Một
lần trong suốt cuộc đời đi học
Hà
Hữu Nga
Kể từ ngày cắp sách tới lớp vỡ lòng cho đến khi vào trường Đại học,
tôi học rất bình thường, hay nói đúng ra là học kém. Hầu như mỗi cấp tôi đều
đúp hoặc suýt đúp một lần; vào được Đại học là một sự tình cờ ngoài sự mong đợi,
vì tôi được cộng thêm điểm ưu tiên thương binh.
Vì là một học sinh kém cho nên trong suốt những năm tháng đến trường
tôi không hề để lại một ấn tượng gì đối với các thầy dạy của mình, và cũng rất
ít thầy nào nhớ tên tôi. Và tôi thấy như vậy là một điều rất bình thường. Tuy gọi
là ngồi học, nhưng tôi suy nghĩ về một điều gì đó hơn là chú ý vào các bài giảng
của thầy. Ngay cả khi học Đại học cũng như vậy. Người ta gọi đó là thân làm tội
đời, vì sau mỗi bài giảng, muốn có được đôi chút kiến thức, tôi lại phải lăn
lưng ra để học. Người biết thì cười. Người không biết thì tưởng là tôi chăm chỉ.
Nhưng không phải vì “cày” như vậy mà điểm số của tôi đã được cải
thiện. Thực ra tôi thường bị các ý nghĩ của mình lôi cuốn, và hầu hết những gì
tôi đọc là mong thoát ra khỏi những “ái lực” ấy. Và thế là 4 năm ngồi trên ghế
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trôi qua như chỉ trong một ngày dài học như một
cơn thiêm thiếp trưa hè của cả một đời người nếu không có một cú “va đập” tâm
trí tôi để rồi trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời đi học trầm nhạt của
tôi.
Đó là với thầy. Và nó hoang mang tôi suốt từ tháng 4 đến tháng 9-1978.
Chỉ đến khi bắt tay vào viết luận án tốt nghiệp vào tháng 10, tôi mới bình tâm trở
lại và tự nhủ: Lại đúp! Đó là số phận! và đó là điều rất bình thường! Như thế,
tôi viết luận án không phấn khích, không hy vọng. Viết trong tâm trạng bình thản,
chấp nhận.
Nhà tôi ở bìa rừng, cạnh một dải ruộng trũng, đúng ra là một con
suối rộng đã được cải tạo thành đồng lúa. Tôi mê mẩn tháng tư – đầu hè, vì lúc ấy
nhiều gió, nắng vàng lồng lộng, hoa sấu và hoa sồi chiu chít vàng trên mặt nước
và lũ ong vàng bay vi vút trong mùa làm tổ, nhưng không hiểu sao những ngày đầu
hè năm 1978 ấy lại bức bối, ngột ngạt đến thế. Không hề có nắng và gió như những
đầu hè trong tâm trí tôi.
Tôi được phân công** làm luận án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của thầy.
Nhóm chúng tôi có 5 người gồm Hoàng Đăng Tý, Nguyễn Xuân Ngọc, Nguyễn Huy Hạnh, Đỗ Đức Thịnh và
tôi. Chúng tôi sẽ đi khai quật lấy tư liệu viết luận án tại Nho Lâm – Diễn Châu
– Nghệ An. Ở đó có hai địa điểm khảo cổ học liền kề nhau. Rú Ta thuộc hậu kỳ đá
mới sơ kỳ kim khí và Đồng Mỏm thuộc thời đại đồ sắt, có mộ vò.
Vì là bộ đội đi học cho nên tôi được cử phụ trách nhóm. Cùng đi với
chúng tôi còn có các sinh viên năm thứ nhất. Công việc đầu tiên của tôi với tư
cách của người phụ trách nhóm là nhận cuốc xẻng, bay, thước, túi v.v..., và các
vật dụng chuẩn bị cho khai quật từ văn phòng khoa, giao cho các sinh viên năm
thứ nhất đem theo tới nơi khai quật. Sau khi xong việc, vào khoảng 11 giờ trưa,
tôi cầm sổ sách lên phòng xép, tầng 3, nhà C1 khu Mễ Trì – nơi thầy ở - để
trình thầy. Nhớ lại cảnh ăn, ở của thầy hồi đó mà buồn. Bù lại, ngày ấy là một
trong số ít phó tiến sĩ được đào tạo ở Liên Xô về chưa bao lâu, đang độ tuổi
tráng niên, tháo vát, đẹp trai, lại uy quyền vì là Bí thư Đảng ủy Khoa sử, đối
với lũ học trò chúng tôi, thầy thật cao xa và ấn tượng này đeo đẳng tôi suốt những
năm dài mãi cho tới gần đây.
Thật không may là khi tôi đến, thầy đang bực về một điều gì đó. Có
thể là công việc của Khoa, cũng có thể là bếp điện đứt dây mai-so, vì lúc ấy thầy
đang nấu cơm, mà nắng đầu hè không hề có gió – quá oi ả. Trong hoàn cảnh tế nhị
như vậy mà tôi vẫn cư xử theo thói quen của một người lính – công việc là công
việc. Tôi trình thầy các cột ghi chép tẻ nhạt về cuốc, xẻng, bay...với các con
số rồi chỉ vào mục “Xác nhận” đề nghị thầy cho một chữ ký. Tôi không bao giờ
quên được mình đã làm thầy cáu giận đến mức nào. Và tôi đã phải gánh chịu cái
điều ngớ ngẩn do mình gây ra ấy.
Trong suốt hàng hai tháng trời thực tập tại Nho Lâm (Diễn Châu,
Nghệ An), tôi không dám nói với thầy một lời nào. Những công việc cần phải triển
khai, thầy bàn bạc với các bạn tôi. Sau đó tôi hỏi lại họ để biết mình cần phải
làm gì. Nhưng hầu hết các công việc tôi phải tự làm lấy, kể cả việc trông hố
khai quật, xử lý tình huống khi khai quật, rồi sau đó xử lý, phân loại hiện vật,
ghi chép, đo vẽ lấy tư liệu, v.v...ở địa điểm Rú Ta. Còn thầy thì đặc biệt quan
tâm tới di chỉ Đồng Mỏm và cả bao công việc khác nữa với địa phương đều đến tay
thầy.
Như thế, tôi nghĩ rằng mình đã bị phạt, đã bị bỏ rơi và trượt tốt
nghiệp là điều chắc như đinh đóng cột. Tất cả các bạn tôi cũng đều nghĩ về
trường hợp của tôi là như vậy. Tuy nhiên, vì là học trò, cho nên họ vẫn cư xử với
tôi như những đứa trẻ mới lớn. Họ không chia buồn, không động viên an ủi. Ngược
lại, họ bày ra những trò chơi “nhất quỉ nhì ma” thứ ba là họ, thế là không cần
một liều thuốc giảm đau nào khác ngoài tình bạn bè, tôi đã thực sự sống qua những
ngày căng thẳng ấy một cách thật nhẹ nhàng, thoải mái và cả quấy đảo nữa.
Đến khi viết luận án, vì đã lường trước kết cục cho nên tôi nghĩ rằng
để đến sang năm tham khảo thầy vẫn chưa muộn. Và chính bản thân thầy cũng làm
như không hề biết gì về điều đó. Thầy thản nhiên để tôi tự làm mọi thứ. Bạn tôi
trình thầy bản thảo trước tôi và anh ấy đã bị quở trách rất nặng vì bản thảo không
đến nơi đến chốn. Còn tôi, gần sát ngày bảo vệ mới trình thầy bản thảo, vì nghĩ
rằng dẫu sao mình vẫn còn một năm nữa để làm lại từ đầu.
Nhưng tôi đã lầm, bởi vì chỉ hai ngày sau nộp bản thảo, thầy gọi
tôi lên và nói rằng: “Qua các bạn cậu, tôi vẫn theo dõi sát toàn bộ công việc của
cậu. Bản thảo của cậu chỉ cần sửa đôi chỗ là được”. Đến lúc ấy tôi thực sự bàng
hoàng, xúc động vì sau 6 tháng tôi mới hiểu thêm được sự sâu sắc và tấm lòng của
một người thầy. Và tôi càng sung sướng hơn khi nghĩ rằng: lần đầu tiên trong cuộc
đời đi học, ở kỳ thi “chuyển cấp” mình đã không bị đúp.
Hà Nội đêm 30-12-1998.
_____________________________________
*
Bài đăng trong: Hoàng Văn Khoán 1999. Bí ẩn của lòng đất. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn –
Trung tâm UNESCO Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Hà Nội, tr.269-272.
(Nhân dịp GS. Hoàng Văn Khoán 65 tuổi).
** Thực ra hồi đó không chỉ có "phân công" thầy hướng dẫn, mà còn có cả, và chủ yếu là, thầy/tự chọn; tứ trụ Lâm Lê Tấn Vượng thì thường thuộc về những người nhanh chân. Ai không thể/thích/muốn/biết/kịp/được chọn thì Khoa [Tổ chức - Đảng ủy] sẽ phân công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét