sự xuất hiện của sự vật, hoặc sự vật như chúng xuất hiện trong kinh nghiệm của chúng ta, hoặc cách chúng ta trải nghiệm sự vật, do đó mà sự vật có được ý nghĩa trong kinh nghiệm của chúng ta. Hiện tượng luận nghiên cứu kinh nghiệm có ý thức như được trải nghiệm từ quan điểm chủ thể hoặc quan điểm của ngôi thứ nhất. Lĩnh vực triết học này sau đó được phân biệt với và liên quan đến các lĩnh vực triết học chủ yếu khác như: hữu thể luận (nghiên cứu về hữu thể hoặc cái gì là), nhận thức luận (nghiên cứu về tri thức), logic (nghiên cứu về lập luận hợp lệ), đạo đức (nghiên cứu về hành động đúng và sai), v.v.
Trào lưu lịch sử hiện tượng luận là truyền thống triết học được Edmund Husserl, Martin Heidegger, Maurice Merleau-Ponty, Jean-Paul Sartre, et al. khởi phát vào nửa đầu thế kỷ 20. Trong trào lưu đó, bộ môn hiện tượng luận được đánh giá cao như là nền tảng đúng đắn của mọi triết học - đối lập với đạo đức học, siêu hình học hay nhận thức luận chẳng hạn. Các phương pháp và đặc điểm của bộ môn đã được Husserl và những người kế vị của ông tranh luận rộng rãi, và những cuộc tranh luận này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. (Định nghĩa về hiện tượng luận được đưa ra ở trên do đó sẽ gây tranh cãi, chẳng hạn, đối với những người theo chủ thuyết của Heidegger, nhưng nó vẫn là điểm khởi đầu trong việc mô tả đặc điểm của bộ môn này). Trong triết học tâm trí gần đây, thuật ngữ “hiện tượng luận” thường được giới hạn vào việc mô tả đặc tính của các phẩm chất cảm giác của nhìn, nghe, v.v.: việc có nhiều loại cảm giác khác nhau là như thế nào. Tuy nhiên, trải nghiệm của chúng ta thường có nội dung phong phú hơn nhiều so với cảm giác đơn thuần. Theo đó, trong truyền thống của mình, hiện tượng luận được cấp cho một phạm vi rộng lớn hơn nhiều, nhắm đến ý nghĩa mà sự vật có được trong kinh nghiệm của chúng ta, đáng chú ý là tầm quan trọng của các đối tượng, sự kiện, công cụ, dòng thời gian, tự ngã và những thứ khác, khi những sự vật này phát sinh và được trải nghiệm trong “thế giới-sống” của chúng ta.
Hiện tượng luận với tư cách là một bộ môn đã trở thành trung tâm của truyền thống triết học châu Âu lục địa trong suốt thế kỷ 20, trong khi triết học về tâm trí đã phát triển trong truyền thống triết học phân tích của Áo-Anh-Mỹ trong suốt thế kỷ 20. Tuy nhiên, đặc điểm cơ bản của hoạt động tinh thần của chúng ta được theo đuổi bằng những cách thức chồng chéo trong hai truyền thống này. Theo đó, quan điểm về hiện tượng luận được rút ra trong bài viết này sẽ phù hợp với cả hai truyền thống trên. Mối quan tâm chính ở đây sẽ là mô tả đặc điểm của bộ môn hiện tượng luận, bằng một tầm nhìn đương đại, đồng thời làm nổi bật truyền thống lịch sử đã đưa bộ môn này trở thành của riêng nó. Về cơ bản, hiện tượng luận nghiên cứu cấu trúc của nhiều loại trải nghiệm khác nhau, từ nhận thức, suy nghĩ, trí nhớ, trí tưởng tượng, cảm xúc, ham muốn và ý chí đến nhận thức cơ thể, hành động thể hiện và hoạt động xã hội, bao gồm cả hoạt động ngôn ngữ. Cấu trúc của những hình thức trải nghiệm này thường liên quan đến cái mà Husserl gọi là “ý hướng tính”, tức là hướng trải nghiệm tới các sự vật trong thế giới, thuộc tính của ý thức mà nó là ý thức của hoặc về một điều gì đó. Theo hiện tượng luận Husserlian kinh điển, trải nghiệm của chúng ta hướng tới - thể hiện hoặc “dự định”- các sự vật chỉ thông qua các khái niệm, suy nghĩ, ý tưởng, hình ảnh cụ thể, v.v. Những sự vật này tạo nên ý nghĩa hoặc nội dung của một trải nghiệm nhất định và khác biệt với những sự vật mà chúng thể hiện hoặc có nghĩa.
Cấu trúc có ý hướng tính cơ bản của ý thức, mà chúng ta tìm thấy trong sự phản ánh hoặc phân tích, liên quan đến các hình thức kinh nghiệm xa hơn. Do đó, hiện tượng luận phát triển một giải thích phức tạp về nhận thức thời gian (trong dòng ý thức), nhận thức không gian (đặc biệt là bằng tri giác), sự chú ý (phân biệt nhận thức tiêu điểm và cận biên hoặc “theo bình tuyến - horizonal”), nhận thức về trải nghiệm của chính mình (tự ý thức, trong một giác quan), tự nhận thức (nhận thức về chính mình), tự ngã trong các vai trò khác nhau (như suy nghĩ, hành động, v.v.), hành động hiện thân (bao gồm nhận thức động học về chuyển động của một người), mục đích hoặc ý định trong hành động (ít nhiều rõ ràng), nhận thức về người khác (bằng đồng cảm, liên chủ thể tính, tập thể tính), hoạt động ngôn ngữ (liên quan đến ý nghĩa, giao tiếp, hiểu người khác), tương tác xã hội (bao gồm hành động tập thể) và hoạt động hàng ngày trong thế giới cuộc sống xung quanh của chúng ta (trong một nền văn hóa cụ thể). Hơn nữa, ở một khía cạnh khác, chúng ta tìm thấy nhiều cơ sở hoặc điều kiện thuận lợi - điều kiện của khả tính - của ý hướng tính, bao gồm sự hiện thân, kỹ năng cơ thể, bối cảnh văn hóa, ngôn ngữ và các thực hành xã hội, nền tảng xã hội và các khía cạnh ngữ cảnh của các hoạt động có ý hướng tính khác. Như vậy, hiện tượng luận dẫn từ kinh nghiệm có ý thức tới những điều kiện giúp đem đến ý hướng tính cho kinh nghiệm. Hiện tượng luận truyền thống đã tập trung vào các điều kiện chủ quan, thực tế và xã hội của kinh nghiệm. Tuy nhiên, triết học tâm trí gần đây đã tập trung đặc biệt vào chất nền thần kinh của trải nghiệm, vào các cách thức trải nghiệm có ý thức và sự thể hiện tinh thần hoặc ý hướng tính được đặt nền tảng trong hoạt động của não bộ. Vẫn còn là một câu hỏi khó có bao nhiêu trong số những cơ sở kinh nghiệm này nằm trong phạm vi của hiện tượng luận với tư cách là một bộ môn. Do đó, các điều kiện văn hóa dường như gần gũi với kinh nghiệm của chúng ta và với sự tự-hiểu biết quen thuộc của chúng ta hơn là hoạt động điện-hóa của bộ não, ít phụ thuộc hơn nhiều vào các trạng thái cơ học lượng tử của các hệ thống vật lý mà chúng ta có thể thuộc về. Cần phải thận trọng khi nói rằng hiện tượng luận theo một số cách dẫn đến ít nhất một số điều kiện nền tảng kinh nghiệm của chúng ta.
2. Bộ môn Hiện tượng luận
Bộ môn hiện tượng luận được xác định bởi lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp và kết quả chính của nó. Hiện tượng luận nghiên cứu các cấu trúc của kinh nghiệm có ý thức như được trải nghiệm từ quan điểm của ngôi thứ nhất, cùng với các điều kiện trải nghiệm có liên quan. Cấu trúc trung tâm của một trải nghiệm là ý hướng tính của nó, cách nó được định hướng thông qua nội dung hoặc ý nghĩa của nó tới một đối tượng nhất định trên thế giới. Tất cả chúng ta đều kinh qua nhiều loại trải nghiệm bao gồm nhận thức, tưởng tượng, suy nghĩ, cảm xúc, ham muốn, ý chí và hành động. Do đó, lĩnh vực hiện tượng luận là phạm vi của các loại kinh nghiệm này (và những loại khác nữa). Trải nghiệm không chỉ bao gồm trải nghiệm tương đối thụ động như nhìn hoặc nghe, mà còn bao gồm cả trải nghiệm chủ động như đi bộ, đóng một chiếc đinh hoặc đá một quả bóng. (Phạm vi sẽ cụ thể đối với từng loài sinh vật được thụ hưởng ý thức; trọng tâm của chúng tôi là trải nghiệm của riêng con người chúng ta. Không phải tất cả các sinh vật có ý thức đều sẽ hoặc sẽ có thể thực hành hiện tượng luận như chúng ta). Những trải nghiệm có ý thức có một đặc điểm độc đáo: chúng ta trải nghiệm chúng, chúng ta sống qua chúng hoặc thực hiện chúng. Những sự vật khác trên thế giới chúng ta có thể quan sát và tham gia. Nhưng chúng ta không trải nghiệm chúng, theo nghĩa sống qua hoặc thực hiện chúng.
Đặc tính trải nghiệm hoặc đặc tính ngôi thứ nhất này - đặc tính của việc được trải nghiệm - là một phần thiết yếu của bản chất hoặc cấu trúc của trải nghiệm có ý thức: như chúng ta nói, “Tôi thấy/nghĩ/mong muốn/làm…”. Đặc tính này vừa mang tính hiện tượng luận vừa mang tính hữu thể luận của từng trải nghiệm: nó là một phần của cái dành cho trải nghiệm phải được trải nghiệm (mang tính hiện tượng luận) và là một phần của cái dành cho sự trải nghiệm cái phải là (mang tính hữu thể luận). Chúng ta sẽ nghiên cứu kinh nghiệm có ý thức như thế nào? Chúng ta suy ngẫm về nhiều loại trải nghiệm hệt như chúng ta trải nghiệm chúng vậy. Điều đó có nghĩa là, chúng ta tiến hành từ quan điểm của ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, chúng ta thường không mô tả một trải nghiệm tại thời điểm chúng ta đang thực hiện nó. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không có năng lực đó: chẳng hạn như trạng thái tức giận hoặc sợ hãi ghê gớm sẽ tiêu tốn tất cả sự tập trung thần trí của người ta lúc ấy. Thay vào đó, chúng ta có được một nền tảng là đã sống qua một loại trải nghiệm nhất định và chúng ta tìm đến cái thân quen của mình với loại trải nghiệm đó: nghe một bài hát, nhìn thấy cảnh hoàng hôn, nghĩ về tình yêu, có ý định vượt qua một chướng ngại vật. Việc thực hành hiện tượng luận giả định cái thân quen như vậy với loại trải nghiệm được mô tả. Ngoài ra, điều quan trọng là các loại kinh nghiệm mà hiện tượng luận theo đuổi, chứ không phải là một kinh nghiệm thoáng qua cụ thể - trừ khi loại kinh nghiệm đó thu hút mối quan tâm của chúng ta.
Các nhà hiện tượng luận kinh điển đã thực hành ba phương pháp có thể phân biệt được như sau:
(1) Chúng ta mô tả một loại trải nghiệm giống như chúng ta tìm thấy nó từ trải nghiệm quá khứ của chính mình. Do đó, Husserl và Merleau-Ponty đã nói về sự mô tả thuần túy kinh nghiệm sống.
(2) Chúng ta giải thích một loại trải nghiệm bằng cách liên hệ nó với các đặc điểm có liên quan của bối cảnh. Theo mạch này, Heidegger và những người theo ông đã nói về Phép tường giải, nghệ thuật diễn giải theo bối cảnh, đặc biệt là bối cảnh xã hội và ngôn ngữ.
(3) Chúng ta phân tích hình thức của một loại kinh nghiệm. Cuối cùng, tất cả các nhà hiện tượng luận kinh điển đều thực hành phân tích kinh nghiệm, tìm ra những đặc điểm đáng chú ý để làm cho công trình trở nên công phu hơn. Trong những thập kỷ gần đây, các phương pháp truyền thống này đã phân nhánh bằng cách mở rộng các phương pháp có sẵn cho hiện tượng luận.
(4) Như vậy trong một mô hình logic-ngữ nghĩa của hiện tượng luận, chúng ta xác định các điều kiện chân lý cho một loại tư duy (chẳng hạn, trong mô hình đó tôi nghĩ rằng chó đuổi mèo) hoặc các điều kiện thỏa mãn cho một loại ý định (chẳng hạn, trong mô hình đó tôi có ý định hoặc nhất định nhảy qua rào cản kia).
(5) Trong hệ mẫu thực nghiệm của khoa học thần kinh nhận thức, chúng ta thiết kế các thí nghiệm thực nghiệm có xu hướng xác nhận hoặc bác bỏ các khía cạnh của trải nghiệm (chẳng hạn, với thực nghiệm quét não cho thấy hoạt động điện hóa ở một vùng cụ thể của não có chức năng vận hành một loại thị giác, cảm xúc hoặc kiểm soát động cơ). Phong cách “hiện tượng luận thần kinh” này giả định rằng trải nghiệm có ý thức được đặt nền tảng trong hoạt động thần kinh bằng hành động hiện thân trong môi trường thích hợp -pha trộn hiện tượng luận thuần túy với khoa học sinh học và vật lý theo cách không hoàn toàn phù hợp với các nhà hiện tượng luận truyền thống.
Điều làm cho một trải nghiệm trở nên có ý thức là một nhận thức nhất định mà người ta có được về trải nghiệm đó khi sống trải hoặc thực hiện nó. Hình thức nhận thức bên trong này đã là một chủ đề tranh luận đáng kể, nhiều thế kỷ sau khi vấn đề nảy sinh với khái niệm về sự tự ý thức của Locke theo gót quan niệm về ý thức của Descartes (lương tâm, đồng-tri thức conscience, co-knowledge). Vậy có phải nhận thức-của-kinh nghiệm [awareness-of-experience] này bao gồm một loại quan sát bên trong của kinh nghiệm, như thể một người đang làm hai việc cùng một lúc? (Brentano lập luận là không.) Đó là nhận thức cấp cao hơn của hoạt động trí óc của người ta, hay đó là suy nghĩ cấp cao hơn về hoạt động tinh thần của người ta? (Các nhà lý thuyết gần đây đã đề xuất cả hai.) Hay nó là một dạng cấu trúc cố hữu khác? (Sartre tiếp nhận tuyến tư duy này, rút ra từ Brentano và Husserl.) Những vấn đề ấy nằm ngoài phạm vi của bài viết này, nhưng chỉ lưu ý rằng những kết quả phân tích hiện tượng luận này định hình đặc điểm của lĩnh vực nghiên cứu và phương pháp luận phù hợp với lĩnh vực đó. Vì nhận thức-của-kinh nghiệm là một đặc điểm xác định của trải nghiệm có ý thức, đặc điểm mang lại trải nghiệm cho nhân vật sống trải, ở ngôi thứ nhất. Chính đặc điểm sống trải đó của kinh nghiệm cho phép ngôi thứ nhất có được quan điểm về đối tượng nghiên cứu, cụ thể là kinh nghiệm, và quan điểm đó là đặc trưng của phương pháp luận hiện tượng luận.
Trải nghiệm có ý thức là điểm khởi đầu của hiện tượng luận, nhưng trải nghiệm biến thành những hiện tượng ý thức ít công khai hơn. Như Husserl và những người khác đã nhấn mạnh, chúng ta chỉ nhận thức một cách mơ hồ về những sự vật ở bên lề hoặc ngoại vi của sự chú ý, và chúng ta chỉ nhận thức một cách ngầm ẩn về chân trời rộng lớn hơn của sự vật trong thế giới xung quanh chúng ta. Hơn nữa, như Heidegger đã nhấn mạnh, trong các hoạt động thực tế như đi bộ, đóng đinh, hoặc nói tiếng mẹ đẻ của mình, chúng ta không ý thức rõ ràng về các mô thức hành động theo thói quen của mình. Hơn nữa, như các nhà phân tâm học đã nhấn mạnh, phần lớn hoạt động tinh thần có ý hướng tính của chúng ta lại hoàn toàn không có ý thức, nhưng có thể trở nên có ý thức trong quá trình trị liệu hoặc thẩm vấn, khi chúng ta nhận ra mình cảm thấy hoặc suy nghĩ như thế nào về điều gì đấy. Do đó, chúng ta nên hiểu rằng lĩnh vực hiện tượng luận - trải nghiệm của chính chúng ta - trải rộng từ trải nghiệm có ý thức sang hoạt động tinh thần nửa ý thức và thậm chí là vô thức, cùng với các điều kiện nền tảng có liên quan được viện dẫn ngầm ẩn trong trải nghiệm của chúng ta. (Những vấn đề này có thể tranh luận; vấn đề ở đây là mở ra cánh cửa cho câu hỏi vạch ra ranh giới của lĩnh vực hiện tượng luận ở đâu).
Để bắt đầu một bài tập cơ bản về hiện tượng luận, hãy xem xét một số trải nghiệm điển hình mà người ta có thể có trong cuộc sống hàng ngày, được mô tả ở ngôi thứ nhất:
- Tôi nhìn thấy chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi khi hoàng hôn buông xuống Thái Bình Dương.
- Tôi nghe thấy tiếng trực thăng vù vù trên đầu khi nó đến gần bệnh viện.
- Tôi vẫn nghĩ rằng hiện tượng luận khác với tâm lý học.
- Tôi ao ước cơn mưa ấm áp từ Mexico lại đổ xuống hệt như tuần trước.
- Tôi tưởng tượng ra một sinh vật đáng sợ như thế trong cơn ác mộng của mình.
- Tôi dự định sẽ viết xong bài báo vào buổi trưa.
- Tôi cẩn thận bước vòng qua những mảnh kính vỡ trên vỉa hè.
- Tôi tạt cú ve xuáy về phía góc chéo sân.
- Tôi đang tìm kiếm các từ để trình bày quan điểm của mình trong cuộc trò chuyện.
Đây là những đặc điểm cơ bản của một số loại trải nghiệm quen thuộc. Mỗi câu là một hình thức đơn giản mô tả hiện tượng luận, có thể bằng thứ tiếng Anh hàng ngày diễn đạt cái cấu trúc của loại trải nghiệm được mô tả như vậy. Chủ từ “Tôi” biểu thị cấu trúc ngôi thứ nhất của trải nghiệm: ý hướng tính bắt nguồn từ chủ thể. Động từ chỉ loại hoạt động có ý hướng tính được mô tả gồm đủ loại: nhận thức, suy nghĩ, tưởng tượng, hoạt động v.v. Điều quan trọng cốt lõi là cách mà các đối tượng của nhận thức được trình bày hoặc dự định trong các trải nghiệm của chúng ta, đặc biệt là cách chúng ta nhìn nhận, hình dung hoặc suy nghĩ về các đối tượng. Việc biểu đạt đối tượng trực tiếp (“chiếc thuyền đánh cá ngoài khơi”) nói rõ phương thức trình bày đối tượng trong trải nghiệm: nội dung hoặc ý nghĩa của trải nghiệm, cốt lõi của cái mà Husserl gọi là noema. [Từ noema, số nhiều: noemata, tính từ noematic gốc từ tiếng Hy Lạp νόημα có nghĩa là “đối tượng tinh thần”. Edmund Husserl đã sử dụng noema như một thuật ngữ kỹ thuật trong hiện tượng luận để đại diện cho đối tượng hoặc nội dung của một suy nghĩ, phán đoán hoặc nhận thức, nhưng ý nghĩa chính xác của nó trong tác phẩm của ông vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. HHN]. Trong thực tế, cụm từ đối tượng thể hiện cái noema của hành động được mô tả, nghĩa là, trong phạm vi mà ngôn ngữ có sức mạnh biểu đạt phù hợp. Hình thức tổng thể của câu đã cho nói lên hình thức cơ bản của ý hướng tính trong kinh nghiệm: chủ thể-hành động-nội dung-đối tượng.
Mô tả hoặc diễn giải hiện tượng luận phong phú, như trong Husserl, Merleau-Ponty và cộng sự, vượt xa những mô tả hiện tượng luận đơn giản như trên. Nhưng những mô tả đơn giản như vậy lại đưa ra hình thức cơ bản của ý hướng tính. Khi chúng ta diễn giải thêm về mô tả hiện tượng luận, chúng ta có thể đánh giá mức độ phù hợp của bối cảnh kinh nghiệm. Và chúng ta có thể chuyển sang những điều kiện khả tính rộng lớn hơn của loại trải nghiệm đó. Theo cách này, trong thực hành hiện tượng luận, chúng ta phân loại, mô tả, diễn giải và phân tích các cấu trúc của kinh nghiệm theo những cách trả lời cho kinh nghiệm của chính chúng ta. Trong những phân tích diễn giải-mô tả về trải nghiệm như vậy, chúng ta ngay lập tức nhận thấy rằng mình đang phân tích các dạng thức quen thuộc của ý thức, trải nghiệm có ý thức của hoặc về sự vật này hay sự vật khác.
Do đó, ý hướng tính là cấu trúc nổi bật của kinh nghiệm của chúng ta, và phần lớn hiện tượng luận tiến hành bằng cách nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của ý hướng tính. Do đó, chúng ta khám phá các cấu trúc của dòng ý thức, tự ngã trường tồn, tự ngã hiện thân và hành động của cơ thể. Hơn nữa, khi chúng ta suy nghĩ về cách thức hoạt động của những hiện tượng này, chúng ta chuyển sang phân tích các điều kiện liên quan cho phép những trải nghiệm của chúng ta xảy ra như chúng phải xảy ra, và biểu thị hoặc dự định như chúng phải làm thế. Vậy là hiện tượng luận dẫn đến các phân tích về các điều kiện của khả tính của ý hướng tính, các điều kiện liên quan đến kỹ năng và thói quen vận động, các thực hành xã hội cơ bản và thường là ngôn ngữ, với vị trí đặc biệt của nó trong các vấn đề của con người.
3. Từ Hiện tượng đến Hiện tượng luận
Từ điển tiếng Anh Oxford trình bày định nghĩa sau: “Hiện tượng luận là (a). Khoa học về các hiện tượng khác với bản thể (bản thể luận). (b). Bộ phận hiện tượng luận của bất kỳ khoa học nào cũng đều mô tả và phân loại các hiện tượng của nó. Từ tiếng Hy Lạp phainomenon, xuất hiện.” Trong triết học, thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa thứ nhất, giữa các cuộc tranh luận về lý thuyết và phương pháp luận. Trong vật lý và triết học khoa học, thuật ngữ này được sử dụng theo nghĩa thứ hai, mặc dù chỉ thỉnh thoảng. Do đó, theo nghĩa gốc của nó, hiện tượng luận là nghiên cứu về các hiện tượng: theo nghĩa đen, những biểu hiện trái ngược với thực tại. Sự khác biệt cổ xưa này đã khởi xướng triết học khi chúng ta bước ra khỏi chiếc hang của Plato. Tuy nhiên, cho đến thế kỷ 20 bộ môn hiện tượng luận vẫn chưa nở rộ và vẫn chưa được hiểu rõ trong nhiều giới triết học đương đại. Ngành học đó là gì? Làm thế nào mà triết học chuyển từ một khái niệm gốc về các hiện tượng sang bộ môn hiện tượng luận? Ban đầu, vào thế kỷ 18, “hiện tượng luận” có nghĩa là lý thuyết về các biểu hiện cơ bản đối với tri thức thực nghiệm, đặc biệt là các biểu hiện cảm tính. Thuật ngữ “Phenomenologia” trong tiếng Latinh được Christoph Friedrich Oetinger tạo ra vào năm 1736. Sau đó, thuật ngữ tiếng Đức “Phänomenologia” được Johann Heinrich Lambert, một tín đồ của Christian Wolff sử dụng. Immanuel Kant thỉnh thoảng cũng sử dụng thuật ngữ này trong nhiều tác phẩm khác nhau, Johann Gottlieb Fichte cũng vậy. Năm 1807, G. W. F. Hegel viết một cuốn sách nhan đề Phänomenologie des Geistes (thường được dịch là Hiện tượng học của Tinh thần). Đến năm 1889, Franz Brentano đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả cái mà ông gọi là “descriptive psychology” “tâm lý học mô tả”. Từ đó, Edmund Husserl sử dụng thuật ngữ này cho khoa học mới về ý thức [New Science of Consciousness] của mình, và phần còn lại là lịch sử.
Giả sử chúng ta nói hiện tượng luận nghiên cứu các hiện tượng: cái xuất hiện với chúng ta – và sự xuất hiện của nó. Vậy thì làm thế nào chúng ta hiểu được các hiện tượng? Thuật ngữ này có một lịch sử phong phú trong những thế kỷ gần đây, trong đó chúng ta có thể thấy dấu vết của bộ môn hiện tượng luận mới nổi. Theo quan điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm nghiêm ngặt, những gì xuất hiện trước tâm trí đều là dữ liệu cảm giác hoặc phẩm chất: hoặc là các mô thức cảm giác của riêng ai đó (hiện tại nhìn thấy màu đỏ ở đây, cảm giác nhồn nhột này khi nghe thấy âm trầm dội vang đó) hoặc các mô thức nhạy cảm của những sự vật trần thế, chẳng hạn hình dáng và mùi hương của hoa (cái mà John Locke gọi là phẩm chất thứ cấp của sự vật). Ngược lại, theo khuynh hướng duy lý chặt chẽ, những gì xuất hiện trước Tâm trí [Mind] là những ý tưởng, “những ý tưởng rõ ràng và khác biệt” được hình thành một cách hợp lý (trong lý tưởng của René Descartes). Trong lý thuyết về tri thức của Immanuel Kant, kết hợp các mục tiêu của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm, những gì xuất hiện trong tâm trí là những hiện tượng được định nghĩa là những sự vật-như-chúng-xuất hiện hoặc những sự vật-như-chúng-được-trình hiện (bằng sự tổng hợp các hình thái cảm giác và khái niệm của các đối tượng -như đã biết). Trong lý thuyết khoa học của Auguste Comte, các hiện tượng (phenomenes) là những sự kiện [facts] (faits, những gì xảy ra) mà một khoa học nhất định sẽ phải giải thích.
Khi đó, trong nhận thức luận thế kỷ 18 và 19, các hiện tượng là điểm khởi đầu trong việc xây dựng tri thức, đặc biệt là khoa học. Vì vậy, theo nghĩa quen thuộc và vẫn còn lưu hành, hiện tượng là bất cứ sự vật nào chúng ta quan sát (nhận thức) và tìm cách giải thích. Tuy nhiên, khi ngành tâm lý học xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, các hiện tượng mang một vỏ bọc hơi khác. Trong Tâm lý học từ Quan điểm Thực nghiệm của Franz Brentano (1874), hiện tượng là những gì xảy ra trong tâm trí: hiện tượng tinh thần là hành vi của ý thức (hoặc nội dung của chúng), còn hiện tượng vật lý là đối tượng của nhận thức bên ngoài bắt đầu bằng màu sắc và hình dạng. Đối với Brentano, các hiện tượng vật lý tồn tại “có ý hướng tính” trong các hành vi của ý thức. Quan điểm này làm sống lại một khái niệm thời Trung cổ mà Brentano gọi là “phi tồn tại mang tính ý hướng”, nhưng bản thể luận vẫn chưa được phát triển (tồn tại trong tâm trí là gì, và các khách thể vật lý chỉ tồn tại trong tâm trí?). Tổng quát hơn, chúng ta có thể nói, các hiện tượng là bất cứ thứ gì chúng ta ý thức được: các đối tượng và sự kiện xung quanh chúng ta, những kẻ khác, bản thân chúng ta, thậm chí (trong phản ánh) những trải nghiệm có ý thức của chính chúng ta, khi chúng ta trải nghiệm những điều này. Theo nghĩa kỹ thuật nhất định, hiện tượng là những sự vật như chúng được đưa vào ý thức của chúng ta, dù là trong nhận thức, trí tưởng tượng, tư tưởng hay ý chí. Quan niệm này về hiện tượng sẽ sớm đưa ra bằng chứng về ngành hiện tượng học mới.
Brentano phân biệt tâm lý học mô tả với tâm lý học di truyền. Khi tâm lý học di truyền tìm kiếm nguyên nhân của các loại hiện tượng tinh thần khác nhau, thì tâm lý học mô tả lại xác định và phân loại các loại hiện tượng tinh thần khác nhau, bao gồm nhận thức, phán đoán, cảm xúc, v.v. Theo Brentano, mọi hiện tượng tinh thần hoặc hành động của ý thức đều hướng tới đối tượng nào đó, và chỉ những hiện tượng tinh thần mới được định hướng như vậy. Luận điểm về tính định hướng ý hướng tính này là dấu hiệu nổi bật của tâm lý học mô tả của Brentano. Năm 1889, Brentano đã sử dụng thuật ngữ “hiện tượng luận” cho tâm lý học mô tả, và mở đường cho khoa học hiện tượng luận mới của Husserl.
Hiện tượng luận như chúng ta biết đã được Edmund Husserl khai trương trong tác phẩm Khảo sát Logic (1900–01) của ông. Hai dòng lý thuyết quan trọng khác nhau đã cùng xuất hiện trong công trình đồ sộ đó: lý thuyết tâm lý học, theo gót Franz Brentano (và cả William James, tác giả Nguyên lý Tâm lý học xuất bản năm 1891 gây ấn tượng sâu sắc với Husserl); và lý thuyết logic hoặc ngữ nghĩa, nối gót Bernard Bolzano và những người cùng thời với Husserl, đã sáng lập ra logic hiện đại, trong đó có Gottlob Frege. (Thật thú vị, cả hai hướng nghiên cứu đều bắt nguồn từ Aristotle, và cả hai đều đạt được những kết quả mới quan trọng vào thời Husserl.) Khảo sát Logic của Husserl được truyền cảm hứng từ lý tưởng logic của Bolzano, đồng thời tiếp thu quan niệm về tâm lý học mô tả của Brentano. Trong Lý thuyết Khoa học (1835) Bolzano đã phân biệt giữa các ý tưởng hoặc các biểu hiện (Vorstellungen) chủ quan và khách quan. Trên thực tế, Bolzano đã chỉ trích Kant và trước ông là những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm và duy lý cổ điển vì đã không thực hiện được loại phân biệt này, do đó khiến cho các hiện tượng chỉ mang tính chủ quan. Logic nghiên cứu các ý tưởng khách quan, bao gồm cả các mệnh đề, từ đó tạo nên các lý thuyết khách quan như trong các khoa học. Ngược lại, tâm lý học nghiên cứu các ý tưởng chủ quan, các nội dung cụ thể (các sự kiện) của các hoạt động tinh thần trong các tâm trí cụ thể tại một thời điểm nhất định. Husserl theo đuổi cả hai, trong một môn học duy nhất. Vì vậy, các hiện tượng phải được nhận thức lại với tư cách là các nội dung mang ý hướng tính khách quan (đôi khi gọi là khách thể ý hướng tính) của các hành động chủ quan của ý thức. Vậy là hiện tượng luận nghiên cứu phức hợp ý thức này và các hiện tượng tương quan. Trong Ý tưởng I (Quyển một, 1913) Husserl đã giới thiệu hai từ tiếng Hy Lạp để nắm bắt phiên bản của ông về sự phân biệt Bolzanoan: noesis và noema, từ động từ tiếng Hy Lạp noéō (νοέω), có nghĩa là nhận thức, suy nghĩ, dự định, từ đó có danh từ nous hoặc tâm trí. Quá trình ý thức ý hướng tính được gọi là noesis, trong khi nội dung lý tưởng của nó được gọi là noema. Husserl mô tả noema của một hành động ý thức vừa là ý nghĩa lý tưởng vừa là „das Objekt wie beabsichtigt“ “đối tượng như dự định”. Do đó, hiện tượng, hoặc đối tượng-như-nó -trình hiện, trở thành noema, hoặc đối tượng-như-nó-được dự định. Có một vài cách diễn giải lý thuyết noema của Husserl và rốt cuộc là những sự phát triển khác nhau của lý thuyết cơ bản về ý hướng tính của ông. (Noema có phải là một khía cạnh của đối tượng được dự định, hay đúng hơn là một phương tiện của ý định?)
Vì vậy, đối với Husserl, hiện tượng luận tích hợp một loại tâm lý học với một loại logic. Nó phát triển tâm lý học mô tả hoặc tâm lý học phân tích ở chỗ nó mô tả và phân tích các loại hoạt động hoặc kinh nghiệm tinh thần chủ quan, nói ngắn gọn là các hành vi của ý thức. Tuy nhiên, nó phát triển một loại logic - một lý thuyết về ý nghĩa (ngày nay chúng ta gọi là ngữ nghĩa học logic) - trong đó nó mô tả và phân tích các nội dung khách quan của ý thức: ý tưởng, khái niệm, hình ảnh, mệnh đề, tóm lại là nhiều loại ý nghĩa lý tưởng được sử dụng như là các nội dung ý hướng tính, hoặc các ý nghĩa noematic – đối tượng tinh thần, của các loại kinh nghiệm. Những nội dung này có thể được chia sẻ bởi các hành vi ý thức khác nhau, và theo nghĩa đó, chúng là những ý nghĩa khách quan, lý tưởng. Theo Bolzano (và ở một mức độ nào đó là nhà logic học Platonistic Hermann Lotze [Platonistic – thuộc triết học của Plato, đặc biệt là trong chừng mực nó khẳng định các hình thức lý tưởng như một thực tại tuyệt đối và vĩnh cửu, trong đó các hiện tượng của thế giới là sự phản ánh không hoàn hảo và nhất thời – HHN]), Husserl phản đối bất kỳ sự quy giản nào của logic, toán học hay khoa học thành tâm lý học đơn thuần, thành cách thức mà mọi người ngẫu nhiên suy nghĩ, và trên tinh thần tương tự, ông phân biệt hiện tượng luận với tâm lý học đơn thuần. Đối với Husserl, hiện tượng học nghiên cứu ý thức mà không quy giản các ý nghĩa khách quan và có thể chia sẻ được trải nghiệm sống thành những tình huống ngẫu nhiên chủ quan đơn thuần. Ý nghĩa lý tưởng sẽ là động cơ của ý hướng tính trong các hành vi của ý thức. Một quan niệm rõ ràng về hiện tượng luận đã chờ đợi sự phát triển của Husserl về một mô hình rõ ràng về ý hướng tính. Thật vậy, hiện tượng luận và khái niệm hiện đại về ý hướng tính đã sát cánh cùng xuất hiện trong Khảo sát Logic của Husserl (1900–01). Với nền tảng lý thuyết được đặt ra trong Khảo sát Logic, sau đó Husserl đã thúc đẩy ngành khoa học mới, triệt để về hiện tượng luận trong Ý tưởng I (1913). Và những tầm nhìn khác về hiện tượng luận cũng sớm theo sau ra đời.
________________________________________
(Còn nữa…)
Nguồn: Smith, David Woodruff (2003). Phenomenology, Nov 16, 2003.
Tác giả: David Woodruff Smith sinh năm 1944, là Giáo sư Triết học tại Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn Mind World: Essays in Phenomenology and Ontology (2004) và là đồng biên tập (với Amie L. Thomasson) về Hiện tượng luận và Triết học Tâm trí (2005).
Tài liệu dẫn (Các tác phẩm Kinh điển)
Brentano, F., 1995, Psychology from an Empirical Standpoint, Trans. Antos C. Rancurello, D. B. Terrell, and Linda L. McAlister, London and New York: Routledge. From the German original of 1874.
Brentano’s development of descriptive psychology, the forerunner of Husserlian phenomenology, including Brentano’s conception of mental phenomena as intentionally directed and his analysis of inner consciousness distinguished from inner observation.
Heidegger, M., 1962, Being and Time, Trans. by John Macquarrie and Edward Robinson. New York: Harper & Row. From the German original of 1927.
Heidegger’s magnum opus, laying out his style of phenomenology and existential ontology, including his distinction between beings and their being, as well as his emphasis on practical activity.
Heidegger, M., 1982, The Basic Problems of Phenomenology. Trans. by Albert Hofstadter. Bloomington: Indiana University Press. From the German original of 1975. The text of a lecture course in 1927.
Heidegger’s clearest presentation of his conception of phenomenology as fundamental ontology, addressing the history of the question of the meaning of being from Aristotle onward.
Husserl, E., 2001, Logical Investigations. Vols. One and Two, Trans. J. N. Findlay. Ed. with translation corrections and with a new Introduction by Dermot Moran. With a new Preface by Michael Dummett. London and New York: Routledge. A new and revised edition of the original English translation by J. N. Findlay. London: Routledge & Kegan Paul, 1970. From the Second Edition of the German. First edition, 1900–01; second edition, 1913, 1920.
Husserl’s magnum opus, laying out his system of philosophy including philosophy of logic, philosophy of language, ontology, phenomenology, and epistemology. Here are the foundations of Husserl’s phenomenology and his theory of intentionality.
Husserl, E., 2001, The Shorter Logical Investigations. London and New York: Routledge. An abridged edition of the preceding.
Husserl, E., 1963, Ideas: A General Introduction to Pure Phenomenology. Trans. W. R. Boyce Gibson. New York: Collier Books. From the German original of 1913, originally titled Ideas pertaining to a Pure Phenomenology and to a Phenomenological Philosophy, First Book. Newly translated with the full title by Fred Kersten. Dordrecht and Boston: Kluwer Academic Publishers, 1983. Known as Ideas I.
Husserl’s mature account of transcendental phenomenology, including his notion of intentional content as noema.
Husserl, E., 1989, Ideas pertaining to a Pure Phenomenology and to a Phenomenological Philosophy, Second Book. Trans. Richard Rojcewicz and André Schuwer. Dordrecht and Boston: Kluwer Academic Publishers. From the German original unpublished manuscript of 1912, revised 1915, 1928. Known as Ideas II. Detailed phenomenological analyses assumed in Ideas I, including analyses of bodily awareness (kinesthesis and motility) and social awareness (empathy).
Merleau-Ponty, M., 2012, Phenomenology of Perception, Trans. Donald A. Landes. London and New York: Routledge. Prior translation, 1996, Phenomenology of Perception, Trans. Colin Smith. London and New York: Routledge. From the French original of 1945.
Merleau-Ponty’s conception of phenomenology, rich in impressionistic description of perception and other forms of experience, emphasizing the role of the experienced body in many forms of consciousness.
Sartre, J.-P., 1956, Being and Nothingness. Trans. Hazel Barnes. New York: Washington Square Press. From the French original of 1943.
Sartre’s magnum opus, developing in detail his conception of phenomenology and his existential view of human freedom, including his analysis of consciousness-of-consciousness, the look of the Other, and much more.
Sartre, J.-P., 1964, Nausea. Trans. Lloyd Alexander. New York: New Directions Publishing. From the French original of 1938).
Tài liệu dẫn (Các nghiên cứu đương đại)
Bayne, T., and Montague, M., (eds.), 2011, Cognitive Phenomenology. Oxford and New York: Oxford University Press. Essays debating the extend of phenomenal consciousness.
Block, N., Flanagan, O., and Güzeldere, G. (eds.), 1997, The Nature of Consciusness. Cambridge, Massachusetts: MIT Press. Extensive studies of aspects of consciousness, in analytic philosophy of mind, often addressing phenomenological issues, but with limited reference to phenomenology as such.
Chalmers, D. (ed.), 2002, Philosophy of Mind: Classical and Contemporary Readings. Oxford and New York: Oxford University Press. Core readings in philosophy of mind, largely analytic philosophy of mind, sometimes addressing phenomenological issues, with some reference to classical phenomenology, including selections from Descartes, Ryle, Brentano, Nagel, and Searle (as discussed in the present article).
Dreyfus, H., with Hall, H. (eds.), 1982, Husserl, Intentionality and Cognitive Science. Cambridge, Massachusetts: MIT Press. Studies of issues in Husserlian phenomenology and theory of intentionality, with connections to early models of cognitive science, including Jerry Fodor’s discussion of methodological solipsism (compare Husserl’s method of bracketing or epoché), and including Dagfinn Føllesdal’s article, “Husserl’s Notion of Noema” (1969).
Fricke, C., and Føllesdal, D. (eds.), 2012, Intersubjectivity and Objectivity in Adam Smith and Edmund Husserl: A Collection of Essays. Frankfurt and Paris: Ontos Verlag. Phenomenological studies of intersubjectivity, empathy, and sympathy in the works of Smith and Husserl.
Kriegel, U., and Williford, K. (eds.), 2006, Self-Representational Approaches to Consciusness. Cambridge, Massachusetts: MIT Press. Essays addressing the structure of self-consciousness, or consciousness-of-consciousness, some drawing on phenomenology explicitly.
Mohanty, J. N., 1989, Transcendental Phenomenology: An Analytic Account. Oxford and Cambridge, Massachusetts: Basil Blackwell. A study of structures of consciousness and meaning in a contemporary rendition of transcendental phenomenology, connecting with issues in analytic philosophy and its history.
Mohanty, J. N., 2008, The Philosophy of Edmund Husserl: A Historical Development, New Haven and London: Yale University Press. A detailed study of the development of Husserl’s philosophy and his conception of transcendental phenomenology.
Mohanty, J. N., 2011, Edmund Husserl’s Freiburg Years: 1916–1938. New Haven and London: Yale University Press. A close study of Husserl’s late philosophy and his conception of phenomenology involving the life-world.
Moran, D., 2000, Introduction to Phenomenology. London and New York: Routledge. An extensive introductory discussion of the principal works of the classical phenomenologists and several other broadly phenomenological thinkers.
Moran, D., 2005, Edmund Husserl: Founder of Phenomenology. Cambridge and Malden, Massachusetts: Polity Press. A study of Husserl’s transcendental phenomenology.
Parsons, Charles, 2012, From Kant to Husserl: Selected Essays, Cambridge, MA: Harvard University Press. Studies of historical figures on philosophy of mathematics, including Kant, Frege, Brentano, and Husserl.
Petitot, J., Varela, F. J., Pachoud, B., and Roy, J.-M., (eds.), 1999, Naturalizing Phenomenology: Issues in Contemporary Phenmenology and Cognitive Science. Stanford, California: Stanford University Press (in collaboration with Cambridge University Press, Cambridge and New York). Studies of issues of phenomenology in connection with cognitive science and neuroscience, pursuing the integration of the disciplines, thus combining classical phenomenology with contemporary natural science.
Searle, J., 1983, Intentionality. Cambridge and New York: Cambridge University Press. Searle’s analysis of intentionality, often similar in detail to Husserl’s theory of intentionality, but pursued in the tradition and style of analytic philosophy of mind and language, without overtly phenomenological methodology.
Smith, B., and Smith, D.W. (eds.), 1995, The Cambridge Companion to Husserl. Cambridge and New York: Cambridge University Press. Detailed studies of Husserl’s work including his phenomenology, with an introduction to his overall philosophy.
Smith, D. W., 2013, Husserl, 2nd revised edition. London and New York: Routledge. (1st edition, 2007). A detailed study of Husserl’s philosophical system including logic, ontology, phenomenology, epistemology, and ethics, assuming no prior background.
Smith, D. W., and McIntyre, R., 1982, Husserl and Intentionality: a Study of Mind, Meaning, and Language. Dordrecht and Boston: D. Reidel Publishing Company (now Springer). A book-length development of analytic phenomenology, with an interpretation of Husserl’s phenomenology, his theory of intentionality, and his historical roots, and connections with issues in logical theory and analytic philosophy of language and mind, assuming no prior background.
Smith, D. W., and Thomasson, Amie L. (eds.), 2005, Phenomenology and Philosophy of Mind. Oxford and New York: Oxford University Press. Essays integrating phenomenology and analytic philosophy of mind.
Sokolowski, R., 2000, Introduction to Phenomenology. Cambridge and New York: Cambridge University Press. A contemporary introduction to the practice of transcendental phenomenology, without historical interpretation, emphasizing a transcendental attitude in phenomenology.
Tieszen, R., 2005, Phenomenology, Logic, and the Philosophy of Mathematics. Cambridge and New York: Cambridge University Press. Essays relating Husserlian phenomenology with issues in logic and mathematics.
Tieszen, R., 2005, Phenomenology, Logic, and the Philosophy of Mathematics. Cambridge and New York: Camabridge University Press. Essays relating Husserlian phenomenology with issues in logic and mathematics.
Tieszen, R., 2011, After Gödel: Platonism and Rationalism in Mathematics and Logic. Oxford and New York: Oxford University Press. A study of Gödel’s work in relation to, inter alia, Husserlian phenomenology in the foundations of logic and mathematics.
Zahavi, D. (ed.), 2012, The Oxford Handbook on Contemporary Phenomenology. Oxford and New York: Oxford University Press.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét