Powered By Blogger

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2022

Sự vật là Chúng ta! Quan hệ Con người - Sự vật trong Khảo cổ học “Xã hội” (I)

Timothy Webmoor và Christopher L. Witmore

Người dịch: Hà Hữu Nga

Tính từ “xã hội” trong khảo cổ học xã hội có vai trò gì? Đặc điểm của các mối quan hệ giữa con người / sự vật theo tiêu đề khảo cổ học xã hội là gì? Chúng tôi đưa ra các câu hỏi này liên quan đến cuốn sách gần đây Đồng hành với Khảo cổ học Xã hội của Meskell và Preucel. Trong khi thứ để hiệu chỉnh cái “xã hội” đã rất hiệu quả, thì với việc đề cập đến các câu hỏi này, chúng ta lại ngụp lặn vào những thủy vực âm u. Nhiệm vụ của chúng tôi trong bài viết này là chỉ ra nơi mà các ý nghĩa của từ “xã hội” đã bị phá vỡ; vì vậy cần phải chứng minh các khung tham chiếu trong việc hiểu thấu các mối quan hệ giữa con người / sự vật đã trở nên rối ren đến mức nào. Bằng cách dựa vào sức mạnh của khảo cổ học liên quan đến các sự vật, chúng tôi tìm cách xem lại câu hỏi: con người phải là thứ gì?

Cái Xã hội của Bùa mê, Bùa mê của cái Xã hội

Bùa mê của cái ‘xã hội’ đã đạt được tính chính thống trong khảo cổ học, cũng như trong các ngành khoa học xã hội khác. Việc sửa đổi tiêu đề (và phạm vi) tác phẩm của Alfred Gell (1992), “cái xã hội của bùa mê, bùa mê của cái xã hội” bao trùm lý luận khảo cổ học toàn diện đến mức cái xã hội dường như bỏ bùa các nhà khảo cổ học, còn các nhà khảo cổ học thì mê đắm cái xã hội.1 Nghĩa là, cái xã hội dường như trở thành cả explanandum hiện tượng phải được giải thích và explanans những cái được đưa ra để giải thích cho việc nghiên cứu khảo cổ học. Làm thế nào chúng ta có thể giải thích được vô số phức tính của quá khứ khảo cổ (hoặc hiện tại) bằng cách quy cho một “lực” Durkheimian đứng sau hậu trường chỉ đạo và thúc đẩy các sự kiện nhưng bản thân nó không được giải thích? Đây thực sự là một câu thần chú rối bời (mê hoặc). Khi nói rằng các quá trình xã hội, ý nghĩa xã hội, hoặc diễn ngôn xã hội giải thích các sự kiện trong quá khứ, chúng ta dường như đang nói ít hơn những gì chúng ta cần nói. Một cái gì đó cơ bản và mạnh mẽ đang hoạt động bằng cái “xã hội”, nhưng những lời giải thích của chúng ta lại bị che đậy trong một tấm màn bí mật liên quan đến câu hỏi cái xã hội là gì. Hoặc có lẽ đơn giản là có một phép lặp thừa đang vận hành, vì trên thực tế, cái xã hội không phải đang làm bất cứ điều gì. Cái “xã hội” xuất hiện dưới dạng một kẻ đóng thế, một bổ nghĩa, một bẫy tiền tố. Nó tự gắn mình, như thể bằng chất kết dính, trước hết với các lĩnh vực nghiên cứu: “đời sống xã hội”, “ý nghĩa xã hội”, “cơ thể xã hội”, “cấu trúc xã hội”, “cảnh quan xã hội”; sau đó nó tiếp tục định nghĩa chính các lĩnh vực đang tiến hành nghiên cứu thuộc địa hạt: “khảo cổ học xã hội”. Cái “xã hội” có vai trò gì? Nó thể hiện phẩm chất của cái gì? Cũng giống như kiểu khai sáng của Ian Hacking (1999) bằng lối đùa dai, chúng ta có cần phải gắn “xã hội” vào mọi thứ không? Nó có sáng sủa không? Nó có tác dụng nào khác ngoài việc khẳng định cuộc chiến cam go của những kẻ thua cuộc về học thuật (xã hội học và các đồng minh thân cận nhất của nó) để phân chia hiện thực thành tự nhiên và xã hội, sao cho lược đồ bộ phận này có quyền sở hữu không thể bàn cãi đối với “lãnh địa xã hội” và liệu có bao hàm cả những tiến bộ ồ ạt chớp nhoáng của các khoa học tự nhiên? Có phải đó chỉ đơn giản là xây dựng thương hiệu trong một thị trường tự do học thuật bị các nhóm vận động hành lang lấn lướt? Nếu chúng ta trực tiếp khảo sát công trình lắp ráp bộ công cụ xã hội này, thì liệu cái “xã hội”, chẳng khác nào thứ công nghệ mê hoặc của Gell, có tự lột trần những phẩm chất bí ẩn, thậm chí là thần bí của nó không?

Chúng tôi tin rằng đã đến lúc đánh giá lại giả định về cái xã hội trong khảo cổ học như một phạm trù giải thích. Trong bài viết này, chúng tôi giải quyết những câu hỏi kia trong bối cảnh khảo cổ học xã hội như được minh chứng trong ấn phẩm Đồng hành cùng Khảo cổ học Xã hội -  A Companion to Social Archaeology (2004) gần đây do Lynn Meskell và Robert Preucel làm chủ biên. Khảo cổ học xã hội, theo Meskell và Preucel, “đề cập đến những cách thức mà chúng ta thể hiện bản thân thông qua những sự vật mà chúng ta làm và sử dụng, thu thập và loại bỏ, coi trọng hoặc coi là bình thường, và tìm cách để được ghi nhớ” (tr.3, nhấn mạnh của chúng tôi). Chúng tôi lo ngại rằng đối với một ngành học chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ phức tạp của con người và vạn vật (không đề cập đến các sinh vật đồng loại của chúng ta là các “loài đồng hành”), thì “bước ngoặt xã hội” khiến chúng ta đổi chiều quá xa với sự hiểu biết về chính những mối quan hệ này. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng đó là một cách khai trí cho phù hợp với những giáo điều giả định về chủ nghĩa tự nhiên, nhưng một giáo điều tự nó đã trở thành giáo điều trong chủ nghĩa nhân văn của nó.2  Không hề giống với việc đề xuất được một bước ngoặt khác trong khuôn cửa quay vòng của lập luận khảo cổ học, chúng tôi muốn đặt câu hỏi về việc quy định khuôn khổ cuộc luận chiến trong khảo cổ học, một cuộc luận chiến bị bóp nghẹt bởi phép biện chứng (logic nghèo nàn của phép mâu thuẫn), bằng cách đào sâu vào trung tâm của vấn đề, và đặt câu hỏi một hiện hữu người phải là gì. Cái chúng ta mà Meskell và Preucel viện đến là ai vậy? Hơn nữa, chúng ta làm thế nào để phù hợp với câu đố phức tạp này bằng sự vật? Những câu hỏi này cũng rất quan trọng đối với vấn đề chúng ta, với tư cách là các nhà khảo cổ học đối mặt với các quá khứ vật chất, phải bắt đầu phân tích của mình từ đâu, vì chúng có tính quyết định để hiểu được tầm vóc lớn lao của khảo cổ học trong thế giới đương đại. Chúng tôi cho rằng những câu hỏi này đặt ra cho chúng ta một con đường hiệu quả hơn nhằm đánh giá lại giả định về cái “xã hội” cho khảo cổ học. Nhưng còn hơn thế nữa.

Đối với khảo cổ học xã hội, “tính vật chất” là một lĩnh vực “mà ở đó khảo cổ học có thể đóng góp đáng kể vào lý thuyết xã hội đương đại” (tr.4). Đây chính xác là nơi các nhà khảo cổ xã hội bị sự vật cắt lìa gân chân và đến lượt mình sự vật cũng bị các nhà khảo cổ xã hội cắt đứt gân chân. Trong khi nhiều người, chẳng hạn như Meskell và Preucel, chắc hẳn muốn chúng tôi chiến đấu dưới màu cờ của lý thuyết xã hội, thì chúng tôi lại cho rằng khảo cổ học bao gồm một loạt các thực hành xuyên ngành và sự nhạy cảm độc đáo ở khả năng cắt ngang qua các khoa học và các ngành nhân văn nói chung. Tuy nhiên, với tư cách là một nghề, chúng ta chỉ có thể tận dụng tối đa lập trường này bằng cách khai quật bên dưới chính những ranh giới chia tách giữa các khoa học và các ngành nhân văn ngay từ đầu. Mặc dù nhiều người, bao gồm cả Meskell và Preucel, hiện sử dụng thuật ngữ tính vật chất quá bao trùm và mơ hồ (tham khảo thảo luận trong Ingold 2007), chúng tôi đồng ý rằng sức mạnh của khảo cổ học nằm ở sự vật. Tuy nhiên, liên quan đến những điểm mạnh này, có một số bất đồng cơ bản cần phải được bộc lộ.

Hiệu chỉnh cái Xã hội

Điều quan trọng là phải nhận ra những thúc đẩy khác nhau đằng sau “bước ngoặt xã hội”  trong khảo cổ học. Thật vậy, ngoài các công trình tiên phong của Gordon Childe (1949), Graham Clark (1939) và sau đó là Colin Renfrew (1973), động lực thực sự để có được “sự hiểu biết xã hội” trong và về khảo cổ học xuất phát từ những “kẻ thua cuộc” ở Cambridge: Hodder (1982), Shanks và Tilley (1987a, b) và những người đồng hương của họ trong vòng tay xã hội. Quả thực có một cảm giác nào đó mà cái “tự nhiên” đã chà đạp lên mọi sở thích và tính tò mò của các nhà khảo cổ học ít nghiêng về tự nhiên luận hơn. Và họ đã đúng khi hướng sự chú ý đến Hawkes (1954) và Binford (1962) ở chỗ khảo cổ học có nhiều thứ hơn là chỉ những bậc thấp hơn của chiếc thang văn hóa quá khứ (mặc dù, như chúng tôi sẽ gợi ý, có những vấn đề cơ bản với hành động cách mạng, vận động biện chứng, đi kèm với nó). Cái gì làm nên con người chúng ta? Chúng ta là người vì những lĩnh vực cao hơn của hành vi chủ đích sao? Đó có phải là biểu trưng không? Hay, hệ tư tưởng? Có một sự trung thực mới mẻ trong các tác phẩm đó, phản đối các nhà khảo cổ học vì đã tách công trình trong ngành học ra khỏi công trình hiện hữu người, vì thẩm mỹ hóa bản thân theo các chiều góc kinh tế-xã hội và chính trị của lĩnh vực này.

Thay vào đó, đã có sự tái khái niệm hóa về văn hóa, hay mang tính thao tác hơn, xã hội, như một cuộc thương lượng liên tục của các “tác nhân cá nhân” với việc cấu trúc “các vai trò xã hội” của họ, và chiếm đoạt, cũng như “khách thể hóa” thông qua văn hóa vật chất trong các quy trình này. Mô hình kích thích-phản ứng ù lỳ trước đây của xã hội với tư cách là một phương tiện thích ứng thể-ngoại với nền tảng môi trường đã được tái cấu hình và phức tạp hóa rất nhiều. Và, nối tiếp nhau, các tham vọng giải thích khảo cổ học đã bật lên trên các nấc thang suy luận. Công trình của các nhà tư tưởng táo bạo này đóng vai trò như một hiệu chỉnh rất cần thiết cho cái khuôn mẫu sáng chói nhưng cuối cùng lại hạn chế của một tham vọng dứt khoát khoa học. Nhưng mọi thứ đã thay đổi trong vòng 20 năm qua. Cái phản ứng đối với khái niệm tổng thể hóa và khép kín của tự nhiên trong khảo cổ học mới đã phải trở thành thứ học thuyết lỗi thời của những kẻ kế thừa khảo cổ học hậu-quá trình. Ý tưởng về khảo cổ học xã hội nuốt chửng mọi mối quan tâm với quá khứ. Và thứ bùa mê kia vừa có sức lan tỏa lại vừa có sức thuyết phục: như người ta đã tuyên bố gần đây cho ngành học, “mọi thứ đều mang tính xã hội” (để thảo luận về sự thay đổi này, xem Hodder 2004: 26–29). Nhưng cái xã hội đã làm nên công trình gì cho khảo cổ học? Có phải nó đã đắc dụng để hiểu xã hội quá khứ và hiện tại? Liệu việc giải thích xã hội trong khảo cổ học có giúp ta biện pháp sửa chữa, hay nó đã bỏ mất vai trò như một lời nhắc nhở đừng quên các chiến lược diễn ngôn và phi diễn ngôn của các “cá nhân” xưa trong quá trình bồi đắp “hồ sơ” khảo cổ học? Để hiểu được một số câu hỏi kích động đã nêu trước đó, chúng tôi muốn xem xét kỹ hơn đôi chút về một cuốn sách gần đây có thể được cho là đã phong thánh cho cái xã hội trong khảo cổ học.

Lynn Meskell và Robert Preucel đã tâm đầu ý hợp biên soạn các bài luận theo tiêu đề “khảo cổ học xã hội”, dày đặc đến mức tuyệt đối không thể thiếu. Hơn nữa, có rất nhiều vấn đề quan trọng được giải quyết bởi một số nhà thực hành ngành học nổi tiếng nhất và được kính trọng nhất của chúng ta trong Đồng hành cùng Khảo cổ học Xã hội (2004). Tuy nhiên, chúng tôi không xem xét mọi bài luận. Do công trình tuyệt vời của họ tạo bối cảnh cho khảo cổ học xã hội, nên chúng tôi có lợi thế lớn là phô bày được các mối quan tâm của mình trên cơ sở các phần biên tập của Meskell và Preucel. Meskell và Preucel phân chia lĩnh vực này theo chủ đề bao gồm “các thành phần chủ chốt của khảo cổ xã hội”; cụ thể là tính thời gian, tính không gian và tính vật chất (tr.4). Theo phạm vi của mỗi thành phần, có một lịch sử ngành học về việc sử dụng và phát triển của từng thành phần với tư cách là các phạm trù. Trong phạm vi các tham số mở rộng, không thể phủ nhận những khái niệm này là trung tâm của công trình khảo cổ học, tuy nhiên việc sửa đổi cái “tính” của từng thuật ngữ lại mách nước ý định của các chủ biên trong việc mô tả đặc điểm khảo cổ học của họ. Đây không phải là những vật chất khách quan của tồn tại “ngoài kia” trong hiện thực, mà thay vào đó là những thành phần của cái “thế giới xã hội”, hay một tiên nghiệm Kantian khúc xạ qua lăng kính của hiện hữu xã hội. Ở đây, chúng ta đang tiến gần hơn đến thứ chất liệu bí ẩn dưới biểu ngữ cái “xã hội” là gì; đó chính là cái biểu ngữ mà Meskell và Preucel tụ họp theo sau. Như họ tuyên bố: “giống hệts con người tạo ra các khái niệm về thời gian và không gian để làm trung gian cho sự tồn tại của họ trên thế giới, thì họ cũng sản sinh ra các khái niệm về tính vật chất, và quả thực, những khái niệm này về cơ bản phụ thuộc lẫn nhau bởi vì các thực hành văn hóa vật chất phục vụ cho việc cụ thể hóa và tái tạo các phương thức cụ thể của không-thời gian” (tr.4). Vì vậy, “sự đánh giá ngày càng cao của khảo cổ học theo nghĩa ‘xã hội’ này” đòi hỏi sự thừa nhận rằng con người tạo ra cho mình thế giới riêng của họ được tạo nên bởi một lớp nền của những sự vật hiện thực (tr.3). “Những sự vật hiện thực”, nếu thực sự chúng được thừa nhận theo nghĩa đen, chỉ tự thể hiện qua các bộ lọc của ý thức con người (các bộ lọc, không nghi ngờ gì, bị tắc nghẽn bởi tính phức tạp tuyệt đối của cái thế giới mà chúng phải căng ra!). Hơn nữa, một khi những sự vật này được “sản sinh về phương diện xã hội” dưới nhiều quan niệm khác nhau, với các giá trị cụ thể hoặc thông qua các cảm giác cụ thể (miễn là tất cả đều được “thể hiện”), chúng củng cố đệ quy việc kết hợp thành khái niệm bằng cách thêm một thứ gì đó mà ý thức con người vẫn chưa thể sản sinh được: tính vật chất hiện thực, xác đáng của sự vật (xem Olsen 2003).

Giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa, như các chủ biên nhấn mạnh trong đề mục “cái xã hội và xã hội đương đại” (tr.4), các truyền thống văn hóa khác nhau đã quan niệm về tồn tại và các cấu phần của nó theo cách xen kẽ nhau. Đó là bài học quan trọng cho khảo cổ học tham gia vào việc thẩm định “quá khứ” bản địa và phi-phương Tây. Thật vậy, việc thừa nhận khảo cổ học với tư cách là một thực hành nằm trong xã hội đương đại, với những lợi ích và ảnh hưởng cụ thể thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về quá khứ, vẫn là một kiểm tra quan trọng đối với những giả định mang tính học thuật (chủ yếu là “phương Tây”) của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn nêu ra là: đây có thực sự là cách con người liên quan với vạn vật trên thế giới? Vạn vật thực sự “dẻo” đến mức nào? Cái xã hội khéo léo đến mức nào trong việc xử lý và kết hợp vạn vật của thế giới để trình hiện cho chính họ? Và quan trọng nhất là, thứ chất liệu xã hội này có thực sự mạnh mẽ đến mức xác quyết rằng nó cho phép chúng ta “vượt qua” hoặc “siêu vượt” vô số tính chất nhị nguyên của chủ nghĩa hiện đại đã cản trở nỗ lực của chúng ta nhằm thấu hiểu bản chất của các mối quan hệ giữa con người / vạn vật?

Từ Logic Biện chứng Khốn cùng đến Khái niệm Hỗn hợp

Ở đây chúng tôi trình bày chi tiết lôgic khốn cùng của phép biện chứng, một logic học thường được triển khai theo khảo cổ học xã hội trong việc tìm hiểu các mối quan hệ con người / sự vật. Sau đó, chúng tôi tiếp tục làm rõ khái niệm “hỗn hợp”. Tuy nhiên, để theo đuổi phần đầu tiên của dự án này, chúng tôi sẽ không đề cập đến tập hợp đa dạng của văn liệu triết học. Chúng tôi cũng không cảm thấy cần thiết phải đề cập đến tất cả các phương pháp xử lý biện chứng về văn hóa vật chất (được chuyển thành tính vật chất), cũng như chúng tôi không bị buộc phải điểm lại tất cả các văn liệu mà phép biện chứng được viện dẫn trong khảo cổ học xã hội. Chúng tôi muốn bắt đầu một cách khiêm tốn, ngay từ điều cơ bản nhất, với một trích dẫn duy nhất từ đồng hành với khảo cổ học xã hội mà chúng tôi tập trung vào. Liên quan đến vấn đề đang bàn, Meskell và Preucel khẳng định: Các nghiên cứu về tính vật chất không thể chỉ đơn giản tập trung vào các đặc trưng của các vật thể mà phải cam kết với tính biện chứng của con người và sự vật (tr.16, nhấn mạnh của chúng tôi).

Chúng tôi sẽ tập trung vào câu mật chú này (như nó được lặp lại trong Meskell 2004a: 2, b: 249 và 2005: 4) và chính xác hơn là nêu chi tiết bản chất của các mối quan hệ giữa con người và vật chất được đặc trưng một cách cụ thể trong khuôn khổ “phép biện chứng”. Cùng với khảo cổ học xã hội nói chung và nhiều lĩnh vực khác trong các khoa học xã hội và nhân văn, Meskell và Preucel không hề còn hứng thú với những gì chúng ta có thể mô tả là các phân đôi mang tính chủ nghĩa hiện đại: chủ thể / khách thể, tâm trí / cơ thể, văn hóa / tự nhiên, v.v. - trong việc thấu hiểu những cách thức mà các hiện hữu người có quan hệ với thế giới vật chất. Kết luận của họ là sự phân đôi được kế thừa (mang tính chủ nghĩa hiện đại) giữa các đối tượng và chủ thể “phải được vượt qua” trong nghiên cứu về tính vật chất, như, được gọi tên chính xác hơn, “con người và sự vật” có tính tác nhân như nhau và cấu thành lẫn nhau trong một quá trình bất khả phân ly (tr .16). Ở đây Meskell và Preucel đưa ra lời khuyên hiền triết nhằm thúc giục các nhà khảo cổ suy nghĩ lại về những phân đôi của tư duy khiến người ta suy nhược; những phân đôi bắt nguồn từ sự kế thừa tư tưởng chủ nghĩa hiện đại của chúng ta, đặc biệt từ cái gọi là “Cuộc cách mạng Copernic” của Kant (Latour 1993: 56–59). Cụ thể, cần phải suy nghĩ lại những ý tưởng bất khả xâm phạm về chủ thể và khách thể thuần khiết, về Tự nhiên và Xã hội như những sự khác biệt thực sự (Latour 1993: 56).

Để hình thành mục tiêu của họ, Meskell và Preucel (tr.16) đề xuất phục hồi các phạm trù của chúng ta: “việc nghiên cứu về tính vật chất đòi hỏi phải giải cấu trúc quan niệm của chúng ta về các khách thể và chủ thể như những thực thể thiết yếu và rời rạc cư ngụ trong những thế giới cụ thể, bất khả thẩm thấu.” Vấn đề là ở chỗ, mặc dù hy vọng sẽ vượt xa hơn, nhưng lại không bao giờ bận tâm đến việc vượt qua hay giải quyết, “các thế giới bất khả thẩm thấu”, Meskell và Preucel vẫn bị thu hút bởi thứ bùa mê của cái xã hội và tính ưu trội hiện đại chủ nghĩa của con người như là trung tâm của hành động thừa nhận nó. Đánh giá của họ về tính vật chất, chủ đề chắc chắn nhất có thể chấp nhận được vấn đề một cách nghiêm túc, kết thúc bằng cách tuyên bố rằng “con người tạo ra thế giới khách thể của họ, bất kể có thể có bao nhiêu quỹ đạo khác nhau hoặc các khách thể trở nên giống chủ thể như thế nào” (tr.16; xem thêm Meskell 2004a: 3, b: 249). Không nghi ngờ gì nữa, những người chủ biên đã đúng khi giữ cho chúng ta không phải thoái lui về điều huyền bí của “khách thể” (một tình huống đáng sợ chừng nào khách thể còn tồn tại đối lập với chủ thể); về với một giáo phái thường được kết hợp với một hệ mẫu truyền thống, mang tính phạm trù-lịch sử hoặc chủ nghĩa duy vật. Điều này chỉ đơn giản là tạo nên một vòng xoay khác trong cái cánh cửa xoay của lý thuyết khảo cổ học giữa hai thái cực (ngăn chia bởi một khoảng cách ngày càng mở rộng): quyền ưu tiên tổng quát của cực tự nhiên – quyền ưu tiên của cực xã hội – quyền ưu tiên của cực tự nhiên (Webmoor 2007d) . Nhưng “phép biện chứng” sẽ không thúc đẩy một cách hiểu mới về con người và sự vật. Ngược lại, đây là nơi mà thứ “bùa mê của cái xã hội” chỉ làm sâu sắc thêm những chia rẽ được đề cập ở trên và khi làm như vậy nó đã ngăn cản ngành học góp phần mở rộng thêm các cuộc tranh luận. Tại sao? Chúng tôi cho rằng việc triển khai thuật ngữ “biện chứng” không phải là chính xác là cái rãnh cần đào nếu chúng ta buộc phải khai quật bên dưới những phân cách này. Và chiến lược này phải được phân biệt với việc “vượt qua những phân cách” mà tư tưởng biện chứng khiến chúng ta tin là khả thể kia. Chúng ta nên bám vào các phép ẩn dụ khảo cổ học của mình, bởi vì phương tiện để bỏ qua những rạn nứt này không phải là đưa đến tầng cao biện chứng của giải pháp hay tính siêu việt, mà là đào sâu vào gốc rễ của vấn đề, đến nguồn gốc của huyền thoại, và cắt xén nó. Quá trình hành động này cần được giải thích và minh định.

Chẳng hạn, khi những người chủ biên (cùng với nhiều nhà khảo cổ học khác) triển khai thuật ngữ “biện chứng”, thì về cơ bản họ đang chấp nhận niềm tin rằng con người tạo ra mọi thứ và mọi thứ làm nên con người như đã nhấn mạnh bằng tuyên bố: “trong việc xây dựng các khách thể, xã hội cũng kiến tạo con người” (tr.14; để đọc thêm đoạn lặp lại của khái niệm “cấu thành lẫn nhau” này, tham khảo Meskell 2004a: 3, 4, 6; xem Miller 2005: 9 để biết một đánh giá khác liên quan đến quá trình “khách thể hóa” cũng thần bí như nhau). Việc cấu thành lẫn nhau này là hoàn toàn ổn trong chừng mực chúng ta không giả định trước bản chất của các thực thể mà chúng ta đề cập hoặc bản chất của các mối quan hệ giữa chúng. Việc đặc trưng hóa các mối quan hệ biện chứng như vậy về bản chất là bắt đầu bằng sự phân nhánh cụ thể, bất đối xứng của thế giới. Sự vật và con người được coi là khác biệt về mặt hữu thể luận, như những thực thể tách rời và tách biệt, một cách tiên nghiệm. Tất nhiên, trong phép biện chứng, nhiều người cho rằng có thể thoát khỏi nhị nguyên luận thông qua sự dung hợp, tổng hợp của hai thái cực. Thật vậy, với lập trường thứ ba này, một lược đồ biện chứng biện hộ cho các phép lai, nhưng nó lại chính là phép lai, một kết hợp của hai thành phần tinh chế và không pha trộn với tỷ lệ ngang nhau (để biết việc sử dụng phép lai này trong việc mô tả các công trình gần đây trong khảo cổ học xã hội, tham khảo Meskell 2004a, b: 250). Phép biện chứng bắt đầu bằng sự phân đôi và tách rời các thực thể như người và vật hoặc các tác tố và các cấu trúc hoặc các quá khứ cũng như hiện tại, còn sau đó tiến tới giải quyết sự phân đôi đó. Và lược đồ này cần phải được lặp lại, lặp đi lặp lại. Phép biện chứng, như một huyền thoại về sự quay trở lại vĩnh viễn (một cánh cửa quay vòng), triển khai một logic và từ vựng “khốn cùng đến mức có thể rút ra bất cứ điều gì và mọi thứ từ nó” (Serres with Latour 1995: 155). Trong lược đồ quá-đơn giản hóa này, như Michel Serres đã chỉ ra: “bạn chỉ cần thiết lập một mâu thuẫn, và bạn sẽ luôn đúng… Từ cái giả trở thành bất cứ thứ gì. Mâu thuẫn cho phép bạn suy luận bất cứ điều gì từ bất cứ điều gì (Serres with Latour 1995: 155).

Logic của những bất biến được định vị cẩn thận này đưa ra định hướng lịch sử; nó cung cấp cho lịch sử một động lực tiến bộ. Trong khi những người theo tư  duy hiện đại chủ nghĩa có thể coi “bước tiến bộ” này là sự giải phóng, thì đối với Serres, nó thực sự dẫn đến sự lặp lại nhàm chán và tệ hơn nữa là bạo lực. Những sự lặp đi lặp lại như vậy, bị ràng buộc khi chúng nằm trong những chuỗi mâu thuẫn quá đơn giản, tách chúng ta khỏi cái mới lạ và sáng tạo. Bạo lực như vậy đẩy những thứ lỗi mốt, không hợp thời sang một bên (Witmore 2007b). Bằng cách quên đi những gì được nhìn nhận một cách khoa trương là tàn tích lỗi thời, bị bỏ hoang, chúng ta có nguy cơ lặp lại những tranh luận trong quá khứ, bạo lực trong quá khứ (Serres với Latour 1999: 53). Tuy nhiên, chính sự không lãng quên lại là điểm mạnh chủ chốt của khảo cổ học, đặc biệt là trong bối cảnh bạo lực như vậy (Gonzalez-Ruibal 2006).

Theo cách riêng của nó, “phép biện chứng” này, của Meskell và Preucel, thực sự đi trước cái “xã hội” như một cấu phần nhân quả trên cái vật chất sao cho vạn vật chỉ đơn thuần trở thành một cơ sở thụ động, dễ uốn nắn vì cái xã hội để phóng chiếu hoặc tự ghi dấu ấn bản thân (tr. 16). Bằng lối “giải quyết” đánh lận con đen các phân đôi này, dù được hứa hẹn về một quá trình cấu thành tương liên hơn, nhưng thay vào đó, chúng ta bị bỏ lại trong cánh tay bạo lực của chủ nghĩa nhân văn. Cử chỉ này chia sẻ nhiều đặc điểm với các nghiên cứu về văn hóa vật chất và tính thống nhất-trong-đa dạng của quá trình “khách thể hóa” (Miller 2005; xem chú thích 7 bên dưới). Một vài câu trích dẫn, làm giá đỡ cho lời giới thiệu của người biên tập, củng cố ấn tượng này: “chúng tôi muốn đưa ra một quan điểm khác nhưng có liên quan về khảo cổ học, một quan điểm thừa nhận việc tạo dựng cái xã hội về thời gian, không gian và văn hóa vật chất với tư cách là cấu phần của tồn tại xã hội” (tr.16, nhấn mạnh của chúng tôi); rồi thì, “khảo cổ học xã hội đề cập đến những cách thức mà chúng ta thể hiện bản thân thông qua những thứ mà chúng ta tạo ra và sử dụng, thu thập và loại bỏ, coi trọng hoặc coi là bình thường, vừa tìm cách được ghi nhớ” (tr.3, nhấn mạnh của chúng tôi). Đây là chức năng trống rỗng của cái xã hội với tư cách là cả cấu phần và kết quả mà chúng ta đã bắt đầu. Cái gì là “chất liệu xã hội” được cho là chỉ định một cái gì đó thực hơn các loại vật chất (Latour 2003)? Có phải các nhà biên tập đang sử dụng cách giải thích theo kiến ​​tạo luận xã hội, báo trước một thứ “chúng ta”, con người-giữa-bản thân họ, với tư cách là những nhà sản xuất duy nhất của cơ sở hạ tầng xã hội?

Thay vì là thứ lai tạp, thay vì là sự kết hợp của những gì được coi là hai lĩnh vực khác biệt về hữu thể luận, vạn vật tiếp tục tình cờ với tư cách là những kẻ tiếp nhận thụ động chủ ý xã hội. Ở đây, những người biên tập dường như thực sự trở thành con mồi cho các khuôn khổ của mối hận thù truyền kiếp giữa chủ nghĩa hiện thực mệt mỏi và chủ nghĩa phản hiện thực / chủ nghĩa duy tâm quá phổ biến trong các cuộc chiến khoa học. Chắc chắn là “những người theo chủ nghĩa hiện thực xã hội”, những người biên tập cam kết với một “phép biện chứng” chỉ đơn thuần bênh vực cho thứ chát liệu xã hội vẫn chưa được giải thích này với tư cách là quan tòa của hiện thực - quá khứ và hiện tại. Thay vì cật vấn về các khái niệm cơ bản và bỏ qua tư duy phân đôi, chúng ta lại có một cực phân đôi (cái xã hội) được giả định và khẳng định là quan trọng nhất. Do đó, chúng ta nhận được sự trải rộng của cái xã hội qua các ranh giới phân cách chủ thể - khách thể, hoặc văn hóa - tự nhiên, giống như một cầu nối giải thích (không kể đến một bức tường thành và pháo đài bao bọc). Cái xã hội bao bọc và xóa tội chia rẽ trong vòng tay ôm ấp của nó; và, như tập sách này ngụ ý, nó bao hàm mọi thứ (hầu như tất cả mọi thứ, vì vẫn có thể xảy ra mâu thuẫn (phản đề)). Vì vậy, đặt lại vấn đề một lần nữa, nếu cái xã hội thống nhất mọi thứ và mọi lời giải thích về sự đa dạng của thứ “cả hai / và” (hoặc, tương tự, “cả / hoặc”) đều cuốn theo sức mê hoặc của nó, thì những gì được tập hợp dưới biểu ngữ của cái xã hội ? Chắc chắn, câu trả lời không chỉ bao hàm chủ ý của con người. Chính ở đây, khảo cổ học xã hội có nguy cơ sụp đổ dưới sức nặng của sự chuyển động nhị phân đối với tình trạng bị treo lại mong manh, không giải thích được của nó; nó nhắm mục đích bắc những cây cầu qua mấy vực thẳm, nhưng có thể thấy là về phương diện giải thích nó khó lòng vói mở khỏi mép bờ cái xã hội. Quả thực, chúng ta có thể nói rằng mọi thứ đều mang tính xã hội và cảm thấy hài lòng vì thứ bùa mê ấy đã tống khứ được những phân đôi lừa lọc, vậy mà chúng ta vẫn bị bỏ lại để đợi lời giải thích về cái “xã hội” là gì. Thành ra đành phải quay trở lại với mấu chốt của vấn đề, đó là câu hỏi làm thế nào chúng ta hiểu được con người phải là một loại hiện hữu gì và đến lượt nó, hiện hữu người có quan hệ như thế nào với thế giới vật chất. Đối với khảo cổ học xã hội nói chung, cho dù vạn vật được phú cho “tác tố” đến mức nào đi chăng nữa, thì dường như khó có thể phủ nhận niềm tin rằng sáng kiến ​​luôn xuất phát từ hiện hữu người tự do, biết tư duy (xem lại phần trích dẫn ở trên từ tr.16 , Meskell 2004a: 3, b: 249). Ở đây không cần lặp lại lập luận thay thế cho huyền thoại này một cách chi tiết vì nó đã được trình bày trong các ấn bản trước của chính tạp chí này (Olsen 2003; Witmore 2006a). Chỉ cần nói rằng chúng ta không bị giới hạn vào những gì trong đầu hay những gì trong da. Chúng ta hòa trộn với vạn vật của thế giới theo cách bất khả phân chia về hữu thể luận (để biết các cách tiếp cận sáng tạo lấy cảm hứng từ khoa học nhận thức, tham khảo Malafouris 2004, Knappett 2005, để biết những người khác cam kết với lý-thuyết-mạng-tác-nhân, tham khảo Olsen 2003, Webmoor và Witmore 2004, Witmore 2004, Van Reybrouck và Jacobs 2006, Shanks 1998).

__________________________________________

(Còn nữa…)

Nguồn: Webmoor, Timothy and Christopher L. Witmore (2008). Things Are Us! A Commentary on Human/ Things Relations under the Banner of a ‘Social’ Archaeology, Published in the Norwegian Archaeological Review, Vol. 41, No. 1, 2008.

Tác giả:

1.Timothy Webmoor chuyên về văn hóa vật chất và hình ảnh Internet; nghiên cứu cách thức trung gian hóa văn hóa bởi các nền tảng, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số. Ngoài việc điều hành công ty tư vấn thiết kế kỹ thuật số của riêng ông, Webmoor còn thực hiện các dự án bao gồm: i) Dân tộc học của các lập trình viên và "codework"; ii) Dân tộc học kỹ thuật số của MMORPG; iii) Văn hóa doanh nghiệp của các công ty công nghệ; iv) Tư duy thiết kế trong các công ty công nghệ cao; v) Lý thuyết sự vật cái tác tố vật chất; vi) Di sản kỹ thuật số và văn hóa của các “dấu vết trực tuyến; vii) Nhân học của khoa học khảo cổ thực hành vật chất hóa; viii) Văn hóa Doanh nghiệp, văn hóa khởi nghiệp và tạo điều kiện giao thoa giữa học viện và ngành công nghiệp.

2. GS. Christopher Witmore nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford năm 2005, với luận án về thực hành khảo cổ học Hy Lạp mang tên Multiple-field approaches in the Mediterranean: Revisiting the Argolid Exploration Project - Phương pháp tiếp cận nhiều lĩnh vực ở Địa Trung Hải: Xem xét lại Dự án Khám phá Argolid. Năm sau ông đã làm thực tập sau tiến sĩ với Phòng Thí nghiệm Nhân văn Stanford và Metamedia, nơi ông tiếp tục phát triển các sáng kiến ​​kỹ thuật số. Từ năm 2006 đến 2009, Tiến sĩ Witmore là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Viện Khảo cổ học Joukowsky và Thế giới Cổ đại tại Đại học Brown. Năm 2009, Tiến sĩ Witmore về Đại học Texas Tech với vai trò trợ lý giáo sư. Các công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Witmore đi theo ba con đường bổ sung cho nhau. Trước hết, từ sự phát triển của các hoạt động nông nghiệp thời Đá mới đến các nền kinh tế du mục và sự năng động của các thành bang Hy Lạp đến việc sử dụng đất đai đương đại, ông đã phát triển các khu vực địa lý của vùng nông thôn Hy Lạp trong thời gian rất dài. Thứ hai, công trình của ông đã khám phá các mối quan hệ của con người và vạn vật, đặc biệt là trong bối cảnh của “truyền thông” khi phát triển các phương thức hành động và ý tưởng lưu hành. Thứ ba, các mối quan tâm của anh đã đưa ra những câu hỏi liên quan đến thiết kế tri ​​thức khảo cổ học vị trí của truyền thông kỹ thuật số. Witmore bị cuốn hút bởi đặc trưng và phạm vi của khảo cổ học và trong hơn một thập kỷ, ông đã khám phá những câu hỏi cơ bản liên quan đến các đối tượng, thực tiễn và quan hệ của môn học với những gì đã trở thành quá khứ.

Ghi chú

1. Cái “xã hội của bùa mê” về phương diện tu từ (và nhất thiết như vậy) là tối nghĩa. Hơn nữa, chúng tôi không muốn cái xã hội phải được coi là sự thay thế trực tiếp cho công nghệ như trong tiêu đề của Gell. Chúng tôi cho rằng cái “xã hội” đã trở nên khó nắm bắt hơn nhiều.

2. Trong khi chúng ta nhận thức được lịch sử lâu dài và phức tạp của thuật ngữ này trong các khoa “nhân văn” nói chung, ở đây chúng tôi triển khai “chủ nghĩa nhân văn” theo nghĩa kinh điển như một tập hợp các tiền giả định đặt con người vào một vị trí đặc biệt liên quan đến thế giới vạn vật (xem chú thích 10). 

Tài liệu Tham khảo

Authier, M. 1995. Refraction and Cartesian ‘forgetfulness’. In Serres, M. (ed.). A History of Scientific Thought, pp. 315–343. Blackwell Publishers, Oxford.

Binford, L. 1962. Archaeology as anthropology. American Antiquity 28, 217–225.

Buchli, V. 2004. Material Culture: current problems. In Meskell, L. & Robert, P. (eds.). A Companion to Social Archaeology, pp. 179–194. Blackwell Publishers, Oxford.

Childe, G. 1949. Social Worlds of Knowledge. Oxford University Press, London.

Clark, G. 1939. Archaeology and Society. Methuen, London.

Crease, R., Ihde, D., Jensen, C.B. & Selinger, E. 2003. Interview with Bruno Latour. In Ihde, D. & Selinger, E. (eds.). Chasing Technoscience: Matrix for Materiality, pp. 15–26. Indiana University Press, Bloomington, IN.

Deleuze, G. 1983. Nietzsche and Philosophy. Columbia University Press, New York. Commentary on Human/Things Relations 67

Deleuze, G. 1993. The Fold. Leibniz and the Baroque. University of Minnesota Press, Minneapolis, MN.

Gell, A. 1985. How to read a map: remarks on the practical logic of navigation. Man 20, 271–286.

Gell, A. 1992. The technology of enchantment and the enchantment of technology. In Coote, J. & Shelton, A. (eds.). Anthropology, Art and Aesthetics, pp. 40–66. Clarendon Press, Oxford.

Gomez Chavez, S. 2000. La Ventilla, Un Barrio de la Antigua Ciudad de Teotihuacan. Exploraciones y Resultados. Tesis de licenciatura, ENAH, Mexico.

Gonzalez-Ruibal, A. 2006. The dream of reason. An archaeology of the failures of modernity in Ethiopia. Journal of Social Archaeology 6(2), 175–201.

Goodman, N. 1978. Ways of Worldmaking. Hackett, New York.

Hacking, I. 1999. The Social Construction of What? Harvard University Press, Cambridge, MA.

Haraway, D. 1991. Simians, Cyborgs and Women: The Reinvention of Nature. Routledge, New York.

Harman, G. 2005. Heidegger on objects and things. In Latour, B. & Weibel, P. (eds.). Making Things Public. Atmospheres of Democracy, pp. 268–271. The MIT Press, Cambridge, MA.

Hawkes, C.F.C. 1954. Archaeological method and theory: some suggestions from the Old World. American Antiquity 56, 155–168.

Hodder, I. 1982. Theoretical archaeology: a reactionary view. In Hodder, I. (ed.). Symbolic and Structural Archaeology, pp. 1–16. Cambridge University Press, Cambridge.

Hodder, I. 1999. The Archaeological Process. An Introduction. Blackwell Publishers, Oxford.

Hodder, I. 2004. The ‘social’ in archaeological theory. An historical and contemporary perspective. In Meskell, L. & Preucel, R.W. (eds.). A Companion to Social Archaeology, pp. 23–42. Blackwell Publishers, Oxford.

Hutchins, E. 1995. Cognition in the Wild. MIT Press, Cambridge, MA.

Ingold, T. 2007. Materials against materiality. Archaeological Dialogues 14(1), 1–16.

Joyce, R. 2004. Embodied subjectivity. Gender, femininity, masculinity, sexuality. In Meskell, L. & Preucel, R.W. (eds.). A Companion to Social Archaeology, pp. 82–95. Blackwell Publishers, Oxford.

Knappett, C. 2005. Thinking through Material Culture. An Interdisciplinary Perspective. University of Pennsylvania Press, Philadelphia, PA.

Latour, B. 1986. Visualization and cognition: thinking with eyes and hands. In Kuklick, H. & Long, E. (eds.). Knowledge and Society: Studies in the Sociology of Culture Past and Present. Volume 6, pp. 1–40. JAI Press, Greenwich, CT.

Latour, B. 1993. We Have Never Been Modern, (tr. C. Porter). Harvard University Press, Cambridge, MA.

Latour, B. 1994. Pragmatogonies. American Behavioral Scientist 37(6), 791–808.

Latour, B. 1999. Pandora’s Hope. Essays on the Reality of Science Studies. Harvard University Press, Cambridge, MA.

Latour, B. 2003. The promises of constructivism. In Ihde, D. & Selinger, E. (eds.). Chasing Technoscience: Matrix for Materiality, pp. 27–46. Indiana University Press, Indianapolis, IN.

Latour, B. 2004. The Politics of Nature: How to Bring the Sciences into Democracy. Harvard University Press, Cambridge, MA.

Latour, B. 2005. Reassembling the Social: An Introduction to Actor-Network-Theory. Oxford University Press, Oxford.

Macfarlane, A. & Martin, G. 2002. Glass: A World History. University of Chicago Press, Chicago, IL.

Malafouris, L. 2004. The cognitive basis of material engagement. Where brain, body and culture conflate. In DeMarrais, E., Gosden, C. & Renfrew, C. (eds.). Rethinking Materiality: The Engagement of Mind with the Material World, pp. 53–62. MacDonald Institute Monographs, Cambridge, UK.

Meskell, L. 2004a. Object Worlds in Ancient Egypt. Material Biographies Past and Present. BERG Publishers, Oxford.

Meskell, L. 2004b. Divine things. In DeMarrais, E., Gosden, C. & Renfrew, C. (eds.). Rethinking Materiality: The Engagement of Mind with the Material World, pp. 249–259. MacDonald Institute Monographs, Cambridge, UK.

Meskell, L. 2005. Introduction. Object orientations. In Meskell, L. (ed.). Archaeologies of Materiality, pp. 1–17. Blackwell Publishing, Oxford.

Meskell, L. & Preucel, R. (eds.). 2004. A Companion to Social Archaeology. Blackwell Publishers, Oxford.

Miller, D. 2005. Introduction. In Miller, D. (ed.). Materiality, pp. 1–50. Duke University Press, Durham, NC.

Millon, R. 1964. The Teotihuacan Mapping Project. AMANT 29(3), 345–352.

Millon, R., Drewitt, B. & Cowgill, G. 1973. Urbanization at Teotihuacan, Mexico: The Teotihuacan Map. volume 1, parts 1–2, University of Texas Press, Austin, TX.

Olsen, B. 2003. Material culture after text: Remembering things. Norwegian Archaeological Review 36, 87–104.

Olsen, B. 2007. Genealogı ́as de la asimetrıa. Porquenos hemos olvidado de las cosas. In Gonza lez-Ruibal, A. (ed.). Arqueologıa Simetrica. Un Giro Teorico sin Revolucion Paradigmatica, Complutum 18, 287–291.

Renfrew, C. 1973. Social Archaeology. Camelot Press, University of Southampton, Southampton, UK.

Robb, J. 2004. The extended artifact and the monumental economy. A methodology for material agency. In DeMarrais, E., Gosden, C. & Renfrew, C. (eds.). 2004, Rethinking Materiality: The Engagement of Mind with the Material World, pp. 131–139. MacDonald Institute Monographs, Cambridge, UK.

Rorty, R. 1998. Pragmatism as romantic polytheism. In Dickstein, M. (ed.). The Revival of Pragmatism: New Essays on Social Thought, Law, and Culture, pp. 21–36. Duke University Press, Durham, NC.

Serrano Sanchez, C. 2003 (coord.). Contextos Arqueologicos y Osteolo ́gicos del Barrio de La Ventilla. Universidad Nacional Autonoma de Mexico, Mexico City.

Serres, M. 1968. Le System de Leibniz et ses Modeles Mathematiques. 2 Volumes, Presses Universitaires de France, Paris.

Serres, M. 1972. Herme`s. L’Interfe ́rence. Volume II, Minuit, Paris.

Serres, M. 1982. The Parasite. The Johns Hopkins University Press, Baltimore, MD.

Serres, M. 1995. Genesis. The University of Michigan Press, Ann Arbor, MI.

Serres, M. & with Latour, B. 1995. Conversations on Science, Culture, and Time. The University of Michigan Press, Ann Arbor, MI.

Shanks, M. 1998. The life of an artifact. Fennoscandia Archeologica 15, 15–42.

Shanks, M. 2004. Three rooms. Journal of Social Archaeology 4(2), 147–180.

Shanks, M. & Tilley, C. 1987a. Reconstructing Archaeology: Theory and Practice. Cambridge University Press, Cambridge, UK.

Shanks, M. & Tilley, C. 1987b. Social Theory and Archaeology. University of New Mexico Press, Albuquerque, New Mexico.

Shanks, M. & Tilley, C. 1992. Reconstructing Archaeology: Theory and Practice. 2nd edn. Routledge, London, UK.

Tait, H. (ed.). 1991. Five Thousand Years of Glass. British Museum Press, London.

Van Reybrouck, D. & Jacobs, D. 2006. The mutual constitution of natural and social identities during archaeological fieldwork. In Edgeworth, M. (ed.). Ethnographies of Archaeological Practice: Cultural Encounters, Material Transformations, pp. 33–44. AltaMira Press, Lanham, MD.

Webmoor, T. 2005. Mediational techniques and conceptual frameworks in archaeology: a model in mapwork at Teotihuacan, Mexico. Journal of Social Archaeology 5(1), 52–84.

Webmoor, T. 2007a. The dilemma of contact: archaeology’s ethics-epistemology crisis and the recovery of the pragmatic sensibility. Stanford Journal of Archaeology 5, 224–246.

Webmoor, T. 2007b. Un giromas trasel girosocial’. El principio de la simetrıa en arqueologıa. In Gonzalez-Ruibal, A. (ed.). Arqueologıa Simetrica. Un Giro Teorico sin Revolucion Paradigmatica, Complutum 18, 296–304.

Webmoor, T. 2007c (in press). Taking Yahoos! seriously. New media and the platform shift in cultural heritage. Visual Anthropology Review 23(2).

Webmoor, T. 2007d. What about ‘one more turn after the social’ in archaeological reasoning? Taking things seriously. World Archaeology 39(4), 547–562.

Webmoor, T. & Witmore, C. 2004. Symmetrical Archaeology. Stanford: Metamedia, Stanford University.

Whitehead, A.N. 1978 (1929). Process and Reality. An Essay in Cosmology. The Free Press, New York.

Witmore, C.L. 2004. On Multiple Fields. Between the Material World and Media: Two Cases from the Peloponnesus, Greece. Archaeological Dialogues 11(2), 133–164.

Witmore, C.L. 2006a. Archaeology and Modernity, or archaeology and a modernist amnesia? Norwegian Archaeology Review 39(1), 49–52.

Witmore, C.L. 2006b. Vision, media, noise and the percolation of time: Symmetrical approaches to the mediation of the material world. Journal of Material Culture 11(3), 267–292.

Witmore, C.L. 2007a. Arqueologı ́a sime ́trica: Un manifiesto breve. In Gonza ́lez-Ruibal, A. (ed.). Arqueologıa Simetrica. Un Giro Teorico sin Revolucion Paradigma ́tica, Complutum 18, 305–313.

Witmore, C.L. 2007b. Landscape, time, topology: An archaeological account of the Southern Argolid Greece. In Hicks, D., Fairclough, G. & McAtackney, L. (eds.). Envisioning Landscape. Situations and Standpoints in Archaeology and Heritage, pp. 194–225. Left Coast Press, Walnut Creek, CA.

Wittgenstein, L. 1963. Philosophical Investigations. Blackwell Publishers, Oxford.

Wylie, A. 2002. Thinking from Things. Essays in the Philosophy of Archaeology. University of California Press, Berkeley and Los Angeles.

Zielinski, S. 2006. Deep Time of the Media: Toward an archaeology of hearing and seeing by technical means. MIT Press, Cambridge, MA.



 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét