Ronald McIntyre và David Woodruff Smith
Người dịch: Hà Hữu Nga
Căn cứ vào mối tương quan này của biểu hiện ngôn ngữ với biểu hiện tinh thần và vai trò thiết yếu của ý nghĩa trong mỗi biểu hiện (Bedeutung ý nghĩa trong biểu hiện ngôn ngữ, Sinn ý nghĩa trong biểu hiện tinh thần hay tính ý hướng), lý thuyết của Husserl về cách thức hướng nghĩa [noematic Sinn – nghĩa có tính ý hướng] xác định đặc tính ý hướng có thể được giải thích bằng cách tương tự với lý thuyết quy chiếu ngôn ngữ [tr.161] của ông. (Chúng ta nên lưu ý rằng không phải tất cả các nhà triết học ngôn ngữ đều đồng ý với quan điểm của Husserl về quy chiếu ngôn ngữ.) (1) Husserl nói, chính ý nghĩa của một biểu đạt ngôn ngữ làm cho nó có khả năng quy chiếu đến bất cứ thứ gì. Như chúng ta đã thấy trước đó, nếu không nhờ vào ý nghĩa của chúng, thì các từ mà bạn đang đọc giờ đây sẽ chẳng là gì ngoài những vết mực: những vết mực đặc biệt này ám chỉ hoặc biểu hiện sự vật chỉ vì chúng có một ý nghĩa nào đó đối với bạn và với những người khác sử dụng chúng. Tương tự, như chúng ta đã thấy, Husserl tin rằng một hành động là có tính ý hướng chỉ bởi vì noesis cái “mang lại ý nghĩa” của hành động tạo ra cho nó một ý nghĩa, một noematic Sinn hướng nghĩa. (2) Việc một biểu đạt quy chiếu vào sự vật nào lại phụ thuộc vào ý nghĩa cụ thể mà nó có. Ví dụ, biểu thức tiếng Đức die erste Primzahl quy chiếu vào số hai vì nó có nghĩa giống như biểu thức tiếng Anh the first prime number - số nguyên tố đầu tiên: nếu nó có nghĩa khác thì rất có thể nó quy chiếu đến một thứ khác, nhưng miễn là nó chỉ có nghĩa là những gì nó làm, nó không thể quy chiếu vào bất cứ điều gì khác. Tương tự như vậy, chính ý nghĩa, noematic Sinn hướng nghĩa, của một hành động xác định đối tượng nào mà hành động thuộc về hoặc hướng tới. (3) Vì ý nghĩa của một biểu đạt khác với đối tượng mà biểu đạt đó quy chiếu vào, nên một biểu đạt có thể có nghĩa mặc dù nó không hề quy chiếu vào cái gì cả. Trong trường hợp như vậy, Husserl cho rằng nghĩa đó sẽ mang lại cho sự biểu đạt đặc tính quy chiếu giống như nó sẽ có nếu nó thực sự quy chiếu vào một cái gì đó, sao cho nó có thể hoạt động về phương diện ngôn ngữ giống như các biểu đạt quy chiếu thực hiện. Tương tự, vì noematic Sinn hướng nghĩa của một hành động khác với đối tượng của hành động, nên một hành động có thể có Sinn ý nghĩa như vậy mặc dù nó thực sự không liên quan đến đối tượng nào cả. Trong trường hợp đó, Sinn ý nghĩa mang lại cho hành động cái đặc tính ý hướng rất tương đồng mà nó sẽ có nếu nó thực sự có một đối tượng. (4)
Các ý nghĩa khác nhau có thể xác định cùng một chỉ vật theo những cách khác nhau. Do đó, ‘người chiến thắng ở Jena’ và ‘kẻ bại trận ở Waterloo’ đều quy chiếu vào cùng một đối tượng theo những cách khác nhau vì chúng biểu đạt những ý nghĩa khác nhau, mà một trong số đó biểu hiện Napoléon với tư cách là người chiến thắng và người kia là kẻ bại trận. Tương tự, tính ý hướng phụ thuộc vào khái niệm bởi vì các noematic Sinn hướng nghĩa khác nhau có thể xác định cùng một đối tượng. Việc Oedipus khao khát Nữ hoàng là một hành động hoàn toàn khác so với việc chàng khao khát mẹ mình, không phải vì chúng là những hành vi với những đối tượng khác nhau, mà bởi vì chúng là những hành vi với những Sinn noematic hướng nghĩa khác nhau. Mỗi Sinn ý nghĩa xác định Jocasta là đối tượng của hành động của nó, nhưng vì những Sinne ý nghĩa này khác nhau nên các hành vi biểu hiện bà theo những cách khác nhau, một Sinne biểu hiện bà với tư cách là Nữ hoàng còn Sinn kia biểu hiện mẹ của Oedipus. [Tr.162] Như vậy, chiếc chìa khóa để hiểu được cả biểu hiện ngôn ngữ và biểu hiện tinh thần chính là khái niệm về ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điểm khác biệt lớn giữa hai loại biểu hiện này. Các biểu đạt ngôn ngữ mang tính biểu hiện vì ý nghĩa của chúng, nhưng một biểu đạt ngôn ngữ không thể mang lại ý nghĩa cho chính nó. Như chúng tôi đã nói trước đó, đặc tính biểu hiện hoặc tính ý hướng của ngôn ngữ là “phái sinh”, xuất phát từ thực tế là chúng ta, những sinh vật có ý thức có thể mang lại ý nghĩa cho nhiều âm thanh và dấu hiệu khác nhau. Như vậy, những ý nghĩa làm cho các biểu đạt ngôn ngữ mang tính biểu hiện đến với chúng từ “bên ngoài”. Ngược lại, Husserl cho rằng, tính chất biểu hiện hoặc tính ý hướng của các trạng thái tinh thần và trải nghiệm của chúng ta đến với chúng từ “bên trong”. Cái noesis - mang lại ý nghĩa cho một hành động là một phần nội tại của nội dung hiện tượng luận (“hiện thực”) của tự thân hành động đó, và vai trò chính của noiesis là “mang lại ý nghĩa” cho hành động. Ngược lại, các biểu đạt ngôn ngữ không có noesis như vậy. Do đó, một trạng thái tinh thần hoặc trải nghiệm về bản chất là có tính ý hướng, bởi vì bản thân nó bao gồm - như một phần thiết yếu của nội dung hiện tượng luận khiến nó trở thành cái trải nghiệm - một cấu thành về thực chất là “có ý nghĩa” hoặc “mang lại ý nghĩa”.
5. Noema và đối tượng
Noema hướng nghĩa và đối tượng của một hành động là những thực thể hoàn toàn khác biệt. Đối với một sự vật, chúng thậm chí thường không phải là cùng một loại thực thể: noema hướng nghĩa của một hành động là nội dung có tính ý hướng của hành động, cấu trúc lý tưởng hoặc trừu tượng của nó; trong khi đối tượng của các hành động, trong những trường hợp điển hình, là những đối tượng vật chất thông thường trong thế giới của “tự nhiên”. Hơn nữa, trong khi mỗi hành động đều có noema hướng nghĩa, thì không phải hành động nào cũng thực sự có đối tượng: chẳng hạn như ảo giác, có noema hướng nghĩa và do đó có tính ý hướng trong đặc tính, mặc dù không có đối tượng nào thực sự đứng trước kẻ nhận thức cả. Tất nhiên, noema hướng nghĩa và đối tượng của một hành động đóng những vai trò hoàn toàn khác nhau: đối tượng, nếu có, là cái mà hành động là “của” hoặc “về”, trong khi noema hướng nghĩa là cái mang lại cho hành động đặc tính hiện tượng luận của nó là của hoặc về đối tượng đó. Thật không may, một số thuật ngữ của Husserl trong Ý tưởng dễ gây ra nhầm lẫn về sự khác biệt cốt tử này giữa các noema[ta] các hướng nghĩa và các đối tượng. Đặc biệt, Husserl đôi khi đề cập đến noematic Sinn hướng nghĩa (hoặc toàn bộ noema) của một hành động là cái “được dự định như vậy”; cụ thể hơn, ông gọi Sinn ý nghĩa của một nhận thức là cái “được nhận thức [tr.163] như vậy” (tức là, “như được nhận thức”), Sinn của một ký ức là “được nhớ như vậy” (tức là “như được ghi nhớ”). Bản thân những cụm từ này không thật rõ ràng, và việc hiểu sai về chúng có thể khiến cho người ta mơ hồ về sự khác biệt giữa noemata và các đối tượng và do đó hiểu sai quan điểm của Husserl về cả hai khái niệm đó.
Chẳng hạn khái niệm nhận thức, chúng ta có thể quan niệm hoàn toàn đúng đắn rằng bằng “cái được nhận thức” Husserl muốn nói đến đối tượng nhận thức. Nhưng sau đó, người ta có thể nghĩ, cái “được nhận thức hiểu theo nghĩa hẹp” hay “cái được nhận thức với tư cách được nhận thức” cũng phải là đối tượng được nhận thức, mặc dù được biến đổi hoặc được xem xét theo một cách đặc biệt nào đó: chẳng hạn, sự vật được nhận thức được coi là có những thuộc tính mà chủ thể, trong đó một hành động nhận thức cụ thể, nhận thức nó là có. Đây có lẽ là một cách khá tự nhiên để hiểu thuật ngữ “theo nghĩa hẹp” của Husserl, và một số người diễn giải ông coi đó là cách hiểu đúng. Nhưng vì Husserl đồng nhất noematic Sinn hướng nghĩa của một nhận thức với cái “được tri giác theo nghĩa hẹp”, nên cách hiểu đó dẫn đến một diễn giải về cái Sinn ấy – và về lý thuyết về tính ý hướng của Husserl – hoàn toàn khác với cách diễn giải mà chúng tôi đã trình bày. Vậy là noema hoặc Sinn hướng nghĩa đó tự thân sẽ là đối tượng, hoặc một phần nào đó của đối tượng, mà một hành động hướng tới; và Husserl sẽ không tạo ra bước đột phá đáng kể nào với “các lý thuyết-đối tượng” về tính ý hướng. Lý thuyết của Husserl về noema hướng nghĩa và tính ý hướng trên thực tế đã được diễn giải theo những tuyến này, đặc biệt là trong các tác phẩm của Aron Gurwitsch. Mặc dù ở đây chúng ta sẽ không đề cập trực tiếp đến cách diễn giải đó, nhưng cần phải chỉ ra cách thức mà chúng tôi hiểu thuật ngữ của Husserl và tại sao điểm diễn giải này lại quan trọng.
Husserl giới thiệu thuật ngữ “nghĩa hẹp” của mình nhằm cố gắng khắc phục một vấn đề nhất định khi nói về noema và vai trò của nó trong tính ý hướng. Nhờ có Sinn trong noema của một hành động, mà chúng ta đã nói đến, thì chủ thể của hành động mới có “hướng nghĩa” về một đối tượng. Và, như chúng tôi đã nhấn mạnh, người ta có thể có hướng nghĩa về một đối tượng ngay cả khi thực tế không có đối tượng đó. Tuy nhiên, gần như không thể mô tả hướng nghĩa này hay Sinn, và phân biệt nó với các Sinne ý nghĩa khác, mà không nói đến “đối tượng” mà nó mang lại cho chủ thể một hướng nghĩa “của”. Ví dụ, hãy xem xét sự khác biệt giữa ảo giác về một con dao găm và ảo giác về một cái cây. Sẽ là tự nhiên khi nói rằng sự khác biệt này nằm ở “cái” mà đối tượng cảm nhận: một con dao găm trong trường hợp này, một cái cây trong trường hợp kia. Nhưng vì các hành vi này là ảo giác, nên không có con dao găm hay cái cây nào – hoặc, Husserl khẳng định, bất kỳ đối tượng nào khác – mà chủ thể nhận thức được trong cả hai trường hợp. Do đó, sự khác biệt về “cái gì” được nhận thức [tr.164], theo phân tích của Husserl, không phải là sự khác biệt về đối tượng nhận thức, vì ở đây không có những đối tượng như vậy. Thực ra, đó là một sự khác biệt về noematic Sinne các hướng nghĩa: một hành động có một Sinn ý nghĩa đem đến cho chủ thể một hướng nghĩa về một con dao găm; một hành động khác, một hướng nghĩa về một cái cây. Và do đó, việc biểu đạt ‘cái được nhận thức’ là mơ hồ: nếu một người đang nói “một cách tự nhiên” về mối quan hệ giữa người nhận thức và thứ mà hắn nhận thức, thì nó quy chiếu đến đối tượng của nhận thức; nhưng nếu một người đang nói “theo cách hiện tượng luận” về đặc tính có ý hướng hoặc tính biểu hiện của một nhận thức, thì nó quy chiếu đến nội dung có tính ý hướng của nhận thức, tức là, đến cái noema hoặc noematic Sinn hướng nghĩa. Thuật ngữ “theo nghĩa hẹp” của Husserl được sử dụng để giải quyết tính mơ hồ này: do đó, Husserl gọi đối tượng của nhận thức là “cái được nhận thức”, “đối tượng được nhận thức”, hoặc đôi khi là “đối tượng tối giản”; và ông gọi noema hay Sinn kia là “cái được nhận thức theo nghĩa hẹp”.
Thuật ngữ này dường như có thể không xa lạ đối với những người cùng thời với Husserl cũng như đối với chúng ta ngày nay. Ví dụ, Kasimir Twardowski (trong một cuốn sách mà Husserl có xem xét) trước đó đã lưu ý đến tính mơ hồ trong cách diễn đạt ‘cái được nhận thức’, và ông cùng những người khác cũng sử dụng từ bổ sung ‘theo nghĩa hẹp’ để phân biệt nội dung với đối tượng của một hành động. Và Husserl còn sử dụng một phương thức khác, hiện hành tiêu chuẩn hơn, để đánh dấu sự khác biệt tương tự: khi ông muốn sử dụng một cách biểu đạt để quy chiếu đến cái thức giác của một đối tượng – tức là, một Sinn – thay vì đến bản thân đối tượng, ông chỉ đơn giản đặt biểu đạt đó trong ngoặc kép. Ví dụ, một mô tả hiện tượng luận về việc nhận thức một cái cây, sau đó sẽ sử dụng các biểu đạt như ‘‘‘cây’’’, ‘‘‘nở hoa’’’, v.v. Nhưng những cách biểu đạt này, Husserl nói, không quy chiếu vào bản thân cái cây; chúng quy chiếu vào các cấu thành của Sinn ý nghĩa, mang lại cho nhận thức đặc tính có ý hướng tính về một cái cây đang nở hoa. Sau đó, Husserl nói, cái được nhận thức theo nghĩa hẹp không phải là bản thân cái cây nở hoa mà là cái ý nghĩa hay Sinn “cái cây nở hoa” (xem Ý tưởng, §§88-89). Phương kế-trích dẫn ít có khả năng gây hiểu lầm hơn nhiều, và may mắn thay, nó chính là cái phương kế mà Husserl sử dụng nhiều nhất trong các cuộc thảo luận chi tiết hơn của ông về cấu trúc của noematic Sinne hướng nghĩa.
‘Cái được nhận thức theo nghĩa hẹp’, giống như một cụm-đối tượng trong dấu ngoặc kép, do đó quy chiếu vào noematic Sinne hướng nghĩa của một hành động nhận thức tương phản với đối tượng được nhận thức và bất kỳ bộ phận nào của nó. Husserl nói: “Cái cây tuyệt đối, thứ sự vật trong tự nhiên, là bất cứ thứ gì ngoại trừ cái cây được nhận thức theo nghĩa hẹp, mà với tư cách Sinn hướng nghĩa thuộc về sự nhận thức không thể tách rời. Cây có thể cháy, có thể phân hủy thành các nguyên tố hóa học của nó, v.v. Tuy nhiên, Sinn hướng nghĩa đó [tr.165]… không thể cháy, nó không có nguyên tố hóa học, không có sức mạnh, không có các thuộc tính thực tại” (Ý tưởng, §89). Tuy nhiên, có một mối liên quan hệ trọng giữa noemata các hướng nghĩa và các đối tượng. Husserl nói rằng tất cả các đối tượng, bao gồm cả những đối tượng mà chúng ta gọi là “thực tại” hoặc “thực tế”, đều được “cấu thành” trong ý thức bởi noemata các hướng nghĩa của các hành vi của chúng ta (Ý tưởng, §135). Nhưng điều này không có nghĩa là các hành động của chúng ta tạo ra các đối tượng hoặc các đối tượng bằng cách nào đó bao gồm noemata các hướng nghĩa – như người ta sẽ giả định nếu bản thân noemata các hướng nghĩa là các đối tượng của ý thức hoặc các bộ phận của các đối tượng đó. Thay vì, điều đó có nghĩa là ngay cả ở nơi mà một hành động có liên quan đến một đối tượng thực tại, chẳng hạn như một cái cây, thì chính cái Sinn hướng nghĩa của hành động mang lại cho chủ thể một thức giác [sense ý thức hướng nghĩa] về đối tượng đó, vì vậy mà đặt hắn vào một mối quan hệ có tính ý hướng với nó. Và nơi nào không có đối tượng như vậy, thì Sinn hướng nghĩa vẫn thực hiện hành động như thể nó có liên quan đến một đối tượng vậy. Theo đó, Husserl nói, “một đối tượng – ‘dù nó có thực hay không’ – thì vẫn được ‘cấu thành’” trong bất kỳ trải nghiệm nào với cấu trúc hướng nghĩa hoặc cấu trúc có tính ý hướng thích hợp (Ideas, §135). Còn chúng ta thì nói rằng Sinn thức giác, trong mọi trường hợp, đều “quy định” một đối tượng. Nhưng, bởi vì noemata các hướng nghĩa và các đối tượng là khác biệt, nên việc quy định một đối tượng lại không phải là đem lại cho nó hiện hữu. Ít nhất là trong trường hợp các vật thể tự nhiên như cây cối, thì chính thực tại ngoài tinh thần sẽ quyết định xem liệu có thực sự tồn tại bất kỳ đối tượng nào “kê” được cái đơn thuốc của Sinn thức giác hay không.
6. Nội dung Giác quan của Nhận thức
Theo Husserl, nội dung hiện tượng luận (hiện thực) của mọi trải nghiệm có tính ý hướng bao gồm một noesis – cái mang lại ý nghĩa, vì chính noesis đó mang lại ý nghĩa hoặc Sinn hướng nghĩa cho trải nghiệm và do đó làm cho nó thành của hoặc về một điều gì đó. Nhưng nội dung của một nhận thức không chỉ bao gồm một noesis mang lại ý nghĩa, vì nhận thức là những kinh nghiệm giác quan. Chẳng hạn, chỉ nghĩ về một quả cà chua đỏ hoàn toàn khác với việc thực sự nhìn thấy nó: trải nghiệm thị giác có một đặc tính giác quan nhất định, theo đó màu đỏ của quả cà chua không chỉ được biểu hiện đơn thuần mà dường như thực sự hiện diện với kẻ nhận thức. Theo cách nói của Husserl, một nhận thức không chỉ là một “biểu nghĩa trống rỗng” hay sự biểu thị đối tượng của nó mà là một “trực giác”, trong đó đối tượng được biểu hiện với đặc tính “đầy đủ” của giác quan. Theo đó, Husserl nói (Ideas, §§85, 97), nội dung thực sự của một nhận thức bao gồm hai cấu phần cơ bản: cấu phần noetic, hay noesis – mang lại ý nghĩa trao cho hành động đặc tính có ý hướng của nó; và một cấu phần giác quan, một cảm giác hoặc phức hợp cảm giác, [tr.166] mang lại cho hành động đặc tính giác quan của nó. Với tương tác giữa noesis – mang lại ý nghĩa và cảm giác, tôi không chỉ biểu hiện một quả cà chua trong tâm trí; tôi còn thấy cả một quả cà chua.
Husserl để ngỏ xem liệu có thể có những trải nghiệm chỉ có nội dung giác quan mà không có bất kỳ noesis diễn giải nào hay không. Nhưng ông nói rõ rằng bất kỳ trải nghiệm nào như vậy sẽ không có tính ý hướng và do đó sẽ không phải là nhận thức. Husserl nói, chỉ riêng một phức hợp cảm giác, không có noesis “làm sinh động” nó bằng cách trao cho nó ý nghĩa, thì không thể là một trải nghiệm về bất cứ điều gì. Phỏng theo sự phân biệt của Aristotle giữa vật chất và hình thức, Husserl gọi cấu phần giác quan của một nhận thức là hyle (“vật chất”, hay “chất liệu” giác quan) và cấu phần noetic mang lại ý nghĩa của nhận thức là morphe [hình thức] của nó. Đối với Aristotle, một sự vật không thể tồn tại nếu không có cả vật chất và hình thức; và tương tự, đối với Husserl, một nhận thức không thể trình hiện nếu không có cả cảm giác và noesis mang lại hướng nghĩa. Chẳng hạn, tôi không thể nhìn thấy một quả cà chua, trừ khi trải nghiệm của tôi bao gồm cả hai: một noesis mang lại hướng nghĩa triệu vời Sinn giác thức là “cà chua” và do đó, biến trải nghiệm thành sự trình hiện của một quả cà chua; và một khối cảm giác làm cho nó trở thành một trình hiện giác quan của một quả cà chua. Đôi khi Husserl sử dụng các thuật ngữ ‘dữ liệu-cảm giác’ và ‘dữ liệu vật chất’ cho nội dung cảm giác của một nhận thức, nhưng cách giải thích của ông về nhận thức lại rất khác với các lý thuyết “dữ liệu-ý thức” của những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm người Anh như Bertrand Russell và G. E. Moore.
Theo các lý thuyết đó, việc nhìn thấy một quả cà chua bao gồm hai hành động: một hành động “cảm nhận” hoặc “trực tiếp nhìn thấy” màu đỏ (hoặc có thể là một khoảng tròn màu đỏ) thuần túy cảm quan, phi-diễn giải, và một hành động phán đoán hoặc suy luận phi-nhận thức cho rằng một quả cà chua trước mặt kẻ nào đó đang gây ra cảm giác đó. Nhưng đối với Husserl, nội dung giác quan và cái noesis mang lại ý nghĩa trong trải nghiệm nhận thức được gắn kết với nhau để tạo thành một hành động duy nhất: trải nghiệm giác quan-và-có tính ý hướng khi nhìn thấy quả cà chua. Do đó, các cảm giác cấu thành không phải là những hành vi cơ bản để nhìn hoặc cảm nhận bất cứ thứ gì, thậm chí không phải là một màu sắc hoặc một mảng màu. Chúng cũng không phải là đối tượng của bất kỳ trải nghiệm cảm nhận nào như “dữ liệu- ý thức” truyền thống thường quan niệm. Ví dụ, các cảm giác hoặc dữ liệu vật chất không phải là bản thân các màu sắc hoặc mảng màu. Husserl nói rằng “dữ liệu-ý thức” về nguyên tắc khác với những thứ như màu sắc và hình dạng, bởi vì màu sắc và hình dạng là các cấu thành của sự vật vật chất (ví dụ: cà chua) trong khi dữ liệu chất liệu lại là các cấu thành của các trải nghiệm giác quan (Ý tưởng, §41). Thật vậy, vì chúng thuộc về nội dung của các trải nghiệm nhận thức, nên dữ liệu chất liệu hoàn toàn không được nhận thức: các nội dung giác quan, [tr.167] noetic mang lại ý nghĩa và noematic hướng nghĩa của một nhận thức đều khác biệt với đối tượng của nhận thức đó. (Xem LI, I, §23.)
Hơn nữa, theo lý thuyết nhận thức của Husserl, đối tượng mà một kẻ nhận thức thông thường không chỉ là một dữ liệu cảm giác, chẳng hạn như một mảng màu, mà là một đối tượng vật lý thành thục, chẳng hạn như một quả cà chua. Chỉ một vài thuộc tính trong số rất nhiều thuộc tính của một đối tượng trình hiện một cách cảm quan trong nhận thức, trình hiện với sự hỗ trợ của nội dung chất liệu hoặc tính “trọn vẹn” trực giác. Những thuộc tính đó (ví dụ: màu sắc và hình dạng của đối tượng khi được nhìn từ một góc độ cụ thể) Husserl cho là được trình hiện “một cách hiển nhiên”: nội dung chất liệu của hành động “điền đầy” các thành phần tương ứng của Sinn hướng nghĩa và do đó cung cấp bằng chứng về việc đối tượng thực sự có những thuộc tính đó. Nhưng nội dung giác quan trong nhận thức không phải là cái quy định đối tượng mà nhận thức là của hoặc về: Sinn hướng nghĩa được noesis của hành động trao cho mới quy định đối tượng đó. Và trong một nhận thức thông thường, Husserl cho rằng, Sinn hướng nghĩa quy định đối tượng là có nhiều thuộc tính ngoài những thuộc tính được trao cho một cách rõ ràng hoặc mang tính cảm quan – không chỉ bao gồm các thuộc tính cảm quan, chẳng hạn như có được màu sắc ở các mặt khác của nó, mà thậm chí cả các thuộc tính “lý thuyết” hoặc thuộc tính không thể quan sát được, chẳng hạn như bao gồm các nguyên tử. Do đó, chủ thể của một nhận thức có một hướng nghĩa về đối tượng như một cái gì đó khác biệt và độc lập với hành động, có một bản chất tự thân nhất định - như một cái gì đó “siêu việt” hành động nhận thức cụ thể đó và những gì mà nội dung cảm quan của nó hỗ trợ. Tuy nhiên, trong nhận thức, người ta không hoàn toàn tự do đặt định chỉ một đối tượng bất kỳ nào đó là thứ mà người ta nhận thức: cái noesis mang lại ý nghĩa phải trao cho một Sinn hướng nghĩa tương thích với bằng chứng giác quan trong nhận thức. Do đó, nội dung giác quan của nhận thức đặt ra những câu thúc nhất định, hoặc các điều kiện có giới hạn, đối với Sinn hướng nghĩa và những gì nó có thể quy định. Và những ràng buộc như vậy đóng góp đáng kể vào thức giác của chúng ta về “thực tại” của những đối tượng mà chúng ta nhận thức.
7. Cấu trúc Nội tại của Nghĩa ý hướng
Trong một trải nghiệm điển hình, ý thức của chủ thể về một đối tượng khá phức tạp: một hành động không chỉ đơn giản biểu hiện đối tượng này hay đối tượng khác; nó biểu hiện một đối tượng cụ thể, và nó biểu hiện nó có nhiều thuộc tính khác nhau và nằm trong các mối quan hệ khác nhau với các đối tượng khác. Vì nó là Sinn noematic hướng nghĩa của một hành động xác định cái mà nó biểu hiện và biểu hiện như thế nào, điều này có nghĩa là tự thân nó Sinn hướng nghĩa [tr.168] không phải là một ý thức [sense] hay ý nghĩa [meaning] đơn giản mà là một mô thức hoặc cấu trúc nghĩa phức tạp. Trong Ideas, §§128-131, Husserl thêm chi tiết vào lý thuyết về tính ý hướng của mình bằng cách phân tích cấu trúc của Sinn trong một noema hướng nghĩa. Không rõ liệu phân tích này có nhằm áp dụng cho tất cả các loại trải nghiệm hay không, nhưng nó rất phù hợp với hệ mẫu của Husserl về nhận thức một sự vật riêng lẻ. Giả sử tôi nhìn thấy một cây táo. Chính xác cấu trúc của Sinn trong trải nghiệm thị giác của tôi là gì? Chúng ta có thể mô tả đặc tính ý hướng của trải nghiệm về phương diện hiện tượng luận – mô tả nhận thức giống như tôi trải nghiệm nó – theo cách sau: Tôi thấy cây táo đang nở hoa này. Với thủ pháp dấu ngoặc kép của Husserl để đề cập đến ý nghĩa hoặc Sinne noematic các hướng nghĩa (Ideas, §89), cái Sinn trong trải nghiệm của tôi khi đó sẽ là giác nghĩa hoặc ý nghĩa được quy chiếu đến bằng cụm danh từ: “cây táo nở hoa này”. Rõ ràng, nghĩa này rất phức tạp, bao gồm các nghĩa đơn giản hơn là “này”, “nở hoa” và “cây táo”. Trong các phần sau của Ý tưởng, Husserl trình bày rõ ràng cấu trúc mà ông tìm thấy trong một phức hợp các nghĩa [senses] như vậy. Theo phân tích của Husserl, Sinn được cấu trúc thành hai cấu phần cơ bản của nghĩa. Một cấu phần đóng vai trò tạo ra hành động của hoặc về một đối tượng cụ thể: trong ví dụ của chúng ta, đó là nghĩa “cái này” (hoặc có lẽ là “đối tượng này”). Thành phần thứ hai quy định các thuộc tính mà tôi thấy đối tượng này có: trong ví dụ của chúng ta, các nghĩa “nở hoa” và “cây táo” thuộc về cấu phần này của Sinn. Cấu trúc này của Sinn có thể được làm cho rõ ràng hơn bằng cách xem xét lại mô tả hiện tượng luận của chúng ta về loại nhận thức này: Tôi thấy đối tượng x này sao cho x là một cây táo và x đang nở hoa. Sau đó, cái Sinn trong trải nghiệm của tôi là nghĩa: “đối tượng x sao cho x là cây táo và x đang nở hoa”.
[Tr.169] Ở đây hai cấu phần của ý thức – “đối tượng x này” và “x là một cây táo và x đang nở hoa” – được tách biệt rõ ràng. Cấu phần đầu tiên mà Husserl gọi là X, hay “X có thể xác định được”, trong Sinn ý thức. Nó chọn ra đối tượng mà trải nghiệm biểu hiện, nhưng bản thân nó không xác định đối tượng đó được biểu hiện là gì. Husserl nói rằng X biểu hiện cho đối tượng của trải nghiệm “tuyệt đối”, hay “bằng cách trừu tượng hóa từ tất cả các vị ngữ” [predicates]. Cái mà đối tượng đó được biểu hiện “là” được xác định bởi cấu phần thứ hai, mà Husserl mô tả như là một phức hợp của “các vị ngữ” hoặc các nghĩa-vị ngữ (ví dụ, nghĩa của vị ngữ ‘là một cây táo’). Do đó, X quy định chính đối tượng, “vật mang” (Husserl nói) của các thuộc tính khác nhau, và các nghĩa-vị ngữ quy định một số thuộc tính nhất định do đối tượng mang lại. Như chúng ta sẽ thấy, Husserl tính đến rất nhiều sự phức tạp trong phần vị ngữ của Sinn nghĩa. Husserl đôi khi gọi X là “đối tượng” trong Sinn nghĩa và gọi toàn bộ Sinn nghĩa là “đối tượng theo cách các xác định của nó”. Việc ông sử dụng dấu ngoặc kép ở đây cực kỳ quan trọng, vì với chúng, cả hai cách biểu đạt cũng không biểu thị đối tượng của một trải nghiệm. Cách biểu đạt đầu tiên biểu thị ý thức trần trụi của chủ thể về đối tượng; cách thứ hai biểu thị ý thức trọn vẹn của chủ thể về đối tượng đó như là “được xác định” hoặc được sở hữu theo một cách nhất định. Theo cách giải thích của Husserl, X hoạt động độc lập với nội dung vị ngữ trong một Sinn nghĩa – hoặc ít nhất là tương tự như vậy. Chẳng hạn, khi tôi nhận thức một đối tượng trong lúc đi xung quanh nó, tôi liên tục nhận thức được cùng một đối tượng; tuy nhiên các thuộc tính mà tôi cho là nó có lại liên tục thay đổi. Ở đây, kinh nghiệm của tôi tương quan với một chuỗi noematic Sinne hướng nghĩa, ở đó các nghĩa-vị ngữ thay đổi trong khi X phải giữ nguyên (hay chính xác hơn, chuỗi X’s phải trình hiện cùng một đối tượng). Trên thực tế, các thuộc tính mà tôi được cung cấp về đối tượng có thể thay đổi khá mạnh mẽ, đến mức các các nghĩa-vị ngữ trong các Sinne đang bộc lộ ra của tôi thậm chí có thể mô tả các loại sự vật khác nhau. Ví dụ, khi tôi đi xung quanh thứ mà tôi nhìn thấy đầu tiên là một cái cây, tôi có thể nhận ra rằng đó chỉ là một đạo cụ sân khấu. Trong trường hợp đó, Husserl nói, nhận thức của tôi “bùng nổ”. Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục nhìn thấy cùng một đối tượng: X, hoặc chuỗi X’s, trong nhận thức đang bộc lộ của tôi tiếp tục quy định cùng một đối tượng.
Do đó, đối tượng của một nhận thức dường như chỉ được xác định bởi X trong Sinn nghĩa, chứ không phải bởi các thuộc tính được các nghĩa vị ngữ đi kèm với nó quy định. Nhưng vậy thì X chỉ định một đối tượng cụ thể [tr.170] như thế nào? Husserl không nói. Tuy nhiên, trong nhận thức thành công thì đối tượng tự nó có mặt trước kẻ nhận thức, và Sinn nghĩa của nhận thức đó phải chọn ra chính đối tượng đó. Vì vậy, chúng tôi có thể gợi ý rằng cấu phần X về cơ bản là nghĩa chỉ định “này”, trên thực tế, nó đơn giản chỉ đến đối tượng một cách thích hợp trước kẻ nhận thức. X không thể chọn ra đối tượng bằng cách viện vào thuộc tính hiện diện trước kẻ nhận thức của nó, vì khi đó X sẽ không khác với nội dung vị ngữ của Sinn nghĩa. Nhưng chúng tôi cho rằng đó là một loại nghĩa hoặc nội dung khác về cơ bản, một nội dung chỉ định, chỉ ra đối tượng bằng cách “chứng minh” hoặc chỉ ra nó hơn là bằng cách mô tả nó. (Có các gợi ý về điều này trong công trình của Husserl: ví dụ, trong LI, VI, §5.) Khi đó Sinn nghĩa của một nhận thức sẽ bao gồm một X, mang lại cho kẻ nhận thức một ý nghĩa về đối tượng này, và một phức hợp các nghĩa-vị ngữ được áp dụng cho X, quy định các thuộc tính mà đối tượng này được coi là có. Phân tích này về cấu trúc-Sinn nghĩa làm sáng tỏ hiện tượng luận của việc nhìn thấy một đối tượng, nhưng nó sẽ không áp dụng cho tất cả các loại trải nghiệm. Nhìn thấy cái cây này là một kiểu trình hiện hoặc biểu hiện đơn lẻ về đối tượng của nó: cụ thể là một “trực giác” về “bản thân” đối tượng. Nhưng trình hiện đơn lẻ này hoàn toàn khác với biểu hiện mô tả. Hãy xem xét suy nghĩ của tôi về việc tác giả tiểu thuyết Waverley là một người Scotland, trong đó suy nghĩ của tôi không phải về một người cụ thể nào mà chỉ về người đã viết tiểu thuyết Waverley. Một phần của hành động này là biểu hiện mô tả của tôi về tác giả của Waverley, người mà Sinn nghĩa của nó có nghĩa là “tác giả của Waverley” hay chính thức hơn là “đối tượng x sao cho x đã viết ra Waverley”. Ý nghĩa mô tả như vậy chỉ định một đối tượng bằng một cách hoàn toàn khác so với X chỉ định. Nó quy định bất kỳ đối tượng nào có thuộc tính đã viết ra tiểu thuyết Waverley. Nó chỉ làm được điều này bằng cách viện vào thuộc tính được quy định bởi nghĩa-vị ngữ “đã viết Waveley”.
Do đó, Sinn nghĩa của một biểu hiện mô tả khác về cấu trúc với loại Sinn nghĩa mà Husserl phân tích cụ thể. Nhờ X trong Sinn nghĩa của nó, một cách trình hiện số ít trình bày một đối tượng một cách trực tiếp mà không viện đến các thuộc tính của nó. Nếu bạn muốn, đặc tính duy nhất của đối tượng liên quan đến X là bản sắc trống rỗng của chính đối tượng đó. Vì lý do này, chính sự tái diễn của cùng một X (hoặc một chuỗi các X’s đồng-tham chiếu) theo dõi cùng một đối tượng thông qua các giai đoạn bộc lộ của một nhận thức liên tục về cùng một đối tượng. Nhưng một biểu hiện mô tả [tr.171] chỉ trình hiện một đối tượng nhờ một số thuộc tính nhất định của nó. Theo đó, một Sinn nghĩa mô tả không có một X thuộc loại mà Husserl mô tả, một X quy định một đối tượng theo cách độc lập và chỉ được gắn một cách ngẫu nhiên với một nội dung vị ngữ cụ thể. Thay vào đó, một Sinn nghĩa mô tả (ví dụ: “tác giả của Waverley”) được hình thành từ một nghĩa vị ngữ (“đã viết ra Waverley”), sao cho chức năng của nó là quy định bất cứ điều gì duy nhất “thỏa mãn” nghĩa vị ngữ đó. Vì không phải tất cả các loại trải nghiệm đều là số ít, do đó chúng ta nên nhớ rằng phân tích của Husserl về một noematic Sinn hướng nghĩa – là đặc tính của một X cộng với các nghĩa-vị ngữ – không phải là khái quát mà tập trung vào những trải nghiệm như nhìn thấy một vật thể rời rạc. Có một loại Sinn nghĩa quan trọng khác mà Husserl thường bàn đến nhưng chưa bao giờ phân tích đầy đủ: đó là Sinne các nghĩa của các trải nghiệm xác nhận.
Ví dụ, hãy xem xét trải nghiệm của tôi về việc nhận thức rằng cây táo đang nở hoa. Theo Husserl, những trải nghiệm như vậy là các biểu hiện của “các trạng thái sự việc” hơn là của những sự vật riêng lẻ. Vì vậy, trong khi bản thân cái cây là đối tượng nhận thức của tôi về cây táo nở hoa này, thì đối tượng của trải nghiệm xác nhận lại không phải là cái cây mà là trạng thái sự việc đó-là-một-cây-táo-đang-nở-hoa. Có lẽ, Sinne các nghĩa của cả hai trải nghiệm này khá giống nhau ở các nghĩa-vị ngữ cấu thành của chúng, và các nghĩa-vị ngữ cấu thành này có thể được gắn với một X thể hiện đối tượng trước mặt tôi. Nhưng các nghĩa-vị ngữ được gắn với X theo một cách khác trong hành động xác nhận: các thuộc tính mà chúng quy định không được trình bày dưới dạng “đang sửa đổi” đối tượng mà là “đã xác nhận” về nó, sao cho toàn bộ Sinn nghĩa là cấu trúc xác nhận “đây là cây táo đang nở hoa” chứ không phải là cấu trúc chỉ mang tính “danh nghĩa” “cây táo đang nở hoa này”. Nhưng khi đó X trong Sinn nghĩa không quy định toàn bộ đối tượng của hành động, trạng thái của sự việc mà chỉ quy định một phần của trạng thái sự vật đó. Và như vậy, không giống như trường hợp của các cách trình bày đơn lẻ, đối tượng được trình bày ở đây không chỉ được quy định bởi X mà còn bởi toàn bộ Sinn nghĩa.
Mặc dù Husserl không tán thành một cách rõ ràng phân tích này về các hành vi xác nhận, nhưng nó rất phù hợp với những gì ông nói về chúng. Và nó cũng là một sự khác biệt so với phân tích hệ mẫu của ông về cấu trúc của một Sinn nghĩa. Còn có các loại hành vi xác nhận khác mà nó không phù hợp, vì những lý do mà chúng tôi đã dẫn ra. Tiềm ẩn trong phân tích mà chúng ta đã đưa ra về nhận thức xác nhận là giả định cho rằng Sinn nghĩa của nó bao gồm một X mang đến một cách trình bày đơn lẻ về một sự vật riêng lẻ nào đó – cái cây – đó là một phần nổi bật của trạng thái sự việc mà toàn bộ Sinn nghĩa biểu hiện. [Tr.172] Nhưng suy nghĩ của tôi về tác giả của Waverley là một người Scotland, chẳng hạn, là một hành vi xác nhận không dựa trên bất kỳ sự trình hiện đơn lẻ nào như vậy. Rõ ràng, có nhiều hình thức của Sinn nghĩa cũng như có nhiều hình thức biểu hiện tinh thần, và lỗi duy nhất của Husserl là tạo ra ấn tượng về hình thức mà ông phân tích lại chung chung hơn là bản thân nó. Thực sự khá đáng chú ý là những hiểu biết của ông về cấu trúc của Sinne nghĩa đối với các cách trình hiện đơn lẻ lại gợi ý về những cách hiểu sâu hơn về các thức bổ sung của tính ý hướng.
8. Noema Hướng nghĩa và Chân trời
Husserl nói, vượt ra ngoài noema hướng nghĩa của một trải nghiệm, là “một đặc điểm cơ bản khác của tính ý hướng”: cái mà ông gọi là chân trời của trải nghiệm. Các hành vi hướng tới một số loại đối tượng - các đối tượng vật lý về phương diện hệ mẫu - biểu thị các đối tượng của chúng là “siêu việt”, là “hơn” so với những gì Sinn nghĩa của hành vi quy định rõ ràng. Do đó, một trải nghiệm có tính ý hướng như vậy hướng tới một “chân trời” của những khả tính xa hơn liên quan đến đối tượng, và do đó hướng tới một “chân trời” tương ứng của những trải nghiệm khả thể hơn nữa về đối tượng đó. Và chính nhờ một “tính không xác định” nào đó trong noematic Sinn hướng nghĩa của một hành động mà nó có một chân trời như vậy. Ví dụ, cây cối là những đối tượng siêu việt. Khi tôi nhìn thấy một cái cây, có nhiều đặc điểm ở mặt sau của nó bị che khuất khỏi tầm nhìn của tôi và không được xác định trong nhận thức của tôi. Hơn nữa, tôi biết rất ít về thành phần hóa học bên trong của cái cây, và thậm chí còn ít hơn về lịch sử của cái cây cụ thể này. Tuy nhiên, bản thân cái cây cũng có mặt sau, chất hóa học bên trong và lịch sử của nó; vì vậy cái cây mà tôi nhìn thấy vượt khỏi hoặc “siêu việt” nhận thức của tôi về nó. Theo nghĩa này, như Husserl nói, cái cây như được trình hiện trong nhận thức của tôi là “được xác định” không đầy đủ, hoặc phần nào “vô định”. Hay đúng hơn, có một “tính không xác định” trong nội dung vị ngữ của Sinn nghĩa trong nhận thức của tôi: Sinn nghĩa quy định một số thuộc tính của cây nhưng để ngỏ, hoặc không xác định, bản chất đầy đủ của đối tượng mà nó quy định. (Ý tưởng, §44; CM, §§19-20; EJ, §§8, 21c.)
Chúng ta đã quen thuộc với tính không xác định như vậy trong những trải nghiệm hàng ngày với các đối tượng vật chất; đó là lý do tại sao chúng ta đi vòng quanh các vật thể để xem mặt sau của chúng. Hơn nữa, Husserl nói, bất cứ khi nào một đối tượng được trình hiện dưới dạng vật chất hoặc vật lý (hay một loại [tr.173] cụ thể hơn của vật chất chẳng hạn như cây cối), thì ý nghĩa “vật chất” (hoặc “cây cối”) ngụ ý trong Sinn nghĩa, hay “mô tả trước”, một số lượng lớn vô hạn các thuộc tính khác của đối tượng được quy định. Ý nghĩa đó ngụ ý rằng đối tượng được quy định như vậy là một đối tượng ba chiều và do đó có mặt sau, nó có một lịch sử, v.v., và do đó, nó có các thuộc tính cụ thể hơn và xa hơn những gì được trình hiện rõ ràng trong nhận thức. (Cf. Ideas, §§142-143, 149; CM, §§19-20.) Do đó, nội dung vị ngữ trong Sinn nghĩa ngụ ý hoặc mô tả trước nhiều thuộc tính hơn nó quy định rõ ràng. Hơn nữa, Sinn nghĩa bao gồm một ý nghĩa rõ ràng về tính không xác định của chính nó, về việc để ngỏ một phạm vi không xác định của các thuộc tính khác: Tôi thấy “đối tượng x này sao cho x là một cây táo và x đang nở hoa và…”. Như Husserl nói, “cái ‘và vân vân’ ấy là một…yếu tố hoàn toàn không thể thiếu trong sự vật-noema hướng nghĩa” (Ideas, §149). Bằng cách bao gồm một ý nghĩa “và vân vân” hoặc “và x là…”, thì nội dung vị ngữ của Sinn nghĩa xác định rõ ràng rằng có các thuộc tính khác, không xác định của đối tượng được quy định. Và do đó, Sinn nghĩa quy định “một cách tự giác” tính không xác định của chính nó.
Nhờ ý nghĩa không xác định trong noematic Sinn hướng nghĩa của nó, một trải nghiệm giống như nhận thức “mô tả trước” một phổ thuộc tính khả thể hơn nữa về đối tượng của nó, có thể được trao cho trong các nhận thức khả thể hơn nữa về cùng một đối tượng đó. Những thuộc tính xa hơn này của đối tượng – được để ngỏ, nhưng được phân định bởi Sinn nghĩa – Husserl gọi là chân trời của đối tượng như được biểu hiện trong kinh nghiệm. Tương ứng, ông gọi những nhận thức khả thể xa hơn - tương thích với và được “thúc đẩy” bởi những gì được quy định trong kinh nghiệm - chân trời của kinh nghiệm. Mặc dù khái niệm chân trời, hay cặp khái niệm này, có thể được khái quát hóa, nhưng Husserl dẫn giải nó đối với trường hợp nhận thức. (X. CM, §§19, 20; EJ, §8). Hãy xem xét lại việc tôi nhìn thấy cây táo nở hoa này. Như Husserl nhấn mạnh, một sự vật chỉ có thể được nhìn từ một phía tại một thời điểm, hay “ở một khía cạnh”. Tuy nhiên, những gì “thực sự được trao cho”, hoặc được trao cho với bằng chứng giác quan, được trải nghiệm như được bao quanh bởi một “chân trời” của những gì được “cùng-trao cho” mà không có bằng chứng giác quan - chẳng hạn như những chiếc lá và màu sắc của chúng mà tôi nghĩ có thể thấy được trên mặt sau của cây. Bản thân phạm vi của các khía cạnh hoặc các thuộc tính xa hơn của cái cây này cũng không xác định: chẳng hạn như hình dạng, màu sắc và mật độ chính xác của những chiếc lá ở mặt sau của cái cây, không được Sinn nghĩa của trải nghiệm hiện tại của tôi phác họa trước. Và chân trời thì kết-mở: khi tôi dạo quanh cái cây và khám phá chính xác hơn những thuộc tính tiếp theo của nó là gì, thì Sinn nghĩa của mỗi trải nghiệm [tr.174] mới sẽ phác họa trước những khả tính xa hơn không được thúc đẩy bởi những nhận thức trước đó. (Xem Ideas, §44; CM, §19.)
Chân trời của cái cây, như được trao cho trong nhận thức của tôi, bao gồm cái mà Husserl gọi là chân trời “nội tại” và chân trời “ngoại tại” (EJ, §§8, 22). Chân trời nội tại bao gồm các thuộc tính không liên quan xa hơn khả thể của đối tượng. Nó bao gồm các thuộc tính có thể được trao cho trong các nhận thức tiếp theo, chẳng hạn như màu sắc của lá và hoa ở mặt sau của cây, và còn – nếu chúng ta vượt ra ngoài phần nhận thức nghiêm nhặt của chân trời – các thuộc tính không thể quan sát được, chẳng hạn như các thuộc tính liên quan đến thành phần hóa học của cây. Chân trời ngoại tại bao gồm các mối quan hệ khả thể của đối tượng với những sự vật khác, bao gồm cả những sự vật không được biểu hiện rõ ràng trong nhận thức. Chân trời ngoại tại rất quan trọng, vì nó phản ánh thực tế là các đối tượng không được nhận thức là những sự vật đơn độc mà là những sự vật tồn tại trong thế giới tự nhiên và do đó có liên quan đến mọi sự vật tự nhiên khác. Do đó, chân trời ngoại tại có thể bao gồm nhiều loại thuộc tính quan hệ: ở bên cạnh cây đào, phía trên ngọn đồi kể từ một cây táo đang nở hoa khác, trên cây có một đôi bồ câu đang gù, cây táo ấy do chính tay Johnny Appleseed trồng, v.v. - ‘và v.v.’ biểu thị chân trời ngoại tại tối hậu của cái cây, các mối quan hệ của nó với “thế giới” như đã được mô tả trước một cách rất mơ hồ và không xác định trong nhận thức.
Khái niệm về chân trời liên hệ quan trọng với các khái niệm về “cấu thành” và “bằng chứng” của Husserl. Bằng cách vạch ra trước một chân trời, Sinn nghĩa của một hành động quy định hoặc cấu thành đối tượng của nó là siêu việt, vì có thêm các thuộc tính mà kinh nghiệm tiếp theo có thể hoặc không thể xác nhận. Tuy nhiên, cũng vì lý do đó, một đối tượng không được cấu thành hoàn toàn hoặc đầy đủ bởi cái mà Sinn nghĩa của bất kỳ hành động nào quy định, vì nó còn được cấu thành bởi cái được Sinne các nghĩa của những trải nghiệm khác thuộc về chân trời của hành động đó quy định. Do đó, Husserl nói, một đối tượng được cấu thành trong một số “mối liên hệ của ý thức” hoặc “sự tổng hợp của các trải nghiệm”, trong đó cùng một đối tượng được biểu hiện theo tất cả các cách khác nhau tương thích với tính “tự-đồng nhất” còn lại của nó (Ideas, §135; CM, §§17, 18). Chúng tôi xác nhận sự tồn tại hiện thực của đối tượng và khám phá những thuộc tính mà nó thực sự có, bằng cách thực sự có một số nhận thức thêm nữa trong chân trời của hành động ban đầu; chất liệu trong những nhận thức đó sẽ cung cấp bằng chứng cho thấy đối tượng có một số thuộc tính khác nữa mà chúng ta đã cấu thành nó như là có. Và chúng ta không xác nhận sự tồn tại của đối tượng bằng cách phát hiện ra rằng những nhận thức xa hơn về nó, như đã được cấu thành, là không thể có. Nhưng vì [tr.175] các đối tượng vật lý được cấu thành như là siêu việt, và bởi vì chân trời của chúng là kết-mở, nên chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn xác nhận rằng bất kỳ đối tượng vật lý nào mà chúng ta cấu thành đều thực sự tồn tại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt trong khả năng tri giác hoặc nhận thức của chúng ta không phải là nguyên nhân khiến chúng ta hoài nghi về tính hiện thực của một thế giới bên ngoài tâm trí, và thậm chí càng ít có lý do để nghĩ rằng những thứ mà chúng ta gọi là hiện thực chỉ là sự sáng tạo của tâm trí chúng ta. Chính chúng ta cấu thành nên thế giới vật chất với tư cách siêu việt khỏi những trải nghiệm của chúng ta và độc lập với ý thức của chúng ta về nó. Chúng ta có thể có bằng chứng nào rõ ràng hơn cái mà chúng ta đã cấu thành nó một cách chính xác để chúng ta không bao giờ có thể trải nghiệm nó một cách trọn vẹn?
Theo giải thích của Husserl, chân trời của một kinh nghiệm bao gồm những trải nghiệm khả thể xa hơn về cùng một đối tượng, về phương diện hệ mẫu, những nhận thức khả thể xa hơn về cùng một đối tượng (xem Ideas, §131; CM, §§19, 20). Ở đây Husserl có thể giả định phân tích của ông về một noematic Sinn hướng nghĩa được cấu trúc thành một X và một phức hợp các nghĩa vị ngữ: X trong Sinn nghĩa của một nhận thức biểu hiện một đối tượng cụ thể, và chân trời của nhận thức đó bao gồm các nhận thức xa hơn mà các Sinn nghĩa của chúng có các nghĩa-vị ngữ khác nhau trong khi có các X’s biểu hiện cùng một đối tượng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ lưu ý rằng ngay cả bản sắc của một đối tượng như được biểu hiện trong một trải nghiệm cũng có thể không xác định được, do Sinn nghĩa của trải nghiệm để ngỏ. Ví dụ, khi tôi nghĩ rằng tác giả của tiểu thuyết Waverley (bất kể đó là ai) là một người Scotland, thì ý nghĩa “tác giả của Waverley” trong suy nghĩ của tôi về Sinn nghĩa để ngỏ chính kẻ là tác giả được biểu hiện: như chúng ta đã thấy, đó là sức mạnh của ý nghĩa miêu tả như vậy. Hơn nữa, bản sắc có thể không xác định ngay cả trong nhận thức. Khi tôi tiếp cận với một trong hai kẻ song sinh Tweedle, tôi thấy “anh chàng x này sao cho x là một trong hai kẻ song sinh Tweedle”.
Mặc dù X trong Sinn nghĩa nhận thức của tôi quy định một đối tượng cụ thể là “tự thân”, nhưng nội dung vị ngữ trong Sinn nghĩa của tôi sẽ xác định thêm danh tính của đối tượng đó (“x là Dum Tweedle”) hoặc sẽ để lại danh tính không xác định (“x là một trong hai gã song sinh nhà Tweedle, hoặc Dum hoặc Dee [tôi không thể biết là gã nào]”). Và cụm từ trong ngoặc “Tôi không thể biết là gã nào” là một cách để gán cho trải nghiệm một ý thức [sense] không xác định liên quan đến danh tính của đối tượng. Một giải thích hoàn toàn tổng quát về khái niệm chân trời của Husserl sẽ cần giải quyết loại tính không xác định này, điều mà chính giải thích của Husserl có xu hướng bỏ qua. Khái niệm chân trời mở rộng hiện tượng luận và lý thuyết về tính ý hướng thông qua noema hướng nghĩa của Husserl. Trên thực tế, Husserl xây dựng một lý thuyết phân nhánh về tính ý hướng: cấp độ đầu tiên của lý thuyết [tr.176] liên quan đến các hành vi, đặc tính ý hướng và các mối quan hệ mang tính ý hướng; cấp độ thứ hai liên quan đến noema hướng nghĩa và quy định của Sinn nghĩa về một đối tượng; và cấp độ thứ ba liên quan đến chân trời của các khả tính đối với đối tượng mà Sinn nghĩa để ngỏ. Vậy là, để giải thích tính ý hướng của một trải nghiệm, chúng ta không chỉ phải giải quyết trải nghiệm, đặc tính ý hướng của nó và noematic Sinn hướng nghĩa của nó, mà còn cả chân trời của những trải nghiệm khả thể xa hơn của nó về đối tượng như được cấu thành trong trải nghiệm.
9. Chân trời và Niềm tin nền tảng
Mặc dù chân trời của một đối tượng, như được cấu thành trong một trải nghiệm, là không xác định và được để mở, nhưng vẫn có những giới hạn đối với những gì có thể thuộc về bất kỳ chân trời nhất định nào. Những giới hạn này được áp đặt một phần bởi noematic Sinn hướng nghĩa của trải nghiệm được đề cập, vì các khả tính trong chân trời của đối tượng phải tương thích với những gì Sinn nghĩa quy định về đối tượng. Nhưng cấu trúc của một chân trời bị hạn chế hơn nữa bởi những niềm tin nhất định mà chủ thể mang lại cho một trải nghiệm. Những niềm tin này là những giả định nền tảng của chủ thể về đối tượng hoặc về các đối tượng thuộc loại của nó; chúng ta sẽ gọi chúng là “niềm tin nền tảng”. Vì những niềm tin được giả định trước bởi trải nghiệm, ý nghĩa của chúng hoặc các Sinne nghĩa không được bao gồm một cách rõ ràng trong Sinn nghĩa của trải nghiệm mà được giả định trước bởi nó; tuy nhiên, các khả tính thuộc về chân trời của đối tượng phải tương thích với những ý nghĩa được giả định trước này cũng như với Sinn nghĩa của chính trải nghiệm. (Xem Ideas, §§142, 149-150; CM, §§21-22, 38; EJ, §§25-27, 33, 67a, 83a.)
Hãy xem xét lại việc tôi nhìn thấy cây táo này. Thật không tương thích với nhận thức này khi cho rằng đối tượng mà tôi đang thấy không nên có mặt sau nào cả; khả tính đó bị loại trừ khỏi chân trời của đối tượng như giờ đây tôi đang trải nghiệm nó. Và nó bị loại trừ như vậy bởi vì nó không tương thích với một số niềm tin cơ bản nhất của tôi: Tôi tin rằng cây cối là đối tượng vật chất, rằng đối tượng vật chất là ba chiều và do đó cây cối có các mặt sau. Nhưng chắc chắn không có niềm tin nào trong số này – hay các Sinne nghĩa của chúng – thực sự lướt qua tâm trí tôi khi tôi nhận thức về cái cây ấy. Thay vào đó, chúng là một phần trong kho kiến thức khái niệm chung của tôi, phần nền tảng khái niệm mà tất cả các nhận thức cụ thể của tôi diễn ra trên đó. Niềm tin rằng các đối tượng vật chất là ba chiều chắc chắn là một niềm tin tiên nghiệm, một phần dứt khoát của chính khái niệm về một đối tượng vật chất. Nhưng nhận thức của tôi cũng giả định [tr.177] các niềm tin hoàn toàn là sản phẩm của những trải nghiệm trước đây. Sau khi nhìn thấy nhiều loại cây, tôi đã biết được rằng bất kỳ loại cây nào cũng chỉ mang lại một loại quả. Nhận thức của tôi giả định trước về niềm tin này, và do đó, nó không tương thích với nhận thức của tôi cho rằng cái cây mà tôi đang nhìn thấy lẽ ra phải có những quả cam trên các cành bị che khuất của nó. Hơn nữa, những niềm tin có được ấy, hoặc theo kinh nghiệm, được giả định trước bởi nhận thức của tôi có thể mang tính cá biệt ở bất kỳ mức độ nào. Nếu tôi tin rằng chính tôi đã trồng cái cây này, thì khả năng nó được người khác trồng sẽ bị loại trừ khỏi chân trời của cái cây, vì giờ đây tôi tạo dựng cái cây đó; nếu tôi chỉ nhìn thấy một cái tổ trên một cành cây, thì việc nó không có tổ giờ đây không tương thích với nhận thức của tôi về cái cây mặc dù tôi không còn nhìn thấy cái tổ nữa; và …v.v.
Những tiền giả định như vậy về nhận thức của tôi – những niềm tin cơ bản về các đối tượng vật chất, hoặc những cây táo, hay thậm chí cái cây cụ thể này – giúp xác định ranh giới chân trời của đối tượng mà tôi nhận thức, các giới hạn của những gì được Sinn ý nghĩa trong nhận thức của tôi để ngỏ. Do đó, chân trời được “phác họa trước”, không chỉ bởi Sinn nghĩa riêng nhận thức của tôi, mà bởi Sinn nghĩa đó cùng với các niềm tin cơ bản, hoặc các Sinne nghĩa của chúng, được nhận thức giả định trước. Do đó, Husserl nói, những khả tính do Sinn của một trải nghiệm để ngỏ không phải là những khả tính “trống rỗng”, đơn thuần là logic, mà là những khả tính “được thúc đẩy”: những khả tính được thúc đẩy bởi các kinh nghiệm trước đây của người ta và những liên tưởng hoặc quy nạp mà người ta dựa vào chúng. Về phương diện logic, rất có thể cái bàn viết mà tôi thấy ở đây có mười cái chân. Nhưng, Husserl nói, đó là một khả tính “trống rỗng”: trống rỗng bởi vì kinh nghiệm đã dạy tôi rằng bàn thường có bốn chân (và hiếm khi có mười chân), vì vậy khi nhìn thấy chiếc bàn, tôi liền giả định trước niềm tin này về chúng. Và ngay cả khi tôi chỉ có thể nhìn thấy hai chân của chiếc bàn, thì cái khả tính nó có thêm hai chân nữa là một khả tính “được thúc đẩy”: được thúc đẩy bởi chính niềm tin đó. (Cf. Ideas, §§47, 140; EJ, §24a; LI, I, §§2-3.) Bằng cách khám phá những tiền giả định cơ bản của một trải nghiệm, phân tích-chân trời mang hiện tượng học của Husserl vượt khỏi phân tích-noema hướng nghĩa. Vì chân trời đối tượng của một trải nghiệm, và do đó sự cấu thành của đối tượng trong trải nghiệm, không chỉ được xác định bởi noematic Sinn hướng nghĩa của trải nghiệm mà còn bởi các Sinne ý nghĩa của những niềm tin được giả định trước trong trải nghiệm. Hơn nữa, việc chuyển từ phân tích-noema hướng nghĩa sang phân tích-chân trời đưa Husserl từ hiện tượng luận “tĩnh” sang hiện tượng luận “tạo sinh”. Trong đó hiện tượng luận tĩnh tập trung vào cấu trúc của một trải nghiệm nhất định tại một thời điểm nhất định, còn hiện tượng học “tạo sinh” lại khám phá sự sinh thành của ý nghĩa [tr.178] hoặc Sinn ý nghĩa của một trải nghiệm cụ thể bằng cách bới cho ra các cội nguồn của nó trong trải nghiệm quá khứ. (Xem FTL, Phụ lục II.)
Nhưng những mối quan tâm riêng của Husserl chủ yếu vẫn ở cấp độ hiện tượng luận “tĩnh” và những tiền giả định cơ bản, tiên nghiệm, tổng quát nhất của một trải nghiệm có tính ý hướng. Ông chỉ quan tâm vừa phải đến việc làm thế nào tôi cấu thành được cái cây cụ thể này, cái cây mà tôi đã trồng mười năm trước. Nhưng ông lại rất quan tâm đến việc làm thế nào tôi cấu thành nó như một đối tượng vật chất thuộc bất kỳ loại nào, và cấu thành đó khác với cấu tạo của tôi như thế nào, chẳng hạn như một đối tượng toán học hoặc một đối tượng thẩm mỹ. Các đối tượng vật lý, toán học và thẩm mỹ là các đối tượng của cái mà Husserl gọi là các “vùng” bản thể luận khác nhau, và với tư cách là một triết gia, ông quan tâm đến việc các “vùng” đó khác nhau như thế nào. Husserl nghĩ rằng chúng khác nhau ở những niềm tin nền tảng tiên nghiệm khác nhau mà chúng ta mang lại khi trải nghiệm một đối tượng thuộc về một trong những vùng này chứ không phải vùng khác: những niềm tin khác nhau này áp đặt những “quy tắc” khác nhau lên cấu thành của các đối tượng và cấu trúc chân trời của chúng. Ví dụ, Husserl nói, chân trời của một đối tượng được trải nghiệm như một cái gì đó mang tính “vật lý” phải tuân theo các quy tắc như sau: các đối tượng vật lý là liên tục theo thời gian, các biến thể trong hình dạng của chúng phải tương thích với các định luật hình học và chúng phải có khả năng tham gia vào các mối quan hệ nhân quả với các đối tượng vật lý khác (Ideas, §§149, 150). Những quy tắc như vậy là “các quy tắc của cấu thành”, và nói rõ chúng là để khớp nối cái mà Husserl gọi là một “lý thuyết về cấu thành” cho các đối tượng thuộc loại được đề cập (xem CM, §§21, 22).
Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh một lần nữa rằng mối quan tâm của Husserl đối với các quy tắc và lý thuyết cấu thành như vậy không chỉ ra một quan điểm siêu hình phản-hiện thực luận. Husserl dứt khoát bác bỏ hình thức của chủ nghĩa duy tâm Berkeley: quan điểm cho rằng các đối tượng chỉ tồn tại nhờ chúng được trải nghiệm. Nhưng ông chấp nhận một phiên bản của cái mà Kant gọi là “chủ nghĩa duy tâm siêu việt”: quan điểm ấy cho rằng chúng ta trải nghiệm các đối tượng như chúng ta làm chỉ vì tâm trí của chúng ta tổ chức trải nghiệm theo những “quy tắc” nhất định. Triết học “siêu việt” – dù là Husserlian hay Kantian – đều nghiên cứu các nguyên tắc cơ bản của tâm trí, đặt ra các quy tắc mà chúng ta có thể biểu hiện bất kỳ đối tượng nào thuộc bất kỳ loại cụ thể nào. Nhưng loại “chủ nghĩa duy tâm siêu việt” này hoàn toàn nhất quán với một loại chủ nghĩa hiện thực hàng ngày, như chính Kant đã nhấn mạnh. Chúng tôi đã giải thích Husserl khi phân biệt rõ ràng các hành vi tinh thần với các noematic Sinne hướng nghĩa và cả từ các đối tượng thông thường như cây cối. Theo cách diễn giải này, [tr.179] việc nói rằng một đối tượng “được cấu thành” trong một kinh nghiệm có nghĩa là, không phải kinh nghiệm mang lại cho đối tượng hiện hữu, mà là kinh nghiệm mang lại cho nó ý nghĩa. Các đối tượng được cấu thành trong ý thức theo các quy tắc nhất định bởi vì các đối tượng chỉ được trải nghiệm thông qua các noematic Sinne hướng nghĩa, nhờ đó các trải nghiệm của chúng ta trở nên có ý nghĩa và mạch lạc. Không có các noematic Sinne hướng nghĩa, chúng ta không thể có ý thức về các đối tượng và các đối tượng có thể không có ý nghĩa gì đối với chúng ta. (Cf. CM, §§40-41.) Vậy là “chủ nghĩa duy tâm siêu việt” của Husserl, không phải là một lý thuyết bản thể luận về sự tồn tại của các đối tượng; nó là một lý thuyết hiện tượng luận, hay nhận thức luận, về cách chúng ta trải nghiệm các đối tượng. Và lý thuyết đó, trên thực tế, chỉ là lý thuyết về tính ý hướng của Husserl thông qua các noematic Sinne hướng nghĩa.
___________________________________________
Nguồn: Ronald McIntyre and David Woodruff Smith (1989). Theory of Intentionality, in J. N. Mohanty and William R. McKenna, eds., Husserl’s Phenomenology: A Textbook (Washington, D. C.: Center for Advanced Research in Phenomenology and University Press of America, 1989), pp. 147-79.
Tác giả:
Ronald McIntyre: Giáo sư danh dự Khoa Triết học Đại học Bang California, Northridge, Tiến sĩ Triết học, Đại học Stanford, 1970: Luận án: “Husserl và Tính quy chiếu: Vai trò của Noema với tư cách là một Thực thể Tăng cường”; Giáo sư, Đại học Bang California, Northridge, 1981-2010; Phó Giáo sư, Đại học Bang California, Northridge, 1977-81; Trợ lý Giáo sư, Đại học Case Western Reserve, 1970-77. Giảng viên, Trường Hè Quốc tế về Triết học, Bolzano (Bozen), Ý, 1990. Giáo sư thỉnh giảng, Đại học Colorado, mùa xuân năm 1982; Trợ lý giáo sư thỉnh giảng, Đại học Stanford, mùa hè năm 1971. Giảng viên thỉnh giảng, Đại học Wake Forest, mùa hè năm 1967 và mùa hè năm 1968. Chủ nhiệm Khoa Triết học, CSUN, 1996-2002. Điều phối viên, Chương trình Phát triển Giảng dạy (tiền thân của Trung tâm Cơ hội Học tập Sáng tạo & Gắn kết), CSUN, 1988-90.
David Woodruff Smith sinh năm 1944, là Giáo sư Triết học tại Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn Mind World: Essays in Phenomenology and Ontology (2004) và là đồng biên tập (với Amie L. Thomasson) về Hiện tượng luận và Triết học Tâm trí (2005).