Powered By Blogger

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

Từ Xúc cảm đến Chủ thể tính: Nhìn lại Hiện tượng luận Husserl (V)

Christian Lotz

Người dịch: Hà Hữu Nga

Từ phân tích tĩnh đến phân tích tạo sinh

Trong bước tiếp theo, tôi sẽ liên kết chiều kích tường giải học của phương pháp Husserlian với việc giới thiệu ý tưởng về tạo sinh của ông, một ý tưởng, như tôi đã đề cập, có mối liên hệ chặt chẽ với khái niệm khác biệt-ý thức đã được trình bày. Nói cách khác, sự kiện tạo sinh về cơ bản không có gì khác hơn một sự kiện tường giải học ex negativo từ cái phủ định. Đối với nhà hiện tượng luận, mặc dù sự khác biệt đại diện cho một chân trời “không thể giải thích được”, nhưng dù sao nó vẫn phải được hiểu một cách chính xác hơn là sự khác biệt giữa cái Tôi hiện tượng luận và tổng thể tính đơn tử. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đặt cái chưa giải thích được như cái chưa hiểu hoặc chưa được giải thích. Kinh nghiệm về việc “không hiểu” một cái gì đó là một cái gì đó vẫn còn mở bên trong cấu trúc, mở nó ra theo nghĩa của một khái niệm tường giải; đây là lời đáp cho câu hỏi tại sao Husserl chuyển sang phân tích tạo sinh, và cuối cùng là lịch sử. Nhưng trước khi đi vào vấn đề này, trước tiên tôi phải đưa ra một mô tả về hiện tượng luận tĩnh đối lập với việc Husserl phát triển khái niệm hiện tượng luận tạo sinh.

Phân tích tĩnh bao gồm tất cả các cấu trúc của ý thức mà cái nhìn hiện tượng luận “tìm thấy” đã có ở đó như là “được tạo-sẵn”, có thể nói như vậy. Điều này bao gồm các cấu trúc phổ quát - ví dụ: “các loại hình nhận thức” như các cấu trúc sự vật vật chất, các cấu trúc động vật và các cấu trúc khách thể hữu ích - cũng như các phương thức nhận thức như ký ức, nhận thức và Vorerinnerung ký ức có trước, cùng với các liên kết và cấu trúc phân cấp của chúng. Đối với Husserl, dự án phân tích tĩnh cũng bao gồm việc khảo sát kiến tạo các cấu trúc này, tức là việc khảo sát hướng vào cấu trúc bên trong của một tri giác hoặc hệ thống tri giác. Vì vậy, chẳng hạn, cấu trúc của một khách thể giá trị có thể được khảo sát theo khuôn khổ ý thức-ban cho, một mặt là mối tương quan của nó, mặt khác theo khuôn khổ các phương thức khách quan của nó. Theo cách này, phân tích cấu thành liên quan đến cấu trúc noesis-noema (noesis chỉ các hành vi có chủ ý hoặc “chất lượng hành động”; noema - khách thể hoặc nội dung của một tư tưởng, phán đoán hoặc nhận thức)- và do đó với bản thân cấu trúc của tính chủ ý) cùng với tất cả các biến đổi của nó - nhưng theo cách là với “những mô tả này, cụ thể là những mô tả cấu thành, chúng ta không có cách nào thẩm vấn được sự tạo sinh mang tính giải thích” (11/340 [628]). Phân tích tĩnh được hướng dẫn bởi thế giới thực tế như là “đầu mối hàng đầu” của nó (11/344 [633]; 14/41 [644]). Nói cách khác, hữu thể luận có trước triết học siêu việt.60 Thật vậy, các hệ thống tri giác đã hoạt động theo cách để cấu trúc kinh nghiệm của chúng ta về thế giới (ví dụ, sự phân biệt giữa “thực vật” và “động vật”) được coi là một dịp để khảo sát ký tượng. Nhưng sau đó ở bước tiếp theo, bản thân cái đơn tử được biến đổi và khảo sát một cách lý tưởng theo cách mà - theo Husserl - một chủ thể thuần túy của lý trí, cùng với tất cả các thành tựu khả thể và các quy luật chi phối, có thể được khảo sát.61

Giờ đây chúng ta sẽ so sánh điều này với hiện tượng học tạo sinh. Theo Husserl, tạo sinh có thể được giải quyết ở ba cấp độ: ở cấp độ thụ động thuần túy, nơi các cấu trúc được hình thành mà không có bất kỳ sự tham gia nào về phía của cái Tôi; ở cấp độ thụ động-chủ động, trong đó sự tham gia của tự ngã đi ngược lại với sự “cấu thành nguyên khởi” thụ động; và ở mức độ chủ động thuần túy (ví dụ: đánh giá rõ ràng, tỏ ý chí và quyết định).62 Vì vậy, bằng “tạo sinh” Husserl không có ý đó là câu hỏi về lịch sử của một khách thể, mà là câu hỏi về lịch sử cấu thành của một khách thể. Nói cách khác, hiện tượng luận tạo sinh truy vấn các điều kiện ký tượng phổ quát mà theo đó một đối tượng được cấu thành, trong một quy trình thời gian, trong khuôn khổ một hệ thống tri giác điển hình. Tuy nhiên, bản thân hiện tượng luận tạo sinh không một lần nữa là “tạo sinh”; đúng hơn, mô tả tạo sinh tự nó là tĩnh. Ví dụ, khi Husserl khảo sát quá trình liên tưởng (tất nhiên là chủ đề chính trong hiện tượng luận tạo sinh), ông mô tả các dạng điển hình của tạo sinh, chẳng hạn, bằng cách sử dụng sự phân biệt giữa một loại ý thức trong đó cái nảy sinh bằng liên tưởng là một cái gì đó hiện diện và một loại hình ý thức trong đó những gì nảy sinh theo cách liên tưởng là một cái gì đó thuộc quá khứ. Do đó, chúng ta phải kết luận rằng việc mô tả cấu tạo sinh theo nghĩa của một “hiện tượng luận ký tượng về tạo sinh” (11/345 [634]) tự nó mang tính cấu trúc, tức là hai “phương pháp” không thể tách rời, và chỉ đại diện cho hai quan điểm về cùng một sự vật. Nhưng chúng ta vẫn chưa làm rõ tại sao việc phân tích các “nguồn gốc” lại gia nhập trò chơi ngay từ đầu, một vấn đề mà chính Husserl cũng đã nhận thức được.63 Theo Husserl, không thể nắm bắt được ý tưởng về “trở thành” bằng phân tích tĩnh. Do đó, ông ám chỉ thời tính là lý do để giới thiệu phân tích tạo sinh. Tuy nhiên, đối với tôi, điều này dường như chỉ là một nửa sự thật, vì “điều” mà thời tính của ý thức là nền tảng mà mọi thứ khác dựa trên đó, thì tự nó trước tiên phải được bộc lộ. Do đó, câu hỏi về sự giải thích và diễn giải cuộc sống của ý thức đã đi trước sự khám phá ra vai trò cơ bản của thời tính.

Như David Carr cũng đã sớm nhận thấy trong Hiện tượng luận và Vấn đề Lịch sử của ông, nguồn gốc thực sự của hiện tượng luận tạo sinh không phải là per se bởi tự thân thời tính; đúng hơn, nó nằm ở thực tế là trong các chân trời của quá trình biểu nghĩa, phần nhiều luôn có ý nghĩa là được hoàn thành.64 Chúng tôi đã chỉ ra thực tế này dưới tiêu đề “sự khác biệt-ý thức”. Chính từ thặng dư biểu nghĩa này mà nảy sinh một ý thức thời gian, và mối liên hệ của các tham chiếu, được neo giữ trong kinh nghiệm sống, nhưng không theo nghĩa giả định bất kỳ loại tham chiếu “nhân quả” nào.65 “Nói cách khác, cái được cho, và nó được cho như thế nào, ‘giả định’ một nền tảng thời gian xác định, và ‘giả định’ như vậy được coi là một đặc điểm của bản thân kinh nghiệm, chứ không phải được phát hiện bằng những suy luận diễn dịch hoặc quy nạp sau sự thực” (Carr 1974, 72). Carr nghĩ rằng nếu nhu cầu về cách “giải thích” tạo sinh có thể nhìn thấy được bên trong trải nghiệm sống, thì không chỉ cách diễn giải mang tính phản ánh, mà chính quá trình tri giác, về trải nghiệm sống, đã tự thân đề cập đến một chiều kích lịch sử: nó phải trở nên rõ ràng trong ý thức tự thân rằng nó “không hoàn thiện”. Bằng cách dẫn Klein, Hopkins gợi ý rằng “mỗi khách thể giống hệt nhau thể hiện như là ‘các thành phẩm của “cấu thành” hoặc “tạo sinh”’ (Hopkins 2001a, 87). Do đó, hiện tượng luận tạo sinh là một sự kiện không phải là noema - khách thể hoặc nội dung của một tư tưởng, phán đoán hoặc nhận thức - cũng không phải là phản ánh về dòng chảy mang tính noetic trí tuệ; đúng hơn, nó là một sự kiện của bản thân ý thức (hoặc phi-ý thức). Nó tự thân tạo sinh, bởi vì bản thân kinh nghiệm sống không thể hiểu được trong hoặc về tự thân nó, nhưng chính xác là không thể hiểu được và cần được hiểu biết.66 Vậy thì cuối cùng, ý thức đã luôn luôn trượt khỏi bản thân nó. Đây chính là lý do tại sao chúng ta phải “thẩm vấn ngược lại nó” và giải thích nó.

Phân tích Tạo sinh và Sự kiện của cái Không thể hiểu được

Do đó, có hai xuất phát điểm để làm sáng tỏ sự xuất hiện của các ý tưởng về tạo sinh và lịch sử trong hiện tượng luận của Husserl: một mặt, thời gian và sự tổng hợp thời gian của đời sống ý thức; mặt khác, sự kiện “không hiểu”. Ý thức tự thân dường như không rõ ràng. Theo cách diễn giải của chúng tôi, trên hết, sự kiện không hiểu buộc Husserl phải đưa ra một chiều kích tạo sinh và cuối cùng là chiều kích lịch sử. Chúng ta không hiểu bản thân mình - tức là cuộc sống đơn tử của chính chúng ta - khi chúng ta phải đương đầu với khác biệt-ý thức mà cái epochē - treo phán đoán lại – khiến nó trở nên hữu hình và trước hết đem đến cho chúng ta khả tính giải thích. Sự tạo sinh được thực hiện ở đây là sự kiện trong đó “cái tổng thể vô tận, trong dòng chảy vô tận của nó, được hướng tới nhất tính của một ý nghĩa; tất nhiên không phải theo cách mà chúng ta có thể đơn giản nắm bắt và hiểu được cái tổng thể…” (6/173[170]). Bằng cách chấp nhận thái độ hiện tượng luận, chúng ta đã phải đương đầu với sự khác biệt giữa ý thức và phi-ý thức xuất hiện bên trong thái độ này - và chỉ vì điều này mà hiện tượng luận được thúc đẩy để cố gắng đạt được “sự hiểu biết thực tế” (6/171 [168]). Tuy nhiên, sự cố gắng liên tục tụt hậu so với tổng thể tính của ý thức mà rốt cuộc Husserl gọi là cái đơn tử (và thậm chí vượt khỏi cả điều này là lịch sử), nhưng vẫn phụ thuộc vào khác biệt-ý thức. Sự ra đời của hiện tượng học tạo sinh không chỉ được thúc đẩy bởi sự khác biệt-ý thức này - một sự khác biệt mà phép phân tích trên thực tế không bao giờ có thể vượt qua được - mà còn chứng tỏ cho bất khả tính về nguyên tắc là không bao giờ bắt kịp nó. Cuối cùng, phần này chúng tôi kết lại là hiện tượng luận dưới dạng quy giản không chỉ - trái ngược với các ý định của Husserl – lại bắt nguồn từ các hoạt động người, mà thậm chí còn được thúc đẩy bởi (a) sự khác biệt mà nó không thể làm cho hoàn toàn minh bạch, vì đó chính là nguồn gốc của nó. 

___________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Lotz Ch. (2007). From Affectivity to Subjectivity - Husserl’s Phenomenology Revisited, published by Palgrave Macmillan.

Tác giả: Christian Lotz (sinh ngày 21 tháng 2 năm 1970 tại Wuppertal, Đức) là một triết gia người Mỹ gốc Đức hiện đang giảng dạy tại Đại học Bang Michigan. Các công trình của Lotz chủ yếu tập trung vào triết học châu Âu thế kỷ 19 và 20 (đặc biệt là triết học Đức), mỹ học lục địa, lý thuyết phê phán, chủ nghĩa Mác và triết học chính trị châu Âu đương đại. Lotz nhận bằng Thạc sĩ triết học, xã hội học và lịch sử nghệ thuật tại Đại học Otto Friedrich ở Bamberg năm 1997 và bằng Tiến sĩ về triết học tại Đại học Philipps Marburg năm 2002. Ông là Nghiên cứu viên từ năm 2000 đến năm 2002 tại Đại học Emory, giảng dạy tại Đại học Seattle và Đại học Kansas, Đại học Công nghệ Brandenburg vào năm 2011 và 2013. Lotz hiện là Giáo sư Triết học, Phó Chủ nhiệm Khoa và Giám đốc Chương trình Sau Đại học, Khoa Triết học, Đại học Bang Michigan.

Ghi chú

60. Husserl viết, “Ý tưởng về hiện tượng luận tĩnh: cấu trúc phổ quát của sự chấp nhận-thế giới, bộc lộ cấu trúc của sự chấp nhận liên quan trở lại cấu trúc hữu thể luận với tư cách là cấu trúc của chính cái thế giới được chấp nhận đó” (15/615).

61. Xem 11/341 [629f.]. Mô tả tĩnh như vậy bỏ lại việc tưởng trình bất kỳ dấu vết nào của cá nhân tính đơn tử, và do đó không tính đến việc xem xét cách thức và lý do tại sao một hệ thống lại trở thành như vậy. Đương nhiên, mô tả này không bao giờ có thể là riêng lẻ, vì nó luôn mang tính ký tượng; chính ý tưởng về việc thực sự nắm bắt một cách riêng rẽ cái cá nhân tính của một đơn tử không thể thực hiện được. Xem 6/181[178], trong đó Husserl viết: “Ngay cả một triết gia duy nhất bởi chính [ông ấy / bà ấy], thì trong cái epochē - treo phán đoán lại -, có thể bám chặt vào bất cứ điều gì trong cuộc sống mải miết trôi chảy này, lặp lại nó với nội dung luôn giống nhau, và trở nên chắc chắn vào tính-này (this-ness) và hiện hữu của nó - do đó [ông/bà ấy] có thể mô tả nó, ghi lại nó, có thể nói (ngay cả đối với cá nhân [ông/ bà ấy]), bằng những tuyên bố dứt khoát.”

62. Về cấp độ thụ động, đặc biệt là xem phần diễn giải trong Seebohm 1994.

63. Xem 14/40 [643].

64. Xem phần trình bày xuất sắc trong Carr 1974, 68–81, đáng chú ý vì sự rõ ràng của nó.

65. Husserl đã bác bỏ các giải thích tâm lý học-tạo sinh trong Khảo sát Logic. Tuy nhiên, khái niệm hiện tượng luận tạo sinh sau này của ông có thể được hiểu là một sự biến đổi hiện tượng luận của vấn đề tâm lý học. Vì vậy, trong một bản thảo sau này, Husserl đã định nghĩa một cách cẩu thả hiện tượng luận tạo sinh là hiện tượng luận “giải thích” (11/340 [629]). Tuy nhiên, ở đây, rõ ràng là ông quan tâm đến việc đảm bảo câu hỏi về nguồn gốc của ý thức như một câu hỏi thực sự mang tính hiện tượng luận chứ không đơn thuần là tâm lý học.

66. Sau đó, nội dung này chuyển sang khái niệm đơn tử với tư cách một hệ thống các tham chiếu có chủ đích mà nhà hiện tượng học nghiên cứu trong “lao động” miệt mài của mình. Nhưng vì kinh nghiệm đơn tử tự nó vượt ra ngoài chính nó, nên việc giải thích cũng sẽ phải được đẩy ra ngoài bản thân nó. Ở đây, chuỗi tư tưởng của Husserl là rất rõ ràng. Ngay cả khi ký ức nhớ hoàn hảo, thì vẫn không đủ để làm rõ toàn bộ sự taọ sinh-ý thức bên trong đơn tử, bởi vì thông qua kiến tạo liên chủ thể, các chủ thể khác nói chung, và cuối cùng - được nhìn nhận theo cách tạo sinh - các thế hệ khác cũng tham gia cuộc chơi. Các thế hệ này ít nhất được liên kết với nhau theo cách liên chủ thể trong một chuỗi liên tục, cuối cùng cho phép nhất tính của trải nghiệm (hoặc nội dung-ý thức của trải nghiệm sống) - một lần nữa, phải được hiểu tối thiểu một cách lý tưởng – với tư cách là mối tương quan của toàn bộ các tạo sinh-ý thức này được liên kết với nhau, tức là, với tư cách là một sản phẩm lịch sử mà đến lượt mình, nó vẫn vươn xa khỏi nguồn gốc tạo sinh này. “Bất kỳ hành vi cụ thể nào,” Carr viết, “tự nó phải kết hợp với các hành vi khác trong một thể liên tục mà đến lượt chúng, chúng được sử dụng làm cùng một chức năng” (Carr 1974, 77).

Tài liệu dẫn

Carr, David 1974: Phenomenology and the Problem of History. Dordrecht: Nijhoff/Kluwer.

Carr, David 1986: Time, Narrative and History. Bloomington: Indiana University Press.

Hopkins, Burt C. 2001a: “Jacob Klein and the Phenomenology of History,” in The New Yearbook for Phenomenology and Phenomenological Philosophy, 1/2001. Seattle: Noesis Press, 67–110.

Hopkins, Burt C. 2001b: “The Transcendental Problematic of Generativity and the Problem of Historicism: Remarks on Steinbock’s Home and Beyond,” in The New Yearbook for Phenomenology and Phenomenological Philosophy, 1/2001. Seattle: Noesis Press, 377–390.

Husserl, Edmund 1950ff.: Husserliana – Gesammelte Werke. Dordrecht/Den Haag: Kluwer/ Martinus Nijhoff.

Husserl, Edmund 1980ff.: Husserliana – Collected Works. Dordrecht/Den Haag: Kluwer/ Martinus Nijhoff.

Husserl, Edmund 1964: The Paris Lectures. Trans. Peter Koestenbaum. The Hague: Martinus Nijhoff, 1964.

Husserl, Edmund 1981: “Renewal: Its Problem and Method.” Trans. Jeffner Allen. In Husserl: Shorter Works. Peter McCormick and Frederick A. Elliston eds. Notre Dame: University of Notre Dame Press, 326–331.

Husserl, Edmund 1981ff: Husserliana – Dokumente. Dordrecht/Den Haag: Kluwer [cited as HuaDok].

Husserl, Edmund 1985: Erfahrung und Urteil. Untersuchungen zur Genealogie der Logik, edited and revised by Ludwig Landgrebe. Hamburg: Meiner. [cited as EU].

Husserl, Edmund 1996: “Wert des Lebens. Wert der Welt. Sittlichkeit (Tugend) und Glückseligkeit <Februar 1923>,”in Husserl Studies 13/3. Ulrich Melle, ed. 201–235 [cited as Wert].

Husserl, Edmund 2000: “Phänomenologische Methode und phänomenologische Philosophie <Londoner Vorträge 1922>,” in Husserl Studies 16. Berndt Gossens, ed., 183–254.

Seebohm, Thomas M. 1985: “Fichte’s and Husserl’s critique of Kant’s transcendental deduction,” in Husserl Studies, 2, 53–74.

Seebohm, Thomas M. 1994: “Intentionalität und passive Synthesis. Gedanken zu einer nichttranszendentalen Konzeption von Intentionalität,” in Husserl in Halle. Spurensuche im Anfang der Phänomenologie. H. M. Gerlach and Hans Rainer Sepp, eds. Frankfurt am Main: Lang, 63–84.

 

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét