Powered By Blogger

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Nền tảng triết học của phép tường giải triết học (II)



Nền tảng triết học của phép tường giải triết học (II)

James Risser

Người dịch: Hà Hữu Nga

1. Hiện tượng học như một trào lưu vượt khỏi chủ thuyết Kant mới

Thật trớ trêu là, vì chính lý do chung đó mà Heidegger muốn đặt niềm tin vào Dilthey trong khóa giảng này, cụ thể là vì Dilthey quan tâm đến đời sống thực, còn Gadamer thì lại muốn làm như Husserl. Bằng khái niệm Lebenswelt thế giới sống người ta nhận thấy Husserl vẫn tiếp tục dự phóng của ông nhằm đạt tới cái cho sẵn mang tính tiền phản ánh của các sự vật; trong trường hợp này thì khái niệm thế giới sống đã được sử dụng để hỗ trợ cho thứ khách quan luận có căn nguyên trong khoa học Galile. Gadamer biết rất rõ rằng bước chuyển sang thế giới sống có ưu quyền trong triết học về đời sống trước đó, đã được phát hiện trong các công trình của Nietzsche, Simmel, Berson, và Dilthey. Tuy nhiên Gadamer vẫn có thể đọc Husserl một cách thích thú vì quá trình xây dựng chủ đề dứt khoát này của khái niệm thế giới sống.  

Vấn đề đối với Gadamer không phải là vị trí của công trình Cuộc khủng hoảng Khoa học Châu Âu,  Crisis [1936] của Husserl, trong đó khái niệm thế giới sống đã được xây dựng thành chủ đề một cách dứt khoát, bên trong trào lưu hiện tượng học; có nghĩa là đó không còn là vấn đề liệu Husserl có thay đổi lập trường của ông vào cuối đời dưới ảnh hướng của phép phân tích của Heidegger về Dasein trong Hữu thể và Thời gian hay không nữa. Có bằng chứng cho thấy rằng khái niệm thế giới sống đã được Husserl công thức hóa vào những năm 1920 [14]. Đối với Gadamer, vấn đề thế giới sống là sự thấu hiểu của Husserl “cái nhiệm vụ biện minh cho tri thức không có nghĩa là tri thức khoa học cũng có nghĩa là tổng thể tính của kinh nghiệm tự nhiên của chúng ta về thế giới” [PH* 152/GW**3 124]. Về phương diện này thì việc giới thiệu khái niệm thế giới sống cần phải được nhìn nhận trong bối cảnh của trào lưu vượt khỏi chủ thuyết Kant mới.

Nhưng Gadamer không hề mù quáng đến mức không thấy được các khó khăn cố hữu trong phân tích của Husserl về thế giới sống. Vì phong cách tư duy của Husserl không phân biệt rõ giữa sự tự điều chỉnh và tự phê phán, nên Gadamer cảm thấy rằng khái niệm thế giới sống không thể đọc theo cách mơ hồ được. Một mặt khái niệm thế giới sống mô tả cách tiếp cận hiện tượng học nguyên gốc mà Husserl đã chọn cho việc nghiên cứu hiện tượng học của ông, là thứ phân biệt ông và mối bận tâm triết học của ông khỏi chủ thuyết Kant mới và trào lưu khoa học luận thực chứng đang thống trị (PH 182/GW3 147). Về phương diện này thì khái niệm thế giới sống được Gadamer diễn giải mở rộng để chỉ cả tính hướng đích của hiện tượng học nhằm hỗ trợ cho tổng thể kinh nghiệm khoa học trở thành một lĩnh vực rộng lớn của kinh nghiệm hàng ngày. Đó là một cuộc quay trở về với cái thế giới cho trước, thực chất không từ bỏ lý tính, mà chỉ từ bỏ thứ lý tính khách quan luận mở rộng bằng cách quy giản khoa học thực chứng vào toàn bộ đời sống. Mặt khác, đó là một thứ “chủ nghĩa tự phê phán mới” dường như làm cho đích đến của Husserl trở thành nền tảng triết học như là một khoa học nghiêm nhặt có thể đạt tới được. Mô tả của Husserl trong cuộc khủng hoảng của lịch sử khách quan luận khởi lên khỏi ảnh hưởng của khoa học Galile chỉ đơn giản được dùng để đưa chương trình hiện tượng học của Husserl trở thành bức phù điêu lịch sử hiển lộ mà thôi.

Tuy nhiên, Gadamer cũng nhận thấy rằng mục đích cũ của hiện tượng học tiên nghiệm siêu việt dựa trên ngã tính tiên nghiệm siêu việt không hề bị bỏ quên. Khi Husserl lưu ý trong Crisis rằng “giấc mộng đã trôi qua” đối với triết học với tư cách là một khoa học nghiêm nhặt, thì Gadamer lại kiên trì rằng chúng ta diễn giải về vấn đề này như là một cách nhìn mà Husserl không hề chia sẻ. Thực ra thì Husserl bị thách thức bởi lời tuyên bố chính thức này để làm mới các suy tư của ông – trong trường hợp này, đó chính là suy tư lịch sử cần thiết để bù đắp lại mối hiểm họa về chính tương lai của triết học. Và chính là trong bối cảnh ấy mà Gadamer đã diễn giải Crisis của ông là quan tâm đến việc tiến hành một quy giản tiên nghiệm siêu việt có thể biện hộ được.

“Khi chúng ta coi tập sách như một tổng thể, thì nguyên tắc sáng tác ra nó là không thể mắc lỗi. Nó liên quan đến việc thực hiện một quy giản tiên nghiệm siêu việt có thể biện hộ. Việc khảo sát tỷ mỷ lịch sử khách quan luận được sử dụng chủ yếu làm mục đích đưa chương trình hiện tượng học của riêng ông trở thành bức phù điêu lịch sử hiển lộ. Một cách “chuyển hóa của nhiệm vụ tri thức” đạt được thông qua hiện tượng học. Không hề có cơ sở kinh nghiệm được giả định thêm cho nó. Thậm chí cái niềm tin phổ quát vào thế giới, với tư cách là cuộc sống suy tư tự nhiên của con người, hỗ trợ cho nền tảng kinh nghiệm trong mọi trường hợp nghi ngờ liên quan đến ác nội dung kinh nghiệm phải bị treo lại và phải phát hiện ra cấu thể của nó trong ngã tính tiên nghiệm siêu việt. Ở mức độ đó thì hiện tượng học, trái ngược với toàn bộ các phương pháp khoa học chính là một phương pháp liên quan đến cái không có cơ sở, phương cách của một “kinh nghiệm tiên nghiệm siêu việt”, mà không phải là một phương pháp quy nạp. Vì nó trước hết phải tạo dựng cơ sở cho chính bản thân mình” [PH 159-60/GW 130].

Học thuyết thế giới sống hướng đến lớp nghĩa gốc đã từng tồn tại, nhằm làm cho sự quy giản tiên nghiệm siêu việt trở nên không tỳ vết.

Câu hỏi luôn vương trong tâm trí Gadamer là liệu nỗ lực bảo toàn hiện tượng học tiên nghiệm siêu việt có phải là nghĩa cuối cùng của lịch sử triết học, thông qua quá trình tự minh định, có thể thực sự thành công hay không? Gadamer nghi ngờ nhất về quan điểm trong đó Husserl quy các xem xét lịch sử vào hiện tượng học tiên nghiệm siêu việt. Đối với Husserl, tự phản ánh, gắn liền với loại hình khoa học mới này sẽ lên đến đỉnh điểm bằng một “lề thói phổ quát” của con người. Ở một chừng mực nào đó, Husserl vẫn duy trì mối gắn kết giữa triết học và khoa học trong loại hình khoa học mới này, trong đó có một cách giải thích phổ quát về các sự vật có nguồn gốc từ các mối quan tâm đến cuộc sống, đó thực sự là một điều hứa hẹn. Gadamer muốn biết xem liệu có phải không có một ảo ảnh hiện diện trong khẳng định là “trong bất cứ một phong cách nào, thì các quyết định duy lý đều có nguồn gốc từ khoa học, làm thành một “lề thói phổ quát” [PH 196/GW3, 158]. Lỗi chính là ở cách nghĩ rằng đằng sau các quyết định thực tiễn của chúng ta có một loại tri thức đặt cơ sở trên việc ứng dụng khoa học. Gadamer không nghĩ rằng cái vực thẳm giữa phán quyết thực tiễn đặc trưng hóa cho hoạt động của con người trong thế giới sống này, và tính hiệu lực ẩn danh của khoa học lại có thể tạo thành một cây cầu nối cái vực thẳm kia theo cách đó.

Nhưng nghi ngờ của Gadamer về điểm này lại không quá lấn át tầm vóc trọng đại cơ bản của thế giới sống vẫn bị bỏ qua. “Cái mà chúng ta phải đối mặt ở đây lại không phải là một hợp đề lý thuyết và thực tiễn, cũng không phải là khoa học theo một phong cách mới, mà chính là cái ranh giới chính trị thực tiễn có trước của các khẳng định độc quyền của khoa học và một ý thức phê phám mới liên quan đến đặc trưng khoa học của bản thân triết học” [PH 196/GW3, 158]. Vấn đề đối với Gadamer đã trở thành vấn đề của một cách giải thích về kinh nghiệm tường giải sẽ nhắm đến vấn đề “lý tính trong thời đại khoa học”. Liên quan mật thiết đến vấn đề này, Gadamer sẽ kết nối truyền thống cổ xưa hơn của triết học thực tiễn với cái “xung lực đạo đức” nằm ở nền tảng của tư tưởng Husserl về một loại lề thói mới của thế giới sống.
___________________________________     

Nguồn: James Risser 1997. Hermeneutics and the Voice of the Other – Re-reading Gadamer’s Philosophical Hermeneutics. State University of New York Press.

Tác giả: Tiến sĩ James C. Risser là giáo sư Triết học, Khoa Triết, Đại học Seattle, Hội viên Hội Triết học Mỹ, Hội Triết học Cổ đại, Hội Heidegger; Sáng lập viên Hội Tường giải Quốc tế; đồng sáng lập viên, thư ký Hội Hiện tượng học, Chủ nghĩa Hiện sinh, và Phép tường giải Tây Bắc; Hội viên Hội Tường giải Bắc Mỹ; Hội viên Hội Tường giải Triết học Bắc Mỹ; Hội viên Hội Hiện tượng học và Triết học Hiện sinh; Giám đốc Hội nghị Hiện tượng học Phương tây.

Chú thích:

[14]. Davis Carr viết: “Thực ra thì thuật ngữ Lebenswelt Thế giới sống không phải lần đầu tiên xuất hiện trong ngữ vựng của Husserl ở công trình Crisis; từ này đã xuất hiện trong một bản thảo chép tay với tư cách là một văn bản bổ sung cho công trình Ideas, tập II, trong hồ sơ Louvain ghi năm 1917. Dường như đã có mối liên hệ chặt chẽ với một thuật ngữ vốn rất quen thuộc với người đọc Heidegger và Merleau-Ponty: naturalicher Weltbegriff, Khái niệm Thế giới tự nhiên, và nó được gắn liền với các nghiên cứu trong phần III của Ideen II đề cập đến cấu trúc của thế giới cá nhân, tinh thần và văn hóa đối lập với thế giới khoa học hoặc tự nhiên. Việc đối sánh cho thấy rõ là nhiều chủ đề và mô tả của Ideen IICrisis đều tương đồng ở điểm này, và vì vậy mà các công trình muộn của Husserl đều có thể đã dựa trên các suy tư khởi đầu ở một thời điểm sớm hơn nhiều. Davis Carr, Khái niệm Thế giới sống Có vấn đề của Husserl trong Husserl: Expositions and Appraisals, ed. Frederick Elliston and Peter McCormick (Notre Dame: University of Notre Dame Press, 1977), tr.203. Hãy so sánh nhận định này với các ghi chú của Gadamer về khởi nguồn của khái niệm trong “The Phenomenological Movement” [PH 156/GW3, 127].   

Chữ viết tắt:

*       PH          =  The Phenomenological Movement.
**    PHC         =  The Problem of Historical Consciousness.
***  GW          =  Gesammelte Werke, Tuyển tập Công trình [của Gadamer].


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét