Powered By Blogger

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong – Từ quá khứ tới tương lai*



Giáo sư Nguyễn Hồng Phong – Từ quá khứ tới tương lai*

Hà Hữu Nga

Với Ông, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại vẫn đang đi tới tương lai từ chính quá khứ của mình, vì vậy trong mỗi sử gia đều có một phần nhà tương lai học, và ngược lại không một nhà tương lai học nào lại không có tư chất của một sử gia.

Là một nhà sử học, nhưng đối tượng và phương pháp nghiên cứu lịch sử của Ông không giống bất cứ một nhà sử học nào mà tôi đã đọc và đã biết. Hầu hết các nhà sử học đều chọn cho mình những sự kiện, những nhân vật, những không gian, thời gian cụ thể, những chất liệu của quá khứ, và bằng phương pháp lịch sử phục dựng lại các thời đại đã qua. Còn những đề tài của Ông thì thường có tính chất chung rộng, ở tầm khái quát hóa và có tính phổ biến. Vì vậy Ông chủ yếu sử dụng chất liệu tư tưởng và phương pháp logic để nghiên cứu lịch sử trong cấu trúc tổng thể của nó, nhằm hình dung phần tương lai của chỉnh thể đó.

Đã từ lâu Ông mơ ước có một ngành tương lai học của Việt Nam. Để đặt nền móng cho ngành tương lai học Việt Nam, Ông đã lập ra Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Phát triển do Ông làm giám đốc. Cùng thời gian này, Ông được phân công làm chủ nhiệm Chương trình cấp Nhà nước KX-06 về văn hóa, văn minh về sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đây là chương trình nghiên cứu lớn, với 17 đề tài, bao gồm hầu hết các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam. Nhưng tầm vóc của chương trình không chỉ nằm trong số lượng các đề tài với sự tham gia của hầu hết các nhà khoa học xã hội – nhân văn cỡ lớn của đất nước, mà nó còn phụ thuộc vào bản lĩnh khoa học, sự hiểu biết sâu sắc của người chủ nhiệm ngay từ những thao tác khởi đầu, tưởng như đơn giản nhất. Đó là việc định nghĩa, việc xác định nội hàm các khái niệm quá quen thuộc: văn hóa, văn minh, phát triển, tiến bộ và các mối quan hệ, liên hệ giữa chúng.

Xưa nay các định nghĩa về văn hóa đều được coi là sản phẩm của con người. Con người luôn là chủ thể, còn văn hóa luôn là khách thể; mà không hề có quá trình ngược lại: văn hóa là chủ thể và con người là khách thể, để rồi chính bản thân văn hóa cũng sáng tạo ra con người ở trình độ làm người cao hơn. Định nghĩa văn hóa của GS. Nguyễn Hồng Phong đã nhắm đúng vào quá trình tương tác trở lại của văn hóa đối với con người: văn hóa là nhân hóa. Với Ông, sợi dây xuyên suốt lịch sử văn minh Việt Nam, đó là các hình thái nhà nước. Bên cạnh chức năng giai cấp của các hình thái nhà nước Việt Nam trong lịch sử, Ông đặc biệt đi sâu vào các chức năng xã hội, dân sinh, văn hóa tư tưởng và giáo dục của các nhà nước này. Ông chia sẻ với chúng tôi về vai trò quyết định của các hình thái chính trị - nhà nước phương Đông trong lịch sử văn minh khu vực, trong đó có Việt Nam.

Về vai trò của nhà nước trong xã hội hiện đại, Ông cho rằng nhà nước sẽ ngày càng yếu đi trong các nước phát triển hay các nền văn minh hậu công nghiệp vào thế kỷ 21. Ngược lại, trong các nước Thế giới thứ ba đang công nghiệp hóa thì nhà nước không những không có dấu hiệu suy vong, mà ngày càng trở thành một loại hình nhà nước đầy tiềm năng, đóng vai trò nổi bật là tác nhân chủ yếu đẩy mạnh cải cách và phát triển.

Trong những năm gần đây, Ông thường trăn trở nhiều với ý định triển khai một đề tài nghiên cứu về phương châm phát triển Việt Nam (Philosophy of Development for Vietnam). Ông cho rằng trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi dân tộc đều phải xây dựng cho mình một triết lý phát triển. Điều đó trước hết biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ trong phát triển. Và một điều quan trọng nữa là nó đánh dấu mức độ phát triển trí tuệ của dân tộc ấy thông qua việc nhận thức chính mình bằng những phân tích khoa học, để xác định cụ thể đường hướng xây dựng tương lai.

Nhưng thật bất ngờ, ngày 2-1-1998, Ông đã để lại bao nhiêu công việc còn đang làm, bao nhiêu dự định phải thực hiện để ra đi mãi mãi khi tri thức khoa học, trí tuệ và niềm say mê của Ông đã tìm được một mảnh đất lý tưởng là nghiên cứu phát triển, tiến tới xây dựng ngành tương lai học Việt Nam. Trong cuộc hành trình khoa học từ quá khứ tới tương lai, Ông đã không ngừng sáng tạo và đã sáng tạo cho tới tận giờ phút chia tay với cuộc đời.
___________________________          

Nguồn: Hà Hữu Nga 1998, Giáo sư Nguyễn Hồng Phong – Từ quá khứ tới tương lai, Tuổi trẻ Chủ nhật, 11-1-1998. Đăng lại trong Nguyễn Hồng Phong – Một số công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, Tập I, Lịch sử, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 2005, tr. 682-684.

* Mỗi khi thấy cái ác hoành hành nhân danh văn hóa, văn nghệ, văn học, ...v.v, cào cấu – không bằng hoa hồng, mà bằng móng vuốt của quỉ - vào những con người, thậm chí cả những người đàn bà như Nhã Thuyên, Nguyễn Thị Bình hiện giờ, tôi lại nhớ đến những bậc thầy vô cùng đáng kính của tôi, những người suốt đời chăm bẵm cái thiện như Trần Dần, Nguyễn Hồng Phong, Trần Quốc Vượng, Thích Viên Thành, và nhiều người khác nữa. Nhưng cũng thật đáng mừng là, trong cánh rừng bạt ngàn mà các ông cùng bao thế hệ hiền nhân đã góp phần gieo trồng, giờ đây lại có thêm những loài cây khỏe khoắn như hai người đàn bà đáng nể trọng kia.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét