Powered By Blogger

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Differance (I)



Differance (I)

Jacques Derrida

Người dịch: Hà Hữu Nga

Vậy thì tôi sẽ nói về một chữ cái.

Về chữ đầu tiên, nếu chúng ta cần phải tin vào bảng chữ cái, và đa số các tư biện mạo hiểm.  

Vậy thì tôi sẽ nói về chữ [a], âm vị đầu tiên này giờ đây dường như cần thiết cho việc đề dẫn, và sau đó cần cho việc viết được từ difference*. Điều này dường như cần thiết trong quá trình viết về việc viết, và về việc viết trong văn bản viết bao gồm những chặng đường khác nhau, trong bất kỳ phương diện nào cũng thực sự được xác định, bằng một loại lỗi chính tả thô thiển, bằng việc vi phạm tính chính thống quyết định một cách viết, vi phạm quy tắc quyết định cách viết và cái chứa trong phép tắc của nó. Sự vi phạm quy tắc chính tả đó, về mặt thực tế hoặc về phương diện quyền, chúng ta luôn luôn có thể tẩy xóa hoặc giảm bớt, tìm ra lỗi chính tả đó, tùy theo các trường hợp được phân tích, nhưng nếu nó vẫn như vậy thì hãy tìm ra lỗi trầm trọng, khó coi, hoặc có thể giả định đó là tính quá ngộ nghĩnh, chỉ để làm vui. Do đó chúng ta phải tìm cách vượt qua hành vi phạm lỗi như vậy trong im lặng, nếu chúng ta chú ý đến nó sớm hơn thì sẽ nhận ra được, phân định được cứ như thể bị bắt buộc bởi sự mỉa mai câm nín, cái không thể nghe được đã bị dời chỗ của phép hoán vị theo nghĩa đen ấy. Chúng ta vẫn luôn hành động cứ như thể điều đó không tạo ra sự khác biệt nào. Tôi phải nói ngay từ đầu rằng giải thích của tôi không dùng để biện minh cho việc mắc lỗi chính tả câm lặng này, hoặc cũng không phải được dùng để bào chữa cho nó, mà chủ yếu lại là dùng để làm tồi tệ thêm cái đặc trưng khó chịu của nó.

Mặt khác tôi cũng phải xin lỗi nếu như tôi chỉ tham khảo, tối thiểu là, văn bản này hoặc văn bản khác mà tôi đã cả gan công bố. Nói cho thật chính xác, cái mà tôi muốn cố, ở một mức độ nào đó, mà về nguyên tắc, và giới hạn, vì những nguyên do đương nhiên thiết yếu thì lại không thể, để gộp lại thành faisceau - một mớ các chiều hướng khác nhau mà tôi có thể sử dụng, hoặc đúng ra là cho phép áp đặt lối chính tả mới mà tôi tạm gọi là từ, hoặc khái niệm differance, và chúng ta sẽ thấy ni un mot ni un concept - đó không phải là một từ, cũng không phải là một khái niệm. Ở đây tôi kiên trì dùng từ “faisceau” một mớ vì hai lý do: một mặt, điều mà tôi cũng có thể làm một cách trôi chảy, nhưng vô tác dụng là viết một bộ sử, kể về các giai đoạn, các văn bản này đến văn bản khác, bối cảnh này đến bối cảnh khác, thể hiện cách thức mà mỗi nền kinh tế có thể áp đặt cái biểu đồ lộn xộn này; nhưng cũng thuộc hệ thống tổng thể của nền kinh tế ấy. Mặt khác từ “faisceau” một mớ có vẻ phù hợp hơn để đánh dấu việc một tập hợp được đề xuất thành một cấu trúc chằng chịt, đan dệt, tạp giao, cái cấu trúc sẽ khiến cho những sợi chỉ khác nhau, các tuyến nghĩa - hoặc sức mạnh khác nhau – chẳng khác nào lại sẵn sàng đan dệt thành những cấu trúc khác.

Vì vậy, dù tất cả mới chỉ là sơ bộ, nhưng nó gợi lại cho tôi rằng sự can thiệp cụ thể này chỉ mang tính đồ hình, không được thực hiện đầu tiên, cũng không chỉ đơn giản vì sự bê bối của người đọc hoặc của nhà ngữ pháp, đã được tính toán trong quá trình viết một vấn đề về việc viết. Vậy là nó tự phát hiện bản thân, tôi muốn nói bằng thực tế là sự khác biệt này là có tính đồ hình (âm vị [a] thay cho âm vị [e]), sự khác biệt này được đánh dấu bằng hai ký pháp có vẻ là thanh âm, bằng hai nguyên âm, vẫn còn thuần túy mang tính đồ hình: nó được viết hoặc được đọc, nhưng nó không được nghe thấy. Chúng ta không thể nghe thấy và nhìn thấy chính nó cũng vượt qua cái trật tự của nhận thức. Nó tự hiện thân bằng một dấu hiệu nín thinh, bằng một công trình tưởng niệm ngầm ẩn, tôi muốn nói bằng chính ngôi kim tự tháp, mà tầm cỡ khổng lồ của nó cũng không phụ thuộc vào hình thức của chữ cái khi nó được in bằng chữ lớn hay chữ viết hoa, mà tùy thuộc vào loại văn bản như l’Encyclopédie Bách khoa thư của Hegel hoặc tập hợp dấu hiệu được so sánh với Kim Tự Tháp Ai Cập. Vì vậy âm vị [a] của từ differance vẫn không được nghe thấy, nó vẫn nín thinh, bí ẩn và kín đáo như một nấm mồ: oikesis**. Nó cũng ghi dấu bằng cách tiên liệu, nơi đây, nơi ở của gia đình và ngôi mộ của chính mình hoặc tự mình tạo ra bằng cách khác – nền kinh tế của cái chết. Tảng đá này không phải là xa lạ, với điều kiện ai đó biết giải mã huyền thoại để chỉ rõ cái chết của triều vương.

Một nấm mồ mà thậm chí chúng ta không thể làm cho nó cất tiếng dội vọng. Thực ra thì có thể tôi không cho bạn biết được bằng diễn ngôn của mình, bằng ngôn thuyết của mình lúc này tại Hội Triết học Pháp, về cái khác biệt nào mà tôi đang nói đây. Tôi không thể nói về cái khác biệt mang tính đồ hình này, cái khác biệt diễn giải một diễn ngôn rất quanh co về một văn bản và về điều kiện chính xác để minh định, bất cứ khi nào, cái mà tôi đề cập đến từ différence có một âm vị [e] hoặc đến từ différance có âm vị [a]. Hôm nay đây điều này sẽ không làm đơn giản hóa mọi thứ và chúng ta sẽ đem đến cho nhau và cho chính tôi rất nhiều rắc rối, ít nhất là nếu chúng ta muốn nghe chúng tôi. Trong mọi trường hợp thì những thông tin khẩu ngữ mà tôi đem đến – khi tôi nói difference “có âm vị [e]” hoặc “có âm vị [a]” sẽ không thể tránh khỏi được quy về một texte écrit, một văn bản viết, khi giám sát diễn ngôn của tôi, về một thứ văn bản mà tôi có được ngay trước mặt mình đây, cái văn bản mà tôi đọc và nó đòi hỏi tôi phải cố gắng hướng dẫn đôi tay và cặp mắt của quý vị. Chúng ta không thể cho phép mình bỏ qua ở đây để đi qua bằng một văn bản viết, để chúng ta điều chỉnh sự xáo trộn xảy đến, và trước hết đối với tôi, đó là điều hệ trọng.

Không nghi ngờ gì nữa, cái câm lặng kiểu kim tự tháp này của sự khác biệt mang tính đồ hình giữa hai âm vị [e] và [a] không thể vận hành chỉ bên trong của hệ thống văn bản ngữ âm và bên trong của một ngôn ngữ hoặc một ngữ pháp mà về phương diện lịch sử nó kết nối với văn bản ngữ âm cũng như với toàn bộ nền văn hóa không thể tách rời. Nhưng tôi sẽ nói chính là điều đó – sự câm lặng này chỉ vận hành bên trong một văn bản ngữ âm được nói ra – có ký hiệu hoặc gợi lại cái cách thức thực sự đúng lúc, trái ngược với một định kiến thái quá, không có một văn bản ngữ âm. Không thể có cái được gọi là văn bản ngữ âm, về nguyên tắc cũng như về luật, và không chỉ bởi sự thiếu hụt thực nghiệm hay kỹ thuật, nó vận hành bằng việc thừa nhận bản thân các “dấu hiệu” phi ngữ âm (nghệ thuật chấm câu, cách chữ, v.v), người ta sẽ sớm nhận ra để xem xét cấu trúc sự cần thiết mà người ta đã rất kém khoan dung cho khái niệm hiệu. Tốt hơn nữa là cái trò chơi của sự khác biệt mà Saussure chỉ phải gợi nhớ lại rằng nó là điều kiện khả thể và chức năng của mọi dấu hiệu, mà bản thân trò chơi đó thì lại nín thinh. Là câm lặng, sự khác biệt giữa hai âm vị cho phép bản thân chúng tồn tại và vận hành. Là câm lặng, mở ra sự thỏa thuận cho hai âm vị đó hiện diện, khi bản thân chúng tự thể hiện. Nếu vậy thì văn bản không thuần túy là ngữ âm, đó là vì đơn vị âm lượng cũng không thuần túy là ngữ âm. Sự khác biệt tạo ra các âm vị của quí vị và làm cho chúng có thể nghe được và hiểu được, theo đúng nghĩa của từ đó, thì bản thân nó cũng vẫn câm lặng.

Người ta có thể phản đối rằng, vì chính những lý do tương tự, mà sự khác biệt mang tính đồ hình kia bản thân nó cùng chìm trong đêm tối, không bao giờ tạo ra được một thuật ngữ có đủ tính nhạy cảm, nhưng lại trải căng một mối ràng buộc vô hình, cái đặc điểm của một mối quan hệ mơ hồ giữa hai kiểu thể hiện. Không có gì phải nghi ngờ. Tuy nhiên, từ quan điểm này, thì sự khác biệt giữa âm vị [e] và âm vị [a] được quy định trong từ “différ[]nce” tự nó ẩn mình vào nhìn và vào nghe, điều đó cho thấy có lẽ là hạnh phúc khi cần phải tự mình quay trở lại với một trật tự không còn thuộc vào tính nhạy cảm nữa. Nhưng chúng ta không còn quy về tính khả tri, về tính lý tưởng không ngẫu nhiên gắn liền với khách thể tính của θεωρεiν theorein hoặc của nhận thức; ở đây chúng ta cần phải để mình quay trở về với một trật tự, vì vậy mà là cái trật tự kháng cự lại với cái đối lập, kẻ tạo ra nền tảng của triết học, giữa cái cảm tính và cái lý tính. Cái trật tự kháng cự lại với sự đối lập này, và nó kháng cự vì nó, cái cánh cửa đó thông báo về sự hiện diện trong sự vận động của différance có âm vị [a] giữa hai sự khác biệt hoặc giữa hai chữ cái, différance, thứ không thuộc về nói cũng không thuộc về viết theo nghĩa thông dụng và tự trụ vững, cũng như cái không gian lạ mà chúng ta tập hợp lại ở đây trong một tiếng, giữa nói và viết, và vượt khỏi sự thân thuộc thanh bình, kết nối chúng ta với nhau, đôi khi chúng ta tự làm yên lòng mình bằng cái ảo tưởng rằng chúng là hai sự vật riêng biệt nhau.  

Còn giờ đây thì tôi sẽ bắt đầu như thế nào đây để nói về âm vị [a] của differance? Rõ ràng là nó không thể được bộc lộ. Chúng ta không bao giờ có thể bộc lộ được những gì trong một thời khắc nhất định có thể bắt đầu hiện diện, biểu lộ cái có thể tự thể hiện, tự xuất trình như một hiện thể, một hiện hữu trong tính chân thực của nó, tính chân thực của một hiện thể hoặc sự hiện diện của một hiện thể. Nhưng nếu differance (tôi cũng gạch bỏ cái này đi) cái làm cho sự xuất trình của hữu thể trở nên khả thể, thì nó lại không bao giờ tự hiện diện theo đúng nghĩa của từ này. Nó không bao giờ tự để lộ trong hiện thể. Thành một cá nhân. Tự bảo toàn và không bộc lộ, nó vượt qua trật tự của chân lý bằng chính thời điểm đó và theo cách thức quyết định, nhưng không tự thân che giấu, cứ như nó là một cái gì đó, một hữu tồn tại bí ẩn, trong vùng huyền bí của bất khả tri. Bất cứ một cựu lập trường nào cũng đặt nó vào tình thế dễ bị biến đi như một sự biến mất. Nó mạo hiểm chịu xuất hiện thì cũng sẽ mạo hiểm chịu biến mất.

Vậy thì các cách vòng tránh, các ngữ đoạn và cú pháp mà tôi thường phân loại phải viện đến sẽ giống với, đôi khi trong thực tế cũng sẽ không phân biệt được khỏi, những thứ ấy của thần học phủ định. Chúng tôi đã phải lưu ý cái điều là differance không là, không tồn tại, và không phải là bất cứ loại hữu thể-hiện diện [on]*** nào. Và chúng tôi sẽ phải chỉ ra mọi thứ mà những thứ đó không là, và vì vậy mà nó cũng không có cả tồn tại lẫn bản chất. Nó không hề thuộc về phạm trù tồn tại, hiện diện hoặc vắng mặt. Nhưng cũng vì vậy mà cái được biểu hiện là differance thì lại không mang tính thần học, thậm chí không thuộc về trật tự phủ định nhất của thần học phủ định. Mà thần học phủ định, như chúng ta đều biết thì lại luôn luôn bận rộn với việc để cho một thực tại tính siêu bản chất vượt khỏi các phạm trù hữu hạn của bản chất và tồn tại, có nghĩa là các phạm trù hiện diện, và luôn luôn thúc đẩy ta nhớ lại rằng nếu chúng ta từ chối điều khẳng định về sự tồn tại của Chúa, thì đó là để thừa nhận ông ta là một tối thượng, không thể nhận thức được, và là mô hình bất khả ngôn của tồn tại. Ở đây không có vấn đề về một vận động như sẽ được khẳng định như chúng ta sẽ còn đề cập tiếp. Không chỉ là vấn đề differance không thể quy giản vào mọi tái dụng mang tính hữu thể luận hoặc thần học – thần học-bản thể - mà còn là vấn đề nó mở ra chính cái không gian trong đó thần học-bản thể - triết học tạo ra hệ thống của nó và lịch sử của nó. Vì vậy nó bao quát và chắc chắn vượt lên khỏi thần học-bản thể hoặc triết học.

Cùng một lý do như vậy, tôi không biết phải bắt đầu đánh dấu tập hợp này, đồ hình này của differance từ đâu. Chính xác ra thì cái đang được đặt thành vấn đề ở đây chính là cái yêu cầu về việc có tồn tại một sự khởi đầu de jure hợp thức, một xuất phát điểm tuyệt đối, một trách nhiệm hiện khởi từ một nguyên lý hay không. Vấn đề viết mở ra bằng cách đặt vấn đề về cái archē****. Vì vậy điều tôi nêu ra ở đây sẽ không thể phát triển một cách đơn giản như là một diễn ngôn triết học vận hành dựa trên cơ sở của một nguyên lý, của các định đề, các tiên đề, và các định nghĩa vận động theo tuyến diễn ngôn của một trật tự duy lý. Trong việc xác định ranh giới của differance, mọi thứ đếu là vấn đề chiến lược và mạo hiểm. Đó là vấn đề chiến lược vì không có chân lý tiên nghiệm siêu việt nào hiện diện bên ngoài lĩnh vực viết, về lý thuyết, lại có thể bao quát được tổng thể tính của lĩnh vực này. Nó mạo hiểm vì đây không đơn giản là một chiến lược về nghĩa mà chúng tôi nói chiến lược này định hướng các chiến thuật theo một mục đích tối hậu, một telos***** hoặc chủ đề về một sự thống trị, một quyền làm chủ hoặc một sự tái dụng tối hậu của một sự vận động và một lĩnh vực. Cuối cùng, đó là một chiến lược không có tận cùng. Chúng ta có thể gọi đó là các chiến thuật mù hoặc sự sai lầm mang tính kinh nghiệm. Nếu giá trị của chủ nghĩa kinh nghiệm tự nó không tìm được nghĩa của nó bắt nguồn từ sự đối lập của nó đối với trách nhiệm triết học. Nếu có một sai lầm nào đó trong việc lần tìm ra dấu vết của differance thì nó không còn đi theo tuyến diễn ngôn logic triết học hoặc theo tuyến diễn ngôn logic kinh nghiệm đối lập cân bằng và tích hợp nữa. Khái niệm trò chơi [jeu] đã vượt khỏi đối lập này; nó tuyên bố trước triết học và vượt khỏi triết học, tính thống nhất của sự may rủi và tính tất yếu trong một bài toán không có tận cùng.   
________________________________________

Nguồn: Jacques Derrida 1968. La Différance, Conférence prononcée à la Société française de philosophie, le 27 janvier 1968, publiée simultanément dans le Bulletin de la société française de philosophie (juillet-septembre 1968) et dans Théorie d’ensemble (coll. Tel Quel), Ed. du Seuil, Paris, France.

Tác giả: Jacques Derrida [1930-2004], là nhà triết học Pháp sinh tại Algeria, trong một gia đình Do Thái, quê gốc ở Toledo [là một thành phố ở Tây Ban Nha, cách Madrid 70 km về phía nam], trở thành công dân Pháp từ năm 1870, theo Sắc lệnh Cremieux trao quyền công dân Pháp đầy đủ cho các cư dân bản địa người Do Thái nói tiếng Arab ở Algiria thuộc Pháp. Cha mẹ ông Haïm Aaron Prosper Charles (Aimé) Derrida (1896–1970) và Georgette Sultana Esther Safar (1901–1991) đặt tên cho ông là Jackie, và họ coi đó là một cái tên Mỹ. Vào ngày đầu tiên của năm học 1942, Derrida đã bị các nhà hành chính Pháp đuổi khỏi trường để thực thi đạo luật bài Semite của chính phủ Vichy. Ông đã ngầm học nhảy lớp trong vòng một năm, mà không theo học ở trường của người Do Thái do các giáo viên bị đuổi dạy và các sinh viên bị đuổi học thành lập, và tham gia vào nhiều cuộc thi đá bóng, vì mơ ước trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ở tuổi vị thành niên Derrida đã tìm thấy trong các công trình của các nhà triết học và nhà văn như Rousseau, Nietzsche và Gide một công cụ nổi loạn chống lại gia đình và xã hội. Ngoài ra ông cũng đọc Camus và Sartre. Trong ngày đầu đến trường École Normale Supérieure, Derrida đã gặp Louis Althusser và họ trở thành bạn. Sau khi đến thăm kho lưu trữ Husserl ở Leuven, nước Bỉ, ông đã hoàn thành chương trình thạc sỹ triết học về Edmund Husserl. Ông được nhận học bổng nghiên cứu tại Đại học Harvard và đã nghiên cứu ở đó hai năm 1956-1957 để đọc Ulysses của J. Joyce. Năm 1957, ông cưới nhà phân tâm học Marguerite Aucouturier tại Boston. Từ 1960-1964, ông dạy triết tại Sorbonne, và là trợ giảng cho Suzanne Bachelard [con gái của Gaston Bachelard], Canguilhem, Paul Ricœur và Jean Wahl. Năm 1964, nhờ sự giới thiệu của Althusser và Jean Hyppolite, ông trở thành giảng viên chính thức tại École Normale Supérieure, cho đến 1984. Năm 1965 ông bắt đầu gia nhập nhóm Tel Quel của các lý thuyết gia triết học và văn học và kéo dài trong 7 năm. Năm 1967, ông công bố ba cuốn sách đầu tay Écriture et Differance, La Voix et Phenomene, và De la Grammatologie. Năm 1986, ông trở thành giáo sư về các ngành nhân văn tại Đại học California, Irvine và giảng dạy ở đó cho đến khi chết vào năm 2004.  

Chú thích của người dịch:

* Trong tiếp Pháp, danh từ difference được tạo thành từ động từ différer, và động từ này có hai nghĩa chính: i) hoãn lại, để lui lại; ii) phân biệt, khác nhau.  

** Οίκησις tiếng Hy Lạp là ngôi nhà, nấm mộ, chốn nương thân.

*** Chữ [on - ὄν] này là một từ tiếng Hy Lạp cổ với các nghĩa: tồn tại, bản chất, là; thuộc ngữ của nó là ὄντος, tiếng Anh phiên là ontic và được Heidegger sử dụng trong tiếng Đức là ontisch. Tôi không hiểu tại sao Phạm Công Thiện dịch từ ontisch này ra tiếng Việt là thể, trong khi đó lại dịch từ ontologisch là tính luận, mà không phải là thể luận; hoặc nếu từ căn ὄντος của ontologisch được ông dịch là thể thì tại sao lại không dịch ontologisch là thể luận cho nhất quán với ontisch được dịch là thể ở trên. Hơn nữa khi dịch ontologisch là tính luận, ông đã chối bỏ hoàn toàn hai cách dịch thông dụng nhất và được dùng phổ biến nhất là bản thể luậnhữu thể luận [chủ yếu trong Siêu hình họcHiện tượng học] của thuật ngữ ontology, οντολογα, λόγος τοῦ ὄντος, ὄντολογία, được tạo ra bằng tiếng Latin mới là ontologia, xuất hiện lần đầu vào năm 1606, trong công trình Ogdoas Scholastica của Lorhard [Jacob Lorhard – Lorhardus 1606. Ogdoas Scholastica, continens Diagraphen Typicam artium: Grammatices (Latinae, Graecae), Logices, Rhetorices, Astronomices, Ethices, Physices, Metaphysices, seu Ontologiae, Sangalli : Apud Georgium Straub].

**** archē ἀρχή tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là bắt đầu, nguồn gốc, nguyên nhân đầu tiên; sau đó người ta đã mở rộng nghĩa thành quyền lực, tối cao, thống trị, thậm chí còn được tiếp tục mở rộng nghĩa thành bản chất ngầm ẩn tối hậu, và nguyên lý không thể thể hiện tối hậu. Trong ngôn ngữ giai đoạn cổ thời thế kỷ 8-6 TCN, archē hoặc archai được dùng để chỉ nguồn cội, nguồn gốc, hoặc căn cội của những sự vật hiện tồn. Trong triết học Hy Lạp cổ đại, Aristotle xác định nghĩa của archē như là yếu tố hoặc nguyên lý của một sự vật, mặc dù không thể chứng minh được, và bản thân nó thì vô hình, đã tạo ra điều kiện cho khả thể tính của sự vật đó. Những cơ sở đảm bảo nhất cho nó là do các vị thần đưa lại – tính bất khả hủy, tính bất tử và trật tự vĩnh hằng của các sự vật.

***** telos τέλος, tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là cuối cùng, mục đích, hoặc chung cục được Aristotle và các nhà triết học khác sử dụng. Nó là từ căn của thuật ngữ teleology, khoa nghiên cứu về tính mục đích, về các đối tượng với một điểm nhìn hướng đến các ý định hoặc mục đích của họ. Teleology thể hiện rõ ở quan điểm sinh học và lý thuyết nhân quả của Aristotle. Nó cũng là cách tiếp cận trung tâm gần như của mọi lý thuyết triết học về lịch sử, chẳng hạn của Hegel và Marx.



9 nhận xét:

  1. Chào bạn !

    Tôi cũng quan tâm đến Giải cấu trúc...Hiện tôi đang tìm thuật ngữ mới cho nhan đề Of Grammatology thay cho "Ngữ Pháp học" mà tôi đã dịch. Tôi thấy một số nhan đề khác nhưng chỉ còn hai khả dĩ nhất là:

    - Văn bản học: của một người mà tôi mất dấu rồi, đang tìm lại. Và
    - Nguyên bản học trên blog đây.

    Tôi cũng khá bận. Bạn có rảnh rỗi ghé chơi, trao đổi.

    http://kkhss.blogspot.com/search?updated-max=2012-02-04T19:37:00-08:00&max-results=7

    Trả lờiXóa
  2. Thưa ông Phan Biên,

    Rất mừng vì được bạn đọc chia sẻ, trao đổi như thế này. Tôi thì đã hưu nên không bận, nhưng ở mãi ngoài bắc. Rất mong có dịp vào thăm Sài Gòn để được gặp và hầu truyện ông.

    Kính thư

    Hà Hữu Nga

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi...

      không dám.!..không dám...!

      Mời Chú tách trà cho phải Lễ.

      Mới đi làm về, công việc cũng chẳng liên quan gì đến Triết cả. Cuộc sống cũng rèn mình ngôn ngữ và ...áp dụng vào Triết...

      Tôi (cháu) thích vài khái niệm ngắn gọn của Chú.

      Arche - writing: CỔ BẢN, nghe hay quá.

      Of Grammatology: Nguyên bản học, hay nhưng hơi tĩnh.

      "Văn tự học" cũng vậy, hơi tĩnh, hơn nữa nó khiến liên tưởng đến những văn bản chữ Hán, mà CỔ BẢN thì phong phú hơn.

      Kính !

      Xóa
  4. Xin bác Hà Hữu Nga cho ý kiến về chữ ILLEITY của Levinas mà tôi thấy trong bản Of Grammatology. Tôi dịch là SIÊU THỂ được không ạ?

    Cảm ơn bác trước.

    (hôm nay chủ nhật mà cũng phải đi cày...Triết học cũng phải ...vận động nhiều ...Phải không bác Hà Hữu?)

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Bạn Phan Biên thân,

    Tôi nể phục vì thấy bạn đọc rất nhiều, đọc những thứ rất khó nhằn, đọc rất kỹ và đọc rất sâu.

    Còn riêng về câu hỏi của bạn, tôi không biết có phải bạn nói đến từ illeity trong câu sau của bản dịch tiếng Anh năm 1997 của Gayatri Chakravorty Spivak [tr.61]: “Thus, I relate this concept of trace to what is at the center of the latest work of Emmanuel Levinas and his critique of ontology: relationship to the illeity as to the alterity of a past that never was and can never be lived in the originary or modified form of presence”.

    Và nguyên văn bằng tiếng Pháp trong nguyên bản của Derrida là: “Ainsi, nous rapprochons ce concept de trace de celui qui est au centre des derniers écrits de E. Levinas et de sa critique de l'ontologie 33 : rapport à l'illéité comme à l'altérité d'un passé qui n'a jamais été et ne peut jamais être vécu dans la forme, originaire ou modifiée, de la présence” [Derrida J. 1967. De la Grammatologie, 1967 by Les Éditions de Minuit 7, rue Bernard-Palissy 75006 Paris Tous droits réservés pour tous pays, p.103]. [Vì vậy tôi liên hệ khái niệm dấu vết này với cái nằm ở trung tâm của công trình mới nhất của E. Levinas và sự phê phán hữu thể luận của ông: mối quan hệ với illeité tha tính liên quan đến cái altérité dị tính của một quá khứ đã chưa bao giờ được nghiệm sinh và có thể không bao giờ được nghiệm sinh ở dạng nguyên bản hoặc cải bản của sự hiện diện].

    Khi đọc Levinas thì tôi hiểu được loáng thoáng thế này:

    Chúa trời đã qua đi không còn là mẫu hình của khuôn mặt nữa, việc tồn tại trong hình ảnh của Chúa trời không có nghĩa là một ảnh tượng Chúa mà có nghĩa là phải tự tìm thấy bản thân mình trong dấu vết [trace] của Chúa, như đã được nói trong Exodus 33 – Cuộc dời bỏ Ai Cập của người Do Thái trong Kinh thánh. Ý thức về “một cái gì đó” được đảo ngược thành tính thụ động tuyệt đối trên khuôn mặt của Kẻ khác. Ông vẫn lấy quan điểm của Heidegger làm xuất phát điểm: chủ thể không được xác định bằng việc chăm bẵm cho bản thân, và tư duy giới hạn của nó không còn đơn giản quy về cái vô tận nữa. Đối với việc nhấn mạnh đến phương diện đạo đức học của Levinas thì cách tiếp cận của Kẻ khác được đảo ngược thành Bản ngã. Tính hữu hạn của tồn tại-vì bản thân hóa ra lại tự hướng đến tính vô hạn của tồn tại-vì-kẻ khác. Khi đưa ra một cách kết nối bí ẩn về Tính vô hạn, Levinas đã chú ý đến sự kết nối giữa alterité dị tính và illeité tha tính. Levinas mô tả alterité dị tính như là trace dấu vết của illeité tha tính. Illeité tha tính là một từ được ông sáng chế từ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít [il] trong tiếng Pháp và đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít [ille] trong tiếng Latin, có nghĩa là “kẻ đó”. Levinas mô tả nó như sau: “...cái hắn [hoặc kẻ ấy] nằm sâu trong cái mày” [Levinas, Collected Philosophical Papers, p. 165]. Đây là một trong những khái niệm thực sự phức tạp của Levinas vì tầm biến đổi rộng của các nghĩa. Phạm vi quy chiếu của illeité thường mở rộng đến cả Chúa trời, cái Vô hạn hoặc le Tiers “cái Thứ ba”. Vì tránh định nghĩa chính xác, nên Levinas không phải bao giờ cũng nhất quán với cặp đôi Tự ngã và Kẻ khác.Việc tạo dựng mối liên hệ qua lại trong bộ ba: Tự ngã, Kẻ khác và illeité Tha tính của Levinas ít gây được chú ý so với chẳng hạn differance của J. Derrida, vì tính chất không rõ ràng của chúng về phương diện này.

    Vì vậy việc bạn lựa chọn chữ nào để dịch illeité tôi cho là tùy ở bạn, trong trường hợp liên hệ đến Chúa trời thì chữ Siêu thể là rất hay [cho dù Vô thể, theo tôi, còn hay/đúng hơn vì nó vừa đúng với tinh thần về Cái vô hạn của Levinas, trong khi Siêu thể vẫn là Hữu hạn, lại vừa đối lập với Hữu thể Sein [Being], cái ontologie của Heidegger mà Levinas phê phán]. Còn đối với tôi thì illeité có một nghĩa chung rộng, đó là Tha tính.

    Thân

    Hà Hữu Nga

    PS. Nếu những điều tôi nói mà bạn ngờ ngợ hoặc thấy không đúng thì chính là bạn đã đúng, vì tôi vốn chỉ là một người chuyên nghiên cứu về Khảo cổ học Thời đại Đá mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Rất cảm ơn ý kiến quí báu của bác Hà Hữu Nga.

    Kính.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Hà Hữu Nga ơi, bác cho cháu xin bản tiếng Pháp được không ạ?
    Nếu vui lòng, bác gửi qua mail: vudinhhan216496@gmail.com cho cháu với ạ.
    Cháu cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa