Hữu
thể luận - Phép tường giải về Thực tính (I)
Martin
Heidegger
Người dịch: Hà Hữu Nga
Giới thiệu - Tiêu đề Ontologie
Với tư cách là một ghi chú về dấu
hiệu quan trọng nhất của Thực tính. Khái niệm gần nhất, đó là: Ontologie Hữu thể
luận.
Ontologie Hữu thể luận có nghĩa là
học thuyết về hữu thể. Nếu chúng ta thấy trong thuật ngữ này thứ chỉ dẫn mơ hồ
và bất định, thì ở phần sau, hữu thể, bằng một cách thức mang tính chủ đề, sẽ bắt
đầu được nghiên cứu và sẽ trở thành ngôn từ chính thức thì cái từ đó đã làm cho
khả năng hữu ích của nó trở thành tiêu đề cho khóa học này. Tuy nhiên nếu hữu
thể luận được coi là để hoạch định một môn học, thuộc về, chẳng hạn lĩnh vực
truy vấn của Tân Triết học Kinh viện, hoặc thuộc về lĩnh vực Triết học Kinh viện
Hiện tượng học và các định hướng của triết học hàn lâm chịu ảnh hưởng của nó,
thì cái từ Ontologie Hữu thể luận này không còn là một tiêu đề của khóa học thích
hợp với những gì mà chủ đề và cách thức xử lý của chúng ta về nó sẽ được thực
hiện ở phần tiếp theo nữa.
Hơn nữa, nếu người ta coi “hữu thể
luận” là một hợp từ mang tính chế nhạo cho các cuộc công kích ồ ạt vào Kant, và
nói một cách chính xác hơn, là vào tinh thần của Luther, và về nguyên tắc là
vào toàn bộ việc đặt vấn đề mở, không bị đe dọa trước bởi các hệ quả khả thể,
nói tóm lại thì, hữu thể luận là một cánh cửa đóng kín đối với cuộc nổi loạn của
nô lệ chống lại triết học theo nghĩa đen của từ này, vì vậy mà tiêu đề của khóa
học này đã hoàn toàn trở nên lầm lạc.
Từ đây các thuật ngữ Ontologie và
Ontologisch sẽ chỉ còn là những từ bị vét rỗng nghĩa với tư cách là các biểu thị
không bị ràng buộc khi thực sự được sử dụng. Chúng thuộc về hữu thể theo nghĩa hướng
đến đặt câu hỏi về loại hữu thể nào, cũng như làm thế nào để thực hiện được điều
đó mà vẫn duy trì được cho nó hoàn toàn bất định.
Trong ký ức về từ Hy Lạp ὄν, từ căn của Ontologie, thì nó còn có nghĩa là tiếp tục sản sinh ra
trên nền tảng triết học Hy Lạp cổ điển việc xử lý bắt chước các cách đặt vấn đề
truyền thống về hữu thể. Mặc dù hữu thể luận truyền thống khẳng định liên quan đến
các định nghĩa chung về hữu thể, nhưng trong tầm nhìn của nó thì lại thực sự có
một lĩnh vực xác định. Trong cách sử dụng hiện đại thì từ Ontologie Hữu thể
cũng chẳng khác gì “lý thuyết về các đối tượng” và thực ra thì trước hết nó có
tính hình thức. Về phương diện này nó trùng khớp với hữu thể luận cổ đại -
“siêu hình học”.
Tuy nhiên hữu thể luận hiện đại không
phải là một bộ môn biệt lập, mà nó được kết nối bằng một cách thức đặc biệt với
cái mà hiện tượng học hiểu theo nghĩa hẹp. Trong
hiện tượng học thì đó là một khái niệm nghiên cứu thích hợp lần đầu tiên xuất
hiện. Hữu thể luận tự nhiên, hữu thể luận văn hóa, các hữu thể luận bản chất:
tất cả đều là các bộ môn mà nội dung môn học thuộc các lĩnh vực này đều được
xác định căn cứ vào thuộc tính của nó, bao gồm cả đặc trưng phạm trù. Vì vậy
cái được cung cấp sẵn đã được sử dụng để hướng dẫn cho các vấn đề kết cấu, các bối cảnh cấu trúc và di
truyền của ý thức về các đối tượng thuộc loại này hoặc loại khác.
Ngược lại, chỉ có thông qua hiện
tượng học mà hữu thể luận tương thích, được thiết lập dựa trên một cơ sở chắc
chắn và dựa trên một tiến trình trật tự trong việc xử lý các vấn đề. Khi truy vấn
về ý thức của/là thì đó chính là cái Gì,
Gegenstandscharakter, đặc trưng vật thể
của một hiện hữu theo đúng nghĩa, hữu hình. Và chính trong đặc trưng vật thể của
mỗi lĩnh vực hữu thể mà tự nó trở thành các hữu thể luận. Nói cho đúng thì đó
không phải là hữu thể đúng nghĩa, tức là cái khách thể tự do. Hiện tượng học
theo nghĩa hẹp là Konstitutions-Phänomenologie, Hiện tượng học-Cấu thể. Còn hiện
tượng học theo nghĩa rộng là Ontologie Miteinbegreifend, Hữu thể luận Toàn niệm.
Tuy nhiên, trong một hữu thể luận như vậy thì câu hỏi nghĩa quyết định
của hữu thể hướng dẫn cho việc xử lý toàn bộ các vấn đề trong hữu thể luận cần
phải được rút ra từ lĩnh vực nào của hữu thể? - lại không hề được đặt ra. Hữu
thể luận không biết đến câu hỏi này, và bởi vì nguồn gốc của riêng nó, nên việc
phát sinh nghĩa của nó cũng vẫn còn đóng kín đối với chính bản thân nó.
Hữu thể luận truyền thống và hiện đại vẫn còn hai thiếu khuyết cơ bản
sau:
1. Vì ngay từ đầu, chủ đề của nó là Gegenstandsein Hữu thể một
khách thể, tính khách thể của các đối tượng nhất định, và cái khách thể đó với
tư cách được định sẵn cho một lý thuyết trung lập tương ứng của tôi, cái Hữu thể một khách thể vật chất hữu hình ấy
cho các khoa học riêng biệt về tự nhiên và văn hóa liên quan đến nó, và thông
qua Gegenstandsgebiete các lĩnh vực
khách thể xuyên suốt thế giới, nhưng lại không thuộc về Dasein Hiện hữu và Daseinsmölichkeiten Khả tính Hiện hữu hoặc
gắn thêm vào nó các đặc trưng phi lý thuyết khác. (Lưu ý: nghĩa kép của “Tự
nhiên" là Thế giới và cũng là Lĩnh vực của các Khách thể; “Tự nhiên” với
tư cách là Thế giới chỉ có thể được hữu hình hóa bên ngoài Dasein Hiện hữu, Sử
tính; vì vậy mà không phải là “Cơ sở” Thời gian tính của nó tương ứng với “Thân
mình”) *.
2. Kết
quả là nó khóa chặt lối tiếp cận với tồn tại, yếu tố quyết định trong các vấn đề
triết học, có nghĩa là Dasein Hiện hữu bên ngoài những gì và vì mục đích của những
gì có nghĩa là triết học. Chừng nào
cái tiêu đề Hữu thể luận được vét rỗng nghĩa có liên quan mà người ta cho là đều
hướng đến hữu thể với tư cách là các câu hỏi và những nghiên cứu như vậy thì nó
sẽ bắt đầu được sử dụng. Vì vậy tính từ hữu thể luận được quy về việc đưa ra các
câu hỏi, các diễn giải, các khái niệm, các phạm trù nhìn nhận các hiện hữu như là
khởi lên hoặc không khởi lên từ hữu thể. (Vì Hữu thể luận là siêu hình học cũ lĩnh
hội cả các dị đoan và chủ nghĩa giáo điều mà không có cả chút khả tính nhỏ nhoi,
và thậm chí không có cả khuynh hướng đặt câu hỏi nghiên cứu).
Về phạm
vi “thời gian”, thực tế chỉ để tỏ ra là cũng có các nhiệm vụ cơ bản trong hữu
thể luận!
Vì
vậy tiêu đề của khóa học xuất hiện từ chủ đề cơ bản của vấn đề tiếp theo và
cách thức xử lý nó đúng ra là Hermeneutik der Faktizität Phép tường giải Thực tính.
_________________________________
Nguồn: Heidegger M.1923. Ontologie
(Hermeneutik der Faktizität), Gesamtausgabe, Abteilung: Vorlesungen, Band
63, Frühe Freiburger Vorlesung Sommersemester, Herausgegeben von Käte Bröker-Oltmanns, Vittorio Klostermann Frankfurt Am Main, Germany.
Tác giả: Martin Heiderger, triết gia lỗi
lạc của Đức, sinh ngày 26/9/1889, mất ngày 26/5/1976. Là học trò của Husserl và
chịu ảnh hưởng của triết học Brentano, kế tục Husserl giảng dạy triết học tại
đại học Freiburg, và trở thành hiệu trưởng của đại học này năm 1933-1934. Các
tác phẩm tiêu biểu của ông là Hữu thể và Thời gian xuất bản năm 1927; Kant
và vấn đề siêu hình học, Nhập môn siêu hình học năm 1935, Học
thuyết Plato về chân lý, 1942; Thư về chủ nghĩa nhân đạo, 1947…vv.
Ghi
chú của người dịch:
* “Beachte: Doppelsinn von »Natur« als Welt und als
Gegenstandsgebiet; »Natur« als Welt ist nur formalisiert aus Dasein,
Geschichtlichkeit, daher nicht “Grundlage” ihrer Zeitlichkeit entsprechend Leib”. [“Lưu ý: Nghĩa kép của “Tự
nhiên" là Thế giới và cũng là Lĩnh vực của các Khách thể; “Tự nhiên” với
tư cách là Thế giới chỉ có thể được hữu hình hóa bên ngoài Dasein Hiện hữu, Sử
tính; vì vậy mà không phải là “Cơ sở” Thời gian tính của nó tương ứng với Leib - Thân mình”].
Đây là đoạn chú thích rất quan trọng của
Heidegger, trước khi nói về đoạn chú thích này, tôi muốn lưu ý một chút về từ
ihrer của nó tưởng có vẻ vô thưởng vô phạt ở trên. Mọi người
đều biết, trong tiếng Đức ihrer là
thuộc ngữ của sie, ngôi thứ ba, số ít
và số nhiều để chỉ người; vì vậy từ tiếng Việt cuối cùng của nó trong lưu ý trên của Heidegger phải được hiểu là của Dasein Hữu thể [Kẻ đó], chứ không phải
của nó là của Tự nhiên.
Riêng từ Leib, tôi sử dụng một từ hơi cổ là Thân mình theo nghĩa thể phách [體魄],
vì khi Heidegger sử dụng Leib chứ
không phải là Körper thì ông đề cập
đến cái linh hồn và cảm xúc hàm chứa trong từ Leib đó [Giống như khi dịch Kinh
thánh người ta cũng chỉ dùng Leib: Wandlung von Brot und Wein in Leib und Blut
Jesu Christi während der Heiligen Messe – Biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong
Lễ ban Thánh thể]. Nhưng trong tiếng Anh người ta vẫn sử dụng từ body, mà không được/không thể dùng một từ
tiếng Anh tốt hơn là life, vì nó
không còn có nghĩa body – [體 thể]
nữa. Trong khi đó chính từ Leib trong
tiếng Đức, cũng là từ căn của từ Leben
[đời sống, cuộc sống] và cũng có cùng gốc với từ life trong tiếng Anh. Và đến lượt mình, từ căn leib lại có gốc xa
hơn từ một từ nguyên Indo-European leip [sống] với các biến thể trong tiếng Anh
cổ là libban, tiếng Anh trung đại là liven, tiếng Anh hiện đại là live; trong
tiếng Saxon cổ là libbian, tiếng Đức trung cổ là lēven. [Xem chẳng hạn: Shipley,
Joseph Twadell 2011. The Origins of English Words: A Discursive Dictionary of Indo-European
Roots,
Johns Hopkins University Press (February 15,
2001) p. 542].
Đối với Triết học nói chung, đặc
biệt là Hiện tượng học và Thần học, thì khái niệm Leib – Thân mình có ý nghĩa trung
tâm. Nó được sử dụng để nói đến cơ thể sống, với đặc trưng tự vận động và sử
tính. Cũng là “cơ thể”, nhưng việc sử dụng Leib - Thân mình chứ không phải là Körper-cơ
thể, đặc biệt nhấn đến nghĩa siêu hình học của thể chất, còn khi sử dụng Körper-cơ
thể thì đó là cách tự quy chiếu của Körper-cơ thể với chính Körper-cơ thể theo
nghĩa triết học. Đối với thần học thì ý tưởng về Leib - Thân mình là sự kết nối
của cá nhân con người với linh hồn phi vật chất; trong khi đó khái niệm
Körper-cơ thể sinh học lại không có khả năng xác định được thực thể này. Edmund Husserl coi thuật ngữ Leib – Thân mình về phương diện lịch sử thuộc
về khái niệm linh hồn. Ông chủ trương tính tự quy chiếu của thân mình đối với
chính thân mình, vì vậy mà chứng minh cho hành động sống thực sự trong các chủ
thể. Còn Maurice Merleau-Ponty coi thuật ngữ Lieb -Thân mình là các nguyên tắc
cơ bản được tạo dựng liên quan đến khoa học với tư cách là khái niệm cơ bản của
triết học thì lại rất có giá trị đối với Hiện tượng học Tri giác của ông.
Với từ căn Leib - Thân mình người ta đã tạo
ra khái niệm Leiblichkeit – Hữu thân tính
trong triết học, để thể hiện sự kết nối giữa Körper - thể xác và Bewusstsein -
Ý thức. Leiblichkeit – Hữu thân tính là
một trong những khái niệm tạo thành linh hồn của Hiện tượng học, nhờ có khái niệm
này mà người ta nhận chân được vai trò của Körpergefühls – Cảm giác Thân mình đối với nhận thức nói chung, và đặc biệt là đối
với suy tư triết học. Một mặt, Leib - Thân mình là một bộ phận của thực tại thể
chất của các chủ thể, mặt khác, nó cũng khác biệt với khái niệm cơ thể hữu hạn:
Körper - cơ thể là cái có thể nhận biết và đo lường một cách khách quan, trong
khi Leib - Thân mình thì lại nhậy cảm chủ quan, cho nên quá trình khách thể hóa
như vậy trở nên khó khăn [1]. Chính vì thế mà Hermann Schmitz gọi Leib - Thân
mình là „was jemand in der Gegend (nicht immer in den Grenzen) seines Körpers
von sich selbst, als zu sich selbst gehörig, spüren kann, ohne sich der fünf
Sinne, namentlich des Sehens und Tastens, und des aus deren Erfahrung
gewonnenen perzeptiven Körperschemas (der habituellen Vorstellung vom eigenen
Körper) zu bedienen.“ [2] – “Cái mà ai đó ở trong nó, nhưng không phải luôn bị
giới hạn ở đó, có thể tự cảm nhận là mình thuộc về nó không phải với năm giác
quan, đặc biệt là thị giác và xúc giác, cùng những trải nghiệm có được nhờ mẫn
tính của Körperschema** - Cấu
trúc cơ thể, với ý nghĩ thường trực rằng cơ thể là thuộc về riêng mình” [[1], [2] Schmitz,
Hermann 2011. Der Leib (Grundthemen der Philosophie). Berlin/Boston: de
Gruyter; có thể xem thêm: Hilarion Petzold 1986: Leiblichkeit:
Philosophische, gesellschaftliche und therapeutische Perspektiven. Auflage. Bd. 25. Paderborn: Junfermann-Verlag; Stefan Grätzel 1989. Die
philosophische Entdeckung des Leibes. Auflage. Stuttgart-Wiesbaden:
Steiner Franz Verlag; Marcus Knaup 2012: Leib und Seele oder mind and brain?
Zu einem Paradigmenwechsel im Menschenbild der Moderne. Freiburg: Verlag
Karl Alber].
** Về vấn đề cơ thể, cần đề cập đôi chút khái
niệm Körperschema - Cấu trúc cơ
thể, một khái niệm của môn bệnh học thần kinh về nhận thức cơ thể với ý nghĩ
cho rằng thân thể là thuộc về riêng mình, và nó được Arnold Pick mô tả vào năm
1908 là Orientierung am eigenen Körper - Định hướng thân thể của riêng mình.
Định hướng về thân thể thay đổi theo hiểu biết về thân thể và môi trường; những
thông tin như vậy có được thông qua nhiều kích thích cảm giác và các giác quan
khác nhau từ ngoại biên của cơ thế, và được gọi là cảm nhận nội thể. Nhưng vẫn
có quan niệm trái ngược với các tri giác, cho rằng nhận thức đó là không rõ
ràng. Vì vậy Körperschema - Cấu
trúc cơ thể là một khái niệm mang tính hiện tượng học hơn là các tư tưởng thuộc
lĩnh vực tri giác. Khái niệm cấu trúc [cơ thể] trên có nguồn gốc từ σχήμα, một từ Hy Lạp cổ có các nghĩa
sau: tư thế, vị trí, hành vi, biểu hiện, cách cư xử, vẻ ngoài, kiểu dáng, khuôn
khổ, đồ hình, kết cấu, định vị, quan hệ, vị thế, vị trí...vv.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét