Vai trò của Khảo cổ học Diễn giải (I)
Ian Hodder
Người dịch: Hà Hữu Nga
Bài
viết này cố gắng xác định rõ hơn về các quá trình diễn giải nghĩa trong khảo cổ
học và khai thác sâu hơn vai trò công cộng của hành động diễn giải. Trái ngược
với viễn cảnh hậu hiện đại và hậu cấu trúc luận, cuộc luận chiến tường giải được
mô tả là giải thích về một viễn cảnh mang tính phê phán. Khảo cổ học diễn giải
hậu quá trình cần phải thống nhất ba hợp phần: tính khách quan cẩn trọng của dữ
liệu, các quy trình tường giải để suy luận nghĩa nội tại, và tính phản ánh. Việc
triệu hồi một lập trường diễn giải thì gần gũi hơn với các vai trò năng động mới mà quá khứ khảo cổ học đang lấp đầy bằng một thế giới đa văn hóa.
Diễn giải là gì và tại sao nó lại có vẻ là một thuật ngữ thích hợp
để sử dụng trong khảo cổ học những năm 1990. Trong bài viết này, tôi hy vọng trả
lời hai câu hỏi trên. Trong khi tôi đã từng thảo luận về diễn giải trong khuôn
khổ của cách tiếp cận ngữ cảnh (Hodder 1986), tôi lại không xác định vị trí cho
cách tiếp cận ấy trong mối liên quan với các truyền thống rộng lớn hơn ngoại trừ
các quan điểm đã khá lỗi thời của Collingwood (1946). Trong bài viết này tôi có
ý định đưa ra một định nghĩa rộng hơn về khảo cổ học ngữ cảnh bằng một khung diễn
giải.
Bài viết này sẽ thảo luận về phép tường giải như một hợp phần quan
trọng trong khảo cổ học ngữ cảnh hoặc khảo cổ học tường giải. Đối với nhiều tác
giả thì phép tường giải rộng lớn hơn là một thứ tri thức luận cho các khoa học
nhân văn mà nó sử dụng để diễn giải về tồn tại. Tôi tình cờ bắt gặp một ví dụ rất
điển hình trong công việc hàng ngày về các nguyên tắc tường giải khi nghe đài
phát thanh ở Mỹ. Tôi nghe được cụm từ, hoặc tôi thực sự nghĩ đã nghe được: “Cần phải đưa đau đớn vào nhà It is necessary to indoor suffering”. Khi kiểm tra các “dữ liệu” này
trước hết tôi nghĩ đoạn ấy là một ví dụ về quyền tự do mà những người Bắc Mỹ
thường làm với ngôn ngữ tiếng Anh. Xét cho cùng thì những người Bắc Mỹ thường
biến các danh từ và tính từ thành động từ (chẳng hạn như “to deplane” rời khỏi
máy bay), vì vậy dường như nghĩa của “to indoor suffering” hoàn toàn có thể là “to
take suffering indoors”. Lúc đó tôi không hiểu tại sao lại cần phải đưa đau
đớn vào nhà, nhưng sau đó tôi biết rằng người Bắc Mỹ, nhất là nếu họ sống ở
California, nơi có chương trình phát thanh trên, đều mong muốn thử thách một
cái gì đó. Vì vậy ban đầu tôi hiểu thuật ngữ ấy cứ như thể họ nói cho tôi và
nghĩ rằng từ ấy có nghĩa như vậy. Sau đó tôi trải nghiệm thêm và điều chỉnh
nghĩa này bằng cách đặt nó trong các nguyên tắc cá biệt và đặc biệt của văn hóa
Bắc Mỹ. Đây chính là giai đoạn đầu tiên trong quá trình diễn giải tường giải của
tôi.
Tuy nhiên dần dần quá trình đánh giá nội tại này ngày càng ít ý
nghĩa khi tôi tiếp tục nghe chương trình phát thanh. Diễn giải của tôi về cái
âm thanh “indoor” đưa vào nhà không còn làm cho điều được nói trở nên mạch lạc được
nữa. Chương trình phát thanh này nói về sự đau đớn nói chung, chứ không chỉ nói
về sự đau đớn trong nhà. Các câu chẳng hạn như “to indoor the suffering I took
a pain killer đưa về nhà nỗi đau mà tôi đã uống thuốc giảm đau” thật ít có ý nghĩa. Tôi chỉ có thể thấy các ví dụ này có ý nghĩa
khi tôi chạm tới tư tưởng về một hợp phần nhận thức khác của tôi về ngữ cảnh Bắc
Mỹ: Người Bắc Mỹ thường phát âm “sai” các từ. Dời tri thức ngữ cảnh này để quay trở
về với tri thức chung của riêng mình về các từ tiếng Anh và nghĩa của chúng,
tôi tìm kiếm và tìm ra được từ “endure” chịu đựng – kéo dài. Giờ đây mọi nghĩa đều
trở nên mạch lạc và toàn bộ lại được tái xác lập. Vòng tường giải đã
khép lại.
Tất nhiên toàn bộ điều đó xảy ra trong một vài giây. Nhưng tốc độ
và thực chất tầm thường của quá trình ấy lại không thể nhấn mạnh vào sự phụ thuộc
đáng kể của sự giao tiếp và nhận thức của con người vào các quy trình diễn giải
tường giải. Chúng ta đánh giá nhiều lập luận không quá kỹ bằng việc kiểm
nghiệm tri thức phổ quát chung dựa trên các dữ liệu khi sử dụng các công cụ đo
đếm phổ quát, độc lập, mà bằng việc diễn giải nhận thức chung hoặc bằng tri thức
có trước trong mối liên hệ với nhận thức của chúng ta về các ngữ cảnh đặc biệt.
Chúng ta đặt sự vật cần được nhận thức (trong trường hợp này là âm
thanh “indoor”) càng trọn vẹn vào ngữ cảnh của nó, bằng cách trở đi trở lại giữa
ngữ cảnh “của họ” và “của ta” cho đến khi đạt tới được sự mạch lạc. Điều đó nhấn
mạnh đến các mối quan hệ giữa bộ phận và tổng thể. Chúng ta cố gắng làm cho các
mảnh ghép khít thành một tổng thể diễn giải, đồng thời lại cấu trúc thành một tổng
thể vượt lên khỏi các mảnh ghép diễn giải. Chúng ta đo đếm sự thành công của
mình bằng chính tấm lưới lý thuyết và dữ liệu này (ngữ cảnh của ta và ngữ cảnh
của họ) trong khuôn khổ của mức độ phong phú của dữ liệu được giải thích bằng
giả thuyết của chúng ta so với các giả thuyết khác. Công việc này trở đi trở lại
giữa lý thuyết và dữ liệu, sự hấp thụ này vào ngữ cảnh và bố cục có khuynh hướng
liên quan nhiều hơn đến việc nhận thức các dữ liệu trong khuôn khổ riêng của
chúng và trong việc sử dụng các tiêu chí nội tại cũng như các tiêu chí ngoại tại
để phán đoán.
Đôi khi vẫn có những quan niệm (Hodder 1986; Trigger 1989) cho rằng
khảo cổ học quá trình ít nhấn mạnh vào việc diễn giải các tri thức chung liên
quan đến việc nhận thức nội tại. Nhưng cũng rất thích hợp để đặt câu hỏi là liệu
khảo cổ học hậu quá trình có cam kết đầy đủ vào việc diễn giải cái chung liên
quan đến cái riêng hay không. Đến nay tôi vẫn cho rằng đa phần khảo cổ học hậu
quá trình đã né tránh lập trường diễn giải, ngoại trừ lập trường hời hợt. Về tổng
thể, khảo cổ học hậu quá trình quan tâm đến quyền lực, sự thương thảo, văn bản,
liên văn bản, hệ tư tưởng, tác nhân, ...v.v. Nhiều mối quan tâm trên có thể đưa
chúng ta đi theo hướng diễn giải, nhưng chúng lại duy trì những mối quan tâm
chung và mang tính lý thuyết vẫn kiểm soát các tư tưởng hiện nay của chúng ta. Chúng
chủ yếu đại diện cho các lợi ích của diễn ngôn đàn ông phương Tây, da trắng.
Có rất ít nghiên cứu hậu quá trình nói rõ “Tôi sẽ đặt lý thuyết ở
hạng hai, xử lý nó một cách đơn giản như một món hành lý, và làm nó nổi bật lên
để kể một tích truyện, chẳng hạn về sự phát triển của xã hội thời đại Đồ đồng ở
Bavaria”. Về tổng thể, các nhà khảo cổ học hậu quá trình, kể cả tác giả của bài
viết này, cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc chỉ rõ tính hiệu lực của bộ công
cụ lý thuyết phổ quát của chúng ta. Dữ liệu này chỉ là những ví dụ được thao
tác để thể hiện, thường không đầy đủ, một vấn đề lý thuyết nào đó. Việc diễn giải
vẫn còn chưa đầy đủ.
Khuynh hướng phát triển một diễn ngôn lý thuyết phổ quát và áp đặt
vào quá khứ là thông dụng đối với cả khảo cổ học quá trình và hậu quá trình. Cả
hai trường hợp đều chưa đủ nhạy cảm đối với sự khác biệt độc lập của các ngữ cảnh
quá khứ và đối với các nghĩa ngữ cảnh nữa. Sự thiếu nhạy cảm ấy bắt nguồn từ hai
khuynh hướng khác nhau. Khảo cổ học quá trình đặt nhiều trứng vào chiếc giỏ
phương pháp. Phương pháp phổ quát được đề xuất cho phép chúng ta đọc một mạch
các động thái từ các con số thống kê, và vì vậy mà có rất ít nỗ lực cấu trúc
các quy trình diễn giải đủ nhạy cảm với các nghĩa nội tại. Ngược lại, ở một mức
độ lớn, khảo cổ học hậu quá trình thì lại yếu về phương pháp (Watson 1986). Thực
ra thì có thể khẳng định rằng mức độ tập trung vào các thảo luận về lý thuyết
và các tiêu chí lý thuyết cao đến mức phương pháp của khảo cổ học hậu quá trình
cũng chính là lý thuyết. Tính nghiêm nhặt của các tiêu chuẩn lý thuyết đã thay
cho tính nghiêm nhặt của phương pháp nhưng lại lấy đi phần ngang bằng khỏi sự
diễn giải các nghĩa lịch sử nội tại, cụ thể.
Tình trạng khan hiếm mối quan tâm đến nghĩa nội tại trong cả khảo
cổ học quá trình và khảo cổ học hậu quá trình cũng liên quan đến một mối quan
tâm chưa đầy đủ đối với ngữ cảnh của các nhà khảo cổ học. Tình trạng thiếu tính
phản ánh trong khảo cổ học quá trình được thừa nhận một cách rộng rãi, nhưng việc
khẳng định trong mối quan hệ với khảo cổ học hậu quá trình có lẽ lại đáng ngạc
nhiên. Gợi ý của tôi xuất phát từ quan sát đã được đề cập ở trên cho rằng trong
thực tế thì các bài viết về khảo cổ học hậu quá trình phần lớn lại liên quan đến
lý thuyết hơn là đến phương pháp. Ở cấp độ lý thuyết, về cơ bản khảo cổ học quá
trình đã tỏ ra là không đầy đủ. Kết quả thực tế của cuộc luận chiến thuần túy
lý thuyết có khuynh hướng làm dáng nhiều hơn. Cuộc luận chiến lý thuyết liên
quan đến việc định nghĩa các khái niệm, xác định cách ranh giới, và đưa ra các
đối lập. Ý nghĩa lý thuyết luôn luôn mang tính tham chiếu (đối với các lý thuyết
khác) và có khuynh hướng mâu thuẫn về thực chất. Lập luận thường chỉ là hớt ngọn
hơn là xuất phát từ dữ liệu, chỉ tương hợp như là những ví dụ. Lập luận thường
hoàn toàn là về hiện tại, chứ không phải là về quá khứ. Việc thao tác các dữ liệu
chỉ để phục vụ cho các mối quan tâm hiện tại luận, và trong khi khảo cổ học hậu
quá trình đã khai mở thành công lĩnh vực phê phán thì nó lại chú tâm không đầy đủ
đến các định kiến của riêng mình.
Kết quả là, tôi cho rằng khảo cổ học hậu quá trình có lẽ cũng khẳng
định là cấp tiến, nhưng nó lại chỉ tái lập các cấu trúc nghiên cứu khảo cổ học
cổ xưa hơn. Nó có khung hướng chỉ làm một thứ theo một cách khác mà thôi. Có lẽ
một ví dụ điển hình nhất về tính liên tục trong các cấu trúc quyền lực trong diễn
ngôn hàn lâm, mặc dù có các khẳng định về sự thay đổi cấp tiến về nội dung tư
tưởng, nhưng sự thật thì vẫn là cái mà Grahame Clark, Davis Clarke, Ian Hodder,
Christopher Tilley, và Michael Shanks, bằng cách bao quát hàng loạt lập trường
lý thuyết khác nhau theo thời gian, tất cả đều đã hoặc đang gắn liền với
Peterhouse – một ngôi trường nhỏ, phản động, riêng rẽ ở Cambridge.
Hầu hết những gì mà khảo cổ học hậu quá trình đã lập luận đều vẫn
chưa được đánh giá theo tinh thần phê phán và hiệu quả các hành động của nó đều
vẫn chưa được khảo sát kỹ lưỡng. Chẳng hạn các lý thuyết mới và các cách viết mới
về chúng thường vẫn được sử dụng để làm cho các văn bản khảo cổ học thêm mù mờ
và khó cho bất cứ ai, trừ nhà lý thuyết được đào tạo đến trình độ cao để giải
mã. Làm thế nào để các nhóm thay thế tiếp cận được với một quá khứ bị khóa chặt
cả về phương diện tri thức lẫn thể chế? Các nhóm phụ thuộc muốn được cam kết với
hành động diễn giải khảo cổ học cần phải được trang bị bằng các phương tiện và
cơ chế tương tác với quá khứ khảo cổ học theo những cách thức khác nhau. Đây
không phải là vấn đề phổ thông hóa quá khứ mà là vấn đề biến đổi các mối quan hệ
sản xuất tri thức khảo cổ học thành các cấu trúc dân chủ hơn.
Về quan điểm này có chút hiểm họa, chẳng hạn như Renfrew (1989) cho
rằng nếu chúng ta chấp nhận quá khứ được cấu tạo bộ phận trong hiện tại (trong
mối quan hệ biện chứng giữa quá khứ và hiện tại, khách thể và chủ thể), và
chúng ta phải nghe và tích hợp các giọng khác cũng như các ý nghĩa lịch sử được
cấu trúc bởi, chẳng hạn, phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số thì chúng ta có thể
vẽ được các tuyến bao quanh công trình nghiên cứu khảo cổ học chính thống từ
đâu? Liệu chúng ta có nghênh đón các giọng điệu của các nhà sáng tạo luận, lũ
cướp bóc cổ vật, những người sử dụng máy dò kim loại và các nhà khảo cổ học
“bên lề” khác trong một tòa tháp ồn ào đủ giọng? Dựa trên nền tảng nào để có thể
khẳng định tính chính thống và ưu quyền đối với kẻ khác, chứ không phải là các
dự án tổng hợp của, chẳng hạn, khảo cổ học quá trình hoặc hậu quá trình?
Một cách tiếp cận thay thế cho các cách tiếp cận tường giải trong
các khoa học xã hội và nhân văn khởi nguồn từ các tác giả - các tiền thân và
các chiến sỹ đấu tranh cho tư tưởng hậu hiện đại và hậu cấu trúc luận – cũng đã
từng đặt vấn đề tương tự về những ranh giới nghiên cứu chính thống bằng cách
tìm kiếm tính đa thanh, phân mảnh và lan truyền. Các tác giả này, kể cả Nietzsche,
Foucault (Tilley 1990b), Kristieva, Barthes (Olsen 1990), và Derrida (Yates
1990) đã treo nghĩa trong các chuỗi biểu nghĩa và nhấn mạnh đến tính mở của các
cách diễn giải trong sự phụ thuộc của chúng ta vào ngôn ngữ. Công trình hậu cấu
trúc ngày càng tác động ảnh hưởng đến khảo cổ học (Bapty and Yates 1990; Tilley
1990a; xem thêm Hodder 1989b) và nó trở nên quan trọng vì đã khai mở một vấn đề
trung tâm. Vậy thì cái gì là ranh giới giữa tính đa thanh khai mở ở nơi mà bất
cứ diễn giải nào cũng chất lượng như nhau và cuộc đối thoại chính thống giữa
các lợi ích “khoa học” với lợi ích của người Anh Điêng châu Mỹ, người da đen,
và các lợi ích nữ quyền luận?
Theo tôi thì các tuyến phát triển phi tường giải, phi diễn giải
trong khảo cổ học hậu quá trình và trong toàn bộ khoa học xã hội hậu hiện đại đều
được sử dụng để tái xác lập thêm cho các lập trường thống trị đang bị đe dọa bởi
chính tính mở ấy đối với các viễn cảnh phi khoa học thay thế như các nhà khảo cổ
học quá trình vẫn e ngại (chẳng hạn Renfrew 1989). Tác động của hậu cấu trúc luận
(Bapty and Yates 1990; Hodder 1989; Tilley 1990a) hướng đến tính đa thanh và
quá trình lan truyền nghĩa. Chân lý và tri thức được khẳng định là ngẫu nhiên
và đa bội, còn tương đối luận, ở một mức độ nào đó lại có tính giải trí. Trước
hết, sự phát triển hướng đến một lập trường hậu cấu trúc phi tường giải này dường
như đã bắt đầu. Nó để cho quá khứ mở ngỏ đối với các giọng điệu khác nhau và giải
cấu trúc tính phổ quát của các khẳng định manh tính chân lý. Nhưng phê phán nữ
quyền của chủ thuyết hậu hiện đại (chẳng hạn Mascie-Lees et all. 1989) thì lại đang
đặc biệt được khám phá ở đây. Các lý thuyết gia và chuyên gia quyền năng, từ những
tin chắc đầy phấn khích của những năm 1960, đã ngày càng mất đi độc quyền xác định
các chân lý khảo cổ học khi các lập trường khác đã được phụ nữ, các nhóm thiểu
số và toàn bộ các viễn kiến khác trong lý thuyết khảo cổ học lên tiếng, mà
không hề bận tâm đến toàn bộ các khảo cổ học ấy là ở bên lề.
Như Mascia-Lees et all. (1989; xem thêm Eagleton 1983) đã xác định,
phản ứng hậu cấu trúc luận đối với tình trạng mất mát quyền năng này thực sự là
huyền ảo. Cái quan niệm cho rằng chân lý à tri thức là ngẫu nhiên và đa bội đã
nhấn mạnh vào yêu sách của các nhóm phụ thuộc. Nó tước quyền của họ bằng cách lạ hóa họ khỏi tình hiện thực mà chính
họ đã trải nghiệm. Sự trớ trêu và tương đối luận đã xuất hiện với tư cách là những
khả tính tri thức đối với các nhóm thống trị ở chính cái thời điểm mà tính phổ
quát và bá quyền trong các quan điểm của họ bị thách thức (Mascie-Lees et all.
1989). Kết quả là một yêu sách phổ quát mới huyền ảo hơn đối với chân lý đã được
sản sinh để phê phán chân lý. Sự nhấn mạnh của hậu cấu trúc luận vào tính đa
thanh, ẩn dụ và quá trình phân mảnh có thể được kiến tạo nhằm nắm bắt được thực
chất phức tạp và mâu thuẫn của đời sống xã hội. Nhưng thực ra thì cái được đem
đến lại là một giải pháp xung đột với một tổng thể gây hứng mà tác giả hiếm khi
hiện diện. Chính bản thân tác giả cũng bị phân mảnh, xa lìa, không ràng buộc, lửng
lơ; quyền năng nhưng luôn luôn vắng mặt và vì vậy mà không thể đáp trả được các
phê phán.
Vậy là diễn ngôn lý thuyết hậu hiện đại đã tinh tế truất quyền phê
phán và xác lập một quyền năng mới xa cách. Các yêu sách chính trị cấp tiến của
nó được nhấn mạnh bởi tính bất toàn và đa thanh của các yêu sách tri thức. Khảo
cổ học hậu cấu trúc luận trở thành một trào lưu không căn nguyên. Với tư cách
là kết quả của các mối liên kết của nó với hậu cấu trúc luận và hậu hiện đại luận
(Hodder 1989b), khảo cổ học hậu quá trình không phải lúc nào cũng quan tâm đến cuộc
đối thoại mở với “các nhóm khác”. Có một chút tích hợp của các yêu sách thay thế
về quá khứ trong một nước Anh hoặc nước Mỹ đa sắc tộc. Có một chút đối thoại với
khảo cổ học nữ quyền, chẳng hạn, trong công trình của Shanks và Tilley (1987a,
1987b), mặc dù thực tế thì người ta có thể đòi hỏi một cách hợp lý là sự phát
triển của khảo cổ học hậu quá trình đã phụ thuộc vào sự phát triển của nữ quyền
luận và khảo cổ học nữ quyền. Nhưng cái “giọng khác” này lại thường bị chiếm đoạt
và bị thống trị trong khảo cổ học hậu quá trình (M. Conkey, thông tin riêng
1990).
Thay vì ôm lấy hậu cấu trúc luận, khảo cổ học hậu quá trình nên nắm
bắt lập trường diễn giải để tránh các vấn đề trên và để bứt ra khỏi các mối
ràng buộc đã thành của sự chi phối trong quá trình sản xuất quá khứ khảo cổ học.
Trong thảo luận bước đầu này, tôi đã bắt đầu xác định ba khía cạnh thiết yếu của
cách tiếp cận trong khảo cổ học.
Trước hết, tính khách quan thận trọng của quá khứ cần phải được
duy trì sao cho các nhóm phụ thuộc có thể sử dụng quá khứ khảo cổ học để tăng
thêm quyền năng tri thức của họ cho các yêu sách trong hiện tại, và để phân biệt
các yêu sách của họ khỏi các loại khảo cổ học ngoài lề không nền tảng. Với từ
tính khách quan “thận trọng”, tôi muốn nói là các “dữ liệu” được tạo thành
trong một mối quan hệ biện chứng. Trong ví dụ mà tôi đã đưa ra về chương trình
phát thanh ở Mỹ, tôi đã nghe được, hoặc
nghĩ là tôi đã nghe được, chính cái đoạn “to indoor suffering” đưa nỗi đau
về nhà. Âm thanh mà tôi thu nhận được từ buổi phát thanh chỉ trở thành dữ liệu
âm thanh thông qua diễn giải của tôi về tiếng nói từ nền âm lách cách và thông
qua nhận thức (không chính xác) của tôi về các từ nhất định. Diễn giải của tôi
là dựa trên cơ sở sóng âm khác quan, nhưng nó lại cũng thâm nhập vào việc xác định
chúng như là các dữ liệu. Dữ liệu được tạo ra một cách biện chứng. Thứ hai, một
hợp phần tường giải nội tại cần phải được duy trì bằng diễn giải. Chúng ta cần
nhạy cảm với những khác biệt. Việc cố gắng nhận thức quá khứ trong khuôn khổ các
trải nghiệm của ác tác nhân xã hội đã giúp cho quá khứ thoát khỏi các lý thuyết
chuyên môn trừu tượng để đi vào lĩnh vực nhận thức hàng ngày của con người, đồng
thời lại tạo cơ sở cho việc phê phán các định đề phổ quát trong hiện tại. Nó
giúp cho người ta có thể kể lại những tích truyện thích hợp với con người. Người
ta đều có nhu cầu thoát khỏi lý thuyết để bắt tay vào diễn giải dữ liệu, với điều
này, tôi muốn nói rằng việc thoát ra khỏi một giả định đề chủ yếu của quá khứ hướng
đến gắn liền lý thuyết với dữ liệu như là một bộ phận của một quá trình học hỏi.
Thứ ba, việc xem xét mang tính phản ánh trong quá trình sản xuất tri thức khảo
cổ học sẽ dẫn đến một sự cam kết có phê phán đối với giộng nói của các quyền lợi
khác, bằng ách xác định các nguyên do nhờ đó mà quá khứ đã được tạo dựng, và bằng
cách định vị các cơ chế làm cho nó trở nên độc nhất vô nhị.
Vậy là cuộc tìm kiếm trong khảo cổ học hậu quá trình là để có được
một tích hợp đầy đủ của cả ba mục đích này bằng các thao tác phương pháp luận
được xác định rõ ràng. Vì vậy cần phải đem đến cho khoa học một ngữ cảnh mà
trong khảo cổ học là phương pháp luận, chứ không phải là một mục đích tối hậu
hoặc chỉ với tư cách là một cấu thể phù hợp của lý thuyết. Tôi đã cho rằng hợp
phần khoa học này của công việc khảo cổ học cần phải tránh nhấn mạnh một cách không
cơ sở vào các yêu sách tri thức bởi các nhóm lợi ích và để tránh việc gộp quá
khứ vào một thứ hiện tại mang tính đồng nhất hóa về phương diện lý thuyết. Nhưng
chúng ta làm thế nào để tích hợp các mối quan tâm khoa học như vậy cho một quá
khứ khách quan cẩn trọng bằng một khảo cổ học phi thực chứng?. Làm thế nào để
chúng ta có thể chấp nhận cam kết vào cái quá trình rộng lớn hơn các mối quan hệ
sinh thái và thích nghi, và cái quá trình tích hợp các hành động của con người?
Theo quan điểm của tôi, các lời đáp cho các câu hỏi này có thể đạt được từ các
phát triển trong cuộc luận chiến xung quanh các nghiên cứu tường giải.
_______________________________
Nguồn:
Ian Hodder 1991. Interpretive Archaeology
and its Role. American Antiquity, 56(1), pp.7-18.
Tác
giả: Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London
năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư
Đại học Cambridge từ năm 1977 ở tuổi 28.
Tài
liệu dẫn:
Bapty I., and T. Yates 1990. Archaeology
after Structuralism. Routledge, London.
Eagleton T. 1983. Literary
Theory. Blackwell, Oxford.
Eagleton T. 1987. Processual
Archaeology and the Radical Critique. Current Anthropology 28: 501-538.
Collingwood, R. G. 1946. The Idea
of History. Oxford University Press, London.
Hodder I. 1986. Reading the Past.
Cambridge University Press, Cambridge.
Hodder I. 1989b. The Meanings of
Things. Unwin Hyman, London.
Mascia-Lees, F. P. Sharpe, and C.B. Cohen 1989. The Postmodernist Turn in Anthropology. Signs 15: 7-33.
Olsen, B. 1990. Roland Barthes: From Sign to Text. In Reading Material Culture, edited by C. Tilley, pp. 163-205.
Blackwell, Oxford.
Renfrew C. 1989. Comments on Archaeology into the 1990s. Norwegian Archaeological
Review 22: 33-41.
Shanks, M., and C. Tilley 1987a. Re-constructing
Archaeology. Cambridge University Press, Cambridge.
Shanks, M., and C. Tilley 1987b. Social
Theory and Archaeology. Polity Press, Cambridge.
Shanks, M., and C. Tilley 1989. Archaeology
into the 1990s. Norwegian Archaeological Review 22(1): 1-12. Tilley, C.
(editor) 1990 Reading Material Culture. Blackwell, Oxford.
Tilley C. 1990b. Michael
Foucault: Towards an Archaeology of Archaeology. In Reading Material Culture, edited by C. Tilley, pp. 281-347.
Blackwell, Oxford.
Tilley C. 1990a. Reading
Material Culture. Blackwell, Oxford.
Trigger, B. 1989. A History of
Archaeological Thought. Cambridge University Press, Cambridge.
Watson, P.J.
1986. Archaeological Interpretation,
1985 In American Archeology Past and
Future, edited by D. Meltzer, D. Fowler, and J. Sabloff, pp. 439-458.
Smithsonian Institution Press, Washington, D.C.
Yates, T. 1990. Jacques Derrida:
'There is Nothing Outside of the Text.' In Reading Material Culture, edited by C. Tilley, pp. 206-280.
Blackwell, Oxford.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét