Powered By Blogger

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Tham vấn cộng đồng trong các Dự án phát triển (I)



Tham vấn cộng đồng trong các Dự án phát triển (I)

Người chuẩn bị: Hà Hữu Nga



Vai trò của hoạt động tham vấn cộng đồng

Việc hiện đại hoá qui trình xây dựng kế hoạch là một đòi hỏi bức thiết nhằm giải quyết các vấn đề ở cấp quốc gia, cấp vùng, và cấp địa phương với tầm nhìn về một tương lai phát triển bền vững. Vì vậy cần hướng đến các kết quả sau: i) cải thiện việc quá trình điều phối và thống nhất trong xây dựng kế hoạch; ii) giảm thiểu mức độ phức tạp trong quá trình xây dựng kế hoạch; iii) cải thiện việc truyền thông và mức độ tham gia của cộng đồng; iv) kiểm soát hiệu quả sử dụng đất; và v) thiết lập các quy trình xây dựng kế hoạch và thực hiện giám sát một cách hiệu quả [Becker, Ted & Slaton, Christa D. 2000; Carson L. and Katharine Gelber 2001].

Chỉ có thể đạt được các mục tiêu đó thông qua quá trình hợp tác; tăng cường sự hợp tác của hàng loạt cơ quan chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức cộng đồng và các cá nhân có liên quan. Tuy nhiên việc cải thiện năng lực thông tin truyền thông và tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trở ngại ở mọi cấp độ. Ở cấp vĩ mô những người ra quyết định cung cấp loại dịch vụ nào đó lại không phải là chính là người cung cấp loại dịch vụ đó. Tình trạng này cản trở đáng kể việc cải thiện mức độ tham gia của cộng đồng. Chỉ có thể giải quyết được các khó khăn vướng mắc của tình trạng này thông qua việc tham vấn cộng đồng nhằm tác động vào các quá trình ra quyết định cũng như quá trình chuyển giao các dịch vụ cần thiết. Bên cạnh đó quá trình xây dựng các kế hoạch chiến lược thường kéo theo nhiều trở ngại cố hữu. Đó là sự hiện diện của các giá trị xung đột hoặc chí ít thì cũng mâu thuẫn với nhau giữa các bên liên quan, tính chất không chắc chắn của các kết quả, những khó khăn khó lường trước được trong quá trình xác định trách nhiệm của các bên liên quan, và thực chất không đơn giản của việc quản lý sử dụng đất một cách bền vững. Bên cạnh các khó khăn cố hữu đó còn có tâm trạng không thoả mãn, thậm chí bất mãn với các phương pháp tham vấn vốn có như các cuộc họp mặt công cộng ít hiệu quả, các đơn từ đệ trình không được giải quyết thoả đáng, hoặc chỉ giải quyết mang tính hình thức, cũng như các vấn đề nóng bỏng liên quan đến cộng đồng nhưng lại cố tình để chìm dần vào im lặng hoặc quên lãng [Carson, Lyn & Martin, Brian 1999].

Cần phải khẳng định rằng không thể và không được phép thay thế tham vấn cộng đồng bằng bất cứ quá trình ra quyết định nào khác. Vấn đề cốt lõi của khái niệm dân chủ cơ sở là người dân có quyền được biết, được bàn, được làm và được tham gia vào các quá trình ra quyết định, cũng như được giám sát việc thực hiện các kế hoạch của dự án. Vì vậy tham vấn cộng đồng có thể giúp cho những người có trách nhiệm tăng thêm sự hiểu biết và lồng ghép các sở thích, nguyện vọng, các mối quan tâm chính đáng của người dân vào các quá trình ra quyết định [Blomeley, N 1996; Miesen, Rene 1997].

Một vấn đề quan trọng nữa trong việc tiến hành tham vấn cộng đồng là mức chi phí. Để có thể tiến hành tham vấn một cách hiệu quả thì cần phải được cung cấp đầy đủ các nguồn lực. Các chi phí cho công việc tham vấn có thể bao gồm các khoản phí tư vấn, phí đi lại cho những người tham gia, các khoản trợ cấp, phí hội họp, phiên dịch, v.v…Chẳng hạn các khoản chi phí có thể được tổ chức đỡ đầu bù đắp hoặc trang trải, được bù đắp bằng việc tham gia tự nguyện của những bên liên quan nào đó, bằng hành động chia sẻ chi phí giữa các tổ chức khác nhau, bằng các nguồn quỹ tìm được, bằng việc phối hợp giữa các hoạt động tham vấn khác nhau, v.v…[Carson, Lyn 1999; Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993].

Trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án, kế hoạch, quy hoạch, các nhà chức trách thu thập được nhiều ý kiến phản hồi đòi hỏi phải nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng, của các nhóm lợi ích, và các cá nhân vào việc xây dựng các kế hoạch một cách hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng giúp đưa ra các sáng kiến và các quan niệm nhằm cải thiện cách tiếp cận trong việc xây dựng kế hoạch, đảm bảo quyền sở hữu của người dân, tăng cường tính chính đáng và mức độ đồng thuận của các bản kế hoạch. Mức độ tham gia cộng đồng cao vào việc xây dựng các kế hoạch còn phụ thuộc vào quá trình tham vấn thích đáng ở cấp địa phương [Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].      

Để cải thiện được quá trình tham vấn, nâng cao mức độ tham gia cộng đồng, trước hết cần cải thiện các kỹ thuật tham vấn ở mọi cấp xây dựng kế hoạch bằng việc chuẩn bị tốt các hướng dẫn cho người thực hiện tham vấn. Những hướng dẫn như vậy sẽ giúp cho hệ thống xây dựng kế hoạch mới trở nên năng động và tích cực hơn nhiều; đó phải là một hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên cộng đồng dễ dàng tham gia vào mọi quá trình và mọi giai đoạn xây dựng kế hoạch; đó phải là một hệ thống lắng nghe và phản hồi tích cực những đóng góp ý kiến, và bày tỏ các mối quan tâm và mọi nguyện vọng chính đáng của các thành viên cộng đồng. Để có thể thực hiện được điều đó thì vấn đề thiết yếu là phải xây dựng được các cơ chế tham vấn đảm bảo tăng thêm quyền lực cho mọi thành viên cộng đồng. Cần phải cải thiện các cơ chế tham vấn nhằm làm cho các cơ chế này có thêm năng lực thu hút rộng rãi các tầng lớp người dân, kể cả thanh niên, phụ nữ, người già, người tàn tật, người ít tiếng nói, người chịu thiệt thòi trong cộng đồng, v.v… [Kathlene L. & Martin, J. 1991; UK Local Government Association 2000; White, Stuart 2000].

Các nguyên tắc tiến hành tham vấn

Trước hết cần phải thiết kế được các cơ chế tham vấn theo nguyên tắc bao gồm đầy đủ mọi đối tượng và nguyên tắc tính bền vững trong việc xây dựng kế hoạch; quá trình tham vấn cũng đòi hỏi phải thu thập được đầy đủ các tri thức, các hiểu biết liên quan và các phương tiện thực hiện tham vấn [UK Cabinet Office 2000].

Công việc tham vấn cộng đồng có thể hữu ích cho cả người tham vấn lẫn người được tham vấn. Nó giúp nâng cao năng lực, kỹ năng, tăng cường thêm thông tin cho người tham vấn bằng cách thức tiến hành tổng hợp, năng động, và tiết kiệm chi phí. Nó cũng giúp cho người được tham vấn cảm thấy rằng tiếng nói của họ được lắng nghe, các ý kiến đóng góp của họ có tầm quan trọng, và những người có trách nhiệm không bỏ qua các mối quan tâm của họ. Nhờ đó mức độ tham gia của cộng đồng vào các quá trình của dự án sẽ cao hơn. Một điều quan trọng nữa là chính quá trình tham vấn sẽ giúp nâng cao hiểu biết và năng lực tham gia của cộng đồng vào các quá trình xây dựng kế hoạch, ra quyết định, v.v…Chính vì vậy công việc tham vấn có khả năng phát triển năng lực của cả người tham vấn lẫn người được tham vấn [Blaug, Ricardo 1999; Blomeley, N 1996].

Hướng dẫn kỹ thuật này được thiết kế để cung cấp cho người sử dụng những kỹ năng cần thiết nhằm tăng cường mức độ thành công của quá trình tham vấn cộng đồng ở mọi cấp địa phương, vùng, và quốc gia. Những người có năng lực tham gia cao vào quá trình tham vấn bao gồm các thành viên cộng đồng, các tổ chức của cộng đồng, các nhóm nghề nghiệp, các cơ quan chính phủ và các nhà lập kế hoạch chuyên nghiệp. Hướng dẫn đề xuất một số nhân tố chủ đạo nhằm đạt được thành công trong các hoạt động tham vấn như sau: i) thực hiện tham vấn dựa trên “các nguyên tắc tham vấn cộng đồng một cách hiệu quả”; ii) tích cực hợp tác trong hoạt động tham vấn; iii) sử dụng mô hình bốn bước cho hoạt động tham vấn. Dưới đây là các nguyên tắc tham vấn cộng đồng một cách hiệu quả:

- Tham vấn đúng lúc: Không nên tiến hành công việc tham vấn quá chậm so với sự xuất hiện của các vấn đề cần tham vấn. Nếu làm như vậy thì việc tham vấn sẽ trở thành một công việc chiếu lệ, hoặc chỉ để củng cố cho các quyết định đã được đưa ra trước đó. Vì vậy cần phải thực hiện nguyên tắc tham vấn đúng lúc, đó là khi những người dân có cơ hội tốt nhất để có thể tác động được đến các kết quả. Cần phải cho người dân có đủ thời gian để bộc lộ các quan điểm của họ.

- Tham vấn đầy đủ: Cần phải lựa chọn những người tham gia không phải bằng cách vận động lôi kéo, mà phải mang tính đại diện cho toàn bộ cư dân với tư cách là các cá nhân và các nhóm. Phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên là cách thức tốt nhất để đạt được kết quả này. 

- Lấy cộng đồng làm trung tâm: Các câu hỏi đặt ra cho người được tham vấn không phải là những câu hỏi thiên về ý muốn cá nhân hoặc thiên về quyền lợi riêng của bản thân người được hỏi, mà phải là những câu hỏi phù hợp với cương vị công dân, với tư cách là một thành viên trong cộng đồng, lấy các mối quan tâm và quyền lợi của cộng đồng làm trung tâm.

- Tham vấn bằng tương tác và thảo luận: Cần phải tránh quy giản cuộc tham vấn thành hình thức hỏi – đáp đơn giản. Để có thể có được một hiểu biết sâu rộng về vấn đề cần tham vấn và đối tượng tham vấn thì cần phải tiến hành hoạt động tham vấn bằng phương pháp đối thoại cởi mở, mang tính thảo luận và xây dựng, sao cho cả người tham vấn lẫn người được tham vấn đều thực sự tham gia vào việc tìm hiểu và giải quyết vấn đề.

- Tham vấn một cách hiệu quả: Mặc dù việc ra quyết định có thể là một hành động nhằm hướng đến sự đồng thuận, nhưng không bao giờ nên hy vọng có sự đồng thuận hoàn toàn, tuyệt đối. Vì vậy cần phải xác định một cách rõ ràng về phương thức ra quyết định sao cho những người tham gia nhận biết và hiểu rõ được tác động của sự tham gia của họ. Cần phải đảm bảo rằng tất cả những người tham gia đều có đủ thời gian để được cung cấp đầy đủ thông tin và để hiểu rõ được nội dung các thông tin được cung cấp [UK Local Government Association 2000; White, Stuart 2000].

- Tham vấn một cách tin cậy và nghiêm túc: Điều quan trọng là phải tạo ra được một ấn tượng là bất cứ một khuyến nghị, đề xuất nào trong quá trình tham vấn cũng sẽ được chấp nhận. Nếu một khuyến nghị, đề xuất nào đó không được chấp nhận thì cần phải giải thích công khai, rõ ràng. Vì vậy cả người tham vấn lẫn người được tham vấn đều phải thực sự tin tưởng vào công việc tham vấn.  

- Tham vấn được hướng dẫn chu đáo: Điều quan trọng là tất cả những người tham gia tham vấn đều biết rõ chương trình và nội dung tham vấn, vì điều đó sẽ giúp cho quá trình tham vấn trở nên đáng tin cậy hơn. Muốn có được kết quả tham vấn tốt thì nhất thiết phải có một người hướng dẫn linh hoạt, độc lập và có kỹ năng cao và không hề vụ lợi.

- Thái độ cởi mở, chân thành và  được đánh giá rõ ràng: Phương pháp tham vấn cần phải phù hợp với nhóm mục tiêu. Các câu hỏi đánh giá cần phải được thiết kế trước. Hãy quyết định cách thức đo lường mức độ thành công của công việc tham vấn. Cần phải ghi nhận cả những yếu tố chưa được người tham gia khuyến nghị, đề xuất. Cần phản hồi thong tin cho cộng đồng sau khi công việc tham vấn đã được cơ bản hoàn thành. 

- Chi phí hiệu quả: Thật khó để đo lường được mức độ thoả mãn của cộng đồng, cũng như mức độ tiết kiệm chi phí khi không thực hiện tham vấn và không có sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên cần phải tính đến các nhân tố như đối với một vấn đề cụ thể nào đó thì cần phải tham vấn bao nhiêu thành viên cộng đồng và tham vấn những loại thành viên nào trong cộng đồng. Cần phải lưu ý là có một số vấn đề đòi hỏi phải tiến hành tham vấn ở một phạm vi rộng rãi hơn, trong khi đó những vấn đề khác thì lại đòi hỏi phải tham vấn theo các nhóm mục tiêu cụ thể. Vì vậy các khoản chi phí sẽ khác nhau và thích hợp với từng lĩnh vực tham vấn cụ thể, nhưng việc lựa chọn quá trình tham vấn phải được cung cấp đầy đủ các nguồn lực [UK Local Government Association 2000; White, Stuart 2000].

- Tham vấn một cách linh hoạt: Hiện có rất nhiều cơ chế tham vấn khác nhau, vì vậy hãy lựa chọn những cơ chế tham vấn phù hợp nhất với các hoàn cảnh và điều kiện tham vấn. Cần phải thử hàng loạt cơ chế tham vấn khác nhau, và hãy suy nghĩ để tìm cách làm cho kết quả tham vấn hữu ích nhất cho tất cả những người sử dụng, bao gồm cả những người sử dụng có cả các nhu cầu đặc biệt, chẳng hạn như các nhu cầu về ngôn ngữ, nhu cầu của những người tàn tật, người già, thanh niên, phụ nữ, các nhóm thiểu số, v.v…Các cộng đồng khác nhau và các vấn đề cần tham vấn khác nhau sẽ tạo ra những phản ứng khác nhau đối với các loại hình tham vấn khác nhau. Vì vậy cần phải kết hợp cả phương pháp định tính và phương pháp định lượng trong quá trình tham vấn [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993]. 

Mười nguyên tắc tham vấn cộng đồng kể trên cần phải được ứng dụng một cách thích hợp cho mỗi tình huống tham vấn cụ thể. Các nguyên tắc này cung cấp cho người sử dụng một khuôn khổ hữu hiệu trong việc thực hiện tham vấn cộng đồng, và giúp tránh được một số lỗi thương thường trong quá trình tham vấn. Đây chính là nhân tố đầu tiên giúp quá trình tham vấn đạt được kết quả mong muốn. Nhân tố thiết yếu thứ hai đối với quá trình tham vấn cộng đồng thành công chính là nhân tố hợp tác trong quá trình tham vấn [Miesen, Rene 1997; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Hợp tác trong quá trình tham vấn

Nhân tố thứ hai thiết yếu đối với quá trình tham vấn cộng đồng thành công chính là hợp tác trong quá trình tham vấn. Hợp tác hiệu quả trong quá trình tham vấn liên quan đến việc “xây dựng kế hoạch thông qua tranh luận” [Healey 1996: 234]. Điều đó có nghĩa là phải đảm bảo tính tương tác và khuyến khích các ý kiến đóng góp tập thể của rất nhiều người tham gia khác nhau, là những người phản ảnh tính đa dạng xã hội của cộng đồng thông qua quá trình tham vấn.

Việc đảm bảo có sự hợp tác hiệu quả trong quá trình xây dựng kế hoạch chính là đảm bảo được tính dân chủ trong hoạt động tham gia. Vì vậy cải tiến quá trình xây dựng kế hoạch thông qua các hoạt động tham vấn cộng đồng chính là quá trình dân chủ hoá trong hoạt động xây dựng kế hoạch thông qua phương thức tham gia rộng rãi của cộng đồng. Việc thừa nhận quá trình xây dựng kế hoạch như là một hoạt động truyền thông đã làm thay đổi cách thức huy động sự tham gia của cộng đồng. Chính hoạt động đó sẽ giúp nâng cao nhận thức về quá trình tham vấn và làm tăng kết quả tham vấn [Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993]. 

Khi những người tham gia tham vấn thảo luận các vấn đề theo phương thức tập thể, thì mỗi người đều đưa ra được các ý kiến, các quan điểm và những hiểu biết của riêng mình. Rõ ràng điều đó giúp nâng cao tính đa dạng của các quan điểm mà không hình thức thu thập nào có thể so sánh được. Bằng cách tiếp cận đó, người tham vấn cũng như người được tham vấn sẽ hiểu biết rõ ràng hơn về các điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình nhận thức một vấn đề tham vấn cụ thể nào đó. Phương pháp đó có thể giúp cho người tham vấn xác định được rõ ràng các yếu tố đồng thuận và không đồng thuận được người tham gia thảo luận dưạ trên các cơ sở nào. Và chính điều đó giúp cho người tham vấn nhận thức rõ ràng hơn những vấn đề nào được các bên liên quan hiểu đúng, những vấn đề nào họ hiểu chưa đúng [Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Thay thế cho tình trạng bằng mặt nhưng không bằng lòng, việc thảo luận tập thể công khai giúp cho người tham vấn đưa ra được những cách thức tìm ra được sự  đồng thuận của các bên liên quan nhằm xác định các mối quan tâm tập thể của cộng đồng. Phương pháp ấy giúp cho việc xây dựng các nguyên tắc hành động của các thành viên cộng đồng trở nên hiệu quả hơn nhiều. Vì vậy hợp tác trog quá trình tham vấn chính là việc thảo luận theo phương thức tôn trọng lẫn nhau giữa những người tham gia; đó chính là quá trình lắng nghe, đánh giá, tìm tòi, và học hỏi lẫn nhau giữa những người tham gia; và điều đó đem lại lợi ích to lớn cho quá trình xây dựng và thực hiện các dự án [Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Mô hình tham vấn bốn bước

Mô hình tham vấn cộng đồng bao gồm các yếu tố: i) tầm nhìn; ii) tối đa hoá đầu vào của chuyên gia tư vấn; iii) tri thức và sự tích hợp các giá trị cộng đồng - lần đầu tiên được Ortwin Renn phát triển ở Đức. Mô hình của Renn đã được sử dụng để tham vấn trong các dự án gây nhiều tranh cãi, kể cả loại dự án xây dựng lò xử lý rác thải nhiệt độ cao [Renn et al 1993]. Sau đó phương pháp của Renn đã được Lyn Carson cải tiến và bổ sung bước thứ tư – đánh giá và phản hồi thông tin [Carson 1999].

Mô hình bốn bước kết hợp các mô hình của Renn và Carson là một cấu trúc tổng thể có thể áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch của các loại dự án từ đơn giản đến phức tạp. Trong mô hình này, mỗi thao tác đều tập trung vào một khía cạnh riêng, và được gọi là một Bước. Việc lựa chọn mỗi thao tác cho hoạt động tham vấn cộng đồng còn tuỳ thuộc vào mức độ và vị trí thích hợp của thao tác đó trong cấu trúc chung của mô hình áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch của dự án [Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Mô hình bốn bước sử dụng ba nhóm tác nhân đại diện cho ba loại hình tri thức [Renn 1993: 190]; điều đó cho phép tổng hợp các nhóm vào quá trình ra quyết định, mà trước đó quá trình này do các nhà chức trách hoặc các nhà chuyên môn thực hiện, không có sự tham gia của cộng đồng. Sự thay đổi này đã giúp cho các nhóm thiểu số, những người chịu thiệt thòi, những người không có tiếng nói, người già, người tàn tật, phụ nữ, thanh niên có thể tham gia vào quá trình ra quyết định, thay vì chỉ có các nhà chức trách và các nhà chuyên môn như trước đây. Nhóm tác nhân thứ nhất được huy động tham gia chính là nhóm có chung kiến thức và sự hiểu biết dựa trên ý thức cộng đồng và các kinh nghiệm cá nhân. Đây là một nhóm lớn được lựa chọn bằng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên [Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994].

Bước 1: Xác định tầm nhìn. Đây là bước liên quan đến việc xây dựng một tầm nhìn hoặc xác định các mục tiêu, thiết lập các giá trị và các tiêu chuẩn đo lường mức độ thành công của việc tham vấn, do nhóm tham gia quyết định. Các tiêu chuẩn này có thể bao gồm các yếu tố của toàn bộ quá trình cũng như các kết quả đạt được.

- Các tiêu chuẩn đánh giá quá trình thực hiện có thể bao gồm: i) mức độ nâng cao hiểu biết của người tham gia về vấn đề xây dựng kế hoạch đang được thảo luận; ii) mức độ nâng cao năng lực tham gia của người được tham vấn thông qua quá trình thảo luận về vấn đề được tham vấn; iii) kỹ năng của người hướng dẫn tham vấn cao đến mức nào.

- Các tiêu chuẩn đánh giá kết quả bao gồm: i) các nhà chức trách và các nhà chuyên môn tiếp thu và đưa các khuyến nghị của nhóm vào việc xây dựng kế hoạch đến mức độ nào; ii) thông tin cung cấp cho cộng đồng đầy đủ đến mức nào; iii) các lý giải của nhà chức trách và các nhà chuyên môn cho cộng đồng có thoả đáng không [Miesen, Rene 1997; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Bước 2: Thực hiện các thao tác: là nhóm có chuyên môn kỹ thuật hoặc có nhiều kinh nghiệm. Nhóm này khắc phục được tình trạng thiếu hụt tri thức mà các thành viên của cộng đồng thường bày tỏ trong các cuộc tham vấn cộng đồng, vì họ cho rằng sự thiếu hụt đó làm cho việc tham gia của họ trở nên ít ý nghĩa. Tuy nhiên trong mô hình này, tri thức chuyên gia không nên được phơi bày quá mức mà cần phải được “ẩn bớt” đi giữa hai giai đoạn tham vấn liên quan đến việc lựa chọn ngẫu nhiên những thành viên tham gia. Tri thức chuyên gia được kết hợp vào toàn bộ quá trình sao cho không quá nổi trội nhưng cũng không bị gạt ra ngoài lề của quá trình tham vấn. Ngoài ra mô hình này còn cho phép cộng đồng được tham vấn học hỏi và hiểu biết nhiều hơn về vấn đề đang được thảo luận, và giúp tăng cường thêm năng lực thảo luận của những người tham gia [Miesen, Rene 1997; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Trong mô hình này, vai trò của chuyên gia cần phải được chuyển đổi thành tầm nhìn hướng đến hành động của cộng đồng và giúp đánh giá xem liệu kế hoạch của dự án có hài hoà với tầm nhìn và các giá trị của cộng đồng hay không. Trong bối cảnh này khái niệm “chuyên gia” bao gồm cả bất cứ thành viên nào của cộng đồng hiểu biết về một lĩnh vực cụ thể nào đó, mà không đòi hỏi họ phải có bất cứ một loại chứng chỉ hoặc bằng cấp chuyên môn nào. Một thành viên cộng đồng có nhiều kinh nghiệm về một vấn đề cụ thể nào đó cũng có thể được coi là một “chuyên gia” giống như đại diện của các nhà chuyên môn thuộc các nhóm lợi ích khác nhau vậy. Việc thực hiện các thao tác với trình độ hiểu biết chuyên gia cần phải có một nhóm tham gia lớn hơn, xử lý các thông tin được cung cấp trong Bước 1, và có thể đưa ra các lựa chọn hoặc xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện được các mục tiêu đã được xác định trong Bước 1, và xác định mức độ khả thi của kết quả thực hiện kế hoạch đó. Việc đưa tầm nhìn vào kế hoạch hành động và  vào quá trình thực hiện là một bước thiết yếu trong quá trình thực hiện dự án [Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Bước 3: Kiểm nghiệm, là nhóm có chung sự hiểu biết xuất phát từ các chủ trương và lợi ích xã hội. Việc lồng ghép loại tri thức này vào quá trình ra quyết định tạo điều kiện cho các nhóm cộng đồng nói lên tiếng nói của mình và có được các đầu vào đối với các lợi ích xã hội. Trong Bước 3, các đề xuất hoặc các lựa chọn nêu ra từ Bước 2 được đưa ra cho cộng đồng để đánh giá khả năng chấp nhận của cộng đồng đối với các đề xuất và các lựa chọn đó. Cộng đồng là một tập thể lớn hơn nhóm người tham gia được tập hợp từ Bước 1. Với tư cách là một toàn thể, cộng đồng được tạo cơ hội để đánh giá và bình luận về quá trình tham vấn cho đến Bước 3 này. Cộng đồng bao gồm các nhóm lợi ích khác nhau, chẳng hạn như các cơ quan nhà nước, các nhóm công nghiệp, các nhà chuyên môn lập kế hoạch và các thành viên cộng đồng [Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Trong giai đoạn này mô hình bốn bước trở nên năng động và linh hoạt. Nếu nhóm tham gia quyết định rằng những lựa chọn nêu ra trong Bước 2 đối với cộng đồng là không thể chấp nhận được thì quá trình tham vấn phải quay lại điểm xuất phát từ Bước 1, và phải tiến hành xác định lại một tầm nhìn mới. Điều đó là cần thiết để cho quá trình tham vấn có thể được giải trình và có được đầy đủ ý nghĩa cần thiết của nó, chứ không phải là một sự đồng thuận nhanh chóng, chưa kịp suy xét thấu đáo, hoặc chỉ mang tính hình thức theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Nếu quá trình tham vấn phải quay trở lại Bước 1 thì toàn bộ các bước đều phải được thực hiện lại. Nếu nhóm tham gia quyết định rằng những lựa chọn nêu ra trong Bước 3 có thể chấp nhận được vì chúng phản ánh các giá trị của cộng đồng thì quá trình tham vấn sẽ chuyển sang Bước 4 [Miesen, Rene 1997; Seargeant, John & Steele, Jane, 1998].

Bước 4: Đánh giá,  khi đã có được các khuyến nghị thì phải cung cấp đầu đủ thông tin đó cho toàn bộ cộng đồng bị ảnh hưởng bởi quyết định của dự án. Hoạt động này tạo điều kiện cho cộng đồng có thể đánh giá được kế hoạch và quá trình xây dựng kế hoạch của dự án. Hoạt động này cũng đảm bảo rằng các quyết định cuối cùng này có thể giải trình cho chính cộng đồng đã được tham vấn. Đồng thời những người tham gia cũng có thể đánh giá được chính quá trình tham vấn dựa trên các tiêu chuẩn đảm bảo thành công đã được xây dựng ở Bước 1. Bẩy phương pháp tham vấn cộng đồng được mô tả thành các thao tác sẽ giúp xác định các cách thức đặt thức áp dụng mô hình 4 Bước này vào thực tiễn. Phối hợp lại với nhau, 7 phương pháp này sẽ giúp cho công việc tiến hành tham vấn được rút ra từ mô hình Bốn bước được thực hiện bằng phương thức đóng góp tập thể, dựa trên các nguyên tắc tham vấn cộng đồng đã đề cập ở trên [Kathlene L. & Martin, J. 1991; Morrell, M. E. 1999].
______________________________________

Tài liệu tham khảo

Becker, Ted & Slaton, Christa D. 2000. The Future of Teledemocracy, Westport, Connecticut, Praeger.

Blaug, Ricardo 1999. Democracy, Real and Ideal Discourse Ethics and Radical Politics, Albany, State University of New York Press.

Blomeley, N 1996. Talking with Indigenous Australians’, in Menere, R. & Bird, J. (eds) Health and Australian Indigenous Peoples: Study Guide, Lismore, Southern Cross University.

Carson, Lyn 1999. Random Selection: Achieving Representation in Planning’, Alison Burton Memorial Lecture, Royal Australian Planning Institute, Canberra ACT, 31 August.

Carson, Lyn & Martin, Brian 1999. Random Selection in Politics, Westport, CT, Praeger Publishers.

Carson L. and Katharine Gelber 2001. Ideas for Community Consultation - A discussion on principles and procedures for making consultation work. A report prepared for the NSW Department of Urban Affairs and Planning. NSW Department of Urban Affairs and Planning

Kathlene L. & Martin, J. 1991. Enhancing Citizen Participation: Panel Designs, Perspectives and Policy Formation’, Journal of Policy Analysis and Management, 10 (1): 46–63.

Miesen, Rene 1997. The Villawood Charrette from a Consultation Perspective, from Conference Proceedings: Reaching Common Ground — Open Government, Community Consultation and Public Participation, 23–24 October 1996, published by the Open Government Network.

Morrell, M. E. 1999. Citizens’ Evaluations of Participatory Democratic Procedures: Normative Theory Meets Empirical Science, Political Research Quarterly, 52 (2): 293–322.

Renn, O., Webler,T., Rakel, H., Dienel, P. & Johnson, B. 1993. Public Participation in Decision-Making: A Three-Step Procedure, Policy Sciences, 26: 189–214.

Sarkissian, Wendy & Walsh, Kevin (eds) 1994. Community Participation in Practice: Casebook, Institute for Science and Technology Policy, Murdoch University.

Seargeant, John & Steele, Jane, 1998. Consulting the Public: Guidelines and Good Practice, Policy Studies Institute, London.

UK Cabinet Office 2000. How to Consult Your Users: An Introductory Guide, London.

UK Local Government Association 2000. Let’s Talk About It… Principles for consultation on local governance, Smith Square, London, March.

White, Stuart 2000. information provided by Dr White regarding a proposed Container Deposit Legislation Televote, Institute for Sustainable Futures, University of Technology, Sydney.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét