Các
vùng đô thị toàn cầu (I)
Allen
J. Scott, John Agnew, Edward W. Soja, and Michael Storper
Người dịch: Hà Hữu Nga
Cho đến nay đã có hơn 300 vùng đô thị trên thế giới, với dân số hơn
1 triệu người trở lên. Tối thiểu cũng có tới 20 vùng đô thị có dân số vượt khỏi
10 triệu người. Các vùng đô thị này trải từ các quần đô chi phối bởi một vùng lõi
đã phát triển mạnh chẳng hạn như vùng London hoặc Thành phố Mexico cho đến nhiều
đơn vị địa lý đa trung tâm như trường hợp các mạng đô thị Randstad* hoặc Emilia-Romagna**.
Ở bất cứ nơi đâu thì các vùng đô thị này cũng đều mở rộng một cách sôi động, và
chúng đưa đến rất nhiều thách thức sâu sắc cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch
định chính sách khi chúng ta đã bước vào thế kỷ 21. Các quá trình tích hợp kinh
tế toàn thế giới và sự phát triển đô thị ngày càng tăng tốc đã làm cho các chiến
lược chính sách và quy hoạch đô thị truyền thống trong vùng này ngày càng trở
nên có vấn đề, trong khi đó nhiều cách tiếp cận thích hợp vẫn còn đang ở giai
đoạn thử nghiệm. Các phương thức tư duy mới về các quá trình này và những cách
thức hành động mới để khai thác các lợi ích và kiểm soát các tác động tiêu cực của
chúng đã trở thành nhu cầu cấp bách.
Có thể tìm lại nguồn gốc của khái
niệm các vùng đô thị toàn cầu từ
tư tưởng về các “thành phố thế giới” của Hall [1966] và Fiedmann và Wolff
[1982], và tư tưởng về các thành phố toàn cầu của Sassen [1991]. Ở đây, dựa
trên các nỗ lực tiên phong này, chúng ta xây dựng không phải theo cách thức cố
để mở rộng nghĩa của khái niệm bằng các thuật ngữ kinh tế, chính trị và lãnh thổ,
mà trên hết, bởi một nỗ lực chỉ ra cái cách thức để cho các vùng đô thị toàn cầu
ngày càng vận hành như những điểm nút không gian thiết yếu của nền kinh tế toàn
cầu và như những tác nhân chính trị riêng biệt trên sân khấu thế giới. Thực ra khi các đối tượng xã hội
và địa lý đang bắt đầu rã hủy trong quá trình toàn cầu hóa, thì các “vùng đô thị toàn cầu” lại ngày
càng trở thành trung tâm của cuộc sống hiện đại, và càng ngày càng như vậy, bởi
vì quá trình toàn cầu hóa, kết hợp với rất nhiều thay đổi công nghệ, đã tái tác động đến tầm quan trọng của nó với tư cách là các cơ sở của toàn bộ các loại
hình hoạt động sản xuất; không còn vấn đề liệu đó là trong các khu vực gia công
hay dịch vụ, trong khu vực công nghệ cao hay công nghệ thấp nữa. Khi các thay đổi
này bắt đầu quá trình vận hành của chúng thì ngày càng rõ ràng là thành phố
theo nghĩa hẹp là một đơn vị tổ chức xã hội ít phù hợp hoặc ít có khả năng đứng
vững hơn là các vùng đô thị hoặc các mạng lưới vùng đô thị toàn cầu. Có thể
quan sát được một cách thể hiện hữu hình ý tưởng này dưới các dạng hợp nhất bắt
đầu xuất hiện với tư cách là các đơn vị liền kề về tổ chức chính trị địa phương
(các tỉnh, Länder, các hạt, các vùng
đại đô thị, các vùng đô thị tự trị, các départements
tỉnh vùng (Pháp) v.v...) tìm kiếm các liên minh vùng như là loại phương tiện giải
quyết các mối đe dọa và tận dụng các cơ hội trong quá trình toàn cầu hóa. Trong quá
trình này, chúng tôi cho rằng, các vùng đô thị toàn cầu đã xuất hiện trong những
năm gần đây như là một loại hiện tượng địa lý và thể chế mới, cực kỳ quan trọng
trên sân khấu kinh tế, chính trị và địa lý thế giới.
Trong phần tiếp theo, chúng tôi cố gắng đưa các nhận xét này tới gần
hơn với tâm điểm khái niệm. Chúng tôi sẽ thảo luận dựa trên năm câu hỏi chủ yếu
sau:
1. Tại sao các vùng đô thị toàn cầu lại phát triển nhanh vào đúng một
thời điểm trong lịch sử khi một số nhà phân tích khẳng định rằng chung cục của
địa lý đang hiện diện, và thế giới đang chuyển mình sang một loại không gian
phi nơi chốn của các luồng vật chất?.
2. Các loại hình tổ chức kinh tế xã hội trong các vùng đô thị đã
phản ứng như thế nào với quá trình toàn cầu hóa, và đã xuất hiện các vấn đề mới
nào với tư cách là hệ quả của quá trình đó?
3. Các vùng đô thị toàn cầu phải đối mặt với các nhiệm vụ quản lý
chủ yếu nào khi chúng tìm cách để bảo tồn và củng cố sự thịnh vượng và phúc lợi
của chúng?
4. Liệu các vùng ít tiên tiến về phương diện kinh tế trên thế giới
có thể khai thác được các lợi ích tiềm tàng của sự phát triển vùng đô thị toàn
cầu đối với lợi thế riêng của chúng và những gì là những bất lợi chủ yếu của sự
phát triển như vậy cho chúng?.
5. Chúng ta làm thế nào để xác định được lợi ích công cộng trong
các vùng đô thị toàn cầu đồng nhất về phương diện văn hóa? Đặc biệt là các khái
niệm truyền thống về dân chủ và quyền công dân đang phải chịu thách thức như thế
nào bởi sự xuất hiện của các vùng đô thị toàn cầu và bằng cách nào để có thể
làm cho chúng trở nên hiệu quả hơn trong bối cảnh mới này?
Liên quan đến toàn bộ các câu hỏi trên là những khẳng định mang tính cạnh
tranh về hai hệ tư tưởng chính trị chủ yếu dường như rõ ràng là lơ lửng để giả
định về các vai trò nổi bật trong các xã hội tư bản hiện đại trong các thập kỷ
tới đây, cụ thể là một thứ chủ thuyết tân tự do đang thống trị, và ngày nay đã
trở nên rõ ràng hơn hết trong bất cứ nơi nào tại Liên minh Châu Âu - một viễn cảnh
dân chủ xã hội (hoặc thị trường xã hội) mới. Hai hệ tư tưởng xã hội này xuất
trình trong những tầm nhìn về tương lai của các vùng đô thị toàn cầu hoàn toàn
trái ngược nhau về phương diện lý thuyết và thực tiễn.
Trào
lưu vùng mới trong bối cảnh toàn cầu
Trong những thập kỷ ngay sau Thế chiến II, hầu như toàn bộ các quốc
gia tư bản chủ nghĩa chủ yếu đã được đặc trưng bởi các chính phủ trung ương mạnh
và các nền kinh tế được phân ranh giới quốc gia chặt chẽ. Các quốc gia này đã tạo
ra một khối chính trị trong khuôn khổ của một Pax America, Hòa bình kiểu Mỹ, bản
thân nó được củng cố bằng một mạng lưới thể chế quốc tế (Hệ thống Bretton
Woods, WB Ngân hàng Thế giới, IMF Quỹ tiền tệ Quốc tế, GATT Hiệp định Chung về Thuế
quan và Thương mại), thông qua đó họ tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế.
Mặc dù thương mại quốc tế và các dòng đầu tư mở rộng nhanh chóng sau thời kỳ hậu
chiến, chúng vẫn phá vỡ khả năng của các nhà nước-dân tộc để thực hiện các chính
sách kinh tế quốc nội. Một hệ quả của tình trạng này là ở chỗ mỗi nước đều có cấu
trúc thể chế quốc gia riêng ở mức độ lớn hay nhỏ đều tạo ra các quá trình xã hội
và dân số và duy trì một hệ thống đô thị dân tộc khác biệt.
Ngày nay toàn cầu hóa đã
đưa đến những chuyển biến trọng đại đối với trật tự thế giới cũ. Giờ đây có nhiều
thử nghiệm thể chế đang dẫn đạo định hướng về một cách thức tổ chức chính trị
và xã hội mới về phương diện không gian. Tổ chức mới mẻ này bao gồm toàn bộ hệ
thống phân cấp thấm nhập vào các hoạt động kinh tế và
các mối quan hệ quản trị của các quy mô lãnh thổ, trải từ toàn cầu đến địa phương và trong hệ thống
các vùng đô thị toàn cầu đang xuất hiện đó thì loại tổ chức này đã hiện hình một cách nổi bật. Dưới đây
là 4 vấn đề cần phải được thực hiện về hệ thống thứ bậc này:
1. Các khối lượng hoạt động kinh tế khổng lồ đang tăng lên hàng
ngày (các chuỗi đầu vào – đầu ra, các luồng di cư lao động, thương mại, đầu tư
trực tiếp nước ngoài, các hoạt động thương mại quốc tế, các dòng tiền, v.v...) giờ
đây đã xuất hiện trong mạng lưới xuyên quốc gia ngày càng mở rộng. Khi toàn cầu
hóa vận động về phía trước thì nó gây ra các xung đột và các tình trạng khó xử,
và đến lượt mình, nó lại tác động tới hàng loạt phản ứng chính trị và các nỗ lực
xây dựng thể chế liên quan đến các mạng lưới này. Các ví dụ về lĩnh vực này bao
gồm hàng loạt định chế thương mại và tài chính quốc tế đã có, chẳng hạn như nhóm
G7/G8, OECD Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền
tệ Quốc tế, và Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại, giờ đây đổi thành Tổ
chức Thương mại Thế giới. Trong khi các ứng phó chính trị đặc biệt này đối với
các sức ép của toàn cầu hóa vẫn bị hạn chế về phạm vi và thẩm quyền thực tế,
thì chúng lại có khả năng mở rộng và củng cố khi chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục
toàn cầu hóa.
2. Một phần với tư cách là hệ quả tất yếu của các sức ép này, trong
mấy thập kỷ qua đã có một sự gia tăng nhanh chóng của các khối đa quốc gia chẳng
hạn như EU Liên Minh châu Âu, NAFTA Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, MERCOSUR
Hiệp định Thương mại Tự do Nam Mỹ, ASEAN Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, APEC
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, CARICOM Cộng đồng Caribe, và
nhiều tổ chức khác nữa. Các khối này cũng thể hiện các phản ứng thể chế đối với
các áp lực tạo ra bởi hiệu ứng tràn ổn định của chủ nghĩa tư bản quốc gia vượt
khỏi các ranh giới chính trị truyền thống của chúng. Các quốc gia này thuộc
nhiều cấp độ phát triển khác nhau trong hiện tại, với EU rõ ràng vẫn là đội
quân tiên phong. Tuy nhiên vì họ chỉ tham gia thành một số nhỏ, nên rõ ràng là
họ có thể quản lý như là những đơn vị chính trị, tức là các vấn đề chi phí giao
dịch quốc tế tương đối hạn chế và vẫn dễ dàng duy trì sự đồng thuận, so với các
tổ chức được coi là toàn cầu thực sự.
3. Các quốc gia có chủ quyền và các nền kinh tế dân tộc vẫn có những
yếu tố thống trị của khung cảnh kinh tế, chính trị đương đại, mặc dù rõ ràng là
họ đang trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc. Các nhà nước riêng rẽ không
còn được hưởng cấp độ chính trị có chủ quyền mà họ đã từng có nữa, và trong các
điều kiện toàn cầu hóa ngày càng tăng họ tự thấy ngày càng ít có khả năng hoặc
ý chí bảo vệ toàn bộ các lợi ích vùng và khu vực trong phạm vi quyền hạn của họ.
Nhiều khu vực kinh tế đã bị phụ thuộc vào quá trình giải biên giới ồ ạt trong
vài thập kỷ qua, đến mức là tình hình ngày càng trở nên khó, nếu không muốn nói
là không thể chỉ ra một cách chính xác, chẳng hạn như nền kinh tế Bắc Mỹ sẽ kết
thúc ở đâu và các nền kinh tế Đức và Nhật sẽ bắt đầu từ đâu. Kết quả là một số
hoạt động thường xuyên trước đây đã được thực hiện dưới sự bảo hộ của nhà nước
trung ương nay đang bị đồng hóa vào các thể chế ở các cấp độ siêu quốc gia; đồng
thời các chức năng khác đã bị thả nổi cho các thể chế vùng hoặc địa phương vận
hành.
4. Vì vậy, và quan trọng nhất đối với mục đích của phần bài viết
này là sự trỗi dậy của các loại hình tổ chức kinh tế, chính trị trên cơ sở vùng
, với việc thể hiện rõ ràng nhất của khuynh hướng này trong các vùng đô thị
toàn cầu. Vậy là các quỹ đạo kinh tế và chính trị của các vùng đô thị này chỉ
có thể được nhận thức một cách đầy đủ trong mối quan hệ với hệ thống phân cấp
phức tạp của các quy mô lãnh thổ đan xen thâm nhập đã được đề cập ở trên.
Khái niệm về sự trỗi dậy của các tổ chức kinh tế chính trị dựa
trên cơ sở vùng đòi hỏi phải được chi tiết hóa hơn nữa. Thiên hướng về bất cứ
loại hình hoạt động kinh tế nào – các khu vực gia công hoặc dịch vụ chẳng hạn –
đều tập trung thành các cụm địa điểm dày đặc dường như ngày càng tăng mạnh trong
mấy thập kỷ gần đây. Vấn đề về sự kề cận của các tác nhân kinh tế hiện tại, ở một
mức độ đáng kể, là một phản ứng mang tính chiến lược đối với sự cạnh tranh kinh
tế tăng cường, trong nhiều tiết đoạn của nền kinh tế đều ngày càng trở nên bất
chắc và đã đặt tầm quan trọng đặc biệt vào quá trình học tập và đổi mới. Việc tập
trung thành cụm đã tạo điều kiện cho các công ty phản ứng với các thách thức
này bằng cách tạo ra những cấp độ vận hành linh hoạt hơn và bằng cách củng cố
các năng lực đổi mới của họ. Toàn cầu hóa đã nhấn mạnh vào quá trình này, mặc
dù nó không hề là nguyên nhân độc nhất, vì vậy mà với quá trình quốc tế hóa của
các thị trường thì các nền kinh tế của các vùng đô thị toàn cầu cũng đã phát
triển theo. Vì vậy các vùng đô thị toàn cầu rộng lớn bắt đầu vận hành như là
các bệ đỡ lãnh thổ để từ đó các nhóm hoặc các mạng công ty tập trung tranh
giành nhau các thị trường toàn cầu. Đồng thời giờ đây nhiều vùng đã trở nên phụ
thuộc vào các sức ép cạnh tranh xuyên biên giới ngày càng trở nên quyết liệt. Vì
vậy chúng phải đối mặt với việc lựa chọn hoặc quy phục các áp lực này một cách
thụ động hoặc tham gia năng động vào việc xây dựng thể chế và hoạch định chính
sách bằng nỗ lực xoay chuyển quá trình toàn cầu hóa đến hết mức để có thể được
hưởng lợi. Đó là một lựa chọn đặc biệt mang tính quyết định đối với các vùng đô
thị vì giờ đây các chính phủ trung ương đã biết rất rõ rằng nó ngày càng khó
đáp ứng được mọi nhu cầu ngày càng tăng của mọi địa phương khác nhau dưới quyền
giám sát của nó, đặc biệt là các địa phương thường có các vấn đề hoàn toàn mang
tính đặc ứng. Để làm rắc rối thêm tình trạng này, nhiều vùng đô thị cũng đã tự
thấy rất rõ rằng nó đang ngày càng phải đối mặt với các nhiệm vụ mới hệ trọng của
quá trình tích hợp và đại diện của nền chính trị địa phương. Các nhiệm vụ này
trở nên đặc biệt khẩn cấp khi các vùng đô thị toàn cầu càng ngày càng vận hành
với tư cách là các cực hấp dẫn lao động di cư tiền công thấp từ khắp mọi nẻo của thế giới đến mức là hầu như ở khắp nơi các nhóm cư dân ngày càng trở
thành các nhóm đa ngôn ngữ và bị xé lẻ thành các nhóm xã hội ngoài lề. Hệ quả của
tình trạng này là nhiều vùng đô thị ngày nay đang phải đối mặt với các vấn đề cấp
bách liên quan đến quá trình tham gia chính trị và các quá trình tái cấu trúc địa
phương về bản sắc chính trị và quyền công dân.
Bản đồ thế giới mới, xoay chuyển theo khuynh hướng này, ở một cấp
độ lớn, có thể được thể hiện trong khuôn khổ của 4 quy mô lãnh thổ xen cài của
các mối quan hệ chính trị và kinh tế đã được mô tả ở trên cùng với hàng loạt loại
hình quan hệ đan chéo nhau từ các thể chế dân sự quốc tế đến các hoạt động trải
rộng bao la của các công ty đa quốc gia. Một thể khảm hoặc một quần thể các
vùng đô thị lớn tạo thành một mạng cấu trúc chủ yếu của nền kinh tế toàn cầu đã
hiện diện trên cơ tầng địa lý của toàn bộ hệ thống [Veltz 1996]. Đó chính là tâm
điểm chú ý của chúng ta đối với các chức năng kinh tế của các hệ thống kinh tế địa
phương hóa này.
____________________________________
Nguồn:
Allen J. Scott (Eds.) 2002. Global
City-Regions – Trends, Theory, Policy. Oxford University Press.
Tác
giả:
Allen J. Scott:
giáo sư địa lý và chính sách công Đại học California, Los Angeles, sinh năm
1938 tại Liverpool, Anh quốc, tốt nghiệp St John's College, Oxford University
năm 1961. Nhận học vị Tiến sỹ tại Đại học Northwestern năm 1965. Ông giảng dạy tại
các Đại học Pennsylvania, Đại học College London, Đại học Toronto, Đại học
Paris, Đại học Hong Kong, và từ 1981 là Đại học California, Los Angeles, nơi
ông được vinh phong là giáo sư kiệt xuất.
John
A. Agnew: sinh năm 1949, là một nhà địa chính trị lỗi lạc của thế
giới Anh-Mỹ, tốt nghiệp Đại học Exeter và Liverpool, Anh quốc và Đại học Ohio
Hoa Kỳ. Ông được vinh phong giáo sư kiệt xuất về địa lý của Đại học California,
Los Angeles, UCLA. Ông giảng dạy về địa chính trị, lịch sử địa lý, các đô thị
Châu Âu và Thế giới Địa Trung Hải. Từ 1998 – 2002 ông là chủ nhiệm Khoa Địa lý tại
UCLA. Hiện nay ông là tổng biên tập của Tạp chí Territory, Politics, Governance của Routledge.
Edward
W. Soja: sinh năm 1940 tại Bronx, New York City, là một nhà địa chính trị hậu
hiện đại và nhà quy hoạch đô thị tại UCLA. Ông được vinh phong giáo sư kiệt xuất về quy hoạch đô thị của Đại
học California, Los Angeles, UCLA và của Đại học Kinh tế London. Ông có những
đóng góp to lớn về lý thuyết không gian và địa văn hóa theo quan điểm của nhà
xã hội học đô thị Marxist Pháp Henri Lefebvre, tác giả của công trình Sản xuất Không gian 1974. Soja tập
trung chủ yếu vào việc phân tích phê phán hậu hiện đại về không gian và xã hội,
mà ông gọi là không gian tính đối với con người và các vị trí của Los Angeles.
Michael
Storper: là giáo sư quy hoạch đô thị của Đại học California, Los Angeles, UCLA, chuyên về địa kinh tế như là những
lực lượng tác động đến cách thức tổ chức kinh tế theo không gian địa lý; toàn cầu
hóa với tư cách là quy mô của các quá trình kinh tế và những quá trình biến đổi
kèm theo trong quản lý công ty, các thị trường và các thể chế vận hành; công
nghệ như là một lực lượng cấu trúc đại kinh tế và toàn cầu hóa, thay đổi công
nghệ là động cơ chủ chốt của địa lý, vì nó làm thay đổi cấu trúc chi phí giao
thông và chi phí thương mại; các vùng đô thị toàn cầu, nơi tập trung các hoạt động
về phương diện địa lý, là động cơ chủ chốt cho các cấu thể và vận hành các nền
kinh tế các vùng đô thị; phát triển kinh tế trên cơ sở địa lý là cách kiểm soát
mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế. Ông là Tiến sỹ danh dự của Đại học Utrecht,
Hà Lan năm 2008, và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh quốc năm 2012.
Ghi
chú của người dịch:
* Randstad: là một quần đô ở Hà Lan, gồm 4 thành phố lớn nhất là
Amsterdam, Rotterdam, Den Haag, Utrecht và các vùng xung quanh. Với dân số khoảng
7.100.000 người, đây là một quần đô lớn nhất Châu Âu, kích cỡ ngang với Milan
hoặc vùng Vịnh San Francisco, với diện tích khoảng 8287 km². Randstad là một quần
thể đô thị và công nghiệp trải trên vùng đất thấp trung tây Hà Lan, với 4 đô thị
công nghiệp chủ yếu trải từ Utrecht ở phía đông đến Dordrecht ở miền nam, rồi đến
Lelystad ở miền bắc. Đây là một trong những quần thể đô thị quan trọng nhất về
phương diện kinh tế, văn hóa, dân cư vùng tây bắc Âu. Vùng đô thị toàn cầu này
tạo thành một vòng tròn gồm 4 quần đô lớn Amsterdam, Rotterdam, Den Haag, và
Utrecht cũng như một số đô thị cỡ trung bình và nhỏ hơn như Almere, Delft,
Leiden và Haarlem. Các quần đô này được xây dựng xung quanh vùng trung tâm xanh
của Hà Lan, vùng trung tâm xanh này không chỉ cung cấp cho các quần đô không
khí trong lành, mà còn là các vùng nông nghiệp sinh thái, nghỉ ngơi và giải
trí. Thiết kế tổng thể các quần đô Hà Lan là sự kết hợp hài hòa giữa thế giới tự
nhiên và các hoạt động sôi nổi nhất của con người, làm cho Randstad trở thành một
trong những vùng đô thị toàn cầu hấp dẫn nhất thế giới.
** Emilia-Romagna là một vùng hành chính Bắc Italia, gồm hai vùng
Emilia và Romagna, với thủ đô là Bologna, là một vùng có diện tích lên đến
22.446 km2 với khoảng 4.4 triệu dân. Gần ½ (48%) vùng đô thị này là
đồng bằng, còn lại 27% là đồi và 25% là vùng núi non. Các dãy núi trải dài hơn
300 km từ phía bắc đến vùng đông nam, với ba ngọn cao trên 2000 m là Monte
Cimone, 2165m, monte Cusna 2121m, và Alpe di Succiso 2017m, càng làm cho cảnh sắc
vùng này thêm ngoạn mục. Đây là một vùng đô thị toàn cầu giàu có và phát triển
vào bậc nhất châu Âu, và Bologna là đô thị có chỉ số chất lượng sống vào loại
cao nhất thế giới, với các dịch vụ xã hội tiên tiến nhất. Emilia-Romagna còn là
một trung tâm văn hóa và du lịch và tri thức nổi tiếng, với đại học Bologna, một
trong số những đại học lâu đời nhất thế giới. Đặc biệt vùng này là quê hương sản
sinh ra các công ty xe hơi danh giá như Ferrari, Lamborghini, Maserati, Pagani,
De Tomaso và Ducati. Đây là một đơn vị hành chính, có chính phủ vùng do một vị
chủ tịch đứng đầu, được bàu 5 năm một khóa, dưới ông là một phó chủ tịch và 10 vị
bộ trưởng và một bí thư phụ trách văn phòng chủ tịch. Về phương diện lịch sử,
đây đã từng là vùng nổi tiếng với cuộc kháng chiến chống phát xít trong Thế chiến
II, là nơi đầu não của đảng cộng sản Italia, và ngày nay là trung tâm của các
liên minh cánh tả với Tuscany, Umbria và Marche tạo thành một Tứ giác Đỏ nổi tiếng trên chính
trường Italia. Nơi đây còn nổi tiếng với truyền thống chống giáo quyền từ thế kỷ
19, khi một phần của Emilia-Romagna thuộc về các thành bang độc lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét