Powered By Blogger

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

Đọc quá khứ – những cách tiếp cận lý giải Khảo cổ học hiện nay (X)


Đọc quá khứ – những cách tiếp cận
lý giải Khảo cổ học hiện nay (X)

Ian Hodder

Người dịch: Hà Hữu Nga


Lý thuyết lịch sử và Phương pháp: Collingwood

Chúng ta thấy rằng trong KCH, ý nghĩa văn hoá có thể xuất phát từ thế giới vật chất bằng cách áp dụng các khái quát hoá so sánh văn hoá. Các xã hội dựa trên quan hệ dòng dõi cần có một loại hình hệ tư tưởng đặc biệt hoặc sự cạnh tranh đối với các nguồn hạn chế để rồi sinh ra các nghĩa địa có rào vậy quanh, và nhấn mạnh vào tổ tiên (Saxe 1970; Chapman 1981). Chúng ta đã thấy rằng Childe quan tâm xác định vai trò của ý nghĩa chủ quan tính trong biến đổi xã hội, nhưng những mối liên hệ của ông với chủ nghĩa Marxism thường xuất hiện trong các tuyên bố mang tính phương pháp luận, đó là chưa đủ. Chẳng hạn như vấn đề suy luận được thảo luận chi tiết trong Các thế giới Xã hội của Tri thức (1949). Trong đó các phạm trù tinh thần được coi là trực tiếp liên quan đến các cấu trúc kinh tế và xã hội. Việc sử dụng các ngoại suy so sánh văn hoá với “các xã hội đơn giản hiện thời thực hành cùng một loại hình kinh tế với một trang bị kỹ thuật tương tự”, có thể tìm hiểu được “thế giới quan của một người Anh thời đại Đá mới” (ibid).

Có những người theo Childe để chấp nhận rằng các thế giới tri thức được “điều kiện hoá bởi tổng thể văn hoá xã hội và đặc biệt là công nghệ của nó” (ibid tr. 23). Tuỳ thuộc vào trình độ điều kiện hoá cần thiết, cách tiếp cận này thuận tiện hơn nhiều so với cách chối bỏ vai trò quyết định hoặc sự thống trị của kinh tế đối với tư tưởng. Nhưng ngay cả trong khuôn khổ riêng của nó thì cách tiếp cận đó cũng  không hoàn toàn vô vọng, vì thậm chí chúng ta cũng không phân biệt được nền kinh tế, cơ sở vật chất mà không lý giải những di tồn văn hoá.

Collingwood phản đối chủ nghĩa Marxism hoặc bất kỳ một “lý thuyết lịch sử phổ quát” nào một cách rất nhiệt tình; ông cũng chối bỏ các khái niệm “tiến bộ” (và có lẽ cả cái khái niệm đang thịnh hành “tính phức hợp”), và các phương pháp của các khoa học tự nhiên. Giống như Boas (1940) và Kroeber (1963) ở Mỹ, ông chống lại sự sắp đặt thiển cận các bằng chứng văn hoá đã bị giật tung ra khỏi ngữ cảnh lịch sử của nó để đặt vào các sơ đồ trừu tượng bằng cách gọi đó là “các ngăn chuồng chim bồ câu” (1946, tr. 265).

Collingwood, Boas và Kroeber đều chịu ảnh hưởng của các nhà triết học cuối thế kỷ XIX như Dilthey là người đã phân biệt thành các phạm trù khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Trong các khoa học tự nhiên thì các sự kiện “khách quan” được phân loại, các mối liên hệ được chia thành các phạm trù và các qui luật cũng được phát triển (Collingwood 1946: 228). Các khoa học nhân văn, trong đó có lịch sử được hệ thống hoá bằng cách xem xét sự kiện đặc thù ngày càng đầy đủ trong ngữ cảnh của nó, giữa những sự kiện khác liên quan với nó về phương diện cấu trúc. Trong khi lịch sử là khoa học theo nghĩa tổng quát thì nó lại được đối lập với các khoa học tự nhiên, vì nó vận động bằng cách đạt được sự hiểu biết liên quan đến ngữ cảnh, nó bao hàm cả việc nhìn vào “bên trong” các sự kịên. Nghiên cứu lịch sử là cố gắng đạt tới được mục đích và tư tưởng. Trong các khoa học nhân văn, sẽ là không đủ nếu chỉ đơn giản miêu tả các mối tương liên giữa các đối tượng (Collingwood 1939: 109-10).

Việc nhấn mạnh vào KCH như là một loại hình lịch sử được thấy phổ biến trong các giai đoạn 1960s ở Mỹ và Anh, và có lẽ là đúng khi nói rằng đó vẫn còn là một quan điểm thống trị khá phổ biến ở Châu Âu. Khi vạch ra sự khác biệt giữa KCH và Lịch sử, Taylor (1948) đã nhấn mạnh cách tiếp cận kết hợp vào “bên trong” của những đơn vị văn hoá, những mối quan hệ nội tại đặc thù và ý nghĩa của chúng. Nhiều nhà KCH Anh ảnh hưởng Collingwood thường nhấn vào chiều lịch sử của việc suy luận KCH (Clark 1939; Daniel 1962; Hawkes 1954). Piggott (1959) đã gợi ý rằng KCH là lịch sử ngoại trừ một điều là không có bằng chứng để lại hoặc được ghi chép lại một cách hữu ý như lịch sử; nó là “vô thức”. Đối với Hawkes (1942: 125) các văn hoá có cả sự mở rộng trong không gian và trong thời gian, và có tính hướng đích trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Tất cả đều coi văn hoá là bao gồm các chuẩn mực và các mục đích được sản sinh ra về phương diện lịch sử, nhưng nó lại có thể thay đổi theo thời gian.

Trong khi người ta thường nhấn mạnh các chuẩn mực và luật tắc tổng quát của hành vi thì vẫn có những lời đãi bôi về các cá nhân như là một cấu phần quan trọng trong lý thuyết xã hội. Đặc biệt Collingwood đã đưa ra một lý thuyết rõ ràng về hành động xã hội. “Cái được gọi một cách lầm lẫn là “sự kiện” thì thực sự lại là một hành động, và nó bộc lộ một tư tưởng nào đó (ý định, mục đích) của tác nhân của nó” (1939: 127-8). Ông không coi hành động như một phản ứng đối với một kích thích, hoặc chỉ như một hiệu quả thuần tuý của bản chất hoặc sự sắp đặt của tác nhân (ibid., 102). Vì vậy Collingwood nói rằng hành động không phải là một phản ứng mang tính hành vi, cũng không phải là một chuẩn mực. Đúng ra nó là một trạng huống đặc biệt, là cái “sự kiện” diễn ra và được thao tác theo một tri thức giới hạn của tình huống. Vì vậy các loại tình huống tiêu chuẩn hoá xuất hiện, hành động thể hiện là giới hạn luật tắc, nhưng thực sự thì trong nhiều khía cạnh của cuộc sống không có những qui luật hoàn toàn bất biến. Mỗi tình huống riêng biệt là một ngữ cảnh phụ thuộc bằng những kết hợp khác nhau của các yếu tố liên quan, đến mức không thể làm được một bộ sách luật đầy đủ về hành vi để tham chiếu. Đúng ra đó là một vấn đề “ứng tác tốt nhất mà bạn có thể thực hiện được, một phương pháp xử lý tình huống trong đó bạn phát hiện ra chính bản thân mình” (ibid., 105).

Kết quả là việc nhấn vào hành động chứ không phải là sự kiện, đã sinh ra một mối quan hệ đệ qui giữa lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy văn hoá vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả, vừa là kích thích vừa là một di tồn, nó vừa là sáng tạo, vừa là được sáng tạo ra. Vì chúng kết hợp hành động cá nhân với thay đổi đệ qui, nên một vài quan điểm trước đây, đặc biệt so với KCH Mới, KCH Cấu trúc, hoặc KCH Marxism thì lập trường của Collingwood rất ít tính định chuẩn! Tất cả các loại KCH đó đều ấn định các chuẩn mực chung và từ chối vai trò của cá nhân và của nhận thức cá nhân. Tất cả đều coi hành vi là qui tắc-giới hạn.

Tất cả các tác giả trước đây đều ủng hộ cho việc khái quát hoá, tối thiểu là sau khi phục dựng các trật tự văn hoá. Nhưng họ lại khác nhau về niềm tin vào tính chủ quan của dữ liệu và vào việc sử dụng các nguyên tắc của khoa học tự nhiên. Hầu hết đều tin tưởng rằng sự kiện tồn tại trong thực tiễn, rằng bản thân dữ liệu là hoàn hảo, và nếu người ta chỉ việc bám sát vào dữ liệu thì các công trình phục dựng quá khứ sẽ đảm bảo. Piggott (1959; 1965) và Willey (1984: 13) cũng nghĩ rằng người ta có thể áp dụng các khái niệm tổng quát từ đâu đó để lý giải các trật tự riêng. Đồng thời, Hawkes, Piggott và Willey cho rằng theo một nghĩa nào đó, mỗi trật tự văn hoá đều là duy nhất. Đối với Willey (ibid) “nhà KCH phải đắm mình vào các ngữ cảnh lịch sử văn hoá đi thẳng vào các vấn đề trong tầm tay”. Đối với Piggott (1965) mỗi nền văn minh có thể được đánh giá dựa trên những khuôn khổ riêng của nó. Còn đối với chúng tôi, trong hầu hết các công trình trước đây đều  chứa những mâu thuẫn giữa tính đơn nhất chủ quan của các diễn trình lịch sử với một phương pháp kinh nghiệm và khái quát hoá, mà không có vẻ gì là khoa học tự nhiên cả.

Mặt khác, đối với Collingwood, cũng như đối với Daniel (1962) và Taylor (1948), bản thân các dữ liệu là có rất nhiều vấn đề, và việc sử dụng các khái quát hoá so sánh văn hoá trong việc lý giải các dữ liệu lịch sử thường bị chối bỏ. Theo Collingwood (1946: 243): “nói một cách chính xác thì dữ liệu không tồn tại, vì chúng được  nhận thức và được “ấn định” theo một lý thuyết. Tri thức lịch sử không phải là việc “tiếp nhận” thụ động các sự kiện – nó là sự nhận thức rõ tư tưởng, là cái nằm sâu trong các sự kiện” (ibid: 222). Vậy thì một nhà KCH được đào tạo theo trường phái thực chứng sẽ hỏi chúng ta đánh giá như thế nào về các giả thuyết của mình? Vâng, chắc chắn không phải là thông qua việc áp dụng các phương pháp đo lường phổ quát, Lý thuyết Tầm trung. Theo thuật ngữ của Collingwood thì đó là những lý thuyết phổ quát miêu tả hời hợt trên bề mặt. Vậy thì chúng ta sẽ bắt đầu việc đánh giá như thế nào?

Vâng, sẽ có một câu trả lời là chúng ta không thể. Collingwood và nhiều tác giả khác cùng thời ông đã hình dung ra không phải là một sự chắc chắn, không phải tính thiết thực của đầu óc, cũng không phải bằng chứng. Có thể chỉ có một cuộc tranh cãi không ngừng nghỉ và sự gần đúng, và đây là quan điểm bao trùm trong cuốn sách này. Nhưng một câu trả lời như vậy dường như quá dễ dãi. Khi Collingwood phải chịu thương chịu khó để thể hiện, thì chúng ta có thể nghiêm túc trong các công trình phục dựng quá khứ và chúng ta có thể tìm được các tiêu chuẩn để định giá các lý thuyết.

Trước hết cần phải đắm mình vào trong các dữ liệu ngữ cảnh, tái diễn tư tưởng quá khứ thông qua hiểu biết của chính bạn. Nhưng như Bourdieu đã nhấn mạnh, đây là một hành động sống thực tiễn, không phải thông qua một cảnh trí trừu tượng được nhìn thấy. “Tri thức lịch sử là tri thức về tư duy đã thực hiện trong quá khứ, và đồng thời nó tái diễn tư duy đó, việc phô bày quá khứ ấy được diễn ra trong hiện tại” (Collingwood 1946: 218). Quá khứ là một kinh nghiệm được sống qua tư duy.

Collingwood muốn thể hiện điều gì qua tuyên bố đó? Về phương diện KCH, nhiều tổn hại đã xảy ra khi chấp nhận lập trường của Collingwood theo cái cách ông thể hiện vấn đề này. Collingwood không muốn nói rằng chúng ta chỉ nên đơn giản ngồi lại và “thông cảm với”, hoặc “cộng thông” với quá khứ; đúng ra theo tôi, ông chỉ đơn giản tuyên bố một vấn đề được thực hiện trong suốt cuốn sách này là toàn bộ các diễn ngôn về quá khứ (bao gồm từ các quan niệm, chẳng hạn như “đây là một trại săn bắn – hái lượm” “cái mộ này thực hiện chức năng chính thống hoá quyền tiếp cận các nguồn”) đều can dự vào việc xây dựng các định đề về nội dung ý nghĩa trong quá khứ. Theo nghĩa đó, chúng ta thực sự, dù có muốn hay không, cần phải “đặt bản thân mình vào” quá khứ, và Collingwood chỉ đơn giản chỉ ra cho chúng ta điều đó. Nhưng ông còn nói chúng ta cần phải hiểu rằng chúng ta đang làm điều đó, và chúng ta cần thực hiện điều đó một cách có phê phán.

Việc “làm sống lại” quá khứ đã được thực hiện bằng cách đặt câu hỏi và trả lời. Người ta có thể không ngồi lại và quan sát các dữ liệu; chúng có thể được đưa thành hành động bằng cách đặt ra các câu hỏi – tại sao bất cứ người nào cũng muốn dựng lên một công trình như vậy, mục đích của hình dạng cái hố này là gì, tại sao bức tường này lại được làm bằng bùn đất còn cái kia bằng đá? Và câu hỏi nhất thiết phải không được mơ hồ (“chúng ta hãy xem có cái gì ở đây”) mà phải rõ ràng (“đây có phải là những hòn đá lở ra từ một bức tường không?”).

Lời đáp cho các câu hỏi như vậy tuỳ thuộc vào toàn bộ các dữ liệu có sẵn (xem ở dưới), nhưng cũng còn phải dựa vào sự tưởng tượng lịch sử nữa, mà đôi khi lại chịu tác động rất nhiều bởi tri thức và sự hiểu biết của chúng ta về hiện tại. Collingwood ít đề cập đến tính ngoại suy, nhưng tôi lại đọc thấy ở ông một điều là ông không thích sử dụng phương pháp này. Ngoại suy từ hiện tại rõ ràng là quan trọng để mở rộng và kích thích trí tưởng tượng lịch sử. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là việc lý giải của ai về quá khứ cũng đều bị mắc kẹt trong hiện tại - đối với Collingwood, có thể có được sự hiểu biết sâu sắc dẫn tới sự hiểu biết về một ngữ cảnh văn hoá khác với ngữ cảnh riêng của người đó. Tư duy có khả năng tưởng tượng và phê phán những chủ quan tính khác, là cái “bên trong” các sự kiện lịch sử (1946: 297). Mặc dù mỗi ngữ cảnh là đơn nhất, trong đó nó xuất phát từ một hoàn cảnh lịch sử đặc thù, chúng ta vẫn có thể có một sự đồng nhất hoặc một tình cảm chung với nó; mỗi sự kiện dù đơn nhất, đều có một tính chất phổ quát, trong đó nó chứa đựng một ý nghĩa có thể được tất cả mọi người ở mọi thời đều hiểu (ibid., 303).

Vậy là sự hiểu biết sâu sắc có thể được hỗ trợ hoặc được “định giá” bằng rất nhiều cách. Đối với những ai dựa vào tư liệu từ cùng một ngữ cảnh văn hoá mà họ là một thành viên, thì tính liên tục giữa quá khứ và hiện tại cho phép chúng ta lùi trở lại bằng cách bóc cái củ hành của Hawkes (ở trên, tr. 93) để xem tư tưởng thay đổi và chuyển hoá như thế nào. Thay vào đó, Collingwood nhấn vào tính mạch lạc. Vì “nói một cách chính xác” thì các dữ liệu không tồn tại, toàn bộ những gì người ta có thể làm là xác định việc phục dựng quá khứ, là cái tạo nên ý nghĩa, trong khuôn khổ bức tranh của nhà KCH về thế giới mà ông ta tái dựng (ibid., 243) và trong khuôn khổ sự mạch lạc nội tại của lý lẽ. Chiến lược này cho phép giả định những “khách quan tính” khác, và giúp chúng ta phân biệt các lý thuyết với nhau. Nhưng tính mạch lạc cũng liên quan đến tính tương hợp đối với bằng chứng. Mặc dù bằng chứng không tồn tại với bất kỳ khách quan tính nào, nhưng nó lại vẫn tồn tại trong thế giới hiện thực – nó là hữu hình, và có ở đó, dù người ta có muốn hay không. Bất kỳ nhận thức hoặc thế giới quan nào của chúng ta, thì chúng ta vẫn bị giới hạn bởi bằng chứng, và phải được đối sánh với cụ thể tính. Với lý do đó, tôi thấy khó mà yên lòng với cái giả thuyết cho rằng “ở Anh, sắt được sử dụng trước khi có nông nghiệp”, hoặc “ở Anh không có táng thức chính thức trước khi phát triển đồ sắt”: cần có quá nhiều sự biện hộ đặc biệt để làm cho bằng chứng phù hợp với các diễn ngôn như vậy. Vì vậy ngay trong viễn cảnh chủ quan tính riêng của chúng ta, chúng ta thường thấy khó có thể làm cho các lý lẽ mạch lạc của mình phù hợp với bằng chứng. ở một mức độ nào đó, chúng ta dễ dàng nhận ra là có quá nhiều sự biện hộ cho một lý thuyết vì vậy mà lý thuyết đó trở nên không hợp lý.

Vì vậy việc tái dựng ý nghĩa lịch sử của chúng ta là dựa trên những lý lẽ về tính mạch lạc và sự tương hợp liên quan đến các dữ liệu như đã nhận thức. KCH sử dụng các lý lẽ điều chỉnh thích nghi; nó không có lựa chọn nào khác có thể đứng vững. Rõ ràng không thể đạt được sự chắc chắn bằng cách này, nhưng tri thức về quá khứ có thể được tích luỹ thông qua việc áp dụng phương pháp một cách có phê phán.

Nhiều người đã rất khó chịu với các quan điểm của Collingwood hoặc chí ít thì cũng khó chịu bởi cái cách trình bày quan điểm của ông, mặc dù trong cái khí hậu trí thức của triết học hậu thực chứng thì một vài luận lý của ông có vẻ ít chất cấp tiến. Chính vì vậy mà Childe đã nhầm khi cho rằng (1949: 24) vấn đề quan trọng đối với các sử gia là bằng tư duy của họ, tái diễn các tư tưởng và các động cơ của tác nhân, vì bản thân Childe liên tục qui mục đích và các tư tưởng cho tư duy về quá khứ như là một phần thông lệ của công trình KCH. Và ông cũng đã nhầm khi cho rằng “Thực tế thì Collingwood bảo tôi xoá bỏ hết các ý tưởng, phạm trù, và các giá trị xuất phát từ xã hội của tôi ra khỏi đầu để đổ đầy bằng các ý tưởng, phạm trù và giá trị của một xã hội đã tuyệt diệt” (ibid.,). Đúng ra Collingwood đã cho rằng trụ vững trong xã hội của riêng mình, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu về các xã hội khác, là những xã hội – thật vô lý khi đòi hỏi nó - không có bất cứ một liên hệ nào với bản chất của những xã hội đó. Ông cho rằng ông có thể định giá một cách có phê phán cái xã hội riêng của chúng ta, cũng như xã hội khác trong khuôn khổ của nhau.

Nói như vậy không phải là khẳng định rằng việc tái dựng quá khứ của chúng ta độc lập với ngữ cảnh xã hội của chúng ta, và khía cạnh suy luận này sẽ được thảo luận thêm ở chương 8. Thế là chúng ta đã có được một lập trường là trong chủ quan tính của dữ liệu, vẫn có những cơ chế để phân biệt giữa những lý thuyết thay thế. Trong số các bằng chứng, nguồn thông tin ngữ cảnh đủ cụ thể để hạn chế những gì chúng ta có thể nói về nó; quá trình hình dung lịch sử là đưa các bằng chứng thành một tổng thể mạch lạc. Khoa học lịch sử là cái liên quan đến việc phê phán và làm tăng thêm những hiểu biết sâu sắc đó. Mặt khác, các dữ liệu được sử dụng một cách gian lận trong việc khái quát hoá so sánh văn hoá là mối quan hệ có vấn đề giữa chủ thể và khách thể.

Một số ví dụ

Có lẽ cần phải đưa ra một số ví dụ từ công trình của Collingwood và từ những nghiên cứu khác gần đây về những cố gắng tự ý thức trong việc phục dựng các động cơ, mục đích và ý nghĩa của quá khứ. Toàn bộ những cố gắng này đều được đặc trưng bằng việc đắm mình vào các dữ liệu ngữ cảnh, nêu lên các câu hỏi về nó, và vươn tới những tri thức hữu lý về các hoàn cảnh đơn nhất.

Từ hiểu biết sâu sắc của mình về Thành luỹ thời Hadrian và sau đó là Thành luỹ thời Antonio ở bắc Anh, Collingwood (Collingwood và Myres 1936: 140) đã tự hỏi: Tại sao thành luỹ Antonio lại quá khác với Thành luỹ của Hadrian? Tại sao lại không có các pháo đài và các tháp canh và tại sao các pháo đài dọc tường thành lại nhỏ hơn và ở những thành luỹ sớm thì mật độ các pháo đài lại dày đặc hơn?” Các pháo đài cho thấy rằng trong các thành thời Antonio người ta đã bố trí một lực lượng quân đội nhỏ hơn. Cấu trúc của thành cũng cho thấy sự nỗ lực mang tính kinh tế, đặc biệt là so với thành của Hadrian.

“Hào luỹ nằm ở phía trước tường thành thậm chí lại còn sâu rộng hơn hào luỹ thời Hadrian, nhưng chính hào luỹ đáng lẽ xây bằng đá thì lại được làm bằng bùn đất ở phía tây và ở trung tâm, và bằng đất sét ở phía đông. Chính bản thân Hadrian đã hạ bỏ  cái công trình đất có từ rất sớm để xây dựng bằng vôi vữa. Và các con số đều cho thấy sự trái ngược. Phần bùn đất dưới chân thành Hadrian rộng 20 feet; trong khi đó thành Antonio chỉ có 14 feet; điều này cho thấy rằng trong cả hai trường hợp nếu độ cao của thành đất là như nhau thì Thành luỹ thời Antônio dù có bất cứ độ dài nào thì cũng chỉ cần tới 2/3 số bùn đất mà thành Hadrian cần. Ngoài ra, các pháo đài thay vì xây dựng các bức tường thành bằng đá với những chiếc cống thoát nước to lớn, thì lại chỉ được xây bằng bùn đất hoặc phần thành luỹ phía đông có các cống nước bằng gỗ thường được thiết kế đơn giản nhất; chỗ nào sử dụng đá, thì công trình được xây dựng rất đơn giản và không tốn kém. Ngay cả các công trình xây dựng ở trung tâm chỉ huy sở của các pháo đài cũng không phải đều làm bằng đá, và các doanh trại chỉ được làm bằng những nhà gỗ tạm, rẻ tiền, một số trường hợp được lợp bằng cỏ tranh”.

Từ bằng chứng đó, Collingwood chuyển sang lý giải về mục đích. “Vậy là cả trong xây dựng lẫn trong tổ chức, Thành quách thời Antonio thể hiện sự cố gắng được cân nhắc thận trọng để tiết kiệm chi phí (ibid., 142). Giả thuyết này được củng cố thêm bằng cách chỉ ra hệ thống thành luỹ ấy đã không được xây ở một vị trí chiến lược tốt, và bằng cả việc đối sánh thành Antonio với một chiến tuyến mới được xây ở Đức. “Những đặc điểm khác nhau ấy của thành luỹ Antonio, khi được xem xét cùng với nhau, có vẻ như không phải là một loạt tháp canh trong khi ý định làm một loạt tháp canh đã được cân nhắc thận trọng, vì người ta cho rằng không cần phải xây dựng một phòng tuyến mạnh trên cùng chiến tuyến đó (ibid., 143).

Trong công trình đó, Collingwood còn tiếp tục gợi ý tại sao người ta lại xây loại thành luỹ này ở vị trí đó, trong thời điểm đó, bằng cách liên hệ với những bằng chứng khác về các bộ lạc và các khu cư trú ở Bắc Anh. Nhưng đối với mục đích của chúng ta thì các miêu tả ấy đã đủ để chỉ ra cái cách thức đặt câu hỏi và cố gắng trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến thông tin ngữ cảnh chi tiết, một sự lý giải đặc thù, chỉ xảy ra một lần khi cho rằng ý định chủ quan có thể được đưa ra là có lý và có thể được các bằng chứng ủng hộ.

Trong một mức độ nào đó, việc lý giải của Collingwood dựa trên những tài liệu chữ viết về hoạt động của quân đội La Mã, vì vậy cần phải quay trở về với một ngôi thành hoàn toàn tiền sử, được xây dựng vào khoảng đầu thời đại đồ sắt tại một khu cư trú ở Đức, Heuneberg. Merriman (1987) đã chỉ ra ngôi thành này được xây dựng như thế nào để khẳng định được thanh thế của nó. Để trả lời câu hỏi: “tại sao ngôi thành lại được xây dựng?” các nhà KCH đã lưu ý đến việc sử dụng gạch mộc, giống như gạch mộc được sử dụng ở Địa Trung Hải. Họ cũng nhận thấy rằng trong ngữ cảnh văn hoá Bắc Âu, các toà thành như vậy không tồn tại về phương diện lịch sử, còn về phương diện khí hậu thì các điều kiện cũng không phù hợp. Nguồn thông tin ngữ cảnh khác liên quan đến cả việc trao đổi các loại hàng hoá uy tín giữa Địa Trung Hải và Bắc Âu, cả tính chất phức hợp nội tại của trung tâm Heuneberg và các gò mộ rất giàu đồ tuỳ táng ở đó. Trên hết, việc nhận thức rằng ngôi thành đặc thù này có mục đích gây thanh thế để tạo ra một thế trụ vững tại địa phương nhiều hơn là mục đích phòng vệ tỏ ra là hữu lý.

Trong phân tích về Zapotec Cosmos ở Oaxaca Formative, Flannery và Marcus (1976) đã chứng tỏ rằng các biểu tượng trên gốm có thể được truy nguyên đến các phiên bản tự nhiên, vì vậy có thể được gán nghĩa là những con rắn lửa và báo. Tương tự như vậy, tôi cũng cho rằng (1984a) nhiều ngôi mộ đá mới Tây Âu có nghĩa là những ngôi nhà. Quan niệm này được biện hộ bởi việc lưu ý đến 8 vấn đề tương đồng về hình thức giữa các ngôi mộ dài và những ngôi nhà dài cùng thời ở Trung Âu. Việc gán nghĩa cho những ngôi mộ là những ngôi nhà đã được khẳng định trong một ngữ cảnh xã hội phù hợp. Khi phân tích về việc trao đổi rìu Đá mới ở Anh (Hodder và Lane 1982) chúng tôi cho rằng những chiếc rìu có một ý nghĩa chủ thể tính vượt khỏi giá trị sử dụng của chúng vì chúng là loại đồ vật duy nhất được vẽ trong các ngôi mộ; chúng thường được đặt trong một ngữ cảnh nghi lễ, và là những phiên bản mang tính tượng trưng làm bằng đá phấn.

Trong số các ví dụ trên, không ví dụ nào có ý nghĩa đặc biệt – chúng là những ví dụ rất thường gặp trong KCH – nhưng lại rất quan trọng. Trong đó, tính tương đồng với các dữ liệu dân tộc học có thể ảnh hưởng tới việc chọn lựa các câu hỏi, cách hình dung về phương diện lịch sử và những lý thuyết được chấp nhận, nhưng trong tất cả các trường hợp thì mục đích chính là nắm bắt được chủ quan tính của các ngữ cảnh quá khứ, và để tìm hiểu bản thân các dữ liệu trong khuôn khổ riêng của chúng. Có thể cảm nhận được rằng còn có một cái gì đó hơn là một khoảng trống về mặt phương pháp luận. “Phổ biến tính” mà Collingwood vẫn viện đến (tr. 99) là gì? Làm thế nào để chúng ta hiểu được quá khứ mà không có sự áp đặt của hiện tại, và khi bỏ qua những ví dụ đã đưa ra thì làm thế nào chúng ta có thể lý giải được nội dung ý nghĩa? Những câu hỏi như vậy sẽ được quay trở lại ở chương 7. Nhưng công trình của Collingwood đã đưa việc tìm kiếm vượt lên phía trước cả một quãng đường dài.

Kết luận

Vậy là KCH cần phải lùi để tiến. Trong suốt cả chương này chúng ta thấy cần thiết phải quay trở lại với Tiền KCH Mới, để khôi phục lịch sử-văn hoá và khôi phục một cách tiếp cận triết học mạch lạc. Tôi e rằng nếu ai đó phải tiến hành một phân tích về các tài liệu dẫn hoặc các đoạn trích trải dài từ những năm 1950 đến những năm 1980 người ta sẽ tìm thấy một bước đột phá rõ ràng vào quãng năm 1965. Cái tên KCH Mới đã được dùng để gọi toàn bộ các loại KCH trước đó: định chuẩn, mô tả, tư biện, chưa hết - đó chính là thời gian để thực hiện một bước đột phá và một khởi đầu mới. Cả mục đích lịch sử văn hoá lẫn các phương pháp lý giải đều bị công kích.

Tất nhiên cũng có nhiều loại lịch sử văn hoá làm cho mất hứng sáng tạo, và có những KCH tồi. Nhưng cũng hệt như vậy phải là sự thật về KCH Mới, và sẽ phải là sự thật về toàn bộ KCH tương lai. Bằng cách xem xét những tiếp cận mới rất đa dạng đã được thử hơn 20 năm nay trong KCH tôi đã chứng minh rằng những hạn chế của chúng xuất phát từ chính việc khước từ các ý nghĩa văn hoá, khước từ cá nhân và lịch sử. Bằng cách cố thử viết lại lịch sử như là một khoa học tự nhiên, tri thức được tích luỹ trong những năm trước đây (trừ một vài trường hợp về các sơ đồ trật tự niên đại và các miêu tả dữ liệu cơ sở) được xác lập như một hình nộm rơm và đã bị đổ nhào.

Bằng việc cố thử đưa KCH trở lại đúng hướng và tái tích hợp giữa cũ và mới, nhiều người có cảm giác rằng tôi đã đi quá xa về phía KCH Ngữ cảnh và tư biện. Một phản ứng thông thường với những ý kiến cho rằng chúng ta phải lý giải những ý nghĩa chủ thể tính trong quá khứ là nhắm vào những vấn đề định giá nguồn dữ liệu vừa thiếu, vừa câm lặng. Tuy nhiên thực tế thì có thể thấy rằng toàn bộ việc phục dựng văn hoá đều tuỳ thuộc vào việc gán ý nghĩa chủ quan cho những ngữ cảnh lịch sử đặc thù. Trong chương này chúng ta đã thảo luận về những thao tác phù hợp như Collingwood vạch ra. 

Một phản đối khác thường thấy khi nói rằng một bức tường thành được xây dựng vì ai đó có ý định xây dựng một bức tường. Cách nói như vậy khó mà đưa được nghiên cứu của chúng ta đi xa hơn. Chắc chắn là nếu không có gì hơn việc khẳng định như vậy thì có lẽ chúng ta cũng đã đi được xa hơn một chút theo một hướng chứ không phải như các Qui luật chuột Mickey của Flannery (1973) đã thực hiện theo một hướng khác. Nhưng việc thảo luận mục đích và ý định có nguồn gốc từ một ngữ cảnh lịch sử-văn hoá đặc thù đã gắn liền với một khuôn khổ hành động xã hội thì lại không đơn giản chỉ mô tả các dữ liệu theo một cách thức mới; có thể cung cấp thêm các thông tin về vấn đề này. Việc lý giải vượt khỏi dữ liệu – nếu đó không phải là việc định giá thì có lẽ là khó khởi phát. Trong hai ví dụ “tường thành” đã được đưa ra, thì việc xây dựng đã diễn ra nhằm tiết kiệm chi phí đến mức tối đa trong khuôn khổ quân số và lao động hiện có, và để đạt được thanh thế xã hội. Cả hai lý giải này đều đã bổ sung thêm cho dữ liệu.

Đúng ra việc tạo điều kiện cho KCH trở thành một khoa học tự nhiên “mới” (Rahtz 1981), thì thật hữu ích khi ta sử dụng nhiều phương pháp và định đề về KCH lịch sử cho KCH tiền sử. Trong chương này chúng ta đã thấy rằng lịch sử của “cái bên trong” các sự kiện được xem xét trong một khoảng thời gian dài đã tạo ra cho chúng ta tiềm năng để hiểu được đầy đủ sự biến đổi xã hội, tìm hiểu các mối liên hệ giữa cấu trúc, tư tưởng và thực tiễn, và tìm hiểu vai trò của cá nhân trong xã hội. Các dữ liệu KCH với lối tiếp cận đơn nhất đối với một giai đoạn dài có thể đóng góp cho nhiều cuộc tranh luận hiện tại liên quan đến xã hội và sự thay đổi xã hội. Chẳng hạn các “cách thức chủ quan tạo ra sự vật” đã chống lại sự biến đổi đột ngột chính yếu về kỹ thuật và xã hội như thế nào?. Mối quan hệ giữa biến đổi xã hội đột ngột và dần dần là gì? Bằng cách đặt ra những câu hỏi như vậy, chúng ta có thể chấp nhận đặt tính đặc thù của các dữ liệu KCH vào trường hợp riêng của nó.

Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra một ví dụ mô tả về lịch sử dân tộc, về vai trò của văn hoá vật chất trong thay đổi xã hội trong một ngữ cảnh lịch sử đặc trưng. Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng tôi đã vòng vo xung quanh một vấn đề có những mối liên quan đáng kể. Collingwood (1946: 315) đã đi tới kết luận rằng “Chúng ta nghiên cứu lịch sử ... để đạt tới tự nhận thức”. Vì chúng ta đã thừa nhận rằng một phần phục dựng quá khứ của chúng ta tuỳ thuộc vào thế giới quan riêng của chúng ta, và vì chúng ta đã phủ nhận bất kỳ khả năng nào đảm bảo những lý giải của chúng ta về quá khứ là chắc chắn. Vậy là “mỗi thế hệ mới đều phải viết lại lịch sử bằng cách thức riêng của họ” (ibid., tr. 248) đã trở thành một vấn đề mới được nêu lên. Vì vậy các phương pháp phải thay đổi, và tri thức lịch sử phải được mở rộng hoặc được thay thế. Mục đích tối hậu có thể chỉ là tự nhận thức. Trong dự phóng của chúng ta về quá khứ, về phương diện phê phán, chúng ta tự nhận biết về bản thân mình nhiều hơn. Đây là lý do cho lòng nhiệt tình ẩn sau việc Collingwood chối bỏ áp dụng khoa học tự nhiên vào quá khứ của con người. Công trình của Collingwood là “một cuộc đấu tranh chính trị” (ibid., tr. 167). Việc thảo luận về tính nhân văn trong khuôn khổ của các qui luật tổng quát cuối cùng là các qui luật ấy đã ngăn cản con người đạt được tự do. Nhưng Collingwood đã không khảo sát và phê phán đầy đủ các động cơ chính trị của KCH của ông hoặc của người khác. Ông dẫn chúng ta đến việc thừa nhận cấu trúc xã hội của tri thức về quá khứ nhưng ông đã không đặt việc xây dựng tự nhận thức vào những cấu trúc rộng lớn hơn. Truyền thống làm việc kiểu Collingwood và Dilthey là chủ đề của một phê phán rộng lớn trong truyền thống chú giải cổ bản sẽ được mô tả ở chương 7.
_______________________________________

Còn nữa...


Tác giả: GS. Ian Hodder sinh năm 1949, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học London năm 1971, nhận học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge năm 1975, trở thành giáo sư Đại học Cambridge từ năm 1977.

Nguyên bản: Reading the Past – Current approaches to Interpretation in Archaeology. Second Edition. Cambridge University Press 1991.


Tài liệu Tham khảo

Boas, F., 1940. Race, Language and Culture, NewYork: Macmillan Press.

Childe,V.G., 1936. Man Makes Himself, London: Collins.

Childe,V.G., 1949. Social Worlds of Knowledge, Oxford University Press.

Chapman, R.W., 1981. The Emergence of Formal Disposal Areas and the “Problem” of the Megalithic Tombs in Prehistoric Europe, in R. Chapman, I. Kinnes and K. Randsborg (eds.), The Archaeology of Death, Cambridge University Press.

Clark, J. G. D., 1939. Archaeology and Society, London: Methuen.

Collingwood, R.G., 1939. An Autobiography. OxfordUniversity Press

Collingwood, R.G. 1946. The Idea of History. Oxford University Press.

Collingwood, R.G., and Myres, J., 1936. Roman Britain and the English Settlements, Oxford University Press.

Daniel, G. E., 1962. The Idea of Prehistory. Harmondsworth: Penguin.

Flannery, K. V., 1973. Archaeology with a Capital S. In C. Redman (ed.), Research and Theory in Current Archaeology, NewYork: Wiley.

Flannery, K. V., and Marcus, J., 1976. Formative Oaxaca and the Zapotec Cosmos. American Scientist 64, 374–83.

Hawkes, C., 1954. Archaeological Theory and Method: Some Suggestions from the Old World. American Anthropologist 56, 155–68.

Hodder, I., 1984a. Burials, Houses, Women and Men in the European Neolithic. In D. Miller and C. Tilley (eds.), Ideology, Power and Prehistory, Cambridge University Press.

Hodder, I., and Lane, P., 1982. A Contextual Examination of Neolithic Axe Distribution in Britain, in J. Ericson and T. Earle (eds.). Contexts for Prehistoric Exchange, NewYork: Academic Press.

Kroeber, A. L., 1963. Anthropology: Culture, Patterns and Processes, NewYork: Harcourt Brace Jovanowich.

Merriman, N., 1987. An Investigation into the Archaeological Evidence for “Celtic Spirit”, in I. Hodder (ed.), Archaeology as Long Term History, Cambridge University Press.

Piggott, S., 1959, 1965. Approach to Archaeology, Harvard: Mc Graw Hill 1965, Ancient Europe, Edinburgh: Edinburgh University Press.

Rahtz, P., 1981. The New Medieval Archaeology, York: University of York.

Saxe, A., 1970. Social Dimensions of Mortuary Practices, unpublished Ph.D thesis, University of Michigan.

Taylor, W., 1948. A Study of Archaeology, New York: Memoirs of the American Anthropological Association 69.

Willey, G., 1984. The Social Uses of Archaeology, Murdoch Lecture (unpublished typescript), Harvard University 1984. Archaeological Retrospect 6’, Antiquity 58, 5–14.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét