Powered By Blogger

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012

Vốn xã hội và xã hội dân sự (I)


Vốn xã hội và xã hội dân sự (I)

Francis Fukuyama

Người dịch: Hà Hữu Nga

Vốn xã hội rất quan trọng cho việc vận hành các nền kinh tế hiện đại, và là sine qua non (điều kiện thiết yếu) cho nền dân chủ tự do bền vững. Nó đã tạo nên thành tố văn hóa của các xã hội hiện đại, mà ở những khía cạnh khác nó đã được tổ chức lại từ Kỷ nguyên ánh sáng trên cơ sở của các thể chế chính thức, vai trò của luật pháp và tính duy lý. Việc xây dựng vốn xã hội đã được coi là một nhiệm vụ điển hình cho cuộc cải cách kinh tế “thế hệ thứ hai”; nhưng không như các chính sách kinh tế hoặc thậm chí cả các thể chế kinh tế, vốn xã hội không thể dễ dàng được sáng tạo và phát triển bằng chính sách công cộng. Bài viết này sẽ định nghĩa vốn xã hội, khai thác các chức năng kinh tế và chính trị của nó cũng như nguồn gốc của nó và đưa ra một số gợi ý về cách thức gieo trồng vốn xã hội.

I.Vốn xã hội là gì?

Trong khi vốn xã hội đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau thì nhiều định nghĩa lại chỉ là những biểu hiện của vốn xã hội chứ không phải là bản thân vốn xã hội. Định nghĩa mà tôi sử dụng trong bài viết này là một chuẩn mực không chính thức được minh họa rõ ràng, cổ vũ cho sự hợp tác giữa hai hoặc nhiều cá nhân hơn. Các chuẩn mực tạo nên vốn xã hội có thể bao gồm từ một chuẩn mực về sự giao tiếp giữa hai người bạn theo mọi cách đến những học thuyết được cấu trúc một cách phức tạp như Thiên Chúa giáo hoặc Khổng Giáo chẳng hạn. Chúng cần phải được minh họa bằng mối quan hệ thực sự của con người: chuẩn mực giao tiếp tồn tại tiềm tàng trong cách cư xử của tôi với tất cả mọi người, nhưng lại chỉ được hiện thực hóa trong cách cư xử của tôi với những người bạn của mình. Bằng định nghĩa này, niềm tin, các mạng lưới, xã hội công dân và những mối quan hệ như vậy gắn liền với vốn xã hội tất cả đều là những hiện tượng phụ xuất hiện như một kết quả của vốn xã hội nhưng lại không tạo ra bản thân vốn xã hội.

Không phải bất cứ tập chuẩn mực thuyết phục nào cũng đều tạo ra vốn xã hội; chúng phải dẫn đến sự hợp tác trong các nhóm và vì vậy mà gắn liền với các đức hạnh truyền thống như tính lương thiện, giữ đúng lời hứa, đáng tin cậy, tính nhường nhịn, vv. Một chuẩn mực như Edward Banfield đã mô tả là đặc trưng cho miền Nam Italy, làm cho các cá nhân tin tưởng vào các thành viên của các gia đình hạt nhân trực tiếp của họ nhưng lại lợi dụng bất cứ người nào khác rõ ràng không phải là cơ sở cho vốn xã hội ở ngoài phạm vi gia đình1.

James Coleman, người chịu trách nhiệm làm cho khái niệm vốn xã hội được sử dụng rộng rãi hơn trong thời gian gần đây, đã từng cho rằng đó là một thứ hàng hóa công cộng và vì vậy mà sẽ được sản xuất ít đi bởi các tác nhân tư nhân tương tác trong các thị trường 2. Điều này rõ ràng là nhầm lẫn: vì sự hợp tác là cần thiết gần như cho tất cả các cá nhân như một phương tiện đạt được những mục đích ích kỷ của họ, nó tồn tại với lý do là người ta sẽ sản xuất ra nó như một loại hàng hóa tư nhân (xem Phần IV ở dưới). Trong cụm từ của Parthe Dasgupta, vốn xã hội là một hàng hóa cá nhân, tuy nhiên nó lại được lan tỏa rộng khắp bởi các ngoại ứng cả tích cực lẫn tiêu cực 3. Một ví dụ về ngoại ứng tích cực là huấn điều Tin Lành được Max Weber mô tả để cư xử với tất cả mọi người về phương diện đạo đức không chỉ với những người bà con hoặc các thành viên trong gia đình 4. Vì vậy, tiềm năng hợp tác luôn vượt khỏi phạm vi một nhóm trực tiếp có chung các chuẩn mực Tin lành. Các ngoại ứng tiêu cực cũng đầy dẫy xung quanh ta. Nhiều nhóm người đã đạt tới sự cố kết nội tại không có lợi gì cho những người bên ngoài, là những người có thể bị cư xử theo cách nghi ngờ, thù địch, hoặc hoàn toàn căm ghét. Cả Ku Klu Klan lẫn Mafia đều đạt được các mục tiêu hợp tác trên cơ sở của các chuẩn mực chung và vì vậy mà đều có vốn xã hội, nhưng họ cũng sản sinh ra rất nhiều ngoại ứng tiêu cực cho một xã hội rộng lớn hơn mà chính họ tồn tại ở đó.

Đôi khi người ta cũng cho rằng vốn xã hội khác với các loại hình tư bản khác vì nó dẫn đến các kết quả xấu chẳng hạn như các nhóm thù địch hoặc các chế độ quan liêu bẩm sinh. Điều đó vẫn không làm cho nó mất đi tư cách là một loại hình vốn xã hội; vốn xã hội vật chất có thể có dạng súng trường dùng để tấn công hoặc một sự giải trí vô vị, trong khi đó vốn con người lại có thể được sử dụng để phát minh ra những cách thức mới để hành hạ con người. Vì các xã hội đều có luật pháp để ngăn cản việc sản sinh ra những “điều xấu” về phương diện xã hội nên chúng ta có thể cho rằng hầu hết các hình thức hợp pháp của vốn xã hội đều không ít “điều tốt” hơn những loại hình vốn khác chừng nào chúng vẫn giúp cho con người đạt được mục đích của mình.

Có lẽ vấn đề là ở chỗ việc vốn xã hội dường như không thể hiện rõ là loại vốn xã hội tốt so với vốn vật chất hoặc vốn con người là vì nó có khuynh hướng sản sinh ra nhiều ngoại ứng tiêu cực theo nhiều cách hơn là hai loại hình vốn kia. Đó là vì tính chất đoàn kết nhóm trong các cộng đồng người thường được người ta theo đuổi bằng cái giá của sự thù địch đối với các thành viên ngoài nhóm. Có vẻ như là khuynh hướng chia tách thế giới thành bạn và thù là cơ sở cho toàn bộ các nền chính trị 5. Vì vậy đó là một điều rất hệ trọng dùng để đo lường vốn xã hội nhằm xem xét mạng lưới ngoại ứng thực sự hữu dụng của nó.

Một cách tiếp cận khác đối với câu hỏi này là thông qua khái niệm “phạm vi của lòng tin” 6. Tất cả các nhóm tiêu biểu cho vốn xã hội đều có một phạm vi của niềm tin, có nghĩa là chuẩn mực hợp tác của nhóm người đó rất có tác dụng. Nếu vốn xã hội của một nhóm tạo ra những ngoại ứng tích cực thì các tín đoàn có thể rộng lớn hơn bản thân nhóm đó. Cũng có thể là vì phạm vi niềm tin của nhóm nhỏ hơn phạm vi xã hội của các thành viên nhóm vì nói chung các tổ chức nuôi dưỡng các chuẩn mực hợp tác chỉ nằm trong giới lãnh đạo hoặc các thành viên thường trực của nhóm. Người ta có thể cho rằng một xã hội hiện đại là một lọat các tín đoàn tập trung hoặc xếp lớp. Các tín đoàn đó bao gồm từ những người bạn và các băng nhóm đến các NGOs, các nhóm tôn giáo. 

Gần như toàn bộ các hình thức của các nhóm xã hội-văn hóa truyền thống như các bộ lạc, thị tộc, các hội đoàn trong làng, các giáo phái…vv, đều dựa vào các chuẩn mực chung và sử dụng các chuẩn mực này để đạt được các mục tiêu hợp tác. Văn liệu về phát triển như một nguyên tắc tổng quát không tìm ra vốn xã hội trong hình thức này là một tài sản; phần nhiều người ta coi đó một cách điển hình như một trách nhiệm pháp lý. Hiện đại hóa kinh tế được coi là phản đề với văn hóa truyền thống và các tổ chức xã hội và cũng sẽ tẩy sạch chúng hoặc tự phong tỏa bằng các sức mạnh của chủ nghĩa truyền thống. Tại sao vấn đề lại như vậy, nếu vốn xã hội thực sự là một hình thức vốn? 

Theo tôi vấn đề liên quan đến một sự thật là các nhóm như vậy có một tín đoàn hẹp. Việc đoàn kết nội nhóm làm giảm thiểu khả năng các thành viên nhóm hợp tác với những người bên ngoài nhóm, và thường áp đặt những ngoại ứng tiêu cực lên những người bên ngoài nhóm. Chẳng hạn tại Trung Quốc và nhiều vùng thuộc Mỹ Latin vốn xã hội thường tập trung trong các gia đình và một phạm vi tương đối hẹp của những người bạn riêng 7. Đối với mọi người rất khó để tin tưởng vào những người bên ngoài giới hạn đó. Những người lạ thường gặp nhiều khó khăn nhiều hơn những người họ hàng với nhau; người ta sử dụng một hành vi đạo đức có tiêu chuẩn thấp khi người ta trở thành chẳng hạn như các nhân viên họat động trong lĩnh vực công cộng. Điều này tạo thuận lợi về phương diện văn hóa cho tham nhũng: trong các xã hội như vậy người ta thấy mình có quyền trộm cắp nhân danh gia đình.

Các nhóm xã hội truyền thống thường đau khổ vì sự vắng mặt của cái mà Mark Granovetter gọi là “các mối quan hệ lỏng lẻo” 8 có nghĩa là các cá nhân phi chính thống nằm ở ngoại vi của các mạng lưới xã hội khác nhau là những người có thể vận động giữa các nhóm và vì vậy mà trở thành những người mang các ý tưởng và thông tin mới. Các xã hội truyền thống thường phân mảnh, có nghĩa là họ bao gồm một số lớn các đơn vị xã hội tự túc, đồng nhất như các làng hoặc các bộ lạc chẳng hạn. Ngược lại, các xã hội hiện đại bao gồm một số lớn các nhóm xã hội trùng lặp cho phép tồn tại nhiều thành viên và nhiều bản sắc. Các xã hội truyền thống có ít cơ hội hơn cho những quan hệ lỏng lẻo giữa các bộ phận phân mảnh tạo ra bản thân các xã hội đó, và vì vậy mà nó gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tải thông tin, đổi mới, và các nguồn nhân lực.

II. Vốn xã hội có những chức năng gì trong nền Dân chủ Thị trường Tự do? 

Chức năng kinh tế của vốn xã hội là giảm thiểu các chi phí giao dịch kèm theo các cơ chế điều phối hình thức chẳng hạn như các hợp đồng, các thứ hạng, các nguyên tắc quan liêu…vv. Tất nhiên cũng có thể đạt được hành động phối hợp trong một nhóm người không có vốn xã hội, nhưng điều này có vẻ gây ra những chi phí giao dịch thêm về giám sát, thương thảo, tranh chấp, và làm cho các hợp đồng trở nên có hiệu lực. Không một bản hợp đồng nào có thể chi tiết hóa mọi sự kiện ngẫu nhiên xảy ra giữa các bên đối tác; hầu hết người ta đều giả định trước một số thiện chí nhất định nhằm ngăn cản các bên không được lợi dụng các kẽ hở pháp lý không lường trước được. Các hợp đồng tìm cách cố gắng để cụ thể hóa tất cả mọi ngẫu nhiên mà các thỏa thuận lao động có kiểm soát công việc đã được thương thảo trong ngành công nghiệp ô tô cũng dày không kém gì những cuốn danh bạ điện thoại rất xơ cứng và tốn kém nếu muốn chúng trở nên có hiệu lực. 

Đã có một thời gian khi các nhà khoa học xã hội cho rằng hiện đại hóa nhất thiết gây ra sự thay thế các cơ chế hợp tác không chính thức bằng những cơ chế chính thức theo hướng tiến bộ. Có lẽ đã có một giai đoạn trong lịch sử con người trong đó luật pháp chính thức và các tổ chức rất ít khi  tồn tại và trong đó vốn xã hội lại là phương tiện duy nhất để có được hành động hợp tác; Max Weber cho rằngbản chất của tính hiện đại đã được tạo dựng bằng hợp đồng và chế độ quan liêu duy lý.

Sự thật vấn đề lại là ở chỗ việc hợp tác dựa trên các chuẩn mực không chính thức vẫn còn là một phần quan trọng của các nền kinh tế hiện đại, và người ta có thể cho rằng ngày càng trở nên quan trọng vì bản chất của họat động kinh tế ngày càng trở nên phức tạp và tinh xảo về phương diện công nghệ 9. Nhiều dịch vụ phức tạp có giá giám sát rất tốn kém và được kiểm soát tốt hơn thông qua các tiêu chuẩn chuyên nghiệp được nội tại hóa chứ không phải là thông qua các cơ chế giám sát chính thức. Một kỹ sư phần mềm có trình độ giáo dục cao thường biết về năng suất riêng của ông/bà ấy hơn là người giám sát họ có thể biết; việc mua sắm thường đạt được hiệu quả khi để cho sự đánh giá của một chuyên viên mua sắm có kinh nghiệm thay vì đực thực hiện “bởi cuốn sách” như trong trường hợp của một hợp đồng mua sắm béo bở của chính phủ. Một số nghiên cứu kinh nghiệm chủ nghĩa đã cho thấy rằng R&D (Nghiên cứu & Phát triển) công nghệ cao thường tùy thuộc vào sự trao đổi không chính thức về các bản quyền phát minh sáng chế, đơn giản là vì việc trao đổi chính thức sẽ làm phát sinh thêm các chi phí giao dịch và làm chậm tốc độ trao đổi 10.

Ngay cả trong các môi trường phi công nghệ cao thì vốn xã hội vẫn dẫn đến hiệu quả cao hơn so với các kỹ thuật điều phổi thuần túy hình thức. Dây truyền Taylor cổ điển tổ chức các vị trí làm việc theo cách thức quan liêu hóa, tập trung hóa cao độ đã gây ra nhiều tình trạng không hiệu quả khi các quyết định bị chậm trễ và thông tin thì bị bóp méo trong khi chuỗi mệnh lệnh phân cấp thì lúc lên, lúc xuống. Trong nhiều phương tiện thao tác, phương pháp Taylorism đã bị thay thế bởi nhiều cấu trúc quản lý phẳng hơn bằng cách traô trách nhiệm cho bản thân cấp thấp nhất của nhà máy. Công nhân là người gắn bó nhất với các nguồn tri thức địa phương được ủy quyền ra quyết định về bản thân họ hơn là qui họ vào một hệ thống phân cấp quản lý. Điều này thường đưa lại hiệu quả lớn hơn 11, nhưng lại hoàn toàn tùy thuộc vào vốn xã hội của lực lượng lao động. Nếu tồn tại sự bất tín giữa công nhân và đội ngũ quản lý, hoặc chủ nghĩa cơ hội tràn lan thì việc ủy quyền đòi hỏi một hệ thống thao tác “khuynh hướng” một cách điển hình sẽ dẫn đến chứng bại liệt tức khắc. Trong thực tế điều này đã xảy ra với hãng General Motors trong cuộc đình công năm 1996 và 1998 khi một người dân địa phương đơn độc phản kháng (lúc đầu thì tức giận vì việc nhập linh kiện phanh) đã làm cho tất cả các họat động của công ty bị đình trệ trên toàn bộ Bắc Mỹ 12.

Chức năng chính trị của vốn xã hội trong một nền dân chủ hiện đại đã được Alexis de Tocqueville chỉ ra một cách rõ ràng nhất trong Nền dân chủ Mỹ, bằng cách dùng cụm từ “nghệ thuật lập hội” để mô tả thiên hướng của người Mỹ đối với việc hình thành hội đoàn dân sự. Theo Tocqueville, một nền dân chủ hiện đại có khuynh hướng xóa bỏ hầu hết các hình thức giai cấp xã hội hoặc cái vị thế cha truyền con nối trói buộc người ta vào các giới quí tộc. Những người không thuộc các giới quí tộc thì tương đối tự do nhưng lại yếu trong tính bình đẳng vì họ được sinh ra trong các điều kiện không gắn bó gì với truyền thống. Khuyết tật của nền dân chủ hiện đại là cổ vũ thái quá cho sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, có nghĩa là một thiên kiến với cuộc sống riêng tư và gia đình của người ta, và tính chất thiếu thiện chí trong việc cam kết với các công việc công cộng. Người Mỹ đã đấu tranh chô khuynh hướng này nhằm hướng tới chủ nghĩa cá nhân bằng thiên hướng lập các hội tự nguyện đưa đến thành lập các nhóm vừa tầm thường lại vừa quan trọng đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống của họ. Điều đó hoàn toàn tương phản với nước Pháp quê hương ông là nơi bị vây bọc bởi một thứ chủ nghĩa cá nhân còn triệt để hơn so với Hoa Kỳ. Như Tocqueville đã giải thích trong Chế độ cũ và Cuộc cách mạng Pháp, trong đêm trước của cuộc Cách mạng đã “không thể có được đến 10 người Pháp có thể sát cánh vì một sự nghiệp chung nào”. Chỉ có thể bằng cách cùng nhau thành lập các hội dân sự thì những cá nhân yếu ớt mới trở nên mạnh mẽ được; các hội mà họ thành lập cũng có thể tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị (như trong trường hợp của một đảng chính trị hoặc một nhóm lợi ích) hoặc hoặc có thể họat động như là những “trường học về địa vị công dân” mà ở đó các cá nhân học về các thói quen hợp tác là cái cuối cùng rồi cũng phải được đưa vào đời sống công cộng.

Một nguồn vốn xã hội dồi dào đực coi là cái có thể tạo ra được một xã hội dân sự đông đảo, mà đến lượt mình nó lại hầu như phổ biến được coi là một điều kiện cần thiết cho nền dân chủ tự do hiện đại (bằng cụm từ của Ernest Gellner “không có xã hội dân sự thì không có dân chủ” 13. Nếu một nền dân chủ thực sự là tự do thì nó phải duy trì một bầu không khí an toàn về tự do cá nhân mà ở đó nhà nước bị giới hạn quyền can thiệp. Nếu một hệ thống chính trị như vậy không thoái hóa thành tình trạng vô chính phủ thì xã hội tồn tại trong cái môi trường an toàn đó phải có được khả năng tự tổ chức của nó. Xã hội dân sự phải có nhiệm vụ cân bằng quyền lực của nhà nước và bảo vệ các cá nhân khỏi quyền lực của nhà nước.

Khi không có một xã hội dân sự thì nhà nước thường cần phải tổ chức các cá nhân là những người không thể tự tổ chức bản thân mình. Vì vậy kết quả của chủ nghĩa cá nhân là không có tự do, nhưng đúng ra thì chính thể chuyên chế của cái mà Tocqueville thấy như một nhà nước to lớn và nhân từ treo lơ lửng trên xã hội, và giống như một người cha mà nhìn vào tất cả các nhu cầu của xã hội. Những cấp thấp của vốn xã hội dẫn đến một số họat động bất thường về phương diện chính trị là thứ đã được xây dựng tư liệu tăng cường. Theo phân tích của Tocqueville về nước Pháp nhiều nhà quan sát đã lưu ý đến quá trình tập trung hóa hành chính đã dẫn đến một hệ thống chính trị quá khắt khe và không đáp ứng được nhu cầu xã hội, một hệ thống chỉ có thể thay đổi thông qua sự bùng nổ chống lại hệ thống chẳng hạn như sự cố năm 1968 14. Những nguồn vốn xã hội cấp độ thấp gắn liền với chính quyền thiếu hiệu quả của địa phương ở Nam Italy cũng như ở những vùng tràn ngập tham nhũng 15. Trong nhiều xã hội Mỹ Latin, một niềm tin trong phạm vi hẹp tạo ra hệ thống đạo đức hai cấp với hành vi tốt được dành cho gia đình và bạn bè thân quen, còn tiêu chuẩn hành vi thấp hơn thì dành cho xã hội. Điều đó đã tạo ra nền tảng văn hóa cho tham nhũng là hành động thường được coi là chính đáng để chăm sóc gia đình.

Tất nhiên cũng có thể có nhiều điều tốt. Cam kết dân sự của một con người là tìm kiếm kẽ hở của người khác; hầu hết của cái tạo nên xã hội dân sự có thể được mô tả như những nhóm lợi ích nhằm cố lái các nguồn lực công cộng sang những sự nghiệp mong muốn theo ý họ, cho dù đó là trang trại củ cải đường, khoản chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, hoặc bảo vệ đa dạng sinh học. Các tài liệu lựa chọn công cộng đã phân tích các hậu quả của hành vi tìm kiếm kẽ hở trong các nền dân chủ hiện đại ở một mức độ lớn; Mancur Olson đã cho rằng sự suy thoái kinh tế dài hạn của Anh gây ra bởi việc kiến tạo dài hạn các nhóm lợi ích xã hội tách biệt ở đó 16. Không có gì để đảm bảo rằng các NGOs tự cho là lợi ích công cộng lại thực sự thể hiện các lợi ích công cộng thực sự. Một điều hoàn toàn có thể là một khu vực NGO quá năng động có thể địa diện cho một quá trình phân cực thái quá của đời sống công cộng, là cái cũng có thể làm méo mó chính sách công hoặc dẫn đến sự đình trệ hoàn toàn 17.

Mặc dù có thể là một xã hội có quá nhiều vốn xã hội thì không còn nghi ngờ gì nữa việc có quá ít vốn xã hội sẽ là điều tệ hại. Để trở thành một nguồn bổ sung cho các nhóm được tổ chức, vốn xã hội đóng vai trò sống còn đối với việc vận hành một cách chính xác các thể chế công cộng chính thức. Đôi khi người ta vẫn cho rằng thật hữu dụng khi so sánh các xã hội bằng khuôn khổ thể chế chứ không phải bằng khuôn khổ văn hóa. Chẳng hạn Chalmer Johnson đã cho rằng những khác biệt trong chính sách kinh tế Mỹ và Nhật không phải dựa trên cơ sở văn hóa mà chỉ đơn giản là kết quả của một sự thật là Nhật Bản có MITI* còn Mỹ thì lại không 18. Vấn đề là ở chỗ nếu Mỹ tạo ra một MITI tương tự ở Washington thì nó sẽ không bao giờ có được một kết quả tương tự. Nhưng lại có nhiều lý do để cho rằng các xã hội khác nhau có những năng lực văn hóa khác nhau trong việc xây dựng thể chế. Việc Nhật Bản xây dựng một cơ quan kế hoạch hóa kinh tế có quyền lực to lớn trong việc phân bổ tín dụng không dẫn đến những cấp độ tương tự của việc tìm kiếm kẽ hở và tham nhũng công khai là cái mà các cơ quan tương đương đã gây ra ở Mỹ Latin hoặc Châu Phi (hoặc ngay cả Mỹ có làm theo mẫu hình Nhật Bản đi nữa). Đây chính là bằng chứng cho một số đặc trưng văn hóa Nhật Bản: sự tôn trọng giành cho các quan chức nhà nước, thứ hạng cao trong đào tạo và tính chuyên nghiệp, sự tôn trọng phổ biến đối với quyền uy trong xã hội Nhật Bản...v.v, và nó cũng gợi ý rằng một số thể chế không thể được chuyển giao một cách dễ dàng cho các xã hội khác thiếu vốn xã hội.
___________________________________________

Còn nữa….

Nguồn: Fukuyama, Francis 1999. Social Capital and Civil Society - The Institute of Public Policy; George Mason University; October 1, 1999 Prepared for delivery at the IMF Conference on Second Generation Reforms.


Tác giả: Francis Fukuyama là một người Mỹ, gốc Nhật, sinh năm 1952 tại Chicago (ông ngoại là người sáng lập khoa Kinh tế học, Đại học Kyoto, và là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Osaka, cha ông là giáo sư xã hội học Đại học Chicago), trưởng thành tại Manhattan, nghiên cứu xã hội học, lý luận văn học, triết học chính trị, và cuối cùng là chính trị học. Ông nhận học vị Tiến sĩ về khoa học chính trị tại đại học Harvard về đề tài Liên Xô can thiệp vào Trung Đông. Năm 1979 ông là thành viên của think tank RAND Corporation, chuyên về chính sách toàn cầu, và là giáo sư của nhiều đại học tại Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng với hai tác phẩm The End of History and the Last Man (1992) và Trust (1995)**.

Chú thích

* The Ministry of International Trade and Industry - MITI (通商産業省 Thông thương Sản nghiệp Tỉnh);

** Tôi may mắn được đọc hai cuốn này từ khá sớm: The End of History and the Last Man do học giả Nguyễn Kiên Giang giới thiệu đọc từ 1994; còn Trust tôi mua được trong đợt công tác Malaysia năm 1997.


Tài liệu dẫn

1 Edward Banfield, The Moral Basis of a Backward Society (Glencoe, IL: Free Press, 1958).

2 James S. Coleman, "Social Capital in the Creation of Human Capital," American Journal of Sociology Supplement 94 (1988): S95-S120.

3 Partha Dasgupta, "Economic Development and the Idea of Social Capital," unpublished paper, March 1997.

4 According to Weber, "The great achievement of ethical religions, above all of the ethical and asceticist sects of Protestantism, was to shatter the fetters of the sib." The Religion of China (New York: Free Press, 1951), p. 237.

5 See Francis Fukuyama, Trust: The Social Virtues and the Creation of Prosperity (New York: Free Press, 1995), chapter 9.

6 To my knowledge, the first person to use this term was Lawrence Harrison in Underdevelopment is a State of Mind: The Latin American Case (New York: Madison Books, 1985), pp. 7-8.

7 Fukuyama (1999).

8 Mark S. Granovetter, "The Strength of Weak Ties," American Journal of Sociology 78 (1973): 1360-80.

9 For a fuller treatment of this issue, see Francis Fukuyama, The Great Disruption: Human Nature and the Reconstitution of Social Order (New York: Free Press, 1999), chapter 12.

10 See for example, Annalee Saxenian, Regional Advantage: Culture and Competition in Silicon Valley and Route 128 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1994), which gives numerous examples of informal intellectual property exchange in Silicon Valley.

11 See James P. Womack and D. Jones, The Machine that Changed the World: The Story of Lean Production (New York: Harper Perennial, 1991).

12 See Fukuyama (1999), chapter 13.

13 Ernest Gellner in Conditions of Liberty: Civil Society and Its Rivals (London: Hamish Hamilton, 1994).

14 See, for example, Michel Crozier, The Bureaucratic Phenomenon (Chicago, IL: University of Chicago Press, 1964); Stanley Hoffmann, Decline or Renewal? France since the 1930s (New York: Viking Press, 1974); Stanley Hoffmann and Charles Kindleberger, In Search of France (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1963).

15 Edward Banfield in The Moral Basis of a Backward Society (Glencoe, IL: Free Press, 1958); Robert D. Putnam, Making Democracy Work : Civic Traditions in Modern Italy (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1993).

16 Mancur Olson, The Rise and Decline of Nations (New Haven, CT: Yale University Press, 1982).

17 Larry Diamond, "Rethinking Civil Society," Journal of Democracy 5 (1994): 5-17.

18 Johnson, Chalmers, MITI and the Japanese Miracle (Stanford, Ca.: Stanford University Press, 1982).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét