Powered By Blogger

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Quá trình hình thành dân tộc và bản sắc dân tộc (II)



Quá trình hình thành dân tộc và bản sắc dân tộc (II)

Montserrat Guibernau

Người dịch: Hà Hữu Nga


4. Toàn cầu hoá và bản sắc dân tộc

Hiện giờ bản sắc dân tộc là một trong những loại hình bản sắc tập thể mạnh nhất. Bản sắc dân tộc được đặt cơ sở trên tình cảm gắn bó với một dân tộc cụ thể, vốn có các biểu tượng, truyền thống, các vị trí linh thiêng, các nghi lễ, các anh hùng, lịch sử, văn hoá và lãnh thổ riêng của mình. Từ đó xuất hiện hai vấn đề liên quan mật thiết chủ yếu: Trước hết một bản sắc dân tộc chung có thiên hướng sáng tạo ra các sợi giây ràng buộc giữa các thành viên của một cộng đồng nhất định và cho phép các thành viên của cộng đồng hình dung ra cái cộng đồng của mình như là một cộng đồng riêng biệt và độc đáo so với các cộng đồng khác. Thứ hai, các cá nhân trở thành thành viên của một văn hoá về phương diện tình cảm thì đều có bổn phận và trách nhiệm lĩnh hội và nội tại hoá các biểu tượng, các giá trị, các niềm tin và các phong tục tập quán thành một bộ phận của bản thân họ. Bổn phận tình cảm mà các cá nhân đầu tư vào đất nước, ngôn ngữ, các biểu tượng, và niềm tin trong khi tạo dựng bản sắc đã trở thành miếng đất mầu mỡ cho sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. Có một chiều góc chính trị trong bản sắc dân tộc. Nó gắn liền với mong muốn của những ai có chung bản sắc dân tộc để có quyền và quyền lực lựa chọn sinh mệnh chính trị của dân tộc họ.

Các tiêu chuẩn xác định bản sắc bao gồm: tính liên tục theo thời gian, và sự khác biệt so với các dân tộc khác, bao gồm cả các yếu tố cơ bản của bản sắc dân tộc. Tính liên tục bắt nguồn từ quan niệm về dân tộc với tư cách là một thực thể có căn cội về phương diện lịch sử dự phóng tương lai. Sự khác biệt bắt nguồn từ ý thức tạo ra một cộng đồng với một nền văn hoá chung độc đáo gắn liền với một lãnh thổ cụ thể bao gồm cả các yếu tố dẫn đến sự khác biệt giữa các thành viên và “những người xa lạ”, “bộ phận còn lại”, “người ngoài”.

Các nhà nước dân tộc cổ điển đã luôn luôn tìm cách đồng nhất hoá các nhóm cư dân của họ và làm cho thấm nhuần vào người dân của nó ý nghĩa về bản sắc dân tộc chung. Bất cứ nơi nào mà nhà nước dân tộc đối đầu với sự kháng cự lại các mục tiêu của nó, nó không ngần ngại áp dụng các biện pháp cứng rắn bao gồm từ việc đồng hoá cưỡng bức đến đàn áp, phân biệt đối xử, hoặc thậm chí trục xuất ồ ạt người dân và diệt tộc. Mục tiêu của nó là thanh toán các khác biệt văn hoá nội bộ. Trong suốt thời gian đó việc phân biệt các mức độ quyền lực nhà nước, lối tiếp cận với các nguồn lực và việc cam kết đối với các hệ tư tưởng chính trị khác nhau đã quyết định thành công và các phương pháp được các nhà nước khác nhau sử dụng trong khát vọng đồng nhất hoá về phương diện văn hoá. Trong số các chiến lược chủ yếu được nhà nước sử dụng để theo đuổi bản sắc dân tộc duy nhất trong việc thống nhất các công dân của nó là:

1. Việc tạo dựng và phổ biến một hình ảnh “dân tộc” nào đó thường dựa trên dân tộc thống trị hoặc nhóm dân tộc sống trong các ranh giới nhà nước và bao gồm một lịch sử chung, một văn hoá chung và một lãnh thổ được vạch ranh giới rõ ràng.

2. Sự sáng tạo và phổ biến một tập hợp các biểu tượng và nghi lễ có sứ mệnh củng cố ý nghĩa của cộng đồng của các cư dân của chúng.

3. Sự tăng tiến vị thế công dân liên quan đến hàng loạt các quyền công dân hợp pháp, các quyền và nghĩa vụ chính trị và các quyền kinh tế xã hội. Nhà nước bằng cách trao các quyền cho các thành viên của nó có khuynh hướng ủng hộ cho việc xuất hiện các tình cảm trung thành với bản thân nó. Nó cũng xác lập sự khác biệt quyết định giữa những người được chấp nhận và những người bị loại trừ khỏi cộng đồng công dân, đó là giữa những người được trao quyền và những người bị tước đoạt trong ranh giới nhà nước đó.

4. Việc tạo ra những kẻ thù chung. Việc theo đuổi chiến tranh đã tỏ ra là có tính quyết định đối với sự xuất hiện và củng cố ý nghĩa của cộng đồng công dân được thống nhất lại để đối phó với mối đe doạ từ bên ngoài, sắp xảy ra, tiềm tàng hoặc được dựng lên.

5. Sự củng cố tiến độ giáo dục dân tộc và các hệ thống truyền thông đại chúng như là những công cụ chủ chốt trong việc phổ biến một “hình ảnh dân tộc” với các biểu tượng, nghi lễ, giá trị, các nguyên tắc, các truyền thống và các lối sống, các kẻ thù chung của nó, và thậm chí còn quyết liệt hơn, bằng cách định nghĩa rõ ràng thế nào là một “công dân tốt”.

Những biến đổi to lớn trong bối cảnh các chiến lược đó được tiến hành đã được đăng ký trong vòng hai mươi năm qua. Hầu hết những thay đổi này gắn liền với việc tăng cường các quá trình toàn cầu hoá và sự xuất hiện của nhà nước hậu truyền thống. Nhưng những thay đổi này là gì? Làm thế nào để có thể hiểu được tường tận các thay đổi đó? Những thách thức mới nào đặt ra trước các quan niệm truyền thống về bản sắc dân tộc. Đây là một nhiệm vụ đầy tham vọng không thể được thực thi một cách đầy đủ trong phạm vi hạn chế của nghiên cứu này. Vì vậy nghiên cứu này chỉ có thể phác thảo một số chuyển đổi chủ yếu tác động đến cách thức tạo dựng bản sắc dân tộc của nhà nước dân tộc hậu truyền thống.

4.1. Các thách thức đối với một bản sắc dân tộc đồng nhất

Hiện nay các nhu cầu độc lập hoặc tự trị chính trị thường đặt nền tảng trên các nguyên tắc tính dân chủ và chủ quyền phổ biến. Những khẳng định như vậy chứa đựng tiềm năng huỷ hoại nghiêm trọng ý tưởng về bản sắc dân tộc đồng nhất thường bỏ qua tính đa dạng trong phạm vi quốc nội. Bằng cách thúc đẩy các bản sắc độc đáo của mình, các thiểu số dân tộc và các nhóm tộc người luôn thách thức huyền thoại sáng tạo - nhà nước của một dân tộc đồng nhất về phương diện văn hoá sống trong lãnh thổ quốc gia đó. Một huyền thoại được tìm thấy và được chấp nhận sau nhiều cấp độ tăng cường và thành công khác nhau của các nhà nước dân tộc khác nhau. Tuy nhiên người ta có thể cho rằng các phong trào xã hội thúc bách các quyền của các nhóm tộc người và các thiểu số dân tộc đã có cuộc sống thịnh vượng trước khi toàn cầu hoá. Tuy nhiên toàn cầu hoá đã bổ sung những đặc trưng rất độc đáo vào các phong trào này bằng cách cung cấp cho những quốc gia nào có thể nuôi dưỡng được nó bằng một phương tiện mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các ngôn ngữ, văn hoá, báo trước các tình huống không công bằng, tạo ra những mạng lưới đề kháng thật sự và tổ chức hoạt động chính trị ở nơi mà sự đồng tồn tại không phải là một điều kiện thiết yếu. Toàn cầu hoá đã chuyển hoá căn bản những cách thức sáng tạo và phổ biến thông tin,  văn hoá.

Thêm vào đó toàn cầu hoá đã bổ sung tính chất rõ ràng vào những cách thức mà các nhà nước dân tộc tiến hành các hoạt động chính trị và giải quyết các vấn đề dân tộc và dân tộc thiểu số. Tính rõ ràng góp phần vào sự báo trước các tình huống bất công, nhưng cho đến bây giờ nó vẫn chưa chứng tỏ được là rất hiệu quả trong việc tạm dừng các trấn áp và thay đổi chúng. Tính chất rõ ràng gắn liền với toàn cầu hoá đã đặt ra một sức ép lớn hơn đối với các nhà nước dân tộc trong việc tự thể hiện mình là các nhà nước dân chủ bằng cách thực sự dân chủ hoá sự vận hành và cấu trúc của chúng hoặc bằng cách khôn khéo dấu nhẹm những hành động phi dân chủ tuy rằng việc làm này càng ngày càng khó. Tính chất rõ ràng ngày càng tăng của các thiểu số dân tộc và tộc người đã để lộ ra rằng mặc dù đã liên tục cố gắng để đồng nhất hoá các cư dân của mình nhưng hầu hết các nhà nước dân tộc vẫn là những nhà nước đa tộc người và đa dân tộc. Thực tế cho thấy chừng nào còn dấu giếm hoặc còn lờ đi thì các nhà nước châu Âu càng có nhu cầu bức thiết tìm kiếm các chiến lược thay thế cho việc tạo dựng bản sắc dân tộc dựa trên cơ sở hội nhập hơn nữa. Thất bại về phương diện này rõ ràng đe doạ sự cố kết xã hội và tạo thêm điều kiện cho việc trao quyền cho các địa phương và cho sự ly khai tại nhiều vùng trên thế giới đang dẫn đến sự đổ vỡ của nhà nước.

Giai đoạn chuyển tiếp của Tây Ban Nha sang nền dân chủ đã minh hoạ phương thức tăng cường tính rõ ràng của các yêu cầu dân chủ đối với việc thừa nhận được những người Catalan và người Basques đề xuất cùng với khát vọng được các thể chế siêu quốc gia phương Tây như EU và NATO chấp nhận đã thúc đẩy việc tái xác định cơ bản về Tây Ban Nha. Việc tái xác định như vậy đã tạo điều kiện cho các thay đổi trong cấu trúc nhà nước Tây Ban Nha, và ở một mức độ nào đó là bản sắc dân tộc Tây Ban Nha. Dưới chế độ Franco (1939 – 1975) nhà nước đã buộc người ta phải chấp nhận một hình ảnh Tây Ban Nha được xác định bằng chế độ tập quyền trung ương, chủ nghĩa bảo thủ, đạo Công giáo và sự ưu trội của văn hoá Castile. Hiến pháp năm 1978 đã làm thay đổi hẳn bản chất Tây Ban Nha. Nền dân chủ đã buộc nhà nước Tây Ban Nha thừa nhận những khác biệt vẫn tồn tại trong quốc gia này và lần đầu tiên trao quyền tự trị cộng đồng cho Catalonia và xứ Basque vì vậy mà dẫn đến việc chuyển biến cơ bản mô hình nhà nước Tây Ban Nha. Tại nước Tây Ban Nha dân chủ mới vai trò sáng tạo của nhà nước gắn liền với chủ nghĩa dân tộc trong mối tương quan giữa Catalonia và Tây Ban Nha đã được áp dụng một cách linh hoạt. Việc định nghĩa Tây Ban Nha phải được xem xét và sửa đổi dưới ánh sáng của nguồn thông tin của chính Tây Ban Nha; điều này liên quan đến các dân tộc hoặc trong khuôn khổ Hiến pháp 1978 là các “đặc trưng dân tộc tính” và “các vùng” tạo thành Tây Ban Nha.

Cấu trúc quyền lực mà nhà nước Franco có thể áp đặt bản sắc dân tộc Tây Ban Nha được tạo dựng lên bằng cách thuyết phục các tác nhân xã hội - kể cả bằng vũ lực khi cần - tối thiểu cũng đã có thể điều chỉnh đời sống công cọng của quốc gia này thì giờ đây đã bị sói mòn. Bản sắc dân tộc Tây Ban Nha phải được xác định trong mối quan hệ với các dân tộc cấu thành của nó, trong khi các dân tộc này lại đồng thời đấu tranh để đòi lại và phát triển các yếu tố chủ chốt thuộc các bản sắc dân tộc cụ thể của họ đã bị cấm đoán dưới thời Franco. Mục đích của việc định nghĩa Tây Ban Nha là ở chỗ: bằng việc tự xác định mình như một dân tộc, Catalonia đã thách thức mô hình một bản sắc dân tộc Tây Ban Nha đồng nhất không chỉ được bảo vệ bởi chế độ Franco mà còn bởi một số khu vực bảo thủ luôn kêu ca về quyền tự trị cơ bản mà xứ Catalonia và xứ Basque đã giành được.

4.2. Đối đầu, cạnh tranh và đối thoại văn hoá

Mặc dù các nhà nước dân tộc vẫn có khả năng sáng tạo và phổ biến các biểu tượng chung và mô phỏng các nghi lễ giành riêng cho việc tăng cường ý nghĩa của toàn thể người dân cộng đồng nhưng nó không còn hy vọng ở năng lực duy nhất để thực thi việc kiểm soát đối với các lãnh thổ của nó. Các công nghệ mới gắn liền với toàn cầu hoá đã nới lỏng khả năng của nhà nước nhằm áp đặt một nền văn hoá duy nhất đối với toàn bộ cư dân của nó và làm cho quá trình đồng nhất văn hoá trở nên khó khăn. Nhưng sự xác nhận này cần phải được điều kiện hoá bởi vì như chúng ta đã đề cập, trước đây chưa bao giờ nhà nước dân tộc lại có một tiềm lực công nghệ mạnh như bây giờ trong việc sản xuất và truyền bá một văn hoá riêng biệt, và kiểm soát cư dân của mình. Nhà nước dân tộc hậu truyền thống tìm cách thể hiện các biểu tượng và nghi lễ dân tộc của mình tách riêng khỏi những gì, những ai thân thuộc với các nền văn hoá khác, các dân tộc khác. Nhưng thay vì biệt lập văn hoá chúng ta lại đang được chứng kiến quá trình phụ thuộc ngày càng tăng tự thể hiện qua sự đối đầu, cạnh tranh và đối thoại văn hoá. Tất nhiên đây không phải là một hiện tượng tác động đến tất cả các dân tộc một cách ngang bằng nhau, mà nó xuất hiện như một đặc điểm luôn luôn mở rộng trong thời đại toàn cầu hoá.

Hai ví dụ cụ thể minh hoạ cho vấn đề này là chiến dịch của chính phủ Canada nhằm thúc đẩy, tái xác định và củng cố bản sắc dân tộc Canada do thủ tướng Pierre Trudeau (1982) khởi xướng dưới ánh sáng của sự ủng hộ ngày càng tăng cho các đảng dân tộc chủ nghĩa ở Quebec, và việc tái xác định bản sắc dân tộc Tây Ban Nha do chính phủ của đảng xã hội khởi xướng (1980 – 1996) và được tiếp tục bởi chính phủ thuộc đảng Nhân dân Bảo thủ (1996 – 2004). Trong cả hai trường hợp thì các nguồn lực lớn hơn trong tay các chính phủ của các nhà nước dân tộc đã làm xuất hiện nhiều chiến dịch nhấn mạnh vào các yếu tố làm nên bản sắc dân tộc Canada và bản sắc dân tộc Tây Ban Nha hậu Franco. Các chiến dịch này đều phải đương đầu với các cuộc vận động thúc đẩy và cổ vũ cho tiếng Pháp và văn hoá Quebec ở Quebec và tiếng Catalan và văn hoá Catalan tại xứ Catalonia. Khi các chiến dịch này đạt đến đỉnh cao, người Quebec và người Catalan bị tác động bởi hàng loạt mô hình thông tin và văn hoá đối với trường hợp Quebec trước hết là thông qua truyền thông đại chúng Mỹ và ở Catalonia thông qua truyền thông đại chúng châu Âu được Mỹ hoá. Các dòng văn hoá khác nhau này có sức mạnh cũng khác nhau và đáng được xem xét cẩn thận. Đối với mục đích của chúng ta thì cần phải nhấn mạnh đến tính phức tạp của bối cảnh văn hoá mới do toàn cầu hoá gây ra và điều này thách thức như thế nào đến các mô thức truyền thống do nhà nước dân tộc sử dụng vào việc kiến tạo bản sắc dân tộc.

4.3. Bản sắc dân tộc và tư cách công dân

Toàn bộ quá trình chuyển dịch các tư tưởng về chủ quyền nhân dân thành quyền phổ thông đầu phiếu đòi hỏi một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ trong đó các tư tưởng của kỷ nguyên Ánh sáng bắt đầu một quá trình chậm nhưng có sức thuyết phục, và thẩm thấu vào nhiều trình độ khác nhau mà trước hết là các cấp giáo dục và sau đó là vào đại chúng tại nhiều quốc gia châu Âu. Việc đạt được các quyền công dân là không hề là một quá trình có thể được coi là dĩ nhiên, vì chúng ta có thể thấy sự đối lập giữa việc phòng vệ của nó trong một số phạm vi tri thức nhất định với sự kháng cự mạnh mẽ đối với nó dựa trên một phần thuộc các lĩnh vực thịnh hành của xã hội1.

Quyền công dân xác định một khác biệt rõ ràng giữa những người có quyền trực tiếp tham gia vào các quá trình quản trị và những người bị loại ra khỏi các quá trình đó. Ở phương Tây việc sự nhượng quyền thêm cho các công dân đặc biệt tăng nhanh sau Thế chiến II cùng với việc xác lập các mô hình nhà nước phúc lợi đa dạng trong các quốc gia khác nhau. Nhờ đó và nhờ sự tác động của toàn cầu hoá đối với sự phát triển của các thể chế quốc tế và siêu nhà nước, vai trò truyền thống của nhà nước dân tộc với tư cách là người trao quyền thượng thặng đã phải chịu thách thức bởi các thể chế chẳng hạn như Liên hợp quốc, và Liên minh châu Âu. Vì vậy một số học giả cho rằng một loại quyền công dân “hậu dân tộc” cùng tồn tại với “mô hình dân tộc” có thể xuất hiện tại châu Âu [Soysal 1994]. Hiện nay vẫn chưa rõ là mô hình mới này có sức mạnh tiềm tàng và sự phát triển rộng rãi đến mức nào trong tương lai.   

Trong năm mươi năm qua người ta chủ yếu nhấn mạnh đến các quyền con người và ở một mức độ nhất định được Liên hợp quốc đảm bảo. Định nghĩa về các quyền cụ thể được trao cho các công dân châu Âu hiện nay đã nhiều hơn rất nhiều. Nó thể hiện một bước tiến chủ yếu đột phá vào vị thế duy nhất của nhà nước – dân tộc với tư cách là những kẻ trao quyền và mở ra khả năng cho các công dân châu Âu, không thoả mãn với một số khía cạnh luật pháp của đất nước họ, nhằm kháng cáo lên các thể chế châu Âu bất cứ khi nào về các vấn đề liên quan đến các quyền đã được Liên minh châu Âu trao cho các công dân của nó. Tình huống đặc biệt này phản ánh một trạng thái thiếu hài hoà tổng thể giữa các bộ luật châu Âu và các định chế cũng như các bộ luật và các định chế của các quốc gia thành viên, và giải thích tại sao trong một số trường hợp quyền giải quyết của một số nước đã bị Toà án châu Âu gạt qua một bên.

Chẳng hạn người ta có thể cho rằng quyền công dân châu Âu một khi đã được xác định đầy đủ thì có thể thức sức giải quyết vấn đề lập pháp của các quốc gia thành viên châu Âu. Theo kịch bản chính trị mới này khi một số nhà dân tộc chủ nghĩa Scotland hoặc Catalan nắm giữ chính quyền thì họ sẽ tạo lập ý nghĩa cho Scotland hoặc Catalonia tìm kiếm độc lập trong chính Liên minh châu Âu, trong khi lại nới lỏng sợi dây liên kết chặt chẽ với Anh và Tây Ban Nha.

Cho đến bây giờ vị thế của nhà nước dân tộc với tư cách là người đảm bảo cho các quyền của các công dân của nó đã đóng góp cho việc củng cố khả năng của nó để làm cho thấm nhuần ý nghĩa bản sắc chung của dân tộc. Tuy nhiên sự bỏ mất vai trò truyền thống của nhà nước và sự thay thế bằng các thể chế siêu quốc gia đã đóng vai trò tiềm tàng trong việc làm yếu đi lòng trung thành của công dân với nhà nước. Ý thức thành tạo một nhóm có lịch sử, văn hoá và lãnh thổ chung đóng một vai trò cơ bản trong việc kiến tạo bản sắc dân tộc và có lẽ  là tình cảm gắn bó mạnh mẽ như vậy có thể không dễ dàng bị thay thế bởi địa vị thành viên của những thể chế chính trị lớn hơn như Liên minh châu Âu chẳng hạn. Nhưng lý lẽ này không đánh giá thấp một thực tế là không phải toàn bộ các công dân đều có chung một cường độ tình cảm gắn bó kết nối họ với các nhà nước dân tộc của họ. Về phương diện này cường độ tình cảm gắn bó của người Scots, người xứ Welsh, người Irish (ở Bắc Ireland), người Catalan, người Basques, người Flemish, người Quebecers, người Corsicans và người Bretons đối với các nhà nước dân tộc của họ đòi hỏi cần phải chú ý nhiều hơn. Chẳng hạn rất cần phải xem xét xem liệu việc trao quyền lớn hơn cho các dân tộc không có nhà nước chẳng hạn như xứ Catalonia kết hợp với việc củng cố quyền công dân châu Âu thực sự có thể góp phần vào việc làm suy yếu năng lực nhà nước trong việc làm thẩm thấu bản sắc dân tộc đồng nhất của toàn bộ các công dân của nó. Hơn nữa còn có thể đặt ra câu hỏi việc củng cố Liên minh châu Âu  có thể tác động ở mức độ nào đến mối quan hệ giữa các cấp độ bản sắc khác nhau.

4.4. Tìm cho được các kẻ thù chung mới

Một chiến lược thiết yếu trong việc tạo ra bản sắc dân tộc là việc thống nhất người dân nhằm chống lại một kẻ thù chung. Từ giai đoạn nền tảng của nó, các nhà nước dân tộc hầu như đều liên tục cam kết tham chiến. Các luận cứ kinh tế, chính trị, tộc người, tôn giáo, lãnh thổ đã được triệt để khai thác để biện minh cho cuộc chiến chống lại hàng loạt kẻ thù bên ngoài.

Các  cuộc chiến tranh đã góp phần truyền bá tư tưởng về dân tộc như một cộng đồng số phận. Bên cạnh đó, chúng cũng đã tạo ra các loại tình cảm cố kết hướng về tình cảm cùng là công dân của một dân tộc và hướng về lòng trung thành với nhà nước dân tộc. Nhưng trong khi tại một số vùng trên thế giới chiến tranh truyền thống tiếp tục vận hành như một công cụ thực tiễn để đối xử với các kẻ thù và góp phần vào việc sáng tạo ra một ý thức bản sắc dân tộc mạnh mẽ thì ở phương Tây sự vắng bóng của chiến tranh lại đặt ra một số vấn đề về việc kiến tạo bản sắc dân tộc như thế nào trong thời bình. Một câu trả lời khả dĩ cho câu hỏi này là chỉ ra sự xuất hiện của các loại hình kẻ thù mới ở bên trong và bên ngoài ranh giới lãnh thổ. Loại hình kẻ thù bên ngoài bao gồm các kẻ thù trừu tượng hơn chẳng hạn như sự đe doạ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa chính thống Hồi giáo, tội phạm có tổ chức hoặc các thảm họa sinh thái. Kẻ thù bên trong có thể bao gồm một thiểu số dân tộc, sắc tộc, người di cư, người tỵ nạn, và những kẻ tìm kiếm nơi lẩn trốn với tư cách là những nhóm vì nhiều lý do đều tiêu biểu cho “kẻ lạ”, “kẻ khác và nhìn chung đều thúc đẩy việc củng cố bản sắc dân tộc của nhà nước. Thông thường cộng đồng nhập cư đều kết thúc việc củng cố nhà nước dân tộc. Trong một số trường hợp chọn lọc, một số nhóm “người lạ” ấy được khắc hoạ thành bức chân dung của kẻ nắm giữ một mối đe doạ tiềm tàng đối với tính bền vững, trật tự, tài sản và/hoặc sự thịnh vượng của quốc gia – dân tộc. Một số hội đoàn và đảng chính trị sử dụng những loại lý lẽ này để biện minh cho lập trường của họ chống lại người di dân, người tỵ nạn và những người phải tìm nơi nương náu, trong khi đó đồng thời họ lại thể hiện một thái độ tiêu cực đối với việc tản quyền. Các lý lẽ cho lập trường ngoại trừ xã hội có cơ sở trên những khác biệt về dân tộc và sắc tộc có thể dẫn đến lòng hận thù kịch liệt bất cứ khi nào các tư tưởng phân biệt chủng tộc và tình cảm bài ngoại có cơ hội nổi lên.

Năm 2000, sự tham gia chính phủ Liên hiệp Áo của đảng Tự do Jorg Haider đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các chính phủ ở phần còn lại của châu Âu. Đảng của ông Haider thành công nhất thuộc số đại diện cực đoan nhất cho một dòng giống tương đối mới của các đảng thiên hữu châu Âu xử sự bằng các nguyên tắc dân chủ và dường như có chung một mối ác cảm sâu sắc đối với tính đa dạng sắc tộc đang phát triển của châu Âu. Các đảng này chia sẻ lập trường chống nhập cư và đã thu được sự ủng hộ to lớn ở nhiều quốc gia châu Âu, đảng Tự do ở Áo, Vlaams Blok ở Bỉ, Liên minh Dân tộc ở Ý, đảng Nhân dân ở Đan Mạch, và Phong trào Cộng hoà Dân tộc và Mặt trận Dân tộc tại Pháp. Tất cả các đảng này đều vẽ lên chân dung những người nhập cư như là một kẻ thù chung mà các dân tộc cần thống nhất lại để chống trả, và cho đến bây giờ họ đã cố gắng đạt được một sự phản ứng to lớn từ toàn bộ cử tri bằng cách xây dựng một chiến lược dựa vào việc vẽ ra các ranh giới giữa những ai “thuộc về” và những ai, theo quan điểm của họ, vẫn còn ở bên ngoài.

4.5. Truyền thông đại chúng và giáo dục

 Như chúng ta đã đề cập ở trên, các nhà nước dân tộc hậu truyền thống tích cực tìm các duy trì quyền kiểm soát truyền thông đại chúng dân tộc và tìm ra chỗ dựa quyết định cho việc tạo hình công luận. Vai trò của truyền thông đại chúng nói chung và loại hình bàu cử khác đã tỏ ra là có tính chất quyết định trong việc quyết định số phận của các đảng chính trị đối thủ, và đem lại tính chính đáng cho các chính sách và các hoạt động của nhà nước.

Thậm chí còn quan trọng hơn, giáo dục dân tộc tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định cộng đồng dân tộc và đem lại ý thức về tính liên tục và mục đích cho chính sự tồn tại của nhà nước dân tộc. Giáo dục dân tộc như Gellner [1983] đã thể hiện, trang bị cho các cá nhân ngôn ngữ và văn hoá giúp họ sống và làm việc trong một xã hội nhất định. Tầm quan trọng của việc kiểm soát các chương trình giảng dạy quốc gia đã trở nên rất rõ ràng khi nhà nước dân tộc lựa chọn các vấn đề sống còn chẳng hạn như: i) nội dung lịch sử dân tộc; ii) xem xét đưa các ngôn ngữ và các văn hoá các dân tộc thiểu số và các nhóm sắc tộc để tạo thành một bộ phận của văn hoá dân tộc; iii) lựa chọn tôn giáo nào nếu có, cần thiết phải giảng dạy cho sinh viên; và iv) các quốc gia, các dân tộc và các văn hoá khác cần phải được trình bày như thế nào.

Với tư cách là hệ quả của toàn cầu hoá nhà nước ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hệ thống giáo dục và tranh đấu để tăng mức độ kiểm soát đối với truyền thông đại chúng. Tuy nhiên đồng thời toàn cầu hoá còn có thể tạo ra các dòng thông tin liên tục cắt qua các ranh giới quốc gia. Có một mâu thuẫn cố hữu liên quan đến các hiệu ứng của toàn cầu hoá đối với năng lực của nhà nước trong việc áp đặt một hình ảnh đồng nhất về dân tộc. Đồng thời khi nhà nước có những phương tiện mạnh mẽ nhất để thực hiện một cách thành công việc đồng nhất hoá văn hoá cho toàn bộ công dân của nó thì việc phát triển các luồng thông tin toàn cầu lại ngăn cản mục tiêu của nhà nước và phá vỡ thế độc quyền đối với văn hoá và thông tin đại chúng. Luôn tồn tại tình trạng căng thẳng giữa hai hệ quả nảy sinh từ toàn cầu hoá đó. Vấn đề lại càng trở nên phức tạp khi người ta nhận ra rằng không phải tất cả các nhà nước đều có cùng một sức mạnh và các nguồn để trở thành tác nhân toàn cầu và không phải tất cả các thông tin và các dòng văn hoá bên ngoài đều có cùng một khả năng để trở thành người công dân thông thường trong những vùng khác nhau trên toàn thế giới. Hơn nữa vị thế và giai cấp xã hội của công dân quyết định sự khác nhau và chất lượng thông tin mà họ có thể tiếp cận; một số lượng công dân rất cơ bản vẫn duy trì được các ảnh hưởng sâu sắc bởi giáo dục quốc gia và hệ thống truyền thông đại chúng.

Một vấn đề có tính quyết định khi đề cập đến tác động của toàn cầu hoá đối với văn hoá là liệu chúng ta có vận động hướng đến một văn hoá toàn cầu thống nhất không, hoặc ngược lại, liệu toàn cầu hoá có củng cố quyền lực và thiên hướng bùng nổ các văn hoá riêng biệt không. Toàn cầu hoá trong lĩnh vực văn hoá vừa tạo điều kiện lại vừa câu thúc các hiện tượng liên quan. Về phương diện tạo điều kiện, chúng ta cần đề cập đến các khả năng chưa hề có tiền lệ cho việc mở rộng và tái sản xuất các văn hoá đặc thù do sự phát triển của các công nghệ mới tạo ra. Khía cạnh câu thúc liên quan đến sự khác biệt không thể chối cãi trong việc tiếp cận với các nguồn giữa các văn hoá khác nhau.

Bài viết này chỉ có thể phác thảo những chuyển hoá chủ yếu xảy ra bởi toàn cầu hoá cần được xem xét nhằm cố gắng phân tích các chiến lược chính được nhà nước dân tộc hậu truyền thống sử dụng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc. Chúng liên quan đến phương thức tạo dựng “hình tượng” dân tộc, làm biến đổi quá trình tham gia vào việc tái xác định các quyền và các bổn phận công dân, việc tạo ra những “kẻ thù chung” và việc phá vỡ thế độc quyền của nhà nước đối với hệ thống giáo dục dân tộc và truyền thông đại chúng.

5. Kết luận

Toàn cầu hoá đang làm chuyển hoá đầy kịch tính bối cảnh hoạt động chính trị và các lực lượng mà nhà nước dân tộc tái tạo một cách cơ bản bản chất của nó nhằm phản ứng lại những thách thức chưa hề có tiền lệ liên quan đến quyền lực và hoạt động chính trị thế giới. Nhà nước dân tộc không còn là trung tâm thống trị và quyền uy duy nhất, hơn nữa lãnh thổ của nó lại đang mất đi tính thích hợp với tư cách là một bộ khung cho đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Trong những năm gần đây, toàn cầu hoá đã góp phần làm chuyển hoá các điều kiện làm nền tảng cho việc xây dựng bản sắc dân tộc. Hiện nay một thách thức lớn nhất của nhà nước dân tộc liên quan đến tính chất cấp bách cho việc tái định nghĩa bản sắc dân tộc. Theo tôi nếu các nhà nước đó đáp ứng được các thách thức này thì các nhà nước châu Âu cần kiến tạo những gì có thể liên quan với tư cách là một bản sắc dân tộc “đa nguyên” mà bài viết muốn đề cập đến một loại bản sắc dựa trên một khái niệm về nhà nước đã được làm mới lại với tư cách là một thể chế dân chủ, hiệu quả trong việc giải quyết những rắc rối  hàng ngày của công dân có thể mở ra những không gian mới cho đối thoại, và sẵn sàng tạo điều kiện để tính đa dạng tộc người và dân tộc trở nên thích ứng trong các ranh giới của nó.

Thất bại ấy dẫn đến sự quá khích của chủ nghĩa dân tộc nhà nước với tư cách là một phản ứng dữ dội chống lại sức ép ngày càng tăng nhằm tăng tính khoan dung và thừa nhận tính đa dạng dân tộc và sắc tộc. Mặc dù có những nhà nước có thể vẫn cảm thấy bị cuốn theo con đường này, nhưng dường như nó lại là một chiến lược thiển cận bao gồm cả sự đối kháng ngoan cố không thừa nhận một thực tế là không còn chỗ cho loại hình “nhà nước dân tộc cổ điển” trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay. Thậm chí còn quyết liệt hơn, vì không còn bất cứ chỗ nào cho sự gắng sức ép buộc một bản sắc dân tộc duy nhất cho mọi công dân của nhà nước đó nếu như các nguyên tắc dân chủ còn có nghĩa là sự đồng thuận đang chiếm ưu thế.

Nhà nước dân tộc hậu truyền thống phải đối mặt với nhu cầu chấp nhận sự cố kết và nơi nào mà trước đó không tồn tại thì sự xuất hiện của vô số bản sắc khác nhau thể hiện bổn phận vùng cũng như bổn phận siêu quốc gia gắn kết chặt chẽ với sự xuất hiện của các loại hình cai trị đa lớp ở một cấp độ địa phương, vùng, dân tộc và siêu dân tộc.
_____________________________________


Nguồn: Guibernau, Montserrat 2004. National Formation and National Identity. The Revue Belge d’Histoire Contemporaine / Belgisch Tijdschrift voor Nieuwste Geschiedenis (Belgian Review of contemporary history) was founded in 1969 by professor Jan Dhondt, head of the Department of Contemporary History at Ghent University. BTNG/RBHC, XXXIV, 2004,4, pp.657-682.

Tác giả: Montserrat Guibernau, giáo sư, tiến sĩ chính trị học, Queen Mary University of London, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc, dân tộc tính, và bản sắc dân tộc Phương Tây. Hiện nay bà là đồng chủ biên của tạp chí Nations and Nationalism (Blackwell), thành viên Hội đồng Tư vấn của Hội nghiên cứu Dân tộc tính và Chủ nghĩa Dân tộc (the Association for the Study of Ethnicity and Nationalism (ASEN).

Chú thích:

1. Trong hầu hết các quốc gia châu Âu trước đây quyền bầu cử chỉ được giới hạn cho những nam công dân có một số tài sản nhất định - Nước Pháp năm 1830 có khoảng 30 triệu dân trong khi đó đã rất tự hào với lượng cử tri là 90.000 người. Nhưng tài sản, mặc dù là hạn chế chính đối với việc trao quyền bàu cử lại vẫn không phải là lý do duy nhất. Tôn giáo cũng có thể tước quyền bàu cử của một con người, nhất là nếu như anh ta là một người Thiên chúa giáo sống trong một quốc gia Tin lành, hoặc Do Thái giáo. Tại Anh, người Thiên chúa giáo phải chờ đợi cho đến tận năm 1829 và người Do Thái giáo đến tận 1858 mới có được quyền bàu cử. Quyền phổ thông đầu phiếu cho tất cả mọi người đàn ông hầu hết có được vào nhứng năm đầu của thế kỷ này, trong khi phụ nữ phải đợi lâu hơn. Tại Mỹ, quyền bàu cử bình đẳng giữa nam và nữ đạt được vào năm 1920. Tại Anh, chiến dịch đòi quyền bàu cử  là một cuộc tranh đấu đầy cam go và chỉ giành được thắng lợi sau Thế chiến I và phụ nữ được trao quyền bàu cử vì vai trò quyết định của họ trong chiến tranh. Phụ nữ ở Bỉ, Pháp, Ý, và Nhật đã phải đợi đến Thế chiến II mới có được quyền đó.


Tài liệu dẫn

Albrow M. 1996. The Global Age. Cambridge.

Aron R. 1976. Penser la Guerre – Clausewitz, Paris.

Boyer R. & D. Drache (eds.) 1996. States against Markets, London.

Cammilleri J.A. & J. Falk 1992. The end of Sovereignty? The Politics of a Shrinking and Fragmented World, Aldershot.

Castells M. 1996. The Rise of the Network Society, Oxford.

Dandeker C. (ed.) 1998. Nationalism and Violence, New Brunswick and London: Transaction. 

Gellner E. 1983. Nations and Nationalism, Oxford.

Giddens A. 1985. The Consequences of Modernity, Cambridge.

Guehenno J.M. 1995. The End of the Nation-State, Minneapolis.

Guibernau M. 1996. Nationalisms: the Nation – State and Nationalism in the Twentieth Century, Cambridge.

Guibernau M. 1999. Nations without State, Cambridge.

Guibernau M. 2004. Catalan Nationalism, London.

Guibernau M. & J. Hudchinson 2004. History and National Destiny, Oxford.

Held D. & et al., 1999. Global Transformations, Cambridge.

Hirst P. & G. Thompson 1999. Globalization in Question: The International Economy and the Possibilities of Governance, Cambridge.

Soysal Y. 1994. Limits of Citizenship: Migrants and Post-national Membership in Europe, Chicago IL,.   

Weber, Max 1991. Essays in Sociology. Edited by H. Gerth & Wright Mills, London.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét